Tải bản đầy đủ (.doc) (22 trang)

Một số biện pháp giúp học sinh lớp 12 đạt hiệu quả cao trong làm văn dạng đề nghị, luận về hai ý kiến bàn về văn học

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (198.75 KB, 22 trang )

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THANH HÓA

TRƯỜNG THPT TRIỆU SƠN 6

SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM

MỘT SỐ BIỆN PHÁP GIÚP HỌC SINH LỚP 12
ĐẠT HIỆU QUẢ CAO TRONG LÀM VĂN DẠNG ĐỀ NGHỊ
LUẬN VỀ HAI Ý KIẾN BÀN VỀ VĂN HỌC

Người thực hiện: Mai Thị Bình
Chức vụ: Giáo viên
SKKN thuộc lĩnh vực: Ngữ văn

THANH HÓA NĂM 2017
1


MỤC LỤC
Trang
1. MỞ ĐẦU
1
1.1. Lí do chọn đề tài........................................................................ 1
1.2. Mục đích nghiên cứu................................................................. 2
1.3. Đối tượng nghiên cứu................................................................ 2
1.4. Phương pháp nghiên cứu........................................................... 2
2. NỘI DUNG
3
2.1. Cơ sở lí luận của đề tài.............................................................. 3
2.2. Thực trạng vấn đề...................................................................... 4
2.3. Giải pháp và cách thức tổ chức thực hiện.................................. 5


2.3.1. Hướng dẫn học sinh tìm hiểu ý kiến bàn về văn học......... 5
2.3.2. Nhận dạng các kiểu bài thường gặp.................................. 6
2.3.3. Hướng dẫn học sinh các bước làm bài.............................. 7
2.3.4. Hướng dẫn học sinh lập dàn ý........................................... 8
2.3.5. Tích cực khuyến khích học sinh thực hành viết bài.......... 14
2.3.6. Chú trọng khâu chấm và chữa bài..................................... 15
2.4. Những kết quả ban đầu............................................................... 16
3. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
18
3.1.Kết luận........................................................................................ 18
3.2. Kiến nghị..................................................................................... 18

2


1. MỞ ĐẦU
1.1. Lí do chọn đề tài
Đại văn hào Nga M. Gorki từng nói: “Văn học giúp con người hiểu bản
thân mình, nâng cao niềm tin vào bản thân và làm nảy nở ở con người khát
vọng hướng tới chân lí”. Còn Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh lại nói: “Học văn
làm cho tâm hồn mỗi con người phong phú thanh cao và yêu đời hơn, người học
văn sẽ có ý thức và không bao giờ là một người thô lỗ cục cằn”. Như vậy, cả đại
văn hào Nga M. Gorki và Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đều nhấn mạnh đến chức
năng của văn học. Văn học bồi dưỡng, nâng đỡ, làm phong phú tâm hồn con
người. Văn học giúp con người hướng thiện, hoàn thiện nhân cách. Văn học còn
chắp cánh ước mơ để con người vươn tới những điều tốt đẹp.
Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là học sinh lại ngại học văn, chán học
văn. Biết rằng môn văn là một trong ba môn thi bắt buộc của kì thi trung học
phổ thông quốc gia nhưng nói đến văn thậm chí có em còn sợ. Bởi vì, theo các
em kiến thức văn rất rộng, đề văn mỗi ngày lại càng khó. Cho nên mỗi khi nhìn

vào văn, nhìn vào đề văn các em thấy hoang mang, không biết bắt đầu từ đâu,
làm những gì và phải làm sao để đạt kết quả cao.
Vì vậy, là một giáo viên văn, ngoài việc cung cấp kiến thức cho học sinh,
giúp các em hiểu, cảm thụ sâu sắc, tinh tế các tác phẩm văn học thì việc hướng
dẫn học sinh luyện tập, trang bị kiến thức cho các em về các dạng đề, cách làm
các dạng đề cụ thể, hướng dẫn các em luyện viết để các em vừa nắm được kiến
thức lí thuyết vừa biết cách thực hành và có thể đạt kết quả cao trong các kì thi
là việc làm thiết thực và ý nghĩa.
Trong những năm gần đây, dạng đề nghị luận về một ý kiến bàn về văn
học và nghị luận về hai ý kiến bàn về văn học gần như là thống trị các kì thi. Kì
thi Đại học năm 2013, năm 2014 phần nghị luận văn học ở cả hai khối C và D
chủ yếu là dạng nghị luận về hai ý kiến bàn về văn học. Đề thi học sinh giỏi của
các tỉnh phần nghị luận văn học hầu như cũng ở các dạng đề này. Và hiện nay kì
thi quan trọng nhất là kì thi trung học phổ thông quốc gia là lồng ghép của hai kì
thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, việc tuyển sinh đại học
muốn tuyển được những học sinh thực sự có chất, hiểu biết văn chương, có kiến
thức rộng, có chiều sâu thì xu thế ra đề ở hai dạng đề này là không loại trừ và đã
được thể hiện ở đề thi năm 2016. Thế nhưng, đây lại là những dạng đề rộng và
khó. Thời lượng chương trình dành cho hai dạng đề này rất ít, chỉ một tiết trên
lớp mà lại chủ yếu bàn về dạng đề nghị luận về một ý kiến bàn về văn học còn
dạng đề nghị luận về hai ý kiến bàn về văn học gần như không đề cập đến. Dạng
đề nghị luận về hai ý kiến bàn về văn học cũng chưa có một công trình nghiên
cứu, một sáng kiến kinh nghiệm nào bàn tới, chỉ có một vài bài viết đơn lẻ trên
các trang mạng của thầy Hiếu “Kĩ năng làm bài về ý kiến bàn về văn học”; cô
Thu Trang “Dàn ý cho kiểu bài nghị luận hai ý kiến bàn về văn học”, hay bài
viết của cô Triệu Thị Huệ “Nghị luận về hai ý kiến, hai vấn đề trong kiểu bài
nghị luận văn học”. Tuy nhiên, những bài viết này chỉ nêu một cách ngắn gọn,
sơ lược, khái quát về dạng đề nói chung hoặc lập dàn ý cho một đề bài cụ thể
nào đó chứ không chỉ ra trong dạng đề này có những kiểu dạng nào, cách làm
những dạng đó và những biện pháp để học sinh có thể hiểu và đạt hiệu quả cao

3


nhất. Thấy được sự cần thiết, tính thiết thực của vấn đề nên trong quá trình ôn
tập tôi dành nhiều thời gian cho dạng đề này. Tôi tận dụng tối đa những tiết ôn
tập và những buổi học bồi dưỡng để cung cấp kiến thức cho các em về dạng đề
này. Tôi vừa tái hiện cho các em các kiểu bài cụ thể lại vừa hướng dẫn các em
cách làm, rèn luyện cho các em viết bài để các em hiểu, thành thạo và đạt được
kết quả cao nhất có thể. Qua thực tiễn hướng dẫn học sinh ôn tập dạng đề này,
tôi đã rút ra được một số kinh nghiệm được nêu trong đề tài: “Một số biện pháp
giúp học sinh lớp 12 đạt hiệu quả cao trong làm văn dạng đề nghị luận về hai
ý kiến bàn về văn học”.
1.2. Mục đích nghiên cứu
Đề tài này, tôi giúp học sinh thấy được:
- Nhận dạng các kiểu bài nghị luận về hai ý kiến bàn về văn học
- Các bước làm bài nghị luận về hai ý kiến bàn về văn học
- Hướng dẫn học sinh cách lập dàn ý
- Hướng dẫn học sinh thực hành viết bài, đánh giá kết quả bài viết của học
sinh
- Đồng thời, qua việc hướng dẫn học sinh ôn tập dạng đề này tôi muốn
cho học sinh thấy rằng học văn không khó, làm đề văn không khó, chỉ khó khi
không biết cách học, không chăm chỉ rèn luyện. Từ đó góp phần bồi dưỡng cho
các em niềm hứng thú khi học văn và viết văn.
1.3. Đối tượng nghiên cứu
- Dạng đề nghị luận về hai ý kiến bàn về văn học
- Với đề tài này, tôi hướng dẫn học sinh ôn tập và kiểm nghiệm kết quả ở
học sinh lớp 12B4 năm học 2015 – 2016
1.4. Phương pháp nghiên cứu
Chủ yếu là phương pháp thực nghiệm. Tôi tận dụng tối đa các tiết ôn tập
có được trong những giờ học chính khóa và chủ yếu là các buổi học bồi dưỡng

để có thời gian hướng dẫn học sinh ôn tập củng cố kiến thức. Ngoài việc dạy
học, hướng dẫn học sinh luyện tập tôi còn kết hợp với kiểm tra, đánh giá mức độ
hiểu biết, vận dụng của học sinh.

