Cội nguồn văn hoá dân
tộc trong truyện ngắn
Cao Duy Sơn
Trong "tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu" của nền văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam
hiện đại, sáng tác của Cao Duy Sơn có một vẻ riêng, đẹp và hấp dẫn. Bước chân vào thế
giới nghệ thuật của anh, ta sẽ bắt gặp hồn dân tộc, bản sắc dân tộc người miền núi qua
những câu chuyện đầy tính nhân văn. Có lẽ đó là lí do chính giải thích vì sao anh lại "có
duyên" với nhiều giải thưởng văn chương đến thế. Cầm bút hơn hai chục năm, anh đã có
trong tay những giải thưởng văn chương có giá trị: Giải A Văn học dân tộc thiểu số của Hội
Nhà văn Việt Nam năm 1993, Giải nhì Hội Hữu nghị văn hóa Việt - Nhật năm 1993 với
tiểu thuyếtNgười lang thang; Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1997 với tập
truyện Những chuyện ở lũng Cô Sầu; Giải B Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số
Việt Nam năm 2003 với tập truyện Những đám mây hình người; Giải A của Hội Văn học
nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2006 với tiểu thuyết Đàn trời. Và tập truyện
ngắn Ngôi nhà xưa bên suối của anh nhận 2 giải thưởng lớn: Giải thưởng của Hội Nhà văn
Việt Nam năm 2008, Giải thưởng văn học Đông Nam Á năm 2009.
Cao Duy Sơn thuộc thế hệ thứ hai trong đội ngũ các nhà văn dân tộc thiểu số Việt
Nam hiện đại. Anh viết chậm và kỹ, từ 1984 đến nay, anh mới chỉ trình làng 4 tập truyện
ngắn và 4 cuốn tiểu thuyết, nhưng lạ là chỉ với ngần ấy thôi, anh đã được đánh giá là cây
bút tiêu biểu nhất của nền văn học dân tộc thiểu số hiện nay. Cao Duy Sơn là nhà văn người
Tày, sinh ra và lớn lên ở quê ngoại - đất Trùng Khánh - Cao Bằng. Cuộc sống nghèo khó và
những con người hiền lành, chân thật của quê hương đã trở thành một phần máu thịt của
tâm hồn anh. Viết văn là cơ hội để Cao Duy Sơn bày tỏ tình yêu thiết tha của mình với quê
mẹ thân thương. Viết như một sự "trả nợ" tình cảm. "Viết là một cuộc viễn du về với cội
nguồn"
(1)
. Để có thể khám phá vào tận bề sâu những vỉa tầng văn hóa của dân tộc mình,
Cao Duy Sơn tâm niệm: "Cả đời tôi chỉ đeo đuổi đề tài miền núi"
(2)
. Đó là định hướng rõ
nét cho con đường nghệ thuật của Cao Duy Sơn. Trong tác phẩm của anh, hiện lên bức
tranh đời sống miền núi với đủ các gam màu sáng - tối, trắng - đen; với đủ các phận người
giàu - nghèo, tốt - xấu, hạnh phúc - bất hạnh; với đủ các âm điệu vui - buồn, yêu thương -
giận hờn - tha thứ; với đủ cả nước mắt và tiếng cười, cả bình yên và bão tố, cả phong tục và
hủ tục Nhưng dù viết về vấn đề gì, sáng tác của anh cũng đau đáu một tình yêu quê hương
xứ sở, một sự trân trọng với những giá trị văn hóa cội nguồn.
