Tải bản đầy đủ (.pdf) (169 trang)

Chiến lược rào đón và nghĩa liên nhân của hành động rào đón trong giao tiếp của người nghệ tĩnh

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.32 MB, 169 trang )

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH

NGUYỄN THỊ KHÁNH CHI

CHIẾN LƯỢC RÀO ĐÓN
VÀ NGHĨA LIÊN NHÂN CỦA HÀNH ĐỘNG RÀO ĐÓN
TRONG GIAO TIẾP CỦA NGƯỜI NGHỆ TĨNH

LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN

NGHỆ AN - 2017


BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH

NGUYỄN THỊ KHÁNH CHI

CHIẾN LƯỢC RÀO ĐÓN
VÀ NGHĨA LIÊN NHÂN CỦA HÀNH ĐỘNG RÀO ĐÓN
TRONG GIAO TIẾP CỦA NGƯỜI NGHỆ TĨNH

Chuyên ngành: Ngôn ngữ Việt Nam
Mã số: 62 22 01 02

LUẬN ÁN TIẾN SĨ NGỮ VĂN

Người hướng dẫn khoa học:

GS. TS. ĐỖ THỊ KIM LIÊN


TS. ĐẶNG LƯU

NGHỆ AN - 2017


LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan công trình nghiên cứu này là của riêng tôi. Các công trình
nghiên cứu khác có liên quan được trích dẫn trong Luận án đều có chú thích rõ
ràng. Mọi nhận định, kiến giải, kết luận là của bản thân, không sao chép từ bất kì
một tài liệu nào. Nếu có gì sai sót, tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Nghệ An, tháng 10 năm 2017
Người viết

Nguyễn Thị Khánh Chi


LỜI CẢM ƠN

Trước hết, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới GS. TS. Đỗ Thị Kim Liên và
TS. Đặng Lưu, những người đã dìu dắt tôi từ những bước đi đầu tiên trong học tập,
nghiên cứu khoa học đến quá trình thực hiện luận án này.
Tôi cũng chân thành cảm ơn các cấp lãnh đạo, thầy cô trong bộ môn Ngôn ngữ,
Khoa Sư phạm Ngữ văn, Phòng Sau đại học, Phòng Khoa học - Thiết bị của Trường
Đại học Vinh, đã tạo điều kiện, giúp đỡ tôi hoàn thành luận án này.
Nhân đây, tôi gửi lời cảm ơn đến đồng nghiệp, bạn bè, người thân đã động viên,
khích lệ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tôi hoàn thành luận án đúng thời hạn.

Nghệ An, tháng 10 năm 2017

Người viết

Nguyễn Thị Khánh Chi


MỤC LỤC
Trang
MỞ ĐẦU ................................................................................................................ 1
1. Lý do chọn đề tài.............................................................................................. 1
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu.................................................................... 2
3. Đối tượng nghiên cứu và nguồn ngữ liệu.......................................................... 2
4. Phương pháp, thủ pháp nghiên cứu................................................................... 3
5. Đóng góp của luận án....................................................................................... 4
6. Cấu trúc của luận án ......................................................................................... 4
Chương 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ
LÝ THUYẾT CỦA ĐỀ TÀI ................................................................................ 5
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu .................................................................... 5
1.1.1. Nghiên cứu của các tác giả nước ngoài ................................................... 5
1.1.2. Nghiên cứu của các tác giả trong nước ................................................... 9
1.2. Cơ sở lý thuyết ............................................................................................ 12
1.2.1. Lý thuyết hội thoại................................................................................ 12
1.2.2. Lý thuyết hành động ngôn từ ................................................................ 23
1.2.3. Hành động rào đón trong hội thoại........................................................ 34
1.3. Một số đặc trưng của tiểu vùng phương ngữ Nghệ Tĩnh .............................. 36
1.3.1. Về ngữ âm ............................................................................................ 37
1.3.2. Về hệ thống từ vựng ............................................................................. 38
1.3.3. Về cách nói năng .................................................................................. 39
1.4. Tiểu kết chương 1........................................................................................ 39
Chương 2 NHẬN DIỆN HÀNH ĐỘNG RÀO ĐÓN TRONG GIAO TIẾP
CỦA NGƯỜI NGHỆ TĨNH ................................................................................ 41

2.1. Những tiêu chí nhận diện hành động rào đón trong giao tiếp của người
Nghệ Tĩnh .......................................................................................................... 41
2.1.1. Vị trí xuất hiện hành động rào đón trong tham thoại ............................. 41
2.1.2. Ngữ cảnh .............................................................................................. 44
2.1.3. Hành động chủ hướng........................................................................... 47
2.1.4. Biểu thức chứa hành động rào đón........................................................ 51
2.1.5. Đích tác động ....................................................................................... 58


2.2. Vai trò của hành động rào đón trong giao tiếp của người Nghệ Tĩnh ........... 59
2.2.1. Tạo ngôn cảnh thuận lợi để đạt đích giao tiếp ....................................... 59
2.2.2. Tham gia cấu tạo lập luận ..................................................................... 62
2.3. Ngữ nghĩa của hành động rào đón trong giao tiếp của người Nghệ Tĩnh...... 65
2.3.1. Khái niệm nghĩa trong ngôn ngữ........................................................... 65
2.3.2. Các nhóm ngữ nghĩa của hành động rào đón trong giao tiếp của người
Nghệ Tĩnh ............................................................................................ 67
2.4. Tiểu kết chương 2........................................................................................ 74
Chương 3. CHIẾN LƯỢC RÀO ĐÓN TRONG GIAO TIẾP CỦA NGƯỜI
NGHỆ TĨNH........................................................................................................ 76
3.1. Những nhân tố chi phối chiến lược rào đón ................................................. 76
3.1.1. Khái niệm chiến lược rào đón ............................................................... 76
3.1.2. Những nhân tố chi phối chiến lược rào đón trong giao tiếp của người
Nghệ Tĩnh ............................................................................................ 77
3.2. Biểu hiện chiến lược rào đón trong giao tiếp của người Nghệ Tĩnh.............. 82
3.2.1. Chiến lược rào đón lịch sự.................................................................... 82
3.2.2. Chiến lược kín đáo gợi ý cho người nghe ............................................. 91
3.2.3. Chiến lược chủ động giải tỏa nguy cơ bất đồng .................................... 96
3.2.4. Chiến lược mượn lời........................................................................... 106
3.3. Tiểu kết chương 3...................................................................................... 111
Chương 4. NGHĨA LIÊN NHÂN CỦA HÀNH ĐỘNG RÀO ĐÓN TRONG

GIAO TIẾP CỦA NGƯỜI NGHỆ TĨNH......................................................... 112
4.1. Quan niệm nghĩa liên nhân ........................................................................ 112
4.1.1. Quan niệm của các tác giả đi trước ..................................................... 112
4.1.2. Khái niệm nghĩa liên nhân .................................................................. 113
4.2. Biểu hiện nghĩa liên nhân của hành động rào đón trong giao tiếp của người
Nghệ Tĩnh ........................................................................................................ 116
4.2.1. Nghĩa liên nhân biểu thị qua các vai giao tiếp ..................................... 116
4.2.2. Nghĩa liên nhân biểu thị qua phương tiện tình thái.............................. 135
4.3. Dấu ấn văn hóa - ngôn ngữ của người Nghệ Tĩnh qua hành động rào đón . 143
4.3.1. Lời rào đón thể hiện cách ứng xử vị tình của người Nghệ Tĩnh......... 144n


