TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA SƯ PHẠM
BỘ MÔN NGỮ VĂN
NGUYỄN MINH HẢI
THỜI GIAN VÀ KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT SỐNG MÒN
CỦA NAM CAO
Luận văn tốt nghiệp đại học
Ngành sư phạm Ngữ Văn
Cán bộ hướng dẫn: NGUYỄN HOA BẰNG
Cần Thơ, 05-2009
ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
2. Lịch sử vấn đề
3. Mục đích, yêu cầu
4. Phạm vi nghiên cứu
5. Phương pháp nghiên cứu
PHẦN NỘI DUNG CHÍNH
Chương I: LÍ LUẬN CHUNG VỀ THỜI GIAN VÀ KHÔNG GIAN NGHỆ
THUẬT
1. Thời gian nghệ thuật
1.1. Khái niệm thời gian nghệ thuật
1.2. Cấu trúc và biểu hiện của thời gian nghệ thuật
1.2.1 Thời gian được trần thuật
1.2.2.Thời gian trần thuật
2. Không gian nghệ thuật
2.1. Khái niệm không gian nghệ thuật
2.2. Các loại không gian nghệ thuật
2.2.1.Không gian bối cảnh
2.2.2.Không gian sự kiện
2.2.3.Không gian tâm lý
Chương II: THỜI GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT SỐNG
MÒN CỦA NAM CAO
2.1. Thời gian được trần thuật
2.1.1. Thời gian hiện thực hàng ngày
2.1.2. Thời gian hồi tưởng
2.1.3. Thời gian tương lai
2.1.4. Thời giann tâm trạng
2.2. Thời gian trần thuật
Chương III: KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT
SỐNG MÒN CỦA NAM CAO
3.1. Không gian bối cảnh
3.2. Không gian sự kiện
3.3. Không gian tâm lý
PHẦN KẾT LUẬN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài:
Thuở còn học phổ thông dù chỉ đọc được vẻn vẹn bốn truyện ngắn Chí Phèo,
Đời Thừa, Lão Hạc, Đôi Mắt của Nam Cao in trong các sách giáo khoa nhưng tôi
rất thích. Tôi thường đọc đi đọc lại nhiều lần những tác phẩm đó mà không biết
chán. Ngòi bút của Nam Cao dường như lạnh lùng vô cảm khi gọi nhân vật của
mình là hắn, y, lão, thị nhưng thể hiện tâm trạng, nỗi lòng nhân vật thì sâu sắc, đầy
vẻ cảm thông, thấu hiểu. Đọc văn Nam Cao, tôi như bị ám ảnh bởi dư vị đắng cay,
chua xót về những kiếp người đau khổ, bế tắc, bất lực như Hộ, Chí Phèo hay Lão
Hạc. Có điều kiện tiếp xúc với nhiều tác phẩm của Nam Cao, tôi càng cảm phục tài
năng của ông hơn, mới biết được sự nhìn nhận cảm tính bấy lâu nay của mình là
đúng. Bởi các nhà nghiên cứu đã nhìn nhận Nam Cao là một “nhà văn hiện thực phê
phán xuất sắc nhất”, một “người kết thúc vẻ vang trào lưu văn học hiện thực”
(Phong Lê).
Thế nhưng cuộc đời của Nam Cao lại gặp nhiều trắc trở, éo le khi phải sống trong
những năm tháng đen tối của chế độ thực dân nửa phong kiến, ông luôn phải chống chọi
với cái đói, cái nợ áo cơm mà không sao thoát ra được. Tài văn của Nam Cao không được
đánh giá đúng, công nhận, nhiều tác phẩm ông viết ra bị Nhà xuất bản bấy giờ từ chối, rẻ
rúng. Nhưng trong cái xã hội bóp nghẹt sự sống con người đó, người trí thức “trung
thực vô ngần”(lời Tô Hoài) ấy luôn nghiêm khắc tự đấu tranh bản thân để vượt mình,
cố thoát khỏi lối sống tầm thường, nhỏ nhen, khao khát hướng tới “tâm hồn trong sạch
và mơ tới những cảnh sống, những con người thật đẹp” (Nhật kí Nam Cao, ghi ngày 31-
8-1950).
Nam Cao đã ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, cái tuổi ba mươi sáu(1915-1951) đang
ở độ “chín” về tư tưởng và tài năng, ra đi khi đang ấp ủ viết một cuốn tiểu thuyết
lớn về quê hương mình. Ông chỉ kịp để lại một tiểu thuyết duy nhất là Sống mòn
(1944). Đọc Sống mòn, đầu tiên người đọc sẽ có cảm tưởng như đây là một tiểu
thuyết tự thuật, một tư liệu quí để hiểu hơn về cuộc đời, về suy nghĩ của nhà văn.
Nhưng đó chỉ là thứ yếu bởi Sống mòn còn có một ý nghĩa rộng hơn, sâu sắc hơn.