Nhà văn yêu quý và tự hào biết bao nhiêu về truyền thống văn hóa quê hương và có
ý thức "tích lũy, khám phá để "mã hóa" những vỉa tầng văn hóa nguyên bản, hồn nhiên của
người dân tộc đưa vào những trang văn"
(3)
. Giọng văn trần thuật của Cao Duy Sơn thực sự
reo vui khi kể về những phong tục tập quán đẹp của dân tộc mình. Đây là tục "Khai vài
xuân" ngày mồng một tết. Bỏ lại tất cả mọi giận hờn, đố kỵ, ghen ghét, người đi Khai vài
xuân mang đến cho các gia đình trong làng bản niềm hi vọng chứa chan vào một năm mới
ăn nên làm ra, hạnh phúc đầy nhà qua tờ giấy đỏ được dán lên tường và những lời chúc
phúc như có cánh: "Bươn chiêng pi mấư khai vài xuân a ngần sèn khảu tu nả à, mò mả
khảu tu lăng ơ cần ké lục đếch khảu pi mấư à a phù sần au khen slửa lòng dà khảu,
nặm, ngần sèn tim rườn la cung hỷ phát sòi (Tháng giêng năm mới đến khai xuân
chúc cho tiền bạc như nước chảy vào cửa trước, ngựa bò chen đầy cửa sau, trẻ già cùng
bước vào năm mới, đều được tay áo thần tiên che chở , gạo, nước, tiền, bạc đầy nhà vui
vẻ phát tài )
(4)
. Ở chỗ này, việc đưa lời chúc phúc bằng ngôn ngữ Tày vào tác phẩm thực
sự trở nên đắc địa. Nó góp phần tạo không khí cho truyện, khiến người đọc được nhập cảm
sâu hơn vào đời sống văn hóa của dân tộc Tày. Cũng với giọng văn sảng khoái, tự hào đó,
trong truyện ngắn Hòn bi đá màu trắng, người kể chuyện như say trong âm điệu mượt mà
của cây mã vĩ truyền thống và cùng với nó chuyện trò, tâm tình, kể lể về tình yêu, tình
thương, về tráng chí nam nhi, về khát vọng sống và chiến đấu, về một thời hào hùng mà bi
thương của dân tộc: "Khi thì dạo đầu của màn một vở tuồng "Phạm Tải- Ngọc Hoa" theo
điệu Dá hai, thiết tha như mạch ngầm con nước thoát ra từ đỉnh Phja bjoóc tựa ngân vang
từ tầng trời. Lúc đắm đuối khổ đau đến ứa máu con tim của điệu lượn then kể về mối tình bi
ai "Nam Kim - Thị Đan", tích cổ người Tày. Nhưng hứng thú nhất vẫn là khúc rộn rã của
kịch "Mộc Tàu Hí", thuật tuồng hát minh họa bằng những con rối đầu gỗ có một không hai
ở đất Việt. Khi đó, người nghe như mẩn mê với âm thanh vang lừng của kiếm thần trong
tay chàng mồ côi chém đứt bảy đầu rắn quỷ cứu muôn dân thoát khỏi lầm than. Rồi chuyện
kể về "Cẩu chúa cheng vùa" - chín chúa tranh vua trên đất Mục mã Nhiều lắm!"
(5)
. Lời kể
thấm đẫm một tình yêu, một niềm say mê tha thiết với vốn văn hóa cổ của dân tộc mình. Cả
một thời lịch sử xa xưa như cùng hội tụ về đây trong điệu Dá hai, điệu lượn then, rồi thuật
tuồng hát minh họa bằng những con rối đầu gỗ đã làm rung động và say đắm lòng người.
Ở một truyện ngắn khác, Cao Duy Sơn nói về "Chợ tình", một phiên chợ đặc biệt chỉ
có ở vùng cao. Chợ tình miền núi một năm chỉ họp một ngày.Với những đôi lứa lỡ làng thì
đây là ngày "ngắn nhất trong năm" nhưng cũng là ngày hạnh phúc nhất trong năm. Gặp lại
người xưa chỉ trong một thời gian ngắn ngủi để trang trải món nợ tình cảm mang nhiều vị
cay đắng của cuộc đời mình rồi lại đằng đẵng một năm dài sống với những bổn phận và
ràng buộc không thể phá bỏ. Chợ tình vùng cao quả là một phong tục đẹp, thấm đẫm tính
nhân văn bởi nó đã gạt bỏ được tất cả những tị hiềm, ganh ghét, thù oán chỉ còn lòng trải
với lòng. Biết bao tự hào, trìu mến, thân thương khi tác giả viết những dòng này: "Chợ ở
đây không ồn ào như chợ phiên phố chợ, không tranh mua, tranh bán, không đuổi đánh
nhau vì ghen hay thù oán. Đến đây mọi bực dọc đều đã được khỏa dưới sông, mọi toan tính
đều đã được cởi bỏ trên đường, chỉ đem theo con tim bồi hồi và những lời thầm thì ái ân
tìm vào tai người xưa"
(6)
.
