Tải bản đầy đủ (.pdf) (98 trang)

Cảm hứng thế sự trong thơ nguyễn hành

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (570.33 KB, 98 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƢỜNG ĐẠI HỌC SƢ PHẠM HÀ NỘI

NGUYỄN THỊ HUẤN

CẢM HỨNG THẾ SỰ
TRONG THƠ NGUYỄN HÀNH
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Mã số: 60.22.01.21

LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC NGỮ VĂN

Ngƣời hƣớng dẫn khoa học: TS. Nguyễn Thị Nƣơng

HÀ NỘI - 2017


LỜI CẢM ƠN
Luận văn được hoàn thành tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội dưới
sự hướng dẫn của TS. Nguyễn Thị Nương.
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành, sâu sắc tới TS. Nguyễn Thị
Nương - người thầy tận tâm, nhiệt tình chỉ bảo, hướng dẫn tôi trong suốt
quá trình thực hiện luận văn thạc sĩ này.
Tôi cũng xin trân trọng cảm ơn Ban Giám hiệu, Phòng sau đại học,
các thầy giáo, cô giáo của trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã giúp đỡ và
tạo điều kiện thuận lợi cho tôi trong suốt quá trình học tập, nghiên cứu và
hoàn thành luận văn.
Nhân đây tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới gia đình cùng bạn bè,
đồng nghiệp đã tạo điều kiện, động viên, giúp đỡ tôi rất nhiều trong suốt
quá trình học tập, nghiên cứu.


Hà Nội, ngày 26 tháng 06 năm 2017
Học viên
Huấn
Nguyễn Thị Huấn


MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài………………………………………………………...

3

2. Lịch sử vấn đề…………………………………………………………… 4
3. Mục đích nghiên cứu……………………………………………………. 11
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu……………………………………….

12

5. Phương pháp nghiên cứu………………………………………………... 12
6. Đóng góp của luận văn………………………………………………….. 13
7. Cấu trúc của luận văn……………………………………………………. 13
CHƢƠNG 1: KHÁI QUÁT VỀ CẢM HỨNG THẾ SỰ TRONG THƠ
TRUNG ĐẠI VIỆT NAM VÀ TÁC GIẢ NGUYỄN HÀNH…………... 14
1.1. Giới thuyết khái niệm............................................................................. 14
1.1.1. Khái niệm cảm hứng………………………………………….……... 14
1.1.2. Khái niệm cảm hứng thế sự……………………………………..…... 15
1.2. Khái quát cảm hứng thế sự trong thơ trung đại Việt Nam…………….. 17
1.2.1. Cảm hứng thế sự trong thơ thế kỷ X – thế kỷ XIV…………..….…..

18


1.2.2. Cảm hứng thế sự trong thơ thế kỷ XV – thế kỷ XVII………..….….. 20
1.2.3. Cảm hứng thế sự trong thơ thế kỷ XVIII – thế kỷ XIX……..…….… 22
1.3. Tác giả Nguyễn Hành và cơ sở hình thành cảm hứng thế sự trong thơ
Nguyễn Hành………………………………………………………………. 24
1.3.1. Tác giả Nguyễn Hành……………………………………………......

25

1.3.1.1. Cuộc đời và con người…………………………………………..… 25
1.3.1.2. Sự nghiệp sáng tác……………………………………………..….. 28
1.3.2. Cơ sở hình thành cảm hứng thế sự trong thơ Nguyễn Hành……...…

29

1.3.2.1. Cơ sở lịch sử - xã hội, tư tưởng – văn hóa……………………..….

29

1


1.3.2.2. Cơ sở văn học……………………………………………….…….. 32
Tiểu kết chương 1…………………………………………………………. 36
CHƢƠNG 2: CẢM HỨNG THẾ SỰ TRONG THƠ NGUYỄN HÀNH
NHÌN TỪ PHƢƠNG DIỆN NỘI DUNG………………………………...

37

2.1. Số liệu khảo sát, thống kê……………………………………………... 37

2.2. Nội dung cơ bản của cảm hứng thế sự trong thơ Nguyễn Hành………. 37
2.2.1. Niềm trăn trở trước thời thế suy loạn……………………………...… 38
2.2.2. Nỗi đau trước cuộc sống nghèo khổ, khốn cùng của nhân dân…...…

44

2.2.3. Tâm sự về cuộc sống của bản thân……………………….………..... 50
2.2.3.1. Sinh bất phùng thời và niềm tiếc nuối “thời xưa”….……………... 50
2.2.3.2. Nỗi cô đơn, nghèo khổ nơi đất khách……………….………….…. 51
2.2.3.3. Phẩm cách cứng cỏi, thanh cao…………………..……….…...….. 61
Tiểu kết chương 2…………………………………………………………. 62
CHƢƠNG 3: CẢM HỨNG THẾ SỰ TRONG THƠ NGUYỄN HÀNH
NHÌN TỪ PHƢƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT……………………………

64

3.1. Nhan đề và tiểu dẫn……………………………………………………

64

3.2. Thời gian và không gian nghệ thuật…………………………………... 72
3.3. Hình tượng con người............................................................................. 78
3.4. Thể loại, giọng điệu…………………………………………………… 82
3.4.1. Thể loại……………………………………………………………… 82
3.4.2. Giọng điệu…………………………………………………………… 83
Tiểu kết chương 3…………………………………………………………. 84

KẾT LUẬN………………………………………………………………... 86
TÀI LIỆU THAM KHẢO........................................................................... 90


2


PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Nguyễn Hành (1771 - 1824) sinh ra và lớn lên vào cuối thế kỉ XVIII đầu
thế kỉ XIX, hiểu biết rộng, thơ văn hay, được đương thời tôn vinh là một
trong “An Nam ngũ tuyệt”. Sự nghiệp để lại gồm hai tập thơ chữ Hán là Quan
Đông hải (Trông bể Đông), Minh quyên thi tập (Tiếng kêu của chim quyên).
Vì là nhà thơ suốt đời chịu sống nghèo ở quê nhà, hoặc lưu lạc ở Thăng Long,
nên những bài thơ hay nhất, có giá trị nhất là những bài ông nói tới hiện thực
xã hội. Thơ ông thể hiện sự phê phán, tố cáo hiện thực đương thời một cách
chân thực. Thơ thế sự của ông là trữ tình thế sự. Mạch thơ thế sự của Nguyễn
Hành có sự tiếp nối và phát triển dòng thơ thế sự trong lịch sử văn học dân
tộc. Nguyễn Hành là tác giả tiêu biểu của văn học thế kỉ XVIII nói chung, thơ
trung đại Việt Nam nói riêng, nhưng rất tiếc lâu nay do nhiều yếu tố khách
quan nên nhà thơ vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu một cách có hệ thống.
Tuy không được giảng dạy trong chương trình trung học nhưng Nguyễn
Hành cũng là một trong những tác giả được nhắc đến rất nhiều ở giai đoạn
cuối thế kỉ XVIII - đầu thế kỉ XIX. Hơn nữa, thơ văn của ông có khá nhiều
bài thơ xúc động về Đại thi hào Nguyễn Du, nếu nghiên cứu thơ Nguyễn
Hành thấu đáo, chẳng những sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn gương mặt của một
trong những Ngũ tuyệt xứ An Nam, mà còn cung cấp thêm những cơ sở để có
thể hiểu sâu hơn về Tố Như và văn chương dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền.
Cảm hứng thế sự có một vị trí quan trọng trong quá trình phát triển của
nền văn học dân tộc. Sự hình thành và phát triển của cảm hứng này như một
bước tiến của tư duy nghệ thuật, một thành tựu lịch sử của văn chương có
khuynh hướng hiện thực. Sức sống, sức hấp dẫn của dòng văn chương này
góp phần đem lại cho chúng ta một câu trả lời khả tín mà bấy lâu vẫn ám ảnh


