Tải bản đầy đủ (.pdf) (4 trang)

Nhà đầu cơ George Soros

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (333.7 KB, 4 trang )

GEORGE SOROS - NGƯỜI THEO ĐUỔI BIẾN ĐỘNG TÀI CHÍNH
Nếu Murdoch được mệnh danh là ông vua truyền thông, Bill Gates là nhân vật số một trong thế
giới phần mềm thì George Soros là người có thế lực mạnh nhất trong lĩnh vực tài chính xuyên
quốc gia. Là doanh nhân có cái đầu lạnh, nhạy bén với cơ hội làm ăn và dám đầu tư mạo hiểm
để bành trướng tài sản của mình, George Soros đã khiến thế giới, nhất là thị trường chứng
khoán phải luôn theo dõi và e dè trước mỗi động thái đầu tư dù ông đã rời khỏi phố Wall.
Mạo hiểm với những canh bạc tài chính
George Soros trở thành cái tên được nhắc đến nhiều nhất sau ngày Thứ Tư đen tối khi thu lợi 1
tỉ USD trong vòng một tuần từ sự sụt giá của đồng bảng Anh năm 1992. Nhạy bén trước những
thay đổi của thị trường, Soros dự đoán bảng Anh
sẽ mất giá sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Ông
đi vay ngân hàng bảng Anh để mua mác Đức và
đầu tư vào các hợp đồng tương lai bằng bảng
Anh. Đúng như những tiên liệu của Soros, để
tránh tình trạng lạm phát cao sau khi hai miền
Đông - Tây thống nhất, Ngân hàng trung ương
Đức đã quyết định tăng lãi suất của đồng nội tệ,
khiến mác Đức tăng giá so với các đồng tiền khác,
ảnh hưởng đến hệ thống tỉ giá châu Âu. Theo đó,
chính phủ các nước châu Âu, trong đó có cả Anh đều phải tăng lãi suất cho đồng tiền của mình.
Ngày 16.9.1992, chính phủ Anh đã tăng lãi suất bảng Anh từ 10% lên 12%, rồi đến 15% để
mua lại đồng bảng dư thừa trên thị trường và bán ra đồng mác từ kho dự trữ. Tuy nhiên, do các
nhà đầu cơ ồ ạt bán ra đồng bảng và ngân hàng Anh không đủ dự trữ đồng mác để giữ mức
giá neo là 2,95 mác/bảng, chính phủ Anh buộc phải thả nổi đồng bảng Anh. Từ việc đầu cơ giá
xuống vào bảng Anh và đầu cơ giá lên vào mác Đức, Soros đã tạo sức ép làm giảm giá đồng
bảng Anh, dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Đồng tiền của Anh quốc buộc phải rút
khỏi hệ thống tỉ giá châu Âu còn Soros bỏ túi tiền tỉ trong sự căm tức của chính phủ Anh.
Gần đây nhất là khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997 với sự sụt giá thảm hại của đồng bạt
Thái Lan. Để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chính phủ Thái duy trì lãi suất cao hơn nhiều nước
với tỉ giá hối đoái USD/THB là 25. Vào mùa hè năm 1997, nhiều nhà đầu tư đã thấy sự bất ổn
trong tình hình tài chính của Thái Lan nên đã liên tục bán đồng Bạt Thái, mua về đồng USD.


Ngân hàng trung ương Thái không thể chống đỡ do không đủ đồng USD, buộc phải phá giá
đồng bạt xuống còn một nửa so với tỉ giá cũ. Kinh tế Thái Lan lập tức rơi vào khủng hoảng. Vết
dầu loang từ đồng bạt đã lan đến đồng ringgit của Malaysia, đồng won của Hàn Quốc và đe


dọa cả các nước châu Mỹ La tinh. Hiệu ứng đô-mi-nô đã dẫn đến sự khủng hoảng của châu Á
và cả thị trường chứng khoán Mỹ vào tháng 10.1997 với chỉ số Dow Jones rơi xuống mức kỷ
lục còn 554,26 điểm. Mặc dù không có những bằng chứng cụ thể rõ ràng, nhưng người dân
Thái tin chắc rằng Soros chính là người đứng sau sự kiện này.
Nạn nhân kế tiếp của Soros còn tiếp tục dài ra bằng sự tấn công đồng rúp của Nga vào tháng
8.1998 với sự suy giảm 15% giá trị đồng rúp chỉ trong năm ngày. Sau mỗi đợt khủng hoảng tài
chính đó, Soros bỏ túi hàng triệu đến hàng tỉ USD nhờ vào hành động đầu cơ và dự đoán chính
xác của mình.

