Tải bản đầy đủ (.docx) (7 trang)

Nguoi tieu dung thong minh

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (62.3 KB, 7 trang )

Trong thị trường bán lẻ hiện nay, đã qua rồi giai đoạn các thương hiệu bán lẻ dễ dàng giành được
những khách hàng về mình, do người tiêu dùng đang dần từ bỏ những tiêu chí mua sắm thông
thường như trước kia và ngày càng thông minh hơn khi đưa ra những quyết định mua sắm.
Chẳng hạn, thương hiệu Samsung muốn giành được những người mua hàng trung bình, một nhân
viên văn phòng ở độ tuổi 25-30, trước tiên cần nhờ đến các phương tiện truyền thông để tạo ra ấn
tượng đối với những người tiêu dùng; và một sự kiện ra mắt sản phẩm hoành tráng phải được tổ
chức ở thành phố New York và tường thuật trên YouTube.
Tiếp đó, sản phẩm Samsung cần được xuất hiện với những bình luận, đánh giá tốt trên các trang
mạng, diễn đàn công nghệ hàng đầu. Và cuối cùng, nhân viên văn phòng sẽ hỏi đến những nhận
xét và lời khuyên từ những người bạn đã sử dụng các sản phẩm của Samsung.
Quy trình trước khi đi đến quyết định mua này cũng giống như 82% những người tiêu dùng khác đã
được điều tra trong một nghiên cứu của Forrester năm 2012. Họ là những người tiêu dùng luôn tìm
kiếm thông tin và nghiên cứu về sản phẩm qua hàng loạt kênh khác nhau trước khi đi đến một quyết
định mua cuối cùng.
Dường như mô típ này rất dễ thấy ở nhiều ngành công nghiệp khác. Theo điều tra của Social Media
Today, 48% người tiêu dùng gắn mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm trực tuyến vào quy trình mua
hàng của họ.
Hầu hết các khách sạn chuyển sang tập trung đầu tư vào các kênh bán hàng trực tuyến, tiếp cận
những người du lịch trên Facebook, Trip Advisor và Agoda, trong khi hợp tác với các kênh đại lý
truyền thống ngày càng giảm xuống.
Một ví dụ khác đó là, chuỗi khách sạn của tập đoàn quản lý khách sạn châu Âu, Accor, chỉ nhận
được 7% khách hàng từ các đại lý môi giới du lịch, trong khi 25% khách hàng đến từ các hoạt động
bán hàng trực tuyến và 40% là khách hàng trực tiếp đặt phòng với khách sạn.
Câu hỏi đặt ra là liệu thương hiệu của bạn có đang tạo ra một loạt những điều khác biệt bắt kịp xu
hướng tiêu dùng thông minh hay vẫn cố gắng thu hút khách hàng theo những cách thức truyền
thống? Liệu có phải thương hiệu của bạn chỉ cần cung cấp giá trị tốt nhất cho khách hàng là đủ?
Rất tiếc, câu trả lời là không.
Bạn có thể đem đến sản phẩm có "giá trị tốt nhất" cho khách hàng với giá thấp hơn, nhưng điều đó
không thể đảm bảo bạn sẽ sống sót khi một thương hiệu khác lại chào hàng với những lựa chọn và
giá cả hấp dẫn hơn. Thay vì cố gắng đem lại "giá trị tốt nhất", hãy nâng tầm thương hiệu để đem lại
"giá trị thông minh". Dưới đây là ba lời khuyên:


Tạo ra trải nghiệm mua sắm thông minh. Với những nhãn hàng tiêu dùng nhanh, hãy giúp người
tiêu dùng nghĩ họ cần gì trước khi họ biết về nó. StyleMint là một thương hiệu thời trang bán lẻ trực


