Tải bản đầy đủ (.pdf) (24 trang)

Luận văn thạc sĩ nhân vật trong truyện ngắn nguyễn thị thu huệ, nguyễn ngọc tư và đỗ hoàng diệu

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (367.92 KB, 24 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

------------------------

LÊ THỊ TUYẾT

NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN NGUYỄN THỊ
THU HUỆ, NGUYỄN NGỌC TƢ VÀ ĐỖ HOÀNG DIỆU

Chuyên ngành: Lí luận Văn học
Mã số: 60 22 32
TÓM TẮT LUẬN VĂN THẠC SĨ

Hà Nội - 2010
1


Công trình được hoàn thành tại Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân
văn, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Đoàn Đức Phƣơng

Phản biện 1: PGS. TS. Nguyễn Bích Thu
Phản biện 2: PGS. TS. Vũ Văn Sĩ

Luận văn sẽ được bảo vệ trước Hội đồng chấm luận văn thạc sĩ họp tại
Khoa Văn học, trường ĐH KHXH & NV, ĐHQGHN
16 giờ 00 ngày 05 tháng 11 năm 2010

Có thể tìm hiểu luận văn tại
- Trung tâm thư viện ĐH Quốc gia Hà Nội



2


MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Văn học Việt Nam nói chung, văn xuôi Việt Nam nói riêng trong giai đoạn
đổi mới từ 1986 đến nay có nhiều khởi sắc. Một trong những yếu tố làm nên sự
phong phú, đa dạng của văn học giai đoạn này chính là sự xuất hiện ngày càng
nhiều của các cây bút nữ. Bên cạnh những cây bút nữ tên tuổi một thời như Vũ
Thị Thường, Dương Thu Hương... là đội ngũ những cây bút trẻ trung hơn, sôi
nổi hơn như Lê Minh Khuê, Phạm Thị Hoài, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu
Huệ,... và gần đây là một loạt các cây bút trẻ đầy triển vọng như Nguyễn Ngọc
Tư, Đỗ Hoàng Diệu... Với những nỗ lực đáng ghi nhận, họ thực sự đã tạo ra cho
mình những “lối nẻo riêng”.
Trong số những cây bút nữ nổi lên ngay từ những năm 1990 của thế kỉ XX,
Nguyễn Thị Thu Huệ được xem là một gương mặt đáng chú ý, một ngòi bút có
duyên trong lĩnh vực truyện ngắn, chinh phục người đọc bằng ngòi bút tinh tế,
giản dị mà cũng rất từng trải, thâm trầm. Bước sang những năm đầu của thế kỉ
XXI, Nguyễn Ngọc Tư và Đỗ Hoàng Diệu lại là những hiện tượng văn chương
độc đáo. Văn của Nguyễn Ngọc Tư thấm đẫm chất Nam Bộ; trầm, buồn mà da
diết yêu thương. Chị tự ví văn của mình như trái sầu riêng - một đặc sản đối với
người mê nó nhưng cũng buộc nhiều người phải bưng mũi ngửi. Còn Đỗ Hoàng
Diệu - một nhà văn trẻ “phải đi một con đường vòng đến với độc giả”, thám hiểm
và khai phá nhiều vùng từng bị che lấp hay cấm kị trong văn học, đập vào mắt
người đọc bởi bề nổi của câu chữ nhưng lại đụng đến những vấn đề của cả một
thời đại, và do đó, nó đầy sức ám ảnh. Ba nữ nhà văn mang ba phong cách khác
nhau nhưng họ đều là những nhà văn có duyên với truyện ngắn, sáng tác của họ
đậm tính nữ, có hơi hướng màu sắc nữ quyền rõ nét và có nhiều điểm tương
đồng trong việc xây dựng hình tượng nhân vật.

Cùng với ngôn ngữ, kết cấu, giọng điệu,... thì nhân vật cũng là một phương
diện độc đáo góp phần tạo nên chất riêng, làm nên phong cách tác giả. Nguyễn
Minh Châu đã từng cho rằng, “văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm
3


mà tâm điểm là con người”, và ông không thể tưởng tượng nổi một nhà văn mà
lại không mang trong mình tình yêu cuộc sống, và nhất là tình yêu con người.
Tìm hiểu nhân vật, đặc biệt là nhân vật nữ trong truyện ngắn ba nữ tác giả chính
là chúng ta đi khám phá đời sống và bản chất con người ấy; cũng là tìm hiểu một
trong những phương diện đặc sắc nhất thể hiện chất riêng, phong cách tác giả,
thấy được những điểm tương đồng của ba nhà văn, đặc biệt là khi họ đứng trên
quan điểm của giới mình, nhân danh giới mình viết về tình yêu, hạnh phúc của
người phụ nữ một cách chân thực nhất. Đây cũng là cách tiếp cận để chúng ta
đánh giá, khẳng định ý thức lao động, sáng tạo nghệ thuật của ba cây bút được
nhiều độc giả yêu mến này.
Và tìm hiểu nhân vật trong truyện ngắn ba tác giả cũng là một hướng tiếp
cận để chúng ta giải thích được vì sao họ lại từng được xem là những “hiện
tượng văn học” của nước nhà.
2. Lịch sử vấn đề
Đã có khá nhiều bài viết về Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư và Đỗ
Hoàng Diệu và những tác phẩm của họ. Song có thể khẳng định rằng, cho đến
nay chưa có một công trình khoa học nào đi sâu vào truyện ngắn của họ một
cách cụ thể, có hệ thống. Hầu hết các bài viết chỉ dừng lại dưới dạng giới thiệu,
nhận xét sơ bộ, trình bày cảm xúc về một truyện ngắn hoặc một tập truyện ngắn
nào đó của từng tác giả.
Với Nguyễn Thị Thu Huệ, đáng chú ý là những lời giới thiệu và nhận định
của nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng.
Với Nguyễn Ngọc Tư, độc giả đặc biệt chú ý đến tập Cánh đồng bất tận
(2005) - tập truyện làm nên tên tuổi của chị. Vì vậy, có rất nhiều bài viết xoay

quanh tác phẩm này. Trần Hữu Dũng - một độc giả quan tâm và yêu mến tác
phẩm của chị đã lập hẳn một trang web o/NNTu thu
thập những bài viết về Nguyễn Ngọc Tư và tác phẩm của chị.
Với Đỗ Hoàng Diệu, độc giả yêu văn đặc biệt quan tâm đến tập truyện ngắn
Bóng đè (2005). Đây cũng là tập truyện ngắn duy nhất của chị được phát hành
4


cho đến thời điểm này. Sau khi Bóng đè ra đời, đã có hàng chục bài viết đề cập
đến tác phẩm trên các trang báo lớn như An ninh thế giới, Tuổi trẻ, Văn nghệ trẻ,
Hợp Lưu, Talawas,… Nhà văn Nguyên Ngọc và nhà phê bình Phạm Xuân
Nguyên đã có những lời khen ngợi dành cho tác phẩm.
3. Đối tƣợng, mục đích, phạm vi nghiên cứu
Luận văn tập trung tìm hiểu về nhân vật trong truyện ngắn của ba tác giả:
Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư và Đỗ Hoàng Diệu, đặc biệt là những
nhân vật nữ để thấy rõ những điểm tương đồng và khác biệt trong xây dựng nhân
vật của ba tác giả được xem thuộc hai thế hệ nhà văn nữ khác nhau và mang
những phong cách hoàn toàn khác nhau, cũng như sự gặp gỡ ở những nét đổi
mới, tiến bộ của các tác giả khi đề cập đến màu sắc nữ quyền - một hiện tượng
văn hoá, xã hội của thời hiện đại.
Luận văn tập trung khảo sát nhân vật trong các tác phẩm: Nguyễn Thị Thu
Huệ với các tập: Cát đợi (1992), Hậu thiên đường (1993), Phù thuỷ (1995),
Nào ta cùng lãng quên (2003);
Nguyễn Ngọc Tư với các tập: Ngọn đèn không tắt (2000), Biển người
mênh mông (2003), Giao thừa (2003), Nước chảy mây trôi (2004), Truyện
ngắn Nguyễn Ngọc Tư (2005), Cánh đồng bất tận (2005), Gió lẻ (2008)
Đỗ Hoàng Diệu với tập Bóng đè và các truyện ngắn Tình chuột, Những sợi
tóc màu tang lễ, Cô gái điếm và năm người đàn ông, Ngày bất tận.
4. Phƣơng pháp nghiên cứu
Luận văn sử dụng các phương pháp chủ yếu như: phương pháp khảo sát, thống

