Tải bản đầy đủ (.doc) (17 trang)

Vận dụng kiến thức lý luận về tình huống truyện vào giảng dạy và ôn luyện mảng truyện ngắn trong chương trình ngữ văn 11 nâng cao ở trường THPT hậu lộc i

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (227.45 KB, 17 trang )

I. Mở đầu
1. Lí do chọn đề tài
Theo quan điểm về phương pháp dạy học Ngữ văn hiện nay, dạy văn bản
văn học phải gắn liền với đặc trưng thể loại. Đây là con đường đúng đắn nhất,
gần nhất để người đọc tiếp nhận được giá trị của văn bản văn học. Như vậy, lý
thuyết về thể loại như một chiếc chìa khóa vàng để mở mọi cánh cửa của tác
phẩm văn chương. Tuy nhiên, việc áp dụng trong thực tế giảng dạy còn nhiều
bất cập, nhất là trong những tiết đọc - hiểu về văn bản truyện ngắn.
Thứ nhất, theo lý thuyết về truyện ngắn thì: “Truyện ngắn là tác phẩm tự
sự cỡ nhỏ mà nội dung thường chỉ xoay quanh một tình huống truyện chủ chốt
nào đó”[8]. Như vậy, dạy học truyện ngắn theo đặc trưng thể loại trước hết phải
bắt đầu từ tình huống truyện. Tuy nhiên lý thuyết về tình huống truyện lại không
hề được nhắc đến trong chương trình sách giáo khoa Ngữ văn THPT. Cho nên,
việc tiếp cận truyện ngắn từ khía cạnh tình huống truyện là khó khăn. Giáo viên
không có thời gian nhiều để cung cấp, giảng giải, cắt nghĩa thấu đáo về tình
huống truyện. Học sinh không có kiến thức lý luận về tình huống. Dẫn đến việc
giảng dạy tình huống truyện trong tiết đọc-hiểu văn bản truyện ngắn thực sự
chưa hiệu quả, giáo viên áp đặt kiến thức (vì không có thời gian), học sinh thụ
động trong việc tiếp thu (vì không có kiến thức lý luận). Dẫn đến giờ học nặng
nề, khó hiểu.
Thứ hai, văn bản truyện ngắn trong chương trình Ngữ văn TPHT nói
chung, trong chương trình Ngữ văn 11 nâng cao thì nhiều, nhưng những văn bản
được tiếp cận tình huống thì tương đối ít. Cách dạy truyền thống lâu nay vẫn
thường tiếp cận văn bản truyện ngắn ở khâu cơ bản nhất là nhân vật. Còn tình
huống truyện chỉ được giới thiệu ở một chừng mực nhất định trong toàn dung
lượng bài và cũng chỉ mới được nhắc đến ở một số văn bản có tình huống sắc
nét như “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân (Ngữ văn 11), “Vợ nhặt” của Kim
Lân (Ngữ văn 12), “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu (Ngữ văn
12). Trong khi đó, theo lý thuyết thì hầu hết truyện ngắn nào cũng có tình huống
truyện. Như vậy, những truyện ngắn trong chương trình chưa được khai thác tình
huống truyện là khá nhiều. Đây được xem là “một lỗ hổng kiến thức” mà người


dạy chưa phủ đầy được đối với kiểu bài học hay mà khó này.
Thứ ba, trong xu hướng ra đề kiểm tra, đánh giá hiện nay, nhất là trong các
kì thi có tính chuyên sâu như thi THPT Quốc Gia, thi chọn học sinh giỏi thì kiểu
đề bám sát đặc trưng thể loại, kiểu đề đòi hỏi sự sáng tạo của học sinh đang trở
nên phổ biến. Như vậy, kiểu đề về tình huống truyện sẽ là một trong những kiểu
đề đặc biệt được quan tâm. Mà như đã nói ở trên, “lỗ hổng” về kiến thức tình
huống truyện là điều đáng lo ngại khi các em bắt gặp phải kiều đề này.
Bên cạnh đó, đối tượng học sinh mà tôi đang giảng dạy lại học chương
trình Ngữ văn nâng cao, chuyên sâu khối D. Đây là đối tượng học sinh có tố
chất, có hứng thú học văn và đặc biệt là các em có nhu cầu kiến thức, kỹ năng
chuyên sâu để có thể vượt qua những kỳ thi quan trọng như thi THPT Quốc Gia
để vừa lấy điểm xét tốt nghiệp, vừa lấy điểm xét vào Đại học, thi chọn học sinh
giỏi các cấp... Điều này càng đòi hỏi giáo viên cần cung cấp kiến thức, kỹ năng
chuyên sâu, trong đó có vấn đề tình huống truyện cho các em.
1


Từ những lí do trên, bản thân tôi trăn trở và tìm ra giải pháp “Vận dụng
kiến thức lý luận về tình huống truyện vào giảng dạy và ôn luyện mảng truyện
ngắn trong chương trình Ngữ văn 11 nâng cao ở trường THPT Hậu Lộc 1” đối
với các lớp tôi trực tiếp giảng dạy trong năm học 2014-2015. Và khi áp dụng
sáng kiến này tôi thấy học sinh hứng thú học tập hơn, chủ động tiếp nhận tri
thức hơn và có kỹ năng đọc - hiểu văn bản hơn. Đặc biệt là kết quả các bài kiểm
tra về kiểu đề tình huống truyện đã được cải thiện hơn rất nhiều. Trên cơ sở đó,
năm học 2015-2016 tôi tiếp tục áp dụng kinh nghiệm này vào việc giảng dạy và
ôn luyện các văn bản truyện ngắn trong chương trình. Với những kiến thức và
kỹ năng đã có, học sinh đã chủ động, hứng thú trong việc tiếp cận, khai thác và
giải quyết hiệu quả các vấn đề về tình huống truyện. Đây là kết quả khả quan mà
bản thân tôi đã gặt hái được khi áp dụng sáng kiến kinh nghiệm này vào trong
quá trình giảng dạy của mình.

2. Mục đích nghiên cứu
Bản thân tôi áp dụng sáng kiến kinh nghiệm nhằm những mục đích sau:
- Cung cấp kiến thức lý luận về tình huống truyện để học sinh chủ động
tiếp cận được những giá trị của các văn bản truyện ngắn.
- Giúp học sinh nắm được nội dung, đặc điểm, ý nghĩa của tình huống
truyện trong tất cả các văn bản truyện ngắn trong chương trình.
- Giúp học sinh có kiến thức, kỹ năng để làm kiểu bài nghị luận văn học
liên quan đến tình huống truyện.
- Giúp học sinh có “chìa khóa” để khai thác tốt các văn bản truyện ngắn mà
các em tiếp cận cả trong và ngoài chương trình.
3. Đối tượng ngiên cứu
- Lý thuyết về tình huống truyện.
- Tình huống truyện trong các văn bản truyện ngắn ở chương trình Ngữ văn
11 Nâng cao, cụ thể:
+ Hai đứa trẻ của Thạch Lam
+ Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân
+ Chí Phèo của Nam Cao
+ Đời thừa của Nam Cao
4. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp phân loại và hệ thống hóa lý thuyết: Phương pháp này dùng
để phân loại, hệ thống hóa lý thuyết về tình huống truyện.
- Phương pháp phân tích: Phương pháp dùng để làm rõ tình huống truyện
trong các văn bản truyện ngắn cụ thể.
- Phương pháp thống kê, xử lý số liệu: Phương pháp này dùng để thống kê
các văn bản truyện ngắn trong chương trình, thống kê kết quả kiểm tra bài thực
nghiệm của học sinh.
II. Nội dung sáng kiến kinh nghiệm
1. Cơ sở lý luận
1.1. Quan điểm dạy học văn bản bám sát đặc trưng thể loại
Một trong những quan điểm dạy học môn Ngữ văn ở trường phổ thông