Tác phẩm không chỉ làm nổi bật cuộc sống nghèo khổ, bế tắc của người trí thức
trước Cách mạng với những suy nghĩ nhỏ nhen, vặt vãnh mà còn mở rộng ra những
mảnh đời nghèo khổ, tăm tối của bao người dân lương thiện. Trong quá trình sáng
tạo tác phẩm, ngòi bút của Nam Cao đã sử dụng linh hoạt yếu tố thời gian và không
gian nghệ thuật làm cho Sống mòn trở nên đặc sắc và hấp dẫn. Vì vậy, tôi đã chọn
đề tài “Thời gian và không gian nghệ thuật trong tiểu thuyết Sống mòn của Nam
Cao” để có dịp tìm hiểu kĩ hơn về nghệ thuật tác phẩm của một nhà văn mà tôi hằng
Trang 1
yêu thích, mến mộ và cũng là cơ hội để tôi trao dồi, củng cố kiến thức tiện cho việc học
tập, làm việc và nghiên cứu sau này.
2. Lịch sử vấn đề:
“Không gian và thời gian là hai bề của sự vật, là kích thước của sự sống. Nghệ
thuật biểu hiện sự sống, tái hiện sự sống làm sao không dựng cái khung không gian
và thời gian lên được để chứa đựng vật, để cho sự vật có chỗ sống, sinh sôi, nảy
nở”(Huy Cận). Vì vậy, vấn đề thời gian và không gian nghệ thuật trong tác phẩm
văn chương đã được nhiều nhà nghiên cứu trong nước và trên thế giới quan tâm, đề
cập đến. Mặc dù chưa có cách lí giải, trình bày thống nhất nhưng các nhà lí luận
cũng đã đưa ra được hướng nghiên cứu hết sức cần thiết giúp cho người đọc nâng
cao năng lực chiếm lĩnh các giá trị văn học. Ở đây, người viết xin điểm lại một số
vấn đề của các nhà nghiên cứu Việt Nam về không gian và thời gian nghệ thuật.
Lê Ngọc Trà trong Lí luận và Văn học nhận định thời gian và không gian trong văn
học gồm hai mặt cơ bản: “quan niệm thời gian - không gian của nhà văn và tổ chức thời
gian và không gian nghệ thuật của tác phẩm”[27; tr.146]. Ông khảo sát thời gian ở hai
bình diện chính là nhịp độ thời gian và trình tự thời gian. Với quan niệm thời gian và
không gian trong tác phẩm văn học thống nhất chặt chẽ với nhau nên nhà nghiên cứu
không đi vào tách biệt làm rõ những cấu trúc và đặc điểm riêng giữa thời gian và không
gian nghệ thuật.
Trần Đình Sử là một nhà nghiên cứu có nhiều quan tâm đến thi pháp học và lí luận.
Trong Một số vấn đề thi pháp học hiện đại, ông đi vào tách biệt giữa thời gian và không
gian nghệ thuật. Ông đã đưa ra khái niệm và dẫn chứng trong trong một số tác phẩm tiêu
biểu như truyện họ Hồng Bàng, truyện cổ tích, khúc ngâm và trong thơ…. Ngoài ra
ông còn có nhiều công trình nghiên cứu đến không gian và thời gian nghệ thuật như
Thi pháp thơ Tố Hữu, Thi pháp Văn học trung đại hay Từ điển thuật ngữ văn học… Đây
là những tư liệu quý đối với người học tập, nghiên cứu lí luận và thi pháp trong đó có
không gian và thời gian nghệ thuật. Và cả những người yêu thích văn chương, họ cũng có
hướng để tìm hiểu.
Bên cạnh đó, Nguyễn Thị Dư Khánh trong Phân tích tác phẩm văn học từ góc độ
thi pháp nhận định: “không gian và thời gian - khác biệt, gắn với những địa điểm và
thời gian của nhiều người kể chuyện”…[15; tr.43] “các đầu mối của truyện trong những
trục không gian và thời gian đa phương không tuân theo một trình tự trước sau chặt
chẽ” [15; tr.44]. Để chứng minh cho nhận định của mình, nhà nghiên cứu đi vào làm rõ
điểm nhìn khác nhau của người kể chuyện qua một số truyện ngắn, tiểu thuyết tiêu
biểu.
Ngoài ra sách Lí luận văn học (chương IX) do Phương Lựu làm chủ biên có đưa
ra những đặc điểm, biểu hiện riêng của từng loại không gian và thời gian nghệ thuật
Trang 2
nhưng do không gian và thời gian nghệ thuật chỉ là một mảng nhỏ trong đặc trưng
nghệ thuật ngôn từ nên nhà nghiên cứu chưa có điều kiên đi sâu, trình bày một cách
chi tiết.
Trong Lí luận văn học - Vấn đề và suy ngẫm của Nguyễn Văn Hạnh & Huỳnh Như
Phương, hai nhà nghiên cứu đi vào làm rõ một số đặc điểm về hình tượng thời gian và
không gian. Về hình tượng không gian có không gian thiên nhiên, không gian sinh
hoạt, có thể là không gian mở hay không gian khép, là không gian tĩnh hay động.Về
hình tượng thời gian có thời gian trần thuật, thời gian tâm lí. Tác giả cũng nhấn mạnh
“hình tượng thời gian cũng đồng thời biểu lộ cách nhìn của con người về thế giới”[10;
tr.183].
