Tải bản đầy đủ (.doc) (5 trang)

Tìm hiểu tiểu thuyết “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (127.74 KB, 5 trang )

Tiểu luận văn học
TIỂU THUYẾT “TỐ TÂM” CỦA HOÀNG NGỌC PHÁCH
TRONG BUỔI ĐẦU HIỆN ĐẠI HÓA VĂN HỌC VIỆT NAM
VÕ PHÚC CHÂU
1. Tiểu thuyết “Tố Tâm” trong bối cảnh văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX
Suốt cả nghìn năm, văn học Việt Nam được bao bọc trong cái tổ cũ xưa, đan dệt bởi hằng
hà điển tích, điển cố: nền văn hóa Trung Hoa cổ. Đến đầu thế kỷ XX, văn học trung đại đến hồi
xác xơ, già cỗi. Thế nhưng, nhờ gặp được biến thiên lớn trong lịch sử, với nội lực tiềm tàng, nó
lập tức nảy sinh nguồn sống mới và tự cải lão hoàn đồng.
Văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX bất ngờ có một cuộc chuyển mình, hồi sinh như thế!
Nó lại còn tỏ ra cường tráng, có sức bay, dáng bay khoẻ đẹp, đuổi theo kịp, hòa nhập được, với
các nền văn chương trên thế giới. Có thể nói, lúc này, biến thiên lớn nhất trong lịch sử Việt
Nam chính là sự gặp gỡ với phương Tây. Nội lực tiềm tàng của nó là truyền thống văn học dân
tộc. Nguồn sinh lực mới của nó là đội ngũ thanh niên trí thức Tây học, những tác giả và độc
giả, tập trung ở các đô thị mới và lớn, từ Bắc chí Nam. Không gian hô hấp mới của nó là nền
văn hóa phương Tây, đậm đà chất nhân văn.
Quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam đã làm cuộc cách tân về nội dung lẫn hình thức
nghệ thuật. Riêng thể loại tiểu thuyết, từ chỗ ảnh hưởng tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc, nó
chuyển sang tiếp nhận tiểu thuyết phương Tây. Về sản lượng, nó tự quảng bá, qua hàng loạt
tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh ở Nam bộ. Riêng về chất lượng, nó tự ngời sáng, qua tiểu thuyết
đầu tay và duy nhất của Hoàng Ngọc Phách: Tố Tâm.
Ngay lúc chào đời, Tố Tâm đã gây nên hiệu ứng xã hội không ngờ, làm lung lay cả luân
lý phong kiến ngàn năm. Người trực tiếp khai sinh, tạo khí cốt và sức sống cho tác phẩm chính
là tác giả - nhà văn Hoàng Ngọc Phách. Ông đã hấp thu sâu sắc, có phê phán nền văn hóa
truyền thống phương Đông, đồng thời ông cũng tiếp nhận nhiệt tình, có hệ thống, nền văn hóa
phương Tây. Ông là nhà văn đầu tiên ở Việt Nam dám mạnh dạn dùng kiến thức tâm lý học mà
khai thác chiều sâu tế vi, phức tạp của tâm hồn con người. Từ lăng kính tâm lý đó, ông đặt ra
những vấn đề xã hội.
2. Tiểu thuyết “Tố Tâm” – dấu son đầu tiên của quá trình hiện đại hóa thể loại
2.1. Tóm tắt tiểu thuyết
Tác phẩm kể về câu chuyện tình thơ mộng nhưng bi thương của đôi trai tài, gái sắc: Đạm


Thủy – Tố Tâm, qua lời dẫn truyện của nhân vật ký giả.