3


mỗi người đọc, rằng văn chương đích thực là gì, nếu không phải vị nhân sinh,
gắn bó với đời, với con người; văn học có thể làm được gì nếu không phải là
góp phần giúp cho con người hiểu biết hơn về đời sống nhân sinh… Trong
thơ Nguyễn Hành, cảm hứng thế sự là khuynh hướng cảm hứng nổi trội nhất.
Qua khuynh hướng này có thể mở ra những hiểu biết chân thực không chỉ về
tâm sự, cuộc đời của Nguyễn Hành mà còn cả về thời đại ông sống.
Ngoài ra, thực hiện đề tài này cũng giúp người viết luận văn có thêm
những dữ kiện cho việc giảng dạy, nghiên cứu thơ trung đại Việt Nam một
cách có cơ sở, khoa học.
2. Lịch sử vấn đề
2.1. Lịch sử vấn đề sƣu tầm, dịch, giới thiệu văn bản thơ Nguyễn
Hành
Chúng tôi nhận thấy, Nguyễn Hành và thơ văn của ông được giới nghiên
cứu quan tâm giới thiệu khoảng 60 năm trở lại đây.
Trước năm 1958, văn bản thơ Nguyễn Hành gần như chưa được chú ý;
phải đến khi tủ sách nhà họ Cao Xuân (Diễn Châu, Nghệ An) được nhập kho
mới là lúc Minh quyên thi tập của Nguyễn Hành được quan tâm lưu trữ. Năm
1958, tác phẩm Minh quyên thi tập được ông Hồ Trai Phạm Khắc Khoan, quê
Đức Thọ, Hà Tĩnh sao chép lại, đó chính là bản mang kí hiệu VHv.109 trong
kho sách của Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện nay.
Năm 1959 nhóm các học giả Bùi Kỷ, Phan Võ, Nguyễn Khắc Hanh giới
thiệu và dịch tập Thơ chữ Hán Nguyễn Du (Nxb. Văn hóa, H). Tài liệu các tác
giả này sử dụng là bộ sách của tủ sách họ Cao Xuân. Do được tiếp xúc với
văn bản Minh quyên thi tập, nên trong lời giới thiệu tập Thơ chữ Hán Nguyễn
Du này, lần đầu tiên các tác giả Bùi Kỷ, Phan Võ, Nguyễn Khắc Hanh đã
trích ý bốn câu thơ đầu trong bài Văn thúc phụ lễ bộ hữu tham tri phó âm cảm
tác. Nhóm các tác giả Văn Tân, Nguyễn Hồng Phong, Nguyễn Đổng Chi khi


4


biên soạn Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, quyển III (thế kỉ thứ XVIII)
(Nxb. Văn Sử Địa, H, 1959) có đề cập tới ba tập thơ Quan hải thi tập, Minh
quyên thi phả (thi tập), Thiên địa nhân vật sự thi của Nguyễn Hành.
Khi làm Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (tập III) – văn học thế kỉ XVIII đến
giữa thế kỉ XIX (1963) nhóm tác giả Huỳnh Lý, Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Sĩ
Lâm, Nguyễn Văn Phú, Lê Thước, Hoàng Hữu Yên với sự cộng tác của Phạm
Hữu Chính, Nguyễn Khắc Hanh, Lê Tư Thực, Phan Võ đã giới thiệu Nguyễn
Hành thành một tác giả riêng, trích dịch 12 bài thơ kèm theo phần đầu giới
thiệu ngắn gọn thân thế sự nghiệp. Trong đó viết rõ: Ông có để lại hai tập thơ
là Quan hải thi tập hay Quan Đông hải và Minh quyên phả với một quyển
sách nhan đề là Thiên địa nhân vật (quyển này hiện chưa tìm thấy).
Năm 1978, khi in lại lần thứ 2 cuốn Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (tập III) văn học thế kỉ XVIII đến giữa thế kỉ XIX (lúc này tham gia biên soạn có thêm
tác giả Đặng Thanh Lê), thơ Nguyễn Hành được giới thiệu thêm hai bài mới
và bỏ đi một bài cũ, nên tổng số văn bản được biết đến là 13 bài.
Cuốn Từ trong di sản (những ý kiến về văn học từ thế kỉ X đến đầu thế kỉ
XX ở nước ta) xuất bản năm 1981 do Nguyễn Minh Tấn chủ biên, quan tâm
ghi nhận lời bàn về văn học của Nguyễn Hành, mà thực chất đây là nội dung
của bài Thất cảm tự tập.
Năm 2000, đến Tổng tập văn học Việt Nam, tập 14, do nhà nghiên cứu
Đặng Đức Siêu sưu tầm, biên soạn, ta thấy thơ Nguyễn Hành được phiên dịch
nhiều hơn với 73 bài và dịch thêm Minh quyên phả dẫn trong bản VHv.109.
Rõ ràng, như lời giới thiệu, Đặng Đức Siêu có tham khảo những bản của Hợp
tuyển. Đồng thời đọc các văn bản, ta thấy rõ là tài liệu chính được sử dụng là
bản VHv.109.

5



Những văn bản về thơ Nguyễn Hành về sau chủ yếu trích từ cuốn Hợp
tuyển thơ văn Việt Nam (tập III) - văn học thế kỉ XVIII đến giữa thế kỉ XIX in
lần hai và cuốn Tổng tập nói trên.
Bước tiến mới trong ngành văn học về thơ Nguyễn Hành là sự kiện năm
2015, Trung tâm Quốc học cho ấn hành tuyển Thơ Nguyễn Hành do Nguyễn
Thị Hằng biên khảo, nhân kỉ niệm 250 năm năm sinh Nguyễn Du. Đây là
tuyển thơ Nguyễn Hành phong phú, công phu và quy mô nhất từ trước tới
nay. Tuyển thơ Nguyễn Hành do nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên chủ biên,
ngoài các dịch giả Lê Quang Trường, Ngô Lập Chi, Nguyễn Ngọc Nhuận,
Nguyễn Tiến Đoàn tham góp, thì nguồn tuyển dịch văn bản còn được rút từ
Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 14, tức là có sự kế thừa, gối tiếp. Đến đây,
tổng số bài thơ của Nguyễn Hành được giới thiệu là 222 bài.
2.2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn
Hành
Các thành tựu nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của tác giả Nguyễn
Hành đến nay còn khá mỏng, có điểm không thống nhất.
Nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp Nguyễn Hành được bắt đầu từ thập
niên 50 của thế kỉ XX. Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, quyển III (thế kỉ thứ
XVIII) của tập thể tác giả Văn Tân, Nguyễn Hồng Phong, Nguyễn Đổng Chi
(Nxb. Văn Sử Địa, H, 1959) là công trình đầu tiên giới thiệu tiểu sử và thơ
Nguyễn Hành. Theo đó, Nguyễn Hành hiện diện như là một trong những tác
giả tiêu biểu của thơ thế kỉ XVIII, cùng với Trần Danh Án, Phạm Quý Thích,
Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án, tác giả Nguyễn Hành được miêu tả như là một
tác giả thuộc về khuynh hướng bảo thủ bi quan. Mô tả về khuynh hướng này,
Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam khẳng định: xuất hiện ở cuối thế kỉ XVIII
đầu thế kỉ XIX, “một mặt, đó là tiếng nói rầu rĩ của lực lượng suy tàn đang
giãy chết, về một mặt khác, đó là tiếng nói của thái độ phản ứng trước lực


