UỶ BAN DÂN SỐ, GIA ĐÌNH VÀ TRẺ EM
BÁO CÁO KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG RÀ SOÁT,
HOÀN THIỆN MÔ HÌNH PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC
GIA ĐÌNH VÀ ĐỊNH HƯỚNG XÂY DỰNG MÔ HÌNH
CHUẨN
Hà Nội, tháng 3-2015
2
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do thực hiện hoạt động rà soát:
Đề án “Xây dựng mô hình can thiệp giảm tình trạng bạo lực gia đình tại
khu vực miền Đông Nam Bộ” đã được triển khai từ năm 2013 trên địa bàn 2
tỉnh Bình Phước và Tây Ninh. Tháng 11 năm 2014, Ban chỉ đạo Trung ương
đã tiến hành sơ kết đề án sau 2 năm hoạt động. Các báo cáo của các tỉnh đều
đã đưa ra nhận định rằng: ”Đề án bước đầu đã thu được một số hiệu quả nhất
định trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về thực trạng, nguyên
nhân và các giải pháp phòng chống bạo lực gia đình; việc tổ chức các hoạt
động can thiệp phòng chống bạo lực gia đình cũng như tổ chức, duy trì, phát
triển các hình thức sinh hoạt cộng đồng bước đầu đã thu được kết quả, đạt
mục tiêu đề ra".”
Để có cơ sở thực hiện có hiệu quả đề án "Phòng chống bạo lực gia
đình; phòng chống sự xâm nhập của tệ nạn xã hội vào gia đình giai đoạn 2014
- 2010", một trong 6 đề án của Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam giai
đoạn 2013 - 2010, chúng ta cần tiến hành rà soát nghiêm túc về những mặt
được và chưa được trong quá trình xây dựng và triển khai đề án, xác định
những hạn chế cần tiếp tục điều chỉnh hoàn thiện cũng như tính bền vững của
mô hình trước khi triển khai mở rộng.
Mặc dù hiện nay có nhiều chương trình, dự án, đề án can thiệp phòng
chống bạo lực gia đình do các tổ chức quốc tế, các tổ chức chính trị xã hội,
đoàn thể cũng như các tổ chức phi chính phủ tiến hành trên toàn quốc, nhưng
giữa các mô hình này chưa có sự đồng bộ, thống nhất trong hoạt động can
thiệp mà mỗi tổ chức hay cơ quan mạnh về lĩnh vực nào thì tập trung can
thiệp chuyên sâu vào lĩnh vực đó.
Do vậy, việc chuẩn hóa, hoàn thiện các mô hình là cần thiết để nâng
cao hiệu quả hoạt động của các mô hình cũng như đảm bảo tính khả thi khi áp
dụng vào những địa bàn khác nhau. Đây cũng chính là những lý do để Ủy ban
3
Dân số, Gia đình và Trẻ em tiến hành hoạt động rà soát, hoàn thiện mô hình
chuẩn để xây dựng văn bản hướng dẫn mở rộng cho đề án phòng chống bạo
lực gia đình trên phạm vi toàn quốc.
2. Mục tiêu hoạt động:
Rà soát lại việc xây dựng mô hình can thiệp nhằm phòng ngừa, ngăn
chặn tiến tới giảm bạo lực gia đình tại khu vực miền Đông Nam Bộ nhằm xác
định ưu điểm và hạn chế, thành công và những mặt tồn tại trong quá trình xây
dựng và triển khai mô hình nhằm hoàn thiện, xây dựng được mô hình chuẩn
cho công tác phòng chống bạo lực gia đình của Ủy ban Dân số, Gia đình và
Trẻ em.
3. Nội dung rà soát:
3.1. Quy trình thành lập Ban chỉ đạo mô hình các cấp, các thành phần tham
gia, hoạt động chỉ đạo và điều hành của đội ngũ này.
3.2. Những hình thức và nội dung tuyên truyền giáo dục phòng chống bạo lực
gia đình đã triển khai tại các địa bàn.
3.3. Hoạt động tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ lãnh đạo chính
quyền, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững, thành viên
đội xung kích, tổ hòa giải.
3.4. Quy trình thành lập đội xung kích, hiệu quả hoạt động thực tế của loại
hình này, tính phù hợp của đội xung kích tại địa phương.
3.4. Hoạt động phối hợp với ngành Tư pháp để lồng ghép nội dung phòng
chống bạo lực gia đình vào công tác hòa giải, sự phối hợp trong hoạt động của
tổ hòa giải và đội ngũ Ban chủ nhiệm CLB và đội xung kích trong can thiệp,
giải tỏa bạo lực gia đình.
3.6. Quá trình thành lập và triển khai hoạt động của Câu lạc bộ Gia đình phát
triển bền vững.
3.7. Việc huy động nguồn lực tại các địa bàn cho họat động của đề án
3.8. Vai trò chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và sự tham gia, phối hợp của chính
quyền, ban ngành đòan thể
4
3.9. Tính bền vững của đề án sau khi đề án kết thúc chu kỳ triển khai kinh phí
của Trung ương.
4. Địa bàn và đối tượng tham gia hoạt động:
* Địa bàn:
- Xã Tiến Thành, thị xã Đồng Xòai, và xã Thanh Phú, huyện Bình Long, tỉnh
Bình Phước.
- Xã Cẩm Giang, xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh
* Đối tượng tham gia:
- Ban chỉ đạo mô hình cấp tỉnh và xã
- Thành viên đội xung kích
- Thành viên tổ hòa giải
- Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững
- Thành viên Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững
5. Phương pháp
* Phương pháp:
- Thu thập và phân tích số liệu, báo cáo, tài liệu
- Tổ chức các hội thảo, thảo luận nhóm
- Một số công cụ đánh giá nhanh
* Các hoạt động:
- Tổ chức 02 cuộc hội thảo tại 02 tỉnh lấy ý kiến các ban ngành và Ban chỉ
đạo đề án cấp tỉnh.
- Tổ chức 20 cuộc thảo luận nhóm tại 02 tỉnh với các đối tượng là Ban chỉ đạo
đề án xã, thành viên đội xung kích, thành viên tổ hòa giải, Ban chủ nhiệm Câu
lạc bộ Gia đình phát triển bền vững, thành viên Câu lạc bộ Gia đình phát triển
bền vững.
5
PHẦN NỘI DUNG
I. Thông tin chung về những địa bàn triển khai đề án:
1. Xã Tiến Thành, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước:
Xã Tiến Thành là một xã vùng ven thuộc thị xã Đồng Xoài với nghề
nghiệp chính của người dân là làm nông nghiệp kết hợp với trồng cây công
nghiệp với những loại cây trồng chủ đạo như điều, cao su, mì cao sản. Thu
nhập của người dân vào khoảng 5.100.000 đồng/ người đã vượt mức
3.900.000 đồng/ người của năm 2003. Trên địa bàn toàn xã có 0.8% dân số là
đồng bào dân tộc ít người với 7 dân tộc anh em như Tày, Dao
Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ ban đầu có những chỉ tiêu đáng chú ý
sau: tiêm chủng cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt 100%, tiêm phòng uốn ván cho
phụ nữ có thai đạt 100%. Khám chữa bệnh cho hơn 5345 lượt người, giảm tỷ
lệ trẻ em suy dinh dưỡng từ 22.54% xuống còn 20.11%, vượt 1.43% so với
chỉ tiêu đề ra.