Nghỉ hè, tại trường Đại học, nhân vật ký giả sang phòng bạn thân là chàng tân khoa Lê
Thanh Vân, giỏi văn chương, biệt hiệu là Đạm Thủy. Chàng có chiếc hộp kỉ vật đề dòng chữ
“Mấy mảnh di tình”. Biết bạn có ẩn tình riêng, ký giả hỏi về chiếc hộp. Được khơi đúng tâm
trạng, Đạm Thủy kể lại chuyện tình đau buồn của mình…
Một lần về quê, bị rơi mất ví dọc đường, Đạm Thủy đến trình quan huyện sở tại, được
quan tiếp đãi nồng hậu. Trở lại trường, chàng được nhắn đến nhà bà Án, chị của quan, để nhận
ví. Chàng kết thân với cậu Tân, con bà Án. Chính dịp này, chàng gặp và thầm yêu chị của Tân,
nàng Nguyễn Thị Xuân Lan, cô gái đẹp nhất phố, nết na, hiền thục, tuy có phần kiêu kỳ. Nàng
biết cả chữ Nho, chữ Tây, say mê văn chương. Vốn yêu thơ Đạm Thủy, nay biết mặt chàng,
nàng thêm quyến luyến. Mỗi khi chàng đến chơi, hai người thích mạn đàm văn chương. Đạm
Thủy đặt biệt hiệu cho nàng là Tố Tâm. Hai người dần cảm thấy không thể thiếu nhau. Bấy giờ,
gia đình đã tính chuyện hôn nhân cho Đạm Thủy. Chàng đành viết thư kể sự thật với nàng.
Nàng chủ động hẹn gặp, tỏ vẻ vui tươi, nhưng kỳ thực đau khổ. Đến nhà nàng bất chợt, Đạm
Thủy càng hiểu tình yêu mãnh liệt của nàng. Từ đó, hai người ít gặp nhau, nhưng lại thường
1
xuyên gởi cho nhau những bức thư nhớ thương, say đắm. Đôi lần, họ hẹn nhau đi chơi vùng
quê, gặp nhau ở bể Đồ Sơn. Họ càng có thêm những kỷ niệm đẹp. Tình yêu thêm nồng nàn,
nhưng là một mối tình trong sáng, cao thượng, không hề pha sắc dục. Lúc này, mẹ Tố Tâm ốm
nặng, gia đình buộc nàng lấy chồng. Nàng nhất quyết khước từ. Đạm Thủy, vì quá yêu, nên có
ý tưởng cùng nàng trốn đi, xây hạnh phúc. Nhưng nghĩ tình gia đình, chàng bỏ ý định. Tố Tâm
cũng can ngăn chàng. Tố Tâm tiếp tục bị thúc ép. Phần vì quá thương mẹ, lại thêm Đạm Thủy
viết thư khuyên nhủ, nàng đành chịu lấy chồng. Trước ngày cưới, nàng hẹn gặp Đạm Thủy,
trao chàng kỷ vật và khóc từ biệt. Nhận lá thư vĩnh biệt củaTố Tâm, Đạm Thủy đáp từ, tặng
nàng mấy cành hoa lan mừng ngày cưới. Sau lễ cưới, nhân hội chùa Đồng Quang, hai người
thoáng thấy nhau, nhưng nàng quay mặt đi. Lúc này, nàng đã ốm nặng. Về, biết mình không
khỏi bệnh, nàng tiếp tục viết nhật ký cho Đạm Thủy. Nàng cũng kể sự thật với chồng. Rồi nàng
qua đời, chỉ sau ba mươi sáu ngày lên xe hoa.
Ngày đưa tang nàng, Đạm Thủy đau xót đến viếng, nhưng không dám xuất hiện. Hôm
sau, chàng ra thăm mộ nàng, lấy áo mình đắp lên mộ. Trở lại thăm nhà bà Án, chàng được trao

hộp kỷ vật, trong đó có quyển nhật ký của Tố Tâm. Đọc nhật ký, Đạm Thủy thương tiếc nàng,
hối hận mà thành bệnh. Anh trai Đạm Thủy biết em suy sụp vì tình yêu nên kịp thời động viên,
an ủi. Từ đó, Đạm Thủy quyết tâm học hành, lòng giữ hai điều thiêng liêng: công danh sự
nghiệp và mối tình nồng nàn, cao thượng với Tố Tâm.