6


lượng mới đang lên. Nói chung các tác giả này hầu hết là những nho sĩ quý
tộc, hoặc thuộc dòng dõi quý tộc nhưng đều thất thế sa sút. Họ là những
người tôn thờ một lý tưởng mà lý tưởng ấy chỉ là sống chết vì một dòng họ.
Họ bảo vệ một cách cố chấp đạo đức lễ giáo của Tống Nho; có người cố chấp
đến phản động” [53, 284]. Đánh giá riêng về Nguyễn Hành, Sơ thảo lịch sử
văn học Việt Nam cho rằng, “thơ Nguyễn Hành có giọng ai oán của một
người long đong thất thế…” [53,291], “tiếng nói của ông là tiếng nói vì dòng
họ Lê… Chính cái phiêu lưu, đói rét tạo cho thơ ông có phong vị riêng của
một con người vốn sẵn bất mãn. Đó là cái bất mãn của những phần tử bị sự
phân hóa giai cấp nó đẩy xuống thành người cố cùng nhưng vẫn tự phụ về lý
tưởng, về phong cách” [53,292]. Như vậy, nhóm Văn Tân, Nguyễn Hồng
Phong, Nguyễn Đổng Chi dù đã xem thơ Nguyễn Hành từ điểm nhìn giai cấp
luận, song chưa tập trung đánh giá khách quan những đóng góp của Nguyễn
Hành ở những vần thơ thế sự giàu cảm xúc, chân thực, sâu sắc.
Tuy không dành riêng một mục bàn về thơ Nguyễn Hành, nhưng nhóm
tác giả công trình Giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam, tập III (Văn học viết,
Thời kỳ II - Giai đoạn giữa thế kỉ XVIII- đầu thế kỉ XIX, giai đoạn đầu thế kỉ
XIX-1858, Nxb. Giáo dục, 1962), cũng cho thấy họ cùng quan điểm với với
Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, khi xếp Nguyễn Hành vào khuynh hướng
bi quan, tiêu cực và bảo thủ phản động. Thực vậy, Lê Trí Viễn, Phan Côn,
Đặng Thanh Lê, Phạm Văn Luận, Lê Hoài Nam viết: tiếng nói của những tác
giả Trần Danh Án, Phạm Quý Thích, Nguyễn Hành “là tiếng nói của giai cấp
suy tàn mang một tâm trạng đau buồn, hoang mang khi thấy vận mệnh giai
cấp nghẽn vào chỗ đen tối và do đó sinh ra luyến tiếc quá khứ một cách sâu
xa. Tiếng nói của họ là tiếng nói của giai cấp phong kiến nói chung, nhưng
trước hết là phân số quan liêu quý tộc đời Lê Trịnh. Tiếng thở than rên rỉ này
làm cho văn học có lắm giọng bi ai, và nhiều chất tiêu cực” [73,26]. Quan


7


điểm này không thay đổi, điều chỉnh ít nhất trong vòng 10 năm, bằng chứng
là khi in lại Giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam dưới tên gọi Lịch sử văn học
Việt Nam (tập 3, 1972) nhận định về Nguyễn Hành vẫn giữ nguyên vẹn.
Cũng trong năm 1962, các nhà nghiên cứu Trần Văn Giáp, Tạ Phong
Châu, Nguyễn Tường Phượng… trong Lược truyện các tác gia Việt Nam đã
sớm khẳng định: văn chương Nguyễn Hành “có tư tưởng ưu thời mẫn thế và
nhớ nhà Lê” [10].
Gần với quan điểm của Đặng Thanh Lê là Nguyễn Lộc. Trong công trình
Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII nửa đầu thế kỉ XIX (tập1) xuất bản
năm 1976, Nguyễn Lộc cũng phân chia và xếp Nguyễn Hành (cùng các tác
giả khác như Phạm Quý Thích, Nguyễn Huy Hổ, Bà huyện Thanh Quan) vào
khuynh hướng văn học bất mãn với hiện thực, có tính chất hoài cổ, tiêu cực.
Sở dĩ xếp Nguyễn Hành như vậy, bởi vì, theo Nguyễn Lộc, Nguyễn Hành là
tôi trung của nhà Lê, trước sau dứt khoát không cộng tác với Tây Sơn, ông có
thái độ thù địch với Tây Sơn và bất hợp tác dưới thời nhà Nguyễn. Đáng chú
ý hơn là nhận định sau đây: “Nguyễn Hành là một nhà thơ suốt đời cùng khổ,
phiêu bạt, cho nên thơ ông không những có nhiều bài nói về cảnh khổ của bản
thân, mà còn có những bài tố cáo những cái bất công, xấu xa dưới triều đại
nhà Nguyễn…” [33,187].
Sau công trình Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII nửa đầu thế kỉ
XIX, phải kể đến bộ Từ điển văn học (tập 2, 1984). Cần phải ghi nhận rằng bộ
Từ điển này đã đưa tác giả Nguyễn Hành vào thành một mục từ nhưng nội
dung chính của mục từ vẫn do Nguyễn Lộc chấp bút, mà về cơ bản nội dung
của mục từ về Nguyễn Hành, chỉ là “bản rút gọn” những đánh giá khái quát
của Nguyễn Lộc trong công trình vừa kể trên. Bởi vậy có thể nói tính đến
thập niên 80, ngoài những định kiến và “đánh giá có tính chất khuôn mẫu” về


8


Nguyễn Hành lưu hành trước đó, gần như không có một bước tiến đáng kể
nào cả về văn bản học lẫn các khám phá về giá trị thơ văn của Nguyễn Hành.
Sang thập niên 90, viết về thơ Nguyễn Hành, đáng kể nhất có tiểu luận
“Nguyễn Hành và tập Quan Đông hải” (Tạp chí Hán Nôm, số 4/1997) của
Nguyễn Ngọc Nhuận. Đây là bài viết đầu tiên tập trung khám phá nội dung tư
tưởng của tập thơ Quan đông hải. Tuy còn chưa sâu sắc trong bình giá, lý
giải, nhưng tác giả Nguyễn Ngọc Nhuận đã có những nhận xét điểm xuyết về
cảm hứng thế sự của thơ Nguyễn Hành, chẳng hạn, người viết cho rằng: thơ
văn Nguyễn Hành viết về con người mang ý nghĩa triết lý sâu sắc về cuộc đời,
làm thơ là sự “đúc rút ra từ những kinh nghiệm sống” của tác giả.
Ngoài bài viết của Nguyễn Ngọc Nhuận, còn phải kể đến Từ điển văn học
Việt Nam (1994) do hai tác giả Lại Nguyên Ân và Bùi Văn Trọng Cường
soạn. Ở Từ điển văn học Việt Nam, mục từ Nguyễn Hành nhìn chung không
có gì mới so với Từ điển văn học (tập 2), ngoài mấy dòng gợi dẫn về nội dung
thế sự trong thơ Nguyễn Hành: “Sáng tác chủ yếu dưới thời Nguyễn, nhưng
nói nhiều về nhà Tây Sơn với thái độ thù địch. Bên cạnh đó có khá nhiều bài
thơ nói về cảnh khổ của bản thân và của cư dân đương thời” [1,380].
Đầu thế kỉ XXI có các nghiên cứu của Thái Kim Đỉnh, nhóm Đoàn Thị
Thu Vân, nhóm Mai Quốc Liên…
Cuốn Văn học trung đại Việt Nam, thế kỉ X – cuối thế kỉ XIX do Đoàn Thị
Thu Vân chủ biên in năm 2008, dành một nhận xét ngắn gọn đối với Nguyễn
Hành nhân nói về Tố Như: “Nguyễn Du có chán chường, có lúc gần như tuyệt
vọng, song ông vẫn nhìn thẳng vào thực tế không quay lưng lại với cuộc đời
như những người cùng thời” (Nguyễn Gia Thiều phải giả điên, Nguyễn Hành
suốt đời ôm ấp tâm sự hoài Lê, Phạm Thái ngang tàng nhưng cuối đời cũng
phải mượn cửa thiền để giải thoát…) [71,180]. Bài viết “Nguyễn Hành với