4


2. NỘI DUNG
2.1. Cơ sở lí luận của đề tài
“Ý kiến bàn về văn học là một nhận định về văn học, một danh ngôn về
một vấn đề trong văn học. Vấn đề đó thuộc lí luận văn học, về văn học sử, về tác
phẩm, về phong cách tác giả”[1]. Các ý kiến, nhận định về văn học vô cùng
phong phú của cả giới phê bình trong nước và ngoài nước, có cả những ý kiến
về những tác phẩm cụ thể, những nhân vật, những chi tiết, những tình huống cụ
thể nhưng cũng có những ý kiến bàn luận chuyên sâu về lí luận. Ví dụ như ý
kiến của của GS.TS Trần Đăng Suyền là một ý kiến rất cụ thể khi nhận xét về
“Sóng” của Xuân Quỳnh: “Đó là cuộc hành trình, khởi đầu là sự từ bỏ cái tôi
chật chội, nhỏ hẹp để tìm đến một tình yêu bao la rộng lớn, cuối cùng là khát
vọng được sống hết mình trong tình yêu, muốn hóa thân vĩnh viễn thành tình yêu
muôn thuở”. Hay đề thi trung học phổ thông quốc gia 2016 ở phần làm văn là
một ý kiến về tình huống truyện “Vợ nhặt”: “Trong truyện ngắn Vợ nhặt, nhà
văn kim Lân đã xây dựng được một tình huống bất thường để nói lên một khát
vọng bình thường mà chính đáng của con người”. Nhưng cũng có những nhận
định mang tính chất lí luận chuyên sâu: “Một câu thơ tràn đầy ý tứ và tình cảm
cao thượng cũng sẽ không nghe được nếu làm chối tai bởi sự méo mó” (Boa-lô).
Ý kiến của Vương Duy, một nhà thơ đời Thanh của Trung Quốc: “Nhà thơ đối
với vũ trụ nhân sinh nên bước vào trong, mà lại nên đi ra ngoài. Bước vào trong
mới có thể viết được. Đi ra bên ngoài mới có thể quan sát được. Bước vào bên
trong mới sinh khí. Đi ra bên ngoài mới đạt cao siêu”. Đó chỉ là một vài ý kiến
văn học trong vô vàn ý kiến bàn về văn học mà học sinh có thể gặp khi làm văn.

Vì vậy, cung cấp kiến thức về ý kiến bàn về văn học cho học sinh để các em làm
quen, tiếp cận với ý kiến có ý nghĩa quan trọng giúp các em làm tốt dạng đề nghị
luận về hai ý kiến bàn về văn học.
“Dạng đề nghị luận về hai ý kiến bàn về văn học là một kiểu bài nghị
luận văn học tổng hợp mà ở đó người ra đề thường đưa ra hai ý kiến về một tác
phẩm văn học (tác phẩm thơ, tác phẩm văn xuôi, trích đoạn, hình tượng nhân
vật…), có thể ở hai tác phẩm khác nhau, hoặc là đưa ra hai ý kiến về một vấn
đề lí luận; những ý kiến này có thể thuận chiều (cả hai cùng đúng, cùng có ý
nghĩa bổ sung cho nhau) hoặc ngược chiều (một ý kiến đúng, một ý kiến sai”[2].
Trong dạng đề thi này ý kiến, nhận định bàn về văn học thường đặt trong
dấu ngoặc kép và có câu dẫn là: Bàn về…; Về…; Nhận xét về…; Có ý kiến cho
rằng…lại có ý kiến cho rằng…. Sau những ý kiến đó người ra đề thường yêu cầu
học sinh lấy một tác phẩm văn học, một hình tượng văn học nào đó để chứng
minh cho hai ý kiến rồi bình luận các ý kiến. Ví dụ đề thi Đại học năm 2014
khối C.
Đề bài: Về hình tượng sông Hương trong bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông”
của Hoàng Phủ Ngọc Tường (Sách Ngữ văn 12), có ý kiến cho rằng: Vẻ đẹp nổi
bật của sông Hương là cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng tình tứ. Ý kiến khác thì
nhấn mạnh: Vẻ đẹp bề sâu của sông Hương là những trầm tích văn hóa lịch sử.
Bằng cảm nhận về hình tượng sông Hương anh (chị) hãy bình luận các ý
kiến trên.
5


Để làm được dạng đề này, yêu cầu học sinh phải nắm được kiến thức về
cả lí luận văn học, về văn học sử, về tác phẩm, về tác giả…Học sinh phải hiểu
đúng, toàn diện nội dung, tinh thần của ý kiến, nhận định để xác định được đề
bài đề cập đến vấn đề gì, bản chất của vấn đề ra sao. Khi phân tích, chứng minh
nhận định học sinh phải biết lựa chọn nội dung tiêu biểu nhất, chính xác nhất
của tác phẩm, của hình tượng….để chứng minh chứ không phải là đưa toàn bộ

nội dung vào. Đặc biệt làm kiểu bài này giáo viên còn phải hướng dẫn học sinh
sử dụng thành thạo các thao tác nghị luận: giải thích, phân tích, chứng minh,
bình luận, bác bỏ, so sánh. Sử dụng các thao tác đó theo trình tự hợp lí để vừa
làm sáng tỏ được ý kiến vừa khẳng định được giá trị ý kiến thậm chí bác bỏ
những ý kiến sai lệch và cho thấy bản lĩnh, hiểu biết, độ sắc sảo của người viết
để thuyết phục người đọc.
2.2. Thực trạng vấn đề
Nghị luận về hai ý kiến bàn về văn học là dạng đề thi khó. Dạng đề thi
này đang rất thịnh hành trong các kì thi quan trọng như học sinh giỏi, Trung học
phổ thông quốc gia nhưng phân phối chương trình dành cho kiểu bài này lại quá
ít. Trong chương trình Ngữ văn 12 chỉ có duy nhất một tiết cho bài: Nghị luận
về một ý kiến bàn về văn học. Sách giáo khoa chỉ nêu lên hai dạng đề minh họa,
phần gợi ý tìm hiểu đề, lập dàn ý chỉ trình bày một cách khá sơ lược. Kiểu bài
nghị luận về hai ý kiến bàn về văn học được coi là lồng ghép trong kiểu bài nghị
luận về một ý kiến bàn về văn học nhưng lại không có đề cụ thể nào. Vì vậy để
học sinh biết đến dạng đề nghị luận về hai ý kiến bàn về văn học, cách làm dạng
đề này và nhất là đạt hiệu quả cao kiểu bài này nếu như chỉ dạy theo phân phối
chương trình là điều không thể. Vì vậy, giáo viên chỉ có thể tận dụng những tiết
ôn tập, những buổi học bồi dưỡng để hướng dẫn học sinh dạng đề này.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều những quyển văn mẫu: Những bộ đề
văn, Giới thiệu đề thi trung học phổ thông quốc gia, Những bài văn hay…hoặc
thậm chí các em có thể vào Google, gõ tên vào ý kiến, vào tác phẩm, vào hình
tượng…cũng có thể có đề đã được làm sẵn. Thế nhưng nếu như vậy thì các em
sẽ trở thành những cỗ máy, những con rô bốt, khả năng sáng tạo sẽ bị thui chột.
Hơn nữa, ở dạng đề này là vô vàn ý kiến và có rất nhiều kiểu lấy tác phẩm để
chứng minh cho nên tài liệu khó mà có sẵn. Vì vậy, với dạng đề này điều quan
trọng là giáo viên hướng dẫn cho các em các bước tiến hành, cách làm bài ở
từng dạng đề cụ thể. Khi đã nắm bắt được cách làm các em có thể áp dụng vào
những đề khác nhau, luyện viết nhiều, được giáo viên sửa chữa các em sẽ thành
thạo. Và như vậy các em sẽ chủ động, tự tin khi bắt gặp dạng đề này thậm chí có

thể bày tỏ cái tôi, cá tính sáng tạo trong phần bình luận, mở rộng nâng cao vấn
đề.
Một khó khăn nữa khi bước vào hướng dẫn học sinh dạng đề này đó là
việc nắm bắt kiến thức lí luận về những ý kiến, nhận định văn học của học sinh
rất mơ hồ. Các bài về kiến thức lí luận ít, các em lại cũng ít được học những tiết
học chuyên sâu về tác giả, phần tác phẩm giáo viên cũng chỉ có thể hướng dẫn
các em khai thác các ý còn về chiều sâu nắm bắt vấn đề lại tùy thuộc vào từng
em. Cho nên khi bắt gặp một ý kiến, một nhận định về văn học các em lúng túng
6


