Tải bản đầy đủ (.doc) (18 trang)

Hướng dẫn học sinh lớp 10 đọc hiểu ca dao theo đặc trưng thể loại

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (121.39 KB, 18 trang )

MỤC LỤC
CẤU TRÚC CỦA SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM
Mục lục
A. Mở đầu
I. Lí do chọn đề tài
II. Mục đích nghiên cứu
III. Đối tượng nghiên cứu
IV. Phương pháp nghiên cứu
B. Nội dung sáng kiến kinh nghiệm
I. Cơ sở lí luận
II. Về thực trạng đọc – hiểu ca dao ở lớp 10 -THPT
III. Hướng dẫn học sinh lớp 10 đọc- hiểu chùm ca dao than

TRANG
1
2
2
2
2
2
2-15
2-6
6-7
7-14

thân, yêu thương, tình nghĩa theo đặc trưng thể loại
IV. Hiệu quả đạt được
C. Kết luận, kiến nghị
- Kết luận
- Kiến nghị
Tài liệu tham khảo



15
15
15
15
17

A/ MỞ ĐẦU
I. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI
Ca dao là viên ngọc quý trong kho tàng văn học dân gian của nước ta, là
bầu sữa ngọt ngào nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ người Việt Nam. Có thể nói,
ca dao xưa mà không cũ. Các nhà thơ nổi tiếng xưa nay đều hút mật từ ca dao
viết nên những vần thơ lay động lòng người.

1


Trong chương trình ngữ văn THPT, ở lớp 10, người biên soạn đã dành một
thời lượng khá lớn cho học sinh đọc - hiểu ca dao. Điều đó đã chứng tỏ được
tầm quan trọng của ca dao trong nền văn học nước nhà cũng như trong việc bồi
dưỡng tâm hồn, tư tưởng, tình cảm thẩm mĩ cho trế hệ trẻ.
Nhưng dạy ca dao vừa dễ lại vừa khó: dễ làm cho học sinh hiểu được nội
dung cơ bản nhưng khó cho học sinh thấy được cái hay cái đẹp, sức hấp dẫn
riêng biệt của ca dao, khó làm cho học sinh say mê, hứng thú. Điều đó khiến cho
bản thân tôi cùng không ít đồng nghiệp luôn trăn trở.
II. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU:
- Giúp học sinh lớp 10 đọc – hiểu ca dao một cách hiệu quả hơn. Từ đó,
giúp các em cảm nhận được cái hay, cái đẹp của ca dao.
- Giáo dục cho các em biết yêu quý, có ý thức gìn giữ và trân trọng di sản
văn học mà nhân dân lao động bao đời nay đã để lại cho chúng ta.

III. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU: Ca dao Việt Nam.
Trọng tâm nghiên cứu : ca dao than thân yêu thương tình nghĩa, gồm những
bài ca dao được chọn dạy và học trong chương trình Ngữ Văn lớp 10 – tập 1,
Ban cơ bản.
IV. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU :
- Tìm hiểu đối tượng học sinh mà mình áp dụng sáng kiến
- Khảo sát thực tế về việc dạy và học ca dao trong trường THPT nơi bản thân
đang trực tiếp giảng dạy.
- Tìm hiểu, nghiên cứu về đặc trưng của ca dao.
- Tìm tòi, học hỏi các phương pháp tiếp cận ca dao.
- Tìm hiểu kĩ càng các bài ca dao thuộc chủ đề than thân, yêu thương, tình
nghĩa trong chương trình văn 10 để có phương pháp tiếp cận phù hợp
B/ NỘI DUNG
I.CƠ SỞ LÍ LUẬN
Văn học là một môn nghệ thuật. Dạy văn là dạy một loại hình nghệ thuật. Vì
vậy phải khám phả thế giới nghệ thuật đó bằng những quy luật nghệ thuật của
chính nó. Có nhiều thể loại văn học và mỗi thể loại bao giờ cũng có những đặc
trưng riêng. Mỗi văn bản văn học thường thuộc về một thể loại nhất định. Theo
đó, khi tiếp cận, đọc - hiểu một văn bản văn học nào đó, trước hết chúng ta phải
xuất phát từ đặc trưng thể loại. Mỗi thể loại, đòi hỏi một cách tiếp cận, khám
phá riêng. Không thể đem cách tiếp cận tác phẩm thuộc thể loại này để áp dụng
cho tác phẩm thuộc thể loại khác.
Trong hoạt động đọc - hiểu ca dao cũng vậy, phải xuất phát từ đặc trưng
của ca dao. Xét về mặt thể loại, ca dao thuộc thể loại “thơ” nhưng đặc trưng của
2


ca dao vừa có yếu tố của “thơ’ lại vừa không phải là “thơ” ( “thơ” ở đây được
hiểu là thơ của văn học viết).Vì vậy, muốn hoạt động đọc - hiểu ca dao đi đứng
hướng, đạt hiệu quả cao chúng ta phải có sự tìm hiểu, nghiên cứu kĩ càng về