2.2. Thành tựu tác phẩm
Hiểu theo nhận định của nhà phê bình Thiếu Sơn, ấn tượng đầu tiên, sau cùng, lớn nhất
và bao quát nhất của Tố Tâm, đối với người đọc, vẫn chính là cái mới của nó. Nói đến cái mới
trong văn học cũng chính là đề cập đến tính tiên phong, đột phá của nhà văn, về tư tưởng và
quan điểm nghệ thuật. Nó được cụ thể hóa bằng tác phẩm nghệ thuật. Nó xuyên thấm vào từng
tế bào nội dung và nghệ thuật của tác phẩm như đề tài, cốt truyện, chủ đề, nhân vật, kết cấu,
nghệ thuật miêu tả, ngôn ngữ, nghệ thuật kể chuyện.
2.2.1. Tố Tâm thể hiện tính chất hiện đại trong việc lựa chọn đề tài. Là một thể loại văn
học gần gũi nhất với cuộc sống, tiểu thuyết lấy đề tài từ hiện thực. Do dung lượng lớn, nó có
thể khai thác mọi chiều kích, khía cạnh của hiện thực. Bởi vậy, hiện thực trong tiểu thuyết bao
giờ cũng là một cuộc sống toàn diện, phong phú và nhiều mặt. Đặc biệt, tiểu thuyết hiện đại
quan tâm đến số phận con người cá nhân, với tính cách đa dạng và thế giới nội tâm cực kỳ phức
tạp.
Đề tài của Tố Tâm đã hướng theo yêu cầu này: khai thác bối cảnh xã hội Việt Nam đầu
thế kỷ. Tuy nhiên, Tố Tâm chỉ chọn một phạm vi nhỏ: chuyện tình yêu trai gái. Tuy là vấn đề
muôn thuở nhưng tình yêu trong Tố Tâm thuần túy là chuyện yêu đương, không pha tạp, không
lồng vào bất cứ mâu thuẫn giai cấp, vấn đề xã hội nào. Nó lại mang một phẩm chất mới: không
hề nhuốm màu sắc dục. Có thể xem nó là một bản tình ca ngoài lễ giáo, thật mới mẻ, hiện đại
của một lớp thanh niên trí thức rất trẻ, vào những thập niên đầu thế kỷ. Lớp thanh niên ấy được
“thả lỏng” trong bầu không khí tự do yêu đương, tuy còn bị giam cầm trong lề luật của ý thức
hệ phong kiến và chế độ đại gia đình.
2.2.2. Tố Tâm xây dựng được cốt truyện khá mới mẻ, hiện đại. Trong tiểu thuyết hiện
đại, cốt truyện là phương tiện để bộc lộ tính cách của nhân vật. Tính cách ấy càng nổi bật qua
những biến cố chủ yếu trong cốt truyện. Ở Tố Tâm, các biến cố trong truyện đều nhằm khắc
họa tính cách hai kiểu nhân vật: một thanh niên trí thức Tây học và một thiếu nữ, con nhà gia
giáo, sống theo lối mới. Cốt truyện hấp dẫn không nhờ tình tiết ly kỳ mà vì tâm lý nhân vật

được khai thác đến tận cùng những ngóc ngách sâu kín của nó. Nó không theo trình tự truyền
thống: gặp gỡ – lưu lạc – đoàn viên. Theo kiểu hiện đại, nó kết thúc bằng bi kịch - bi kịch
nhưng không đọng lại dư vị bi quan cho người đọc. Trái lại, bi kịch ấy đã làm rung chuyển nếp
cảm, nếp nghĩ mòn xưa của người đọc thời bấy giờ. Sức mạnh ấy, các tiểu thuyết trước và cùng
thời với Tố Tâm chưa hề có được.
