Tải bản đầy đủ (.doc) (16 trang)

Một số biện pháp rèn kĩ năng viết đúng chính tả cho học sinh lớp 3

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (122.24 KB, 16 trang )

MỤC LỤC
PHẦN

TRANG

A. Mở đầu

2

1. Lí do chọn đề tài

2

2. Mục đích nghiên cứu

3

3. Đối tượng nghiên cứu

3

4. Phương pháp nghiên cứu

3

B. Nội dung

4

1. Cơ sở lí luận


4

2. Thực trạng của vấn đề nghiên cứu

6

3. Biện pháp và tổ chức thực hiện

8

C. Kết luận, kiến nghị

15

1. Kết luận

15

2. Kiến nghị

16

1


A. MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Trong hệ thống giáo dục quốc dân, bậc Tiểu học là bậc học có ý nghĩa vô
cùng quan trọng. Luật phổ cập giáo dục Tiểu học ghi: "Bậc Tiểu học là bậc học
nền tảng vì nó là bậc học đầu tiên có nhiệm vụ phải xây dựng toàn bộ nền móng

cho hệ thống giáo dục quốc dân để đặt cơ sở vững chắc cho sự phát triển toàn
diện con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa". Hội nghị Quốc tế năm 1968 cũng
đã kết luận: “Nếu đứa trẻ không đạt kết quả tốt ở bậc Tiểu học thì cũng khó tiến
bộ được trong những năm tiếp theo”. Vì vậy, hiện nay trên thế giới, các quốc gia
đều quan tâm đến giáo dục Tiểu học.
Cũng như các môn học khác, môn Tiếng Việt là môn học góp phần quan
trọng trong việc thực hiện mục tiêu đào tạo ở trường Tiểu học theo đặc trưng của
môn học. Việc dạy Tiếng Việt trong nhà trường nhằm tạo cho học sinh sử dụng
tiếng Việt văn hoá và hiện đại để suy nghĩ, giao tiếp và học tập. Thông qua việc
học Tiếng Việt, nhà trường còn rèn cho các em khả năng tư duy, phương pháp
suy nghĩ, giáo dục cho các em tư tưởng, tình cảm lành mạnh, trong sáng.
Trong chương trình Tiếng Việt Tiểu học, phân môn Chính tả có vị trí quan
trọng, nó giúp học sinh hình thành năng lực, thói quen viết đúng chính tả, nói
rộng hơn là năng lực và thói quen viết đúng tiếng Việt văn hoá, tiếng Việt chuẩn
mực. Trong khi viết phải kết hợp với đọc chuẩn để tạo cho học sinh thói quen
viết đúng, đọc đúng. Viết đúng chính tả cùng với tập viết, tập đọc, tập nói giúp
cho người học chiếm lĩnh được tiếng Việt văn hoá, là công cụ để tư duy và học
tập tốt các môn học khác, cũng như cách viết văn bản nghệ thuật, văn bản hành
chính ... Trang bị cho học sinh một số công cụ quan trọng để học tập và giao tiếp
(ghi chép, viết, đọc và hiểu bài học, bài tập...)
Mặt khác, đọc đúng, viết đúng mới phát triển được ngôn ngữ và tư duy khoa
học cho học sinh. Viết đúng chính tả còn rèn cho học sinh một số phẩm chất
như: Tính cẩn thận, óc thẩm mĩ, bồi dưỡng cho các em tình yêu tiếng Việt, yêu
tiếng mẹ đẻ ... Cách biểu thị tình cảm đó được thể hiện trong việc viết đúng có
nghĩa là không sai lỗi chính tả. Đây là vấn đề vô cùng quan trọng, nhất là đối với
học sinh Tiểu học, bởi vì giai đoạn Tiểu học là giai đoạn then chốt trong quá
trình hình thành kỹ năng chính tả cho học sinh.
Trong thực tế hiện nay, do phát âm của các vùng miền khác nhau nên kỹ
năng nói và thói quen viết đúng chính tả của học sinh Tiểu học chưa được tốt.
Với tầm quan trọng của phân môn Chính tả như tôi đã nêu ở trên, để đáp ứng

được yêu cầu mục tiêu môn học đề ra thì trách nhiệm của người giáo viên tiểu
học trong giảng dạy là không nhỏ. Thấy rõ được trách nhiệm của mình phải làm
gì để giúp các em nắm vững được quy tắc chính tả, thao tác viết nối các con chữ
cũng như độ cao, độ rộng của chúng, cách trình bày một văn bản như thế nào
cho đẹp, khoa học là cả một vấn đề tương đối khó khăn. Xuất phát từ vấn đề
thực tế dạy học, qua nghiên cứu cũng như trong quá trình giảng dạy, bản thân tôi
nhận thấy: Nhiều em còn viết chưa cẩn thận, nguệch ngoạc,..., theo mẫu chữ
hiện hành thì các em còn sai nhiều, chữ nối không liền mạch, viết hoa tùy tiện,
2


lộn xộn, độ cao của các con chữ không ổn định. Chính vì vậy, tôi đã trăn trở, suy
nghĩ, phải làm thế nào để trong mỗi giờ chính tả các em đặt bút ghi lại những
điều cô vừa đọc mà không thắc mắc: "Viết chữ tr hay chữ ch, chữ ng hay chữ
ngh...?". Dạy học phân môn Chính tả nói riêng và môn Tiếng Việt nói chung ở
lớp 3 nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nói chung cũng như tạo cho
em lòng ham mê thích thú khi học Tiếng Việt nói riêng. Bởi trên thực tế, nếu
người nói "Phát âm không chuẩn" không thể làm người nghe hiểu mình muốn gì
thì "Viết không đúng" cũng không thể diễn đạt được ý tưởng của mình cho
người khác hiểu. Đặc biệt trong chương trình phổ thông, môn Tiếng Việt là môn
"Chủ lực và trọng tâm" để có thể khai thác kiến thức các môn học khác một cách
tốt nhất.
Vì vậy để giải quyết được phần nào đó về tình trạng học sinh còn viết sai lỗi
chính tả, tôi đã đi sâu nghiên cứu tìm hiểu đề tài: "Một số biện pháp rèn kỹ
năng viết đúng chính tả cho học sinh lớp 3".
2. Mục đích nghiên cứu:
- Điều tra lỗi chính tả cơ bản thường hay mắc phải của học sinh; nguyên
nhân của các lỗi đó để tìm ra biện pháp khắc phục.
- Vận dụng các nguyên tắc dạy trong phân môn Chính tả hình thành kĩ năng
viết đúng chính tả cho học sinh nhằm nâng cao chất lượng môn Tiếng Việt.

- Nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, tích lũy thêm kinh nghiệm, giúp bản thân
và những giáo viên trong khối dạy tốt phân môn Chính tả.
- Có những ý kiến đề xuất nhằm góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy.
3. Đối tượng nghiên cứu:
- Thực trạng về lỗi chính tả phổ biến của học sinh lớp 3.
- Những giải pháp để nâng cao chất lượng dạy – học Chính tả.
4. Phương pháp nghiên cứu:
4.1. Phương pháp nghiên cứu xây dựng cơ sở lí thuyết:
Sử dụng phương pháp này khi nghiên cứu các tài liệu nói về vấn đề dạy học
phân môn Chính tả, nghiên cứu các bài viết, công trình nghiên cứu trên tập san,
tạp chí, … có liên quan đến đề tài để làm cơ sở cho việc điều tra thực trạng.
4. 2. Phương pháp điều tra khảo sát thực tế, thu thập thông tin:
Bằng các câu hỏi phỏng vấn:
- Giáo viên trực tiếp giảng dạy khối 3.
- Học sinh khối 3.
4.3. Phương pháp thống kê, xử lí số liệu:
Dùng công thức toán học tính tỉ lệ % các số liệu thu được để có sự đánh giá
đúng nhất.
Việc sử dụng các phương pháp nghiên cứu trên được thực hiện một cách
thống nhất, quan hệ chặt chẽ bổ sung lẫn nhau.

3


B. NỘI DUNG
1. Cơ sở lí luận
1.1. Cơ sở tâm lí học của việc xác lập nguyên tắc và phương pháp giảng dạy
chính tả.
Nguyên tắc dạy chính tả có cơ sở tâm lý học. Viết chữ và viết đúng không
chỉ là vận động cơ bắp mà còn là những thao tác trí óc của người viết. Kĩ năng

chính tả bao gồm các cử động phối hợp thuần thục của ngón tay, bàn tay, cổ tay,
cánh tay để sử dụng bút thực hiện đúng các chữ viết, để đảm bảo khu biệt tốc độ
viết chữ nhanh. Yêu cầu trên đây thường được giải quyết ở phân môn Tập viết,
nhưng cần tiếp tục duy trì, củng cố bền vững để đạt đến mức tự động hoá cao, có
như vậy mới tránh được những lỗi khi viết chính tả, gây lầm lẫn giữa các chữ
cái. Việc hình thành kỹ năng chính tả khẳng định vai trò của ý thức. "Sự thuần
thục của chính tả không phải là sự suy tính cần đặt những chữ cái phù hợp ở vị
trí nào" mà kỹ năng chính tả phải đạt tới mức độ tự động hoá một cách tự giác.
Mức độ thông thạo chính tả thể hiện ở việc viết đúng các chữ cái ở mọi vị trí cần
thiết của chúng, phụ thuộc vào hoạt động cơ bắp và thần kinh của các bộ phận
cơ thể trực tiếp tham gia vào hoạt động viết.
Chính tả tiếng Việt thuộc loại chính tả ngữ âm, viết chính tả chủ yếu là ghi
âm tiết, thể hiện các thành phần âm vị đoạn tính hay siêu đoạn tính trong cấu
trúc âm tiết thành chữ âm tiết. Các chữ cái là biểu hiện thính giác âm thanh,
được tiếp nhận qua thính giác lời nói. Bên cạnh của biểu tượng thính giác âm
thanh, viết đúng chính tả còn là sự tái tạo của mẫu chữ, là kỹ năng hoạt động ghi
nhớ các biểu tượng thị giác về chữ âm tiết. Biểu tượng thị giác về dạng viết có
quan hệ với nghĩa - mối liên hệ chữ - nghĩa được phản ánh trong quá trình tiếp
nhận, ghi nhớ và thể hiện bằng chữ viết.
1.2. Nguyên tắc viết chính tả.
Nguyên tắc viết chính tả dựa trên cơ sở tâm lý học và cơ sở ngôn ngữ học.
Những đặc điểm về ngữ âm và chữ viết tiếng Việt làm thành cơ sở ngôn ngữ học
của dạy chính tả. Có tác giả nêu 3 nguyên tắc chính:
+ Nguyên tắc dạy chính tả theo khu vực.
+ Nguyên tắc dạy chính tả có ý thức và chính tả không có ý thức.
+ Nguyên tắc phối hợp giữa các phương pháp tích cực và phương pháp tiêu
cực (Xây dựng cái đúng loại bỏ cái sai)
1.3. Phương pháp dạy chính tả.
Dưới đây là một số phương pháp thường dùng trong dạy chính tả:
+ Phương pháp luyện tập theo mẫu.

+ Phương pháp đàm thoại.
+ Phương pháp giao tiếp.
+ Phương pháp thảo luận nhóm.
Như vậy tâm lý học hiện đại đề cao vai trò của ý thức, phát huy tính tích cực
tự động hoá trong việc hình thành kỹ năng chính tả. Các nhà tâm lý nhấn mạnh
sự thống nhất giữa tính tự động và ý thức ở một mức độ nhất định ở kỹ năng
chính tả: "Trong nhà trường mọi công việc có liên quan đến sửa chữa lỗi đều
4


được tiến hành dựa vào sự tự giác ý thức của học sinh". Việc động viên học sinh
tiếp thu tài liệu chính tả mới càng đặc biệt quan trọng, tính tích cực đó được thể
hiện ở sự tập trung chú ý, tập trung tư tưởng cao độ của học sinh trong giờ học,
nó đánh dấu mức độ tự giác mà học sinh tiến hành. Xuất phát từ cơ sở tâm lý
học, trong dạy học chính tả cần sử dụng phương pháp thích hợp có tác dụng
khêu gợi và kích thích sự chú ý của học sinh, tích cực hoá hoạt động của học
sinh, làm cho học sinh nhận thức được đầy đủ ý nghĩa thực tiễn của việc học
chính tả.
1.4. Quy trình dạy chính tả.
* Kiểm tra bài cũ:
Học sinh nghe - viết một số từ ngữ đã được học ở bài Chính tả trước (hoặc
giáo viên nhận xét kết quả bài Chính tả tiết trước. Giáo viên chú ý tổ chức cho
cả lớp đều được làm việc (Ví dụ: một hoặc hai học sinh viết bảng lớp cả lớp viết
bảng con.)
*Dạy bài mới:
+ Giới thiệu bài: Nêu yêu cầu của tiết Chính tả.
+ Hướng dẫn chính tả.
Các hoạt động chính của giáo viên:
- Gợi ý học sinh xác định nội dung bài Chính tả (hay tập chép) và nhận xét
những hiện tượng chính tả cần lưu ý trong bài (theo SGK).