đối tượng, đặc biệt phải nắm vững đặc trưng thể loại, xuất phát từ đặc trưng thể
loại của ca dao để để định hướng phương pháp đọc - hiểu tốt nhất.
1. Khái quát về ca dao
Là sáng tác tập thể của dân gian, ca dao diễn tả đời sống tâm hồn tư tưởng
tình cảm của nhân dân lao động trong nhiều mối quan hệ: lứa đôi, gia đình, quê
hương, đất nước. Có nhiều bài ca dao trữ tình đằm thắm ngọt ngào, có những bài
ca dao than thân xót xa, cay đắng, lại có những bài ca dao hài hước thể hiện tinh
thần lạc quan của người lao động.
Ca dao có nguồn gốc từ dân ca. Trong hàng ngàn lời ca, câu hát ấy, một bộ
phận lời ca có giá trị mĩ học được nhiều người yêu thích đã chuyển chức năng
thể loại thành ca dao.
Ca dao được lưu truyền bằng hình thức truyền miệng, tồn tại trong đời sống
thực của nó chứ không tồn tại trên văn bản được ghi lại. Ca dao luôn có sự gắn
bó với cội nguồn của nó là dân ca và môi trường diễn xướng sinh động, đa
dạng.
Là sáng tác của nhân dân lao đông, ca dao được tạo nên do những yếu tố
nghệ thuật mang tính dân gian rất rõ. Tính dân gian chính là nét khu biệt giữa
ca dao và thơ, là điều tạo nên vẻ đẹp đặc sắc của ca dao mà thơ không có. Nếu
vẻ đẹp của thơ in dấu ấn cá tính sáng tạo và phong cách của người nghệ sĩ thì vẻ
đẹp của ca dao lại hòa tan trong cộng đồng
Ca dao có những đặc điểm nghệ thuật riêng. Lời ca dao thường ngắn, phần
lớn đặt theo thể lục bát hoặc lục bát biến thể, ngôn ngữ gần với lời ăn tiếng nói
hằng ngày, giàu hình ảnh so sánh, ẩn dụ, có lối diễn đạt bằng một số công thức
mang đậm sắc thái dân gian. Trong đó, đáng chú ý là tư duy nghệ thuật dân
gian đã tạo ra hệ thống mô típ, những hệ thống hình ảnh biểu tượng trong ca
dao , điều mà trong thơ không hề có. Vì vậy, phải đặt bài ca dao cần tìm hiểu
trong hệ thống mô típ đó thì mới thấy hết giá trị mỹ học và hàm lượng ngữ
nghĩa của nó, từ đó mà hiểu sâu, hiểu đúng văn bản ca dao.
2. Cách tiếp cận, đọc- hiểu ca dao
Cũng xuất phát từ đặc trưng thể loại của ca dao, có rất nhiều nhà nghiên

cứu văn học dân gian, nhà giáo đã dày công nghiên cứu về phương pháp đọchiểu ca dao.

3


Trong công trình Mấy vấn đề phương pháp giảng dạy nghiên cứu văn học
dân gian, PGS Hoàng Tiến Tựu đã đưa ra mô hình tiếp cận và giảng dạy một bài
ca dao gồm 9 khâu – bước sau đây :
“1. Bài ca dao ra đời trong hoàn cảnh và trường hợp nào ? (vấn đề xác
định hoàn cảnh lịch sử, cái “khung” thời gian của tác phẩm).
2. Bài ca dao được lưu hành sớm nhất và nhiều nhất ở vùng nào? ( Vấn đề
xác định quê hương gốc và địa bàn lưu hành chủ yếu của tác phẩm).
3. Bài ca dao thuộc thể loại nào ? (Vấn đề xác định đặc trưng thể loại và
tiểu loại của nó).
4. Chủ thể nhân vật trữ tình của bài ca dao là gì? Hay bài ca dao là tiếng
nói của ai ? Người ấy như thế nào ? ( Vấn đề xác định chủ thể và nhân vật trữ
trình trong phần lời và sự biểu diễn, sử dụng thực tế của bài ca dao).
5. Đối tượng trữ tình của bài ca dao là gì ? Hay bài ca dao là lời trao đổi,
bày tỏ với ai ? Người ấy như thế nào? (Vấn đề xác định đối tượng trữ tình trực
tiếp hay gián tiếp, chung hoặc riêng của mỗi bài ca dao).
6. Nội dung của bài ca dao là gì ? Hay bài ca dao nói về những điều gì ?
(Vấn đề xác định nội dung truyền đạt phô diễn của bài ca dao).
7. Chủ đề của bài ca dao là gì ? Hay vấn đề chủ yếu mà tác giả bài ca dao
muốn nói là gì ? (Vấn đề phân tích chủ đề của bài ca dao. Thường phải tìm hiểu
đầy đủ nội dung của tác phẩm mới xác định đúng được).
8. Hình thức nghệ thuật của bài ca dao như thế nào ? Hay bài ca dao phô
diễn tâm tư, tình cảm bằng những phương pháp, phương tiện và thủ thuật như
thế nào ? .
9. Bài ca dao có còn mỗi liên hệ gì đối với cuộc sống và tâm tư tình cảm
của nhân dân hiện nay và mai sau hay không ? Mối liên hệ ấy như thế nào, nếu

có ? ( Vấn đề ý nghĩ và giá trị hiện đại của bài ca dao cổ về mặt nội dung cũng
như mặt nghệ thuật
Trong công trình Phân tích tác phẩm văn học dân gian, PGS Đỗ Bình Trị
trong phần Ca dao, cũng đã nêu lên “7 công việc phân tích ca dao” :
“1. Lưu ý về tình hình dữ liệu ca dao.
2. Định hướng phân tích nội dung.
3. Xác định chủ thể trữ tình.
4. Đưa bài ca dao vào hệ thống của nó.
5. Tập trung khai thác “trung tâm sáng tạo” của bài ca dao.
6. Kết hợp phân tích và khơi gợi.
7. Tìm tòi nhiều hướng hiểu, xác định một hướng hiểu bài ca dao”

