Luôn mất tập trung khi học, đừng
bỏ qua những bí quyết sau nếu
muốn cải thiện
Không có gì là không thể nếu bạn biết cố gắng và suy nghĩ, tìm
hướng đi tích cực nhất. Chỉ như thế bạn mới thoải mái trong
tâm lý và có quyết tâm trong việc cải thiện thành tích học tập.
Trước tiên, hãy cùng tìm hiểu nguyên
nhân khiến bạn mất tập trung
Nguyên nhân mất tập trung khi học của mỗi người là khác nhau. Có thể do tác động từ
yếu tố khách quan: ồn ào hoặc đang học bài thì có người làm phiền... Cũng có thể, bạn đã
có môi trường học tập tốt nhưng lại thiếu sự kỉ luật và kiên định để có thể tập trung vào
bài vở. Đương nhiên lúc đó bạn sẽ tìm đến những việc nhẹ nhàng, dễ dàng để giải trí như
lướt facebook, nghe nhạc - và việc học bị bỏ lại. Ngoài ra, một số bạn không tập trung
vào việc học do không có cho mình những mục tiêu cần đạt được và phương pháp học
hiệu quả nên chẳng biết bắt đầu từ đâu. Điều này dễ nảy sinh tâm lý chán nản. Vậy mới
nói, muốn chữa được "căn bệnh" mất tập trung trước tiên hãy tìm ra nguyên nhân để từ
đó đưa ra giải pháp cụ thể.
"Bí kíp" để duy trì sự tập trung
1. Xác định rõ ràng tầm quan trọng của việc học
Khi bản thân mỗi học sinh hiểu được tầm quan trọng của việc học, không chỉ là các môn
học để thi mà còn gồm cả học những kĩ năng trong cuộc sống bạn sẽ thấy rằng mình còn
rất nhiều điều cần học, bởi nếu lười biếng bản thân bạn sẽ bị thụt lùi. Khi thật sự hiểu
rõ điều này bạn sẽ xác định được mục đích và các ưu tiên trong công
việc từ đó tập trung làm thật tốt. Nếu bản thân không tự giác, không
thấy được tầm quan trọng của việc học thì người học sẽ dễ dàng "tự
cho phép" mình "nghỉ ngơi", bỏ dở việc học giữa chừng đôi khi không vì
lý do gì cả!
2. Có cho mình những mục tiêu nhỏ cụ thể
Bạn hãy lập một danh sách tất cả những việc mà bạn cần phải làm, sau đó chia nhỏ khối
lượng công việc thành những phần nhỏ hơn, dễ hoàn thành hơn. Nhưng đừng nên
quá khắt khe với bản thân, hãy tạo những mục tiêu học tập và trao giải
cho chính mình nếu bạn cán đích thành công. Tất cả những điều này
tạo một động lực rất lớn để bạn đạt được mục tiêu của mình. Và tất yếu
muốn đạt được mục tiêu đó bắt buộc bạn phải tập trung học hành!
3. Tạo không gian học tập
Không gian học tập phù hợp sẽ đảm bảo quá trình tập trung học tập, giúp bạn có thêm
động lực và hứng khởi học hành. Bạn nên tạo một không gian học tập thoáng mát, thoải
mái, gọn gàng... nói chung là không gian ấy nên phù hợp với bản thân, để tạo hứng thú
cho việc học. Ngoài phòng học tại nhà, thư viện, vườn trường, những quán
cafe với không gian thoáng, yên tĩnh cũng là một trong những địa điểm
học lý tưởng đang được các bạn học sinh, sinh viên lựa chọn.
4. Tìm phương pháp học hiệu quả
Từ các nguồn thông tin trên mạng, lời khuyên của bạn bè, bạn có "n" phương pháp học
khác nhau. Nhưng thực tế phương pháp hiệu quả với bạn này chưa chắc đã có tác dụng
với bạn khác. Các bạn cần hiểu rằng, mỗi người có một trình độ, sự tiếp nhận kiến thức
khác nhau, hoàn cảnh cũng khác nhau... vậy nên hãy tìm cho mình một phương pháp học
tập phù hợp nhất với bản thân mình. Chỉ khi đó bạn mới tập trung vào học theo một
phương pháp hiệu quả và phù hợp với bản thân.
5. Bỏ điện thoại xuống và đừng ăn uống khi học
Khi học các bạn thường không chuyên tâm mà vừa học vừa làm việc
khác, thậm chí ăn uống, lướt facebook… Một giải pháp thiết thực nhất
là hãy chặn các mạng xã hội, thói quen ăn vặt lúc học. Khi đó não bạn
không bị phân tán bởi nhiều điều khác nhau, chỉ chú tâm vào việc học
nên khả năng tiếp thu sẽ tốt hơn rất nhiều. Đây chính là một trong
những cách giúp bạn tập trung trong thời gian ngắn nhất để đạt được
hiệu quả cao nhất.
6. Khắc phục các lý do khách quan
Chúng ta thường bị mất tập trung, xao nhãng việc học bởi những lý do
khách quan. Ví dụ như đang học bài thì có bạn bè đến rủ đi chơi, vừa
học thì điện thoại có tin nhắn... Những việc này đều nằm ngoài tầm
kiểm soát của chúng ta và để hạn chế tối đa tình trạng này chỉ còn
cách đặt kỉ luật học tập lên hàng đầu. Bạn ấn định một khoảng thời
gian để học bài và trong khoảng thời gian đó bạn loại bỏ tất cả những
điều chi phối, trừ khi có việc rất quan trọng.
7. Học với thái độ tích cực
Việc học là cho bạn và do bạn, vậy nên cần có thái độ tích cực khi học tập. "Chắc mình
không thể học giỏi được", "Mình ghét việc học hành"... tất cả những suy nghĩ tiêu cực
này sẽ trì hoãn việc học của bạn và gây xao nhãng trong lúc học. Không có gì là không
thể nếu bạn biết cố gắng và suy nghĩ, tìm hướng đi tích cực nhất. Chỉ như thế bạn mới
thoải mái trong tâm lý và có quyết tâm trong việc cải thiện thành tích học tập.