2.2.3. Tố Tâm đặt ra một chủ đề có sức tác động lớn đến người đọc: khẳng định vị trí của
cá nhân, quyền sống của con người, trước uy quyền còn khá kiên cố của lễ giáo phong kiến
2
khắc nghiệt. Nếu như trước đây, Truyện Kiều của Nguyễn Du chỉ là tiếng kêu thương, khát
khao quyền sống, quyền hạnh phúc của con người, thì đến Tố Tâm, nó đã là lời khẳng định. Nó
báo hiệu đã đến thời đại mà con người được quyền sống, được quyền chọn hạnh phúc, với tư
cách con người cá nhân của mình.
2.2.4. Tiểu thuyết Tố Tâm xây dựng được những hình tượng nhân vật mới mẻ, khá
thuyết phục. Trong tác phẩm, các tính cách nhân vật có sự phát triển “tự thân”, như là trong
cuộc đời thật. Đạm Thủy là hình ảnh một thanh niên trí thức Tây học còn Tố Tâm là cô gái
mới, học chữ Tây, mê sưu tầm văn chương, biết làm thơ. Thân thế ấy khiến họ đến với nhau hết
sức tự nhiên. Họ lấy thơ văn, một thú vui tao nhã, làm nhịp cầu giao cảm. Tình yêu của họ, vì
thế, cũng trong sáng, thanh cao như thơ văn của họ. Nó nảy nở tự nhiên và khá tân thời. Tố
Tâm dám chủ động viết thư cho người yêu, làm thơ tặng Đạm Thủy. Hai người tâm tình với
nhau trong phòng riêng; lại còn giấu mẹ, hẹn nhau về ngắm cảnh nông thôn, ra chơi biển… Xây
dựng hình tượng Tố Tâm và Đạm Thủy, tác giả đã hướng vào một lớp trí thức, đang chiếm tỉ lệ
rất nhỏ trong xã hội. Tuy nhiên, họ sẽ là lực lượng chủ yếu của xã hội thành thị Việt Nam trong
thập niên sau đó. Theo hướng này, Tố Tâm đã mang chức năng dự báo..
2.2.5. Tiểu thuyết Tố Tâm mang một kết cấu đặc sắc, so với các tiểu thuyết cùng thời. Ở
đây, khái niệm “kết cấu” được hiểu là sự sắp xếp, tổ chức, xâu chuỗi tất cả bộ phận khác nhau
trong tác phẩm theo một hệ thống, một trật tự nhất định. Nó tổ chức mối liên hệ giữa các yếu tố
thuộc nội dung tác phẩm (tính cách và hoàn cảnh, hành động và biến cố,...) và các yếu tố khác
thuộc hình thức (bố cục, hệ thống ngôn ngữ, nhịp điệu,...). Ngoài cốt truyện, kết cấu còn bao
gồm phần bình luận trữ tình phụ đề của tác giả, bố cục tác phẩm,... Kết cấu của Tố Tâm hình
thành từ việc đan cài hai mảng hiện tại và quá khứ. Nó phá vỡ tính đơn tuyến quen thuộc.

Chuyện chủ yếu thông qua không gian hồi tưởng và thời gian tâm lý. Những khi đôi bạn Đạm
Thủy – Tố Tâm gặp nỗi buồn, hay có được niềm hạnh phúc ngây ngất, thời gian vật lý không
còn, nhường chỗ cho thời gian tâm lý...