GEORGE SOROS - Chân dung nhà đầu cơ


Sinh năm: 12.8.1930 tại Budapest, Hungary, gốc Do Thái



1947: Nhập cư sang Luân Đôn, làm bồi bàn để kiếm sống



1952: Tốt nghiệp trường Kinh doanh của Luân Đôn



1956: Sang Mỹ đoàn tụ gia đình và khởi nghiệp với 5.000USD




Biệt danh: Mozart của thị trường chứng khoán, Robin Hood tài chính



Phương châm đầu tư: Trong kinh doanh, việc đúng hay sai không quan trọng, cái quan
trọng là nếu đúng sẽ có được bao nhiêu tiền và nếu sai sẽ mất bao nhiêu tiền.

Theo đuổi biến động là chấp nhận rủi ro. Soros cũng không ít lần mất mát tài sản vì sự đầu tư
mạo hiểm của mình. Ông đã từng thiệt hại 300 triệu USD khi chỉ số Dow Jones tuột xuống mức
508 điểm vào tháng 10.1987 và trở thành cá nhân chịu thiệt hại nhiều nhất sau sự kiện này.
Năm 1999, ông cũng đã mất 700 triệu USD do dự đoán sai thời điểm thoái trào của các công ty
internet. Chưa hết, đến năm 2000, ông đã đầu tư vào các công ty công nghệ cao đang có nguy
cơ tuột dốc với hy vọng sẽ vực lên và thắng đậm. Tuy nhiên, do đánh giá sai, ông đã mất 3 tỉ
USD khi chỉ số chứng khoán công nghệ NASDAQ rớt giá đến mức thấp nhất. Từ đó, Soros đã
tuyên bố ra đi khỏi phố Wall nhưng thế lực và những dự đoán của ông vẫn luôn ảnh hưởng
mạnh đến nền tài chính thế giới.
Người của con số và dự đoán
Xuất thân là người Do Thái, năm 1936, cậu bé Schwartz đổi tên thành Soros để tránh sự đe
dọa của Đức quốc xã. Tên Soros chứa đựng cả niềm tin của người cha là nhà văn của quốc tế
ngữ vì đọc xuôi đọc ngược đều giống nhau và có nghĩa là sự “vút lên”. Từ khả năng phân tích


và dự đoán chính xác cộng với óc quan sát của một anh bồi bàn (việc làm đầu tiên của Soros
khi bước chân đến Anh để kiếm sống), Soros đã nắm bắt được rất nhiều cơ hội làm ăn trên đất
Mỹ. Chỉ với 5.000USD khởi nghiệp từ năm 1956, đến nay, tài sản của Soros đã lên đến 8,5 tỉ
USD. Cái tên Soros luôn có mặt trong danh sách những người giàu nhất thế giới liên tục 10
năm qua.

Cũng giống như những người Do Thái khác, luôn coi bất kỳ khoản đầu tư thua lỗ nào, dù nhỏ
đến đâu chăng nữa là một bước lùi, Soros luôn làm giàu bằng mọi cách. Là một nhà đầu cơ tài
chính, ông không ngừng tìm kiếm các cơ hội làm ăn thông qua quỹ đầu tư tư nhân thành công
nhất toàn cầu là Soros Fund Management với văn phòng đặt tại Hà Lan. Cách kinh doanh của
ông là đầu tư mạo hiểm ngắn hạn với những khoản tiền lớn trên cơ sở những biến động tài
chính toàn cầu. Soros cho rằng các nhà đầu tư thường chịu tác động lẫn nhau và có hướng đi
theo số đông - tiềm ẩn sự biến đổi của nền kinh tế. Ông cũng đi theo số đông nhưng luôn phân
tích ý nghĩa của những con số để tự tách riêng và tìm hướng đi có lợi nhất cho mình. Theo ông,
nơi nào có nguy cơ rủi ro cao thì nơi ấy sẽ có cơ hội làm giàu cao, ông dám mạo hiểm để đầu
tư dựa trên sự dự đoán, phân tích logic và am hiểu thị trường của bản thân.
Sự mạo hiểm còn thể hiện ở chỗ ông dám đặt cả tài sản của mình theo hướng được ăn cả, ngã
về không. Tuy nhiên, sự mạo hiểm của ông luôn có tính toán và cân nhắc kỹ với nguyên tắc
riêng để đảm bảo an toàn. Với Soros, các con số đều là những con số biết nói. Khi quyết định
đầu tư vào công ty nào, ông luôn tìm hiểu kỹ các bảng cân đối tài sản, nhịp độ phát triển cũng
như những cơ hội và biến động mà công ty sẽ gặp trong thời gian kế tiếp.
Am hiểu và hiểu được từng nhịp thở của thị trường tài chính, chứng khoán, cuối tháng 1 vừa
qua, tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos, Soros đã cảnh báo thế giới đang phải đối mặt với
khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới II trở lại đây. Sự suy thoái của các
nước phát triển là một điều không thể tránh khỏi sau sự bùng nổ tín dụng liên tục 60 năm qua.
Hậu quả của nó sẽ tạo hiệu ứng dây chuyền cho cả toàn cầu. Dù muốn, dù không thì trước lời
cảnh báo của một chuyên gia lão luyện như Soros thì cả giới doanh nhân lẫn các nhà chính trị
đều phải quan tâm, đặc biệt nhất là trong lúc các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới đều
đang tuột dốc trước tình hình giá dầu và giá vàng ngày một tăng cao.
Robin Hood thời đại?


