Tải bản đầy đủ (.pdf) (96 trang)

Chính sách ngôn ngữ về tiếng anh của thái lan và những gợi ý cho việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.21 MB, 96 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN
********************

PHẠM THU HÀ

CHÍNH SÁCH NGÔN NGỮ
VỀ TIẾNG ANH CỦA THÁI LAN
VÀ NHỮNG GỢI Ý CHO VIỆT NAM

LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC

Hà Nội, 2017


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI & NHÂN VĂN
********************

PHẠM THU HÀ

CHÍNH SÁCH NGÔN NGỮ
VỀ TIẾNG ANH CỦA THÁI LAN
VÀ NHỮNG GỢI Ý CHO VIỆT NAM
LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC
Chuyên ngành: Ngôn ngữ học

Mã ngành: 60.22.02.40

NGƢỜI HƢỚNG DẪN KHOA HỌC
GS. TS. Nguyễn Văn Khang



Hà Nội, 2017


MỤC LỤC
Lời cam đoan ................................................................................................................... iii
Lời cảm ơn ....................................................................................................................... iv
Danh mục viết tắt .............................................................................................................. v
Danh mục bảng biểu ........................................................................................................ vi

MỞ ĐẦU .......................................................................................................................... 1
1. Lý do chọn đề tài ......................................................................................................... 1
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu .............................................................................. 2
3. Đối tượng, phạm vi và tư liệu nghiên cứu .................................................................. 3
4. Phương pháp nghiên cứu ............................................................................................. 3
5. Đóng góp của luận văn ................................................................................................ 4
6. Bố cục của luận văn .................................................................................................... 4
CHƢƠNG 1 – CƠ SỞ LÝ LUẬN .................................................................................. 6
1.1. Một số vấn đề lý thuyết cơ bản về chính sách ngôn ngữ ......................................... 6
1.1.1. Khái niệm chính sách ngôn ngữ .................................................................... 6
1.1.2. Nội dung cơ bản của chính sách ngôn ngữ ................................................... 9
1.1.3. Mối quan hệ giữa chính sách ngôn ngữ với kế hoạch hóa ngôn ngữ .......... 10
1.1.4. Mối quan hệ giữa chính sách ngôn ngữ và cảnh huống ngôn ngữ .............. 12
1.2. Vị trí và vai trò của tiếng Anh ............................................................................... 15
1.2.1. Tiếng Anh với tư cách là ngôn ngữ toàn cầu .............................................. 15
1.2.2. Vị trí và vai trò của tiếng Anh ở Đông Nam Á ........................................... 16
1.3. Khái quát về Thái Lan ............................................................................................ 18
1.3.1. Sơ lược tình hình xã hội, chính trị và kinh tế của Thái Lan ........................ 18
1.3.2. Hệ thống giáo dục ở Thái Lan ..................................................................... 20
1.3.3. Cảnh huống ngôn ngữ ở Thái Lan ............................................................... 21

1.4. Tiểu kết Chương 1 .................................................................................................. 28
CHƢƠNG 2 – CHÍNH SÁCH NGÔN NGỮ VỀ TIẾNG ANH CỦA THÁI LAN . 30
2.1. Vị trí và vai trò của tiếng Anh ở Thái Lan ............................................................. 30
2.2. Chính sách giáo dục tiếng Anh ở Thái Lan qua các thời kỳ .................................. 31
2.2.1. Chính sách giáo dục tiếng Anh ở Thái Lan từ thời Rama III
đến Rama V (1824-1910) ............................................................................... 32
i


2.2.2. Chính sách giáo dục tiếng Anh ở Thái Lan từ thời Rama VI
đến năm 1960 (1910-1960) ......................................................................... 36
2.2.3. Chính sách giáo dục tiếng Anh ở Thái Lan từ năm 1961 đến 1996 ............ 40
2.2.4. Chính sách giáo dục tiếng Anh ở Thái Lan từ năm 1997 đến nay .............. 42
2.2.5. Những nhận xét rút ra .................................................................................. 52
2.3. Giáo dục song ngữ ở Thái Lan ............................................................................... 53
2.3.1. Khái quát về giáo dục song ngữ ở Thái Lan ............................................... 54
2.3.2. Các vấn đề về giáo dục song ngữ ở Thái Lan hiện nay............................... 55
2.4. Tiểu kết Chương 2 .................................................................................................. 56
CHƢƠNG 3 – NHÌN NHẬN VỀ CHÍNH SÁCH GIÁO DỤC TIẾNG ANH Ở
THÁI LAN VÀ LIÊN HỆ VIỆT NAM ....................................................................... 59
3.1. Nhìn nhận về chính sách giáo dục tiếng Anh ở Thái Lan ...................................... 59
3.1.1. Từ chính sách đến thực tiễn giáo dục tiếng Anh ở Thái Lan hiện nay ....... 59
3.1.2. Một số vấn đề đặt ra đối với giáo dục tiếng Anh ở Thái Lan hiện nay ....... 62
3.2. Liên hệ Việt Nam ................................................................................................... 65
3.2.1. Chủ trương của Nhà nước về giáo dục tiếng Anh hiện nay ........................ 65
3.2.2. Một số hoạt động thực thi chính sách giáo dục tiếng Anh ở Việt Nam ...... 68
3.2.3. Một số gợi ý về chính sách giáo dục tiếng Anh ở Việt Nam
trong bối cảnh hội nhập quốc tế .................................................................. 70
3.3. Tiểu kết Chương 3 .................................................................................................. 72
KẾT LUẬN .................................................................................................................... 74

TÀI LIỆU THAM KHẢO ............................................................................................ 77
PHỤ LỤC....................................................................................................................... 83

ii


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan luận văn này là công trình khoa học của riêng tôi. Những số
liệu sử dụng trong luận văn là trung thực. Đề tài nghiên cứu và các kết luận chưa được
công bố trước đó.

Tác giả

Phạm Thu Hà

iii


LỜI CẢM ƠN

Để có thể hoàn thành luận văn này, trước tiên tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc
nhất đến người Thầy đáng kính, GS.TS Nguyễn Văn Khang, người đã sẵn sàng nhận
lời hướng dẫn khi tôi chỉ mới hình thành ý tưởng chưa rõ ràng về đề tài luận văn.
Trong quá trình nghiên cứu và viết bài, Thầy đã chỉ bảo tận tình và kịp thời để tôi đi
đúng hướng và giải quyết được các vấn đề đặt ra đối với luận văn này.
Tôi cũng xin chân thành cảm ơn Khoa Ngôn ngữ - Trường Đại học Khoa học
xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội đã cho tôi được học tập trong một môi
trường học thuật chân chính, để tôi được học hỏi từ các thầy cô đầu ngành về kiến
thức chuyên môn và kỹ năng làm khoa học, từ đó tạo động lực cho tôi nỗ lực nghiên

cứu để hoàn thành được luận văn này.
Cuối cùng, sẽ là thiếu sót lớn nếu tôi không gửi lời cảm ơn này đến gia đình
tôi. Bố, mẹ và những người thân đã không ngừng động viên và tạo mọi điều kiện
thuận lợi nhất để hỗ trợ tôi trong thời gian học tập và viết luận văn này. Đó là nguồn
sức mạnh tinh thần to lớn để tôi vượt qua những giai đoạn khó khăn trong công việc
và học tập.

