Tải bản đầy đủ (.pdf) (82 trang)

Giáo trình triết học hy lạp cổ đại và tây âu trung cận đại

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (798.63 KB, 82 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC QUẢNG BÌNH
KHOA LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

GIÁO TRÌNH
(Lưu hành nội bộ)

“TRIẾT HỌC HY LẠP CỔ ĐẠI VÀ
TÂY ÂU TRUNG – CẬN ĐẠI”
(Dành cho ĐH GDCT)

Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Hà

Năm 2017

1


MỤC LỤC

Lời nói đầu
Chương 1. Triết học Hy Lạp và La Mã cổ đại
1.1. Khái lược chung về triết học Hy Lạp và La Mã cổ đại
1.2. Những trường phái và triết gia tiêu biểu
Chương 2. Triết học Tây Âu thời kỳ Trung cổ
2.1. Khái lược chung về triết học Tây Âu thời kỳ Trung cổ
2.2. Những khuynh hướng triết học cơ bản ở Tây Âu
thời kỳ Trung cổ
Chương 3. Triết học Tây Âu thời kỳ Phục hưng và Cận đại
A. Triết học Tây Âu thời kỳ Phục hưng
3.1. Khái lược chung về triết học Tây Âu thời kỳ Phục hưng
3.2. Những triết gia tiêu biểu


B. Triết học Tây Âu thời kỳ Cận đại
3.1. Khái lược chung về triết học Tây Âu thời kỳ Cận đại
3.2. Những triết gia tiêu biểu

Trang
3
4
4
10
41
41
44
55
55
55
57
61
61
64

2


LỜI NÓI ĐẦU
Để phục vụ cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu các môn khoa học
Mác – Lênin trong trường Đại học Quảng Bình, tác giả Ths. Nguyễn Thị Thanh
Hà – giảng viên khoa Lý luận chính trị đã biên soạn cuốn giáo trình môn “Triết
học Hy Lạp cổ đại và Tây Âu trung – cận đại”. Nội dung cuốn giáo trình gồm ba
chương: Triết học Hy Lạp và La mã cổ đại; triết học Tây Âu thời kỳ trung cổ; triết
học Tây Âu thời kỳ phục hưng và cận đại.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc!
Tháng 7 năm 2017
Tác giả: NGUYỄN THỊ THANH HÀ

3


CHƯƠNG 1
TRIẾT HỌC HY LẠP VÀ LA MÃ CỔ ĐẠI
(8 tiết)
1.1. Khái lược chung về triết học Hy Lạp và La Mã cổ đại
1.1.1. Hoàn cảnh ra đời và sự phát triển của triết học Hy Lạp và La Mã
cổ đại
Hy Lạp là một trong những chiếc nôi của nền văn minh nhân loại. Ở đó
xuất hiện rất sớm và đạt được những thành tựu rực rỡ mà ảnh hưởng của nó còn in
đậm đối với sự phát triển của tư tưởng triết học sau này. Thời kỳ này nổi bật lên
với tên tuổi của các nhà duy vật như: Đêmôcrít, Hêraclít, Arixtốt, Êpiquya...
Nếu lật lại bản đồ thời cổ đại, chúng ta dễ dàng nhận thấy, Hy Lạp cổ đại là
một vùng đất rộng lớn, lớn hơn ngày nay rất nhiều. Hy Lạp cổ đại bao gồm miền
Nam bán đảo Bancăng, vùng ven biển Tiểu Á và các đảo của vùng biển Ê-giê.
Thiên nhiên ban tặng cho Hy Lạp cổ đại tọa lạc ở một vị trí vô cùng thuận
lợi. Khí hậu, đất đai, biển cả và lòng nhiệt thành của con người là những tài vật,
tài lực vô giá để cho tư duy bay bổng, mở rộng các mối bang giao và phát triển
kinh tế.
Điều kiện tự nhiên khác nhau giữa các vùng góp phần quyết định sự phát
triển khác nhau của nền kinh tế và do đó cũng quyết định các mặt khác trong đời
sống xã hội, kể cả các quan điểm triết học.
Nền kinh tế của Hy Lạp thời kỳ này có thể gọi là phát triển đều về nông
nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp. Aten phát triển mạnh mẽ về thủ công
nghiệp và thương nghiệp. Còn ở vùng Spar lại tăng trưởng về nông nghiệp. Cơ sở

của nền kinh tế dựa trên chế độ chiếm hữu nô lệ. Nô lệ là những người giữ vai trò
rất quan trọng trong sản xuất. Lực lượng nô lệ chiếm đa số dân cư (ở Aten có tới
250.000 nô lệ/340.000 dân) đã quyết định sự đi lên mạnh mẽ của nền kinh tế thời
kỳ này, mặc dù họ bị coi là “công cụ biết nói”, “động vật biết nói”. Nhờ sự phát
triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất, trong xã hội diễn ra sự phân công lao động:
lao động chân tay và lao động trí óc. Điều đó góp phần vào việc phát sinh các
ngành khoa học, trong đó có triết học.
Như vậy, phân công lao động phát triển cho phép trong xã hội xuất hiện
tầng lớp những người chuyên sống bằng lao động trí óc càng tạo điều kiện nảy
sinh các tư tưởng triết học. Không có sự phân chia lao động và sự đối lập giữa lao
động trí óc và lao động chân tay thì không thể xuất hiện các tri thức triết học và
khoa học làm phá vỡ ý thức hệ thần thoại và các tôn giáo nguyên thủy thống trị
thời bấy giờ. Vì thế, ngay từ khi mới ra đời, các tư tưởng triết học đã mang tính
giai cấp sâu sắc.

4


Chế độ công xã nguyên thủy tan rã, chế độ chiếm hữu nô lệ ra đời. Xã hội
có giai cấp đầu tiên của loài người xuất hiện với hai giai cấp cơ bản đầu tiên là
chủ nô và nô lệ. Bên cạnh đó còn có dân tự do. Nô lệ không được tham gia và
không đủ khả năng tham gia các hoạt động chính trị, xã hội, văn hóa. Họ không có
một chút quyền lợi nào, ngoài sự lao động bị cưỡng bức tàn bạo.
Chế độ nô lệ là một chế độ xã hội có hình thức áp bức bóc lột tàn bạo nhất,
vô nhân đạo nhất trong lịch sử xã hội loài người. Do vậy, những cuộc nổi dậy tự
phát của nô lệ chống lại bọn chủ nô luôn diễn ra. Song họ lại không có khả năng
xây dựng một thế giới quan phản ánh những quyền lợi của mình, vì bị lao động
chân tay nặng nề và không có một ngôn ngữ chung, tiếng nói chung bởi họ xuất
thân từ nhiều bộ lạc khác nhau. Tuy nhiên, nhờ có chế độ đó, giai cấp chủ nô mới
có thể thoát ly được các hoạt động của lao động chân tay vất vả để xây dựng các

khoa học, trong đó có triết học, nghệ thuật. Như Ăngghen khẳng định: ... Nếu
không có chế độ nô lệ thì không có quốc gia Hy Lạp, không có khoa học và nghệ
thuật Hy Lạp.
Chế độ nô lệ hình thành, sự phát triển về mọi mặt đời sống kinh tế dần dần
dẫn tới sự tách rời nông thôn và thành thị. Các quốc gia tỉnh thành Hy Lạp được
thành lập. Đó là nơi tập trung những cơ quan kinh tế, chính trị do chủ nô đặt ra
nhằm bảo vệ và củng cố quyền sở hữu, quyền áp bức bóc lột của họ đối với nô lệ
và dân tự do. Sự thành lập và phát triển của các thành thị góp phần làm cho văn
hóa Hy Lạp tiến bộ và phát triển.
Đặc điểm về phương diện chính trị của chế độ nô lệ Hy Lạp cổ đại là cuộc
đấu tranh giai cấp ngày càng gay gắt và phức tạp giữa chủ nô và nô lệ, giữa những
người giàu có và dân tự do. Trong bản thân giai cấp chủ nô cũng mâu thuẫn với
nhau. Đó là mâu thuẫn giữa chủ nô quý tộc ở thành bang Spar với chủ nô dân chủ
tập trung ở thành bang Aten. Địa vị của chủ nô dân chủ về kinh tế và chính trị
ngày càng được nâng cao, song họ lại bị chủ nô quý tộc kìm hãm. Vì thế, tầng lớp
chủ nô dân chủ phải đấu tranh quyết liệt để đòi quyền lợi, điều đó được phản ánh
rõ nét trong triết học.
Sự phát triển của nền sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp
và hàng hải của Hy Lạp cổ đại đã đặt ra những nhu cầu thực tiễn quyết định sự
phát sinh và phát triển những tri thức về thiên văn học, khí tượng học, toán học và
vật lý học. Tuy những tri thức này còn ở hình thức ban đầu, nhưng đã được trình
bày ở trong các hệ thống triết học – tự nhiên của các nhà khoa học. Vì khoa học
mới hình thành, nên chưa phân ngành cụ thể. Điều đó thể hiện rõ trong tri thức
của các nhà khoa học. Các nhà triết học đồng thời là nhà toán học, lý học, đạo đức
học,... Qua đó thấy rõ triết học Hy Lạp cổ đại ngay từ khi ra đời đã gắn chặt với
nhu cầu của thực tiễn và không thể tách khỏi các khoa học. Tuy nhiên các tư
tưởng triết học thời kỳ này còn được hình thành một cách tự phát. Nói cách khác,
5



