Tải bản đầy đủ (.doc) (7 trang)

Bài tập môn kế toán tài chính (220)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (154.88 KB, 7 trang )

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
THẠC SĨ QUẢN TRỊ KINH DOANH QUỐC TẾ
Global Advanced Master of Business Administration
BÀI TẬP CÁ NHÂN MÔN KẾ TOÁN TÀI CHÍNH
Học viên: Võ Anh Trung
Lớp: X0510
Giảng viên hướng dẫn: Ths. Phan Trung Kiên
I.

GIỚI THIỆU:

1. Giới thiệu tình huống:
Công ty VIETDOOR là doanh nghiệp sản xuất cửa nhôm kính có khả năng chống
tiếng ồn rất tốt. Công ty có nhà máy sản xuất ở Bình Dương. Phòng nghiên cứu thị trường
của công ty sau một thời gian nghiên cứu có đưa ra đề xuất với giám đốc về phương án
mở rộng hoạt động tại thị trường phía Bắc. Theo nghiên cứu của Phòng này, thị truờng
phía Bắc còn có mức cầu rất cao về sản phẩm này.
Để mở rộng hoạt động kinh doanh công ty phải huy động thêm vốn từ cổ đông. Báo
cáo tài chính của công ty cho thấy năm 2007 công ty có lãi sau thuế là 1,23 tỷ đồng. Năm
2008 công ty đang có lỗ là 203,5 triệu đồng. Khoản lỗ này của công ty một phần rất lớn là
do thị trường bất động sản năm 2008 đóng băng dẫn đến cầu của thị trường sản phẩm của
công ty giảm hẳn. Hơn nữa, nguyên vật liệu của công ty mua vào để sản xuất tăng giá rất
nhanh do Nhà nước tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này. Ngoài ra, công ty còn có
một lượng lớn hàng tồn kho do có một lô hàng khách hàng APPA gặp khó khăn về mặt tài
chính nên chưa ký hợp đồng chính thức. Công ty APPA là khách hàng thường xuyên của
công ty VIETDOOR. Giám đốc của APPA đã gọi điện trực tiếp cho giám đốc của
VIETDOOR và hứa là sẽ mua hàng của công ty ngay khi huy động được vốn. Đơn đặt
hàng ban đầu của APPA có giá trị 452 triệu đồng. Công ty còn có một lượng lớn hàng tồn
kho trị giá 276 triệu bán cho công ty Nam Phương đang bị trả lại nhưng hàng chưa về nhập
kho. Hiện nay, công ty VIETDOOR đang áp dụng phương pháp kế toán hàng tồn kho theo
phương pháp Nhập sau xuất trước. Ngoài ra, vào đầu năm 2009 khi công ty chuẩn bị công


bố thông tin cho cổ đông, có một vụ hỏa hoạn ở khu nhà máy ở Bình Dương.

2. Yêu cầu:


Công ty VIETDOOR sẽ có xu hướng khai tăng hay khai giảm lợi nhuận, tăng hay giảm
nợ phải trả. Tại sao?

1




Công ty có những xử lý cụ thể nào để có thể đạt được số liệu kế toán phù hợp với việc
huy động vốn. Với mỗi xử lý cụ thể về mặt kế toán, hãy nêu rõ những giả định cần
thiết.



Giả thiết rằng, nhà quản lý đã yêu cầu kế toán tiến hành những xử lý kế toán theo
hướng có lợi cho doanh nghiệp (yêu cầu 1 và yêu cầu 2). Anh/chị hãy phân tích những
chuẩn mực trong hạch toán có liên quan và chỉ ra những vi phạm trong việc chuẩn bị
báo cáo (nếu có)

