Tải bản đầy đủ (.pdf) (64 trang)

Những đóng góp của quang trung nguyễn huệ trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa xã hội ở thế kỷ XVIII

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.65 MB, 64 trang )

LỜI CẢM ƠN
Xin trân trọng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến cô giáo Th.s Trần Thị Tuyết
Nhung, người đã tận tình hướng dẫn tôi thực hiện và hoàn thành đề tài này.
Xin bày tỏ lòng biết ơn quý thầy cô giáo đã giảng dạy và đóng góp những
ý kiến quý báu cho tôi trong quá trình học tập.
Xin chân thành cảm ơn khoa Khoa học Xã hội, Phòng Đào tạo, Trường
Đại học Quảng Bình đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tôi học tập và nghiên
cứu.
Cảm ơn những người thân yêu trong gia đình, bạn bè đã động viên giúp
đỡ tôi trong suốt thời gian học tập và thực hiện đề tài nghiên cứu.

Tác giả

Mai Thị Hiền


LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của chính tôi thực hiện,
dưới sự hướng dẫn của Th.s Trần Thị Tuyết Nhung. Các tài liệu, nhận định trong
khóa luận là hoàn toàn trung thực. Tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về nội
dung khoa học của công trình này.
Đồng Hới, tháng 5 năm 2016
Tác giả khóa luận

Mai Thị Hiền


MỤC LỤC


MỞ ĐẦU


1. Lý do chọn đề tài
Cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII là giai đoạn đất nước không ổn định, do
việc tranh giành của các thế lực phong kiến cát cứ. Đặc biệt vào thời Trịnh Nguyễn phân tranh (1627 - 1672), đã dẫn đến thế cục đất nước bị chia cắt thành
hai chính quyền Đàng Trong và Đàng Ngoài. Trong khi đó, giai cấp thống trị
đua nhau ăn chơi hưởng lạc, từ vua chúa cho đến bọn quan lại, cường hào địa
phương đều sống cuộc sống sa đọa, không còn quan tâm đến đời sống nhân dân
như trước. Tình trạng đói kém, hạn hán, lũ lụt thường xuyên làm cho nhân dân
thêm sầu oán. Chính điều này đã dẫn đến nhiều phong trào đấu tranh của nhân
dân nổ ra khắp nơi, từ miền xuôi cho đến miền ngược nhằm chống lại chính sách
cai trị hà khắc của các chính quyền phong kiến Trịnh - Nguyễn. Mặc dù, các
phong trào nông dân trong giai đoạn này đều bị dập tắt, nhưng nó đã tạo điều
kiện và mở đường cho phong trào nông dân rộng lớn sau này. Trong đó, tiêu
biểu nhất là phong trào nông dân Tây Sơn, do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn
Huệ, Nguyễn Lữ lãnh đạo và thiết lập nên vương triều Tây Sơn.
Triều đại Quang Trung đã đưa ra và tiến hành những cải cách tiến bộ, nhằm
xây dựng đất nước thịnh vượng, mang đến cuộc sống no đủ cho nhân dân.
Những chính sách của triều đại Quang Trung được tiến hành trong bối cảnh lúc
bấy giờ đã đạt được những thắng lợi nhất định, từng bước phục hồi nền kinh tế
nước nhà về nhiều mặt như nông nghiệp, công thương nghiệp hay trong lĩnh vực
văn hóa - giáo dục… Nhưng những chính sách cải cách tiến bộ đó lại không
được thực hiện một cách triệt để, phải bỏ dở cùng với cái chết đột ngột của vua
Quang Trung, cũng như những hạn chế trong quá trình thực hiện cải cách đó và
sau này là sự sụp đổ của cả vương triều Tây Sơn.
Là một sinh viên khoa học ngành sư phạm Văn - Sử, tôi không thể không
quan tâm đến các nhân vật lịch sử, nhất là đối với những con người từng có
đóng góp hết sức to lớn đối với lịch sử dân tộc như Quang Trung - Nguyễn Huệ.
Chính vì vậy tôi mà đã quyết định chọn đề tài “Những đóng góp của Quang
Trung - Nguyễn Huệ trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa xã hội ở thế kỷ XVIII ” để làm bài khóa luận cuối năm của mình, tôi nghĩ rằng
qua nghiên cứu đề tài này nó sẽ giúp ích rất nhiều cho tôi trong công tác nghiên
cứu khoa học và thực tiễn, hơn nữa thông qua việc nghiên cứu đề tài sẽ đóng

góp trong việc giải quyết một phần nhỏ những vấn đề còn khúc mắc đối với một
nhân vật lịch sử còn nhiều điều “ẩn chứa” này.


2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Quang Trung - Nguyễn Huệ là một nhân vật hết sức đặc biệt đối với lịch sử
dân tộc ta ở thế kỷ XVIII nên được khá nhiều học giả quan tâm nghiên cứu. Đã
có khá nhiều các công trình xưa và nay đề cập tới Quang Trung - Nguyễn Huệ,
cũng như các hội thảo khoa học về nhân vật lịch sử này.
Cuốn “Đại Nam thực lục” (Nhà xuất bản Sử học) là bộ biên niên sử Việt
Nam viết về triều đại các chúa Nguyễn và các vua nhà Nguyễn. Ghi chép các sự
kiện từ khi chúa Nguyễn Hoàng trấn thủ Thuận Hóa (1558) đến đời vua Khải
Định (1925) do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn.
Cuốn “Lịch sử Việt Nam tập 1- tập 2” (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội Hà
Nội, xuất bản 1971). Giúp chúng ta hiểu lịch sử các vua Hùng đến thời kỳ Tây
Sơn, qua gần bốn mươi thế kỷ. Cuối thế kỷ XVIII, ách thống trị tàn bạo của giai
cấp phong kiến đưa xã hội Việt Nam đến tình trạng hỗn loạn và đổ nát. Công lao
của Tây Sơn đối với lịch sử là rất vĩ đại, nhân dân Việt Nam sẽ nhớ mãi. Họ kế
tục, phát triển và đưa sự nghiệp của Quang Trung tiến lên ngang với tầm vóc
của thời đại, khi ngọn cờ giải phóng dân tộc sẽ chuyển sang tay giai cấp lịch sử
tiên tiến nhất, dân tộc Việt Nam cùng với loài người tiến bộ sẽ chiến thắng chủ
nghĩa đế quốc và mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử thế giới.
Ngoài ra, còn có khá nhiều công trình nghiên cứu khác như: “Quang Trung,
anh hùng dân tộc 1788 - 1792”, nhà xuất bản Bốn phương - 1951; “Nhà Tây
Sơn”, nhà xuất bản trẻ TP.Hồ Chí Minh - 2000…vv.
Với kinh nghiệm và thời gian có hạn tác giả chọn vấn đề trên với hi vọng
làm rõ hơn về “Những đóng góp của Quang Trung - Nguyễn Huệ trong lĩnh vực
kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa - xã hội ở thế kỷ XVIII” làm tiền đề cơ sở cho
bài khóa luận của mình.
3. Phạm vi, đối tượng nghiên cứu

Đề tài tập trung làm rõ những vấn đề sau:
Thứ nhất, tìm hiểu về tình hình Việt Nam ở thế kỷ XVIII, giới thiệu khái
quát tình hình chính trị - xã hội Đàng Trong, trong đó nổi bật là phong trào nông
dân Tây Sơn 1771 - 1788, cuộc kháng chiến chống Mãn Thanh 1789 và sự thiết
lập triều đại Quang Trung 1789 - 1802.
Thứ hai, tìm hiểu về tiểu sử của Quang Trung - Nguyễn Huệ, vị trí của ông
trong lịch sử dân tộc và đặc biệt là những đóng góp to lớn của ông về kinh tế,
chính trị, quân sự, văn hóa - xã hội ở thế kỷ XVIII, qua đó đánh giá những hạn
chế của Quang Trung - Nguyễn Huệ.


4. Nhiệm vụ nghiên cứu
Việc nghiên cứu về vấn đề trên đã trình bày và phân tích tương đối tỉ mĩ về
các cuộc chiến tranh và từng trận đánh. Tài liệu được sưu tầm giúp cho người
đọc hiểu được rõ ràng hơn, có căn cứ hơn về tình hình bối cảnh xảy ra ở thời
điểm đó. Điều đáng chú ý là người viết không chỉ trình bày mà còn tiến lên một
bước nữa phân tích được những đóng góp to lớn của Quang Trung - Nguyễn
Huệ. Hiện nay vấn đề này cũng là một vấn đề cần phải nghiên cứu. Khi nói đến
nội dung này tôi đã chú trọng nhiều về mặt sử liệu. Việc dùng tiếng nói của cha
ông ta, của Việt Nam cũng như việc dùng nghệ thuật quân sự Việt Nam để phân
tích lịch sử nói chung hiện nay vẫn còn có chỗ lúng túng. Chúng ta cần tiếp tục
nghiên cứu để dần dần giải quyết vấn đề này.
5. Phương pháp nghiên cứu
Để hoàn thành khóa luận tác giả sử dụng các phương pháp sau:
Thứ nhất, phương pháp sử học Mác xít trên cơ sở vận dụng chủ nghĩa duy
vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử để có thể tránh được những khuynh
hướng tách rời điều kiện lịch sử cụ thể với những điều kiện đặt ra một cách quá
đáng.
Thứ hai, các phương pháp liên ngành trong quá trình nghiên cứu tác giả sử
dụng đó là: phân tích tổng hợp, so sánh, đối chiếu sử liệu bởi lẽ với một điều