chúng không được các nhà triết học cổ đại ý thức một cách tự giác. Dưới con mắt
của họ, triết học ra đời từ nhu cầu hiểu biết của con người. Quan niệm đó được
Arixtốt viết: Chính “sự ngạc nhiên đã thức tỉnh mọi người triết lý. Lúc đầu họ
ngạc nhiên bởi những điều trực tiếp làm họ băn khoăn, sau đó họ dần dần đặt ra
những vấn đề cơ bản hơn, chẳng hạn như về sự thay đổi vị trí của mặt trăng, mặt
trời và các vì sao, và cả về nguồn gốc vũ trụ”.
Sự phát triển của Hy Lạp cổ đại là sự liên minh giữa các quốc gia thành
bang, trong đó có hai thành bang hùng mạnh nhất là Aten và Spac. Aten là quốc
gia thành bang có điều kiện thuận lợi về mọi mặt, nên sớm trở thành trung tâm
kinh tế, văn hóa của Hy Lạp cổ đại và là nơi sinh ra nền triết học châu Âu. Đây
cũng là nơi hình thành thiết chế nhà nức chủ nô dân chủ. Spac là thành bang có
điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Nơi đây cũng thiết lập một
thiết chế nhà nước quân chủ để bảo vệ, củng cố sự cai trị độc đoán, tiến hành sự
áp bức, bóc lột tàn bạo đối với nô lệ.
Sự tranh giành quyền bá chủ của Hy Lạp giữa hai thành bang trên đã trở
thành một cuộc chiến tranh tàn khốc kéo dài trên 30 năm, làm cho đất nước Hy
Lạp suy yếu, lực lượng sản xuất bị tàn phá nghiêm trọng. Chiến tranh, nghèo đói
đã châm ngòi cho các cuộc nổi dậy của nô lệ. Chớp lấy thời cơ, nhà nước
Maxêđoan ở phía Bắc Hy Lạp, dưới sự chỉ huy của vua Phillip đã đem quân thôn
tính toàn bộ Hy Lạp, và đến thế kỷ II TCN, Hy Lạp một lần nữa lại rơi vào tay đế
chế La Mã.
Sự hình thành triết học Hy Lạp không diễn ra một cách ngẫu nhiên mà là
kết quả tất yếu của việc kế thừa những di sản tinh túy của truyền thống trong sáng
tác dân gian, trong thần thoại, trong các hình thái sinh hoạt tôn giáo, trong các
mầm móng của tri thức khoa học và là kết quả của đời sống kinh tế - xã hội.
Đứng trước thế giới bao la và đầy bí ẩn với tư duy non trẻ của mình, con
người không thể có được lời giải đáp thuyết phục. Vì vậy, con người phải viện
dẫn đến năng lực tưởng tượng để diễn giải những kỳ bí của tự nhiên. Thần thoại
trở thành sự đối diện đầu tiên của con người với tự nhiên.
Hy Lạp cổ đại là đất nước của thần thoại và sử thi. Thần thoại không chỉ

giúp ta truy tìm về nguồn gốc của các sự vật cụ thể, của mỗi hiện tượng tâm linh,
của những trạng thái tâm lý, của sự hình thành, của cái hữu hạn và cái vô hạn...
mà còn là một thế giới đầy tất bật, toan tính và sống động như đời thường. Nền
tảng hiện thực của tư duy đã lộ ra khi bức màn tưởng tượng được vén lên.
Sự xuất hiện của các nhà triết học đầu tiên đã làm thành bước rẽ trong sự
phát triển của thần thoại. Những viễn cảnh bóng bẩy do tư duy của con người tạo
ra đã bớt đi sự hấp dẫn, trong khi những nhu cầu của đời sống thường nhật đã trở
nên bức bách, đòi hỏi phải được cắt nghĩa bằng tri thức chân thực. Niềm tin chất
phác, ngây thơ vào sự tồn tại của thần thánh đã được thay thế bằng những luận
6


giải sâu sắc của lý tính, của sự thông thái. Đó là lý do vì sao các nhà triết học lại
được gọi là “những người yêu mến sự thông thái”.
Theo truyền thuyết thì Pythagore là người đầu tiên đã gọi những người
dùng lý tính của mình để suy tư về lẽ sống, tìm kiếm chân lý, là những nhà triết
học. Ông nói: “Có thể so sánh cuộc đời con người với cái chợ và địa hội Olimpic.
Ở chợ có kẻ mua và người bán, đó là những người tìm kiếm lợi lộc. Những người
tham gia Olimpic là những người quan tâm đến vinh quang và nổi tiếng. Nhưng
còn có các khán giả chăm chú theo dõi những gì diễn ra ở đó. Cuộc đời của con
người cũng như vậy, phần lớn người ta quan tâm tới sự giàu có và danh vọng, tất
cả đều chạy theo chúng, chỉ ít người trong đám đông ồn ào là không tham gia vào
cuộc chạy đó, mà theo dõi, nghiên cứu bản chất của các sự vật, yêu thích sự nhận
thức chân lý hơn tất cả. Họ được gọi là những nhà triết học, những người yêu quý
sự thông thái, chứ không phải là các nhà thông thái và chỉ có một mình thần thánh
mới có sự thông thái toàn diện, còn con người chỉ hướng tới nó”.
Vào thế kỷ IX cho đến thế kỷ VII TCN, đó là thời kỳ nhân loại chuyển từ
thời đại đồ đồng sang thời đại đồ sắt. Bằng chất liệu sắt, người Hy Lạp đã đóng
được những chiếc thuyền lớn cho phép họ vượt biển Địa Trung Hải để tìm kiếm
những miền đất mới. Nhờ đó mà lãnh thổ Hy Lạp được mở rộng.

Do nhu cầu buôn bán, trao đổi hàng hóa mà các chuyến vượt biển đến với
các nước phương Đông đã trở nên thường xuyên. Khi những con thuyền tung
mình lướt sóng thì tầm nhìn của người Hy Lạp cổ đại cũng được mở rộng, các
thành tựu văn hóa của Ai Cập, Babilon đã làm cho người Hy Lạp ngạc nhiên.
Những tinh hoa về toán học, thiên văn học, địa lý, hệ thống đo lường, lịch pháp...
và cả những yếu tố huyền học cũng được người Hy Lạp đón nhận. Các nhà triết
học đầu tiên của Hy Lạp thường là người đã nhiều lần du lịch sang phương Đông,
hoặc sinh ở khu vực Cận Đông như Thalès, Hylon, Pythas, Solon, Périandre ở
Corinthe... Bản thân Solon đã từng nhắc lại rằng: “Những người Hy Lạp mãi mãi
là đứa trẻ nếu không hiểu biết gì về Ai Cập”.
Tuy vậy, không nên hiểu một cách đơn giản triết học Hy Lạp chỉ là sự kế
thừa thuần túy những tư tưởng ở bên ngoài, mà điều kiện quyết định sự hình thành
và phát triển của triết học Hy Lạp là kết quả nội sinh tất yếu của cả một dân tộc,
một thời đại, Marx viết: “Các nhà triết học không phải những cây nấm mọc trên
đất. Họ là sản phẩm của thời đại mình, dân tộc mình mà những tinh lực tinh tế
nhất, quý giá nhất và khó nhìn thấy nhất đã được suy tư trong khái niệm triết học”.
Sự phát triển của triết học Hy Lạp cổ đại được chia làm ba thời kỳ sau đây:
- Triết học thời kỳ tiền Socrate: Về mặt thời gian đây là buổi đầu của chế độ
chiếm hữu nô lệ.

7


Triết học với những bước chập chững đầu tiên đi lý giải những vấn đề của
tư duy và tồn tại vì vậy chưa thoát khỏi sự ảnh hưởng của thần thoại và tôn giáo.
Thế giới quan triết học còn ở trình độ sơ khai. Triết học tự nhiên chiếm ưu thế.
Các trướng phái tiêu biểu là trường phái Milet, trường phái Pythagore,
trường phái Hécraclite, trường phái Élée... Các nhà triết học đồng thời là các nhà
khoa học tự nhiên.
Một vài vấn đề khác cũng được triết học khơi mào như nguồn gốc của sự

sống, đối tượng của nhận thức...nhưng vấn đề chủ yếu vãn là vấn đề bản thể luận.
- Triết học thời kỳ Socrate (hay còn gọi là triết học thời kỳ cực thịnh). Các
triết gia thời kỳ trước say mê với tự nhiên nhưng lại quên mất vấn đề cực kỳ thiết
thân và nhạy cảm, đó là vấn đề con người.
Khi Socrate tuyên xưng “con người hãy tự ý thức về bản thân mình”, thì
ông đã tạo ra một bước ngoặt trong sự phát triển của triết học. Người ta bảo ông
đã đưa triết học từ trên trời xuống bám rễ ở trần gian. Cùng với Protagore, chủ
nhân của khẳng định “con người – thước đo của vạn vật”, Socrate đã tấu lên bài
ca về con người. Đó là con người với đầy những nổ lo toan vất vả, vật lôn với
cuộc sống hàng ngày...trong khát vọng vươn lên để hiểu chính mình, rông ra là
hiểu những gì xung quanh nó và cao hơn là xác lập được chỗ đứng, thân phận của
nó trong sự mênh mông của vũ trụ. Nghĩa là triết học phải từ con người, vì con
người sau mới đến những cái khác.
Đây là thời kỳ của những triết gia lừng danh, làm rạng rỡ nền văn hóa Hy
Lạp như Platon, Aristote, Démocrite... và tất nhiên là không thể thiếu Socrate.
- Thời kỳ Hy Lạp hóa. Trong lịch sử, có lẽ Hy Lạp cổ đại là đất nước mở
đầu cho hiện tượng là một đất nước bị thôn tính về mặt lãnh thổ, khuất phục về
mặt chính trị nhưng đồng hóa được kể xâm lược bằng những giá trị của văn hóa.
Cuộc chiến tranh tàn khốc giữa Aten và Spac đã dẫn đến Hy Lạp thuộc về
Maxêđoan nhưng rồi cả Maxêđoan lẫn Hy Lạp đã bị La Mã chinh phục. Song La
Mã lại phải khuất phục trước những giá trị của nền văn hóa rực rỡ này. Lịch sử
gọi thời kỳ này là thời kỳ “Hy Lạp hóa”.
Triết học của thời kỳ này không còn rực rỡ, sôi nổi như thời kỳ trước, “hậu
sinh” nhưng không “khả úy”. Các triết gia bàng quan, lãng tránh những vấn đề
trung tâm của triết học mà hướng vào thế giới bên trong, chìm đắm với những suy
tư về định mệnh, ngập chìm trong đời sống tình cảm, những ham muốn,...
Và cái chết của triết học cổ đại đã được báo trước, bằng sự ra đời của Cơ
đốc giáo trên mãnh đất triết học đang suy tàn, mà lúc đó người Hy Lạp gọi bằng
cái tên Crixtô.
1.1.2. Những đặc điểm cơ bản của triết học Hy Lạp và La Mã cổ đại