hiện nay là dạy văn bản phải bám sát đặc trưng thể loại. Dạy học bám sát đặc
trưng thể loại là việc dẫn dắt học sinh khám phá, phát hiện, phân tích các khía
2


cạnh hình thức của tác phẩm văn học nghệ thuật để rút ra ý nghĩa thẩm mỹ của
nó. Đây là một trong những phương pháp dạy học bổ sung hữu ích cho cách dạy
học truyền thống là chú trọng tới các yếu tố bên ngoài tác phẩm nhiều hơn như:
tiểu sử nhà văn, hoàn cảnh sáng tác, nguyên mẫu nhân vật, giá trị hiện thực, tác
dụng xã hội. Mỗi văn bản văn học đều có cấu trúc nội tại độc lập tương đối,
trong đó có sự chi phối của thể loại. Chính vì thế mà “Một trong những con
đường đi vào tác phẩm văn chương là nhận diện được thể loại. Đến với thơ
không giống với tự sự hay kịch...”[7].
Như vậy, dạy học bám sát đặc trưng thể loại là yêu cầu của đổi mới
phương pháp dạy học trong nhà trường phổ thông hiện nay. Đây là quan điểm
tích cực, tiến bộ giúp học sinh có khả năng chủ động, tích cực trong việc khám
phá văn bản văn học.
1.2. Thể loại truyện ngắn
a. Khái niệm:
Truyện ngắn là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ mà nội dung thường chỉ xoay quanh
một tình huống truyện chủ chốt nào đó.[8]
Như vậy điểm mấu chốt tạo nên giá trị của truyện ngắn chính là tình huống
truyện. Vì vậy, dạy học văn bản truyện ngắn không thể không quan tâm đến vấn
đề cốt truyện.
b. Về tình huống truyện trong văn bản truyện ngắn
* Khái niệm
Tình huống truyện là một khái niệm thuộc khía cạnh nghệ thuật truyện
ngắn. Theo giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh thì: “Tình huống truyện giống như một
thứ nước rửa ảnh để làm nổi hình, nổi sắc nhân vật, nổi bật vấn đề tư tưởng của
tác phẩm, sáng tạo tình huống trở thành nơi thử thách tài nghệ của nhà văn”[3].

Còn nhà văn Nguyễn Minh Châu thì cho rằng: Tình huống là “cái tình thế nảy
ra truyện”, là “lát cắt” của đời sống mà qua đó có thể thấy được cả trăm năm
của đời thảo mộc, là “một khoảnh khắc mà trong đó sự sống hiện ra rất đậm
đặc”, “khoảnh khắc chứa đựng cả một đời người, thậm chí cả một đời nhân
loại”[1]
Về khái niệm tình huống truyện, chúng ta có thể khái quát như sau: Tình
huống truyện là cái hoàn cảnh riêng được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt khiến
cho tại đó, cuộc sống hiện lên đậm đặc nhất và ý đồ tư tưởng của tác giả cũng
được bộc lộ sắc nét nhất.
* Phân loại
Theo nhà nghiên cứu Chu Văn Sơn thì có thể chia tình huống truyện theo
các tiêu chí sau:
- Về tính chất: truyện ngắn có ba dạng chính bởi chứa đựng ba dạng tình
huống truyện căn bản :
+Tình huống hành động: Là loại sự kiện đặc biệt mà trong đó nhân vật bị
đẩy tới một tình thế (thường là éo le) chỉ có thể giải quyết bằng hành động. Tình
huống này thường hướng tới một kiểu nhân vật : Nhân vật hành động. Tức là
loại nhân vật chủ yếu được hiện lên bằng hệ thống hành vi hành động của nó các
bình diện khác ít được quan tâm. Do đó nó quyết định đến diện mạo của toàn
truyện : truyện ngắn giàu kịch tính.
3


+ Tình huống tâm lý: Đó là sự kiện đặc biệt của đời sống mà ở đó nhân vật
rơi vào một tình thế làm nảy sinh một biến động nào đó trong thế giới tình cảm.
Tình huống này thường dẫn tới một kiểu nhân vật là: Con người tình cảm. Nghĩa
là kiểu nhân vật được hiện lên chủ yếu bằng thế giới nội cảm của nó nhà văn tạo
dựng nên hình tượng nhân vật chủ yếu bằng một hệ thống chất liệu là cảm giác
cảm xúc với các phức hợp khác nhau của chúng. Còn các khía cạnh khác (như
ngoại hình hành động lí tính…) ít được quan tâm. Và vì thế nó quyết định đến

diện mạo của toàn truyện :truyện ngắn trữ tình.
+ Tình huống nhận thức: Đó là sự kiện đặc biệt của đời sống mà tại đó nhân
vật được đẩy tới một tình thế bất thường : đối mặt với một bài học nhận thức bật
lên một vấn đề (về nhân sinh về nghệ thuật) cần phải vỡ lẽ giác ngộ. Kiểu nhân
vật của dạng tình huống này đương nhiên là : nhân vật tư tưởng. Nghĩa là kiểu
nhân vật được khai thác chủ yếu ở đời sống nhận thức lí tính của nó. Chất liệu
cơ bản để dệt nên nhân vật là hệ thống những quan sát phân tích suy lí đúc kết
chiêm nghiệm toan tính v.v… Mà trường hợp đậm đặc nhất là mỗi nhân vật
giống như một tư tưởng được nhân vật hoá vậy. Diện mạo của loại truyện ngắn
này cũng đương nhiên là nghiêng về triết luận.
- Về số lượng: có thể thấy truyện ngắn có hai loại :
+ Truyện một tình huống. Cả truyện ngắn chỉ xoay quanh có một tình
huống duy nhất bao trùm. Có thể nói đây là loại truyện ngắn điển hình.
+ Truyện ngắn nhiều tình huống. Cả thiên truyện được dệt từ nhiều tình
huống. Tuy nhiên trong đó chúng cũng phân vai thành chính - phụ (nghĩa là có
cái nào đó là chủ chốt) chứ không phải tất cả đều ngang hàng nhau theo lối dàn
đều. Đây là dạng truyện ngắn không thật điển hình. Chúng thường có dáng dấp
của một truyện dài thu nhỏ hơn là một truyện ngắn thực thụ.
Như vậy, cấu trúc, đặc điểm của truyện ngắn là do số lượng, tính chất của
tình huống truyện quy định. Chúng ta có thể nhận thấy vai trò của tình huống
truyện trong văn bản truyện ngắn như sau:
* Vai trò của tình huống truyện
Bàn về vai trò của tình huống truyện, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh
khẳng định: “Quan trọng nhất của truyện ngắn là tạo ra một tình huống nào
đấy, từ tình huống ấy bật nổi một bản chất tính cách nhân vật hoặc bộc lộ một
tâm trạng”[3]. Nhà văn Nguyễn Kiên cũng cho rằng: “Điều quan trọng đối với
truyện ngắn là phải lựa chọn được tình thế”[10]. Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng quan
niệm truyện ngắn phải “tạo ra các tình huống để nhân vật bộc lộ tính cách”[10].
Như vậy, từ người nghiên cứu đến người sáng tác đều thừa nhận vai trò quan
trọng của tình huống đối với sự thành công của một truyện ngắn. Chúng ta có

