Tải bản đầy đủ (.doc) (11 trang)

Bạo lực gia đình và những ảnh hưởng tới trẻ em

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (112.55 KB, 11 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN


BÀI TẬP CUỐI KÌ MÔN: XÃ HỘI HỌC GIA ĐÌNH

Họ và tên: Lê Thị Ngọc Oanh
Lớp: K55 Xã hội học
MSSV: 10032079


Tên đề tài: Bạo lực gia đình và những ảnh hưởng tới trẻ em.
Bài làm:
1. Tính bức xúc của vấn đề:
Bạo lực gia đình không còn là một vấn đề mới mẻ nhưng luôn luôn là vấn đề bức
xúc đối với mọi xã hội. Ở Việt Nam, bạo lực gia đình đang có chiều hướng gia tăng
đáng báo động và trái ngược với truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Bạo lực gia
đình không còn đơn thuần chỉ là hành vi đánh đập ngược đãi về thể xác, về tinh thần,
bạo hành trong tình dục, bạo lực kinh tế… mà còn là hành vi phạm tội nghiêm trọng.
Bạo lực không chỉ phát sinh ở các gia đình học vấn thấp mà còn có ở các gia đình học
vấn cao, không chỉ có ở những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn mà còn nảy sinh
ở những gia đình điều kiện kinh tế tốt và không chỉ ở những đôi vợ chồng mới kết hôn
mà còn có cả những đôi vợ chồng sống cùng nhau hàng chục năm. Không chỉ giữa vợ
và chồng mà còn giữa cha mẹ, con cái, anh chị em với nhau… Tuy nhiên phổ biến nhất
vẫn là bạo lực giữa chồng với vợ, giữa bố mẹ với con cái. Thống kê của Vụ Gia đình
(Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho biết, chỉ chín tháng đầu năm 2011 đã có
33.904 vụ bạo lực gia đình, trong đó số vụ với phụ nữ là 12.699 vụ, chỉ xử lý được
1.855 vụ. Bạo lực gia đình thường để lại những hậu quả nghiêm trọng về cả mặt thể
chất và tinh thần đối với các thành viên trong gia đình. Đây đang là một vấn đề vô
cùng nhức nhối và được xã hội rất quan tâm. Đối với trẻ em sống trong môi trường có
bạo lực gia đình, dù là người trực tiếp bị bạo lực hay là người chứng kiến thì cũng phải


chịu đựng những tổn thương về thể chất, tâm lí nhất định. Nếu để tình trạng này kéo
dài sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển của trẻ, đến thế hệ tương lai của đất nước.
Mặc dù bạo lực gia đình xảy ra phổ biến đối với phụ nữ nhưng trẻ em cũng là nạn
nhân của bạo lực gia đình. Theo một cuộc điều tra trên báo điện tử thì cứ bốn phụ nữ
có con dưới 15 tuổi thì có một người cho biết con của họ đã từng bị chồng họ bạo hành
thể xác. Bạo lực gia đình là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với cuộc sống của trẻ
em. Đối với trẻ em, gia đình là nơi nương tựa vững chắc và êm ái nhất trong những
năm tháng đầu đời, được sống cùng cha mẹ và những người ruột thịt khác, được hưởng
tình yêu thương cũng như sự chăm sóc về vật chất và tinh thần là quyền chính đáng
của mọi trẻ em. Khi lớn lên, những đứa trẻ được chăm sóc cẩn thận thường có đủ hiểu
biết và sức khỏe và sống một cuộc sống hữu ích cho gia đình và xã hội, nhưng trên
thực tế có rất nhiều trẻ đã không được sống như vậy. Trong các rủi ro mà các em phải
chịu đựng thì có vẻ như bạo lực gia đình là loại rủi ro dễ khắc phục hơn cả vì chúng
2


