Tải bản đầy đủ (.doc) (63 trang)

ĐẶC điểm điều KIỆN tự NHIÊN, dân số, LAO ĐỘNG và TRUYỀN THỐNG QUẢNG NAM

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (372.56 KB, 63 trang )

Bài 1
ĐẶC ĐIỂM ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, DÂN SỐ, LAO ĐỘNG VÀ TRUYỀN
THỐNG QUẢNG NAM
I.Đặc điểm điều kiện tự nhiên, dân số, lao động
1.Điều kiện tự nhiên
a.Vị trí địa lý
Quảng Nam là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, nằm ở trung độ cả nước,
có tọa độ địa lý từ 14 057’10’’ đến 16o03’50” vĩ độ bắc, từ 107o12’40” đến 108o44’20” kinh
độ đông. Phía bắc giáp tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng, phía nam giáp tỉnh Quảng
Ngãi, phía tây giáp tỉnh Xê Kông (Lào) và tỉnh Kon Tum, phía đông giáp Biển Đông.
Tỉnh Quảng Nam có 02 thành phố và 16 huyện, với 244 đơn vị hành chính cấp xã
(210 xã, 20 phường và 14 thị trấn). 02 thành phố, gồm Tam Kỳ và Hội An; 07 huyện
trung du, đồng bằng, gồm Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Núi
Thành và Phú Ninh; 09 huyện miền núi, gồm Hiệp Đức, Tiên Phước, Phước Sơn, Nam
Giang, Đông Giang, Tây Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My và Nông Sơn.
Tổng diện tích tự nhiên tỉnh Quảng Nam là 1.040.837,6 ha, chiếm 3,16% tổng
diện tích tự nhiên cả nước; trong đó diện tích vùng núi là 8.743,57 km 2, chiếm 84,01%
diện tích tự nhiên toàn tỉnh; diện tích vùng trung du là 294,08 km 2, chiếm 2,83% diện
tích tự nhiên toàn tỉnh; diện tích vùng đồng bằng là 1.369,82 km 2, chiếm 13,16% diện
tích tự nhiên toàn tỉnh. Ðiểm cao nhất là núi Ngọc Linh cao 2.598 m, điểm thấp nhất là 0
m; độ cao trung bình là 50 m so với mặt nước biển.
Tỉnh Quảng Nam có 425.921 ha rừng, tỷ lệ che phủ đạt trên 42%; trữ lượng gỗ đạt
khoảng 30 triệu m3. Diện tích rừng tự nhiên là 388.803 ha, rừng trồng là 37.118 ha. Rừng
giàu ở Quảng Nam hiện có khoảng 10 nghìn ha, phân bố ở các đỉnh núi cao, diện tích
rừng còn lại chủ yếu là rừng nghèo, rừng trung bình và rừng tái sinh, có trữ lượng gỗ
khoảng 69 m3/ha.
- Bờ biển Quảng Nam chạy dài từ Điện Ngọc (giáp Đà Nẵng) đến vịnh Dung Quất
(Quảng Ngãi) dài trên 125km, có 3 cửa biển thông ra bên ngoài (cửa Đại, cửa Lở, cửa
An Hòa) và vùng đặc quyền kinh tế rộng lớn hơn 40.000 km 2, hình thành nhiều ngư
trường với nguồn lợi hải sản ước khoảng 90 ngàn tấn, khả năng cho phép khai thác hàng
năm từ 42-45 ngàn tấn, với 30% sản lượng có thể đưa vào chế biến xuất khẩu. Lực lượng


lao động ngành khai thác thủy sản dồi dào với hơn 25.000 người.
Quảng Nam nằm trong vùng trọng điểm kinh tế Miền Trung, (phía bắc giáp thành
phố Đà Nẵng, phía nam giáp khu kinh tế Dung Quất, có sân bay (Chu Lai), cảng biển (Kỳ
Hà), đường Xuyên Á nên rất thuận lợi cho việc giao lưu phát triển kinh tế - xã hội và có
tầm quan trọng trong quốc phòng, an ninh. Quảng Nam có 2 di sản văn hóa thế giới (phố
cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn), khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, khu bao
tồn thiên nhiên Sông Thanh và trên 260 di tích văn hóa, lịch sử, trong đó có gần 20 di tích
1


xếp hạng cấp quốc gia. Đặc biệt, bờ biển kéo dài với nhiều bãi tắm đẹp lý tưởng như Hà
My (huyện Điện Bàn), Cửa Đại (thành phố Hội An), Bình Minh (huyện Thăng Bình), Tam
Thanh (thành phố Tam Kỳ), Kỳ Hà, Bãi Rạng (huyện Núi Thành)... Hầu hết các bãi tắm ở
Quảng Nam đều có bãi cát trắng, mực nước nông, có độ mặn vừa phải và quanh năm
trong xanh.
b.Địa hình, địa chất
Quảng Nam có dải đồng bằng hẹp với độ cao trung bình
từ 8 đến 10m, những nơi thấp nhất khoảng 2m so với mặt biển.
Nhìn toàn bộ địa hình, ta thấy độ nghiêng theo hướng tây –
đông.
Địa hình Quảng Nam đa dạng, có đủ các vùng thượng du trùng điệp núi non,
trung du với đồi gò và thung lũng nối tiếp, xen kẽ nhau, đồng bằng và vùng cồn bãi cát
ven biển.
Ở phía tây, rừng núi và đồi gò tập trung ở các huyện miền núi của tỉnh: Đông
Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước và
Hiệp Đức.
Địa hình phức tạp, mức độ chia cắt mạnh, có hình dạng lượn
sóng. Độ cao trung bình từ 700 m - 800 m, độ dốc lớn 25 - 300, có nơi
trên 450, hướng thấp dần từ tây sang đông. Vùng đồi gò Quảng Nam
nằm chuyển tiếp giữa vùng núi phía tây và vùng đồng bằng ven biển, độ

cao trung bình từ 100-200 m, độ dốc trung bình 15 - 20 0, địa hình đặc
trưng có dạng bát úp và lượn sóng, mức độ chia cắt trung bình.
Vùng trung du với độ cao trung bình 100 m, địa hình đồi bát úp xen kẽ các dải
đồng bằng, thuộc phía tây của các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Đại Lộc, Quế Sơn...
Hầu hết diện tích này được khai phá khá sớm, biến thành
những vườn trồng cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả nối
tiếp từ sườn đồi này sang sườn đồi khác, còn ruộng lúa trải dọc theo
các thung lũng.
Vùng đồng bằng Quảng Nam có địa hình tương đối bằng phẳng, nhiều nơi xen lẫn
các vùng gò đồi thấp.
Thổ nhưỡng chủ yếu ở đây là đất phù sa được bồi hàng năm và
tương đối phì nhiêu ở miền Trung, trong đó một diện tích đáng kể đã
được khai thác sớm từ thời Chămpa, trước khi có người Việt đến định
cư. Theo Lê Bá Thảo, "đồng bằng Quảng Nam – Đà Nẵng là một
vụng biển cũ (trong thực tế là một đới địa máng cũ) cắm sâu vào giữa
hai khối núi Hải Vân và Ngọc Linh như một cái nêm lớn. Sau khi
nước biến rút, do vận động nâng lên của Trường Sơn Nam, sông Thu
Bồn và các nhánh của nó đã bồi nên một vùng đất rộng 540 km 2, diện
tích này bao gồm cả vùng cửa sông Hội An, nằm dịch về phía biển.
Đồng bằng này thu hẹp lại ở huyện Thăng Bình rồi mở rộng ra – tuy
2


vẫn giữ dạng một dải đất phù sa chạy dọc sông Tam Kỳ - ở đồng
bằng cũng mang tên ấy rộng 510 km2"1.
Đồng bằng Quảng Nam là vùng tập trung sớm nhất và đông
nhất qua nhiều thế kỷ. Nhưng do phương thức canh tác lạc hậu lại trải
qua nhiều thập niên chiến tranh tàn phá, nên nhiều nơi trở thành đất
bạc màu, năng suất cây trồng thấp. Từ sau ngày giải phóng (3-1975),
công tác thủy lợi và thâm canh, cải tạo đất được chú ý, do đó hiệu

quả năng suất cây trồng và hoa lợi đem lại tương đối cao.
Dọc theo duyên hải là những cồn cát, bãi cát trắng, phía bên trong những dải cồn
rộng lớn này bao giờ cũng có những đầm hồ dài và hẹp, nguyên là di tích những vụng
biển cũ.
Rìa phía sau những dải cồn cát từ cửa Đại đi về phía nam,
những đầm hồ được cải tạo và nối lại thành con đường giao thông
thủy nội địa. Mặc dù là dải đất nằm một bên là sông, một bên là biển,
mà chủ yếu là đất cát, nhưng nhờ những bàu, hồ và sông, nên người
dân đến định cư, tạo dựng nên những làng mạc đông đúc, đặc biệt là
những làng chài lưới, đánh cá vừa ở sông, vửa ở biển và nuôi trồng
thủy hải sản.
Theo thống kê năm 2010, tỉnh Quảng Nam có diện tích đất nông nghiệp là
111.187,8 ha (chiếm 10,65% diện tích đất tự nhiên), bao gồm: đất trồng cây hàng năm
86.590,2 ha, đất trồng cây lâu năm 24.597,5 ha, đất nuôi trồng thủy sản 7.000 ha; đất
lâm nghiệp 537.618,6 ha (chiếm 51,5% diện tích tự nhiên), đất đồi núi chưa sử dụng gần
286.000 ha, đất bằng chưa sử dụng hơn 20.000 ha.
Đây là tiềm năng quan trọng để phát triển kinh tế vùng gắn với
quản lý và khai thác lợi thế về đất đai là giải pháp căn bản đối với
một tỉnh nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao.
Các quá trình địa chất nội sinh và ngoại sinh đã mang lại cho tỉnh Quảng Nam
nguồn tài nguyên khá đa dạng và phong phú, đã phát hiện 186 mỏ và điểm khoáng của
gần 45 loại khoáng sản. Trong đó, khoáng sản tiềm năng và giá trị đáng kể là than đá,
vàng, uran, fenspat, kaolin, cát thủy tinh, titan, khoáng sản làm vật liệu xây dựng, nước
khoáng – nước nóng... nhưng trữ lượng của từng loại khoáng sản không lớn, nên việc
khai thác không đem lại hiệu quả kinh tế cao.
c. Khí hậu, thủy văn
Quảng Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, chia làm 2 mùa rõ rệt,
mùa khô từ tháng 1 đến tháng 8, mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12. Nhiệt độ trung bình
hàng năm 25,7oC, nhiệt độ cao nhất 39,5oC, nhiệt độ thấp nhất là 10oC. Lượng mưa trung
bình hàng năm 2.850 mm, mưa tập trung vào các tháng 9 - 12, chiếm 80% lượng mưa cả

năm. Độ ẩm không khí trung bình 86%, cao nhất là 92% (tháng 11 và tháng 12), thấp
1

Lê Bá Thảo, Thiên nhiên Việt Nam, Nxb. Khoa học kỹ thuật, Hà Nội, 1990, tr.227.

