Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

GÓP THÊM ý KIẾN về NHẬN DIỆN NHÂN vật HOÀNG kế VIÊM TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH sử VIỆT NAM cận đại (tt)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (171.21 KB, 6 trang )

GÓP THÊM Ý KIẾN VỀ NHẬN DIỆN NHÂN VẬT
HOÀNG KẾ VIÊM TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ
VIỆT NAM CẬN ĐẠI
Nguyễn Thế Hoàn
Trường Đại học Quảng Bình
Tóm tắt: Bài viết góp thêm ý kiến về nhận diện nhân vật Hoàng Kế Viêm trong bối cảnh lịch
sử Việt Nam cận đại. Thông qua việc phân tích hoàn cảnh lịch sử và những cống hiến to lớn của ông,
bài viết khẳng định Hoàng Kế Viêm là một nhân vật đã có những đóng góp rất lớn đối với lịch sử dân
tộc trên nhiều lĩnh vực. Hoàng Kế Viêm xứng đáng là một danh nhân lịch sử, một người con ưu tú của
quê hương Quảng Bình ở thế kỉ XIX.

Trong tiến trình lịch sử dân tộc, lịch sử cận đại là một thời kì khá đặc biệt, tình hình
kinh tế, chính trị, xã hội nước ta diễn ra hết sức phức tạp. Những cái tốt và xấu, tiến bộ và
bảo thủ, mạnh và yếu…dường như đan xen vào nhau khiến cho sự nhận thức về giai đoạn
lịch sử này gặp không ít khó khăn. Nhiều cuộc tranh biện về các sự kiện, nhân vật cho đến
nay vẫn chưa được giải quyết và chưa được làm sáng tỏ. Một trong những vấn đề nổi lên là
xung quanh việc đánh giá về Hoàng Kế Viêm - vị đại thần - Đông các đại học sĩ - Phò mã của
triều Nguyễn. Bài viết này xin được góp thêm ý kiến về nhận diện nhân vật Hoàng Kế Viêm
trong bối cảnh lịch sử Việt Nam cận đại.
Thực ra lâu nay đã có rất nhiều ý kiến đánh giá về Hoàng Kế Viêm từ nhiều góc độ
khác nhau, phần lớn các ý kiến đưa ra chưa có sự thống nhất, thậm chí trái ngược nhau hoặc
phiến diện, hoặc thiếu đầy đủ.
Nhóm thứ nhất cho rằng ông vốn là người có công trong những ngày đầu chống Pháp
ở miền Bắc, nhưng sau thấy lực lượng Pháp mạnh, lại trung quân mù quáng nên khi được cử
ra Quảng Bình đã bỏ lỡ cơ hội về với nghĩa quân để tiếp tục sự nghiệp chống Pháp của mình
trước đây, là bằng chứng cho thấy Hoàng Kế Viêm không những không kiên định lập trường
chống Pháp mà còn xu thời và vụ lợi, rời bỏ nhân dân, đồng hành cùng bè lũ tay sai bán
nước.
Nhóm thứ hai thừa nhận Hoàng Kế Viêm là một nhân vật lịch sử đặc biệt. Mặc dù có
những hạn chế nhất định của thời đại và bởi tư tưởng “trung quân ái quốc” nên ông chưa thực
sự sát cánh cùng với nhân dân, cùng với những lực lượng yêu nước đang đứng lên để bảo vệ


nền độc lập tự do. Nhưng những gì ông làm được cho nhân dân, cho đất nước, nhất là những
chiến tích lớn lao của ông trong việc dẹp phỉ, trừ gian, cùng với những chiến công của ông
trong buổi đầu chống Pháp. Khách quan mà nói, là những sự kiện lớn lao có ảnh hưởng sâu
rộng và phần nào quyết định đối với việc làm thất bại âm mưu xâm lược của giặc Pháp ở Bắc
Kỳ, cũng như góp phần động viên phong trào chiến đấu chống Pháp trong nhân dân ta thời
đó.
Nhóm thứ ba tôn vinh Hoàng Kế Viêm là người trung quân ái quốc suốt đời vì nước,
không những ông là một danh tướng có công dẹp phỉ, diệt Pháp mà còn là nhà văn, nhà viết
sử, nhà thủy lợi, nhà kinh tế của nước ta trong thế kỉ XIX.