liên quan đến tính chủ động và hành động tự giác của con người, nhưng thực tế lại
không như vậy. Hiện nay ở Việt Nam chưa có thống kê chính thức là bao nhiêu đứa trẻ
phải chịu sự rủi ro này nhưng những hậu quả gây ra cho chúng thì đã rất rõ ràng. Bao
giờ cũng vậy, nói tới nạn nhân của bạo lực nói chung và bạo lực gia đình nói riêng
người ta thường không thể tách trẻ em ra khỏi phụ nữ bới tính phụ thuộc đặc biệt của
trẻ đối với người lớn nói chung và đối với người mẹ nói riêng. Trẻ em là nhóm người
yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất trong gia đình. Có thể sẽ rất khó khăn để xác định
giữa phụ nữ và trẻ em, ai là người chịu đau khổ hơn trong các vụ bạo lực song trong
nhiều trường hợp nỗi đau đơn và thiệt thòi của trẻ là vô cùng to lớn và sâu sắc, bởi lẽ
nó không chỉ ảnh hưởng tới hiện tại mà còn ảnh hưởng tới tương lai lâu dài của trẻ.
Nhứng đứa trẻ sống trong những gia đình mà mẹ bị cha bạo hành hoặc bản thân các em
bị bạo hành sẽ có nhiều khả năng có các vấn đề về hành vi hơn so với những trẻ em
khác. Ngày nay, chúng ta có thể bắt gặp ở nhiều nơi, nhiều trang báo viết về những câu
chuyện về cuộc đời của nhiều em nhỏ do bị người lớn đánh mắng, hành hạ tàn bạo dã

man mà đã trở nên rụt rè, dễ hoảng sợ, ngại giao tiếp, học hành sút kém, thiếu tự tin.
Nhiều em nhỏ vì không chịu nổi các hình thức bạo lực trong gia đình mà bỏ nhà ra đi,
phải lao động đủ nghề để kiếm sống, những em nhỏ này đều trầm lặng, ít nói, sống xa
lánh mọi người và trong lòng chứa đầy những mặc cảm. Do các em còn nhỏ nên
thường phải làm nghề bưng bê, rửa chén bát tại các quán ăn bình dân hay đánh giầy,
bán báo... Mặc dù luôn phải tiếp xúc với nhiều người nhưng ngày này qua ngày khác
chỉ biết sống lặng thầm, không oán trách ca thán cũng chẳng hề nói năng, chia sẻ với
ai. Cho đến nay, nhiều người làm cha mẹ vẫn coi việc hành hạ, đánh đập hoặc sử dụng
các hình phạt dã man đối với con cái là quyền của họ. Khi con mắc lỗi, khi họ đang có
sự buồn bực, lo lắng vì mưu sinh, khi họ có những điều không vui vì các mối quan hệ
xã hội... họ mắng chửi hoặc đánh đập con cái của mình. Những cú đấm, cái tát đã xảy
ra thường xuyên trong gia đình và được họ coi là hợp pháp vì họ cho rằng, con họ đẻ
ra họ có quyền dạy. Chỉ có những vụ việc nghiêm trọng gây thương tật hoặc làm chết
người, làm xôn xao dư luận thì mới bị luật pháp trừng trị. Tuy nhiên không phải lúc
nào luật pháp cũng xử đúng người, đúng tội, thậm chí trong nhiều trường hợp kẻ phạm
tội chỉ bị phạt rất nhẹ. Khi đánh con, những người tỉnh táo thì nhắc nhau: có đánh thì
tránh chỗ “phạm” để cho chúng không bị nguy hiểm. Còn những kẻ mù quáng thì khi
lên cơn giận đã đánh con vào bất cứ chỗ nào, bằng bất cứ loại vũ khí gì họ có trong tay.
Có người thường xuyên treo ngược con lên để đánh, người thì mỗi khi đánh con lại lột
hết quần áo của con, lôi ra đường để bêu riếu, kẻ thì túm tóc hoặc đập đầu trẻ vào
tường... Vụ việc gần đây làm xôn xao dư luận, khiến mọi người vô cùng căm phẫn đó
là cha giết con và chôn con dưới lớp bê tông... Họ là cha, là mẹ nhưng lại có những
hành động mà không ai nghĩ là con người có thể làm với con của họ.
3