Thăng Long” của Thái Kim Đỉnh (Tạp chí Văn hóa nghệ thuật số tháng

9


10/2010) nhấn vào quãng đời ở Thăng Long và cảnh ngộ bi đát, khốn khổ của
nhà thơ.
Đặc biệt hơn cả, là hai công trình Thơ Nguyễn Hành (tuyển, 2015) và Gia
phả họ Nguyễn Tiên Điền (2016) do Mai Quốc Liên chủ biên. Trong Lời nói
đầu của tuyển tập thơ Nguyễn Hành, Mai Quốc Liên đã có nhiều nhận xét sâu
sắc, khắc phục được cái nhìn vốn còn hẹp hòi về thơ Nguyễn Hành. Đánh giá
về nỗi niềm thế sự trong thơ Nguyễn Hành, tác giả chủ biên khẳng định:
Nguyễn Hành sống trong dân, gần dân, thương dân; thơ ông là tiếng kêu ai
oán về thế sự; “chuyện đời suy loạn, dân đen ly tán oán hận cũng là chuyện
của chính cuộc đời Nguyễn Hành”, “thơ Nguyễn Hành quý ở cái chất hiện
thực cuộc đời, ở sự thành thật” [32, 13].
Ngoài các công trình, bài viết nêu trên, còn có thể kể tới: Từ điển tác giả
tác phẩm văn học Việt Nam (Nguyễn Đăng Mạnh, Bùi Duy Tân, Nguyễn Như
Ý), Năm thế kỉ văn Nôm người Nghệ, tập 4 (Thái Kim Đỉnh), Bâng khuâng
nhớ cụ thương thân nàng Kiều (Nhiều tác giả), Tinh tuyển văn học Việt Nam,
Tập 5 (Văn học thế kỉ XVIII, Nguyễn Thạch Giang), Từ điển nhân vật lịch sử
Việt Nam (Nguyễn Quang Thắng, Nguyễn Bá Thế), Hợp tuyển thơ văn Việt
Nam (Văn học thế kỉ XVIII - giữa thế kỉ XIX), tập 3 (Huỳnh Lý, Lê Phước,
Nguyễn Sỹ Lâm),… Nội dung của các công trình này, nhìn chung, vẫn chỉ
dừng lại ở việc giới thiệu những nét từ sơ lược đến cơ bản về cuộc đời, sự
nghiệp của Nguyễn Hành; đồng thời có trích in một số bài thơ của ông.
Bên cạnh những công trình, giáo trình văn học sử trên đây, một số luận
văn, khóa luận nghiên cứu lịch sử văn học gần đây cũng lựa chọn và khẳng
định cảm hứng thế sự như một nội dung trọng tâm khi định vị các sáng tác
của Nguyễn Bính Khiêm, Phan Thúc Trực, Nguyễn Trãi… Ví như luận văn

Cảm hứng thế sự trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm và thơ Phan Thúc Trực của
Nguyễn Thị Hương, Cảm hứng thế sự trong Bạch vân quốc ngữ thi tập của

10


Nguyễn Bỉnh Khiêm của Nguyễn Thị Chanh; khóa luận Cảm hứng thế sự
trong thơ Nôm Nguyễn Trãi và thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm của Lê Thị
Duyên, Cảm hứng thế sự trong thơ Phan Thúc Trực của Nguyễn Thị Đảm…
Qua khảo sát các công trình nghiên cứu, giới thiệu và gia phả về Nguyễn
Hành, có thể ghi nhận mấy điểm sau: Nguyễn Hành là nhà thơ có tài; thơ
Nguyễn Hành có giá trị hiện thực, không chỉ phản ánh thời thế mà còn ghi lại
cuộc đời, thái độ của chính nhà thơ trước “những điều trông thấy”. Trước
những năm 2000, thành tựu chính là các nghiên cứu về văn bản thơ Nguyễn
Hành, những đánh giá về thơ ông nói chung là hẹp hòi, có nhiều định kiến
giai cấp, căn cứ thường được viện dẫn để định giá Nguyễn Hành là thái độ
của ông đối với Tây Sơn và nhà Lê. Từ năm 2015, bước tiến đáng kể nhất là
việc xuất bản tuyển thơ Nguyễn Hành. Còn vấn đề cảm hứng thế sự trong thơ
Nguyễn Hành, đến nay, vẫn chưa có bài viết, công trình nào lấy đó làm đối
tượng của sự khám khá, lý giải chính và có hệ thống.
3. Mục đích nghiên cứu
Mục đính nghiên cứu của luận văn là làm sáng tỏ vị trí văn học sử và
những đóng góp của thơ Nguyễn Hành, một đại diện tiêu biểu của thơ thế kỉ
XVIII, qua hai bình diện: nội dung tư tưởng và nghệ thuật biểu đạt cảm hứng
thế sự. Rộng hơn, trên cơ sở khảo sát khuynh hướng cảm hứng thế sự trong
thơ Nguyễn Hành, chúng tôi mong muốn dựng lại chân dung tinh thần và con
đường đời của Nguyễn Hành, cùng những vấn đề nhân sinh trong thời đại
ông, những vấn đề lịch sử về triều Tây Sơn, về đại thi hào dân tộc Nguyễn
Du...
Ngoài ra, thông qua việc nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp Nguyễn Hành,

luận văn còn muốn tìm hiểu rõ hơn những chuyển biến của dòng họ Nguyễn ở
Tiên Điền (từ hưng thịnh đến sa sút) trong tương quan với một số dòng văn
như dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu, Ngô Thì ở Tả Thanh Oai,... Đồng