đơn giản rằng, đây là một giai đoạn đầy uẩn khúc trong suốt quá trình phát triển
của lịch sử nước nhà, cũng do vậy mà việc đánh giá với tư cách là sản phẩm của
thời đại, là một vấn đề không hề đơn giản. Do đó cần phải luôn đặt nó trong
những mối liên hệ vào những hoàn cảnh lịch sử nhất định, để rồi mới có thể thấy
được những công việc đã làm được hoặc chưa làm được của ông so với những
nhu cầu của đất nước đặt ra, và qua đó cũng tìm ra được những kết luận, đánh
giá về ông một các khách quan nhất.
6. Đóng góp của đề tài
Mặc dù rất khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn tư liệu, và có nhiều điều
còn bỡ ngỡ trong việc bước đầu làm quen với công tác nghiên cứu, cũng như là
khả năng tư duy còn hạn chế, hơn thế nó còn là một đề tài tương đối rộng qua sự
xâu chuỗi của một quá trình lịch sử cũng như những dư âm còn động lại trong
dân gian cho đến nay đã làm cho mỗi chúng ta cần phải có sự cân nhắc khi chọn
và nghiên cứu đề tài này. Song với sự say mê, niềm tâm huyết bước đầu của một
nhà nghiên cứu, cộng với sự giúp đỡ của các thầy cô giáo, các anh chị sinh viên
trước và cùng khóa dường như đã tiếp thêm cho tôi một động lực, một sức mạnh


giúp tôi nhanh chóng hoàn thành đề tài này. Qua đề tài này mặc dù tuy không
đủ, toàn diện trong khi nghiên cứu, song tôi cũng hi vọng mình có thể cung cấp
những thông tin cần thiết nhất về bối cảnh lịch sử, cuộc đời và sự nghiệp của
Quang Trung - Nguyễn Huệ, những đóng góp to lớn của ông. Xa hơn nữa là có
thể đóng góp một phần nào đấy vào sự nghiệp của nền sử học nước nhà.
7. Bố cục của đề tài
Đề tài “Những đóng góp của Quang Trung - Nguyễn Huệ trong các lĩnh
vực về kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa - xã hội ở thế kỷ XVIII” ngoài phần
mở đầu, kết luận thì nội dung được chia thành hai chương cụ thể như sau:
Chương 1. Tình hình Việt Nam ở thế kỷ XVIII.
Chương 2. Đóng góp của Quang Trung - Nguyễn Huệ đối với lịch sử dân
tộc Việt Nam ở thế kỷ XVIII.



CHƯƠNG 1. TÌNH HÌNH VIỆT NAM Ở THẾ KỶ XVIII
1.1. Tình hình chính trị - xã hội Đàng Trong
1.1.1. Kinh tế suy thoái
Trong thời Trịnh - Nguyễn phân tranh và sau đó là giai đoạn đất nước bị
chia cắt, kinh tế Đàng Trong phát triển có phần mạnh mẽ hơn Đàng Ngoài. Với
ưu thế đó, những dấu hiệu suy thoái kinh tế ở vùng đất phía nam cũng đến chậm
hơn. Hai nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở Đàng Trong là kinh
tế hàng hóa trong nông nghiệp và ngoại thương bắt đầu có chiều hướng sa sút từ
những năm đầu thế kỷ XVIII. Lúc này, tàu buôn phương Tây hầu như không đến
nữa, tàu buôn nước ngoài tham gia vào hoạt động ngoại thương ở Đàng Trong
chủ yếu chỉ còn các thương nhân Hoa kiều. Đến giữa thế kỷ XVIII, thương cảng
Hội An vốn sầm uất đã trở nên rất thưa thớt tàu bè ra vào.
Suy thoái kinh tế thể hiện rõ trong sản xuất nông nghiệp, nhất là ở vùng
Thuận - Quảng. Đây là nơi đất chật, người đông, vậy mà từ giữa thế kỷ XVIII,
hiện thượng dân bỏ ruộng hoang ngày càng trở nên phổ biến. Đến năm 1774,
theo Lê Qúy Đôn thì xứ Thuận Hóa có 9 huyện, ruộng đất toàn bộ có 256.507
mẫu, nhưng thực cày cấy chỉ có 153.600 mẫu, số còn lại phần lớn bị bỏ hoang.
Xứ Quảng Nam có 25 huyện, ruộng đất nhiều gấp bội so với Thuận Hóa, nhưng
ruộng thực cày cấy cũng chỉ được khoảng 27 vạn mẫu. Huyện nào cũng có
ruộng hoang. Đó là những ruộng đất cằn cỗi khó canh tác, dân không chịu nổi
thuế phải bỏ hoang. Trong khi đó, những ruộng đất tốt lại “bị bọn nhà giàu xâm
chiếm khiến người nghèo không có mảnh đất cắm dùi, cho nên người giàu càng
giàu, người nghèo càng nghèo, thiếu thuế, dân lưu li”. Các ngành thủ công
nghiệp, khai thác lâm sản… cũng sa sút. Kinh tế Đàng Trong lâm vào tình trạng
đình đốn, suy thoái nghiêm trọng.
1.1.2. Chính trị suy đồi
Bất lực trước tình trạng kinh tế suy thoái, chính quyền Đàng Trong tỏ ra
bàng quan, chỉ biết chăm lo củng cố quyền lực và lợi ích riêng của mình. Năm

1774, Nguyễn Phúc Khoát xưng vương, cho xây dựng kinh đô ở Phú Xuân.
Quan lại cao cấp đua nhau xây dựng dinh thự, tiêu phí vô cùng tốn kém cho việc
ăn chơi xa xỉ, tổ chức yến tiệc linh đình. Trong vòng 7 năm (từ 1747 đến 1752),
chính quyền họ Nguyễn thu vào trên 5.768 lạng vàng, 45.404 lạng bạc các loại
và hơn 2 triệu quan tiền. Số dân phải đóng góp còn gấp hai ba lần số đó vì “về
nhà nước được một phần thì kẻ trưng thu lấy hai phần”.


Mức độ bóc lột vơ vét và tham những của hệ thống chính quyền càng trở
nên tệ hại từ khi quyền thần Trương Thúc Loan phế truất Hoàng Tôn Dương,
đưa Nguyễn Phúc Thuần khi ấy mới 12 tuổi lên ngôi Chúa vào năm 1765. Y cậy
thế hãm hại những người chống đối và chuyên quyền tự xưng là quốc phó, mặc
sức bóc lột, vơ vét làm giàu.
Dưới thời Trương Thúc Loan lộng hành, chuyên quyền, chính sự Đàng
Trong cực kì thối nát. Ngoài Trương Thúc Loan, những kẻ được Trương Phúc
Thuần coi là thân cận còn có Nguyễn Noãn và Nguyễn Nghiễm. Ở làng xã bọn
lý dịch và cường hào cũng mặc sức hoành hành. Mỗi xã có đến 17 tướng thần và
20 xã trưởng.
1.1.3. Đời sống cùng cực và sự phản kháng của nhân dân
Kinh tế suy thoái, thuế khóa nặng nề, quan lại tham nhũng đã làm cho đời
sống nhân dân Đàng Trong cơ cực, gây bất bình cho mọi tầng lớp nhân dân. Từ
những năm 30, thiên tai lụt lội lại xảy ra liên miên khiến cho những vùng trù
phú nhất cũng có khi lâm vào nạn đói. Thuận Hóa và Quảng Nam là hai xứ chịu
cảnh đói khổ trầm trọng nhất. Giữa vùng Thuận - Quảng cũ và Gia Định vốn có
mối quan hệ ngoại thương chặt chẽ, một phần lương thực quan trọng của vùng
này được cung cấp từ đồng bằng Nam Bộ. Từ khi tiền kẽm phát hành, dân Gia
Định không bán thóc gạo lấy tiền, miền Trung lâm vào cảnh thiếu lương thực
trầm trọng. Năm 1752, một nạn đói lớn đã xảy ra làm nhiều người chết đói. Từ
năm 1769, đói kém xảy ra liên tục trong 4, 5 năm liền. Thê thảm nhất là nạn đó
lớn ở Thuận Hóa năm 1774.