Bạo lực gia đình đã biến nhiều đứa trẻ hiền lành trở nên hung dữ và trong nhiều
trường hợp chúng cũng dùng cả những hình thức tàn bạo, dã man để đối xử với người
khác. Gần đây, báo chí nước ta đã nói nhiều đến những tội phạm “nhí”, mà hành động
của chúng cũng khủng khiếp không thua kém gì các băng đảng người lớn, cũng dao

găm và mã tấu, cũng đâm chém và giết người, các phạm nhân nhỏ tuổi này hầu như
đều lớn lên từ những gia đình không hòa thuận và phải quen nhìn thấy những cảnh bạo
lực không chỉ trong trò chơi, phim ảnh mà trong cả chính gia đình của chúng.
Rõ ràng bạo lực gia đình đã không chỉ gây hậu quả tiêu cực cho xã hội hiện tại mà
còn cho tương lai khi những đứa trẻ bị tổn thương về thể xác và tâm lý đang ngày một
nhiều hơn. Những công dân này không chỉ đáng thương mà còn đáng lo ngại cho một
xã hội mới.

2. Như thế nào là bạo lực gia đình?
Theo Khoản 2 Điều 1 của Luật phòng chống bạo lực gia đình quy định: Bạo lực
gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng tổn hại
về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với các thành viên khác trong gia đình. Các hình thức
của bạo hành liên quan đến bạo hành gia đình:
Xâm hại tình dục.
Bạo hành thể chất.
Bạo hành tâm lý và cảm xúc.
Bạo hành kinh tế.
Theo Điều 2 của Luật phòng chống bạo lực gia đình, các hành vi sau đây được coi
là hành vi bạo lực gia đình:
a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ,
tính mạng;
b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm
trọng;
d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và
cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;
4


đ) Cưỡng ép quan hệ tình dục;

e) Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện,
tiến bộ;
g) Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản
riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia
đình;
h) Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả
năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng
phụ thuộc về tài chính;
i) Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.
Các hành vi được quy định trên cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của
vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như
vợ chồng.

3. Bạo lực gia đình và những tác động tới trẻ em:
Bạo lực gia đình nếu thường xuyên diễn ra sẽ có tác động rất lớn, để lại hậu quả
nghiêm trọng về mặt thể chất cũng như tâm lí của trẻ em. Cơ thể trẻ còn non nớt và
đang phát triển nên mọi hành vi bạo lực đối với trẻ đều ảnh hưởng đến sức khoẻ và sự
phát triển thể chất của trẻ. Bên cạnh đó hành vi bạo lực làm cho tinh thần trẻ sa sút, sự
căng thẳng tinh thần làm cho các cơ quan trên cơ thể trẻ cũng có những rối loạn trong
hoạt động cũng là nguyên nhân làm cản trở sự phát triển thể chất ở trẻ. Bên cạnh đó
việc trẻ em phải chứng kiến cảnh bạo lực gia đình khiến tâm lí trẻ lo sợ, buồn chán
không muốn ăn uống, vận động, mọi sinh hoạt của trẻ bị ảnh hưởng...
Con cái thường học theo tấm gương của cha mẹ, ảnh hưởng của cha mẹ đối với trẻ
là rất lớn, muốn giáo dục trẻ thì cha mẹ phải luôn là tấm gương sáng về phẩm chất và
hành vi với trẻ, những hành vi sai trái, những hành động bạo lực hay những lời mắng
chửi thậm tệ đều có ảnh hưởng lớn đến việc giáo dục trẻ, trẻ có thể học theo những
hành vi đó của cha mẹ hoặc cha mẹ đã làm mất uy tín của mình với trẻ khi trẻ chứng
kiến hành vi bạo lực của cha mẹ. Cha mẹ sẽ không giáo dục được cho con của họ
những phẩm chất tốt khi họ để trẻ phải chứng kiến cảnh bạo lực từ chính họ. Nó trở
thành nỗi ám ảnh khó phai, nhiều khi ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ cả ở tuổi trưởng

thành. Di chứng của bạo lực gia đình đã in sâu vào tiềm thức và điều khiển hành vi của
trẻ. Thực tế cho thấy nhiều trẻ phạm tội là do ảnh hưởng của việc phải chứng kiến
hành vi bạo lực gia đình.
5