3


nhất là 68% (từ tháng 4 đến tháng 7). Lượng bốc hơi hàng năm từ 600 mm đến 1.000
mm, cao nhất vào các tháng 5, 6, 7.
Hướng gió thịnh hành, về mùa đông theo hướng tây bắc, đông
bắc và bắc; về mùa hè theo hướng tây nam (gió Lào). Bão thường
xuất hiện vào tháng 9-12, tốc độ gió có khi đạt trên 30m/s. Ở Quảng
Nam, số liệu quan trắc được trong vòng 40 năm gần đây, có 76 cơn
bão hoạt động và đi qua địa bàn tỉnh, trung bình có 2 cơn/năm. Mùa
mưa trùng với mùa bão, nên các cơn bão đổ vào miền Trung thường
gây ra lở đất, lũ quét ở các huyện trung du miền núi và gây ngập lụt ở
các vùng ven sông. Lũ lụt thường xuất hiện vào tháng 9, 10, 11 và
thường kèm theo các đợt gió mùa đông bắc.
Sông suối Quảng Nam phát nguyên từ vùng rừng núi phía tây, chảy qua vùng đồi
trung du và đồng bằng rồi đổ ra biển Đông.
Do núi gần biển, nên hầu hết các dòng sông đều ngắn, có độ
dốc lớn, có nhiều thác ghềnh, lòng sông tương đối hẹp và thường
quanh co uốn khúc. Lưu vực các sông tương đối rộng, có dạng hình
nan quạt; các sông nhánh có dạng hình cành cây, nên khả năng tập
trung dòng chảy lớn, với độ dốc cao, thường gây nên lũ lụt nhanh và
mạnh. Nước sông chỉ đục vào mùa mưa lũ, sau đó thì trở lại trong,
nhất là vào mùa khô; điều này chứng tỏ nghèo phù sa.
Hệ thống sông ngòi khá dày, tạo nên một mạng lưới giao thông thủy nội địa cả hai
chiều đông – tây và cả bắc – nam.

Tỉnh Quảng Nam là tỉnh duy nhất ở miền Trung có thể đi
thuyền từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh bằng đường thủy nội địa qua sông
Hàn, sông Vĩnh Điện, sông Thu Bồn, sông Trường Giang đến vũng
An Hòa, ngược lên thị trấn An Tân, hoặc ra cửa Kỳ Hà đến Dung
Quất (Quảng Ngãi).
Sông suối cũng đã được người dân khai thác, biến thành nguồn lợi có hiệu quả cao
trong sản xuất nông nghiệp. Sông ngòi Quảng Nam có tổng chiều dài trên 900 km, bao
gồm 3 hệ thống sông chính là Thu Bồn - Vu Gia, Tam Kỳ và Trường Giang với hàng
chục nhánh sông khác nhau.
-Hệ thống sông Thu Bồn – Vu Gia gồm 78 sông có chiều dài từ
10 km trở lên, là con sông lớn của tỉnh, đổ ra cửa Đại và cửa Hàn (Đà
Nẵng). Tổng chiều dài của sông từ nguồn ra đến cửa biển khoảng 200
km, diện tích lưu vực 8.850 km2, lưu lượng bình quân 232 m3/s.
-Hệ thống sông Tam Kỳ bắt nguồn từ các dãy núi phía tây đổ ra cửa
Lỡ và cửa An Hòa (cửa Đại Áp cũ). Diện tích lưu vực 1.040 km 2, lưu lượng
đỉnh lũ của dòng chính là 4.000 - 5.000 m3/s.
-Hệ thống sông Trường Giang là sông không có đầu nguồn,
chảy song song theo bờ biển nối của Đại ở phía bắc và cửa An Hòa ở
4


phía nam, được ngăn cách với biển bởi dải cồn cát rộng lớn, tạo nên
con đường giao thông thủy nội địa cho ghe thuyền đi lại.
Trong hệ thống các con sông xứ Quảng thì dòng sông Thu Bồn được coi là động
mạch chủ, nối liền hai miền xuôi ngược tây – đông và đoạn Trường Giang ở gần cuối
dòng là gạch nối kết liền cả hai chiều vận chuyển bắc – nam, tạo nên một bản đồ giao
thông thủy nội địa rất thuận lợi trong giao lưu kinh tế và văn hóa giữa các vùng trong
tỉnh.
Ngoài hệ thống sông Thu Bồn, các con sông trong tỉnh đều
ngắn, vì núi gần biển, dải đất đồng bằng hẹp, địa hình dốc. Về mùa

mưa, nước từ phía đông dãy Trường Sơn đổ dồn về với cường độ cao,
do đó thường gây ngập lụt lớn, làm thiệt hại mùa màng, đường sá,
các công trình xây dựng khác. Lũ lên nhanh nhưng rút cũng nhanh,
do độ dốc và gần các cửa biển. Lũ lụt xảy ra còn do tổng lượng mưa
trong tỉnh lớn (từ 2.000 đến 4.000mm), nhưng lại tập trung trong một
thời gian ngắn, từ tháng 9 đến tháng 12. Đặc biệt, hầu hết các sông
đều chạy qua các vùng đá mẹ giàu thạch anh (granit, sa thạch, cuội
kết…) nên phù sa của các sông Quảng Nam thường hạt thô, nghèo
dinh dưỡng.
Về hệ thống các hồ chứa, toàn tỉnh có khoảng 80 hồ chứa nước lớn nhỏ khác nhau
với tổng lượng nước trữ khoảng 500 triệu m 3. Các hồ lớn như Phú Ninh, Khe Tân, Việt
An, Vĩnh Trinh và Thái Xuân; hệ thống các hồ nhỏ như Cao Ngạn, Phước Hà, Đông Tiễn
(Thăng Bình), Bàu Vàng (Núi Thành), Hố Giang, Suối Tiên (Quế Sơn)... phục vụ tưới
cho hơn 70.000 ha gieo trồng hàng năm. Ngoài việc cung cấp nước cho sản xuất nông
nghiệp, sinh hoạt còn có tác dụng điều tiết chế độ thủy văn và cân bằng hệ sinh thái của
vùng.
2.Dân số, lao động
a.Dân số
-Từ ngày sau giải phóng 30-4-1975 đến năm 1996
Sau ngày giải phóng, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng đã gấp rút
tổ chức đưa số dân ngoại tỉnh trở về quê quán cũ đồng thời cũng tổ
chức đưa số dân tập trung ở các khu dồn tại các đô thị, nhất là
thành phố Đà Nẵng về làng cũ, giúp đỡ họ tranh thủ sản xuất nhằm
giải quyết cái ăn trước mắt, nhanh chóng ổn định đời sống. Chính
nhờ thực hiện chính sách này một cách khẩn trương và tích cực,
nên quy mô dân số của Quảng Nam – Đà Nẵng đã giảm đột biến từ
2,1 triệu người khi vừa giải phóng xuống còn 1,32 triệu người vào
cuối năm 1975. Mức gia tăng dân số bình quân của Quảng Nam –
Đà Nẵng trong 20 năm (1976-1996) là 1,19%.
Ở Quảng Nam – Đà Nẵng, năm 1995, dân cư tập trung sinh

sống chủ yếu ở khu vực đô thị và đồng bằng ven biển. Khu vực
5


thành thị chỉ chiếm 4,48% diện tích tự nhiên, nhưng chiếm 34,41%
dân số. Vùng đồng bằng chiếm 40,61% diện tích tự nhiên, nhưng
chỉ có 11,1% dân số. Trong kế hoạch điều chỉnh và phân bố dân
cư, chính quyền tỉnh cũng đã cố gắng đề xuất một số giải pháp,
nhưng xem ra kết quả cải thiện tình hình không đáng kể.
Năm 1976, các dân tộc miền núi chiếm 2,7% dân số, thì đến
năm 1996 tăng lên 4,48%. Tốc độ phát triển bình quân hàng năm về
dân số toàn tỉnh là 1,18%, trong khi đó dân tộc Cơ tu là 4,6%, Xơ
đăng là 4,21%... Đó là kết quả của việc thực hiện các chính sách của
Nhà nước, quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đối với
các dân tộc ít người, đặc biệt là sự chăm sóc về y tế đã giảm tỷ lệ tử
vong khá lớn nhất là đối với trẻ em.
-Từ sau ngày chia tách tỉnh năm 1-1-1997 đến nay
Theo kết quả Tổng điều tra dân số 01-4-2009, tỉnh Quảng Nam có diện tích tự
nhiên là 10.438,3km2, dân số là 1.421.117 người, tăng thêm 45.816 người so với ngày
01-4-1999. So với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, thì Quảng Nam đứng hàng thứ 7
về diện tích, hàng thứ 19 về số dân.
Về kết cấu dân số theo độ tuổi, Quảng Nam là tỉnh có dân số trẻ. Kết quả Tổng
điều tra 2009 cho thấy số người trong độ tuổi lao động chiếm 62,1% so với dân số; cơ
cấu dân số theo nhóm tuổi: nhóm dân số trẻ (0 – 14 tuổi) có xu hướng giảm từ 34,4%
năm 1999 còn 25,7% năm 2009, trong khi đó nhóm dân số già có xu hướng tăng từ
7,4% năm 1999 lên 8,9% năm 2009.
Về kết cấu dân số theo giới tính, dân số nữ có 727.138 người, chiếm 51,22%
dân số cả tỉnh. Dân số thành thị có 264.256 người, chiếm 18,62%; nông thôn có
1.155.247 người, chiếm 81,38%.
Về kết cấu dân số theo dân tộc, người Kinh chiếm 91,78%, các dân tộc chiếm

8,22% (116.590 người; trong đó Cơ tu: 46.709 người, Xơ đăng: 38.271 người, GiẻTriêng: 19.622 người, Cor: 5.241 người).
Mật độ dân số của tỉnh năm 1997 là 130 người/km 2, năm 2009 là 136
người/km2; đứng hàng thứ 45 trong cả nước. Dân cư tỉnh phân bố không đều, có sự
chênh lệch khá lớn giữa các vùng: giữa miền núi và đồng bằng ven biển, giữa các
huyện và thành thị với nông thôn; theo mô hình thưa dần từ đông sang tây, phụ thuộc
lớn vào địa hình. Mật độ dân số ở miền núi chỉ khoảng 15-20 người/km 2, trong khi đó
ở đồng bằng ven biển là 250 người/km2. Mật độ dân số thưa thớt nhất ở miền núi là
huyện Nam Giang với 12,5 người/km2.
Qua 3 kỳ điều tra, dân số tăng bình quân năm giảm dần, từ
1,96% (1979-1989) còn 1,26% (1989-1999) và 0,33% (19992009); trong khi đó tỷ lệ tăng dân số bình quân hằng năm ở khu
vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là 0,41%/năm, bình
quân cả nước là 1,2%. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tỷ lệ tăng dân
6


số bình quân của Quảng Nam thấp hơn cả nước là do một bộ phận
lực lượng trẻ đã rời bỏ ruộng đồng ở quê vào thành phố Hồ Chí
Minh và các nơi khác để làm ăn. Đây là vấn đề xã hội rất đáng
quan tâm. Ruộng đất ở quê ít, lại bị thu hẹp dần, sản xuất nông
nghiệp bị hạn chế, việc thu hồi đất nông nghiệp ở các vùng dự án
nên số đông người trẻ ly hương vì mưu sinh.
Theo thống kê, mỗi năm dân số Quảng Nam di cư sang các tỉnh khác khoảng
8.000 người, trong khi đó số nhập cư chỉ khoảng 2.000-2.500 người. Hiện tượng “xuất
nhiều nhập ít” còn tập trung ở số học sinh, sinh viên nhập học ở các trường ngoại tỉnh,
khoảng 4.000 người mỗi năm. Trong khi lượng sinh viên ra trường về lại tỉnh làm việc
chỉ nằm ở con số 1.500 người.
Tỷ suất sinh thô đã giảm từ 21,06‰ (năm 1999) xuống
17,15‰ (năm 2005) và 16,35‰ (năm 2009), bình quân giảm
0,47‰/năm. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm dần qua các năm, từ
22,5% (năm 2001) xuống còn 17,84% (năm 2010).