đặc biệt là những nhận định mang tính chất lí luận chuyên sâu. Các em sẽ rơi
vào tình trạng giải thích vấn đề sai, lệch ý và như vậy sẽ dẫn đến việc chứng
minh sai, bình luận cũng sai. Vì vậy, cung cấp kiến thức lí luận giới thiệu về các
ý kiến, nhận định cho các em, hướng dẫn các em cách khai thác các nhận định là
việc làm quan trọng giúp các em đi đúng hướng, tránh tình trạng lạc đề, lệch đề.
Thứ nữa là học sinh lúng túng, lo lắng khi thực hành kiểu bài này. Đầu
tiên là lúng túng trong nhận diện đề. Đề thi có thể là hai ý kiến tương đồng hoặc
hai ý kiến tương phản; có thể là hai ý kiến về một tác phẩm hoặc hai ý kiến về
hai hình tượng của hai tác phẩm khác nhau. Tiếp theo là lúng túng trong việc tìm
ý, tìm dẫn chứng để chứng minh và phần bình luận sẽ phải bình luận như thế
nào, liệu hai ý kiến có mối qua hệ ra sao, có bổ sung cho nhau hay đối lập thì sẽ
phải chọn một trong hai ý kiến.
Nói tóm lại, đây là một dạng đề nghị luận tổng hợp khó. Điều quan trọng
để các em có thể tự tin và đạt kết quả cao khi bắt gặp dạng đề này là giáo viên
phải trang bị cho các em kiến thức về dạng đề, hướng dẫn các em cách làm và
giúp các em thực hành nhiều hơn.
2.3. Giải pháp và cách thức tổ chức thực hiện
2.3.1. Hướng dẫn học sinh tìm hiểu ý kiến bàn về văn học
Dạng đề nghị luận về hai ý kiến bàn về văn học là một dạng đề nghị luận

mà người viết thường đưa ra hai ý kiến về một tác phẩm, hình tượng, chi tiết,
tình huống…hoặc một vấn đề lí luận và sau đó yêu cầu học sinh bình luận. Thế
nhưng, học sinh khi bắt gặp dạng đề này lại rất mơ hồ về các ý kiến bàn về văn
học, các em chưa từng biết đến, nghe đến những ý kiến này hoặc ý kiến tương tự
bao giờ. Vì vậy, các em rất hoang mang không biết bắt đầu từ đâu và dẫn đến
việc lúng túng trong cách làm bài và giải thích ý kiến sai. Do đó, việc đầu tiên
khi hướng dẫn học sinh ôn tập dạng đề này là tôi chỉ cho học sinh như thế nào là
ý kiến, nhận định bàn về văn học; đưa ra các ví dụ về ý kiến, nhận định tiêu
biểu. Sau đó tôi cung cấp và hướng dẫn học sinh cách tìm hiểu về các ý kiến,
nhận định về văn học. Tôi chỉ cho học sinh thấy, ở dạng này có những ý kiến
bàn luận chuyên sâu về lí luận văn học. Muốn nắm được mảng kiến thức này các
em phải tìm hiểu các bài: Văn bản văn học, Phong cách văn học, Giá trị văn học
và tiếp nhận văn học. Ở mảng những ý kiến, nhận định về tác phẩm, hình tượng,
chi tiết…cụ thể thì trong quá trình giảng dạy học sinh tiếp nhận tác giả, tác phẩm
văn học tôi thường yêu cầu học sinh nắm vững được phong cách tác giả, nắm
được những đặc điểm nội dung và nghệ thuật nổi bật của tác phẩm. Tôi còn lồng
ghép vào quá trình phân tích những nhận định tiêu biểu về vấn đề hoặc sau mỗi
bài học tôi cung cấp cho học sinh những ý kiến, nhận định sâu sắc nhất về tác
phẩm. Tôi còn yêu cầu học sinh đọc thêm những tài liệu tham khảo về tác giả,
tác phẩm, những bài phê bình về những tác phẩm văn học. Ngoài ra, sau khi học
xong một phần, một giai đoạn văn học, ví dụ học xong phần “Thơ mới” (1932 –
1945), tôi cung cấp cho các em những ý kiến nhận xét, đánh giá nổi bật về
phong trào thơ này; với những em thực sự yêu thích và say sưa văn học tôi còn
cho các em mượn những quyển sách để đọc thêm như: Một thời đại trong thi ca,
Thi nhân Việt Nam…
7


Bằng những sự nỗ lực như vậy, học sinh của tôi đã có được kiến thức cơ
bản về ý kiến bàn về văn học. Biết rằng những ý kiến bàn về văn học là vô cùng

phong phú, khi thi cử có thể các em sẽ gặp những ý kiến chưa được học. Tuy
nhiên, do đã được làm quen, tiếp cận với nhiều dạng ý kiến các em sẽ không còn
xa lạ, hoang mang khi bắt gặp những dạng đề này. Các em biết cách nhìn nhận,
đánh giá đâu là ý kiến đúng, đâu là ý kiến chưa đúng, biết cách giải thích, bình
luận ý kiến. Mặt khác, có được kiến thức về những ý kiến, nhận định về văn học
các em còn có thể vận dụng khi làm những dạng đề khác như khi làm dạng đề
phân tích tác phẩm, hình tượng…các em có thể đưa ra những ý kiến như một
minh chứng cho vấn đề đang phân tích và như vậy bài viết sẽ có độ tin cậy và
sâu sắc hơn.
2.3.2. Nhận dạng các kiểu bài thường gặp
Dạng đề nghị luận về hai ý kiến bàn về văn học là một dạng đề thi có
nhiều kiểu dạng nhỏ. Vì vậy, khi hướng dẫn học sinh làm dạng đề này, tôi chỉ
cho học sinh thấy là ở dạng đề này sẽ có những kiểu đề nào để các em dễ hình
dung và nắm bắt. Về cơ bản có hai dạng như sau:
- Dạng 1: Hai ý kiến tương đồng (hai ý kiến cùng đúng, bổ sung cho
nhau).
- Dạng 2: Hai ý kiến tương phản (hai ý kiến trái chiều nhau, một đúng,
một sai).
Trong dạng 1 lại có hai kiểu:
+ Dạng 1a: Hai ý kiến về một khía cạnh của một tác phẩm
+ Dạng 1b: Hai ý kiến về hai đối tượng trong hai tác phẩm
Ở mỗi dạng đề, tôi chỉ cho học sinh các ví dụ minh họa cụ thể.
- Dạng1a: Hai ý kiến về một khía cạnh của tác phẩm
Ví dụ: Về hình tượng sông Hương trong bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”
của Hoàng Phủ Ngọc Tường (sách Ngữ văn 12) có ý kiến cho rằng: Vẻ đẹp nổi
bật của sông Hương là cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, tình tứ. Ý kiến khác thì
nhấn mạnh: Vẻ đẹp bề sâu của sông Hương là những trầm tích văn hóa, lịch sử.
Bằng cảm nhận về hình tượng sông Hương, anh (chị) hãy bình luận các ý
kiến trên.
(Câu III, Đề thi Đại học năm 2014 – Khối C)

- Dạng 1b: Hai ý kiến về hai đối tượng trong hai tác phẩm
Ví dụ: Có ý kiến cho rằng: sự nhẫn nhục của nhân vật Từ (Đời thừa – Nam
Cao) không đáng trách, chỉ đáng thương; còn sự nhẫn nhục của người đàn bà
hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu) thì vừa đáng thương
vừa đáng trách.
Từ cảm nhận của mình về hai nhân vật này, anh (chị) hãy bình luận các ý
kiến trên.
- Dạng 2: Hai ý kiến tương phản
Ví dụ: Nhận định về niềm khát khao tận hưởng sự sống trong bài thơ “Vội
vàng” của Xuân Diệu, từng có ý kiến cho rằng: Đó là tiếng nói của cái tôi vị kỉ
tiêu cực. Lại có ý kiến khẳng định: Đó là tiếng nói của cái tôi cá nhân tích cực.
Từ cảm nhận của mình về niềm khát khao đó, anh (chị) hãy bình luận
những ý kiến trên.
8


(Câu 3a, Đề thi Đại học năm 2013, Khối D).
2.3.3. Hướng dân học sinh các bước làm bài
Đây là khâu vô cùng quan trọng. Bởi vì, phần lớn học sinh lúng túng khi
bắt gặp dạng đề này. Các em không biết bắt đầu từ đâu, nên làm như thế nào. Vì
vậy, với dạng đề khó này, tôi hướng dẫn các em các bước làm bài cụ thể.
Bước 1: Hướng dẫn học sinh giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề cần
nghị luận.
Tôi yêu cầu học sinh giới thiệu ngắn gọn, chắc chắn. Khi giới thiệu vấn đề
cần nghị luận có thể trích dẫn một ý kiến khác để giới thiệu, hoặc có thể đưa ra
một liên tưởng tương đồng, tương cận, đối lập hoặc bằng một ấn tượng để giới
thiệu.
Phần giới thiệu tác giả, tác phẩm phải có mối liên hệ với ý kiến; phải nêu
được vấn đề nổi bật, ấn tượng của tác giả, tác phẩm có liên quan đến ý kiến,
không được sa vào kể lể về tác giả, tác phẩm.