Những hình ảnh bạo lực gia đình lâu dần trở thành một vết thương khó phai mờ
trong trí não trẻ. Khi trưởng thành, chúng có thể trở nên khó hoà nhập với cuộc sống,
dễ bị cẳng thẳng thần kinh, dễ bị kích động bạo lực hoặc có tư tưởng trầm uất. Những
bé trai dần dần sẽ hình thành nhận thức rằng làm đàn ông có quyền đánh đập phụ nữ và
rồi khi trở thành chồng cũng có cách ứng xử như vậy đối với vợ. Với các bé gái, chứng
kiến cảnh mẹ bị cha mắng chửi, đánh đập thì có thể sau này sẽ cam chịu cảnh bạo lực
hoặc ác cảm với đàn ông...
Nhìn chung, phản ứng thường thấy ở những đứa trẻ phải sống trong môi trường
gia đình lục đục luôn có bạo lực là lảng tránh tất cả. Ban đầu thì lảng tránh sự lục đục
của người lớn, xa lánh những cuộc cãi vãi, gây lộn thường xuyên và gần như vô bổ của
cha mẹ. Khi những cuộc cãi vã và gây lộn ngày càng nhiều lên và nặng nề tới mức
không thể chịu đựng nổi thì chúng sẽ lảng tránh cả cuộc sống gia đình. Bỏ nhà ra đi
cũng là giải pháp tối ưu và cuối cùng của nhiều đứa trẻ đã sinh ra trong hoàn cảnh cha
mẹ vẫn còn chung sống nhưng có bạo lực gia đình. Chúng muốn trốn tránh những
ngày tháng nặng nề và đáng sợ, những trận đòn roi tàn nhẫn, những nỗi căm hận và cả
sự ngột ngạt của không khí gia đình. Việc xa lánh cuộc sống gia đình dễ dẫn đến tâm lý
không tôn trọng gia đình, coi thường các mối quan hệ gia đình. Khi mà cái khuôn mẫu
về cuộc sống gia đình chỉ là những lời qua tiếng lại, những nắm đấm và roi vọt thì
niềm vui, hạnh phúc phải là một chỗ nào khác chứ không thể ở trong chính gia đình
mình. Không tìm thấy niềm yêu thương an ủi từ phía gia đình, những đứa trẻ sinh ra
trong hoàn cảnh bạo lực gia đình đã không chỉ ghê sợ cuộc sống gia đình mà còn khinh
ghét và coi thường nó, đồng thời cuộc sống không cần có sự nâng đỡ và niềm an ủi từ
phía gia đình cũng dẫn người ta đến chỗ có thói quen quay lưng lại với gia đình, quay
lưng lại với tất cả các mối quan hệ gia đình. Mặt khác cuộc sống xa lánh gia đình của

những đứa trẻ sinh ra và lớn lên từ bạo lực gia đình cũng khiến cho chúng buộc phải
tìm đến với những niềm an ủi khác từ bên ngoài xã hội rộng lớn. Chúng ta đều biết,
môi trường xã hội cho cuộc sống của trẻ hiện nay có quá nhiều yếu tố không có lợi cho
sự phát triển nhân cách. Sự tồn tại của các loại tệ nạn xã hội, nhiều chuẩn mực và giá
trị bị đảo lộn, vàng thau lẫn lộn, nhiều loại văn hóa phẩm đồi trụy, bạo lực, các ổ tiêm
chích, mại dâm... đã là những cám dỗ tuy thấp hèn nhưng đầy ma lực. Trong nhiều
trường hợp ngay cả người lớn còn không đủ sức mạnh để vững vàng và xa lánh được
các tệ nạn xã hội thì việc các em nhỏ yếu đuối, bị tổn thương sa vào cũng là chuyện dễ
hiểu bởi chúng không có đủ hiểu biết, nghị lực và lý trí để tự bảo vệ được mình.
Trẻ em sống trong gia đình có bạo lực gia đình diễn ra thường xuyên sẽ bị tổn
thương về nhiều mặt và không thể có một cuộc sống bình thường như những bạn khác.
Trẻ em nếu bị bạo hành thì sẽ không chỉ bị tổn thương về thể chất, điều mà chúng ta có
6