Chỉ số già hóa: thể hiện sự thay đổi cấu trúc dân số từ trẻ
sang già (được tính bằng tỷ lệ dân số già trên dân số trẻ). Theo kết
quả điều tra năm 2009, chỉ số này của tỉnh có sự biến đổi lớn, từ
21,70% năm 1999 lên 34,72% vào năm 2009 (tăng 13,02%); khu
vực thành thị là 32,51%, tăng 11,32% và khu vực nông thôn là
35,17% tăng 13,39% so với năm 1999. Điều này cho thấy dân số
tỉnh có xu hướng già hóa, phản ánh việc thực hiện tốt sinh để có kế
hoạch và nâng cao chất lượng dân số của tỉnh trong những năm
qua.
Bảng: DIỆN TÍCH, DÂN SỐ, MẬT ĐỘ DÂN SỐ THEO ĐƠN VỊ HÀNH
CHÍNH NĂM 2009
Quận, huyện
Diện tích (km2)
Dân số (người)
Mật độ
(người/km2)
Tổng số
10.438,37
1.421.179
136
Thành phố Tam Kỳ
92,81
107.758
1.161
Thành phố Hội An
61,71
90.150
1.461
Huyện Bắc Trà My
825,44

37.996
46
Huyện Nam Trà My
825,46
25.466
46
Huyện Duy Xuyên
299,09
120.818
404
Huyện Đại Lộc
587,09
145.810
248
Huyện Đông Giang
812,63
23.405
29
Huyện Tây Giang
902,97
16.561
18
Huyện Điện Bàn
214,71
197.797
921
Huyện Hiệp Đức
494,19
37.731
76

7


Huyện Nam Giang
1.842,89
22.486
12
Huyện Nông Sơn
457,92
31.377
69
Huyện Phú Ninh
251,52
76.834
305
Huyện Núi Thành
533,96
137.232
257
Huyện Phước Sơn
1.144,80
22.543
20
Huyện Quế Sơn
251,17
82.008
327
Huyện Tiên Phước
454,41
68.817

151
Huyện Thăng Bình
385,60
176.390
457
(Nguồn: Niên giám thống kê Quảng Nam năm 2009)
b.Lao động
Lực lượng lao động: số người thuộc lực lượng lao động (15-64 tuổi) có 918.484
người, chiếm 64,70% tổng dân số, tăng 120.533 người so với năm 1999 (797.951
người); tốc độ tăng này khá nhanh (gần gấp 4,7 lần so với tốc độ tăng dân số). Ở khu
vực thành thị có 177.980 người tăng 51.271 người; khu vực nông thôn có 740.597
người tăng 59.256 người so với năm 1999.
Tỷ lệ phụ thuộc: biểu thị ở người trẻ em (dưới 14 tuổi) và số
người già (60 tuổi trở lên) mà một người lao động (tuổi 15-60)
phải nuôi dưỡng; được tính bằng số trẻ em và người già chia cho
số người trong độ tuổi 15-59. Khi tỷ lệ này đạt 0,5 người được
xem là dân số vàng.
Sự gia tăng về người lao động của tỉnh trong 10 năm (19992009) đã làm cho tỷ lệ phụ thuộc của tỉnh chỉ còn 59,92%, giảm
20,85% so với năm 1999 (80,76%), bình quân mỗi năm giảm
2%/năm. Như vậy, dân số của tỉnh đang tiếp cận và dự kiến sẽ đạt
được dân số vàng vào giữa những năm thập niên 2010.
Đáng chú ý là tỷ lệ phụ thuộc trẻ giảm rất nhanh từ 62,65%
năm 1999 xuống còn 41,76% năm 2009 (giảm 20,49%), trong khi
tỷ lệ phụ thuộc gia chỉ tăng 0,36%. Sự chênh lệch này sẽ tạo ra
nguồn lao động rất lớn cho tỉnh trong những năm qua.
Lực lượng lao động của Quảng Nam trong nền kinh tế nông nghiệp truyền
thống có hơn 90% dân số là lao động nông nghiệp. Từ khi tái lập tỉnh đến nay, cùng
với việc đẩy mạnh công nghiệp hoá hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, lao động
Quảng Nam từng bước được đào tạo. Trong 10 năm (1997-2007), Quảng Nam đã đào
tạo hơn 1 vạn lao động có trình độ trung cấp và trên 3.000 lao động có trình độ cao

đẳng. Năm 2010, tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 30%; riêng khu vực công nghiệp
và dịch vụ đạt 40%.
Tổng số lao động năm 2007 có 206.057 người tăng 56,42% so với năm 2002,
bình quân tăng 9,36% năm. Khu vực sản xuất kinh doanh có 160.538 lao động, tăng
72,10% và bình quân tăng 11,47%/năm. Khu vực hành chính sự nghiệp có 45.519 lao
8


động, tăng 18,39% và bình quân tăng 3,43%/năm. Cơ cấu lao động: khu vực sản xuất
kinh doanh chiếm 77,91%, khu vực hành chính sự nghiệp chiếm 22,09%; phát triển
theo hướng tăng nhanh tỷ trọng lao động khu vực kinh tế, giảm tỷ trọng lao động hành
chính sự nghiệp (năm 2002, số liệu tương ứng là 70,81% và 29,19%).
Trong những năm qua, cùng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công
nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, thì lao động có tay nghề, được đào tạo cũng dần phát
triển theo hướng lao động nông nghiệp nông thôn giảm dần và lao động công nghiệp
dịch vụ tăng dần. Tuy nhiên năm 2010, tỉ lệ lao động nông – lâm nghiệp – thủy sản vẫn
còn chiếm khá cao 59,24%, lao động công nghiệp và xây dựng là 19,32%, dịch vụ là
21,44%; năm 2012, số liệu tương ứng là 56,03%, 20,73% và 23,24%. Cùng với chuyển
dịch cơ cấu kinh tế thì tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị vẫn còn cao: năm 2010 là
4,79%, năm 2011 là 4,05%, năm 2012 là 3,58%. Số lao động được đào tạo nghề nhưng
chưa có việc làm hoặc việc làm không phù hợp vẫn còn chiếm tỷ lệ lớn.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XX đã đề ra nhóm chỉ tiêu
về văn hóa – xã hội, trong đó giải quyết việc làm trong 5 năm (2010-2015) trên 200.000
lao động; phấn đấu đến năm 2015, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 45%, tỷ
trọng lao động nông nghiệp còn dưới 42% - 43%, tỷ trọng lao động công nghiệp và dịch
vụ đạt trên 58%.
II.Lịch sử và truyền thống Quảng Nam
1.Lịch sử Quảng Nam
a.Từ thời tiền sử đến trước khi danh xưng Quảng Nam ra đời năm 1471
Về phương diện địa lý – địa chất, mảnh đất Quảng Nam có

lịch sử tạo thành từ lâu đời, từ thời Tiền Cambri cho đến kỷ Đệ tứ
và chúng hình thành nên 5 vùng cảnh quan chính là vùng núi, vùng
trung du, vùng đồng bằng, vùng bờ biển và vùng biển – hải đảo.
Qua các phát hiện khảo cổ học, nhất là tại di tích Bàu Dũ (xã
Tam Xuân 1, huyện Núi Thành) thuộc thời đại đá mới cho phép
nhận định con người có mặt ở đây ít ra đã 6000 nghìn năm trước.
Người cổ Bàu Dũ sống chủ yếu bằng hái lượm, săn bắt và cư trú
ngoài trời. Bàu Dũ là một phát hiện khảo cổ học quan trọng không
chỉ đối với Quảng Nam mà đối với cả khu vực Nam Trung Bộ.
Kế tiếp Bàu Dũ, tại các di chỉ khảo cổ học mộ chum tìm
được ở Núi Thành, Đại Lộc... cho thấy sự phát triển liên tục qua
các giai đoạn sơ, trung và hậu kỳ đồng thau của một nhóm cư dân
nông nghiệp, biết sử dụng các công cụ sản xuất bằng kim loại và
đã tiến đến sơ kỳ đồ sắt: đó là giai đoạn chuyển tiếp từ "tiền Sa
Huỳnh" sang "Sa Huỳnh" của cư dân ở ven biển miền Trung.
Từ những hiện vật đã khai quật được trong các di tích Sa
Huỳnh ở Quảng Nam, có thể thấy vào giai đoạn sơ kỳ thời đại sắt,
xã hội Sa Huỳnh đã có sự phân hoá giàu nghèo. Tầng lớp thống trị
9


chi phối các hoạt động của cộng đồng đã xuất hiện. Những tài liệu
khảo cổ học tìm thấy ở đây cũng đã góp phần chứng minh được sự
phát triển tuần tự từ văn hoá Sa Huỳnh lên văn hoá Champa, ghi
nhận từ Sa Huỳnh đến Champa là sự liên tục, tiếp nối văn hoá.
Người Sa Huỳnh đã bản địa hoá những giá trị văn hoá Ấn Độ để
trở thành văn hoá Chămpa nổi tiếng về sau.
Đến đầu Công nguyên, vào thế kỷ II, đất Quảng Nam đã thuộc về tiểu quốc
Lâm Ấp do Khu Liên thành lập và đến giữa thế kỷ IV vùng đất này được hợp nhất với
tiểu quốc Nam Chăm để hình thành nên Vương quốc Chămpa.