thể khái quát một số vai trò của truyện ngắn như sau:
+ Với văn bản truyện ngắn : nó là nhân tố tổ chức của thiên truyện. Tức là
nó bao trùm và chi phối và quyết định các thành tố khác như kiểu cốt truyện,
kiểu nhân vật nhân vật, cách bố trí cảnh vật, bố cục, kết cấu, lời trần thuật, dung
lượng,... của truyện ngắn. Như vậy, diện mạo của một truyện ngắn xét đến cùng
là do tình huống quyết định.
+ Với người viết truyện ngắn: Sáng tạo truyện ngắn trước hết là sáng tạo
tình huống truyện. nếu nhà văn đã sáng tạo được tình huống truyện rồi thì tất cả
4


những yếu tố khác theo đó mà được lựa chọn, xác lập. Đây như là một nguyên
tắc trong nghệ thuật viết truyện ngắn, là con đường dẫn đến sự thành công của
nhà văn trong hoạt động sáng tạo thể loại này.
+ Với người đọc truyện ngắn: Tình huống truyện như chiếc chìa khóa vàng
để người đọc bước vào cánh cửa của thế giới truyện ngắn. Nếu nắm được tình
huống truyện, người đọc sẽ nhìn thấy rõ được kiểu cốt truyện, kiểu nhân vật,
ngôn ngữ, cấu trúc và tư tưởng mà nhà văn thể hiện.
Như vậy, tiếp cận văn bản từ tình huống truyện là hướng đi khoa học, hiệu
quả nhất trong dạy và học truyện ngắn. Điều này không chỉ giúp học sinh hiểu
rõ được kiến thức về tình huống truyện mà từ đó làm cơ sở để khám phá những
yếu tố khác trong văn bản truyện ngắn. Tuy nhiên, việc khai thác, tìm hiểu,
khám phá truyện ngắn từ góc độ tình huống truyện trong thực tế dạy và học Ngữ
văn hiện nay vẫn chưa được sự quan tâm đúng mức. Chính vì thế mà mà đặc
trưng thể loại và giá trị của những văn bản truyện ngắn vẫn chưa được nhìn nhận
một cách sâu sắc, toàn diện.
2. Thực trạng vấn đề trước khi áp dụng sáng kiến kinh nghiệm
2.1. Đối với việc giảng dạy
Trong quá trình giảng dạy một số văn bản truyện ngắn có tình huống
truyện đặc sắc trong chương trình Ngữ văn THPT nói chung, Ngữ văn 11 Nâng

cao nói riêng, bản thân giáo viên gặp khó khăn khi đặt ra vấn đề: Tình huống
trong truyện là gì, biểu hiện, ý nghĩa của nó trong văn bản? Khó khăn bởi bản
thân học sinh không có kiến thức lý luận về tình huống truyện, hoặc chỉ hiểu mơ
màng, đại khái. Trong khi đó thời lượng dành cho mỗi bài học này là rất hạn
hẹp. Cụ thể ở chương trình Ngữ văn 11 Nâng cao, văn bản “Chữ người tử tù”
của Nguyễn Tuân được phân phối thời lượng 2 tiết (tiết 41, 42 của PPCT) bao
gồm cả đọc thêm văn bản “Vi hành” của Nguyễn Ái Quốc. Đây là thời lượng
ngắn ngủi nên giáo viên không đủ thời gian để dừng lại giảng giải một cách cặn
kẽ, thấu đáo mà chỉ có thể giảng giải những nét cơ bản nhất, khái quát nhất về lý
thuyết tình huống truyện. Chính vì vậy mà học sinh khó hiểu, khó nắm bắt vấn
đề. Cho nên thực trạng dạy học về tình huống truyện vẫn là sự áp đặt đối với học
sinh.
Bên cạnh đó, đối với những văn bản truyện ngắn khác vấn đề tình huống
truyện chưa hề được đề cập, mà theo lý thuyết thì truyện ngắn đặc sắc nào cũng
đều phải sáng tạo được tình huống truyện. Trước thực trạng đó, bản thân tôi xác
định đây là một lỗ hổng kiến thức đối với học sinh. Đồng thời kỹ năng làm bài
về kiểu đề tình huống truyện cũng chưa đực hình thành, rèn rũa một cách bài
bản. Mặt khác, việc dạy học văn bản truyện ngắn không bám vào tình huống
truyện dẫn đến những khía cạnh được khai thác trở nên rời rạc, thiếu lôgíc,
nhiều khi chỉ được cảm nhận một cách hời hợt, chủ quan, cảm tính. Từ đó mà
những giá trị nghệ thuật độc đáo của truyện ngắn không được đánh giá thỏa
đáng.
2.2. Đối với việc kiểm tra, đánh giá
Vì quan niệm dạy học văn bản phải bám vào đặc trưng thể loại cho nên các
câu hỏi kiểm tra đánh giá cũng hướng đến những khía cạnh của đặc trưng thể
loại. Vì thế mà đối với mảng truyện ngắn, kiểu câu hỏi liên quan đến tình huống
5


truyện đang được quan tâm, nhất là đối với các kì thì có tính chất chuyên sâu

như thi THPT Quốc Gia, thi học sinh giỏi... Những năm trước đây, những câu
hỏi liên quan đến tình huống truyện luôn làm học sinh bất ngờ, lúng túng dẫn
đến làm bài không tốt, kết quả không cao.
Trong quá trình dạy học, bằng sự học hỏi, tìm tòi, khám phá, tôi đã tiến
hành “Vận dụng kiến thức lý luận về tình huống truyện vào giảng dạy và ôn
luyện mảng truyện ngắn trong chương trình Ngữ văn 11 Nâng cao ở trường
THPT Hậu Lộc 1” từ năm học 2014-2015. Trải qua hai năm thực hiện liên tục,
tôi nhận thấy học sinh thực sự hứng thú, chủ động nhận diện được tình huống
truyện, từ đó nắm chắc và hiểu sâu sắc hơn về những khía cạnh khác của bài
học. Đặc biệt học sinh đã làm tốt hơn kiểu bài liên quan đến tình huống truyện.
Sau đây là những biện pháp cụ thể mà tôi đã áp dụng trong sáng kiến kinh
nghiệm của mình.
3. Các giải pháp đã áp dụng trong việc “Vận dụng kiến thức lý luận về tình
huống truyện vào giảng dạy và ôn luyện mảng truyện ngắn trong chương
trình Ngữ văn 11 Nâng cao ở trường THPT Hậu Lộc 1”
3.1 Cung cấp kiến thức lý luận về tình huống truyện cho học sinh
Vì kiến thức lí luận về tình huống truyện không được cung cấp trực tiếp
trong chương trình nên trong quá trình xây dựng kế hoạch bồi dưỡng chuyên sâu
cho học sinh tôi đã xây dựng theo các chuyên đề, trong đó có chuyên đề “Củng
cố, nâng cao kiến thức về Truyện ngắn giai đoạn 1930-1945”. Ở chuyên đề này,
buổi đầu tiên tôi dành riêng để cung cấp kiến thức lý luận về truyện ngắn, trong
đó đặc biệt đi sâu vào tình huống truyện. Việc cung cấp phần lý thuyết này được
thực hiện sau khi học song bài “Khái quát văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX
đến Cách mạng Tháng Tám 1945” (tiết 33-34 của PPCT) và trước khi học bài
“Hai đứa trẻ” của Thạch Lam (tiết 37-38 của PPCT).
Những kiến thức về tình huống cần cung cấp cho học sinh là:
- Khái niệm tình huống truyện.
- Phân loại tình huống truyện.
- Vai trò, ý nghĩa của tình huống truyện.
Sau khi cung cấp kiến thức lý thuyết tôi yêu cầu học sinh về nhà nắm lại