thể dễ dàng xác định bằng mắt thường, mà còn bị tổn thương nghiêm trọng về tinh
thần (tâm lí, tình cảm...), làm ảnh hưởng tới sự phát triển nhân cách của trẻ em, khiến
trẻ dễ sợ hãi, xấu hổ, mặc cảm, dễ tức giận, dễ chán nản... dần dần lòng tự trọng và tự
tin bị suy giảm. Đồng thời cảm giác oan ức, tức giận, hằn học khi bị bạo hành dễ đẩy
các em tới những hành động bột phát, quyết liệt... Ngoài ra, do những ảnh hưởng của
sự bạo hành, cha mẹ đã dần dần đẩy con cái vào các trường hợp chống đối, chúng dễ
có những hành vi bất kính và bất hiếu…
Bạo lực gia đình đối với trẻ em có sự khác biệt giữa trẻ nam và nữ, giữa các lứa
tuổi khác nhau. Nhìn chung, trẻ nam thường bị bạo lực về thân thể nhiều hơn và nặng
hơn nữ. Trẻ em nữ thường bị bạo lực về tinh thần nhiều hơn các em nam, các em
thường bị mắng, chửi là chủ yếu. Bên cạnh đó, bạo lực gia đình cũng có xu hướng tỉ lệ
nghịch với độ tuổi trẻ em, nghĩa là tuổi càng lớn thì trẻ càng ít bị đánh đòn hơn so với
khi tuổi còn nhỏ. Tuy nhiên, những ảnh hưởng của bạo lực tới các em khi còn nhỏ có
thể gây ám ảnh tới các em về sau này, khi các em đã trưởng thành, trở thành người lớn.
Những gia đình có bạo hành thường để lại di chứng nặng nề cho con cái của họ: trẻ em

gái thường tỏ ra rất mặc cảm trước mặt mọi người, không thích giao tiếp, hoặc không
dám kết thân với người khác, thiếu tự tin trong cuộc sống, và luôn có tư tưởng bỏ học.
Nếu tình trạng bạo lực gia đình kéo dài, các em sẽ dần rơi vào trạng thái khủng hoảng,
lãnh cảm. Nếu nạn nhân là trẻ em trai thì em có thể trở nên ương bướng, khó bảo, dễ
gây gổ với người khác, học hành kém và rất nhiều em đã trở nên hư hỏng.
Trẻ em nếu phải trải qua giai đoạn bị bạo lực thì khi lớn lên sẽ có thể bị ám ảnh và
nhiều khả năng sẽ trở thành chủ thể của bạo lực, tức là khi trở thành người lớn, do ảnh
hưởng của tuổi thơ phải chứng kiến hay chịu đựng bạo lực, các em dễ có những hành
vi bạo lực với mọi người xung quanh như bạn bè, hay với thành viên của gia đình sau
này...
Bạo hành gây ảnh hưởng từ thể chất đến tâm lý của nạn nhân. Nhiều trường hợp
hành vi bạo lực dẫn đến thương tật suốt đời, thậm chí tử vong. Xét về mặt xã hội,
người bị bạo hành thường có những phản ứng tiêu cực. Trong lúc cùng quẫn, họ có thể
có những hành vi gây hại cho xã hội hay những người xung quanh. Ví dụ, có những
người vợ do không chịu nổi hoàn cảnh bị bạo hành đã bức tử con cái và gây thương
vong cho bản thân họ. Điều này không chỉ để lại hậu quả trực tiếp tới người mẹ mà
còn ảnh hưởng tới tương lai đứa trẻ dù nó hoàn toàn vô tội. Nếu như phụ nữ chỉ là nạn
nhân của nam giới thì trẻ em không chỉ là nạn nhân của nam giới mà còn là nạn nhân
của nhiều phụ nữ khi chính họ đang là nạn nhân. Tình trạng này thường xảy ra khi
người phụ nữ đang phải sống trong hoàn cảnh không thể chống trả được những kẻ
hành hạ họ. Họ chỉ còn cách trút hết nỗi đau, nỗi khổ, nỗi hận cho con cái. Những đứa
7


