Tải bản đầy đủ (.doc) (18 trang)

BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ GIÁO DỤC VỀ KỸ NĂNG CHỐNG CHỊU VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU Ở ĐÔ THỊ QUẬN CẨM LỆ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (828.03 KB, 18 trang )

Dự án
XÂY DỰNG KHẢ NĂNG CHỐNG CHỊU Ở ĐÔ THỊ THÔNG
QUA GIÁO DỤC LỒNG GHÉP

BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ
VỀ KẾT QUẢ ĐIỀU TRA ĐÁNH GIÁ KIẾN THỨC KỸ NĂNG CHỐNG CHỊU VỚI
BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU Ở ĐÔ THỊ - QUẬN CẨM LỆ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG



Tháng 8, năm 2012


Mạng lưới các Thành phố Châu Á có Khả năng Chống chịu với
Biến đổi Khí hậu
Đề xuất Giai đoạn 3 – Can Thiệp cấp thành phố

BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ
GIÁO DỤC VỀ KỸ NĂNG CHỐNG CHỊU VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU Ở ĐÔ THỊ
QUẬN CẨM LỆ - THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Năm 2012
2


Cẩm Lệ là một quận mới của thành phố Đà Nẵng được thành lập theo Nghị định
102/NĐ-CP ngày 05/8/2005 của Chính phủ, trên cơ sở phường Khuê Trung của quận Hải
Châu và 3 xã Hoà Thọ, Hoà Phát, Hoà Xuân của huyện Hoà Vang với diện tích tự nhiên là
3.375 ha. Tổng dân số đến nay gần 90,000 người, mật độ trung bình 987 người/km2. Thu
nhập bình quân đầu người từ 13,2 triệu đồng/người/năm vào năm 2005 đã tăng lên 25,3 triệu
đồng/người/năm trong năm 2010. Quận Cẩm Lệ bao gồm 6 đơn vị hành chính trực thuộc quận


là các phường Khuê Trung, Hòa Thọ Đông, Hòa Thọ Tây, Hòa An, Hòa Phát, Hòa Xuân. Trên
địa bàn của quận có 09 trường Tiểu học, 07 trường Trung học cơ sở (THCS), và 02 trường
Phổ thông trung học (PTTH) bao gồm trường PTTH Hòa Vang và PTTH Cẩm Lệ dự kiến sẽ
đi vào hoạt động trong năm 2012. Trong đó, số trường đạt chuẩn quốc gia đến nay là 10
trường, bao gồm 07 trường Tiểu học, 03 trường THCS. Tổng số học sinh và giáo viên của 16
trường tiểu học, trung học cơ sở và phổ thông ở quận Cẩm Lệ là 12,839 học sinh và 753 giáo
viên, chiếm 18,5% tổng số học sinh và giáo viên trên toàn thành phố Đà Nẵng.
Quận Cẩm Lệ nằm ở khu vực đồng bằng ven sông, trong những năm qua đã chịu ảnh
hưởng rõ rệt của biến đổi khí hậu (BĐKH) với các hiện tượng nhiệt độ trung bình có xu
hướng tăng lên, lượng mưa giảm mạnh vào mùa khô và tăng vào mùa mưa làm cho các hiện
tượng hạn hán và thiếu nước ngày càng trầm trọng hơn, tần suất và quy luật bão lũ có sự thay
đổi khó lường. Trong những năm gần đây, bão xuất hiện sớm, trái mùa và bất thường hơn, tần
suất xuất hiện các cơn bão tăng đáng kể. Lũ lụt thường xảy ra ở các con sông, đặc biệt ở xã
Hòa Xuân. Quá trình phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, nhà ở, công trình thương mại, khu công
nghiệp và du lịch nhanh, ảnh hưởng đến sự ổn định của bờ sông, đã xuất hiện hiện tượng xói
lở bờ sông ở một số khu vực trên địa bàn quận (sông Cẩm Lệ và đoạn sông Cầu Đỏ).
Để đối phó với tình hình BĐKH ngày càng phức tạp, UBND TP Đà Nẵng nói chung
và quận Cẩm Lệ nói riêng đã tích cực thực hiện các giải pháp giảm nhẹ và thích ứng đối với
đa ngành đa lĩnh vực, trong đó chú trọng đầu tư phát triển giáo dục ứng phó với BĐKH. Tích
hợp nội dung giáo dục về khả năng chống chịu với BĐKH ở đô thị vào chương trình dạy học
được cho là một trong những biện pháp hiệu quả nhất nhằm hình thành nhận thức của người
học đối với vấn đề BĐKH đồng thời qua đó xây dựng một nền văn hóa ứng phó với BĐKH ở
đô thị. Cho đến nay Đà Nẵng về cơ bản vẫn chưa có sự tích hợp nội dung BĐKH vào chương
trình dạy và học một cách đầy đủ và có hệ thống. Việc thực hiện lồng ghép mới chỉ dừng lại ở
quy mô nhỏ lẻ, theo dự án, chưa có chiến lược cho từng giai đoạn và về lâu dài. Do đó, công
tác giáo dục BĐKH chưa thật sự làm cho học sinh hiểu biết sâu sắc và đầy đủ các kiến thức
và hình thành kỹ năng để hành động trong ứng phó với vấn đề của BĐKH. Hoạt động lồng
ghép BĐKH trước đây chỉ được thực hiện ở qui mô thí điểm thông qua một vài dự án nhỏ lẻ.
Thông qua các chương trình và dự án đó, nhiều tài liệu bổ sung kiến thức liên quan đến vấn
đề BĐKH đã được biên soạn và đưa vào chương trình học của một số môn trong trường học ở