Như vậy có thể thấy, xuất phát từ những quan điểm khác nhau cũng như dựa vào
những nguồn sử liệu không đầy đủ, nên khi nhận định, đánh giá về Hoàng Kế Viêm cũng
không đồng nhất. Có ý kiến thì ca ngợi, có ý kiến thì phê phán, hoặc cho ông vừa có công
vừa có tội .
Theo chúng tôi muốn đánh giá đúng đắn một nhân vật lịch sử nào đó cần đặt họ vào
thời đại lịch sử mà họ đã sống và hành động. Đặc biệt đối với những nhân vật sinh ra và lớn
lên trong bối cảnh hết sức phức tạp, đầy biến động và thử thách của lịch sử. Trong hoạt động
của họ vừa thể hiện trách nhiệm và công lao đóng góp đối với lịch sử, nhưng đồng thời có
hạn chế trong nhận thức dẫn đến những ứng xử mang tính bi kịch của thời cuộc.
Có thể nói Hoàng Kế Viêm xuất hiện trên chính trường Việt Nam trong bối cảnh lịch
sử đầy cam go, thách thức. Đất nước đứng trước nguy cơ xâm lược của thực dân Pháp, tình
hình chính trị xã hội ngày càng rối ren. Trong bối cảnh đó với ý thức “trung quân” Hoàng Kế
Viêm đã thực hiện cần mẫn chức phận của các vua triều Nguyễn giao phó. Năm 1846, làm
Lang Trung Bộ Lại, năm 1852 Án sát tỉnh Ninh Bình, năm 1854, Bố chánh tỉnh Khánh Hòa,
năm 1859 Bố chánh kiêm Tuần vũ tỉnh Hưng Yên.[1] Với chính sách vỗ về dân chúng, chăm
lo, mở mang nông nghiệp, phát triển giao thông của ông đã góp phần không nhỏ trong việc
ổn định tình hình, chấn hưng thế nước.
Đến khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta từ 1858 đến 1884, thì ông đã cùng với
triều đình và nhân dân kháng chiến chống Pháp. Năm 1870, sau khi được vua Tự Đức giao

cho chức vụ Thống đốc quân vụ đại thần trực tiếp nắm quân thứ Tam Tuyên với phạm vi
trách nhiệm quán xuyến các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai,
Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, ông đã đích thân tổ chức công cuộc phòng thủ và dẹp trừ
giặc cướp ở biên cương, lần lượt tiêu diệt giặc Cờ Vàng (1875), giặc Cờ Trắng (1876) thu hồi
vùng chúng chiếm đóng, ổn định được tình hình biên giới. Hoàng Kế Viêm là người sớm
nhìn thấy mưu đồ của thực dân Pháp muốn mở rộng xâm lược ra Bắc Kì và toàn cõi Việt
Nam, ông đã đề nghị với triều đình Huế ban bố nhiều chính sách để củng cố vùng biên cương
và tập hợp lực lượng nhân dân ở khắp nơi làm hậu thuẫn cho quân triều đình chống Pháp.
Chiến thắng Cầu Giấy lần thứ nhất năm 1873 đã gây cho thực dân Pháp hoang mang lo sợ.
Buộc bọn Pháp ép triều đình Huế ra lệnh cho Hoàng Kế Viêm phải triệt thoái quân đội ở Bắc
Kì, điều động đội quân của Lưu Vĩnh Phúc lên mạn ngược và bắt họ phải án binh bất động.
Nhưng Hoàng Kế Viêm không những không chịu theo lệnh triều đình mà còn ra sức tăng
cường chiêu mộ thêm quân. Năm Quý mùi (1883) ông đã tâu báo về triều là đã chiêu tập thân
hào dũng sĩ gần 30.000 người, trong số đó luyện tập thành thục 3.400 người, xin triều đình
chi cấp lương để sai đi đánh giặc.[2]
Cũng cần nói thêm rằng thời gian trước đó ông cũng đã đề nghị triều đình chấp nhận việc
lập Nha sơn phòng Hưng Hóa, lấy đồn Thục Luyện (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ ngày
nay) làm trụ sở Nha sơn phòng và chọn Nguyễn Quang Bích sung chức Sơn phòng sứ, xin
cho Nguyễn Mậu Kiến (đang làm việc chuộc tội) làm việc ở Nha sơn phòng để mộ dân khai
hoang lập đồn điền lấy lương thực nuôi quân.[3] Chính những con người được ông lựa chọn
này về sau trở thành những lãnh tụ xuất sắc của phong trào chống Pháp ở Bắc Kì.