11


thời, nghiên cứu đề tài này còn tạo tiền đề thuận lợi cho những công trình
nghiên cứu sau này của người viết ở bậc học cao hơn hoặc trong các dự định
nghiên cứu sâu rộng hơn về thơ trữ tình thế sự thời trung đại Việt Nam.
4. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu chính của luận văn là thơ Nguyễn Hành. Văn bản
thơ mà chúng tôi khảo sát là tuyển Thơ Nguyễn Hành gồm 222 bài thơ, do
Mai Quốc Liên chủ biên dịch, Nguyễn Thị Hằng biên khảo, Trung tâm
Nghiên cứu Quốc học, Nxb. Văn học ấn hành năm 2015. Đây là tuyển thơ
phong phú nhất tính đến nay. Văn bản này (in cả Hán văn, phiên âm, dịch
nghĩa, và dịch thơ một số bài) giúp chúng ta có được một hình dung cơ bản
nhất về diện mạo thơ Nguyễn Hành, mà các văn bản trước đây không thể đạt
được.
Luận văn đi sâu nghiên cứu một khía cạnh nổi bật nhất trong thơ Nguyễn
Hành là cảm hứng thế sự, cụ thể là tập trung xem xét khuynh hướng cảm
hứng thế sự trong hai tập thơ: Minh quyên thi tập và Quan Đông hải.
5. Phƣơng pháp nghiên cứu
Trên cơ sở xác định đối tượng, mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu, luận
văn sử dụng tổng hợp nhiều phương pháp nghiên cứu: phương pháp lịch sử xã hội, phương pháp tiểu sử, phương pháp văn hóa học, các phương pháp/thao
tác thống kê, so sánh đối chiếu…
- Phương pháp lịch sử - xã hội được sử dụng để khảo sát bổi cảnh lịch sử
xã hội đã ảnh hưởng tới tư tưởng, tình cảm, thái độ của Nguyễn Hành
cũng như hình thành nên cảm hứng thế sự trong thơ ông.
- Phương pháp tiểu sử học là phương pháp tìm hiểu, nghiên cứu tiểu sử

nhà văn để góp phần lý giải các văn bản văn học. Ở đây, luận văn sử
dụng miêu tả cuộc đời của tác giả Nguyễn Hành, để có thêm căn cứ lý
giải nội dung tâm sự, tự thuật của thơ Nguyễn Hành

12


- Phương pháp văn hóa học sẽ được luận văn sử dụng để quan sát và cắt
nghĩa một số hiện tượng sáng tác cụ thể trong hai tập thơ của Nguyễn
Hành.
- Ngoài ra luận văn còn sử dụng phương pháp thống kê, so sánh, thực
chứng….
6. Đóng góp của luận văn
Trên cơ sở nghiên cứu khuynh hướng thơ hiện thực, luận văn làm sáng tỏ
những đặc điểm nổi bật của thơ Nguyễn Hành (nội dung cơ bản của cảm hứng
thế sự, những phương tiện nghệ thuật mà tác giả sử dụng hiệu quả để thể hiện
cảm hứng đó).
Qua so sánh đối chiếu với một số sáng tác cùng thời, luận văn góp phần
dựng lại diện mạo độc đáo, riêng biệt của Nguyễn Hành và khẳng định vị trí
văn học sử quan trọng của tác giả.
Cuối cùng, luận văn góp thêm một góc nhìn để hiểu sâu hơn về thơ trung
đại Việt Nam nói chung, khuynh hướng cảm hứng thế sự nói riêng trong thơ
trung đại.
7. Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo, nội dung chính của
luận văn gồm 3 chương:
Chƣơng 1. Khái quát về cảm hứng thế sự trong thơ trung đại Việt Nam
và tác giả Nguyễn Hành
Chƣơng 2.Cảm hứng thế sự trong thơ Nguyễn Hành nhìn từ phương
diện nội dung.

Chƣơng 3. Cảm hứng thế sự trong thơ Nguyễn Hành nhìn từ phương
diện nghệ thuật

13


CHƢƠNG 1:
KHÁI QUÁT VỀ CẢM HỨNG THẾ SỰ TRONG THƠ TRUNG ĐẠI
VIỆT NAM VÀ TÁC GIẢ NGUYỄN HÀNH
1.1. Giới thuyết khái niệm
1.1.1. Khái niệm cảm hứng
Thuật ngữ cảm hứng không phải là thuật ngữ mới mẻ trong sáng tạo và
truyền thống nghiên cứu văn học; tuy nhiên lâu nay nội hàm khái niệm này
được hiểu theo nhiều cách khác nhau.
E.G.Rudneva, một tác giả của Dẫn luận nghiên cứu văn học (1998) định
nghĩa: Cảm hứng là sự lý giải, đánh giá sâu sắc và chân thực - lịch sử đối với
các tính cách được miêu tả [45,152]. A.Xâytlin trong Lao động nhà văn (tập
1, 1968), lý giải, hoạt động tưởng tượng và cảm hứng có mối quan hệ hữu cơ
với nhau, tưởng tượng làm nảy sinh cảm hứng, cảm hứng thúc đẩy trí tưởng
tượng. A.Xâytlin còn coi cảm hứng là sự thể hiện trọn vẹn tinh thần của người
viết, thể hiện của cá tính sáng tác, bởi trạng thái điển hình của cảm hứng là
tính chất định hướng, tập trung, nó được củng cố bằng sự trưởng thành về mặt
kĩ thuật, nghệ thuật của người nghệ sĩ lành nghề. Nhà triết học Đức, Hegel
quan niệm, cảm hứng có liên hệ khăng khít tư duy nghệ thuật, với ý thức, trí
tuệ của người nghệ sĩ, cảm hứng “bùng cháy lên trước... một nội dung được
xác định” [74,180].
Nhà phê bình Nga, Bêlinxki coi: cảm hứng là trạng thái tính cảm mãnh liệt
của nhà văn do chiếm lĩnh được bản chất của cuộc sống mà học miêu tả:“Tư
tưởng thơ, đó không phải là phép tam đoạn thức, không phải là giáo điều,
không phải là quy tắc, mà là một ham mê sống động, đó là cảm hứng”. Cảm

hứng được hiểu là một tình cảm mạnh mẽ, chứa đựng tư tưởng, là một ham
muốn tích cực đưa đến hành động. Cảm hứng chính là một phần quan trọng

14


trong tư tưởng của mỗi tác phẩm văn học. Cảm hứng trong tác phẩm văn học
có thể là niềm say mê khẳng định chân lí, lí tưởng; có thể là thái độ ngợi ca,
đồng tình với những nhân vật chính diện; là sự phê phán, tố cáo các thế lực
đen tối, các hiện tượng tầm thường, phủ định hiện tượng xấu xa, tiêu cực…,
cảm hứng là trạng thái xuyên suốt, bao trùm trong các sáng tác văn học.
Từ điển tiếng Việt định nghĩa “cảm hứng là trạng thái tâm lý có cảm xúc
và hết sức hứng thú, tạo điều kiện để óc sáng tạo, tưởng tượng hoạt động có
hiệu quả” [44,106]. Cảm hứng, theo tiếng Hi Lạp là pathos, thể hiện một tình
cảm sâu sắc, nồng nàn, một trạng thái hưng phấn cao độ về tư duy. Cảm hứng
sáng tạo của văn nghệ sĩ phải mãnh liệt, dồi dào với những giây phút thăng
hoa về cảm xúc để rồi cho ra những tác phẩm để đời. Cảm hứng chính là yếu
tố chỉ dẫn về tư tưởng, thái độ, tình cảm của nhà văn, của tác phẩm văn học.
Theo giáo trình Lí luận văn học (tập 1: Văn học - Nhà văn - Bạn đọc) thì cảm
hứng chính là trạng thái tâm lí then chốt và bao trùm trong tác phẩm văn học.
Nhu cầu bộc lộ, giải thoát tình cảm cộng với năng lực tưởng tượng dẫn đến
trạng thái sẵn sàng sáng tạo của nhà văn được gọi là cảm hứng [36, 307].
Theo Từ điển thuật ngữ văn học (1992) do Lê Bá Hán, Trần Đình Sử,
Nguyễn Khắc Phi chủ biên, cảm hứng là cách gọi tắt của thuật ngữ cảm hứng
chủ đạo. Ở đây, cảm hứng chủ đạo được dùng để chỉ trạng thái tình cảm
mãnh liệt xuyên suốt tác phẩm, gắn liền với một tư tưởng xác định, một sự
đánh giá nhất định. Hiểu như thế, thì cảm hứng là một yếu tố của nội dung,
của thái độ tư tưởng của nhà văn đối với thế giới, là một nguyên tắc thế giới
quan, gắn liền với đề tài và tư tưởng nghệ thuật, nó gắn kết và thống nhất tất
cả các yếu tố, các cấp độ của nội dung tác phẩm. Để làm cơ sở cho việc diễn

giải các vấn đề liên quan, từ đây những chỗ dùng chữ cảm hứng trong luận
văn này, được hiểu theo cách định nghĩa của Từ điển thuật ngữ văn học.
1.1.2.Khái niệm cảm hứng thế sự

