Tải bản đầy đủ (.pdf) (126 trang)

Truyện ngắn Cao Duy Sơn từ góc nhìn văn hoá

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (867.73 KB, 126 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2

TRỊNH ĐÌNH LƯƠNG

TRUYỆN NGẮN CAO DUY SƠN
TỪ GÓC NHÌN VĂN HÓA

LUẬN VĂN THẠC SĨ
NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM

HÀ NỘI, 2016


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2

TRỊNH ĐÌNH LƯƠNG

TRUYỆN NGẮN CAO DUY SƠN
TỪ GÓC NHÌN VĂN HÓA
Chuyên ngành: Lí luận văn học
Mã số: 60 22 01 20

LUẬN VĂN THẠC SĨ
NGÔN NGỮ VÀ VĂN HÓA VIỆT NAM
Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp

HÀ NỘI, 2016



MỤC LỤC
MỞ ĐẦU .......................................................................................................... 1
1. Lý do chọn đề tài ........................................................................................... 1
2. Lịch sử vấn đề ............................................................................................... 2
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu ................................................................ 6
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ................................................................. 7
5. Phương pháp nghiên cứu............................................................................... 7
6. Đóng góp của luận văn .................................................................................. 8
7. Cấu trúc luận văn .......................................................................................... 8
Chương 1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ THUYẾT VỀ VĂN HÓA VÀ VÀI
NÉT VỀ NHÀ VĂN CAO DUY SƠN............................................................ 9
1.1. Khái niệm về văn hóa ................................................................................. 9
1.2. Mối quan hệ giữa văn hóa và văn học ...................................................... 11
1.3 Nghiên cứu văn học theo hướng văn hóa ................................................... 16
1.4 Đôi nét về văn hóa dân tộc Tày ở Cao Bằng ............................................ 19
1.5 Nhà văn Cao Duy Sơn............................................................................... 26
1.5.1 Cuộc đời ................................................................................................. 26
1.5.2 Sự nghiệp văn học .................................................................................. 29
Tiểu kết chương 1............................................................................................ 32
Chương 2. CON NGƯỜI VÀ BẢN SẮC VĂN HÓA TRONG TRUYỆN
NGẮN CAO DUY SƠN ................................................................................ 34
2.1 Vẻ đẹp tâm hồn và tính cách của con người đồng bào dân tộc thiểu số ... 34
2.1.1 Con người thủy chung, tình nghĩa.......................................................... 34
2.1.2 Con người mạnh mẽ, giàu sức sống ....................................................... 40
2.1.3 Con người với số phận bất hạnh ............................................................ 45
2.2 Vẻ đẹp của những phong tục, tập quán văn hóa ....................................... 52
2.3 Vẻ đẹp thiên nhiên mang đậm đấu ấn vùng đất cổ Cô Sầu ...................... 61


2.3.1 Thiên nhiên khắc nghiệt, dữ dội ............................................................. 61

2.3.2 Thiên nhiên thơ mộng, trữ tình .............................................................. 64
2.3.3 Thiên nhiên trong cuộc sống của con người .......................................... 67
Tiểu kết chương 2 .......................................................................................... 73
Chương 3. NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN CON NGƯỜI VÀ BẢN SẮC
VĂN HÓA TRONG TRUYỆN NGẮN CAO DUY SƠN........................... 74
3.1 Nghệ thuật xây dựng nhân vật .................................................................. 74
3.1.1 Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật ................................................ 74
3.1.2 Nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật ..................................................... 81
3.2. Nghệ thuật miêu tả đối lập ....................................................................... 87
3.2.1 Sự đối lập giữa cái xấu và cái đẹp ......................................................... 87
3.2.2 Sự đối lập giữa cái thiện và cái ác......................................................... 94
3.3. Ngôn ngữ nghệ thuật .............................................................................. 101
3.3.1 Ngôn ngữ giàu hình ảnh....................................................................... 101
3.3.2 Vận dụng lối nói so sánh, liên tưởng độc đáo ..................................... 105
3.3.3 Sử dụng ngôn ngữ Tày trong tác phẩm ................................................ 108
Tiểu kết chương 3 ........................................................................................ 111
KẾT LUẬN .................................................................................................. 113
TÀI LIỆU THAM KHẢO .......................................................................... 116


LỜI CẢM ƠN

Trước hết, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất tới
PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp - người thầy trực tiếp hướng dẫn, tận tâm dìu dắt,
chỉ bảo tạo điều kiện tốt nhất cho tôi trong suốt quá trình thực hiện luận văn
này.
Tôi xin chân thành cảm ơn các thầy cô trong tổ Lí luận văn học, các
thầy cô giáo khoa Ngữ văn, các thầy cô Phòng Sau đại học Trường Đại học
Sư phạm Hà Nội 2 đã giảng dạy, hướng dẫn, giúp đỡ tôi trong suốt quá trình
học tập, nghiên cứu.

Từ đáy lòng mình, tôi xin được cảm ơn, chia sẻ niềm vui này với gia
đình, bạn bè, đồng nghiệp - những người luôn ở bên tôi, giúp đỡ và động viên
kịp thời để tôi vững tâm nghiên cứu, hoàn thành luận văn.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng song do khả năng của bản thân và điều
kiện nghiên cứu còn hạn chế nên luận văn không tránh khỏi những thiếu sót,
khuyết điểm. Rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của quí thầy cô và
đồng nghiệp để chúng tôi rút kinh nghiệm và nâng cao hơn nữa trong quá
trình học tập và nghiên cứu.
Xin trân trọng cảm ơn !.
Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2016
Người viết luận văn

Trịnh Đình Lương


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan bản luận văn này do chính tôi nghiên cứu và thực
hiện dưới sự hướng dẫn trực tiếp của thầy PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp.
Những tư liệu được sử dụng trong luận văn là trung thực và chính xác,
không sao chép của bất kỳ ai, được trích dẫn và có tính kế thừa, phát triển từ
các tài liệu, tạp chí, các công trình nghiên cứu đã được công bố, các
Website… với sự trân trọng, biết ơn.
Kết quả nghiên cứu này không hề trùng khít với bất kì công trình
nghiên cứu nào từng công bố.
Nếu sai, tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2016
Tác giả luận văn


