Tải bản đầy đủ (.doc) (13 trang)

SKKN Mối tương quan giữa thời gian trần thuật và thời gian được trần thuật trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (108.33 KB, 13 trang )

MỤC LỤC
MỤC LỤC................................................................................................1
I.PHẦN MỞ ĐẦU.............................................................................................
1. Lý do chọn đề tài...........................................................................................
2. Tầm quan trọng của đề tài
3. Phương pháp nghiên cứu...............................................................................
II. PHẦN NỘI DUNG......................................................................................
1. Tổng quan..............................................................................................
1.1 Cơ sở lý luận...................................................................................................
- Thời gian trần thuật..........................................................................................
- Thời gian được trần thuật...................................................................................
- Mối quan hệ giữa thời gian trần thuật và thời gian được trần thuật...................
1.2 Cơ sở thực tiễn................................................................................................
2. Nội dung của vấn đề nghiên cứu......................................................................
2.1 Thời gian được trần thuật trong “Chí Phèo”.................................................
2.2 Thời gian trần thuật trong “Chí Phèo”............................................................
2.3 Thời gian của nhân vật Chí Phèo....................................................................
2.4 Phân tích mối tương quan giữa thời gian trần thuật và thời gian được trần
thuật trong tác phẩm “Chí Phèo” (Nam Cao)............................................................
a. Tương quan giữa điểm mở đầu –kết thúc của thời gian trần thuật với điểm
mở đầu-kết thúc thời gian sự kiện....................................................................
b. Tương quan sự kiện trong thời gian trần thuật ở tác phẩm “Chí Phèo”.........
c. Tương quan thời gian trần thuật và thời gian nhân vật Chí Phèo.....................
III. PHẦN KẾT LUẬN........................................................................................
IV. TÀI LIỆU THAM KHẢO.............................................................................


I.

PHẦN MỞ ĐẦU:


1. Lý do chọn đề tài
Thi pháp học là một ngành nghiên cứu văn học có tầm quan trọng, nó xem
xét tất cả các yếu tố cấu thành nên một tác phẩm. Thời gian và không gian nghệ
thuật là những yếu tố đặc sắc mà khi nghiên cứu một tác phẩm chúng ta không thể
bỏ qua.
“Không gian và thời gian là hai bề của sự vật, là kích thước của sự sống, tái
hiện sự sống làm sao không dựng cái khung không gian và thời gian lên được để
chứa đựng sự vật, để cho sự vật có chỗ sống, sinh sôi, nảy nở”. ( Huy Cận). Thời
gian trong “Chí Phèo” của Nam Cao cũng như mọi hiện tượng của thế giới khách
quan, khi đi vào nghệ thuật được soi rọi bằng tư tưởng, tình cảm, được nhào nặn và
tái tạo trở thành một hiện tượng nghệ thuật độc đáo thấm đẫm cá tính sáng tạo của
nhà văn. Cảm quan về thời gian gắn liền với cảm quan về con người và cuộc đời,
gắn bó với mơ ước và lý tưởng của nhà văn. Để tìm hiểu rõ hơn về thời gian nghệ
thuật trong tác phẩm “Chí Phèo” và cũng để một lần nữa khẳng định giá trị hiện
thực sâu sắc và tư tưởng nhân văn cao cả được Nam Cao lột tả trong “Chí Phèo”,
bài viết xin tập trung đi sâu vào việc phân tích mối tương quan giữa thời gian trần
thuật và thời gian được trần thuật trong truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao.
2. Tầm quan trọng của đề tài
Nam Cao là một trong những nhà văn hiện thực lớn nhất của nền văn học Việt
Nam. Sáng tác của Nam Cao đã vượt qua được hững thử thách khắc nghiệt của
thời gian và ngày càng tỏa sáng. Lớp bụi thời gian càng phủ dày theo năm tháng thì
những tác phẩm của ông càng bộc lộ những tư tưởng nhân văn cao cả, ý nghĩa hiện
thực sâu sắc về vẻ đẹp nghệ thuật điêu luyện độc đáo.
Truyện ngắn “Chí Phèo” là kiệt tác để đời của Nam Cao, là một trong những tác
phẩm tiêu biểu nhất của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam trước cách mạng tháng
Tám. Hơn nữa, đây là tác phẩm được giảng dạy trong chương trình Ngữ văn lớp
11. Trong tác phẩm này, Nam Cao bộc lộ rõ tài năng bậc thầy trong việc xây dựng
hình tượng thời gian nghệ thuật. Để khám phá cái hay, cái đẹp trong tác phẩm “Chí
Phèo”, tôi thấy việc phân tích mối tương quan giữa thời gian trần thuật và thời gian
được trần thuật trong truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao có tầm quan trọng rất

lớn.
3. Phương pháp nghiên cứu
Việc nghiên cứu đề tài này được tiến hành bằng các phương pháp sau:
- Phương pháp thống kê.
- Phương pháp nghiên cứu tác giả, tác phẩm.
- Phương pháp phân tích.
- Phương pháp tổng hợp và nâng cao vấn đề.
II. PHẦN NỘI DUNG:
1. TỔNG QUAN
1.1 Cơ sở lý luận.
Thời gian nghệ thuật là sản phẩm sáng tạo của tác giả trên cơ sở tổ chức vật
liệu.Trong văn học, yếu tố nào cũng có thời gian của nó và đều có thể biểu hiện