Về các hoạt động thực hiện đề án xây dựng mô hình can thiệp, giảm
tình trạng bạo lực gia đình:
Từ năm 2013, Ban chỉ đạo đề án Trung ương đã hướng dẫn xã thành
lập Ban chỉ đạo đề án tại xã và xây dựng 05 Câu lạc bộ Gia đình phát triển
bền vững và 01 đội xung kích. Đến nay, trên địa bàn xã có 07 Câu lạc bộ Gia
đình phát triển bền vững và 01 đội xung kích. Ban chỉ đạo đề án xã tổ chức
đều đặn sinh hoạt Câu lạc bộ, tăng cường hoạt động của đội xung kích. Trong
năm số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn toàn xã là 26 vụ trong đó đội xung
kích và đội ngũ Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ đã hoà giải thành công 23 vụ.
Đáng chú ý là công tác phòng chống bạo lực gia đình đã được đưa vào kế
hoạch công tác của xã cũng như khi đánh giá các chỉ tiêu cũng như trong
phương hướng hoạt động của xã, được chính quyền xã coi như một công việc
thường xuyên. Đồng thời, Ban chỉ đạo đề án phòng chống bạo lực gia đình xã
6
cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống bạo lực gia đình với sự
xác định rõ mục đích yêu cầu cũng như phân công, phân nhiệm cụ thể cho
từng ban ngành đoàn thể tham gia đề án.
2. Xã Thanh Phú, huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước:
Đây là xã thuộc địa bàn triển khai mở rộng của đề án năm 2014. Xã
Thanh Phú được thành lập từ ngày 1/4/1998 với tổng diện tích tự nhiên là
3.268 ha, với 2370 hộ và 10.716 nhân khẩu. Toàn xã có 11 ấp với 6 dân tộc
anh em cùng sinh sống. Dân cư bao gồm người dân từ nhiều vùng miền khác
nhau tới lập nghiệp nên dân trí không đồng đều, phong tục tập quán có nhiều
sự khác biệt. Nghề nghiệp chủ yếu là làm nông nghiệp, kết hợp với trồng cây
công nghiệp như cao su và các loại cây như tiêu, điều, cà phê.
Mạng lưới y tế được bổ sung trang thiết bị và thuốc, đảm bảo cho việc
sơ cấp cứu và chăm sóc sức khoẻ ban đầu, trạm y tế có 04 cán bộ và 11 nhân
viên y tế thôn bản.
Tình trạng bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn xã với tính chất phức
tạp, có một số vụ đặc biệt nghiêm trọng. Do vậy Uỷ ban Dân số, Gia đình và
Trẻ em tỉnh Bình Phước đã đề nghị Ban chỉ đạo Trung ương chọn xã Thanh
Phú là địa bàn mở rộng thuộc đề án xây dựng mô hình can thiệp, giảm tình
trạng bạo lực gia đình. Đến thời điểm này, xã đã xây dựng được 05 Câu lạc bộ
Gia đình phát triển bền vững và 01 đội xung kích hoạt động thường xuyên.
Nội dung hoạt động của đề án cũng đã được đưa vào hoạt động của phong
trào quần chúng bảo vệ an ninh trật tự xã hội.
3. Xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh:
Xã Thạnh Đức là xã được triển khai đề án từ năm 2013, là một xã vùng
sâu và có diện tích lớn thứ hai trong huyện Gò Dầu. Dân số của xã là 20.215
người trong đó có 3.405 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, 4.668 trẻ em
dưới 6 tuổi và 1.353 người trên 60 tuổi. Nghề nghiệp chính của dân cư chủ
yếu là làm nông nghiệp, còn lại là công nhân quốc doanh cao su, công nhân
7
các xí nghiệp và buôn bán lẻ. Đời sống người dân còn nhiều khó khăn, một số
người không có việc làm hoặc việc làm không ổn định.
Về công tác giáo dục, xã được đánh giá là giữ vững chuẩn quốc gia về
phổ cập Trung học cơ sở và phổ cập giáo dục tiểu học, xoá mù chữ đúng độ
tuổi. Tỷ lệ học sinh bỏ học tại các trường Trung học cơ sở là 1.87%
Về công tác y tế: Thực hiện tốt chương trình khám sức khoẻ cho trẻ em
từ 0 đến dưới 6 tuổi và lập sổ khám bệnh miễn phí được 1.325 sổ.
Về hoạt động của đề án xây dựng mô hình can thiệp, giảm tình trạng
bạo lực gia đình: Trên toàn xã có 05 Câu lạc bộ và 01 đội xung kích xây dựng
theo đúng chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương. Qua hai năm hoạt động, đội
xung kích đã tham gia can thiệp được 12 vụ bạo lực gia đình, tổ chức sinh
hoạt Câu lạc bộ được 90 cuộc với 1.170 lượt hội viên tham dự.
4. Xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh:
Xã Cẩm Giang có diện tích tự nhiên là 2.428 ha, trong đó đất sản xuất
nông nghiệp là 1.827 ha. Dân cư của xã chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực
nông nghiệp chiếm 80%, 10% sống bằng việc buôn bán nhỏ và lẻ, số còn lại
nghề nghiệp không ổn định. Toàn xã gồm có 4 ấp với 59 tổ dân cư tự quản
với 3.510 hộ và trên 15.000 nhân khẩu.
Từ năm 2014, xã tham gia đề án xây dựng mô hình can thiệp, giảm tình
trạng bạo lực gia đình. Cho đến nay, sau 1 năm triển khai đề án, toàn xã đã
xây dựng được 05 Câu lạc bộ Gia đình và phát triển bền vững và 01 đội xung
kích. Các Câu lạc bộ sinh hoạt thường xuyên theo định kỳ 1 lần/ tháng và đội
xung kích đã tiến hành can thiệp được 18 vụ bạo lực gia đình.
II. Những phát hiện qua hoạt động rà soát, hoàn thiện mô hình chuẩn tại
các địa bàn:
1. Quy trình thành lập Ban chỉ đạo và hoạt động của Ban chỉ đạo::
Ban chỉ đạo là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong chu trình
xây dựng và quản lý hoạt động của đề án. Để đảm bảo được sự chỉ đạo xuyên
suốt đồng thời tạo được sự linh hoạt và chủ động trong việc thực hiện trách
8
nhiệm quản lý, hướng dẫn của Ban chỉ đạo Trung ương đã dự kiến thành lập
Ban chỉ đạo đề án tại tỉnh và tại xã triển khai đề án với các thành phần cụ thể
như sau:
- Ban chỉ đạo cấp tỉnh gồm từ 7 đến 9 thành viên. Trong đó: Trưởng ban là
Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách văn xã; thường trực là lãnh đạo Uỷ ban
Dân số, Gia đình và Trẻ em còn các thành viên là lãnh đạo Mặt trận tổ quốc,
Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, ngành Văn hoá thông tin,
ngành Công an và ngành Tư pháp.