các cấp khác nhau. Tuy nhiên việc thực hiện tích hợp các nội dung BĐKH đặc biệt là việc
lồng ghép vào chương trình chính khóa vẫn còn nhiều lúng túng, thiếu các đánh giá chi tiết,
và chưa đưa ra được những đề xuất cụ thể về mặt nội dung cũng như thời lượng cho từng môn
học. Mục tiêu của báo cáo này nhằm đánh giá thực trạng các hoạt động trong ngành giáo dục
có liên quan đến BĐKH đã được triển khai và nhu cầu của giáo viên, học sinh và cán bộ quản
lý đối với vấn đề liên quan đến BĐKH để làm cơ sở cho việc đưa nội dung giáo dục BĐKH
vào chương trình dạy và học trên địa bàn quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng.
3


1. CƠ SỞ ĐỊNH HƯỚNG XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC LỒNG GHÉP
BĐKH
1.1 Cở sở pháp lý
- Các nội dung liên quan đến BĐKH và ứng phó với BĐKH đã được thể hiện trong các
Luật như Luật Đê điều, Luật Tài nguyên nước, Luật Tài nguyên rừng,.… Hiện nay, Luật
BĐKH đang được dự thảo và hoàn thiện, làm cơ sở pháp lý cho công tác ứng phó với BĐKH
trong tất cả các ngành bao gồm ngành Giáo dục và Đào tạo.
- Quyết định số 158/2008/QĐ-TTg ngày 2/12/2008 phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc
gia ứng phó với BĐKH nhằm thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ. Trong đó, việc nâng cao nhận thức
và đào tạo nguồn nhân lực ứng phó với BĐKH được xem là một trong những nhiệm vụ cấp
bách hàng đầu.
- Chiến lược quốc gia về BĐKH đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 2139/QĐTTg ngày 5/12/2011 nhấn mạnh việc đưa kiến thức cơ bản về BĐKH vào trong các chương
trình, bậc giáo dục và đào tạo, đồng thời xây dựng các phương pháp phù hợp nhằm tiếp cận
và sử dụng thông tin về BĐKH là một trong những chiến lược quan trọng để ứng phó BĐKH.
Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến về tác động, nguy cơ và
cơ hội từ BĐKH, đặc biệt chú trọng tới cộng đồng dân cư và địa bàn trọng điểm.
- Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, Bộ Giáo dục và Đào tạo
đã phê duyệt Dự án “Đưa các nội dung ứng phó với BĐKH vào các chương trình giáo dục và
đào tạo giai đoạn 2011-2015” với mục tiêu chính là đưa được các nội dung về BĐKH và ứng
phó với BĐKH vào chương trình giáo dục và đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân. Cụ

thể là đến năm 2013 sẽ hoàn thành giáo trình và tài liệu giảng dạy và học tập để ứng phó với
BĐKH. Đối với bậc tiểu học, trung học cơ sở và phổ thông trung học, nội dung về BĐKH sẽ
được tích hợp vào các môn học phù hợp với cấp học và trình độ đào tạo. Bên cạnh đó có
nhiều hoạt động như xây dựng các tài liệu tham khảo, băng hình cho giáo viên và học sinh, và
các modun về ứng phó với BĐKH cho hoạt động ngoài giờ lên lớp phù hợp với đặc thù của
các vùng miền.
- Kế hoạch chống chịu với BĐKH của UBND TP Đà Nẵng đề cập đến nhu cầu nâng cao
nhận thức và giáo dục cộng đồng như một trong những ưu tiên hàng đầu cho hoạt động tại địa
phương.
- Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng mặc dù chưa xây dựng chiến lược riêng cho ngành giáo
dục ứng phó với BĐKH nhưng đã lồng ghép nhiều nội dung và hoạt động ứng phó BĐKH
trong các hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện kế hoạch cho mỗi năm học. Trên cơ sở đó, phòng Giáo
dục và Đào tạo quận Cẩm Lệ đã có kế hoạch hướng dẫn cụ thể cho các trường học trên địa
bàn trong ứng phó các vấn đề liên quan đến BĐKH, trong đó tích hợp và lồng ghép nội dung
BĐKH vào chương trình học rất được quan tâm.
1.2 Cơ sở khoa học
Tích hợp là một trong những quan điểm giáo dục hiện đại đã trở thành xu thế trong
việc xác định nội dung và xây dựng chương trình môn học ở nhiều nước trên thế giới. Trong
công tác dạy học, tích hợp được hiểu là sự kết hợp, tổ hợp các nội dung từ các môn học, lĩnh
vực học tập khác nhau thành một “môn học” mới hoặc lồng ghép các nội dung cần thiết vào
4


những nội dung vốn có của môn học. Tích hợp trong nhà trường sẽ giúp học sinh học tập
thông minh và vận dụng sáng tạo kiến thức, kĩ năng và phương pháp của khối lượng tri thức
toàn diện, hài hòa và hợp lí trong giải quyết các tình huống khác nhau. Bên cạnh đó, với sự
phát triển mạnh mẽ của khoa học và đời sống ở đô thị, có rất nhiều vấn đề cần phải được đưa
vào chương trình dạy và học như: giáo dục bảo vệ môi trường, giáo dục sức khỏe, giáo dục
pháp luật, phòng chống ma túy, giáo dục phòng chống tham nhũng, an toàn giao thông,..v..v..
Tuy nhiên với quỹ thời gian và nguồn lực có hạn thì việc lồng ghép nội dung một số môn học