kiến thức và sử dụng kiến thức đó vào việc phát hiện, tìm hiểu tình huống truyện
đối với các văn bản truyện ngắn trong chương trình.
3.2. Phát hiện và phân tích tình huống truyện trong các văn bản truyện ngắn
Bản thân tôi đã mạnh dạn đưa mục tìm hiểu tình huống truyện vào phần
Đọc - hiểu của tất cả các bài học về văn bản truyện ngắn trong chương trình Ngữ
văn 11 Nâng cao. Cụ thể là ở các tiết: tiết 37-38, bài “Hai đứa trẻ” của Thạch
Lam; tiết 41-42, bài “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân; tiết 49-50, bài “Chí
Phèo” của Nam Cao; tiết 53-54, bài “Đời thừa” của Nam Cao. Vị trí áp dụng
trong bài học là mục 1 của phần II. Đọc-hiểu văn bản.
Mỗi một văn bản có một kiểu tình huống khác nhau, tuy nhiên khi giảng
dạy vấn đề này, tôi thường hướng các em đi theo môtíp sau:
- Nội dung tình huống truyện
- Kiểu tình huống truyện
- Ý nghĩa tình huống truyện
6


Và để học sinh chủ động trong việc tiếp cận kiến thức, tôi định hướng cho
học sinh cần đặt ra và trả lời những câu hỏi sau: Đâu là sự việc xảy ra không
bình thường tác động đến các nhân vật và nảy sinh các sự việc khác trong tác
phẩm? Câu hỏi này giúp học sinh xác định được nội dung tình huống truyện; Sự
việc đó tác động đến các nhân vật như thế nào? Câu hỏi này giúp học sinh xác
định được kiểu tình huống truyện; Sự việc đó có tác động như thế nào đối với
toàn văn bản truyện ngắn? Câu hỏi này giúp học sinh xác định được ý nghĩa của
tình huống truyện trong văn bản truyện ngắn đó.
Sau đây là những kiến thức cơ bản về tình huống truyện mà tôi đã định
hướng học sinh khai thác khi đọc-hiểu các văn bản truyện ngắn trong chương
trình Ngữ văn 11 Nâng cao tại các lớp mà tôi giảng dạy như sau:
a. Bài “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam
* Nội dung tình huống:

Để học sinh nhận diện được tình huống truyện trong “Hai đứa trẻ” của
Thạch Lam, tôi định hướng học sinh bằng câu hỏi “Đâu là sự việc xảy ra không
bình thường tác động đến các nhân vật và nảy sinh các sự việc khác trong tác
phẩm?
Bằng việc hiểu biết về văn bản, học sinh phát hiện sự việc xảy ra không
bình thường tác động đến các nhân vật và nảy sinh các sự việc khác trong tác
phẩm là: Việc hai chị em Liên và An đêm nào cũng thức trông hàng nhưng lí do
chính không phải để bán hàng như những nhân vật khác mà là để được nhìn
chuyến tàu đi qua phố huyện lúc nửa đêm. Chính vì thế mà nhân vật chính, Liên,
có thời gian ngồi quan sát và thể hiện những rung cảm của mình về cuộc sống và
con người nơi phố huyện nghèo nàn, buồn tẻ. Điều đó càng khiến hai chị em
khao khát, háo hức hướng vọng về đoàn tàu đêm nào cũng chạy qua phố huyện.
Đây chính là tình huống truyện của tác phẩm “Hai đứa trẻ” mà Thạch Lam đã
sáng tạo nên.
* Kiểu tình huống:
Để xác định kiểu tình huống, tôi định hướng học sinh bằng câu hỏi: Sự
việc đó tác động đến các nhân vật như thế nào?
Học sinh suy nghĩ, phát hiện: Việc thức chờ tàu từ chiều tối đến nửa đêm
khiến nhân vật Liên có thời gian ngồi ngắm cảnh, cảm nhận, suy nghĩ về thiên
nhiên, cuộc sống, con người và tâm trạng hướng vọng về đoàn tàu. Từ đó học
sinh có thể nhận diện được đây là tình huống tâm lý.
* Ý nghĩa của tình huống truyện:
Để học sinh nắm được ý nghĩa của tình huống tâm lý mà nhà văn đã sáng
tạo ra, tôi định hướng học sinh trả lời câu hỏi Tình huống đó có tác động như
thế nào đối với toàn văn bản truyện ngắn?
Học sinh suy nghĩ và rút ra ý nghĩa: Việc sáng tạo tình huống này đã góp
phần làm nổi bật cốt truyện, nhân vật, tư tưởng và phong cách nhà văn:
- Tình huống tâm lý góp phần tạo kiểu cốt truyện tâm lý, truyện không có
cốt truyện đặc biệt, truyện mà tập trung đi sâu vào thế giới tâm trạng của nhân
vật:

Thông thường, nói đến thể loại tự sự thì yếu tố “chuyện” luôn được quan
tâm. Đặc biệt, truyện ngắn thường lôi kéo người đọc bởi những tình tiết éo le, li
7


kì, giàu kịch tính. Tuy nhiên, truyện Thạch Lam nói chung và “Hai đứa trẻ” nói
riêng lại không như thế. Bằng việc xây dựng một tình huống ít tính “chuyện” đã
tạo tiền đề cho mạch vận động của toàn cốt truyện: Truyện không có gì đặc biệt,
chỉ xoay quanh những cảm nhận rất đỗi tinh tế, nhạy cảm của Liên về cảnh thiên
nhiên phố huyện lúc chiều tàn và đêm xuống, về cuộc sống lam lũ, nghèo khó,
quẩn quanh, bế tắc của những người dân phố huyện và của cả Liên và An nữa;
Điểm cao trào của truyện là cảnh hai đứa trẻ ngắm đoàn tàu chạy qua phố huyện
với tâm trạng háo hức, vui sướng và cả tiếc nuối.
Như vậy, tình huống truyện này chính là nhân tố tạo nên diện mạo truyện
ngắn “Hai đứa trẻ”: truyện ngắn trữ tình.
- Tình huống góp phần xây dựng kiểu nhân vật đậm chất Thạch Lam:
Nhân vật trữ tình, hướng nội:
Thông thường, nhân vật truyện ngắn thường được tập trung miêu tả ngoại
hình, ngôn ngữ, hành động, biến cố cuộc đời… nhưng ở đây, đặt nhân vật vào
tình thế chờ đợi, Thạch Lam tập trung đi sâu miêu tả thế giới nội tâm của nhân
vật chính Liên. Đó là một thế giới nội tâm nhẹ nhàng, tinh tế, nhạy cảm của một
cô gái mới lớn trước những chuyển động tinh vi của thời khắc ngày tàn, trước
những cảnh đời lắt lay, mòn mỏi, bế tắc và cả những mong ước không thành tên
của chính nhân vật. Từ tình huống truyện, thế giới nội tâm của Liên được khắc
họa rõ nét như sau:
Trước hết, Liên là cô bé có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế trước thiên nhiên,
cảnh vật. Đó là sự tinh tế khi quan sát sự thay đổi của cảnh vật lúc chiều tàn,
lắng nghe những âm thanh của buổi chiều quê vọng lại, cảm nhận một nỗi buồn
man mác khó hiểu. Liên không chỉ nhìn mà còn cảm nhận thấy cả mùi của sự
đói nghèo, cơ cực nơi phố huyện... Rồi khi đêm buông xuống thì Liên quan sát