Tại xã, Ban chỉ đạo mô hình cấp xã cũng bao gồm những thành phần
như trên. Với mô hình Ban chỉ đạo đề án có sự đứng đầu, chỉ đạo của lãnh
đạo chính quyền và sự tham gia của các ban ngành thì hoạt động của đề án sẽ
có nhiều thuận lợi vì công tác phòng chống bạo lực gia đình không phải là
công việc riêng của chỉ một ban ngành nào mà đòi hỏi sự quan tâm, góp sức
của toàn xã hội.
Qua quá trình 2 năm hoạt động của đề án tại địa phương và qua kết quả
hoạt động rà soát, hoàn thiện mô hình chuẩn tại các địa bàn, chúng tôi nhận
thấy rằng có một thực tế là việc xây dựng Ban chỉ đạo phụ thuộc nhiều vào
tình hình và điều kiện thực tế từng địa phương.
Tại tỉnh Tây Ninh, ngay từ khi nhận được hướng dẫn của Trung ương,
Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em tỉnh đã chủ động xây dựng tờ trình và dự
thảo danh sách Ban chỉ đạo trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh. Tuy nhiên, vì lãnh
đạo Uỷ ban Nhân dân tỉnh không có thời gian và điều kiện tham gia chỉ đạo
trực tiếp hoạt động của đề án nên đã uỷ quyền cho đồng chí Chủ nhiệm Uỷ
ban DS, GĐ và TE làm trưởng ban chỉ đạo. Phó ban thường trực là Phó chủ
nhiệm Uỷ ban DS, GĐ và TE, phó ban là Phó giám đốc Sở Tư pháp và các
thành viên là đại diện Mặt trận tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Tỉnh đoàn
và Phòng Cảnh sát điều tra. Ban chỉ đạo cấp xã do đồng chí Phó chủ tịch Uỷ
ban Nhân dân xã làm trưởng ban, và đại diện một số các ban ngành là thành
viên.
9
Bước đầu, hoạt động của Ban chỉ đạo đề án tại tỉnh và xã đã thu được
một số thành công nhất định. Sự tham gia của các ban ngành vào hoạt động
của Ban chỉ đạo đã tạo điều kiện cho hoạt động của đề án được biết đến
không chỉ trong phạm vi hoạt động của ngành Dân số, Gia đình và Trẻ em.
Đồng thời, sự hỗ trợ về mặt chuyên môn cũng như chức năng quản lý đã giúp
cho hoạt động của đề án được triển khai tại các địa bàn một cách đồng bộ. Tại
xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, một xã thuộc địa bàn đề án từ
năm 2013, hoạt động phòng chống bạo lực gia đình được đưa vào trong
nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. "Quan tâm nâng cao chất
lượng hoạt động của các Câu lạc bộ, đội xung kích nhằm ngăn ngừa và giảm
đến mức thấp nhất tình trạng bạo lực xảy ra trong gia đình". (Báo cáo tình
hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng năm 2014
và phương hướng nhiệm vụ năm 2015 xã Thạnh Đức).
Đồng thời, sự tham gia của lãnh đạo chính quyền cũng như đại diện của
các ban ngành vào hoạt động của đề án cũng góp phần nâng cao nhận thức về
bạo lực gia đình trong đội ngũ cán bộ, Đảng viên (các lớp tập huấn hàng năm
của đề án với nội dung cung cấp kiến thức về bạo lực gia đình, giới và bình
đẳng giới đều có sự tham gia tích cực của đội ngũ này). Đó cũng là cơ sở để
đông đảo người dân trong địa bàn xã biết đến hoạt động của đề án.
Tại tỉnh Bình Phước, việc thành lập Ban chỉ đạo đề án có sự khác biệt
so với hướng dẫn của Trung ương. Ban chỉ đạo đề án cấp tỉnh có thành phần
tham gia đều là các cán bộ thuộc Uỷ ban DS, GĐ và TE trong đó trưởng và
phó ban là lãnh đạo Uỷ ban DS, GĐ và TE tỉnh. Thành viên là lãnh đạo các
phòng nghiệp vụ của Uỷ ban DS, GĐ và TE. Tại cấp xã, Ban chỉ đạo xã cũng
có mô hình tương tự như Ban chỉ đạo cấp xã tại tỉnh Tây Ninh (đúng với
hướng dẫn của Trung ương) với trưởng ban là lãnh đạo Uỷ ban Nhân dân xã,
Phó ban thường trực là cán bộ chuyên trách Dân số, gia đình và trẻ em và
thành viên là đại diện của các ban ngành.
10
Với thành phần như vậy, Ban chỉ đạo cấp xã đã phát huy được sức
mạnh của sự phối hợp giữa các ban ngành và sự chỉ đạo của chính quyền, đặc
biệt là trong công tác quản lý, điều hành đề án. Cấp uỷ Đảng và chính quyền
xã đều đánh giá cao sự tác động của đề án nên có sự đầu tư, quan tâm đúng
hướng tới hoạt động của đề án. Các thành viên Ban chỉ đạo hầu hết đều kiêm
nhiệm, bận rộn với các công việc chuyên môn của địa phương nhưng vẫn
dành thời gian chỉ đạo, bám sát tình hình triển khai đề án trên địa bàn mình.
Cũng nhờ uy tín của các đồng chí lãnh đạo chính quyền là thành viên Ban chỉ
đạo mà hoạt động phòng chống bạo lực gia đình đã có được sự quan tâm, đầu
tư nguồn lực cần thiết. Tại xã Tiến Thành, tỉnh Bình Phước, nội dung phòng
chống bạo lực gia đình đã được đưa vào Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân
và coi đây là nhiệm vụ gắn liền với đánh giá công tác hàng năm để công nhận
chính quyền vững mạnh trong sạch, khu dân cư văn hoá. Đồng thời kiên
quyết xử lý theo pháp luật và không công nhận danh hiệu Gia đình văn hoá
trong năm đối với các gia đình có xảy ra bạo lực gia đình.
Tuy nhiên, do Ban chỉ đạo đề án cấp tỉnh chỉ bao gồm những thành
viên thuộc Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em nên việc triển khai đề án tại
tỉnh cũng gặp một số hạn chế, đặc biệt là trong việc huy động sự tham gia của
các ban ngành, sự chỉ đạo của lãnh đạo chính quyền trong hoạt động của đề
án. Cũng vì lý do đó mà hoạt động của đề án chưa được biết đến sâu rộng và
thiếu sự phối hợp cần thiết của các ngành trong việc triển khai các hoạt động
tại cơ sở.
Khi tiến hành thực hiện hoạt động rà soát, hoàn thiện mô hình chuẩn tại
địa phương và đặt câu hỏi về những góp ý hoàn thiện cho sự hoạt động trong
thời gian tới, chúng tôi thu thập được rất nhiều ý kiến từ phía Ban chỉ đạo các
cấp.