- Hướng dẫn học sinh nhận xét (phân tích, so sánh, ghi nhớ...) và tập viết các
chữ ghi tiếng khó hoặc dễ lẫn (viết bảng).
+ Hướng dẫn học sinh viết bài Tập chép (nhìn bảng, nhìn SGK), bài nhớ viết hoặc đọc cho học sinh viết bài Chính tả.
+ Chữa bài.
- Giáo viên hướng dẫn học sinh chữa bài (dùng bút chì hoặc đổi chéo vở với
bạn cùng bàn)
- Giáo viên chấm một số bài, nhận xét và nêu hướng khắc phục lỗi chính tả
trong bài.
+ Hướng dẫn học sinh làm bài chính tả âm, vần: Làm bài tập bắt buộc và
một trong các bài tập tự chọn.
+ Củng cố: Nhận xét tiết học, lưu ý những trường hợp dễ viết sai chính tả
trong bài và nêu yêu cầu tiếp tục luyện tập.
1.5. Nội dung chương trình.
*Chương trình:
Chương trình học Chính tả của lớp 3 gồm 35 tuần (Trong đó có 4 tuần dành
ôn tập là: tuần 9, tuần 18, tuần 27, tuần 35). Như vậy số tuần học Chính tả là 31
tuần. Mỗi tuần gồm 2 tiết. Một năm có 62 tiết Chính tả.
*Nội dung:
+ Chính tả đoạn, bài (viết cả đoạn hay viết một bài văn ngắn), bao gồm:
- Tập chép (nhìn - viết)
- Nghe viết.
- Nhớ - viết.
5


+ Chính tả âm, vần (viết các âm, vần dễ lẫn) bao gồm:
- Điền một âm, vần vào chỗ trống để hoàn chỉnh một tiếng
- Điền một tiếng vào chỗ trống để hoàn chỉnh một từ.
- Điền một âm, vần, một tiếng hoặc một từ vào chỗ trống để hoàn chỉnh
một câu thơ, câu văn

- Tìm trong bài đọc những tiếng chứa các âm, vần dễ lẫn
- Dựa vào nghĩa đã cho, tìm các tiếng chứa những âm, vần dễ lẫn.
2. Thực trạng của vấn đề nghiên cứu
2.1. Thực trạng dạy học
*Dạy của giáo viên:
- Giáo viên còn chịu ảnh hưởng khá nhiều tiếng địa phương nên phát âm
tiếng Việt vẫn chưa thực sự chuẩn.
- Giáo viên chuẩn bị bài lên lớp đôi lúc chưa chu đáo.
- Khi học sinh đọc, viết giáo viên chưa chú ý sửa sai kịp thời cho học sinh.
- Khâu chấm chữa bài, nhận xét cho học sinh đôi lúc chưa cẩn thận.
* Học của học sinh:
- Các em còn nói tiếng địa phương nhiều.
- Vốn từ của các em còn hạn chế.
- Đa số gia đình các em còn nghèo, cha mẹ còn lo đi làm để kiếm sống, chưa
thực sự quan tâm đến việc học tập của các em.
2.2. Thực trạng về lỗi chính tả phổ biến của học sinh.
Trong năm học 2014 – 2015, tôi được nhà trường phân công dạy lớp 3. Tôi
thấy học sinh viết sai lỗi chính tả rất nhiều. Qua nghiên cứu dự giờ đồng nghiệp
và thực trạng của lớp 3A tôi phụ trách, tôi đã phát hiện ra lỗi chính tả phổ biến
của học sinh là: Sai về phụ âm đầu và phụ âm cuối. Ngoài ra còn sai về âm đệm,
âm chính và về dấu thanh.
*Lỗi về dấu thanh:
Tiếng Việt có 6 dấu thanh (Ngang (không), huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng).
Song, phần lớn học sinh không phân biệt được thanh hỏi và thanh ngã.
Ví dụ:
Từ đúng
Học sinh viết sai
sửa xe đạp
sữa xe đạp
hướng dẫn

hướng dẩn
giữ gìn
giử gìn
dỗ dành
dổ dành
lẫn lộn
lẩn lộn
* Lỗi về phụ âm:
Do phát âm của địa phương nên học sinh lẫn lộn phụ âm đầu như: ch/tr; s/x;
d/gi/r; c/k; gh/g
Ví dụ:
+ c/k: Céo co, (kéo co); canh kua (canh cua).
+ g/gh: Ngỉ ngơi, (nghỉ ngơi); nge nhạc (nghe nhạc), nghành nghề (ngành
nghề).

6


+ch/tr: Cây che (cây tre); chiến chanh (chiến tranh); trăm học, (chăm học);
con châu (con trâu)...
+ s/x : Cây xả (cây sả), xa mạc (sa mạc), sương xớm (sương sớm)
* Lỗi âm cuối, vần :
Học sinh nhầm lẫn không phân biệt được âm cuối và một số vần.
Ví dụ:
+ at/ac- ăt/ăc - ât/âc: mác mẻ (mát mẻ), lừa gạc (lừa gạt), gặc lúa (gặt lúa),
nổi bậc (nổi bật), lấc phấc (lất phất)...
+ an/ ang, ân/ âng: cây bàn (cây bàng), bàng bạc (bàn bạc), khoai lan (khoai
lang) hụt hẫn, (hụt hẫng) ; tần lầu (tầng lầu)....
+ ên/ ênh: bấp bên (bấp bênh), nhẹ tên (nhẹ tênh), ghập ghền (ghập ghềnh),
khấp khển (khấp khểnh)...

Nhìn chung tất cả các lớp đều có hiện tượng viết sai chính tả. Đặc biệt là học
lớp nhỏ như lớp 1, 2, 3. Do các em còn nhỏ khả năng tập trung chưa cao nên bài
viết chưa sạch sẽ, chưa cẩn thận, không đúng cỡ chữ theo quy định và mắc nhiều
lỗi chính tả.
Sau khi nhận lớp đầu năm học 2014 - 2015, tôi tiến hành cho học sinh viết
bài để kiểm tra chữ viết của học sinh lớp tôi chủ nhiệm, kết quả như sau:
Tổng số học

Chữ viết

Chữ viết

Chữ viết sai ít

Chữ viết sai

sinh

đúng, đẹp

đúng, chưa

lỗi

nhiều lỗi

đẹp
31

SL

6

TL
19.3%

SL
8

TL
25.8%

SL
10

TL
32.3%

SL
7

TL
22.6%

Như vậy qua tổng hợp số liệu trên tôi nhận thấy học sinh viết sai nhiều lỗi
chính tả về phụ âm đầu, âm cuối, âm đệm, thanh điệu. Từ kết quả đó tôi thấy đây
là vấn đề cần được quan tâm, tìm ra nguyên nhân sai lỗi chính tả của học sinh để
có những giải pháp khắc phục.
2.3. Nguyên nhân sai lỗi
Qua quá trình giảng dạy nhiều năm, tôi thấy học sinh viết sai lỗi do những
nguyên nhân cụ thể sau:

+ Do cách phát âm ở địa phương khác nhau, các em nói sao, đọc sao thì
viết vậy.
+ Các em không nắm vững các quy tắc ghi âm của chữ quốc ngữ và càng
ít được biết đến "mẹo luật" chính tả cơ bản, đơn giản.
+ Giáo viên chưa tạo điều kiện cho học được nghe nhiều, viết nhiều để tạo
một thói quen viết đúng. Giáo viên chưa chú trọng đến việc dạy chính tả theo
"quy tắc chính tả", học sinh chưa hiểu nội dung ngữ nghĩa của các từ dẫn đến
phát âm sai, viết sai.
+ Ngoài những nguyên nhân trên, còn một nguyên nhân không kém phần
quan trọng là giáo viên chưa chú ý đến đặc điểm phương ngữ của từng vùng
miền.
7


3. Biện pháp và tổ chức thực hiện
Biện pháp 1: Chuẩn bị cho tiết học.
Để giúp các em học tốt phân môn Chính tả thì việc đầu tiên tôi tìm hiểu hoàn
cảnh từng học sinh và tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của từng học sinh xem các
em thiếu gì, cần gì?.... Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, tôi trao đổi với phụ
huynh nói cho họ hiểu về việc học nói chung và tầm quan trọng của chữ viết,
phân môn Chính tả nói riêng.
Trong giờ học đầu tiên của năm học, tôi thường dành thời gian cho việc
kiểm tra sách vở, đồ dùng học tập cá nhân. Mặt khác, tôi đặc biệt quan tâm giúp
các em việc mua vở, chọn bút. Loại vở 4 ly theo tiêu chuẩn, giấy trắng, dòng kẻ
rõ ràng, viết không nhoè mực, không bị trơn, không bị in sang trang khác. Loại
vở ô ly này có ô ngang và ô dọc giúp các em uốn nét thẳng, đều và viết các con
chữ g, l, y, d, b,… theo mẫu chữ hiện hành không bị đụng nhau giữa hàng trên
và hàng dưới. Bên cạnh việc chọn vở việc chọn bút cũng không kém phần quan
trọng. Hướng cho các em dùng bút nét thanh nét đậm hoặc bút chữ A, bút kim
hiệu Thiên Long. Loại bút này có ưu điểm mực chảy đều, không bị toè ngòi làm

cho ta có cảm giác thoải mái khi viết bài.
Khâu chuẩn bị đồ dùng học tập và đồ dùng giảng dạy của giáo viên phải đầy
đủ, chu đáo. Giáo viên nhắc nhở các em đem đồ dùng phục vụ giờ học gồm: Vở
ô ly, bút mực, bút chì, thước kẻ, sách giáo khoa,... Đồ dùng dạy học của giáo
viên : Bài chính tả được viết sẵn vào bảng phụ, tranh ảnh minh hoạ cho bài học.
Trước khi lên dạy, tôi luôn nghiên cứu kĩ giáo án, bám sát vào mục tiêu của bài
để xem bài đó có yêu cầu gì? Giáo viên cần truyền đạt những gì? Kiến thức cần
đạt được trong giờ học đó là gì?. Nhất là một số bài chính tả đầu tiên của lớp 3.
Tạo tâm thế cho học sinh trước khi viết bài, tức là giáo viên phải đọc thong
thả và đọc diễn cảm cả bài nhằm giúp các em có khái quát chung về bài viết làm
cơ sở cho việc viết chính tả cho học sinh. Như vậy các em sẽ tránh được những
lỗi do không hiểu những gì mình viết.
Như đã nói ở trên học sinh của lớp tôi 100% là học sinh vùng nông thôn nên
lỗi sai nhiều do tiếng địa phương. Khi dạy những bài này tôi áp dụng dạy theo
khu vực, nghĩa là nội dung giảng dạy phải sát hợp với phương ngữ. Nói cách
khác phải xuất phát từ tình hình thực tế mắc lỗi chính tả của học sinh để hình
thành nội dung giảng dạy, tôi xác định trọng điểm chính tả cần dạy cho học sinh
ở từng khu vực, từng địa phương.
Biện pháp 2: Tích cực luyện đọc và phát âm đúng:
Như chúng ta đã biết, lãnh thổ nước ta trải dài từ Bắc đến Nam, qua nhiều vĩ
độ. Trên khoảng cách đó, cách phát âm của từng vùng miền khác nhau, nhưng
không đến mức miền này nói mà miền khác không hiểu được, như trường hợp
của Trung Quốc chẳng hạn. Vì vậy chúng ta chỉ quy định chính tả chứ không
quy định chính âm. Nhìn chung người miền Bắc thường nhầm lẫn những phụ âm
đầu l/n, tr/ch; người miền Nam, miền Trung thường nhầm lẫn phụ âm cuối c/t,
n/ng, nguyên âm i/iê, thanh hỏi/thanh ngã. Ai cũng biết, phát triển văn hoá đọc
sẽ mang lại nhiều lợi ích. Ở các nước tiên tiến, họ rất chú trọng bồi dưỡng văn
8