Từ giữa thế kỷ XVIII, sử sách bắt đầu ghi chép nhiều đến hiện tượng
“trộm cướp nổi dậy tứ tung”. Cuộc sống khốn cùng đã đẩy con người vào con
đường nổi dậy. Năm 1747, ở Gia Định cuộc khởi nghĩa do thương nhân Hoa
kiều Lý Văn Quang cầm đầu bùng nổ. Bất bình với chính sách chèn ép thương
nhân của Nguyễn Phúc Khoát, Lý Văn Quang họp bè đảng chừng 300 người,
chiếm cứ bãi Đông Phố và dự định đánh úp dinh Trấn Biên. Tuy nhiên, cuộc nổi
dậy nhanh chóng bị dập tắt.
Lẽ tẻ ở nhiều nơi cũng đã nổ ra những cuộc bạo động của nông dân. Cho
đến trước phong trào Tây Sơn, khởi nghĩa lớn nhất là cuộc nổi dậy ở phủ Quy
Nhơn do Lía lãnh đạo. Vốn xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, đã
từng phải đi ăn xin, đi ở cho địa chủ, chàng Lía (còn có tên là Doan) sớm nhận
ra sự bất công trong xã hội và thấu hiểu sự thống khổ của nhân dân. Là người có
sức khỏe và giỏi võ nghệ, gặp khi nạn đói xảy ra, nhân dân phẫn uất, Lía đã tập


hợp dân nghèo nổi dậy khởi nghĩa. Nghĩa quân Lía đã xây dựng căn cứ ở
Truông Mây (nay thuộc xã Ân Đức, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) để chống
lại họ Nguyễn. Hoạt động chủ yếu của nghĩa quân là đánh cướp nhà giàu lấy gạo
thóc, của cải chia cho người nghèo. Cuối cùng, cuộc khởi nghĩa cũng bị đàm áp,
căn cứ Truông Mây bị vây hãm, Lía buộc phải tự sát.
Đến những năm 70, Đàng Trong đã ở vào đêm trước của một cơn going
bão lớn. Đó chính là phong trào nông dân quật khởi dấy lên từ đất Tây Sơn.
1.2. Phong trào nông dân Tây Sơn (1771 - 1788)
Vào những năm 70 của thế kỷ XVIII, lòng căm giận của nhân dân Đàng
Trong chồng chất, đã châm ngòi cho sự bùng nổ phong trào đấu tranh chống lại
quan quân nhà Nguyễn, trong đó phong trào nông dân Tây Sơn là một phong
trào đỉnh cao.
Lãnh đạo phong trào Tây Sơn là ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ,
Nguyễn Lữ. Tổ tiên của họ thuộc dòng dõi họ Hồ ở huyện Hưng Yên (Nghệ
An), vào khoảng giữa thế kỷ XVII bị quân Nguyễn bắt vào Đàng Trong rồi đưa

lên miền tây huyện Tuy Viễn, phủ Quy Ninh, khai phá đất hoang lập ra ấp Tây
Sơn, nay thuộc hai thôn An Khê và Cửu An, huyện An Khê, tỉnh Gia Lai. Lúc
đó, Tây Sơn là cả một vùng rộng lớn bao quanh đèo An Khê. Phía Tây là
Thượng đạo còn vùng chân đèo phía Đông là Hạ đạo. Đây là nơi sinh ra và lớn
lên của ba lãnh tụ Tây Sơn. Thuở nhỏ cả ba anh em nhà Tây Sơn được học thầy
giáo Hiến (ông là nho sĩ có tài nhưng bất bình với quyền thần Trương Thúc
Loan, tìm đến đất Tây Sơn mở trường dạy học). Lớn lên Nguyễn Nhạc đi buôn
trầu nên thường qua lại miền thượng, có quan hệ mật thiết với đồng bào dân tộc
Bana và dân tộc Chăm. Có điều kiện đi lại nhiều vùng, thấy được sự thối nát của
chính quyền họ Nguyễn và thấu hiểu nổi thống khổ của nhân dân, nhất là các
vùng dân tộc thiểu số ở cao nguyên, Nguyễn Nhạc cùng các em đã liên kết với
các hào kiệt cùng chí hướng phát động một cuộc khởi nghĩa chống lại chính
quyền thống trị.
Căn cứ đầu tiên của nghĩa quân Tây Sơn được xây dựng sâu trong núi rừng
Tây Nguyên thuộc xã Yang Nam, huyện An Khê, tỉnh Gia Lai (Thượng đạo).
Sau một thời gian chuẩn bị chu đáo và được sự hưởng ứng của đông đảo đồng
bào miền Thượng, thủ lĩnh Nguyễn Nhạc đã cho xây dựng đồn lũy ngay trên
đỉnh đèo An Khê.
Mùa xuân năm Tân Mão (1771), ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ,
Nguyễn Lữ triệu tập nhân dân phất cờ khởi nghĩa ở ấp Tây Sơn, tỉnh Bình Định.


Lợi dụng mâu thuẫn giữa các bè phái trong nội bộ giai cấp thống trị, nhằm
cô lập kẻ thù, nghĩa quân tiến xuống chiếm đánh vùng Hạ đạo. Nguyễn Nhạc,
thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa khôn khéo đưa ra khẩu hiệu: “Đánh đổ quyền thần
Trương Thúc Loan, ủng hộ Hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương”. Nhờ có sách lược
khôn khéo đó, nghĩa quân Tây Sơn đã nhanh chóng thu hút được nhiều tầng lớp
nhân dân ủng hộ, số người tham gia khởi nghĩa ngày càng đông.
Đồng thời thủ lĩnh Nguyễn Nhạc cũng đưa ra thêm khẩu hiệu: “Lấy của nhà
giàu chia cho nhà nghèo”, trong suốt quá trình diễn biến khởi nghĩa, nghĩa quân

Tây Sơn đã hành động như vậy nên nhanh chóng tập hợp được lực lượng đông
đảo tầng lớp nghèo khổ lúc bấy giờ. Ngoài những người dân nghèo đi theo nghĩa
quân còn có cả một số thổ hào giàu có như: Huyền Khê, Nguyễn Thung và
thương nhân Hoa Kiều như Lý Tài, Tập Đình.
Các lãnh tụ Tây Sơn còn liên kết được với lực lượng người Chăm ở Phú
Yên. Thời gian đầu hoạt động của nghĩa quân chủ yếu là tấn công vào bộ máy
chính quyền ở các làng xã, trừng trị bọn quan thu thuế, đốt sổ thuế và các văn tự
vay nợ, tuyên bố bãi bỏ các thứ thuế, tịch thu của cải của bọn quan lại, địa chủ
cường hào, lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo. Vì vậy, nghĩa quân đi đến đâu đều
được nhân dân nghèo hưởng ứng gia nhập. Cuộc khởi nghĩa phát triển nhanh
chóng với khí thế hết sức mạnh mẽ.
Đến cuối năm 1773, nghĩa quân giải phóng được hai phủ đó là Quy Nhơn
và Quảng Ngãi tiến vào giải phóng Phú Yên, Bình Thuận. Sau khi triều đình tạm
hòa hoãn với quân Trịnh ở phía Bắc để tập trung diệt quân Nguyễn ở phía Nam,
liên tục các năm 1776, 1777, 1778, 1782, 1785, 5 lần nghĩa quân Tây Sơn tiến
công vào Gia Định và đều giành thắng lợi, đẩy quân Nguyễn vào thế hoàn toàn
bị tan rã, phải chạy trốn ra các hải đảo, sang sống lưu vong bên đất Xiêm, chính
quyền phong kiến họ Nguyễn cát cứ Đàng Trong trên 200 năm bị đánh đổ.
Phong trào nông dân Tây Sơn đã giải phóng hầu hết các phần đất Đàng
Trong. Với các thắng lợi quan trọng này đã làm bàn đạp để phong trào Tây Sơn
tiến công đánh đổ tập đoàn phong kiến Đàng Ngoài suy tàn, phản dân, hại nước;
đánh bại các đội quân xâm lược hùng mạnh của Xiêm - Thanh, bảo vệ nền độc
lập của dân tộc và đặt cơ sở quan trọng cho sự thống nhất đất nước sau này.


1.3. Cuộc kháng chiến chống Mãn Thanh 1789
Tình thế nước nhà lúc ấy, phía Bắc có giặc ngoại xâm, phía Nam có bọn
phản động Nguyễn Ánh quấy rối, việc đại quân của Nguyễn Huệ ở Phú Xuân
tiến vào Nam hay tiến ra Bắc là một vấn đề quan trọng, quyết định vận mệnh
của Tổ quốc, đòi hỏi người tướng chỉ huy phải có một sự tính toán vững chắc,

một nhận định thật sáng suốt về đường lối chiến lược của mình.
Trong những năm tháng cuối năm 1788, Nguyễn Ánh đánh phá dữ dội ở
miền Gia Định, Nguyễn Nhạc nhiều lần viết thư yêu cầu Nguyễn Huệ đưa quân
vào Gia Định. Bởi vì ở ngoài Bắc, 20 vạn quân Thanh đang chuẩn bị tiến sang
xâm lược. Đó là vấn đề quan trọng bậc nhất lúc ấy. Nếu Nguyễn Huệ đem đại
quân vào Nam đánh Nguyễn Ánh thì khi quân Thanh sang xâm lược, Nguyễn
Huệ sẽ không đối phó kịp thời. Và Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc để đón đánh
20 vạn quân Thanh tại biên giới, thắng lợi chưa chắc đã dễ dàng nhanh chóng.
Để xảy ra tình trạng cùng một lúc phải đương đầu với thù trong giặc ngoài ở cả
hai mặt trận phía Bắc và phía Nam thì thật là nguy hiểm. Cho nên quân đội của
Nguyễn Huệ ở Phú Xuân, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu từ lâu, mà đến bây giờ
Nguyễn Huệ mới hạ lệnh xuất quân là hợp thời, đúng lúc. Trước khi tiến quân ra
Bắc, Nguyễn Huệ cho một tướng tin cẩn là Diệm cầm thư của ông vào Gia Định
trao cho tướng chỉ huy quân Tây Sơn trong đó Phạm Văn Tham. Trong thư,
Nguyễn Huệ dặn dò phương hướng chiến lược và động viên quân dân miền Nam
cố gắng chiến đấu, chờ ông giải quyết xong công việc Bắc Hà sẽ tiến quân vào
Nam tiêu diệt bọn phản động Nguyễn Ánh.
Trước khi ra Bắc, để làm sáng tỏ danh nghĩa đối với cả nước về trách nhiệm
của mình đối với toàn dân ở cả hai miền Nam Bắc, ông quyết định lên ngôi
Hoàng Đế ngày 22/12/1788, lấy niên hiệu là Quang Trung. Sau khi làm lễ đăng
quang, Nguyễn Huệ tự thống lĩnh tất cả quân thủy bộ tiến ra Bắc. Ngày 29 tháng
11 năm Mậu Thân tức ngày 26 tháng 12 năm 1788, đại quân tới Nghệ An.
Nguyễn Huệ cho quân đóng lại ở Nghệ An hơn mười ngày. Nguyễn Huệ chia
quân làm năm doanh; tất cả quân lính đưa từ Phú Xuân ra lập ở thành bốn
doanh, tiền quân, hậu quân, tả quân, hữu quân, còn binh lính mới tuyển Nghệ An
thì lập thành doanh trung quân, đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Nguyễn
Huệ. Sau khi phiên chế xong đội ngũ, Nguyễn Huệ tổ chức một cuộc duyệt binh
lớn tại trấn doanh Nghệ An. Trước toàn quân, Nguyễn Huệ tuyên bố:
“Quân Thanh sang xâm lấn nước ta, hiện ở Thăng Long, các ngươi đã biết
chưa ?



Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao nấy, đều đã phân biệt rõ ràng, phương
Nam phương Bắc chia nhau mà cai trị. Người phương Bắc không phải nòi giống
nước ta, bụng dạ ắt khác. Từ đời nhà Hán đến nay, chúng đã mấy phen cướp
bóc nước ta, giết hại nhân dân, vơ vét của cải, người mình không thể chịu nổi, ai
cũng muốn đuổi chúng đi. Đời Hán có Trưng Nữ Vương, đời Tống có Đinh Tiên
Hoàng, Lê Đại Hành, đời Nguyên có Trần Hưng Đạo, đời Minh có Lê Thái Tổ;
các ngài không nỡ ngồi nhìn chúng làm điều tàn bạo, nên đã thuận lòng người,
dấy nghĩa quân, đều chỉ đánh một trận là thắng và đuổi được chúng về phương
Bắc. Ở các thời ấy, Bắc Nam riêng phận, bờ cõi lặng yên, các vua truyền ngôi
lâu dài. Từ đời nhà Đinh tới đây, dân ta không đến nỗi khổ như hồi nội thuộc
xưa kia. Mọi việc lợi, hại, được, mất ấy, đều là chuyện cũ rành rành của các
triều đại trước. Nay người Thanh lại sang, mưu đồ lấy nước Nam ta đặt làm
quân Huyện, không biết trông gương mấy đời Tống, Nguyên, Minh ngày xưa. Vì
vậy ta phải kéo quân ra đánh đuổi chúng. Các ngươi đều là những kẻ có lương
tri lương năng, hãy nên cùng ta đồng tâm hiệp lực, để dựng nên công lớn. Chớ
có quen theo thói cũ, ăn ở hai lòng, nếu như việc phát giác ra, sẽ bị giết chết
ngay tức khắc, không tha một ai, chớ bảo là ta không nói trước !” [7; 359, 360].
Ngày 20 tháng 12 năm Mậu Thân tức ngày 15 tháng 1 năm 1789, đại quân
của Nguyễn Huệ tiến tới núi Tam Điệp. Rồi Nguyễn Huệ hạ lệnh đóng quân lại
ở Tam Điệp một thời gian để tìm hiểu tình hình cụ thể của địch ở Bắc Hà, đồng
thời truyền hịch kể tội quân Thanh xâm lược, gọi Tôn Sĩ Nghị là “tên ngông
cuồng họ Tôn” và động viên nhân dân Bắc Hà đoàn kết, quyết tâm diệt giặc. Bắc
Hà lúc ấy, mấy năm liền mất mùa đói kém, nhất là năm 1788 lại càng đói kém
dữ dội, bọn vua tôi Lê Chiêu Thống phải thu lương thực của nhân dân để nuôi
quân Thanh.
Nhưng các châu huyện đều không có thóc lúa để cung ứng. Chiêu Thống
phải cho quần thần chia nhau đi các nơi đốc thúc lây lương. Trong khi ở Bắc Hà
quân Thanh cướp nước tàn bạo như vậy, quần chúng nhân dân khổ sở như vậy,

bọn phản động Lê Chiêu Thống có những hành động đê hèn, nhục nhã như vậy,
thì bọn Nguyễn Ánh ở Gia Định cũng có những hành động đê hèn nhục nhã
không kém. Chúng cũng cầu mong quân xâm lược nước ngoài cướp nước, vào
giày xéo lên Tổ quốc, chém giết đồng bào của chúng.
Được tin quân Thanh tiến sang cướp nước ở phía Bắc, Nguyễn Ánh mừng
rỡ, vội vàng cho lũ chân tay là bọn Phan Văn Trọng, Lâm Đề mang thư sang
triều đình nhà Thanh tỏ lòng hoan nghênh, thần phục và đem 50 vạn cân gạo để


giúp lương cho quân Thanh đánh chiếm Bắc Hà. Nhưng không may cho bọn
phản động Nguyễn Ánh, hành động nhục nhã của chúng đã không đi đến kết quả
nào. Các thuyền gạo của chúng ra tới biển, gặp bão, bị đắm, cả gạo và người đều
làm mồi cho cá biển. Trong tình hình Bắc Hà hỗn loạn, do quân Thanh xâm lược
và bọn phản động Chiêu Thống gây nên, một vài cựu thần nhà Lê đã trông thấy
nguy cơ có thể bị tiêu diệt, lấy làm lo lắng và muốn có những hành động quân
sự kịp thời.
Nắm được kế hoạch và cách bố trí lực lượng của địch, Nguyễn Huệ chia quân
làm 5 đạo để tiến đánh quân Thanh với những nhiệm vụ cụ thể cho từng đạo quân
như sau:
Đạo quân thứ nhất là đạo quân chủ lực do Nguyễn Huệ trực tiếp chỉ huy, có
Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân làm tiên phong và Hám Hổ Hầu đi hậu quân đốc
chiến. Đạo quân này gồm có cả bộ binh, tượng binh, kỵ binh, làm nhiệm vụ
đánh vào mặt trận chính của quân Thanh trên đường phía Nam kinh thành Thăng
Long.
Đạo quân thứ hai đi đường thủy do đô đốc Nguyễn Văn Tuyết chỉ huy, tiến
vào Sông Lục Đầu, tiêu diệt quân Cần Vương của Lê Chiêu Thống ở Hải Dương
rồi tiến lên uy hiếp cận sườn phía Đông của Tôn Sĩ Nghị đóng ở bờ sông Hồng,
làm tiếp ứng cho đạo quân chủ lực và các đạo quân khác đánh vào Thăng Long.
Đạo quân thứ ba do đại đô đốc Lộc chỉ huy, cũng đi đường thủy cùng với
đạo quân thứ hai. Khi vào đến sông Lục Đầu thì đạo quân thứ ba này sẽ đi gấp

các hạt Phượng Nhãn, Lạng Giang, Yên Thế, để chặn đường chạy về của quân
Thanh.
Đạo quân thứ tư do đại đô đốc Bảo chỉ huy gồm tượng binh và kỵ binh, có
nhiệm vụ đi theo đường Sơn Minh ra làng Đại Áng ở phía Tây Nam đồn Ngọc
Hổi để phối hợp với đạo quân chủ lực tấn công đồn này, vừa là vị trí quan trọng
nhất của mặt trận phía Nam kinh thành Thăng Long, vừa là bản doanh của viên
tướng chỉ huy mặt trận là đề đốc Hứa Thế Hanh.
Đạo quân thứ 5 cũng gồm tượng binh và kỵ binh do đô đốc Long chỉ huy.
Đạo quân này có nhiệm vụ đánh bất ngờ vào Thăng Long, tiến vào Thăng Long
trước tất cả các đạo quân khác làm cho toàn bộ quân địch ở tất cả các mặt trận
xung quanh Thăng Long đều hoang mang, tan rã nhanh chóng.
Sau khi phân phối đội ngũ và trao nhiệm vụ cho các đạo quân, Nguyễn
Huệ hạ lệnh ngày 30 tháng Chạp năm Mậu Thân (tức ngày 25 tháng 1 năm


1789), sẽ xuất quân đến đánh các đồn tiền tiêu của giặc. Ngày hôm ấy, trước khi
lên đường, Nguyễn Huệ cho làm tiệc khao quân và nói với tướng sĩ rằng:
“Nay hãy làm lễ ăn Tết Nguyên Đán trước, đợi đến mồng 7 tháng Giêng
vào thành Thăng Long, sẽ mở tiếc lớn, các ngươi hãy ghi lấy lời ta nói xem có
đúng thế không ”[15; tập 2].
Sau bữa tiệc lên đường, đạo quân chủ lực của Nguyễn Huệ rầm rộ xuất
phát, quân xếp thành hàng lại có voi đi kèm giúp sức.
Ngay đêm hôm ấy, 30 tháng Chạp năm Mậu Thân, đạo quân chủ lực của
Nguyễn Huệ vượt sông Gián Thủy, tấn công vào đồn Gián Khẩu, một đồn tiền
tiêu của giặc do quân Lê Chiêu Thống đóng giữ. Quân Lê hoàn toàn tan vỡ,
tướng Lê là Hoàng Phùng Tứ bỏ chạy. Nguyễn Huệ cho quân theo phía sông
Thanh Quyết tiến lên, dọc đường gặp một tán quân Thanh do thám. Toán quân
này trông thấy bóng quân Tây Sơn vội vàng bỏ chạy. Nửa đêm mồng 3 tháng
Giêng năm Kỷ Dậu tức ngày 28 tháng 1 năm 1789, quân Tây Sơn tiến tới trước
đồn Hà Hồi, một trong những đồn quân quan trọng của quân Thanh ở cách