kê, phân tích, so sánh, phân tâm học cùng một số phương pháp thi pháp học...
5. Cấu trúc luận văn
Ngoài phần Mở đầu và phần Kết luận, luận văn được triển khai trong 3
chương:
Chương 1: Truyện ngắn và màu sắc nữ quyền trong truyện ngắn Nguyễn Thị
Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư và Đỗ Hoàng Diệu
Chương 2: Nhân vật trong truyện ngắn ba tác giả
Chương 3: Nghệ thuật xây dựng nhân vật.
5


CHƢƠNG 1: TRUYỆN NGẮN VÀ MÀU SẮC NỮ QUYỀN TRONG
TRUYỆN NGẮN NGUYỄN THỊ THU HUỆ, NGUYỄN NGỌC TƯ
VÀ ĐỖ HOÀNG DIỆU
1.1. Thể loại truyện ngắn
1.1.1. Khái niệm truyện ngắn, sự hình thành và phát triển của thể loại
Có nhiều định nghĩa khác nhau về truyện ngắn. Trong 150 thuật ngữ văn
học thì truyện ngắn được xác định là “thể tài tác phẩm tự sự cỡ nhỏ, thường
được viết bằng văn xuôi, đề cập đến hầu hết các phương diện đời sống con
người và xã hội. Nét nổi bật của truyện ngắn là sự giới hạn về dung lượng; tác
phẩm truyện ngắn thích hợp với người tiếp nhận (độc giả) đọc nó liền một mạch
không nghỉ” [1, 359-360].
Ở Việt Nam, hiện nay có nhiều ý kiến khác nhau về sự ra đời của thể loại
này. Nhưng chúng ta không thể phủ nhận rằng, từ những năm 30 của thế kỉ XX,
truyện ngắn Việt Nam thực sự nở rộ với các tên tuổi: Nguyễn Công Hoan, Thạch
Lam, Nam Cao… sau đến là Đỗ Chu, Nguyễn Minh Châu cho đến Nguyễn Huy
Thiệp, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ… và sự xuất hiện của hàng loạt cây
bút trẻ có triển vọng của thế kỉ XXI như Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu
v.v… mang đến cho thể loại truyện ngắn những hình thức vừa cũ, vừa mới, vừa
lạ vừa quen, thể hiện sự đổi mới rõ rệt trong phong cách thể loại.

1.1.2 Đặc trƣng của thể loại truyện ngắn
Nhìn một cách khái quát thì sự khác nhau giữa truyện ngắn và tiểu thuyết
cũng như những đặc trưng của thể loại truyện ngắn tập trung vào một số khía
cạnh như sau:
- Dung lượng tác phẩm.
- Cách xây dựng kết cấu, cốt truyện.
- Cách thể hiện tính cách, số phận nhân vật.

6


1.2. Hiện tƣợng Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tƣ, Đỗ Hoàng Diệu
và màu sắc nữ quyền trong truyện ngắn ba tác giả
1.2.1 Hiện tƣợng Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tƣ và Đỗ
Hoàng Diệu
Thập niên 90 của thế kỉ XX và những năm đầu của thế kỉ XXI là khoảng
thời gian được mùa của truyện ngắn và cũng là thời gian nở rộ của nhiều tên tuổi
nữ được bạn đọc mến mộ như Y Ban, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ, Lí
Lan, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần, Đỗ Hoàng
Diệu,… Đội ngũ sáng tác ấy khiến cho nền văn học của nước ta “đang mang
gương mặt nữ - ngày càng trắc ẩn và khoan dung, ngày càng tinh tế và đằm thắm” (Bùi Việt
Thắng).
Nguyễn Thị Thu Huệ là một trong những cây bút nổi lên ngay từ đầu những
năm 90 của thế kỉ XX. Những năm 90, độc giả yêu văn chương đã thực sự sửng
sốt và ngỡ ngàng khi xuất hiện một truyện ngắn mà tác giả của nó chưa có tên
tuổi: Hậu thiên đường. Và cho đến thời điểm này, trên văn đàn Việt Nam hiện
đại, cái tên Nguyễn Thị Thu Huệ đã không còn lạ, thậm chí chị đã tạo được một
phong cách riêng độc đáo, không lẫn với bất cứ nhà văn nào. Truyện ngắn của chị
gợi lên biết bao trăn trở trong mỗi người về con người và cuộc đời này.
Xuất hiện kịp thời khi quan niệm nghệ thuật về con người trong văn chương

đã thay đổi từ sau đổi mới, Nguyễn Thị Thu Huệ có dịp đi vào những vấn đề rất
đỗi dung dị, bình thường nhưng không hề tầm thường là vấn đề gia đình và
những mâu thuẫn, xung đột xoay quanh tình yêu, những bi kịch tình yêu, bi kịch
xã hội, những cái tưởng chừng vụn vặt nhưng lại có tác động ghê gớm tới hạnh
phúc gia đình…Truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ cũng đã đụng chạm đến
những vấn đề cấm kị của văn học, tình yêu đã chớm mang màu sắc nhục thể
nhưng đằm thắm, kín đáo, nhẹ nhàng. Đây lại là điểm mà các nhà văn trẻ sau này
như Nguyễn Ngọc Tư, và đặc biệt là Đỗ Hoàng Diệu khai thác một cách mạnh
bạo, công khai hơn.

7


Tự ví văn mình như trái sầu riêng, “có người ăn khen ngon, có người bưng
mũi quay đi vì chê nó nặng mùi”, Nguyễn Ngọc Tư đã sớm định hình một phong
cách viết khá ấn tượng. Nổi tiếng ở miền Nam nhưng xuất hiện muộn hơn ở
miền Bắc với tập truyện Cánh đồng bất tận (2005), Nguyễn Ngọc Tư đã mang
đến cho người đọc nhiều cảm xúc rất trong trẻo và đậm chất nhân văn. Xuyên
suốt những trang văn của Nguyễn Ngọc Tư là con người Nam Bộ với những suy
tư, trăn trở rất người, với không gian sông nước, thuyền, ghe, với các món cá
bông chua, canh súng… quá đỗi thân thiết với người con Nam Bộ. Chị được xem
như là một “đặc sản Nam Bộ”.
Xuất hiện gần như cùng thời điểm với Nguyễn Ngọc Tư thế nhưng văn của
Đỗ Hoàng Diệu lại mang một phong cách hoàn toàn khác lạ. Xuất hiện trên văn
đàn Việt với tác phẩm Bóng đè cực kì gây choáng, Đỗ Hoàng Diệu đã làm xôn
xao giới văn nghệ nước nhà, khiến nhiều người phải giật mình. Thế hệ chị có sự
“phá rào” bằng cách phần đông hướng vào tính dục, viết trần trụi hơn, có phần
thô thiển, và có sự lạm phát yếu tố sex. Đằng sau ngôn ngữ của họ là nhiều ẩn ý
cần phải giải mã. Đỗ Hoàng Diệu là nhà văn tiêu biểu không nằm ngoài xu
hướng đó. Nhiều người thích, nhưng cũng nhiều người chê, nhưng tất cả đều