Với những sự kiện nêu trên, chứng tỏ Hoàng Kế Viêm là một người yêu nước. Mặc dù
triều đình đã hòa nghị với Pháp nhưng ông vẫn đứng về phía nhân dân, kháng mệnh triều
đình, cùng với nhân dân tiếp tục chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc.
Sẽ là thiếu sót nếu chúng ta không đề cập đến công lao to lớn của Hoàng Kế Viêm
trong phong trào chống Pháp của nhân dân Bắc Kì những năm đầu thập kỉ 80 của thế kỉ XIX.
Sau cái chết oanh liệt của Hoàng Diệu, phong trào kháng Pháp ở Bắc kì lại dấy lên sôi nổi.
Với vai trò Thống đốc quân vụ Bắc kì, Hoàng Kế Viêm cùng một số quần thần khác ở Bắc kì

dâng sớ xin triều đình cho đánh quân Pháp. Thành Hà Nội thất thủ, ông tỉnh táo kéo quân về
Sơn Tây và cùng với Lưu Vĩnh Phúc bao vây thành Hà Nội, hàng ngày nã đại bác vào quấy
rối quân địch. Sáng ngày 19/5/1883, Hăng Rivie, đem 500 quân mở cửa thành, tiến về phía
Cầu Giấy, cũng như 10 năm trước, quân ta đã phục kích sẵn ở đó. Sau nửa ngày chiến đấu ác
liệt quân ta đã diệt gần 100 tên Pháp, trong đó có đại tá Hăng Rivie. Chiến thắng Cầu Giấy
lần thứ hai có tiếng vang lớn làm phấn chấn lòng người kháng chiến, đặc biệt làm cho bè lũ
thực dân đủ các loại ở Bắc Kì bấy giờ mất hết tinh thần và hoang mang tột độ. Toàn bộ người
Pháp ở khu Nhà thờ Lớn Hà Nội đều tản cư. Ở Nam Định, Hòn Gai, quân Pháp được lệnh
chuẩn bị rút chạy nếu bị công kích. Nhờ những chiến tích quan trọng này, Tự Đức đã khôi
phục phẩm hàm cho Hoàng Kế Viêm và phong chức Đề đốc cho tướng Lưu Vĩnh Phúc. Thừa
thắng quân của Hoàng Kế Viêm định phối hợp với quân của Trương Quang Đản ở Bắc Ninh
tấn công thành Hà Nội, nhưng vì nước sông Hồng lên to quá, phải tạm lui.[4]
Sự kiện ngày 19/7/1883 (Vua Tự Đức chết) đã đẩy cuộc đời của Hoàng Kế Viêm sang
một hướng khác. Bấy giờ triều đình Huế càng thêm rối loạn. Quân Pháp quyết định đánh
thẳng vào Huế. Ở Bắc Kì quân Pháp cũng tiến công quyết liệt, chúng đánh thẳng lên Sơn
Tây- đại bản doanh của Hoàng Kế Viêm và Lưu Vĩnh Phúc và đẩy được quân ta ra khỏi địa
bàn chiến lược này. Tuy vậy, các tướng chủ chiến trong triều cùng Hoàng Kế Viêm vẫn chiến
đấu và củng cố lực lượng để chờ thời cơ. Sau đó một thời gian, do sức ép của thực dân Pháp,
triều đình Huế ra lệnh cách chức Thống đốc quân vụ đại thần của Hoàng Kế Viêm và đòi ông
về kinh chờ lệnh. Hoàng Kế Viêm buộc phải đem quân về Quảng Bình trao cờ, ấn, rồi ông ở
lại quê nhà không vào triều nữa.
Năm 1886, vua Đồng Khánh lên ngôi, ra chiếu khôi phục nguyên tước hàm cho ông
và sai làm An phủ sứ kinh lý đại tử ở hữu Trực kỳ (Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh
Hóa) với nhiệm vụ là chiêu dụ Cần vương. Có thể nói đến đây cuộc đời của Hoàng Kế Viêm
lại phụ thuộc vào thế vận động của thời cuộc. Vì “nghĩa tử thần, đạo vua tôi” ông đã không
vượt qua được chính mình đã vâng mệnh vua nhận chức An phủ sứ. Nếu chỉ dựa vào những
chỉ dụ, kế hoạch và mệnh lệnh của Pháp và triều đình đề ra cho Hoàng Kế Viêm, cũng như
những hoạt động bề ngoài trong các dịp đi kinh lý của ông ở Bắc Trung bộ trong thời gian 8
tháng (từ cuối năm 1886 - tháng 8 năm 1887) mà kết tội cho ông làm tay sai cho giặc là thiếu
công bằng. Thực ra thời gian được triều đình cử đi An phủ sứ Quảng Bình, Hoàng Kế Viêm