tuyến, và khi khách hàng vào trang web của họ, StyleMint đặt những khách hàng này vào những
khảo sát ban đầu rất đơn giản nhằm nhận định phong cách phù hợp với họ.
Những mẫu hàng mới được sắp xếp vào một showroom ảo với những gợi ý về thời trang và phong
cách phù hợp với người mua hàng ngay trên màn hình máy tính của họ. Dữ liệu quyết định những
showroom cá nhân hóa này được cập nhật mỗi khi một khách hàng click vào một sản phẩm, tìm
kiếm sản phẩm nào đó hay đưa ra quyết định mua.
Tạo ra quy trình mua sắm hiệu quả.Một trong những cách tốt nhất để làm điều này là nhận dạng lĩnh
vực mà thương hiệu có thể tạo ra sự thuận tiện cho người tiêu dùng.
Drugstore.com có lẽ không phải là lựa chọn giá tốt nhất cho khách hàng mua các sản phẩm vitamin
và dinh dưỡng, nhưng nó cho phép người mua hàng có thể đặt hàng thường xuyên và sử dụng sản
phẩm với một lịch trình cụ thể và tiện ích.
Còn Fotohub.com tạo ra nền tảng trực tuyến cho người tiêu dùng để tải ảnh và thiết kế các sản
phẩm của riêng họ phù hợp với gia đình của mình.
Tạo ra trải nghiệm mua sắm làm tăng ý nghĩa. Những người mua hàng có kiến thức có thể vẫn bị
hấp dẫn bởi giá cả rẻ hơn, nhưng họ cũng tìm kiếm những sản phẩm có ý nghĩa, giúp họ có cảm
giác việc mua sản phẩm đó không đơn thuần là một giao dịch mua hàng hay chỉ là một phần trong
quy trình tiêu dùng không giới hạn.
Tại Chile, thương hiệu Tierra Patagonia Hotel & Spa đã cung cấp cho khách hàng một hạt giống họ
có thể lựa chọn trồng tại một khu vực được quy hoạch của Tierra Patagonia. Sau đó, chính họ có
thể theo dõi về sự phát triển của cái cây mình đã tự tay trồng.
Sử dụng một hệ thống rất đơn giản, nhưng Tierra Patagonia đã tạo cho mỗi khách hàng có cảm
giác như họ đã đóng góp vào sự phát triển bền vững của khu khách sạn này.

Từ nền tảng di động
Việt Nam có dân số hơn 90 triệu người nhưng có đến hơn 130 triệu thuê bao di động. Bình quân,
mỗi ngày, một người truy cập internet bằng điện thoại di động khoảng 150 lần, mỗi lần cách nhau 6

phút rưỡi.
Hiện Việt Nam là điểm đến của nhiều loại điện thoại thông minh (smartphone) giá rẻ, đặc biệt là các
thương hiệu đến từ Trung Quốc như Lenovo, Huawei, Oppo, Gionee..., khiến người dùng sở hữu
smartphone dễ dàng hơn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân giúp TMĐT di động phát triển
mạnh hơn.


Thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), năm 2015, tổng doanh thu TMĐT
của Việt Nam đạt hơn 4 tỷ USD. Ông Nguyễn Thanh Hưng - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VECOM
cho rằng, Việt Nam đã có đủ các yếu tố để TMĐT phát triển, như nguồn nhân lực, hạ tầng công
nghệ, môi trường pháp lý... Dự báo, từ 2016 - 2020, TMĐT Việt Nam sẽ phát triển với tốc độ khoảng
trên 30%/năm.
Theo các chuyên gia, TMĐT, đặc biệt là TMĐT trên nền tảng di động, đang tiếp tục phát triển và tác
động tích cực đến DN cũng như cả nền kinh tế. Trong đó, TMĐT trên nền tảng di động là công cụ
hữu hiệu trong việc cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và tăng cường các mối liên kết thương mại.
Đây được coi như công cụ giúp DN tiếp cận các thị trường, khách hàng và nhà cung cấp mới.
Theo MasterCard (công bố hồi tháng 7/2015), Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh về mua sắm
qua smartphone, xếp thứ 5 khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sau Malaysia, Đài Loan, New
Zealand và Ấn Độ. Số liệu từ các sàn TMĐT như Lazada, Sendo... cũng cho thấy, số lượt giao dịch
qua thiết bị di động chiếm tỷ lệ cao trong tổng số giao dịch từ khách hàng. Đơn cử, số lượng giao
dịch trên thiết bị di động đã chiếm đến 60% tổng số khách hàng của Lazada Việt Nam trong năm
2015.
Nhiều người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, việc mua sắm qua mạng bằng các thiết bị di động ngày
càng tiện lợi và an toàn hơn, vì vậy, số lượng người dùng internet trên thiết bị di động chiếm đến
57,56% dân số.
Báo cáo của Google về thị trường Việt Nam năm 2015 cho thấy, có đến 60% người dùng sử dụng
các thiết bị di động như máy tính bảng, điện thoại di động để truy cập vào các website. Báo cáo
TMĐT Việt Nam năm 2015 còn đưa ra số liệu cụ thể hơn, có đến 88% người sử dụng internet tìm
kiếm trực tuyến thông tin sản phẩm và dịch vụ trên các thiết bị di động trước khi đưa ra quyết định
mua sắm.

