Tải bản đầy đủ (.doc) (10 trang)

Chiến lược phát triển kinh tế biển việt nam xét từ tiếp cận cạnh tranh quốc tế

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (88.91 KB, 10 trang )

CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN VIỆT NAM XÉT TỪ TIẾP
CẬN CẠNH TRANH QUỐC TẾ
Chu Đức Dũng
Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế thế giới
Tóm tắt: Biển Đông, trong đó có vùng biển Việt Nam, do tiềm năng kinh tế của
nó, do có vị trí địa lý và địa chính trị rất quan trọng, nên nhiều nước Đông Á đã
và đang triển khai chiến lược phát triển kinh tế Biển Đông. Việt Nam đang ở
trong cuộc đua tranh trong phát triển kinh tế biển Đông giữa các nước ven biển
này - một cuộc đua tranh chiến lược. Đặc biệt, Trung Quốc đang triển khai rất
mạnh chiến lược phát triển kinh tế Biển Đông và khá bài bản, sức ép cạnh tranh
đang ngày càng gia tăng đối với Việt Nam. Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam
được báo cáo này lựa chọn như là một nghiên cứu trường hợp, lựa chọn này
tính đến thực tế là Trung Quốc là nước lớn, phát triển năng động, là nước ảnh
hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam. So với Trung Quốc, Việt Nam chậm chân hơn
trong phát triển thể chế, phát triển kinh tế biển, đó là nhân tố chính dẫn đến
trình độ phát triển của Việt Nam thấp hơn Trung Quốc về kinh tế biển,...do vậy
đòi hỏi Việt Nam phải khẩn trương việc tìm kiếm các giải pháp đột phá.
1. Mở đầu
Biển Đông, trong đó có vùng biển Việt Nam, do tiềm năng kinh tế của
nó, do có vị trí địa lý và địa chính trị rất quan trọng, nên nhiều nước Đông Á đã
và đang triển khai chiến lược phát triển kinh tế biển Đông.
Việt Nam đang ở trong cuộc đua tranh trong phát triển kinh tế biển Đông
giữa các nước ven biển này - một cuộc đua tranh chiến lược. Trong cuộc đa
tranh này, chúng ta cần tìm hiểu rõ hơn chiến lược kinh tế biển Đông của các
nước trong khu vực, ý đồ, lợi ích, động thái tổ chức và triển khai, điểm mạnh,
điểm yếu, tính khả thi, tác động đến khu vực và Việt Nam... của các chiến lược
đó. Đặc biệt, nơi đây đang có nhiều tranh chấp về chủ quyền. Trung Quốc - một
nền kinh tế lớn vào loại hàng đầu thế giới hiện nay - đang triển khai rất mạnh
chiến lược phát triển kinh tế Biển Đông và khá bài bản, sức ép cạnh tranh đang
ngày càng gia tăng đối với Việt Nam và các nước trong khu vực. Sự chậm trễ
hoặc thiếu sót của chúng ta trong vấn đề này chắc chắc sẽ gây cho chúng ta


nhiều bất lợi về kinh tế, môi trường, an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia,...
Phát triển kinh tế biển là chiến lược quan trọng, cấp bách đối với Việt
Nam hiện nay. Việt nam có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển kinh tế biển,