trẻ đáng thương này không những không được bảo vệ từ phía cha mẹ mà còn bị mẹ
chúng đánh đập, thậm chí là hành hạ, giết hại. Trẻ bị đánh, hành hạ không phải do lỗi
của chúng mà do chúng là con của cha mẹ chúng, nghĩa là khi cha mẹ chúng có nhu
cầu cần được giải tỏa những ẩn ức, tức giận, xung đột, những mâu thuẫn phức tạp của
mình thì trút hết vào con cái. Hoặc có thể có trường hợp một trong hai người cảm thấy
bế tắc muốn tìm đến cái chết, họ cũng tìm cách buộc con cái họ phải chết theo, khiến

cho nhiều trẻ em đã phải trả giá đắt cho những vấn đề riêng của người lớn. Những trận
đòn oan sẽ hằn rất sâu trong đời sống tinh thần và tình cảm của trẻ, làm thương tổn đến
quan hệ giữa trẻ với cha mẹ chúng. Bạo lực gia đình đã không chỉ đe dọa cuộc sống, sự
phát triển về thể chất và tâm lý trẻ mà còn đe dọa đến tính mạng của các em.
Sống trong gia đình không hạnh phúc, nhiều trẻ em lớn lên đã mang theo một nỗi
ám ảnh tinh thần đau đớn về hành vi ứng xử thô bạo của bố mẹ với nhau. Thói bạo
hành của người cha trong gia đình không những gây nên nỗi khiếp sợ mà tai hại hơn
là để lại trong trái tim con trẻ những di chứng tinh thần nghiêm trọng. Dân gian có câu
“cha nào con nấy”, trong trường hợp này cũng có một phần đúng. Mặc dù khiếp sợ và
căm ghét thói bạo hành của người cha, nhưng khi trưởng thành, những đứa con, đặc
biệt là con trai, lại có xu hướng "lặp lại" cách cư xử độc ác đó với người thân. Họ nói
rằng, dường như họ không kiểm soát được hành vi của mình, có lẽ đó là "di chứng"
của tình trạng bạo lực gia đình đã in sâu vào tiềm thức và điều khiển hành vi của họ.
Đồng thời đối với trẻ em, việc chứng kiến bố mẹ ngược đãi lẫn nhau cũng có ảnh
hưởng không kém việc bản thân bị ngược đãi. Chính điều này khiến trẻ nảy sinh tư
tưởng tự tử, học kém, dễ có hành động bạo lực, hoặc tâm tính thụ động, dễ mắc bệnh
(đau đầu, đau dạ dày v.v...) Trẻ từ 5 đến 10 tuổi dễ bị tổn thương tinh thần nhất bởi ở
lứa tuổi này, trẻ dù đã hiểu mọi việc, nhưng do còn quá nhỏ và yếu đuối nên trẻ không
thể làm được gì ngoài việc bắt buộc phải chứng kiến cảnh ẩu đả của cha mẹ xảy ra
trước mắt mình. Và hệ quả là sự suy sụp tinh thần và sự suy kiệt thể chất của trẻ, bởi
những hình ảnh ấy tạo ra một ấn tượng kinh hoàng khó phai mờ trong trí não trẻ. Khi
trưởng thành, chúng dễ trở thành người bị căng thẳng thần kinh, tính tình cục cằn hoặc
dễ mắc bệnh tật hơn những người lớn lên trong một gia đình yên ổn.

4. Nguyên nhân của bạo lực gia đình:
Bạo lực gia đình xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số nguyên nhân
chính của bạo lực gia đình là do tình trạng bất bình đẳng giới, do sự thiếu hiểu biết về
luật pháp, do tệ nạn xã hội, do mâu thuẫn quan điểm hoặc do khó khăn về kinh tế…