Vấn đề thời gian và không gian nghệ thuật trong Sống mòn cũng được nhiều nhà
nghiên cứu quan tâm, đề cập đến:
Đỗ Đức Hiểu trong Hai không gian sống trong Sống mòn cho rằng cái không gian
sống của Thứ là một “không gian o bế, ngày càng thu hẹp”. Theo tác giả, Sống mòn có
hai không gian nghệ thuật cơ bản là không gian hiện thực và không gian tâm tưởng
nhưng “Sức năng động của Sống mòn chính là sự xung đột giữa không gian xã hội (“
xó nhà quê” và ngoại ô Hà Nội nhem nhuốc) và không gian tinh thần, mơ ước,
không gian hồi tưởng, không gian khát vọng”[3; tr.243] và “ Cái không gian khắc
nghiệt của xã hội giống như một định mệnh, bám dai dẳng cuộc đời anh[Thứ], chống
lại cái không gian mơ ước”[3; tr.294]
Nguyễn Ngọc Thiện với Bút pháp tự sự đặc sắc trong Sống mòn đã phân tích cốt
truyện, lối kể chuyện, giọng văn cũng có đề cập đến thời gian và không gian nghệ
thuật. Tác giả cho rằng “Có thể thấy trong Sống mòn luôn luôn bắt gặp sự hòa trộn, đồng
hiện giữa không gian thời gian quá khứ và hiện tại, sự tồn tại song song giữa các sự kiện
bên ngoài và dòng liên tưởng, hồi cố, so sánh bên trong thế giới nội tâm nhân vật”[3;
tr.302]. Tác giả còn phân tích chi tiết điểm nhìn của lối kể chuyện “lúc thì chuyện
được kể theo điểm nhìn của người kể chuyện, lúc thì chuyện được kể theo điểm nhìn nhân
vật [3; tr.303].
Phong Lê trong Đọc lại và lại đọc Sống mòn cũng có đề cập đến không gian và thời
gian nghệ thuật. Tác giả cho rằng “có ba không gian sống chủ yếu của nhân vật Sống
mòn. Đó là gian ở nhà trường, gian nhà ông Học và gian nhà của Thứ ở quê” [3; tr.
323]. Tác giả còn nhận định “ thế giới truyện Sống mòn, cả không gian và thời gian
như là sự dồn nén, thu nhỏ lại, rồi thu nhỏ nữa. Trong dồn nén mà chứa chất, mà diễn
biến cho hết mọi cử động, mọi hoạt động, mọi hành động, mọi suy tư và ý nghĩ…”[3;
tr.327].
Trong Lí luận văn học - Vấn đề và suy ngẫm, tác giả nghiên cứu hình tượng thời
gian cũng có đề cập đến Sống mòn: “Những mẫu chuyện vặt vãnh, quẩn quanh
Trang 3
trong sinh hoạt hàng ngày của những người trí thức được tác giả Sống mòn dẫn dắt trong
sự kết hợp với trạng thái tâm lí bất lực, tự ti, hoài nghi, bi quan, khinh bạc, sĩ diện hảo
của các nhân vật, phù hợp với không gian chật hẹp, tù túng. Đó là một thế giới quẩn
quanh đơn điệu, lặp lại hàng ngày, cũng đơn điệu như cái tâm trạng mệt mỏi của các
nhân vật [10; tr.182].
Trần Đăng Xuyền với Thời gian và không gian nghệ thuật Nam Cao in trên Tạp
chí văn học số 5,1991 và được in lại trong Nam Cao - Về tác gia và tác phẩm. Ông
đã phân tích các đặc điểm của thời gian nghệ thuật: là thời gian hiện thực hàng
ngày với những bế tắc, tù túng, lẩn quẩn trong vòng những lo âu thường nhật của
các nhân vật, là thời gian hồi tưởng của các nhân vật “ có thể trong sáng ấm áp
nhưng bao giờ cũng gợi lên một nỗi buồn”[18; tr.466] và thời gian tâm trạng “nặng
nề chậm chạp” gắn liền với tâm trạng đau buồn và bi kịch của nhân vật. Về không
gian nghệ thuật, ông cho rằng đó là không gian nông thôn “có cái vẻ vắng lặng
hoang vu của một vùng quê xác xơ vì nghèo đói”[31; tr.473]. Trong đó không gian
nhà ở, căn buồng là không gian trung tâm cùng sự xuất hiện của không gian suy
tưởng.
Nhìn chung, vấn đề thời gian và không gian nghệ thuật trong Sống mòn đã được
không ít nhà nghiên cứu quan tâm, đề cập đến. Thế nhưng một tác phẩm đặc sắc, tiêu
biểu của trào lưu hiện thực phê phán như Sống mòn vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, cần
làm rõ về thời gian và không gian nghệ thuật.
3. Mục đích yêu cầu:
Nguyễn Thị Dư Khánh đã nhận định: “Lí thuyết màu xám, còn cây đời thì mãi
mãi xanh tươi- câu nói của Goethe thật là chính xác với lí luận và thi pháp tiểu
thuyết. Bao nhiêu cuộc tranh luận đã diễn ra xung quanh sự đổi mới không ngừng
của hình thức thể loại cường tráng nhiều biến đổi bậc nhất này. Tình hình này đã
được Bakhtine nâng lên và phát biểu thành một đặc điểm của thi pháp tiểu thuyết.
