Tải bản đầy đủ (.ppt) (14 trang)

Tham Luận Vài Suy Nghĩ Về Việc Ứng Dụng Công Nghệ Thông Tin Trong Dạy Học Ngữ Văn

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (76.81 KB, 14 trang )

Tham luận chuyên đề:
VÀI SUY NGHĨ VỀ VIỆC
ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
TRONG DẠY HỌC NGỮ VĂN

LÊ VĂN THIỆN


I/ Dẫn nhập:
Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhất là kỹ
thuật điện-điện tử, ngành công nghệ thông tin (CNTT) đã
có những bước tiến vượt bậc. Mang trong mình những
tính năng kỳ diệu, CNTT đã tạo nên một cuộc cách mạng
trong cuộc sống của xã hội, đem lại những hiệu quả lớn
lao trong mọi công việc. Chính vì thế mà trong năm học
2008-2009, Bộ GD&ĐT đã quyết định đẩy mạnh việc
ứng dụng CNTT trong trường học. Điều đó cũng có
nghĩa là với mỗi nhà trường, CNTT không đơn thuần chỉ
được sử dụng trong công việc quản lý hành chính như
trước đây, mà bắt đầu được vận dụng trong mọi hoạt
động dạy và học nhằm góp phần đổi mới PPDH, nâng
cao chất lượng giáo dục các môn học, trong đó có môn
Ngữ văn. Đây rõ ràng là một vấn đề vừa mới vừa khó
khăn đối với các cấp quản lý và tất cả giáo viên. Vì
vậy,chuyên đề này được thực hiện để góp thêm một
cách hiểu, một cách tiếp cận với công việc nêu trên .


II/ Những thuận lợi và khó khăn:
Bắt tay vào công việc khó khăn trên, chúng ta chỉ có
được một thuận lợi duy nhất là kinh nghiệm thực hiện


việc ứng dụng CNTT (trong đó chủ yếu vẫn là các bộ
giáo án điện tử) của một số địa phương, đơn vị đã mạnh
dạn đi đầu. Tuy nhiên, thuận lợi ấy là không nhiều , chỉ
có ý nghĩa với những giáo viên đã có được một trình độ
tin học nhất định, có các điều kiện hỗ trợ khác như máy
tính và tạo được thói quen lên mạng internet để cập nhật
thông tin…Ngược lại, khó khăn là rất nhiều mà trong đó,
hai điểm cơ bản nhất vẫn là trình độ tin học còn nhiều
hạn chế của giáo viên và sự thiếu thốn của cơ sở vật
chất trường học. Sự kết hợp của hai yếu tố này đã gây
nên khó khăn trong việc vận động giáo viên tham gia và
tổ chức thực hiện việc ứng dụng CNTT trong mỗi nhà
trường nói riêng, trong toàn huyện nói chung .


III/ Ứng dụng công nghệ thông tin: Những
lợi ích và hạn chế.
Là một hệ thống có chức năng đa dạng, vừa lưu giữ,
vừa xử lý và kết nối thông tin…, CNTT có rất nhiều tiện ích
khi đưa vào ứng dụng. Tùy theo yêu cầu của từng lĩnh vực
công việc, tùy theo ý định của người sử dụng, các tiện ích
này sẽ được cụ thể hóa để đem lại hiệu quả cho công
việc. Trong công tác dạy và học, có thể nhận thấy rõ CNTT
đã mang lại những lợi ích sau:
1. Cung cấp thông tin, tư liệu phục vụ việc soạn giảng
cho giáo viên một cách đầy đủ, nhanh chóng và thuận lợi.
Chỉ bằng một vài thao tác nhỏ, giáo viên có thể tiếp cận
với một “thư viện” vừa phong phú về đề tài, vừa rộng lớn
về dung lượng thông tin. Không chỉ thế, sau quá trình chọn
lựa, giáo viên có thể biến nó trở thành một thư viện của

riêng mình để có thể sử dụng nhiều lần ở mọi nơi, mọi lúc.
Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với các môn khoa học xã
hội, nhất là Ngữ văn.


2. Đây là một công nghệ có vai trò như một đồ dùng
dạy học đa chức năng, giúp giáo viên thực hiện dễ dàng
và linh hoạt các phương pháp dạy học. Với chức năng
lưu giữ thông tin và khả năng kết nối phong phú, nhanh
chóng, chỉ cần một máy tính, giáo viên có thể chuẩn bị
đầy đủ các bảng biểu, tranh ảnh, các kênh âm thanh…
phục vụ cho các hoạt động dạy học mà không cần đến
các đồ dùng dạy học lỉnh kỉnh như bảng phụ, máy
cassette…Việc ghi bảng của giáo viên có thể được máy
tính thực hiện toàn bộ. Thời gian thao tác của giáo viên
cũng được tiết kiệm đáng kể và giáo viên có thể chủ
động tính toán để tăng thêm thời lượng cho các phần
trọng tâm trong bài.