Trịnh Đình Lương


1
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Nhắc đến mảng đề tài dân tộc và miền núi, ngoài những cái tên đã
trở nên quen thuộc với bạn đọc như Tô Hoài, Nguyên Ngọc, Ma Văn Kháng,
Trung Trung Đỉnh,... thì Cao Duy Sơn cũng là một tên tuổi khá nổi bật trong
nền văn học Việt Nam. Để làm nên thành công đó, trong những trang viết của
ông luôn thấm đẫm bản sắc văn hóa của dân tộc Tày ở Cao Bằng. Nó là yếu tố
làm nên bản sắc riêng trong sáng tác của Cao Duy Sơn so với các nhà văn
khác. Có lần nhà văn đã tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên ở thị trấn Cô Sầu
(huyện Trùng Khánh, Cao Bằng). Đó là một thị trấn cổ rất nổi tiếng. Nghiệp
văn chương của tôi cứ bám lấy thị trấn Cô Sầu mà khám phá, viết mãi vẫn
chưa thấy đủ, chưa thấy thấu cái tầng sâu văn hoá tiềm ẩn ở vùng đất này.
Tôi viết như một sự trả nợ, trả nợ quê hương, trả nợ những người đã sinh ra
mình, bè bạn, xóm giềng... Cả đời tôi, sẽ vẫn là những cuộc khám phá về Cô
Sầu với những con người miền núi chân chất.” [18, 1]. Như vậy, có thể nói
tình yêu và bản sắc văn hóa độc đáo của mảnh đất Cô Sầu đã ngấm vào máu
thịt của Cao Duy Sơn để mỗi trang viết của ông luôn chứa đựng một chiều sâu
văn hóa lớn khiến người đọc bị lôi cuốn và thích thú khi tìm hiểu về nó.
1.2. Văn học và văn hóa có mối quan hệ mật thiết với nhau, văn học
chính là sự tự ý thức của văn hóa. Văn học chẳng những là một bộ phận của
văn hóa, chịu sự chi phối, ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa mà còn là một
trong những phương tiện tồn tại và bảo lưu văn hóa. Do vậy, khi nghiên cứu
văn học, chúng ta có thể nghiên cứu theo hướng văn hóa học. Đây là một
trong những khuynh hướng nghiên cứu đang diễn ra khá sôi động trên thế giới
và ở Việt Nam. Điều này đã tạo điều kiện cho việc khám phá văn học trở nên
phong phú và linh hoạt hơn, nhiều chân trời mới của văn học được mở ra.

1.3. Xuất phát từ những vấn đề lý thuyết và thực tiễn của văn học hiện


2
nay, đặc biệt là trong truyện ngắn Cao Duy Sơn có nhiều tầng vỉa văn hóa đặc
sắc cần được khai thác và tìm hiểu nên việc nghiên cứu truyện ngắn Cao Duy
Sơn từ góc độ văn hóa là một hướng đi khả quan và hứa hẹn sẽ mang lại
nhiều điều thú vị. Vì vậy, chúng tôi đã lựa chọn đề tài Truyện ngắn Cao Duy
Sơn từ góc nhìn văn hóa để nghiên cứu với mong muốn góp thêm một cách
khám phá mới về thể loại truyện ngắn của nhà văn này.
2. Lịch sử vấn đề
Trên văn đàn văn học Việt Nam, Cao Duy Sơn xuất hiện đầy ấn tượng
với đề tài dân tộc và miền núi. Với mảng đề tài này, nhà văn đã gặt hái được
những thành công nhất định và tạo ra được phong cách riêng cho mình. Chính
vì vậy, Cao Duy Sơn cùng tác phẩm của ông đã thu hút được khá nhiều sự
quan tâm của độc giả, những người yêu văn chương cũng như giới nghiên
cứu, phê bình văn học.
Đầu tiên, tập truyện ngắn Ngôi nhà xưa bên suối của ông đã gây được
tiếng vang lớn khi đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (2008). Có rất
nhiều ý kiến đánh giá, bàn luận xoay quanh tập truyện ngắn này. Tác giả
T.Luyến trong bài Ngôi nhà xưa bên suối - bức tranh sinh động về cuộc sống
của con người miền núi khẳng định: Đây là “tập truyện viết về cuộc sống của
những con người miền núi chân chất, mộc mạc, với những nét văn hóa đặc
trưng... Đọc tập truyện ngắn Ngôi nhà xưa bên suối độc giả sẽ có dịp tìm hiểu
thêm về những phong tục độc đáo của người dân ở thị trấn Cô Sầu” [29].
Chủ tịch Hội Nhà văn Hữu Thỉnh đã đánh giá cao về tập truyện này, đặc
biệt là về “chất” làm nên bản sắc dân tộc cho tập truyện: “Ngôi nhà xưa bên suối
của tác giả Cao Duy Sơn đem đến cho người đọc mảng sống đậm đặc, tươi ròng
về những con người miền núi, vừa cổ kính vừa hiện đại, mộc mạc, chân chất,
không để đánh mất mình trong những hoàn cảnh éo le, đau đớn” [61].

Tác giả Phan Chinh An trong bài viết Đi tìm vẻ đẹp của hoài niệm cũng


3
đề cập tới tập truyện ngắn. Ông cho rằng với tập truyện ngắn này, Cao Duy
Sơn đã “thực hiện một cuộc hành hương tinh thần tìm về những vẻ đẹp xưa
của núi Phja Phủ, của lũng Cô Sầu với ước mơ cháy bỏng “giới thiệu được
vùng quê nghèo khó ấy, ghi danh nó trong văn học”. Đến với Ngôi nhà xưa
bên suối, người đọc sẽ được “làm quen với những địa danh xa lạ như suối
Cun, Páo Lò, Âu Lâm, bản Niểng, Nhòm Nhèm, Háng Vài, Pác Gà, Cổ Lâu...
cảm nhận không khí, hương vị miền núi “rất Tày”. Cái không khí, hương vị
rất riêng ấy trước tiên lan tỏa trong nhiều tập tục tốt đẹp”, sau đó là ở “vẻ
đẹp tâm hồn và tính cách con người dân tộc Tày” [2].
Tiếp theo, có rất nhiều tác giả đã bày tỏ cảm xúc, ý kiến của mình về
nội dung trong các sáng tác của Cao Duy Sơn. Nhà văn Trung Trung Đỉnh
không giấu giếm được cảm xúc của mình khi đọc những truyện ngắn đầu tiên
của Cao Duy Sơn. Điều khiến ông nhớ mãi trong các tác phẩm ấy chính là
“cái không khí miền núi vừa mơ mơ màng màng lại vừa sâu hun hút bởi vẻ
đẹp của thiên nhiên quyến rũ con người ta, lôi kéo con người ta, nâng đỡ con
người ta từ chốn thâm nghiêm huyền bí của rừng già, hang thẳm, đến khi trở
về với cuộc sống tự nhiên, hồn nhiên của cộng đồng… Văn Cao Duy Sơn giàu
hình ảnh, giàu chất say của người say thiên nhiên” [35, 486]. Theo tác giả,
cái không khí miền núi này đã phần nào góp phần không nhỏ vào việc thể
hiện bản sắc dân tộc trong sáng tác của nhà văn.
Trong Luận văn Thạc sĩ Truyện ngắn về đề tài dân tộc miền núi phía Bắc
(qua các tác phẩm của Cao Duy Sơn, Đỗ Bích Thúy và Nguyễn Huy Thiệp),
Nguyễn Minh Trường đã đi sâu tìm hiểu hình tượng cuộc sống và con người
trong truyện ngắn của Cao Duy Sơn. Tác giả đã khẳng định: Với phong cách
riêng biệt, truyện ngắn Cao Duy Sơn “đã tạo nên những bức tranh sinh động,
phong phú về cuộc sống kì thú nơi thế giới sơn lâm..” [68].

