Giáo viên và cán bộ quản lý - nhân tố quyết định chất lượng giáo dục
Chất lượng giáo dục phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: chương trình và sách
giáo khoa; thi cử và tuyển sinh; đội ngũ thầy giáo, cô giáo và cán bộ quản lý;
cơ sở vật chất và thiết bị dạy học; sự quan tâm của các cấp ủy đảng và chính
quyền, đoàn thể; xã hội hóa giáo dục...
Trong các yếu tố đó thì đội ngũ thầy giáo, cô giáo và cán bộ quản lý chính là yếu tố
quyết định. Ban Bí thư Trung ương Ðảng đã có Chỉ thị số 40-CT/T.Ư ngày 15-6-
2004, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 09/2005/QÐ-TTg ngày 1-1-2005 về
xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Bộ
Giáo dục và Ðào tạo đã ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học và đang
triển khai thực hiện.
Hiện nay bộ đang tiếp tục triển khai xây dựng chuẩn nghề nghiệp giáo viên các bậc học mầm non, THCS, THPT. Chuẩn
hiệu trưởng các trường THCS, THPT cũng đang được bộ xây dựng và thực hiện thí điểm trước khi triển khai đại trà.
Năm học 2006-2007, cuộc vận động "hai không" được ngành giáo dục và đào tạo nghiêm túc thực hiện, bước đầu đã
đem lại một số kết quả đáng khích lệ. Năm học 2007-2008 này, gắn kết việc thực hiện nghiêm túc và hiệu quả Chỉ thị 06
của Bộ Chính trị về Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với việc thực hiện Chỉ thị 33
của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, toàn ngành tiếp tục triển khai
quyết liệt với bốn nội dung: "Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, nói không với vi phạm
đạo đức nhà giáo và việc học sinh ngồi nhầm lớp" trong đó nhấn mạnh yêu cầu "mỗi thầy giáo là một tấm gương về đạo
đức và tự học".
Ðối với bậc học phổ thông, học sinh chịu ảnh hưởng rất nhiều ở thầy giáo, cô giáo. Thầy giáo có uy tín, thầy giáo có tài
năng sư phạm sẽ tạo nên hứng thú học tập cho học sinh, từ đó sẽ định hướng, tác động các em trong việc xây dựng ý
thức, thái độ học tập, hình thành nhân cách. Thầy giáo giúp cho học sinh đánh giá đúng khả năng, năng lực học tập của
mình. Ðặc biệt đối với những học sinh giỏi, người thầy giỏi sẽ giúp các em phát hiện ra khả năng của mình. Người thầy
cũng là điểm tựa vững chắc để từ đó giúp các em vượt qua mọi khó khăn, vươn lên trong học tập nhằm đạt kết quả cao.
Ông cha ta thường nói: "Không thầy đố mày làm nên", thực tế cho thấy phải có thầy giỏi mới có trò giỏi. Thầy say sưa
với chuyên môn, tâm huyết với nghề nghiệp thì trò mới say mê học tập và học tập có kết quả.
Như vậy có thể nói, ở bậc học phổ thông, nhất là ở cấp tiểu học và THCS, ngoài việc truyền thụ kiến thức, người thầy có
ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách, lòng say mê học tập, thiên hướng nghề nghiệp để định hướng cho
tương lai của học sinh.
Hiện nay có một thực tế là nhiều giáo viên chuẩn về bằng cấp nhưng chưa chuẩn về nghiệp vụ sư phạm. Những năm
qua có một số địa phương, giáo viên tiểu học và THCS đua nhau đi học đại học tại chức, đại học từ xa, phong trào "trên
chuẩn" bùng phát mạnh mẽ.
Việc học tập của giáo viên phải được khuyến khích và trân trọng, nếu có thêm bằng trên chuẩn mà dạy học tốt hơn, kết
quả học tập của học sinh được nâng cao hơn thì quý biết bao.
Tuy nhiên, có những trường tiểu học, THCS số giáo viên trên chuẩn ngày một nhiều, nhưng số giáo viên có thể dạy tốt
chương trình mới lại rất ít. Do đó, để việc giảng dạy ở cấp học, bậc học của mình, ở lớp mình phụ trách sao cho có hiệu
quả, phải coi trọng việc tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên là chính, hơn là chạy đua theo bằng cấp mà không có chất
lượng đích thực.
Trong cuộc vận động "hai không", chúng ta nhấn mạnh "mỗi thầy cô là một tấm gương đạo đức và tự học". Khâu đột
phá trong giáo dục hiện nay là phải tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng
cường thực hành, thí nghiệm để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và hội nhập.