Thăng Long chừng 20 ki-lô-mét. Nhưng quân Thanh trong đồn không biết gì
hết. Nguyễn Huệ cho vây chặt lấy đồn rồi bắt loa truyền hịch, tiếng quân lính
thưa vang tưởng như có mấy vạn người đang chuẩn bị xung phong vào đồn.
Quân Thanh trong đồn giật mình hoảng sợ, mất hết tinh thần chiến đấu, lũ lượt
ra hàng. Quân Tây Sơn thu hết lương thực, khí giới. Như thế là chỉ trong khoảnh
khắc Nguyễn Huệ đã hoàn toàn tiêu diệt đồn Hà Hồi của quân Thanh mà không
mất một mũi tên, hòn đạn.
Cũng sáng sớm ngày mồng 5 tháng Giêng Kỷ Dậu (tức ngày 30 tháng 1
năm 1789), trong khi đô đốc Long phá tan đồn Khương Thượng, tiến vào Thăng
Long và hàng vạn quân Thanh ở bờ sông Hồng bị tiêu diệt, Tôn Sĩ Nghị phải
chạy trốn, thì Nguyễn Huệ cũng đưa đạo quân chủ lực tiến đánh đồn Ngọc Hồi
của Hứa Thế Hanh, Trương Triều Long. Ngọc Hồi là một đồn kiên cố nhất ở
mặt trận phía Nam Thăng Long, quân đông, tướng giỏi, hỏa lực mạnh, xung
quanh đồn đều đặt địa lôi và cắm chông sắt. Cho nên đánh đồn này, Nguyễn Huệ
đã chuẩn bị tương đối kĩ. Để phá hỏa lực của địch, Nguyễn Huệ cho làm sẵn 20
cái mộc đỡ đạn khá lớn, cứ 3 tấm ván ghép thành một cái mộc, bên ngoài lấy
rơm dấp nước phủ kín. Mờ sáng ngày mồng 5 tháng Giêng, Nguyễn Huệ hạ lệnh
xung phong đánh đồn, tự mình buộc khăn vàng vào cổ tỏ ý quyết chiến và cưỡi
voi ra trận đốc chiến. Đội tượng binh của Nguyễn Huệ gồm hơn 100 voi chiến
rầm rộ ra trận đốc chiến. Đội tượng binh của Nguyễn Huệ gồm hơn 100 voi


chiến rầm rộ xông lên. Quân Thanh trong đồn Ngọc Hồi cho toán kỵ binh tinh
nhuệ vun vút xông ra chặn bước tiến của đoàn voi chiến. Quân hai bên gần nhau,
ngựa quân Thanh trong thấy voi Tây Sơn hoảng sợ, lồng lên chạy về, chà đạp
lẫn nhau. Quân Tây Sơn thúc voi tiến lên bắn giết. Kỵ binh Thanh cắm cổ chạy
về đồn.
Quân Thanh không dám ra ngoài nghênh chiến, phải ở trong đồn cố thủ và
bắn đại bác ra rất dữ dội để cản xung phong của đội voi chiến Tây Sơn. Nguyễn
Huệ hạ lệnh cho đội voi chiến chia ra làm hai cánh tả hữu, đánh vào hai bên

sườn địch và bộ binh cũng chia ra làm hai: một cánh đi vòng qua phía sau đồn
Ngọc Hồi, đóng ở phía Đông đê Yên Duyên để chặn đường rút chạy về Tây
Long của quân Thanh ở Ngọc Hồi, một cánh xung phong đánh thẳng vào phía
trước đồn Ngọc Hồi. Nhưng hỏa hổ của quân Tây Sơn bắn cháy rực trời. Quân
Tây Sơn vẫn ào ạt tiến lên, bất chấp cả đại bác, cung tên và hỏa mù của giặc.
Còn đạo quân Thanh đóng ở Sơn Tây thì không cần đánh cũng đã phải sớm bỏ
chạy.
Sau khi chiến thắng quân Thanh ở mặt trận phía Nam, Nguyễn Huệ và đô
đốc Bảo tiến vào Thăng Long. Đô đốc đem quân từ trong thành ra đón. Chiều
mồng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu, tức ngày 30 tháng 1 năm 1789 Nguyễn Huệ
vào Thăng Long, chiếc thuyền bào màu đỏ đã đen sạm màu thuốc súng.
Đối với nhân dân, Nguyễn Huệ hạ lệnh chiêu an lập lại trật tự và đảm bào
sinh hoạt bình thường cho nhân dân kinh thành và nhân dân Bắc Hà.
Đối với quân địch, Nguyễn Huệ không cho quân đuổi theo đạo quân
Thanh Vân Qúy của Ô Đại Kinh vì không cần thiết và chúng cũng đã chạy xa,
nhưng vẫn cho tiếp tục truy kích và chặn bắt bọn Tôn Sĩ Nghị, chủ tướng của
quân Thanh, làm cho chúng khiếp đảm, phải từ bỏ âm mưu xâm lược Việt Nam
lần nữa.
Nhiệm vụ chiến đấu cuối cùng trong chiến dịch đánh phá quân Thanh là
nhiệm vụ của đạo quân của đô đốc Lộc. Từ sáng sớm ngày mồng 5 tháng Giêng,
Tôn Sĩ Nghị rời bỏ Thăng Long, chạy miết về phía Kinh Bắc, không dám chạy
theo đường chính, phải leo núi, luồn rừng mà chạy, thật là khổ sở. Trần Nguyên
Nhiếp, bí thư của Tôn Sĩ Nghị và cũng là người chạy với Tôn Sĩ Nghị đã tả lại
cảnh chạy trốn thảm hại của chúng như sau:
“ Từ kinh thành nhà Lê sang đò Phú Lương rồi các miền đi qua phần
nhiều là những nơi núi non hẻo lánh, đường đi quanh co, rẽ ngang rẽ dọc,
chúng tôi luôn luôn lạc lối, không tìm được nẻo đi. Bất cứ gặp ai, người cày,


người cuốc, đàn ông, đàn bà… chúng tôi đều phải hỏi thăm đường. Nhờ có họ

chỉ bảo cho mới tìm về được tới trấn Nam Quan”.
Nhưng mặc dầu quân Thanh đã thất bại nhục nhã, chủ tướng quân Thanh
đã phải chạy trốn thảm hại như vậy, khi thuật lại những sự việc ấy, người Thanh
vẫn muốn đưa ra một vài sự việc nào đó để gỡ thể diện cho bọn bại tướng, bại
quân của mình. Trong “Quân doanh kỷ lược”, trước khi miêu tả cảnh chạy trốn
thảm hại như trên, Trần Nguyên Nhiếp lại viết rằng: “Kinh thành nhà Lê cách
trấn Nam Quan hơn 2.000 dặm. Trên dọc đường ta vốn đã đặt sẵn sang mười
tám kho lương thực. Nay vì thấy thế giặc dữ tợn quá, sợ làm cỗ sẵn cho giặc ăn,
cho nên đến đâu Cung Bảo cũng hạ lệnh đốt cháy. Thành ra quân ta không có gì
ăn, bắt buộc phải vừa đánh vừa chạy”. Đó thật là những điều hết sức hoang
đường và mâu thuẫn với những điều đã mô tả.
Cuối cùng, bọn bán nước thất thế và bọn cướp nước đại bại cũng đã gặp
được nhau ở cửa ải Nam Quan. Lúc ấy cũng là lúc quân Tây Sơn đuổi tới nơi.
Bọn Lê Chiêu Thống vội vàng theo bọn Tôn Sĩ Nghị chạy sang bên kia biên
giới, sống nhục nhã trên đất nước người, và sau này, cả bọn bán nước Lê Chiêu
Thống đều phải chết nhục nhã trên đất nước người. Đó cũng là con đường kết
thúc cuộc đời không thể tránh khỏi của tất cả những kẻ bán nước, làm tay sai
cho quân cướp nước.
Quân Tây Sơn dừng lại ở biên giới, không đuổi theo nữa, nhưng nói phao
lên rằng: sẽ vượt biên giới, đuổi bắt cho bằng được Lê Chiêu Thống mới thôi.
Nghe tin ấy và thấy bọn Tôn Sĩ Nghị thất thểu chạy về, người Thanh ở vùng
biên giới xôn xao sợ hãi. Từ cửa ải Nam Quan trở về Bắc, già trẻ lớn bé, dắt díu
bồng bế nhau chạy trốn, cả một quảng dài vài trăm dặm, lặng ngắt không còn
bóng người, không còn thấy khói lửa thổi nấu nữa.
Hơn hai mươi vạn quân Thanh đã bị hoàn toàn tiêu diệt. Chiến dịch đại
phá quân Thanh đã căn bản kết thúc thắng lợi, từ chiều ngày mồng 5 tháng
Giêng năm Kỷ Dậu, khi Nguyễn Huệ vào Thăng Long, sau 5 ngày tốc chiến tốc
thắng vô cùng vẻ vang của quân đội Tây Sơn.
Chiến dịch đại phá quân Thanh của Nguyễn Huệ đã thành công rực rỡ và
hết sức nhanh gọn. Nước Việt Nam kể từ khi lập quốc cho tới cuối thế kỉ XVIII