iv


DANH MỤC VIẾT TẮT

Tiếng Anh

Tiếng Việt

A-NET

Advanced National Educational Test Kỳ thi quốc gia nâng cao

ASEAN

Association of Southeast Asian
Nations

Hiệp hội các quốc gia Đông
Nam Á

CEFR


Common European Framework of
Reference for Languages

Khung tham chiếu trình độ
ngoại ngữ chung châu Âu
Chính sách ngôn ngữ

CSNN
ETCF

English Teachers‟ Competencies
Framework

Khung năng lực của giáo viên
tiếng Anh
Kế hoạch hóa ngôn ngữ

KHHNN
OBEC

Office of Basic Education
Commision

Văn phòng Ủy ban Giáo dục
Cơ bản

ONEC

Office of National Education
Commission


Văn phòng Ủy ban Giáo dục
Quốc gia

ONESDB

Office of the National Economic and Văn phòng Ban phát triển xã
Social Development Board
hội và kinh tế quốc gia

O-NET

Ordinary National Educational Test

SEAMEO Southeast Asian Ministers of
Education Organization

Kỳ thi quốc gia cơ bản
Tổ chức Bộ trưởng giáo dục
các nước Đông Nam Á

v


DANH MỤC BẢNG BIỂU

Bảng 1 – Yếu tố cấu thành khái niệm chính sách và chính sách ngôn ngữ ..................... 6
Bảng 2 – Các cấp độ trong giáo dục cơ bản ở Thái Lan ................................................ 21
Bảng 3 – Mô tả tổng quát tiêu chuẩn cần đạt của việc học ngoại ngữ ở Thái Lan ... 46-47
Bảng 4 – Phân bổ thời gian cho môn ngoại ngữ ở các cấp học ở Thái Lan ................... 47

Bảng 5 – Từ Chủ trương đến Kế hoạch & Biện pháp của Chính sách giáo dục tiếng
Anh ở Thái Lan ............................................................................................................... 49
Bảng 6 – Các mốc thời gian quan trọng trong lịch sử giáo dục tiếng Anh ở Thái Lan . 57

Hình 1 – Vòng tròn sử dụng tiếng Anh .......................................................................... 17
Hình 2 – Bản đồ phân bố ngôn ngữ khu vực miền Bắc Thái Lan ................................. 23
Hình 3 – Bản đồ phân bố ngôn ngữ khu vực miền Nam Thái Lan ................................ 24

vi


MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Khi cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập, sự di chuyển tự do của lao động
giữa các nước trong khu vực là một xu thế tất yếu. Khi đó, người lao động của quốc
gia nào có lợi thế về ngôn ngữ tiếng Anh hoặc ngôn ngữ của quốc gia nơi mình làm
việc sẽ có được lợi thế cạnh tranh cao. Khác với Singapore, Philipines, Brunei và
Malaysia nơi mà người dân có thể sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ chính thức
thì các quốc gia như Thái Lan, Lào, Campuchia, Indonesia, Myanmar hay Việt Nam
có đặc điểm là tiếng Anh chỉ được sử dụng như một ngoại ngữ. Việc tìm hiểu xem
một quốc gia ở nhóm thứ hai này đã có những chính sách gì đối với tiếng Anh sẽ là
một lựa chọn phù hợp cho người nghiên cứu để có thể liên hệ phù hợp với Việt Nam
nhờ những tương đồng về bối cảnh sử dụng tiếng Anh.
Trong 6 quốc gia ở nhóm thứ hai nói trên, Thái Lan là một quốc gia có lịch sử
khá dài về giáo dục tiếng Anh. Hiện nay, tiếng Anh là môn học bắt buộc được dạy từ
lớp 1 trong hệ thống giáo dục của Thái Lan và cũng là môn thi bắt buộc trong kỳ thi
đại học và một số kỳ thi quốc gia khác. Ở một quốc gia mà ngành du lịch là một trong
những trụ cột của nền kinh tế, năng lực ngoại ngữ của người dân, cụ thể là tiếng Anh
sẽ là một yếu tố giúp thu hút khách quốc tế đến với Thái Lan. Chính phủ Thái Lan
luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếng Anh trong việc phát triển kinh tế và trong

công cuộc chuẩn bị cho hội nhập. Tuy nhiên, một số kết quả thống kê lại cho thấy
năng lực tiếng Anh của học sinh Thái Lan không khả quan so với các nước khác trong
cùng nhóm, thậm chí đứng rất thấp trong bảng xếp hạng khu vực. Vậy chính phủ Thái
Lan đã làm gì để nâng cao năng lực tiếng Anh của học sinh, liệu có những bất cập gì
giữa chủ trương chính sách với thực tiễn triển khai?
1.2. Ở Thái Lan, từ sau cải cách giáo dục năm 1999 và sự ra đời của Chương trình
giáo dục cơ bản 2001 với bản điều chỉnh năm 2008, các nghiên cứu về chính sách
ngôn ngữ tiếng Anh của Thái Lan tập trung chủ yếu vào việc ứng dụng phương pháp
giao tiếp và hướng tiếp cận lấy người học làm trung tâm vào việc dạy tiếng Anh ở bậc
phổ thông (Darasawang & Watson Todd, 2012; Fitzpatrick, 2011). Kết quả nghiên
cứu của Prapaisit de Segovia & Hardison (2009) và Tongpoon-Patanasorn (2011) ở
1


một số trường tiểu học ở Bangkok và phía Đông Bắc Thái Lan và của
Nonkukhetkhong (2006) ở 5 trường cấp 2 công lập đã chỉ ra rằng các giáo viên thừa
nhận họ còn rất lúng túng với phương pháp mới vì thiếu sự bồi dưỡng chuyên môn và
năng lực tiếng Anh của họ còn hạn chế. Mặc dù có thái độ tích cực với phương pháp
giao tiếp nhưng họ không đủ tự tin để áp dụng vào thực tế giảng dạy. Một số công
trình nghiên cứu khác của Fitzpatrick (2011) và Darasawang & Watson Todd (2012)
đã đề cập đến những bất cập của chính sách mới và sự thiếu rõ ràng trong việc triển
khai chính sách.
Ở Việt Nam, đã có nhiều nghiên cứu về chính sách ngôn ngữ của các nước trong
khu vực Đông Nam Á và có đề cập đến chính sách đối với tiếng Anh, tuy nhiên Thái
Lan lại không nằm trong đối tượng nghiên cứu của các công trình này. Hongsawan, S.
(2011), một tác giả người Thái, đã viết bằng tiếng Việt giới thiệu về cảnh huống ngôn
ngữ ở Thái Lan và chính sách ngôn ngữ của Thái Lan nhưng lại tập trung nhiều vào
chính sách đối với tiếng Thái.
Từ những vấn đề trên, chúng tôi nhận thấy một nghiên cứu về chính sách ngôn
ngữ đối với tiếng Anh ở Thái Lan sẽ có thể mang lại cái nhìn rõ hơn về cách tiếp cận

và triển khai việc dạy học tiếng Anh ở Thái Lan, từ đó phần nào có được câu trả lời
cho những băn khoăn về năng lực tiếng Anh của học sinh Thái Lan và về những bất
cập được nhắc đến ở những nghiên cứu trên, đồng thời giúp người nghiên cứu liên hệ
phù hợp đến chính sách của Việt Nam. Chính vì vậy, luận văn có tên là: “Chính sách
ngôn ngữ về tiếng Anh của Thái Lan và những gợi ý cho Việt Nam”.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu
Luận văn nhằm mục đích tìm hiểu về chính sách ngôn ngữ đối với tiếng Anh ở
Thái Lan qua từng thời kỳ lịch sử khác nhau (chủ yếu là chính sách giáo dục tiếng
Anh). Thông qua đó, luận văn đóng góp dữ liệu cho nghiên cứu chính sách về ngoại
ngữ.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Từ mục đích trên, luận văn có các nhiệm vụ cụ thể sau:
2