4


Từ 9 khâu – bước của PGS Hoàng Tiến Tựu và 7 công việc phân tích ca
dao của PGS Đỗ Bình Trị, nhóm nghiên cứu của PTS Nguyễn Xuân Lạc đã khái
quát lại thành mô hình hướng dẫn học sinh tiếp cận một bài ca dao trong nhà
trường theo 4 bước sau đây :
Bước 1: Hướng dẫn học sinh tìm hiểu những yếu tố nằm ngoài văn bản, bài
ca dao nhưng lại giúp ích cho việc hiểu bài ca dao :
1. Xác định xuất xứ bài ca dao :
- Thời gian, hoàn cảnh xuất hiện.
- Không gian ra đời và lưu truyền.
2. Những vấn đề liên quan đến bài ca dao:
- Hệ thống dị bản – Hệ thống môtíp
- Môi trường diễn xướng, các làn điệu dân ca.
- Sinh hoạt văn hóa dân gian.
Bước 2. Định hướng thẩm mỹ, hướng dẫn học sinh tìm ra “trung tâm sáng
tạo” hay là cái tứ của bài ca dao :

1. Xác định chủ thể, nhân vật trữ tình, đối tượng trữ tình của bài ca dao
( câu ca là lời của ai và ai là người đang cùng trò chuyện – có thể chỉ là người
trong tâm tưởng, hoặc con vật, đồ vật, cây cối…)
2. Đưa bài ca dao vào hệ thống của nó:
- Hệ thống lối hát
- Hệ thống chủ đề
- Hệ thống mô thức câu mở đầu hoặc nhóm từ đầu câu mở đầu.
- Hệ thống tỉ dụ hoặc ẩn dụ.
- Hệ thống kết cấu v.v…
3. Định hướng thẩm mỹ đối với bài ca dao :
- Định hướng phân tích nội dung
- Định hướng khai thác nghệ thuật.
4. Hướng dẫn học sinh tìm ra “trung tâm sáng tạo” hay cái tứ của bài ca
dao :
- Đó là cái “thần”, chỗ “có vấn đề” của bài ca dao mà ý – tình – sự kết hợp
hài hòa thành hình ảnh và cảm xúc thẩm mỹ.
- Là linh hồn của bài ca dao làm nên vẻ đẹp riêng biệt độc đáo của nó.
Bước 3: Từ định hướng thẩm mỹ, hướng dẫn học sinh tiến hành phân tích
bài ca dao trong sự kết hợp giữa những yếu tố trong văn bản và những yếu tố
ngoài văn bản :
1. Tập trung vào “trung tâm sáng tạo” bài ca dao.
2. Phân tích trong sự kết hợp :

5


- Các yều tố trong văn bản ngôn từ bài ca dao.
- Các yếu tố nằm ngoài văn bản bài ca dao
(Chú ý tính dân gian của các yếu tố trong văn bản ngôn từ bài ca dao, và mối
quan hệ giữa các yếu tố trong văn bản với các yếu tố ngoài văn bản).

Bước 4: Tổng hợp chung, đánh giá bài ca dao ( giáo viên hướng dẫn để học
sinh tham gia đánh giá bài ca dao) :
1. Giá trị nội dung tư tưởng
2. Giá trị nghệ thuật
3. Các giá trị khác (nếu có) như giá trị lịch sử, giá trị hiện đại
4. Có thể nêu thêm những hướng hiểu, cách hiểu khác về bài ca dao để gợi
cho học sinh suy nghĩ.
Từ việc tìm hiểu đặc trưng của ca dao, các cách tiếp cận, đọc hiểu một bài
ca dao của các nhà nghiên cứu văn học dân gian, kết hợp với thực tiễn giảng
dạy, tôi nhận thấy việc hướng dẫn học sinh đọc- hiểu ca dao cần phải xuất phát
từ thi pháp ca dao, theo đặc trưng thể loại là phù hợp và hết sức cần thiết. Tuy
nhiên, mô hình nói trên chỉ là bộ khung chung.Với những tác phẩm nghệ thuật
đặc biệt như ca dao, người dạy không nên cứng nhắc, cần phải linh hoạt và uyển
chuyển.
II.. VỀ THỰC TRẠNG ĐỌC – HIỂU CA DAO Ở LỚP 10 - THPT ( qua tìm
hiểu của bản thân và trao đổi với đồng nghiệp )
Thực tế, trong những năm gần đây, ca dao không còn có sức hút mạnh mẽ
đối với học sinh. Những giờ đọc hiểu ca dao đôi khi rơi vào tình trạng nhàm
nhạt và đơn điệu. Thứ nhất là do chúng ta dạy và học theo kiều đơn giản hóa.
Thứ hai là do cách tiếp cận chưa phù hợp, chưa chú ý đến đặc trưng thể loại.
Đặc trưng của ca dao vừa có yếu tố của “thơ” lại vừa không phải là “thơ”(thuật
ngữ “thơ” ở đây hiểu theo nghĩa là thơ của văn học viết) . Thế nhưng nhiều khi
chúng ta lại tìm hiều một bài ca dao như một tác phẩm thơ của văn học viết.
Chính điều đó đã làm cho học sinh không hiểu được một cách thấu đáo, làm
giảm đi rất nhiều sức hấp dẫn đặc biệt của ca dao, không khơi gợi được hứng thú
cho học sinh. Từ đó, dẫn đến giờ học không đạt hiệu quả như mong muốn.
III. HƯỚNG DẪN HỌC SINH ĐỌC ĐỌC HIỂU CHÙM CA DAO THAN
THÂN, YÊU THƯƠNG, TÌNH NGHĨA THEO ĐẶC TRƯNG THỂ LOẠI.
Hướng dẫn học sinh đọc hiểu bài ca dao:
“Thân em như tấm lụa đào