Ra đời, phát triển trong điều kiện và hoàn cảnh lịch sử như vậy, triết học Hy
Lạp cổ đại có những đặc điểm chính sau đây:
8


- Thứ nhất, Triết học Hy – La cổ đại là thế giới quan và ý thức hệ của giai
cấp chủ nô thống trị trong xã hội lúc bấy giờ. Như vậy, ngay từ đầu triết học Hy –
La cổ đại đã mang tính giai cấp sâu sắc. Bất chấp mọi bất công và tệ nạn xã hội
thời đó, triết học Hy – La cổ đại vẫn là một công cụ lý luận nhằm duy trì trật tự xã
hội theo kiểu chiếm hữu nô lệ, bảo vệ sự thống trị của giai cấp chủ nô. Vì vậy, đó
là lý do tại sao phần lớn các nhà triết học thời kỳ này đều coi nô lệ không phải là
con người mà chỉ là công cụ biết nói. Chẳng hạn, Platon coi nông dân và thợ thủ
công là hạng người thấp nhất trong “nhà nước lý tưởng” của ông.
- Thứ hai, Triết học Hy – La cổ đại thể hiện tính bao trùm của nó về mọi
lĩnh vực thế giới quan của con người cổ đại. Nó là sự kết tinh những gì tinh túy
nhất của nhận thức nhân loại từ phương thức sản xuất thứ nhất đến phương thức
sản xuất thứ hai ở phương Tây, vì vậy ở đó đã dung chứa hầu hết các vấn đề cơ
bản của thế giới theo nghĩa hiện đại của khái niệm này và là một hệ thống tập hợp
các tri thức về tự nhiên, con người. Mặc dầu chưa thoát khỏi trạng thái phôi thai,
mộc mạc nhưng vô cùng phong phú và đa dạng. Ăngghen đã nhận xét: “Chính là
vì trong các hình thức muôn vẻ của triết học Hy Lạp, đã có mầm mống và đang
nảy nở hầu hết tất cả các loại thế giới quan sau này”.
- Thứ ba, Triết học Hy Lạp đặc biệt quan tâm đến vấn đề con người. Khẳng
định con người là vốn quý, là trung tâm hoạt động của thế giới, là tinh hoa cao
quý nhất của tạo hóa. Tư tưởng ấy được thể hiện rõ qua luận điểm nổi tiếng của
Pitago: “Con người là thước đo tất thảy mọi vật”. Triết học Xôcrát đánh dấu một
bước ngoặt trong sự phát triển tư tưởng triết học ở Hy – La cổ đại, từ chỗ chủ yếu
bàn về các vấn đề căn nguyên, bản chất của thế giới và sự nhận thức chúng tới
việc coi triết học là tự ý thức của con người về chính bản thân mình. Từ đây,
những vấn đề thiết thực của cuộc sống con người trở thành một trong những đề tài

chính của triết học. Tuy nhiên, mặc dù con người đã được xem xét trong đời sống
thực của nó nhưng vẫn chỉ là con người cá thể, giá trị thẩm định con người chủ
yếu ở khía cạnh đạo đức, giao tiếp và nhận thức luận. Phép biện chứng được hiểu
như nghệ thuật tranh luận được đặc biệt coi trọng. Hoạt động thực tiễn của con
người hầu như không được bàn đến.
- Thứ tư, xét về mặt lịch sử, triết học cổ đại Hy Lạp mang tính chất duy vật
tự phát và biện chứng sơ khai, cố gắng giải thích các sự vật, hiện tượng; giải thích
thế giới như một chỉnh thể thống nhất, thường xuyên vận động và biến đổi không
ngừng. Hêraclit đã nhận ra một chân lý nổi tiếng: trong cùng một thời điểm, sự vật
đồng thời vừa là nó lại vừa là cái khác. Vì vậy, “không ai có thể tắm hai lần trong
cùng một dòng sông” đã trở thành luận điểm bất hủ của ông. Với tư cách đó,
9


những tư tưởng biện chứng của Triết học Hy Lạp cổ đại đã làm thành hình thức
đầu tiên của phép biện chứng. Tuy nhiên, đó chỉ là phép biện chứng ở trình độ sơ
khai.
1.1.3. Những đóng góp và hạn chế của triết học Hy Lạp và La Mã cổ
đại
- Những đóng góp:
+ Là nền móng cho triết học duy vật sau này.
+ Đặt ra hầu hết các vấn đề triết học cần phải giải quyết như: tồn tại là gì?
Nguồn gốc và bản chất của thế giới ra sao? Cuộc đời và số phận con người như
thế nào? Việc lý giải các vấn đề đó do cuộc sống và nhu cầu hiểu biết của con
người đặt ra và được coi là vấn đề cơ bản của triết học.
+ Có nhiều quan niệm đúng đắn mang tính định hướng cho sự phát triển
triết học sau này như thuyết nguyên tử của Đêmôcrít, hay phép biện chứng sơ
khai, chất phác và logic học hình thức của Arixtốt.
- Hạn chế:
+ Triết học duy vật mang tính trực quan, phỏng đoán thiếu những chứng cứ

khoa học cụ thể, biểu hiện dưới hình thức ngây thơ, phù hợp với nhận thức của
con người thời cổ đại.
+ Các nhà triết học đồng thời là các nhà khoa học tự nhiên, đều thuộc tầng
lớp giai cấp chủ nô. Triết học Triết học Hy – La cổ đại thể hiện thế giới quan và ý
thức hệ của giai cấp chủ nô thống trị. Nó là công cụ lý luận của giai cấp chủ nô
nhằm duy trì trật tự xã hội theo kiểu chiếm hữu nô lệ, duy trì và bảo vệ sự thống
trị của giai cấp chủ nô.
1.2. Những trường phái và triết gia tiêu biểu
1.2.1. Trường phái triết học Milet
Trường phái triết học Milet là trường phái của các nhà triết học đầu tiên xứ
Iônia – một vùng đất nổi tiếng của Hy Lạp cổ đại, nằm trải dài trên miền duyên
hải Tiểu Á, nắm giữ những huyết mạch giao thông, là cửa ngõ đi về phương
Đông, và là trung tâm kinh tế, văn hóa của thời kỳ chiếm hữu nô lệ. Nơi đây được
xem là quê hương của nhiều trường phái triết học và triết gia nổi tiếng.
Trường phái Milet có 3 tác giả chính là: Talét, Anaximen và Anaximandre.
Đóng góp quan trọng nhất của trường phái này là đã đặt nền móng cho sự hình
thành các khái niệm triết học để các triết gia sau này tiếp tục bổ sung và làm
phong phú thêm như khái niệm: chất, ko gian, độ, sự đấu tranh của các mặt đối
lập,... Một điều đáng quý nữa là các triết gia đã xuất phát từ thế giới để giải thích
thế giới, khẳng định thế giới xuất phát từ một khởi nguyên vật chất duy nhất.
10


1.2.1.1. Talét (khoảng 625 – 547 TCN)
Talét được coi là người sáng lập trường phái triết học Milet và được xem là
một trong bảy nhà hiền triết tài danh nhất lúc bấy giờ. Ông vừa là một nhà triết
học, nhà toán học, vật lý học và thiên văn học. Ở bất cứ lĩnh vực nào ông cũng có
những đóng góp quan trọng. Qua một số tư liệu còn lại hiện nay, thì ông là người
đầu tiên khám phá ra lịch 1 năm gồm 12 tháng, 365 ngày, và là người phát kiến ra
định lý nổi tiếng trong toán học mang tên ông.