phải công nhận văn của chị là hơi thở mới trong văn chương đương đại. Những
thông điệp ráo riết, có phần quyết liệt được chị chuyển đến người đọc dưới cái
vỏ rất sex.
1.2.2. Vấn đề nữ quyền và màu sắc nữ quyền trong truyện ngắn ba tác giả
1.2.2.1. Vấn đề nữ quyền và văn học nữ quyền
1. Trong cái nhìn lịch sử, vai trò của nữ giới, mặc nhiên bị coi là vai trò lệ
thuộc và bị chi phối bởi nam quyền.
Và cuộc chiến đấu để giành lại vị thế đã mất của nữ giới - vốn âm ỉ rất lâu
trong lịch sử đã dần phát triển mạnh mẽ với tên gọi là chủ nghĩa nữ quyền hay nữ
quyền luận (feminism).
Một cách khái quát nhất, “nữ quyền” được hiểu là “Quyền bình đẳng của
phụ nữ trên mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội và giáo dục. Khái niệm “nữ quyền” ở
8


cấp độ rộng là quyền lợi của người phụ nữ trong thế tương quan với nam giới để
đạt đến cái gọi là “nam nữ bình quyền”. Ở cấp độ hẹp thì “nữ quyền” có mối
liên quan tới với các khái niệm như “giới tính”, “phái tính” trong văn học. Nếu
như “giới tính”, “phái tính” là công cụ để khu biệt đặc tính giữa hai phái
(nam/nữ) thì khái niệm nữ quyền không chỉ dừng lại ở đó mà mục đích của nó
hướng tới là sự bình quyền của nam - nữ, đồng thời tạo ra hệ quy chuẩn riêng
của nữ giới” [58].
Về khái niệm văn học nữ quyền, có thể hiểu, không phải tất cả sáng tác của
các tác giả nữ đều thuộc về dòng văn học nữ quyền và sáng tác của một tác giả
nam lại có khi được coi là văn học nữ quyền. Tiêu chí “văn học nữ quyền” ở đây
không phải là giới tính của nhân vật văn học mà là nội dung sáng tác có liên
quan đến việc bảo vệ, bênh vực quyền sống của phụ nữ, giải phóng phụ nữ, phê
bình và nghiên cứu văn học, nữ tính phải trực tiếp đối diện với sáng tác văn học
do các nam nữ tác giả sáng tác, suy nghĩ về quan hệ của sáng tác của các tác giả
nam nữ đối với sự sinh tồn và giải phóng phụ nữ.

2. “Phải bước sang xã hội hiện đại, khi trình độ dân trí được nâng cao, phụ nữ
được đi học, được tự do bầu cử, tầng lớp công chức đã có sự tham gia của phụ nữ thì
cán cân công bằng về giới mới bắt đầu được hiện thực hoá” [13].
Vấn đề nữ quyền, cụ thể là làn sóng nữ quyền thịnh hành và phát triển rầm
rộ ở các nước phương Tây và ngày càng lan rộng ra các châu lục khác trên thế
giới. Tuy vậy, ở các nước thuộc khu vực Á Đông, đặc biệt là ở các nước đang
phát triển thì vấn đề nữ quyền chưa thực sự có độ chín rõ nét để đẩy lên thành
một phong trào, một làn sóng trên nhiều bình diện.
3. Ở Việt Nam, vào những năm đầu thế kỉ XX, do ảnh hưởng của làn sóng
tân thư, một số tác giả như Đạm Phương, Sương Nguyệt Ánh… đã bắt đầu bàn
đến vai trò của người phụ nữ. Phan Khôi cũng nhiều lần đòi sự bình quyền, kêu
gọi phụ nữ phải có vị trí xứng đáng hơn trong gia đình và xã hội. Một số nhà văn
lãng mạn cũng đã đề cập đến vấn đề này trong tác phẩm của mình.

9


Sau năm 1945, văn học nữ tính có điều kiện để phát triển hơn do có tiền đề văn
hóa và xã hội thuận lợi là sự ra đời của Hội Phụ nữ Việt Nam. Vai trò của người phụ
nữ, cũng vì thế mà ngày càng được đề cao hơn.
Đặc biệt là khi đất nước bước vào thời kì đổi mới từ 1986, sự khởi sắc của
nền kinh tế cùng những nỗ lực tạo nên sự bình đẳng về giới đã tạo nên những
tiền đề cơ bản để văn học nữ quyền có điều kiện phát triển. Điều quan trọng nhất
là “ý thức về giới - một cách tự giác đã ăn sâu vào tâm thức của đội ngũ những
người cầm bút, tạo nên âm hưởng nữ quyền trong văn học” [13].
Khi ý thức dân chủ ngày càng được nâng cao, thì cũng đồng nghĩa, trong văn
học có sự xuất hiện ngày càng rầm rộ và đầy ấn tượng của các cây bút nữ. Sự xuất
hiện ấy đã đem đến cho văn học Việt Nam một diện mạo mới, một làn gió mới.
Nhiều cách tân ở thể loại truyện ngắn đương đại đã phần đông gắn với tên tuổi
của các nhà văn nữ như: Phạm Thị Hoài, Lê Minh Khuê, Võ Thị Hảo, Y Ban,

Nguyễn Thị Thu Huệ, Dạ Ngân, Phan Thị Vàng Anh, Lý Lan, Đỗ Hoàng Diệu v…v.
Nhiều người cho rằng, văn học đương đại Việt Nam “âm thịnh dương suy”. Có thể
khẳng định, chính các cây bút nữ đã góp công lớn cho nền văn học đương đại Việt
Nam, đem đến cho văn đàn những tiếng nói mới mẻ, buộc các nhà văn nam và các
nhà phê bình nam giới phải thừa nhận tài năng của họ.
Văn học nữ quyền - hay âm hưởng nữ quyền trong văn học đương đại Việt
Nam, xét một cách khái quát, được thể hiện qua những phương diện: thái độ chủ
động, quyết liệt đấu tranh để giành, giữ tình yêu, dám sống thật với chính mình
và dám đi đến tận cùng bản thể. Trên trang viết của họ, chúng ta thấy hiện lên
“những người đàn bà khổ vì yêu, rút hết gan, hết ruột để yêu và hi sinh cho tình
yêu bất cần những hệ luỵ sau đó” [16, 53].
Các nhà văn, nhà thơ nữ Việt Nam đã dần dần tự “cởi trói” cho mình, bắt
đầu động chạm đến những vấn đề đã từng bị cấm kị trước đây. Họ viết về tình
dục với các cách thức khác nhau nhưng phải khẳng định là chưa bao giờ vấn đề
này được khai thác mạnh mẽ, “khiêu khích” đến thế. Hiện thực này chính là một
hiện tượng mới trên văn đàn: “Nhẹ nhàng, kín đáo trong truyện Nguyễn Thị Thu
10


Huệ. Trực diện, trần trụi trong truyện Y Ban. Mãnh liệt, nhẩn nha đầy thâm thuý
và ẩn ý trong truyện Đỗ Hoàng Diệu. “Quê mùa”, chất phác nhưng đằm như
trong truyện Nguyễn Ngọc Tư…Dù ở mức độ nào thì họ cũng đã từng bước
khẳng định tiếng nói của nữ giới trong văn chương” [58].
Nữ quyền không chỉ dừng lại ở việc đòi bình quyền trong việc khai thác các đề tài
“cấm kị”, nhạy cảm mà các nhà văn nữ còn tự chứng minh, biểu hiện thiên chức của
mình một cách trọn vẹn. Và “đặc tính nổi trội nhất của người phụ nữ để xác lập sự
tách biệt với nam giới là bản năng chăm lo, bảo vệ sự sống con người, thể hiện rõ nhất
là tình mẹ” [58]. Bản năng làm mẹ của người phụ nữ thể hiện ở sự sinh nở và tình yêu
vô bờ dành cho người con yêu dấu của mình. Đây cũng là thiên chức mà không có bất
cứ một người đàn ông nào có thế làm thay được.