thời gian, song yếu tố chính là hai lớp thời gian cơ bản: thời gian trần thuật và thời
gian được trần thuật.
- Thời gian trần thuật :
+ Thời gian trần thuật là thời gian vận động theo dòng vận động tuyến tính, một
chiều của văn bản ngôn từ. Văn học là nghệ thuật thời gian bởi vì văn học diễn đạt
các sự vật, hiện tượng theo trình tự thời gian của lời nói liên tục, từ câu đầu cho
đến câu cuối cùng, không đảo ngược.
+ Thời gian trần thuật là thời gian của người kể, của sự kể. Nó có mở đầu và kết
thúc, do đó là một thời gian hữu hạn. Nó có tốc độ, nhịp độ riêng do người kể có
thể kể nhanh hay chậm, kể lướt qua hay tỉ mỉ, dừng lại miêu tả chi tiết.
+ Thời gian trần thuật luôn mang thời hiện tại theo một quy ước: tôi đang kể nghĩa
là câu chuyện đang diễn ra.
+ Thời gian trần thuật thực chất là thời gian được biểu diễn bằng các phương tiện
ngôn từ, được thể hiện bằng nhiều yếu tố: tác giả, hình tượng người kể chuyện,
nhân vật, ngôi kể, vai kể và lời kể.
- Thời gian được trần thuật : là thời gian của sự kiện được nói tới, nó bao gồm các

loại sau: Thời gian sự kiện, thời gian nhân vật, thời gian thiên nhiên, thời gian
sinh hoạt, thời gian phong tục, thời gian xã hội, lịch sử, thời gian huyền ảo, siêu
thực.
* Giữa thời gian trần thuật và thời gian được trần thuật trong một tác phẩm văn
học có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nó được biểu hiện qua các tương quan sau:
- Tương quan giữa điểm mở đầu - kết thúc của thời gian trần thuật với điểm mở
đầu - kết thúc thời gian thời gian sự kiện.
- Tương quan sự kiện trong thời gian trần thuật.
- Tương quan trần thuật và thời gian nhân vật.
+ Thời gian trần thuật chỉ là phông nền, còn thời gian nhân vật mới được tác giả
khắc sâu. Nếu không có thời gian nhân vật thì thời gian trần thuật trở nên vô nghĩa.
+ Thời gian nhân vật bao gồm thời gian tiểu sử và thời gian nếm trải qua tâm hồn
nhân vật. Thời gian tiểu sử tính từ ngày sinh, ngày đỗ đạt, lấy vợ, làm quan, xa
nhà, lập nghiệp, ốm đau, chết...Thời gian sinh mệnh cũng thuộc thời gian con
người. Hoạt động tâm lý, ký ức, dòng ý thức tạo thành thời gian nhân vật. Thời
gian nhân vật được thể hiện qua các mốc thời gian quan trọng trong cuộc đời nhân
vật. Nó mang tính chất bước ngoặt, làm thay đổi số phận của nhân vật.
1.2. Cơ sở thực tiễn.
Cho tới nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu công phu, nghiêm túc về Nam
Cao. Tuy nhiên, phương diện “ Thời gian nghệ thuật” mãi gần đây mới được một
số nhà nghiên cứu quan tâm.
“Vấn đề loại hình và thi pháp” của Trần Đăng Xuyền trong “Chủ nghĩa hiện
thực của Nam Cao” đã đề cập đến “không gian và thời gian nghệ thuật” trong tác
phẩm của Nam Cao. Mặc dù vậy, công trình nghiên cứu này còn mang tính khái
lược, tổng quát chung chung trong các tác phẩm của Nam Cao chứ không nghiên
cứu riêng một tác phẩm nào. Đồng thời, công trình cũng chưa đi sâu vào phân tích


yếu tố thời gian trần thuật và thời gian được trần thuật cùng mối quan hệ của chúng
trong một tác phẩm cụ thể.

“Chí Phèo” là tác phẩm nổi tiếng góp phần tạo dựng nên tên tuổi của Nam Cao,
nhưng những nghiên cứu về tác phẩm này chỉ xoay quanh nội dung, nghệ thuật chứ
không nghiên cứu về mảng “thời gian nghệ thuật”. Cụ thể là yếu tố thời gian trần
thuật và thời gian được trần thuật cùng mối quan hệ của chúng trong tác phẩm
“ Chí Phèo”.
Với thời lượng nhỏ của bài viết và kiến thức còn hạn chế của bản thân, trên cơ
sở kế thừa những thành quả của các công trình nghiên cứu trước đó và vận dụng
những kiến thức của môn thi pháp học để soi vào tác phẩm Chí Phèo, hy vọng bài
viết mang đến cái nhìn cụ thể về “ Mối tương quan giữa thời gian trần thuật và
thời gian được trần thuật trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao”.
2. NỘI DUNG VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU.
2.1 Thời gian được trần thuật: là cả cuộc đời của Chí Phèo,
2.2 Thời gian trần thuật: tính từ khi “Hắn vừa đi vừa chửi…” cho đến kết thúc
truyện chỉ vẻn vẹn sáu ngày.
2.3 Thời gian của nhân vật Chí Phèo: được Nam Cao khắc sâu qua năm mốc thời
gian quan trọng trong cuộc đời Chí. Nó mang tính chất bước ngoặt, làm thay đổi số
phận của nhân vật này. Đó là thời gian ba lần Chí Phèo đến nhà Bá Kiến, thời gian
Chí Phèo gặp gỡ Thị Nở và thời gian Chí Phèo bị Thị Nở cự tuyệt và xách dao đến
nhà Bá Kiến.
2.4 Phân tích mối tương quan giữa thời gian trần thuật và thời gian được
trần thuật trong tác phẩm “Chí Phèo” (Nam Cao)
Sự sắp xếp, phối trí của thời gian được trần thuật vào thời gian trần thuật mới
tạo ra được thời gian nghệ thuật thật sự. Mối quan hệ này được biểu hiện trong
“Chí Phèo” (Nam Cao) qua các tương quan sau:
a. Tương quan giữa điểm mở đầu –kết thúc của thời gian trần thuật với điểm
mở đầu-kết thúc thời gian sự kiện.
Hai điểm này trong “Chí Phèo” (Nam Cao) không trùng nhau, mà so le nhau.
Nếu thời gian trần thuật được Nam Cao bắt đầu từ chỗ “Hắn vừa đi vừa chửi” cho
đến câu kết thúc truyện, thì thời gian được trần thuật lại có thể được người đọc
chúng ta kể lại bắt đầu từ xuất xứ của Chí Phèo “ Từ một sáng tinh sương, một