II. CÔNG TY VIETDOOR CÓ XU HƯỚNG KHAI TĂNG HAY GIẢM LỢI
NHUẬN, TĂNG HAY GIẢM NỢ PHẢI TRẢ:
Trong tình huống trên, công ty VIETDOOR đang dự kiến mở rộng hoạt động tại thị
trường phía Bắc nên cần huy động vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh bằng hình thức
huy động thêm vốn từ cổ đông. Yêu cầu huy động vốn được đặt ra trong hoàn cảnh:
- Năm 2008 công ty đang lỗ 203,5 triệu (nguyên nhân chính do thị trường bất động

sản đóng băng nên cầu thị trường về sản phẩm cửa nhôm kính có khả năng chống ồn giảm,
giá nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất tăng nhanh do Nhà nước tăng thuế nhập khẩu đối
với mặt hàng này).
- Lượng hàng tồn kho của công ty lớn (do Công ty APPA là khách hàng thường
xuyên gặp khó khăn về tài chính nên chưa ký hợp đồng chính thức với đơn hàng ban đầu
452 triệu, một lượng lớn hàng bán cho Công ty Nam Phương trả lại nhưng chưa nhập kho
với giá trị 276 triệu).
- Đầu năm 2009, công ty xảy ra hoả hoạn tại khu nhà máy ở Bình Dương (trước
thời điểm công ty chuẩn bị công bố thông tin cho cổ đông).
Với nhu cầu huy động vốn từ cổ đông để mở rộng sản xuất, với thực trạng công ty
chuyển từ lãi năm 2007 sang lỗ năm 2008, với các khó khăn và bất lợi như trình bày ở trên.
Nếu công ty công bố các thông tin bất lợi trên vào đầu năm 2009 cho các cổ đông thì việc
huy động vốn từ các cổ đông sẽ rất khó thành công. Vì vậy, công ty VIETDOOR sẽ có xu
hướng khai tăng lợi nhuận và giảm các khoản nợ phải trả để có một báo cáo tài chính có
các chỉ số tài chính tương đối tốt, thuyết phục được các cổ đông đầu tư vốn vào công ty để
mở rộng sản xuất.

III. CÔNG TY CÓ NHỮNG XỬ LÝ CỤ THỂ NÀO ĐỂ CÓ THỂ ĐẠT ĐƯỢC
SỐ LIỆU KẾ TOÁN PHÙ HỢP VỚI VIỆC HUY ĐỘNG VỐN:

2


Trong tình huống trên, Công ty VIETDOOR có thể có những xử lý sau để đạt được
số liệu kế toán phù hợp với việc huy động vốn:
Khai tăng doanh thu, lợi nhuận:


Theo tình huống, việc bán 452 triệu hàng hóa cho công ty APPA chưa hoàn thành nên
việc ghi nhận doanh thu và thu nhập chưa thể thực hiện. Tuy nhiên để phục vụ việc làm

cho báo cáo tài chính thể hiện các thông tin tốt, trong trường hợp này công ty
VIETDOOR có thể ngầm ghi nhận doanh thu và thu nhập dù thực tế hàng chưa được
giao và APPA chưa thanh toán. Công ty có thể đàm phán với Công ty APPA ký và thực
hiện hợp đồng 452 triệu trước thời điểm 31/12/2008 để có thể ghi nhận doanh thu trong
năm 2008 và cho Công ty APPA thanh toán tiền hàng sang năm 2009.



Đối với lượng hàng tồn kho trị giá 276 triệu đồng bán cho Công ty Nam Phương đang
bị trả lại nhưng hàng chưa về kho. Nếu ghi nhận hàng bán bị trả lại sẽ làm cho doanh
thu giảm và lợi nhuận sẽ giảm. Do vậy công ty VIETDOOR có thể thoả thuận với
Công ty Nam Phương nhận lại hàng, nhưng ngày tháng trên biên bản trả lại hàng giữa
hai bên để năm 2009 (sau thời điểm công bố báo cáo tài chính) và sẽ trả lại tiền cho
công ty Nam Phương vào năm 2009 nếu đã nhận tiền mua hàng và sẽ ghi giảm khoản
thu vào năm 2009 nếu chưa thu được tiền. Làm như vậy sẽ làm doanh thu không phải
ghi giảm 276 triệu đồng trong năm 2008.
Khai giảm hoặc che dấu chi phí:



Hiện nay, công ty đang sử dụng phương pháp tính giá hàng tồn kho là nhập sau xuất
trước (LIFO). Theo phương pháp này thì giá trị hàng xuất kho sẽ được tính theo giá của
các lô hàng nhập cuối cùng có hàng xuất kho. Trong điều kiện giá cả nguyên vật liệu
đang tăng do Nhà nước tăng thuế nhập khẩu nếu Công ty áp dụng phương pháp LIFO
sẽ làm cho giá trị hàng xuất kho tăng (giá vốn hàng bán tăng) dẫn đến làm giảm lợi
nhuận. Để làm tăng lợi nhuận, công ty có thể chuyển sang phương pháp nhập trước
xuất trước (FIFO) hoặc phương pháp bình quân gia quyền. Cả hai phương pháp này
đều cho kết quả giá trị hàng xuất kho thấp hơn (chi phí thấp hơn) dẫn đến lợi nhuận cao
hơn.




Đối với việc xảy ra cháy tại nhà máy vào đầu năm 2009, sau ngày kết thúc năm tài
chính 2008 thì công ty có thể không cung cấp thông tin này trong báo cáo tài chính,
không thông báo cụ thể về thiệt hại đối với nhà xưởng, hàng hoá nhằm che giấu chi phí
tăng trong thời gian tới.
3


IV. CÁC CHUẨN MỰC KẾ TOÁN CÓ LIÊN QUAN VÀ NHỮNG VI PHẠM
TRONG VIỆC CHUẨN BỊ BÁO CÁO:
Việc xử lý số liệu nêu trên có liên quan và đã vi phạm một số chuẩn mực kế toán
trong hạch toán có liên quan, cụ thể như sau:
Về việc ghi nhận doanh thu 452 triệu bán hàng cho công APPA: Việc công ty
ghi nhận khoản doanh thu 452 triệu đồng từ việc bán chịu cho Công ty APPA vi phạm IAS
18 và VAS 14. Theo IAS 18 và VAS 14 – Doanh thu và thu nhập khác, Doanh thu được ghi
nhận trên cơ sở chắc chắn, đồng thời phải xác định được công việc đã hoàn thành tại ngày
lập báo cáo và xác định được chi phí phát sinh để hoàn thành nghiệp vụ bán hàng này. Như
vây, theo IAS 18 và VAS 14, Công ty chưa thể ghi nhận doanh thu của khoản dự kiến bán
hàng cho APPA. Còn trong trường hợp hai bên đã thỏa thuận được với nhau và làm các hồ
sơ chứng từ khống thì nghiệp vụ này có thể được xem như là hình thức gian lận trong kế
toán.
Về việc chưa ghi nhận 276 triệu như một khoản giảm trừ doanh thu và tăng
giá trị hàng tồn kho: Việc công ty chưa khoản giảm trừ doanh thu và ghi tăng giá trị hàng
tồn kho khi nhận được yêu cầu của Công ty Nam Phương trả lại hàng với số tiền là 276
triệu đồng sẽ vi phạm nguyên tắc kế toán thận trọng và VAS 14 – Thu nhập khác liên quan
đến hàng bán trả lại.
Về việc thay đổi phương pháp hạch toán hàng tồn kho: Công ty thay đổi chính
sách kế toán đối với hàng tồn kho, chuyển từ phương pháp hạch toán hàng tồn kho LIFO
sang FIFO hoặc bình quân gia quyền. Theo IAS 8 và VAS 29 – Thay đổi chính sách kế

toán, ước tính kế toán và các sai sót, thì khi Công ty thay đổi các chính sách kế toán phải
thuyết minh trong báo cáo tài chính và nêu cụ thể của việc thay đổi đó ảnh hưởng như thế
nào tới báo cáo tài chính.
Về việc không công bố thông tin về vụ hỏa hoạn trong báo cáo tài chính năm
2008: Việc công ty không công bố thông tin về vụ hỏa hoạn trong báo cáo tài chính 2008
vi phạm IAS 10 và VAS 23. Theo IAS 10 và VAS 23 – Các sự kiện phát sinh sau ngày kết
thúc kỳ kế toán năm, thì thông tin cháy nhà máy phải được trình bày trên báo cáo tài
chính, phải ước tính ảnh hưởng về tài chính, hoặc nêu lý do không thể ước tính được các
ảnh hưởng này, và đây là thông tin làm cho tình hình tài chính của Công ty xấu đi.