3. Khả năng lôi cuốn học sinh, kích thích hứng thú và
tính tích cực chủ động trong học tập của các em. Nhờ
các tiện ích về hiệu ứng hình ảnh và âm thanh như màu
sắc phong phú, cách chạy chữ đa dạng, cách di chuyển,
kết nối thông tin nhanh chóng, CNTT giúp giáo viên có
thể thực hiện được nhiều dạng bài tập, nhiều trò chơi
trong học tập…Điều này sẽ làm cho tiết học thêm sinh
động, thú vị, kích thích học sinh tham gía vào các hoạt
động do giáo viên tổ chức. Các file phim tư liệu và âm
thanh được sử dụng dễ dàng góp phần làm cho tiết học

thêm nhiều cảm xúc, nhất là với giờ học các tác phẩm
văn học.


Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT vẫn có một hạn chế mà
giáo viên cần lưu tâm. Về mặt khách quan, CNTT có sự phụ
thuộc mất còn vào yếu tố điện năng. Chỉ cần nguồn điện bị
mất hoặc không đủ công suất, việc chuẩn bị của giáo viên
hoặc sẽ trở nên vô nghĩa, hoặc sẽ có thể gặp phải những sự
cố trong tiến trình thực hiện. Nếu sự việc này xảy ra, giáo
viên sẽ rất bị động nếu không có phương án phụ, học sinh
sẽ mất hứng thú học tập và giờ dạy sẽ không thể đạt được
mục tiêu như đã đặt ra ban đầu. Mặt khác , khi ứng dụng
CNTT, trong giờ dạy, ngoài học sinh, giáo viên còn phải làm
việc với máy móc. Điều đó dễ làm cho mạch cảm xúc dạy
học dễ bị chia cắt, nhất là trong giai đoạn đầu chưa quen với
các thao tác hoặc khi có sự cố máy móc xảy ra bất ngờ cần
được xử lý. Vì vậy, trong thực tế vận dụng, giáo viên cần tập
trung, tinh gọn trong thao tác và có phương án dạy dự
phòng phù hợp khi tình hình mất điện xảy ra. Nhà trường
cũng cần có sự lưu tâm trong việc bố trí phòng học, nâng
cấp mạng điện phục vụ việc dạy và học nhằm tránh trường
hợp điện yếu làm ảnh hưởng đến tiết dạy của giáo viên.


IV/ Một vài định hướng trong việc ứng
dụng CNTT trong dạy học ở nhà trường:
Trên cơ sở nắm được những mặt mạnh và hạn chế
của CNTT đối với việc dạy học, có thể đưa ra một vài định
hướng trong việc ứng dụng CNTT khi dạy học ở nhà

trường như sau:
1. Ứng dụng CNTT trong dạy học bộ môn là cần thiết
nhưng không phải vì thế mà tuyệt đối hóa vấn đề, dẫn đến
cách hiểu máy móc rằng dạy học bằng ứng dụng CNTT là
phương án tối ưu, từ đó phủ nhận cách dạy học truyền
thống với phấn trắng bảng đen.


2. Cần xây dựng một kế hoạch cụ thể và khoa học
cho việc triển khai ứng dụng CNTT trong dạy học. Đó
phải là một quá trình đi từ việc chuẩn bị nhân lực, vật
lực, tiếp cận học hỏi đên vận dụng; từ thực hiện thí điểm
ở một vài địa chỉ có tiềm năng đến triển khai đại trà.
Trong quá trình này, bước khởi đầu phải là việc phổ cập
tin học cho giáo viên. Từ những hiểu biết đó, qua thực tế
dự giờ hoặc tìm hiểu trên mạng internet, giáo viên sẽ bắt
đầu làm quen với công việc, từ chỗ biết, đến hiểu và sau
đó là vận dụng. Để biến quá trình này thành hiện thực,
ngoài ý thức tự học của mỗi giáo viên, cần có vai trò của
tổ, nhóm chuyên môn trong trường học với những công
việc cụ thể như tập soạn giáo án điện tử, xây dựng tiết
dạy mang tính chất chuyên đề cấp trường để thực tập,
rút kinh nghiệm. Hiệu trưởng nhà trường, ngoài công tác
chỉ đạo nói chung, cần có kế hoạch mua sắm các thiết bị
dạy học có liên quan, lập nhóm hỗ trợ về tin học để mau
chóng giúp cho giáo viên trong trường có được những
kỹ năng thiết yếu về vấn đề này.