vấn đề đặt ra là cần có chiến lược và giải pháp thích hợp. Với các đặc thù của
phát triển kinh tế biển, với tính phức tạp trong quan hệ kinh tế và chính trị quốc
tế trên Biển Đông, với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, chúng ta không
thể không chú trọng xem xét các quan hệ kinh tế và chính trị quốc tế liên quan
đến chiến lược phát triển kinh tế Biển Đông của Việt Nam, nhất là tiếp cận cạnh
tranh chiến lược (địa kinh tế, địa chính trị) trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu
vực và quốc tế, mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng, mối
quan hệ giữa hội nhập kinh tế quốc tế và bảo đảo độc lập - tự chủ,...
Quan hệ Trung Quốc - Việt Nam được báo cáo này lựa chọn như là một
nghiên cứu trường hợp. Lựa chọn này tính đến thực tế là Trung Quốc là nước
lớn, phát triển năng động, là nước ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam.
Nghiên cứu chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam dưới giác độ
cạnh tranh quốc tế, báo cáo này muốn nhấn mạnh: sức ép đối với Việt Nam
trong việc tìm kiếm các giải pháp đột phá, cải cách; qua đó gợi mở hướng đột
phá (khâu then chốt); và nhấn mạnh việc phòng tránh các lệch hướng trong phát
triển kinh tế biển.
Song song với cuộc đua tranh trong phát triển kinh tế biển Đông, sự hợp
tác khu vực và quốc tế trên biển Đông cũng đang là một đòi hòi cấp thiết để giải
quyết các vấn đề chung, vì các lợi ích chung. Phía Trung Quốc, chẳng hạn, gần
đây đã đưa ra một số đề xuất mới với Việt Nam liên quan đến phát triển kinh tế
biển Đông. Chiến lược phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây do Ngân hàng
Phát triển châu Á (ADB) tài trợ cũng mở ra một hướng mới trong hợp tác kinh
tế biển Đông. Hàng loạt nước khác trên thế giới hiện cũng đang đặt tầm ngắm
vào vùng biển Việt Nam, thậm chí đã xuất hiện ý tưởng xây dựng dự án hàng
trăm tỷ USD đầu tư vào một vùng ven biển Việt Nam. Đây vừa là cơ hội lớn,

vừa là thách thức lớn đối với Việt Nam, mà sự chần chừ hay từ chối có thể làm
mất cơ hội, còn nếu lựa chọn phương án/đối tác hợp tác mà thiếu nghiên cứu kỹ
lưỡng sẽ có thể gây tác hại lớn.
Cần nhận diện và xử lý tốt cơ hội hợp tác khu vực và quốc tế trong phát
triển kinh tế biển Đông, song trong hợp tác quốc tế này, yếu tố cạnh tranh vẫn
đóng vai trò căn bản. Tiềm lực kinh tế, trình độ phát triển kinh tế biển, từ công
nghệ đến thể chế, tổ chức,... của mỗi bên, nhận thức của mỗi bên về thực lực,
các ý đồ, các chiến lược của các đối tác là các nhân tố quyết định động thái và
tính chất của sự hợp tác đó (hay "luật chơi"). Hơn nữa, trong thực tế, những
nước đi trước thường có những lợi thế nhất định trong việc áp đặt luật chơi, và


một nhóm các nước có thể lập các liên kết riêng, đặt các nước khác vào thế bị
động chiến lược.
2. Vai trò của các trung tâm kinh tế biển trong cạnh tranh quốc tế
Năng lực cạnh tranh của một nền kinh tế ở đây được nhìn nhận ở các cấp
độ: (i) trình độ công nghệ, (ii) năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, cộng
đồng doanh nghiệp, (iii) cấp độ địa phương; (iv) cấp độ quốc gia.
Một nền kinh tế biển hiện đại là nền kinh tế chí ít phải (i) có công nghệ
biển phát triển, (ii) với các doanh nghiệp biển hiện đại, hiệu quả, liên kết nội bộ
ngành có sức mạnh; (iii) có cấu trúc không gian kinh tế vùng hợp lý với các
trung tâm kinh tế biển mạnh, (iv) thể chế quản lý kinh tế biển hiện đại.
Xét từ cạnh tranh quốc tế trong phát triển kinh tế biển, cần nhấn mạnh vai
trò của các trung tâm kinh tế biển, nơi tập trung các hoạt động kinh tế biển, với
cơ sở hạ tầng vật lý và thể chế phát triển; các doanh nghiệp biển đạt được hiệu
quả cao nhờ các ưu thế của trung tâm về công nghệ, kinh tế quy mô, liên kết
ngành, tiếp cận các nguồn lực, thông tin... ; có tác động lan toả, sức hút và vai
trò chi phối ra bên ngoài.
Trong một quốc gia, một trung tâm kinh tế biển hùng mạnh sẽ có nhiều
tác động tích cực và tiêu cực tới các vùng ngoại vi, các trung tâm liên quan, trên