8



Sự bạo hành thường có tỷ lệ cao ở các gia đình có những hoàn cảnh đặc thù như
kinh tế khó khăn, trình độ văn hóa thấp, bệnh tật, không có việc làm hoặc thường
xuyên say rượu, hay nghiện ngập. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là những gia
đình giàu có hay trí thức sẽ không có bạo hành. Hơn nữa, có những hình thức bạo hành
mà người ngoài cuộc khó nhận biết được. Chẳng hạn sự bạo hành giữa cha mẹ và con
cái thường được thể hiện qua lối giáo dục theo kiểu thương cho roi cho vọt. Có thể đó
là những hành vi như bỏ mặc, không quan tâm; quát; dọa dẫm; đánh đập thậm tệ, bỏ
đói, hoặc chửi mắng nhục mạ nạn nhân dưới nhiều hình thức.
Ảnh hưởng của nền văn hóa phong kiến với những quan niệm mang đậm màu sắc
định kiến giới, đó là những định kiến nằm ngay trong truyền thống văn hóa, phong tục
tâp quán, chuẩn mực đạo đức bấy lâu nay trong xã hội: tư tưởng trọng nam, khinh nữ;
chồng chúa, vợ tôi; tư tưởng gia trưởng; định kiến giới: phụ nữ là người giữ gìn hạnh
phúc gia đình - “một điều nhịn là chín điều lành”… Những quan niệm này đã khiến
cho người nam giới cho rằng họ có vai trò trụ cột trong gia đình, có quyền định đoạt
mọi việc, họ luôn có tư tưởng mình là “tiếng nói” trong gia đình nên có thể mắng chửi
vợ một vài câu là điều bình thường, thậm chí tát vợ một vài cái cũng không sao; hay do
hiểu sai mục đích của biện pháp nghiêm khắc trong giáo dục con cái theo quan niệm
“yêu cho roi, cho vọt” dẫn đến nhiều bậc cha mẹ tự cho mình quyền được đánh đập,
hành hạ con cái mình.
Do tệ nạn xã hội (rượu chè, cờ bạc, ma túy, mại dâm...): đây là những nguyên nhân
phổ biến gây ra bạo lực gia đình. Khi sử dụng các chất kích thích như rượu hay ma
túy, nam giới có nguy cơ sử dụng bạo lực đối với các thành viên trong gia đình, đặc
biệt là với vợ con. Nhiều người lấy cớ say để “dạy vợ, dạy con” mà thực chất là đánh
đập, chửi rủa, thậm chí là nhục mạ họ. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các hình thức
giải trí không lành mạnh như karaoke trá hình, bia ôm, mại dâm và các hiện tượng như
bồ bịch, ngoại tình dẫn đến hậu quả người chồng gây ra bạo lực với vợ như lạnh nhạt,
bỏ mặc, thậm chí đánh đập vợ rất tàn nhẫn.
Do mâu thuẫn gia đình: do thành viên không hài lòng về các thành viên khác trong

gia đình, đối với quan hệ vợ chồng thì phổ biến nhất là do ghen tuông, do một người
không đáp ứng được nhu cầu tình dục của người kia, do vợ không sinh được con trai...
Nhận thức của chính bản thân của người phụ nữ bị bạo lực: Sự nhìn nhận, đấu
tranh của người phụ nữ trước bạo hành gia đình còn hạn chế, thiếu thẳng thắn, còn cam
chịu; họ mang tư tưởng: “xấu chàng hổ ai”, họ sợ: “vạch áo cho người xem lưng”, hay
sợ hàng xóm, bạn bè chê cười… Trong một số trường hợp, người phụ nữ không thể
phản kháng với chồng bèn trút giận lên con cái, khiến mọi chuyện trở nên nghiêm
9


