ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
--------
NGUYỄN VĂN NGỌC
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY
QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH THÀNH PHỐ NAM ĐỊNH
TỪ NĂM 1884 ĐẾN NĂM 1921
LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ
HÀ NỘI, 2017
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
--------
NGUYỄN VĂN NGỌC
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY
QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH THÀNH PHỐ NAM ĐỊNH
TỪ NĂM 1884 ĐẾN NĂM 1921
Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam
Mã số: 60 22 03 13
LUẬN VĂN THẠC SĨ LỊCH SỬ
Người hướng dẫn khoa học: GS.TS. Nguyễn Văn Khánh
XÁC NHẬN HỌC VIÊN ĐÃ CHỈNH SỬA THEO GÓP Ý CỦA HỘI ĐỒNG
Giáo viên hướng dẫn
Chủ tịch hội đồng chấm luận văn
thạc sĩ khoa học
GS.TS. Nguyễn Văn Khánh
PGS.TS. Nguyễn Đình Lê
HÀ NỘI, 2017
LỜI CAM ĐOAN
Luận văn “ Quá trình hình thành và tổ chức bộ máy quản lý hành chính
Thành phố Nam Định từ năm 1884 đến năm 1921” được thực hiện từ tháng 1
năm 2016 đến tháng 12 năm 2016. Luận văn sử dụng tư liệu từ nhiều nguồn
khác nhau. Các tư liệu đã được chỉ rõ nguồn gốc, một số tư liệu được thu thập
từ điều tra thực tế ở địa phương, đã được tổng hợp và xử lý.
Tôi xin cam đoan rằng đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi, được
thực hiện dưới sự hướng dẫn của GS.TS Nguyễn Văn Khánh. Các tư liệu và
kết quả nghiên cứu trong Luận văn này là hoàn toàn trung thực, có trích dẫn
nguồn gốc rõ ràng.
Tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Hội đồng khoa học về nội
dung Luận văn của mình.
Hà Nội, ngày
tháng
năm 2017
Tác giả
Nguyễn Văn Ngọc
LỜI CẢM ƠN
Trong thời gian thực hiện Luận văn, tôi đã nhận được sự quan tâm,
giúp đỡ quý báu của nhiều tập thể, cá nhân trong và ngoài Trường.
Nhân dịp này, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến GS.TS. Nguyễn
Văn Khánh – Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân
văn, Viện trưởng Viện Chính sách và Quản lý, người đã trực tiếp chỉ bảo,
giúp đỡ tôi trong thời gian thực hiện Luận văn.
Tôi xin chân thành cảm ơn Lãnh đạo và các thầy giáo, cô giáo Khoa
Lịch sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã hết lòng giảng dạy
và tạo điều kiện thuận lợi cho tôi trong suốt thời gian học tập, nghiên cứu và
thực hiện Luận văn.
Tôi xin chân thành cảm ơn Lãnh đạo Trường Đại học Khoa học Xã hội
và Nhân văn, Lãnh đạo và tập thể cán bộ giảng viên khoa Lưu trữ học và
Quản trị Văn phòng, nơi tôi đang công tác đã tạo điều kiện thuận lợi và giúp
đỡ tôi trong quá trình học tập, làm việc và thực hiện Luận văn.
Tôi xin chân thành cảm ơn các cán bộ của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia
I, Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định, Bảo tàng tỉnh Nam Định,
Thư viện tỉnh Nam Định, tạo điều kiện thuận lợi cho tôi trong quá trình thu
thập tư liệu để thực hiện Luận văn này.
Hà Nội, ngày
tháng
năm 2017
Tác giả
Nguyễn Văn Ngọc
MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU ..............................................................................4
1. Lý do lựa chọn đề tài .........................................................................4
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề .................................................................5
3. Mục đích nghiên cứu .........................................................................10
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu .....................................................10
5. Nguồn tư liệu và phương pháp nghiên cứu .......................................11
6. Đóng góp của luận văn ......................................................................12
7. Kết cấu luận văn ................................................................................12
CHƢƠNG 1: BỐI CẢNH LỊCH SỬ VÀ CÁC ĐIỀU KIỆN
HÌNH THÀNH THÀNH PHỐ NAM ĐỊNH .................................13
1.1.
Bối cảnh lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XIX- đầu thế kỷ XX .......13
1.1.1. Hiệp ước Patenôtre và phong trào chống Pháp ở Việt Nam
cuối thế kỷ XIX .................................................................................13
1.1.2. Quá trình thiết lập bộ máy cai trị của thực dân Pháp ở Việt Nam
đầu thế kỷ XX ....................................................................................15
1.1.3. Quá trình khai thác thuộc địa và những chuyển biến của nền
kinh tế Việt Nam đầu thế kỷ XX .......................................................20
1.1.4. Sự hình thành và phát triển của các đô thị ở Việt Nam cuối thế kỷ
XIX đầu thế kỷ XX ............................................................................27
1.2.
Những tiền đề cho sự hình thành thành phố Nam Định ..............29
1.2.1. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và lịch sử khai thác lãnh thổ
vùng đất Nam Định............................................................................29
1.2.2. Vùng đất có vị trí chiến lược về an ninh - quốc phòng .....................32
1.2.3. Vùng đất giàu truyền thống văn hóa..................................................36
Tiểu kết chƣơng 1 ............................................................................38
1
CHƢƠNG 2: QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH THÀNH PHỐ
NAM ĐỊNH TỪ NĂM 1884 ĐẾN NĂM 1921...............................39
2.1. Trung tâm đô thị Nam Định trƣớc năm 1884 ........................39
2.1.1. Các trung tâm đô thị ở Nam Định trước thời Nguyễn
(Thế kỷ X - Thế kỷ XVIII) ................................................................39
2.1.2. Trung tâm đô thị ở Nam Định dưới triều Nguyễn (1802 - 1884)......41
2.2.
Quá trình hình thành thành phố Nam Định từ năm 1884
đến năm 1920....................................................................................46
2.2.1. Quá trình quy hoạch đô thị ................................................................46
2.2.2. Kiến thiết hệ thống cơ sở hạ tầng ......................................................48
2.2.3. Quá trình hình thành và phát triển công nghiệp ở thành phố
Nam Định...........................................................................................50
2.2.4. Hoạt động thương mại và dịch vụ .....................................................52
2.2.5. Tình hình dân cư ................................................................................54
2.3.