1
4.3.2. Người Nghệ Tĩnh rào đón để giữ gìn thể diện của mình và tôn trọng
thể diện người khác ............................................................................ 145
4.3.3. Lời rào đón thể hiện sự dung hòa các đối cực trong tính cách người
Nghệ Tĩnh .......................................................................................... 146
4.4. Tiểu kết chương 4...................................................................................... 147
KẾT LUẬN........................................................................................................ 148
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ .............. 151
TÀI LIỆU THAM KHẢO................................................................................. 152
PHỤ LỤC


BẢNG CHÚ THÍCH KÍ HIỆU VIẾT TẮT

TT

Kí hiệu viết tắt


Nội dung viết tắt

1

HĐCH

Hành động chủ hướng

2

HĐRĐ

Hành động rào đón

3

Sp1

Người nói

4

Sp2

Người nghe

5

TTTT


Tiểu từ tình thái


MỤC LỤC CÁC BẢNG BIỂU THỐNG KÊ
Trang
Bảng 2.1. Tổng hợp vị trí của HĐRĐ trong tham thoại......................................... 43
Bảng 2.2. Hành động chủ hướng có hành động rào đón đi kèm trong giao tiếp
của người Nghệ Tĩnh............................................................................ 49
Bảng 2.3. Tổng hợp các kiểu kết cấu hành động rào đón với động từ nói trong
giao tiếp của người Nghệ Tĩnh ............................................................. 54
Bảng 2.4. Các nhóm ngữ nghĩa của hành động rào đón trong giao tiếp của
người Nghệ Tĩnh .................................................................................. 67
Bảng 3.1. Các chiến lược rào đón trong giao tiếp của người Nghệ Tĩnh ............... 82
Bảng 3.2. Các biện pháp thực hiện chiến lược rào đón lịch sự trong giao tiếp
của người Nghệ Tĩnh............................................................................ 84
Bảng 3.3. Các biện pháp thực hiện chiến lược kín đáo gợi ý cho Sp2 trong
giao tiếp của người Nghệ Tĩnh ............................................................. 92
Bảng 3.4. Các biện pháp thực hiện chiến lược chủ động giải tỏa nguy cơ bất đồng
trong giao tiếp của người Nghệ Tĩnh .................................................... 97
Bảng 3.5. Các biện pháp thực hiện chiến lược mượn lời trong giao tiếp của
người Nghệ Tĩnh ................................................................................ 107
Bảng 3.6. Bảng tổng hợp các chiến lược rào đón trong giao tiếp của người
Nghệ Tĩnh .......................................................................................... 110
Bảng 4.1. Tổng hợp vai giao tiếp sử dụng hành động rào đón theo giới tính....... 118
Bảng 4.2. Bảng tổng hợp vai giao tiếp sử dụng hành động rào đón theo vị thế ... 127
Bảng 4.3. Sử dụng từ xưng hô trong hành động rào đón của người Nghệ Tĩnh ... 129
Bảng 4.4. Khả năng xuất hiện của TTTT cuối phát ngôn rào đón của người
Nghệ Tĩnh .......................................................................................... 138
Bảng 4.5. Ngữ nghĩa của một số tiểu từ tình thái kết thúc hành động rào đón
của người Nghệ Tĩnh.......................................................................... 139



1
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
1.1. Trong giao tiếp hằng ngày, nhiều lúc ta nhận thấy những điều không có
trong nội dung trao đổi cụ thể, nghĩa là không cần đến sự hồi đáp của người nghe,
nhưng lại có vai trò rất quan trọng. Nó định hướng cho người nghe hiểu đúng lời
người nói, ngăn ngừa những hiểu lầm hoặc những phản ứng không hay có thể xẩy
ra, đảm bảo duy trì được mối quan hệ liên nhân giữa các vai giao tiếp, nhờ đó, việc
trao đổi thông tin cũng diễn ra thuận lợi hơn. Phần ấy trong phát ngôn được gọi là
lời rào đón (hedges).
Người Việt Nam nói chung, người Nghệ Tĩnh nói riêng, trong giao tiếp nghi
thức và phi nghi thức, thường nói những lời rào đón trước khi đưa ra nội dung thông
báo chính. Sự xuất hiện của các câu đưa đẩy, các hành động rào đón khiến cho lời
nói có vẻ vòng vo, nhưng bù lại, nhờ chúng mà hoạt động giao tiếp trở nên dễ dàng
hơn. Tuy lời rào đón có vai trò quan trọng như vậy, nhưng các nhà Việt ngữ học vẫn
chưa dành cho nó sự quan tâm đúng mức. Đặc biệt, những công trình nghiên cứu
chuyên sâu về lời rào đón trong một phương ngữ cụ thể hiện vẫn còn vắng bóng.
1.2. Trong giao tiếp, giữa hành động rào đón và hành động chủ hướng luôn
có mối quan hệ chặt chẽ. Những lời rào đón không hẳn chỉ là dấu hiệu cho thấy
người nói vi phạm các nguyên tắc cộng tác hội thoại như ý kiến của một số nhà
ngôn ngữ mà trong phần lớn các tình huống, sự xuất hiện lời rào đón bao giờ cũng
phụ thuộc vào nhu cầu của hành động chủ hướng, cụ thể là phụ thuộc vào mức độ
đe dọa thể diện mà các hành động chủ hướng đó biểu hiện. Do đó, rào đón trở thành
một trong những công cụ hữu ích cho việc duy trì và củng cố quan hệ liên nhân
trong giao tiếp, đặc biệt là giao tiếp đối mặt. Vì vậy, việc đi sâu nghiên cứu quan hệ
giữa hành động rào đón và hành động chủ hướng là rất cần thiết.
1.3. Trong các biểu thức rào đón, nghĩa liên nhân (interpersonal meaning) một dạng biểu hiện của nghĩa, liên quan đến các tình huống xã hội (giữa người với
người), thể hiện nhân cách, vai xã hội của người nói, thái độ của người nói đối với

người tham gia hội thoại hoặc nội dung của các phát ngôn được thể hiện rất rõ.
Nghiên cứu lời rào đón, không thể bỏ qua những khía cạnh chính yếu này.
1.4. Rào đón không phải là “đặc sản” của bất cứ phương ngữ nào ở nước ta.
Trong hoạt động giao tiếp, hành động ngôn ngữ này bị chi phối bởi nhiều yếu tố,