* Về Ban chỉ đạo từ cấp tỉnh đến cơ sở: Mở rộng thêm thành phần Ban chỉ
đạo, từ 9 - 11 thành viên
11
* Với nội dung trao đổi về sự cần thiết có sự tham gia trực tiếp của lãnh
đạo chính quyền Uỷ ban Nhân dân vào Ban chỉ đạo cấp tỉnh, ý kiến của 1
đồng chí Chủ nhiệm Uỷ ban DS, GĐ và TE có thể coi là đại diện cho nguyện
vọng chung khi cho rằng "Nếu có Phó chủ tịch tỉnh chỉ đạo thì sẽ có sức nặng
hơn nhiều. Nhưng các đồng chí đều đã phải gánh vác rất nhiều công việc nên
sự tham gia trực tiếp là rất khó. Do vậy, nên xây dựng một cơ chế mở để tuỳ
theo tình hình từng địa phương nhưng quyết định thành lập Ban chỉ đạo nhất
thiết phải do Uỷ ban Nhân dân tỉnh ban hành." (Hội thảo báo cáo nhanh kết
quả hoạt động rà soát, hoàn thiện mô hình chuẩn tại Bình Phước và Tây
Ninh). Do vậy, lãnh đạo Uỷ ban Nhân dân tỉnh có thể là trưởng ban chỉ đạo
hoặc có văn bản uỷ quyền cho thành phần khác làm trưởng ban.
* Về việc bổ sung thêm thành phần vào Ban chỉ đạo cấp tỉnh bên cạnh
những thành phần dự kiến ban đầu, các ý kiến đưa ra rất đa dạng, tuỳ thuộc
vào tình hình thực tế tại mỗi địa phương. Như tại tỉnh Bình Phước, các ý kiến
cho rằng nên bổ sung thêm đại diện Hội Người cao tuổi và đại diện ngành Y
tế, còn tại tỉnh Tây Ninh, các thành phần được bổ sung là đại diện ngành Y tế,
Sở Giáo dục đào tạo, Hội Người cao tuổi, Ban Tuyên giáo tỉnh uỷ, Đài Phát
thanh và truyền hình tỉnh. Cá biệt, có ý kiến cho rằng tại vùng đồng bào theo
đạo thì bổ sung thêm các chức sắc tôn giáo tham gia Ban chỉ đạo các cấp.
* Về việc bổ sung thêm thành phần vào Ban chỉ đạo cấp xã, những người
được hỏi cho rằng nên bổ sung thêm thành phần trưởng ấp, đại diện Hội đồng
già làng trưởng bản cho các địa bàn có đồng bào dân tộc sinh sống
* Về cơ chế phối hợp giữa các thành phần, các ý kiến đều thống nhất rằng
phải xây dựng được một quy chế hoạt động rõ ràng, thống nhất từ trên xuống
dưới cho Ban chỉ đạo các cấp, đặc biệt là phải có một sự phân công phân
nhiệm cho các thành phần tham gia trong hoạt động chỉ đạo, điều hành đề án.
2. Hoạt động tuyên truyền giáo dục nội dung phòng chống bạo lực gia
đình:
12
Bạo lực gia đình là một vấn đề có tính phức tạp, bởi nó xảy ra trong
phạm vi của mỗi gia đình - một nhóm xã hội được tạo nên từ những mối quan
hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng giữa các cá nhân với nhau. Có những
hình thức bạo lực gia đình không thể nhận thấy qua biểu hiện bên ngoài như
bạo lực tình dục hay bạo lực tinh thần nên gây khó khăn cho công tác phòng
ngừa và xử lý. Do vậy, một trong những giải pháp hữu hiệu cho việc phòng
chống bạo lực gia đình chính là tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức
cho cá nhân và toàn xã hội về bạo lực gia đình cũng như những tác hại của
bạo lực gia đình.
Hoạt động tuyên truyền giáo dục về bạo lực gia đình cũng như phòng
chống bạo lực gia đình là một trong những hoạt động trọng tâm, có tính xuyên
suốt của đề án xây dựng mô hình can thiệp, giảm tình trạng bạo lực gia đình.
Từ năm 2013, Ban chỉ đạo trung ương đã chủ động xây dựng bộ tài liệu có
nội dung liên quan đến việc ngăn ngừa, phòng chống và xử phạt những hành
vi bạo lực gia đình; kiến thức về giới và bình đẳng giới; một số kỹ năng
phòng chống và giải quyết bạo lực gia đình. Song song với việc xây dựng tài
liệu, Ban chỉ đạo Trung ương và Ban chỉ đạo các tỉnh phối hợp tổ chức các
đợt tuyên truyền luật pháp, chính sách liên quan tới bạo lực gia đình gia đình,
tác hại và các biện pháp phòng chống bạo lực gia đình.
Tại cấp tỉnh, qua kiểm tra, giám sát cũng như hoạt động rà soát vừa tiến
hành, chúng tôi thấy rằng các tỉnh đều đã chủ động tổ chức việc tuyên truyền
giáo dục tại các địa bàn triển khai đề án với nội dung theo bộ tài liệu do Trung
ương xây dựng. Tại tỉnh Bình Phước, những nội dung này được truyền tải qua
hệ thống loa phát thanh, các cuộc họp thôn, xóm và hệ thống Câu lạc bộ Gia
đình phát triển bền vững. Tại tỉnh Tây Ninh, việc tuyên truyền cũng được
thực hiện chủ yếu qua các kênh truyền thông như hệ thống loa phát thanh,
sinh hoạt tổ tự quản và sinh hoạt Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững.
Đồng thời, các tỉnh cũng đã tích cực phối hợp với hệ thống cơ quan truyền
thông như báo chí, đài phát thanh và truyền hình của tỉnh để đưa những tin,
13
bài, phóng sự với nội dung phòng chống bạo lực gia đình thành chuyên trang,
chuyên mục.
Tuy nhiên, có một thực tế đang tồn tại là hoạt động tuyên truyền mới
chỉ tập trung ở bề nổi mà chưa đi vào chiều sâu. Một số người dân khi được
hỏi về việc đã bao giờ được nghe tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia
đình hay chưa và có nhớ nội dung không thì chỉ trả lời rằng "tôi có nghe
nhưng không nhớ chính xác nội dung nào" hoặc "Nội dung tôi biết là làm
theo Nghị định, Nghị quyết của cấp trên" (Thảo luận nhóm thành viên Câu
lạc bộ Gia đình phát triển bền vững, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu, tỉnh
Tây Ninh). Người được hỏi cũng đưa ra các ý kiến rằng những hình thức
tuyên truyền còn đơn điệu, mới chỉ dừng lại ở việc đọc thông tin, chưa thu hút
được người tham gia hào hứng đóng góp ý kiến. Có những buổi sinh hoạt Câu
lạc bộ hoặc sinh hoạt xóm ấp chỉ đơn thuần là đọc tài liệu. Do vậy hiệu quả
của công tác tuyên truyền chưa cao.
Cũng chính vì lý do đó mà các ý kiến đóng góp cho hoạt động tuyên
truyền vận động trong phòng chống bạo lực gia đình đều tập trung vào chủ đề
nâng cao chất lượng sao cho đảm bảo đa dạng về hình thức và phong phú về
nội dung.
* Về hình thức tuyên truyền: Các ý kiến đều tập trung vào việc nên bổ sung
thêm các hình thức như truyền thông trực tiếp, xây dựng những kịch bản
truyền thông với những tình huống sinh động về bạo lực gia đình và phòng
chống bạo lực gia đình, xây dựng và củng cố hoạt động của đội tuyên truyền
lưu động tại các địa bàn, kết hợp với hoạt động của đội ngũ báo cáo viên,
tuyên truyền viên của Ban tuyên giáo tỉnh uỷ để công tác tuyên truyền được
sâu rộng.