-

Chỉ rõ các vấn đề lý thuyết cơ bản về chính sách ngôn ngữ để làm cơ sở lý
luận của luận văn.

-

Xác định vị trí và vai trò của tiếng Anh trong xã hội Thái Lan.

-

Làm rõ chủ trương và các biện pháp của chính sách đối với tiếng Anh ở Thái
Lan trong từng giai đoạn lịch sử.


-

Chỉ ra một số vấn đề bất cập trong thực thi chính sách đối với tiếng Anh ở
Thái Lan.

-

Rút ra bài học kinh nghiệm và liên hệ với chính sách giáo dục tiếng Anh của
Việt Nam.

3. Đối tƣợng, phạm vi và tƣ liệu nghiên cứu
Chính sách giáo dục tiếng Anh của Thái Lan là đối tượng nghiên cứu của luận
văn này, bởi vì đây là lĩnh vực thể hiện rõ nhất chính sách ngôn ngữ về tiếng Anh của
chính phủ Thái Lan.
Luận văn đã trình bày các chủ trương và biện pháp thực hiện chính sách với
phạm vi thời gian từ khi tiếng Anh bắt đầu được dạy ở Thái Lan cho đến giai đoạn
hiện nay và giới hạn chủ yếu ở bậc học phổ thông.
Tư liệu nghiên cứu của luận văn là những thông tin lịch sử, các văn bản pháp
luật liên quan đến chính sách đối với tiếng Anh, những quy định và hướng dẫn của Bộ
giáo dục Thái Lan đối với việc dạy và học tiếng Anh ở các giai đoạn khác nhau.
Những văn bản pháp lý có liên quan này kết hợp với những số liệu khoa học đã được
công bố là cơ sở đáng tin cậy để phân tích CSNN về tiếng Anh ở Thái Lan.
4. Phƣơng pháp nghiên cứu
Trong nghiên cứu về lĩnh vực chính sách ngôn ngữ, có thể kể ra một số phương
pháp của ngôn ngữ học xã hội được áp dụng như là điều tra lịch sử, phân tích các văn
bản chính sách về mặt diễn ngôn, phân tích chính sách về mặt địa ngôn ngữ, phân tích
chính sách về mặt tâm lý xã hội.
Do không có cơ hội đi điều tra trực tiếp về mặt tâm lý xã hội hay địa ngôn ngữ
nên tác giả đã lựa chọn phương pháp phân tích văn bản theo chủ đề nội dung và phân
3



tích các thông tin lịch sử có liên quan đến chính sách ngôn ngữ về tiếng Anh của Thái
Lan.
5. Đóng góp của luận văn
Luận văn đã trình bày chi tiết về chính sách giáo dục tiếng Anh ở Thái Lan từ
lúc tiếng Anh bắt đầu được dạy ở Thái Lan cho đến ngày nay. Việc phân tích chủ
trương và các biện pháp thực thi chính sách đã chứng minh được một số vấn đề lý
thuyết về các bộ phận cấu thành của CSNN, mối quan hệ giữa CSNN với cảnh huống
ngôn ngữ và kế hoạch hóa ngôn ngữ.
Ngoài ra, luận văn cũng đã chỉ ra được một số vấn đề đặt ra với chính sách giáo
dục tiếng Anh ở Thái Lan cũng như liên hệ với Việt Nam để giúp các nhà giáo dục,
giáo viên, các nhà hoạch định chính sách của hai quốc gia có thể đưa ra những điều
chỉnh về chính sách nhằm nâng cao khả năng tiếng Anh cho thế hệ trẻ trong bối cảnh
toàn cầu hóa và hội nhập khu vực.
6. Bố cục của luận văn
Luận văn gồm có 3 chương, đó là:
Chương 1 – Cơ sở lý luận
Chương này xây dựng khung lý thuyết về chính sách ngôn ngữ và các thông tin
nền tảng liên quan đến chính sách tiếng Anh ở Thái Lan. Có 3 nội dung được làm rõ
trong chương này, bao gồm: (1) một số vấn đề lý thuyết cơ bản về chính sách ngôn
ngữ, (2) vị trí và vai trò của tiếng Anh trong bối cảnh hiện nay và (3) khái quát về
Thái Lan trên các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, hệ thống giáo dục và cảnh huống ngôn
ngữ.
Chương 2 – Chính sách ngôn ngữ về tiếng Anh của Thái Lan
Như đã đề cập ở trên, ở Thái Lan, giáo dục tiếng Anh là khía cạnh thể hiện rõ
nhất chính sách ngôn ngữ về tiếng Anh. Vì thế, lịch sử giáo dục tiếng Anh ở Thái Lan
với các chủ trương và biện pháp ở từng thời kỳ là nội dung chủ đạo của chương này.
Ngoài ra, mảng giáo dục song song ngữ ở Thái Lan cũng được đề cập một cách khái
quát như là một phần của chính sách ngôn ngữ về tiếng Anh ở quốc gia này.


4


Chương 3 – Nhìn nhận về chính sách giáo dục tiếng Anh ở Thái Lan và liên
hệ Việt Nam
Chương này chỉ ra những bất cập trong việc thực thi chính sách đối với tiếng
Anh của Thái Lan, từ đó đặt ra một số vấn đề để nâng cao hiệu quả của việc giáo dục
tiếng Anh ở Thái Lan hiện nay.
Liên hệ trường hợp của Việt Nam, chương 3 cũng đề cập những chủ trương và
biện pháp đã thực hiện của chính phủ Việt Nam đối với giáo dục tiếng Anh. Một số
gợi ý để phát huy hiệu quả các hoạt động thực thi chính sách đối với giáo dục tiếng
Anh trong bối cảnh hội nhập quốc tế đã được đưa ra.