Bước 2: Hướng dẫn học sinh giải thích ý kiến
Tôi yêu cầu học sinh bám sát ý kiến, nhận định mà đề yêu cầu bình luận,
tránh suy diễn chủ quan, tùy tiện. Việc giải thích bắt đầu từ giải thích ngôn từ,
hình ảnh nhưng phải là những từ ngữ, hình ảnh ẩn ý, chứa đựng những dụng ý
nghệ thuật. Sau khi giải thích về từ ngữ, hình ảnh phải khái quát ý nghĩa của
toàn bộ ý kiến, nhận định.
Bước 3: Hướng dẫn học sinh chứng minh ý kiến
Ở dạng đề này sau khi đưa ra các ý kiến, người ra đề thường yêu cầu học
sinh lấy dẫn chứng trong tác phẩm để chứng minh ý kiến. Vì vậy, trong quá trình
chứng minh ý kiến, tôi thường yêu cầu học sinh phải bám sát vào ý kiến, nhận
định mà đề yêu cầu để lựa chọn những vấn đề nội dung để chứng minh, không
được sa vào phân tích, cảm nhận mọi phương diện, khía cạnh của đối tượng. Các
em phải xác định đâu là diện, đâu là điểm, cái nào cần xoáy sâu, cái nào nên bỏ
qua. Có như vậy bài văn mới ấn tượng, có điểm sáng và hấp dẫn người đọc.
Bước 4: Hướng dẫn học sinh bàn luận ý kiến
Ở phần này người viết có cơ hội thể hiện cái tôi, sự sâu sắc trong ngòi bút
của mình. Tuy nhiên, cách bàn luận cũng phải ở trong một khuôn khổ chứ không
thể tùy tiện sẽ dẫn đến dài dòng, lan man, thậm chí lạc đề, xa đề. Với dạng đề
này, tôi hướng dẫn học sinh bàn luận như sau:
Ở dạng đề hai ý kiến tương phản thì học sinh phải thể hiện được chứng
kiến của mình. Học sinh phải lựa chọn ý kiến đúng, bác bỏ ý kiến sai.
Ở dạng đề hai ý kiến tương đồng thì học sinh khẳng định tính đúng đắn
của cả hai ý kiến như sau:
- Nếu hai ý kiến về một khía cạnh của tác phẩm thì hướng bình luận là:
khác nhau nhưng không đối lập mà bổ sung cho nhau, giúp nhìn nhận toàn diện
và thống nhất về đối tượng, nhận thức sâu sắc hơn đối tượng, thấm thía hơn ý
tưởng nghệ thuật của nhà văn.
- Nếu hai ý kiến về hai đối tượng trong hai tác phẩm thì hướng bình luận
là: chỉ ra sự giống nhau và khác nhau giữa các ý kiến.


9


Đồng thời, khi bình luận tôi luôn yêu cầu học sinh phải bám thật sát vào ý
kiến, không diễn giải dài dòng mà lời bình phải rõ, chắc, gọn, phải tỏ thái độ
khiêm nhường, mềm mỏng nhưng kiên quyết, giàu sức thuyết phục.
Bước 5: Hướng dẫn học sinh mở rộng, nâng cao vấn đề
Ở phần này có thể có rất nhiều học sinh bỏ qua nhưng đây lại là phần
quan trọng để đánh giá sự hơn thua trong bài viết của học sinh. Với những em
chắc kiến thức về cả lí luận và tác phẩm văn học thì phần mở rộng, nâng cao vấn
đề rất sâu sắc, bài viết của các em dường như tròn trịa hơn. Ở phần này, tôi
hướng học sinh nhưng cách mở rộng, nâng cao như sau:
- Sự đóng góp của ý kiến đối với quá trình nhìn nhận tác giả, tác phẩm,
hình tượng văn học…
- Điểm nổi bật, đóng góp của nhà văn, tác phẩm đối với giai đoạn văn
học, nền văn học.
- Điều tác giả trăn trở, gửi gắm qua tác phẩm.
2.3.4. Hướng dẫn học sinh lập dàn ý
Một thực tế hiện nay là học sinh ngay cả những học sinh giỏi văn cũng
xem thường khâu lập dàn ý. Các em thường có thói quen làm bài ngay sau khi
đọc đề. Điều đó dẫn đến tình trạng lạc đề, xa đề, thiếu ý, lặp ý, các ý lộn xộn,
thiếu logic.
Nhận thức được hạn chế đó, tôi thường xuyên rèn luyện kĩ năng này cho
học sinh. Sau khi hướng dẫn các em các bước làm bài, tôi yêu cầu học sinh thảo
luận nhóm, phác thảo ra dàn ý của mỗi dạng đề, với các lớp khối A đây là dạng
đề khó nên tôi cung cấp luôn cho các em dàn ý đại cương để các em áp dụng vào
các đề cụ thể.
2.3.4.1. Dàn ý đại cương cho các dạng đề
Ở phần hướng dẫn dàn ý đại cương, tôi gộp dạng 1a và 1b.
* Dạng 1a và 1b:

a) Mở bài:
- Cách 1: Mở bài gián tiếp
+ Dẫn dắt vấn đề
+ Nêu yêu cầu của đề bài: Giới thiệu khái quát về đối tượng cần bình luận
và trích dẫn đầy đủ các ý kiến, nhận định.
- Cách 2: Mở bài trực tiếp
+ Giới thiệu về tác giả, tác phẩm
+ Nêu vấn đề cần nghị luận (trích dẫn đầy đủ hai ý kiến)
b) Thân bài:
1) Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm (nếu là mở bài gián tiếp)
- Nếu đề yêu cầu bình luận hai ý kiến về một phương diện, khía cạnh của
tác phẩm văn học thì giới thiệu tuần tự về tác giả rồi đến tác phẩm đó.
- Nếu đề yêu cầu bình luận hai ý kiến về hai đối tượng của hai tác phẩm
thì:
+ Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm thứ nhất
+ Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm thứ hai
2) Giải thích ý kiến
- Giải thích ý kiến, nhận định thứ nhất
10


- Giải thích ý kiến, nhận định thứ hai
Nếu đề bình luận hai ý kiến về hai đối tượng trong hai tác phẩm thì sau
khi giải thích xong phải chỉ rõ sự giống nhau cũng như sự khác nhau giữa hai ý
kiến.
3) Chứng minh ý kiến
- Cảm nhận, phân tích, chứng minh làm rõ nội dung ý kiến, nhận định thứ
nhất.
- Cảm nhận, phân tích, chứng minh làm rõ nội dung ý kiến, nhận định thứ
hai.