2
trong đó có yếu tố văn hóa. Ở chiều ngược lại, qua cách nói rào đón, ta cũng có thể
phát hiện một số khía cạnh trong văn hóa ứng xử của con người một vùng đất. Theo
thông lệ chung ấy, lời rào đón trong tiếng Nghệ Tĩnh cũng chứa đựng những thông
tin đáng tin cậy về đặc điểm văn hóa của người Nghệ.
Từ những lý do trên, chúng tôi chọn đề tài: Chiến lược rào đón và nghĩa liên
nhân của hành động rào đón trong giao tiếp của người Nghệ Tĩnh để nghiên cứu.
2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
2.1. Mục đích nghiên cứu
Đề tài hướng đến mục đích:
- Giúp người nghiên cứu hiểu sâu về chiến lược rào đón và ý nghĩa liên nhân
biểu hiện qua hành động rào đón trong giao tiếp của người Nghệ Tĩnh, từ đó nhìn
nhận một số nét riêng về văn hóa - ngôn ngữ của người Nghệ Tĩnh.
2.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Luân án hướng đến thực hiện những nhiệm vụ sau:
- Giới thuyết một số vấn đề lý thuyết ngôn ngữ học thuộc phạm vi nghiên
cứu của đề tài.
- Thống kê, phân loại tư liệu điều tra điền dã, ghi âm các cặp thoại của vai
giao tiếp có sử dụng hành động rào đón trong giao tiếp của người Nghệ Tĩnh.
- Nhận diện hành động rào đón trong giao tiếp của người Nghệ Tĩnh.
- Xác định, phân tích các tiểu nhóm thể hiện cách thức rào đón trong giao
tiếp của người Nghệ Tĩnh.
- Phân tích, làm rõ nghĩa liên nhân của hành động rào đón trong giao tiếp của
người Nghệ Tĩnh.

3. Đối tượng nghiên cứu và nguồn ngữ liệu
3.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của luận án là hành động rào đón trong giao tiếp của
người Nghệ Tĩnh. Đối tượng này được quan sát từ góc nhìn đồng đại, nghĩa là hoạt
động ngôn ngữ đang diễn ra trong đời sống hiện nay. Trên tư liệu hơn 2000 phiếu
điều tra điền dã, ghi âm, chúng tôi đã tách các tham thoại có xuất hiện hành động
rào đón để phân tích, mô tả. Các phát ngôn đó đều do các cá nhân nam/nữ thuộc
nhiều đối tượng, nhưng chủ yếu tập trung ở các nhóm đối tượng điển hình: cha
mẹ/ông bà trong tương tác với con cháu; giáo viên với học sinh; bác sĩ với bệnh


3
nhân; người bán với người mua và bạn bè, đồng nghiệp với nhau. Về độ tuổi của
đối tượng khảo sát, chúng tôi cũng có giới hạn trong phạm vi từ 17, 18 tuổi trở lên.
3.2. Nguồn ngữ liệu
Nguồn ngữ liệu được sử dụng trong luận án là ngôn ngữ giao tiếp hàng
ngày của nghiệm viên thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Tuy nhiên, chúng tôi
chỉ tiến hành khảo sát tư liệu ở ba vùng: thành phố, nông thôn và miền biển. Cụ
thể, ở Nghệ An, chúng tôi khảo sát gồm 13 huyện: Hưng Nguyên, Nam Đàn,
Thanh Chương, Đô Lương, Yên Thành, Tân Kì, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Nghi Lộc,
Cửa Lò, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và thành phố Vinh; ở Hà Tĩnh gồm 7 huyện Nghi
Xuân, Đức Thọ, Can Lộc, Hương Sơn, Hương Khê, Thạch Hà, Cẩm Xuyên và
thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh. Ngữ liệu thu được là 2050 lượt lời được
chuyển từ băng ghi âm thành dạng văn bản viết (xem PHỤ LỤC)
4. Phương pháp, thủ pháp nghiên cứu
Thực hiện đề tài này, chúng tôi chủ yếu sử dụng các phương pháp:
4.1. Phương pháp điều tra, điền dã
Phương pháp này được tiến hành bằng hai cách: ghi âm và ghi chép trực tiếp
các cuộc thoại trong giao tiếp hàng ngày của các đối tượng được phân biệt theo
những điểm sau:

a. Giới tính: nam/nữ
b. Nghề nghiệp: nông dân, công nhân, viên chức, sinh viên, và những người
làm nghề tự do (chủ yếu là kinh doanh).
c. Độ tuổi: từ 17, 18 tuổi trở lên.
d. Mối quan hệ: gia đình, làng xóm, bạn bè, đồng nghiệp.
e. Hoàn cảnh phát ngôn: giao tiếp tự nhiên giữa hai nhân vật trong gia đình
và ngoài xã hội.
f. Nội dung phát ngôn: liên quan đến cuộc sống riêng tư, bạn bè và công việc.
Băng ghi âm được chúng tôi chuyển thành dạng văn bản viết để dễ dàng
phục vụ cho công việc nghiên cứu.
4.2. Phương pháp phân tích diễn ngôn
Phương pháp này được sử dụng trong quá trình chúng tôi đi sâu phân tích
quan hệ giữa hành động rào đón với hành động chủ hướng trong giao tiếp của người
Nghệ Tĩnh; ngữ nghĩa của hành động rào đón trong những tình huống giao tiếp cụ
thể; nghĩa liên nhân giữa các vai giao tiếp khi thực hiện hành động rào đón.


4
4.3. Phương pháp phân tích ngôn cảnh
Sử dụng phương pháp này, chúng tôi luôn luôn gắn việc phân tích những ví
dụ cụ thể với những yếu tố trước và sau nó; với bối cảnh không gian, với nhân vật
giao tiếp để thấy được vai trò của phát ngôn trong hành chức.
Bên cạnh những phương pháp trên, chúng tôi còn vận dụng một số thủ pháp sau:
- Thủ pháp thống kê, phân loại
Thủ pháp này được sử dụng để thống kê các tham thoại chứa hành động rào
đón, sau đó phân loại các hành động rào đón này thành từng nhóm nhỏ phục vụ cho
từng mục đích nghiên cứu cụ thể.
- Thủ pháp so sánh
Thủ pháp này được chúng tôi sử dụng để chỉ ra một số điểm tương đồng và
khác biệt phương tiện rào đón được người Nghệ Tĩnh sử dụng so với các phương

tiện rào đón trong giao tiếp toàn dân.
- Thủ pháp hệ thống hóa, mô hình hóa thành các biểu đồ
Thủ pháp hệ thống hóa, mô hình hóa thành các biểu đồ này được chúng tôi
sử dụng khi tìm hiểu về các cách sử dụng, phân nhóm hành động rào đón trong giao
tiếp của người Nghệ Tĩnh.
5. Đóng góp của luận án
Đây là đề tài đầu tiên tiến hành nghiên cứu về hành động rào đón trong giao
tiếp của người dân ở một địa phương cụ thể - Nghệ Tĩnh. Do đó, những kết quả của
luận án sẽ phần nào phản ánh những đặc trưng chiến lược rào đón, nghĩa liên nhân
của hành động rào đón trong giao tiếp và văn hóa ứng xử của người Nghệ Tĩnh,
cách người Nghệ Tĩnh nhìn nhận vấn đề và xác lập quan hệ với người đối thoại.
Cũng như phần lớn các đề tài nghiên cứu ngôn ngữ ứng dụng khác, đề tài của
chúng tôi cũng sẽ góp phần hoàn thiện thêm lý thuyết hội thoại và lý thuyết hành
động ngôn từ.
6. Cấu trúc của luận án
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, luận án gồm
4 chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu và cơ sở lí thuyết của đề tài
Chương 2: Nhận diện hành động rào đón trong giao tiếp của người Nghệ Tĩnh
Chương 3: Chiến lược rào đón trong giao tiếp của người Nghệ Tĩnh
Chương 4: Nghĩa liên nhân của hành động rào đón trong giao tiếp của người
Nghệ Tĩnh


