Dạy Đọc- Hiểu văn bản theo đặc trưng thể loại
I- NHẬN THỨC VẤN ĐỀ:
Trong giảng dạy bộ môn nào cũng phải theo đúng đặc trưng của bộ môn
ấy. Đó là nguyên tắc hàng đầu mà bất cứ người giáo viên ở bộ môn nào
cũng phải tuân theo. Đối với bộ môn Ngữ văn trong trường THCS là một
môn học đồng tâm của ba phân môn Văn- Tiếng Việt- Tập làm văn. Cả 3
phân môn được tích hợp với nhau trong từng bài dạy. Đối với phân môn
Văn, việc dạy Đọc- Hiểu văn bản theo đặc trưng thể loại không phải chỉ
khi thay sách giáo viên mới làm mà việc này chúng ta cũng đã từng bước
thực hiện đổi mới phương pháp dạy học. Thực hiện việc thay sách đồng bộ
và cải tiến phương pháp dạy học theo hướng tích cực phát huy năng lực
chủ động tư duy sáng tạo của học sinh từ năm 2002 đến nay (Năm học
2006- 2007) bước sang vòng 2 của việc thay sách, chúng ta, giáo viên
trực tiếp đứng lớp, giảng dạy bộ môn Ngữ văn cũng đã đạt được những
kết quả bước đầu và có thể rút ra được những kinh nghiệm nhỏ của bản
thân về phương pháp dạy Đọc- Hiểu văn bản theo đặc trưng thể loại: Tự
sự, biểu cảm, nghị luận...
Bản thân tôi, trực tiếp đứng lớp giảng dạy, xin mạnh dạn trình bày với
các đồng chí đồng nghiệp những suy nghĩ và việc làm "Dạy Đọc- Hiểu
văn bản theo đặc trưng thể loại" cụ thể là thể loại tự sự, truyền
thuyết, cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười trong phần văn học dân gian
như sau:
II- LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN:
Tự sự là loại tác phẩm văn chương dùng lời kể để tái hiện trực tiếp hiện
thực khách quan nhằm dựng lại một dòng đời qua những sự việc, những
biến cố, những con người. Qua đó bày tỏ cách hiểu, một thái độ nhất
định. Loại hình tự sự bao gồm nhiều thể tài như thần thoại, sử thi, truyện
cổ, truyện thơ, tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn... các thể ký như hồi
ký, bút ký, ký sự, tuỳ bút, phóng sự...
Kể ra các sự việc, các biến cố, các việc làm, lời nói cụ thể cá biệt của
nhân vật bằng một câu chuyện, một dòng đời theo một cách nhìn, một
giọng điệu nhất định.
Tác phẩm tự sự giúp chúng ta quan sát thế giới khách quan trong toàn bộ
biểu hiện của nó trong toàn cảnh cũng như trong chi tiết. Ở cấp THCS, các
tác phẩm tự sự thường đơn giản: Sự việc, biến cố, việc làm của nhân
vật... giúp ta dễ dàng nắm bắt, theo dõi, hiểu và cảm tác phẩm.
Các tác phẩm tự sự dân gian (truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện
cười) ở trong nước và nước ngoài đều là những truyện phù hợp với tâm lý
các em học sinh và được học trọn vẹn trong chương trình sách giáo khoa
Ngữ văn lớp 6. Khi dạy học loại tự sự này chúng ta cần quan tâm tới
những đặc điểm nổi bật về đặc trưng thi pháp và phương thức tiếp cận
của tác phẩm, đó là:
*Tính diễn xướng: Tác phẩm tự sự dân gian là một nghệ thuật tổng hợp
vừa là nghệ thuật có tính diễn xướng. Nó chỉ thực sự sống trong biểu diễn,
trong diễn xướng tức là qua nói, kể, ca, diễn.
Ví dụ: Truyện cổ tích "Tấm Cám" người ta có thể nói, kể lại truyện, có thể
ca chèo, diễn kịch...
*Tính truyền miệng và tính diễn xướng là hai thuộc tính khác nhau
của tác phẩm tự sự dân gian nhưng lại có mối quan hệ rất mật thiết. Tính
truyền miệng không chỉ phản ánh những phương thức lưu truyền mà còn
phản ánh cả phương thức sáng tác. Tính chất này cũng chi phối tác phẩm
dân gian ở nhiều phương diện mà trước hết là tính dị bản.