hoá đọc cho thế hệ trẻ. Vì vậy phụ huynh học sinh nên tạo cho con em mình thói
quen đọc sách báo, giảm bớt thời gian xem ti vi, chơi game.
Như trên tôi đã nói, đọc tiếng Việt là đọc theo cách ghép vần. Do đó, học
sinh đọc như thế nào thì viết như thế ấy. Vậy làm thế nào để khắc phục tình
trạng học sinh viết sai do phát âm địa phương? Theo tôi, đọc nhiều là cách tốt
nhất để hạn chế viết sai lỗi chính tả. Đọc nhiều, người đọc sẽ nhớ mặt chữ, với
từ này phải viết thanh hỏi chứ không thể viết thanh ngã, với từ này phải viết iên
chứ không phải in, …
Qua việc sát sao học sinh ngay từ khi nhận lớp đã giúp tôi nắm được tình
hình học tập của lớp. Do nhiều nguyên nhân mà số học sinh đọc chậm, đọc chưa
thành thạo còn tương đối nhiều. Bản thân tôi cũng thấy băn khoăn "Làm thế nào
để các em viết được chính tả ?" Tôi đã suy nghĩ và đề ra cho mình hướng giúp
đỡ các em bằng cách: Tôi xác định nếu biết đọc các em mới biết viết. Biết đọc
các em mới hiểu được nội dung của từ, tiếng đó. Việc rèn phát âm cho học sinh
bắt đầu phải được thực hiện trong tiết Tập đọc và được thực hiện thường xuyên,
liên tục, lâu dài trong tất cả các tiết học như Chính tả, Luyện từ và câu, Tập làm
văn ... Chính vì vậy cứ vào 15 phút đầu giờ và vào các buổi học tôi chú ý tăng
rèn cho học sinh luyện đọc. Bước đầu chỉ yêu cầu các em đọc từ, câu, đoạn văn
và đọc cả bài. Yêu cầu khó dần đối với học sinh. Sau mỗi ngày tôi đều cho các
em cùng nhóm kiểm tra lại xem em đọc như thế nào? phát âm đã đúng yêu cầu
hay chưa? Việc viết chính tả trên lớp đối với những học sinh này vẫn cho các em
viết nhưng hình thức là nhìn chép cho kịp bài với bạn. Sau thời gian thấy em
tiến bộ thì giáo viên đọc chậm cho em viết và có thể chỉ cho em viết một phần
của bài.
Ví dụ: r và d đều xuất hiện ở các nguyên âm a, o, ô, ơ, u, ư,... nhưng học
sinh thường đọc r thành d và ngược lại nên các em viết sai:
Ví dụ: rổ/dổ; ra/da; răng/dăng...
Với những lỗi sai như vậy tôi thường giúp các em phát hiện và sửa bằng
cách: Yêu cầu các em phát âm cho chuẩn trước khi viết chữ.
Mục đích chính của rèn chính tả nghe đọc là học sinh viết đúng, viết đẹp. Để

học sinh viết đúng và đẹp, không sai lỗi thì bản thân giáo viên phải là người phát
âm to, rõ ràng, đúng, thong thả, ngắt nghỉ hợp lý. Hiểu được điều đó, tôi thường
tự rèn luyện bản thân mình để làm sao giọng không bị ngọng và cũng không
dùng quá nhiều phương ngữ.
Biện pháp 3: Phân biệt bằng nghĩa từ
Cũng như nhiều ngôn ngữ trên thế giới, từ vựng tiếng Việt có rất nhiều từ
mượn, trong đó có nhiều nhất là từ mượn tiếng Hán (khoảng 3000 yếu tố). Do
không hiểu được nghĩa của các yếu tố Hán Việt nên học sinh viết sai lớp từ này
nhiều.
Mặt khác, do phương ngữ của từng miền khác nhau, cách phát âm đôi khi
chưa thống nhất với chữ viết nên học sinh cần nắm rõ nghĩa của từ để viết cho
đúng.

9


Ví dụ: Học sinh viết “suy nghĩ” thành “suy nghỉ”. Giáo viên cần hướng dẫn
cho HS hiểu “nghỉ” có nghĩa là hoạt động bị ngừng lại, còn “nghĩ” có nghĩa là
suy xét, trù tính trong lòng. Vì vậy phải viết là “suy nghĩ”.
Việc giải nghĩa từ thường được thực hiện trong tiết Luyện từ và câu, Tập
đọc, Tập làm văn… nhưng nó cũng là việc làm rất cần thiết trong tiết Chính tả
khi mà học sinh không thể phân biệt từ khó dựa vào phát âm hay phân tích cấu
tạo tiếng.
Phân biệt bàn và bàng (trong từ đơn). Giáo viên có thể hướng dẫn phân biệt:
bàn trong từ cái bàn; bàng trong từ cây bàng.
Hoặc phân biệt Bác và bát:
Bác: anh của bố; bát: đồ dùng ăn cơm (bát đũa)
Có nhiều cách để giải nghĩa từ cho học sinh: Giáo viên có thể cho học sinh
đọc chú giải, đặt câu (nếu học sinh đặt câu đúng tức là học sinh đã hiểu nghĩa
từ), tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa, miêu tả đặc điểm hoặc sử dụng vật thật, mô

hình, tranh ảnh… với những từ nhiều nghĩa giáo viên phải đặt từ đó trong văn
cảnh cụ thể để giải nghĩa từ.
Biện pháp 4: Áp dụng nguyên tắc xây dựng cái đúng, loại bỏ cái sai
* Cung cấp cho học sinh các quy tắc chính tả, hướng dẫn học sinh thực hành
luyện tập nhằm hình thành các kỹ năng kỹ xảo. Trong khi dạy, tôi phối hợp áp
dụng cách đưa ra trường hợp viết sai chính tả hướng dẫn học sinh phát hiện sửa
chữa rồi từ đó hướng dẫn học sinh tới cái đúng. Để sửa chữa lỗi này tôi đưa ra
những đoạn văn (thơ) có những từ viết sai chính tả để học sinh tự phát hiện lỗi,
tìm hiểu nguyên nhân và sửa lại cho đúng.
Ví dụ1:
Viết sai ch/tr
Sửa lại
Quê hương là cầu che nhỏ
Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng tre
Mẹ về nón lá nghiêng che
Quê hương là đêm chăng tỏ
Quê hương là đêm trăng tỏ
Hoa cau rụng chắng ngoài thềm.
Hoa cau rụng trắng ngoài thềm.
Viết sai n/ng
Sửa lại
Cái ngủ mày ngủ cho ngoang
Cái ngủ mày ngủ cho ngoan
Để chị trải chiếu buôn màng cho em.
Để chị trải chiếu buông màn cho em.
Chổi ngoang mau quét sạch thềm
Chổi ngoan mau quét sạch thềm
Hòn bi thức đợi lim dim chân tườn.
Hòn bi thức đợi lim dim chân tường.

Ví dụ 2: Hướng dẫn các em chưa phân biệt được i/y đã biến tai thành tay,
mai viết thành may ... và ngược lại; hay các em phát âm sai âm cuối như: chải
chuốt/ chải chuốc.