5
Chương 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
VÀ CƠ SỞ LÝ THUYẾT CỦA ĐỀ TÀI
1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu
Rào đón (Hedges) bắt đầu được sử dụng như một thuật ngữ ngôn ngữ học

thuộc bình diện dụng học từ đầu những năm 1970 khi G. Lakoff (1972) đề cập đến
việc rào đón có khả năng tác động tới quy tắc hội thoại. Từ đó đến nay, rào đón đã
được nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới cũng như ở Việt Nam quan tâm tìm hiểu ở
những phạm vi khác nhau. Sau đây, chúng tôi xin điểm qua tình hình nghiên cứu
rào đón của các tác giả ngoài nước và trong nước.
1.1.1. Nghiên cứu của các tác giả nước ngoài
Cho đến nay, việc nghiên cứu về rào đón được đề cập qua nhiều bài báo,
công trình khác nhau nhưng có thể quy về hai hướng chính sau đây.
a) Hướng nghiên cứu hành động rào đón trong mối tương quan với các
nguyên tắc hội thoại, cụ thể là nguyên tắc cộng tác và nguyên tắc lịch sự. Hướng
này gồm các tác giả tiêu biểu như G. Lakoff, G. Yule, Peter Grundy, P. Brown & C.
Levinson, Green... Tư tưởng của họ có ảnh hưởng rất mạnh đối với ngôn ngữ học
thế giới.
Năm 1996, G. Yule, trong cuốn Dụng học (Pragmatics) đã đặt lời rào đón
trong mối quan hệ với bốn phương châm hội thoại. Tác giả nhận định: Lời rào đón
là những chỉ dẫn rất tốt về việc người nói không chỉ nhận biết được những phương
châm trên (chất, lượng, cách thức, quan hệ), mà còn cho thấy là họ muốn chỉ ra rằng
họ đang cố gắng tuân thủ chúng (Hedges are good indications that the speakers are
not only aware of the maxims, but that they want to show that they are trying to
observe them [139, tr.39]). Khi nhận thấy phương châm về chất không được tôn
trọng triệt để, tức thông tin đưa ra thiếu chính xác hoặc không chứng minh thỏa
đáng được thì người nói có thể sử dụng các biểu thức rào đón như: As far as I know,
I may be mistaken, I’m not sure if this is right... Khi thấy phương châm lượng có
nguy cơ vi phạm, tức lượng thông tin không phù hợp với mục đích của cuộc thoại
(ít hơn hoặc nhiều hơn) thì người nói có thể sử dụng các biểu thức rào đón như: As
you probably know, To cut a long story short, I won’t bore you with all the details...


6
Để rào đón phương châm quan hệ, người nói có thể sử dụng các biểu thức rào đón

kiểu như: ‘Oh, by the way’, I don’t know it this is important, Not to change the
subject... Còn những lời giáo đầu kiểu như: This may be a bit confused, I’m not sure
if this makes sense, I don’t know if this is clear at all... có thể được dùng để rào đón
phương châm cách thức.
Các biểu thức rào đón gắn với nguyên tắc cộng tác cũng được Peter Grundy
(2008) nhắc tới trong tác phẩm Doing Pragmatics: các phương châm hội thoại có
thể được rào đón bằng những lời chú giải siêu ngôn ngữ (người nói có thể sử dụng
những lời chú giải siêu ngôn ngữ đó để khẳng định rằng các phương châm đó được
tuân thủ một cách triệt để) (We’ve seen how conversational maxims can be hedged
with metalingual glosses. Speakers can also use metalingual glosses to assure their
addressees that the maxims are being scrupulously comlied with [129, tr. 101]).
Theo tác giả, bên cạnh những biểu thức được người nói sử dụng để rào đón với
người nghe rằng họ có nguy cơ không gắn bó với một phương châm nào đó, còn có
các biểu thức dùng để nhấn mạnh có một phương châm nào đó cần được tôn trọng
hơn. Chẳng hạn, trong lời khẳng định Cigarettes are bad for you for sure thì sure là
biểu thức nhấn mạnh phương châm về chất, nó đảm bảo độ tin cậy tuyệt đối của lời
khẳng định. Khi nói The point is that cigarettes are bad for you thì biểu thức The
point is that lại nhấn mạnh phương châm quan yếu. Có khi, người ta lại nói: Put
plainly, cigarettes are bad for you thì Put plainly là biểu thức nhấn mạnh phương
châm cách thức... Như vậy, bên cạnh những biểu thức rào đón các quy tắc hội thoại
còn có các biểu thức nhấn mạnh quy tắc hội thoại được tác giả Peter Grundy đề cập.
Về vai trò của lời rào đón, tác giả cho rằng những lời rào đón không thêm vào giá trị
đúng sai của phát ngôn mà chỉ vạch ra phạm vi, hướng dẫn cách hiểu phát ngôn hơn
là một phần nội dung được nói đến (One important point about these maxim hedges
and intensifiers is that none of them adds truth value to the utterances to which they
are attached... This confirms that the hedges and intensifiers are more a comment on
the extent to which the speaker is abiding by the maxims which guide our
conversational contributions than a part of what is said or conveyed [129, tr. 101]).
Ngoài ra, bên cạnh nguyên tắc cộng tác trong hội thoại, các nhà nghiên cứu
theo hướng này còn nghiên cứu hành động rào đón như một biểu hiện của lịch sự

trong giao tiếp.


7
G. Lakoff (1972) quan niệm: rào đón dùng để chỉ những ngôn từ mà chức
năng của chúng là giúp người nói tránh việc tuyệt đối hóa những nhận định mà họ
đưa ra, đồng thời giúp người nói giảm nhẹ được trách nhiệm với phát ngôn của
mình. Cụ thể, G.Lakoff đã tập trung khai thác đặc tính logic của các từ, cụm từ như
rather, largely, on manner of speaking và khả năng hành chức của những từ/ cụm từ
này trong việc làm cho mọi thứ trở nên mơ hồ hoặc ít mơ hồ đi. Theo R. Lakoff,
việc dùng các yếu tố rào đón có tác dụng làm biến đổi hiệu lực của hành động ngôn
từ, do đó sẽ có các biểu thức rào đón điều kiện sử dụng hành động ở lời. Ông cho
rằng, khi ta yêu cầu ai làm việc gì thì tiền giả định (viết tắt là TGĐ) là: (1) người đó
có thể và có ý muốn sẵn sàng thực hiện việc đó, và (2) người đó chưa thực hiện việc
ta yêu cầu. Và khi ta hứa hẹn thực hiện một điều gì đó thì TGĐ là: (1) ta chưa thực
hiện nó, và (2) người nghe muốn ta thực hiện điều đó.
Rào đón những điều được giả định trên có nghĩa là tránh được sự ràng
buộc đối với những TGĐ đó. Đó là cách thức cơ bản để giải tỏa những đe dọa
đối với những tương tác, đe dọa mối quan hệ giữa con người với nhau trong giao
tiếp. Cùng quan niệm với G.Lakoff, các tác giả P. Brown và S. Levinson cũng
cho rằng rào đón là những tiểu từ, từ hoặc cụm từ xác định mức độ phụ thuộc
của vị ngữ hoặc một cụm danh từ trong một câu, có chức năng hiệu chỉnh, nói
bớt đi, nói giảm nhẹ đi. Nói cách khác, rào đón làm nhiệm vụ xác định các thành
phần còn lại trong câu chỉ đúng một phần hoặc chỉ đúng ở một khía cạnh nhất
định nào đó.
G. Green (1989) trong tác phẩm Pragmatics and Natural language
Undestanding cũng đề cập đến rào đón theo nguyên tắc lịch sự. Green cho rằng, các
biện pháp lịch sự âm tính (các biện pháp nhằm hạn chế sự đe dọa thể diện của người
nghe khi bắt buộc phải thực hiện một hành động đe dọa thể diện nào đấy) và các
biện pháp lịch sự dương tính (các biện pháp tôn vinh thể diện người nghe) của P.