Sự ra đời thành phố Nam Định năm 1921 ....................................56
2.3.1. Những cơ sở pháp lý quan trọng .......................................................56
2.3.2. Những bất cập trong sự phát triển của thành phố Nam Định ............61
2.3.3. Quá trình vận động thành lập thành phố Nam Định
năm 1921 ..........................................................................................62
Tiểu kết chƣơng 2 ......................................................................................65
CHƢƠNG 3: TỔ CHỨC BỘ MÁY QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH
THÀNH PHỐ NAM ĐỊNH TỪ NĂM 1884 ĐẾN NĂM 1921........67
3.1. Tổ chức bộ máy quản lý trung tâm đô thị Nam Định trƣớc
năm 1884 ...........................................................................................67
3.1.1. Tổ chức bộ máy quản lý trung tâm đô thị Nam Định từ thế kỷ X
đến thế kỷ XVIII ................................................................................67
3.1.2. Tổ chức bộ máy quản lý trung tâm đô thị Nam Định dưới
triều Nguyễn (1802- 1884) ................................................................69
2
3.2. Tổ chức bộ máy quản lý hành chính thành phố Nam Định
từ 1884 đến năm 1920 ......................................................................70
3.2.1. Bộ phận chính quyền của người Pháp ..............................................71
3.2.2. Bộ phận chính quyền của người bản xứ ............................................74
3.2.3. Bộ máy quản lý cấp cơ sở ..................................................................78
3.3. Tổ chức bộ máy chính quyền Thành phố Nam Định năm 1921.....79
3.3.1. Cấp thành phố ....................................................................................80
3.3.2. Cấp cơ sở ...........................................................................................84
Tiểu kết chƣơng 3 ......................................................................................89
KẾT LUẬN .................................................................................................90
TÀI LIỆU THAM KHẢO .........................................................................92
PHỤ LỤC....................................................................................................99
3
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do lựa chọn đề tài
Ngay sau khi xâm lược và mở rộng địa bàn chiếm đóng trên đất nước
ta, thực dân Pháp đã nhanh chóng xây dựng tổ chức chính quyền tại các vùng
đất chiếm được nhằm đối phó với các phong trào yêu nước của nhân dân các
địa phương đang dâng cao. Theo đó, hàng loạt bộ máy quản lý hành chính
các cấp, các cơ quan chuyên môn đã được thực dân Pháp thiết lập. Trong đó
đáng lưu ý nhất là việc thiết lập bộ máy hành chính quản lý các đô thị, những
nơi làm việc, sinh sống của đại bộ phận người nước ngoài và cũng là nơi
nhanh chóng tiếp thu văn minh phương Tây. Việc nghiên cứu quá trình hình
thành và bộ máy quản lý đô thị ở Việt Nam thời thuộc địa là một việc làm có
ý nghĩa.
Tỉnh Nam Định nằm ở phía đông nam của đồng bằng châu thổ sông
Hồng, vốn là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa. Cho đến nay, thành
phố Nam Định đã có lịch sử gần 800 năm hình thành và phát triển. Ngay từ
thế kỷ 13- 14, nhà Trần đã cho xây dựng ở đây hành cung Thiên Trường, là
chốn lui về nghỉ ngơi của hoàng tộc và là nơi hội họp của triều đình khi cần
thiết. Hiện nay, thành phố Nam Định là đô thị trọng điểm của vùng kinh tế
nam Đồng bằng Bắc Bộ.
Dưới thời Pháp thuộc, Nam Định đã nhanh chóng trở thành một trung
tâm kinh tế sầm uất với ngành công nghiệp dệt nổi tiếng. Trước yêu cầu của
việc phát triển, năm 1921 chính quyền thuộc địa đã tiến hành quy hoạch địa
giới trung tâm đô thị Nam Định thành lập nên thành phố Nam Định và xây
dựng bộ máy tổ chức quản lý đô thị nhằm đảm bảo cho sự phát triển toàn diện
và lâu dài. Việc nghiên cứu về quá trình hình thành và bộ máy quản lý đô thị
ở Bắc Kỳ nói chung và thành phố Nam Định nói riêng hứa hẹn sẽ có những
4
kết quả lý thú. Từ những lý do trên tôi quyết định lựa chọn đề tài “ Quá trình
hình thành và tổ chức bộ máy quản lý hành chính thành phố Nam Định từ
năm 1884 đến năm 1921 làm đề tài luận văn thạc sĩ của mình.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Ở Việt Nam, nghiên cứu về quá trình hình thành và tổ chức bộ máy
chính quyền thuộc địa ở Bắc Kỳ bắt đầu được quan tâm từ những năm 70 của
thế kỷ 20 trên các tạp chí khoa học. Đầu tiên là loạt bài viết “Những thay đổi
về địa lý hành chính của các tỉnh Bắc Kỳ thời kỳ Pháp thuộc” của tác giả Vũ
Văn Tỉnh được in liên tiếp trên số 4 và số 5 năm 1970 của Tạp chí Nghiên
cứu Lịch sử. Trong loạt bài này, tác giả đã giới thiệu một cách khái quát các
thay đổi quan trọng về địa giới hành chính của các tỉnh Bắc Kỳ thời Pháp
thuộc cụ thể là quá trình phân tách các tỉnh và sự thay đổi địa giới hành chính
của các phủ huyện trong các tỉnh.
Tiếp đến là tác giả Dương Kinh Quốc với loạt bài “Quá trình thiết lập
và cơ cấu tổ chức chính quyền của thực dân Pháp ở Việt Nam thời kỳ trước
Cách mạng Tháng Tám 1945” trên 4 số liên tiếp từ số 2 đến số 5 năm 1982
của Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử và sau này được tập hợp và hoàn thiện trong
công trình “Chính quyền thuộc địa ở Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám
1945” do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành năm 1988. Đây là một công
trình công phu và hệ thống về tổ chức bộ máy chính quyền của thực dân Pháp
ở Việt Nam trước năm 1945 ở cả Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Ở phần trình
bày về tổ chức cai trị của thực dân Pháp ở Bắc Kỳ từ khi thiết lập chế độ toàn
quyền năm 1887 tác giả đã dành riêng một mục để giới thiệu tổ chức bộ máy
hành chính cấp thành phố ở Bắc Kỳ trong đó tập trung vào việc giới về các
loại hình đô thị ở Bắc Kỳ là đô thị loại I và đô thị loại III. Tuy nhiên, với thời
lượng hơn một trang sách, tác giả cũng mới chỉ đề cập đến những vấn đề
chung nhất trong bộ máy tổ chức quản lý các đô thị ở Bắc Kỳ.