Tác giả Sông Lam trong bài viết Cao Duy Sơn giọng văn nhẹ nhàng


4
mà sắc bén đã bàn tới sự phong phú của những phong tục tập quán trong toàn
bộ sáng tác của Cao Duy Sơn: “Từ các tiểu thuyết... đến các tập truyện ngắn...
ngòi bút của Cao Duy Sơn đã phác thảo nên những bức tranh sinh động về
cuộc sống ở vùng cao miền cao miền núi phía Bắc. Ở đó có những vỉa tầng
văn hóa truyền thống dân tộc dày đặc được hun đúc qua hàng trăm thế hệ. Đó
là các tục lệ cưới xin của người Tày, tục lấy tên con để gọi thay tên cúng cơm
của người mẹ, tục đi chợ tình vào dịp tháng Giêng để những đôi tình nhân
xưa được thổ lộ tâm tình, ôn lại kỉ niệm..., tục hát Khai vài xuân...” [24].
Nhà nghiên cứu văn học Lâm Tiến cũng đã phân tích và khẳng định cá
tính sáng tạo độc đáo của nhà văn Cao Duy Sơn: “Truyện của Cao Duy Sơn còn
hấp dẫn người đọc ở cách viết giàu cảm xúc, giàu hình tượng với cách cảm nhận
sự vật, hiện tượng tinh tế, chính xác, sắc sảo với những tình huống gay gắt, bất
ngờ. Với cách viết đó Cao Duy Sơn đã mang lại cho văn xuôi các dân tộc thiểu
số một cảm nhận mới mẻ về con người và cuộc sống của dân tộc.” [65]
Ngoài ra, còn rất nhiều bài viết, công trình nghiên cứu về nghệ thuật
trong truyện ngắn Cao Duy Sơn. Chẳng hạn, trong cuốn Tuyển tập văn xuôi
dân tộc và miền núi thế kỉ XX, tác giả Lâm Tiến đã chú ý tới nghệ thuật xây
dựng nhân vật của Cao Duy Sơn. Ông cho rằng: Trong sáng tác của nhà văn
này, “hình tượng con người lao động miền núi cao lớn, mạnh mẽ, khỏe
khoắn” được thể hiện “một cách cụ thể, sinh động, tinh tế như nó vốn có”.
Nhân vật của Cao Duy Sơn “thường có đời sống nội tâm phong phú, phức
tạp, mạnh mẽ, dữ dội nhưng lại lặng lẽ, kín đáo” [36, 12].
Tác giả Phạm Duy Nghĩa trong Luận án Tiến sĩ Văn xuôi Việt Nam hiện
đại về dân tộc và miền núi cũng quan tâm tới nghệ thuật xây dựng nhân vật của
Cao Duy Sơn. Anh cho rằng, so với nhân vật của Vi Hồng thì các nhân vật của
Cao Duy Sơn “phức tạp và đa diện hơn”. Nhiều nhân vật trong sáng tác của ông

“đều là những mảnh vụn đời tư với tất cả cái dở dang, bề bộn, phồn tạp của


5
cuộc đời”... Với những thăng trầm ở mọi thân phận, các nhân vật của Cao Duy
Sơn thiên về loại nhân vật số phận hơn là nhân vật tính cách, tuy là nhà văn vẫn
có ý thức tạo cho mỗi nhân vật một nét cá tính và ngôn ngữ riêng” [31, 115].
Còn tác giả Đinh Thị Minh Hảo trong Luận văn Thạc sĩ Đặc Điểm
truyện ngắn Cao Duy Sơn đã chỉ ra được một thế giới nhân vật “phân cực”
mà Cao Duy Sơn dựng lên trong sáng tác của mình. Tác giả luận văn khẳng
định: Đó là “một thế giới “phân cực” thiện - ác đối kháng và một kết thúc có
hậu. Trong thế giới ấy các nhân vật chính diện đẹp từ ngoại hình đến tâm
hồn. Các nhân vật phản diện lại xấu xa về nhân cách và dị dạng méo mó về
ngoại hình” [10].
Khi bàn về giọng điệu nghệ thuật trong các sáng tác của Cao Duy Sơn,
Lý Thị Thu Phương đã nhận xét: “Cái nhìn và giọng điệu Cao Duy Sơn vừa
chân thành, mộc mạc, vừa ấm áp, trữ tình” [39, 101]. Tác giả nhận ra giọng
điệu khẳng định ngợi ca qua các tập truyện của nhà văn, các nhân vật của ông
thường được miêu tả đẹp về tâm hồn, ứng xử, đặc biệt là vẻ đẹp nhân cách.
Bên cạnh đó, tác giả Đào Thủy Nguyên cũng đề cập đến vấn đề giọng
điệu: “Giọng văn trần thuật của Cao Duy Sơn thực sự gieo vui khi kể về
phong tục tập quán của dận tộc mình”... “Bên cạnh giọng điệu ngợi ca tự
hào, giọng điệu xót xa thương cảm cũng là biểu hiện của tình yêu quê hương
xứ sở. Yêu đất mẹ bao nhiêu, Cao Duy Sơn càng xót xa bấy nhiêu trước thực
trạng quê hương còn nhiều chua xót…” [33, 49]. Như vậy, tác giả đã chỉ ra
hai biểu hiện của giọng điệu trong truyện ngắn Cao Duy Sơn là giọng điệu
ngợi ca tự hào và giọng điệu xót xa thương cảm.
Về ngôn ngữ nghệ thuật, trong bài Ban mai có một giọt sương, Đỗ Đức
đã tập trung nói về tập truyện ngắn Ngôi nhà xưa bên suối. Tác giả nhận xét:
“Văn trong tập này của Cao Duy Sơn... không cầu kì, thoáng đọc còn cảm