*Tính tập thể: Do nhân dân sáng tác nhằm mục đích thể hiện một quan
niệm, một cái nhìn về những mặt cuộc sống, về những ước mơ tốt đẹp,
mong muốn một xã hội công bằng... Do đó tính trữ tình và châm biếm,
hài hước cũng được bộc lộ.
*Tính trữ tình được thể hiện thông qua những nhân vật chính diện đại
diện cái thiện, cái chính nghĩa, cái tốt đẹp mà nhân dân hướng tới. Nhân
vật phản diện bao giờ cũng bị trừng trị đích đáng, sự yêu ghét thể hiện rõ
ràng trong từng tác phẩm tự sự, truyền thuyết, cổ tích. Những tác phẩm
ngụ ngôn, truyện cười thì đậm chất châm biếm, hài hước, mua vui.
Có thể nói: Tác phẩm tự sự dân gian là một kho lưu giữ trí tuệ tưởng
tượng phong phú, thông minh, sáng tạo, nghệ thuật của nhân dân ta. Tư
tưởng, tình cảm của nhân dân cũng được bộc lộ phong phú, muôn hình,
muôn vẻ. Vì thế mỗi tác phẩm tự sự dân gian (truyền thuyết, cổ tích, ngụ
ngôn, truyện cười) đều dễ ăn nhập vào trí nhớ người đọc, người nghe,
nhất là đối với thế giới trẻ thơ. Đối tượng của chúng ta trong nhà trường,
các em rất yêu thích khi được tiếp xúc, học tập thể loại này.
Người giáo viên khi dạy Đọc- Hiểu về đặc trưng thể loại này cũng cần phải
linh hoạt, nắm vững khái niệm chung của thể loại cùng với phương thức
cơ bản của nó để cung cấp cho học sinh. Cũng là tác phẩm tự sự nhưng
truyền thuyết khác cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười. Trong giờ dạy Đọc-
Hiểu phải chú ý tới 4 vấn đề lớn đó là:
1. Học sinh đọc kỹ văn bản, hiểu văn bản theo tư duy nhận thức cá nhận.
2. Sự tác động của giáo viên tới học sinh trong giờ Đọc- Hiểu.
3. Hoạt động ngoại khoá mở rộng tri thức văn học của học sinh.
4. Học sinh tích luỹ tri thức và huy động vốn ngôn ngữ, tri thức trong tạo
lập văn bản nói và viết.
VẤN ĐỀ THỨ NHẤT:
Học sinh Đọc- Hiểu văn bản theo tư duy nhận thức cá nhân.
1. Để đọc hiểu tác phẩm tự sự dân gian theo những chuẩn mực nào
đó đã được quy định trong chương trình, sách giáo khoa. Trước hết, giáo
viên phải giúp học sinh tái hiện tác phẩm vì tái hiện là thao tác tư duy đầu
tiên, quan trọng nhất của đọc để cảm nhận tác phẩm.
Ví dụ: Khi dạy truyện truyền thuyết: "Con Rồng cháu Tiên" (SGK- Ngữ
văn 6- tập 1).
Giáo viên cho học sinh quan sát tranh ảnh Đền Hùng, gợi cho học sinh
liên tưởng về nguồn gốc lịch sử dân tộc, tạo tâm thế vào bài. Học sinh gọi
được tên Đền Hùng, liên tưởng đến một di tích thiêng liêng gắn với lịch sử
cội nguồn dân tộc. Giáo viên tiếp tục gợi cho học sinh nhớ đến một câu
hát dân gian nhắc đến cội nguồn dân tộc Việt Nam:
"Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba."
và câu nói của Bác Hồ với các chiến sĩ dưới chân Đền Hùng:
"Các vua Hùng đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước."
để chuyển tiếp vào bài.
Nguồn gốc là một sức mạnh bí ẩn của con người. Bất cứ ai, dân tộc nào,
từ cổ tới kim đều đặt ra câu hỏi thiêng liêng về nguồn gốc của mình. Sự
hiểu biết về nguồn gốc có giá trị làm cho con người dường như được tiếp
sức và trở nên mạnh mẽ hơn.
Tổ chức tốt tâm thế tiếp nhận tác phẩm cho học sinh, với một bài Đọc-
Hiểu trên lớp thì sự mở đầu để tiếp cận tác phẩm có giá trị như là một sự
"khơi mào" của tưởng tượng. Bước tiếp theo mới là đọc.