1.2.2.2. Màu sắc nữ quyền trong truyện ngắn ba tác giả
Nằm trong mạch vận động và phát triển của văn học đương đại Việt Nam
nói chung, sáng tác của Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư và Đỗ Hoàng
Diệu đã mang đậm màu sắc nữ quyền, đầy mới mẻ và hiện đại mặc dù chưa bao
giờ trong sáng tác của mình lẫn trong thực tế, họ tuyên bố một cách trực tiếp về
mục đích sáng tác là để khẳng định màu sắc nữ quyền ấy.
Thực tế chứng minh cho màu sắc nữ quyền trong truyện ngắn ba tác giả trên
là khi khảo sát nhân vật trong truyện ngắn của họ, điều chúng ta dễ nhận thấy
nhất chính là nhân vật người phụ nữ chiếm đa số với sự phong phú của những số
phận, những cảnh đời. Các tác giả đã nhân danh phái mình viết về tình yêu, sự
khát khao tình yêu, khát khao hạnh phúc - dù là hạnh phúc rất đỗi giản dị nhưng
không phải người phụ nào cũng được đón nhận.
Truyện ngắn của họ xuất hiện những người phụ nữ nhiệt tình, mạnh mẽ,
khát khao một tình yêu đích thực; ý thức cá nhân, yếu tố riêng tư bắt đầu cựa
quậy để thoát ra khỏi những ràng buộc gia đình, xã hội. Tính nữ quyền trong
truyện ngắn của ba tác giả thể hiện rất rõ trong sự quyết liệt đấu tranh giành giữ
tình yêu, sự bình quyền trong tình cảm và sự khẳng định của giới mình. Họ chủ động
trong đời sống, trong hạnh phúc của chính mình. Họ cũng không cam chịu. Nhân vật
11


nữ trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ thường có những chiêm nghiệm chát
chúa từ những từng trải trong cuộc sống. My (Thiếu phụ chưa chồng) đã quả quyết
rằng, “thời của tôi khác thời của chị rồi… Tôi muốn tự do và sung sướng. Tôi muốn
là bà chủ”. Nhân vật nữ trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, một khi đã khao khát
trở thành cô đào hát nổi tiếng, cũng có nghĩa là họ sẽ quyết tâm thực hiện cho bằng
được, kể cả nhiều khi họ phải đánh đổi cả gia đình của mình; họ tự đi tìm cho mình
một hạnh phúc mới; Trong truyện ngắn Đỗ Hoàng Diệu, là những cô gái luôn tỉnh
táo, không thể chung sống với những người đàn ông như “một bầy cánh cụt, con nào
con nấy mũm mĩm, phì phạch”, sẵn sàng từ bỏ người đàn ông tầm thường bên mình

để đi tìm cho mình người đàn ông đích thực. Truyện ngắn của họ ít xuất hiện những
người đàn bà với thói quen nô lệ cố hữu, và đã xuất hiện những người đàn bà nổi
loạn.
Cả ba đã công khai đề cập đến vấn đề tính dục với những màu sắc, cường độ
khác nhau. Các cây bút nữ, thậm chí đã gây xôn xao dư luận khi đề cập đến vấn
đề này. Nguyễn Thị Thu Huệ thì nhẹ nhàng, kín đáo, kiểu như: “anh không nghe
thấy tiếng thở dài tức ngực của người đàn bà chưa đến bốn mươi tuổi, da thịt
mát lạnh, thơm tho của sự đầy đủ, nhàn hạ dần dần đang cần sự yêu chiều ve
vuốt [24,255]. Với Nguyễn Ngọc Tư, từ tập truyện đầu tay còn phảng phất chất
học trò như Ngọn đèn không tắt cho đến các tập truyện ngắn sau này, chị đã già
dặn hơn trong cách viết, dám mạnh dạn đề cập đến những rung động xác thịt.
Nguyễn Ngọc Tư viết về vấn đề này, theo như nhận xét của nhiều người, có phần
“quê mùa” (so với sự mạnh bạo của nhiều nhà văn khác) nhưng lại rất đằm thắm,
dịu ngọt. Những người yêu nhau trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư không bao
giờ có những hành động “vượt rào”, nhiều lắm chỉ như “Nó ngồi sau lưng
thầy…mà lòng nghe dịu ngọt lạ thường, chợt thèm đển rớt nước mắt được nép
vào lưng, được choàng tay ôm eo thầy…” [62, 56]. Năm 2005, Cánh đồng bất tận
của chị được xem như một bứt phá ngoạn mục so với cách viết thật thà trước đó. Cây
bút nữ được yêu mến bởi những tác phẩm viết về nông thôn Nam bộ, với những

12


nhân vật hiền lành chân chất bỗng trở nên bạo liệt trong Cánh đồng bất tận với
những đoạn diễn tả con người bản năng khá dữ dội.
So với Nguyễn Thị Thu Huệ hay Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu có sự
mạnh bạo hơn cả khi đề cập đến màu sắc dục tính trong truyện ngắn của mình.
“Trong những truyện ngắn của Đỗ Hoàng Diệu, toàn là những nhân vật phụ nữ,
tất cả đều còn trẻ, khao khát sống, mãnh liệt sống, tràn đầy dục tính, song chắc
chắn vấn đề của chị lớn hơn rất nhiều số phận đàn bà…” (Trích lời giới thiệu

tác phẩm Bóng đè của tác giả Nguyên Ngọc). Gần như chủ yếu, Đỗ Hoàng Diệu
viết về phụ nữ và dục tính, với tất cả dữ dội, ẩn ý, thâm thuý trong truyện ngắn
của mình. Hình ảnh người phụ nữ trong truyện ngắn của chị luôn luôn ở tư thế
chủ động: “Tôi hay chồm lên người Thụ nuốt lấy anh vồ vập…tôi muốn đã cơn
khát thèm từ buổi trưa ấy…” [7,6].
Vẻ đẹp đặc tính nữ, xét cho đến cùng vẫn là vẻ đẹp bất tận và vĩnh cửu. Và làm
nên cái vẻ đẹp ấy, cao quý nhất vẫn là vẻ đẹp của tình mẫu tử. Dù có gặp bi kịch
trong tình yêu, hôn nhân; dù phải lìa bỏ con cái để theo đuổi danh vọng,… thì cái
thiên tính mẫu ấy vẫn cháy âm ỉ và cuối cùng rồi cũng sẽ được bộc phát ra.
Nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ
Hoàng Diệu, đặc biệt là nhân vật nữ sẽ thực sự là một “đạo quân” đấu tranh cho
hạnh phúc của người phụ nữ, cũng là đấu tranh cho quyền của con người trong
thế giới hiện đại.