đã trải qua rất nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và đã chiến thắng tất cả
những kẻ thù xâm lược hung hãn nhất của các thời đại, nhưng chưa có một chiến
dịch nào tiêu diệt được một cách gọn ghẽ toàn bộ quân xâm lược, gồm một lực


lượng rất lớn, trên 20 vạn người, trong một thời gian rất ngắn, chỉ có 5 ngày,
như chiến dịch đại phá quân Thanh của Nguyễn Huệ.
Chiến thắng lớn lao này đã nói lên rất đầy đủ và rõ ràng về thiên tài quân
sự của anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ. Chiến thắng ấy đã giữ vững được nền độc
lập của Tổ quốc, đồng thời nó cũng vĩnh viễn chấm dứt nạn xâm lăng của các
tập đoàn phong kiến phương Bắc luôn luôn đe dọa dân tộc Việt Nam từ mấy
nghìn năm trước. Thiên tài quân sự Nguyễn Huệ đã góp phần quyết định rất lớn
vào sự nghiệp cứu nước vẻ vang này của quân đội Tây Sơn và của toàn thể dân
tộc Việt Nam thời bấy giờ.
1.4. Triều đại Quang Trung (1789 - 1802)
Do tồn tại trong thời gian ngắn ngủi (14 năm). Thêm vào đó triều đại
Quang Trung lại luôn bị các thế lực trước và sau tìm mọi cách xuyên tạc, trả
đũa, lấp xoá các dấu vết của cái mà họ gọi là “nguỵ triều”. Do đó, ngày nay
chúng ta ngày nay có quá ít tư liệu để nghiên cứu về thời đại Tây Sơn.
Năm 1778, Nguyễn Nhạc xưng Hoàng đế (hiệu Thái Đức), vương triều
Tây Sơn thành lập.
Năm 1788, sau khi tiến quân ra Bắc Hà và trở lại Phú Xuân, Quang Trung
vừa cho Tuấn Đức hầu chỉ huy đạo Trung Khuông và Miên Tường hào chỉ huy
đạo Nam Khuông, lưu lại trấn giữ vùng đất xứ Thanh. Đồng thời cử luôn đô đốc
Đặng Tiến Đông làm Trấn thủ Thanh Hóa.
Sau khi lên ngôi Hoàng đế, theo lời bàn của Ngô Thì Nhậm, Hoàng đế
Quang Trung vừa phân phong cho các con trai trấn giữ những khu vực có tầm
quan trọng sống còn. Đất Thanh Hóa-đất của vua Lê, chúa Trịnh được các tướng
lĩnh Quang Trung nhìn nhận là một địa bàn chiến lược, một vùng đất hiểm yếu
nên vừa cho đại quân Tây Sơn rút lui về trấn giữ trước sự tấn công ồ ạt của giặc

Mãn Thanh và cũng từ đây tạo bàn đạp cho nghĩa quân Quang Trung phá tan
quân xâm lược trong trận chiến lừng danh lịch sử - mùa Xuân Kỉ Dậu 1789.
Hoàng đệ tuyên công Nguyễn Quang Bàn theo sự phân công của Quang
Trung vừa đến trấn giữ vùng đất Thanh Hóa và xây dựng ở đây một tiểu triều.
Các công trình kiến trúc mang niên đại Tây Sơn trên đất Thanh Hóa đến nay
không còn nhưng những chủ trương, chính sách, biện pháp mà vương triều Tây
Sơn vừa thực thi trên đất này vẫn còn nhiều cứ liệu.
Cùng với quá trình chiến đấu không mệt mỏi là quá trình không ngừng
xây dựng và củng cố chính quyền. Tuy nhiên, lịch sử hình thành và phát triển
của phong trào Tây Sơn có một giai đoạn rất đặc biệt, đó là giai đoạn Tây Sơn


đã quản lãnh được toàn cõi nước ta và tồn tại với tư cách của những hệ thống
chính quyền khác nhau, bắt đầu từ năm 1789 và kết thúc vào cuối năm 1801.
Các hệ thống chính quyền này, tuy đều là thành quả chung của phong trào Tây
Sơn, nhưng bởi nhiều lí do khác nhau, mỗi hệ thống chính quyền có một xu
hướng tồn tại riêng khá rõ nét. Đại thể, Tây Sơn có ba hệ thống chính quyền cụ
thể như sau:
Một là, hệ thống chính quyền do Nguyễn Lữ đứng đầu, cai quản miền đất
Gia Định (Nam Bộ ngày nay). Nguyễn Lữ mất năm 1787 nhưng chính quyền
của ông thì trên danh nghĩa, vẫn tiếp tục tồn tại thêm một thời gian nữa. Đây là
chính quyền yếu kém nhất của Tây Sơn.
Hai là, hệ thống chính quyền của Nguyễn Nhạc, quản lí miền đất từ Bình
Thuận ra đến Bến Ván của Quảng Nam ngày nay. Nguyễn Nhạc mất vào cuối
năm 1793 nhưng con ông là Nguyễn Bảo (tức Nguyễn Quang Thiệu) vẫn tiếp
tục duy trì chính quyền thêm một thời gian nữa. Trong giai đoạn đầu của phong
trào Tây Sơn, Nguyễn Nhạc là người có công lớn nhất, nhưng, cũng trong các
lãnh tụ Tây Sơn, Nguyễn Nhạc là người bị phong kiến hóa sớm nhất.
Ba là, hệ thống chính quyền của Nguyễn Huệ, quản lãnh vùng đất từ Bến
Ván của Quảng Nam ngày nay trở ra cho đến hết Đàng Ngoài. Đây là hệ thống

chính quyền mạnh nhất, có nhiều cải cách táo bạo, tích cực và tiến bộ nhất.
Nguyễn Huệ qua đời năm 1792 nhưng con ông là Nguyễn Toản vẫn tiếp tục duy
trì chính quyền cho đến cuối năm 1801.
Nhà Tây Sơn có nhiều biện pháp tích cực trong việc cách tân về kinh tế,
chính trị, văn hóa, giáo dục… nhằm đưa đất nước nhanh chóng vượt qua sự
khủng hoảng sau chiến tranh kéo dài. Những chính sách cải cách đó đã và sẽ tạo
khả năng mở đường phát triển của đất nước, của dân tộc. Tuy nhiên, về mặt thực
hiện những chính sách cải cách của Quang Trung đã gặp nhiều trở ngại, thời
gian thực hiện lại quá ngắn ngủi. Ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (1792), Quang
Trung - Nguyễn Huệ người anh hùng của dân tộc, đột ngột qua đời giữa lúc
những cải cách mới được bắt đầu thực hiện. Triều đại Quang Toản tiếp sau đó
bất lực, không còn tiếp tục thực hiện được những cải cách của Quang Trung và
đã bị Nguyễn Ánh lật đổ vào năm 1802.


CHƯƠNG 2. ĐÓNG GÓP CỦA QUANG TRUNG - NGUYỄN HUỆ
ĐỐI VỚI LỊCH SỬ DÂN TỘC VIỆT NAM Ở THẾ KỶ XVIII
2.1. Tiểu sử của Quang Trung - Nguyễn Huệ
Nguyễn Huệ (1753 - 1792) là con trai của ông bà Hồ Phi Phúc, Nguyễn
Thị Đồng, quê ở thôn Kiên Mỹ, ấp Kiên Thạnh, huyện Tuy Viễn, phủ Quy
Nhơn, thường gọi là ấp Tây Sơn (nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Hồ
Phi Phúc đi theo nhóm chúa Nguyễn vào vùng miền Nam Trung Bộ, lập cơ
nghiệp mới ở ấp Tây Sơn, huyện An Khê, đổi sang họ Nguyễn. Gia đình này có
ba con trai: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ, trong đó Nguyễn Huệ là
em út. Lúc nhỏ ông có tên là Hồ Thơm, tức chú Ba Thơm. Cái tên Huệ là do
thầy giáo Hiến đặt cho. Thầy giáo vốn là người Huế, vào dạy học ở đất An Thái,
phát hiện ra tài nǎng của mấy bé này, thường khuyến khích lớp trẻ bằng một câu
sấm - không rõ ông lấy từ đâu: "Tây khởi nghĩa, Bắc thu công" (nổi lên ở Tây
Sơn sẽ lập công lớn ở miền Bắc).
Các tài liệu xưa đều cho biết Nguyễn Nhạc xuất thân chỉ là một viên biện

lại, thường gọi là biện Nhạc, có nghề buôn trầu. Bất bình với sự chuyên quyền
của Trương Phúc Loan và chúa Nguyễn Đàng Trong, ông đã cùng các em nổi
dậy, cướp được Quy Nhơn, rồi dựng nên cơ nghiệp nhà Tây Sơn. Nǎm 1776,
Nguyễn Nhạc xưng là Tây Sơn vương, cho Nguyễn Huệ làm phụ chính, lúc này
Nguyễn Huệ mới 24 tuổi. Hai nǎm sau (1778) Nguyễn Nhạc lên ngôi vua, đặt
niên hiệu là Thái Đức, Nguyễn Huệ nhận chức vị là Long Nhương tướng quân.
Nguyễn Huệ là nhà quân sự thiên tài. Trong suốt hơn 20 nǎm đời chinh
chiến, Nguyễn Huệ chưa hề chùn bước. Ông tin tưởng vào quần chúng biết trọng
dụng nhân tài, có niềm tin tuyệt vời vào khả nǎng của mình. Ông còn là vị danh
tướng chỉ đánh thắng, không có bại.
Giúp anh là Nguyễn Nhạc, ông đã 4 lần vào đánh Gia Định, bắt Nguyễn
Ánh (sau này là vua Gia Long) phải mấy phen chạy trốn ra biển. Nǎm 1784,
Nguyễn Ánh cầu viện quân Xiêm. Nguyễn Huệ dùng kế phục binh đã đánh
thắng một trận rất vẻ vang tại Xoài Mút, tiêu diệt hai vạn quân Xiêm và 300
chiến thuyền. Nǎm 1786, ông dùng Nguyễn Hữu Chỉnh đưa đường ra Bắc, liên
tiếp thắng lợi ở Thuận Hóa rồi Quảng Trị, Quảng Bình. Tiếp đó kéo quân ra Bắc
giương cao ngọn cờ "Phù Lê diệt Trịnh", chiếm Nghệ An, Thanh Hóa, Sơn
Nam, tiến thẳng ra Thǎng Long... Các tướng tá Lê Trịnh hoàn toàn đại bại. Chúa
Trịnh Khải chết.