2. Hoạt động đọc có thể diễn ra dưới các hình thức đọc bằng mắt, đọc
thầm, đọc thành tiếng, đọc một mình, đọc trước một nhóm, đọc trước tập
thể vài chục người. Tuỳ từng tác phẩm mà giáo viên hướng dẫn học sinh
đọc vận dụng cho linh hoạt trong suốt cả quá trình tìm hiểu khám phá tác
phẩm và cả sau giờ học trên lớp đã kết thúc. Yêu cầu đọc đúng vẫn được
đặt ra song song với các yêu cầu khác như đọc hiểu nhanh, đọc thầm liên
tưởng, đọc tái hiện, đọc diễn cảm... Đọc thành tiếng với yêu cầu đọc đúng
(đúng chính tả, ngữ âm, nhịp điệu). Đọc diễn cảm ở mức độ nghệ thuật
có sự hỗ trợ của tình cảm, cảm xúc góp phần tái hiện tác phẩm. Đọc diễn
cảm chỉ thành công khi học sinh tự hiểu, rung động với những gì tác phẩm
đề cập.
Ví dụ: Khi dạy truyện ngụ ngôn: "Thày bói xem voi":+Giáo viên cho học
sinh đọc diễn cảm phân vai sẽ góp phần tái hiện lại không gian thời điểm,
sự việc diễn ra của 5 ông thầy bói mù xem voi, đoán dựa rồi xô xát, đánh
nhau toạc cả máu đầu như một màn kịch vừa xảy ra. Qua đó đã giúp cho
người đọc, người nghe thấy được tính chất hài hước mua vui, châm biếm
của câu chuyện và tự rút ra được ý nghĩa của câu chuyện bằng cảm nhận
và rung động riêng của cá nhân.
Qua việc đọc cùng với hiểu thông tin ngay trên từng dòng văn bản (theo
nghĩa hiển ngôn), cao hơn nữa là tìm ra mối liên hệ giữa văn bản với
những vấn đề ngoài văn bản (thực tế cuộc sống) để tìm ra lớp nghĩa hàm
ngôn trong câu chuyện. Như vậy từ khâu đọc cũng có thể hình thành cho
học sinh kỹ năng nhận xét, đánh giá, cảm thụ và nghe tốt, nói tốt, viết tốt
Tiếng Việt. Đồng thời với việc đọc, học sinh cũng có thể huy động vốn
ngôn ngữ nói để kể lại câu chuyện, hoặc đoạn truyện, kể tóm tắt truyện
khi cần thiết phục vụ trong giờ Đọc- Hiểu văn bản tự sự.
Đọc- Hiểu tốt, bản thân học sinh phải chủ động, tích cực, tiếp nhận khám
phá văn bản theo hướng: Đọc --> suy nghĩ, tìm tòi, phát hiện --> huy
động vốn kiến thức nâng cao cảm thụ cá nhân.
Trong quá trình đọc, học sinh sự quan tâm tới các từ khó, các chú thích
của văn bản, vừa đọc vừa nhập vai vào nhân vật, hiện thực hoá chức
năng biểu cảm của ngôn ngữ, tái tạo các biểu tượng đậm đà màu sắc dân
gian, tưởng tượng sinh động giúp cho năng lực cảm thụ văn của cá nhân
được phát triển và nâng lên. Học sinh nhìn nhận và có thái độ đánh giá
đúng về cốt truyện, nhân vật, lời kể, thái độ của nhân dân, ý nghĩa của
câu chuyện liên quan đến các vấn đề đời sống, lịch sử của dân tộc... vốn
sống, tâm hồn, tình cảm, thông minh sáng tạo nghệ thuật phong phú của
nhân dân. Đọc- quan sát tranh hình SGK cũng là để nắm được nội dung, ý
nghĩa trực quan sinh động của câu chuyện...
Cốt truyện trong các văn bản tự sự dân gian là các biến cố, các sự kiện
xảy ra liên tiếp từ cái này đến cái kia, cái sau tiếp nối cái trước cho đến
khi kết thúc câu chuyện. Cốt truyện là điểm tựa cho câu chuyện đứng
được và lưu truyền. Tuy nhiên, truyện dân gian cốt truyện còn đơn giản,
không phức tạp vì thế học sinh dễ nắm bắt, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ kể.
Ví dụ: Khi Đọc- Hiểu văn bản: "Thánh Gióng" (Ngữ văn 6- Tập 1).
Học sinh đã chỉ ra được các sự việc:
1- Sự ra đời kỳ lạ của Thánh Gióng.