thật kỹ tương quan giữa ánh sáng và bóng tối, quan sát tất cả những gì có thể
nhìn thấy và cả cảm nhận được những gì sảy ra trong đêm tối. Có thể thấy, tuy
còn nhỏ nhưng Liên đã có một tâm hồn đa cảm, tinh tế.
Đặc biệt, Liên còn là cô bé có tấm lòng trắc ẩn, vị tha, giàu lòng thương
người. Đó là sự động lòng thương đối với những đứa trẻ con nhà nghèo đang đi
lại nhặt nhạnh những gì còn xót lại có thể dùng được của phiên chợ nghèo. Đó là
sự cảm thông và ái ngại cho cuộc đời cụ Thi điên đang lảo đảo chìm dần trong
đem tối. Đó là sự quan tâm, đồng cảm, xót xa đối với cuộc đời lam lũ, vất vả của
mẹ con chị Tí, với nỗi nhọc nhằn của bác Siêu, sự bất hạnh của gia đình bác
Xẩm. Tất cả những con người nghèo khổ nơi phố huyện hiện lên thật cụ thể.
Mỗi người một số phận, một cảnh đời được Liên cảm nhận và thấu hiểu thật sâu
sắc. Đây chính là vẻ đẹp đáng trân trọng đối với nhân vật của Thạch Lam
Nhưng có lẽ, vẻ đẹp tâm hồn mà Thạch Lam muốn tô đậm ở nhân vật Liên
là khát vọng vượt thoát, ước mơ về một cuộc sống tươi đẹp, có ý nghĩa. Điều đó
được thể hiện qua tâm trạng đợi tàu của hai chi em Liên. Đối với hai đứa trẻ,
việc được nhìn thấy những hình ảnh mới lạ, sống động có lẽ là bình thường.
Nhưng ở đây, đoàn tàu không phải lần đầu đi qua mà đêm nào cũng đi qua phố
huyện. Và dù tàu chạy qua phố huyện rất khuya, dù chẳng bán được là bao, song
đêm nào hai đứa trẻ cũng cố thức để đợi tàu. Và đêm nào cũng vậy, hai đứa trẻ
8


cũng đón đợi đoàn tàu với tâm trạng háo hức, sung sướng và cả sự nuối tiếc khi
chuyến tàu đi qua.
Như vậy, toàn bộ tác phẩm “Hai đứa trẻ” tập trung làm nổi bật thế giới nội
tâm của Liên xoay quanh tình huống đợi tàu. Từ tình huống này, cái “sự” chỉ là
cái cớ để nhân vật bộc bạch tâm trạng, cảm xúc trước thiên nhiên, cuộc sống và
con người. Đây cũng là cách nhà văn bày tỏ tư tưởng của mình một cách tự
nhiên mà sâu sắc nhất.
- Tình huống góp phần làm nổi bật chủ đề tư tưởng của tác phẩm: Qua

thế giới nội tâm của nhân vật Liên, nhà văn gửi gắm tấm lòng đồng cảm, xót
thương da diết đối với những kiếp người nhỏ bé, vô danh, trân trọng những vẻ
đẹp và khát vọng của những con người lao động. Đồng thời qua cảnh đợi tàu
Thạch Lam gửi gắm đến người đọc những thông điệp giàu giá trị nhân văn: Con
người không được chấp nhận sống trong “ao đời bằng phẳng” mà phải luôn mơ
ước, khát vọng và nỗ lực vượt thoát khỏi sự tù túng, bế tắc, vươn đến ánh sáng
và tương lai. Đây chính là giá trị tạo nên sức sống lâu bền cho tác phẩm.
- Tình huống truyện góp phần tạo nên phong cách truyện ngắn của
Thạch Lam: Truyện không có cốt truyện, truyện mà như thơ, truyện mà lấy chất
liệu chính là thế giới nội tâm nhân vật, ngôn ngữ truyện nhẹ nhàng, sâu lắng, trữ
tình.
Như vậy, qua việc phân tích tình huống của truyện ngắn, học sinh có thể
cảm nhận được sự chi phối của tình huống truyện đến toàn bộ các yếu tố của tác
phẩm, tạo nên giá trị đặc sắc cho truyện ngắn “Hai đứa trẻ”. Đồng thời qua đó
học sinh cũng thấy được việc phân tích tình huống truyện cũng đồng thời mở ra
tất cả các yếu tố khác trong tác phẩm. Việc tìm hiểu các yếu tố đó chỉ là sự chi
tiết hóa thêm mà thôi.
Từ việc tìm hiểu tình huống truyện trong văn bản “Hai đứa trẻ” của Thạch
Lam, tôi tiếp tục định hướng cho học sinh khai thác tình huống truyện ở những
văn bản truyện ngắn tiếp theo. Sau đây tôi chỉ xin khái lược lại nội dung cơ bản
đã triển khai trong các bài học còn lại:
b. Bài “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân
* Nội dung tình huống: Cuộc gặp gỡ đầy oái oăm giữa những con người
đặc biệt: Huấn Cao, một tử tù nguy hiểm nhưng là người nghệ sĩ tài hoa, có nhân
cách; Quản ngục kẻ có quyền lực tối cao nơi nhà tù nhưng lại say mê chữ của
Huấn Cao. Xét trên bình diện xã hội thì Huấn Cao và Quản ngục là những kẻ đối
địch. Song xét trên bình diện nghệ thuật thì Huấn Cao và Quản ngục lại là những
người tri kỷ, là tín đồ của cái đẹp. Như vậy đây là tình huống gặp gỡ đầy oái
oăm, khó xử đối với cả hai nhân vật. Tình huống này đặt nhân vật vào tình thế
phải lựa chọn cách ứng xử với nhau như thế nào cho phù hợp. Và thông qua

cách ứng xử đó, vẻ đẹp của các nhân vật được thể hiện, chủ đề tư tưởng được
bộc lộ rõ nét.
* Kiểu tình huống: Tình huống hành động.
* Ý nghĩa: Việc sáng tạo tình huống này đã góp phần làm nổi bật cốt
truyện, nhân vật, tư tưởng và phong cách nhà văn:
- Góp phần tạo kiểu cốt truyện giàu kịch tích: Cốt truyện xoay quanh diễn
biến cuộc gặp gỡ đầy căng thẳng giữa Huấn Cao và Viên quản ngục tại nhà giam
9