5


CHƢƠNG 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN
1.1. Một số vấn đề lý thuyết cơ bản về chính sách ngôn ngữ
1.1.1. Khái niệm chính sách ngôn ngữ
Chính sách ngôn ngữ (sau đây viết tắt là CSNN) là chính sách thuộc phạm vi
ngôn ngữ. Chính vì vậy, khái niệm chính sách ngôn ngữ trước tiên cần phải được xây
dựng trên cơ sở của khái niệm chính sách, tức là phải đảm bảo được các yếu tố cấu
thành chính sách. Sự nhất quán từ chính sách nói chung đến chính sách ngôn ngữ nói
riêng được thể hiện trong Bảng 1 dưới đây:
Yếu tố cấu
thành
(1) Cơ sở


(2) Phạm vi

(3) Nội dung

(4) Thời gian và
không gian

(5) Chủ thể ban
hành

Chính sách

Chính sách ngôn ngữ

Thực tiễn, gắn với định hướng và
trong mối quan hệ với các chính
sách khác

Thực tế của đời sống ngôn ngữ ở
một giai đoạn nhất định (tức là
cảnh huống ngôn ngữ)

Không có chính sách chung chung
mà chỉ có chính sách cho từng lĩnh
vực cụ thể

Phải nằm trong mối tương quan
chung với chính sách về các vấn
đề khác của cộng đồng như kinh
tế, giáo dục, dân tộc,...


Gồm hai nội dung là những chuẩn
tắc cụ thể và các biện pháp/kế
hoạch để thực hiện các chuẩn tắc
đó

Có hai bộ phận hợp thành: chủ
trưởng chính trị về ngôn ngữ và
sự thực thi chủ trương đó

Có tính giai đoạn, gắn với hoàn
cảnh cụ thể

Có tính giai đoạn; có thể ở cấp
địa phương hoặc cấp trung ương
trong phạm vi quốc gia hoặc một
tổ chức liên minh xuyên quốc gia

Về lý thuyết có thể là chính phủ, tổ
chức và cá nhân. Tuy nhiên, hầu
hết ý kiến đều cho rằng chủ thể đưa
ra chính sách phải là nhà nước

Có thể do nhà nước hoặc tổ chức
chính trị nào đó đưa ra

Bảng 1– Yếu tố cấu thành khái niệm chính sách và chính sách ngôn ngữ
(Nguyễn Văn Khang, 2014a, tr.13&15)

6



Cơ sở nêu trên giúp cho việc đánh giá khách quan các định nghĩa khác nhau của
các nhà nghiên cứu về CSNN, từ đó đi đến thống nhất về khái niệm chính sách ngôn
ngữ được sử dụng trong nghiên cứu này.
Kể từ khi thuật ngữ Chính sách ngôn ngữ (Language policy) xuất hiện lần đầu
tiên trong tác phẩm “Ngôn ngữ học xã hội” (Sociolinguistics) của J.A. Fishman viết
năm 1970 bằng tiếng Anh (Nguyễn Văn Khang, 2014a, tr.13-14), cho đến nay đã có
không ít định nghĩa được các nhà nghiên cứu đưa ra nhằm làm rõ bản chất của chính
sách ngôn ngữ. Có thể dẫn ra một số quan điểm tiêu biểu như:
Về vị trí, CSNN được cho là “một bộ phận hữu cơ trong chính sách dân tộc của
một nhà nước, một giai cấp hay một đảng phái nào đó” và là “bình diện ngôn ngữ
trong chính sách (cương lĩnh) của đảng và nhà nước về vấn đề dân tộc” (Avrorin,
1970, dẫn theo Nguyễn Văn Khang, 2014a, tr.14). Quan điểm này đã dẫn tới một số
vấn đề cần làm sáng tỏ. Thứ nhất là phải chăng CSNN được quy định chỉ bởi chính
sách dân tộc và nhằm giải quyết những vấn đề thuộc phạm trù dân tộc? Thứ hai là
nếu CSNN được coi là một bộ phận hữu cơ của chính sách dân tộc thì có hay không
có CSNN ở các quốc gia đơn dân tộc? Với tư cách là một trong những phương tiện
thực hiện chủ trương chính trị của một nhà nước, một đảng phái trong lĩnh vực ngôn
ngữ và trong các lĩnh vực hoạt động khác, CSNN có mặt ở tất cả các quốc gia. Tuy
nhiên nội dung của CSNN ở hai loại hình quốc gia nói trên là không giống nhau.
Tác giả Nikolskij (1982) thì khẳng định “CSNN là một bộ phận trong chính sách
đối nội của giai cấp thống trị nhà nước trong một quốc gia nhất định” (dẫn theo
Nguyễn Văn Khang, 2014a, tr.14). Như vậy, tác giả đã xem xét CSNN không chỉ
trong mối quan hệ với chính sách dân tộc mà còn trong mối quan hệ với các lĩnh vực
khác thuộc phạm vi hoạt động đối nội của nhà nước. Quan niệm này phù hợp với thực
tế hơn nhưng lại không đủ cơ sở để giải thích nhiều quá trình ngôn ngữ và văn hoá đã
và đang diễn ra ở nhiều nuớc như quá trình tiêu diệt các ngôn ngữ bản địa, song song
với nó là quá trình đề cao địa vị của ngôn ngữ thực dân, biến nó thành công cụ áp bức
dân tộc, bành truớng văn hoá, cạnh tranh thị trường...của chủ nghĩa Ðế quốc Mỹ, chủ

nghĩa thực dân mới và cũ trên lục địa châu Phi và châu Mỹ La tinh.
Về nội dung, V. Avrorin (1970) xác định “CSNN là hệ thống biện pháp nhằm tác
động một cách có ý thức để điều chỉnh mặt chức năng của ngôn ngữ và thông qua đó
7


tác động đến cấu trúc ngôn ngữ ở một chừng mực nhất định” (dẫn theo Nguyễn Văn
Khang, 2014a, tr.14). Tương tự, Nikolskij (1982) cũng nhấn mạnh vào hệ thống các
biện pháp trong định nghĩa của mình khi ông cho rằng “CSNN có bình diện lý thuyết
của nó, phụ thuộc vào chính sách của xã hội (của nhà nước) và bình diện thực tiễn,
tức là toàn bộ các biện pháp ngôn ngữ cụ thể được thi hành để thực hiện các quan
điểm lý thuyết. Như vậy chúng tôi hiểu CSNN là toàn bộ các biện pháp, được định ra
để tác động, điều chỉnh có định hướng các quá trình ngôn ngữ, được thực hiện bởi xã
hội (nhà nước)” (dẫn theo Nguyễn Văn Khang, 2014a, tr.14). Một nhà nghiên cứu
khác thì khẳng định “nói đến CSNN là nói đến sự can thiệp có ý thức, có tổ chức, có
cơ sở khoa học của xã hội vào sự hoạt động và phát triển của NN” (Nguyễn Hàm
Dương, 1985, dẫn theo Nguyễn Văn Khang, 2014a, tr.14)
Các quan điểm trên có hạn chế ở chỗ là đã không nắm lấy đặc trưng cơ bản nhất
trong nội dung khái niệm chính sách, đó là tính quy định chính trị của nó. Các tác giả
chỉ đề cập đến mặt thực thi chính sách bằng các biện pháp trong khi khía cạnh chủ
trương chính trị về ngôn ngữ chưa được nhắc tới trong các định nghĩa trên. Cần phải
nhìn nhận CSNN trên hai bình diện: chủ trương chính trị và các biện pháp để thực
hiện chủ trương đó. Chủ trương chính trị làm thành nội dung chính của CSNN và là
yếu tố quy định CSNN.
Khắc phục được hạn chế nói trên, một số nhà nghiên cứu đưa ra quan điểm toàn
diện hơn về CSNN. “CSNN là hệ thống các quan điểm chính trị của một nhà nước,
một giai cấp, một đảng phái về các vấn đề NN và hệ thống các biện pháp do nhà
nước, giai cấp, đảng phái đó tiến hành nhằm tác động lên sự hành chức và sự biến đổi
của các ngôn ngữ và các hình thức tồn tại ngôn ngữ theo những mục đích chính trị
nhất định” (Như Ý, 1985, dẫn theo Nguyễn Văn Khang, 2014a, tr.15). “CSNN, hiểu