5
Ngoài ra cũng phải kể đến loạt bài của tác giả người Pháp Emmanuel
Poisson viết về “Quan chức, thuộc viên hành chính cấp tỉnh và địa phương tại
Bắc Kỳ (cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20)- Những tiếp cận bước đầu”. Được đăng
trên số 3 và số 4 năm 1997 của Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử. Sau này, tác giả
đã cho xuất bản cuốn sách mang tên Quan và lại ở miền Bắc Việt Nam - một
bộ máy hành chính trước thử thách (1820 – 1918) bằng tiếng Việt do Nhà
xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 2006. Mặc dù các nhận định của tác giả đưa
ra còn nhiều tranh luận nhưng các kết quả nghiên cứu đã đem đến một cách
tiếp cận mới mẻ về vấn đề này.
Trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây vấn đề nghiên cứu về tổ chức bộ
máy hành chính các đô thị thời thuộc địa đã thu hút được sự quan tâm của các
học giả trong và ngoài nước. Đã có nhiều công trình nghiên cứu, các luận án
tiến sĩ nghiên cứu về quá trình hình thành các đô thị và tổ chức bộ máy quản
lý các đô thị này. Trong đó có thể kể đến Luận Án Tiến sĩ Khoa học Lịch sử
của tác giả Nguyễn Quang Hồng với tựa đề: “Thành phố Vinh- Quá trình hình
thành và phát triển (Từ năm 1804 đến trước Cách mạng tháng Tám năm
1945)” được bảo vệ tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2000; Phạm
Thị Tuyết với tựa đề “Đô thị Hải Dương thời thuộc địa (1883- 1945)” được
bảo vệ tại Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội I năm 2011; Luận Án Tiến sĩ
Lịch sử của tác giả Nguyền Hoài Phương viết về Thành phố Hải Phòng thời
thuộc địa được bảo vệ tại Trường ĐHQGHN năm 2014.
Trên các tạp chí khoa học cũng xuất hiện nhiều bài viết nghiên cứu về
tổ chức bộ máy hành chính thời thuộc địa như bài viết “Hệ thống chính quyền
thành phố Hà Nội thời Pháp thuộc và vai trò của nó trong quản lý và phát triển
đô thị” được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 9 năm 2007. Bằng việc
khai thác nguồn tài liệu lưu trữ, tác giả đã giới thiệu cụ thể và đầy đủ về hệ
thống chính quyền Thành phố Hà Nội trước năm 1945. Chúng tôi đặc biệt quan
6
tâm đến bài viết của tác giả Phạm Thị Tuyết với tựa đề “Tổ chức Bộ máy chính
quyền và chính sách quản lý của thực dân Pháp ở Thành phố Hải Dương (giai
đoạn 1923- 1945)” được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 12 năm
2010. Đây là một bài viết rất đặc sắc và có liên quan trực tiếp đến nội dung đề
tài của chúng tôi. Trong bài viết này tác giả đã giới thiệu cụ thể tổ chức bộ máy
chính quyền thành phố Hải Dương cả ở cấp thành phố lẫn cơ quan chuyên
môn và cấp khu. Ngoài ra tác giả còn giới thiệu một số chính sách quản lý đô
thị của thực dân Pháp tại thành phố Hải Dương trước năm 1945.
Năm 2013 Viện sử học kết hợp với Nhà xuất bản Khoa học Xã hội
Việt Nam đã ấn hành bộ sách “Lịch sử Việt Nam” gồm 15 tập do PGS.TS
Trần Đức Cường làm tổng chủ biên. Bằng những nguồn tư liệu và nhận thức
mới, bộ sách đã giới thiệu một cách hệ thống và khái quát toàn bộ lịch sử Việt
Nam từ khởi thủy cho đến năm 2000. Đây được coi là bộ thông sử đồ sộ nhất
của Việt Nam từ trước đến nay. Trong các tập 6,7,8 của bộ sách đã đề cập
đến nhiều nội dung quan trọng về lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XIX- đầu thế
kỷ XX, là nguồn tư liệu quan trọng để chúng tôi thực hiện luận văn.
Cũng trong năm 2013, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I đã giới thiệu đến
bạn đọc cuốn sách “Tổ chức bộ máy các cơ quan chính quyền thuộc địa ở Việt
nam qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1862- 1945)”. Đây là một công trình biên
khảo công phu, giới thiệu các tài liệu, tư liệu lưu trữ liên quan đến việc tổ
chức bộ máy các cơ quan chính quyền thuộc địa ở Việt Nam trong đó có các
văn bản liên quan tới sự hình thành và bộ máy quản lý hành chính các đô thị ở
Việt Nam. Đây thực sự là nguồn tài liệu tham khảo có giá trị để nghiên cứu
lịch sử các cơ quan trong chính quyền thuộc địa ở Việt Nam trước năm 1945.
Năm 2015, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội đãn giới thiệu đến bạn đọc
cuốn “Tổ chức bộ máy nhà nước quân chủ ở Việt Nam (Từ năm 938 đến năm
1884)” do PGS.TS Nguyễn Minh Tường chủ biên. Đây là một công trình
7
khảo cứu, nghiên cứu công phu về tổ chức bộ máy nhà nước ở Việt Nam
trong suốt 10 thế kỷ của thời kỳ độc lập tự chủ. Các kết quả nghiên cứu của
tác giả đã mang đến cho chúng tôi những nguồn tư liệu và nhận thức quan
trọng để thực hiện nghiên cứu của mình.
Năm 2016, tác giả Nguyễn Đình Tư đã cho xuất bản bộ sách: “Chế độ
thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ 1859- 1954” gồm 2 tập. Đây là một công
trình nghiên cứu đồ sộ, có hệ thống về quá trình thiết lập và hoàn bị chế độ
cai trị của thực dân Pháp ở Nam Kỳ trong vòng gần 1 thế kỷ. Trong tập 1 của
bộ sách, tác giả đã giới thiệu quá trình hình thành và mô hình tổ chức quản lý
nhiều đô thị tiêu biểu ở Nam Kỳ như: Sài Gòn, Chợ Lớn, Long Xuyên, Mỹ
Tho...Hệ thống tư liệu, các nhận định, đánh giá của tác giả là nguồn thông tin
quan trọng để chúng tôi tiến hành so sánh và đối chiếu để làm sinh động hơn
kết quả nghiên cứu của mình.