15


Thế sự nghĩa là việc đời, chuyện đời (thế: đời, sự: việc). Khuynh hướng
cảm hứng thế sự là khuynh hướng viết về/bàn về việc đời, chuyện đời, thiên
về thể hiện thái độ đối với thế thái nhân tình; phân tích, lý giải, đánh giá hiện
thực cuộc sống, hiện thực xã hội, phê phán những mặt trái của tình người, thói
đời,…
Trong văn học (/thơ ca), khuynh hướng cảm hứng thế sự có hàm nghĩa vừa
gần vừa khác biệt với một số khuynh hướng khác. Khuynh hướng cảm hứng
đạo đức: cũng bàn về tình đời, chuyện đời nhưng thiên về ngợi ca. Khuynh
hướng cảm hứng yêu nước: cũng bàn về chuyện đời, chuyện thời thế nhưng
thiên về bàn việc chính sự quốc gia, trách nhiệm, bổn phận với quê hương, đất
nước. Khuynh hướng cảm hứng nhân đạo: nói về chuyện đời, việc đời, thậm
chí nói đến những cái đau đớn, khổ sở của con người nhưng thiên về xót
thương, khẳng định, ca ngợi phẩm giá cao đẹp của con người...
Việc đời, cuộc đời hiểu theo nghĩa rộng lớn, bao gồm từ xã hội đến cuộc
đời cá nhân. Cảm hứng thế sự là cảm hứng về việc đời, việc trên đời; là sự
đánh giá, lý giải về các vấn đề của cuộc sống, của thời đại (danh phận, địa vị
xã hội, thói đời, số phận con người,…). Cảm hứng thế sự là sự khám phá,
đánh giá, lý giải, miêu tả thời thế, thế thái nhân tình. Đó còn là cảm hứng về
cuộc sống đời thường (phú quý - bần tiện, sự sống - cái chết, cơm áo tiền tài,
hạnh phúc - đau buồn..), về con người thực tại, thường nhật, về những gì đang
diễn ra xung quanh con người, về những giá trị chuẩn mực của đời sống.
Những tác phẩm mang cảm hứng thế sự hướng đến miêu tả sinh hoạt hàng
ngày của con người, thể hiện thái độ và sự suy ngẫm, chiêm nghiệm, trăn trở,

day dứt, ám ảnh về những mối quan hệ xã hội giữa con người với con người
trong những tình huống nhân sinh cụ thể. Dòng văn chương lấy thế sự - sự
đánh giá, lý giải về thế sự làm cảm hứng tư tưởng chủ đạo trong văn học cổ -

16


trung đại Việt Nam là một hiện tượng rất đáng chú ý. Thành tựu nổi bật của
dòng văn chương ấy kết tinh ở thể kỉ XVIII-XIX.
Cảm hứng thế sự quy chiếu số phận con người về những quan hệ xung
quanh sự tồn tại của nó, phát hiện những vấn đề tự nó. Với cái nhìn thế sự,
đời sống riêng của cá nhân, kinh nghiệm cá nhân, số phận cá nhân, những giá
trị sống của cá nhân được coi là đối tượng khám phá chủ yếu của tác phẩm
văn học. Cảm hứng thế sự bởi thế thường gắn với cảm hứng về đời tư, cảm
hứng về con người cá nhân. Cuộc sống con người một khi được soi chiếu từ
góc nhìn thế sự - đời tư sẽ trở nên rõ nét hơn, chân thực hơn, sống động hơn.
Qua đó, độc giả cũng được trải nghiệm những điều rất thật, gần gũi của cuộc
đời.
1.2. Khái quát cảm hứng thế sự trong thơ trung đại Việt Nam
Văn học trung đại Việt Nam rất phong phú về mặt khuynh hướng cảm
hứng. Mỗi khuynh hướng cảm hứng có một vị trí khác nhau trong tiến trình
vận động của lịch sử văn học dân tộc.
Khuynh hướng cảm hứng yêu nước thời trung đại được thể hiện đậm nét
trong các sáng tác từ thời Lý, Trần, Lê cho đến khi đất nước bị thực dân Pháp
đô hộ. Ở giai đoạn đầu, cảm hứng yêu nước thường gắn liền với tư tưởng
trung quân. Khuynh hướng cảm hứng yêu nước đóng vai trò chủ đạo trong
văn học giai đoạn từ thế kỉ X đến thế kỉ XIV (khẳng định, ngợi ca cương vực,
nền văn hiến, độc lập tự chủ, lòng căm thù giặc, tự hào về các chiến công hiển
hách..), giai đoạn từ thế kỉ XV đến kỉ XVII (nghiêng về phê phán hiện thực xã
hội…), giai đoạn nửa cuối thế kỉ XIX (biểu dương những tấm gương hy sinh

vì đất nước…).
Cũng như khuynh hướng cảm hứng yêu nước, khuynh hướng cảm hứng
nhân đạo được thể hiện xuyên suốt trong nền văn học trung đại. Cảm hứng
nhân đạo trong văn chương thời trung đại chịu ảnh hưởng của tư tưởng nhân

17


văn của Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo. Cảm hứng nhân đạo là khuynh
hướng chủ đạo của văn học giai đoạn từ thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX
(đấu tranh giải phóng con người, đòi quyền sống, quyền hạnh phúc…).
Khuynh hướng cảm hứng thế sự là một trong ba nguồn cảm hứng lớn
trong văn học trung đại Việt Nam. Văn học có khuynh hướng thiên về đề tài
thế sự gắn liền với những phen thay đổi sơn hà. Nó ra đời muộn hơn cảm
hứng yêu nước song càng ngày nó càng đạt được những thành tựu rực rỡ, tạo
tiền đề để hình thành nên dòng văn học hiện thực chủ nghĩa sau này. Nói như
vậy, không có nghĩa là cảm hứng thế sự tách biệt với cảm hứng yêu nước và
cảm hứng nhân đạo. Ngược lại, trong một số trường hợp chúng là hệ quả của
nhau, cảm hứng này thúc đẩy và đan bện với cảm hứng kia, chẳng hạn khó có
thể hình dung được một nền văn học có giá trị nhân đạo lại không có quan hệ
gì với văn học hiện thực, văn học viết thế sự, thời cuộc... Khuynh hướng cảm
hứng thế sự đã đem lại cho tư tưởng nhân đạo những triết lý sâu sắc; cái nhìn
nhân văn cũng đã giúp cho văn chương thế sự có sức lay động, xúc động, ám
ảnh.
1.2.1. Cảm hứng thế sự trong thơ thế kỷ X - thế kỷ XIV
Khuynh hướng cảm hứng thế sự xuất hiện khi xã hội có dấu hiệu đi xuống,
con người có ý thức cá nhân. Cảm hứng thế sự manh nha trong “Lĩnh Nam
chích quái”, ở tác phẩm “Hà Ô Lôi” nói về sắc dục, tính dục, khát vọng ái
ân…, trong “Nhất Dạ trạch” là khát vọng tình yêu bình đẳng, tự do…
Cuối đời Trần, nhà nước phong kiến thịnh trị có dấu hiệu suy vi, quý tộc đi

vào con đường trụy lạc, dân tình đói khổ, khởi nghĩa diễn ra trên nhiều nơi,
giặc Minh xâm lược nước ta thì cảm hứng thế sự xuất hiện thực sự. Một số tác
giả hướng ngòi bút của mình vào việc đời, thói đời, cảnh trái mắt, đặc biệt là
cuộc sống đau khổ, thường nhật của người dân, bày tỏ thái độ lo lắng cho sự