các khía cạnh phát triển công nghệ, kinh nghiệp quản lý, tài chính, đầu tư, thị
trường... Các tác động tích cực sẽ vượt trội nếu có chính sách quốc gia hợp lý,
các địa phương được tổ chức tốt,...
Trong quan hệ quốc tế, tình hình diễn ra tương tự, song khía cạnh cạnh
tranh sẽ nổi trội hơn. trong trường hợp một địa phương (trung tâm) kinh tế biển
yếu ở gần một trung tâm kinh tế biển mạnh, tác động tiêu cực sẽ càng lớn hơn
một khi ở đó yếu kém về năng lực tổ chức của địa phương (yếu kém về trình độ
quy hoạch phát triển, tầm nhìn, trình độ quản lý kinh tế, tính nghiêm túc trong
thực thi pháp luật và chính sách ...), về tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp,
bên cạnh các yếu kém về cơ sở hạ tầng, về vốn,...
3. Chiến lược và sức mạnh của Trung Quốc trong phát triển kinh tế biển
Trung Quốc là nước liền kề với Việt Nam, đã đạt được thành tựu kinh tế
vượt bậc trong ba thập kỷ qua. Phát triển kinh tế Trung Quốc chủ yếu là nhờ
đóng góp của khu vực ven biển, mà một động lực chính của sự phát triển kinh
tế tại khu vực ven biển Trung Quốc chính là các khu kinh tế tự do.
3.1. Phát triển các khu kinh tế tự do một cách năng động, nhiều sáng tạo


Chính sách mở và cải cách kinh tế của Trung Quốc (từ năm 1978) được
tiến hành trước tiên ở vùng ven biển với sự thuận lợi và vị trí địa lý, để phát
triển một nền kinh tế thị trường và giảm rủi ro cải cách. Quá trình mở cửa ven
biển bắt đầu ở miền Nam Trung Quốc và lan đến phía Bắc Trung Quốc trong
những năm 1980 và tiếp đến các vùng khác từ những năm 1990. Các khu kinh
tế tự do ở Trung Quốc có vai trò như các cực tăng trưởng cho phát triển kinh tế
và cơ sở thí điểm, và là công cụ cho cải cách và cho chính sách mở cửa. Đặc
điểm chung của các khu kinh tế tự do Trung Quốc là chính sách kinh tế đặc biệt
và những mục tiêu đặc biệt ở một khu vực được xác định. Tuy nhiên, loại hình
mở cửa của Trung Quốc rất đa dạng. Các khu kinh tế tự do Trung Quốc được
phân loại thành khu kinh tế tự do tổng hợp, khu kinh tế tự do chế tạo, khu kinh
tế tự do dựa trên khoa học và thương mại và khu kinh tế tự do xuyên biên giới,

và rất nhiều các dạng khác nhau bao gồm các Đặc khu Kinh tế (SEZ), các Khu
phát triển kinh tế và công nghệ (TEDZ), các Khu phát triển tổng hợp (CDZ),
các Khu công nghiệp cao và mới (NHIP), các Khu thương mại tự do (FTZ), các
Khu thương mại biên giới tự do (FFTZ), các Tam giác tăng trưởng (GT), các Khu
chế xuất (EPZ) và các Đặc khu hành chính và kinh tế (SAEZ).
Không những thế, các khu kinh tế tự do Trung Quốc vẫn đang không
ngừng chuyển đổi mô thức hoạt động, với các hướng chính:
- Từ mô hình Cửa sổ - Cơ sở - Cầu nối đến Cực Tăng trưởng
- Từ chính sách ưu đãi sang khai thác “lợi thế kinh tế và cơ cấu toàn
diện”
- Liên kết các khu kinh tế tự do và khu hành chính
- Chuyển đổi từ phát triển đất đai sang thúc đẩy công nghiệp và hoạt
động tài chính
- Chuyển đổi một nền kinh tế hướng ra bên ngoài sang một nền kinh tế
mở
- Chuyển đổi từ ngành sử dụng nhiều lao động sang ngành có hàm lượng
công nghệ cao
- Chuyển đổi từ sự hợp tác trong nước sang hợp tác xuyên biên giới và
xuyên quốc gia
3.2. Đẩy mạnh chiến lược khai thác phát triển Biển Đông
Nhiều năm qua, Trung Quốc tập trung nhiều vào nghiên cứu chiến lược
biển, đặc biệt là chiến lược khai thác phát triển biển Đông (Trung Quốc gọi là