là giải pháp khả thi đối với nhiệm vụ giáo dục đa ngành cho học sinh mà không gây áp lực
quá tải trong chương trình dạy học.
Lồng ghép nội dung BĐKH vào chương trình giáo dục và đào tạo không còn là một
khái niệm mới mà đã được nghiên cứu và ứng dụng từ nhiều thập kỷ trước. Giáo dục BĐKH
không chỉ đơn thuần là việc dạy và học về nội dung BĐKH mà thông qua các hoạt động đa
dạng để phát triển ở người học nhận thức và năng lực ứng phó với BĐKH, đồng thời giúp cho
người học có được những hành vi thái độ tích cực trong ứng phó với BĐKH. Do đó, giáo dục
lồng ghép BĐKH có hai nhiệm vụ chính, thứ nhất là cung cấp kiến thức, hiểu biết về các vấn
đề liên quan đến BĐKH cũng như nguyên nhân và tác động của BĐKH đến đời sống con
người. Thứ hai là hình thành kỹ năng cần thiết để ứng phó với tác động do BĐKH gây ra.
Quá trình tích hợp nội dung BĐKH vào chương trình học cần đảm bảo những nguyên
tắc sau:
- Tính phù hợp: việc cung cấp kiến thức, nội dung về BĐKH cần phải phù hợp với mục
tiêu của từng cấp, bậc học để góp phần thực hiện mục tiêu chung của giáo dục. Đồng thời cần
phải có sự phù hợp trong trình độ, khả năng nhận thức và tâm sinh lý của từng lứa tuổi. Tác
động của BĐKH không giống nhau ở các vùng khác nhau, do đó cần phải lưu ý đến đặc tính
riêng của vùng miền.
- Tính đa dạng và tương tác: tác động của BĐKH có thể thay đổi theo thời gian và hoàn
cảnh do đó nội dung dạy và học cần phải đa dạng, không nên chỉ chú trọng đến một loại hình
thiên tai hay một khía cạnh đơn lẻ của BĐKH. Không thể giải quyết một vấn đề và nhiệm vụ
nào của lí luận và thực tiễn mà lại không sử dụng tổng hợp và phối hợp kinh nghiệm kĩ năng
đa ngành của nhiều lĩnh vực khác nhau. Do đó, cần phải đặt giáo dục BĐKH trong một bối
cảnh rộng lớn hơn để tương tác, bổ sung và phối hợp chặt chẽ cùng với các nội dung giáo dục
khác như Giáo dục phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, Giáo dục môi trường, Giáo dục phòng
chống tai nạn thương tích, Giáo dục kỹ năng sống, và Giáo dục trong hoàn cảnh khẩn cấp.
Bảo đảm thực hiện nguyên tắc này là nền tảng tạo nên tính bền vững của quá trình dạy và học
lồng ghép BĐKH.
- Tính thực tiễn: nội dung của giáo dục về BĐKH cần phải nhấn mạnh đến các vấn đề và
tác động của BĐKH đến thực tiễn ở địa phương. Bên cạnh đó, giáo dục BĐKH không chỉ
cung cấp kiến thức mà cần phải tạo cơ hội cho học sinh vận dụng các kiến thức đã được học

nhằm phát triển các kỹ năng thực tế trong việc giảm thiểu các tác động do BĐKH gây ra.
- Tính liên tục và cập nhật: giáo dục về BĐKH phải được tiến hành liên tục từ bậc tiểu học
đến trung học, đại học và sau đại học. BĐKH là một vấn đề toàn cầu và không ổn định, do đó
cần phải có kế hoạch cập nhật, chỉnh sửa chương trình dạy và học phù hợp với từng kịch bản,
5


từng giai đoạn của BĐKH thì mới có thể mang lại tính hiệu quả trong giảm thiểu tác động do
BĐKH gây ra.
1.3 Cở sở thực tiễn
Thực tiễn ở nước ta đã chứng tỏ rằng việc thực hiện quan điểm tích hợp và lồng ghép
trong giáo dục và dạy học sẽ giúp phát triển năng lực giải quyết những vấn đề phức tạp và làm
cho việc học tập trở nên ý nghĩa hơn đối với học sinh so với việc các môn học, các mặt giáo
dục được thực hiện riêng rẽ. Có thể thấy rất nhiều các ví dụ như việc lồng ghép nội dung giáo
dục giới tính, giáo dục sức khỏe, giáo dục an toàn giao thông trong các môn học Đạo đức,
Tiếng Việt hay Tự nhiên và xã hội đang được thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt là chương trình
lồng ghép giáo dục môi trường vào các môn học ở các cấp bậc học khác nhau, ví dụ như môn
Địa lí và Lịch sử, Kể chuyện, Tự nhiên – Xã hội và Đạo đức ở bậc tiểu học, môn Sinh học,
Địa lí, Vật lí, và Hóa học ở bậc trung học. Ngoài việc lồng ghép vào các môn học, kiến thức
về môi trường còn được lồng ghép thông qua nhiều hoạt động ngoại khóa dưới hình thức
phong phú như tổ chức thi tìm hiểu về môi trường, thi vẽ tranh, trồng cây xanh, lao động dọn
dẹp vệ sinh khuôn viên nhà trường, tổ chức các câu lạc bộ, hội thảo, dã ngoại, đố vui, hát múa
kể chuyện về môi trường,…Các tổ chức phi chinh phủ và giáo dục không chính qui đã tiến
hành nhiều hoạt đông thiết thực về giáo dục môi trường cho nhiều cộng động dân cư khác
nhau và đã thu đươc nhiều kết quả có ý nghĩa. Đây có thể được xem là nền tảng cơ sở thực
tiễn cho việc lồng ghép BĐKH vào chương trình học chính khóa và ngoại khóa ở các cấp, bậc
học.
2. PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRA
Công tác dánh giá năng lực được thực hiện qua các bảng câu hỏi điều tra ngẫu nhiên
và thảo luận nhóm với các giáo viên, trẻ em và cộng đồng. Khảo sát được tiến hành cho tất cả