Ngày 21-7-1786 Nguyễn Huệ và đại quân tiến vào Thǎng Long. Cuộc tiến
công Bắc Hà đã kết thúc thắng lợi rất vẻ vang. Ngày 31-7-1786 Nguyễn Huệ
cùng các tướng sĩ Tây Sơn và các quan vǎn võ Bắc Hà vào triều chúc mừng vua
Lê Hiển Tông. Sau đó vua Lê Hiển Tông đã sắc phong Nguyễn Huệ làm
"Nguyên soái phù dực chính dực vũ Uy quốc công” và gả công chúa Ngọc Hân
cho Nguyễn Huệ. Binh quyền Bắc Hà hoàn toàn trong tay Nguyễn Huệ người
lãnh tụ kiệt xuất của phong trào Tây Sơn. Nguyễn Huệ nhà chiến lược và là nhà
quân sự thiên tài vǎn võ kiêm toàn đã có công lao lớn trong việc đặt cơ sở lập lại
nền thống nhất nước nhà ở cuối thế kỷ XVIII. Nước nhà được thống nhất trên

một phạm vi rộng.
Tiếp đó ông phải theo Nguyễn Nhạc rút quân về Nam, đóng tại Thuận
Hóa, được phong làm Bắc Bình Vương. Nguyễn Huệ rút đi, miền Bắc lại trở nên
loạn. Vua Lê Chiêu Thống nhờ Nguyễn Hữu Chỉnh dẹp tay chân của họ Trịnh,
thì đến lượt Nguyễn Hữu Chỉnh lại có ý chuyên quyền. Từ Huế, Nguyễn Huệ sai
Vũ Vǎn Nhậm ra diệt được Chỉnh, rồi thấy Nhậm có ý khác, ông lại giết Vũ Vǎn
Nhậm, giao cho Ngô Vǎn Sở quản lĩnh Thǎng Long. Trước tình hình đó bọn vua
quan nhà Lê, chạy sang Tàu cầu cứu rước mấy chục vạn quân Thanh, do Tôn Sĩ
Nghị cầm đầu, vào chiếm Thǎng Long, lấy danh nghĩa là giúp nhà Lê, nhưng sự
thực là mưu toan thôn tính nước ta. Lập tức, Nguyễn Huệ chọn ngày, lập đàn tế
trời đất, thần sông, thần nước tại núi Bân Sơn ( Huế) , rồi lên ngôi hoàng đế, đặt
hiệu là Quang Trung, đem quân ra Bắc. Ông tuyên bố: Chỉ trong 10 ngày sẽ quét
sạch quân xâm lược và hẹn trước sẽ cùng quân sĩ ǎn tết với nhân dân Thǎng
Long vào ngày 7 tháng giêng.
Nhưng mới đến ngày 5, ông đã thu được hoàn toàn thắng lợi, đánh trận
Ngọc Hồi, giết Hứa Thể Hanh, đánh thắng Đống Đa, bắt Sầm Nghi Đống phải
tự tử, đuổi Tôn Sĩ Nghị phải vứt bỏ cả ấn tín chạy về nước. Bọn vua quan bán
nước Lê Chiêu Thống cũng phải chạy theo lũ tàn binh, sang đất Trung Hoa
nương náu làm khách ngụ cư vong quốc. Sau chiến thắng, Quang Trung Nguyễn Huệ thực hiện những biện pháp ngoại giao tích cực, để giữ gìn hòa
bình, được vua Càn Long nhà Thanh chấp nhận. Vua Thanh phải phong vương
cho ông và mời ông sang thǎm Yên Kinh, và hoàn toàn chấm dứt ý đồ xâm lược.
Việc giao hảo với nhà Thanh trong giai đoạn này cũng là những trang sử đẹp,
làm vẻ vang cho triều đại Quang Trung và cho nước ta.
Dẹp yên Bắc hà, Quang Trung lo lắng việc nội trị. Đất nước do ông cai
quản lần này trải rộng từ Thuận Hóa trở ra, chấm dứt nạn phân tranh từ thời kỳ


Lê - Mạc và Trịnh - Nguyễn. Vùng miền Nam Trung Bộ do Nguyễn Nhạc thống
lĩnh, vùng Nam Bộ ở dưới quyền của Nguyễn Lữ. Song những vị cầm đầu ở đây
đều không có khả nǎng giữ vững chính quyền. Nhất là ở miền Nam, Nguyễn Lữ

không chống nổi Nguyễn Ánh. Do đó, Quang Trung đã sắp đặt một kế hoạch
tiến quân vào Nam để giúp việc bình định vùng này, diệt hẳn thế lực của họ
Nguyễn. ở phía Bắc ông cũng có ý phải khôi phục lại những vùng đất mà trước
đây bị các triều đình Minh, Thanh chiếm cứ. Ông đã soạn sửa việc cầu hôn (xin
lấy công chúa nhà Thanh) và đòi lại vùng Lưỡng Quảng. Nhưng các dự định ấy
chưa thực hiện được, thì ông bị bệnh qua đời vào đêm 29 tháng 7 nǎm Nhâm Tí
(1792). Cuộc đời hoạt động của ông đều gắn liền với tuổi trẻ. Quang Trung mất
vào nǎm 40 tuổi, cơ đồ nhà Tây Sơn cũng suy thoái luôn từ đó. Con trai nối ngôi
ông là Nguyễn Quang Toản còn quá bé (mới có 9 tuổi). Tướng tá không có
người cầm đầu.
Không đầy mười nǎm sau, nhà Tây Sơn chấm dứt vai trò lịch sử của mình
để Nguyễn Ánh lập nên đế nghiệp nhà Nguyễn. Có lẽ, có một bình diện lâu nay
thường ít được chú ý, nên cũng không giúp cho ta thấy được đầy đủ nét đẹp của
Quang Trung. Đó là ở chỗ, ông thực sự là một nhà vua trẻ, đã phát huy cao độ
bản lĩnh trẻ trung của mình. Làm tướng - chủ yếu là tướng chỉ huy, trong khoảng
tuổi hai mươi. Làm vương rồi làm vua trong khoảng tuổi ba mươi. Ông đã hiến
dâng trọn vẹn tuổi thanh xuân của mình cho đất nước, cho dân tộc. Đây là sự
tình cờ của qui luật sống nơi ông, hay đó chính là cái đẹp dành riêng để ông
phục vụ đất nước.
Ông thực sự là con người luôn luôn tươi trẻ. Trẻ đồng nghĩa với khỏe
mạnh cường tráng, là có sức hàng phục thú dữ; hàng phục con người. Trẻ là phải
tung hoành đây đó, ra Bắc vào Nam, lai vô ảnh khứ vô hình. Nguyễn Huệ là một
ông vua trẻ hội tụ được đầy đủ những ưu điểm ấy. Và trẻ là ở chỗ biết yêu, khi
yêu là yêu hết mình? Trẻ cũng đồng nghĩa với ham thích vǎn nghệ, mê say học
hỏi. Quang Trung hình như không thua ai về điểm này. Và thông thường những
chàng trai của chúng ta, những con người anh hùng, luôn luôn có sẵn mà cũng
sẵn sàng bộc lộ một niềm kiêu hãnh.
Tự phụ kiêu cǎng của tuổi trẻ là không hay, song kiêu hãnh thì rất đáng
quý, và đẹp vô cùng. Ông kiêu hãnh nhắc nhở Ngọc Hân khắc sâu sự vinh hạnh
của nàng do ông đem lại. Ông kiêu hãnh coi khinh tất cả những đối phương của

mình, sẵn sàng dẹp chúng như bẻ gãy cành khô, củi mục. Và ông nói được thì
ông sẽ làm được, để chứng tỏ sự kiêu hãnh là có cơ sở, chứ không phải là khoác