6


Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai?”
Tôi đã tổ chức cho học sinh đọc - hiểu theo hệ thống câu hỏi và các nội
dung cần đạt sau đây :
1. Đọc diễn cảm bài ca dao, tìm hiểu bài ca dao được ra đời trong hoàn
cảnh nào? Đó là lời than của ai?
Bài ca dao ra đời trong xã hội phong kiến – một xã hội còn nhiều quan niệm
lạc hậu, hủ tục nặng nề: trọng nam khinh nữ, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy …
vv…Trong xã hội ấy, người phụ nữ thường phải chịu nhiều thiệt thòi, cay
đắng, nhất là trong chuyện tình yêu, hôn nhân, cuộc sống tương lai.
Bài ca dao trên là lời than của người phụ nữ trong xã hội phong kiến
2. Đọc bài ca dao, em có hình dung gì về bối cảnh trực tiếp sản sinh ra
văn bản?
Bài ca dao có thể được khởi nguồn từ trong như những công việc lao động
quen thuộc của người phụ nữ ngày xưa với một không gian thật gần gũi, chân
thực và sinh động: người con gái ngồi quay tơ, dệt lụa. Nhìn những tấm lụa óng
ả, mềm mại do bàn tay khéo léo của mình tạo ra mà bỗng liên tưởng đến số phận
cuộc đời của người phụ nữ. Thường những người bình dân xưa hay gửi gắm tâm
tư tình cảm của mình ngay trong cuộc sống sinh hoạt, lao động thường ngày.Ban
đầu là lời than thở của một người. Nhưng sau đó, nó được mọi người tiếp nhận,
đồng sáng tạo,dần dần nó trở thành tiếng lòng chung của những người phụ nữ.
thành tiếng nói chung của cả cộng đồng.
3. Vậy tại sao người phụ nữ xưa lại ví mình với tấm lụa đào? Hãy phân
tích biện pháp so sánh được sử dụng trong bài ca dao ? Qua đó, em có cảm
nhận gì về phẩm chất và thân phận của người phụ nữ?
Người phụ nữ được ví như “tấm lụa đào”. Hình ảnh “tấm lụa đào” gợi lên
vẻ đẹp từ chất liệu đến màu sắc. Lụa là thứ vải được dệt nên từ chất liệu tơ tằm

đẹp nhất, bóng sáng và mềm dịu nhất. Tấm lụa ấy lại được nhuộm màu hoa đào
nên càng quý giá và đẹp đẽ. Nhưng tấm lụa ấy không được nâng niu cất giữ mà
ở trạng thái “phất phơ giữa chợ”, bị đem ra rao bán, cho thiên hạ ngắm nhìn,
khen chê, trả giá…Tấm lụa đào trở thành đối tượng sở hữu của bất kì người nào
có nhu cầu mua bán. Nó không có quyền lựa chọn mình sẽ thuộc về ai.
Qua hình ảnh so sánh và câu hỏi tu từ “biết vào tay ai”, người bình dân xưa
đã gửi gắm, chia sẻ với chúng ta rất nhiều điều. Ở đây, người phụ nữ đã ý thức
rất rõ vẻ đẹp, tuổi xuân và giá trị của mình. Nhưng tuổi xuân, sắc đẹp và phẩm
hạnh… cũng không đủ để đảm bảo cho hạnh phúc tương lai. Số phận của người
phụ nữ trong xã hội phong kiến thật chông chênh, mong manh. Điều đó đã trở

7


thành nỗi ám ảnh đối với người phụ nữ ngay cả khi họ đang ở độ tuổi đẹp nhất
của cuộc đời. “Biết vào tay ai? ”, câu hỏi tu từ chứa đựng biết bao lo lắng về
thân phận bị phụ thuộc, nổi nênh, bấp bênh của người phụ nữ trong xã hội xưa.
4. Có một hệ thống bài ca dao mở đầu bằng từ ‘thân em”, được xem như
là lời chung của người phụ nữ trong xã hội cũ. Em hãy đọc một số bài ca dao
có công thức mở đầu nêu trên?
Có cả một chùm ca dao lấp lánh nhiều sắc màu viết về thân phận người phụ
nữ trong xã hội cũ đều mở đầu bằng từ “thân em’, với nghệ thuật biểu đạt bằng
hình ảnh so sánh vô cùng phong phú, đa dạng:
- “Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày”
- “Thân em như hạt mưa rào
Hạt rơi xuống giéng, hạt vào vườn hoa”
- “Thân em như miếng cau khô
Kẻ thanh tham mỏng, người thô tham dày”
- “Thân em như giếng giữa đàng

Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân”
-“Thân em như nước giếng trong
Để cho bèo tấm, bèo ong lọt vào
- ‘Thân em như chổi đầu hè
Phòng khi mưa gió đi về chùi chân”
Tất cả những bài ca dao trên đều nói về thân phận bị phụ thuộc, mỏng
manh, nổi nênh của người phụ nữ. Tuy nhiên, mỗi bài , tác giả dân gian lại sử
dụng hình ảnh so sánh khác nhau, gợi ra những nét đặc sắc riêng.
5. Tiếp nối mạch cảm nghĩ về thân phận người phụ nữ được cất lên trong
ca dao, nhà thơ Hồ Xuân Hương đã có bài thơ nổi tiếng nào cũng bắt đầu
bằng từ “thân em”?
Đồng cảm với số phận người phụ nữ trong xã hội xưa và chắt lọc được
những tinh hoa từ ca dao, nữ sĩ Xuân Hương đã khắc họa rõ nét hơn thân phận,
nỗi niềm của người phụ nữ trong tiếng thơ đầy bản sắc của bà, tạo nên một
tiếng nói chung, mạch tiếp nối giữa văn học dân gian và văn học viết qua bài
thơ: “Bánh trôi nước”
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son”

8


6. Từ những tìm hiểu, khám phá nêu trên, em hãy đưa ra những nhận
định đánh giá chung về bài ca dao?
- Về giá trị nội dung tư tưởng:
Bài ca dao là tiếng lòng của người phụ nữ : ý thức được giá trị đích thực của
mình, người phụ nữ càng ngậm ngùi, xót xa cay đắng cho thân phận bị phụ
thuộc, mỏng manh, bấp bênh, không có quyền quyết định cho hạnh phúc tương

lai của giới mình. Tâm hồn người bình dân mộc mạc, chân chất mà vô cùng sâu
sắc.
- Về giá trị nghệ thuật:
+ Bài ca dao ngắn gọn, súc tích, ngôn từ giản dị, hình ảnh so sánh gợi cảm,
gần gũi với cuộc sống hàng ngày
+ Được đặt theo thể lục bát, dùng công thức mở đầu thường gặp trong ca dao.
 Nhìn chung, nghệ thuật biểu hiện đậm đà sắc thái dân gian.
Hướng dẫn học sinh đọc hiểu bài ca dao:
“ Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi xuống đất
Khăn thương nhớ ai
Khăn vắt lên vai
Khăn thương nhớ ai
Khăn chùi nước mắt
Đèn thương nhớ ai
Mà đèn không tắt
Mắt thương nhớ ai
Mắt ngủ không yên
Đêm qua, em những lo phiền
Lo vì một nỗi không yên một bề”
Tôi đã hướng dẫn học sinh đọc - hiểu theo hệ thống câu hỏi và nội dung
cần đạt sau đây :
1. Hãy đọc diễn cảm bài ca dao. Bài ca dao trên là lời của ai ? Diễn tả
tình cảm gì ?
Bài ca dao là lời của cô gái. Đây là lời bày tỏ tình cảm nhớ thương trong
tình yêu đôi lứa. Đó là nỗi nhớ thương đến tan chảy cả nỗi lòng nhưng không tự
bộc lộ một cách buông tuồng, dễ dãi.

9



2. Để diễn tả tình cảm nhớ thương trong tình yêu, tác giả dân gian đã sử
dụng thủ pháp nghệ thuật nào ?( đây là thủ pháp rất đặc trưng của ca dao ).
Hãy phân tích giá trị biểu đạt của biện pháp nghệ thuật đó?
Tác giả dân gian đã sử dụng các hình ảnh mang tính biểu tượng : khăn, đèn,
mắt để diễn tả tâm trạng của nhân vật trữ tình. Trong đó, khăn, đèn được miêu tả
theo cách nhân hóa còn mắt được miêu tả theo cách hoán dụ. Khăn, đèn, mắt
chính là biểu tượng cho nỗi niềm của người con gái đang yêu. Tình cảm thiết
tha, rạo rực trong lòng được thể hiện một cách kín đáo, ý nhị. Cô gái hỏi khăn,
đèn, mắt chính là cô đang tự hỏi lòng mình.
Mỗi hình ảnh biểu tượng lại có những nét đặc sắc riêng, gợi nên những sắc
thái tình cảm khác nhau.
a. Vì sao chiếc khăn được hỏi đầu tiên và hỏi nhiều nhất trong bài ca
dao ? Hình ảnh chiếc khăn được miêu tả như thế nào ? Qua đó, gợi lên được
những trạng thái tình cảm gì của cô gái ?
.Hình ảnh chiếc khăn được nhắc đến đầu tiên và được hỏi nhiều nhất, xuất
hiện liên tiếp sáu lần ở vị trí mở đầu các dòng thơ.
Trong những câu hát giao duyên, khăn hay được nhắc đến bởi nó là vật thể
quen thuộc thường quấn quýt bên người con gái: khi đội đầu, khi chùi nước mắt,
khi để làm duyên. Chiếc khăn còn là vật giao duyên, kỉ niệm, thay lời ước hẹn.
Chiếc khăn trở thành một biểu tượng quen thuộc trong ca dao:
- “Gửi khăn, gửi áo, gửi lời
Gửi đôi chàng mạng cho người đàng xa”
- “Nhớ khi khăn mở trầu trao
Miệng cười chỉ nụ biết bao nhiêu tình”
- “Ước gì anh hóa ra hoa
Để em nâng lấy rồi mà cài khăn”
Trong bài ca dao, “Khăn thương nhớ ai” lặp đi lặp lại như một điệp khúc
nhằm khắc sâu ấn tượng về nỗi nhớ triền miên, da diết như những đợt sóng trào
dâng.