thấy nó quềnh quàng vụng dại. Nhưng truyện nào cũng có những câu khiến


6
người ta giật mình về sự sắc sảo trong quan sát cuộc sống và gọi nó ra bằng
chính ngôn ngữ của người vùng mình”. Tác giả đánh giá “những câu văn đó
là những hạt ngọc lấp lánh” [13].
Nhà phê bình Lâm Tiến trong bài Cách thể hiện con người, cuộc sống
miền núi trong tác phẩm Cao Duy Sơn cũng rất quan tâm tới nghệ thuật sử
dụng ngôn từ trong sáng tác của Cao Duy Sơn. Ông cho rằng “Sự linh hoạt
trong cách viết của Cao Duy Sơn... thể hiện ở việc dùng ngôn ngữ văn chương.
Ông đã biết Tày hóa tiếng Việt trên cơ sở hiểu sâu sắc và thông thạo cả hai thứ
tiếng (Tày và Việt). Ông viết bằng tiếng Việt nhưng trong đó sắc thái Tày vẫn
thể hiện rõ. Trước hết là ở câu nói ngắn, gọn, rõ ràng, dễ hiểu. Điều đó rất gần
gũi với cách nói của người Tày, đồng thời cũng thể hiện một khẩu khí, một thái
độ sống rõ ràng, dứt khoát của họ. Ông biết điểm vào những trang viết những
chi tiết, những câu chữ, những từ đắt nhất, tiêu biểu, gần gũi gắn bó máu thịt
với người Tày mà tiếng Việt không biểu hiện được” [67].
Như vậy, điểm qua một số bài viết, công trình nghiên cứu và các bài
phê bình của nhiều tác giả về văn chương Cao Duy Sơn, chúng tôi nhận thấy
chưa có tác giả và công trình nào đi sâu nghiên cứu về truyện ngắn Cao Duy
Sơn từ góc độ văn hóa. Qua việc nghiên cứu về lịch sử vấn đề, trên cơ sở tiếp
thu, kế thừa có chọn lọc các kết quả nghiên cứu đi trước, chúng tôi mong
muốn trình bày những hiểu biết của mình về Truyện ngắn Cao Suy Sơn từ
góc nhìn văn hóa một cách hệ thống nhất. Hướng đi mới của luận văn là việc
đi tìm hiểu, cắt nghĩa truyện ngắn của nhà văn từ góc độ văn hóa để thấy được
bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo trong sáng tác của ông.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1 Mục đích nghiên cứu
Nghiên cứu đề tài này chúng tôi muốn chỉ ra mạch nguồn cảm hứng

mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và một số phương diện nghệ thuật thể hiện


7
bản sắc dân tộc trong sáng tác của Cao Duy Sơn.
3.2 Nhiệm vụ nghiên cứu
- Tổng hợp các khái niệm về văn hóa, mối quan hệ giữa văn hóa và văn học
- Tìm hiểu các dấu ấn văn hóa trong truyện ngắn Cao Duy Sơn để đưa
ra một cái nhìn mới, khám phá mới, từ đó khẳng định giá trị văn hóa, giá trị
nghệ thuật cũng như đóng góp của nhà văn cho văn xuôi dân tộc thiểu số Việt
Nam nói riêng và cho nền văn học Việt Nam hiện đại nói chung.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1. Đối tượng nghiên cứu
Thực hiện luận văn chúng tôi không khảo sát toàn bộ sáng tác của Cao
Duy Sơn mà tập trung vào truyện ngắn của ông. Trong quá trình tìm hiểu,
người viết đi sâu vào những yếu tố văn hóa, phương diện văn hóa để làm nổi
bật hướng nghiên cứu văn hóa học.
4.2. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi khảo sát của luận văn là các tập truyện ngắn của nhà văn Cao
Duy Sơn: Những đám mây hình người (2002); Những chuyện ở lũng Cô Sầu
(2003); Ngôi nhà xưa bên suối (2008); Hoa bay cuối trời (2008) trong mối
liên hệ với các hiện tượng văn hóa, văn học khác ngoài nó. Trong trường hợp
cần thiết, chúng tôi so sánh với các sáng tác khác của nhà văn cũng như một
số tác giả khác.
5. Phương pháp nghiên cứu
Thực hiện đề tài chúng tôi thực hiện đồng bộ các phương pháp sau:
- Phương pháp tiếp cận văn hóa học: Văn hóa học hình thành trên vùng
tiếp giáp của các tri thức xã hội, nhân văn về con người và xã hội. Nghiên cứu
văn hóa như một chỉnh thể toàn vẹn với một phạm vi rộng khắp, trong đó văn
hóa học văn học nghệ thuật như một tiểu hệ thống. Từ cái nhìn văn hóa, chúng

tôi sẽ tìm thấy mối quan hệ tương hỗ, biện chứng giữa văn hóa và văn học.


8
- Phương pháp nghiên cứu liên ngành: Để thực hiện đề tài này, luận văn
cần kết hợp phương pháp nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu văn hóa, nghiên cứu
dân tộc học… phương pháp nghiên cứu liên ngành sẽ giúp luận văn giải quyết
vấn đề cần nghiên cứu được thỏa đáng.
- Phương pháp tiếp cận thi pháp.
Ngoài ra chúng tôi sử dụng các thao tác nghiên cứu khác như thống kê,
phân loại, phân tích, khái quát, tổng hợp, so sánh và đối chiếu.
6. Đóng góp của luận văn
Nghiên cứu truyện ngắn Cao Duy Sơn từ góc nhìn văn hóa, luận văn
làm sáng rõ hơn, đầy đủ hơn về góc nhìn văn hóa được nhà văn thể hiện qua
truyện ngắn của mình, từ đó có cái nhìn toàn diện về những đóng góp của Cao
Duy Sơn trong văn học dân tộc thiểu số Việt Nam đương đại, đồng thời chỉ ra
mạch nguồn cảm hứng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và một số phương
diện nghệ thuật thể hiện bản sắc dân tộc trong sáng tác của Cao Duy Sơn.
7. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần Mở đầu, phần Kết luận và danh mục Tài liệu tham khảo, nội
dung chính của đề tài được triển khai thành 3 chương:
Chương 1: Một số vấn đề lý thuyết về văn hóa và vài nét về nhà văn
Cao Duy Sơn.
Chương 2: Con người và bản sắc văn hóa trong truyện ngắn Cao Duy
Sơn.
Chương 3: Nghệ thuật thể hiện con người và bản sắc văn hóa trong
truyện ngắn Cao Duy Sơn.


9

Chương 1
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ THUYẾT VỀ VĂN HÓA
VÀ VÀI NÉT VỀ NHÀ VĂN CAO DUY SƠN
1.1. Khái niệm về văn hóa
Văn hóa là một khái niệm mang nội hàm rộng lớn với rất nhiều cách
hiểu khác nhau, nó liên quan đến mọi mặt của đời sống vật chất và tinh thần
của con người. Văn hóa giữ một vị trí quan trọng trong quá trình đi lên của
bất cứ quốc gia, dân tộc nào. Do vậy mà UNESCO đã nhận định “văn hóa là
cội nguồn trực tiếp của phát triển xã hội, có vị trí trung tâm và đóng vai trò
điều tiết xã hội” [32].
Đã có hàng trăm bài viết, công trình nghiên cứu luận bàn về khái niệm
và định nghĩa về văn hoá, nhưng cho đến nay, người ta vẫn chưa đưa ra được
một khái niệm chung nhất. Hiện nay có hơn 300 định nghĩa về văn hóa và
dường như theo xu hướng phát triển của xã hội thì khái niệm này còn phát
triển và được bổ sung nhiều hơn nữa.
Theo Từ điển tiếng Việt, “Văn hóa là tổng thể nói chung những giá trị
vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử; là
những hoạt động của con người nhằm thỏa mãn nhu cầu của đời sống tinh
thần (tổng quát); là những kiến thức, tri thức khoa học (nói khái quát); là
trình độ cao trong sinh hoạt xã hội, biểu hiện của văn minh; là nền văn hóa
của một thời kỳ lịch sử cổ xưa, được xác định trên cơ sở một tổng thể những
di vật tìm thấy được có những đặc điểm giống nhau.” [59, 1406]
Cựu Tổng giám đốc Unessco Federico Mayor có đưa ra định nghĩa về
văn hoá: “Văn hoá phản ánh và thể hiện một cách tổng quát mọi mặt của
cuộc sống (của mỗi cá nhân và cả cộng đồng) đã diễn ra trong quá khứ cũng
như đang diễn ra trong hiện tại, qua hàng bao thế kỷ, nó đã cấu thành một hệ