CHƢƠNG 2: NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN BA TÁC GIẢ
2.1. Nhân vật trong truyện ngắn
2.1.1. Khái niệm, vai trò và sự phân chia các loại hình nhân vật trong
tác phẩm văn học
“Văn học không thể thiếu nhân vật vì đó chính là phương tiện cơ bản để nhà
văn khái quát hiện thực một cách hình tượng” [14,126]. Nhân vật đóng vai trò
quan trọng, góp phần làm nên sự thành công của tác phẩm. Nhà văn có tên tuổi

13


sáng tạo thành công nhân vật trong tác phẩm của mình nhưng nhiều khi, chính
nhân vật cũng lại làm nên tên tuổi của tác giả.
Sự phân chia loại hình văn học nhìn chung mang tính chất tương đối. Khi
phân chia các loại hình hay các kiểu nhân vật chúng ta cần linh hoạt và nên dựa
vào mặt ưu trội của nó để xếp nhân vật vào loại, kiểu thích hợp.

2.1.2. Nhân vật trong truyện ngắn
Cũng như các thể loại tự sự khác, nhân vật là yếu tố vô cùng quan trọng của
truyện ngắn. “Truyện ngắn sống bằng nhân vật” [49,126].
Nếu “nhân vật của tiểu thuyết có khuynh hướng vươn tới một hình thái tràn
đầy viên mãn, được tiếp diễn trong sự liên tục của thời gian thì nhân vật truyện
ngắn bị bắt buộc phải tồn tại trong thời gian ngắn ngủi, không liên tục, chúng
tồn tại trong sự đứt đoạn” [19,162].
Truyện ngắn chỉ thể hiện một bước ngoặt, một trường hợp hay một tâm
trạng nhân vật. Dẫu cho viết về cả đời người thì nhà văn vẫn tập trung viết về
một khoảnh khắc chói sáng nhất của người đó.
2.1.3. Sự đổi mới quan niệm nghệ thuật về con ngƣời trong văn xuôi
đƣơng đại Việt Nam
Mỗi một giai đoạn văn học, mỗi thời đại văn học có cách quan niệm, thể
hiện con người khác nhau nhưng suy cho cùng thì mọi tác phẩm văn học nghệ
thuật đều hướng đến con người và tầm vóc của một nền văn học thể hiện ở cách
đặt vấn đề về con người.
Quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học Việt Nam không ngừng
thay đổi và phát triển. Trong văn học cổ, con người là hiện thân của tư tưởng
trung quân, ái quốc, không màng danh lợi; là con người vũ trụ với mỗi hành
động, cử chỉ đều gợi một quy mô vũ trụ; con người trong văn học 1945 - 1975 là
con người dân tộc yêu nước, bất khuất, anh hùng, con người sử thi - biểu hiện ý
chí, khát vọng và sức mạnh của cả cộng đồng dân tộc.

14


Chiến tranh kết thúc. Cuộc sống trở lại quy luật bình thường của nó. Đất nước
bước vào thời buổi kinh tế thị trường kéo theo sự thay đổi của hàng loạt các mối
quan hệ giữa con người với nhau. Con người giờ đây cũng được soi chiếu ở nhiều
góc cạnh, trên các mối quan hệ khác nhau, đa diện và khách quan hơn.

Con người trong văn học đương đại được nhìn ở nhiều vị thế và trong tính
đa chiều của mọi mối quan hệ: con người với xã hội, con người với lịch sử, con
người của gia đình, gia tộc, con người với phong tục…, được đặt vào các trạng
huống phức tạp mới của cuộc đời như trong đời sống hiện thực phồn tạp, trong
đời sống bản năng và trong đời sống tâm linh. Nhiều vấn đề trước đây ít có điều
kiện để nói tới thì nay được công nhiên mổ xẻ, khơi sâu. Nhiều kiểu nhân vật
mới như nhân vật dị biệt, bản năng, tha hoá, người điên hay kẻ lạc loài… xuất
hiện ngày càng nhiều.
Đối với quan niệm về người phụ nữ, có thể nói, văn học đương đại Việt
Nam “đã không còn những người phụ nữ sắt đá, gan dạ, kiên cường của thời
chiến tranh nữa mà thay vào đó là những con người nhẹ dạ, yếu đuối, đa cảm,
và đa đoan” [12]. Từ cách nhìn như vậy, các nhà văn đã tìm thấy ở người phụ nữ
một “công cụ” hữu hiệu để đổi mới đề tài. Đề tài gia đình đã thực sự trở thành
một đề tài lớn, có ý nghĩa lớn trong văn xuôi đương đại. Vai trò của người phụ
nữ, vì thế, ngày càng quan trọng hơn bao giờ hết. Càng về sau đề tài này càng
được khẳng định, nhất là trong thể loại truyện ngắn. Sự xuất hiện của không gian
gia đình trong văn học diễn ra đồng thời với sự trở lại thiên chức làm vợ, làm mẹ
của người phụ nữ.
2.2. Nhân vật trong truyện ngắn ba tác giả
2.2.1. Khái quát về hệ thống nhân vật
2.2.1.1. Một điều rất dễ nhận thấy là, trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ,
mọi chuyện diễn ra xung quanh ta, những cái bình thường, nhỏ nhặt nhất đều có thể đi
vào trong tác phẩm, và do đó, nhân vật của chị rất gần gũi với cuộc sống đời thường.

15


Ở truyện ngắn của chị, chúng ta thấy xuất hiện nhiều nhân vật là những cô gái mới
lớn háo hức vào đời. Đó là Mi (Sơ-ri đắng); Cô gái trong truyện ngắn Biển ấm; cô con
gái trong truyện ngắn Hậu thiên đường; My (Thiếu phụ chưa chồng)…

Nguyễn Thị Thu Huệ đặc biệt quan tâm đến những người phụ nữ có số phận
éo le, xem đó như một sự cảm thông sâu sắc đến những người cùng giới mình.
Chúng ta thấy có người đàn bà bị dở hơi, chẳng ai gần, chẳng ai quan tâm nhưng
lại biết yêu và được yêu. Đó là cô Thảo trong Cõi mê, là cô Thảo trong truyện
ngắn Người đi tìm giấc mơ đã được trở thành hoa hậu khi điên; người vợ trong
Lời thì thầm của mùa xuân có chồng ra đi mãi mãi trong một chuyến đi biển, để
hàng năm, vào đêm giao thừa, ba mẹ con lặng lẽ đón năm mới trong cái lạnh lẽo
của mùa đông; là người chị gái trong Chị tôi với ánh mắt buồn đầy ám ảnh bên
mẹt thuốc lá bán dạo nuôi em ăn học; là người vợ trong Ám ảnh bị chồng hắt
hủi, bạc đãi; là người mẹ từng lầm lỡ trong Hậu thiên đường tưởng mình mạnh
mẽ, cứng cỏi nhưng cũng rất yếu lòng, v…v.
2.2.1.2. Trong hầu hết các truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, chúng ta đều có
thể bắt gặp những mảnh đời bất hạnh - những đứa trẻ mồ côi, lớn lên thiếu tình
thương yêu của cha mẹ, hoặc bị dòng đời xô đẩy phải làm những công việc mà
người đời cho là dơ bẩn. Đó là Miên (Cỏ xanh), là Điệp (Chuyện của Điệp), là
San (Bởi yêu thương), con Như mười tuổi, con Ý tám tuổi trong truyện ngắn
Đời như ý, là Lương (Bến đò xóm Miễu); Đó cũng là anh Sáng (Một dòng xuôi
mải miết), là anh Trọng (Một mối tình), là Tiên (Nửa mùa), là Phi (Biển người
mênh mông), là Nương và Điền (Cánh đồng bất tận) v…v.
Một trong những ấn tượng sâu đậm và có sức lay động trái tim những bạn
đọc yêu văn Nguyễn Ngọc Tư chính là những mối tình không trọn, và theo đó là
môtip nhân vật hoài niệm - những con người thủy chung, tình nghĩa với một mối
tình duy nhất trong cuộc đời cứ trở đi trở lại trong truyện ngắn của chị.
Trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư, không ít lần nhà văn nhấn mạnh
cái ranh giới giữa sàn diễn và cuộc đời. Chúng ta thấy trở xuất hiện nhiều là
nhân vật người nghệ sĩ - những người phải đóng những “vai diễn cuộc đời”, vì
16