các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn quận Cẩm Lệ (Hình
1). Bảng câu hỏi điều tra được thiết kế riêng cho học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý giáo
dục nhằm đánh giá đúng và chính xác những khuyết thiếu và nhu cầu về kiến thức và kỹ năng
trong ứng phó với BĐKH. Từ đó xây dựng các bài học về BĐKH và hoạt động ngoại khóa
thích hợp, lồng ghép vào hoạt động giáo dục tại nhà trường nhằm bổ khuyết những kiến thức
và kỹ năng còn hạn chế. Những thông tin khác liên quan đến tình hình BĐKH, quy hoạch đô
thị, phát triển đô thị, phát triển kinh tế xã hội được thu thập thông qua các sở ban ngành (Sở
Tài nguyên môi trường, Sở Tài chính, Trung tâm khí tượng thủy văn,...) với các phân tích và
nhận định của chuyên gia địa phương và quốc gia nhằm đánh giá năng lực và tính dễ bị tổn
thương của địa phương.

6


Hình 1. Bản đồ vị trí các trường học ở quận Cẩm Lệ

3. KẾT QUẢ ĐIỀU TRA
3.1 Tình hình tác động của BĐKH đến ngành giáo dục trên địa bàn quận Cẩm Lệ
Theo kết quả điều tra, 100% các trường học, đơn vị quản lý giáo dục thừa nhận tác
động của BĐKH và quá trình đô thị hóa đến ngành giáo dục ở quận Cẩm Lệ ngày càng
nghiêm trọng. Tác động của BĐKH cũng như quá trình phát triển đô thị không còn mơ hồ, mà
đã trực tiếp ảnh hưởng một cách rõ ràng, thể hiện ở 3 vấn đề chính: tần suất và cường độ của
bão và lụt tăng cao, các đợt gió nóng ngày càng gay gắt, và ô nhiễm môi trường ngày càng
nghiêm trọng. Các loại hình thiên tai và hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra bởi BĐKH trên
địa bàn quận Cẩm Lệ bao gồm bão, lụt, gió nóng, hạn hán, xỏi lở bờ sông, giá rét và xâm
nhập mặn, trong đó bão và lụt xảy ra hàng năm và có tác động ảnh hưởng lớn nhất. Bên cạnh
đó, do sự thay đổi cường độ và thời gian mưa bão đã gây ra tình trạng xói lở bờ sông, đặc biệt
là ở các đoạn sông Cẩm Lệ thuộc phường Khuê Trung, Hòa Xuân, Hòa Thọ Đông và Hòa Thọ
Tây, hiện tượng sông xâm thực đã có từ lâu nhưng trong những năm gần đây tốc độ xâm thực
diễn ra nhanh hơn rất nhiều (theo quan sát của người dân địa phương). Hiện tượng xâm nhập

mặn dưới ảnh hưởng trực tiếp của sự thay đổi lượng mưa, gia tăng mực nước biển và ảnh
hưởng gián tiếp của sự tăng nhiệt độ, đã xảy ra ở trên địa bàn quận đặc biệt là ở khu vực nhà
máy nước Cầu Đỏ (nhà máy cung cấp 90% nhu cầu nước cho thành phố Đà Nẵng), độ mặn đo
được lúc cao nhất lên đến hơn 500mg/lít, vượt 15 lần so với mức cho phép 35mg/lít trong
những tháng mùa khô. Song song với tác động do BĐKH gây ra, quá trình phát triển đô thị,
khu công nghiệp và du lịch diễn ra nhanh chóng đã gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường ở
những khu vực xung quanh trường học, đặc biệt ở những khu vực lân cận khu công nghiệp
Hòa Cầm.

7


- Tác động do BĐKH kết hợp với quá trình đô thị hóa trên địa bàn quận Cẩm Lệ đã ảnh
hưởng trực tiếp đến ngành giáo dục thông qua các thiệt hại về cơ sở vật chất và nguồn nhân
lực. Thiên tai xảy ra làm hư hại cấu trúc trường học, đổ gãy cây xanh, mất mát tài liệu, sách
vở, hư hỏng thiết bị và đồ dùng dạy học, sập tường rào, biển trường. Nhiệt độ tăng kết hợp
với ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tới tỷ lệ lây lan và truyền nhiễm của nhiều bệnh dịch như
sốt xuất huyết, sốt rét, đau mắt, viêm não,...và nhiều căn bệnh khác mà trẻ em là đối tượng dễ
bị tổn thương nhất. Những tác động này đã gây gián đoạn chương trình học và ảnh hưởng trực
tiếp đến chất lượng giáo dục. Có thể thấy tác động của BĐKH và quá trình đô thị hóa trên địa
bàn quận Cẩm Lệ là rất lớn và ảnh hưởng lâu dài đến nhiều khía cạnh của giáo dục.
3.2 Nhận thức và sự chuẩn bị của giáo viên, học sinh và cán bộ quản lý giáo dục đối với
vấn đề liên quan đến BĐKH
Để đối phó với tác động của BĐKH, hầu hết các trường ở Quận Cẩm Lệ đều có kế
hoạch tổ chức các hoạt động cụ thể khi có thiên tai và những ảnh hưởng xấu của BĐKH xảy
ra. Các giải pháp ưu tiên là xây dựng kế hoạch ứng phó với tình hình khẩn cấp, thành lập đội
xung kích từ đội ngũ giáo viên, lập danh sách các số điện thoại khẩn, phân công trực trường.
Ngoài ra, một số trường còn lập kế hoạch sơ tán và quy định nhóm giáo viên quản lý nơi sơ
tán tại trường. Biện pháp thường xuyên được nhiều trường chọn để giảm nhẹ tác động bất lợi
của BĐKH là gia cố mái nhà, di chuyển bao bọc bảo quản trang thiết bị và tài liệu, làm bao