Brown và S. Levinson chính là các biểu thức rào đón và nhấn mạnh, nhằm điều hòa
các mối liên hệ cá nhân trong xã hội. Chẳng hạn, khi chuẩn bị thực hiện một hành
động có nguy cơ đe dọa thể diện của người nghe thì người nói cần phải dựa vào các
nhân tố như khoảng cách xã hội, quyền lực tương đối giữa người nói và người nghe
để rồi quyết định: hoặc bỏ qua vấn đề thể diện, thực hiện bằng cách nói thẳng; hoặc
lựa chọn phép lịch sự dương tính làm cho người nghe cảm thấy dễ chịu hoặc thấy


8
giá trị anh ta được chia sẻ, tôn trọng, hoặc lựa chọn chiến lược lịch sự âm tính bằng
cách rào đón, xin lỗi.
b) Hướng tiếp cận rào đón với tư cách là công cụ hiện thực hóa chiến lược
giao tiếp. Đại diện cho hướng nghiên cứu này là M.Collins (1987). Collins cho
rằng, nếu người nói rào đón nghĩa là người nói đang thực hiện một hành động mà sẽ
bảo vệ người nói khỏi bị tác động bởi một điều gì đó không hay hoặc không mong
muốn [Dẫn theo 105, tr.22]. Điều này có thể được hiểu là nếu người nói rào đón
một vấn đề hoặc một câu hỏi đồng nghĩa với việc người nói tránh trả lời câu hỏi
hoặc đang tự cam kết với một hành động hoặc quyết định ngầm ẩn trong giao tiếp.
Nó cũng đồng nghĩa với việc lựa chọn có rào đón hay không trong quá trình giao
tiếp tương ứng với việc lựa chọn một chiến lược giao tiếp nhất định .
Để đưa ra những cách lí giải khác nhau về rào đón, các nhà nghiên cứu trên
thế giới đã tiếp cận chúng chủ yếu qua hai nguồn ngữ liệu chính: Nguồn ngữ liệu
thứ nhất là các văn bản (nói/viết) có tính chất khoa học, học thuật và nguồn ngữ liệu
thứ hai là việc giao tiếp bằng lời của các nhân vật (cụ thể là của nam giới và nữ
giới). Tuy nhiên, theo hiểu biết của chúng tôi, phần lớn các bài nghiên cứu này chủ
yếu khai thác về rào đón trong các văn bản có tính chất khoa học, học thuật. Có thể
kể ra đây một số bài viết, công trình tiêu biểu như:
- Giảm nhẹ chỉ trích: Việc sử dụng các phương tiện rào đón từ vựng trong
ngôn bản học thuật (Softening criticism: The use of lexical hedges in academic
spoken interaction), Luận văn của Niina Riekkinen (2009).

- Các hướng tiếp cận mới về rào đón (New approaches to hedging), tập hợp
các bài nghiên cứu về rào đón tại hội thảo Dụng học quốc tế lần thứ 10 được tổ
chức tại Goteborg - Thụy Điển (2010).
- Rào đón trong diễn ngôn chính trị trong các buổi họp báo của Tổng thống
Bush năm 2007 của Bruce Frase (2010) (Hedging in political discourse: The Bush
2007 Press Conferences).
- Xác định vai trò của các phương tiện rào đón trong các buổi tranh luận
tranh cử tổng thống năm 2008 của hai ứng cử viên Barack Obama và John McCain
của Fahad Al - Rashade (2012) (Determining the Role of Hedging Devices in the
Political Discourse of Two American Presidentiables in 2008).
- Rào đón trong các bản tin trực tuyến (Hedging in Onlines News Writing),
Luận văn của Elena Yuryevna Bashanova (2012).


9
Tìm hiểu về rào đón trong giao tiếp bằng lời chỉ mới xuất hiện một số công
trình lẻ tẻ, gồm các bài viết: Phân tích các phương tiện rào đón trong giao tiếp
bằng lời: Đường hướng tiếp cận trên cơ sở thích ứng (Analyzing Hedges in Verbal
Communication: An Adaptation-Based Approach) của Yuling Wang (2010); bài viết
Rào đón trong hội thoại Nhật ngữ: Tác động của các nhân tố tuổi tác, giới tính và
sự nghi thức (Hedges in Japanese conversation: The influence of age, sex, and
formality) của Shizuka Lauwereyns,...
1.1.2. Nghiên cứu của các tác giả trong nước
Dưới ánh sáng của lý thuyết ngữ dụng học, hiện tượng rào đón cũng đã và
đang được các nhà Việt ngữ học tiếp cận theo những cách nhìn khác nhau.
Một trong những nhà Việt ngữ học đầu tiên quan tâm đến rào đón là Đỗ Hữu
Châu (1993). Khi trình bày về các chiến lược lịch sự, ông đã nhắc đến vai trò của
các yếu tố rào đón đối với phép lịch sự âm tính. Tác giả chia ra các nhóm sau: a)
rào đón đối với hiệu lực ở lời: Làm ơn đưa hộ cái ấm; Hắn chắc chắn về quê rồi;
Nói thành thật với anh, tôi không còn một xu dính túi nào nữa cả; b) rào đón đối với

các phương châm hội thoại của Grice: Tôi nghĩ rằng, tôi cho rằng, như chúng ta
đều biết... (rào đón phương châm về chất); vào khoảng, độ chừng, trên dưới chi
đó... (rào đón phương châm về lượng); c) rào đón đối với phép lịch sự: Biết là làm
anh không vui nhưng, Cực chẳng đã tôi mới phải nói... Tác giả cũng đồng thời
khẳng định việc nghiên cứu các rào đón này chưa được ngữ pháp học Việt ngữ quan
tâm, “việc gộp chung chúng vào phạm trù “tình thái” xóa mờ mất những ranh giới
và những chức năng cực kì thú vị của chúng, những chức năng mang đậm màu sắc
văn hóa, dân tộc riêng của từng ngôn ngữ” [13, tr. 273].
Nguyễn Thiện Giáp trong cuốn Dụng học Việt ngữ (2000) đã dành một mục
để nói về Những lời rào đón trong giao tiếp. Ở phần này, vai trò của lời rào đón
được tác giả xác định rất cụ thể: chúng vừa để chỉ ra sự vi phạm có thể có đối với
các nguyên tắc hội thoại, cụ thể những lời rào đón giống như những bằng chứng
cho phép người nói vi phạm một nguyên tắc nào đó và chúng cũng là tín hiệu đối
với người nghe để người nghe có thể hạn chế cách giải thích của mình [32, tr.
132]; vừa để tránh đe dọa thể diện người khác, theo đó, lời rào đón có giá trị như
một lời xin lỗi trước, tạo sự thân hữu giữa người nói và người nghe, tránh sự xúc
phạm thể diện người nghe [32, tr. 135]. Như vậy, vai trò của lời rào đón đã được