10


Biện pháp 5: Ghi nhớ một số mẹo luật chính tả.
Một số hiện tượng chính tả mang tính quy luật đối với hàng loạt từ có thể
giúp HS khắc phục lỗi chính tả một cách hữu hiệu. Ngay từ lớp 1 các em đã
được làm quen với luật chính tả đơn giản như: Các âm đầu k, gh, ngh, chỉ kết
hợp với các nguyên âm: i, iê, e, ê;
Ngoài ra, giáo viên hướng dẫn cho học sinh về luật trầm - bổng: Quy luật về
dấu hỏi dấu ngã trong các từ láy (mát mẻ, vui vẻ, sạch sẽ, ...). Trong các từ láy
âm đầu, thanh (hay dấu) của 2 yếu tố thường ở cùng một hệ bổng (ngang, sắc,
hỏi) hoặc trầm (huyền, ngã, nặng). Để nhớ được 2 nhóm này, giáo viên chỉ cần
dạy cho học sinh thuộc nguyên tắc: Huyền - nặng- ngã /Ngang - sắc- hỏi . Tôi
giúp học sinh thuộc nguyên tắc này qua câu thơ dễ nhớ, dễ thuộc:
Chị huyền mang nặng ngã đau
Anh không sắc thuốc hỏi đâu mà lần.
Nghĩa là đa số các từ láy âm đầu, nếu yếu tố đứng trước mang thanh huyền,
nặng, ngã thì yếu tố đứng sau sẽ mang thanh ngã. Nếu yếu tố đứng trước mang
thanh ngang, sắc, hỏi thì yếu tố đứng sau sẽ mang thanh hỏi (hoặc ngược lại).
(Đa số các trường hợp các thanh chỉ kết hợp trong cùng một nhóm)
Ví dụ:
Bổng: Huyền + ngã: hờ hững, bình tĩnh, ầm ĩ, ...
Nặng + ngã: Đẹp đẽ, mạnh mẽ, vật vã....
Ngã + ngã: dễ dãi, nghễnh ngãng, nhõng nhẽo...
Trầm: Ngang + hỏi: vui vẻ, tre trẻ,
Sắc+ hỏi: Mát mẻ, sắc sảo, vắng vẻ...

Hỏi + hỏi: Thỏ thẻ, hổn hển, rủ rỉ...
Trong các trường hợp trên tôi khai thác tối đa phương pháp có ý thức để
trang bị cho học sinh những kiến thức về ngữ âm học, về từ vựng ngữ nghĩa học
có liên quan đến chính tả để phân loại lỗi chính tả, phát hiện đặc điểm của từng
loại lỗi, nhất là việc xây dựng các quy tắc chính tả, mẹo chính tả, giúp học sinh
ghi nhớ cách viết một cách khái quát có hệ thống. Đó là:
Khi đứng trước nguyên âm i, iê, ê, e, thì:
+ âm "cờ" được viết là k
+ âm "gờ" viết là gh,
+ âm "ngờ" viết là ngh.
Khi đứng trước nguyên âm còn lại thì:
+ âm "cờ" được viết là c
+ âm "gờ" viết là g
+ âm "ngờ" viết là ng.
Ngoài ra GV có thể cung cấp thêm cho học sinh một số mẹo luật khác như:
* Để phân biệt ch/tr: Đa số các đồ vật trong nhà và tên con vật đều bắt đầu
bằng ch. VD : chăn, chiếu, chảo, chổi, chai, chày, chén, chum, chạn, chĩnh,
chuông, chiêng, choé, chồn, chuột, chó, chuồn chuồn, châu chấu, chào mào,
chiền chiện, chẫu chàng, chèo bẻo, chìa vôi...

11


* Để phân biệt âm đầu s/x: Đa số các từ chỉ tên cây và tên con vật đều bắt
đầu bằng s. VD: sả, si, sồi, sứ, sung, sắn, sim, su su, sầu đâu, sa nhân, sậy, sấu,
sến, săng lẻ, sầu riêng, so đũa,... sam, sán, sáo, sâu, sên, sến, sò, sóc, sói, sứa,
sáo sậu, săn sắt, sư tử, sơn dương, san hô...
* Để phân biệt các vần dễ lẫn lộn :
Đa số từ chỉ trạng thái bấp bênh, không vững chắc có vần ênh: Gập ghềnh,
khấp khểnh, chông chênh, lênh đênh, bập bềnh, chếnh choáng, lênh khênh, cồng

kềnh....
* Hầu hết các từ tận cùng là ng hoặc nh là từ mô tả âm thanh: oang oang,
đùng đoàng, loảng xoảng, đoàng đoàng, sang sảng, ùng oàng, quang quác, pằng
pằng, eng éc, chập cheng, leng keng, thùng thùng, bình bịch, thình thịch, rập
rình, xập xình, huỳnh huỵch....
* Vần uyu chỉ xuất hiện trong các từ mô tả hình ảnh: khuỷu tay, khúc khuỷu,
ngã khuỵu, khuỵu chân. Vần oeo chỉ xuất hiện trong các từ ngoằn ngoèo, khoèo
chân, ngoẹo đầu.
Biện pháp 6: Vận dụng củng cố bằng các bài tập chính tả.
Phần thực hành bài tập là một phần hết sức quan trọng trong môn chính tả, vì
nó giúp cho HS biết phân biệt ngữ nghĩa của từ, phân biệt ngữ nghĩa của địa
phương.
Qua bài tập học sinh biết điền r/d/gi hoặc t/c; n/ng... vào chỗ chấm để phân
biệt chỗ chấm đó điền chữ gì là phù hợp hay bài tìm từ theo nghĩa cho sẵn để đặt
câu. Đây là dạng bài tập giúp học sinh học tốt ở phân môn Tập làm văn, Luyện
từ và câu nên khi dạy thường cho các em nắm vững từ được hệ thống từ vựng để
vận dụng và viết đúng chính tả..
Tôi hướng dẫn những học sinh hay viết sai âm cuối t/c, n/ng... bằng cách thu
thập các từ ngữ có âm cuối mà các em thường viết sai. Tôi tiến hành khảo sát
thống kê lỗi chính tả của học sinh. Tôi soạn một hệ thống bài tập "chính tả so
sánh" phân biệt âm cuối t/c; n/ng... rồi tổ chức luyện tập cho HS, tiến tới thành
thói quen viết đúng, biết phân biệt các từ ngữ có các cặp phụ âm này bằng cách:
- Khi đứng trước các nguyên âm hàng sau (o, ô, u, uô, a, ă, ơ, â, ư, ươ) thì:
+ Phụ âm đầu "cờ" được viết bằng con chữ c
+ Phụ âm đầu "gờ" được viết bằng con chữ g.
+ Phụ âm đầu "ngờ" được viết bằng con chữ ng.
- Khi đứng trước các nguyên âm hàng trước (i, ê, iê, e) thì:
+ Phụ âm đầu "cờ" được viết k
+ Phụ âm đầu "gờ" được viết bằng con chữ gh.
+ Phụ âm đầu "ngờ" được viết bằng con chữ ngh.