Cũng liên quan vấn đề xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, xin được bàn ở một khía
cạnh khác. Ðôi khi chúng ta chỉ quan tâm việc dạy dỗ học sinh mà quên đi tác phong của chính người thầy. Dân tộc ta
vốn có truyền thống "tôn sư trọng đạo". Hình ảnh người thầy trong mắt học trò bao giờ cũng đẹp. Nhưng nó chỉ đẹp và
đẹp mãi khi người thầy thật sự là tấm gương mẫu mực trong nếp sống, nếp sinh hoạt.
Trong giáo dục, yếu tố quyết định làm nên chất lượng chính là đội ngũ nhà giáo, tuy nhiên có một yếu tố đóng vai trò
dẫn dắt hoạt động dạy học - đó là những cán bộ quản lý giáo dục trong hệ thống ngành học và cơ sở giáo dục. Như thế
nào là một cán bộ quản lý giỏi.
Theo tôi, người cán bộ quản lý trước hết phải đáp ứng được các yêu cầu sau: có phẩm chất chính trị tốt, có hiểu biết về
pháp luật, vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ, có năng lực quản lý, có tác phong làm việc khoa học.
Người cán bộ quản lý giỏi là người có khả năng tập hợp được quần chúng, xây dựng được tập thể sư phạm đoàn kết,
biết xây dựng và nhân được điển hình tiên tiến, nhân tố mới, người tốt, việc tốt, nét đẹp đời thường, nét đẹp trong cuộc
sống hằng ngày của giáo viên và học sinh, thực hiện tôn trọng quy chế dân chủ, và lấy quy chế dân chủ làm chỗ dựa
cho công tác quản lý.
Ðể cuộc vận động "hai không" có hiệu quả, phong trào trong nhà trường đi lên một cách thực chất thì vai trò của hiệu
trưởng là rất quan trọng bởi vì hiệu trưởng nhà trường nắm giữ vai trò chủ đạo, cùng tập thể giáo viên quyết định việc
thực thi các mục tiêu giáo dục.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đã nhấn mạnh: "Sự nghiệp đổi mới giáo dục thành công hay không một phần
quan trọng phụ thuộc ở năng lực quản lý, điều hành của người hiệu trưởng". Khi đã được phân cấp, trách nhiệm của
hiệu trưởng lại càng nặng nề hơn. Bên cạnh năng lực chuyên môn tốt, hiệu trưởng còn phải có khả năng quản lý kinh tế,
có trình độ tin học và ngoại ngữ nhất định. Nếu không, trong thời kỳ hội nhập, khó mà nói đến chuyện ứng dụng có hiệu
quả công nghệ thông tin và tận dụng cơ hội để hiện đại hóa giáo dục thông qua sự hợp tác quốc tế.
Người hiệu trưởng còn cần phải có khả năng thích ứng môi trường thay đổi nhanh và chịu đựng với thực trạng áp lực
công việc cao hằng ngày. Ở những nơi nội bộ có vấn đề, ban giám hiệu mất đoàn kết, quy chế dân chủ không được
thực hiện, thì khó có thể tập trung được lực lượng và tâm trí để làm chuyên môn, khó có thể xây dựng nhà trường thành
trường kiểu mẫu.
Hiệu trưởng phải là người vừa có "tâm" vừa có "tầm", phải là người mà được đại đa số cán bộ, giáo viên nể và phục. Nể
vì đức độ, vì sự gương mẫu, vì lối sống và cách đối nhân xử thế, vì cái "tâm" của hiệu trưởng, phục vì năng lực chuyên
môn, năng lực quản lý, cách điều hành, xử lý thông tin.
Công tác quản lý của ta lâu nay ở các trường phổ thông chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, chưa coi trọng công tác dự báo,
xây dựng chiến lược. Kiến thức về pháp luật tổ chức bộ máy, quản lý nhân sự, tài chính hạn chế, lúng túng trong thực
thi thẩm quyền và trách nhiệm. Như vậy, yêu cầu cấp bách hiện nay là phải đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản
lý ở các nhà trường. Cần phát hiện và nhân điển hình các mô hình hiệu trưởng quản lý giỏi cùng với việc xây dựng đội
ngũ các nhà giáo vừa giỏi về chuyên môn vừa tâm huyết với sự nghiệp trồng người theo hướng chuẩn nghề nghiệp.
Một năm học mới lại bắt đầu. Ðể thổi bùng lên không khí "dạy thật, học thật, thi thật" cần gắn kết việc thực hiện nghiêm
túc, có hiệu quả Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với việc thực hiện Chỉ thị 33 của
Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục và cuộc vận động "hai không" mà
hiệu trưởng và các thầy giáo, cô giáo trong mỗi nhà trường là lực lượng nòng cốt.
NGND PHẠM NGỌC QUANG