* Về tài liệu phục vụ tuyên truyền: Bộ tài liệu do Trung ương xây dựng và
cung cấp cho các tỉnh được đánh giá cao về nội dung. Những kiến thức mà bộ
tài liệu cung cấp là những kiến thức cơ bản về bạo lực gia đình, luật pháp
chính sách về phòng chống bạo lực gia đình, giới và bình đẳng giới. Tuy
14
nhiên, các tỉnh đều yêu cầu bổ sung thêm nhiều dạng tài liệu khác nhau như
tài liệu được biên soạn dưới dạng hỏi - đáp, tài liệu về kỹ năng phòng ngừa và
giải quyết bạo lực gia đình, tài liệu về giáo dục kỹ năng sống trong gia đình.
Tất cả những tài liệu nên được xây dựng ngắn gọn, súc tích, có tranh minh
hoạ.
3. Hoạt động tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực:
Để một đề án hoạt động có hiệu quả thì bên cạnh những yếu tố như
kinh phí, nguồn lực, cơ sở vật chất còn có một điều kiện quan trọng là năng
lực, trình độ, nhận thức của đội ngũ tham gia triển khai các hoạt động của đề
án đó. Nếu không hiểu rõ về nội dung công việc mình phải làm thì người thực
thi khó có khả năng hoàn thành công việc đó một cách hiệu quả nhất. Đây
cũng chính là lý do để ngay từ giai đoạn đầu, hoạt động tập huấn nâng cao
năng lực cho những người tham gia trực tiếp vào đề án - yếu tố tạo nên sự
thành công của đề án như thành viên Ban chỉ đạo, lãnh đạo chính quyền và
đại diện các ban ngành, Ban chủ nhiệm các Câu lạc bộ, đội xung kích và tổ
hoà giải luôn được coi là hoạt động thường niên và trọng tâm trong kế
hoạch của đề án xây dựng mô hình can thiệp, giảm tình trạng bạo lực gia
đình.
Qua hai năm 2013 -2014, Ban chỉ đạo trung ương phối hợp với Ban chỉ
đạo cấp tỉnh tổ chức 3 lớp tập huấn tại mỗi tỉnh cung cấp kiến thức về giới -
bình đẳng giới, bạo lực gia đình, luật pháp chính sách liên quan tới bạo lực
gia đình cũng như các kỹ năng thành lập và điều hành Câu lạc bộ Gia đình
phát triển bền vững, kỹ năng tư vấn, vận động truyền thông dành cho đội ngũ
Ban chỉ đạo, lãnh đạo chính quyền và đại diện các ban ngành, đội xung kích,
tổ hoà giải và Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ của mô hình. Tại xã Tiến Thành,
tỉnh Bình Phước và xã Thạnh Đức, tỉnh Tây Ninh, trong năm 2013, 1 lớp tập
huấn trong thời gian 3 ngày đã được tổ chức tại mỗi địa bàn. Năm 2014, số
lớp tập huấn ở các địa bàn cũ tiếp tục được duy trì đồng thời tổ chức thêm 1
15
lớp tập huấn/ xã trong thời gian 3 ngày tại địa bàn xã Thanh Phú, tỉnh Bình
Phước và xã Cẩm Giang, tỉnh Tây Ninh
Bước đầu, mọi thành viên của lớp tập huấn (khoảng 70 người/ lớp) đều
đã nắm được những kiến thức cơ bản về bạo lực gia đình cũng như những kỹ
năng thương thuyết, tư vấn cần thiết trong hoạt động hoà giải, can thiệp bạo
lực gia đình. Đây là điều kiện thuận lợi để tình trạng bạo lực gia đình tại địa
phương có cơ hội được kiểm soát và giải quyết.
Tuy nhiên, hoạt động tập huấn là một hoạt động luôn cần sự đổi mới,
nâng cao chất lượng cả về nội dung giảng dạy cũng như phương pháp truyền
tải nội dung. Nội dung tập huấn cơ bản dựa trên bộ tài liệu do Trung ương xây
dựng bao gồm kiến thức về bạo lực gia đình, các biện pháp phòng chống, luật
pháp chính sách trong phòng chống bạo lực gia đình, giới và bình đẳng giới,
các kỹ năng tư vấn thương thuyết Khi được hỏi về việc nội dung giảng dạy
đã phù hợp chưa, đã có ý kiến cho rằng "Với tài liệu đó, ở người đã có kiến
thức thì vừa còn người mới thì khó hiểu, cần giảm bớt nội dung" hoặc "Nội
dung như vậy là vừa với Ban chủ nhiệm, còn giảm hơn nữa nội dung các
chuyên đề cung cấp cho Câu lạc bộ" (Thảo luận nhóm cán bộ chính quyền,
xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh).
Đa số những người tham gia các lớp tập huấn đều chưa có kiến thức gì
nhiều về bạo lực gia đình, do vậy, việc tiếp cận với một bộ tài liệu có nhiều
nội dung kiến thức, với những khái niệm mới sẽ gây những khó khăn nhất
định cho người tham gia. Thêm nữa, những người ở trình độ khác nhau thì
cũng đòi hỏi nội dung kiến thức và cách tiếp cận khác nhau. Đội ngũ Ban chủ
nhiệm Câu lạc bộ đa phần là những người đã có tham gia công tác chính
quyền hoặc công tác Đảng, hoặc đang hoạt động tại khu dân cư như trưởng
ấp, Bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố do vậy họ cũng có kiến thức và kỹ
năng nhất định. Còn các thành viên Câu lạc bộ, đặc biệt là tại những địa bàn
đề án triển khai, đa số đều là những người dân là nông dân, công nhân; đời
sống kinh tế còn khó khăn, ít có điều kiện được tiếp xúc với những kiến thức
16
mới. Do vậy, việc đơn giản hoá nội dung tập huấn thành các chuyên đề phục
vụ sinh hoạt Câu lạc bộ là việc hết sức cần thiết.
Đối với phương pháp giảng dạy, những người được hỏi cũng đưa ra
góp ý như sau: "Tập huấn nói nhiều quá, mở rộng quá nhiều, quan trọng là
tài liệu chứ mở rộng nhiều cũng không hiệu quả. ". (Thảo luận nhóm đội
xung kích, xã Tiến Thành, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước).
Như vậy có thể thấy rằng, đây cũng chính là khó khăn cho bất kỳ lớp
tập huấn nào khi người tham gia lại không thu được những kiến thức như mục
đích của lớp học. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này như trình
độ của người học còn hạn chế, kiến thức về lĩnh vực đó quá mới mẻ hay
phương pháp giảng dạy chưa phù hợp. Ở đây, các ý kiến đã chỉ ra rằng
phương pháp giảng dạy là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc tập
huấn chưa có được hiệu quả như mong muốn. Trong quá trình giảng dạy,
phương pháp cơ bản được sử dụng là phương pháp cùng tham gia, có sự trao
đổi và phản hồi ý kiến giữa giảng viên và người học. Xen kẽ giữa những nội
dung cung cấp kiến thức là những bài tập tình huống, những cuộc thảo luận
nhóm. Về phương tiện giảng dạy, đa số các lớp tập huấn đều sử dụng những
công cụ giảng dạy hiện đại như máy tính và máy chiếu projector. Tuy nhiên,
có thể giảng viên còn quá coi trọng vào việc cung cấp kiến thức mà bỏ qua
việc kiến thức đó đến với người học như thế nào, hoặc quá say sưa trong việc
đưa ra những khái niệm, phạm trù mới trong khi trình độ người học còn hạn
chế.