Đó là tính chất “đương đại” ở thì “không hoàn thành” của nó. Còn biết bao nhiêu
vấn đề cụ thể chưa được giải quyết về mặt lí luận”[15; tr.49] trong đó có không
gian và thời gian nghệ thuật. Vì vậy mục đích, yêu cầu trước tiên, người viết phải
đưa ra lí luận chung về thời gian và không gian nghệ thuật của văn chương
dựa trên tư liệu của các nhà nghiên cứu kết hợp cùng lí lẽ, dẫn chứng từ các tác
phẩm đã được học và đọc, để phần nào hiểu rõ hơn về vai trò của không gian và
thời gian nghệ thuật trong việc thể hiện tư tưởng, chủ đề của tác phẩm và dụng ý
sáng tác của nhà văn.
Có thể nói, tuy chưa mang tính thống nhất về lí luận chung nhưng vấn đề lí luận
thời gian và không gian nghệ thuật mà người viết đưa ra sẽ tạo cơ sở cho người viết
có được sự nhìn nhận ban đầu để đi vào làm rõ yêu cầu rất quan trọng là thời gian
Trang 4
và không gian nghệ thuật trong tác phẩm Sống mòn. Đó cũng là dịp để người viết hiểu
rõ hơn về tác phẩm Sống mòn cũng như tập làm quen với công việc nghiên cứu khoa học.
4. Phạm vi nghiên cứu:
Thi pháp học là lĩnh vực rất rộng nghiên cứu về nghệ thuật như nghiên cứu tác
phẩm, thể loại, phong cách ngôn ngữ. Vì vậy để làm rõ vấn đề cần nghiên cứu,
người viết chỉ đi sâu vào một mảng nhỏ của thi pháp học (và lí luận), cụ thể là một mảng
đặc trưng của nghệ thuật ngôn từ. Đó là không gian và thời gian nghệ thuật của văn
chương. Từ phần lí luận về thời gian và không gian nghệ thuật đó, người viết sẽ vận
dụng vào làm rõ thời gian và không gian nghệ thuật trong một tiểu thuyết cụ thể,
một tiểu thuyết duy nhất của Nam Cao có tên Sống mòn (hay còn có một tên gọi khác là
Chết mòn).
5. Phương pháp nghiên cứu:
Vấn đề thời gian và không gian nghệ thuật văn chương nói chung cũng như trong
tiểu thuyết Sống mòn nói riêng đã được nhiều người quan tâm, nghiên cứu nhưng vẫn
chưa đi đến kết luận chung và mang tính thống nhất. Vì vậy dựa trên tài liệu của các nhà
nghiên cứu và trên văn bản của tác phẩm Sống mòn, người viết chủ yếu vận dụng phương
pháp phân tích, tổng hợp để làm rõ vấn đề nghiên cứu của mình. Và các thao tác bình
luận, giải thích, chứng minh cũng được sử dụng như là các thao tác bổ trợ.
Bên cạnh đó, để làm rõ vấn đề, người viết cũng vận dụng phương pháp so sánh, đối
chiếu Sống mòn với một số tác phẩm khác trong nước và thế giới thuộc các trào lưu lãng
mạn, hiện thực phê phán hay hiện thực Cách mạng trong đó có cả một số tác phẩm khác
của Nam Cao.
Ngoài ra, phương pháp thống kê cũng được người viết sử dụng để tiện cho việc
nghiên cứu và bảo đảm tính khoa học khi có một số chi tiết mang tính nghệ thuật trong
tác phẩm có sự lặp lại, bản thân chứa ít nhiều dung lượng, mức độ có liên quan đến
không gian và thời gian nghệ thuật.
Trang 5
Chương I:
LÍ LUẬN CHUNG VỀ THỜI GIAN VÀ KHÔNG GIAN
NGHỆ THUẬT
1. Thời gian nghệ thuật:
1.1. Khái niệm:
Thời gian nghệ thuật là phạm trù của hình thức nghệ thuật, thể hiện phương thức
tồn tại và triển khai của thế giới nghệ thuật. Nếu thế giới thực tại tồn tại trong thời
gian thì cũng thế, thế giới nghệ thuật cũng tồn tại trong thời gian nghệ thuật.
Theo Từ điển thuật ngữ văn học thì thời gian nghệ thuật là “hình thức nội tại của
hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó. Cũng như không gian nghệ
thuật, sự miêu tả, trần thuật trong văn học nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ
một điểm nhìn nhất định trong thời gian. Và cái được trần thuật bao giờ cũng diễn
ra trong thời gian, được biết qua thời gian trần thuật. Sự phối hợp của hai yếu tố
thời gian này tạo thành thời gian nghệ thuật, một hiện tượng ước lệ chỉ có trong thế
giới nghệ thuật. Khác với thời gian khách quan được đo bằng đồng hồ và lịch, thời
gian nghệ thuật có thể đảo ngược, quay về quá khứ, có thể bay vượt tới tương lai xa
xôi, có thể dồn nén một khoảng thời gian dài trong chốc lát, lại có thể kéo dài cái
chốc lát thành vô tận. Thời gian nghệ thuật được đo bằng nhiều thước đo khác
nhau, bằng sự lặp lại đều đặn của các hiện tượng đời sống được ý thức: sự sống,
cái chết, gặp gỡ, chia tay, mùa này, mùa khác…tạo nên nhịp điệu trong tác phẩm.