Bên cạnh đó cũng phải kể đến công trình “Lịch sử đô thị Việt Nam- Tư
liệu và nghiên cứu” của tập thể cán bộ, giảng viên Khoa Lịch sử Trường Đại
học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Đây là một tuyển
tập công trình các bài viết khai thác các khía cạnh khác nhau của đô thị Việt
Nam trong quá khứ và hiện tại. Một số kết quả nghiên cứu trong công trình này
có ý nghĩa tham khảo thực sự với đề tài mà chúng tôi đang thực hiện.
Thành phố Nam Định đã sớm được quan tâm trong các công trình
nghiên cứu về địa dư Bắc Kỳ và địa dư tỉnh Nam Định. Trong các công trình:
“ Nam Định tỉnh địa dư chí” của Nguyễn Ôn Ngọc viết năm 1895 hay “Tân
Biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược” của Khiếu Năng Tĩnh viết năm 1915;
“Đại Việt Địa Dư” của Lương Văn Can viết năm 1925 đã ít nhiều trình bày
về địa giới hành chính, lịch sử hình thành và cơ cấu dân cư, bộ máy tổ chức
thành phố Nam Định thời kỳ đó. Đây là những cứ liệu quan trọng cho các
công trình nghiên cứu về thành phố Nam Định sau này.
8
Năm 1997, Sở Văn hóa Thông tin Nam Định đã cho xuất bản cuốn
sách “Thành Nam xưa” của tác giả Vũ Ngọc Lý. Đây là một công trình biên
khảo công phu và tỉ mỉ về thành phố Nam Định trong lịch sử. Từng góc phố,
con đường được tác giả khảo cứu và giới thiệu chi tiết đến người đọc. Năm
2003, Tỉnh Ủy Nam Định phối hợp với Viện Việt Nam học và Khoa học Phát
triển đã hoàn thành công trình Địa chí Nam Định với sự tham gia đông đảo
của các nhà nghiên cứu ở các lĩnh vực khác nhau. Trong chương 7 của cuốn
sách các tác giả đã dành một phần để giới thiệu về tổ chức bộ máy hành chính
tỉnh Nam Định.
Trong các công trình viết về Thành phố Nam Định chúng tôi đặc biệt
quan tâm đến Luận án tiến sĩ Lịch sử của tác giả Trần Thị Thái Hà với tựa đề
“Từ Hành cung Tức Mặc- Thiên Trường đến đô thị Vị Hoàng (Thế kỷ XIIIXIX)” được bảo vệ tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2012. Đây là
một công trình công phu, giới thiệu một cách khái quát quá trình hình thành
và phát triển của thành phố Nam Định trong hơn 6 thế kỷ. Luận án đã cung
cấp nhiều tư liệu quan trọng cho đề tài luận văn chúng tôi đang nghiên cứu.
Ngoài ra, cũng phải kể đến bài viết của tác giả Nguyễn Thị Phương
Chi với tựa đề “Vai trò của đô thị Thiên Trường với Thăng Long dưới thời
Trần” được in trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 12 năm 2007. Bài viết đã
có những nhận định và đánh giá quan trọng về vai trò của Thiên Trường với
sự phát triển của kinh đô Thăng Long. Bên cạnh đó, còn nhiều bài viết của
các nhà nghiên cứu địa phương trên các Tạp chí Văn nghệ Nam Định cũng ít
nhiều đề cập đến sự hình thành và phát triển của thành phố Nam Định trước
năm 1945.
Năm 2016, Nhà xuất bản Thế giới đã kết hợp với Công ty Alphabook
đã giới thiệu đến bạn đọc cuốn hồi ký của nguyên Toàn quyền Đông Dương
9
Paul Doumer (1897- 1902) mang tựa đề “Xứ Đông Dương”. Cuốn sách mang
lại nhiều cảm nhận thú vị cho bạn đọc. Trong phần giới thiệu về các tỉnh ở
Đồng bằng Châu thổ Bắc Kỳ, tác giả đã dành nhiều tâm huyết để mô tả về
thành phố Nam Định lúc bấy giờ. Đây là những thông tin có ý nghĩa quan
trọng để chúng tôi tiến hành phục dựng và mô tả lại diện mạo thành phố Nam
Định thời thuộc địa.
Như vậy, có thể thấy bộ máy tổ chức chính quyền Việt Nam thời
thuộc địa và thành phố Nam Định cũng đã trở thành những chủ đề thu hút
được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu và cũng đã gặt hái được nhiều kết
quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một công trình nào
nghiên cứu một cách có hệ thống về quá trình hình thành và tổ chức bộ máy
quản lý hành chính thành phố Nam Định từ năm 1884 đến năm 1921.
3. Mục đích nghiên cứu
Với việc tập hợp và phân tích các nguồn tư liệu khác nhau, luận văn
mong muốn sẽ khắc họa một cách hệ thống, chân thực và đầy đủ về quá trình
hình thành và bộ máy quản lý hành chính thành phố Nam Định từ năm 1884
đến năm 1921.
4. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là quá trình hình thành và bộ máy
quản lý thành phố Nam Định từ năm 1884 đến năm 1921, bao gồm sự hình
thành thành phố Nam Định và tổ chức bộ máy quản lý thành phố, chính quyền
cấp khu phố.
Phạm vi không gian nghiên cứu chính của đề tài là khu vực đô thị
trung tâm tỉnh Nam Định và sau này là thành phố Nam Định theo Nghị định
ngày 17 tháng 10 năm 1921 của toàn quyền Đông Dương.
Phạm vi thời gian của đề tài từ năm 1884 đến năm 1921.
10
5. Nguồn tƣ liệu và phƣơng pháp nghiên cứu
Nguồn tư liệu
Tư liệu lưu trữ tại Trung Tâm Lưu trữ Quốc gia 1 là nguồn tư liệu
quan trọng phục vụ cho quá trình hoàn thành luận văn. Tại đây, chúng tôi tập
trung khai thác tài liệu lưu trữ ở phông Phủ Toàn quyền, Phủ Thống sứ Bắc
Kỳ và Tòa sứ Nam Định. Ở các phông này, chúng tôi tập trung đi vào khai
thác các tài liệu có giá trị như các nghị định, tờ trình, công văn, quyết định
báo cáo và các bản đồ ở các mảng nhân sự, tổ chức chính quyền địa phương,
công chính, thương mại...... Nguồn tư liệu lưu trữ giúp chúng tôi nắm bắt
được quá trình thành lập và hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền thành
phố Nam Định thời thuộc địa.