trọng hơn. Bên cạnh đó, cộng đồng, xã hội coi vấn đề bạo lực gia đình là chuyện thông
thường, chuyện riêng của mỗi gia đình: “Đèn nhà ai nhà nấy rạng”, sự can thiệp, lên án
của cộng đồng, làng xóm, chính quyền địa phương chỉ mang tính chất nhất thời, mờ
nhạt. Do đó, bạo lực gia đình vẫn có điều kiện tồn tại và phát triển.
Trong trường hợp trẻ em là người bị bạo hành: có thể thấy nguyên nhân phổ biến
là do trẻ mắc lỗi, hoặc không nghe lời, vâng lời người lớn trong gia đình. Tuy nhiên,
sâu xa hơn, nguyên nhân của bạo hành trẻ em trong gia đình là do vấn đề nhận thức và
quan niệm về giáo dục trẻ em, về quyền của cha mẹ trong gia đình, mối quan hệ giữa
bố mẹ và con cái... Với người lớn, việc “dạy dỗ” trẻ bằng đòn roi thường mang lại hiệu
quả ngay trước mắt, tức thì: trẻ sợ và vâng lời. Bên cạnh đó, tâm lí của cha mẹ và tình
trạng uống rượu bia của người lớn cũng được xem là lí do khiến trẻ bị bạo hành. Cha
mẹ khi nóng giận không kiềm chế được thường mắng chửi, thậm chí đánh trẻ; hoặc bố
uống rượu say và mắng con diễn ra khá phổ biến (đặc biệt ở nông thôn); hoặc do cha
mẹ không hiểu tâm sinh lí phát triển của trẻ dẫn đến mắng chửi, đánh trẻ mỗi khi trẻ
mắc lỗi, nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc cha mẹ đã tập cho con mình quen
dần với bạo lực và việc dùng bạo lực với người khác. Những đứa trẻ lớn lên trong môi
trường có bạo lực gia đình thường dùng bạo lực trong việc xử lý các mối quan hệ xã
hội, bạn bè thậm chí cả anh em, họ hàng.

5. Xu hướng của bạo lực gia đình:

Mặc dù vấn đề bạo lực gia đình đã được quy định trong Luật phòng chống bạo lực
gia đình cũng như được tuyên truyền hết sức rộng rãi trên các phương tiện truyền
thông đại chúng, tuy nhiên bạo lực gia đình dường như vẫn có xu hướng tăng về cả số
lượng và tính chất. Bởi việc tiếp nhận, xử lý các hành vi bạo lực trên thực tế gặp rất
nhiều khó khăn. Chỉ trong trường hợp bạo lực gia đình “gây hậu quả nghiêm trọng” thì
mới bị xử lý hình sự. Trong những trường hợp này, trước khi người phạm tội bị xử lý
pháp luật thì nạn nhân bạo hành đã phải chịu nhiều tổn thương về cả thể chất lẫn tinh
thần. Số vụ việc bạo hành gia đình ít được cán bộ trợ giúp pháp lý chú ý tới, đa phần là
giải quyết bằng hòa giải. Tuy nhiên kết quả hòa giải mang lại không mấy khả quan.
Đối với nhiều vụ bạo lực gia đình khi áp dụng xử lý theo hành vi cố ý gây thương tích,
thì theo quy định của pháp luật hiện nay, phải có kết quả giám định thương tích từ 11%
trở lên mới có căn cứ để áp dụng các biện pháp tố tụng hình sự. Nhưng trong nhiều
trường hợp do nạn nhân từ chối giám định, không tố giác… nên cơ quan điều tra
không có căn cứ tiến hành các biện pháp điều tra, giải quyết, xử lý theo pháp luật
được. Vì thế mà nạn bạo lực gia đình không những không giảm mà còn có xu hướng
tăng, không chỉ tăng về số lượng mà còn cả ở tính chất, mức độ bạo lực. Gần đây
chúng ta hay thấy nhiều vụ bạo lực gia đình để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng là
10


ảnh hưởng đến tính mạng con người như: bố giết con, vứt xác vào bể nước do nghi
ngờ con không phải con đẻ của mình (Hoàng Mai – Hà Nội); bố giết con rồi đem chôn
dưới lớp bê tông (Hà Nội)... Những vụ bạo lực như thế này đã để lại sự căm phẫn trong
dư luận xã hội.
Nếu không có biện pháp để giải quyết triệt để bạo lực gia đình ngay từ khi mới
phát sinh thì bạo lực gia đình không những không giảm mà còn tăng và để lại hậu quả
nghiêm trọng. Ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình và tương lai xã hội.

6. Tài liệu tham khảo:
- Lê Thái Thị Băng Tâm, tập bài giảng Xã hội học gia đình, Hà Nội,2012

- Nguyễn Phương Thảo, “Nghiên cứu về trừng phạt thân thể và tinh thần trẻ em ở Việt
Nam”, tạp chí “Nghiên cứu gia đình và giới”, quyển 19, số 6, 2009.

- Trang web Tamly.com.vn, dantri.com.vn, giadinh.net.vn, gso.gov.vn, baomoi.com

11



×