10
thống các giá trị, truyền thống thẩm mỹ và lối sống mà dựa trên đó từng dân

tộc tự khẳng định bản sắc riêng của mình.” [32]
Nhà nghiên cứu Trần Ngọc Thêm cũng đưa ra khái niệm tương tự: “Con
người tồn tại trong môi trường văn hóa. Môi trường ấy thể hiện trong không
gian và qua thời gian. Cuộc sống trong ta và quanh ta thấm đẫm chất men của
không gian văn hóa. Cha ông ta, bản thân ta, rồi con cháu ta, sinh ra trong văn
hóa, sống trong văn hóa và chết đi trong thời gian văn hóa. Tất cả những cái ta
đã biết, liên quan đến con người thuộc về văn hóa, tất cả những gì chúng ta còn
chưa biết liên quan đến con người cũng thuộc về văn hóa.” [60, 1].
Còn nhà nghiên cứu văn hóa Phan Ngọc cho rằng cần phải có một định
nghĩa thao tác luận về văn hóa. Vì vậy, ông đã dày công phân tích, nghiên cứu
để đưa ra một khái niệm văn hóa mang tính tổng quát nhất: “Văn hóa là mối
quan hệ giữa thế giới biểu tượng trong óc một số cá nhân hay một tộc người
với cái thế giới thực tại ít nhiều đã bị cá nhân này hay tộc người này mô hình
hóa theo cái mô hình tồn tại trong biểu tượng. Điều biểu hiện rõ nhất chứng
tỏ mối quan hệ này, đó là văn hóa dưới hình thức dễ thấy nhất, biểu hiện
thành một kiểu lựa chọn riêng của cá nhân hay tộc người, khác các kiểu lựa
chọn của các cá nhân hay tộc người khác” [32,19].
Tháng 7 năm 1982, Hội nghị quốc tế về Văn hóa ở Mehico đã thống
nhất đưa ra một định nghĩa về văn hóa như sau: “Trong ý nghĩa rộng nhất,
văn hóa là tổng thể những nét riêng biệt về tinh thần và vật chất, trí tuệ và
xúc cảm quyết định tính cách của một xã hội hay của một nhóm người trong
xã hội. Văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những
quyền cơ bản của con người, những hệ thống các giá trị, những tập tục và tín
ngưỡng”. Khái niệm này vừa nói đến văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần,
vừa nói đến hệ giá trị và đặc biệt là nêu lên “những nét riêng biệt… về văn
hoá của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội” [32].


11
Từ định nghĩa trên ta có thể thấy văn hóa là một hiện tượng khách

quan, là tổng hoà của tất cả các khía cạnh bao quanh con người, tồn tại hữu
thức và cả vô thức trong mỗi chúng ta. Ngay cả những khía cạnh nhỏ nhất
của cuộc sống cũng mang dấu hiệu văn hóa. Tất cả những yếu tố thuộc về
con người, mang dấu ấn của con người đều là văn hóa. Bất kỳ một lĩnh vực
nào cũng nằm trong văn hóa.
1.2. Mối quan hệ giữa văn hóa và văn học
Có thể thấy văn học là nghệ thuật dùng ngôn từ, hình tượng để thể hiện
đời sống và xã hội con người. “Văn học ở thời nào cũng phải đặt trong cấu
trúc tổng thể của văn hoá, nhưng ở ta xem xét văn học và tiếp cận văn học từ
góc độ văn hóa hiện nay vẫn là vấn đề hết sức mới mẻ. Trước đây, văn học và
văn hóa bị xem xét một cách biệt lập do người ta quan niệm văn học có đặc
trưng loại biệt. Bây giờ đặc trưng loại biệt không phải là không còn, nhưng
trong nhiều cách tiếp cận thì cách tiếp cận văn học từ góc độ văn hoá đang
cho thấy đây là một hướng tiếp cận có hiệu quả. Cách tiếp cận này xem văn
học như một thành tố trong cấu trúc của tổng thể văn hóa, nó truyền tải, lưu
giữ được những giá trị văn hoá” [62, 3]. Trong lịch sử văn học của bất cứ
quốc gia nào cũng tồn tại mối quan hệ giữa văn hóa và văn học. Đó là một
mối quan hệ hai chiều khăng khít không thể tách rời. Ở đây chúng tôi muốn
khẳng định thêm một lần nữa mối quan hệ đó, để có thể thấy hướng tiếp cận
tác phẩm văn học từ góc nhìn văn hóa là cần thiết.
Có một thời kì văn hóa, văn học được đặt ở vị trí ngang bằng, “được
coi là quan hệ tương hỗ”, tức là nghiên cứu văn hóa thì dùng văn học làm tư
liệu, còn nghiên cứu văn học lại dùng văn hóa để soi chiếu. Gần đây, sau khi
Unesco phát động những thập kỷ phát triển văn hóa cùng với thay đổi nhận
thức văn hóa, các công trình của M.Bakhtin được giới thiệu, các nhà nghiên
cứu đã thống nhất văn hóa là nhân tố chi phối văn học. Văn hóa trở thành một