biển Nam Trung Hoa). Từ chiến lược khai thác Biển Đông, Trung Quốc đã tiến
tới xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế Biển Đông (Trung ương có chiến lược
và quy hoạch kinh tế biển toàn quốc, địa phương, đặc biệt là các tỉnh ven biển
cũng đều có riêng các chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế biển).
Đáng chú ý nhất là “Chiến lược 3 chữ M” hay “Chiến lược một trục hai
cánh” là chiến lược hợp tác tiểu vùng Trung Quốc - ASEAN gồm trục “Hành

lang kinh tế Nam Ninh (TQ) - Singapore”, cánh một là “Hợp tác tiểu vùng sông
Mekong mở rộng”; cánh hai là “Hợp tác tiểu vùng Vịnh Bắc bộ mở rộng”.
“Hợp tác tiểu vùng Vịnh Bắc bộ mở rộng” là trọng điểm của chiến lược “Một
trục hai cánh của Trung Quốc”, bởi lẽ Trung Quốc coi trọng vị trí chiến lược
của biển Đông, vì khống chế được biển Đông, tức là khống chế được cả vùng
Đông Nam Á và cả con đường giao lưu huyết mạch từ Thái Bình Dương sang
Ấn Độ Dương, và cũng là khu vực giàu tài nguyên, đặc biệt là dầu khí.
Trong khuôn khổ “Hợp tác tiểu vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng”, Trung
Quốc đã xây dựng Khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ (Quảng Tây) như là một hạt nhân
và nền tảng. Ngày 19/1/2008, Quốc vụ Viện Trung Quốc đã phê chuẩn thực
hiện “Quy hoạch phát triển khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ Quảng Tây”. Khu kinh tế
này được thiết kế theo mô hình “một trung tâm (thành phố Nam Ninh), ba thành
phố cảng (Bắc Hải, Khâm Châu, Phòng Thành) và hai thành phố vệ tinh (Ngọc
Lâm, Sùng Tà), tạo nên một cấu trúc kinh tế mở rất mạnh ra Vịnh Bắc Bộ, biển
Đông và Thái Bình Dương. Diện tích đất đai là 425.000 km2, chiếm 17,9%
tổng diện tích toàn Quảng Tây, diện tích mặt biển đạt 129.300 km 2, là khu vực
trọng điểm tiến hành cải cách mở cửa sớm nhất ở Trung Quốc, có vai trò và tác
dụng to lớn trong bố cục chiến lược cải cách mở cửa của Trung Quốc, có nguồn
tài nguyên thiên nhiên phong phú, vị trí giao thông thuận tiện.
Khu kinh tế vịnh Bắc Bộ (Quảng Tây) dựa lưng vào Đại Tây Nam, mặt
hướng ra các nước Đông Nam Á, phía Đông liền kề với đồng bằng Chu Giang,
nằm ở giao điểm của ba khu vực là Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc –
ASEAN, vành đai kinh tế vùng Chu Giang mở rộng và vành đai kinh tế Đại Tây
Nam, là khu vực ven biên, ven biển duy nhất phía Tây của Trung Quốc, là
đường ra biển tiện lợi nhất của khu vực phía Tây, vừa là cầu nối và cơ sở quan
trọng giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, là cửa ngõ và tiền phương quan
trọng trong mở cửa đối ngoại, đi ra các nước ASEAN, đi ra thế giới. ưu thế vị
trí nổi trội, vị trí chiến lược rõ nét.
Khu kinh tế vịnh Bắc Bộ (Quảng Tây) có nguồn tài nguyên bến cảng, tài
nguyên du lịch, tài nguyên sinh vật biển, khoáng sản, động thực vật, dung lượng