18


suy vong của giai cấp. Có thể thấy điều này qua sáng tác của Trần Quang
Triều, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Phi Khanh, Đặng Dung,…
Thơ của Trần Quang Triều còn lại không nhiều, nhưng thơ ông mang
trong lòng nỗi thất vọng sâu sắc về sự suy thoái của vương triều Trần. Trong
Chu trung độc chước ông than về thói đời đã đảo lộn, thay đổi lên xuống, về
tình người nhạt nhẽo, không còn nhiều: “Tình người thưa nhặt như mưa gõ
mui thuyền/Thói đời lên xuống như nước triều vỗ bờ”… Cho nên, ông sợ
những cuộc gặp gỡ giả dối, luôn trăn trở muốn được “về”: “Nghĩ đến những
cuộc gặp gỡ giả dối lòng càng coi nhẹ/Cho nên giấc mộng về cứ vương vấn
mãi” (Quy chu tức sự).
Trần Nguyên Đán trong Băng hồ ngọc hác tập thể hiện tiếng kêu thương
trước thời cuộc đạo Nho suy vong, nhân dân lầm than khổ cực vì loạn lạc và
hạn hán, muôn điều trái mắt khiến nhà thơ đau lòng: “Đài Ô một biệt xa
vời/Muôn điều trái mắt ngó lui đau lòng… Đạo Nho suy, khó liệu bài/Biết đi
để nước ra rồi khôn mong/Soi gương kim cổ hưng vong/Các ông sao chẳng
dốc lòng can vua”. Bài thơ làm tháng sáu năm Nhâm Dần của Trần Nguyên
Đán ghi lại chân thực cảnh thời thế: “Hạn rồi qua lụt đã bao phen/Đau nỗi
ruộng đồng lúa chẳng lên/ Đống sách hóa ra chồng giấy nát/Bạc đầu luống
những phụ dân đen”.
Nhị Khê tập của Nguyễn Phi Khanh bộc lộ những suy tư đau đáu của nhà
thơ trước “việc đời rắc rối”, suy đốn; trước “thói đời bạc như chiếc quạt
mỏng”, thể tiếng lòng thương xót “nhân sinh” của nhà thơ: “Việc đời rắc rối

đang ôm trong lòng/Thân này ví được như cây sáo/Đem tấm lòng hòa với gió
thổi khắp chín châu”, “Mặc kệ thói đời bạc như chiếc quạt mỏng/Buồn, vắng,
trống trải, mượn chén rượu tự khuyên ta”, “Sau lúc can qua trở lại điêu tàn/Xa
trông trời tạnh chỉ thương xót”.

19


Cảm hứng thế sự trong thơ Đặng Dung có những nét riêng. Bài thơ Cảm
hoài mở đầu bằng câu thơ viết về bi kịch nhân sinh rất ám ảnh: “Thế sự du
nại lão hà/Vô cùng thiên địa nhập hòa ca/Thời lai đồ điếu thành công dị/Vận
khứ anh hùng ẩm hận đa…”. Đặng Dung sáng tác Cảm hoài khi nhà Trần
đang trên đà sụp đổ không thể cứu vãn, câu thơ mở đầu bài thơ là một trải
nghiệm sống chân thực, là tiếng lòng cay đắng, thậm chí uất hận của nhà thơ
về cảnh ngộ sinh không gặp thời, đời người hữu hạn, và thời vận đã hết. Tác
phẩm Cảm hoài là một ví dụ điển hình cho sự gắn bó giữa cảm hứng yêu
nước và cảm hứng thế sự, giữa những suy tư về thời cuộc với cuộc đời riêng.
Khuynh hướng cảm hứng thế sự xuất hiện cuối thế kỉ XIV, ghi dấu ấn
trong văn học bằng những nỗi niềm cảm thán thời thế, những vần thơ bày tỏ
niềm riêng của các tác giả, qua đó phần nào phản ánh hiện thực xã hội. Văn
học giai đoạn này không chỉ mang tính quan phương với những điều răn,
giảng đạo lí mà còn bước đầu đi vào phản ánh hiện thực, dù chỉ mới thấp
thoáng những bóng nhà dân, có bông lúa vàng ngoài những sân vàng điện
ngọc. Đây là tiền đề nảy sinh văn học thế sự, tạo nền để văn học thế sự phát
triển và đạt được đỉnh cao ở những giai đoạn về sau.
1.2.2. Cảm hứng thế sự trong thơ thế kỷ XV – thế kỷ XVII
Chế độ phong kiến Việt Nam phát triển đạt đến đỉnh cao ở nửa đầu thế kỉ
XV nhưng bước sang thế kỉ XVI đã có biểu hiện khủng hoảng. Cảm hứng thế
sự giai đoạn này đã có sự biến chuyển, từ văn học thế sự cảm khái thời thế
thành“mạch thơ trữ tình thế sự”.

Các sáng tác của Nguyễn Trãi ca ngợi lý tưởng nhưng không mất đi tính
hiện thực. Trong những tác phẩm mang tính chính luận, Nguyễn Trãi cất lên
tiếng nói của nhân dân, tiếng nói thời đại, còn ở những tác phẩm trữ tình, con
người công dân và con người cá nhân hòa quyện vào nhau. Ức Trai đau nỗi
đau của tình đời, vận nước: “Nụy ốc, thê thân, kham độ lão/Thương sinh tại