Khi được hỏi về thời gian của mỗi đợt tập huấn, các ý kiến cho rằng
nên chỉ tập trung gọn trong 2 ngày cho một đợt tập huấn, và không chỉ dừng
lại ở việc cung cấp kiến thức trong những tài liệu có sẵn mà nên mở rộng ra
những kinh nghiệm trong việc phòng chống bạo lực gia đình tại các địa
phương, các tình huống xử trí trong gia đình.
Bạo lực gia đình mới chỉ được đề cập tới nhiều trong một vài năm gần
đây, đối với nhiều người dân, nó vẫn chỉ được coi là "chuyện gia đình". Do
17
vậy, việc thay đổi nhận thức của cộng đồng từ chỗ coi bạo lực gia đình là một
vấn đề riêng tư đến một hành vi vi phạm pháp luật, không được chấp nhận là
một thách thức đòi hỏi nhiều thời gian và công sức.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động tập huấn của đề án xây
dựng mô hình can thiệp giảm tình trạng bạo lực gia đình, chúng tôi đã đưa ra
chủ đề này trong các buổi thảo luận nhóm và hội thảo và thu được các ý kiến
như sau:
- Về thời gian: các ý kiến tập trung vào các phương án là nên tổ chức 1 hoặc
2 đợt trong năm với thời lượng từ 1 đến 2 ngày một đợt.
- Về tài liệu giảng dạy: vẫn tiếp tục giảng dạy trên cơ sở bộ tài liệu do Trung
ương đã xây dựng nhưng cần biên soạn lại sao cho ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ;
mỗi chuyên đề không quá 4 trang, có tranh minh họa. Đồng thời bổ sung thêm
những kiến thức, kinh nghiệm mới trong lĩnh vực phòng chống bạo lực gia
đình.
- Về phương pháp giảng dạy: Các ý kiến đều cho rằng phương pháp giảng
dạy cơ bản đã phù hợp, nhưng vì trình độ người học không đồng đều nên
trước hết chỉ nên tập trung vào việc cung cấp kiến thức cơ bản, không nên đưa
ra những kiến thức mang tính chất học thuật, khó hiểu mà nên gắn với thực tế
kinh nghiệm triển khai hoạt động của mỗi địa bàn.
4. Xây dựng và triển khai hoạt động của đội xung kích:
Xây dựng đội xung kích có thể được coi là một hoạt động mới của đề
án xây dựng mô hình can thiệp, giảm tình trạng bạo lực gia đình tại khu vực
miền Đông Nam Bộ. Ý tưởng này xuất phát từ một thực tế là rất nhiều vụ bạo
lực gia đình do không được can thiệp kịp thời từ phía cộng đồng, người thân
nên đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nạn nhân và gia đình. Một tổ
chức có chức năng can thiệp, giải toả những vụ bạo lực gia đình, ngăn chặn
những hành vi bạo lực nghiêm trọng, bảo vệ nạn nhân là hết sức cần thiết
trong công tác phòng chống bạo lực gia đình. Đồng thời cũng vì tính chất
nhạy cảm của bạo lực gia đình - vẫn được coi là "vấn đề riêng tư" của mỗi gia
18
đình nên tổ chức này phải có những nhiệm vụ và quyền hạn được pháp luật
quy định, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Đây cũng chính là cơ sở, nhu
cầu từ địa phương để chúng tôi thành lập đội xung kích phòng chống bạo lực
gia đình trong khuôn khổ đề án xây dựng mô hình can thiệp, giảm tình trạng
bạo lực gia đình ở khu vực miền Đông Nam Bộ.
Theo mô hình của Trung ương, tại mỗi xã thuộc đề án được thành lập
một đội xung kích. Đội bao gồm từ 7 đến 9 thành viên, với Đội trưởng có thể
là lãnh đạo Uỷ ban Nhân dân xã hoặc trưởng Công an xã; phó ban thường
trực là cán bộ Dân số, Gia đình và Trẻ em; các thành viên là trưởng thôn/ ấp
thuộc xã, đại diện các ban ngành như Mặt trận tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Cựu
chiến binh, Đoàn thanh niên linh động theo từng địa bàn. Uỷ ban Nhân dân
xã là cơ quan ban hành quyết định thành lập đội xung kích, đồng thời ban
hành quy chế hoạt động của đội.
Đến nay đã có 4 đội xung kích được xây dựng trên 4 xã thuộc địa bàn
đề án do Trung ương triển khai, mỗi tháng đội xung kích tiến hành giao ban 1
lần để rút kinh nghiệm giải quyết vụ việc.
Qua 2 năm triển khai đề án, hoạt động của đội xung kích đã đóng góp
không nhỏ vào việc giữ gìn trật tự an ninh cho khu dân cư nói chung và việc
phòng chống bạo lực gia đình nói riêng. Tại Bình Phước, tổng số vụ bạo lực
gia đình diễn ra tại 2 xã trong 2 năm là 83 vụ, trong đó cộng đồng dân cư và
tổ hoà giải trực tiếp can thiệp kịp thời là 55 vụ, và đội xung kích đã trực tiếp
can thiệp được 18 vụ. Tại Tây Ninh, đội xung kích phối hợp với tổ hoà giải
can thiệp, giải toả được 56 vụ. Đây là những kết quả cho thấy thành công
bước đầu của đội xung kích.
Vì những thành viên đội xung kích cũng là những người sống cùng
xóm, cùng ấp với người dân nên không chỉ dừng lại ở hoạt động can thiệp với
tư cách là đại diện của chính quyền, kết hợp với tổ hoà giải thường xuyên tới
thăm các gia đình để trò chuyện đồng thời nắm bắt được những tâm tư, những
diễn biến của gia đình người dân. Và cũng không chỉ dừng lại ở việc có mặt
19
tại địa bàn mỗi khi xảy ra bạo lực, các đội xung kích đều có những hoạt động
chủ động, sáng tạo để kịp thời nắm thông tin về các vụ việc như việc lập danh
sách các hộ gia đình có nguy cơ bạo lực cao hay thường xuyên sinh hoạt cùng
với các Câu lạc bộ để nắm tình hình.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hoạt động rà soát, hoàn thiện mô
hình chuẩn phục vụ việc mở rộng đề án, chúng tôi cũng thu được những ý
kiến đóng góp cho hoạt động của đội xung kích.