môi trường lớn, đất đai rộng rãi, tiềm năng phát triển lớn, có thể tạo nguồn năng
lượng để cho khu kinh tế cất cánh.
Mục tiêu tổng thể đẩy mạnh mở cửa phát triển Khu kinh tế vịnh Bắc Bộ
là lấy xây dựng bến cảng làm đầu tầu, lấy phát triển công nghiệp ven biển làm
trọng điểm, lấy xây dựng cơ sở hạ tầng làm bảo đảm, lấy các dải đô thị làm chỗ
dựa, lấy phát triển đổi mới làm động lực, ra sức phấn đấu trong thời kỳ “5 năm
lần thứ XI”, làm cho cơ sở hạ tầng của toàn vùng tương đối hoàn thiện, cảng
biển có sức cạnh tranh tổng hợp mạnh, bố cục ngành nghề nhất thể hoá từng
bước hình thành. Sau đó qua phấn đấu các năm tiếp theo, cuối cùng xây dựng
vùng này thành các dải đô thị có ảnh hưởng nhất tại vùng phía Tây Nam Trung
Quốc, trở thành trung tâm chế tạo, doanh vận, ngoại thương, thông tin, tiền tệ
và giao lưu văn hoá trong Khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc-ASEAN.
Trọng điểm công tác trong đẩy mạnh xây dựng Khu kinh tế vịnh Bắc Bộ
(Quảng Tây): (i) Đẩy mạnh xây dựng các tổ hợp cảng lớn ven biển, đẩy mạnh
cải cách thể chế phát triển, xây dựng và quản lí các cảng khẩu, thúc đẩy tập hợp
nguồn lực các cảng ven biển, quy hoạch thống nhất và xây dựng ba cảng lớn là
Phòng Thành, Khâm Châu và Bắc Hải, đẩy mạnh bước sắp xếp lại các cảng
khẩu, hình thành cơ chế kinh doanh nhất thể hoá vịnh Bắc Bộ, nâng cao năng
lực cạnh tranh tổng hợp của cảng khẩu. (ii) Đẩy mạnh xây dựng dải đô thị Nam
Ninh-Bắc Hải-Khâm Châu-Phòng Thành. Đồng thời, loại bỏ các trở ngại thị
trường, thúc đẩy lưu động tự do các yếu tố sản xuất trên cơ sở cơ chế thị
trường. Ra sức xây dựng Khu kinh tế vịnh Bắc Bộ (Quảng Tây) trở thành các
thành phố trung tâm lấy Nam Ninh, Bắc Hải, Khâm Châu, Phòng Thành làm
trung tâm, lấy các huyện và trấn xoay quanh làm vệ tinh, phân công hợp lí, bổ
sung chức năng cho nhau, phối hợp phát triển kinh tế-chính trị và văn hoá, hình
thành dải đô thị có sức ảnh hưởng lớn ở phía Tây Nam Trung Quốc. (iii) Đẩy
mạnh bố cục các ngành nghề lớn và xây dựng các hạng mục ngành nghề lớn.
Đẩy mạnh xây dựng các ngành hoá dầu, ngành giấy, năng lượng, luyện kim và

các ngành phụ trợ ven biển. (iv) Đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng ven biển.
Nhìn chung, khi xem xét chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam
dưới giác độ cạnh tranh quốc tế, trong trường hợp quan hệ Trung Quốc - Việt
Nam, những đặc điểm, động thái sau đây cần quan tâm:
- Trung Quốc đã và đang hình thành các trung tâm kinh tế biển mạnh,
quy mô lớn, có sức hút và sức cạnh tranh lớn. Trung Quốc có những bước đi bài
bản trong quy hoạch, quản lý, thu hút đầu tư.


- Hình thành các doanh nghiệp biển hiện đại. Các ngành/doanh nghiệp
kinh tế biển của họ đã phát triển chuyên nghiệp, hiện đại, sức cạnh tranh cao, đã
và sẽ tăng cường hoạt động ở Việt Nam.
- Công nghệ biển của Trung Quốc đang phát triển khá năng động
- Sự hỗ trợ mạnh của nhà nước đối với kinh tế biển, dưới nhiều hình thức,
như phân cấp quản lý, cho phép các khu kinh tế biển được áp dụng các thể chế
hiện đại, quy hoạch phát triển, hỗ trợ tài chính, sử dụng các tập đoàn kinh tế nhà
nước, chính sách tiền tệ, chính sách thương mại, quân sự, ngoại giao (tăng
cường hoạt động trên Biển Đông)...
4. Phát triển kinh tế biển Việt Nam trong bối cảnh Trung Quốc đẩy
mạnh phát triển kinh tế biển
Việc Trung Quốc đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, trong đó trực tiếp nhất
là phát triển Khu kinh tế Vịnh Bắc Bộ (Quảng Tây) trong khuôn khổ “Hợp tác
tiểu vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng”, tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho phát
triển kinh tế biển Việt Nam.
Trong số các cơ hội, có: hợp tác kinh tế, nâng cao hiệu quả, tiếp thu công
nghệ, mở rộng thị trường,... Kinh tế biển Đông với sự phát triển năng động sẽ
tăng sức hấp dẫn, thu hút các nguồn lực kinh tế trên thế giới vào khu vực này,
điều đó có lợi cho tất cả các bên.
Tuy nhiên, đối với Việt Nam, cơ hội đó có trở thành hiện thực hay không
tuỳ thuộc chủ yếu vào những nỗ lực trong nước. Nếu không có những điều