cát chắn lũ, chèn bờ tôn, bờ tường. Về mặt chuẩn bị các dụng cụ dùng trong trường hợp khẩn
cấp, các đơn vị trường học đều trang bị sẵn loa, radio, tivi, các loại thuốc cơ bản, túi đựng
dụng cụ sơ cứu, bồn chứa nước, dụng cụ nấu ăn. Tuy nhiên do nguồn kinh phí cho công tác
ứng phó với BĐKH được trích từ nguồn chi khác vốn đã rất hạn hẹp, các hoạt động đòi hỏi
kinh phí cao thường không được thực hiện, ví dụ như rất ít trường có chuẩn bị áo phao cứu
hộ.

8


- Bên cạnh việc lập kế hoạch và có các biện pháp sẵn sàng ứng phó với BĐKH, vai trò và
sự tham gia của cộng đồng địa phương đối với các hoạt động giáo dục BĐKH cũng được cán
bộ quản lý giáo dục và giáo viên đánh giá cao. Điều này đúng với Chiến lược quốc gia về ứng
phó với BĐKH, vai trò của cộng đồng đã được nhìn nhận như một yếu tố cốt lõi trong vấn đề
giảm thiểu tác động do BĐKH gây ra. Sự tham gia của cộng đồng địa phương sẽ là yếu tố
quyết định trong những cố gắng và nổ lực hình thành phát triển kỹ năng thực tế và nâng cao
kiến thức bản địa cho học sinh trong ứng phó với BĐKH. Theo kết quả điều tra, các tổ chức,
đơn vị có mối liên hệ trực tiếp và đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng đến công tác giáo dục
BĐKH trong trường học là BCH phòng chống lụt bão quận (22%), UBND quận, xã, phường
(17%), Đảng ủy xã phường (15%), đại diện tổ dân phố (11%) và các chuyên gia đang sinh
sống tại địa phương (11%).

3.3 Hoạt động giáo dục và đào tạo đối với các vấn đề liên quan đến BĐKH
- Kiến thức và kỹ năng của giáo viên về vấn đề BĐKH trong những năm gần đây đã được
nâng cao nhờ vào các chương trình tập huấn do phòng Giáo dục quận Cẩm Lệ phối hợp với
các phòng ban ngành (như Trung tâm Y tế quận, Sở tài nguyên môi trường, Hội chữ thập đỏ,
Trung tâm phòng chống bão lụt,..) và các tổ chức phi chính phủ thực hiện. Có khoảng 33%
giáo viên và cán bộ được phỏng vấn cho biết đã có ít nhất một lần tham gia vào chương trình
tập huấn về vấn đề liên quan đến BĐKH. Kết quả điều tra cho thấy rào cản lớn nhất trong
công tác đào tạo nội dung về BĐKH cho giáo viên là gây quá tải về công việc và ảnh hưởng

đến sức khỏe của giáo viên, từ đó làm ảnh hưởng đến chương trình giảng dạy các môn học
khác.

9


- Công tác giáo dục lồng ghép BĐKH trong chương trình dạy và học trên địa bàn quận
Cẩm Lệ mặc dù đã được giáo viên quan tâm thực hiện nhưng kết quả thu được chưa thật sự
đáp ứng được nhu cầu của học sinh trong việc phát triển năng lực ứng phó có hiệu quả đối với
tác động của BĐKH gây ra trong hoàn cảnh đô thị hóa nhanh chóng. Các thuật ngữ và khái
niệm cơ bản về BĐKH (như hiệu ứng khí nhà kính, tình trạng dễ bị tổn thương, các loại hình
thiên tai như bão,lụt,..) và ứng phó với BĐKH (giảm nhẹ, khả năng chống chịu, khả năng
thích ứng,...) tuy đã được giáo viên chủ động lồng ghép vào một số môn học nhưng với thời
lượng hạn hẹp, chẳng hạn như chỉ khi gặp bài học có nội dung liên quan, hoặc một vài lần
trong năm học. Trong điều kiện hạn chế về mặt thời gian cũng như nguồn lực, các hoạt động
ngoài giờ lên lớp với chủ đề liên quan đến ứng phó với BĐKH chủ yếu được thực hiện thông
qua tiết chào cờ, tiết sinh hoạt với giáo viên chủ nhiệm.

10


- Kết quả điều tra từ phía học sinh cho thấy sự xuất hiện của các khái niệm và thuật ngữ
của BĐKH nhiều nhất là ở các môn Địa lí, Khoa học, Tự nhiên xã hội ở bậc tiểu học và Địa lí,
Sinh học, Giáo dục công dân ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông
Theo em, môn học nào có đề cập đến những kiến thức và kỹ
năng liên quan đến BĐKH nhiều nhất?