"Hoạt động của đội xung kích là tốt, là rất cần thiết nhưng chúng tôi
cũng vất vả đêm hôm có điện gọi là phải đi, mà có khi nơi xảy ra lại cách xa
nhà chúng tôi. Rồi có khi lại còn phải đưa nạn nhân đi cấp cứu, nộp tiền viện
phí, nói chung vất vả thiếu thốn, thiếu từ cái đèn soi đường trở đi " (Thảo
luận nhóm đội xung kích, xã Thanh Phú, tỉnh Bình Phước)
"Tôi thì tôi thấy khó nhất là việc duy trì liên lạc giữa các thành viên, có
phải ai cũng có điện thoại di động đâu mà ở đây địa bàn ấp rộng lắm, làm
sao chạy cho xuể được" (Thảo luận nhóm đội xung kích, xã Thạnh Đức,
tỉnh Tây Ninh)
"Nói chung là nhiều khó khăn lắm vì địa bàn đây rộng quá, mỗi lần họ
đánh nhau mà gọi được hết các thành viên đi thì có khi họ đánh nhau xong
rồi. Tôi nghĩ phải có thêm những nhóm trực tại mỗi ấp" (Thảo luận nhóm
đội xung kích, xã Cẩm Giang, tỉnh Tây Ninh)
Như vậy, có thể thấy rằng, khó khăn trong hoạt động của đội xung kích
chính là việc giữ thông tin liên lạc và kinh phí duy trì hoạt động còn quá hạn
hẹp. Những lý do này đã khiến cho hiệu quả hoạt động của đội xung kích còn
có hạn chế nhất định. Do vậy, khi được xin góp ý cho việc hoàn thiện hoạt
động của đội xung kích, chúng tôi đã thu được những ý kiến như sau:
- Do địa bàn can thiệp quá rộng nên sự thông tin và triển khai hoạt động, đảm
bảo tính kịp thời của đội xung kích còn bị hạn chế. Chính vì lý do đó đề án
không nhất thiết phải thành lập đội xung kích ở cấp xã mà nên chia thành
20
nhóm phòng chống bạo lực gia đình theo từng ấp, do Uỷ ban Nhân dân xã ra
quyết định.
- Về thành phần của nhóm xung kích, các ý kiến nhất trí rằng nên có các
thành viên như sau: Trưởng ấp, Công an viên, thành viên tổ tự quản, cán bộ
Hội Phụ nữ, cộng tác viên Dân số, Y tá thôn/ bản.
- Thiết lập đường dây nóng để kịp thời đảm bảo việc thông tin liên lạc giữa
các thành viên nhóm xung kích khi có vụ việc xảy ra. Đường dây nóng này sẽ
sử dụng luôn số điện thoại của công an xã hoặc qua số điện thoại của lãnh đạo
Uỷ ban Nhân dân xã.
- Bổ sung thêm kinh phí hỗ trợ cho hoạt động của nhóm xung kích.
5. Phối hợp với ngành Tư pháp để lồng ghép nội dung phòng chống bạo
lực gia đình vào công tác hoà giải:
Có thể nói rằng, một trong những thành tố giúp cho công tác phòng
chống bạo lực gia đình thành công chính là công tác hoà giải tại cộng đồng.
Tổ hoà giải ở cơ sở là tổ chức tự quản của nhân dân được thành lập ở thôn,
xóm, bản, ấp, tổ dân phố và các cụm dân cư khác để thực hiện hoặc tổ chức
thực hiện việc hoà giải. Đây là tổ chức do nhân dân bầu và được trao quyền
hạn và trách nhiệm thực hiện công tác hoà giải căn cứ theo Pháp lệnh về tổ
chức và hoạt động hoà giải ở cơ sở. Hoà giải ở cơ sở là việc hướng dẫn, giúp
đỡ, thuyết phục các bên tranh chấp đạt được thoả thuận, tự nguyện giải quyết
với nhau những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ nhằm giữ gìn đoàn
kết trong nội bộ nhân dân, củng cố, phát huy những tình cảm và đạo lý truyền
thống tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng dân cư, phòng ngừa, hạn chế vi
phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong cộng đồng dân cư. Đối
tượng mà hoà giải cơ sở tập trung là các thành viên trong một hộ gia đình, các
hộ gia đình với nhau hoặc các cá nhân với nhau.
Như vậy, phạm vi hoạt động tổ hoà giải cũng bao gồm cả công tác hoà
giải khi xảy ra mâu thuẫn, xích mích giữa các thành viên trong gia đình do
khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp. Nếu tổ hoà giải
21
thực hiện tốt chức năng này thì cũng đồng nghĩa với việc sẽ luôn có sự can
thiệp mang tính chính thức của cộng đồng khi các gia đình xảy ra bạo lực. Bởi
tổ hoà giải có mặt ở ngay tại mỗi khu dân cư và thành phần của nó cũng là
những người gần gũi nhất với người dân như tổ trưởng tổ dân phố, cán bộ Hội
phụ nữ. Không chỉ dừng lại ở việc giải quyết những vụ việc xảy ra và để lại
hậu quả, tổ hoà giải có thể giúp ngăn ngừa những vụ việc ngay từ khi chúng
mới chỉ manh nha hình thành.
"Theo tôi, cần tập trung vào công tác hoà giải bởi đây là tổ chức có thể
để nắm bắt được ngay tình hình và giải quyết phần nào mâu thuẫn khi chưa
cần có sự can thiệp của đội xung kích". (Đại diện Sở Tư pháp Bình Phước,
Hội thảo lấy ý kiến ban ngành về hoạt động của đề án, Bình Phước).
Nhận thức được vai trò của tổ hoà giải trong công tác phòng chống bạo
lực gia đình, ngay từ trong giai đoạn đầu của đề án, Ban chỉ đạo Trung ương
đã đưa hoạt động lồng ghép nội dung phòng chống bạo lực gia đình vào công
tác hoà giải tại cơ sở bằng việc tổ chức các cuộc họp với tổ hoà giải để thông
báo nội dung hoạt động của đề án và đưa ra định hướng trong việc phối hợp
của tổ hoà giải với đội xung kích cũng như Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ gia
đình phát triển bền vững. Đồng thời, các lớp tập huấn nâng cao kiến thức
được tổ chức hàng năm cũng xây dựng những nội dung như kỹ năng tư vấn,
kỹ năng thương thuyết - là những công cụ cần thiết cho công tác hoà giải và
mời các thành viên tổ hoà giải cùng tham dự.
"Qua 2 lần tập huấn, tôi đã hiểu thêm về bạo lực gia đình. Cơ bản, tài
liệu giúp hiểu được bạo lực gia đình, hoà giải, can thiệp, khi nào cần hoà
giải và khi nào cần kết hợp can thiệp. Hoà giải cần nắm được hiện tượng và
sau đó tiến hành can thiệp. Hoà giải là chính, can thiệp chỉ hỗ trợ thêm cho
hoà giải" (Thảo luận nhóm thành viên tổ hoà giải, xã Thanh Phú, tỉnh
Bình Phước).
Kết quả là trong 2 năm hoạt động của đề án, tổ hoà giải đã phối hợp tốt
với đội xung kích trong công tác can thiệp, giải quyết các vụ việc bạo lực gia
22
đình. "Chúng tôi đã hoà giải thành công 4 vụ hoà giải, có 2 vụ hoà giải ngay
tại hiện trường và giải quyết luôn với vai trò đội xung kích" (Thảo luận
nhóm tổ hoà giải, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh).