người đi đặt ống lươn” nhặt được Chí đỏ hỏn trong cái lò gạch bỏ không” cho đến
lúc nhân vật này giết chết Bá Kiến và tự kết liễu đời mình. Đây là trường hợp bắt
đầu từ giữa.
b. Tương quan sự kiện trong thời gian trần thuật ở tác phẩm “Chí Phèo”
Tương quan sự kiện trong thời gian trần thuật ở tác phẩm “Chí Phèo” không
liên tục nhau, sự kiện này kề theo sự kiện trước mà giữa các sự kiện có khoảng
cách thời gian bị tĩnh lược ngắn hoặc dài được thông báo. Nhà văn Nam Cao đã
đảo ngược thời gian, sử dụng phạm trù “ hồi tưởng”, từ một điểm của thời hiện tại
mà trở về thời gian đã qua. Trần thuật có khi được nhà văn dồn nén, khi lại lược
thuật. Tương quan này tạo ra nhịp điệu, tốc độ của nghệ thuật trần thuật.


Truyện ngắn truyền thống thường có kết cấu cốt truyện theo trình tự tuyến
tính, sự kiện xảy ra trước kể trước, sự kiện xảy ra sau kể sau. Trong truyện ngắn
“Chí Phèo”, Nam Cao sử dụng kiểu cốt truyện gấp khúc; trật tự chuyện kể bị đảo
ngược, sự việc xảy ra trước được kể sau, sự việc xảy ra sau nhảy cóc lên trước,
quan hệ nhân – quả không còn được duy trì. Truyện được mở đầu bằng một trạng
huống ở thì hiện tại, khi nhân vật trung tâm – Chí Phèo đã bị tha hóa và trở thành
con quỹ dữ của làng Vũ Đại. Việc đảo lộn trật tự sự kiện, đưa hình tượng Chí Phèo
ở đỉnh điểm của sự tha hóa lên đầu truyện đã tạo ra hiệu ứng thẩm mỹ nhất định.
Thứ nhất, nhà văn muốn thể hiện ý đồ nhấn mạnh, khắc sâu bi kịch đời sống hiện
tại của nhân vật Chí Phèo, hướng nhãn lực người đọc tập trung vào khám phá cuộc
đời chí Phèo – nơi quy tụ tư tưởng nghệ thuật của nhà văn trong truyện ngắn này.
Thứ hai, nhà văn đã ngầm ý đặt ra cho người đọc một câu hỏi cần được giải đáp: vì
sao Chí Phèo lại trở nên hư đốn như vậy? Thứ ba, hiện tại hết sức bi kịch của Chí
Phèo được đặt trong quan hệ đối trọng với quá khứ hiền lương của nhân vật này sẽ
giúp tác giả lên án sự tàn nhẫn của chế độ xã hội. Thứ tư, việc đảo lộn trật tự sự
kiện trong cốt truyện có tác dụng hiện tại hóa những chuyện được kể. Về kết cấu
nhân vật, Nam Cao mở đầu cuộc đời Chí Phèo bằng hình ảnh đứa trẻ bị bỏ rơi bên
cái lò gạch cũ, và khi Chí Phèo chết, cái xuất xứ đau thương của Chí Phèo lại một

lần nữa hiển hiện qua chi tiết Thị Nở nhìn xuống bụng của mình và nghĩ đến hình
ảnh cái lò gạh cũ bỏ không. Chí Phèo chết thì một Chí Phèo con lại sắp sửa ra đời.
Nam Cao đã nhìn thấy bi kịch của người nông dân nhưng ông vẫn chưa nhìn thấy
hướng mở để giải phóng người nông dân ra khỏi bi kịch đó. Nếu so sánh truyện
“Chí Phèo” của Nam Cao với “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài) và “Vợ nhặt” (Kim
Lân), chúng ta sẽ thấy rõ hơn sự bế tắc của người nông dân trong sáng tác của Nam
Cao. Nếu Tô Hoài và Kim Lân bước đầu đã hé lộ đường thoát cho người nông dân
bằng cách đi theo cách mạng, thì ở “Chí Phèo” người nông dân vẫn còn trong
vùng luẩn quẩn. Đó chính là hạn chế của thời đại được Nam Cao phản ánh trong
tác phẩm của mình.
Nhịp độ thời gian trần thuật trong tác phẩm “Chí Phèo” thay đổi trong từng
đoạn văn, từng tình huống. Những đoạn miêu tả cảnh Chí Phèo say rượu dưới
trăng thì thời gian như được kéo dài ra. Cảnh Chí Phèo giết Bá Kiến lại được tác
giả thể hiện với tốc độ cực nhanh. Những lúc tác giả miêu tả về hình dạng các nhân
vật thì thời gian chậm lại, dường như là dừng lại (đoạn văn kể Chí Phèo ngay sau
khi ở tù về). Những đoạn nói về quãng đời quá khứ của Chí Phèo, Năm Thọ, Binh
Chức thì tác giả lại lướt qua rất nhanh. Chẳng hạn như đoạn “Không biết từ mấy
năm, nhưng hắn đi biệt tăm đến bảy tám năm, rồi một hôm hắn lại lù lù ở đâu trở
về. Hắn về lớp này trông khác hẳn, mới đầu chẳng ai biết hắn là ai. Trông đặc như
thằng săng đá”. Trong trường hợp này tác giả đã dùng hình thức tĩnh lược, sự tĩnh
lược này thể hiện một cách gián tiếp qua sự thay đổi của Chí Phèo so với lúc chưa
đi ở tù. Chỉ cần vài câu ngắn gọn thế nhưng Nam Cao đó giúp người đọc hình dung
được cả một quãng đời của Chí Phèo, đồng thời cũng đã thể hiện được sự nghiệt
ngã của xã hội đã đẩy con người đến cảnh bị tha hoá.