Như vậy, thời gian nghệ thuật gắn liền với tổ chức bên trong của hình tượng nghệ
thuật. Khi nào ngòi bút nghệ sĩ chạy theo diễn biến sự kiện thì thời gian trôi nhanh,
khi nào dừng lại miêu tả chi tiết thì thời gian chậm lại.
Thời gian nghệ thuật thể hiện sự tự cảm thấy của con người trong thế giới. Có
thời gian nghệ thuật không tách rời với chuỗi biến cố cốt truyện như cổ tích, có thời
gian nghệ thuật xây dựng trên dòng tâm trạng và ý thức như tiểu thuyết, có tác
phẩm dừng lại chủ yếu trong quá khứ khép kín trong tương lai, có thời gian nghệ
thuật “trôi” trong các diễn biến sinh hoạt, có thời gian gắn với vận động của thời
đại, lịch sử, lại có thời gian nghệ thuật có tính “vĩnh viễn”, đứng ngoài thời gian
như thần thoại. Thời gian nghệ thuật phản ánh sự cảm thụ thời gian của con người
trong từng thời kì lịch sử, từng giai đoạn phát triển, nó cũng thể hiện sự cảm thụ
độc đáo của tác giả về phương thức tồn tại của con người trong thời gian. Trong
thế giới nghệ thuật, thời gian nghệ thuật xuất hiện như một hệ quy chiếu có tính
tiêu đề được giấu kín để miêu tả đời sống trong tác phẩm, cho thấy đặc điểm tư duy
Trang 6
của tác giả. Gắn với phương thức, phương tiện thể hiện, mỗi thể loại văn học có kiểu
thời gian nghệ thuật riêng”. [8; tr.322-323]
1.2. Cấu trúc và biểu hiện của thời gian nghệ thuật:
1.2.1.Thời gian được trần thuật:
Thời gian được trần thuật là thời gian của các sự kiện được miêu tả. Những ai đã
từng đắm say vùi đầu vào các tập truyện, các tiểu thuyết hẳn đã có kinh nghiệm
thiết thân về thời gian nghệ thuật. Lúc ấy ta chỉ biết có thời gian đang diễn ra trong
truyện mà hoàn toàn tạm quên đi thời gian thực tại (ví dụ như đang chăn trâu để trâu
ăn lúa, đang nấu cơm để cơm cháy, quên hẳn trời đã mưa, đã tối hẳn lúc nào không
hay).
Qua tác phẩm ta cảm nhận được thời gian từ những đổi thay biến cố trong tự nhiên (sáng,
trưa, chiều, tối, xuân, hạ, thu, đông) trong đời người (lọt lòng, lớn lên, lấy vợ, lấy chồng,
già, chết) trong phong tục xã hội (các ngày lễ hội, các phiên chợ, kì giỗ, tế) trong đời
sống chính trị (đời vua nào, trước cách mạng, sau giải phóng…). Mọi cảm giác về biến
đổi đều gợi cảm giác thời gian:
Mặt trời càng lên tỏ
Bông lúa chín thêm vàng
Sương treo đầu ngọn cỏ
Sương lại càng long lanh
(Thăm lúa -Trần Hữu Thung).
Thời gian được trần thuật được biểu hiện bởi nhiều phương diện. Trước hết là các
trạng từ chỉ thời gian như “ngày xửa ngày xưa”, “dạo ấy”, “cách đây không lâu” cùng
các từ chỉ các đoạn thời gian, chỉ cách tính thời gian. Thời gian được trần thuật được biểu
hiện bằng các dấu hiệu chỉ thời gian như tuổi trẻ, tuổi già, xuân, hạ, thu, đông, bằng tiếng
đỗ quyên kêu, bằng tiếng chuông chùa, bằng phiên chợ, bằng lễ kỉ niệm hằng năm…
Nhìn chung, thời gian được trần thuật là một hiện tượng vô hạn, liên tục. Người
ta có thể miêu tả một đời, một thế hệ hoặc một ngày, một phút giây trong đời hoặc
tái hiện những năm tháng không thể nào quên. Có thể đó là một buổi chiều nhá
nhem tối mở đầu tác phẩm Vợ nhặt, Tràng trở về nhà như mở ra bối cảnh lịch sử -
những ngày tháng đen tối đầu năm 1945 của xã hội Việt Nam với nạn đói khủng
khiếp đang diễn ra. Hay Cao điểm cuối cùng của Hữu Mai, người đọc sẽ cảm nhận
được 56 ngày đêm chiến đấu gian khổ, ác liệt, đầy hi sinh mất mát nhưng thật đẹp
và hào hùng của dân tộc Việt Nam. Cụ thể hơn, đó là những giờ phút chiến đấu đầy
cam go, thử thách khi bộ đội ta tấn công vào cứ điểm, ngọn đồi A1 trong tầm đại
bác của kẻ thù để giành từng tấc đất, từng ụ súng. Ở một số tác phẩm, thời gian
được trần thuật kéo dài tới hàng chục năm, trăm năm như truyện Sông đông êm đềm
Trang 7
của Sôlôkhôp, thời gian được trần thuật kéo dài tới mười năm (1912-1922) hay
Chiến tranh & hòa bình là cả một thời gian lịch sử dài gần một thế kỉ.