Khăn được miêu tả ở nhiều trạng thái với sự vận động trái chiều nhau; “rơi
xuống đất”, “vắt lên vai”, “chùi nước mắt”
-> Qua đó, diễn tả thật sinh động nỗi nhớ bồn chồn, da diết, tâm trạng
ngổn ngang trăm mối tơ vò. Nhớ đến mức không làm chủ được cả bước đi dáng
đứng. Nỗi nhớ cứ rừng rực trong lòng, cố nén lại mà vẫn không sao ngăn được
dòng nước mắt khóc thầm. Nỗi nhớ có không gian trải ra nhiều chiều, quanh
quất ở mọi hướng, giăng mắc ở khắp nơi khiến con người không thể đứng yên.

10


b. Hình ảnh ngọn đèn được miêu tả như thế nào? Yếu tố nào tạo nên nét
đặc sắc riêng cho hình ảnh biểu tượng này ?
Khác với hình ảnh chiếc khăn, ngọn đèn được miêu tả ở một trạng thái duy
nhất: “đèn không tắt”
Ngọn đèn không tắt gợi hình ảnh con người đang trằn trọc thâu đêm trong
nỗi nhớ thương đằng đẵng. Ngọn đèn không tắt cũng như ngọn lửa tình yêu luôn
rực cháy trong trái tim người con gái, thể hiện một tình yêu nồng cháy, sự chờ
đợi bền bỉ thủy chung, nỗi nhớ nhung da diết.
c. Giữa hình ảnh “đèn không tắt” và “mắt ngủ không yên” có mối quan
hệ gì với nhau ? Trạng thái “mắt ngủ không yên” có giá trị biểu cảm như thế
nào ?
Ở trên là “đèn không tắt”, bây giờ là “mắt ngủ không yên”. Vì người thao
thức không ngủ được nên ngọn đèn mới không tắt . Sự kết nối giữa hai hình
tượng thơ thật tự nhiên và ý nghĩa.
Nếu như khăn và đèn được nhân hóa để gián tiếp nói lên nỗi niềm của cô
gái thì giờ đây, dường như cô đã không kìm lòng được nữa, cô đã trực tiếp hỏi
chính lòng mình. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Qua đôi mắt để gửi gắm nối nhớ,
tình yêu là rất tinh tế và gợi cảm. Nhạc sĩ Xuân Hồng cũng đã từng viết nên câu
hát:

“Đời đã cho em đôi mắt màu đen
Để thương, để nhớ, để ghen, để hờn”.
Trạng thái“mắt ngủ không yên”: cho ta hình dung về người con gái đang
thao thức thâu đêm trong nỗi nhớ thương trằn trọc, khắc khoải không yên. Tình
yêu đang rực cháy trong tim, nỗi ưu tư còn nặng trĩu, vừa nhắm mắt, hình ảnh
người thương lại hiện ra thì hỏi làm sao mà ngủ được?
Tình cảm nhớ thương vốn rất khó hình dung nhưng ở đây tác giả dân gian
đã diễn tả một cách hết sức tinh tế, sinh động với nhiều sắc thái, cung bậc khác
nhau . Sự lựa chon hình tượng để biểu đạt tâm trạng thật hợp lí, nhất quán. .
3. Bên cạnh hình ảnh thì âm điệu, nhịp điệu của lời thơ cũng góp phần
diễn tả tâm trạng. Em có nhận xét gị về âm điệu và nhịp điệu của bài ca dao
này?
- Sáu dòng thơ đầu với ưu thế là thanh bằng gợi cảm giác nhe nhàng,nỗi nhớ
thương bâng khuâng, đậm màu sắc nữ tính,
- Mười dòng thơ trên : làm theo thể thơ bốn chữ. Câu thơ ngắn, nhịp nhanh,
những câu hỏi dồn dập, liên tiếp gợi nỗi nhớ bồn chồn, da diết khắc khoải
không yên.

11


- Hai dòng thơ cuối làm nên một cặp câu lục bát, âm điệu dàn trải, tràn ra
nỗi niềm lo âu mênh mông cho duyên phận, hạnh phúc lứa đôi.
4. Tại sao trong lòng cô gái nhớ thương nồng nàn tha thiết nhưng cũng
nhiều dằn vặt, phấp phỏng lo âu ?
Trong xã hội xưa, hạnh phúc lứa đôi thường gặp nhiều cản trở. Nỗi lo lắng
của cô gái cũng xuất phát từ duyên phận hẩm hiu của người phụ nữ ngày xưa.
Mối tình thiết tha sâu nặng là vậy nhưng chưa hẳn đã đảm bảo cho hạnh phúc.
5. Nỗi nhớ thương trong tình yêu cũng là đề tài thường gặp trong ca dao
trữ tình. Tuy nhiên, nỗi nhớ trong từng bài ca dao lại mang những sắc thái