Đọc “Chí Phèo”, chúng ta thấy có một chi tiết rất thú vị, đó là đoạn văn: “Hình
như có một thời hắn đã ao ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày
thuê. Vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua
dăm ba sào ruộng làm”. Nếu đứng ở thời điểm sau khi Chí đã ở tù về thì đó là thời

gian quá khứ. Nếu đứng ở thời điểm Chí còn làm canh điền cho nhà Bá Kiến thì đó
là tương lai, là mơ ước của Chí Phèo. Hay đoạn văn kết thúc truyện: “…thị nhìn
trộm bà cô, rồi nhìn ngay xuống bụng… Đột nhiên thị thấy thoáng hiện ra một cái
lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa, và vắng người lại qua”. Trong cả hai đoạn văn
vừa trích dẫn, quá khứ - hiện tại và tương lai như hoà nhập làm một. Đến đây,
chúng ta có thể thấy rõ giữa thời gian trần thuật và thời gian được trần thuật có một
độ chênh khá lớn. Để đạt được điều đó, Nam Cao đã theo nguyên tắc liên tưởng,
hồi tưởng, và cả theo quy luật tương đồng, tương phản (tương phản giữa quá khứ hiện tại của Chí Phèo, tương phản giữa ước mơ cuộc sống yên bình trong quá khứ
với hiện tại tối tăm trong cuộc đời Chí). Sự tương phản này thể hiện sự biến đổi,
tha hoá của Chí Phèo, đồng thời cũng thể hiện cách nhìn và thái độ của nhà văn
trước hiện thực cuộc sống. Tương đồng ở chỗ quá khứ, hiện tại và tương lai nhiều
lúc như hoà làm một. Điều này càng làm cho sức khái quát cuộc sống của tác phẩm
cao hơn. Nhịp điệu thời gian trong tác phẩm rất hấp dẫn. Những đoạn kể về quá
khứ của nhân vật thì thời gian lướt qua rất nhanh, những đoạn kể về thời điểm hiện
tại thì thời gian như bị cô đặc lại, ông chú ý kể một cách cụ thể, sinh động và sâu
sắc về cuộc sống ở thời điểm hiện tại của nhân vật. Có thể hình dung nhịp điệu thời
gian trong truyện “Chí Phèo” theo cấu trúc: căng dần - đỉnh điểm - chùng dần căng dần. Nguyễn Thái Hoà - tác giả cuốn sách “Những vấn đề thi pháp của
truyện” gọi đó là “cấu trúc làn sóng”.
c. Tương quan thời gian trần thuật và thời gian nhân vật Chí Phèo.
Nam Cao xây dựng thời gian trần thuật dựa vào quá trình tự ý của nhân vật
này. Sự tự ý thức của Chí Phèo là một quá trình, từ chưa nhận ra đến nhận ra, theo
quá trình phát triển. Ý thức Chí vận động theo quy luật ký ức, liên tưởng. Điều này
được thể hiện rõ qua những mốc thời gian quan trọng, có tính chất bước ngoặt làm
thay đổi số phận của nhân vật Chí Phèo.
Trước hết đó là thời gian ba lần Chí Phèo đến nhà Bá Kiến.
Lần thứ nhất, là lúc Chí vừa ở tù về “Hắn về hôm trước, hôm sau đõ thấy ngồi ở
chợ uống rượu" và trong cơn say khướt, đã xách vỏ chai đến cổng nhà Bá Kiến gọi
tên tục ra mà chửi. Đó là lối hành động của một kẻ say rượu mà đã có trong tiềm
thức của Chí Phèo. Cộng thêm những năm tháng tù đày mối thù ấy càng được hun
đúc, nuôi dưỡng ngày càng sâu sắc và đậm hơn. Bao năm ngồi tù Chí đã có dịp

nghiền ngẫm cân nhắc trước khi đi đến quyết định đúng đắn. Cho nên, hơn bao giờ
hết, vừa rời khỏi nhà tù là Chí đã sôi sục một ý thức trả thù. Sự căm thù kẻ gây ra
tội lỗi và đẩy mình vào con đường đau khổ đã dẫn đường Chí đến nhà cụ Bá dù là
đang trong cơn say khướt. Hành vi của Chí hoàn toàn liều lĩnh và mang tính bột
phát. Hơn nữa dù gì trong sâu xa bản chất của Chí cũng chỉ là một nông dân thật
thà đến mức gần như ngây thơ cho nên sự thất bại của Chí trong lần đối đầu đầu
tiên này là một chuyện rất hiển nhiên. Làm sao qua được kẻ khôn róc đời như Bá