2- Gióng gặp sứ giả, cả làng nuôi Gióng.
3- Gióng cùng nhân dân chiến đấu và chiến thắng giặc Ân.
4- Gióng bay về trời.Các sự việc diễn ra đơn giản nhưng theo trình tự
hành động của nhân vật từ đầu câu chuyện đến khi kết thúc. Trong truyện
dân gian, cốt truyện gắn chặt với nhân vật đến nỗi nhiều khi kể chuyện
tức là kể người như: Thánh Gióng, Sơn Tinh- Thuỷ Tinh, Sọ Dừa, Thày bói
xem voi...
Nhân vật trong truyện dân gian ít, chủ yếu sống bằng hành động. Sức
hấp dẫn của truyện dân gian thường dựa và sự đột ngột, ly kỳ, còn sự hấp
dẫn của các nhân vật lại thường dựa vào sự phóng đại theo tinh thần lãng
mạn kỳ diệu (như trong truyện truyền thuyết, cổ tích) và thậm xưng theo
tinh thần hài hước (như ngụ ngôn, truyện cười).
Lời kể trong các tác phẩm tự sự dân gian được kể theo kí ức và kiến thức
cộng đồng, trong đó người ta gọi các sự vật, nhân vật theo tên gọi của
chúng. Khi kể thường bắt đầu bằng những từ ngữ chỉ thời gian đững trước
các tình tiết, sự việc. Chẳng hạn như: "Ngày xửa ngày xưa", "Vào đời",
"Vào thời", "Một hôm", "ít lâu sau", "Thế rồi một ngày kia",... sử dụng
ngôn ngữ nhân dân đời thường cùng với ngôn ngữ kể, thứ 3, giấu mình
thể hiện tính khách quan của câu chuyện, nhưng cũng có lúc bộc lộ thái
độ chủ quan của người kể nếu như họ muốn nói thêm: "thật đáng đời",
"dáng kiếp cho mẹ con Lý Thông",... Học sinh từ đó cũng dễ nhớ, dễ thuộc
và kể đợc chuyện dễ dàng.
Khi dạy các tác phẩm văn học dân gian, sau phần đọc, nhất thiết học sinh
phải được kể lại truyện hoặc có thể sau đọc-hiểu học sinh kể lại. Có thể
kể tóm tắt, kể một đoạn, kể theo nội dung tranh hình, kể ý nguyện hoặc
kể sáng tạo... cũng có khi kể đan xen trong tiết học để làm nổi bật trọng
tâm những phần kiến thức tìm hiểu. Học sinh có thể đóng vai nhân vật kể
lại (dùng ngôi kể thứ nhất), đóng vai người kể giấu mình để thể hiện cái
nhìn nhiều chiều (dùng ngôi kể thứ ba). Học sinh kể sẽ rèn luyện được kỹ
năng diễn đạt (nói) lưu loát, mạnh dạn trước tập thể đông người, khiến
các em có nhiều tự tin trong giao tiếp và học tập.
3. Khi dạy Đọc- Hiểu một văn bản tự sự cụ thể phải chú ý tới
những nét đặc trưng riêng của từng thể loại.
*Với truyện truyền thuyết, cổ tích hướng cho học sinh chú ý đến yếu
tố siêu nhiên, thần kỳ, những sự việc kỳ lạ, tính ngẫu nhiên, những yếu tố
tình cờ xen vào câu chuyện.
Ví dụ: Truyện truyền thuyết "Sự tích Hồ Gươm" (Ngữ văn 6- tập 1) có bao
nhiêu điều lạ: Lê Thận được lưỡi gươm ở dưới nước, Lê Lợi được chuôi
gươm ở trên rừng mà chắp lại rất khớp, lưỡi gươm phát sáng kỳ lạ, chuôi
gươm có chữ "Thuận Thiên". Việc trả gươm cũng chứa đựng nhiều yếu tố
thần kỳ. Tất cả đều là những yếu tố ngẫu nhiên, kỳ lạ, chứa đựng ý nghĩa
sâu xa. Đó là những điều ta không thể bỏ qua khi cho học sinh Đọc- Hiểu,
khám phá văn bản.
Trong truyện truyền thuyết, nhân vật "thần" luôn xuất hiện đậm nét,
được tác giả dân gian giới thiệu, miêu tả qua các chi tiết về lai lịch, hình
dạng, chức năng của thần, mối quan hệ của thần với xã hội người.