Về mặt triết học, Talét là nhà triết học đầu tiên. Theo đánh giá của Arixtốt
thì Talét là người sáng lập ra kiểu triết học duy vật sơ khai. Xuất phát từ sự quan
sát hàng ngày và từ công dụng của những hành chất xung quang ta, ông cho rằng
nước là cái khởi đầu của vạn vật. Mọi vật đều sinh ra từ nước, rồi lại tan biến vào
nước.
Ông nói: “Mọi thứ đều sinh ra từ nước; thứ nhất, bản nguyên của mọi động
vật là tinh dịch, mà tinh dịch thì ẩm ướt; thứ hai, mọi thực vật đều sống bằng nước
và đơm hoa kết trái nhờ nước, sẽ khô héo nếu thiếu nước; thứ ba, bản thân ánh
sáng của mặt trời và các thiên thể cũng tiêu thụ hơi nước, giống như bản thân vũ
trụ”.
Thế giới này không gì khác hơn đó là những trạng thái khác nhau của nước,
bao bọc xung quanh chúng ta là các đại dương. Nước tồn tại vĩnh viễn còn mọi vật
do nó tạo nên thì không ngừng biến đổi, sinh ra và chết đi. Toàn bộ thế giới là một
chỉnh thể thống nhất, tồn tại tựa như một vòng thuần hoàn biến đổi không ngừng
mà nước là nền tảng của vòng tuần hoàn đó.
Xét về mặt bản thể luận, quan niệm của Talét mặc dù còn thô sơ, mộc mạc
nhưng đã hàm chứa những yếu tố biện chứng tự phát. Nước đã trở thành một khái
niệm triết học, là cái quy định sự chuyển biến từ dạng vật chất này sang dạng vật
chất khác, là cái tạo nên sự thống nhất của thế giới, là cái gắn kết giữa cái đơn và
cái đa, là cái chứa đựng tiềm tàng giữa bản chất và hiện tượng.
Bên cạnh những quan niệm duy vật sơ khai, thế giới quan của Talét còn ít
nhiều chịu ảnh hưởng của các quan niệm thần thoại và tôn giáo nguyên thủy khi
ông cho rằng thế giới chúng ta đầy rẫy các vị thần linh. Do sự hạn chế của khoa
học lúc bấy giờ, không lý giải được hiện tượng từ tính của nam châm và hổ phách,
ông khẳng định chúng có linh hồn. Các vị thần linh, trong ý tưởng của ông, là
những lực lượng hoạt động trong thế giới làm cho mọi sự vật có thể vận động và
biến đổi được.

11



Với tư cách là nhà triết học đầu tiên, Talét được gán cho là người đã khai
sinh ra quan niệm đồng nhất (thống nhất) của sống và chết, vì ông cho rằng cái
chết ko khác gì sự sống.
“Người ta hỏi Talét: sống khác gì chết?
Không có gì khác cả!
Vậy tại sao ông lại không chết đi?
Vì không có gì khác nhau cả”.
Tóm lại, triết học của Talét là triết học tiền bối của chủ nghĩa duy vật. Tính
ấu trĩ phải được xem như là một tất yếu, bởi mọi cái đều nằm trong khuynh hướng
phát triển.
1.2.1.2. Anaximandre (khoảng 610 – 546 TCN)
Ông là học trò và có họ hàng với Talét. Ông là người đầu tiên vẽ bản đồ thế
giới, sáng chế ra quả địa cầu, phát minh ra các dụng cụ thiên văn học, sử dụng
đồng hồ mặt trời. 2 tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là: Về giới tự nhiên và Về các
thiên thể bất động.
So với Talét, triết học của Anaximandre đã có một sự phát triển đáng kể:
phức tạp hơn, sâu sắc hơn và biện chứng hơn.
Khác với Talét, Anaximandre cho rằng, nguồn gốc và cơ sở của mọi sự vật
là Apeiron. Ông không nói rõ Apeiron là cái gì cụ thể mà chỉ khẳng định đó là
một cái vô định hình, vô cùng tận và tồn tại vĩnh viễn, bất diệt.
Tất cả các nhà triết học thời kỳ này khi nói về Anaximandre đều cho rằng:
Apeiron là cái mang tính vật chất; một dạng vật chất không xác định. Điểm thống
nhất này trở thành một đóng góp hết sức quan trọng của Anaximandre vào sự phát
triển quan niệm nền tảng của chủ nghĩa duy vật: vật chất. Lần đầu tiên trong lịch
sử triết học, Anaximandre đã khẳng định vật chất là không xác định. Tư duy của
con người không nhất thiết phải chú mục vào một dạng vật chất định hình cụ thể
nào đó mà phải vươn tới trình độ khái quát hơn. Trên tinh thần ấy, Arixtốt đã đánh
giá Apeiron của Anaximandre đã đạt tới trình độ khởi đầu của khởi đầu.
Mặc dù còn mộc mạc, thậm chí là thô thiển nhưng Anaximandre đã đóng

góp quan trọng vào sự phát triển của phép biện chứng cổ đại bằng quan niệm
thống nhất của các mặt đối lập.
Ông cho rằng, Apeiron ngay từ đầu trong nó đã chứa các mặt đối lập, sau
đó chúng tách ra rồi lại quay về với nó. Tự bản thân Apeiron sinh ra mọi cái, đồng
thời là cơ sở vận động của chúng. Apeiron là nguồn gốc và sự thống nhất của các
sự vật đối lập nhau như nóng – lạnh, sinh ra – chết đi,... Toàn bộ thế giới được tạo
thành từ Apeiron như một vòng tuần hoàn biến đổi ko ngừng. Phê phán các quan
12


niệm trực quan của thần thoại và tôn giáo nguyên thủy về thế giới, Anaximandre
cho rằng, những gì bề ngoài mà thế giới hiện ra trước mắt chúng ta chưa hẳn là
bản thân thế giới một cách đích thực.
Tuy nhiên, cũng như Talét (cũng là điều khó tránh khỏi của các nhà triết
học thời cổ đại sơ khai), Anaximandre còn chịu ảnh hưởng của các quan niệm
thần thoại và tôn giáo, khẳng định tồn tại điểm tận cùng giới hạn của thế giới.
Anaximandre có nhiều tiên đoán về nguồn gốc sự sống, nguồn gốc của loài
người. Ông cho rằng, sự sống bắt đầu từ ranh giới giữa lục địa và biển. Dưới sức
nóng của ánh sáng mặt trời làm nước của các đại dương cạn dần khiến cho các
sinh vật quen sống ở biển phải chuyển lên cạn, thành động vật ở trên cạn. Con
người được sinh ra từ một loài cá to.
Quan niệm về nguồn gốc sự sống và loài người của Anaximandre có tính
hai mặt. Thứ nhất, là sự tiếp tục quan niệm của Talét về vai trò của nước đối với
sự hình thành và phát triển của thế giới nói chung và các giống loài nói riêng.
Talét đã từng khẳng định: “Đại dương là tổ tiên của mọi thứ”. Điều này phản ánh
trình độ thấp kém của KH lúc bấy giờ, chưa thoát khỏi sự ảnh hưởng của thần
thoại và tôn giáo. Thứ hai, vượt lên trên tất cả ấu trĩ là một quan niệm rất thật – sự
sống của thế giới này kể cả con người không phải từ trên trời rơi xuống, mà là kết
quả của sự thay đổi môi trường sống tạo nên.
Từ lập trường đó, Macôcenxki đã khẳng định Anaximandre là tiền bối xa

xôi của học thuyết Darwin.
Tóm lại, triết học của Anaximandre là sự tiếp nối và phát triển những tư
tưởng đã được Talét đặt ra, nhưng để đánh giá đúng những cống hiến của ông thì
nhất thiết phải thấy được mlh biện chứng giữa cách đặt vấn đề và ý nghĩa của cách
đặt vấn đề trong triết học của ông.
1.2.1.3. Anaximen (khoảng 585 – 528 TCN)
Là học trò của Anaximandre. Trong tư cách là nhà khoa học, ông say mê
nghiên cứu thiên văn học. Trong vai nhà triết học, ông tiếp tục đường lối triết học
của Talét.
Điều đáng quý nhất trong quan niệm về vũ trụ của ông là quan niệm vô
thần. Theo ông, không thể lấy tinh thần, hoặc dùng các lực lượng siêu tự nhiên để
giải thích về nguồn gốc của vũ trụ, của tự nhiên.
Tiếp tục tư tưởng của Talét, ông cho trái đất là trung tâm của vũ trụ và ông
gọi là định tinh. Trái đất giống như một cái trống. Mặt trăng, mặt trời và các vì
tinh tú là những hành tinh của trái đất. Về chất liệu cấu thành thì không khác gì
trái đất vì chúng đều do trái đất sinh ra.
13


Về mặt triết học, giống như Talét, ông đã tìm kiếm khởi đầu của vạn vật
trong những yếu tố vật chất có liên quan mật thiết đối với đời sống của con người,
theo ông đó chính là không khí. “Thở và không khí khí bao trùm khắp vũ trụ, mọi
thứ đều xuất hiện từ chúng rồi quay về với chúng”. Không khí sinh ra vạn vật và
muôn loài bằng hai cách làm đặc và làm loãng.
Như vậy, dễ dàng nhận thấy quan niệm về không khí là bản nguyên của
Anaximen có tính chất dung hòa giữa Ta lét và Anaximandre, giữa nước và
Apeiron.
Không khí không chỉ là nguồn gốc để tạo thành các vật vô cơ, sự sống mà
còn là “bản nguyên của linh hồn, của thần linh, của thượng đế”. Người ta không
thể sống nếu như không thở. Bởi vậy, cái bao trùm vũ trụ này là không khí.