Nguồn tư liệu thu thập tại địa phương qua các chuyến khảo sát thực tế
bao gồm các bản thảo chưa công bố, các xuất bản phẩm, các công trình
nghiên cứu tại địa phương hiện đang được bảo quản tại Thư viện và Bảo tàng
tỉnh Nam Định. Ngoài ra, nguồn tài liệu ảnh chụp thực tế về các dấu tích còn
sót lại của thành phố Nam Định xưa cũng rất có ý nghĩa, làm sinh động hơn
kết quả nghiên cứu của đề tài.
Phương pháp nghiên cứu
Để hoàn thành luận văn, chúng tôi chủ yếu sử dụng các phương
pháp sau:
-
Phương pháp lịch sử, logic được sử dụng để tái hiện, khái quát
một cách có hệ thống về vấn đề nghiên cứu.
-
Phương pháp khai thác tài liệu, quan sát, hồi cố và phỏng vấn sâu
được dùng để tìm kiếm, khai thác nguồn tư liệu phục vụ cho đề tài.
-
Phương pháp đối chiếu, so sánh được sử dụng để phân loại,
chỉnh lý và phê khảo nguồn sử liệu nhằm chắt lọc những thông tin ý
nghĩa và tin cậy để sử dụng cho quá trình nghiên cứu.
11
-
Phương pháp phân tích, thống kê mô tả sẽ giúp chúng tôi đưa ra
những nhận định quan trọng dựa trên nguồn tư liệu thu thập được.
6. Đóng góp của luận văn
Bằng việc khai thác triệt để và hiệu quả các nguồn tư liệu, luận văn đã
phục dựng lại một cách đầy đủ, chân thực và hệ thống quá trình hình thành
thành phố Nam Định và bộ máy quản lý hành chính Thành phố từ năm 1884
đến năm 1921
Rút ra những nhận xét, đánh giá quan trọng về quá trình hình thành,
phát triển và chuyển biến của thành phố Nam Định cuối thế kỷ XIX- đầu thế
kỷ XX.
7. Kết cấu luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ
lục, bố cục luận văn gồm 3 chương:
Chương 1: Bối cảnh lịch sử và các điều kiện hình thành thành phố
Nam Định
Chương 2: Quá trình hình thành thành phố Nam Định từ năm 1884
đến năm 1921
Chương 3: Tổ chức bộ máy quản lý hành chính thành phố Nam Định
từ năm 1884 đến năm 1921
12
CHƢƠNG 1: BỐI CẢNH LỊCH SỬ VÀ CÁC ĐIỀU KIỆN
HÌNH THÀNH THÀNH PHỐ NAM ĐỊNH
1.1.
Bối cảnh lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XIX- đầu thế kỷ XX
1.1.1. Hiệp ước Patenôtre và phong trào chống Pháp ở Việt Nam
cuối thế kỷ XIX
Năm 1882, thực dân Pháp lại kéo quân ra Bắc Kỳ lần thứ hai. Thành
Hà Nội và các tỉnh lân cận lại nhanh chóng rơi vào tay thực dân Pháp. Tuy
nhiên, cũng tương tự như cuộc viễn chinh gần 10 năm về trước, dù có chiếm
lỵ sở của các địa phương ở Bắc Kỳ khá dễ dàng nhưng thực dân Pháp đã rất
lúng túng khi đối phó với phong trào đấu tranh của nhân dân các địa phương.
Chiến thắng Cầu Giấy lần thứ hai ngày 19 tháng 5 năm 1883 đã làm
cho tinh thần chống Pháp của nhân dân đang thêm hứng khởi đẩy quân Pháp
ở Bắc Kỳ vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng [12; 146]. Tuy nhiên, trong
hoàn cảnh đó triều Nguyễn lại tỏ ra thiếu quyết đoán trong việc chỉ đạo nhân
dân đánh giặc. Từ đó, đã tạo điều kiện cho quân Pháp có thời gian để củng cố
và bổ sung lực lượng để trấn áp các phong trào yêu nước của nhân dân.
Ngày 17 tháng 7 năm 1883, vua Tự Đức băng hà, triều đình Huế càng
thêm rối ren. Nhân cơ hội đó, ngày 25 tháng 8 năm 1883, thực dân Pháp đã ép
triều Nguyễn ký hiệp ước Harmand gồm 27 điều [39; 573-576]. Theo tinh
thần của hiệp ước, từ nay triều đình Huế phải công nhận quyền bảo hộ của
chính phủ Pháp.
Một năm sau đó, ngày 6 tháng 6 năm 1884, hiệp ước Patenôtre gồm 19
điều khoản được ký kết giữa triều đình Huế và đại diện chính phủ Pháp thay
thế hiệp ước Harmand. Theo đó, nhà Nguyễn đã đầu hàng hoàn toàn, chấp
nhận sự thống trị của thực dân Pháp với toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Nước ta
bị chia cắt thành 3 kỳ, với 3 chế độ khác nhau. Nam Kỳ là đất thuộc địa; Bắc
13
Kỳ là xứ bảo hộ [39;577-581]. Ở Trung Kỳ, triều đình Huế có quân đội riêng
nhưng thực chất phụ thuộc vào đại diện của chính phủ Pháp (Khâm sứ). Hiệp
ước Patenôtre đã đặt cơ sở lâu dài và chủ yếu cho quyền đô hộ của Pháp trên
đất Việt Nam đúng như đánh giá của Giáo sư Nguyễn Phan Quang “Hiệp ước
Patenôtre hoàn thiện việc biến nước ta thành nước thuộc địa của Pháp đồng
thời xác định rõ vị thế mới của nhà Nguyễn- vị thế tay sai lệ thuộc- của chính
quyền thực dân Pháp cả về đối nội lẫn đối ngoại” [31; 334]
Hiệp ước Patenôtre được ký kết trong hoàn cảnh Việt Nam có nhiều
diễn biến rất phức tạp. Trong triều đình Huế, cuộc tranh đấu giữa các phe phái
diễn ra rất quyết liệt. Vua Hàm Nghi lên ngôi khẳng định sự thắng thế của phe
chủ chiến đứng đầu là Tôn Thất Thuyết.