Cũng về kết cấu, đó còn là sự sắp xếp, tổ chức mối liên hệ giữa tính cách nhân vật và
hoàn cảnh sống. Nhân vật Tố Tâm sống theo lối mới, vì cô được học chữ Tây, được tự do tiếp
xúc với báo chí, được giao tiếp với bạn bè khác giới. Nhưng Tố Tâm đau khổ tinh thần đến ốm
chết, vì cô vẫn phải sống trong một đại gia đình còn giữ nền nếp gia phong,... Hay, hành động
của Đạm Thủy, khi chinh phục Tố Tâm, rất hợp suy nghĩ, tâm lý một anh con trai trí thức Tây
học: luôn muốn khẳng định mình với người khác phái, hả hê khi chiếm lĩnh được lòng người
đẹp,... Ngôn ngữ các nhân vật cũng hợp với tính cách vừa cũ vừa mới của họ. Trình tự tác
phẩm được dắt dẫn tự nhiên theo mạch hồi tưởng, cảm xúc và diễn biến tâm lý của nhân vật
Đạm Thủy. Nhà văn cũng mạnh dạn đem sự hồi tưởng của Đạm Thủy, những bức thư của Tố
Tâm đan xen với câu chuyện hiện tại. Nó tạo nên ấn tượng mới lạ, sức cuốn hút đầy mê hoặc
cho độc giả bấy giờ. Vì những lẽ đó, tác phẩm được xem là quyển “tiểu thuyết tâm lý” đầu tiên
của Việt Nam.
2.2.6. Tiểu thuyết Tố Tâm thành công ở nghệ thuật miêu tả. Đó là nghệ thuật khắc họa
tâm lý nhân vật. Mọi trạng thái tâm lý đều có cơ sở, có quá trình hình thành hợp lý. Để gặp và
yêu ngay Tố Tâm, tiềm thức của Đạm Thủy đã lưu giữ gương mặt ấy ngay từ nhà quan huyện.
Còn Tố Tâm đáp lại ngay chân tình của Đạm Thủy, bởi nàng, vì yêu thơ, mà đã từng yêu người
trong mộng,... Đó còn là nghệ thuật miêu tả thiên nhiên. Cảnh thiên nhiên trong Tố Tâm lần
lượt hiện lên vô cùng sống động và rực rỡ. Thiên nhiên trong tác phẩm được khắc họa bằng
ngòi bút tả chân tài hoa. Nó thoát khỏi mớ công thức tả cảnh ước lệ, đăng đối như ở một số
truyện ngắn thời này. Cảnh thiên nhiên ít nhiều đã được cá thể hóa. Nhà văn tả thiên nhiên
không phải chỉ để tả tình. Thiên nhiên xuất hiện như một lối thoát cho những tâm hồn lãng
mạn. Các nhân vật tìm đến thiên nhiên như để nối kết lại trường giao cảm giữa những tâm hồn
lãng mạn đang quá cô đơn, đang bị ý thức hệ phong kiến cầm tù. Tố Tâm thực sự khai phá một
không gian mới, khoáng đạt, mở hướng cho các tác phẩm sau này xây dựng nên những hình
tượng thiên nhiên đầy quyến rũ.
3
2.2.7. Tiểu thuyết Tố Tâm đạt thành công nhất định ở phương diện ngôn ngữ và nghệ

thuật kể chuyện. Trong Tố Tâm, nhiều hình thức tổ chức ngôn ngữ được sử dụng: đối thoại
giữa các nhân vật, độc thoại nội tâm, ngôn ngữ người kể chuyện… Nhìn chung, ngôn ngữ trong
Tố Tâm là một thứ ngôn ngữ chải chuốt, giàu cảm xúc, đầy chất trữ tình, chất thơ,... Nó mang
đặc điểm của ngôn ngữ tiểu thuyết lãng mạn. Ra đời lúc quốc văn còn trong thời kỳ phôi thai,
trình độ tiểu thuyết còn thấp kém, có được một trình độ diễn đạt như thế, Tố Tâm đáng được
ghi nhận công lao làm giàu chữ quốc ngữ.
Phần nghệ thuật kể chuyện trong Tố Tâm cũng đáng được đề cao. Dù hầu hết được kết
nối qua những đoạn văn, lá thư... nhưng tác phẩm vẫn thừa sức lôi cuốn, làm say mê người đọc
từ đầu đến cuối truyện.