* Do ảnh hưởng đặc điểm tiếng địa phương, bên cạnh những lỗi viết sai âm
cuối t/c; i/y; n/ng thì học sinh còn viết sai d/r/gi. Việc giúp các em biết cách viết
như thế nào cho đúng chính tả là vấn đề cực kỳ khó.
+ Phân biệt gi và d:

12


- Gi không xuất hiện trong các âm tiết có âm đệm. Trong chữ viết, gi không
đứng trước oa, oă, uâ, oe, uê, uy (là những chữ kết của âm đệm của các chữ
chính âm).
- D xuất hiện trong các âm tiết có âm đệm. Trên chữ viết, chữ d có thể đứng
trước oa, uâ, oe, uê, uy.
Ví dụ: Viết chữ đúng: doan, duẩn, duệ, duy.
D và gi không cùng xuất hiện trong cùng một từ láy. Nếu trong từ láy có
cùng một âm tiết có nghĩa viết gi thì âm tiết thứ 2 cũng viết gi, nếu âm tiết có
nghĩa viết là d thì âm tiết kia cũng viết là d:
Ví dụ: Giặc giã; giận giỗi, giữ gìn...
Dai dẳng, dại dột, dông dài...
- Khi dạy bài chính tả "Đêm trăng trên Hồ Tây" (Tập 1-TV3) trong bài có
một số chữ khó viết và dễ sai như: Trong vắt, sóng vỗ, chiều gió với những chữ
này tôi hướng dẫn các em ghi nhớ lại cách phân tích âm tiết để viết đúng chính
tả:
+ Gió = gi + o + thanh sắc
+ Vắt = v + ăt + thanh sắc
+ Vỗ = v + ô + thanh ngã
*Hiện tượng đặt dấu thanh chưa đúng vị trí của chữ viết ở một số học sinh
cũng làm tôi thấy băn khoăn, mặc dù khi nhìn vào chữ đó người đọc vẫn đọc
được, vẫn hiểu được em đó viết từ, tiếng gì. Nhưng ở một góc độ giáo dục mà
trình bày như vậy là không đúng, không khoa học nên tôi thường nhấn mạnh cho

các em biết dấu thanh bao giờ cũng đặt trên âm chính với các dấu thanh sắc, hỏi,
ngã, nặng tôi đưa cho các em một số ví dụ để các em quan sát, so sánh để các
em nhận xét và nhận ra chữ nào đặt dấu thanh đúng, chữ nào đặt sai dấu thanh.
Ví dụ: Chữ đặt dấu thanh sai: thúy, dưá, qủa, …
- Học sinh quan sát và tìm ra vị trí đúng của dấu thanh. Sau đó cho học sinh
sửa ngay:
Ví dụ : Chữ đặt dấu thanh đúng là: thuý, dứa, quả, ...
* Một việc làm vô cùng quan trọng trong giờ Chính tả là làm thế nào để các
em không những viết đúng chính tả mà còn viết đúng theo mẫu chữ quy định
của BGD&ĐT ban hành (Theo quy định 31). Để làm được điều này, giáo viên
phải dành nhiều thời gian cho giờ tập viết và hướng dẫn các em từng li, từng tí
về độ cao, độ rộng của từng con chữ và từng nét nối giữa các con chữ, nét
khuyết của chữ. Yêu cầu các em viết đúng theo mẫu chữ cô đã viết và viết đi,
viết lại nhiều lần để các em có thói quen viết cho ngay ngắn.
Ví dụ: Trong lớp tôi có một số em khảo sát đầu năm viết chữ không đúng
quy định như : Em Lê Văn Thành, Lê Bá Khanh, Lê Văn Khánh nhưng đến thời
điểm bây giờ chữ viết của các em đã tương đối đúng quy định.
Hầu như các em (không phải riêng lớp tôi dạy) chưa biết cách trình bày một
văn bản như thế nào cho khoa học. Tuy được cô giáo hướng dẫn rồi nhưng vẫn
còn một số em không chú ý. Tôi đã khắc phục bằng cách:

13


Đối với bài thơ: Yêu cầu các chữ cái đầu dòng phải viết hoa. Thơ 6-8 chữ thì
dòng 6 lùi vào 2 ô, dòng 8 lùi vào 1 ô. Thơ 5 chữ, 7 chữ... thì cần viết thẳng
hàng với nhau, khoảng cách giữa khổ nọ và khổ kia là một dòng.
Đối với văn xuôi : Chữ đầu tiên của của đoạn viết cần lùi vào 1ô. Các chữ
cái đầu câu phải viết hoa. Trong đoạn viết nếu có tên riêng thì phải viết hoa, nếu
tên riêng nước ngoài thì cần viết hoa chữ cái đầu tiên nhưng sau mỗi chữ cần có

gạch nối. Giáo viên có thể kiểm tra bài của học đã đúng với quy định của giáo
viên hay chưa nếu chưa đúng tôi sẽ cho các em xem lại bài viết mẫu của cô đã
chuẩn bị sẵn ở nhà. Sau nhiều lần kiểm tra học sinh sẽ nắm được cách thức trình
bày một văn bản.
Bên cạnh một số vấn đề mà tôi quan tâm để giúp các em tích cực trong mọi
hoạt động là lời động viên khen ngợi của giáo viên. Một lời động viên sau khi
các em viết đúng được một từ, một câu, một đoạn văn đúng, một khổ thơ đúng
đều ảnh hưởng tốt đến tâm lý của các em. Nên trong giờ học tôi thường tạo cho
các em một không khí vui tươi thoải mái giúp các em tự tin để vươn lên.
Tóm lại: Dạy Chính tả cho học sinh lớp 3 phải xuất phát từ tình hình thực tế
mắc lỗi của học sinh ở từng vùng miền khác nhau để hình thành nội dung giảng
dạy, phải xác định được trọng điểm chính tả cần dạy cho học sinh của từng địa
phương. Giáo viên cần xác định rõ tầm quan trọng của môn học mà từ đó vận
dụng được những điều nói trên nên kết quả thu được của lớp tôi về phân môn
Chính tả tăng lên rõ rệt so với đầu năm học.
4. Kết quả :
Sau khi vận dụng những biện pháp rèn kĩ năng viết đúng chính tả cho học
sinh như trình bày ở trên, tôi đã thấy có những chuyển biến tích cực và hiệu quả.
Đa số học sinh có ý rèn luyện chữ viết khi học giờ Chính tả cũng như luyện viết
ở nhà. Cuối năm, kết quả chữ viết của học sinh đạt được như sau:
Tổng số học

Chữ viết

Chữ viết

Chữ viết sai ít

Chữ viết sai


sinh

đúng, đẹp

đúng, chưa

lỗi

nhiều lỗi

đẹp
31

SL
12

TL
38.7%

SL
14

TL
45.2%

SL
5

TL
16.1%


SL
0

TL
0%

Thấy được sự tiến bộ rõ rệt của học sinh khi áp dụng các biện pháp này, nên
năm học 2015-2016 này, tôi tiếp tục áp dụng và phổ biến cho các giáo viên trong
khối cùng thực hiện. Tôi chắc chắn rằng, với cách làm này, chất lượng chữ viết
nói riêng và chất lượng học tập của học sinh nói chung sẽ được nâng cao.