Tóm lại, triết học của Anaximen nếu so với triết học của Anaximandre thì
không thể nói đã có sự phát triển về chất. Điều đáng trân trọng ở ông là đã cố gắng
giải thích thế giới trên tinh thần duy vật và dành nhiều công sức để nghiên cứu về
vũ trụ trên quan điểm vô thần.
1.2.2. Hêraclite (khoảng 540 – 475 TCN)
Hêraclite là nhà biện chứng nổi tiếng ở Hy Lạp cổ đại. Xuất thân trong một
gia đình quý tộc ở Ionia nhưng ông sống một cuộc đời rất nghèo khổ và cô độc.
Những năm cuối đời ông chuyên sống trong các túp lều ở trên núi và người ta
không biết được năm chết đích xác của ông.
Theo đánh giá của Lênin thì Hêraclite là “một trong những người sáng lập
ra phép biện chứng”. Một điều đáng chú ý nữa là bản thân Hegel cũng thừa nhận
ông chịu ảnh hưởng của Hêraclite. Tuy có nhiều tư tưởng biện chứng rất sâu sắc,
nhưng cách thể hiện chúng ở ông không rõ ràng, có nhiều ẩn dụ khó hiểu. Vì thế,
nhiều người cùng thời không hiểu được ông, thường gọi là “tăm tối”.
- Quan niệm về thế giới:
Với Hêraclite, lửa là khởi nguyên của thế giới, của vạn vật. Lửa không chỉ
là cơ sở của mọi vật mà còn là khởi nguyên sinh ra chúng.
Lửa là cái tạo ra từng sự vật cụ thể hàng ngày gần gũi cho đến những hành
tinh xa lắc. Do vậy, cái thống nhất ở trong thế giới này không phải do chúa trời
hay các vị thần linh tạo ra mà là do lửa, một dạng của vật chất. “Thế giới mãi mãi
đã, đang và sẽ là ngọn lửa đang bập bùng cháy suốt ngày đêm”. Ví toàn bộ vũ trụ
tựa như ngọn lửa bất diệt, Hêraclite đã tiếp cận được với quan niệm duy vật nhấn
mạnh tính vĩnh viễn và bất diệt của thế giới. Các hiện tượng của tự nhiên như trời
đang nắng lại mưa, sự chuyển đổi các mùa trong một năm,... không phải là các
hiện tượng thần bí mà chỉ là những trạng thái khác nhau của lửa. “Cái chết của lửa
14


chỉ là sự ra đời của không khí, cái chết của không khí chỉ là sự ra đời của nước.
Nước sinh ra từ cái chết của đất, không khí sinh ra từ cái chết của nước, lửa sinh

ra từ cái chết của không khí. Mọi cái biến đổi thành lửa và lửa thành mọi cái tựa
như trao đổi vàng thành hàng hóa và hàng hóa thành vàng”.
Theo Hêraclite, cái quy định trạng thái của sự vật và sự vận chuyển từ trạng
thái này sang trạng thái khác là nhiệt độ của lửa. Ông chia các quá trình biến đổi
trong thế giới thành hai con đường: con đường đi lên và con đường đi xuống.
Con đường đi lên: Lửa
thể rắn (đất)
thể lỏng (nước)
thể hơi (ko
khí)
Con đường đi xuống: Lửa
thể hơi
thể lỏng
thể rắn.
Lửa không chỉ là hiện thân và sức mạnh của vũ trụ, của vật lý mà còn là sức
mạnh của lý trí. Lửa là logos.
Logos là khái niệm có trước Hêraclite, (theo tiếng Hy Lạp cổ nghĩa là từ
ngữ). Nó được hiểu không chỉ là từ ngữ, mà còn là quy luật khách quan của vũ trụ,
quy định trật tự và chuẩn mực của mọi cái. Logos được hiểu theo rất nhiều cách
khác nhau. Nghĩa là nó phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể. Do vậy, không thể phiên
dịch sang các ngôn ngữ khác. Hêraclite đã biến khái niệm này thành khái niệm
trung tâm trong triết học của ông. Logos trong hệ thống triết học của Hêraclite vẫn
là một khái niệm đa nghĩa. Ít nhất có 7 cách giải thích khác nhau về logos của
Hêraclite.
1. Logos – thần ngôn thần bí.
2. Logos – vị thần cai quản thế giới.
3. Logos – lý tính tối cao, là cơ sở của vũ trụ.
4. Logos – quy luật phổ biến, theo đó mọi sự biến đổi và chuyển hóa của
các sự vật diễn ra.
5. Logos – quan hệ quy định sự chuyển hóa của một số mặt này thành một

số mặt khác (về lượng).
6. Logos – học thuyết.
7. Logos – danh từ, lời nói.
Như vậy, theo Hêraclite lửa không chỉ là thực thể sản sinh ra mọi vật, mà
còn là khởi tổ thống trị toàn thế giới. Đó không phải là lửa theo nghĩa thông
thường, mà là lửa vũ trụ, sản sinh ra không chỉ các sự vật vật chất, mà cả những
hiện tượng tinh thần, kể cả linh hồn con người. Mối quan hệ giữa logos và lửa là
mối quan hệ giữa bản chất và hiện tượng, vì thế logos và lửa không thể tách rời
nhau.

15


Theo cách hiểu của Hêraclite, logos tồn tại dưới dạng khách quan và chủ
quan. Logos khách quan là trật tự khách quan của mọi cái đang diễn ra trong thế
giới, biến cả thế giới thành một chỉnh thể thống nhất đầy sống động. Logos chủ
quan là từ ngữ, học thuyết, lời nói được hiểu như là chuẩn mực của mọi hoạt động
tư tưởng, suy nghĩ của con người. Người nào càng tiếp cận được nó bao nhiêu thì
càng thông thái bấy nhiêu.
Dưới con mắt của Hêraclite, mọi sự vật trong thế giới của chúng ta đều thay
đổi, vận động và phát triển không ngừng. Ông nhận xét: “mọi cái đang trôi đi”.
Đây được xem là học thuyết về dòng chảy, hay vận động là phổ biến của ông. Vì
thế người ta thường liên tưởng tới câu nói nổi tiếng của ông: “Không ai có thể tắm
hai lần trên cùng một dòng sông”.
Hêraclite thừa nhận sự tồn tại và thống nhất của các mặt đối lập nhưng
trong các mối quan hệ khác nhau. Chẳng hạn, “đối với loài cá thì nước là rất cần
thiết cho sự sống, nhưng đối với con người thì đó là một độc tố có hại”, cũng như
“một con khỉ dù đẹp đến đâu nhưng vẫn là xấu nếu đem so nó với con người”.
Bản thân logos là sự thống nhất của các mặt đối lập. Vũ trụ là một thể thống nhất,
nhưng trong lòng nó luôn luôn diễn ra các cuộc đấu tranh giữa các sự vật, lực

lượng đối lập nhau. Nhờ các cuộc đấu tranh đó mà mới có hiện tượng sự vật này
chết đi, sự vật khác ra đời. Vì thế đấu tranh là vương quốc của mọi cái, là quy luật
phát triển của vũ trụ.
- Nhận thức luận và nhân bản học:
Triết học của Hêraclite không chỉ quan tâm đến vấn đề bản thể luận như
trường phái Milê, mà còn chú trọng đến việc nghiên cứu về lý luận nhận thức và
nhân bản học.
+ Về mặt nhận thức, theo ông nhận thức khởi đầu từ cảm tính, thông qua
các giác quan để con người nhận thức các sv cụ thể. Ông cũng đã nhận thấy vai
trò của các giác quan là không giống nhau trong nhận thức. Ông viết “mắt và tai là
người thầy tốt nhất, nhưng mắt là nhân chứng tốt hơn tai”.
Ông chia nhận thức thành hai cấp độ: nhận thức cảm tính và nhận thức lý
tính. Nhận thức cảm tính chỉ là sự tiếp cận với logos nhưng đó là sự tiếp cận
không chắc chắn. “Thị giác thường bị lừa vì tự nhiên thích ẩn mình”. Nhận thức lý
tính là con đường để đạt tới chân lý nên được ông đề cao.
+ Về nhân bản học, con người là sự thống nhất cả hai mặt đối lập: cái ẩm
ướt và lửa. Linh hồn của con người là biểu hiện của lửa. Lửa đưa con người đến
điều thiện, lửa làm cho con người trở nên hoàn hảo, lửa là sự thôi thúc ở trong tim
để ngăn ngừa và làm chủ được mình trước những cám dỗ. Người nào càng nhiều
16


yếu tố lửa bao nhiêu thì anh ta càng tốt bấy nhiêu vì tâm hồn anh ta khô ráo. Nếu
như lửa là cội nguồn của chân, thiện, mỹ trong con người thì mặt đối lập ẩm ướt là
căn cứ của những thói xấu. Cho nên mới có người tốt, kẻ xấu.
Con người là một thực thể có hai mặt tốt (lửa) và xấu (ẩm ướt). Nhưng phần
đông mọi người sống chủ yếu theo những suy nghĩ, quan niệm riêng của mình chứ
chưa hiểu và tuân theo logos, do vậy họ là những người tầm thường.
Theo Hêraclite, hạnh phúc không phải là sự hưởng lạc đơn thuần về mặt thể
xác, thỏa mãn những dục vọng, đam mê tầm thường vì “nếu hạnh phúc là khoái