2.3. Hạn chế:
Tất nhiên, vì còn quá mới, so với hoàn cảnh xã hội và đời sống văn học, tác phẩm khó
thoát khỏi những hạn chế, trong việc đặt và giải quyết vấn đề. Bản thân tác giả, người có gốc
Nho học, cũng khó bề đoạn tuyệt với nếp tư duy, thói quen diễn đạt của lối văn chương truyền
thống.
Về nội dung, tác phẩm chưa xây dựng được điển hình cho một tầng lớp, một giai cấp.
Bản thân Đạm Thủy chỉ là một cá nhân cô đơn. Bi kịch của Đạm Thủy thật cá biệt, so với nhân
vật ký giả và bạn bè cùng hoàn cảnh xuất thân như anh. Ngoài tình yêu, Đạm Thủy hoàn toàn
xa lạ với đời sống chính trị - xã hội, nghĩa là xa lạ với cái bối cảnh trực tiếp gây nên bi kịch cho
tình yêu, hạnh phúc của mình. Bởi vậy, nếu người đọc mong muốn tiểu thuyết phải là bức tranh
khái quát hiện thực, Tố Tâm lập tức bị cho là thiếu sức mạnh điển hình hóa. Bởi vậy, nếu ai đó
đòi hỏi tác phẩm văn học phải đứng ở vũ đài đấu tranh giai cấp, Tố Tâm lập tức bị quy là một
kiểu thoát ly hiện thực. Tất nhiên, chúng ta không thể đòi hỏi một tiểu thuyết lãng mạn phải
chứa đựng nhiều chức năng xã hội. Nhưng giá như, ngoài cơ sở tâm lý, nhà văn còn dùng cơ sở
xã hội để lý giải sự biến động trong đời sống tinh thần nhân vật thì ý nghĩa xã hội của tác phẩm
còn lớn hơn nhiều. Thời bấy giờ, công chúng chưa mạnh dạn kết thành làn sóng ủng hộ tác
phẩm, phải chăng, một phần cũng bởi điều này.
Về nghệ thuật, một số sự kiện trong truyện còn dài dòng, dàn trải, nhất là các đoạn đối
thoại, những phần trích dẫn thư từ, hay những câu thơ xướng họa,... Điều này làm giảm đi độ
căng của truyện, ít nhiều gây cảm giác nhàm chán cho người đọc. Giá như, tác phẩm được gọt
bớt một số trang, dòng thừa thãi. Ví dụ, những đoạn đối thoại giữa Đạm Thủy với thằng bé

người ở, hay những chỗ trích thư từ, nhật ký của Tố Tâm.
Phần lời văn, bởi tập trung miêu tả tầng lớp thượng lưu, lại được tác giả gọt giũa quá
bóng bẩy nên khó hấp thu được lời ăn tiếng nói sống động của quần chúng nhân dân. Nó thiếu
vắng vốn ngôn ngữ giàu hình ảnh, cảm xúc, như người đọc đã từng gặp trong tiểu thuyết Hồ
Biểu Chánh. Nhiều đoạn văn lại theo vết mòn xưa, dùng câu văn biền ngẫu, quá đăng đối, quá
ràng buộc, khiến mạch văn thiếu phần co giãn, linh hoạt, thậm chí lê thê, nặng nề.
Mặt khác, tác phẩm kể chuyện tình yêu thời hiện đại, nhưng nhà văn lại để đôi trai gái tân
thời gởi cho nhau những câu đối, dòng thơ luật Đường khuôn sáo, hình ảnh cũ mòn: “liễu ủ hoa
sầu, năm canh giọt lệ, sương sa gió thổi, tuyết phủ mây mờ,...”. Điều đó khiến người đọc không
khỏi liên tưởng về cuộc tình của những văn nhân tài tử thời phong kiến ngày xưa. Những nhà
nho thủ cựu thấy nhân vật xa lạ với mình. Nhưng thanh niên trí thức Tây học lại thấy nhân vật
dường như chưa hẳn là mình.