tử tù. Cuộc gặp gỡ diễn ra hai giai đoạn: Ban đầu, Huấn Cao chưa nhận ra vẻ
đẹp con người Quản ngục nên “khinh bạc đến điều”; Về sau, khi hiểu được sở
nguyện cao quý của quản ngục, Huấn Cao xúc động, đồng cảm và cho chữ nhân
vật này trước khi ra pháp trường. Như vậy, câu chuyện bắt đầu bằng cuộc kỳ ngộ
và kết thúc bằng cuộc hạnh ngộ đầy cảm động.
- Góp phần làm nổi bật vẻ đẹp của các nhân vật trong tác phẩm thông
qua thái độ ứng xử và hành động với nhau:
+ Huấn Cao: là người nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật thư pháp, người có
khí phách hiên ngang và có thiên lương trong sáng, nhân cách cao đẹp.
+ Quản ngục: Là người có tâm hồn nghệ sĩ, có tấm lòng “biệt nhỡn liên
tài”, là “thanh âm trong trẻo” giữa chốn ngục tù đầy những cái xấu, cái ác.
- Góp phần làm nổi bật được chủ đề tư tưởng của tác phẩm: ca ngợi
những nhân cách đẹp; ca ngợi, bất tử hóa, khẳng định thiên chức của cái đẹp
trong đời sống; thể hiện quan điểm thẩm mỹ của Nguyễn Tuân; thể hiện lòng
yêu nước thầm kín thông qua thái độ yêu mến, ngợi ca nghệ thuật thư pháp, một
thú chơi tao nhã của dân tộc => Tác phẩm mang giá trị nhân văn sâu sắc.
- Góp phần thể hiện phong cách nghệ thuật của nhà văn: Truyện lãng
mạn, giàu giá trị nhân văn; nhân vật là những người khí phách, tài hoa, nhân
cách đẹp; cốt truyện hấp dẫn, giàu kịch tính; ngôn ngữ góc cạnh, giàu tính tạo
hình => Vẻ đẹp tài hoa, uyên bác

c. Bài “Chí Phèo” của Nam Cao
Dựa vào lý thuyết tình huống truyện, học sinh có thể nhận ra truyện xoay
quanh nhiều tình huống, cụ thể:
* Tình huống 1:
- Nội dung tình huống: Chí Phèo vốn là người lương thiện bỗng nhiên bị
đẩy đi ở tù và biến thành kẻ lưu manh. Đây là biến cố chi phối toàn bộ tính cách,
hành động của Chí Phèo khi trở về làng Vũ Đại.
- Kiểu tình huống: Tình huống hành động.
- Ý nghĩa:
+ Tạo kiểu cốt truyện hành động giàu kịch tính. Đó là cuộc sống của Chí
Phèo gắn liền với những cuộc đâm thuê, chém mướn, những chạm chán nảy lửa,
những mâu thuẫn căng thẳng không thể hòa giải.
+ Góp phần làm nổi bật quá trình lưu manh, tha hóa của Chí Phèo: Một
điển hình mang tính quy luật của một bộ phận cố nông dưới sự bóc lột tàn bạo
của bọn cường hào, địa chủ ở nông thôn Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám.
+ Góp phần làm nổi bật chủ đề tư tưởng của nhà văn: thể hiện cảm quan
hiện thực sắc sảo, nhạy bén của nhà văn Nam Cao đồng thời thấy được cái nhìn
thấu hiểu, cảm thông của ông đối với số phận nhân vật.
* Tình huống 2:
- Nội dung tình huống: Chí Phèo gặp Thị Nở khi hắn đang trượt dài trên
con đường tội lỗi. Cuộc gặp gỡ ấy đã tạo ra một bước ngoặt lớn cho cuộc đời
của Chí Phèo.
- Kiểu tình huống: Tình huống tâm lý.
- Ý nghĩa:
+ Thúc đẩy cốt truyện phát triển mang tính chủ quan của nhà văn.
10


+ Góp phần làm nổi bật quá trình hoàn lương, tỉnh ngộ của Chí Phèo.
+ Giúp nhà văn thể hiện được tài năng phân tích tâm lý nhân vật sắc sảo,

thể hiện được chủ nghĩa nhân đạo ăn sâu trong cốt tủy: Niềm tin tưởng sắt đá
vào bản chất lương thiện của con người, ca ngợi khả năng cảm hóa của tình
thương.
* Tình huống 3:
- Nội dung tình huống: Chí Phèo đang trên đường hoàn lương và đặt niềm
tin vào Thị Nở thì bất ngờ bị Thị Nở cự tuyệt tình yêu. Đây là tình huống bi đát
đẩy Chí Phèo rơi vào bi kích đau đớn: bị cự tuyệt quyền làm người.
- Kiểu tình huống: Tình huống tâm lý, tình huống hành động.
- Ý nghĩa:
+ Thúc đẩy cốt truyện kịch tích, phù hợp với quy luật khách quan của mâu
thuẫn đặt ra trong truyện.
+ Góp phần làm nổi bật bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người đầy đau đớn
của Chí.
+ Góp phần lựa chọn cách kết thúc tác phẩm phù hợp.
+ Góp phần thể hiện tài năng miêu tả tâm lý, tài năng dựng truyện, cảm
quan hiện thực sắc sảo và tư tưởng nhân đạo mới mẻ của Nam Cao.
Qua đó học sinh cảm nhận được diện mạo của truyện ngắn này khá đặc
biệt: dung lượng dài (có dáng dấp của truyện vừa), xoay quanh nhiều biến cố
cuộc đời nhân vật, yếu tố khách quan đan xen yếu tố chủ quan một cách nhuần
nhuyễn. Như vậy, số lượng, kiểu tình huống truyện đã tác động đến cấu trúc, giá
trị nội dung, nghệ thuật của toàn tác phẩm.
d. Bài “Đời thừa” của Nam Cao
* Nội dung tình huống: Việc nhân vật Hộ, một nhà văn có tài, có khát
vọng văn chương cao đẹp, có tình thương, dang tay cứu vớt, lấy Từ làm vợ đã
đẩy anh vào thế xung đột giữa việc thực hiện khát vọng và việc lo toan gánh
nặng cơm áo. Đây là tình thế đẩy Hộ dần rơi vào bi kịch tinh thần đau đớn, dai
dẳng. Từ tình huống này, cốt truyện, nhân vật, tư tưởng và phong cách nhà văn
được thể hiện rõ nét.
* Kiểu tình huống: tình huống tâm lý.
* Ý nghĩa của tình huống truyện:

- Góp phần tạo kiểu cốt truyện tâm lý: Cốt truyện xoay quanh diễn biến
tâm lý của nhân vật Hộ trong tấn bi kịch tinh thần dai dẳng, nặng nề không thể
thoát ra được.Đây cũng là một trong những kiểu cốt truyện tâm lý khá điển hình
của Nam Cao khi viết về đề tài người trí thức nghèo trước cách mạng Tháng
Tám.
- Góp phần làm nổi bật nhân vật chính, Hộ, kiểu nhân vật trí thức được
khám phá sâu ở bi kịch tinh thần.
+ Đó là bi kịch của một nhà văn có tài, có tâm, có nguyên tắc và khát vọng
văn chương cao đẹp nhưng phải sống cuộc đời thừa, vô nghĩa, thui chột tài năng
vì gánh nặng cơm áo “ghì sát đất”-> Hộ ý thức sâu sắc được bi kịch của một kẻ
sống thừa, sống vô nghĩa.