chỉnh cần thiết, những chính sách thích hợp, Việt Nam sẽ chỉ đạt được "những
tiến bộ nhất định", "tiến một bước" trong các ngành kinh tế biển (tăng trưởng,
đổi mới một số công nghệ, tăng xuất khẩu,... ) mà ít có tiến bộ đột phá.
Mặt khác, chúng ta có thể phải đối mặt với một số thách thức như:
- Các trung tâm kinh tế biển Trung Quốc, nhất là Khu kinh tế Vịnh Bắc
bộ (Quảng Tây), với sức hấp dẫn lãnh thổ cao của nó, thu hút mạnh dòng vốn
đầu tư quốc tế, từ đó ảnh hưởng xấu đến dòng vốn quốc tế vào Việt Nam.
- Đang dần xuất hiện một sự phân công lao động quốc tế trên dải ven
biển phía tây biển Đông theo hướng Khu kinh tế Vịnh Bắc bộ (Quảng Tây)
đóng vai trò trung tâm phát triển, tập trung các ngành nghề then chốt, giá trị gia
tăng cao, hàm lượng công nghệ cao, đẩy các vùng kinh tế ở Việt Nam vào vị trí
cấp hai. Có thể sẽ có một làn sóng mới về chuyển dịch các ngành công nghiệp
cấp thấp, “lắp ráp" từ Trung Quốc vào các vùng ven biển Việt Nam.


- Sự gắn kết, liên kết kinh tế giữa các doanh nghiệp, giữa các khu kinh tế
ven biển Việt Nam có thể sẽ bị ảnh hưởng trước “sức hút” của các doanh
nghiệp, khu kinh tế ven biển Trung Quốc.
- Có thể xẩy ra một số trường hợp kinh tế biển là gánh nặng cho nền kinh
tế (như hậu quả của trào lưu xây nhà máy mía đường, xi măng công nghệ Trung
Quốc... ở Việt Nam vừa qua)
Với một nền kinh tế biển không hoàn thiện, không nâng sức mạnh tổng
hợp của nền kinh tế, kinh tế biển khó có đáp ứng được mục tiêu bảo vệ chủ
quyền, an ninh,...Ngược lại, căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền biển đảo
trên biển Đông nếu không được xử lý tốt sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển
kinh tế biển Việt Nam, nhất là đối với các ngành như dầu khí, hải sản, vận tải
biển, du lịch biển,...
5. Việt Nam phải làm gì ?
5.1. Yêu cầu đổi mới cách làm chiến lược
Chiến lược công nghiệp hoá - hiện đại hoá của Việt Nam đến nay đã tỏ ra

có một số điểm yếu, trong đó nổi bật là chúng ta mới chủ yếu khai thác lợi thế
so sánh tĩnh (tài nguyên thiên nhiên, sức lao động rẻ,...). Hệ quả, như một số
nghiên cứu đã nêu là chúng ta phát triển một nền công nghiệp "nhặt nhạnh", gia
công (phụ thuộc nhiều vào các công ty nước ngoài), sức cố kết của nền kinh tế
thấp, thiếu những điểm nhấn trong cạnh tranh quốc tế. Nếu không nhận thức rõ
điều này, e rằng, chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam sẽ lặp lại những
khiếm khuyết của chiến lược công nghiệp hoá - hiện đại hoá của Việt Nam đến
nay.
5.2. Tạo ra lợi thế chiến lược
Việt Nam cần tính đến, hướng tới các lợi thế so sánh động, những lợi thế
chiến lược. Tạo ra lợi thế chiến lược là nhiệm vụ chính của nhà nước, của kinh
tế nhà nước.
Phát triển kinh tế biển càng đòi hỏi vai trò của nhà nước trong việc tạo
lập lợi thế chiến lược, vì đây là lĩnh vực đòi hỏi đầu tư lớn, rủi ro cao; tính độc
quyền tự nhiên cao; cạnh tranh quốc tế mạnh hơn; lĩnh vực cần thu hút các
nguồn lực bên ngoài...
Trong bối cảnh đó, nói đến vai trò của nhà nước trước hết là vai trò hoạch
định chiến lược, quy hoạch, quản lý, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển
kinh tế (nhất là về thể chế kinh tế)... chứ không phải là vai trò người chủ trực