Ví dụ: Lạc Long Quân, Âu Cơ (truyền thuyết: Con Rồng cháu Tiên- Ngữ
văn 6- tập 1); thần mách bảo Lang Liêu (truyền thuyết: Bánh chưng bánh
giầy), Đức Long Quân cho Lê Lợi mượn gươm thần (truyền thuyết: Sự tích
Hồ Gươm)...
Đọc- Hiểu văn bản truyền thuyết không chỉ khám phá, phát hiện nhân
vật thần, yếu tố siêu nhiên thần thánh mà cần phải hiểu được ý nghĩa sâu
xa của các hình tượng thần. Trong buổi đầu sơ khai mở nước, dựng nước,
giữ nước của dân tộc, nhân dân mong muốn có sức mạnh siêu nhiên thần
kỳ để làm nên các việc lớn lao. Do vậy họ đã tưởng tượng xây dựng hình
tượng nghệ thuật thi vị hoá để ca ngợi công lao to lớn, thành quả tốt đẹp
phải vượt qua không ít những khó khăn, trở ngại, nguy hiểm: Thú dữ,
thiên tai, lũ lụt, giặc ngoại xâm; công việc làm ăn... vươn lên những cái
tốt đẹp trong cuộc sống. Mối quan hệ của các vị thần với xã hội người gần
gũi, thân thiện.
Ví dụ: Lạc Long Quân: Giúp dân trừ diệt Ngư tinh, Hồ tinh, Mộc tinh, dạy
dân cách trồng trọt... Sự xuất hiện đến, đi cũng rất nhanh "Thoắt hiện,
thoắt biến" ly kỳ và hấp dẫn. Với truyền thuyết, vốn chỉ là những mẩu
chuyện nhằm bổ sung cho khuyết sử cho nên khi đọc hiểu tiếp cận, phân
tích học sinh không được coi đây là những tài liệu lịch sử mà coi như
những sáng tạo nghệ thuật tức là phải hiểu và phân tích chất "thơ và
mộng" hoá các vấn đề liên quan đến lịch sử nhằm giải thích vấn đề liên
quan đến lịch sử dân tộc.
Truyện truyền thuyết "Sơn Tinh - Thuỷ Tinh" cũng bắt đầu từ những yếu
tố kỳ lạ, đó là phép lạ của 2 vị thần: Một vị "vẫy tay về phía đông, phía
đông nổi cồn bãi...", một vị "gọi gió gió đến, hô mưa mưa về..." Yếu tố
thần kỳ khi hai vị đánh nhau, các con vật của vua Hùng đòi sính lễ cũng
đầy những dấu hiệu kỳ lạ "Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng
mao", sự việc "nước dâng cao bao nhiêu thì đồi núi cao lên bấy nhiêu"...
Tất cả đều thật là kỳ diệu. Mục đích sáng tác truyện này của nhân dân
nhằm giải thích hiện tượng lũ lụt hàng năm vào tháng 7, tháng 8 ở vùng
đồng bằng Bắc Bộ và thể hiện ước mơ chiến thắng lũ lụt của cha ông. Khi
đọc hiểu, học sinh có thể rất thích thú tài năng của hai vị thần nhưng tình
cảm của các em ngay từ đầu đã nghiêng về Sơn Tinh và thích thú bơi cách
giải thích và ước mơ cao đẹp của nhân dân. Cũng qua truyện này, học
sinh tích hợp mở rộng thêm trong kho tàng truyện cổ VIệt Nam ông cha ta
còn tưởng tượng ra thần linh để giải thích hiện tượng thiên nhiên như
Thần Trụ trời, Thần Sét...
Yếu tố thần trong truyện cổ tích chỉ được xuất hiện khi con người gặp
khó khăn nhất mà chưa tìm ra cách giải quyết các sự việc. Thần chỉ xuất
hiện kèm với một lời nói hoặc một việc làm rồi lại thoắt biến rất nhanh.
Ví dụ: Truyện cổ tích "Cây bút thần" trong giấc ngủ Mã Lương nằm mơ
thấy thần hiện lên cho em một cây bút bằng vàng sáng lấp lánh..., học
sinh đọc hiểu chi tiết và phát hiện được ý nghĩa khi Mã Lương chưa qua
"Khổ luyện thành tài" thì thần vẫn không cho bút. Khi thành tài thần mới
cho bút là phần thưởng xứng đáng đối với Mã Lương và cũng là thể hiện
được ước mơ người lao động nghệ thuật chân chính có phương tiện lao
động để phục vụ chân chính.