cảm về thể xác, thế thì khi con bò tìm được cỏ để ăn thì đó là lúc nó hạnh phúc”.
Cho nên, hạnh phúc là ở việc biết vượt lên trên mình, biết suy nghĩ, nói và hành
động tuân theo thế giới tự nhiên, theo logos. Để ngăn chặn sự sa đọa của con
người cần có hệ thống pháp luật hữu dụng và thỏa đáng. Ở đây, Hêraclite có nhiều
quan niệm sâu sắc và đúng đắn. Lênin đánh giá cao những quan niệm đó của ông,
cho rằng chúng đã thể hiện một trong những điểm cơ bản của phép biện chứng.
1.2.3. Trường phái triết học Pythagore
Trường phái triết học Pythagore, hội Pythagore, hay liên minh Pythagore
chỉ có một, do Pythagore (571 – 497 TCN) sáng lập ra ở Samos, thuộc xứ Ionie.
Trường phái này tồn tại khoảng 2 thế kỷ, cho đến nửa sau thế kỷ IV TCN nó được
hợp nhất với trường phái Platon.
Trong trường phái triết học này, Pythagore được gọi là người cha của triết
học thần thánh vì cách nói của ông giống như một nhà tiên tri. Pythagore chỉ là
biệt danh. Theo tiếng Hy Lạp, Pythagore nghĩa là người thuyết phục bằng lời nói.
Pythagore không chỉ là nhà triết học mà ông còn là nhà toán học. Ở lĩnh vực
nào ông cũng có những đóng góp có giá trị. Các tác phẩm của ông gồm có: Về
giới tự nhiên; Về nhà nước; Về giáo dục; Về linh hồn; Về thế giới và Lời nói linh
thiêng.
Tư tưởng đầu tiên của trường phái Pythagore là thừa nhận sự bất tử và luân
hồi của linh hồn. Chịu ảnh hưởng của giáo phái Oócphê, họ cho rằng con người là
một thực thể nhị nguyên gồm có linh hồn và thể xác. Linh hồn là thiêng liêng, bất
tử, có trước thể xác nhưng vì tội lỗi nên linh hồn phải đầu thai vào một thể xác,
sống trong thể xác là kiếp sống lang thang và tội lỗi, linh hồn trở thành kẻ bị đọa
đày, còn thân xác như nấm mồ vùi dập linh hồn đó.
Thân xác là khả tử nên linh hồn phải trải qua nhiều kiếp sống trong các thân
xác khác nhau, linh hồn chỉ được giải thoát khi hiểu biết được định luật chi phối
vũ trụ. Vì vậy, ý nghĩa cao cả của cuộc đời là xuất hồn, thanh tẩy những dơ bẩn,
loại bỏ những tà dâm, tà ý, sống trong sự thánh thiện để thoát ly khỏi những ràng
17



buộc của sự giải thoát linh hồn và phương tiện của sự giải thoát đó chính là toán
học.
Cũng như nhiều nhà triết học thời cổ đại, trường phái Pythagore không thể
không quan tâm đến việc xác định bản chất và khởi nguyên của thế giới. Nhưng là
một nhà toán học, ông chịu ảnh hưởng nhiều của các quan niệm toán học, cho nên
theo ông khởi nguyên của thế giới này là con số. Một vật tương ứng với một con
số nhất định.
Dưới con mắt của Pythagore và các môn đồ của ông, các con số không chỉ
là khởi nguyên của các sự vật tự nhiên, mà còn là nền tảng, bản chất của các hiện
tượng ý thức. Linh hồn con người cũng được cấu thành từ các con số. Chúng đóng
vai trò quyết định trong nhận thức thế giới. Bản thân quá trình nhận thức cũng chỉ
là quá trình thể hiện đối tượng nhận thức bằng những con số.
Không dừng lại ở quan niệm coi con số là khởi nguyên, là bản chất của các
sự vật cụ thể và vũ trụ, Pythagore đã áp dụng các con số vào trong cuộc đời và các
hoạt động nghệ thuật. Cuộc đời và mỗi biến cố của cuộc đời đều do con số thúc
đẩy. Con số 7 là con số tạo ra cơ hội, con số 3 và 5 là cơ may ràng buộc hôn nhân.
Con số đã trở thành thiên cơ huyền bí. Âm nhạc là tương quan hòa âm giữa các
con số, hội họa là tương quan màu sắc giữa những hiện tượng số học,...
Hạn chế của quan niệm trên là ở chỗ, quá sùng bái các con số do đó
Pythagore đã biến chúng thành những lực lượng thần bí thống trị hiện thực (lập
trường duy tâm khách quan). Tuy nhiên, các q.n của Pythagore có điểm hợp lý ở
chỗ nhấn mạnh vai trò quan trọng của các con số trong nhận thức toán học. Hơn
nữa, ông còn có nhiều quan điểm biện chứng sâu sắc về mối quan hệ giữa số chẵn
– số lẻ, số hữu hạn – vô hạn, vận động – đứng yên,...
Tóm lại, lịch sử triết học phương Tây không thể không nhắc đến sự hiện
hữu của trường phái Pythagore – một trường phái mà các thành viên của nó phần
lớn là các nhà toán học, đã có đường hướng riêng độc đáo khi giải quyết khởi
nguyên vũ trụ.
1.2.4. Trường phái triết học Êlê

Trường phái Êlê ra đời tại thành phố Êlê, miền Nam Italia, phụ thuộc vào
Hy Lạp. Nơi đây đã sản sinh ra nhiều nhà triết học nổi tiếng.
1.2.4.1. Xênôphan (khoảng 570 – 478 TCN)
Xênôphan vừa là nhà triết học, vừa là nhà thơ. Các tác phẩm triết học của
ông được diễn đạt bằng thơ. Ông là người sáng lập ra trường phái Êlê. Theo ông,
xưa kia toàn bộ đất đai chúng ta chìm ngập dưới biển, sau đó một phần đất nổi lên

18


và trở thành lục địa, chỗ cao trở thành núi non. Vì vậy đất là cơ sở của mọi cái
trên thế gian. Cùng với nước, đất tạo nên sự sống của muôn loài sinh vật.
Xênôphan cho rằng, thế giới là một khối duy nhất, không vô hạn và cũng
không hữu hạn, không vận động và cũng không đứng im, không sinh ra và cũng
không mất đi. Nó cũng không do thần thánh sáng tạo ra.
Ông cho rằng chính con người tạo ra thần thánh, chứ không phải thần thánh
tạo ra con người. Con người đã sáng tạo ra thần thánh theo trí tưởng tượng và theo
suy tưởng của mình. “Nếu như bò, hay ngựa, hay sư tử cũng có tay và nếu chúng
cũng giống như con người có thể dùng tay để vẽ thì ngựa đã quan niệm thần thánh
như ngựa; bò đã hình dung những đấng bất tử theo hình ảnh của bò,...”.
1.2.4.2. Pácmênít (khoảng cuối thế kỷ VI đầu thế kỷ V TCN)
Pácmênít xuất thân từ một gia đình chủ nô quý tộc ở Êlê. Ông sử dụng thơ
để biểu thị quan điểm triết học của mình.
Điểm xuất phát của triết học Pácmênít là tồn tại. Theo ông, tồn tại là duy
nhất, không thể phân chia, không vận động, không biến đổi. Ông khẳng định “tồn
tại là bất biến”, “nó không sinh ra, nên cũng không mất đi, nó hoàn chỉnh, duy
nhất, bất động và vô hạn”. Như vậy, lần đầu tiên trong triết học bản nguyên của
thế giới không được quy về một sự vật cụ thể.
Pácmênít phủ nhận vai trò của nhận thức lý tính. Theo ông, không nên “căn
cứ vào đôi mắt hồ đồ, đôi tai ồn ào, cái lưỡi uốn éo, mà phải dùng lý trí để giải

quyết những vấn đề đang thảo luận”.
1.2.4.3. Dênôn (khoảng 490 – 430 TCN)
Dênôn sinh ra ở thành phố Êlê, miền Nam Italia. Ông là học trò của
Pácmênít, là người bảo vệ và lý giải quan điểm triết học của người thầy về tồn tại.
Dênôn chứng minh và khẳng định dứt khoát tồn tại là duy nhất, bất biến.
Ông đã nêu ra hàng loạt nghịch lý hay apôria, tức là vấn đề khó lý giải, hoặc
những antinômia tức là mâu thuẫn, không giải quyết được. Chẳng hạn, theo ông,
nếu có vô số sự vật tồn tại trong thế giới thì số lượng đó vẫn bị giới hạn, bởi vì số
lượng đó do chúng đang tồn tại. Bên cạnh đó, chúng lại không bị giới hạn bởi
ngoài những sự vật hiện có, vẫn còn những sự vật khác đang tồn tại, và ngoài
chúng lại có những sự vật khác nữa cũng đang tồn tại,... cứ như thế đến vô cùng.
Như thế là, theo Dênôn ở đây đã gặp mâu thuẫn không giải quyết được: thế giới
sự vật vừa hữu hạn, vừa vô hạn. Đó là điều phi lý, giả dối.
Dênôn phủ nhận sự vận động của sự vật. Theo ông, tri thức về vận động của
các sự vật do các giác quan của con người đem lại là tri thức không chân thực.