Phe chủ chiến đã ráo riết chuẩn bị cho cuộc chính biến ở kinh thành
Huế đồng thời di chuyển lực lượng và khí giới ra sơn phòng Tân Sở (Quảng
Trị) để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài. Khi phát hiện ra sự nghi ngờ
của thực dân Pháp, Tôn Thất Thuyết đã quyết định nổ súng trước để giành thế
chủ động vào đêm mùng 4 rạng ngày 5 tháng 7 năm 1885. Bị tấn công bất
ngờ trong đêm nhưng quân Pháp vẫn tử thủ, chờ trời sáng để phản công. Quân
triều đình chống trả rất anh dũng. Đến trưa ngày 5 tháng 7 năm 1885, trước
ưu thế vượt trội về hỏa lực của giặc, quân triều đình rút khỏi kinh thành Huế
chạy về Tân Sở (Quảng Trị) chuẩn bị lực lượng kháng Pháp lâu dài [31; 336].
Ở các địa phương, phong trào kháng Pháp diễn ra rất sôi nổi. Đặc biệt
sau khi Dụ Cần vương của vua Hàm Nghi được ban bố. Nhiều trung tâm
chống Pháp trong cả nước được thành lập và phát triển khiến cho thực dân
Pháp vô cùng lúng túng và hoang mang tạo nên một cao trào kháng Pháp cuối
thế kỷ XIX.
Phong trào chống Pháp của văn thân sĩ phu cuối thế kỷ XIX hưởng ứng
Dụ Cần vương đã thể hiện một tinh thần yêu nước quật cường của nhân dân
14
Việt Nam khi có họa xâm lăng. Tuy nhiên, với những hạn chế về phương tiện
vũ khí và đặc biệt là thiếu sự kết nối liên vùng nên các cuộc khởi nghĩa lần
lượt bị thực dân Pháp tập trung lực lượng đàn áp. Sự thất bại của các phong
trào hưởng ứng Dụ Cần vương không đơn thuần là những thất bại của mô
hình, phương thức chiến đấu mà nó còn là sự thất bại của hệ tư tưởng phong
kiến đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc [16; 150].
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến các cuộc khởi nghĩa nông dân
tự phát mà tiêu biểu đó là cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Yên Thế dưới sự
lãnh đạo của thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám. Cuộc khởi nghĩa này đã thu hút được
đông đảo nông dân tham gia và có sức sống bền bỉ suốt cuối thế kỷ XIX sang
đến đầu thế kỷ XX mới bị dập tắt.
Phong trào yêu nước ở Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIX đã chứng
minh sức sống tiềm tàng của dân tộc. Các cuộc khởi nghĩa nổ ra với những
quy mô khác nhau trên một địa bàn rộng lớn với các phương thức rất đa dạng.
Những tư tưởng yêu nước truyền thống dần mất đi vai trò lãnh đạo để nhường
chỗ cho sự du nhập của các luồng tư tưởng mới ở giai đoạn sau [38; 194].
1.1.2. Quá trình thiết lập bộ máy cai trị của thực dân Pháp ở Việt Nam
đầu thế kỷ XX
Không phải đến thời điểm này người Pháp mới quan tâm đến vấn đề
thiết lập bộ máy chính quyền thuộc địa. Trong suốt thời gian mở rộng xâm
lược, thực dân Pháp cũng đã ít nhiều quan tâm tới việc xây dựng bộ máy
chính quyền trên địa bàn đã giành được quyền kiểm soát. Ở Nam Kỳ ngay từ
năm 1862, sau hiệp Nhâm Tuất với những nhượng bộ đáng kể của triều
Nguyễn, thực dân Pháp đã bước đầu thiết lập ở đây bộ máy chính quyền tay
sai [39; 141]. Tuy nhiên, những cố gắng ban đầu này chỉ như những giải pháp
tình thế trên những địa bàn cụ thể nhằm nhanh chóng đối phó với những cuộc
đấu tranh của nhân dân địa phương.
15
Cho đến năm 1897, tổ chức hành chính của Liên bang Đông Dương
vẫn nằm trong tình trạng phân tán và biệt lập cả về quyền lực lẫn cấu trúc
chính quyền. Bởi thế, việc quản lý hành chính ở Đông Dương gặp rất nhiều
khó khăn. Toàn quyền Đông Dương trên danh nghĩa là người đứng đầu Đông
Dương, có quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp nhưng trên thực tế, ảnh
hưởng của ông ta chỉ ở các tỉnh Bắc Kỳ, một bộ phận của xứ Đông Dương.
Tình trạng này bắt được đầu được cải thiện rõ rệt sau khi Paul Doumer
sang nhận chức Toàn quyền Đông Dương và được những người kế nhiệm tiếp
tục điều chỉnh, hoàn thiện trong thời gian sau đó. Mặc dù vậy, trong suốt 20
năm đầu của thế kỷ XX, công cuộc xây dựng bộ máy chính quyền thuộc địa ở
Đông Dương diễn ra liên tục nhưng không đồng nhất. Mỗi viên toàn quyền lại
có những đường lối cai trị riêng từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống
chính trị ở Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng.
Paul Doumer sang nhận nhiệm vụ ở Đông Dương sau những mệt mỏi
của chính quốc trước những cuộc nổi loạn của người bản xứ. Bởi vậy, dưới
góc độ cá nhân, ông cũng khá do dự khi tới xứ sở xa lạ này công tác [29, 2731]. Đến khi thực sự phải gánh vác trọng trách người đứng đầu Đông Dương,
Paul Doumer đã có những trăn trở nhất định trong việc thiết lập chế độ cai
trịở thuộc địa. Ông đã dành trọn những tháng ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ
công tác của mình để tìm hiểu vùng đất và con người nơi đây. Và chính ông
cũng nhận ra rằng Đông Dương đang ở trong tình trạng phân tán, thiếu thống
nhất của bộ máy chính quyền thuộc địa. Chính vì thế, Paul Doumer đã nhanh
chóng đưa ra chương trình hành động gồm 7 điểm và khẳng định vấn đề tổ
chức bộ máy chính quyền phải là vấn đề trọng tâm và trước nhất [22; 112].
Việc xây dựng bộ máy chính quyền không chỉ đơn thuần là việc củng
cố chính quyền trung ương của Đông Dương mà bao gồm cả quá trình thiết
lập chế độ chính trị cho mỗi xứ. Đây là cơ sở quan trọng để Paul Doumer thực
hiện chương trình khai thác thuộc địa đầy tham vọng [40; 37].