12
hướng nghiên cứu hiệu quả. Đã có một số tác giả đi theo hướng nghiên cứu

này: Trần Đình Hượu, Trần Ngọc Vương, Đỗ Lai Thúy, Trần Nho Thìn…
Tác giả Đỗ Lai Thúy khẳng định: “Văn hóa là một tổng thể, một hệ thống bao
gồm nhiều yếu tố, trong đó có văn học. Như vậy, văn hóa chi phối văn học với
tư cách là hệ thống chi phối yếu tố, toàn thể chi phối bộ phận. Đây là quan hệ
bất khả kháng. Tuy nhiên, văn học so với các yếu tố khác là một yếu tố mạnh
và năng động. Bởi thế, nó luôn có xu hướng đi trượt ra ngoài hệ thống. Trong
khi đó hệ thống, nhất là hệ thống văn hóa, luôn có xu hướng duy trì sự ổn
định. Như vậy, sự xung đột, sự chống lại của văn học đối với văn hóa là
không thể tránh khỏi, nhờ thế mà văn học có sáng tạo. Sáng tạo những giá trị
mới cho bản thân nó và cho hệ thống. Sáng tạo lớn thì có thể dẫn tới sự thay
đổi của hệ thống” [62, 3].
Chúng ta có thể khẳng định văn hóa chính là chất liệu để văn học sáng
tạo nên thế giới nghệ thuật của mình, là “sân khấu” để văn học có thể thể hiện
nổi bật các giá trị của mình. Mặt khác, văn học lại phản ánh văn hóa, tái tạo
mô hình văn hóa qua thế giới nghệ thuật. Chúng ta cũng không thể phủ nhận
vai trò của văn học trong việc định hướng cho phát triển văn hóa.
Văn hoá dân gian Việt Nam phong phú, đa dạng. Ta có thể thấy điều
đó qua sân khấu dân gian, tranh dân gian, âm nhạc… rõ nhất là ở văn học
dân gian. Có thể nói, văn học dân gian chính là nơi bảo lưu văn hóa đầy đủ
nhất. Nhưng sân khấu dân gian đang dần bị lấn át bởi các loại hình nghệ thuật
hiện đại, các làng nghề tranh dân gian đang dần lụi tàn, các giai điệu dân gian
ngày càng ít người biết đến thì văn học dân gian vẫn ghi đậm dấu ấn trong
tâm thức người Việt. Ở đó người Việt tìm được cội nguồn của mình, tìm được
đầy đủ những nét văn hóa đẹp đẽ của dân tộc. Không biết từ bao giờ văn hoá
đã trở thành “nguồn sữa”, chất liệu cho văn học “lớn lên”. Ta có thể bắt gặp
tục ăn trầu qua truyện cổ tích Trầu cau hay tục làm bánh trưng, bánh dầy ngày


13
tết qua Sự tích bánh trưng bánh dầy. Như vậy, các phong tục tập quán, các

yếu tố văn hóa được đưa vào văn học, làm đề tài cho văn học, bảo lưu trong
văn học. Mặt khác, văn học lại lý giải các giá trị văn hoá, đồng thời bảo lưu
chúng trong trường kỳ lịch sử. Nhờ vậy mà nhiều giá trị văn hóa đã chiến
thắng được thời gian đến tận bây giờ.
Văn hoá thời kỳ phong kiến cũng được phản ánh sâu sắc qua các sáng
tác văn học. Chúng ta có thể thấy được hào quang của các triều đại phong
kiến qua các tác phẩm văn học, thấy được lịch sử qua các trang sách, thấy
được cha ông ta đã sống ra sao, chiến đấu thế nào… trong hàng nghìn năm
dựng nước và giữ nước. Qua văn học, chúng ta có thể thấy được bức tranh
văn hóa của dân tộc qua từng thời kỳ lịch sử. Tuy nhiên, văn học không thể
phản ánh trực tiếp được văn hoá: “...mà chỉ có thể phản ánh thông qua “lăng
kính” văn hóa, thông qua “bộ lọc” của các giá trị văn hóa. Nhờ thế mà tránh
được sự phản ánh “gương”, phản ánh một cách trần trụi. Và, có lẽ, cũng nhờ
thế mà tạo cho văn học một lối phản ánh đặc trưng, phản ánh như người ta
nói, có nghệ thuật” [62, 3].
Có người cho rằng, chúng ta có thể tìm thấy văn hóa qua sử sách, thậm
chí còn rõ hơn văn học. Chúng ta có thể biết người xưa ăn gì, mặc gì, sinh hoạt
ra sao một cách cụ thể. Đây là điều không cần bàn cãi nhưng cũng chỉ là một
phần, bởi khái niệm văn hóa có nội hàm rất rộng. Sử học có thể tái hiện được
những giá trị văn hóa cụ thể nhưng còn những giá trị phi vật chất. Đó là điều
khó có thể dựng lại được nếu chỉ qua một mảnh gốm, một lưỡi cày hay lưỡi
cuốc. Chẳng hạn như tinh thần yêu nước, tư tưởng nhân đạo. Đó là những
truyền thống văn hóa quý giá chỉ có thể thấy được rõ nhất qua hình tượng nghệ
thuật văn học. Đó là khả năng phản ánh tuyệt vời của văn học nếu chỉ miêu tả
bằng ngôn ngữ thông thường khó có thể thuyết phục được. Mặt khác, có những
yếu tố văn hóa từ lâu đã không còn nữa, thời gian đã xoá nhoà nó đi mà sử học


14
cũng không sao tạo dựng lại được, lúc đó họ phải tìm đến các tác phẩm văn

thơ. Đó không phải là điều ngẫu nhiên bởi từng có thời kỳ văn sử bất phân.
Nhờ các sáng tác đó mà các “ẩn số” lịch sử văn hoá được giải mã.
Văn hoá của thời kỳ nào cũng có những chuẩn mực riêng, là thước đo
cái đẹp của thời kỳ đó. Ví dụ như thời trung đại coi áo the, khăn xếp là đẹp,
còn người hiện đại lại coi quần jeans, áo phông… là hợp mốt. Như vậy, nếu
không hiểu văn hoá ăn mặc của mỗi thời kỳ, lại đem cái chuẩn này đánh giá
cái chuẩn kia sẽ sai lầm. Như vậy, khi thưởng thức một tác phẩm văn học,
người đọc cũng phải hiểu môi trường văn hóa tác phẩm ấy hình thành mới có
thể thấy được cái hay, cái đẹp của nó. Bởi vậy mới nói văn hóa là “chìa khoá”
để đi vào thế giới văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung. Chỉ đơn cử như
việc tìm hiểu văn học nước ngoài, nếu chúng ta không hiểu văn hóa của họ
(tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, quan niệm thẩm mĩ…), chúng ta sẽ không
hiểu được văn học của họ. Ví dụ việc tìm hiểu văn học Nhật Bản, chí ít chúng
ta cũng phải biết đến văn hoá Trà đạo, Kiếm đạo hay tinh thần Samurai của
họ. Để cho nhân vật ngồi uống tách trà ngắm hoa anh đào nở phải hiểu nhân
vật ấy đang thư thái, tâm tĩnh như mặt nước mùa thu. Hay một võ sĩ nếu thua
cuộc tại sao phải mổ bụng tự sát? Đó là quan niệm về danh dự của người võ
sĩ, nếu không biết văn hoá của họ có thể đánh giá sai lầm.
Mỗi dân tộc đều có văn hóa riêng, nghiên cứu văn học không thông qua
văn hóa sẽ dẫn đến những nhận định sai lầm, phiến diện. Trong các tác phẩm
của nhà văn Hồ Anh Thái gần đây, như cuốn Đức Phật, nàng Savitri và tôi,
ngập tràn một màu sắc Phật giáo cũng như phong tục tập quán của người Ấn
Độ. Nếu chúng ta không hiểu về văn hóa Ấn Độ, đặt tác phẩm trong môi
trường đó thì chắc chắn người đọc không thể đánh giá hết được giá trị của nó,
như tại sao các đền đài ở đây lại khắc hình nam nữ giao hoan, tại sao nhà văn
lại để giáo lý nhà Phật bên cạnh Kama Sutra Dục lạc kinh? Một vấn đề nữa về