trót đeo cái nghiệp hát vào thân nên chẳng có ai được sống một cuộc đời sung

sướng, thanh thản.
2.2.1.3. Nếu như nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ vừa từng
trải, vừa ngây thơ; nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư bao dung, hiền
hậu thì nhân vật trong truyện ngắn Đỗ Hoàng Diệu hiện lên đầy cá tính, bạo liệt
nhưng cũng không kém chiều sâu tâm hồn.
Ở những truyện ngắn viết thời kì đầu, nhân vật của chị ngây thơ, mơ mộng,
lãng mạn, tin vào tình yêu và chung thủy trong tình yêu.
Trong những sáng tác sau này, nhân vật chủ yếu trong truyện ngắn Đỗ
Hoàng Diệu là những người phụ nữ, “tất cả đều còn trẻ, khao khát sống, mãnh liệt
sống” [41] . Họ quá thông minh nhưng cũng quá cả tin, vì vậy nhiều khi trong cuộc đời,
dù tỉnh táo là vậy nhưng họ vẫn bị trượt dài theo những người đàn ông. Họ yếu đuối
nhưng lúc nào cũng phải cố tỏ ra thật mạnh mẽ. Hầu hết họ là những người con gái bị
phụ bạc, bị chiếm đoạt, là những người con gái trong trắng nhưng nhẹ dạ trao thân cho
người khác, và khi người yêu, người tình ra đi, họ tao tác trong đợi chờ.
Những nhân vật nam, trên trang viết của Đỗ Hoàng Diệu, cũng muôn màu
muôn vẻ. Truyện ngắn của chị thật hiếm những người đàn ông lãng mạn, ngu
ngơ và thành thật. Có một Thụ của Bóng đè nhu nhược và nhạt nhẽo. Có một
người đàn ông Trung Hoa trong Vu quy nham hiểm, thâm sâu. Đó là Công
(Dòng sông hủi) đểu giả và tàn ác, với “đôi mắt sưng him híp” đầy nghi ngờ,
gờm gờm nhìn vợ dò xét mỗi buổi chiều, một kẻ “chuyên rình rập những tâm
hồn phụ nữ”, xăm soi từng chữ số trên mỗi tờ hoá đơn mua hàng…Trí (Dòng
sông hủi) lại thuộc dạng đớn hèn, tầm thường…
2.2.2. Các kiểu nhân vật nữ mang màu sắc nữ quyền
2.2.2.1. Ngƣời phụ nữ chủ động kiếm tìm hạnh phúc
Không thể phủ nhận rằng, khao khát hạnh phúc, đấu tranh cho hạnh phúc, chủ
động kiếm tìm hạnh phúc, được bình quyền trong tình cảm là một trong những biểu
hiện rất rõ ràng của tính nữ quyền trong truyện ngắn của những cây bút nữ.
17



Người phụ nữ của thời hiện đại năng động, thể hiện năng lực của mình trên
nhiều phương diện, đặc biệt là họ chủ động trong tình yêu, chủ động kiếm tìm
hạnh phúc, cũng có nghĩa là họ chủ động quyết định số phận đời mình.
Nhân vật nữ trong truyện ngắn của ba tác giả, dù dịu dàng, nhu mì hay mạnh
mẽ, cứng cỏi cũng đều giống nhau ở cái khát khao hạnh phúc chính đáng ấy.
Nhưng, hạnh phúc, với họ là gì?
1. Hình như nó đều gắn với một mái ấm gia đình, một người đàn ông tử tế ?
Các nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ
Hoàng Diệu đều đã trực tiếp hoặc gián tiếp nói lên mơ ước, khát khao của mình
có được một người đàn ông lí tưởng - người sẽ mang lại hạnh phúc cho họ, sẽ
gây dựng cho họ môt mái ấm gia đình, mà ở đó, sẽ không có sự bon chen, lừa
lọc, ở đó, họ cảm thấy an toàn và hạnh phúc.
Với những người phụ nữ của Nguyễn Ngọc Tư, hạnh phúc là khi lấy được
một người đàn ông nặng tình nặng nghĩa, không phải một sớm một chiều mà
quên ngay, bỏ ngay người xưa được. Hạnh phúc với người phụ nữ trong truyện
ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ lại là khi có được một người đàn ông biết vun
vén, chăm lo cho hạnh phúc gia đình. Nhân vật nữ của Đỗ Hoàng Diệu mạnh mẽ,
quyết liệt, hạnh phúc khi được là chính mình, không lệ thuộc vào đàn ông và
khao khát có được người đàn ông thực sự hiểu, đồng điệu với mình về tâm hồn
chứ không phải chỉ là thể xác.
2. Một điều dễ nhận thấy là vì thực tế họ không tìm cho mình được người
đàn ông lí tưởng, hoặc xuất phát từ việc cảm thấy không thoả mãn với hạnh phúc
gia đình đang có mà nhiều nhân vật nữ đã ngoại tình, hoặc bỏ đi tự tìm cho mình
cái hạnh phúc mới.
3. Tình dục là một vấn đề lớn, một biểu hiện hiển nhiên của hạnh phúc trong
cuộc sống con người và trong sinh hoạt xã hội.
Trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, nhân vật nữ bắt đầu có sự “cựa quậy”
nhưng rất nhẹ nhàng, kín đáo, như Đậm (Giao thừa) có những phút xốn xang khi
bắt gặp một ánh mắt nhìn, một tấm lưng trần mạnh mẽ: “ánh mắt Quý ngày càng
18