16
Theo đuổi một lập trường cứng rắn, Toàn quyền Paul Doumer đã nhanh
chóng thiết lập cho Đông Dương một hệ thống chính quyền thống nhất. Đầu
tiên, ông đã xác lập lại vai trò và vị trí của toàn quyền trên toàn bộ liên bang,
thay vì chỉ là người điều khiển Bắc Kỳ. Từ nay, Toàn quyền Đông Dương sẽ
là người điều khiển khắp nơi nhưng không cai trị ở đâu cả. Đồng thời ông
cũng cho tái lập Hội đồng Cao cấp Đông Dương bao gồm các thành viên là
đại diện chính quyền các xứ, các lực lượng quân đội, các cơ quan trung ương
và các chủ tịch các phòng canh nông của Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam kỳ.
Trong khi đó, tại các xứ, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã tổ
chức lại bộ máy chính quyền với những thiết chế riêng biệt nhưng cùng theo
hướng phụ thuộc vào chính phủ trung ương. Theo đó, bộ máy chính quyền tại
Nam Kỳ được tổ chức lại với các cơ quan của Phủ Thống đốc, các chủ tỉnh
dựa trên một nền tư pháp Pháp và việc tổ chức ra ngân sách cấp tỉnh.
Tại Trung Kỳ, ông đã cải tổ bộ máy cai trị của Nam triều bằng cách gia
tăng số lượng viên chức người Pháp trong bộ máy chính quyền phong kiến,
đồng thời bãi bỏ các cơ quan có quyền lực lớn trong triều đình như Hội đồng
Phụ chính, Hội đồng Thượng thư và tổ chức lại Hội đồng Cơ mật với sự tham
gia rộng rãi của các công chức Pháp do Khâm sứ Trung Kỳ đứng đầu.Song
song với đó, các công sứ Pháp ở Trung Kỳ cũng được gia tăng về số lượng và
quyền lực thực sự. Ngoài ra, chính quyền thuộc địa còn tước đoạt quyền kiểm
soát các công sản của Nam Triều để tự do cấp nhượng cho công dân Pháp.
Tại Bắc Kỳ, Paul Doumer đã tách Toàn quyền Đông Dương ra khỏi
việc điều hành trực tiếp Bắc Kỳ như trước đây và trao cho Thống sứ Bắc Kỳ
quyền cai trị trực tiếp xứ này. Nha Kinh lược Bắc Kỳ vốn không được người
Pháp ủng hộ bởi những nguy cơ tiềm ẩn đã chính thức bị giải tán. Từ đây,
việc cai trị Bắc Kỳ hoàn toàn do thực dân Pháp quản lý và Bắc kỳ trên thực tế
trở thành một xứ bán bảo hộ.
17
Khác với người tiền nhiệm của mình, Toàn quyền Paul Beau lại chủ
trương hợp tác với người bản xứ. Ông muốn thiết lập một bộ máy cai trị theo
hướng giải tập trung hóa, trung ương tản quyền và thực hành hợp tác với
người bản xứ [40; 43]. Dưới thời ông làm toàn quyền, một số chức danh
đứng đầu các địa phương do người bản xứ đảm trách được lập lại. Hội đồng
hàng tỉnh của phủ công sứ được lập ra. Lần đầu tiên, Phòng Tư vấn Bản xứ
Bắc Kỳ được tổ chức năm 1907 và hoàn thiện về chức năng, tên gọi vào các
năm 1908 và 1913.
Việc cải cách bộ máy chính quyền của Paul Beau bị gián đoạn khi
người kế nhiệm ông là Klobukowski muốn quay trở lại “tinh thần Paul
Doumer” để thiết lập một bộ máy chính quyền tập trung hóa nhằm đối phó
với sự bất ổn của xã hội dưới tác động của các phong trào yêu nước đang diễn
ra mạnh mẽ trong thời gian này.
Phải đến khi Albert Sarraut sang làm toàn quyền Đông Dương vào năm
1911, những chủ trương cải cách bộ máy chính quyền của Paul Beau mới tiếp
tục được triển khai và phát triển trên một tầm cao mới. Ông cho rằng “ Phải
tôn trọng một cách thành thật truyền thống, phong tục, thiết chế của người
bản xứ, trung thành với quan niệm về chế độ bảo hộ, đảm bảo thực hiện tự do
những hiệp ước, những mặt khác đảm bảo thực hành những quyền hạn mà
chính quyền của nước Pháp đã phó thác cho đại diện của mình, cứu thoát sự
tự do cá nhân…, xóa bỏ những phong tục hàng ngàn đời…., nhân rộng các
trường học, sự nghiệp y tế, bảo đảm quyền lợi của những viên chức bản xứ,
đảm bảo sự công bằng và nới rộng sự tham gia của dân chúng vào việc quản
lý đất nước” [7; 22].
Albert Sarraut tiếp tục xây dựng một bộ máy chính quyền thuộc địa
mang tính tự chủ cao trong mối quan hệ với chính quốc. Chính quyền các cấp
cũng được trao nhiều quyền hành hơn để đảm bảo việc hạn chế sự quan liêu
của chính quyền cấp trên.
18
Xuất phát từ những tư tưởng lập trường đó, bộ máy chính quyền thuộc
địa ở Việt Nam đã được thiết lập và tổ chức như sau:
Chính quyền ở cấp trung ương do Toàn quyền Đông Dương đứng đầu.
Đây là người đại diện cho nước Pháp ở Đông Dương, nắm quyền kiểm soát,
chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động diễn ra ở Đông Dương. Giúp việc cho Toàn
quyền là hệ thống các cơ quan chuyên trách thuộc điều khiển trực tiếp của
Phủ Toàn quyền.
Chính quyền các xứ cho đến năm 1917 đã được tổ chức tương đối hoàn
bị. Tuy nhiên, do chế độ cai trị khác nhau nên bộ máy tổ chức ở các xứ cũng
có những khác biệt nhất định. Đứng đầu mỗi xứ là một chức quan cao cấp có
cùng chức năng, nhiệm vụ nhưng tên gọi thì khác nhau. Đó là Thống đốc
Nam Kỳ, Khâm sứ Trung Kỳ, Thống sứ Bắc Kỳ. Họ là những người chịu
trách nhiệm với địa bàn mình cai quản trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính
trị, văn hóa, xã hội, an ninh….Ngoài ra Khâm sứ Trung Kỳ còn có quyền phê
duyệt các đạo dụ của Nam triều trước khi chính thức được ban bố. Giúp việc
cho chính quyền cấp xứ là văn phòng phủ thống đốc, tòa khâm sứ, phủ thống
sứ. Bên cạnh đó các hội đồng, phòng chuyên môn là các cơ quan đảm trách
những mảng công việc nhất định trên địa bàn các xứ.