3. Khi thực hiện ứng dụng CNTT, giáo viên phải có

thói quen xây dựng giáo án ở hai dạng: văn bản và trình
chiếu. Ở giáo án văn bản, ngoài việc tuân thủ các yêu
cầu thường có, giáo viên cần cụ thể hóa việc vận dụng
CNTT trong giáo án bằng những yếu tố cụ thể như: thời
điểm, nội dung, thời lượng…Việc làm này giúp giáo viên
không bị lúng túng hoặc nhầm lẫn trong quá trình thực
hiện các thao tác với máy trong khi lên lớp, đồng thời có
thể nhanh chóng chuyển sang phương án dạy học theo
kiểu truyền thống khi điều kiện khách quan không cho
phép hoặc khi có sự cố đột xuất xảy ra. Với giáo án trình
chiếu, cần chú ý các hiệu ứng kỹ thuật phù hợp với bài
dạy, tránh sự phô diễn mang tính khoa trương, hình thức
làm giờ dạy đi lệch mục tiêu và học sinh dễ bị phân tán
tư tưởng trong quá trình học tập.


4. Cần nắm vững yêu cầu mục tiêu của bài học để khi
xây dựng tiết dạy, giáo viên có sự chọn lọc vừa đủ và
biết bố trí phù hợp các nội dung trình chiếu sao cho phù
hợp. Nhiều giáo viên do quá tham lam kiến thức hoặc
muốn nhấn mạnh cái mới của việc ứng dụng CNTT
trong dạy học đã không có sự tinh lọc về tư liệu, không
xác định được những điểm nhấn cần làm rõ, khắc sâu…
nên đã vận dụng tràn lan, nặng về biểu diễn. Kết quả là
học sinh không chỉ bị quá tải về kiến thức, giờ học bị kéo
dài và cắt vụn bởi các thao tác trình chiếu, mà ngay cả
bản thân giáo viên đã vừa tốn công sức chuẩn bị lại
không có được sự liền mạch trong xúc cảm dạy học.
Việc ghi bảng nếu do máy tính thực hiện phải đảm bảo
tính hệ thống và có sự quy ước thống nhất trong cách

ghi đối với học sinh với khoảng thời gian phù hợp. Trong
trường hợp này, giáo viên vẫn có thể kết hợp giảng giải
khắc sâu, mở rộng bằng phấn trắng bảng đen nếu cần.


5. Giáo viên cần có sự sáng tạo và linh hoạt trong việc
vận dụng các tiện ích của CNTT vào trong các bài dạy
khác nhau. Dù rằng trong CNTT, các tiện ích này là rất
phong phú, nhưng do thiếu sự đầu tư tìm tòi, giáo viên
thường chỉ quen với một hai cách vận dụng nào đó. Điều
này sẽ làm cho các bài dạy trình chiếu có cấu trúc, cách
tổ chức ứng dụng na ná nhau và nếu thực hiện lâu ngày
sẽ gây nên sự nhàm chán. Cách chèn thông tin, cách
xây dựng các bài tập, các trò chơi…cần được thường
xuyên thay đổi sao cho phù hợp để luôn có sự lôi cuốn
đối với học sinh.


6. Việc ứng dụng CNTT vào trong dạy học ở dạng
toàn diện và hoàn thiện nhất là giảng dạy bằng giáo án
điện tử. Tuy nhiên, tùy theo đặc trưng phân môn, tùy
theo thực tế bài dạy, việc ứng dụng CNTT của giáo viên
có thể là toàn bộ, nhưng cũng có thể là một phần trong
tổng thể tiết dạy. Lúc này, giáo viên có thể kết hợp giữa
việc dạy học thông thường bằng phấn trắng bảng đen
với việc trình chiếu bằng CNTT ở một số nội dung cần
thiết. Điều này vừa có sự phù hợp với thực tế vì không
phải bài nào trong chương trình cũng có thể dạy bằng
giáo án điện tử mà thành công, vừa có tác dụng giảm tải
cho giáo viên trong việc chuẩn bị bài dạy, vừa tạo ra sự

cân bằng tâm lý của người dạy lẫn người học khi được
học với nhiều loại hình dạy học trên lớp khác nhau.


V/ Kết luận:
Việc ứng dụng CNTT vào trong dạy học bộ môn, như
trên đã nói, là một vấn đề còn nhiều mới mẻ và có không ít
khó khăn đối với giáo viên ở một huyện vùng núi. Tuy nhiên,
nếu có sự nỗ lực trong tự học của từng giáo viên, có sự đầu
tư về cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học của các nhà
trường, và đặc biệt là các cấp quản lý có kế hoạch tổ chức
thực hiện một cách khoa học, cụ thể và duy trì thường
xuyên, việc ứng dụng CNTT để phục vụ công tác giảng dạy
không phải là không làm được. Điều quan trọng là không
máy móc, không đốt cháy giai đoạn khi triển khai thực hiện;
và nhất là phải có sự khen thưởng, động viên khích lệ xứng
đáng cho những tập thể, cá nhân làm tốt chủ trương này.



×