Khi được hỏi về cách thức phối hợp hoạt động giữa tổ hoà giải và đội
xung kích, người được hỏi đã trả lời rằng "Tổ hoà giải có phối hợp với đội
xung kích khi đến hoà giải tại gia đình, chúng tôi cũng có cùng nhau bàn bạc
trước nội dung để đưa vào hoà giải" (Thảo luận nhóm tổ hoà giải, xã Tiến
Thành, tỉnh Bình Phước). Như vậy, bước đầu đã có sự gắn kết trong hoạt
động của hai tổ chức này bởi cho dù việc can thiệp có giúp cho hành vi bạo
lực được ngăn chặn tức thời thì sự hoà giải, tư vấn của cộng đồng sau đó vẫn
là cần thiết để tháo gỡ những nguyên nhân dẫn tới bạo lực, cởi bỏ những mâu
thuẫn, xích mích giữa các thành viên trong gia đình. Có những ấp, thành viên
tổ hoà giải cũng đồng thời tham gia Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Gia đình phát
triển bền vững, do vậy, có khả năng nắm bắt, phát hiện ngay những gia đình
có nguy cơ xảy ra bạo lực. Bằng những cách thức khác nhau như đội xung
kích mạnh về can thiệp tức thời; tổ hoà giải chú trọng việc tư vấn, giải toả
mâu thuẫn; Câu lạc bộ quan tâm cung cấp kiến thức, kỹ năng, tạo nơi sinh
hoạt để gắn kết gia đình và cộng đồng, sự phối hợp của 3 tổ chức là đội xung
kích, tổ hoà giải, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững sẽ
giúp cho hoạt động phòng chống bạo lực gia đình tại mỗi địa bàn đi vào chiều
sâu và thu được hiệu quả.
Tuy nhiên, có một thực tế là vẫn còn có những khó khăn trong hoạt
động của tổ hoà giải trong công tác phòng chống bạo lực gia đình được thể
hiện qua các ý kiến đóng góp như sau:
- Về nâng cao kỹ năng hoà giải: tại một số nơi, tổ hoà giải tại các địa bàn
chưa phát huy được vai trò của mình bởi chưa có được những kiến thức, kỹ
năng cần thiết phục vụ cho công việc. Các lớp tập huấn đã được tổ chức tại
các địa bàn và cũng có lồng ghép nội dung dành cho tổ hoà giải. Tuy nhiên,
do trình độ, năng lực của cán bộ hoà giải cơ sở còn hạn chế và thời lượng tập
23
huấn có hạn nên chưa thoả mãn được nhu cầu của người học. Do vậy, cần tổ
chức thêm những lớp tập huấn chuyên sâu dành cho đối tượng này. "Tại tỉnh
Tây Ninh, sở Tư pháp sẽ xây dựng đề án củng cố hoạt động của tổ hoà giải,
tuy nhiên cần có sự phối hợp giữa Ban chỉ đạo đề án và ngành Tư pháp để
xây dựng kế hoạch tập huấn hàng năm" (Đại diện sở Tư pháp, Hội thảo lấy
ý kiến ban ngành góp ý cho việc hoàn thiện đề án, tỉnh Tây Ninh).
- Về kinh phí hoạt động: có một số ý kiến cho rằng nên có kinh phí hỗ trợ
cho hoạt động của tổ hoà giải như đề xuất mức thù lao cho một cuộc hoà giải
thành công. Tuy nhiên, phương án này tuỳ thuộc vào ngân sách và sự chủ
động của từng tỉnh.
6. Thành lập và duy trì hoạt động của Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền
vững:
Mô hình Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững là một hình thức tập
hợp, tổ chức sinh hoạt cộng đồng đã được Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em
xây dựng từ năm 2003. Sau khi kết thúc 3 năm thí điểm, mô hình đã được tổ
chức đánh giá độc lập để nhìn nhận những mặt mạnh, mặt yếu của hoạt động
Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững tại các địa phương.
Dựa vào kinh nghiệm của mô hình Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền
vững đã được tổng kết, Ban chỉ đạo Trung ương đã hướng dẫn tỉnh Bình
Phước và Tây Ninh lựa chọn đối tượng để tuyên truyền vận động tham gia
Câu lạc bộ. Đây là nơi tập hợp các thành viên gia đình của cộng đồng, cùng
tham gia sinh hoạt và được cung cấp những kiến thức về nhiều mặt của đời
sống gia đình như luật pháp, phát triển kinh tế, giáo dục, văn hoá Do vậy,
việc đưa mô hình Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững vào những hoạt
động triển khai đề án can thiệp giảm tình trạng bạo lực gia đình là rất thích
hợp và cần thiết. Mục đích của việc xây dựng Câu lạc bộ là tạo một "sân
chơi" để thu hút sự tham gia của mọi gia đình với những điều kiện sống và
hoàn cảnh khác nhau vào hoạt động xã hội, tạo điều kiện cho các gia đình
giao lưu, chia sẻ những vấn đề thường gặp, cung cấp cho các gia đình những
24
kiến thức về bạo lực gia đình và cách thức phòng, chống bạo lực gia đình, phổ
biến những tác hại của bạo lực gia đình đối với mỗi cá nhân. Đồng thời, thông
qua hoạt động của Câu lạc bộ, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn hoặc có
nguy cơ xảy ra bạo lực gia đình cũng được kịp thời giúp đỡ.
Theo định hướng của Trung ương, tại mỗi xã triển khai đề án sẽ xây
dựng 05 Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững. Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ
có 3 người với các chức danh Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm và thư ký. Uỷ ban
Nhân dân xã sẽ ban hành quyết định thành lập Câu lạc bộ và danh sách Ban
chủ nhiệm Câu lạc bộ. Đồng thời, để đầu tư bước đầu cho nội dung sinh hoạt,
tất cả các Câu lạc bộ đều được hỗ trợ kinh phí để trang bị tủ sách và tài liệu.
Về thời lượng sinh hoạt, mỗi Câu lạc bộ cần duy trì sinh hoạt thường kỳ,
trung bình 1 tháng/ lần.
Theo kế hoạch của đề án, tại mỗi xã đều xây dựng 05 Câu lạc bộ. Sau
hai năm hoạt động, hiện nay, tại Tây Ninh ngoài 10 Câu lạc bộ thuộc kinh phí
địa phương, tỉnh cũng chủ động xây dựng thêm 50 Câu lạc bộ trên 10 xã/
phường từ kinh phí địa phương. Ước tính, số thành viên Câu lạc bộ trên toàn
tỉnh là 800 người. Còn tại Bình Phước, căn cứ vào thực tế của địa bàn, tại xã
Tiến Thành, tỉnh Bình Phước, 7 Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững với
126 thành viên tham gia đã được thành lập. Sang năm 2014, toàn tỉnh có 12
Câu lạc bộ với 276 thành viên thường xuyên tham gia sinh hoạt. Ban chủ
nhiệm Câu lạc bộ bao gồm Chủ nhiệm - ấp trưởng và các thành viên khác là
những người có khả năng và uy tín tại địa bàn như Hội Phụ nữ, đại diện Hội
Cựu chiến binh, đại diện Hội Người cao tuổi. Thành viên Câu lạc bộ là các
gia đình trong đó lưu ý nhóm gia đình từng xảy ra bạo lực gia đình hoặc có
nguy cơ xảy ra bạo lực gia đình.
Hầu hết, các Câu lạc bộ đều tiến hành sinh hoạt định kỳ 1 tháng/1 lần
với những nội dung là các chuyên đề về phát triển kinh tế, phổ biến luật pháp,
kiến thức giáo dục con cái, các kinh nghiệm giữ gìn hạnh phúc gia đình, các
biện pháp ngăn ngừa bạo lực gia đình do Ban chỉ đạo Trung ương biên
25