11



3.4 Nhu cầu đào tạo về giáo dục lồng ghép BĐKH
3.4.1 Nhu cầu của giáo viên đối với giáo dục lồng ghép khả năng chống chịu BĐKH ở đô thị
- Theo kết quả điều tra nhu cầu được đào tạo về các vấn đề liên quan đến BĐKH có đến
97% giáo viên được phỏng vấn cho rằng việc lồng ghép giáo dục ứng phó BĐKH vào các
môn học có liên quan là cần thiết.

- Để có thể tiến hành chương trình lồng ghép BĐKH vào chương trình dạy và học, giáo
viên cần được cung cấp một số các nội dung liên quan đến BĐKH và ứng phó với BĐKH đặc
biệt là cách ứng phó với BĐKH (14%), các loại thiên tai (13%), một số khái niệm liên quan
đến BĐKH (11%), các biện pháp để phòng ngừa rủi ro (11%), cách biên soạn tài liệu giảng
dạy (10%)

- Để công tác giáo dục lồng ghép khả năng chống chịu với BĐKH ở đô thị có hiệu quả,
ngoài những kiến thức và kỹ năng liên quan đến ứng phó BĐKH, giáo viên cần phải được
12


cung cấp những hiểu biết thực tế ở cộng đồng địa phương. Theo kết quả điều tra, các nội dung
liên quan đến cộng đồng địa phương mà giáo viên cần được cung cấp bao gồm đặc điểm địa
lý của địa phương (17%), nhận thức của cộng đồng đối với BĐKH (15%), tình hình quy
hoạch đô thị và sự phát triển đô thị (13%), đặc điểm dân số (12%) và kinh nghiệm của cộng
đồng trong ứng phó với BĐKH (12%).

- Về mặt hình thức đào tạo nội dung liên quan đến BĐKH, kết quả điều tra cho thấy việc
cung cấp tài liệu (82,04%) và tập huấn (69,37%) là hai hình thức tối ưu nhằm cung cấp kiến
thức và kỹ năng liên quan đến giáo dục lồng ghép BĐKH cho giáo viên.

13



3.4.2 Nhu cầu của học sinh đối với công tác giáo dục lồng ghép khả năng chống chịu BĐKH
ở đô thị
- Nhận thấy rõ tác động của BĐKH đến đời sống và quá trình học tập, 100% các em học
sinh được phỏng vấn đã thể hiện nhu cầu và hứng thú đối với việc học lồng ghép BĐKH trong
các chương trình ngoại khóa và chính khóa.

- Các nội dung liên quan đến BĐKH được học sinh đề xuất lồng ghép vào các môn tự nhiên
xã hội, địa lý và lịch sử, khoa học ở cấp tiểu học và địa lý, giáo dục công dân, sinh học ở cấp
trung học cơ sở và trung học phổ thông
Nếu được chọn lựa lồng ghép nội dung giáo dục BĐKH vào
các môn học, theo em môn học nào sẽ mang lại hiệu quả tốt?

14


- Khi được phỏng vấn nhu cầu được học về nội dung BĐKH trong các giờ ngoại khóa,
các hoạt động được đề xuất nhiều là thăm quan khảo sát thực địa (ví dụ như hoạt động dã
ngoại, cắm trại), hoạt động thuyết trình thông qua các cuộc thi (ví dụ như thi làm clip phim,
thi vẽ tranh, tranh luận, hùng biện, thuyết trình, báo cáo chuyên đề,..) và sinh hoạt câu lạc bộ
về nội dung ứng phó với BĐKH.

4. ĐỀ XUẤT MÔ HÌNH LỒNG GHÉP
Dựa trên kết quả điều tra đánh giá về kiến thức, kỹ năng và nhu cầu dạy học đối với
nội dung BĐKH và ứng phó với BĐKH của giáo viên và học sinh, dự án đề xuất ở mỗi cấp
giáo dục sẽ có ba môn học của hai khối lớp được lựa chọn như sau:




Cấp tiểu học: Địa lý và Lịch sử, Tự nhiên xã hội, Khoa học

Cấp trung học cở sở: Địa lý, Sinh học, Giáo dục công dân
Cấp trung học phổ thông: Địa lý, Sinh học, Giáo dục công dân

4.1. Nội dung của giáo dục lồng ghép khả năng chống chịu với BĐKH ở đô thị
Thông qua kết quả điều tra về nhận thức và nhu cầu của giáo viên và học sinh, dự án
đưa ra một số đề xuất nội dung cho công tác lồng ghép khả năng chống chịu với BĐKH ở đô
thị vào chương trình dạy và học như sau:
- Khái niệm, định nghĩa, thuật ngữ của các vấn đề liên quan đến BĐKH và phát triển đô
thị. Đối với bậc tiểu học, có thể lồng ghép các khái niệm đơn giản và dễ hiểu như sự thay đổi
khí hậu, lượng mưa, nhiệt độ,... Đối với cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông cần chú ý
đến các khái niệm có tính chuyên môn, đồng thời liên hệ với các hiện tượng thường xảy ra
trên địa bàn quận Cẩm Lệ như bão, lụt, gió nóng, hạn hán, xói lở bờ sông,...
- Tác động của BĐKH đến đời sống con người trong quá trình đô thị hóa trên phạm vi toàn
cầu, quốc gia, khu vực và ở địa phương. Theo kết quả điều tra, quận Cẩm Lệ chịu tác động
của 3 loại hình hiểm họa là: bão, lụt, và các đợt gió nóng. Do đó, trong quá trình lồng ghép
phải chú đến ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của các loại hình hiểm họa này đến đời sống của
người dân trên địa bàn quận, đặc biệt là đối với các đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em,
người già,...
15