không hoàn toàn thực thi các kế hoạch và mệnh lệnh của Pháp và triều đình đề ra, nhưng
cũng không công khai bộc lộ thái độ đó mà chỉ dấu mình dưới những yêu cầu và kế sách kéo
dài thời gian để lảng tránh việc phủ dụ nghĩa quân Cần vương. Việc Hoàng Kế Viêm đòi
Pháp cung cấp đủ cho ông 500 lính và 500 súng để đánh dẹp Cần vương là không bao giờ có


thể thực hiện được. Người Pháp thừa biết ý đồ của ông. Họ cũng thừa đủ khôn ngoan để nhận
biết con người một thời hiên ngang chống Pháp không dễ bị khuất phục như thế. Có quân số,
vũ khí trong tay chưa biết trước được ông sẽ làm gì? Chẳng qua đây chỉ là cái cớ để ông từ
chối việc đi phủ dụ Cần Vương. Mặt khác, việc Hoàng Kế Viêm can thiệp không cho lính
Pháp ở các đồn dã ngoại bắt nghĩa sĩ Cần vương, ông còn buộc giới quân sự Pháp phải rút bỏ
các đồn Quán Bụt, Phú Việt, Hoành Viễn, Lệ Kì… là những đồn có hại cho các căn cứ của
Cần vương ở Lèn Bạc, Kim Sen của tướng Hoàng Phúc, Đề Chít.[5]
Tất cả các sự kiện trên là bằng chứng cho thấy Hoàng Kế Viêm không những không
theo mệnh lệnh của Pháp mà còn làm thất bại mưu đồ dùng người Việt đánh người Việt của
chúng. Tuy nhiên những việc làm “bất đắc dĩ” của Hoàng Kế Viêm trong thời gian giữ chức
An phủ sứ cũng có ảnh hưởng đến phong trào Cần vương ở Quảng Bình. Thái độ không rõ
ràng, sự an phận và nản lòng của ông đã làm hạn chế phần nào vị trí của ông trong sự nghiệp
chống Pháp của dân tộc. Cứ coi ông là người hùng trong thời loạn, không đủ sức vượt qua
được hạn chế của thời đại, hạn chế giai cấp, không vượt qua được chính mình để sát cánh
cùng nhân dân tiếp tục cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược đến hơi thở cuối cùng như
những nhân vật Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Phạm Tuân, Trần Xuân Soạn, Tôn Thất Đạm….
Lịch sử vốn công bằng, lịch sử càng lắng đọng thì sự thật lịch sử càng rõ nét. Toàn bộ
cuộc đời của Hoàng Kế Viêm là cuộc đời của một con người vì dân vì nước. Có thể nói nét
nổi bật trong cuộc đời ông là sống và làm việc tận trung với vua. Ông đã phụng sự hết mình
cho chủ nghĩa trung quân ái quốc. Trong suốt 41 năm (từ năm 1846 đến năm 1887) làm quan,
làm tướng, ông đã có nhiều đóng góp xứng đáng cho lịch sử dân tộc, bên cạnh những chiến
tích của ông về mặt chính trị, quân sự, ông còn là một nhà văn hóa, nhà sử học, nhà kinh tế,
nhà thủy lợi. Lịch sử còn ghi nhận những công lao to lớn của ông trong việc mở mang kinh
tế, trị nước an dân và nhất là khai thông thủy lợi ở vùng Nghệ An. Cái hồn của con người ông