riêng biệt. Em hãy đọc một số bài ca dao như thế ? Thử so sánh với bài ca
dao “Khăn thương nhớ ai”.
Có cả một chùm ca dao bắt đầu bằng cụm từ “nhớ ai”:
- “Nhớ ai nhớ mãi thế này
Nhớ đêm quên ngủ, nhớ ngày quên ăn”
- “Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai?”
- “Nhớ ai bổi hổi, bồi hồi
Như đứng đống lửa, như ngồi đống than”.
-“ Nhớ ai em những khóc thầm
Đôi bên vạt áo ướt đầm như mưa”.
-> Mỗi nỗi nhớ mang một sắc thái riêng, mỗi bài ca dao có một vẻ đẹp
riêng. Với bài ca dao “Khăn thương nhớ ai”, tác giả dân gian đã diễn tả khá đầy
đủ và tinh tế các sắc thái, cung bậc của nỗi nhớ. Nhà phê bình Hoài Thanh đã
nhận xét: “Tôi cho đây là một trong những bài ca dao hay nhất Việt Nam” (Tạp
chí Văn nghệ số 1, 1982 ) Đặc biệt, hình ảnh chiếc khăn quen thuộc trong ca dao
đã có một sức sống mãnh liệt trong đời sống tâm hồn của con người Việt Nam,
đi vào thơ hiện đại với những vần thơ rất đẹp:
“Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay
Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm
Bên ấy có người ngày mai ra trận
Bên ấy có người ngày mai đi xa”
( Hương thầm – Phan thị Thanh Nhàn )
“ Đất nước là nơi ta hò hẹn
Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”
( Nguyễn Khoa Điềm”)
6. Hãy khái quát giá trị nội dung tư tưởng và nghệ thuật của bài ca dao?

12



- Bài ca dao đã diễn tả thật sâu sắc nỗi nhớ thương da diết, bồn chồn của
người con gái đang yêu. Qua nỗi nhớ ấy, ta thấy tình yêu của người bình dân
thật nồng nàn, tha thiết. Ta nhận thấy tình yêu muôn đời là như vậy và có như
vậy mới là tình yêu đích thực.
- Để thể hiện niềm thương nỗi nhớ, nét đặc sắc nổi bật về nghệ thuật là: bài
ca dao đã sử một loạt hình ảnh biểu tượng – những hình ảnh hết sức thân thuộc,
gần gũi và giàu sắc thái biểu cảm, biện pháp nhân hóa, điệp khúc “thương nhớ
ai”, cách nói dân dã, mộc mạc mà đầy ý vị, sự kết hợp giữa thơ bốn chữ và thơ
lục bát,… Tất cả tạo nên cách biểu đạt riêng, trong đó có nhiều yếu tố in đậm
sắc thái dân gian.
Hướng dẫn học sinh đọc- hiểu bài ca dao:
“Muối ba năm muối đang còn mặn
Gừng chín tháng gừng hãy còn cay
Đôi ta nghĩa nặng tình dày
Có xa nhau đi nữa cũng ba vạn sáu ngàn ngày mới xa”
Tôi đã hướng dẫn học sinh đọc – hiểu theo hệ thống câu hỏi và các nội
dung cần đạt sau đây:
1. Hãy đọc diễn cảm bài ca dao. Bài ca dao nói về tình cảm gì? của ai?
Bài ca dao nói về tình nghĩa thủy chung của người bình dân.
2. Vì sao nói đến tình nghĩa, ca dao lại dùng hình ảnh muối, gừng? Hãy
phân tích ý nghĩa biểu tượng và giá trị biểu cảm của hình tượng muối gừng
trong bài ca dao này ?
* Muối, gừng là gia vị quen thuộc trong bữa ăn, cũng là vị thuốc trong lúc
ốm đau của người lao động ngày xưa. Nó cũng là hương vị của tình người trong
cuộc sống.
Muối, gừng trở thành biểu tượng quen thuộc để thể hiện tình nghĩa thủy
chung của tác giả dân gian:
-“Tay nâng chén muối, đĩa gừng
Gừng cay, muối mặn, xin đừng quên nhau

Tay bưng đĩa muối, sàng rau
Căn duyên ông trời định bỏ nhau sao đành”
-“Muối ba năm muối đang còn mặn
Gừng chín tháng gừng hãy còn cay
Đã có lời chàng đó, thiếp đây
Can chi lo chuyện đổi thay rứa chàng?”

13


- “Bao giờ muối lạt, chanh thanh
Em đây mới dám bỏ anh, lấy chồng”
* Ở trong bài ca dao này, biểu tượng “muối mặn gừng cay” diễn tả tình cảm
vợ chồng mặn nồng, thủy chung, son sắt.
Hai câu đầu nói về muối và gừng, hai câu sau liên tưởng đến “đôi ta”. “
Muối ba năm muối đang còn mặn- gừng chín tháng gừng hãy còn cay”. Đặc tính
của muối và gừng vẫn giữ được qua thời gian dài: cho dù là ba năm hay chín
tháng. Những đặc tính ấy trở thành biểu tượng của sự thử thách,đồng cam cộng
khổ , chia ngọt sẻ bùi để càng đậm đà tình nghĩa. Nhưng tình nghĩa đôi ta thì đâu
phải có chín tháng hay ba năm mà là “ba vạn sáu ngàn ngày”, tức là một trăm
năm, một đời người. Sống hết đời người ta mới xa nhau cũng có nghĩa là không
bao giờ xa. Một lời thề nguyền tạo ấn tượng sâu sắc cho người nghe về sự bình
dị chân tình nhưng son sắt. Chính vì đôi ta đã từng chung sống, gắn bó, cùng trải
qua những tháng ngày “muối mặn, gừng cay”nên càng thấm thía tình cảm thủy
chung, nghĩa tình càng sâu đậm.
3. Ngoài cách dùng hình ảnh biểu tượng, em còn phát hiện thêm được
những nét nghệ thuật đặc sắc nào góp phần diễn tả tình cảm của người bình
dân?
Kết hợp với cách dùng hình ảnh biểu tượng là lối nói trùng điệp, nhấn mạnh
tiếp nối. Muối, gừng được láy lại hai lần đi với các từ chỉ thời gian,”ba năm’,