11


+ Đó còn là bi kịch của người lấy tình thương làm nguyên tắc sống cao nhất
nhưng lại vi phạm thô bạo vào nguyên tắc của chính mình -> Hộ đau đớn nhận
ra sự tàn nhẫn, tha hóa của mình trước vợ con.
+ Hai bi kịch này không tách rời mà chuyển hóa trong nhau, không thể loại
trừ. Bi kịch này là nguyên nhân dẫn đến bi kịch kia. Chúng giằng kéo, xô đẩy
khiến Hộ triền miên sống trong cảm giác tội lỗi và nhất là bi kịch củ kẻ sống
thừa, sống vô nghĩa, vô giá trị.
- Góp phần làm nổi bật được chủ đề tư tưởng của tác phẩm: Phản ánh đời
sống cơ cực, có nguy cơ bị tha hóa của tấng lớp trí thức nghèo trước Cách mạng,
phê phán hiện thực xã hội đen tối, ngột ngạt, tàn nhẫn bóp chết mơ cao đẹp, đẩy
con người ta đến con đường cùng, hủy hoại và xói mòn nhân cách của con
người; Đồng cảm, xót thương trước số phận của người trí thức nghèo trước Cách
mạng; Thể hiện những khát vọng cao đẹp, ước mơ đổi đời của người nghệ sĩ.
- Góp phần thể hiện phong cách nghệ thuật của nhà văn: Kiểu cốt truyện
tâm lý, thường đi sâu vào phân tích tâm lý nhân vật; xây dựng kiểu nhân vật tư

tưởng, tiêu biểu cho đề tài viết về người trí thức nghèo trước Cách mạng, ngôn
ngữ đậm chất triết lý, lối hành văn già dặn, lúc thâm trầm khi sục sôi nhiệt
huyết.
Trên đây là những nội cơ bản mà tôi đã định hướng học sinh phát hiện và
đánh giá tình huống truyện trong các tiết học về văn bản truyện ngắn ở chương
trình Ngữ văn 11 nâng cao. Còn việc phân tích cặn kẽ phải phụ thuộc vào mức
độ chuyên sâu của từng đối tượng học sinh cụ thể.
2.3.3. Đề thực nghiệm
Trong quá trình giảng dạy các văn bản truyện ngắn, tôi cũng đã tiến hành
ra đề kiểm tra đánh giá về vấn đề tình huống truyện vừa để các em củng cố kiến
thức và rèn kỹ năng về kiểu bài. Sau đây tôi xin giới thiệu đề kiểm tra và đáp án
mà tôi đã cho các em làm bài tại lớp như sau:
a. Đề bài:
Bàn về truyện ngắn, giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh cho rằng: “Tình huống
truyện giống như một thứ nước rửa ảnh để làm nổi hình, nổi sắc nhân vật, nổi
bật vấn đề tư tưởng của tác phẩm, sáng tạo tình huống trở thành nơi thử thách
tài nghệ của nhà văn”.
Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng rõ điều đó qua việc
phân tích tác phẩm “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam?
b. Hướng dẫn chấm:
b1. Yêu cầu về kỹ năng:
- Biết cách làm một bài văn nghị văn học.
- Bố cục bài làm rõ ràng, kết cấu hợp lý. Hình thành và triển khai ý tốt.
- Diễn đạt suôn sẻ. Không mắc lỗi dùng từ và ngữ pháp.
b2. Yêu cầu về kiến thức: Đảm bảo được các bước cơ bản sau:
Ý
Nội dung
Điểm
1 * Mở bài: Dẫn dắt, nêu vấn đề, trích dẫn ý kiến, định hướng nghị 0,5
luận.

2 * Thân bài
1,5
- Giải thích ý kiến: Đây là cách nói so sánh để nhấn mạnh vai trò, tác
12


dụng của tình huống truyện trong truyện ngắn.
+ Nếu nước rửa ảnh là một chất liệu không thể thiếu trong nghệ thuật
nhiếp ảnh, dùng để làm nổi hình ảnh được chụp lại trong phim thì
tình huống truyện cũng là yếu tố không thể thiếu được trong nghệ
thuật viết truyện ngắn. Tình huống có vai trò làm nổi bật đặc điểm
nhân vật, nổi rõ chủ đề tư tưởng của tác phẩm.
+ Bên cạnh đó ý kiến còn khẳng định tài năng của nhà văn viết
truyện ngắn trước hết thể hiện ở việc sáng tạo tình huống truyện.
=> Ý kiến khẳng định đánh giá ý nghĩa, vai trò quan trọng của tình
huống truyện cũng như yêu cầu của nhà văn trong việc sáng tác
truyện ngắn. Đây là một ý kiến đúng đắn, làm nổi bật được đặc trưng
cơ bản của thể loại, có ý nghĩa quan trọng đối với cả người viết và
người đọc truyện ngắn.
- Bình luận, phân tích:
+ Giới thuyết về tình huống truyện: Khái niệm, phân loại, vai trò,
dẫn chứng minh họa.
+ Tình huống truyện trong “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam:
++ Nội dung tình huống:
Việc hai chị em Liên và An đêm nào cũng thức trông hàng nhưng lí
do chính không phải để bán hàng như những nhân vật khác mà là để
được nhìn chuyến tàu đi qua phố huyện lúc nửa đêm. Chính vì thế mà
nhân vật chính, Liên, có thời gian ngồi quan sát và thể hiện những
rung cảm của mình về cuộc sống và con người nơi phố huyện nghèo
nàn, buồn tẻ. Điều đó càng khiến hai chị em khao khát, háo hức

hướng vọng về đoàn tàu đêm nào cũng chạy qua phố huyện. Đây
chính là tình huống truyện của tác phẩm “Hai đứa trẻ” mà Thạch
Lam đã sáng tạo nên.
++ Kiểu tình huống: Tình huống tâm lý -> Làm nổi bật kiểu cốt
truyện tâm lý và nhân vật trữ tình, hướng nội, kiểu nhân vật đặc trưng
trong truyện ngắn Thạch Lam.
++ Ý nghĩa của tình huống truyện:
+++ Tình huống truyện làm nổi hình, nổi sắc nhân vật Liên, kiểu
nhân vật trữ tình, hướng nội. Từ tình huống truyện, thế giới nội tâm
của Liên được khắc họa rõ nét như sau:
.) Liên là cô bé có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế trước thiên nhiên, cảnh
vật.
.) Liên còn là cô bé có tấm lòng trắc ẩn, vị tha, giàu lòng thương
người.
.) Liên là cô bé có khát vọng vượt thoát, ước mơ về một cuộc sống
tươi đẹp, có ý nghĩa.
=> Như vậy, toàn bộ tác phẩm “Hai đứa trẻ” tập trung làm nổi bật
thế giới nội tâm của Liên xoay quanh tình huống đợi tàu. Từ tình
huống này, cái “sự” chỉ là cái cớ để nhân vật bộc bạch tâm trạng, cảm
xúc trước thiên nhiên, cuộc sống và con người. Đây cũng là cách nhà
văn bày tỏ tư tưởng của mình một cách tự nhiên mà sâu sắc nhất.