theo nghĩa rộng là các nguyên tắc có tính tư tưởng chính trị và các biện pháp thực tế
để giải quyết các vấn đề ngôn ngữ trong một quốc gia”; “CSNN hiểu theo nghĩa hẹp
là hệ thống các biện pháp nhằm làm biến đổi hoặc duy trì cảnh huống ngôn ngữ, hoặc
làm biến đổi hay duy trì chuẩn mực ngôn ngữ” (Đề tài khoa học độc lập cấp nhà
nước, quyển d, 2001, dẫn theo Nguyễn Văn Khang, 2014a, tr.15).
Từ những phân tích trên, có thể đi đến kết luận rằng CSNN không chỉ là một bộ
phận của chính sách dân tộc hay chính sách đối nội, mà nó chính là sự thể hiện đường
8


lối và nhiệm vụ chính trị chung của nhà nước và phục vụ cho việc thực hiện các
đường lối và nhiệm vụ đó. Nội dung của khái niệm chính sách ngôn ngữ bao gồm hai
bộ phận hợp thành đó là: (1) chủ trương chính trị về ngôn ngữ của nhà nước hoặc các
tổ chức chính trị trong phạm vi quốc gia hoặc xuyên quốc gia; và (2) sự can thiệp
(bằng hệ thống các biện pháp) có ý thức, có tổ chức, có cơ sở khoa học vào sự hoạt
động và phát triển (hình thái, cấu trúc, chuẩn mực…) của ngôn ngữ để phục vụ cho
những mục đích của xã hội.
1.1.2. Nội dung cơ bản của chính sách ngôn ngữ
Theo Nguyễn Văn Khang (2003), CSNN gồm những nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, CSNN là một trong những nhân tố của quá trình phát triển ngôn ngữ.
Do CSNN tác động lớn đến sự phân bố chức năng giữa các thực thể ngôn ngữ trong
quốc gia (bao gồm mối quan hệ giữa các ngôn ngữ, phương ngữ, hình thức ngôn ngữ
nói, viết…) và tác động đến sự phát triển của hệ thống một ngôn ngữ, nên CSNN là
một trong những nhân tố của quá trình phát triển ngôn ngữ. Cả hai tác động trên đều
diễn ra theo hai hướng là kích thích và kiềm chế sự phát triển. Chẳng hạn CSNN kích
thích sự phát triển của ngôn ngữ giữ vị trí hàng đầu, đồng thời thu hẹp phạm vi chức
năng của một số ngôn ngữ khác.
Thứ hai, CSNN được xây dựng để giải quyết những vấn đề ngôn ngữ nảy sinh
trong xã hội. Những vấn đề này rất phức tạp và đa dạng, nhưng có thể qui về hai
dạng: (1) những vấn đề vĩ mô liên quan đến sự phân bố các thực thể ngôn ngữ theo

phạm vi giao tiếp; (2) những vấn đề vi mô nảy sinh trong quá trình giao tiếp của các
thực thể ngôn ngữ riêng biệt. Nghiên cứu các vấn đề này một mặt giúp hiểu rõ hơn
nội dung cụ thể của của CSNN và mặt khác tạo cơ sở khách quan cho CSNN.
Thứ ba, từ góc độ xã hội học, CSNN là một phần chính sách đối nội của một
quốc gia nào đó. Điều này thể hiện ở chỗ, cần xem xét CSNN được đưa ra thể hiện lợi
ích của toàn xã hội hay chỉ thể hiện lợi ích của giai cấp cầm quyền. Do vậy, khi làm
CSNN cần tính đến các nội dung như: lợi ích trước mắt và lâu dài của giai cấp vốn
quy định bản chất giai cấp của CSNN; lợi ích của các cộng đồng dân tộc; mục đích
văn hóa; quan điểm tôn giáo.
Dựa trên các quan điểm chính trị và các động cơ khác nhau, Nikolskij (1997, dẫn
9


theo Nguyễn Văn Khang, 2014a, tr.32) đã đưa ra sáu thông số chủ yếu của CSNN
(được quy về 3 nhóm). Đó là:
- Theo xu hướng: tính bảo thủ và tính cấp tiến của CSNN
- Theo nội dung giai cấp: tính dân chủ và tính phi dân chủ của CSNN
- Theo hướng dân tộc: tính quốc tế và tính dân tộc của CSNN
1.1.3. Mối quan hệ giữa chính sách ngôn ngữ với kế hoạch hóa ngôn ngữ
1.1.3.1. Khái niệm kế hoạch hóa ngôn ngữ
Kế hoạch hóa ngôn ngữ (language planning; còn gọi là quy hoạch ngôn ngữ)
được hiểu là các công việc quản lý ngôn ngữ. Cụ thể, đây là “phản ứng điều tiết có
chủ động, có tổ chức, có kế hoạch đối với hoạt động của ngôn ngữ” (Nguyễn Văn
Khang, 2014b, tr.487)
Thuật ngữ “kế hoạch hóa ngôn ngữ” (sau đây viết tắt là KHHNN) xuất hiện năm
1959 dưới ngòi bút của E. Haugen, “cùng thời” với thuật ngữ “ngôn ngữ học xã hội”
(Nguyễn Văn Khang, 2003, tr.8). Theo E. Haugen (1971), “ở đâu có vấn đề ngôn ngữ
thì ở đó có nhu cầu KHHNN. Cho dù nguyên nhân là gì đi chăng nữa, nếu như người
ta cảm thấy không thỏa mãn về cảnh huống của một ngôn ngữ nào đó thì sẽ đặt ra
cương lĩnh KHHNN” (Nguyễn Văn Khang, 2014b, tr.487). Mục đích cuối cùng của

KHHNN là giải quyết sự lưu thông tin tức trong giao tiếp giữa con người với con
người, có nghĩa là về nguyên tắc, “ở đâu việc truyền đạt tin tức bị cản trở thì ở đó cần
phải tiến hành KHHNN” (Nguyễn Văn Khang, 2003, tr.8)
Thay cho định nghĩa, có thể hình dung khái niệm kế hoạch hóa ngôn ngữ bao
gồm các mặt sau:
- Sự can thiệp (intervention): đó là sự can thiệp vào tiến trình thông thường của
các sự kiện nhằm gây ảnh hưởng đến việc sử dụng hoặc cách dùng ngôn ngữ trong
tương lai; cố gắng gây ra sự thay đổi có chủ định thông qua các biện pháp được thiết
kế để thực thi các lựa chọn.
- Tính rõ ràng (explicit): đó là những cố gắng có ý thức và có chủ đích để điều
khiển và sử dụng cách dùng ngôn ngữ; nó thúc đẩy hoạt động hơn là phản ứng.