“chín tháng”, các từ nhấn mạnh tính chất”còn mặn” “còn cay”… để cuối cùng đi
đến khẳng định tình nghĩa thủy chung, bền chặt.
Câu bát biến thể kéo dài thành mười ba âm tiết là lời khẳng định chắc như
đinh đóng cột, đồng thời lại có sức ngân vang lan tỏa.
4. Từ việc tìm hiểu ở trên, hãy khái quát giá trị nội dung tư tưởng và nghệ
thuật của bài ca dao?
- Bài ca dao là lời khẳng định tình nghĩa thủy chung, sâu nặng. Đây là nét
đẹp tâm hồn vốn được đề cao của người bình dân.
- Nét đặc sắc về nghệ thuật thể hiện của bài ca dao dùng hình ảnh biểu tượng,
thể thơ song thất lục bát biến thể. Lối nói mộc mạc giản dị, có phần nôm na
nhưng không kém phần ý vị và sâu sắc.
=> Nhìn chung, cả ba bài ca dao trên đã thể hiện được một cách sâu sắc tâm
tư, tình cảm, vẻ đẹp trong đời sống tâm hồn của người bình dân Việt Nam ngày
xưa. Các bài ca dao đều có nghệ thuật thể hiện mang đậm sắc thái dân gian, tạo
nên vẻ đẹp riêng biệt.
IV. Hiệu quả đạt được

14


Qua việc áp dụng: hướng dẫn học sinh đọc - hiểu ca dao theo dặc trưng
thể loai, tôi nhận thấy: bản thân đã có hướng tiếp cận đúng đắn, phù hợp hơn,
khám phá được nhiều hơn vẻ đẹp của ca dao, thực sự hứng thú khi hướng dẫn
học sinh tìm hiểu về ca dao. Trên cơ sở đó, giờ học hướng dẫn học đạt hiệu quả
cao hơn nhiều so với trước: học sinh đã say sưa, hào hứng , chủ động, tích cực
tìm hiểu. Nhiều em không chỉ hiểu đúng, hiểu sâu mà còn thích thú khi phát
hiện ra những nét đặc sắc riêng của ca dao. Các em không chỉ học những bài ca
dao được chọn đưa vào chương trình mà còn tìm đọc nhiều bài ca dao khác nữa.
Tình yêu đối với ca dao trong các em đã được khơi dậy. Như vậy, chính các em
là người tiếp thêm sức sống cho ca dao, lưu giữ và trân trọng tài sản tinh thần vô

giá của người dân lao động, của ông cha để lại.
Hiệu quả đạt được nói trên đã được tôi khảo sát ở các lớp 10c4, 10c5, 10c7.
C. KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ
- Kết luận : Để có được thành công, dù là rất nhỏ, ngoài năng lực sẵn có, đòi
hỏi mỗi giáo viên phải rất nhiệt tình, tâm huyết, say mê nghiên cứu, không
ngừng học hỏi. Thông qua việc nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi phương pháp tiếp
cận, cảm nhận ca dao của các nhà nghiên cứu và những nhà giáo có uy tín, tôi
nhận thấy năng lực cảm thụ ca dao của mình đã được nâng lên đáng kể. Từ đó,
tôi đã biết cách định hướng cho học sinh đọc –hiểu ca dao có hiệu quả hơn.
- Kiến nghị : Trên đây là một kinh nghiệm nhỏ của bản thân tôi rút ra được
qua thực tiễn giảng dạy. Mặc dù đã gắng công tìm hiểu, nghiên cứu, nhưng với
khả năng của mình, tôi nghĩ vẫn còn nhiều điều hạn chế. Hơn nữa, do dặc thù
của bộ môn, bên cạnh cách tiếp cận chung, mỗi người, bằng cảm quan nghệ
thuật của mình, sẽ có những khám phá riêng khi đọc - hiểu ca dao. Vì vậy, tôi rất
mong nhận được sự trao đổi, góp ý thẳng thắn, chân tình của các đồng nghiệp
để cho bản thân tôi cũng như tất cả chúng ta sẽ có được những giờ đọc- hiểu ca
dao thực sự hiệu quả và lí thú, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ, vai trò của hoạt
động dạy và học môn Ngữ Văn trong nhà trường.

XÁC NHẬN CỦA THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ

Thanh Hóa ngày 20 tháng 5 năm 2016
Tôi xin cam đoan đây là SKKN của

15


mình viết, không sao chép nội dung của
người khác.


Tào Thị Đào

16


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Tục ngữ, ca dao - dân ca Việt Nam
Tác giả: Vũ Ngọc Phan
2. Mấy vấn đề phương pháp giảng dạy, nghiên cứu Văn học dân gian
Tác giả: Phó giáo sư Hoàng Tiến Tựu
3. Phân tích tác phẩm Văn học dân gian
Tác giả: Phó giáo sư Đỗ Bình Trị
4. Văn học dân gian Việt Nam trong nhà trường
Tác giả: Phó tiến sĩ Nguyễn Xuân Lạc

17


18



×