4) Bình luận ý kiến
- Chỉ ra sự thống nhất, bổ sung của hai ý kiến.
- Nếu là hai ý kiến về hai đối tượng trong hai tác phẩm thì học sinh phải
chỉ ra điểm chung, gặp gỡ và nét độc đáo riêng của mỗi hình tượng mà ý kiến
nêu ra.
c) Kết bài:
- Đánh giá khái quát, ngắn gọn về mức độ đúng đắn, sâu sắc, toàn diện
của mỗi ý kiến, nhận định mà đề yêu cầu bình luận.
- Mở rộng, nâng cao vấn đề.
* Dạng 2:
a) Mở bài (nếu mở bài trực tiếp)
- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm
- Nêu vấn đề cần nghị luận (trích dẫn đầy đủ hai ý kiến)
b) Thân bài:
1) Giải thích ý kiến
- Giải thích ý kiến, nhận định thứ nhất
- Giải thích ý kiến, nhận định thứ hai
Với dạng đề này, sau khi giải thích xong học sinh phải chỉ ra một trong
hai ý kiến đâu là ý kiến đúng, đâu là ý kiến chưa đúng.
2) Chứng minh ý kiến
Học sinh lấy dẫn chứng từ tác phẩm để phân tích, chứng minh làm rõ ý
kiến đúng.
3) Bình luận ý kiến
- Học sinh phủ định, bác bỏ ý kiến chưa đúng, giải thích lí do vì sao.
- Khẳng định ý kiến đúng, giải thích lí do.
c) Kết bài:
- Đánh giá khái quát vấn đề
- Mở rộng, nâng cao
2.3.4.2. Hướng dẫn học sinh lập dàn ý chi tiết
Sau khi hướng dẫn học sinh lập dàn ý đại cương, ở mỗi dạng đề, tôi đưa

ra những đề cụ thể, yêu cầu học sinh thảo luận, lập dàn ý và trình bày. Sau khi
học sinh trình bày, tôi sửa cho các em để các em có thể có một dàn ý tốt nhất.
Ở mỗi dạng đề, tôi hướng dẫn học sinh một đề tiêu biểu.
* Dạng 1a:
Đề bài:
11


Về đoạn trích tùy bút “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân có ý kiến
cho rằng: Đó là một công trình khảo cứu công phu. Nhưng cũng có ý kiến khác
lại nhấn mạnh: Đó là một áng văn giàu tính thẩm mĩ.
Từ việc phân tích đoạn trích tùy bút “Người lái đò sông Đà” anh (chị)
hãy bình luận những ý kiến trên.
* Dạng 1b:
Đề bài:
Có ý kiến cho rằng: Sự nhẫn nhục của nhân vật Từ (Đời thừa – Nam Cao)
không đáng trách, chỉ đáng thương; còn sự nhẫn nhục của người đàn bà hàng
chài (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu) thì vừa đáng thương vừa
đáng trách.
Từ cảm nhận của mình về hai nhân vật này, anh (chị) hãy bình luận các ý
kiến trên.
* Dạng 2:
Đề bài:
Về việc Huấn Cao cho chữ cho viên quản ngục trong “Chữ người tử tù”
của Nguyễn Tuân, có ý kiến cho rằng: Đó là cách để khẳng định danh tiếng và
trả ơn mấy bữa rượu thịt; ý kiến khác lại nhận thấy: Đó là cách để tạ lòng tri kỉ.
Ý kiến của anh (chị)?
Dàn ý chi tiết cho mỗi dạng đề như sau:
* Dạng 1a:
a) Mở bài: (Mở bài trực tiếp)

- Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm
+ Nguyễn Tuân là nhà văn tài năng với phong cách độc đáo
+ Tùy bút “Người lái đò sông Đà” là kết quả chuyến đi thực tế lên Tây
Bắc của Nguyễn Tuân.
- Nêu hai ý kiến cần bình luận
b) Thân bài
1) Giải thích ý kiến
- Công trình khảo cứu công phu: là một tác phẩm được tạo nên từ công
sức tìm tòi, nghiên cứu dựa trên các tài liệu phong phú. Nó thể hiện vốn sống và
tầm hiểu biết của nhà văn đồng thời cũng đem đến cho người đọc những hiểu
biết phong phú về các đặc điểm, tính chất của đối tượng được đề cập.
- Áng văn giàu tính thẩm mĩ: là tác phẩm nghệ thuật đạt đến độ hoàn hảo
trong việc tái hiện cái đẹp, khơi gợi những hứng thú và khả năng cảm nhận cái
đẹp ở người đọc.
2) Chứng minh ý kiến
* Công trình khảo cứu công phu
- Tác giả huy động một vốn kiến thức tổng hợp khá đồ sộ về rất nhiều
ngành nghề khoa học và nghệ thuật.
+ Địa lí: Sắc nước mỗi mùa, tên của các con thác dọc sông Đà, đặc
điểm địa hình, địa thế của sông.
+ Lịch sử: Các thời kì lịch sử khác nhau gắn với sông Đà: thời tiền
sử, thời Hùng Vương, thời vua chúa phong kiến, thời xây dựng chủ nghĩa xã hội.
12


+ Văn hóa: Những sinh hoạt vật chất (đốt lửa trong hang đá, nướng
ống cơm lam) và tinh thần (bàn cá anh vũ, cá dầm xanh…).
+ Văn học: Hình ảnh con sông Đà trong thơ văn (Đà giang độc bắc
lưu), gợi nhớ thơ Lí Bạch, thơ Ba Lan.
+Các kiến thức khác: quân sự, thể thao, âm nhạc, hội họa, điện ảnh,

sân khấu…
- Cung cấp cho người đọc những hiểu biết về con sông Đà, về cuộc sống
con người lao động trên sông.
+ Về con sông Đà: từ chiều dài sông, đầu nguồn, lưu vực, tên sông
qua các thời kì lịch sử (Linh Giang).
+ Về ông đò: công việc lái đò rất vất vả, khi phải chống chọi lại với
ghềnh thác và những hiểm họa bất ngờ của thiên nhiên nên đã làm bộc lộ ở
người lái đò khả năng chinh phục thiên nhiên.
* Áng văn giàu tính thẩm mĩ:
- Người đọc có được khoái cảm thẩm mĩ thực sự trước vẻ đẹp tuyệt vời
của con sông Đà hung bạo và trữ tình; vẻ đẹp của ông đò anh hùng và nghệ sĩ.
Bên cạnh đó, người đọc còn được thưởng thức vẻ đẹp của một thiên anh hùng ca
và một bản tình ca say đắm về thiên nhiên và cuộc sống.
- Nhà văn đã biến những thông tin khô khan, tư liệu lạnh lùng thành hình
tượng sống động, có đời sống, có tâm lí, tính cách, khả năng, số phận cụ thể.
- Giá trị thẩm mĩ còn thể hiện ở thể văn tùy bút vừa thực tế, vừa tự do,
phóng túng, ở tài năng lựa chọn ngôn ngữ và sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn
Tuân.
3) Bình luận ý kiến:
- Hai ý kiến đề cập đến những phương diện khác nhau về vẻ đẹp của đoạn
trích tùy bút. Ý kiến thứ nhất nhấn mạnh đến chất trí tuệ, ở lao động nghệ thuật
rất công phu của một con người thiết tha yêu những giá trị vật chất và tinh thần
của đất nước, của một dân tộc và tình yêu, sự gần gũi đối với những người lao
động bình thường. Ý kiến thứ hai thể hiện chất tài hoa, tài tử và phong cách độc
đáo vừa thống nhất, vừa cách tân sáng tạo trong nghệ thuật của Nguyễn Tuân.
- Hai ý kiến tuy khác nhau nhưng không đối lập mà bổ sung cho nhau,
hợp thành sự nhìn nhận toàn diện và thống nhất, giúp người đọc có cách nhìn
sâu sắc và thấu đáo hơn về vẻ đẹp của tùy bút và tư tưởng của nhà văn.
c) Kết bài:
- Đánh giá, mở rộng, nâng cao vấn đề

+ “Người lái đò sông Đà” thể hiện rõ phong cách tài hoa, uyên bác
của Nguyễn Tuân.
+ Khác với những tác phẩm trước Cách mạng tháng Tám 1945, với
tác phẩm này Nguyễn Tuân khẳng định cái đẹp không ở đâu xa, mà nó có ngay
trong cảnh sắc thiên nhiên đất nước và cuộc sống của người dân lao động.
* Dạng 1b:
a) Mở bài: (Mở bài gián tiếp)
- Dẫn dắt vấn đề:
13