Kiến. Bá Kiến là kẻ tinh ma xảo quyệt, lắm mưu nhiều kế nên đối phó với Chí
chẳng lấy gì là khó khăn. Chỉ thoáng nhìn qua là Bá Kiến đã hiểu được ý đồ của
đối phương. Nên Chí mới thất bại ê chề trước những lời vuốt ve, ngon ngọt cộng
thêm vài đồng đã làm lóa mắt Chí. Từ một vị trí là kẻ đi hỏi tội kẻ thù chỉ thoắt
một cái ván cờ đã lật ngược: kẻ có tội lại ung dung như một kẻ ra ơn còn người hỏi
tội lại thành tay sai phục dịch cho kè thù mà không hay biết.
Lần thứ hai cũng trong dáng điệu say mềm Chí ngật ngưỡng đến nhà Bá Kiến
gặp hắn để xin được đi tù. Thật là một chuyện ngược đời. Thuở nay chưa thấy ai
làm một chuyện phi lí đến mức vậy chắc chỉ có Chí Phèo. Tuy là nghịch lí nhưng
lại phản ánh đúng thực tại của Chí. Không có cơm ăn, áo mặc, một mảnh đất cắm
dùi cũng không. Cảnh ngộ bi đát của Chí cũng phần nào phản ánh đúng hiện trạng
xã hội lúc bấy giờ đó là những người lầm đường lạc lối, trót sa chân vào vũng bùn
của tội lỗi thì không sao rút chân ra được. Chí bị tù đến khi được trả về cuộc sống
đời thường thì lại không tìm được kế sinh nhai hay nói đúng hơn là không được
tiếp nhận và vì thế lại tiếp tục bị đẩy vào bước đường cùng. Nghe Chí nói với Bá
Kiến mà thấy xót xa trong dạ: “Bẩm quả đi tù sướng quá đi, ở tù có cơm ăn, bây
giờ về làng về nước một thước cắm dùi không có...”. Sự thật như thế ư? Nhà tù là
chốn dung thân ư? Trên câu chữ thì ta không thể nghĩ khác được. Nhưng nếu nghĩ
sâu xa một chút ta mới thấy ngỡ ngàng và lương tâm chẳng được thanh thản. Nhà
tù nuôi con người ư? Không, bảo nó nuôi dưỡng những con người bị tha hóa,
những con quỷ như Chí Phèo thì đúng hơn. Nếu như ý nghĩa của nhà tù là để cảnh

tỉnh, cải tạo con người, trả con người về với cuộc sống hoàn lương thì nhà tù ở đây
lại thực hiện ngược lại. Nó biến những kẻ lương thiện trở thành một loại người lưu
manh khốn nạn. Nhà văn Huy-gô rất đúng khi nói: “Khi chưa vào tù anh là một
cành cây tươi, khi ra tù anh là một cây củi khô". Cũng như lần trước, Chí lại thất
bại trước cái khôn róc đời của cụ Bá: bị gạt mà không hề nhận ra. Âm mưu của Bá
Kiến mới thâm độc làm sao. “Dùng độc trị độc”, dùng Chí Phèo để trị Đội Tảo. Cả
Chí và Đội Tảo đều là kẻ thù của hắn, nên chẳng có xảy ra xô xát, ai được, ai mất
cụ đều có lợi, vừa thỏa mãn được ý định trả thù vừa không phải mang tiếng là kẻ
báo thù nhỏ nhen, đê tiện.
Lần thứ ba cũng là lần chót Chí đến gặp Bá Kiến. Cũng với dáng dấp của thằng
say rượu nhưng lần này Chí mang trong lòng một tâm trạng, một ý định khác hẳn
với những lần trước. Bởi vì Chí Phèo sau khi bị Thị Nở cự tuyệt tình cảm của mình
đã hoàn toàn rơi vào tuyệt vọng. Trong thâm tâm Chí đang ôm ấp ý định làm lành,
muốn quay về con đường hoàn lương sống cuộc đời lương thiện như bao người
khác. Nhưng xã hội vô nhân đạo đã quay lưng trước sự ăn năn sám hối của một tội
đồ, tình thương đã khép lại, xã hội đã rút đường trở về của Chí cũng như cự tuyệt
quyền làm người của một con người. Vĩnh viễn Chí không tìm thấy hạnh phúc ở
cuộc đời này. Bản chất người vừa trỗi dậy lại bị đè bẹp không thương tiếc. Có thể
nói đây là những giờ phút tỉnh táo nhất trong cả cuộc đời say sưa của Chí, những
phút mà ý thức phản kháng trỗi dậy mãnh liệt nhất. Đi gần hết cuộc đời, cho đến
lúc này Chí mới phát hiện mới nhận ra chân lí cuộc sống. Dù là muộn màng nhưng


với Chí sự khám phá ấy quý giá biết bao và Chí quyết giữ chặt lấy nó không để nó
tuột khỏi tầm tay dù lả phải trả một giá rất đắt. Chí như vừa thức dậy sau một giấc
ngủ dài, một sự chuyển biến rất lớn đang diễn ra trong tâm hồn của Chí. Ấy là sự
trỗi dậy của tính người, tính lương thiện. Chí đã nhận ra chân tướng của kẻ thù, kẻ
ấy là Bá Kiến chứ không ai khác cho nên lẽ ra phải đến nhà Thị Nở thì tiềm thức
sâu xa đã dẫn Chí đến nhà Bá Kiến. Trong lần đối đầu sau cuối này, Chí hoàn toàn
được lột xác, sự thay đổi đột ngột và nhanh chóng đến mức Bá Kiến không ngờ