14


C. KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ
1. Kết luận.
Chính tả tuy là một phân môn nhỏ của môn Tiếng Việt nhưng nó lại chiếm vị
trí rất quan trọng trong suốt quá trình học tập của học sinh từ cấp Tiểu học cho
đến bậc Trung học, Đại học, sau Đại học và cả cuộc đời, sự nghiệp của mỗi
người. Ngoài ra, nó còn là một nhân tố quyết định chất lượng của các môn học
khác.
Có thể nói việc dạy học Chính tả là cả một quá trình lâu dài đầy khó khăn
và thách thức, muốn làm được điều đó thì người giáo viên phải kiên trì, nhẫn nại
trong khi thực hiện, phải bồi dưỡng vun đắp cho học sinh một cách đều đặn, liên
tục vì giáo viên chính là người trực tiếp dẫn dắt, hướng dẫn học sinh chiếm lĩnh
kiến thức, vả lại không phải ngày một, ngày hai mà đạt được kết quả như mong
muốn. Còn đối với học sinh thì phải chủ động, tích cực trong mỗi tiết học thì
mới mong đạt được kết quả mĩ mãn. Từ những nhận định trên cho thấy rằng việc
rèn Chính tả cho học sinh trong trường phổ thông nói chung và học sinh lớp 3

nói riêng là một trong những việc làm cấp thiết hàng đầu.
*Bài học kinh nghiệm:
- Nếu tập đọc là chuyển hóa văn bản viết thành âm thanh thì chính tả là sự
chuyển hoá văn bản dưới dạng âm thanh thành văn bản viết. Chính vì vậy, để
dạy cho học sinh viết đúng, đẹp thì việc đầu tiên đòi hỏi đó là sự nhận thức cũng
như sự chuẩn bị chu đáo từ giáo án đến đồ dùng trực quan, cách phát âm của
giáo viên. Lời nói cử chỉ hành động của giáo viên phải chuẩn mực, nhẹ nhàng
hấp dẫn thì mới lôi cuốn được người học. Người giáo viên phải nắm chắc quy
luật chính tả để dạy theo từng vùng miền. Phải biết phân biệt được vùng nào hay
sai những chữ nào, dấu thanh nào để vận dụng vào giờ dạy cho phù hợp, có như
vậy mới giúp học sinh viết đúng được.
- Phải phối kết hợp nhiều phương pháp trong một giờ học. Hiểu được
nguyên tắc phối hợp giữa các phương pháp tích cực, phương pháp tiêu cực (Xây
dựng cái đúng, loại bỏ cái sai) trên cơ sở cái sai hình thành cái đúng, cái bền
vững cho người học.
- Đây là môn học chủ yếu rèn cho học sinh thực hành vì vậy giáo viên phải
rèn cho học sinh kỹ năng nghe, đọc, viết. Chỉnh sửa kịp thời những sai sót cho
dù là sai sót nhỏ nhất
- Trong bài học cần có tính giáo dục : Giáo dục đức tính cẩn thận cho học
sinh, gọn gàng, thẩm mỹ, trình bày một bài chính tả khoa học, sạch sẽ. Giáo dục
tính tự học cho học sinh, tự tìm tòi và phát hiện ra kiến thức, có như vậy mới
đạt được mục đích của bài học.
- Giờ học cần sinh động, gây hứng thú cho học sinh. Hoạt động của giáo
viên và học sinh phải phối hợp nhịp nhàng, tạo điều kiện cho học sinh tham gia
vào bài nhiều nhất.
- Nếu lực học của học sinh trong một lớp học không đồng đều, giáo viên cần
phân loại đối tượng để dạy. Điểm tập trung nhiều nhất phải là những học sinh
còn viết sai nhiều lỗi chính tả. Những học sinh còn viết sai nhiều lỗi giáo viên
15



cần biết kết hợp những học sinh viết đúng, viết đẹp kèm cặp. Như vậy sẽ tạo
điều kiện cho cả lớp được hoạt động.
- Quan hệ thầy trò bình đẳng và gần gũi tạo bầu không khí vui vẻ trong giờ
học, động viên khích lệ học sinh khi các em học tiến bộ.
2. Kiến nghị:
* Đối với nhà trường:
- Trong những hội thi, trong giờ ngoại khoá nên có một hệ thống câu hỏi có
tác dụng nâng cao kĩ năng viết đúng chính tả cho học sinh.
- Cần tạo điều kiện về đồ dùng dạy học phong phú hơn nữa để đáp ứng được
môn học
* Đối với phụ huynh học sinh:
Cần dạy thêm cho con em ở nhà, rèn về kĩ năng đọc đúng, đọc chuẩn để rèn
thói quen viết đúng chính tả.
* Đối với giáo viên:
- Nghiên cứu kĩ bài dạy trước khi lên lớp. Chuẩn bị đồ dùng cần thiết phục
vụ giờ dạy
- Phát huy cao độ vai trò chủ thể của học sinh trong hoạt động học tập
* Đối với học sinh:
Phải có ý chí vươn lên trong học tập, không ngại khó, ngại khổ để có kết quả
học tập cao nhất.
* Trên đây là những kinh nghiệm nhỏ của tôi trong việc rèn luyện một số kĩ
năng viết đúng chính tả cho học sinh lớp 3, nhằm giúp các em áp dụng và học
tốt môn Tiếng Việt trong nhà trường, góp phần giảm tỉ lệ học sinh viết sai lỗi
chính tả, viết xấu và học sinh ngồi sai lớp, hưởng ứng phong trào "Nói không
với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục". Hy vọng cách dạy,
cách học này sẽ đem lại kết quả thiết thực: "Số lượng thật - chất lượng thật"
trong nhà trường. Tạo cho các em lòng tin và hy vọng vào tương lai phía trước.
Tuy kết quả bước đầu chưa cao lắm, nhưng với sự cố gắng của bản thân, tôi
đã tích luỹ được một số bài học thực tiễn. Rất mong được sự góp ý của Hội đồng

khoa học cùng các bạn đồng nghiệp để việc giảng dạy bộ môn Chính tả trong
nhà trường ngày càng được nâng cao, giúp học sinh học tốt hơn.
Xác nhận của Thủ trưởng đơn vị

Thanh Hóa, ngày tháng năm
2016
Tôi xin cam đoan đây là SKKN của
mình viết, không sao chép nội dung
của người khác.

16



×