4


V. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT:
Công ty có thể xem xét các ý kiến khác để thuyết phục cổ đông như:


Nêu bật cho cổ đông nhận thấy quá trình hoạt động của Công ty, năm trước có lãi lớn,
lỗ năm 2008 hầu hết là do biến động khách quan của thị trường, khách hàng và rủi ro
hỏa hoạn, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính 2008 chứ không xuất phát từ
yếu kém trong quản trị công ty. .



Cầu về sản phẩm rất cao, khả năng thành công lớn, thu lợi nhuận cao. Đây là lý do
chính để có thể thuyết phục cổ đông đầu tư dù kết quả tài chính năm 2008 không được
tốt lắm. Công ty cần thuyết phục cổ đông khủng hoảng là cơ hội cho các doang nghiệp
đầu tư để phát triển tốt hơn.
Việc cân nhắc lại thời điểm gọi vốn cũng là điều đáng quan tâm. Ngoài ra, công ty


cũng có thể xem xét các phương án huy động vốn từ các đối tượng khác như vay ngân
hàng hoặc hợp vốn với một đối tác khác.
Công ty cũng có thể xem xét phương án kết hợp, vừa công bố rõ tính khả thi của việc
mở rộng thị trường và sản phẩm, vừa xử lý về mặt kế toán để giảm lỗ hoặc duy trì lãi ở
mức độ hợp lý có thể chấp nhận được, ví dụ : Hạch toán vào doanh thu 452 triệu của công
ty APPA nhưng không che dấu hàng bị trả lại và thiệt hại do hoả hoạn.
VI. KẾT LUẬN:
Qua phân tích tình huống về Công ty VIETDOOR chúng ta nhận thấy rằng công
tác kế toán tài chính và lập các báo cáo tài chính của doanh nghiệp có vai trò hết sức quan
trọng. Thông tin cung cấp trên các báo cáo tài chính sai lệch với thực tế các nghiệp vụ phát
sinh, không đảm bảo chất lượng sẽ làm cho người sử dụng thông tin trên báo cáo tài chính
có thể ra quyết định không đúng với thực trạng của doanh nghiệp. Vì vậy việc tổ chức triển
khai, thực hiện công tác kế toán tài chính và lập báo cáo tài chính tuân thủ các chuẩn mực
kế toán là điều hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.
Thủ thuật phù phép lợi nhuận thực chất không làm tăng lợi nhuận mà chỉ đơn thuần
chuyển lợi nhuận của năm sau sang năm hiện tại. Hậu quả tất yếu là lợi nhuận các năm sau
sẽ bị giảm. Nếu doanh nghiệp liên tục phù phép lợi nhuận sẽ dẫn đến khả năng: càng về
sau mức lợi nhuận cần phù phép càng lớn và khủng hoảng là điều khó tránh khỏi.
Các nhà quản lý doanh nghiệp cần có định hướng chiến lược để phát triển công
việc sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mang tính ổn định, lâu dài, đảm bảo đứng vững
trên thị trường và có những giải pháp phù hợp, hữu hiệu cho việc chịu đựng, vượt qua
5


những khó khăn tài chính chứ không nên tìm đến giải pháp xử lý số liệu kế toán để nâng
cao vị thế, hình ảnh của doanh nghiệp.

6



Tài liệu tham khảo:
1. Giáo trình môn học Kế toán tài chính. Chương trình đào tạo Thạc sĩ
Quản trị kinh doanh quốc tế của Đại học Grigg.
2.Chuẩn mực kế toán quốc tế
3.Chuẩn mực kế toán Việt Nam

7



×