10


- Tính hướng đích (goal-oriented): động cơ của KHHNN phải luôn hướng tới
đích. Đó là kết quả thực tế hay một định hướng cho tương lai.
- Tính hệ thống (systematic): KHHNN đòi hỏi phân tích kĩ lưỡng tình hình thực
tế cũng như những kết quả mong muốn nhằm thiết kế và phối hợp một loạt các hoạt
để xử lí vấn đề.
- Sự lựa chọn các giải pháp (choice among alternatives): có thể lựa chọn một
trong nhiều giải pháp. Việc lựa chọn thường dựa hoàn toàn trên những cơ sở chính trịxã hội, song việc đánh giá các giải pháp cần phải tính đến tất cả các thông tin có được.
- Sự điển chế hóa (institutionalization): KHHNN chủ yếu đề cập đến những nỗ
lực có tổ chức về thể chế, trước hết là mang tính quốc gia, sau đó mở rộng xuống
bang, tỉnh, địa phương. Cá nhân cũng có vai trò quan trọng nhưng “công cuộc này chỉ
thực sự có hiệu quả khi họ là những người có thẩm quyền để thực thi các quyết định,
tức là, những người hoạch định chính sách”.
(Nguyễn Văn Khang, 2014b, tr.487-488)
1.1.3.2. Nội dung của kế hoạch hóa ngôn ngữ
KHHNN gồm ba nội dung chính là kế hoạch hóa địa vị ngôn ngữ, kế hoạch hóa

bản thể ngôn ngữ và kế hoạch hóa uy tín ngôn ngữ. Kế hoạch hóa địa vị ngôn ngữ
(status planning) được hiểu là quá trình đưa ra quyết sách địa vị và chức năng của
ngôn ngữ hoặc các biến thể của chúng. Ví dụ, ngôn ngữ nào thực hiện chức năng
ngôn ngữ quốc gia, ngôn ngữ nào để giảng dạy trong nhà trường,... Kế hoạch hóa bản
thể ngôn ngữ (corpus planning) hướng tới các vấn đề như chuẩn hóa bản thể (corpus
standardization), chính thức hóa ngôn ngữ (officialization), văn tự hóa, sự trong
sáng/thuần hóa (purification), hiện đại hóa từ vựng (lexical modernization)... Kế
hoạch hóa uy tín ngôn ngữ (prestige planning) chú ý đến chức năng thuộc về phong
cách và chức năng chính trị của ngôn ngữ (chức năng xã hội).
Những thập kỷ gần đây, do coi trọng việc giáo dục ngôn ngữ trong nhà trường
nên KHHNN xuất hiện thêm một khái niệm nữa gọi là “kế hoạch hóa thụ đắc”
(acquisition planning) (Cooper, 1989, dẫn theo Nguyễn Văn Khang, 2014a, tr.29).
Theo đó, chương trình giáo dục ngôn ngữ trong nhà trường là trọng điểm của loại
11


KHHNN này. Nội dung của loại kế hoạch hóa này bao gồm dạy học ngoại ngữ hoặc
ngôn ngữ thứ hai, duy trì và chuyển đổi ngôn ngữ.
1.1.3.3. Mối quan hệ giữa chính sách ngôn ngữ và kế hoạch hóa ngôn ngữ
CSNN và KHHNN có mối quan hệ mật thiết với nhau. Tuy nhiên, có những cách
hiểu khác nhau về mối quan hệ này, chẳng hạn:
- Quan hệ giữa CSNN và KHHNN là quan hệ phụ thuộc: KHHNN là sự vận
dụng CSNN (J.A. Fishman, 1974, dẫn theo Nguyễn Văn Khang, 2014a, tr.28)
- Quan hệ giữa CSNN và KHHNN là mối quan hệ giữa cái khái quát và cái cụ
thể: CSNN giống như một khung pháp lí và KHHNN giống như tổng thể các hoạt
động nhằm xác định rõ và đảm bảo thế chế nào đó cho một hay nhiều thứ tiếng (PiereEtiene Laport, 1994, dẫn theo Nguyễn Văn Khang, 2014a, tr.28)
Chính vì những cách nhìn nhận khác nhau như vậy, ở mỗi quốc gia lại có những
cách tiếp cận khác nhau. Nhìn tổng thể có thể phân làm hai hướng chính:
- Cách tiếp cận chỉ chú trọng tới quyền lực đối với ngôn ngữ, tức là chủ trương,
đường lối. Có thể bắt gặp trường hợp này ở các quốc gia như Pháp, Tây Ban Nha,

Đức, Trung Quốc, Việt Nam.
- Cách tiếp cận chỉ chú trọng tới “phần thực hiện”, tức là KHHNN. Mĩ là một
trường hợp điển hình cho hướng này, coi trọng sự điều chỉnh của thực tiễn hơn là sự
can thiệp của quyền lực. Vì thế, Mĩ nghiêng về KHHNN và đôi khi cho rằng “có thể
KHHNN mà không cần chính sách” (Louis-Jean Calvet, 2006, dẫn theo Nguyễn Văn
Khang, 2014a, tr.29).
Dù theo quan điểm và cách tiếp cận nào thì hầu hết các ý kiến đều khẳng định
tầm quan trọng của CSNN và KHHNN đối với xã hội và mối quan hệ giữa chúng.
CSNN là nguyên tắc chỉ đạo của KHHNN, KHHNN là bước đi cụ thể của CSNN mà
trong đó giáo dục ngôn ngữ là sự thể hiện rõ ràng nhất KHHNN.
1.1.4. Mối quan hệ giữa chính sách ngôn ngữ và cảnh huống ngôn ngữ
1.1.4.1. Khái niệm cảnh huống ngôn ngữ
Bàn về khái niệm cảnh huống ngôn ngữ (Language situation), có rất nhiều các
định nghĩa khác nhau. Hoàng Văn Hành đã nhận định: “Cảnh huống ngôn ngữ là
12


phạm trù thuộc văn hoá tinh thần của cộng đồng tộc người hay liên cộng đồng tộc
nguời, định hình trong tiến trình lịch sử lâu dài trên một vùng lãnh thổ (một quốc gia,
một khu vực) phản ánh trạng thái tồn tại và các hình thái thể hiện sự hoạt động và tác
động qua lại của các ngôn ngữ” (Hoàng Văn Hành, 2008, tr.30)
Nguyễn Như Ý thì cho rằng cảnh huống ngôn ngữ là “toàn bộ các ngôn ngữ hoặc
toàn bộ các hình thức tồn tại của một ngôn ngữ có các quan hệ tương hỗ về mặt lãnh
thổ và xã hội, có sự tác động qua lại với nhau về mặt chức năng trong phạm vi một
vùng địa lý hoặc một thể thống nhất về chính trị - hành chính nhất định (dẫn theo
Nguyễn Văn Khang, 2003, tr.30).
Cũng có ý kiến giải thích cảnh huống ngôn ngữ thông thường “được hiểu là toàn
bộ các hình thái tồn tại (kể cả các phong cách) của một ngôn ngữ hay của các ngôn
ngữ trong một quốc gia hay một khu vực địa lý nhất định” (dẫn theo Nguyễn Văn
Khang, 2003, tr.266).