+ Trong tập tiểu luận “Trang giấy trước đèn”, nhà văn Nguyễn Minh
Châu viết: “Nhà văn tồn tại ở trên đời có lẽ trước hết là vì thế: để làm công việc
giống như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số
phận đen đủi dồn người ta đến chân tường”. Như vậy, theo Nguyễn Minh Châu
thiên chức của nhà văn là sự cảm thông, thấu hiểu, động viên, yêu thương, trân
trọng nhân vật của mình. Nhân vật Từ (Đời thừa – Nam Cao) và người đàn bà
hàng chài (Chiếc thuyền ngoài xa – Nguyễn Minh Châu) đều nhận được sự cảm
thông, yêu thương của nhà văn dành cho họ.
+ Trích dẫn hai ý kiến.
b) Thân bài:
1.Giới thiệu vài nét về hai tác giả, hai tác phẩm
- Nam Cao là nhà nhân đạo lớn, là nhà văn hiện thực xuất sắc của văn học
Việt Nam hiện đại; “Đời thừa” là một trong những tác phẩm tiêu biểu của ông
trước Cách mạng tháng Tám 1945.
- Nguyễn Minh Châu là nhà văn tài năng đi tiên phong trong công cuộc
đổi mới văn học Việt nam sau 1975; “Chiếc thuyền ngoài xa” là một tác phẩm
xuất sắc của ông thuộc giai đoạn này.
2. Giải thích ý kiến
Ý kiến chỉ ra sự giống nhau của hai nhân vật: đều nhẫn nhục nhưng có sự

khác nhau: sự nhẫn nhục của Từ là một bất hạnh đáng được cảm thông, không
có gì đáng trách; còn sự nhẫn nhục của người đàn bà hàng chài vừa là một bất
hạnh đáng thương vừa có những sai lầm đáng trách.
3. Chứng minh ý kiến
- Về nhân vật Từ:
+ Từ là người vợ hoàn toàn yếu thế, phụ thuộc; hiền từ, nhu thuận,
chăm chút chi li; thấu hiểu và tin tưởng phẩm chất tốt đẹp bền vững của chồng.
Từ được khắc họa như một nhân vật phụ, trong không gian gia đình, có sự thống
nhất ngoại hình với tính cách.
+ Sự nhẫn nhục của Từ chủ yếu là nhẫn nhịn những hành vi thiếu tự
chủ trong lúc phẫn đời mà tìm đến rượu của người chồng, nhưng sau mỗi lần
như vậy chồng chị luôn day dứt lương tâm.
- Về nhân vật người đàn bà hàng chài
+ Là người đàn bà mạnh mẽ mà chịu lệ thuộc, chấp nhận việc hành
hạ tàn tệ; sắc sảo thấu hiểu lẽ đời nhưng chưa có ý thức về giá trị sống, quyền
sống của mình; hiểu rõ bi kịch của mình và gia đình mà chỉ cam chịu, không
phản ứng. Người đàn bà hàng chài được khắc họa như nhân vật trung tâm, trong
không gian rộng từ gia đình đến tòa án, ngoại hình và tính cách có nhiều tương
phản.
+ Sự nhẫn nhục của người đàn bà hàng chài là một cách chấp nhận
những đầy đọa vô lí của người chồng quen thói bạo hành; đã thành một cách
sống buông xuôi, thỏa hiệp; không những không thức tỉnh được chồng, trái lại
chỉ càng tiếp tay cho thói bạo hành gia đình.
4. Bình luận ý kiến
- Hai hiện tượng tưởng chừng như giống nhau: đều cam chịu, nhẫn nhục,
nạn nhân của thói bạo hành nhưng khác nhau ở sự chấp nhận. Ở Từ là sự bất khả
14


kháng, không thể khác; ở người đàn bà hàng chài là sự chấp nhận trong khi hoàn

cảnh có thể khác, có thể đấu tranh và thay đổi.
- Hai tác giả do yếu tố hoàn cảnh nên có cách nhìn khác nhau. Với Nam
Cao, ông đồng cảm, bênh vực nhân vật của mình, lên án xã hội đẩy con người
đến đường cùng. Với Nguyễn Minh Châu, ông đồng cảm, xót xa nhưng không
đồng tình và qua đó cũng gửi gắm cách nhìn đời, nhìn người.
c) Kết bài:
- Đánh giá, mở rộng, nâng cao vấn đề
+ Đây là hai hình tượng văn học nhận được sự cảm thông, yêu
thương của người đọc.
+ Chính hai hình tượng văn học này làm nên giá trị, sống sống cho
hai tác phẩm.
+ Qua hai nhân vật, hai nhà văn gửi gắm cách nhìn đời và những
thông điệp cuộc sống.
Dạng 2:
a) Mở bài:
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm
+ Nguyễn Tuân là nghệ sĩ suốt đời đi kiếm tìm cái đẹp, trước Cách mạng
tháng Tám ông đi kiếm tìm cái đẹp trong Vang bóng một thời.
+ “Chữ người tử tù” là tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Tuân trước Cách
mạng tháng Tám, tác phẩm xây dựng hai hình tượng nhân vật Huấn Cao và viên
quản ngục.
- Trích dẫn hai ý kiến
b) Thân bài
1) Giải thích
- Đó là cách để khẳng định danh tiếng và trả ơn mấy bữa rượu thịt: ý kiến
này khẳng định việc Huấn Cao cho chữ cho quản ngục là chỉ để khẳng định
danh tiếng (tài năng viết chữ đẹp) và trả ơn mấy bữa rượu thịt tầm thường mà
quản ngục đã thiết đãi Huấn Cao.
- Đó là cách để tạ lòng tri kỉ: ý kiến này khẳng định việc Huấn Cao cho chữ
cho quản ngục có ý nghĩa sâu sắc. Huấn Cao đã coi quản ngục là một tri kỉ

(cùng yêu cái đẹp, khát khao cái đẹp, cái đẹp không chỉ ở chữ nghĩa mà còn ở
nhân cách con người). Và đó là cách thể hiện sự cảm kích tấm lòng của Huấn
Cao với quản ngục.
- Trong hai ý kiến, ý kiến thứ hai là ý kiến đúng. Huấn Cao cho chữ là tạ một
tấm lòng tri kỉ chứ không thể là trả ơn mấy bữa rượu thịt tầm thường.
2) Chứng minh
- Huấn Cao cho chữ cho quản ngục là để tạ một tấm lòng tri kỉ.
+ Huấn Cao là người nổi tiếng viết chữ nhanh và đẹp. Tài viết chữ
của ông lừng danh thiên hạ. Người đời coi chữ ông là báu vật. Tuy vậy, ông lại
khoảnh tính, rất ít khi cho chữ, mới chỉ cho ba người bạn thân.
+ Viên quản ngục ao ước có chữ Huấn Cao treo ở trong nhà.

15


+ Trong nghệ thuật, họ là tri âm tri kỉ, cùng yêu mến, trân trọng cái
đẹp. Một nghệ sĩ sáng tạo cái đẹp còn người kia biết thưởng thức, nâng niu cái
đẹp và “biệt nhỡn liên tài”.
+ Viên quản ngục: dành cho Huấn Cao sự biệt đãi, kiên nhẫn trước
thái độ khinh bỉ của Huấn Cao, liều lĩnh nhờ thầy thơ lại bày tỏ tâm nguyện, bất
chấp nguy hiểm để xin chữ Huấn Cao trong nhà tù.
+ Huấn Cao: bất ngờ, xúc động khi biết được sở thích cao quý của
viên quản ngục, hối hận sự khinh bạc của mình với viên quản ngục trước đây,
đồng ý cho chữ cho viên quản ngục ngay tại nhà lao. Không chỉ cho chữ, Huấn
Cao còn chuyển giao nhân cách cho quản ngục, khuyên quản ngục giữ thiên
lương cho lành vững rồi mới nghĩ đến việc chơi chữ.
+ Cảnh cho chữ được khắc họa một cách rõ nét, xúc động. Là sự
cảm tạ của Huấn Cao dành cho một tấm lòng “biệt nhỡn liên tài”. Họ đã vượt
qua ranh giới về chính trị - xã hội để trở thành tri kỉ, hội ngộ bên cái đẹp và
hướng đến thiên lương.

3. Bình luận ý kiến
- Ý kiến thứ nhất là không đúng. Lí giải: Bởi vì, nếu Huấn Cao muốn
khẳng định danh tiếng thì Huấn Cao đã cho chữ cho rất nhiều người nhưng ở
đây Huấn Cao chỉ cho chữ cho ba người bạn thân. Nếu muốn trả ơn mấy bữa
rượu thịt thì hoàn toàn không đúng. Huấn Cao thản nhiên nhận rượu thịt như
một thú mình được hưởng. Vì vậy, không việc gì phải trả ơn; thậm chí quản
ngục đem vào thiết đãi Huấn Cao còn bị Huấn Cao đuổi ra khỏi phòng.
- Ý kiến thứ hai là xác đáng, thể hiện được dụng ý nghệ thuật của tác giả,
xây dựng cảnh cho chữ là sự hội ngộ của những tấm lòng tri kỉ, tất cả đang hành
động theo tiếng gọi thiêng liêng của cái đẹp, cái đẹp của nhân cách, của thiên
lương.
c) Kết bài:
- Đánh giá, mở rộng, nâng cao vấn đề
+ Nguyễn Tuân đã xây dựng thành công cảnh cho chữ trong tác
phẩm “Chữ người tử tù”, là cảnh tượng xưa nay chưa từng thấy. Đó cũng là
cách để Huấn Cao tạ một tấm lòng tri kỉ.
+ Qua việc Huấn Cao cho chữ cho quản ngục, Nguyễn Tuân muốn
nói rằng cái đẹp đã lên ngôi, cái đẹp xóa nhòa đi mọi ranh giới.
2.3.5. Tích cực khuyến khích học sinh thực hành viết bài
Hiểu được yêu cầu của đề, lập được dàn ý nhưng điều quan trọng là phải
cụ thể hóa thành bài văn hoàn chỉnh. Hiện nay học sinh rất lười viết. Vì thế các
em hay vấp phải những lỗi dùng từ, diễn đạt và liên kết ý. Bài văn các em
thường viết rất ngắn, câu văn cộc lốc, lời văn khô khan. Đặc biệt, với dạng đề
văn lí luận này nếu thường xuyên viết bài các em sẽ bao quát, hiểu sâu hơn vấn
đề trừu tượng, khó hiểu. Bắt tay vào viết bài các em mới rèn luyện được hiệu
quả sử dụng các thao tác lập luận, chủ động hơn khâu chọn và phân tích dẫn
chứng, thành thạo trong việc bình luận ý kiến. Bên cạnh đó, quá trình viết để tạo
ra được sản phẩm tinh thần này sẽ nuôi dưỡng trong các em niềm đam mê văn
chương, ý thức tìm tòi, khám phá các câu nói, nhận định hay về văn học.
16