Đôi chỗ, nhà văn, vì quá nôn nóng muốn dùng văn chương “gây nên một nền luân lý”, do
đó, đã biến nhân vật Tố Tâm thành cái loa phát ngôn, thuyết lý cho đạo đức. Đây là một trong
nhiều dẫn chứng: “Em là phận gái, cái chức phẩm với đời, có cũng hay mà không cũng được,
chả ai nghị luận gì, ai trách chi nữ nhi nan hóa, nhưng anh là bậc nam nhi hai vai nghĩa vụ,
anh đừng làm như em mà giữ lấy một mối tình vô hy vọng. Anh là người có văn chương, có tư
tưởng, anh nên nhớ rằng cái thân anh không phải của một mình anh, phải làm việc cho nhà,
cho nước, cho xã hội...”. Người đọc thật khó bị thuyết phục bởi một cô gái đang đau khổ sụt
sùi vì tình, lại bất ngờ tỉnh táo, nói những lời mang màu sắc giáo huấn trang nghiêm như thế!
4
Tuy nhiên, nhìn tổng thể, những hạn chế vừa nêu không làm mờ được vẻ đẹp sáng ngời
của tác phẩm. Ta chỉ nên xem nó là hệ quả tất yếu của một quyển tiểu thuyết tâm lý đã xuất
hiện quá sớm, so với bối cảnh thời đại.
3. Nhận xét chung:
Số phận tiểu thuyết Tố Tâm thật khá đặc biệt, từ lúc ra đời đến nay. Suốt mười năm đầu
rong ruổi trong đời sống văn học, Tố Tâm luôn là một hiện tượng đáng luận bàn: lắm kẻ khen,
nhiều người chê, bao người kinh ngạc... Về sau này, mỗi khi nhắc đến tiểu thuyết Việt Nam
hiện đại, bao giờ Tố Tâm cũng là hiện tượng được ưu tiên quan tâm, khảo sát, đánh giá.
Có thể thấy, tính chất tiên phong, hiện đại của tác phẩm, trong lĩnh vực tiểu thuyết đầu

thế kỷ XX, thực sự là điều không thể phủ nhận. Thành công của nó gắn liền với quá trình hiện
đại hóa văn học. Nói cách khác, nếu không có quá trình hiện đại hóa văn học, chắc chắn không
có Tố Tâm. Ngược lại, thành tựu tiểu thuyết sẽ còn khiếm khuyết, nếu quá trình hiện đại hóa
văn học đầu thế kỷ XX không có Tố Tâm.
Tố Tâm thật sự là một tác phẩm “có cứng mới đứng đầu gió”. Mặc cho thái độ tiếp nhận
khác nhau, mặc cho bao nhiêu tiểu thuyết khác lần lượt chào đời trước công chúng, tác phẩm
vẫn giữ địa vị tiên phong, xứng đáng mở đầu cho nền tiểu thuyết mới đầu thế kỷ XX, đồng thời
mở màn cho trào lưu văn học lãng mạn của văn học Việt Nam hiện đại. Và hẳn nhiên, điều đó
cũng gắn liền với tên tuổi Hoàng Ngọc Phách.
Mỹ Tho - 2003
VPC
TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH
1/ Nguyễn Đình Chú (đồng chủ biên) (2000), Văn học 11, NXB Giáo Dục.
2/ Trần Thanh Đạm (1992), Làm văn 12, NXB Giáo Dục.
3/ Phan Cự Đệ ( 2000), Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, NXB Giáo Dục.
4/ Phong Lê, (2001) Văn học Việt Nam hiện đại, NXB Đại học quốc gia Hà Nội.
5/ Hoàng Ngọc Phách (1988), Tố Tâm, NXB Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp.
6/ Trần Hữu Tá (chủ biên) (1998), Văn học 11, NXB Giáo Dục.
7/ Lê Trí Viễn (1978), Lịch sử Văn học Việt Nam – tập 4B, NXB Giáo Dục.
 
5

×