19


Nếu sử dụng tri thức về vận động do lý tính đem lại sẽ là không đúng. Ông đưa ra
các apôria.
- Apôria về “phân đôi” (đikhôtômia):
Theo Dênôn, “một vật trước khi đi đến một điểm nào, trước hết phải đi qua
phân nửa của đoạn đường đó; song trước khi đi qua phân nửa đoạn đường ấy, phải
đi qua phân nửa của phân nửa đoạn đường ấy,... cứ như vậy không bao giờ đến hết
cái phân nửa của phân nửa cuối cùng được”. Từ đó, Dênôn kết luận: “Vật chất
không bao giờ lại có thể vận động được hết, vì sự vận động của nó bị phân chia vô
cùng tận bởi con đường mà nó phải đi”.
- Apôria về “Asin và con rùa”:
Dênôn khẳng định rằng, dù Asin có chạy nhanh đến đâu chăng nữa cũng

không bao giờ đuổi kịp con rùa bò. Bởi vì khi Asin chạy đến vị trí của con rùa thì
con rùa cũng đã bò được một quãng đường ngắn, khoảng cách giữa Asin và con
rùa ngày càng ngắn lại, song không bao giờ Asin đuổi kịp con rùa cả.
- Apôria về “mũi tên bay”:
Dênôn cho rằng, mũi tên đang bay là mũi tên dừng lại liên tục trên từng vị
trí của quãng đường bay tới đích. Ông kết luận, sự vận động của mũi tên chỉ là sự
tổng hợp những sự đứng im của nó. Vì thế, vận động là phi lý; không hề có vận
động.
Từ lập luận về các apôria, Dênôn khẳng định, nếu dùng trực quan cảm tính
để nhận thức sự vật, thì sẽ không hiểu được bản chất của nó. Muốn nắm được bản
chất của sự vật, phải sử dụng tư duy trừu tượng. Điều này cũng có nghĩa là ông
phủ nhận vai trò của nhận thức cảm tính và và đề cao vai trò của nhận thức lý tính.
Tuy vậy, Dênôn là người đầu tiên đã vạch ra mâu thuẫn trong vận động và đặt vấn
đề nhận thức vận động theo quan điểm của lôgic học.
1.2.5. Triết học Hy Lạp thế kỷ V - IV trước Công nguyên
Trường phái triết học Êlê đã nêu lên tư tưởng về sự thống nhất của thế giới.
Sự thống nhất đó là tồn tại. Tồn tại là duy nhất, bất biến. Nó đánh dấu một bước
phát triển của tư duy triết học, song, lại không phản ánh đúng tính phong phú, đa
dạng của thế giới, sự biến hóa không ngừng của các sự vật, hiện tượng. Do đó, tư
duy triết học buộc phải có sự khái quát mới. Nhiệm vụ này được các nhà triết học
ở thế kỷ V TCN thực hiện.
1.2.5.1. Anaxago (500 – 428 TCN)
Anaxago sinh ra và lớn lên ở Aten. Ông đã từng giảng dạy triết học ở đó.
Ông cũng quan tâm đặc biệt đến việc nghiên cứu tự nhiên.

20


Khác với các nhà triết học trước đó, Anaxago cho rằng, nguồn gốc đầu tiên
của các sự vật là “những hạt giống”, chứ không phải là một hay một số yếu tố như

đất, nước, lửa, không khí. “Những hạt giống” ấy được phân biệt bởi chất lượng
muôn hình vạn trạng của chúng. Mỗi sự vật chỉ có thể nảy sinh từ một hạt giống
của mình. Tính chất của hạt giống được bảo tồn trong sự vật do nó sinh ra. Dù sự
vật có bị chia nhỏ đến vô cùng thì tính chất của nó cũng không thay đổi. Chẳng
hạn, vàng được chia nhỏ đến vô cùng thì nó vẫn là vàng, thịt chia nhỏ đến vô cùng
vẫn là thịt,... Như vậy, ông có quan niệm đúng về tính vô hạn của vật chất.
Theo Anaxago, mỗi sự vật là sự kết hợp giản đơn của những hạt giống tạo
ra sự vật khác. Tính chất của sự vật phụ thuộc vào tính chất của các hạt giống tạo
nên sự vật ấy. Nếu những hạt giống tạo thành sự vật bị thay thế nhiều bằng những
hạt giống khác thì chất của sự vật ấy sẽ thay đổi. Chính sự kết hợp của những hạt
giống không đồng chất đã tạo nên sự đa dạng và sự biến hóa của các sự vật trong
tự nhiên.
Anaxago quan niệm rằng, nguồn gốc vận động của những hạt giống là “tinh
thần” (Nusơ). “Tinh thần” là một chất tinh tế, thuần khiết. “Tinh thần” cũng là
một dạng vật chất, chứ không phải tinh thần sinh ra vật chất. “Tinh thần” của
Anaxago là một lực lượng nằm ngoài vật chất. Nói cách khác, nguồn gốc, nguyên
nhân vận động nằm ngoài sự vật. Điều này, khác với Hêracrít quan niệm, nguồn
gốc vận động nằm trong chính sự vật (lửa), nên sự vật chuyển hóa thành cái đối
lập của nó. Những quan điểm triết học của Anaxago thể hiện rõ quan niệm siêu
hình của ông.
1.2.5.2. Empeđôclơ (khoảng 490 – 430 TCN)
Empeđôclơ sinh ra ở Agrigente thuộc đảo Xixin. Ông vừa là nhà triết học,
vừa là nhà thơ, vừa là thầy thuốc, vừa là nhà vật lý, vừa là một chính khách tích
cực hoạt động ủng hộ phái chủ nô dân chủ, vừa là nhà diễn thuyết có tài.
Empeđôclơ quan niệm rằng, thế giới được xây dựng từ bốn yếu tố: đất,
nước, không khí, lửa. Bốn yếu tố đó tồn tại vĩnh viễn và bất biến. Từ bốn yếu tố
muôn vật được sinh ra và sự vật mất đi là do sự tan rã của bốn yếu tố.
Khác với Hêracrít cho rằng, sự vật được sinh ra là do mâu thuẫn giữa các
mặt đối lập trong bản thân nó, Empeđôclơ lại thừa nhận nguồn gốc vận động của
sự vật là do tác động của tình yêu và căm thù nằm ngoài sự vật. Tình yêu làm cho

các yếu tố kết hợp với nhau để tạo thành sự vật, còn căm thù làm cho các yếu tố
phân rã, dẫn đến sự diệt vong của sự vật.
Dựa trên cơ sở về tình yêu và căm thù, Empeđôclơ lý giải quá trình hình
thành vũ trụ.
21


Ông cho rằng, thời kỳ thứ nhất tình yêu thống trị, làm cho bốn yếu tố hòa
quyện với nhau tạo nên vũ trụ hình cầu bất động. Thời kỳ thứ hai, căm thù xâm
nhập vào vũ trụ hình cầu, làm cho các yếu tố bị phân chia và các yếu tố cùng loại
kết hợp với nhau. Thời kỳ thứ ba, căm thù thống trị, tình yêu bị đẩy ra vòng ngoài
của vũ trụ. Thời kỳ thứ tư, tình yêu và căm thù ở trạng thái cân bằng, tạo nên vũ
trụ trong đó loài người sinh sống.
Empeđôclơ thừa nhận vận động tồn tại mãi mãi, nhưng nó chỉ là sự di
chuyển vị trí trong ko gian và mang tính chất tuần hoàn, chứ không có vận động đi
lên.
Ông cũng nêu lên những quan niệm sơ khai về sự tiến hóa của giới hữu cơ.
Theo ông, giới hữu cơ hình thành và phát triển theo bốn thời kỳ.
Thời kỳ thứ nhất xuất hiện những sinh vật đơn giản, “những cái đầu ko có
cổ, những cánh tay không vai, những con mắt liệng đi, liệng lại không có trán”.
Thời kỳ thứ hai xuất hiện những sinh vật có nhiều bộ phận kết hợp với
nhau.
Thời kỳ thứ ba các sinh vật bắt đầu có sự phát triển, sinh vật mới ra đời và
ông gọi là “sự tồn tại có tính chất hoàn toàn đầy đủ”.
Thời kỳ thứ tư ra đời thực vật, động vật và con người.
Con người được sinh sản ra và phát triển là do sự kết hợp giữa nam tính và
nữ tính. Tuy quan niệm trên chưa có cơ sở khoa học, nhưng đã thể hiện tư tưởng
biện chứng về quá trình tiến hóa của giới hữu cơ.
Empeđôclơ đã thấy rõ sự thống nhất hữu cơ, gắn bó chặt chẽ của nhận thức
cảm tính và nhận thức lý tính. Song, ông không thấy được sự khác nhau về chất

giữa chúng, nên đồng nhất tư duy và cảm giác. Ông còn coi máu là cơ quan của tư
duy. Sự thông minh và sự ngu dốt của con người được ông quy về sự kết hợp cân
bằng hay không cần bằng của bốn yếu tố. Người thông minh là người có bốn yếu
tố kết hợp cân bằng, còn người ngu dốt được kết hợp bởi các yếu tố không cân
bằng.
1.2.6. Trường phái triết học Nguyên tử
Học thuyết nguyên tử là đỉnh cao của chủ nghĩa duy vật cổ đại. Lơxíp là
người sáng lập, Đêmôcrít là người kế tục và phát triển.
1.2.6.1. Lơxíp (khoảng 500 – 440 TCN)
Những di bản của Lơxíp hầu như không được lưu giữ, vì thế khó có thể biết
đầy đủ về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Tất cả những gì biết về ông là thông qua
Đêmôcrít – học trò của ông, và qua những bình luận, phê phán của các học giả
đương thời.
22


Lơxíp cho rằng, khởi nguyên của thế giới không phải là bốn yếu tố (đất,
nước, lửa, ko khí) mà là các nguyên tử.
Nguyên tử đó là các hạt vật chất nhỏ đến tận cùng, tuyệt đối không thể phân
chia được nữa, vô hạn về số lượng, vô hạn về hình thức, không có chất lượng. Dấu
hiệu để phân biệt các dạng nguyên tử là ở kích thước và hình thức. Sự vật là do sự
kết hợp của nguyên tử tạo thành. Sự sắp xếp khác nhau về hình thức giữa các
nguyên tử tạo nên những sự vật khác nhau.
Đứng trên lập trường duy vật, Lơxíp dùng học thuyết nguyên tử để lý giải
sự sinh thành của vũ trụ. Vũ trụ được hình thành từ những cơn lốc xoáy của
nguyên tử theo nguyên tắc những nguyên tử cùng loại thì tụ lại với nhau, và theo
trật tự to nặng ở trung tâm, nhẹ ở xa dần. Do vậy, cấu trúc của vũ trụ là trái đất,
bầu trời và các vì tinh tú.
Tóm lại, dù các giá trị tư tưởng của ông ko được tìm hiểu một cách đầy đủ
nhưng những gì ông để lại qua trang viết của học trò và các học giả đương thời đã