Kinh đô đầu tiên của Vương quốc Chămpa được xây dựng
trên đất Trà Kiệu (huyện Duy Xuyên), đó là kinh đô Sinhapura
(Kinh thành Sư tử). Nhiều cứ liệu cho thấy sự phồn vinh của kinh
đô này mà tiếng tăm của nó đã có thời lừng lẫy trong vùng Mã
Lai và vùng Đông Nam Á. Đến thế kỷ IX, một kinh đô khác của
Vương quốc Chămpa cũng được xây dựng trên đất Quảng Nam
là kinh đô Indrapura (kinh thành mang tên thần Indra, thần đứng
đầu các thần), được đặt tại làng Đồng Dương (huyện Thăng
Bình). Đây là di tích Phật giáo Đại thừa lớn nhất của Vương quốc
Chămpa và cũng là một di tích Phật giáo quan trọng ở Đông Nam
Á. Ngoài ra, từ thế kỷ IV đến thế kỷ thứ XIII, giai cấp thống trị
Chămpa còn cho xây dựng một khu thánh địa Bàlamôn giáo lớn
tại Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên), nằm về phía tây của Kinh đô Trà
Kiệu, với trên 70 công trình kiến trúc đền tháp. Mỗi năm vua
Chăm, sau khi lên ngôi đều đến đây làm lễ cúng thần linh hoặc
xây dựng thêm nhiều đền đài hiến dâng lên thần Srisana
Bhadresvara – đấng tối cao bảo hộ vương quyền.
Năm 1306, quốc vương của Chămpa là Chế Mân đem dâng cho nhà Trần hai
châu Ô – Lý, gồm đất từ nam Quảng Trị đến bắc Quảng Nam làm sính lễ, xin cưới
công chúa Huyền Trân, con gái vua Trần Nhân Tông. Năm sau (1307), vua Trần Anh
Tông sai Hành khiển Đoàn Nhữ Hài đến vùng đất mới tuyên bố ý đức của triều đình,
đổi hai châu ấy thành châu Thuận và châu Hoá.
Sự gia nhập vào bản đồ Đại Việt của vùng đất Amaravati của
Chămpa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với riêng
Quảng Nam mà đối với cả lịch sử dân tộc. Rẻo đất không lớn đó
có đến hai cửa biển quan trọng là Đại Chiêm và Đà Nẵng - mà
như lịch sử còn ghi rõ, tất cả các cuộc tiến công của Chămpa
đánh ra Đại Việt đều đi đường biển, xuất phát từ những cửa biển
lớn này. Chiếm hai cửa biển quan trọng này là đẩy xa hẳn mối uy
hiếp quấy nhiễu của Chămpa. Hơn nữa, tràn qua được phía nam

đèo Hải Vân, thiết lập ở đó một bàn đạp, một căn cứ xuất phát tiến
10


công, là điều kiện số một để Đại Việt tiến tới chiếm hết cả vùng
đất Quảng Nam, vùng đất quan trọng và quyết định nhất trên
đường mở nước của Đại Việt.
Bước sang nửa sau thế kỷ XIV, quan hệ Chămpa – Đại Việt trở nên căng thẳng,
nhất là từ sau ngày Chế Bồng Nga lên ngôi (năm 1360). Vị vua này liên tiếp đem quân
tấn công Đại Việt, nhiều lần kéo quân ra cướp phá kinh thành Thăng Long. Năm 1390,
Chế Bồng Nga tử trận, quan hệ Chăm – Việt trở lại hòa dịu. Năm 1400, Hồ Quý Ly
chiếm ngôi nhà Trần, lập ra triều Hồ. Nhà Hồ ra sức củng cố chủ quyền của Đại Việt ở
phía Nam. (Năm 1402, Hồ Quý Ly dùng biện pháp quân sự, mở rộng đất Chiêm Động
và Cổ Lũy Động, lập ra 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa để dân đi khai thác.)
Nhà Hồ tồn tại không được bao lâu thì bị nhà Minh
(Trung Quốc) sang xâm lược và đặt ách thống trị lên Đại Việt. Do
phải đối phó hết sức vất vả với phong trào giải phóng dân tộc của
nhân dân ta, nhà Minh không thể với tay đến tận những miền biên
viễn, do đó, thực tế đất Quảng trở lại chịu sự quản lý của nhà nước
Chămpa. Trong hoàn cảnh đó, nhiều lưu dân Việt phải bỏ chạy về
vùng Hoá Châu, hoặc phân tán lên vùng Tân Ninh ở phía thượng
nguồn sông Thu Bồn, ẩn tránh để chờ cơ hội. Số còn lại cũng hoàn
toàn bị cách ly với quê hương phía Bắc của họ. Phải mất vài thập
kỷ sau, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi chống quân xâm lược
Minh thắng lợi (1427), dưới thời trị vì của nhà Hậu Lê, chủ quyền
của Đại Việt đối với đất Quảng Nam mới dần dần được khôi phục.

11



b. Từ 1471 đến trước khi nhà Nguyễn được thành lập năm 1802
Tháng 8-1470, vua Chămpa là Trà Toàn đem hơn 10 vạn quân thủy bộ đánh
chiếm Hóa Châu. Trước tình hình đó, vua Lê Thánh Tông quyết định đánh đồn tối hậu
để giải quyết tận gốc vấn đề biên giới phía nam, lấy lại bốn châu Thăng, Hoa, Tư,
Nghĩa đã mất từ thời thuộc Minh.
Chính vì vậy, cuộc xuất quân lần này được chuẩn bị cực kỳ
chu đáo. Cuộc xuất quân bắt đầu từ ngày 7 tháng giêng năm Tân
Mão (1471). Đến ngày 1 tháng 3, quân Đại Việt vây hãm thành Trà
Bàn, tiêu diệt số lớn quân địch, bắt sống được vua Chăm là Trà
Toàn cùng 50 người trong hoàng tộc cùng ba vạn tù binh.
Địa danh Tư Nghĩa xuất hiện lần đầu tiên vào
năm 1471, khi vua Lê Thánh Tông thành lập đạo thừa
tuyên Quảng Nam. Đạo thừa tuyên Quảng Nam có 3
phủ là Thăng Hoa (tương đương với tỉnh Quảng Nam
và thành phố Đà Nẵng ngày nay), Tư Nghĩa (tương
đương với tỉnh Quảng Ngãi), Hoài Nhơn (tương đương
với tỉnh Bình Định). Huyện Nghĩa Giang nằm trong phủ
Tư Nghĩa lúc bấy giờ chính là địa bàn huyện Tư Nghĩa
và thành phố Quảng Ngãi ngày nay.
Chiến thắng lớn lao này không những giúp ta giữ yên được Hóa Châu, khôi
phục lại bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa bị quân Chămpa chiếm thời thuộc Minh
(1407-1427), mà còn mở rộng bờ cõi Đại Việt đến đèo Cù Mông (tức tỉnh Bình Định
ngày nay).
Tháng 6-1471, vua Lê Thánh Tông quyết định lấy đất vừa chiếm được lập thừa
tuyên Quảng Nam. Danh xưng Quảng Nam chính thức được khai sinh từ đây. Hai
tiếng Quảng Nam hàm chứa một ý nghĩa trọng đại trong quá trình phát triển lịch sử
lâu dài của dân tộc. Quảng có nghĩa là mở và rộng; Nam là hướng nam, đi về
phương Nam: một lựa chọn có tính chiến lược, quyết định vận mệnh sống còn
của quốc gia Đại Việt.
Nhận rõ tầm quan trọng của vùng đất này, nên trước

khi xuống chiếu rút quân về, Thánh Tông đã phân công tướng
lĩnh cùng với quân sĩ ở lại để quản trị vùng đất mới chiếm. Đây
là những người thuộc diện "tòng binh lập nghiệp". Nhiều người
dân "gốc lính" này đã liên lạc với gia đình, bà con thân thuộc,
đồng hương tổ chức di dân vào sinh cơ lập nghiệp nơi vùng đất
mới. Nhiều người trong số này về sau trở thành tiền hiền của
làng, được thờ tự ở đình.
Kể từ chiến thắng Trà Bàn cho đến khi Nguyễn Hoàng
được nhà Lê cho kiêm lãnh Tổng trấn Quảng Nam, vùng đất
12


này đã được lưu dân Việt đến định cư, khai phá tròn 100 năm
(1471-1570), bộ mặt đời sống vật chất và tinh thần có những
thay đổi lớn lao. Sách Ô châu cận lục miêu tả đời sống của
nhân dân Điện Bàn (hiểu là nửa tỉnh phía bắc Quảng Nam) vào
giữa thế kỷ XVI như sau: "Dân lấy thóc làm giàu, nhà nông
dùng trâu đạp lúa; xe tiện chuyên chở đường bộ, ghe thuyền
thuận lợi đường sông. Vườn Mạc Xuyên trồng lắm hoa hồng,
người Lang Châu dệt nhiều lụa trắng... Phụ nữ mặc quần vải
Chăm, đàn ông tay cầm quạt Tàu..."1. Sách này cũng nêu ra
danh sách 66 làng thời ấy của huyện Điện Bàn, mà gần 50% tên
gọi các làng lưu truyền đến ngày nay.
Năm 1558, Nguyễn Hoàng được vua Lê cử vào trấn thủ đất Thuận Hoá. Đến
năm 1570, kiêm lãnh cả trấn Quảng Nam. Mười hai năm sau (1570), ông được vua Lê
cho kiêm lãnh Tổng trấn Quảng Nam.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư đánh giá: "Nguyễn
Hoàng vỗ trị mấy chục năm, chính lệnh khoan hòa, thường
ban ân huệ, dùng phép công bằng, chấn chỉnh khuyên răn
tướng sĩ bản bộ... chợ búa không nói thách, dân chúng không

làm giặc, cổng ngoài không đóng"2.
Trong chuyến vượt biển trở về Thuận Hóa sau 8
năm bị Trịnh Tùng "giữ lỏng" tại Thăng Long, cái ý tưởng
"rạch đôi sơn hà" càng thôi thúc và trở thành quyết tâm không
gì lay chuyển được. Năm 1602, Nguyễn Hoàng vượt núi Hải
Vân thị sát vùng đất hai phủ Điện Bàn và Thăng Hoa. Về
chuyến đi này, Đại Nam thực lục tiền biên ghi là chúa "đi chơi
núi Hải Vân, thấy một dải núi cao dăng dài mấy trăm dặm
nằm ngang đến bờ biển, chúa khen rằng: chỗ này là đất yết
hầu của miền Thuận - Quảng. Liền vượt qua núi, xem xét tình
thế, dựng dinh trấn ở xã Cần Húc (thuộc huyện Duy Xuyên)
xây kho tàng, chứa lương thực, sai hoàng tử thứ sáu đến trấn
giữ"3.
Không đầy hai năm sau (1604), Nguyễn Hoàng ra
quyết định tách huyện Điện Bàn ra khỏi phủ Triệu Phong
(thuộc trấn Thuận Hóa), thăng làm phủ, rồi cho lệ vào trấn
Quảng Nam để tạo thành một vùng lãnh thổ thống nhất, hoàn
chỉnh về mặt địa lý hành chính ở phía nam Hải Vân nhằm
Dương Văn An, Ô Châu cận lục, Nxb.Thuận Hóa, 2001, tr.72.
Đại Việt sử ký toàn thư, tập III, Bản in Nội các quan bản, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.147.
3
Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền biên, Nxb. Sử học, Hà Nội, 1962, tr.44.
1
2

13


phục vụ cho ý đồ xây dựng một thực lực kinh tế và quốc
phòng đủ sức đương đầu với họ Trịnh.