- Nguyên nhân của BĐKH, trong đó chú ý đến nguyên nhân do con người gây nên trong
bối cảnh quy hoạch đô thị và phát triển đô thị diễn ra nhanh chóng trên địa bàn quận Cẩm Lệ.
- Các biện pháp hạn chế tác nhân gây BĐKH (biện pháp chính sách, biện pháp kỹ thuật
(biện pháp công trình và phi công trình)).
- Các biện pháp và kỹ năng cần thiết để ứng phó với thiên tai và ô nhiễm môi trường do
BĐKH gây ra trên địa bàn quận Cẩm lệ cùng với sự phát triển đô thị và quy hoạch đô thị.
4.2. Phương pháp lồng ghép giáo dục về khả năng chống chịu BĐKH ở đô thị
Theo kết quả điều tra ở các cơ sở giáo dục thuộc quận Cẩm Lệ, có hơn 90% cán bộ
quản lý, giáo viên và học sinh đề xuất phương pháp lồng ghép vào chương trình chính khóa

và ngoại khóa nhằm đảm bảo cung cấp cho học sinh kiến thức căn bản và chính thống đồng
thời tạo điều kiện để các em có điều kiện vận dụng kiến thức để hình thành và phát triển kỹ
năng chống chịu với BĐKH ở đô thị.
4.2.1 Phương pháp lồng ghép BĐKH vào chương trình chính khóa:
Tích hợp nội dung giáo dục về khả năng chống chịu với BĐKH ở đô thị vào các bài
học cụ thể của từng môn học có thể được thực hiện ở 3 cấp độ khác nhau:
- Lồng ghép toàn phần: đối với các bài học hoặc chương học trong sách giáo khoa có nội
dung phù hợp hoàn toàn với mục tiêu và nội dung của giáo dục về khả năng chống chịu với
BĐKH ở đô thị
- Lồng ghép bộ phận: đối với các bài học hoặc chương học trong sách giáo khoa có một
phần nội dung phù hợp với mục tiêu và nội dung của giáo dục về khả năng chống chịu với
BĐKH ở đô thị
- Liên hệ: đối với các bài học hoặc chương học trong sách giáo khoa có nội dung liên quan
đến các vấn đề của BĐKH, trên cơ sở đó có thể liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp đến nội dung
giáo dục về khả năng chống chịu với BĐKH ở đô thị.
4.2.2 Phương pháp lồng ghép BĐKH vào chương trình ngoại khóa:
Chương trình ngoại khoá các môn học là một trong những hình thức hoạt động ngoài
giờ lên lớp có tác dụng góp phần nâng cao chất lượng học tập và giáo dục cho học sinh.
Phương pháp này mang đến cho học sinh một môi trường học tập mang tính cộng tác nhằm
cung cấp kiến thức thực tế và phát triển các kỹ năng thích hợp để chống chịu với tác động của
BĐKH. Đồng thời, thông qua các hoạt động ngoại khóa giúp nhà trường gắn kết với các lực
lượng xă hội và tạo điều kiện cho họ tham gia tích cực vào công tác giáo dục thế hệ trẻ, góp
phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Điều 24.2 trong Luật Giáo dục của Việt
Nam nêu rõ ngoại khoá bộ môn được xem là một hình thức tổ chức dạy học quan trọng, là
một trong những con đường để thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát
huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh, phù hợp với đặc điểm của từng
lớp học, môn học, bồi dưỡng phương pháp tự học, rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức đó
vào thực tiễn, tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh.
- Phương pháp thuyết trình: ví dụ như làm báo cáo về thiên tai, thuyết trình các vấn đề có
liên quan đến BĐKH, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về BĐKH, hoặc sinh hoạt câu lạc bộ

BĐKH,... Phương pháp này tạo điều kiện cho người học được quyền chủ động tham gia chia
16


sẻ, tranh luận và bày tỏ ý kiến của mình trong mỗi một chuyên đề, bài học. Thông qua các
hoạt động báo cáo hay phân tích tình huống từ các bài tập cá nhân và theo nhóm sẽ tạo cơ hội
để các em củng cố kiến thức đã học, đồng thời nâng cao ý thức và tinh thần trách nhiệm trong
công tác ứng phó với BĐKH.
- Phương pháp đi thăm quan và khảo sát thực địa: ví dụ như thăm quan các ngôi nhà chống
bão do nhà thầu địa phương xây dựng, khảo sát để xác định vị trí các khu vực rủi ro, xác định
nơi sơ tán, lộ trình sơ tán, ... Phương pháp này giúp học sinh mở rộng tầm hiểu biết thực tế và
phát triển kỹ năng quan sát, nhận biết và phát hiện tác động của BĐKH đến đời sống, từ đó tự
bản thân nghĩ ra biện pháp ứng phó với BĐKH.
- Phương pháp phát triển kỹ năng sống: ví dụ như thực hành sơ cấp cứu, giả diễn tập sơ
tán,... Kỹ năng ứng phó với BĐKH là khả năng ứng xử một cách chủ động và tích cực đối với
các thiên tai và ô nhiễm môi trường do BĐKH gây nên. Một số kỹ năng cần phát triển trong
lĩnh vực này bao gồm: (1) Kỹ năng nhận biết và phát hiện tác động của BĐKH đến đời sống
và (2) Kỹ năng thực hiện các hoạt động ứng phó với thiên tai và ô nhiễm môi trường do
BĐKH gây ra
- Phương pháp giải quyết vấn đề trong cộng đồng: ví dụ như làm việc với cộng đồng để lập
kế hoạch ứng phó với bão lũ gây ra, lập danh sách những người già sống trong khu vực cần
được trợ giúp trong trường hợp di tản,... Mỗi cộng đồng địa phương có thể chịu những tác
động khác nhau của BĐKH. Quận Cẩm Lệ là vùng đồng bằng ven sông, thấp trũng và thường
xuyên chịu tác động của bão, lụt và gió nóng. Do đó, giáo viên cần khai thác tình hình thực
tiễn ở địa phương để dạy cho học sinh, đảm bảo tính thiết thực và hiệu quả. Tuy nhiên,
phương pháp này đòi hỏi giáo viên phải thu thập số liệu, sự kiện và tình hình địa phương, tổ
chức các hoạt động để các em nắm bắt thực tiễn và học cách ứng phó phù hợp với điều kiện
thực tế của địa phương. Phương pháp này khai thác những hiểu biết, kinh nghiệm của học
sinh về những hiện tượng liên quan đến BĐKH tác động đến địa phương, hình thành các kĩ
năng, thói quen cũng như xây dựng và hình thành thái độ, chính kiến của các em đối với