đủ khẳng định ông là một nhà triết học lớn, người đã khai sinh ra học thuyết tuyệt
đỉnh của chủ nghĩa duy vật cổ đại.
1.2.6.2. Đêmôcrít (khoảng 460 – 370 TCN)
Đêmôcrít là nhà triết học duy vật vĩ đại trong thế giới cổ đại. Ông sinh ra tại
Áp-de – một trung tâm buôn bán sầm uất của vùng Tơraxơ, trong một gia đình
giàu có. Ông đã từng đi chu du ở nhiều nước trên thế giới như Ai Cập, Babilon,
Ba Tư, Ấn Độ và sau đó sinh sống tại Aten. Là người có kiến thức uyên bác trên
nhiều lĩnh vực. Ngoài triết học, ông còn viết nhiều tác phẩm về toán học, đạo đức
học, tâm lý học, sinh vật học, thiên văn học, mỹ học,... Đáng tiếc là những tác
phẩm của ông không còn nhiều vì bị thế lực thù địch đốt gần hết. Arixtốt coi ông
là người điều khiển được tư duy của mình trên mọi lĩnh vực. Mác và Ăngghen
thừa nhận ông là bộ óc bách khoa đầu tiên trong số những người Hy Lạp.
Trước những cảnh nhiễu nhương của cuộc đời, ông đã tự làm mù mắt mình
bằng cách đặt một lá chắn bằng đồng hướng ánh sáng mặt trời lúc hoàng hôn
chiếu vào mắt. Cả đời ông sống trong túng bấn và nghèo khổ.
- Thuyết nguyên tử
Ông là người đã xây dựng học thuyết nguyên tử luận về thế giới. Theo ông,
khởi nguyên của thế giới không phải là một sự vật cụ thể nào đó như các nhà triết
học trước đó quan niệm mà là các nguyên tử (atom). Nguyên tử là những hạt vật
chất cực nhỏ, không thể cảm nhận bằng thị giác, không thể phân chia, không nhìn
thấy được, không âm thanh, không màu sắc, không mùi vị và tồn tại vĩnh viễn.
Chúng đồng nhất với nhau về chất, nhưng khác nhau về hình thức, thứ tự và tư
23


thế. Các nguyên tử có nhiều hình dạng khác nhau như hình cầu, hình tam giác,
hình cong, hình lõm,... Chính sự đa dạng về hình thức của chúng là yếu tố tạo nên
sự đa dạng của các sự vật mà chúng cấu thành. Các nguyên tử không thể biến
thành nhau, chúng vận động trong khoảng không tựa như những hạt bụi gặp gió
bay lên, ta quan sát thấy trong tia nắng mặt trời xuyên qua cửa sổ. Các hạt bụi tồn

tại trong không khí, nhưng vì chúng quá bé nên chúng ta không nhìn thấy được,
do vậy có cảm tưởng chúng không tồn tại. Chính nhờ có khoảng không mà có chỗ
để cho các nguyên tử vận động. Vận động là bản chất của các nguyên tử, diễn ra
do sự va chạm giữa chúng và cũng tồn tại vĩnh viễn như bản thân nguyên tử vậy.
Mỗi nguyên tử có một hình thức đặc thù, các nguyên tử vô hạn nên số
lượng hình thức cũng vô hạn. Nguyên tử tuân theo một trật tự xác định giống như
các chữ cái tạo ra từ, các từ tạo ra câu, các câu tạo ra đoạn văn,... bởi vậy mọi cái
đều bắt đầu từ nguyên tử kể cả con người.
Vận động của các nguyên tử là vĩnh viễn và chúng vận động trong chân
không, nhưng chân không không phải là nguyên nhân của vận động, chỉ là điều
kiện để vận động. Ở đây Đêmôcrít đã thấy rõ quan hệ chặt chẽ giữa vật chất và
vận động. Vận động là vốn có của ngtử chứ không phải được đưa từ bên ngoài
vào. Tuy nhiên cả Lơxíp và Đêmôcrít chưa giải thích được nguồn gốc của vận
động, cho nên quan niệm về vận động của học thuyết ngtử thiếu thuyết phục.
Xuất phát từ quan niệm về nguyên tử và về sự vận động của chúng,
Đêmôcrít khẳng định vũ trụ do vô số thế giới tạo nên chứ không phải chỉ có một
thế giới duy nhất của chúng ta. Do những sự kết hợp khác nhau của những nguyên
tử luôn luôn vận động trong không gian và tuân theo quy luật của tự nhiên đã tạo
nên sự xuất hiện và diệt vong của vô số thế giới hợp thành vũ trụ. Trong không
gian vô tận, những nguyên tử luôn luôn vận động, va đập, xô đẩy nhau tạo thành
“cơn lốc” nguyên tử. Trong cơn lốc đó, những nguyên tử kết hợp với nhau tạo nên
một khối lớn và cuối cùng, quá trình này tạo ra trái đất. Số lượng thế giới là vô
hạn, một thế giới biến đi, một thế giới mới lại xuất hiện. Mỗi thế giới tồn tại ở một
giai đoạn nhất định, tùy thuộc vào quá trình phát triển của nó.
- Lý luận nhận thức
Đêmôcrít là người có công lao to lớn trong lịch sử triết học về vấn đề xây
dựng lý luận nhận thức với việc đặt ra và giải quyết một cách duy vật vấn đề đối
tượng của nhận thức, vai trò của cảm giác với tính cách là điểm khởi đầu của nhận
thức và vai trò của tư duy trong việc nhận thức thế giới xung quanh.
Theo Đêmôcrít, sở dĩ con người có những cảm giác khác nhau về màu sắc,

mùi vị, âm thanh, nóng, lạnh,... là do những nguyên tử kết hợp thành đối tượng
24


nhận thức, tác động lên chủ thể nhận thức. Điều đó có nghĩa đối tượng nhận thức
là vật chất, là thế giới xung quanh con người, và nhờ sự tác động của đối tượng
nhận thức vào con người, nên con người mới nhận thức được.
Đêmôcrít chia nhận thức làm hai dạng: nhận thức mờ tối và nhận thức chân
lý. Nhận thức mờ tối là nhận thức trực tiếp do các giác quan đem lại, vì vậy chỉ
dừng lại ở những cảm nhận bên ngoài, chưa làm sáng tỏ được sự vật và thường
chịu áp lực của số đông dư luận chi phối. Ông nói: “một số người cảm thấy mật
ngọt, một số khác lại cảm thấy đắng, từ đó dẫn đến kết luận là mật không ngọt,
cũng không đắng”.
Nhận thức chân lý là nhận thức thông qua những phán đoán logic, do vậy
nhận thức được tồn tại (nguyên tử) và không-tồn tại (chân không), giải thích được
nguồn gốc của những cảm nhận mà nhận thức mờ tối không thể lý giải được. Nên
đây là sự phân tích sâu sắc sự vật để nắm bắt bản chất bên trong của nó. Chẳng
hạn nhận thức mờ tối chỉ biết dừng lại ở nhận định cam ngọt, chanh chua, mà
không hề biết rằng, sở dĩ cam ngọt vì được cấu thành từ một số lượng lớn các
nguyên tử hình tròn, chanh chua là do các nguyên tử hình tam giác quy định.
Ông cho rằng, cả hai dạng nhận thức đó có liên quan chặt chẽ với nhau,
trong đó cảm giác là bước đầu của nhận thức.
Như vậy, theo Đêmôcrít, lý tính phải dựa vào “những dẫn chứng” do cảm
tính đem lại và sau đó cần đi sâu phân tích để tìm chân lý đang nằm “sâu ở đáy
bể”. Điều này cho thấy, ông không phủ nhận khả năng nhận thức chân lý khách
quan của con người. Đồng thời, việc chia nhận thức thành hai giai đoạn cho thấy
Đê đã xác định được tính thống nhất không thể chia cắt của một quá trình nhận
thức.
- Tất nhiên và ngẫu nhiên
Dựa vào thuyết nguyên tử, Đêmôcrít thừa nhận sự ràng buộc lẫn nhau theo

luật nhân quả, tính khách quan và tính tất nhiên của các sự vật, hiện tượng tự
nhiên. Đó là quyết định luận duy vật – một đóng góp quan trọng của Đêmôcrít vào
triết học duy vật. Theo Đêmôcrít, tất cả các sự vật, hiện tượng trong thế giới này
không chỉ tồn tại tự nó, mà sự hiện diện của nó có thể tìm thấy ở sự vật khác. Cái
làm nên thế giới này là nguyên tử. Nguyên tử là một dạng vật chất. Do vậy, lực
lượng đóng vai trò nguyên tử trong thế giới này là vật chất. Thần linh, thượng đế
là xa lạ đối với thế giới này.
Nhưng ông lại phạm sai lầm khi phủ nhận cái ngẫu nhiên, xem ngẫu nhiên
là hiện tượng không tìm thấy nguyên nhân, là khái niệm chủ quan do con người
nêu ra để che dấu sự ngu dốt của mình.
25


×