nồng nàn trói buộc, bắt Đậm phải day dứt giữa nỗi khát khao và tủi hổ… Quý
mặc áo đứt tiêu cái nút trên, lồ lộ ra mảng ngực rám nắng. Trong Đậm nhiều khi
dậy lên một cái gì rưng rức khó tả, chỉ mong nép đầu vào đó để quên nhọc nhằn,
để quên nỗi cô độc lùi lũi trong đời” [61,71]. Đến Cánh đồng bất tận, chị sẵn
sàng viết về một cô Sương tự nhận mình “làm đĩ”, chuyên kiếm tiền từ việc mồi
chài những người đàn ông, và đâm nghiện họ: “tưởng như chị có thể ngốn ngấu,
bào mòn tất cả đàn ông trên thế gian này. Lúc đầu là kiếm sống, nhưng lâu dần,
sự chung đụng của thể xác làm chị nghiện” [64,200].
Trong truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ, là những người phụ nữ đã qua
một lần đò, có thể do lầm lỡ nhưng chưa bao giờ hết khao khát một hạnh phúc,
cho dù đó là hạnh phúc muộn mằn; Là người đàn bà chưa đến bốn mươi tuổi tràn
trề sức sống, khao khát yêu đương nhưng phải xa chồng… Nhân vật nữ của Đỗ
Hoàng Diệu bạo liệt và rất giàu “năng lượng bản năng”. Không chịu lép vế,
không chịu là một thứ nô lệ cho đàn ông, họ phải được chủ động, được tự mình
quyết định. Họ căm ghét những người đàn ông chưa một lần cho họ được chủ
động yêu đương. Họ muốn được là chính mình: “Nay tôi đã thoát ra khỏi kiếp nô
lệ của ông, tôi trở thành người đàn bà trưởng thành. Chồng tôi sẽ bế tôi lên ngồi
trên, để tôi được mặc sức tung hoành, chà cây đốn gốc. Không cần anh bế, tôi
trườn lên như một con rắn chúa… Tôi không phải nô lệ, tôi là mình, bình
đẳng…” [7,73].
4. Khi nhắc đến các nhân vật nữ mang màu sắc nữ quyền, chúng ta không
thể bỏ qua cái hơi ấm nữ tính được bảo lưu một cách vô thức tạo nên hương vị
riêng cho tác phẩm của các nhà văn nữ. Đó là những vấn đề gần gũi với bản thân,
những câu chuyện không to tát mà gắn với cuộc sống thường nhật, và do đó, có
những người phụ nữ được xem là người phụ nữ của đời thường. Họ lo lắng nỗi lo
của đàn bà, về miếng cơm, manh áo, những khi con cái ốm đau, lo cho gia đình,
lo kiếm sống… Được là một người phụ nữ bình thường, với những nỗi lo lắng
bình thường, chắc gì lại không phải là hạnh phúc?

2.2.2.3. Nhân vật ý thức về mẫu tính
19


Nhân vật nữ trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ
Hoàng Diệu dù sống trong một môi trường hiện đại, năng động, mang trong
mình bản lĩnh, sự quyết đoán của người phụ nữ hiện đại nhưng trước hết, họ vẫn
là những người phụ nữ của truyền thống, khi là mẹ của những đứa con và luôn
cảm nhận được tình mẫu tử thiêng liêng từ khi mang nặng đẻ đau. Khi ý thức về
mẫu tính thì cũng có nghĩa là các nhà văn nữ ý thức rõ về vai trò của phái mình,
khẳng định vị thế cao đẹp của mình trong gia đình và xã hội.
Họ yêu con bằng một tình yêu bản năng và hết lòng vì đứa con của mình.
Tình mẫu tử trên trang văn Nguyễn Ngọc Tư, đẹp và mãnh liệt đến nỗi, nó vượt
quá cả lòng thù hận tầm thường. Nương (Cánh đồng bất tận) sau khi bị làm
nhục đã không nghĩ vì sự nhục nhã mà sẽ tự tử hay trả thù, mà ngược lại, Nương
nghĩ đến việc sinh con và nuôi nấng nó thành người.
Tuy viết về nhiều người phụ nữ luôn mang trong mình sức mạnh bản năng
dường như thiêu cháy cả đàn ông, nhưng trong truyện ngắn của Đỗ Hoàng Diệu,
không hiếm những tác phẩm chị viết về tình mẹ - người mẹ luôn dang tay ra để che
chắn cho con trước những cám dỗ của cuộc đời. Với những trang viết về tình cảm
thiêng liêng ấy, truyện ngắn của chị trở nên trầm tĩnh và dịu dàng hơn.
Với truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ, đó là nỗi lo thầm kín nhưng rất
thường trực và bản năng của các bà mẹ nói chung khi có con gái đến tuổi dậy thì:
lo con gái bị người ta lừa, cướp mất sự trong trắng khi chúng chỉ vừa mới chạm
bước chân vào cuộc đời.
Đều viết về tình mẫu tử thiêng liêng, về ý thức về mẫu tính, nhưng mỗi nhà
văn lại gửi gắm cho mình những nỗi lo lắng riêng, niềm hạnh phúc riêng về con
cái. Điều đó chứng tỏ tình yêu thương của người mẹ với con là không thể đong
đếm, kể xiết được. Và cũng không chỉ có Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Ngọc
Tư, hay Đỗ Hoàng Diệu, hầu hết các nhà văn nữ hiện đại đều ý thức được rất rõ

đặc tính nữ ấy của mình.

CHƢƠNG 3: NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG NHÂN VẬT
3.1. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình
20


Để nhân vật trở nên sinh động, hấp dẫn đối với người đọc thì ngoài hoạt
động, tính cách, thế giới nội tâm thì ngoại hình của nhân vật đóng vai trò khá
quan trọng, bởi “ngoại hình nhân vật được thể hiện sinh động sẽ góp phần bộc lộ
tính cách nhân vật, đặc biệt nó có tác dụng khá rõ trong việc cá biệt hóa nhân
vật” [14,134].
Trong xây dựng nhân vật, Đỗ Hoàng Diệu đặc biệt chú ý đến đôi mắt - một
phần thân thể mà đôi khi, chỉ cần nó thôi cũng đủ nói lên bản chất của một con
người. Đỗ Hoàng Diệu cũng thường quan tâm đến hình ảnh đôi bàn tay, xem nó
như là một biểu tượng nghệ thuật độc đáo.
Với Nguyễn Ngọc Tư, chị thường rất hay chú ý đến miêu tả dáng người. Khuôn
mặt là điểm nhận biết đầu tiên khi con người tiếp xúc với nhau, là nơi bộc lộ cảm xúc
dễ nhận biết nên nó là một phần để người ta đoán biết tâm lí của nhau. Do đó, rất
nhiều nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư cũng được nắm bắt tâm lí thông qua khuôn
mặt, và cùng với đó là đôi mắt- cửa sổ tâm hồn. Khá nhiều nhân vật của Nguyễn Thị
Thu Huệ cũng gây ấn tượng với độc giả bằng ngoại hình.
Một trong những điểm khác biệt cơ bản của nhân vật nữ trong văn xuôi đổi
mới và trong văn xuôi cách mạng là, khi nhìn nhận người phụ nữ ở những cái
thuộc về thiên tính, các nhà văn hôm nay quan tâm đến vẻ đẹp cơ thể của người
phụ nữ và những nhu cầu bản năng của họ chứ không chỉ là vẻ đẹp toát ra từ
những phẩm chất cao quý như lòng dũng cảm, sự hi sinh… Các nhà văn ngày
càng quan tâm hơn đến vẻ đẹp của làn da, của bộ ngực, đôi chân, những đường
cong cơ thể. Đó là vẻ đẹp tự nhiên mà tạo hoá ban tặng cho người phụ nữ, đánh
thức ở họ những khát khao nhục cảm rất người. Khi họ ý thức được vẻ đẹp ấy,

cũng có nghĩa là họ ý thức được giá trị của chính mình.
3.2. Nghệ thuật phân tích tâm lí
Trong nghệ thuật xây dựng nhân vật, đặc biệt là ở những tác phẩm văn học hiện
đại thì miêu tả tâm lí, cá tính đóng vai trò cực kì quan trọng, nhất là với những nhân
vật có cá tính, có đời sống nội tâm phong phú. Nhà văn chú ý đến các chi tiết thể hiện
con người bên trong của nhân vật, đó là các trạng thái cảm xúc, suy nghĩ, tâm trạng;
21