Giọng điệu ngợi ca của Cao Duy Sơn cũng được thể hiện rõ nét khi nói về những con
người miền núi. Đó là những con người hồn nhiên, chất phác, thủy chung, tình nghĩa và
giàu đức hi sinh. Trong truyện ngắn của Cao Duy Sơn có biết bao nhiêu mối tình vĩnh cửu
vượt thời gian. Với lão Sinh - bà Ếm (Chợ tình), Lão Khơ - bà Dình (Hoa bay cuối trời),
súc Hỷ - bà Dinh (Súc Hỷ), ông Thim (Người săn gấu), bà Ban (Âm vang vong hồn), bà Lơ
(Những đám mây hình người), chàng trai (Tượng trắng) tình yêu đầu đời mãi là bất tử, dù
đôi lứa chia lìa, phải chịu biết bao thử thách của số phận, dù dòng đời nghiệt ngã xô đẩy họ
đi mỗi người mỗi ngả nhưng vẫn còn mãi tình người thủy chung son sắt. Bao "thương nhớ
vẫn hằn sâu trong ngực", "vẫn như ngày xưa thôi", "vẫn thấy trong lòng mình một cảm
giác ấm áp và êm ái lạ lùng" khi gặp lại người xưa. Điệp từ "vẫn" được lặp lại tới 7 lần
trong một đoạn văn không dài của truỵên ngắn Chợ tình đã gây được hiệu quả tâm lý nơi
người đọc. Thời gian trĩu xuống và dường như ngưng đọng, không hề chảy trôi dù thực tế
đã trôi qua những 50 năm có lẻ. Nhân vật người già trong truyện ngắn của Cao Duy Sơn là
hình ảnh đẹp về một thế hệ dù đã trải qua bao thăng trầm của số phận vẫn giữ được ngọn
lửa của tình yêu, tình thương, của bản lĩnh tinh thần vượt lên hoàn cảnh. Họ chiến thắng
hoàn cảnh theo cách riêng của mình. Không phải là những hưởng thụ vật chất, không phải
là những thỏa mãn bản năng mà là một sức sống vĩnh hằng nhờ những suy nghĩ giản dị,
trong sạch và vô cùng thánh thiện. Trong truyện ngắn của Cao Duy Sơn, những người phụ
nữ miền núi càng khổ đau càng mạnh mẽ, giàu lòng tự trọng, giàu đức hi sinh. Bà Lơ
(Những đám mây hình người) dù đã phải chấp nhận đem thân cho đám đàn ông giày vò để
tồn tại nhưng lòng chỉ hướng về một người. Mấy chục năm trời ông Ký sa vòng lao lý, bà
vẫn kiên tâm chờ đợi để cuối cùng được sống những ngày hạnh phúc ngắn ngủi mãn
nguyện bên người tình, rồi lại lặng lẽ ra đi vì biết rằng người ấy không đủ bản lĩnh thoát
khỏi những ràng buộc của bổn phận. "Người ta có thể quan hệ với nhiều người nhưng tình
yêu thì chỉ dành cho một người thôi"
(7)
. Lời nói gan ruột cuối cùng của bà Lơ "cũng là lời
chung" cho bao phận người phụ nữ trong truyện ngắn của Cao Duy Sơn. Bà Ban (Âm vang
vong hồn) đã bị cuộc đời vùi dập đến tan nát, chấp nhận làm vợ hờ của hai người đàn ông
để trả cái ơn nghĩa cứu sống ngày xưa. Thế nhưng, cuộc đời lại thử thách bà thêm một lần
nữa khi để cho bà gặp ông Khuề. Tình yêu đến, phải khó khăn lắm bà mới có được quyết
định táo tợn, dám vượt qua sự ràng buộc bấy lâu mà tìm kiếm cho mình một hạnh phúc
đích thực. Tiếc rằng, người đàn ông mà bà chọn để "trao gửi tình yêu một cách tự