Từ những định nghĩa trên, chúng ta thấy rằng cảnh huống ngôn ngữ chính là tình
hình tồn tại và hành chức của các ngôn ngữ hoặc các hình thức của ngôn ngữ trong
phạm vi cộng đồng xã hội hay lãnh thổ. Cảnh huống ngôn ngữ có thể chỉ giới hạn
trong phạm vi của một ngôn ngữ hay một biến thể của ngôn ngữ (phương ngữ địa lí
hay phương ngữ xã hội), cũng có thể là của nhiều ngôn ngữu hoặc nhiều biến thể (các
phương ngữ địa lí và các phương ngữ xã hội). Ví dụ, cảnh huống ngôn ngữ ở Việt
Nam, cảnh huống phương ngữ tiếng Việt, cảnh huống tiếng Anh trong khu vực Đông
Nam Á.
1.1.4.2. Các tiêu chí xác định cảnh huống ngôn ngữ
Nguyễn Văn Khang (2014b) đã tổng hợp ba tiêu chí về cảnh huống ngôn ngữ, đó
là: tiêu chí về lượng, tiêu chí về chất và tiêu chí về thái độ ngôn ngữ. Cụ thể là:
- Tiêu chí về lượng gồm các thông số: (1) Số ngôn ngữ trong xã hội đa ngữ, số
lượng biến thể ngôn ngữ trong xã hội đa phương ngữ; (2) Số lượng người sử dụng
từng ngôn ngữ, biến thể ngôn ngữ; (3) Phạm vi giao tiếp của từng ngôn ngữ, của biến
thể ngôn ngữ; (4) Số lượng ngôn ngữ, biến thể ngôn ngữ nội trội về mặt chức năng.
- Tiêu chí về chất bao gồm các thông số: (1) Các ngôn ngữ trong xã hội đa ngữ
có phải là ngôn ngữ thực sự (ngôn ngữ độc lập) hay chỉ là biến thể của ngôn ngữ và
13


ngược lại; (2) Quan hệ giữa các ngôn ngữ, biến thể ngôn ngữ về cấu trúc – cội nguồn;
(3) Quan hệ giữa các ngôn ngữ, biến thể ngôn ngữ có ngang bằng về chức năng hay
không; (4) Đặc điểm ngôn ngữ nổi trội trong phạm vi quốc gia.
- Tiêu chí về thái độ ngôn ngữ thể hiện ở thái độ đối với ngôn ngữ hay biến thể
ngôn ngữ của cộng đồng mình hay của cộng đồng khác.
1.1.4.3. Mối quan hệ giữa chính sách ngôn ngữ và cảnh huống ngôn ngữ
Nếu CSNN là phạm trù thuộc lĩnh vực chính trị - xã hội thì cảnh huống ngôn
ngữ là phạm trù thuộc văn hóa tinh thần (Viện Ngôn ngữ học, 2002, tr.7). Tuy nhiên,
cảnh huống ngôn ngữ và CSNN có một mối quan hệ khăng khít không thể tách rời.
Cũng như bất kỳ chính sách nào khác của nhà nước phải được xây dựng xuất

phát từ tình hình thực tế, CSNN không thể thành công nếu không xuất phát từ cảnh
huống ngôn ngữ. Theo đó, CSNN chỉ đạt được hiệu quả khi tính đến tất cả các nhân tố
của cảnh huống ngôn ngữ, phải phù hợp với cảnh huống ngôn ngữ. Theo Nguyễn Văn
Khang (2014a), một CSNN phù hợp với cảnh huống ngôn ngữ thì sẽ giải quyết được
vấn đề ngôn ngữ ở nước đó, cụ thể là: ở góc độ ngôn ngữ, đó là một xã hội hài hòa về
ngôn ngữ (các ngôn ngữ có sự phân bố về chức năng, tồn tại và phát triển hài hòa theo
chức năng quy định); ở góc độ xã hội, ngôn ngữ sẽ là nhân tố tích cực để thúc đẩy sự
phát triển của xã hội, đảm bảo sự ổn định về chính trị, đảm bảo sự đoàn kết giữa các
dân tộc,...
Ngược lại, nếu đánh giá cảnh huống ngôn ngữ không đầy đủ, không chuẩn xác
thì khó có thể có được một CSNN có tính toàn diện và đúng đắn. Một CSNN không
phù hợp với cảnh huống ngôn ngữ sẽ cản trợ sự phát triển của xã hội và là cái cớ để
thổi bùng các ngọn lửa chính trị; ở góc độ ngôn ngữ thì đó là một xã hội không hài
hòa về ngôn ngữ (hay có vấn đề về ngôn ngữ) như sự bất bình đẳng về chức năng giữa
các ngôn ngữ sẽ đẫn đến sự bành trướng của ngôn ngữ này và sự thu hẹp của ngôn
ngữ khác (làm cho các ngôn ngữ có nguy cơ dẫn đến tiêu vong).
Như vậy, CSNN và cảnh huống ngôn ngữ có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ. Cảnh
huống ngôn ngữ là cơ sở cho việc hoạch định và thực thi CSNN. Và khi xây dựng
được một CSNN hợp lý đúng đắn thì sẽ có tác dụng sâu sắc đến đời sống ngôn ngữ

14


của đất nước, làm cho cảnh huống ngôn ngữ biến đổi theo chiều hướng lành mạnh,
tích cực, có lợi cho đất nước, cho nhân dân.
1.2. Vị trí và vai trò của tiếng anh
1.2.1. Tiếng Anh với tư cách là ngôn ngữ toàn cầu
Vào giữa thế kỷ XVI, số người nói tiếng Anh bản địa lúc đó mới có khoảng 3
triệu (Crystal, 1997) nhưng chỉ hơn bốn thế kỉ sau, số người nói tiếng Anh trên thế
giới đã chiếm một tỉ lệ áp đảo. Theo Ling & Brown (2005, tr.2), tiếng Anh được sử