những phản ứng tâm lí của bản thân nhân vật trước cảnh ngộ, tình huống mà nhân
vật chứng kiến hoặc từng trải qua cuộc đời mình.
Quá trình tâm lí của nhân vật có thể được thể hiện trực tiếp thông qua ngôn
ngữ của người kể chuyện, nhưng để đạt được hiệu quả cao, mang tính thuyết
phục, nhà văn thường sử dụng biện pháp đối thoại nội tâm và độc thoại nội tâm
của nhân vật.
Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư không nhiều sự kiện, thay vào đó là những
dòng tâm trạng cứ chày tràn trên từng trang sách nặng trĩu những suy tư, những
trở trăn. Với tài năng, sự nhạy cảm vốn có và với tấm lòng chân thành, Nguyễn
Ngọc Tư đã “đột nhập”, khám phá thế giới nội tâm từng nhân vật bằng những
độc thoại và đối thoại nội tâm, qua đó người đọc cũng hiểu hơn, thông cảm và
trân trọng tất thảy những con người đó.
Trong văn học đương đại Việt Nam, các nhà văn - đặc biệt là các nhà văn trẻ
đã có ý thức vận dụng những yếu tố tích cực của phân tâm học như là một thủ pháp
nghệ thuật độc đáo để xây dựng tác phẩm. Nguyễn Thị Thu Huệ, Đỗ Hoàng Diệu,
và cả Nguyễn Ngọc Tư vận dụng một cách sáng tạo khi khai thác ở góc khuất nội
tâm đặc biệt của các nhân vật. Họ có ý thức vận dụng sáng tạo những yếu tố, nội
dung tích cực của Phân tâm học vào trong sáng tác của mình dưới nhiều khía
cạnh khác nhau nhằm chuyển tải ý đồ sáng tạo và tư tưởng của mình. Ở đó từ
góc nhìn tâm lí có pha chút yếu tố sex, các nhà văn cố gắng thể hiện chiều sâu
những ẩn ức, khát khao và những xung động tính dục để lí giải đời sống tâm lí

của con người hiện đại một cách có cơ sở nhất.
3.3. Nghệ thuật xây dựng tình huống
Nhà văn Nguyễn Minh Châu có lần đã viết: “Với truyện ngắn và với một tác giả
có kinh nghiệm viết, tôi nghĩ rằng đôi khi người ta nghĩ ra được một cái tình thế xảy
ra câu chuyện thật hay, thế là coi như xong một nửa” [30, 320]. Truyện của cả ba nữ
tác giả trên không nhiều tình huống có mâu thuẫn gay gắt như kịch, nhưng “nó là cái
cớ chắc chắn, hết sức cụ thể và mang tính riêng, ở đó cốt truyện và nhân vật nương
tựa vào để thực hiện tất cả ý định của tác giả” [30,321].
22


Đến với truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ, Đỗ Hoàng Diệu và Nguyễn
Ngọc Tư, ta chủ yếu bắt gặp những nhân vật không phân tuyến thiện ác nhưng lại
là nhân vật được đặt trong những va đập thường ngày của cuộc sống, của hoàn cảnh,
xây dựng nên những tình huống truyện rất đời thường. Những va đập - không phải
bao giờ cũng to tát, không phải bao giờ cũng là những biến cố, sự kiện trọng đại mà
đơn thuần chỉ là một sự việc, nho nhỏ thôi trong cuộc sống hằng ngày xảy ra được
chứng kiến nhưng lại buộc con người ta phải suy nghĩ, đắn đo, phải bộc lộ hoặc thay
đổi mình. Không có những mâu thuẫn lên đến mức đỉnh điểm như trong kịch, nhưng
nó vẫn buộc nhân vật phải suy nghĩ, dằn vặt.

KẾT LUẬN
Phụ nữ viết văn không phải chuyện đơn giản, bởi bên cạnh chuyện viết văn, họ
còn biết bao nhiêu chức phận khác. Làm con đối với mẹ, làm mẹ đối với con, chỉ
riêng hai điều đó cũng đủ để họ bù đầu cả ngày. Ấy thế mà, không những làm tốt các
chức phận của mình, các nhà văn nữ còn không ngừng sáng tạo, mang đến cho nền
văn học Việt Nam một diện mạo mới: “một gương mặt nữ ngày càng trắc ẩn và
khoan dung, ngày càng tinh tế mà đằm thắm” (Bùi Việt Thắng).
Ấn tượng bao trùm khi đọc những truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ là
những câu chuyện, theo đó là những nhân vật rất đời thường, gần gũi xung quanh

ta. Chị đặc biệt dành nhiều sự quan tâm đến những người phụ nữ - những người
không chỉ làm nên cuộc sống, mà còn bảo vệ, phát triển cuộc sống. Đó là những
người đàn bà từng trải, bao dung với con cháu, những người vợ, người mẹ lo
toan cho gia đình và phấn đấu cho sự nghiệp, những cô gái háo hức vào đời,
những người phụ nữ khát khao hạnh phúc, tìm kiếm tình yêu trong xã hội hiện
đại. Với Nguyễn Ngọc Tư là những con người nặng tình nặng nghĩa, suốt đời
chung thuỷ, là người nghệ sĩ với những vai diễn đầy nước mắt trong cuộc đời.
Với Đỗ Hoàng Diệu là sự phóng túng, hiện đại hơn trong ngòi bút, muốn đi đến
cùng trong cảm nhận và suy ngẫm về con người, về những vấn đề nhức nhối
trong xã hội, trong cuộc sống xung quanh, và đằng sau câu chuyện đậm tính dục
23


là hình ảnh những người phụ nữ có “tấm thân cong lên hình chữ S, một hình chữ
S cố phản kháng”, cùng với đó là thấm đẫm những dằn vặt, trăn trở, bất an về
thực trạng xã hội, về dân tộc và đất nước.
Tưởng chừng như ba nữ nhà văn ấy khác xa nhau về nhiều mặt: về quan
niệm sống, quan niệm viết, về cả thời đại nữa…, ấy thế mà ở họ ta vẫn nhận ra
sự giống nhau đến kì lạ. Họ đã tự "cởi trói", tự chứng tỏ rằng trong sáng tác
không nên phân biệt nam hay nữ. Truyện ngắn của họ thấm đẫm hơi thở thời đại,
dũng cảm phơi bày những cảm nhận riêng tư về cuộc sống và thời đại, phơi bày
những khát khao của những người trẻ tuổi nhưng cô độc, muốn được sống là chính
mình. Những người phụ nữ trong sáng tác của họ khát khao yêu và được yêu, khát
khao được sống tự do, được trồi lên khỏi những phủ lấp, đè nén của lề thói xã hội, họ
cũng khát khao được giải phóng ra khỏi những khuôn thước ràng buộc, sáo rỗng để
được sống thực là mình. Trong truyện ngắn của mình, cả ba tác giả đều không ít lần
đề cập đến cái thiên chức làm mẹ của người phụ nữ. Đó cũng là những nét nổi bật
trong những tác phẩm thấm đẫm màu sắc nữ quyền của cả ba tác giả.
Trong nghệ thuật xây dựng nhân vật, miêu tả tâm lí, xây dựng tình huống và
khắc hoạ ngoại hình là những điểm đáng chú ý của cả ba tác giả. Bằng các biện

pháp nghệ thuật ấy, các tác giả có điều kiện đi sâu vào thế giới nội tâm của con
người, tâm sự với bạn đọc về thân phận con người, về nhân tình thế thái và về
những ẩn ức của chính giới mình.
Dù dư luận có khen chê thế nào, với việc thay đổi cách viết, sự tìm tòi sáng
tạo của một nhà văn, đặc biệt ở những nhà văn nữ như Nguyễn Thị Thu Huệ,
Nguyễn Ngọc Tư và Đỗ Hoàng Diệu thì họ rất đáng được khích lệ và ghi nhận.
Họ cũng rất xứng đáng là những tấm gương cho các nhà văn trẻ của thế hệ 8X,
9X noi theo.

24



×