Bản thân thời gian là một đối tượng của sự cảm nhận, một chủ đề, đề tài của văn
học. Thời gian được trần thuật ở đây có thể là thời gian quá khứ, thời gian quay trở lại
với những hồi ức, kỉ niệm của nhân vật. Thanh Tịnh trong Tôi đi học luôn nhớ về buổi
học đầu tiên với kỉ niệm của ngày khai trường “Hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và
gió lạnh. Mẹ dắt tay tôi từng bước…”. Kỉ niệm ngày học đầu tiên được mẹ dắt đến
trường sao mà đẹp đẽ và nên thơ. Bởi nó được cảm nhận bằng hồi ức của một tâm hồn
trong sáng ngây thơ như trang giấy trắng tinh chưa thấm mực nhưng thấm cả vào đấy
tình yêu thương của mẹ và sự náo nức trước khung cảnh mới lạ của ngày khai trường.
Khi con người bị cách li khỏi cuộc sống xã hội như bị tống giam trong ngục tối
hay con người bị mất đi thị giác, con người hầu như không ý thức được thời gian.
Thời gian nghệ thuật này được gọi là thời gian không thời gian, thời gian hầu như
không vận động mà ngưng đọng, bất biến, “ngày nào cũng như ngày nào”, “sáng
nào cũng vậy”. Đó là nhân vật Tốn trong Thềm hoang của Nhật Tiến với đôi mắt
mù lòa, xung quanh bác chỉ toàn là một màu đen, bác không nhận ra được là sáng
hay tối, là ngày hay đêm. Thời gian đối với bác cứ lặp đi lặp lại tạo thành một cuộc
sống vô vị, tẻ nhạt.
Có một loại thời gian mà ta không thể dùng dụng cụ vật lí để đong, đo, đếm. Đó là
thời gian tâm lí. Vì nó được cảm nhận bằng tình cảm, cảm xúc của con tim, bằng lăng
kính chủ quan của chủ thể, đối tượng tiếp nhận. Khi vui sướng, hạnh phúc, đắm say,
con người cảm thấy thời gian như ngắn ngủi
Ngày xuân con én đưa thoi,
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu.
Hay khi nhớ nhung, chờ đợi, con người cảm thấy thời gian dài đằng đẵng
Sầu đong càng lắc càng đầy
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê
(Truyện Kiều).
Vì thế, ông hoàng thơ tình Xuân Diệu luôn khao khát được yêu, được sống trọn vẹn trong
tình yêu đã lo sợ, thảng thốt trước cảm giác ngắn ngủi của thời gian
Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm.
Em vui đi, ráng nở ánh trăng rằm
Anh hút nhụy của mỗi giờ tình tự,
Mau với chứ! Vội vàng lên với chứ!
Em, em ơi, tình non sắp già rồi…
Trang 8
(Giục giã)
Đó là trong thơ trữ tình. Còn trong văn xuôi tự sự, thời gian tâm lí thường được biểu
hiện ở hiện tại với những đau khổ, dằn vặt hay sung sướng hạnh phúc. Tất cả quá khứ
hay tương lai dường như đều quy tụ trong hiện tại với cái bây giờ. Bởi quá khứ là kết quả
hôm nay, cái hôm nay dự báo ngày mai. Thời gian tịch mịch vào một buổi chiều với tiếng
trống thu không trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam như lặp lại một cách bình thường
những ngày khác của phố huyện nghèo tăm tối, những ngày tháng dài lê thê, buồn tẻ
phải chăng cũng là tương lai ảm đạm, cũng không kém phần tăm tối của cuộc sống con
người trước Cách mạng. Vì vậy, Giáo sư Trần Đình Sử đã nhận định: trong tác phẩm
“một cuộc đời có thể trôi nhanh như giấc mộng, một phúc chờ đợi có thể dài như trăm
năm, có kẻ say sưa quên năm tháng, có người mãi mãi thiếu thời gian, lịch sử có khi hàng
trăm năm giậm chân tại chỗ, có khi vùn vụt một ngày bằng hai mươi năm” [26; tr.243].
Có khi thời gian được trần thuật là thời gian tương lai hay mở ra những viễn cảnh
tương lai. Nó cho thấy niềm lạc quan yêu đời, niềm tin tưởng vào một tương lai tươi
sáng, tốt đẹp của nhân vật, hay của chính tác giả. Với Tiếng hát sông Hương, niềm
cảm thông, tin tưởng của Tố Hữu vào cuộc sống của cô gái bán hoa sẽ trở nên tươi đẹp
được thể hiện qua những câu thơ:
Ngày mai gió mới ngàn phương,
Sẽ đưa cô tới một vườn đầy xuân
Ngày mai trong giá trắng ngần
Cô thôi sống kiếp đày thân giang hồ
Còn trong Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu, chi tiết “Ngoài rừng sâu,
đôi chim gọi nhau suốt đêm đã im tiếng, có lẽ chúng đã tìm thấy nhau” [19; tr.246]
là một chi tiết nghệ thuật biểu hiện cho thời gian tương lai, là gợi mở cho một kết
thúc có hậu: Lãm và Nguyệt sẽ gặp nhau, không phải là một sự tình cờ chưa nhận ra
nhau mà là sự gặp gỡ của hai trái tim cùng chung lí tưởng đã từng chờ đợi, rung
động.