Đến Tên miền phù hợp
Các chuyên gia cho rằng, các website mua bán trực tuyến khi được tối ưu hóa cho thiết bị di động
sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng chọn lựa sản phẩm, mua sắm nhanh hơn. Đó là lý do
để DN đầu tư xây dựng các website tương thích với smartphone, máy tính bảng, phát triển ứng
dụng di động... Điều này giúp các website TMĐT, sàn TMĐT... tiếp cận dễ dàng hơn với đông đảo
người tiêu dùng đang sử dụng thiết bị di động để mua sắm. Tuy nhiên, thực tế hiện nay là mới chỉ
có 26% website của DN Việt Nam thân thiện với thiết bị di động.
Ông Nguyễn Văn Học, Giám đốc Chi nhánh phía Nam Công ty P.A Việt Nam cho rằng, chọn tên
miền phù hợp là bước đầu tiên DN cần ưu tiên để xây dựng một website di động thành công. Bằng
việc sử dụng những phần mở rộng tên miền tin cậy và thân thuộc với khách hàng, DN sẽ tăng thêm
được sự tín nhiệm.


Kết quả khảo sát do Verisign thực hiện với 1.000 khách mua hàng trực tuyến tại Mỹ trong năm 2015
cho thấy, khi đưa nhiều website tên giống nhau nhưng khác tên miền, có đến 61% khách hàng bỏ
qua những trang web có tên miền lạ và lựa chọn truy cập những website có tên miền ".com". Khi
được giới thiệu những tên miền mới này, có đến 62% khách hàng vẫn chọn truy cập vào các
website có tên miền ".com".
"Để có sự hiện diện trực tuyến mạnh mẽ, cần có một website thành công với một tên miền phù hợp.
Hiện ".com" được coi là tên miền tiêu chuẩn nhất được công nhận trên toàn thế giới cho hoạt động
kinh doanh trực tuyến của DN. Trên thế giới, 500 công ty thuộc danh sách Fortune 500 đều đã lựa
chọn và sử dụng tên miền này", ông Nguyễn Thanh Hưng chia sẻ.
Cũng theo ông Hưng, DN cần bắt kịp các xu hướng mới nhất của TMĐT trên nền tảng di động để
duy trì lợi thế cạnh tranh trong môi trường kinh doanh. Bởi vì DN có sự hiện diện trực tuyến mạnh
mẽ sẽ thu hút được nhiều khách hàng hơn, từ đó giúp nhanh chóng tăng lợi nhuận trong dài hạn.

Trong một nghiên cứu mới đây, tỷ lệ số lượng người sở hữu thiết bị di động trong vòng năm 2014
đã gia tăng gần như gấp đôi, hơn thế nữa có đến một phần ba dân số (36%) sử dụng điện thoại
thông minh, tăng đến 20% so với năm 2013.
Đón đầu xu hướng này, các doanh nghiệp đang cân nhắc và có kế hoạch đưa hoạt động kinh doanh

của mình lên thiết bị di động. Sau đây là 5 phương thức hữu hiệu có thể sử dụng nhằm nâng cao
hiệu quả.
1. “Kiểm tra sức khỏe” trang web - Đảm bảo trang web hoạt động tối ưu
Trang truy cập trên thiết bị di động được thiết kế riêng để dễ xem và sử dụng. Không quá khó để
kiểm tra xem trang web có tiện dụng trên thiết bị di động hay không. Chỉ cần sử dụng một điện thoại
thông minh bất kỳ, mở trang web và bắt đầu kiểm tra.
Những dòng chữ hiển thị rõ ràng không? có hình ảnh nào hiển thị chậm hoặc không thể hiển thị?
Nếu câu trả lời là “có” thì trang web không hề tiện dụng khi truy cập bằng thiết bị di động.
Ngoài ra, công cụ đánh giá tốc độ trang web (Page Speed tool) sẽ giúp giải đáp những vấn đề đang
xảy ra với trang web.
2. Thấu hiểu hành vi khách hàng
Không cần quá lo lắng những vấn đề như thời gian và công sức để tạo ra một trang web mới tiện
dụng hơn thông qua thiết bị di động.
Thay vì vậy, hãy thấu hiểu hành vi và nhu cầu của khách hàng và tập trung vào việc cung cấp
những dịch vụ phù hợp với nhu cầu đó.
Khách hàng sẽ lướt qua những mặt hàng và có ngay thao tác đặt mua? Hay chỉ tìm kiếm số điện
thoại liên lạc và bản đồ chỉ dẫn?