Để nắm bắt được kết quả các em thực hành như thế nào, tôi thường ra đề
bài viết số 3 vào dạng đề nghị luận về hai ý kiến bàn về văn học. Ngoài ra, tôi
yêu cầu học sinh luyện viết thêm ở nhà. Kết hợp cả kiểm tra và viết luyện tập,
giữa trên lớp và thực hành ở nhà mới có thể đánh giá được một cách toàn diện,
chính xác các em có thực sự hiểu và thông thạo dạng đề này hay chưa. Tôi còn
rất chú trọng khích lệ học sinh viết bài, các em luyện viết càng nhiều thì sẽ càng
nhuyễn, hành văn sẽ trong sáng và sâu sắc hơn.
Để khích lệ hứng thú viết bài cho học sinh, tôi thường rất linh động trong
việc ra đề. Tôi rất chú trọng tìm tòi những đề hay và mới, những đề mở hướng
đến bao quát các vấn đề lí luận. Có như vậy mới khuyến khích được sự tò mò,
sáng tạo của học sinh, để các em không thấy nhàm chán khi học văn.
Đồng thời, khi học sinh viết bài tôi không tạo áp lực cho các em. Tôi
khuyến khích những bài văn bày tỏ được cái tôi, chính kiến của mình. Vì vậy,
học sinh của tôi rất thoải mái trong các giờ văn kể cả những tiết kiểm tra.
2.3.6. Chú trọng khâu chấm và chữa bài
Đây là khâu rất quan trọng trong việc dạy làm văn cho học sinh. Bài văn
là sản phẩm của học sinh nhưng cũng là thành quả của giáo viên. Chấm bài
nghiêm túc là sự tôn trọng đối với học sinh và khích lệ các em viết bài. Với cả
những bài kiểm tra hay bài viết ở nhà của học sinh tôi chấm rất nghiêm túc, chữa
bài kĩ lưỡng, nhận xét từng em một để các em thấy được những mặt làm được,
chưa làm được của mình mà các em biết đường sửa chữa, khắc phục hạn chế,
nhanh chóng tiến bộ.
Đồng thời, với từng dạng đề, khi chấm tôi thường đưa ra tiêu chí chấm
bài. Với dạng đề này, do đặc thù kiểu bài lí luận nên tôi đánh giá ở từng mức độ
nhận biết, thông hiểu và vận dụng của học sinh. Tỉ lệ kiến thức lí luận và cảm
thụ văn học phải tương ứng với nhau. Nếu lệch một phương diện, bài viết của
học sinh sẽ không đạt yêu cầu.
Khác với bài văn nghị luận về một tác phẩm, kiểu bài nghị luận về ý kiến

bàn về văn học đòi hỏi học sinh thông minh lựa chọn và phân tích dẫn chứng.
Các em không thể bê nguyên si nội dung một tác phẩm, một hình tượng văn học
vào mà phải xác định đâu là vấn đề chính, vấn đề nào phải xoáy sâu, vấn đề nào
nên bỏ qua. Việc học sinh lựa chọn, phân tích dẫn chứng như thế nào được coi là
tiêu chí quan trọng trong quá trình cho điểm của giáo viên.
Với dạng đề này, ngoài việc chú trọng việc bình luận, đánh giá, chứng
minh tính đúng đắn của vấn đề, học sinh cần phải biết mở rộng, nâng cao. Đây
là phần đánh giá và phân loại trình độ của học sinh. Với những học sinh biết mở
rộng, nâng cao vấn đề tôi thường cho điểm cao để khích lệ các em.
Trong quá trình chấm, ngoài việc cho điểm cho học sinh, tôi rất chú trọng
việc sửa lỗi cho các em. Trược hết là những lỗi về nội dung, ở dạng đề này các
em thường mắc những lỗi: giải thích lan man, không bám vào trọng tâm; phần
tích, chứng minh không biết chọn lọc dẫn chứng tiêu biểu, đưa vào tràn lan hoặc
chứng minh sơ sài; phần bình luận thường thái quá không giữ được độ chắc,
khiêm nhường.... Ngoài ra, tôi chỉ cho các em những lỗi về hình thức: bố cục,
kết cấu bài văn đã hợp lí chưa, cách trình bày luận điểm, luận cứ đã rõ ràng, chặt
chẽ chưa, những lỗi về diễn đạt, lỗi hành văn….Một mặt tôi chỉ ra những lỗi các
17


em mắc phải, mặt khác tôi hướng dẫn các em cách sửa luôn trong bài văn. Vì
vậy, khi nhìn vào thành quả của mình đã được cô giáo chấm và sửa lỗi các em
mới biết được thực sự khả năng của mình như thế nào, biết mình đã mắc những
lỗi nào mà sửa chữa cho lần sau, biết mình có những mặt mạnh nào để phát huy.
Trong các tiết trả bài, trước khi trả, tôi nhận xét khái quát cả lớp, chỉ ra
những mặt làm được, những lỗi chung của cả lớp. Tôi đặc biệt nhấn mạnh những
mặt các em đã làm được để các em có chí hướng phấn đấu. Riêng về lỗi của
từng em do đã nhận xét trong bài nên tôi không nêu cụ thể để giữ thể diện cho
các em. Đồng thời, tôi thường cho học sinh đọc một vài bài tiêu biểu để tuyên
dương các em viết tốt, vừa khích lệ những em chưa tốt phải cố gắng.

2.4. Những kết quả ban đầu
Chú trọng hướng dẫn học sinh lớp 12 ôn luyện dạng đề nghị luận về hai ý
kiến bàn về văn học là một việc làm phù hợp với thực tiễn và xu hướng ra đề
hiện nay. Với những việc đã làm, tôi đã giúp cho học sinh của mình không còn
tâm lí sợ, xa lạ, trừu tượng khi bắt gặp dạng đề này. Các em không chỉ nắm bắt
được những kiến thức cơ bản về dạng đề mà còn chủ động, tự tin và linh hoạt
khi viết bài. Do đã được trang bị kiến thức, đã được ôn luyện nên khi bắt gặp bất
kì một ý kiến nào về văn học các em cũng biết cách làm, nhiều em còn biết bày
tỏ quan điểm, chính kiến, cái tôi sắc sảo. Các em không còn tâm lí ngại học văn,
chán học văn và đặc biệt là tâm lí sợ hãi trước những dạng đề khó. Một số em
khi được hỏi còn thích dạng đề này vì các em cho rằng ở dạng đề này không
phải học thuộc, không phải gò bó mà chỉ cần nhớ các bước làm bài, linh hoạt,
chủ động vận dụng kiến thức lí luận và tác phẩm văn học là làm được. Có em
còn tự tìm đề viết bài, xin thêm đề của cô để viết và nhờ cô giáo sửa chữa.
Sau khi hướng dẫn học sinh ôn tập dạng đề này, học sinh của tôi đã nắm
được những kiến thức cơ bản về dạng đề, các em biết trong dạng đề này có
những dạng đề nhỏ nào, với mỗi dạng đề nhỏ các bước làm bài ra sao. Do được
luyện tập lập dàn ý nên bài viết các em rất rõ ràng ở các khâu: giải thích, chứng
minh, bình luận, mở rộng nâng cao vấn đề. Và được giáo viên ra đề luyện viết
thường xuyên ở cả trên lớp, ở nhà nên bài viết của các em đã hạn chế được
những lỗi cơ bản về hành văn, dùng từ, đặt câu…, các em viết rõ ý, chắc ý, luận
điểm, luận cứ rõ ràng; nhiều em còn viết có chiều sâu, lập lập chặt chẽ, lời văn
sắc sảo.
Để cụ thể hóa những việc đã làm được của học sinh, tôi đã làm một phép
so sánh và thu được kết quả như sau:
Đối tượng là học sinh lớp 12B4, năm học 2015 – 2016
- Trước khi học sinh được hướng dẫn ôn tập dạng đề nghị luận về hai ý kiến bàn
về văn học.
Mức độ nắm kiến thức
Tổng