Thế nhưng không phải tương lai hay viễn cảnh tương lai trong tác phẩm nào
cũng tươi đẹp, sáng sủa. Có khi tương lai cũng mang màu sắc tuyệt vọng khi con
người đang cô đơn, bế tắc, đang sầu muộn. Chàng trai trẻ Tố Hữu đã từng vui
sướng khi bắt gặp ánh sáng lí tưởng Cách mạng “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ”
khi cảm nhận được quang cảnh tươi đẹp bên ngoài và tiếng tu hú tha thiết vẫy gọi,
lòng tràn ngập niềm khao khát tự do nhưng không làm sao đến với thế giới bên
ngoài do sự ngăn cách, giam hãm của tù ngục đã phải đau đớn, tuyệt vọng mà thốt
lên
Ta nghe hè dậy bên lòng
Trang 9
Mà chân muốn đạp tan phòng hè ôi
Ngột làm sao chết mất thôi
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu
(Khi con tu hú)
Ở một số tác phẩm, đặc biệt là các tác phẩm thuộc trào lưu hiện thực phê phán, do nhà
văn lấy chất liệu trên nền hiện thực và phản ánh tố cáo hiện thực nên thời gian tương lai
hay viễn cảnh tương lai trong tác phẩm thường mang màu sắc bi quan, tuyệt vọng.
Chẳng hạn, kết thúc tác phẩm Bỉ Vỏ của Nguyên Hồng, Tám Bính bị bắt và đau lòng
chứng kiến đứa con mình chết mà chị là người có phần tham dự vào cái chết đó hay
kết thúc Một bữa no của Nam Cao, bà cái đĩ phải đón nhận cái chết, một cái chết oằn oại
và đau đớn.
Bên cạnh đó, thời gian được trần thuật còn có thể chứa đựng cả ba thời quá khứ,
hiện tại và tương lai. Truyện Một ngày dài hơn thế kỉ của T. AiMaTov là một thí dụ
điển hình. Với thời gian hiện tại từ nửa đêm khi Edigel nhận được tin Kazangap
chết đến lúc đi an táng thi hài của người quá cố ở nghĩa địa Ana-Bejit chỉ trong
vòng một ngày nhưng tác giả còn tái hiện lại quá khứ đau thương đầy khổ cực của
những công nhân sống nơi Ga xép bão tuyết, trên thảo nguyên mênh mông, hiu
quạnh và vô cùng khắc nghiệt cùng viễn cảnh tương lai của khoa học khám phá vũ
trụ. Trong tác phẩm, cả quá khứ, hiện tại, tương lai như đan xen hòa quyện vào
nhau.
Quá khứ hiện tại đan xen nhau còn là biểu hiện của thời gian hồi tưởng, hoài
niệm quá khứ. Ở đây con người như tiếc nuối như muốn níu kéo lại quá khứ bởi quá
khứ kia vẫn còn để lại một ấn tượng tốt đẹp hay một kỉ niệm sâu sắc trong hiện tại.
Còn hiện tại, con người đang thất vọng, chua xót, đau khổ, bế tắc và dự báo một
tương lai ảm đạm mờ mịt. Trong Thềm hoang của Nhật Tiến, hai anh em Ích và
Ngoan nhớ lại những ngày tháng êm đềm chúng được ăn no, mặc ấm, được cả cha
và mẹ chúng yêu thương. Nghĩ về hiện tại, chúng vô cùng đau đớn, chua xót vì luôn
bị dượng ghẻ đánh đập, hành hạ, phải làm công việc của những kẻ sống lang thang
tạm bợ, không phù hợp với tuổi thơ của chúng như hát rong, mua bán đồng nát.
Những hồi ức ấy đến với Ích như những vết kim châm khiến nó đau đớn nghiến
răng muốn đâm chết dượng Tám ác độc dù biết rằng mình sẽ chẳng bao giờ dám
thực hiện.
Tuy nhiên, không phải bao giờ thời gian hồi tưởng là hoài niệm về một quá khứ
tốt đẹp còn hiện tại thì bế tắc đau khổ. Có khi hiện tại tốt đẹp, quá khứ đau khổ
cũng là biểu hiện của thời gian hồi tưởng. Kỉ niệm về một thời đau khổ sẽ làm cho
con người sống đẹp, sống đúng hơn trong thực tại. Ở đây, thời gian hồi tưởng như
gợi lên một thành quả mà con người đã chọn lựa, đã giải quyết một cách sáng suốt,
Trang 10
đúng đắn; kiểu thời gian này thường thấy trong văn xuôi lãng mạn. Mai trong Nửa
chừng xuân của Khái Hưng hồi tưởng lại cái quá khứ sáu năm đau khổ, bế tắc, tủi cực
khi phải chọn xa Lộc. Còn hiện tại, cô lại có cuộc sống an nhàn, thoải mái bên cạnh đứa
con kháu khỉnh và em cô là Huy. Tương lai đối với Mai và Huy là tương lai tươi sáng,
một chân trời đang rộng mở trước mắt họ, tương lai ấy cũng gợi lên một cảm giác nhẹ
nhàng thư thái trong lòng người đọc.