để lại cho đời sau chính là các tác phẩm của ông. Về cuối đời ông vẫn giữ được sự thanh
bạch, khiêm nhường của một nhà Nho nặng lòng với dân với nước. Đó là phẩm chất đáng
quý được con cháu coi đó là tấm gương về đạo lý, về lẽ sống. Bằng chứng cho thấy là khi về
hưu, vua cho ông tự chọn lấy hai mẫu ruộng tự điền để hưởng lộc, ông chỉ xin nhận hai mẫu
cồn hoang là bãi chăn trâu để vua khỏi bắt dân trả ruộng cấp cho ông. Ông đã bắt con cháu tự
đi khai khẩn ruộng hoang để sinh sống.[6]
Đáng tiếc sự đóng góp của ông cho đến nay vẫn chưa được người đời ghi nhận, biểu
dương một cách đầy đủ và công minh. Với thái độ khách quan và tôn trọng lịch sử, chúng ta
khẳng định rằng Hoàng Kế Viêm là một nhân vật đã có những đóng góp rất lớn trong tiến
trình lịch sử Việt nam cận đại trên nhiều lĩnh vực. Hoàng Kế Viêm xứng đáng là một danh
nhân lịch sử, một người con ưu tú của quê hương Quảng Bình ở thế kỉ XIX.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1],[2],[3] Nguyễn Tú (2002), Quảng Bình nhân vật chí, Hội văn học nghệ thuật Quảng Bình, trang
487,493, 492.
[4] Nguyễn Quang Ngọc (chủ biên) (2003), Tiến trình lịch sử Việt Nam, NXB Giáo dục, trang 221.
[5] Nguyễn Thị Minh Ánh (2007), Phong trào Cần vương Quảng Bình, Luận văn Thạc sỹ, trang 113.
[6] Nguyễn Tú (1993), Hoàng Kế Viêm, Sở văn hóa Thông tin Quảng Bình, trang 83.


ADDING COMMENTS ON CHARATER RECOGNITION
HOANG KE VIEM DURING THE PREMODERN
HISTORY OF VIETNAM
Nguyen The Hoan
Quang Binh University
Abstract: This article mentioned to the character recognition Hoang Ke Viem in the context
of Vietnamese modern history. Through the analysis of historical circumstances and his tremendous
dedication, Hoang Ke Viem was a person who had made great contributions to the nation’s history in
many areas. Hoang Ke Viem was not only a celebrity person of history but also an excellent child of
Quang Binh homeland in the nineteenth century.





×