Một vấn đề lớn đặt ra cho chúa Nguyễn lúc bấy giờ là
phải tìm ra một phương cách để tăng tốc trong việc xây dựng
lực lượng. Quảng Nam có những cửa sông lớn, nhiều cửa biển
tốt, tài nguyên thiên nhiên dồi dào, tình hình sản xuất phát
triển khá, đó là những tiền đề thuận lợi cho việc mở rộng giao
thương. Việc chọn đặt dinh trấn Thanh Chiêm tại Thanh
Chiêm bên bờ sông Thu Bồn, nằm ngay bên cạnh đường thiên
lý bắc – nam, cách thương cảng Hội An không đầy chục
kilômét vào năm 1602 và việc tách Điện Bàn sáp nhập vào
trấn này năm 1604 được coi là cột mốc lịch sử quan trọng,
một bước đột phá đầy ý nghĩa mở đường cho một chủ trương
phát triển kinh tế mới.
Thị cảng Hội An (Faifo) ra đời từ chủ trương của các
chúa Nguyễn đã nhanh chóng trở thành thương cảng có tầm
cỡ ở khu vực Đông Nam Á suốt từ cuối thế kỷ XVI đến nửa
đầu thế kỷ XVIII. Hội An được xem là hội chợ bán buôn
trên "con đường gốm sứ", "con đường hương liệu" Đông –
Tây lúc bấy giờ, thực sự đã trở thành một điểm “kinh tế mở”
tấp nập và thịnh vượng, tạo ra “chất lượng của sự phát triển”
kinh tế - văn hóa Quảng Nam.
Bước sang thế kỷ XVIII, Quảng Nam không chỉ là nơi tiếp nhận lưu dân, mà đã
trở thành địa bàn trung chuyển của công cuộc di dân vào nam.
Nhiều người "dân có vật lực" ở đây lại tiếp tục cuộc
hành trình về phương Nam khai phá trên vùng đất Đồng Nai
trù phú theo quy luật "đất lành chim đậu". Bằng chứng là khi
Nguyễn Hữu Kính vào thiết lập bộ máy quản lý hành chính
ở đây, thì số người Việt đã có trên bốn vạn hộ. Nếu đem
nhân con số này với hệ số 5 (mỗi hộ 5 người), thì đã có
200.000 dân từ miền Thuận - Quảng di cư tự do đến sinh
sống trên đất thuở ấy về danh nghĩa còn thuộc chủ quyền

của Chân Lạp.
Nhưng rồi những mâu thuẫn của chế độ phong kiến
nhanh chóng xô đẩy cơ đồ của chúa Nguyễn nhanh chóng đi
vào chỗ suy sụp.
Năm 1771, một cuộc khởi nghĩa bùng lên từ đất Tây Sơn, thuộc huyện Phù Ly,
phủ Qui Nhơn, do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ khởi xướng kéo
dài đến 1802. Thời gian 30 năm ấy, địa bàn của phủ Điện Bàn và phủ Thăng Hoa trở
14


thành nơi tranh chấp quyết liệt giữa ba lực lượng: phong trào Tây Sơn, lực lượng của
chúa Nguyễn, lực lượng của chúa Trịnh.
c.Từ năm 1802 đến trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời 1930
Khi phong trào Tây Sơn bị thất bại, Nguyễn Ánh tái chiếm lại đất Quảng Nam
và lấy hai phủ Thăng Hoa, Điện Bàn lập thành dinh Quảng Nam. Trải qua những tên
gọi khác nhau, đến năm 1832, vua Minh Mệnh lại quyết định đổi trấn Quảng Nam
thành tỉnh Quảng Nam.
Dưới thời nhà Nguyễn, Quảng Nam mất dần vai trò đầu tàu, trung tâm kinh tế
Đàng Trong như thời các chúa Nguyễn và suy yếu khi các vua nhà Nguyễn thực hiện
chính sách "đóng cửa", "bế quan tỏa cảng", "quay lại cắm cúi với thuần nông" trên
phạm vi cả nước.
Trong thời kỳ đất nước đứng trước nguy cơ bị xâm lược của chủ nghĩa tư bản
phương Tây, Phạm Phú Thứ (sau khi đi châu Âu về) đã cùng với các trí thức tiến bộ
cùng thời tích cực dâng lên vua nhiều đề nghị cải cách về các mặt giáo dục, kinh tế,
quốc phòng, nội chính, đối ngoại...Đáng tiếc là những đề nghị canh tân của ông đã
không được vua tôi triều Nguyễn chấp nhận.
Năm Nhâm Dần (1842), ông thi Hương, đậu Giải Nguyên; năm Quý Mão
(1843), thi Hội đậu Hội Nguyên đệ tam giáp đồng tiến sĩ, được bổ làm tri phủ Lạng
Giang. Năm Tự Đức thứ 2 (1849), ông được đề bạt về làm ở Viện Tập hiền rồi ở tòa
Kính diên (phòng giảng sách cho vua). Tại đây, vì thấy nhà vua còn trẻ, ham vui chơi

lơ là việc triều chính, ông mạnh dạn dâng sớ can gián nhà vua với lời lẽ thiết tha và
thẳng thắn nên ông bị cách chức và bị đày làm lính cắt cỏ ngựa ở trạm Thừa Nông
(phía nam kinh thành Huế), vì tội phạm thượng. Vậy mà ông vẫn tự tin vào việc làm
của mình: Lúc rảnh rỗi đi câu cá, ngắm cảnh, làm thơ nên có biệt hiệu là “Nông giang
điếu đồ” (Người câu cá trên sông Nông) và sáng tác tập thơ “Nông giang thi lục”.
Chuyện này đến tai Thái hậu Từ Dũ. Bà hỏi con (vua Tự Đức):
- Ông Phạm dâng sớ khuyên can con, ông ấy được cái gì?
Nhà vua đáp:
- Dạ, ông không được cái gì cả! Nhưng làm bề tôi mà trách cứ vua như thế là quá
đáng.
- Thế thì lúc làm lính, ông ta có oán hận gì không?
- Dạ, con không nghe nói gì.
- Thế thì người ấy đáng trọng lắm! Dâng sớ là muốn cho vua làm việc tốt. Bị nạn cứ
chịu đựng mà không oán hờn. Theo mẹ, đó là người chính trực và trung thành.
Vua Tự Đức nghe ra liền hạ chiếu ân xá, triệu ông về kinh giao cho trọng trách.
Năm 1854, ông được cử làm tri phủ Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.

Ông khẩn khoản xin vua lựa chọn những thanh niên tuấn tú
cho xuất dương du học, càng đông càng tốt, học nhiều học gấp
khoa học kỹ thuật tiên tiến của phương Tây để có thể đương đầu
với sự đe dọa của thời cuộc, làm cho dân giàu nước mạnh nhanh
chóng. Ngày 31-8-1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng vào
bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược
nước ta. Sát cánh cùng với quân đội chính qui của triều đình, là
15


những đội "thân biền binh dõng" của nhân dân xứ Quảng, trong đó
tiêu biểu là đội Nghĩa dũng hơn 500 người của huyện Hà Đông do
cựu đề đốc Phạm Gia Vĩnh kêu gọi thành lập, tham chiến tại mặt

trận Đà Nẵng, đánh nhiều trận xuất sắc ở Thạc Gián, Thạch Thang,
Hải Châu..., góp phần đánh bại kế hoạch "đánh nhanh thắng nhanh
của thực dân Pháp". Trong chiến công to lớn ấy, nhân dân Quảng
Nam có quyền tự hào là mảnh đất đi đầu trong trận tuyến chống
ngoại xâm của dân tộc, là biểu tượng sáng ngời về ý chí bất khuất
của nhân dân Quảng Nam anh hùng.
Không thể chiếm được Đà Nẵng, quân Pháp kéo vào Gia Định sau đó ra đánh
chiếm Hà Nội. Triều Nguyễn bất lực không thể lãnh đạo nhân dân tổ chức cuộc chiến
đấu bảo vệ chủ quyền dân tộc. Cuối cùng phải ký hiệp ước đầu hàng (1883), chấp nhận
sự thống trị của thực dân Pháp. Từ đây, xứ Quảng trở thành trung tâm nóng bỏng của
công cuộc tìm đường cứu nước vô cùng quẫn bách và thống thiết dân tộc. Các sĩ phu
Nguyễn Duy Hiệu, Trần Văn Dư, Phan Bá Phiến... bí mật thành lập Nghĩa hội Quảng
Nam, ra Cáo thị kêu gọi nhân dân đoàn kết chống Pháp, tạo thành một phong trào
quần chúng rầm rộ trong suốt 3 năm (1885-1887).
Bước sang thế kỷ XX, xứ Quảng trở thành nơi gặp gỡ, "liên kết đồng chí" trên
con đường vận động cứu nước của Phan Bội Châu với các danh sĩ Quảng Nam như
Tiểu La Nguyễn Thành, Châu Thượng Văn, Đỗ Đăng Tuyển..., để rồi tháng 5-1904,
Hội Duy tân chính thức ra đời, dấy lên một phong trào Đông Du nổi tiếng (19041908).
Cũng trong thời gian này, bộ ba Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần
Quí Cáp đã khởi xướng phong trào Duy Tân – một học thuyết cứu nước hoàn toàn
mới mẻ, dựa trên ba trụ cột chính là "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh". Tại
Quảng Nam, nơi khởi xướng và là chiếc nôi của phong trào đã thực hành một cuộc đổi
mới giáo dục, khơi dậy tinh thần dân tộc, khuyến khích kinh doanh trong mọi tầng lớp
nhân dân. Từ Quảng Nam, phong trào Duy Tân phát triển rộng ra các tỉnh phía Nam
và lan tỏa đến cả Thăng Long – Hà Nội, trung tâm chính trị - văn hóa của đất nước.
Điều đáng lưu ý ở đây là tính phổ cập, tính quần chúng của phong trào xuất phát từ
tầm nhìn của những người sáng lập với mục đích nâng cao dân trí. Nếu như Hà Nội có
trường Đông Kinh nghĩa thục nổi tiếng, thì Quảng Nam có trên 40 trường dân lập, mà
đa số đặt ở nông thôn; nổi tiếng nhất là các trường Diên Phong, Phước Bình, Phú
Lâm.

Và, cũng chính hoạt động của Hội Duy Tân và đặc biệt là phong trào Duy Tân
đã châm ngòi cho phong trào kháng thuế, cự sưu diễn ra vào năm 1908 bắt đầu nhân
một đám giỗ ở làng Phiếm Ái (Đại Lộc), sau đó đã nhanh chóng lan rộng ra khắp tỉnh
và cả 10 tỉnh Trung Kỳ. Phong trào kéo dài hơn một tháng trời trên đất Quảng Nam là
một đòn đánh thẳng vào chính sách cai trị thực dân, một phong trào đấu tranh quần
16


chúng đông đảo, quyết liệt nhất trong thời cận đại nước ta, làm lung lay tận gốc chế độ
thống trị của Pháp ở Đông Dương. Tiếp đó, năm 1916, cuộc khởi nghĩa Duy Tân do tổ
chức Việt Nam Quang phục hội khởi xướng, nhưng linh hồn thực sự của cuộc khởi
nghĩa là Thái Phiên và Trần Cao Vân.
Các phong trào yêu nước của nhân dân Quảng Nam vào cuối thế kỷ XIX và hai
thập niên đầu của thế kỷ XX kết cục đi đến thất bại, nhưng đó là những viên đá tảng
rắn chắc của truyền thống anh hùng, bất khuất trên hành trinh đi đến độc lập, tự do của
đất nước và dân tộc.
2. Truyền thống Quảng Nam
a. Những yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển các giá trị
truyền thống Quảng Nam
Quảng Nam - mảnh đất mang ơn dày nghĩa nặng của tổ tiên
những ngày đi mở cõi. Đất và Người Quảng Nam gắn liền với
nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp. Nếu hiểu truyền thống là thói
quen đã hình thành từ lâu đời trong lối sống và nếp nghĩ, được
truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, thì đương nhiên, truyền
thống Quảng Nam mang sâu sắc trong mình truyền thống cội
nguồn dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng mang những đặc tính
riêng do những điều kiện tự nhiên và lịch sử riêng biệt không hoàn
toàn giống với cả nước, với các vùng khác, trong đó có những điều
kiện rất đặc thù, tác động suốt hàng trăm năm. Vì vậy, ngoài những
giá trị truyền thống chung, người Quảng còn tự hào với những đặc

tính truyền thống riêng. Đúng hơn là ở nơi này những truyền thống
chung của người Việt, do những điều kiện riêng, có những sắc thái,
giá trị riêng nào đó, những phần đậm nhạt khác nhau với những
nơi khác.
Các giá trị truyền thống không phải là một cái gì cố định, có
sẵn và đứng im, mà hình thành, biến đổi, thăng trầm do những biến
động của môi trường và lịch sử. Điều ấy càng đúng trong trường
hợp truyền thống con người xứ Quảng, một vùng đất thật sự có
một vị trí tự nhiên độc đáo và một vai trò đặc biệt trong sự phát
triển lâu dài của đất nước và dân tộc. Do đó, tìm hiểu những điều
kiện lịch sử và tự nhiên tác động đến sự hình thành và phát triển
các giá trị truyền thống Quảng Nam, có thể nhấn mạnh đến 4 yếu
tố:
*Điều kiện tự nhiên thông qua các quan hệ xã hội hình thành nên một đức tính
tương ứng của con người để có thể sống trên vùng đất Quảng Nam.,
là một vùng đất mà sử cũ gọi là "sơn lam chương khí", "ô
châu ác địa"...
17