được. Chính vì không nắm bắt được đối phương, lại chủ quan khinh địch nên Bá
Kiến thất bại một cách thảm hại. Hắn đã phải trả giá đắt cho hành vi tội lỗi của
chính hắn. Với dáng dấp hiên ngang, ngạo mạn, Chí chỉ tay vào mặt Bá Kiên mà ra
lời dõng dạc: “Tao muốn làm người lương thiện”. Tư thế ấy ta chưa từng bắt gặp ở
Chí. Trước đây hắn chỉ biết cúi đầu lễ phép, một điều bẩm cụ hai điều lạy cụ. Đó là
sự chuyển biến và tự khẳng định mình của Chí. Ngôn ngữ của Chí càng lúc càng
đậm màu triết lí: “Ai cho tao lương thiện? Tao không thể là người lương thiện”.
Lời cuối cùng được thốt lên với tất cả niềm cay đắng xót xa. Chí đã bị đẩy đên
bước đường cùng. Không còn lối thoát, không còn cách lựa chọn nào khác chỉ còn
chấm dứt cuộc đời của kẻ thù rồi sau đó tự chấm dứt cuộc đời mình. Màn bi kịch
kết thúc đẫm máu và nước mắt.
Một trong những mốc thời gian quan trọng nhất trong cuộc đời Chí Phèo
là lúc hắn gặp gỡ và sinh sống với Thị Nở trong vài ngày ngắn ngủi.
Trước khi gặp Thị Nở, Chí Phèo gần như sống vô thức : “Bây giờ thì hắn đã
thành người không tuổi rồi. Ba mươi tám hay ba mươi chín? Bốn mươi hay ngoài
bốn mươi? Cái mặt hắn không trẻ cũng không gìa; nó không còn phải là mặt người:
nó là mặt của một con vật lạ, nhìn mặt những con vật có bao giời biết tuổi?”. Chí
Phèo cũng không biết ngày hay đêm vì đối với hắn không còn ngày tháng nữa. Bởi
vì từ đấy, hắn bao giờ cũng say. Những cơn say của hắn tràn cơn này sang cơn
khác, thành một cơn dài, mênh mông, hắn ăn trong lúc say, thức dậy hãy còn say…
Chưa bao giờ hắn tỉnh, và có lẽ hắn chưa bao giờ tỉnh táo, để nhớ có hắn ở đời. Đối
với đồng loại, Chí Phèo đã là “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”, tác quái cho bao
nhiêu dân làng: Hắn biết đâu hắn đã phá bao nhiêu cơ nghiệp, đập nát bao nhiêu
cảnh yên vui, đạp đổ bao nhiêu hạnh phúc, làm chay máu và nước mắt bao nhiêu
người lương thiện. Vì thế, tất cả dân làng đều sợ hắn và tránh mặt hắn mỗi lần hắn
qua.
Nam Cao đã để Chí Phèo gặp Thị Nở rất ngẫu nhiên. Tối ấy Chí Phèo đã uống
rượu ở nhà Tự Lãng, chưa bao giờ hắn được uống thoả thê đến thế. Khi trở về
vườn, Chí đã quá say, không đi vào túp lều mà ra thẳng bờ sông đẻ tắm. Trên
đường đi hắn gặp Thị Nở đang ngủ hớ hênh dưới trăng. Sự chung đụng ấy hoàn

toàn mang tính bản năng của người đàn ông trong cơn say. Sáng hôm sau, khi đã
trải qua hai biến cố: gặp Thị Nở rồi bị trúng gió được Thị Nở đưa vào lều chăm
sóc. Điều này đã thức tỉnh con người Chí.
Đầu tiên, Chí Phèo tỉnh rượu: Đây có lẽ là lần đầu tiên anh ta tỉnh rượu kể từ lúc
ra tù về. Những lần trước, mỗi khi tỉnh rượu, anh lại uống, vì thế say kế tiếp say.


Còn lần này, Chí Phèo tỉnh rượu với trạng thái khác hẳn: “ Người thì bủn rủn, chân
tay không buồn nhấc; hay là đói rượu, hắn hơi rùng mình. Ruột gan lại nôn nao lên
một tí. Hắn sợ rượu như những người ốm sợ cơm”. Đó là điều rất lạ ở Chí.
Từ tỉnh rượu, Chí Phèo dần thức dậy ý thức vốn có ở một người bình thường. Lần
đầu tiên, hắn nghe tiếng ríu rít bên ngoài, tiếng cười nói của người đi chợ, tiếng gõ
mái đuổi cá của anh thuyền chài. Tất cả những âm thanh ấy là những tiếng quen
thuộc hôm nào chả có, nhưng hôm nay Chí Phèo mới nghe thấy, bởi xưa nay hắn
chưa bao giờ hết say. Không những thế, Chí còn biết ngoài cái lều ẩm thấp chỉ có
hơi lờ mờ của mình, mặt trời chắc đã lên cao, và nắng bên ngoài chắc là rực rỡ.
Cũng như những người say tỉnh dậy, Chí Phèo thấy miệng đắng, lòng mơ hồ buồn.
Nhưng với Chí, đây là cảm giác, cảm xúc vừa được đánh thức. Khi Chí Phèo nghe
những âm thanh của cuộc sống và biết đuợc trời sớm hay muộn cũng chính là hắn
đã dần ý thức về cuộc sống. Rồi Chí Phèo lại nhớ về quá khứ, rằng có một thời, đã
ước mơ có một cuộc sống gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê. Vợ dệt
vải. Bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm.
Thông thường, người ta nhớ lại thời gian quã vãng để hiểu hiện tại. Chí cũng vậy:
Hắn thấy hắn già mà vẫn còn cô độc. Buồn thay cho đời! Có lí nào như thế được?
Hắn đã già rồi hay sao? Ngoài bốn mươi tuổi đầu… Hắn đã tới cái dốc kia của đời.
Rồi Chí Phèo đã hình dung được tương lai đầy bất trắc: Ở những người như hắn,
chịu đựng biết bao là chất độc, đày đoạ cực nhọc, mà chưa bao giờ ốm, một trận
ốm có thể là dấu hiệu báo rằng cơ thể đã hư hỏng nhiều. Nó là một cơn mưa cuối
mùa thu cho biết trời gió rét, này mùa đông đã đến. Chí Phèo hình như đã trông
trước thấy tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc… Càng nghĩ, Chí càng lo,