tiếp kinh doanh. Đầu tư Nhà nước cần tránh dàn trải, không ra tấm ra món, để
tạo ra được các lợi thế chiến lược đáng kể.
5.3. Các giải pháp trọng tâm cần được xem xét ở cấp quốc gia lẫn cấp
địa phương
- Đánh giá rõ tiềm năng phát triển kinh tế biển. Đến nay, chúng ta đã tập
trung khai thác tài nguyên dầu khí, đã nhấn mạnh việc phát triển các ngành
đóng tàu, hải sản,...Chúng ta cần định rõ hơn tài nguyên vị trí địa lý của dải bờ
biển Việt Nam (cơ sở cho phát triển kinh tế ven biển, với các lĩnh vực chủ đạo
là: các khu kinh tế ven biển, hệ thống cảng biển với một điểm nhấn là một cảng

trung chuyển quốc tế...).Vùng ven biển có vị trí địa kinh tế nổi trội trong chiến
lược phát triển, trong việc thực hiện bứt phá về tăng trưởng kinh tế và chuyển
dịch cơ cấu kinh tế ngành theo hướng hiện đại, trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế
so sánh của các vùng, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế và toàn cầu hóa
ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu.
- Làm tốt công tác quy hoạch phát triển, có biện pháp thực thi nghiêm
túc. Bất cập đến nay trong quy hoạch phát triển kinh tế biển của Việt Nam thể
hiện rõ trong hầu hết các lĩnh vực, từ quy hoạch hệ thống cảng biển, hệ thống
hậu cần kinh tế biển, hệ thống giao thông ven biển, hệ thống đô thị biển,... đến
quy hoạch phát triển các ngành như du lịch biển, vận tải biển...
- Cần nghiên cứu tiến hành các biện pháp mạnh bạo hơn, như lập các
Khu kinh tế tự do ven biển (với thể chế cởi mở hơn), lập các công ty lớn trong
đánh bắt xa bờ (mà bước đầu có thể do nhà nước sở hữu hoặc tham gia
chính),...
- Đột phá trong cải cách hành chính, triển khai quản lý tổng hợp phát
triển kinh tế biển.
- Thúc đẩy liên kết kinh tế giữa các vùng
- Cổ vũ sáng kiến của doanh nghiêp, thúc đẩy tinh thần kinh doanh, hiện
đại hoá doanh nghiệp, tăng cường liên kết, hợp tác,... Thay vì trợ cấp cho các
ngành/doanh nghiệp, hãy hỗ trợ để họ hiện đại hoá.
- Thúc đẩy phát triển KH-CN biển, phát triển các ngành mới
- Trong quan hệ kinh tế đối ngoại, cần tiếp tục nhấn mạnh chủ trương đa
phương hoá. Về công nghệ, cần chú ý thúc đẩy tiếp cận công nghệ của các nước
phát triển. Việc khai thác các nguồn lực biển vì thế đòi hỏi một trình độ công


nghệ cao, tiềm lực tài chính mạnh. Muốn vậy, cần phải có hệ thống chính sách
thông thoáng để thu hút đầu tư từ các tập đoàn kinh tế biển quốc tế.
- Chúng ta khẳng định chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa, Trường
Sa và vùng biển liên quan. Tuy nhiên, việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền

ở đây là quá trình lâu dài. Hơn nữa, nếu biển Đông bất ổn, sẽ cản trở đến phát
triển kinh tế biển của Việt Nam. Trước mắt, cần đặt trọng tâm vào mục tiêu duy
trì ổn định trên biển Đông, xử lý hoà bình các tranh chấp, lấy đó làm bối cảnh
để phát huy nội lực và tăng cường thu hút ngoại lực để phát triển kinh tế biển./.



×