Từ phía nam đèo Hải Vân đến Dối Sỏi (Núi Thành) vẫn màu
xanh sắc biếc biển trời một vùng duyên hải, lưng dựa vào dãy núi
dằng dặc như tự thuở nào, nhưng trong chiều sâu của cái dáng vẻ
tự nhiên ấy đã ẩn chứa bao nhiêu biến thiên của lịch sử, vừa có nét
riêng, vừa gần gũi trong mối tương quan với các địa phương trong
sự chở che của đất nước.
Vị trí của mảnh đất này, về cơ bản không có đồng bằng, các
con sông quá ngắn và quá dốc không tạo nên những châu thổ đáng
kể; sông lại ít phù sa khiến đồng ruộng nhanh chóng bị bạc màu
không kịp phục hồi độ phì nhiêu. Đất đai canh tác chỉ là một dải

đất hẹp, dài, chạy dọc ven biển, bị biển và núi ép chặt, lại thường
xuyên bị bão tố ác liệt uy hiếp.
Ruộng đất ít phù sa, nhanh chóng bạc màu, bão lụt thường xuyên xảy ra. Vung đất
nắng lắm mưa nhiều.
Khi người Việt vào đây khai phá, gặp ở vùng đất Amaravati
này một thiên nhiên phong phú nhưng hung dữ. Rừng rậm đầy thú
dữ bây giờ còn vây kín lấy con người. Núi cao, sông gấp, biển đầy
bão tố, nắng lửa và mưa dầm... Lao động lúc bấy giờ là một cuộc
chiến đấu thực sự, nhiều khi đẫm máu. Thiên nhiên mênh mông,
bịt bùng, cưỡng lại, quật trả. Lại thêm người Chăm mất đất liên tục
phản kích. Người cày ruộng với người lính gần như là một. Khắc
phục một thiên nhiên như vậy, quả thật mỗi tấc đất khai phá đều
được thấm mồ hôi và máu con người.
Chính điều kiện tự nhiên như vậy đã làm cho con người xứ Quảng vốn có
nhiều khó khăn lại càng khó khăn hơn. Bởi thế, để sinh tồn và phát triển, họ phải có
một ý chí và nghị lực phi thường để vượt qua thử thách. Và, cũng chính điều ấy đã tôi
rèn, hình thành, quy định nên tính cách, truyền thống của người dân xứ Quảng.
*Quảng Nam giữ một vị trí chiến lược cực kỳ quan trọng trong quá trình mở
nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Hẳn là cần nhắc đến lời căn dặn tha thiết năm 1613 của
Nguyễn Hoàng trước lúc lâm chung với người con kế nghiệp: "Đây
là đất yết hầu của miền Thuận - Quảng", là "đất dụng võ của kẻ
anh hùng". Vì chính ông, năm 1602 đã đặt Dinh trấn Thanh Chiêm
– thủ phủ kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự ở Đàng Trong và từ
đó suốt thời các chúa Nguyễn, Quảng Nam trở thành vùng đất bản
lề, thành cái đầu cầu vững chắc, trạm trung chuyển chiến lược
cung cấp nhân tài, vật lực trong quá trình Nam tiến vào cho đến hết
dải đất hình chữ S của dân tộc.
Trước đó, sau đại thắng Trà Bàn của Lê Thánh Tông năm
1471, phần đất được gọi là thừa tuyên Quảng Nam đã trở thành

18


một bộ phận vững chắc của lãnh thổ Việt Nam. Tuy vậy, nhiều thập
niên sau đó, nhân dân ở đất này vẫn phải thường xuyên "đương
đầu với rất nhiều hiểm họa, thử thách và rất nhiều thế lực thù
nghịch". Đến khi Nguyễn Hoàng dứt khoát "rạch đôi sơn hà", thì
quá trình Nam tiến luôn diễn ra đồng thời với quá trình chống
Trịnh. Đó là chưa kể đến các cuộc chiến không phải không ác liệt
giữa các Chúa Nguyễn và quân Tây Sơn cũng nhiều lần diễn ra
trên đất này. Bước vào thời cận hiện đại, xứ Quảng là địa đoạn hội
đủ các yếu tố để thực hành chia cắt chiến lược ngay từ đầu đối với
đất nước ta và cũng hội đủ những yếu tố để nhanh chóng hình
thành những căn cứ quân sự liên hợp lớn nhằm duy trì và phát triển
thế chia cắt đó. Cho nên, như một tất yếu lịch sử, xứ Quảng đã hai
lần đứng ra gánh vác vai trò đi đầu đánh giặc và là địa bàn mà
cường độ ác liệt của cuộc chiến thường bị đẩy lên đến tột độ. Do
đó, có thể nói trong suốt nhiều thế kỷ từ ngày hình thành, xứ
Quảng ít có thời gian nào không có binh đao loạn lạc.
Như vậy, trong lịch sử phát triển của đất nước, Quảng Nam đóng vai trò phên
dậu ở chốn đầu sóng ngọn gió, là nguồn cung cấp nhân tài vật lực, trạm trung chuyển
và là bàn đạp vững chắc cho công cuộc Nam tiến của dân tộc; là nơi tương tranh giữa
các thế lực phong kiến; là trung tâm nóng bỏng của công cuộc tìm đường cứu nước vô
cùng quẫn bách, thống thiết; là nơi mở đầu cho những cuộc đụng đầu lịch sử của cả
dân tộc với chủ nghĩa thực dân và đế quốc. Vị thế đó đã xác lập cho nhân dân xứ
Quảng những đức tính cần phải có, những giá trị tinh thần không thể thiếu được nhằm
bảo vệ sự trường tồn của một vùng đất, độc lập tự chủ của quốc gia dân tộc.
*Quảng Nam suốt một thời đoạn dài là nơi tiếp biến các luồng văn hóa để làm
sinh nở, phát triển hoặc lắng đọng những chất lượng tinh thần mới, bồi bổ cho chất
lượng tinh thần vốn có tự bao giờ.

Trước khi trở thành là một đơn vị hành chính của nước Đại Việt, xứ Quảng đã
là địa bàn cư trú xa xưa và là đế đô của nhiều triều đại trong nhiều thế kỷ của Vương
quốc Chămpa. Và, dĩ nhiên đây cũng là nơi tập trung tiêu biểu nhất những tinh hoa
văn hóa, thành tựu kinh tế cùng nhiều mặt khác nữa của xã hội Chămpa. Do đó, trong
cuộc đi dài về phía nam, người gốc Quảng Nam đã khám phá ra một nền văn hóa lớn
khác với văn hóa truyền thống mà họ mang theo và chăm chút gìn giữ – văn hóa
Chămpa. Ngay ở buổi đầu khai hoang lập địa đã diễn ra quá trình tụ cư, hỗn cư và hợp
cư của các thành phần nhân chủng khác nhau, có những đặc điểm văn hóa khác nhau;
đó cũng là quá trình giao thoa, tiếp biến văn hóa Việt – Chăm, góp phần tạo nên
những đặc trưng văn hóa và đặc tính phẩm chất của con người xứ Quảng.
Đặc biệt, Đàng Trong, với xứ Quảng, mà Hội An là trung tâm đã lĩnh ấn tiên
phong trong việc mở cửa với các nước ngoài, lần này không chỉ là thương mại quốc tế
phương Đông mà đã có giao lưu kinh tế văn hóa với phương Tây. Ở thế kỷ XVI19


XVIII, xứ Quảng thực sự "cận thị, cận giang" hơn hẳn mọi nơi ở miền Trung; kinh tế
phát triển, nội – ngoại thương được đẩy mạnh và nhu cầu giao thương của con người
càng trở nên bức thiết. Tất cả tạo nên một động lực lịch sử chưa từng có, không những
đưa đến sự phát triển kinh ngạc về kinh tế mà còn là văn hóa. Xã hội xứ Quảng lúc
này thực sự trở thành một xã hội đa sắc tộc, đa văn hóa, với nhân tố nổi bật là khả
năng tiếp nhận, đồng hóa, Việt hóa mạnh mẽ của văn hóa Việt đối với văn hóa ngoại
lai. Trong lần "mở cửa", "toàn cầu hóa" hết sức sinh động và thành công này, lưu dân
đất Việt trên đất này đã biết mở rộng cửa trí và cửa lòng mình để dung nạp, giao thoa
thay vì bài xích, triệt tiêu văn hóa khác để góp phần hun đúc nên bản lĩnh văn hóa, để
lại dấu ấn sâu sắc trong cách hành xử, ứng biến của con người xứ Quảng.
*Con người từ buổi khai phá vùng đất mới.
Hai cuộc chuyển cư lớn vào đất Quảng tập trung nhất là những năm 1470 sau
chiến thắng quyết định của Lê Thánh Tông, và sau năm 1600 thời Nguyễn Hoàng và
các chúa Nguyễn nối tiếp. Nhà văn Nguyên Ngọc đã có một nhận xét sâu sắc rằng:
quá trình chuyển cư về phía nam của người Việt xuất phát từ động cơ phản ứng xã hội,

càng về sau càng trở nên rõ rệt, mạnh mẽ hơn. Vào cao điểm của động cơ phản ứng xã
hội ấy là đúng vào hai đợt chuyển cư quan trọng nhất của người Việt vào xứ Quảng.
Thời Lê Thánh Tông, như một ánh lóe sáng rực rỡ cuối cùng của chế độ phong kiến
Bắc Hà trước khi lâm vào rối loạn và suy sụp chưa từng có; và thời Nguyễn Hoàng,
hành động ra đi vào Nam là một thứ tuyên bố ly khai xã hội, chính trị, văn hóa công
khai và quyết liệt. Như vậy, những tiên dân đất Quảng đi vào vùng đất mới, nói theo
cách nào đó, chính là những người đi xây dựng nền văn hóa mới, bao giờ cũng gồm
hai mặt: vừa khôi phục những giá trị truyền thống đã bị biến dạng, suy thoái, vừa bổ
sung thêm những nhân tố mới mẻ do những điều kiện mới đem lại.
Trong trạng thái tâm lý bất ổn của di dân người Việt sau khi bỏ lại phía sau quê
cha đất tổ ở phía Bắc, vừa bị cuốn hút bởi văn hóa Chămpa, thì các nhà lãnh đạo họ
Nguyễn đã khôn khéo chối bỏ Khổng Giáo (vì những khẳng định của Khổng Giáo cơ
bản trực tiếp mâu thuẫn với vị trí của họ Nguyễn bị coi là một chế độ ly khai và nổi
loạn đối với triều đình) bằng cách sử dụng Phật giáo Đại Thừa – một tôn giáo đa thần.
Phật giáo, một mặt đẩy mạnh bản sắc dân tộc của người Việt, mặt khác lại làm lắng
đọng các mối lo âu của người di dân, đồng thời thể hiện sự phản ứng mạnh mẽ chống
lại sự suy thoái của xã hội phong kiến Bắc Hà. Điều này có giá trị như một cuộc giải
phóng; và chính đây là cơ sở để họ có thái độ tiếp nhận cởi mở, hòa hợp (chứ không
phải là đồng hóa) với những thành tựu văn hóa khác, nhất là của người Chăm.
Thành phần chuyển cư vào đất Quảng rất đa dạng, phức tạp nhưng tuyệt đại đa
số vốn có gốc Thanh Nghệ Tĩnh. Đó là người tị nạn tìm nơi trú ẩn sau thất bại chống
xâm lược, các phạm nhân của triều đình nhà Lê, các quan lại, hương khúc, nghĩa dũng
đi cùng với gia đình Nguyễn Hoàng, những trung thần nhà Lê; có người là binh lính,
có kẻ là tù binh hoặc dân bị lùa đi khỏi quê cũ đưa đến vùng đất mới trong chiến tranh
20


Trịnh – Nguyễn... Như vậy, một cấu thành nổi bật của tiên dân Quảng Nam là mang
rất đậm chất "bình dân", "ương ngạnh", họ chủ yếu gồm những tầng lớp dưới của xã
hội cũ, những người lao động nghèo khổ và có số phận hèn kém nhất trong xã hội đó.