dụng như là ngôn ngữ chính thức và ngôn ngữ đồng chính thức ở hơn 75 quốc gia và
vùng lãnh thổ, với số lượng người nói khoảng 1.5-2 tỉ. Nếu thống kê cả số người học
tiếng Anh như là một ngoại ngữ ở trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ khác thì ta sẽ có
được một con số đánh kinh ngạc: tổng số người nói tiếng Anh như là ngôn ngữ thứ
nhất, như là ngôn ngữ thứ hai và như là một ngoại ngữ chiếm một tỷ lệ không dưới
1/3 dân số thế giới.
Theo thống kê gần đây nhất của Liên Hợp Quốc, hiện nay tiếng Anh được sử
dụng làm ngôn ngữ chính thức ở khoảng 85% các tổ chức quốc, nhiều hơn so với các
tổ chức sử dụng 4 ngôn ngữ quốc tế khác (tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Pháp và tiếng
Đức) cộng lại. Hiện tại, Liên Hợp Quốc có khoảng hơn 50 cơ quan, hàng chục chương
trình, hàng trăm cơ quan chuyên môn, ủy ban khu vực, ủy ban chức năng và ủy ban
thường trực sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức. Tiếng Anh có vai trò chính
thức hoặc vai trò làm việc trong các hội nghị thượng đỉnh, hội nghị và hội thảo quốc
tế. Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đều sử
dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức (cùng với một số ngôn ngữ chính thức
khác). Tiếng Anh còn là ngôn ngữ chính thức duy nhất của Tổ chức các nước xuất
khẩu dầu mỏ (OPEC), là ngôn ngữ làm việc duy nhất của Hiệp hội Thương mại tự do
châu Âu (EFTA) và của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF). Tiếng Anh cũng được các
hiệp hội thể thao quốc tế sử dụng làm ngôn ngữ chính thức, bất kỳ một sự kiện thể
thao lớn nào từ khu vực đến quốc tế đều dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức.
Ngoài ra, các tổ chức quốc tế khác như Hội Kiến trúc sư và các hội nghị của nó, các
hội nghị tôn giáo,..., đều dùng tiếng Anh làm phương tiện quảng bá những nội dung
hoặc tư tưởng của mình. Các nhà khoa học muốn giới thiệu kết quả nghiên cứu của
mình ra thế giới cũng phải dùng tiếng Anh làm phương tiện diễn đạt. Ở lĩnh vực
15


truyền thông, hầu hết các quốc gia đều có kênh truyền hình phát bằng tiếng nước
ngoài, trong đó thời gian của các chương trình phát bằng tiếng Anh chiếm tỉ lệ nhiều
hơn. Thậm chí, một số quốc gia công nghiệp phát triển dành hẳn một kênh truyền

hình riêng phát bằng tiếng Anh, ví dụ như kênh NHK của Nhật Bản, kênh Ariang của
Hàn Quốc, kênh RT của Nga.
Ở châu Âu, nơi mà người ta thường chờ đợi rằng những ngôn ngữ khác tiếng
Anh sẽ được sử dụng nhiều hơn, nhưng người ta vẫn thấy tiếng Anh được sử dụng rất
rộng rãi. Theo thống kê gần đây, số lượng các tổ chức ở châu Âu sử dụng tiếng Anh
làm ngôn ngữ chính thức gấp hơn hai lần số lượng các tổ chức sử dụng tiếng Pháp,
hơn ba lần số lượng các tổ chức sử dụng tiếng Đức (Hoàng Văn Vân, 2011). Còn ở
hai cường quốc được xem là đối trọng với Mỹ là Nga và Trung Quốc, tiếng Anh có
mặt và “được chào đón một cách khá tự nhiên” (Hoàng Văn Vân, 2011, tr.12). Theo
Crystal (1997), số lượng người học tiếng Anh như là một ngoại ngữ ở Nga vào
khoảng đầu thế kỷ 21 là khoảng 15-20 triệu người (chiếm khoảng 10-12% dân số); và
theo Honna (2006, dẫn theo Hoàng Văn Vân, 2011, tr.13), hằng năm ở Trung Quốc có
khoảng 300 triệu người học tiếng Anh (chiếm khoảng 20% dân số).
Rõ ràng, tiếng Anh được sử dụng một cách rộng rãi trên thế giới và thực sự trở
thành một ngôn ngữ toàn cầu. Tiếng Anh "hiện diện trong những khía cạnh quan
trọng nhất của cuộc sống" (Kachru, 1998, tr.91), từ kinh tế, chính trị, cho đến văn hóa,
giáo dục.
1.2.2. Vị trí và vai trò của tiếng Anh ở Đông Nam Á
Tiếng Anh ở Đông Nam Á được chia thành hai loại. Loại thứ nhất là tiếng Anh
được nói ở các quốc gia thuộc “vòng tròn bên ngoài” (Outer Circle) theo miêu tả của
Kachru (1998). Các quốc gia này bao gồm Singapore, Philippines, Brunei và
Malaysia với đặc điểm chung là các quốc gia đã từng bị đô hộ và kiểm soát bởi các
cường quốc nói tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ. Ở Singapore, tiếng Anh được công nhận
như một ngôn ngữ chính thức cùng với tiếng Malayu, Tamil và tiếng Hoa, trong khi ở
Philippines, Malaysia và Brunei thì tiếng Anh được sử dụng như một ngôn ngữ không
chính thức và các nước này cũng có những biến thể tiếng Anh của riêng họ
(Kirkpatrick, 2007). Loại thứ hai là tiếng Anh được nói ở sáu quốc gia còn lại của
ASEAN gồm Lào, Việt Nam, Indonesia, Campuchia, Myanmar và Thái Lan. Kachru
16



(1998, tr.93) đã xếp các quốc gia này vào “vòng tròn mở rộng” (Expanding Circle)
với đặc điểm chung là tiếng Anh chủ yếu được sử dụng như một ngoại ngữ ở các
nước này. Có rất ít hoặc không có ảnh hưởng lên những hình thức của tiếng Anh được
sử dụng hoặc được giảng dạy ở các quốc gia này; trong khi đó, các quốc gia thuộc
“vòng tròn bên trong” (Inner Circle) như Anh, Mỹ thì lại cung cấp cho các quốc gia
thuộc “vòng tròn mở rộng” những hình thức khác nhau của tiếng Anh (Baker, 2008).
Hình 1 minh họa sự phân loại của Kachru với ba vòng tròn nói trên.

Expanding Circle
Outer Circle

Inner Circle
vd. Anh, Mỹ

vd. Singapore, Brunei

vd. Việt Nam, Lào

Hình 1 – Vòng tròn sử dụng tiếng Anh (Kachru, 1998)

Tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 13 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á
(ASEAN) diễn ra tại Singapore vào tháng 11 năm 2007, các quốc gia thành viên
ASEAN đã chính thức đặt bút ký thông qua Hiến chương ASEAN, trong đó có Điều
34 quy định rằng tiếng Anh là ngôn ngữ làm việc của ASEAN (ASEAN, 2008). Việc
sử dụng tiếng Anh không còn giới hạn ở việc là một phương tiện giao tiếp với các đối
tác bên ngoài ASEAN mà còn đóng vai trò như một lingua franca (ngôn ngữ chung)
của khu vực (Baker, 2008). Tổng thư ký hiện tại của ASEAN, ông Lê Lương Minh
cũng gọi tiếng Anh là “ngôn ngữ của thị trường việc làm cạnh tranh toàn cầu và là
ngôn ngữ chung của ASEAN” (Le, 2013, tr.3).

Tại Hội nghị toàn cầu về “Giáo dục thế hệ tiếp theo của lực lượng lao động:
Triển vọng ASEAN về Đổi mới, Hội nhập và Tiếng Anh” diễn ra tại thủ đô Bangkok,
17


×