3. Xây dựng trang web được tối ưu hóa
Một khi đã thấu hiểu được hành vi và những nhu cầu của khách hàng trên trang web thông qua thiết
bị di động, thì sẽ dễ dàng hơn cho việc bắt tay vào xây dựng trang web.
Ví dụ, nếu khách hàng thường tìm kiếm, gọi điện và truy cập thông tin về những dịch vụ trực tiếp thì
phương cách hữu hiệu nhất cho các nhà bán lẻ là tạo nên một trang web mà ở đó tập trung vào
những yếu tố cơ bản như thời gian và địa điểm hay thông tin liên lạc.
Để tìm hiểu thêm nhiều thông tin về quy tắc thiết kế trang web, vui lòng ghé thăm 25 nguyên tắc
thiết kế trang web điện thoại di động.
4. Nâng cao kiến thức quảng cáo
Khi trang web đã hoàn thành và đi vào hoạt động, hãy nghĩ ngay đến việc thực hiện chiến dịch
quảng cáo trên kênh thiết bị di động vừa xây dựng. Quảng cáo trên thiết bị di động cung cấp những

tính năng mà quảng cáo kỹ thuật số truyền thống không thể có được.
Ví như dạng quảng cáo “chạm tay gọi ngay” (click-to-call) của Google cho phép khách hàng có thể
gọi trực tiếp một số điện thoại bằng cách chạm vào quảng cáo. Hơn thế, quảng cáo còn cho phép
biết được khoảng cách giữa người dùng và nơi cung cấp dịch vụ kinh doanh.
5. Xây dựng chiến lược quảng cáo - dựa trên nhu cầu khách hàng
Nếu đang sử dụng Google AdWords, mặc nhiên sẽ được cung cấp dịch vụ quảng cáo trên điện
thoại thông minh. Nếu còn bỡ ngỡ với quảng cáo trên thiết bị di động, hãy tìm hiểu thời điểm và
hành vi sử dụng điện thoại của khách hàng và tiếp cận họ.
Ví dụ, nếu mong muốn khách hàng ghé thăm doanh nghiệp thì thông tin về vị trí là vô cùng quan
trọng. Hãy lựa chọn một định dạng quảng cáo bao gồm hướng dẫn chỉ đường và bản đồ có sẵn
hoặc có thể lựa chọn loại quảng cáo phân chia theo vùng, cung cấp thông tin về khoảng cách từ
khách hàng đến doanh nghiệp.
Mặt khác, nếu như nắm trong tay một ứng dụng thay vì một trang web trên thiết bị di động, thì cách
hữu hiệu là sử dụng công cụ tìm kiếm (Google Search), Mạng hiển thị quảng cáo Google và
YouTube.
SOPHIE
Năm 2016, video marketing sẽ là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp (DN) tiếp cận người tiêu
dùng. Nghiên cứu của comScore cho thấy, hiện nay, video chiếm đến 87% các nội dung trực tuyến
như blog, bài viết hay hình ảnh. Điều đáng nói là có đến 96% người xem video sẽ nhấp chuột vào
đường dẫn trên đó, và sẽ có 90% người xem đưa ra quyết định sau khi xem.
Nhiều nghiên cứu khác cũng đưa ra con số khá thuyết phục. Có đến 1/3 các hoạt động trực tuyến
gắn liền với việc xem video, 80% người xem video trong khi chỉ có 20% đọc toàn bộ bài trên blog.
90% người xem cho rằng xem video về sản phẩm là hữu ích và có ảnh hưởng tới quyết định mua
sản phẩm.


Hai hành động khá phổ biến của cư dân mạng là "search" và "share" (tìm kiếm và chia sẻ). Khi
người tiêu dùng quan tâm đến vấn đề gì hay sản phẩm nào thì họ tìm thông tin, mua hàng, dùng
thấy tốt sẽ chia sẻ thông tin đó cho bạn bè và video làm việc này cực tốt. Theo công bố của Google,
trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có số lượng người xem video cao nhất và tỷ lệ "share" của