số HS
40

Tốt
SL
0

Khá
Tỉ lệ
0%

SL
3

Tỉ lệ
7,5%

Trung bình
SL
27

Tỉ lệ
67,5%

Không nắm
được
SL
Tỉ lệ
10
25%

18


- Kết quả bài viết số 3 sau khi đã được giáo viên hướng dẫn ôn tập.
Mức độ nắm kiến thức
Tổng
Không nắm
Tốt
Khá
Trung bình
số HS
được
SL
Tỉ lệ
SL
Tỉ lệ
SL
Tỉ lệ
SL
Tỉ lệ
40
15
37,5%
17
42,5%
8
20%
0
0%
Như vậy, học sinh đã có những chuyển biến rõ rệt. Kết quả này còn được

thể hiện qua kết quả kì thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2016. Tuy chỉ là
một lớp thường nhưng ở lớp 12B4 có một số em đạt điểm khá cao. Em Lê Thị
Xinh 8 điểm môn văn; em Lê Văn Ngọc 7,5 điểm; em Ngô Thị Tình 7,5 điểm;
em Lê Thị Thu Trang 7,0 điểm; em Nguyễn Ngọc Sơn 7,0 điểm.
Ngoài ra, cách làm này tôi còn áp dụng cho tất cả các lớp mà mình giảng
dạy và suốt một quá trình từ khi đang còn tách hai kì thi tốt nghiệp và đại học.
Trường tôi tuy là một trường tiền thân là bán công, chất lượng đầu vào thấp
năng lực cảm thụ văn chương của học sinh không cao nhưng với những biện
pháp tôi đã áp dụng khi hướng dẫn học sinh ôn luyện dạng đề này kết quả thi
Đại học và học sinh giỏi tỉnh đã đạt được một số thành quả :
Kì thi đại học năm 2010 : Em Hoàng Thị Huệ ( Đại học Công Đoàn): 8,5
điểm môn văn; Em Lê Thị Công (Đại học văn hóa): 8.0 điểm môn văn, em Lê
Thị Dung (ĐH Ngoại Ngữ TPHCM ) : 8.0 điểm môn văn.
Kì thi đại học năm 2011 em : Lê Bá Huy (Đại học An Ninh): 8.0 điểm
môn văn, em Nguyễn Thị Mai (ĐH Đà Lạt): 8.0 điểm môn văn.
Kì thi đại học năm 2013, em Lại Thị Thảo (Đại học khoa học xã hội và
nhân văn) : 8,75 điểm môn văn ; em Lê Thị Lan Anh (Học viện báo chí và tuyên
truyền) : 8,0 điểm môn văn.
Năm học 2012 – 2013 : em Bùi Thị Liên đạt giải ba môn văn cấp tỉnh; em
Lại Thị Thảo đạt giải ba môn văn cấp tỉnh.
Tuy nhiên, sự chuyển biến của học sinh cần có quá trình lâu dài, không
chỉ cung cấp kiến thức mà còn hướng dẫn học sinh ôn tập và không chỉ ôn tập
một dạng đề mà nhiều dạng đề. Việc ôn tập phải kết hợp với khích lệ, rèn luyện
học sinh viết bài và sửa chữa cho các em. Nhưng với những kết quả mà các em
đã đạt được, là niềm động viên, an ủi, khích lệ đối với tôi để tôi có thêm động
lực tiếp tục tìm tòi những bài dạy hay, những phương pháp ôn luyện hiệu quả.

19



3. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
3.1. Kết luận
Bằng những việc làm cụ thể không chỉ trong những tiết dạy văn mà cả
trong những giờ ôn tập, tôi đã giúp cho học sinh trong những lớp mình dạy thấy
được vai trò của văn học, thấy được việc học văn, làm đề văn không khó mà cơ
bản là phải biết cách học, biết cách ôn tập để áp dụng linh hoạt, sáng tạo vào
những đề văn cụ thể.
Với đề tài này, tôi đã hướng dẫn, cụ thể hóa cách làm một dạng đề văn
khó. Học sinh của tôi đã nắm bắt được những vấn đề cơ bản, đã biết áp dụng vào
làm bài để đạt được kết quả cao nhất có thể. Qua đề tài này, tôi cũng đã chỉ cho
học sinh thấy được kiến thức văn là vô cùng, đề văn có nhiều dạng nhưng càng
có khát khao khám phá sẽ càng thấy được cái hay, cái đẹp trong mỗi trang văn
cũng như vẻ đẹp trong tâm hồn con người sẽ không bao giờ vơi cạn.
So với mục đích ban đầu đặt ra, tuy thời lượng ôn tập dành cho dạng đề
này không nhiều nhưng tôi đã chỉ cho các em thấy những kiểu bài cụ thể, hướng
dẫn học sinh cách làm. Tôi vừa cung cấp cho học sinh kiến thức về các ý kiến,
nhận định về văn học, vừa chỉ cho các em cách nắm bắt những ý kiến đó. Tôi
còn khuyến khích các em viết bài, chấm bài công bằng, nghiêm túc, chữa bài
chu đáo nên đã động viên, khích lệ học sinh nhiệt tình viết bài. Qua việc hướng
dẫn học sinh khám phá một dạng đề khó, tôi cũng mong rằng những kinh
nghiệm của mình đã giải mã được một phần kiến thức Ngữ văn, góp phần nâng
cao chất lượng học tập, ôn luyện bộ môn.
3.2. Kiến nghị
Qua đề tài này, tôi cũng xin kiến nghị với nhà trường nên tổ chức những
buổi tọa đàm hoặc báo cáo chuyên đề về nội dung cũng như phương pháp giảng
dạy bộ môn. Từ đó giáo viên có điều kiện trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn
nhau góp phần nâng cao trình độ chuyên môn. Ngoài ra, nhà trường cũng nên tổ
chức những đêm thơ, là cơ hội để giáo viên và học sinh thể hiện niềm đam mê
văn học cũng như cơ hội để bồi dưỡng kiến thức văn học và thắp sáng lên tình
yêu văn học.

Trên đây là một số kinh nghiệm nhỏ được rút ra trong quá trình giảng dạy
và ôn luyện. Tôi rất mong nhận được ý kiến đóng góp, trao đổi của đồng nghiệp
xung quanh vấn đề mà tôi đã đề cập. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng giảng
dạy và làm cho công việc dạy và học văn thêm nhiều ý nghĩa.
XÁC NHẬN CỦA THỦ TRƯỞNG
ĐƠN VỊ

Thanh Hóa, ngày 24/05/2017
Tôi cam đoan đây là SKKN của
mình viết, không sao chép nội dung
của người khác.

Mai Thị Bình
20


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. http://Giáo dục thời đại.vn/trao đổi kĩ năng dạy làm văn nghị luận cho học
sinh giỏi.
2. WWW.Tiền phong.vn/ lập dàn ý cho kiểu bài nghị luận tổng hợp hai ý kiến.
3. Thầy Hiếu.net/ kinh nghiệm làm văn.
4. Thu Trang.edu.vn/ dàn ý cho kiểu bài nghị luận hai ý kiến bàn về văn học.
5. Triệu Thị Huệ nghị luận về hai
ý kiến, hai vấn đề trong kiểu bài nghị luận văn học.

21


DANH MỤC
CÁC ĐỀ TÀI SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM ĐÃ ĐƯỢC HỘI ĐỒNG

ĐÁNH GIÁ XẾP LOẠI CẤP SỞ GD&ĐT VÀ CÁC CẤP CAO HƠN XẾP
LOẠI TỪ C TRỞ LÊN
Họ và tên tác giả: Mai Thị Bình
Chức vụ và đơn vị công tác: Giáo viên, Trường THPT Triệu Sơn 6
TT

Tên đề tài SKKN

1

Hướng dẫn học sinh lớp 12
ôn thi Đại học dạng đề so
sánh phần văn xuôi

Kết quả
đánh giá
xếp loại
Sở GD&ĐT Loại C
Cấp đánh
giá xếp loại

Năm học
đánh giá
xếp loại
Năm học
2012 - 2013

--------------------------------------------

22




×