Cả những người lãnh đạo và cai trị họ cũng nhiều người có thân phận khá gần với họ,
hoặc ít nhất chịu ảnh hưởng của họ.
Mỗi giá trị tinh thần được cấu thành và xây dựng nên không chỉ chịu sự chi
phối của hoàn cảnh địa lý – tự nhiên mà còn là tâm lý – tập tục các thế hệ người nối
tiếp theo dòng lịch sử, sự vận động của phương thức sản xuất và điều kiện phát huy
tiềm lực dân trí, dân khí, gắn liền với địa danh. Nếu hiểu như vậy, thì gốc gác, "tâm
thế văn hóa" của người thủy tổ xứ Quảng cũng là nhân tố tác động đến sự hình thành
các giá trị truyền thống Quảng Nam.
b.Giá trị truyền thống Quảng Nam
* Yêu nước
Truyền thống yêu nước của con người xứ Quảng thể hiện
đặc trưng của tư tưởng và hành động yêu nước của Việt Nam.
Các đặc trưng ấy, xét cho kỹ, đều là nét phổ biến nhất, tốt đẹp
nhất, cao quý nhất của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam nói chung.
Tuy nhiên, tình cảm và tư tưởng yêu nước người Quảng sinh nở
và phát triển trong những điều kiện cụ thể riêng của mình, mang
đường nét, thực chất và tác dụng đặc sắc.
Truyền thống yêu nước Quảng Nam được củng cố bởi vô số những cuộc khởi
nghĩa chống đô hộ và nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Ở mảnh đất này, chủ
nghĩa yêu nước được phát huy đến mức cao độ, trở thành sức mạnh vật chất, một thứ
vũ khí tinh thần cực kỳ sắc bén đưa họ vượt lên những thử thách toàn diện và ghê gớm
nhất để đánh thắng kẻ thù. Tiêu biểu nhất đó là những cuộc đối đầu không cân sức với
kẻ thù. Chỉ có ghe ô, ghe chu, trang bị nhiều lần thua kém địch, người Thuận Quảng
bằng tinh thần quyết chiến mạnh mẽ đã lao vào đốt cháy tàu De Wijdenes, buộc hai
con tàu phải tháo chạy năm 1643. Hay ngay trong cuộc chiến hồi đầu thế kỷ XIX, trận
tiến công Đà Nẵng là trận duy nhất liên quân Pháp – Tây Ban Nha đã sử dụng toàn bộ
2350 quân có ở Phương Đông, cùng 16 chiến hạm, 2 tàu vận tải, trong đó riêng chiến
hạm Memedit trang bị đến 50 đại bác nhưng sau 5 tháng vẫn không tiến lên được; và
đây là trận thắng duy nhất, trước nhất trong cuộc chống trả của triều đình hồi đó. Đặc
biệt, trong chống Mỹ, sau năm 1954, xứ Quảng là một trong những địa bàn hoạt động

hung dữ nhất của bọn Quốc dân đảng phản động, nơi thể nghiệm trước tiên, quyết liệt
và để lại hậu quả nghiêm trọng của chính sách "tố cộng, diệt cộng" của kẻ thù; trong
chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", nơi đây trở thành trọng điểm đánh phá với
mức cao nhất cả về mật độ và cường độ... Đứng trước nhiệm vụ lịch sử nặng nề tưởng
chừng như quá sức gánh vác của mình, thì, bởi sẵn lòng yêu nước nồng nàn, bởi biết
chung sức với nhau, bởi mưu trí sáng tạo mà họ đã vươn lên mau chóng cho kịp nhận
lãnh nhiệm vụ gánh vác và trấn giữ. Cũng có lẽ vì thế mà sự hi sinh của con người xứ
21


Quảng trong chiến trận thường nhuốm màu bi tráng, đó là những cái chết tiến công,
làm lịch sử dân tộc những giờ phút trầm luân vẫn tràn đầy chính khí. Những con số:
một tỉnh có đến 64.000 liệt sĩ và 7.289 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (riêng huyện Điện
Bàn là 14.836 liệt sĩ và 1.618 Mẹ); huyện Điện Bàn có 97/144 thôn bị cày ủi, tàn phá
gần như sạch; một xã Bình Dương (huyện Thăng Bình) có 4.700 người chết, chiếm
6/10 dân số xã; một xã Điện Nam (huyện Điện Bàn) có “nhiều cái nhất nước”: 198 Bà
mẹ Việt Nam anh hùng, 2.292 liệt sĩ, 7 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân… Tất
cả đã nói lên phẩm chất, truyền thống của Quảng Nam, đồng thời cũng phản ánh tính
chất khốc liệt của chiến trường này trong cuộc trường chinh ròng rã suốt 30 năm.
Một chủ nghĩa yêu nước hết sức rắn rỏi, kiên trì ngấm rất sâu, rất lâu trên đất
này đã tạo lập ý thức chính trị hết sức đặc biệt từ hàng sất phu đến kẻ dân thường. Hết
thảy họ đều có ý thức trách nhiệm cao đối với cộng đồng, đối với đất nước, dân tộc.
Coi vận mệnh đất nước cao hơn cuộc đời của chính mình, của gia đình vợ con mình,
đó là lẽ sống dứt khoát trở thành đương nhiên ở đây. Cho nên trong cuộc đấu tranh
giải phóng ở đây luôn có sự tham gia đông đảo, khẳng định vai trò tích cực của nhân
dân. Cuộc kháng sưu thuế năm 1908 là một minh chứng hùng hồn: nếu như Bắc Kỳ,
phong trào và tư tưởng Duy tân chủ yếu ảnh hưởng trong tầng lớp sĩ phu, thì cũng tư
tưởng ấy khi cấy vào lòng dân Quảng Nam nó lập tức trở thành một cuộc bạo động
chính trị của dân nghèo, vượt ngoài dự kiến của những người chủ xướng duy tân, phát
triển hầu như hoàn toàn độc lập theo quy luật riêng của nó. Trong chống Pháp, khi

quân Pháp giáp mặt với thế trận thiên la địa võng với các làng kháng chiến liên kết
nhau một cách tự nhiên rất đặc thù trên đất này đã phải kinh ngạc thốt lên rằng "ở đây
mỗi người dân là một bức tường, thậm chí đến đứa trẻ cũng là một cái mắc lưới đáng
sợ". Thời chống Mỹ, thế trận lòng dân được hình thành khắp địa bàn nông thôn xứ
Quảng, từ "căn cứ lõm" ở vùng địch, "vành đai diệt Mỹ" ở vùng ven đến "bốn bám" ở
vùng giải phóng, tồn tại xuyên suốt bất chấp sự đánh phá thâm độc tàn ác của kẻ thù,
tạo nên một hiện tượng lạ lùng: trên đất này khi hầu như mỗi người dân đều trở thành
một người lính thiện chiến lão luyện đang "ém" sẵn để tiêu diệt đối phương.
Một môi trường nhân dân như vậy quả thật đã tạo nên đất dụng văn võ lý tưởng
của những "nhân kiệt". Hoàng Diệu, Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu, Trần Quý Cáp,
Nguyễn Thành, Châu Thượng Văn, Trần Cao Vân, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc
Kháng, Lê Cơ, Võ Chí Công, Nguyễn Văn Trỗi, Phạm Tứ, Hồ Nghinh... Họ là tinh
hoa của đất Quảng, đồng thời cũng là tinh hoa của dân tộc. Tôn vinh cuộc đời và sự
nghiệp của họ cũng chính là tôn vinh một chủ nghĩa yêu nước hoàn toàn trong trắng
không gợn một hạt bụi danh vị và tư lợi nào; là xưng tụng một tinh thần phục vụ vô
điều kiện cho Tổ quốc và đồng bào mình. Tấm lòng yêu nước đạt đến mức nồng nhiệt
đáng quý ấy, thật hiếm thấy!
* Hiếu học và học giỏi
Khi nói tới truyền thống Quảng Nam, thì chuyện học là một trong những đề tài
luôn được nhắc đến. Trong lịch sử giáo dục và khoa cử Việt Nam dưới thời nhà
22


Nguyễn, sĩ phong Quảng Nam đã xác lập được cho quê hương một truyền thống học
hành và đỗ đạt không thua kém các nôi học hành khác trong cả nước. Chỉ tính từ khoa
thi Hương đầu tiên của nhà Nguyễn được tổ chức vào năm 1807 cho đến khoa thi
Hương cuối cùng của triều đại này vào năm 1918, Quảng Nam đã đỗ được 253/5.244
cử nhân của cả nước và khoảng 400 tú tài. Về thi Hội, trong 39 khoa thi của triều
Nguyễn, Quảng Nam có 39 vị đỗ đại khoa gồm 1 hoàng giáp, 14 tiến sĩ và 24 phó
bảng. Bước qua thời hiện đại, vùng đất này tiếp tục sản sinh cho cả nước nhiều trí thức

nổi tiếng, luôn dấn thân, đồng hành cùng dân tộc: Phan Thanh, Phan Bôi, Hoàng Tụy,
Hoàng Phê, Hoàng Chúng, Lê Trí Viễn, Nguyễn Đăng Hưng, Trần Văn Thọ... Truyền
thống hiếu học và học giỏi ấy đã kết tinh và được học giới cả nước ghi nhận qua
những danh xưng như "địa linh nhân kiệt", "đất học", "ngũ tử đăng khoa", "ngũ phụng
tề phi", "tứ hổ", "tứ kiệt", "phụ tử đăng khoa"…
Nhà nghiên cứu Nguyễn Q.Thắng ghi lại:



“Khoa Mậu Tuất 1898 tỉnh Quảng Nam có 5 thí sinh đều trúng kỳ thi Hội và thi Đình nên được vua Thành Thái (1979–1854) ban tấm biển ghi 4 chữ "Ngũ phụng tề
phi" (Năm con phụng cùng bay) nhằm chúc, tặng cho các sĩ tử nói chung và học trò đất Quảng thuở ấy học giỏi”.