lác, là nói cho sướng miệng mà thôi. Sức trẻ của vua Quang Trung còn được
biểu hiện ở chỗ ông có tầm nhìn xa, không chịu bằng lòng với những thắng lợi
đã đạt được. Cái khác của tuổi già và tuổi trẻ là ở đó. Ông anh già là Nguyễn
Nhạc thì bằng lòng với mấy phủ quanh đất Quy Nhơn, nhưng ông em trẻ thì
muốn trông Bắc trông Nam, trông suốt cõi nước nhà. Nói rằng Nguyễn Huệ có ý
thức và đã đặt được cơ sở cho việc thống nhất, là hiểu vấn đề theo khía cạnh đó.
2.2. Vị trí của Quang Trung - Nguyễn Huệ trong lịch sử dân tộc
Cuộc đời của người anh hùng “áo vải cờ đào” chỉ có 39 mùa xuân. Nhưng
trong thời gian ngắn ngủi đó Nguyễn Huệ đã tập hợp, tổ chức và lãnh đạo nhân
dân ta viết lên những trang sử hào hùng tiêu biểu cho khí phách, phẩm giá và
sức sống của dân tộc trong một hoàn cảnh đầy biến động và thử thách của đất
nước.
Năm 1771, mới 18 tuổi, Nguyễn Huệ đã cùng anh là Nguyễn Nhạc phất
cờ khởi nghĩa ở đất Tây Sơn Thượng đạo (nay thuộc An Khê, tỉnh Gia Lai Kom Tum), với vị thế là một trong những lãnh tụ nghĩa quân ông đã tích cực
chuẩn bị cơ sở xây dựng căn cứ và lực lượng.
Từ năm 1773 đến năm 1783, Nguyễn Huệ đã chỉ huy nhiều trận đánh có ý
nghĩa quyết định trong cuộc đấu tranh lật đổ chế độ chúa Nguyễn ở Đàng Trong.
Đó là trận Phú Yên năm 1775 lúc 22 tuổi, các trận tiến công vào Gia Định năm
1777 lúc 24 tuổi, năm 1782 lúc 29 tuổi, năm 1783 lúc 30 tuổi. Năm 1785, vào
tuổi 32, Nguyễn Huệ đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Xiêm, lập nên vũ
công Rạch Gầm - Xoài Mút trên dòng Tiền Giang, đập tan đạo quân xâm lược
bảo vệ lãnh thổ.
Năm 1786, 33 tuổi, Nguyễn Huệ vượt qua được hạ chế của Nguyễn Nhạc
chỉ muốn dừng chân lại ở bờ nam sông Gianh, quyết định đưa phong trào Tây
Sơn phát triển ra Đàng Ngoài với danh nghĩa “phù Lê diệt Trịnh”. Đó là một
quyết định sáng suốt, táo bạo đưa Nguyễn Huệ lên vị trí người thủ lĩnh kiệt xuất

của phong trào Tây Sơn và lật đổ ách thống trị của các tập đoàn phong kiến
Đàng Ngoài đặt cơ sở cho công cuộc thống nhất đất nước.
Năm 1787, 34 tuổi vua Thái Đức phong ông làm Bắc Bình Vương.
Tháng 7/1788, Nguyễn Huệ kéo quân ra Thăng Long. Lật đổ chính quyền
họ Trịnh. Đơn vị Quảng Bình, có ý nghĩa hết sức lớn lao:
Một, xóa bỏ ranh giới sông Gianh chia cắt đất nước thành hai Đàng, chia
cắt vùng đất Quảng Bình thành hai miền Bắc Bố Chính và Nam Bố Chính, mở
ra một trong những cơ sở quang trọng cho việc thống nhất quốc gia sau này.


Hai, chấm dứt ách thống trị của họ Trịnh, tiêu diệt trở lực lớn nhất của xã
hội Đàng Trong.
Sau đó, Quang Trung rút quân vào Nam.
Năm 1789, 36 tuổi, lần thứ ba ra Bắc - Nam Kỉ Dậu, Lê Chiêu Thống dẫn
trên 200,000 quân Thanh xâm lược nước ta, chiếm thành Thăng Long. Để cho
việc lãnh đạo được danh chính ngôn thuận với cương vị Hoàng đế, Quang Trung
đã lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến chống Thanh, lập nên vũ công Ngọc
Hồi - Đống Đa giải phóng Thăng Long mùa xuân Kỉ Dậu - 1789.
Từ năm 1789 đến năm 1792, trong vòng 3 năm cuối đời, với vai trò là
Hoàng đế Quang Trung đã có nhiều cố gắng lớn lao trong công cuộc xây dựng
lại đất nước. Ông đã đề ra nhiều chính sách và biện pháp nhằm tăng cường sức
mạnh quốc phòng, phục hồi kinh tế và mở mang văn hóa, phát triển giáo dục.
Các chính sách và biện pháp đó được thể hiện tập trung trong ba văn kiện quan
trọng: Chiếu khuyến nông, Chiếu lập học, Chiếu cầu Hiền.
Năm 1792, vua Quang Trung đột ngột qua đời, triều đình rơi vào tình
trạng lục đục, suy yếu dần. Năm 1802, trước sự tấn công của quân Nguyễn Ánh,
các vương triều Tây Sơn lần lượt sụp đổ.
2.3. Đóng góp của Quang Trung - Nguyễn Huệ
2.3.1. Về kinh tế
- Nông nghiệp

Trong những năm đầu, do hoàn cảnh chiến tranh, phải đối phó với các
chính quyền khác và lãnh thổ còn bị chia cắt, nhà Tây Sơn chưa có nhiều chính
sách và việc thực thi cụ thể đối với phát triển kinh tế nói chung và nông nghiệp
nói riêng.
Chính sách phát triển nông nghiệp của nhà Tây Sơn chỉ thực sự bắt đầu
sau khi Quang Trung đánh bại quân Thanh và chính thức thay thế nhà Lê trung
hưng ở Bắc Bộ. Tại thời điểm đó, nhiều vùng trong cả nước rất khó khăn sau
nhiều năm chiến tranh. Những vùng như Thanh Hóa, Nghệ An bị mất mùa, dân
bị đói kém, ruộng đất bị bỏ hoang nhiều nơi.
Do yêu cầu cấp bách của hoàn cảnh khi đó, Quang Trung ban hành
"Chiếu khuyến nông" kêu gọi nhân dân phiêu tán trở về quê hương khai khẩn
ruộng nương, sản xuất nông nghiệp để ổn định cuộc sống, phục hồi kinh tế đã
đình trệ. Những xã nào chứa chấp kẻ trốn tránh đều bị trừng phạt. Các xã trưởng
phải huy động, tổ chức nhân dân khai phá ruộng đất hoang hóa, hết thời hạn nhà
nước quy định, ruộng đất còn bỏ hoang hóa thì làng xã đó phải nộp thuế gấp đôi,


ruộng tư thì bị sung công… hạn đến tháng 9 năm 1789, phải trình được sổ điền
hộ, kê khai số đinh, số ruộng hiện có và số ruộng hoang mới khai khẩn để triều
đình quy định ngạch thuế.
“ Phàm những người dân nào trước đó kiều ngụ tha phương, trốn tránh lao
dịch, hoặc vì có thê hương mẫu quán mà đến ở, hoặc vì đi buôn bán làm ăn mà
ngụ cư được 3 đời trở lên mới cho ở, còn ngoài ra, bắt về bàn quán hết thảy…
Những ruộng công, ruộng tư đã trot bỏ hoang, nay đều cho về nhận lấy cày
cấy…”
(Trích “ Chiếu khuyến nông” )
Đối với nông nghiệp, Quang Trung xác định: Có phục hồi nông nghiệp
mới ổn định được trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác, nhất
là kinh tế hàng hóa vốn đã tiêu điều do sự tàn phá của chiến tranh. Trong Chiếu
Khuyến nông, vua Quang Trung nói rõ: “Chính sự đạo vương cốt vun gốc, vén

ngọn, làm cho dân yên ổn cấy cày, nhờ đó trong nước không có người lười
biếng, ngoài đồng không có đất bỏ hoang. Trải qua buổi loạn ly binh lửa triền
miên, lại thêm nạn đói kém, nhân dân lưu tán, ruộng đất bỏ hoang. Trẫm chịu
mệnh trời giữ nghiệp lớn bốn bề trong lặng. Nay buổi đầu đặt định, chính sách
khuyến khích sản xuất làm cho dân giàu phải được tiến hành lần lượt”. Sổ đinh
các làng lập xong, quan huyện có nhiệm vụ tập hợp lại, rồi đối chiếu và phát cho
mỗi người một tấm thẻ có chữ "thiên hạ đại tín" bằng chữ triện, có hoa văn,
xung quanh ghi họ tên, quê quán và điểm chỉ. Ai cũng phải mang theo thẻ bài,
không có là dân ẩn lậu. Đây là biện pháp hữu hiệu để quản lý nhân khẩu, kê đủ
số đinh hiện có để phục vụ sản xuất và quân sự. Nhờ chủ trương kiên quyết đó
của nhà nước, chỉ trong vòng 3 năm sau, nông nghiệp được phục hồi và bước
đầu phát triển.
Năm 1791, trong nước “mùa màng trở lại phong đăng, năm sáu phần
mười khôi phục được cảnh thái bình”.
Cùng việc lập sổ đinh, Quang Trung ra lệnh lập lại sổ ruộng. Ruộng được
chia làm 3 hạng: nhất đẳng điền, nhị đẳng điền và tam đẳng điền; trên cơ sở đó
triều đình có mức thu cụ thể:
 Đối với ruộng công:
 Ruộng hạng nhất nộp 150 bát thóc
 Ruộng hạng nhì nộp 80 bát thóc
 Ruộng hạng ba nộp 50 bát thóc


×