nguyện" là kẻ mang gan chuột, nên tủi hổ bẽ bàng bà phải gánh chịu một mình. Lạ là, người
đàn bà suốt đời bị bầm dập về thể xác ấy vẫn "cầm cho chắc" một chữ trinh và giữ gìn nó
mang theo về bên kia cuộc đời mà không chấp nhận để bị "giày cho tan". Ta gặp ở đây hình
bóng Thúy Kiều của thời hiện đại. Một nàng Kiều vùng cao khát khao hạnh phúc lứa đôi
mà không thể nối lời tơ nguyệt với người xưa bởi một lẽ giản dị: "Giờ tôi như cái cây cho
quả, già quá rồi, quả cũng đã khô héo, như cái trăng trên trời muộn quá rồi không còn tròn
nữa. Ngày xưa, ông không dám cướp lấy tôi, như trái cây chín mọng mà không ăn, như cái
trăng lúc còn tròn mà không ngắm, giờ quả chỉ còn xơ, trăng giờ đã héo, ăn không được
nhìn chỉ buồn. Năm, sáu mươi tuổi rồi còn khao khát nỗi gì ?"
(8)
. Biết bao kiêu hãnh trong
những lời xót xa đến rỏ máu con tim. Xây dựng nhân vật, Cao Duy Sơn ít chú trọng đến vẻ
đẹp bên ngoài. Nhân vật của anh thường được miêu tả theo bút pháp ước lệ, tượng trưng
nên chưa sắc nét ở bản chất tạo hình. Nhà văn chú trọng khám phá nhân vật ở chiều sâu tâm
hồn và số phận. Anh thường làm "phép thử" - "nhúng chàm" các nhân vật của mình và sung
sướng reo lên khi nhận ra rằng, qua bao nhiêu thử thách của hoàn cảnh, họ vẫn giữ được cốt
cách riêng. Thầy Hạc (Ngôi nhà xưa bên suối) sau bao nhiêu thăng trầm đau đớn của số
phận mà cái còn lại trong kí ức chỉ là những kỉ niệm đẹp của một thời tuổi trẻ cống hiến cho
non nước Mục Mã và hai cô con gái ngoan hiền - "hai thiên thần chân đất". Tất cả đó là
điểm tựa tinh thần để thầy trụ vững trong cuộc đời đầy giông bão này. Kết truyện, thân Hạc
khô gầy đi vào cõi vĩnh hằng lặng lẽ như một giọt sương mai, nhưng thầy đã để lại dấu ấn
tinh thần như ngôi nhà xưa bên suối luôn mở cửa mời gọi cháu con trở về. Dù ở lại đất mẹ
hay viễn du như mây bay cuối trời, hãy nhớ: Dòng suối trong lành của tình thương và lòng
nhân ái vẫn lặng lẽ chảy, bồi đắp phù sa cho cuộc đời thêm hoa thơm trái ngọt. Qua hình
tượng ngôi nhà xưa bên suối, có lẽ Cao Duy Sơn muốn gửi tới người đọc một thông điệp
như thế.
Bên cạnh giọng điệu ngợi ca tự hào, giọng điệu xót xa thương cảm cũng là biểu hiện
của tình yêu đối với quê hương xứ sở. Yêu đất Mẹ bao nhiêu, Cao Duy Sơn càng xót xa bấy
nhiêu trước thực trạng quê hương còn nhiều điều chua xót Ám ảnh về một tuổi thơ gắn bó
với vùng quê nghèo, với "những người dân quanh năm, suốt đời áo vá, lầm lũi đi kiếm ăn
trong nắng sớm, mưa chiều"
(9)
đã theo suốt cuộc đời Cao Duy Sơn, khiến anh không thể bao
giờ quên. Kỷ niệm hiện hình thành văn chương, thành câu chữ, thành hình tượng nghệ thuật
truyền từ người viết đến người đọc một cách tự nhiên và xúc động bởi tấm chân thành và
tình cảm đậm đặc Cao Duy Sơn dành cho quê mẹ.