5 Người Phạm Liệu, Phan Quang, phạm Tuấn, Ngô Chuân , Dương Hiển Tiến
Ngoài ra, đất Quảng Nam còn có TỨ KIỆT và TỨ HỔ
1._ Khoa Tân Sửu (1901) 4 vị đỗ Phó bảng đồng khoa và đồng hương là ông
Nguyễn Ðình Hiến (Trung Lộc,Quế Sơn), Ông Nguyễn Mậu Hoán (Phú Cốc,Quế
Sơn), Ông Võ Vỹ (An phước,Thăng Bình), Ông Phan Châu Trinh (Tây Lộc,Tiên
Phước) mà dân gian thường mệnh danh là ” TỨ KIỆT “
2._ Trong 4 khoa thi Hương liên tiếp là khoa Ðinh Dậu (1897), khoa Canh Tý
(1900), khoa Ất Mão (1903), khoa Mậu Ngọ (1906), có 4 vị đỗ thủ khoa là: ông Phạm
Liệu (Trừng Giang, Ðiện Bàn), ông Võ Hoành (Long Phước, Duy Xuyên ), ông
Nguyễn Ðình Hiến (Trung Lộc,Quế Sơn ), ông Huỳnh Hanh tức Huỳnh Thúc Kháng
(Thanh Bình,Tiên Phước) mà dân gian thường mệnh danh là ” TỨ HỔ “. Như vậy:
* Ông Phạm Liệu vừa là “Ngũ Phụng Tề Phi” vừa là ” Tứ Hổ “.
* Ông Nguyễn Ðình Hiến vừa là ” Tứ Kiệt ” vừa là ” Tứ Hổ.
Hiếu học là truyền thống, nền nếp xưa nay của đất Quảng, đã thấm vào từng tế
bào làng, xã. Cách đây hơn một thế kỷ, sử triều Nguyễn đã nhận xét Quảng Nam là
một vùng đất "học trò chăm học hành, quân tử giữ phận mà hổ thẹn việc bôn cạnh" và
"núi sông thanh tú nên nhiều người có tư chất thông minh dễ học" (Đại Nam nhất
thống chí). Trong sự học của người Quảng cũng có điều rất đáng chú ý: họ học vì lòng

ham chiếm lính cái mới, chiếm lĩnh tri thức. Bởi, ở một vùng đất mới, một thế giới là
lạ với quê cũ nên họ phải ham học, có cái nhu cầu đòi học. Học trở thành bổn phận mà
mỗi thành viên tự ý thức rõ, luôn nỗ lực vươn lên và đó gần như là con đường duy
23


nhất để thoát nghèo trên mảnh đất này. Nên dù nghèo khó đến mấy người nông dân
Quảng Nam vẫn cố gắng cho con đi học, ít ra là "học dăm ba chữ để làm người". Vì
vậy, xét đến cùng, việc học là biểu hiện cụ thể của ý chí, nghị lực, nhu cầu con người
muốn vượt qua khó khăn đói nghèo để vươn lên làm chủ cuộc sống của mình. Mặt
khác, hiếu học còn là một trong những đức tính cần thiết của con người để có điều
kiện hiểu biết, khám phá và sáng tạo. Được sự quan tâm chu đáo của gia đình, dòng
họ, làng xóm nên việc học, khuyến học trên vùng đất này phát triển rất mạnh; từ xa
xưa đã có nhiều làng khoa bảng nổi tiếng ở khắp vùng trong tỉnh như Bảo Châu, Mã
Châu, Xuân Đài, Đông Bàn, Minh Hương, Hà Lam, Trà Kiệu, Chiên Đàn…
Nhiều nhà khoa bảng Quảng Nam dù "công thành danh toại" vẫn trọn đời giữ
được nhân cách, tiết tháo của kẻ sĩ. Đối với họ, mục đích của việc học không phải là
để vinh thân phì gia, mà là để thi thố tài năng, giúp nước, cứu đời. Ngược lại, một khi
chính sự nhiễu nhương, thì hơn ai hết họ ý thức rất rõ "quan trường chỉ là nô lệ trong
đám nô lệ nên lại càng nô lệ hơn". Do vậy, cho dù đỗ đạt họ vẫn sẵn sàng từ chối việc
làm quan như các tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quí Cáp; phó bảng Nguyễn Văn
Dục; tú tài Nguyễn Đạo; các cử nhân Nguyễn Doãn Thành, Phan Thúc Duyện,
Nguyễn Khải, Lê Bá Trinh, Phan Thành Tài... Còn những vị đang làm quan thì lấy lý
do về quê nuôi cha mẹ già để xin từ quan, như Tổng đốc Hà Nội Lê Đỉnh Trác, Hành
tẩu Bộ Lễ Phan Châu Trinh... Và, phần lớn họ đi với nhân dân chống giặc, sẵn sàng
chấp nhận sự tù đày, chết chóc và ngời sáng cùng sử xanh. Người đậu cao nhất trong
số nho sĩ đất Quảng là Hoàng giáp Phạm Như Xương (dưới triều Nguyễn không có
học vị Trạng nguyên), vì yêu nước mà tên ông trên bia đá bị đục sạch. Phó bảng
Nguyễn Duy Hiệu dựng cờ Cần Vương tại quê nhà với lời hịch văn thân hào sảng cổ
võ sĩ dân, để tránh sự tổn thất không cần thiết của phong trào đã tự nộp mình cho giặc,

dứt khoát không chịu đầu hàng giặc. Phó bảng Hoàng Diệu cầm quân chống cự và
tuẫn tiết với thành Hà Nội, khiến giặc Pháp run sợ và sĩ tử Hà thành nghiêng mình
kính phục. Tiến sĩ Trần Quý Cáp tuổi trẻ, thông minh, nổi danh chốn khoa trường,
nhưng không ra làm quan mà dốc lòng canh tân đất nước để đuổi giặc thì bị thực dân
và tay sai khép vào tội "đại phản nghịch", chẳng cần biết có hay không có chứng cứ,
đã mang ông đi chém ngang lưng. Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng dứt khoát không ra làm
quan mà tham chính theo cánh riêng mình để tiếng nói có trọng lượng trên báo Tiếng
Dân, Viện dân biểu làm phên dậu cho dân chúng nung nấu lòng yêu nước chờ thời
chống giặc. Phó bảng Phan Châu Trinh uyên thâm Hán học, tinh thông tri thức Á – Âu
đương thời, là một "nhà cách mạng đầu tiên" (đánh giá của tiến sĩ Huỳnh Thúc
Kháng) của Việt Nam…
* Sáng tạo, nhanh nhạy trong tiếp thu cái mới
Phải khẳng định rằng bản chất, nguồn gốc của con người xứ Quảng là đổi mới,
đi tìm cái mới. Bởi con người Quảng Nam sinh ra từ sự thay đổi – mà là thay đổi rất
lớn, hoàn toàn ở vùng đất mới. Khi những lưu dân đi vào đất này, họ bắt đầu chuyển
đổi môi trường sống, cách sống và cả số phận mình. Cho nên khả năng thích ứng được
24


rèn luyện nhiều, họ phải luôn trong tâm thế đón nhận cái bất ngờ, khống chế và làm
chủ nó... Hơn thế nữa, ngay từ đầu và liên tục sau đó, xứ Quảng còn là cánh cửa tiếp
xúc chủ yếu của đất nước với thế giới. Đó là văn hóa Chămpa bản địa, với "văn hóa
ngoại thương" Trung Hoa, Đông Nam Á, Ấn Độ và cả với "một nhân loại khác"
phương Tây. Đặc biệt, suốt thế kỷ XVII-XVIII, thương nghiệp trở thành nhân tố chủ
yếu thúc đẩy kinh tế phát triển, làm thay đổi cả quán tính lịch sử và tập tính con người
trên vùng đất này. Tất cả nó hun đúc nên một truyền thống sáng tạo, cập nhật, hay nói
cách khác là một tư duy rất động ở con người Quảng Nam.
Người Quảng nhạy cảm với cái mới, dám thay đổi, không ngại và thường mở
đầu, khai phá, cách mạng. "Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm" (hay "đà thắm") rất
có thể là nói về tính nhạy cảm với cái mới của người Quảng. Khát khao cái mới như

đất hạn khát mưa, háo hứt hút ngay từ giọt nước đầu tiên. Thậm chí là khi chưa thật sự
có giọt nước nào, chưa thật sự mưa, đã háo hức hóng về mưa, cảm nhận ra nó rất sớm,
chờ đón nó nồng nhiệt. Họ tham cái mới, muốn biết ngay lập tức cái mới, tháo mở nó
ra, xem xét, khám phá, chiếm lĩnh. Hãy nhìn kỹ lại, trong tiếp nhận các luồng văn hóa
khác, người Quảng luôn lắng đọng lại những lớp trầm tích riêng biệt; họ đã học văn
hóa, kinh nghiệm sống, sản xuất và chiến đấu từ người Chăm, học buôn bán của người
Tàu, học khoa học kỹ thuật, văn hóa của phương Tây...
Nhạy cảm tiếp thu cái mới, người Quảng cũng thường là người có gan dám làm
cái mới. Hay nói khác hơn là có những con người và hành động phá cách; tức là làm
ngược lại, làm trái, làm ra ngoài cái đã thành thói quen, quy cũ. Phạm Phú Thứ là
người đầu tiên thấy rõ nhất yêu cầu sống còn phải học khoa học kỹ thuật hiện đại của
thế giới, và vô cùng tha thiết đem những hiểu biết mới mẻ, thiết thực ấy đến cho đồng
bào mình. Nguyễn Duy Hiệu lập riêng hẳn một triều đình, một Tân Tỉnh mà ngay bọn
thực dân đánh giá như "lập một nước". Phan Châu Trinh và những đồng chí của ông
dứt khoát "đặt dân quyền lên ngai vàng" (chữ Nguyễn Văn Xuân), thực hành cuộc
"cách mạng tân văn hóa" (chữ Hoàng Xuân Hãn) một cách triệt để, mang tính mới lạ,
cập nhật nhất và theo đuổi chủ kiến đó đến cùng. Võ Chí Công và các đồng chí của
mình nhạy bén thay đổi phương pháp khởi nghĩa sát hợp với Quảng Nam trong Cách
mạng Tháng Tám năm 1945, kiên quyết ủng hộ khởi nghĩa Trà Bồng năm 1959, quyết
đoán về việc đánh ngay giải phóng Đà Nẵng năm 1975, dũng cảm tán thành "khoán
chui" vào "đêm trước đổi mới". Phan Khôi với "Tình già" phá cách và là người đầu
tiên tạo nên Thơ Mới. Hồ Nghinh mạnh dạn sáng tạo làm thủy lợi hóa trước khi phải
hợp tác hóa (tức giải quyết quan hệ sản xuất)... Đó là những con người và những hành
động dám phá cách, sáng tạo tiêu biểu nhất ở vùng đất mở. Có được những điều ấy,
đương nhiên họ là những người am hiểu thực tế, có dũng khí và hơn hết là lòng trong
sáng vô tư, tâm huyết lớn đối với lợi ích của nhân dân và dân tộc.
Chính đặc tính sáng tạo ấy mà phải chăng Quảng Nam không chỉ cống hiến cho
đất nước những hào kiệt và anh hùng, mà còn có cả những chiến sĩ tiên phong, những
trí tuệ lớn, mang tính khai mở, những nhà giáo dục, nhà báo đặc sắc... Trước kia, đó là
25



×