người Việt cho bạn bè, người thân là 91%.
Theo các chuyên gia, video marketing mang lại nhiều lợi ích nổi bật. Trong đó, việc kết hợp hình ảnh
và âm thanh của video marketing sẽ tạo hứng thú cho người xem. Và chính sự kết hợp này sẽ giúp
người xem dễ dàng cảm nhận, liên tưởng và nắm được ý tưởng tốt hơn, nhờ đó đưa thông điệp
đến với người xem một cách tự nhiên nhất. Không những thế, video có khả năng lan truyền nhanh
chóng trong cộng đồng người sử dụng internet.
Nó tác động tới nhiều giác quan của người xem cùng lúc, vì thế sẽ tạo được sự tin cậy cao hơn nơi
người xem. Các công cụ tìm kiếm hiện nay cũng thường ưu tiên hơn đối với video, đặc biệt là
những video đăng tải trên YouTube. Và video góp phần cải thiện tỷ lệ mở email bởi người đọc
thường có cảm giác hào hứng khi xem các video, vì thế sẽ kích thích khách hàng mở email.
Kết quả của Google cũng cho thấy, chỉ cần "search" một từ khóa nào đó, Google sẽ ưu tiên các
video hơn là các bài viết. Lý do, theo ông Trần Anh Tuấn - TGĐ Công ty Tư vấn The Pathfinder, là vì
bản chất của video marketing là nội dung đa phương tiện và có thể đưa vào những hình ảnh đẹp,
câu nói hay... để thu hút sự chú ý của nhiều người. Về mặt chủ quan, video với hiệu ứng âm thanh
và hình ảnh rất dễ thu hút sự chú ý của khách hàng hơn các bài viết.
Làm sao khai thác?
Trên thực tế, thời gian qua, có rất nhiều trường hợp sử dụng video marketing rất thành công. Đơn
cử như trường hợp sữa đậu nành Fami của Công ty Sữa đậu nành Việt Nam. Clip ca nhạc "Nhà là
nơi có Fami" trong chiến dịch quảng cáo và xây dựng thương hiệu của DN này trong năm 2015 đã
thu hút hơn 546.000 người xem chỉ sau một tuần đăng tải.
Tương tự, clip ca nhạc "Ấn nút mở - Thả ước mơ” do bột giặt Omo thực hiện có hơn 846.000 lượt
xem sau một tuần xuất hiện trên mạng. Ông Trần Anh Tuấn cho rằng, không thể xem thường các
video, đặc biệt là các mẫu phim trên các diễn đàn mạng xã hội. Nghiên cứu của comScore cho thấy,
có đến 80% người xem ghi nhớ thông điệp của video giới thiệu sản phẩm, 64% có ý định mua sản
phẩm sau khi xem video và 46% người sẽ mua sản phẩm.
Còn theo báo cáo về "Bức tranh kỹ thuật số Việt Nam 2015" (Vietnam Digital Landscape 2015) của
Công ty CP Phát triển giải pháp trực tuyến Moore, Việt Nam là nước có tỷ lệ người dùng internet để
xem video trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á. Đây là những con số cho thấy hiệu quả video
mang lại trong các hình thức marketing trực tuyến thời gian qua.
Chưa dừng lại ở những con số trên, theo ông Trần Anh Tuấn, trong thời gian tới, Google sẽ cho hiển

thị video quảng cáo trong kết quả tìm kiếm. Sự thay đổi này của Google sẽ tạo ra một làn sóng đối


với video ads. Cùng với Google, gần đây, Facebook đã đẩy mạnh phát triển video ads. Bằng chứng
là Facebook cho phép các video tự động chạy trên Facebook của người dùng mà không cần nhấp
chuột.
Hiệu quả đã thấy nhưng làm cách nào để tăng sự tương tác với người xem sau khi đăng tải video
marketing? Ông Trần Anh Tuấn gợi ý, DN cần tạo ra các video với nội dung sáng tạo, thu hút người
xem, mang lại lợi ích cho họ và cũng có thể tổ chức các cuộc thi. Người xem sẽ khó có thể bỏ qua
một video ấn tượng và truyền tải thông điệp sâu sắc.
Nội dung chính là chìa khóa để video marketing lan tỏa nhanh, được nhiều người chia sẻ. Thường
thì những video giới thiệu, hướng dẫn sử dụng dịch vụ hay giải đáp thắc mắc sẽ thu hút người xem
vì giúp họ hiểu về cá nhân, DN và có những kiến thức về sản phẩm.
Nếu DN có nhiều video marketing thì có thể mở cuộc thi bình chọn video được yêu thích nhất. Đây
chính là cách thu hút sự quan tâm của người xem, đồng thời tăng tính tương tác giữa DN và khách
hàng tiềm năng. Chính sự tương tác sẽ nhắc nhớ khách hàng về video của DN.
DN nên chú ý đến công cụ này khi thực hiện các chiến dịch quảng cáo. Nhưng "đừng nghĩ cứ quay
các video quảng cáo là phải đến nhà đài, các công ty truyền thông lớn. Kiểu làm video giới thiệu 30 60 giây đã lạc hậu. DN có thể tự làm việc này bằng chính chiếc điện thoại thông minh", ông Trần
Anh Tuấn tư vấn.



Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×