Khi nói đến George Soros, người ta có nhiều cảm
xúc trái ngược nhau. Những chính phủ như Anh,
Thái, Malaysia và ngay cả Mỹ đều rất phẫn nộ
trước sự đầu cơ “tàn nhẫn” với biệt danh là tên “tội

đồ tài chính”, gây ảnh hưởng nặng nề cho nền kinh
tế. Tuy nhiên, cũng chính nhờ hoạt động đầu cơ
của nhà tài phiệt này mà các chính phủ nhận ra sai
sót của mình trong việc điều hành và quản lý tiền
tệ. Họ đã hoàn thiện hơn mà điển hình nhất là sự
ra đời của đồng tiền chung châu Âu, tránh được
kinh nghiệm đau thương của chính phủ Anh. Ngay
cả Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, đang có những dấu hiệu khá giống nền kinh tế Thái Lan
cách đây 10 năm: lãi suất tăng cao do lạm phát, bất động sản tăng trưởng nóng, việc kiểm soát
tỉ giá lúng túng vì lượng đầu tư từ FDI và FPI... Bài học từ những hành động đầu cơ của Soros
có lẽ đủ để thức tỉnh những người điều hành chính sách tài chính - tiền tệ Việt Nam nếu không
muốn nền kinh tế rơi vào khủng hoảng như Thái Lan 10 năm về trước. Về phần mình, Soros
vẫn là một nhà đầu cơ với tiêu chí làm giàu và làm những gì mà các chính phủ không cấm để
kiếm tiền.
Đối với những người được giúp đỡ thì George Soros là một vị ân nhân, là người lấy của người
giàu chia cho người nghèo. Cách làm từ thiện của ông là tặng người ta cái cần câu hơn là tặng
con cá để từ phương tiện đó, người nghèo sẽ tự lập cánh sinh, tự làm giàu cho bản thân và xã
hội. Từ thập niên 70 đến nay, ông đã tài trợ 6 tỉ USD cho từ thiện, trong đó đa phần là dành cho
các quỹ học bổng. Số người nhận học bổng của ông đã lên hàng chục ngàn từ khắp nơi trên
thế giới như Mỹ, Nga, Trung và Đông Âu, Trung Đông, châu Phi... Tạp chí Times cho biết trong
năm 2007, ông đã đầu tư 100 triệu USD để xây dựng cơ sở hạ tầng cho các trường đại học ở
Nga, 50 triệu USD cho tổ chức phi chính phủ Millennium Promise, tài trợ cho các nước nghèo ở
châu Phi và chi 742 triệu USD cho các dự án từ thiện khác tại Mỹ. Mới đây nhất, ông đã kết
hợp với Google.org và hệ thống Omydar của ông chủ eBay tài trợ 17 triệu USD vốn phát triển
cho các doanh nghiệp Ấn Độ. Dù đã qua tuổi nghỉ hưu gần 20 năm nhưng Soros vẫn tiếp tục
làm việc với sự minh mẫn và dự đoán chính xác nhằm tìm kiếm những cơ hội đầu tư về vốn và
về chất xám cho thế hệ tương lai.
www.saga.vn | Tạp chí Marketing số 41/2008




Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×