vì cô độc đáng sợ hơn là đói rét và ốm đau. Nếu không có Thị Nở vào, cứ để hắn
vẩn vơ, thì đến khóc được mất. Đến đây, không ai nghĩ Chí Phèo là con quỷ dữ của
làng Vũ Đại nữa. Một người không những giàu cảm giác, cảm xúc, mà còn ý thức
có phần sâu sắc về cuộc đời, về bản thân phải là con người bình thường chứ! Với
bản thân Chí Phèo, anh đã trở lại hoàn toàn con đường tự ý thức.
Những ngày kế tiếp, Thị Nở sống chung với Chí Phèo. Hắn ta ốm và Thị Nở trở
thành người duy nhất chăm sóc. Nhà văn không kể lể nhiều về sự chăm sóc đó mà
dừng lại miêu tả thật chi tiết bát cháo hành Thị Nở đã bón cho Chí. Với Thị Nở,
việc ấy xuất phát từ sự đáng thương đối với một người đau ốm mà nằm chòng queo
một mình, lòng yêu của một người làm ơn và có cả lòng yêu của người chịu ơn.
Còn Chí Phèo cảm nhận được rất nhiều: Lần này là lần thứ nhất hắn được một
người đàn bà cho. Xưa nay, nào hắn có thấy ai tự nhiên cho cái gì… Đời hắn chưa
bao giờ đuợc săn sóc bởi một bàn tay “đàn bà” …Hắn chưa được người đàn bà nào
yêu cả. Còn lần này, bát cháo hành của Thị Nở làm hắn suy nghĩ nhiều. Hắn có thể
tìm bạn được… Như vậy, qua bát cháo hành, Chí Phèo cảm nhận được sự chăm
sóc yêu thương của người khác dành cho mình và chính anh ta cũng mong ước có
niềm yêu thương ấy.
Từ cảm nhận về tình yêu của Thị Nở, cảm xúc, cảm giác càng được đánh thức
sâu sắc hơn ở Chí Phèo: Hắn thấy mắt hình như ướt ướt…Hắn nhìn bát cháo hành
bốc khói mà bâng khuâng… Hắn thấy vừa vui vừa buồn… Hắn thấy lòng thành trẻ


con. Hắn muốn làm nũng Thị như với mẹ. Ôi sao mà hắn hiền… Không những thế,
ở Chí còn giống một cái gì nữa như ăn năn… hối hận về tội ác khi không đủ sức
mà ác nữa. Anh ta băn khoăn tự hỏi rồi tự trả lời, ngẫm nghĩ mà sợ hãi: Hắn đâu
còn mạnh nữa. Và có lúc hắn ngẫm mình mà lo. Xưa nay hắn chỉ sống bằng giật
cướp và doạ nạt. Nếu không còn sức mà giật cướp, dọa nạt nữa thì sao? Đã đành,
hắn chỉ mạnh vì liều. Nhưng hắn mơ hồ thấy rằng sẽ có một lúc mà người ta không
thể liều được nữa. Bầy giờ mới nguy!
Bùng nổ trong tâm trạng của Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở là khát vọng lương

thiện. Đấy cũng là đỉnh điểm của sự tỉnh thức của Chí Phèo: Hắn thèm lương thiện,
hắn muốn làm hoà với, vọi nguời biết bao! Thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Thị có
thể sống yên ổn với hắn thì sao người khác lạo không thể đựơc. Họ sẽ thấy rằng
hắn cũng có thể không làm hại được ai. Họ sẽ nhận hắn vào cái xã hội bằng phẳng,
thân thiện của những người lương thiện… Chí đã đem cái khát vọng ấy ra thăm dò
để tìm sự chia sẻ ở Thị Nở. Khi Thị cười tin cẩn, Chí Phèo thấy tự nhiên nhẹ cả
người và lòng thấy rất vui chứng tỏ Chí đang tràn đầy hy vọng trở lại thế giới con
người. Những ngày sau đó, Chí không còn kinh rượu nhưng cố uống thật ít. Để cho
khỏ tốn tiền, nhưng nhất là để tỉnh táo mà yêu nhau. Đàn bà không có men như
rượu nhưng cũng làm người say. Và hắn say Thị lắm. Cả người kể chuyện ẩn hình,
vốn rất lạnh lùng, cũng không giấu nổi cảm xúc cảm hình khi hình dung về tương
lai của họ: Chúng sẽ làm thành một cặp rất xứng đôi.
Mốc thời điểm mang tính bước ngoặt dẫn đến sự thay đổi trong suy nghĩ
và hành động của Chí Phèo là khi hắn bị Thị Nở cự tuyệt tình yêu và xách dao
đến nhà Bá Kiến.
Những ngày vui của Chí Phèo không kéo dài được bao lâu. Đến hôm thư sáu,
thì Thị bỗng nhớ rằng có một ngưòi cô ở đời… Thị nghĩ bụng: hãy dừng yêu để hỏi
cô Thị đã. Bà cô Thị Nở quyết liệt phản đối cháu gái lấy thằng Chí Phèo vì ai lại đi
lấy thằng Chí Phèo, một thằng không cha, chỉ có một nghề là rạch mặt ăn vạ. Đau
đớn cho Chí Phèo, khi anh ta hiền và muốn làm hoà với mọi ngưòi thì chính họ vẫn
sợ và vẫn nghĩ Chí Phèo là con quỷ dữ ở làng Vũ Đại! Đến bà cô của Thị Nở, một
người năm muơi tuổi vẫn chưa lấy chồng, sống cái đời dằng dặc, uất ức, còn nghĩ
về Chí như vậy huống chi ngườ khác. Sự phản đối của bà cô Thị Nở đồng nghĩa
với việc đóng chặt con đường trở về với thế giới lương thiện của Chí Phèo. Vì thế,
ban đầu còn ngơ ngác, hắn nghĩ ngợi một tí rồi hình như hiểu, hắn bỗng nhiên ngẩn
người.
Khi bị Thị Nở từ chối không chấp nhận sống chung với mình, tuyệt vọng, Chí
đã uống rượu nhưng càng uống thì lại càng buồn. Lần uống rượu này khác với bao
lần trước đó. Nếu trước đó, rượu khơi gợi cái bản năng để dẫn đến những hành
động đập phá thì lần này rượu lại khơi gợi cả một thế giới của tình người, của tình

thương cứ bốc lên” hắn cứ thoang thoảng thấy hơi cháo hành. Hắn ôm mặt khóc
rưng rức. Chí Phèo khóc bởi vì hắn hạnh phúc với thời gian ít ỏi nhưng ngọt ngào
ở bên cạnh Thị Nở. Một thế giới tình yêu vô cùng đẹp đẽ thật sự đã sụp đổ. Có thể
nói mất tình yêu với Thị Nở, Chí như một người đi trong bong tối vừa nhìn thấy