10
Nguyễn Thiện Giáp chỉ ra từ điểm nhìn của hai nguyên tắc cơ bản trong hội thoại
là nguyên tắc cộng tác và nguyên tắc lịch sự. Tác giả cũng nêu một số ví dụ về sự
rào đón các phương châm hội thoại trong tiếng Việt. Chẳng hạn, để rào đón
phương châm chất, có một số cách nói: Nếu tôi không nhầm thì, tôi nhớ không rõ
nhưng, theo như tôi biết, tôi không dám chắc, nghe đồn, hình như, có lẽ...; rào đón
phương châm lượng, có thể nói: Tôi không được phép tiết lộ, thiên cơ bất khả lộ,
như anh đã biết, tôi không muốn làm phiền anh với những chi tiết vụn vặt...; rào
đón phương châm quan yếu có thể nói: Tôi không biết điều này có quan trọng
không, tôi muốn nói thêm là...; rào đón phương châm cách thức: Tôi xin mở ngoặc
đơn là... Một số ví dụ về lời rào đón để tránh đe dọa thể diện cho người nghe cũng

được tác giả dẫn ra như: Nói khí vô phép, nói chị bỏ ngoài tai, tôi hỏi thật...
Năm 2001, Diệp Quang Ban trong bài viết “Ứng dụng cách nhìn dụng học
vào giải thích một số yếu tố có mặt trong câu - phát ngôn” đã chỉ ra rằng: Trong
tiếng Việt có những yếu tố “lang thang” thường có tính chất quán ngữ loại như anh
còn lạ gì, nói khí vô phép, chúng không thuộc cấu trúc cú pháp của câu và cũng
không dễ dàng gia nhập thành phần biệt lập vì chúng có phần khác với các thành
phần đó. Tác giả đã xếp những yếu tố “lang thang” nói trên vào số những lời rào
đón. Năm 2009, trong cuốn Giao tiếp, diễn ngôn và cấu tạo văn bản, lời rào đón
một lần nữa được tác giả đề cập đến. Theo tác giả, lời rào đón (cùng với hai khái
niệm khác là lời ướm, sửa chữa) thường xuất hiện như là những bộ phận đi kèm
hành động nói với những chức năng khá xác định và những vai trò đáng kể trong
tương tác. Các kiểu rào đón nằm trong mối quan hệ với bốn phương châm hội thoại
là lượng, chất, quan hệ, cách thức. Tác giả thừa nhận “sử dụng lời rào đón là một
cách thể hiện sự tôn trọng quá trình trao đổi, cụ thể là tôn trọng quy tắc thông dụng
được nêu thành các phương châm hội thoại, và đó cũng là một cách để người nói
bày tỏ thái độ tôn trọng người nghe trong ý nghĩa là người nghe đang coi mình như
một người cộng tác chân thành” [3, tr. 141].
Năm 2007, Dương Tuyết Hạnh trong luận án Hành vi nhờ và sự kiện lời nói
nhờ trong giao tiếp tiếng Việt tuy đi sâu nghiên cứu hành vi “nhờ” nhưng bước đầu
đã có trình bày sơ lược về rào đón...
Trong khi đó, Phạm Thị Thanh Thùy (2008) khi tìm hiểu về Thành phần rào
đón trong các bài báo nghiên cứu kinh tế tiếng Anh và tiếng Việt, lại cho rằng rào


11
đón là công cụ tu từ từ vựng và là hiện tượng đặc trưng của một thể loại nhất định,
qua đó, tác giả đã tập trung nghiên cứu các lớp từ vựng được sử dụng để rào đón
trong các bài báo, văn bản kinh tế tiếng Anh và tiếng Việt, đồng thời rút ra kết luận:
“Cả trong tiếng Anh và tiếng Việt, các công cụ rào đón giúp người viết tránh được
việc đưa ra những nhận định cụ thể, thẳng thừng, đồng thời tạo ra khoảng cách an

toàn với những nhận định người viết đưa ra, nhờ đó giúp họ giảm nhẹ được trách
nhiệm trước những nhận định này”.
Vũ Thị Nga (2010) với luận án Khảo sát hành vi rào đón trong giao tiếp
tiếng Việt đã tập trung phân tích rào đón như là một hành vi ngôn ngữ và xem xét
hành vi này trên bình diện chức năng dụng học. Tuy nhiên, tâm điểm của công trình
này vẫn là ở việc làm rõ vai trò của hành vi rào đón trong việc hiện thực hóa các
nguyên tắc hội thoại, cụ thể là nguyên tắc cộng tác và nguyên tắc lịch sự.
Năm 2016, luận án Thành phần rào đón ở hành vi hỏi và hồi đáp trong giao
tiếp tiếng Anh (đối chiếu với tiếng Việt) của Trần Thị Phương Thu lại tiếp cận về
rào đón khác với những tác giả đi trước. Với quan niệm xem rào đón chỉ là một bộ
phận của hành vi ngôn ngữ, tác giả đã tiến hành tìm hiểu đặc điểm của chúng gắn
với một hành vi ngôn ngữ cụ thể là hành vi hỏi và hồi đáp hỏi trên các bình diện:
các kiểu thành phần rào đón, mức độ sử dụng và chức năng của chúng. Tác giả kết
luận: Thành phần rào đón có thể được hiểu là những từ hoặc cụm từ mà người nói
sử dụng trong phát ngôn nhằm giúp người nói giảm nhẹ tác động không mong
muốn đối với người nghe, làm cho thông điệp trở nên lịch sự hoặc lịch sự hơn,
và/hoặc giúp người nghe tránh cung cấp thông tin được hỏi (trong trường hợp
người nghe không thể hoặc không muốn cung cấp thông tin) [105, tr.44].
Ngoài ra, có thể kể ra một số bài viết khác có liên quan đến hành động rào
đón, như bài viết “Thành phần mở rộng và các yếu tố lịch sự trong phát ngôn chê”
của Nguyễn Thị Hoàng Yến (2001); “Một số biện pháp sử dụng ngôn ngữ biểu hiện
phép lịch sự trong hành vi cho, tặng” của Chữ Thị Bích (2002); “Biểu thức rào đón
trong hành vi ngôn ngữ xin phép tiếng Việt trên cơ sở lí thuyết về phương châm hội
thoại của P. Grice” của Đào Nguyên Phúc (2003); “Cách biểu hiện hành vi từ chối lời
cầu khiến bằng các phát ngôn lảng tránh (trên các cứ liệu tiếng Anh và tiếng Việt)”
của Trần Chi Mai (2005); “Một số chiến lược phản bác thường dùng trong tiếng
Việt” của Nguyễn Quang Ngoạn (2007). Trong các công trình này, lời rào đón được