15
lý thuyết cần phải tìm hiểu, văn hóa không chỉ là vật chất hiện hữu, còn là

những yếu tố tinh thần. Những yếu tố tinh thần này không những thuộc về ý
thức, còn thuộc về vô thức. Ở đây người viết muốn nhắc tới Tâm phân học
của C. G. Jung. Ông đã tự tìm cho mình một hướng đi riêng khi chia vô thức
con người thành ba tầng:
- Ý thức là phần nhô lên trên mặt nước của hòn đảo.
- Phần chìm dưới nước là vô thức cá thể.
- Cắm sâu dưới đáy biển là vô thức tập thể.
Ông cho rằng vô thức tập thể là những yếu tố ẩn sâu trong tâm lý con
người, do những dấu ấn nguyên thủy của cộng đồng chi phối. Như đã nói ở
trên, những gì thuộc về con người đều là dấu ấn văn hóa. Bởi vậy khi tìm hiểu
văn học theo hướng này, chúng ta cũng không thể không khảo sát tới các yếu tố
tâm lý thuộc về vô thức. Không chỉ vậy, mối quan hệ giữa văn hóa và văn học
còn thể hiện ở khả năng điều chỉnh văn hóa của văn học. Có thể nói, văn hóa
phát triển theo từng thời kỳ lịch sử. Ở đó có những giá trị vẫn trường tồn, có
những giá trị đã mất đi hay gần bị mất đi. Đó là sự “thanh lọc” của thời gian.
Thời gian lưu lại những gì đẹp đẽ và “phủ bụi” lên những gì không còn phù
hợp. Sự “thanh lọc” ấy một phần nhờ vào vai trò của văn học. Chẳng hạn như
tác phẩm Vang bóng một thời của tác giả Nguyễn Tuân. Trước những cách
sống đẹp, tao nhã như uống trà, thưởng hoa, thả thơ… đang dần mất đi cùng sự
suy tàn của triều đại phong kiến, nhà văn đã dùng văn học để bảo lưu nó. Như
vậy, những nét văn hóa đó sống cùng tác phẩm của ông để nhắc nhở chúng ta
về một thời quá khứ vàng son, sống mãi cùng tâm thức người Việt. Một tác
phẩm được đánh giá là “kỳ thư” như Tôtem sói (Khương Nhung) cũng thể hiện
rất rõ điều này. Có lẽ với nhiều nước trên thế giới thì văn hóa du mục và loài
sói thảo nguyên vẫn còn rất xa lạ. Chúng ta không biết rằng nền văn hóa đó
đang dần bị biến mất bởi sự phát triển của đô thị, của khoa học hiện đại. Tác


16
giả Khương Nhung bằng tác phẩm của mình đã giới thiệu cho bạn đọc thế giới

về điều đó. Nó như một tiếng chuông cảnh tỉnh chúng ta về sự lụi tàn của văn
hóa du mục, sự biến mất của loài sói thảo nguyên, rộng hơn nữa là sự xói mòn
của nhiều nền văn hóa trong cuộc sống hiện tại. Nói cách khác, tác phẩm văn
học qua việc phản ánh văn hóa đã tác động vào tình cảm con người, để qua đó
điều chỉnh cách sống, cách ứng xử với văn hoá, điều chỉnh hành vi, lối sống
văn hóa của con người. Tác phẩm để lại trong lòng người đọc nhiều cảm xúc,
nhiều tri thức. Tiếng sói tru dưới ánh trăng ám ảnh mỗi người. Bàn về điều này,
tác giả Đỗ Lai Thuý cũng khẳng định: “Văn học không thể có ảnh hưởng tức
thời, trực tiếp đến hành động của con người mà chỉ có thể tác động đến con
người với tư cách là chủ/ khách thể của văn hoá, làm cho con người biến
chuyển rồi mới phát sinh hành động cụ thể” [62, 3].
Bàn về mối quan hệ giữa văn hoá và văn học, chúng tôi muốn giải thích
tại sao hướng nghiên cứu tác phẩm văn học dưới góc nhìn văn hóa là cần thiết
và đúng đắn. Với những gì đã trình bày ở trên, chúng tôi có thể khẳng định,
nhiều tác phẩm văn học nếu chỉ tìm hiểu ở bình diện đạo đức, thẩm mĩ… thì
chưa thể khám phá được hết những giá trị của nó.
1.3 Nghiên cứu văn học theo hướng văn hóa
Nghiên cứu văn học theo hướng văn hóa học từ lâu trên thế giới đã vô
cùng đa dạng và phong phú. Có rất nhiều cách để đi vào tác phẩm thông qua
các môi trường văn hóa và từ các phương diện văn hóa được phản ánh vào tác
phẩm văn học qua các hình tượng văn học. Trên cơ sở tổng hợp của người
viết, về cơ bản, chúng ta có những hướng chính sau đây:
Thứ nhất, định hướng nghiên cứu thi pháp văn hóa, bao gồm thi pháp
đối thoại, thi pháp Cácnavan kiểu M. Bakhtin, nghiên cứu mẫu gốc huyền
thoại kiểu Northrop Frye, trần thuật lịch sử kiểu H. White, so sánh văn loại
học kiểu E.Miner, phê bình văn hoá kiểu F. Jameson… Về cơ bản, hướng