chút ánh sáng cho cuộc đời thì ánh sáng đó lại vụt tắt. Tuy vậy, cái tia chớp lóe lên
đó dù không đủ sức soi sáng toàn bộ cuộc đời u tối của Chí thì ít nhiều cũng giúp
Chí nhận thấy tình cảnh tuyệt vọng của mình và bộ mặt của kẻ thù. Chí thấy cần
thiết phải trả thù: Hắn phải đến nhà con đĩ Nở kia. Đến để đâm chết cả nhà nó. Nếu
không đâm được, đến lúc ấy hãy đập đầu ra kêu làng. Với Chí, đập đầu hay kêu
làng cũng là cách tỏ rõ sức mạnh của mình, một cách trả thù. Nhưng muốn đập đầu
phải uống thật say. Không có rượu lấy gì làm cho máu nó chảy! Thế là Chí uống,
song lần này càng uống lại càng tỉnh ra và đặc biệt hắn cứ thoang thoảng thấy hơi
cháo hành. Như vậy, đây cũng là lần đầu tiên trong đời, Chí Phèo uống rượu mà
ngưòi lại tỉnh, khác với những cơn say dài mênh mông trước đó. Khi trong đầu anh
cứ thoang thoảng mùi cháo hành chứng tỏ Chí không sao quên được những ngày
ngắn ngủi từng được chăm sóc, vui sống. Bây giờ, tất cả những cái đó đã bị tước
đoạt, vì thế Chí quyết phải đi trả thù, đi đòi lại lương thiện.
Chí Phèo cứ thẳng đường mà đi đế nhà Bá Kiến. Anh không hề quên đường, bời
bà cô Thị Nở không phải là người cướp đi những gì mà anh vốn có, càng không thể
cho anh những gì đã mất. Đây có thể coi là giây phút tỉnh táo nhất khi Chí đi tù về.
Tỉnh táo xác định kẻ thù : Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào để mất được những
vết mảnh trai trên mặt này? Tỉnh táo trong hành động tự sát vì không được sống
lương thiện và không muốn trở lại kíêp sống thú vật như trước : Tao không thể làm
người lương thiện nữa. Biết không? Chỉ có một cách…biết không?... Chỉ có một
cách là …cái này ! Biết không !... Những câu nói đứt quãng vừa thể hiện quyết tâm
trả thù, vừa bộc lộ niềm phẫn uất, nỗi bế tắc của Chí Phèo. Cái chết là cách chọn
lựa duy nhất để Chí giải quyết bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người lương thiện. Vì
thế, chết mà uất ức, vẫn còn muốn nói to với mọi người khát vọng của mình : …

khi người ta đến thì hắn cũng đã giãy đành đạch ở giữa bao nhiêu là máu tươi. Mắt
hắn trợn ngược, mồm hắn ngáp ngáp, muốn nói nhưng không ra tiếng. Ở cổ hắn,
thỉnh thoảng máu vẫn còn ứ ra.
Bi kịch của Chí Phèo là bi kịch bị cự tước đoạt quyền làm người. Miêu tả diễn
biến và tâm trạng của Chí Phèo từ khi gặp Thị Nở cho đến khi kết thúc cuộc đời,
Nam Cao đã thể hiện cái nhìn hiện thực sắc sảo và sự cảm thông sâu sắc với khát
vọng lương thiện của con người trong xã hội cũ.
PHẦN III: KẾT LUẬN
Thời gian nghệ thuật trong tác phẩm với tư cách là thành tố quan trọng của thi
pháp. Nghiên cứu mối tương quan giữa thời gian trần thuật và thời gian được trần
thuật trong tác phẩm “ Chí Phèo” giúp chúng ta thấy được sự thành công của Nam
Cao trong việc xây dựng hình tượng nhân vật Chí Phèo, thấy được tài năng chuyển
tải thế giới hiện thực vào trong những sáng tác văn chương, đồng thời thấy được
những thông điệp tư tưởng, tình cảm thương yêu của nhà văn với cuộc đời, với con
người.
Là một nghệ sĩ bậc thầy, Nam Cao đã vận dụng linh hoạt các yếu tố của thời gian
trong quá trình sáng tạo tác phẩm của mình. Thời gian nghệ thuật được mở ra


nhiều chiều nhờ những hồi tưởng, ước mơ và suy tưởng của nhân vật. Những nhân
vật của Nam Cao từ thời hiện tại có thể quay về quá khứ hoặc hướng tới tương lai,
thậm chí có khi xáo trộn cả ba chiều thời gian. Điều đó làm cho tác phẩm của Nam
Cao nhìn bề ngoài tưởng như rất phóng túng, tùy tiện nhưng thực ra lại rất chặt
chẽ.
Một kết cấu lôgic, một nội dung hiện thực sâu sắc xen lẫn với tình cảm nhân đạo
bao la của Nam Cao có lẽ là những yếu tố quyết định sức sống vĩnh cửu cho các
tác phẩm của ông.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nam Cao, Tuyển tập truyện ngắn, NXB Văn học, 2005.
2. Tô Hoài, Người và tác phẩm Nam Cao, Báo Văn nghệ số 145-2956.
3. Phan Cự Đệ-Hà Minh Đức, Nhà văn Việt Nam ( 1945-1975), Quyển II, NXB
Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1983.
4. Nguyễn Đức Đàn, Mấy vấn đề về văn học hiện thực phê phán, NXB Khoa
học và xã hội, Hà Nội, 1968.
5. Lê Đình Kỵ, Nam Cao, con người và xã hội cũ, Báo Văn nghệ số 54-1964.
6. Hà Minh Đức, Nam Cao, thời gian và sự khám phá, Tạp chí văn học số 61982.



×