Tại các tỉnh Nam Kỳ việc quản lý, điều hành do người Pháp trực tiếp
phụ trách và không có chính quyền của người bản xứ. Theo đó Nam Kỳ được
chia thành 4 khu vực hành chính lớn đặt dưới sự cai trị của 3 viên chức phụ
trách hành chính, tư pháp và thuế khóa. Dưới các khu là các tỉnh do quan chủ
tỉnh người Pháp đứng đầu. Tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ, bên cạnh hệ thống chính
quyền người Pháp đứng đầu là công sứ và tòa công sứ chịu trách nhiệm công
việc của người Âu và người Á khác, người Pháp vẫn duy trì hệ thống chính
quyền bản xứ đứng đầu là các tổng đốc, tuần phủ để giải quyết các vấn đề liên
quan đến người bản xứ. Tuy nhiên vai trò chỉ đạo chính và quyền lực thực tế
19
vẫn nằm trong tay các công sứ người Pháp. Ngoài ra tại các tỉnh, chính quyền
thực dân còn cho thành lập các hội đồng với sự tham gia của đại diện người
bản xứ để tư vấn cho chính quyền cấp tỉnh khi cần thiết.
Tại các trung tâm kinh tế, chính trị lớn, người Pháp còn cho thành lập
các thành phố. Cho đến đầu thế kỷ XX ở Việt Nam có các thành phố gồm: Sài
Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Chợ Lớn. Việc quản lý các thành phố được tiến
hành theo quy chế riêng. Đứng đầu các thành phố là các thị trưởng. Đây là
người chịu trách nhiệm công bố và thực hiện các đạo luật, quy chế, thực hiện
các biện pháp an ninh chung. Giúp việc cho thị trưởng là phó thị trưởng, các
cơ quan chuyên môn thuộc tòa thị chính và các hội đồng của thành phố.
Như vậy có thể thấy trong suốt 20 năm đầu của thế kỷ XX, những
người đứng đầu Đông Dương rất quan tâm đến quá trình thiết lập và xây dựng
bộ máy cai trị ở thuộc địa. Tuy nhiên, chủ trương xây dựng và phát triển hệ
thống hành chính ở Đông Dương không đồng nhất giữa các nhiệm kỳ của các
viên Toàn quyền. Trong đó nổi lên hai xu hướng chủ yếu trong tư tưởng xây
dựng bộ máy chính quyền thuộc địa là mô hình tập quyền và mô hình phân
quyền với sự tham gia của người bản xứ. Sự khác biệt trong đường lối cai trị
xuất phát từ nhận thức thực tế của những người đứng đầu chính quyền thuộc
địa về tình hình Đông Dương ở mỗi thời kỳ khác nhau. Đồng thời, chủ trương
xây dựng bộ máy cai trị thuộc địa cũng là tiền đề quan trọng cho những mục
đích kinh tế, chính trị cụ thể của chính quyền.
1.1.3. Quá trình khai thác thuộc địa và những chuyển biến của nền
kinh tế Việt Nam đầu thế kỷ XX
Ngay sau khi đặt chân đến Đông Dương, đồng thời với việc tổ chức bộ
máy chính quyền thuộc địa, toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã nhanh
chóng tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa một cách quy mô và có hệ
thống, thường được gọi là “Chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất”.
20
Công cuộc khai thác thuộc địa lần này nhằm hướng tới mục tiêu biến
Đông Dương trở thành một nơi cung cấp nguồn nguyên liệu, sản phẩm cho thị
trường Pháp, nền công nghiệp được khuyến khích phát triển trong giới hạn bổ
sung cho nền công nghiệp chính quốc chứ không được cạnh tranh với nền
công nghiệp chính quốc.
Theo đó, chính quyền thuộc địa ở Đông Dương đã nhanh chóng đứng
ra huy động nguồn tư bản ở chính quốc để thiết lập hệ thống kết cấu, cơ sở hạ
tầng ở Đông Dương nhằm kêu gọi tư bản tư nhân bỏ vốn đầu tư vào thuộc địa.
Theo như thống kê, từ năm 1896 đến năm 1914, Chính phủ Pháp Pháp đã cho
chính quyền Đông Dương vay khoảng 28 triệu Francs mỗi năm. Bên cạnh đó
cũng đã có một số nhà tư bản tư nhân bắt đầu tham gia các hoạt động kinh tế
ở Đông Dương. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, nhà nước vẫn chiếm tỉ
trọng chủ yếu trong cơ cấu vốn đầu tư ở Đông Dương trong cuộc khai thác
thuộc địa lần thứ nhất. Nguyên nhân của hiện tượng này, xuất phát từ thái độ
thận trọng của các nhà đầu tư do tình hình chính trị ở Đông Dương chưa thực
sự ổn định và trên thực tế Đông Dương đối với nhiều nhà tư bản vẫn còn rất
xa lạ [22; 121].
Chính quyền thuộc địa tập trung vào việc thiết lập hệ thống giao thông
vận tải ở Đông Dương. Đây là lĩnh vực tạo nền tảng và cơ sở cho các ngành
kinh tế khác phát triển. Đồng thời trong giới hạn nào đó, việc phát triển hệ
thống giao thông vận tải cũng hỗ trợ đắc lực cho chính quyền thực dân đảm
bảo tình hình chính trị- xã hội ở thuộc địa trước các phong trào nổi dậy của
người bản xứ.
Ngay từ khi bắt đầu cuộc khai thác thuộc địa, chính quyền thực dân đã
xác định rất rõ ràng rằng công nghiệp ở thuộc địa chỉ nhằm cung cấp những
nguyên liệu và sản phẩm mà chính quốc không có. Công nghiệp ở thuộc địa
được khuyến khích phát triển trên cơ sở bổ sung cho công nghiệp chính quốc
chứ không được phép làm ảnh hưởng đến nền công nghiệp chính quốc.
21