17
nghiên cứu này tập trung tìm hiểu, khám phá các dấu hiệu văn hóa trong hình

thức tác phẩm văn học. Chẳng hạn như việc nghiên cứu “cổ mẫu” (Archetype)
là hướng nghiên cứu tập trung vào những biểu tượng văn hóa ảnh hưởng trong
vô thức cộng đồng xuất hiện trong sáng tác văn học. Mục đính của thao tác này
như C.G. Jung đã từng tuyên bố: “Nỗi buồn sáng tạo dẫn đưa nghệ sĩ đi vào bề
sâu cho tới khi nó tìm thấy trong vô thức mình cái nguyên tượng có khả năng
bù đắp lại cao nhất sự tổn thất và què quặt của tinh thần hiện đại” [21]. Nói
cách khác, việc tìm hiểu cổ mẫu chính là tìm về cõi vô thức nơi động lực thôi
thúc nhà văn viết và ảnh hưởng của nó tới việc xây dựng tác phẩm thông qua
những biểu tượng văn hóa. Hay hướng nghiên cứu thi pháp đối thoại kiểu
Bakhtin cũng nhằm khám phá bề sâu tác phẩm trong mối quan hệ đối thoại
với các văn bản khác trong đó có văn bản văn hóa. Ở đây người viết muốn
nhấn mạnh thêm một vấn đề: đấy chính là quan niệm của văn học đương đại
coi văn bản không đơn thuần là một quyển sách hay tờ giấy cụ thể nữa mà còn
bao gồm những gì thuộc về ý thức, tinh thần. Nói như vậy văn hóa cũng được
coi là một văn bản mà văn học trong tính đối thoại của nó cần có mối quan hệ
chặt chẽ để nhằm kêu gọi tối đa ý nghĩa. Tính đối thoại này trong biểu hiện
của nó cũng ảnh hướng tới việc xây dựng, kết cấu tác phẩm.
Thứ hai, nghiên cứu mối quan hệ văn học với các truyền thống văn hóa,
chẳng hạn văn học với Nho học, Đạo học, Phật học, văn hóa với thi ca, văn
hóa với tư duy tiểu thuyết, sinh thái tinh thần với thể loại phóng sự… Mối
quan hệ văn học với chính trị được nghiên cứu dưới góc độ văn học với văn
hóa chính trị, văn học với các thiết chế văn học như nghị quyết về văn học,
phê bình văn học, tổ chức văn học, báo chí… Hướng nghiên cứu này tập
trung việc đưa văn học vào môi trường văn hóa với những phong tục, tập
quán, tư tưởng, tín ngưỡng… Từ xưa đến nay văn học cũng như tác giả luôn
đứng trong một nền văn hóa nào đấy, theo đuổi hay chịu ảnh hưởng của một


18
vài học thuyết, tư tưởng. Cho nên khi khám phá văn bản, chúng ta cũng phải

đi sâu vào những phương diện đó để khám phá những biểu hiện cũng như
dụng ý nghệ thuật của tác giả. Việc biệt lập tác phẩm văn học với các yếu tố
khác như một “hòn đảo cô độc” đã cho thấy sự bế tắc trong nghiên cứu, bởi
chỉ đi sâu vào từng câu chữ trong một số lượng tác phẩm hạn chế đã dần cạn
đi ý nghĩa. Mở rộng tác phẩm sang nhiều lĩnh vực cũng phù hợp với xu thế
thời đại và có triển vọng hơn.
Thứ ba, nghiên cứu “văn học đại chúng”. Nhiều hiện tượng văn học
trước đây bị coi là văn học đại chúng, thông tục, không được nghiên cứu nay
bắt đầu được tìm hiểu, chẳng hạn tiểu thuyết Kim Dung, các truyện ma... Có
thể nói trước kia với quan niệm cũ coi nhẹ tính giải trí của văn học, các thể
loại trên chỉ được coi là “cận văn học” thì ngày nay do xu thế thời đại, sự thay
đổi quan niệm cũng như sức hút của văn hóa giải trí, dòng văn học này đã
được coi là văn học chính thống. Trên thế giới có rất nhiều nhà nghiên cứu,
nhiều công trình viết về các sáng tác của Kim Dung. Họ nhận thấy ở đó không
chỉ là những yếu tố giải trí đơn thuần mà thể hiện nhiều quan niệm triết học
sâu sắc cũng như mở ra một thế giới văn hóa phong phú, có ảnh hưởng mạnh
mẽ đến hình thái ý thức cộng đồng. Chúng ta có thể hình dung một bộ phận
ngôn ngữ truyện kiếm hiệp tồn tại trong đời sống của giới trẻ bởi những nhân
vật trong thể loại này luôn có sức hấp dẫn lớn, thậm chí trở thành thần tượng
đối với xã hội. Ở Việt Nam hướng nghiên cứu này vẫn chưa thật sự cởi mở.
Ngoài một số bài viết của nhà “Kim Dung học” Vũ Đức Sao Biển, chúng ta
vẫn chưa thật sự mạnh dạn trong hướng nghiên cứu này.
Do năng lực còn hạn chế, chúng tôi mới chỉ tìm hiểu sơ lược một số
cách tiếp cận văn học từ góc nhìn văn hóa, bởi đây là một hướng nghiên cứu
khá rộng và phức tạp. Sự phân chia này cũng chỉ mang tính chất tương đối
bởi trong thực tế khuynh hướng này sẽ có sự đan xen với khuynh hướng kia.


19
Tuy nhiên, chúng tôi chọn khuynh hướng nghiên cứu thứ nhất để thực hiện đề

tài của mình. Thêm vào đó trong quá trình vận dụng lý thuyết để nghiên cứu
đối tượng của mình, chúng tôi sẽ cố gắng áp dụng một cách linh hoạt nhất,
sao cho phù hợp với đối tượng mà mình đang tìm hiểu.
1.4 Đôi nét về văn hóa dân tộc Tày ở Cao Bằng
Dân tộc Tày có khoảng 1.500.000 người, đông nhất trong các dân tộc
thiểu số nước ta, là một cộng đồng thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái. Dân tộc
Tày còn có tên gọi khác là Thổ và bao gồm cả các nhóm: Ngạn, Phén, Thu
Lao, Pa Dí. Phần đông người Tày cư trú ven các thung lũng, triền núi thấp ở
các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Lào Cai, Quảng Ninh
và một số vùng thuộc Bắc Giang vv... Người Tày có một nền nông nghiệp cổ
truyền khá phát triển với đủ loại cây trồng như lúa, ngô, khoai... và rau quả
mùa nào thức đó.
Bản của người Tày thường ở chân núi hay ven suối. Tên bản thường
gọi theo tên đồi núi, đồng ruộng, khúc sông. Mỗi bản có từ 15 đến 20 nóc
nhà. Bản lớn chia ra nhiều xóm nhỏ. Gia đình người Tày thường quí con trai
hơn và có qui định rõ ràng trong quan hệ giữa các thành viên trong nhà. Vợ
chồng yêu thương nhau, ít ly hôn. Đã từ lâu không còn tục ở rể.
Thờ cúng tổ tiên là nghi lễ tôn giáo hàng đầu của người Tày. Nơi thờ tổ
tiên chiếm vị trí trung tâm, tôn nghiêm nhất trong nhà. Chiếc giường trước
bàn thờ để không, khách lạ không được ngồi, nằm lên đó. Ngoài ra, có những
điều kiêng kị như không đặt chân lên khúc củi đang cháy trong bếp lửa hay
đặt chân lên thành bếp. Những người đi đám ma về chưa tắm rửa sạch sẽ
không được nhìn vào gia súc, gia cầm.
Nhà ở của người Tày Cao Bằng Những thường là nhà sàn, nhà đất mái
lợp cỏ gianh và một số vùng giáp biên giới có loại nhà phòng thủ. Trong nhà
phân biệt phòng nam ở ngoài, nữ ở trong buồng. Phổ biến là loại nhà đất 3


×