20


niệm, độc tiên ưu” (dịch nghĩa: Nhà nhỏ, nương thân, có thể qua tuổi già/Lúc
nào cũng nghĩ đến dân, riêng ôm mối tiên ưu); thơ ông lúc nào cũng nặng mối
ưu tư về cuộc đời, về cảnh lưu lạc, trôi nổi, thăng trầm của con người: “Niềm
cũ sinh linh đeo ắt nặng/Cật chưng hồ hải đặt chưa an”, “Thế sự người no ôi
tiết bảy/Nhân tình ai ủ cúc mồng mười”; “Lòng người tựa mặt ai ai khác/Sự
thế bằng cờ bước bước nghèo”... Nguyễn Trãi cũng thường nhắc đến tấm lòng
thường đời, thương dân của nhà thơ dân đen Đỗ Phủ, đồng thời ông cũng có
những vần thơ trực tiếp bàn luận, khái quát về thế thái nhân tình đương thời:
“Miệng thế nhọn hơn chông mác nhọn”, “Bui một lòng người cực hiểm thay”,
“Hoa thường hay héo cỏ thường tươi”… Bên cạnh những vần thơ ưu thời mẫn
thế, ta cũng bắt gặp ở ông những câu thơ thể hiện thái độ chán chường cuộc
đời, không màng đến miệng thế thị phi, không muốn tham dự vào chuyện đời
rắc rối: “Sự thế dữ lành ai hỏi đến/ Bảo rằng ông đã điếc hai tai”, “Được thua
phú quý dầu thiên mệnh/Chen chúc làm chi cho nhọc nhằn”… Thơ thế sự
Nguyễn Trãi kín đáo, thâm trầm, giàu chất triết lí.
Nguyễn Bỉnh Khiêm, qua hai tập thơ Bạch Vân am thi tập và Bạch Vân
quốc ngữ thi, đã phác họa bức tranh của xã hội phong kiến với những kẻ xiểm
nịnh, thời thế có lắm chuyện bạc đen, sự tha hóa đạo đức của con người. Cảm
hứng phê phán, tố cáo hiện thực bắt nguồn từ tư tưởng triết học của Nguyễn
Bỉnh Khiêm và xuất phát từ những điều tai nghe mắt thấy. Nguyễn Bỉnh
Khiêm phê phán những nhà nho cậy tài, bất tài, vô trách nhiệm, chỉ biết tranh

giành lợi lộc: “Dân giai thức mục quan tân chính/Thùy vị quân vương trí thái
bình” (Dân đều lau nước mắt xem chính sự mới/Ai vì quân vương đem lại
thái bình). Ông thương người nghèo gặp cảnh loạn ly, người dân gặp cảnh đói
rét: “Thâm mẫn tiểu dân lý đống nỗi/Thùy dương đại nghĩa thủ hung tàn”
(Rất thương dân vương vào đói rét/Ai nêu chính nghĩa diệt lũ hung tàn). Chủ
đề nổi bật trong thơ Nôm Nguyễn Bỉnh Khiêm là chủ đề giàu-nghèo, thơ

21


Nguyễn Bỉnh Khiêm khái quát được cuộc sống của tầng lớp trí thức thanh bần
Việt Nam đương thời. “Tiếp sau Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dùng
thơ trữ tình tự thuật để phản ánh một phạm vi hiện thực lịch sử: cuộc sống
hàng ngày sinh động, cụ thể của một bộ phận nho sĩ đã xa rời địa vị cao sang,
đi vào cuộc sống thanh bần” [28, 572].
Đánh giá về Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vũ Khâm Lân viết: “tuy ở nhà bốn
mươi tư lăm mà lòng không ngày nào quên đời, ưu thời đều bộc lộ trong thơ”:
“Ưu thời thốn niệm bằng thùy tả/Duy hữu hàn sơn bán dạ chung” (Tấc dạ lo
đời nhờ ai miêu tả/Chỉ có tiếng chuông nửa đêm từ trên núi lạnh vẳng đến).
Phan Huy Chú cũng khẳng định: Nguyễn Bỉnh Khiêm “rong chơi nhàn nhã
bốn mươi năm mà không ngày nào quên đời, lòng lo thời, thương đời thể hiện
ra văn thơ”. Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn gắn bó với đời, dù thơ ông xuất hiện
nhiều chữ nhàn; cái nhàn trong thơ ông là một kiểu triết lý về thế sự; ông đã
nâng thơ thế sự lên tầm triết lý, đã đưa triết lý vào cảm hứng thế sự.
1.2.3. Cảm hứng thế sự trong thơ thế kỷ XVIII – thế kỷ XIX
Nửa cuối thế kỉ XVIII, nửa đầu thế kỉ XIX chế độ phong kiến khủng
hoàng trầm trọng, phong trào nông dân khởi nghĩa diễn ra khắp nơi. Khởi
nghĩa Tây Sơn đã lật đổ các tập đoàn phong kiến thống trị phản dân, hại nước,
đánh tan cuộc xâm lược của quân Xiêm ở phía Nam và quân Thanh ở phía
Bắc… Cảm hứng thế sự giai đoạn này do biến cố thời đại và sự thay đổi trong

quan niệm sáng tác của các tác giả đã có màu sắc mới. Nhiều tác giả hướng
ngòi bút vào hiện thực cuộc sống, lên án chiến tranh phong kiến, sự thối nát
của giai cấp phong kiến thống trị, quan tâm tả thuật chân thực cuộc sống khổ
cực của nhân dân, đứng về phía người phụ nữ… Các tác giả như Nguyễn Cư
Trinh, Phạm Nguyễn Du, Bùi Huy Bích, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn
Công Trứ, Phan Thúc Trực, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thế Lân… đã ghi được nhiều
bức tranh sinh động về cuộc sống đói khổ của quần chúng.

22


Nguyễn Cư Trinh ngay từ nhỏ nổi tiếng hay chữ. Thơ ông nhìn chung vẫn
thuộc phong cách đài các. Tuy thế, người ta vẫn tìm thấy ở ông có những vần
thơ thế sự sâu sắc, thể hiện sự quan tâm thương xót cảnh ngàn gia đình bị bão
lớn, hay phải “dời đến đất mọi rợ/sông lắm cá sấu, đất lắm rắn cọp”, ruộng
đất không đủ cấy cày.
Tiếng thơ thế sự của Phạm Nguyễn Du đi xa hơn thơ Nguyễn Cư Trinh,
Phạm Nguyễn Du đứng hẳn về phía người dân lên án nhà Nguyễn. Tác giả
miêu tả trực tiếp nan đói của nhân dân xứ Đàng trong, thẳng thắn phê phán sự
ăn chơi xa hoa trên xương máu dân của nhà Nguyễn. Trong bài Thấy Di cung
họ Nguyễn, ông viết: “Nhà Nguyễn sáng tạo lâu đài này” trên “mỡ dân, xương
dân rất đáng ai oán”.
Cũng như Phạm Nguyễn Du, thơ Phan Thúc Trực thể hiện sự quan tâm
đến cuộc sống đời thường của người dân.“Mở đầu con đường thơ của Phan
Thúc Trực là những bài thơ buồn. Buồn vì đời người chỉ trọng quan chức,
buồn vì thi không đỗ, trong cuộc khen chê rối bời, mưa gió rét mướt” [56,
296]. Khác với lối viết công thức khuôn sáo của nhiều nhà nho khác, Phan
Thúc Trực mô tả chi tiết sự khốn khó, vất vả, chịu đói, chịu rét của người dân,
nhất là lúc họ gặp cảnh thiên tai lũ lụt, gió bão: “Chịu đói, chịu rét nào kể
xiết/Của cải dâng hiến vì quân vương/Bán ruộng hoa màu tiền nộp trước”…

Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương đã chuyển thơ thế sự trữ tình, thế sự tư
duy sang nấc mới với phong cách trữ tình trào phúng. Bà đã “đi thẳng vào
cuộc sống đời thường, góc cạnh, chua xót, kịch liệt” (Đặng Thanh Lê). Nếu
Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm nghiêng về khía cạnh triết luận về thế sự,
đúc kết các bài học nhân sinh thì Hồ Xuân Hương đi sâu phơi bày bi kịch,
thân phận người phụ nữ, đồng cảm và bênh vực họ. Thế sự, ở thơ bà chúa thơ
Nôm, được nhìn qua trường hợp người phụ nữ, kẻ bên lề. Đây là một nét mới,
mà trước đó thơ thế sự trung đại gần như không có, hay rất mờ nhạt.

23


×