6.0

13


++ Tình huống góp phần làm nổi bật chủ đề tư tưởng của tác phẩm:
Qua thế giới nội tâm của nhân vật Liên, nhà văn gửi gắm tấm lòng
đồng cảm, xót thương da diết đối với những kiếp người nhỏ bé, vô

danh, trân trọng những vẻ đẹp và khát vọng của những con người lao
động. Đồng thời qua cảnh đợi tàu Thạch Lam gửi gắm đến người đọc
những thông điệp giàu giá trị nhân văn: Con người không được chấp
nhận sống trong “ao đời bằng phẳng” mà phải luôn mơ ước, khát
vọng và nỗ lực vượt thoát khỏi sự tù túng, bế tắc, vươn đến ánh sáng
và tương lai. Đây chính là giá trị tạo nên sức sống lâu bền cho tác
phẩm.
++ Tình huống truyện góp phần tạo nên phong cách truyện ngắn
của Thạch Lam: Truyện không có cốt truyện, truyện mà như thơ,
truyện mà lấy chất liệu chính là thế giới nội tâm nhân vật, ngôn ngữ
truyện nhẹ nhàng, sâu lắng, trữ tình -> Gương mặt riêng không thể
lẫn lộn của phong cách Thạch Lam trên văn đàn
- Đánh giá chung:
1.5
+ Đánh giá lại ý kiến của Nguyễn Đăng Mạnh: đúng đắn, sâu sắc làm
nổi bật đặc trưng thể loại.
+ Từ ý kiến đó, rút ra yêu cầu chung đối với nhà văn viết truyện ngắn
và đối với người đọc viết truyện ngắn.
3 * Kết bài: Khát quát lại toàn bộ vấn đề đã triển khai.
0,5
Đứng trước đề văn này, nếu không có kiến thức lý luận về tình huống truyện thì
học sinh sẽ khó có thể giải quyết được. Tuy nhiên, được cô cung cấp, rèn luyện
trong quá trình dạy học, học sinh không còn thấy khó khăn mà giải quyết một
cách nhẹ nhàng yêu cầu đề bài, đạt kết quả cao. Kết quả thực nghiệm trong hai
năm cụ thể như sau:
Năm học
Lớp
Sĩ số Điểm dưới 5 Điểm 5->7 Điểm 8 trở lên
2014-2015
11A6

42
1
37
4
2015-2016
11A7
46
0
40
6
2.4. Hiệu quả của việc vận dụng sáng kiến kinh nghiệm trong giảng dạy
a. Đối với bản thân
Là giáo viên Ngữ văn đứng lớp nhiều năm nhưng từ khi vận dụng kiến
thức lý luận về tình huống truyện vào giảng dạy thể loại truyện ngắn, bản thân
tôi nhận thấy thực sự tự tin với việc dạy của mình bởi những kiến thức về bài
học được khai thác bài bản hơn, khoa học và sâu sắc hơn. Đồng thời tôi cũng
thấy hài lòng với kết quả học tập mà học sinh đã đạt được. Đây chính là cơ sở để
tôi tiếp tục sẽ áp dụng sáng kiến kinh nhgiệm này cho những năm học tiếp theo.
b. Đối với học sinh
Qua quá trình giảng dạy, kiểm tra đánh giá bản thân tôi nhận thấy học sinh
đã có kỹ năng phát hiện và đánh giá tình huống truyện trong các văn bản truyện
ngắn. Các em chủ động, tích cực và thực sự hứng thú với bài học chứ không còn
thụ động như trước nữa. Đặc biệt những bài kiểm tra về kiểu đề tình huống
truyện đề được cải thiện rõ rệt.
14


Bên cạnh đó, việc hiểu biết sâu sắc kiến thức lý luận về tình huống truyện
như là chiếc chìa khóa để các em tự tin, chủ động trong việc mở cánh cửa
truyện ngắn, là cơ sở vững chắc để khai thác các yếu tố khác như kết cấu cốt

truyện, nhân vật, chủ đề tư tưởng của văn bản. Với những kiến thức và kỹ năng
nữu ích này, tôi tin rằng, những giờ học về truyện ngắn sẽ là những giờ học bổ
ích, lý thú đối với các em.
III. Kết luận và kiến nghị
Việc vận dụng kiến thức lý luận về tình huống truyện vào giảng dạy mảng
truyện ngắn trong chương trình Ngữ văn THPT là một việc làm phù hợp với
quan điểm dạy học Ngữ văn hiện nay ở trường phổ thông. Trong quá trình thực
hiện bản thân tôi nhận thấy đây là cách làm hiệu quả giúp học sinh tích cực, chủ
động trong chiếm lĩnh kiến thức, hứng thú hơn khi chính bản thân các em khám
phá ra cái hay cái nghệ thuật của từng văn bản. Hơn nữa, đây cũng là bước
chuẩn bị vững chắc, để các em có thể “đương đầu” với các kì thi quan trọng,
nhất là kì thi THPT Quốc Gia với nhiều đổi mới trong cách ra đề như hiện nay.
Việc vận dụng kiến thức lý luận về tình huống truyện vào giảng dạy mảng
truyện ngắn trong chương trình Ngữ văn THPT không phải là việc làm mới song
chưa thực sự đồng bộ và toàn diện. Vì vậy bản thân tôi mong muốn cần có
những chỉ đạo cụ thể trong việc áp dụng đồng bộ nội dung này trong việc dạy và
học truyện ngắn ở trường THPT để các em chủ động hơn trong tiếp nhận văn
bản, đồng thời có kiến thức đầy đủ, toàn diện để bước vào những kì thi quan
trọng của đời học sinh. Bên cạnh đó, chương trình sách giáo khoa Ngữ văn (nếu
có thay đổi) nên đưa tiết học về Lí luận văn học lên đầu chương trình cũng như
bổ xung thêm kiến thức lý luận về thể loại để các em nắm vững và áp dụng
trong các bài học cụ thể.
Với những chia sẻ này, tôi rất mong nhận được sự ủng hộ, đóng góp ý kiến
của bạn bè đồng nghiệp để tôi bổ sung, hoàn thiện sáng kiến kinh nghiệm của
mình thêm sâu sắc, khoa học hơn. Tôi xin chân thành cảm ơn!
XÁC NHẬN CỦA THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ

Thanh Hóa, ngày 5 tháng 6 năm 2016
Tôi xin cam đoan đây là SKKN của
mình viết, không sao chép nội dung của

người khác.
Người viết sáng kiến kinh nghiệm:

Nguyễn Thị Doan

15


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Minh Châu (1994), Trang giấy trước đèn, NXB KHXH, Hà Nội.
2. Hà Minh Đức (chủ biên) (2006), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
3. Nguyễn Đăng Mạnh, Truyện ngắn hôm nay (đăng trên báo Văn nghệ, số 48,
ngày 30/11/1991),
5. Phan Trọng Luận (Tổng chủ biên) (2007), Ngữ văn 11 (tập 1), Nxb Giáo dục,
Hà Nội.
6. Phan Trọng Luận (Tổng chủ biên) (2008), Ngữ văn 12 (tập 2), Nxb Giáo dục,
Hà Nội.
7. Phan Trọng Luận (2008), Tiếp cận đồng bộ tác phẩm văn chương, trong cuốn
Hướng dẫn thực hiện chương trình sách giáo khoa lớp 12, Nxb Giáo dục, Hà
Nội.
8. Chu Văn Sơn, Chuyên đề Truyện ngắn, Tài liệu dạy lớp Cao học.
9. Trần Đình Sử, (Tổng chủ biên) (2007), Ngữ văn 11Nâng cao (tập 1), Nxb
Giáo dục, Hà Nội.
10. Bùi Việt Thắng (1999), Bình luận truyện ngắn, NXB VH, H., tr.42-43.

16


MỤC LỤC
Trang

I. Mở đầu..............................................................................................................1
II. Nội dung sáng kiến kinh nghiệm.....................................................................3
2.1. Cơ sở lý luận.................................................................................................3
2.2. Thực trạng vấn đề trước khi áp dụng sáng kiến kinh nghiệm.......................5
2.3. Các giải pháp đã áp dụng trong việc vận dụng kiến thức ….........………...6
2.4. Hiệu quả của việc vận dụng sáng kiến kinh nghệm trong giảng dạy..........14
III. Kết luận và kiến nghị....... ............................................................................15
TÀI LIỆU THAM KHẢO..................................................................................16

17



×