những vấn đề liên quan đến BĐKH.
5. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
Công tác dạy và học về nội dung BĐKH và ứng phó với BĐKH, vốn là một vấn đề
trừu tượng, khó hiểu, đang đặt ra một thách thức lớn cho ngành giáo dục, đặc biệt trong bối
cảnh quy hoạch đô thị và phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế-xã hội diễn ra nhanh chóng. Do đó,
để làm tốt công tác giáo dục lồng ghép BĐKH cần có một phương pháp tiếp cận linh hoạt,
không áp đặt mà phải được đề xuất từ cơ sở giáo dục và trường học, xuất phát từ nhu cầu,
nguyện vọng và năng lực của giáo viên và học sinh. Trên cơ sở điều tra đánh giá năng lực và
nhu cầu của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, dự án đề xuất chương trình dạy và học lồng
ghép BĐKH vào chương trình chính khóa và ngoại khóa sẽ tiến hành cho ba môn học của hai
khối lớp ở mỗi cấp giáo dục:




Bậc tiểu học: Địa lý và Lịch sử, Tự nhiên Xã hội, Khoa học
Cấp trung học cở sở: Địa lý, Sinh học, Giáo dục công dân
Cấp trung học phổ thông: Địa lý, Sinh học, Giáo dục công dân

Ở bậc tiểu học, nội dung giáo dục BĐKH nên đề cập đến những kiến thức cơ bản và đơn
giản liên quan đến BĐKH như khí hậu, thời tiết, gia tăng nhiệt độ, mực nước biển dâng,.....
17


Ngược lại, công tác giáo dục BĐKH ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông cần thiết
phải chú trọng đến việc hình thành và phát triển các kỹ năng thực tế giúp các em nâng cao
năng lực chống chịu với BĐKH một cách có hiệu quả.
Hiện nay công tác lồng ghép quá nhiều nội dung khác nhau đang được triển khai chưa
đồng bộ, dẫn đến tình trạng chồng chéo và vượt quá khả năng của giáo viên và học sinh. Bên
cạnh đó, nội dung lồng ghép vào mỗi môn học lại được triển khai theo một hướng riêng gây

ra tình trạng cùng một khái niệm nhưng lại được định nghĩa và hiểu theo nhiều hướng khác
nhau. Thời lượng giảng dạy cho các môn được lồng ghép các đơn vị kiến thức khác nhau
không nhiều nên khi giảng dạy, giáo viên chỉ cố gắng đảm bảo đủ chương trình, đủ thời lượng
mà chưa chú trọng đến việc phân tích, mở rộng hay liên hệ nhằm củng cố, khắc sâu hoặc sử
dụng các kiến thức bản địa vào thực tế cuộc sống của học sinh. Do đó, công tác dạy và học
lồng ghép thường chưa đạt yêu cầu và còn mang nặng tính hình thức.
Để khắc phục tình trạng quá tải chương trình học đối với học sinh, không nên cùng một
lúc đưa quá nhiều nội dung về BĐKH vào chương trình dạy và học mà trước hết phải có sự
chọn lựa, ưu tiên các nội dung, lĩnh vực cần thiết thích hợp với hoàn cảnh của địa phương và
tại thời điểm thích hợp. Việc dạy học chính khóa và tổ chức hoạt động ngoại khóa là hai bộ
phận hữu cơ hợp thành một thể thống nhất trong quá trình giáo dục và đào tạo. Do đó để việc
dạy và học về BĐKH có hiệu quả, giáo viên cần phải phối hợp một cách khéo léo giữa các
hoạt động chính khoá và ngoại khoá, một mặt đảm bảo kiến thức cơ bản và tính logic của nội
dung môn học mà không làm quá tải lượng kiến thức và tăng thời gian của bài học, mặt khác
tạo cơ hội cho các em phát triển kỹ năng để có thể ứng phó một cách chủ động và tích cực đối
với các vấn đề do BĐKH gây ra.
Bên cạnh đó, để nâng cao tính hiệu quả của phương pháp giáo dục lồng ghép BĐKH cần
phải có sự kết hợp nhiều hình thức giữa chia sẻ-học hỏi-đối thoại và phải có sự tham gia của
gia đình và cộng đồng địa phương, một trong những nhân tố quan trọng đảm bảo tính bền
vững cho hoạt động giáo dục lồng ghép BĐKH.
----------------------

18



×