12

nhắc đến như một yếu tố của phép lịch sự để giảm bớt mức độ đe dọa thể diện, một
phương tiện làm mềm hay thậm chí là một chiến lược để hiện thực hóa một hành vi
ngôn ngữ nào đó (chẳng hạn như hành vi từ chối lời cầu khiến).
Từ những trình bày trên, có thể thấy, từ khi trở thành đối tượng nghiên cứu
của ngôn ngữ học đến nay, rào đón đã được định danh bằng những tên gọi khác
nhau như: lời rào đón, thành phần rào đón, yếu tố rào đón, hành vi rào đón... Mỗi
tên gọi phản ánh một quan niệm khác nhau về vai trò và vị trí của rào đón: 1/ Là
chức năng của một nhóm ngôn từ; 2/ Là một bộ phận của hành động ngôn ngữ; 3/
Là một hành động ngôn ngữ. Chúng tôi sử dụng cách gọi tên giống quan điểm thứ
ba - hành động ngôn ngữ rào đón (gọi tắt là hành động rào đón).
Qua việc điểm lại lịch sử nghiên cứu về rào đón, chúng tôi thấy việc nghiên
cứu hành động rào đón ở trong và ngoài nước mới dừng lại ở phương diện lí thuyết.
Còn việc nghiên cứu về rào đón trong giao tiếp bằng lời giữa các nhân vật ở một địa
phương nhất định thì chưa có đề tài nào. Chính vì vậy, đề tài của chúng tôi đi sâu
nghiên cứu Chiến lược rào đón và nghĩa liên nhân của hành động rào đón trong
giao tiếp của người Nghệ Tĩnh.
1.2. Cơ sở lý thuyết
1.2.1. Lý thuyết hội thoại
1.2.1.1. Khái niệm hội thoại
Về khái niệm hội thoại, Từ điển tiếng Việt giải thích, đó là “sử dụng một
ngôn ngữ để nói chuyện với nhau” [83, tr.461]. Còn trong Từ điển giải thích thuật
ngữ ngôn ngữ học, hội thoại được hiểu là: “Hoạt động giao tiếp bằng lời ở dạng nói
giữa các nhân vật giao tiếp nhằm trao đổi các nội dung miêu tả và liên cá nhân
theo mục đích được đặt ra [119, tr. 122]. Dù hiểu theo nghĩa thông thường hay
nghĩa thuật ngữ, hội thoại cũng là khái niệm để chỉ một hình thức giao tiếp của con
người nói chung, đồng thời cũng là hoạt động giao tiếp căn bản, thường xuyên, phổ
biến của sự hành chức ngôn ngữ.
Có nhiều định nghĩa khác nhau về hội thoại, ở đây chúng tôi chọn định nghĩa
của Đỗ Thị Kim Liên: “Hội thoại là một trong những hoạt động ngôn ngữ thành lời
giữa hai hoặc nhiều nhân vật trực tiếp, trong một ngữ cảnh nhất định mà giữa họ

có sự tương tác qua lại về hành vi ngôn ngữ hay hành vi nhận thức nhằm đi đến một
đích nhất định” [69, tr.18].


13
Để có hội thoại, cần các nhân tố:
- Nhân vật hội thoại (ít nhất là hai nhân vật);
- Nội dung giao tiếp (thể hiện qua nội dung các phát ngôn);
- Mục đích giao tiếp (trực tiếp hay gián tiếp);
- Ngữ cảnh hội thoại (bao gồm bối cảnh không gian, thời gian, cảnh huống
và ngôn cảnh);
- Thái độ (tình thái của phát ngôn).
Dạng cơ bản của hội thoại là dạng song thoại (dialogue), tức là dạng diễn ra
giữa hai nhân vật đối đáp. Tuy nhiên, hội thoại có thể có dạng tam thoại (ba nhân
vật) và đa thoại (nhiều nhân vật).
Hội thoại sản sinh trong hoạt động giao tiếp hàng ngày của con người. Trong
văn học, khi tái hiện bức tranh đời sống, nhà văn cũng tạo ra những cuộc hội thoại
giữa các nhân vật. Tuy nhiên, những cuộc hội thoại trong tác phẩm tự sự mang bản
chất của ngôn ngữ văn chương, bởi đó chỉ là những phương tiện nghệ thuật để
người nghệ sĩ thể hiện những thông điệp nghệ thuật. Do vậy, đó không phải là đối
tượng nghiên cứu của ngữ dụng học.
Lý thuyết hội thoại bao gồm nhiều nội dung: cấu trúc hội thoại, vận động hội
thoại, quy tắc hội thoại, thương lượng hội thoại...
1.2.1.2. Cấu trúc hội thoại
Các đơn vị cấu trúc của hội thoại (theo bậc từ lớn đến nhỏ) gồm: cuộc thoại,
đoạn thoại, cặp thoại, tham thoại, hành động ngôn từ.
a. Cuộc thoại (cuộc tương tác - conversation, interaction): Là đơn vị hội
thoại bao trùm, lớn nhất, tính từ khi các nhân vật bắt đầu hội thoại cho đến khi kết
thúc. Theo Nguyễn Đức Dân, “cuộc thoại là một lần nói chuyện, trao đổi giữa
những cá nhân (ít nhất là hai) trong một xã hội” [18, tr. 97]. Đỗ Hữu Châu cho

rằng: “Toàn bộ hoạt động ngôn ngữ của con người là một chuỗi dằng dặc những lời
đối đáp. Việc phải tách ra trong chuỗi dằng dặc những lời đối đáp của con người
những đơn vị gọi là cuộc thoại là cần thiết đề nghiên cứu” [13, tr. 312]. Một cuộc
thoại được xác định bởi các nhân tố sau:
- Nhân vật hội thoại: Một cuộc hội thoại được xác lập khi có sự hiện diện
liên tục của hai hay nhiều người tham gia.
- Tính thống nhất về không gian và thời gian diễn ra hội thoại. Không gian


14
có thể là trong nhà, ngoài ngõ hoặc nơi công cộng như: chợ búa, trường học, bệnh
viện, xí nghiệp... Thời gian là vào bất cứ thời điểm nào trong ngày.
- Tính thống nhất về đề tài, chủ đề, tức là thống nhất về phạm vi hiện thực
mà người nói đề cập đến.
Tóm lại, cuộc thoại thường bao gồm một số cặp trao đáp của ít nhất hai nhân
vật, có sự thống nhất về đề tài diễn ngôn, hình thức biểu đạt và ngữ cảnh. Đó cũng
chính là những tiêu chí quan trọng để xác định một cuộc thoại. Tuy nhiên trong thời
gian diễn ra cuộc thoại, đôi khi vẫn có sự thay đổi về nhân vật, bối cảnh không gian,
thời gian, đề tài và chủ đề của nó, miễn là sự thay đổi đó không làm đứt quãng cuộc
thoại. Điều này hoàn toàn tự nhiên và phổ biến trong các cuộc giao tiếp hàng ngày.
b. Đoạn thoại (sequence): Là một mảng diễn ngôn do một số cặp trao đáp
liên kết chặt chẽ với nhau về ngữ nghĩa hoặc về ngữ dụng, có tính hoàn chỉnh bộ
phận để có thể cùng với các đoạn thoại khác làm thành cuộc thoại. Các đoạn thoại
được định dạng bởi tính duy nhất về chủ đề và tính duy nhất về đích.
c. Cặp thoại (cặp trao đáp - exchange): Là đơn vị lưỡng thoại nhỏ nhất.
Thông thường, để duy trì cuộc thoại giữa hai vai giao tiếp, cặp thoại được cấu thành
từ một tham thoại dẫn nhập và một tham thoại hồi đáp.
Dựa vào số lượng các tham thoại, có thể chia ra:
- Cặp thoại một tham thoại (còn gọi là cặp thoại hẫng): Là trường hợp tham
thoại của người nói Sp1 không được người nghe Sp2 hưởng ứng hồi đáp, nghĩa là

chỉ có một tham thoại dẫn nhập của Sp1 còn Sp2 im lặng, cũng không có hành động
phản hồi gì cả.
- Cặp thoại hai tham thoại (còn gọi là cặp thoại đôi): Tham thoại thứ nhất
được gọi là tham thoại dẫn nhập (initiative), tham thoại thứ hai là tham thoại hồi
đáp (réactive). Đây được xem là cặp thoại điển hình. Hành động rào đón có thể xuất
hiện trong tham thoại dẫn nhập hoặc hồi đáp, hoặc cả hai. Ví dụ:
- Hành động rào đón xuất hiện trong tham thoại dẫn nhập:
A: Cô ạ, nói thật với cô chơ (chứ), đời tui (tôi) chỉ hơn con chó có đôi đụa
(đũa) thôi cô ạ.
B: Bà, răng (sao) bà lại nói rứa (thế)?
- Hành động rào đón xuất hiện trong tham thoại hồi đáp:
A: Lưa đồng mô nựa (còn đồng nào nữa) không cho tau (tao) vay mấy đồng
mồ (nào).


15
B: Không nói phét chơ (chứ) bựa ni (hôm nay) đúng là không lưa (còn) nhứt
xu (đồng nào).
Ngoài ra, còn có một số cách phân loại khác, đó là: a) dựa vào vai trò của
cặp thoại trong sự kiện lời nói, có thể chia ra cặp thoại chủ hướng và cặp thoại
phụ thuộc (cặp thoại củng cố, cặp thoại sửa chữa); b) dựa vào vị trí trong tổ chức
đoạn thoại, có thể chia ra: cặp thoại mở đầu - các cặp thoại triển khai - cặp thoại
kết thúc,...
d. Tham thoại (participants): Là phần đóng góp của từng nhân vật hội thoại
vào một cặp thoại nhất định. Nghiên cứu tham thoại là nghiên cứu phần đóng góp
của mỗi người mà theo H.P. Grice “ở chỗ thích hợp làm sao cho những đóng góp đó
phù hợp với phương hướng, mục tiêu của cuộc thoại đặt ra”. Tham thoại do người
nói phát ra, làm cơ sở cho sự xuất hiện tham thoại thứ hai của người đối thoại thì
được gọi là tham thoại dẫn nhập. Còn tham thoại có chức năng phản hồi lại tham
thoại dẫn nhập thì được gọi là tham thoại hồi đáp.

Về cấu tạo, một tham thoại do một hoặc một số hành vi ngôn ngữ tạo nên.
+ Tham thoại chỉ có một hành vi ngôn ngữ tạo nên (cũng đồng thời là hành
động chính) gọi là tham thoại đơn. Ví dụ:
A: Giang gói bánh đẹp quá!
B: Có gì đâu anh.
+ Tham thoại có từ hai hành vi trở lên gọi là tham thoại phức. Một tham
thoại phức gồm có một hành vi chủ hướng (viết tắt CH) và có thể có một hoặc một
số hành vi phụ thuộc (viết tắt PT). Hành vi chủ hướng có chức năng trụ cột, quyết
định hướng của tham thoại và quyết định hành vi đáp lời thích hợp của người đối
thoại, còn hành vi phụ thuộc có nhiều chức năng khác nhau. Cấu trúc của tham
thoại phức có thể là:
CH
PT

PT

CH
CH

PT

PT

CH

PT

PT

CH


Cần phân biệt tham thoại với lượt lời. Lượt lời (conversational turn) là chuỗi
đơn vị ngôn ngữ được một nhân vật hội thoại nói ra kể từ lúc bắt đầu cho đến lúc


16
chấm dứt để cho nhân vật hội thoại kia nói chuỗi của mình. Như vậy, lượt lời được
tính bởi các phát ngôn do người nói nói ra trong cuộc thoại từ lúc bắt đầu cho đến
khi kết thúc. Mỗi lượt lời được xây dựng trên cơ sở những lượt lời trước đó. Những
người tham gia hội thoại đều có quyền được nói lượt lời, nói phần của mình để đảm
bảo nguyên tắc luân phiên lượt lời, như thế, cuộc thoại mới phát triển một cách bình
thường. Trong giao tiếp, tham thoại có thể không hoàn toàn trùng khớp với lượt lời..
Mỗi lượt lời có thể thể hiện một tham thoại. Ví dụ:
A: Hai bác có khỏe không em?
B: Cảm ơn anh, bố mẹ em cũng bình thường anh ạ.
Cũng có khi, hai, ba lượt lời mới thể hiện một tham thoại. Ví dụ:
A: Chị ơi, anh Văn...
B: Anh Văn làm sao?
A: Anh ấy bị tai nạn, đang cấp cứu ở bệnh viện.
Trong ví dụ trên, hai lượt lời do A nói ra mới làm thành một tham thoại.
Hành động rào đón là một trong những hành động đi kèm hành động chủ
hướng, thuộc cấu trúc của tham thoại. Nhưng trong nhiều tình huống giao tiếp, hành
động này lại bị tách ra thành một (hoặc nhiều) lượt lời như trong ví dụ sau:
A: Em có chuyện ni (này) muốn nói với anh...(ngập ngừng)
B: Chuyện chi (gì)?
A: Thực sự em cũng không biết bắt đầu từ đâu nựa (nữa), em biết chắc chắn
sẽ làm anh thất vọng nhưng em không thể không nói...
B: Nhưng mà là chuyện chi (gì)?
A: Anh Hùng - người yêu cũ của em hẹn gặp em, và em đã đến gặp anh ấy.
Trọng tâm thông báo trong ví dụ trên nằm ở lượt lời thứ ba của A, hai lượt

lời trước đó chỉ có tác dụng đưa đẩy, rào đón. Cả ba lượt lời của A mới làm
thành một tham thoại: Em có chuyện ni muốn nói với anh, thực sự em cụng
không biết bắt đầu từ đâu nựa, em biết chắc chắn sẽ làm anh thất vọng nhưng
em không thể không nói. Anh Hùng - người yêu cũ của em hẹn gặp em, và em đã
đến gặp anh ấy.
Chúng tôi không chủ trương nghiên cứu hành động rào đón được phát ngôn
thành những lượt lời riêng lẻ mà chỉ khảo sát các tham thoại hoàn chỉnh trong một
lượt lời, có sự xuất hiện đồng thời cả hành động rào đón và hành động chủ hướng.


×