Kiểu thời gian hồi tưởng như thế, chúng ta cũng thường thấy trong văn học Cách
mạng. Cái quá khứ chiến tranh đầy gian khổ, ác liệt kia vẫn còn để lại trong lòng
người ở lại, cái hi sinh mất mát của ngày qua sẽ làm cho con người hôm nay và mai
sau sống tốt hơn, nó khơi dậy lòng yêu nước đang nghìn đời tuôn chảy trong huyết
mạch của dân tộc. Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành là một thí dụ, hiện tại giặc
tấn công ngày càng ác liệt nhưng dân làng đã có vũ khí, có cách đánh du kích, đã có
chi bộ Đảng, hồi tưởng lại những ngày đầu tiên bọn Mĩ Diệm đặt chân tới rừng xà
nu này qua lời cụ Mết thì cuộc kháng chiến của dân làng còn gian khổ, ác liệt hơn
rất nhiều: súng không, cán bộ chỉ có một người là anh Quyết. Nhưng những ngày
tháng gian khổ trước kia với cái chết của Mai, của những người tiếp tế cho cán bộ
trong rừng và lí do mười ngón tay bị cụt của Tnú không chỉ là một sự tích mà còn là
những tấm gương chiến đấu dũng cảm, là niềm tự hào của dân làng Xôman.
Trong nhiều tiểu thuyết và kịch hiện đại, những khoảng thời gian xa cách nhau
được các tác giả tái hiện đồng thời với nhau, đan cài vào nhau. Đấy là tại một thời
điểm cả ba sự kiện đều xảy ra. Người ta gọi thời gian nghệ thuật này là thời gian
đồng hiện. Loại thời gian nghệ thuật này góp phần tạo nên tính phức điệu của tác
phẩm, nó đòi hỏi người đọc một tư duy tinh nhạy mới nắm bắt được bản chất của
các mối quan hệ ẩn đằng sau các khoảng thời gian tưởng như lộn xộn, vô lí. Trong
tác phẩm Chí Phèo, chi tiết cuối cùng Thị Nở nhìn nhanh xuống bụng “đột nhiên
Thị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người qua
lại” [4; tr.235] là một chi tiết nghệ thuật tiêu biểu cho thời gian đồng hiện. Thông
qua cái thời điểm hiện tại lúc thị Nở nhìn xuống bụng đó lại hiện lên quá khứ xuất
thân của Chí Phèo: không cha, không mẹ, trần truồng và xám ngắt trong một cái váy
đụp. Hay đó còn là tương lai của những Chí Phèo con rồi cũng sẽ như thế, cũng sẽ
nối tiếp những cuộc đời của cha chúng, của Năm Thọ, Binh Chức. Ba bình diện thời
gian như đối chiếu với nhau cùng một lúc gợi lên cái vòng luẩn quẩn, bế tắc của bao
kiếp người bé mọn không được sống thật, sống đúng với bản chất lương thiện của
mình.
1.2.2. Thời gian trần thuật:
Được xây dựng bằng chất liệu ngôn từ, văn chương là loại nghệ thuật thời gian
mà bản thân thời gian là một đối tượng của sự cảm nhận, một chủ đề, đề tài của văn
Trang 11
học. Người ta có thể miêu tả một đời, một thế hệ hoặc một ngày, một phút giây
trong đời hoặc tái hiện lại những năm tháng không thể nào quên. Tương quan giữa
chuỗi biến cố thời gian và sự cảm nhận thời gian tạo thành cấu trúc thời gian miêu
tả. Thời gian được miêu tả là một hiện tượng vô hạn, liên tục nhưng thời gian miêu
tả thì có mở đầu, có kết thúc. Thời gian trần thuật (hay thời gian miêu tả) có thể là
thời gian theo tiến trình khách quan chẳng hạn như thời gian trong một lớp kịch: các
nhân vật đối thoại, hành động hoàn toàn phù hợp với thời gian khách quan. Hay thời
gian trần thuật có thể miêu tả gián đoạn, cách quãng, bỏ qua khoảng cách lớp, các
màn kịch hoặc giữa các chương của tiểu thuyết. Chẳng hạn, trong tiểu thuyết Lịch
sử Tôm Giôn thì có những chương viết một ngày, có những chương cách nhau hàng
năm liền.
Thời gian trần thuật không có nhịp độ riêng; nhanh, chậm hay ngừng trôi là
những khái niệm mang tính chất quy ước, tương đối, đấy là cảm giác chủ quan của con
người. Theo Lê Thị Tuyết Hạnh, “Truyện xét về mặt sự kiện bao giờ cũng được xem là kết
thúc, là đã thuộc về quá khứ so với hành vi kể [hành vi trần thuật]. Do vậy, truyện bao
giờ cũng là những truyện được kể lại. Rõ ràng phải có một người kể, một thời gian kể
tồn tại để làm nên truyện. Thời gian người kể thực hiện hành vi kể chuyện, kể lại câu
chuyện cho các thính giả hoặc độc giả của mình (tức là thời gian nói hoặc viết)” [9; tr.
36 ]. Vì vậy, thời gian trần thuật không đảo ngược chỉ có một thời gian ở hiện tại, là thời
gian nhà văn bỏ ra kể một câu chuyện mà bản thân sự kể chuyện đã là một nghệ thuật.
Tuy việc trần thuật không có nhịp độ riêng nhưng trong từng tác phẩm cụ thể, ta
cũng dễ dàng nhận ra nhịp độ thời gian có lúc nhanh hay chậm, đều đặn êm đềm
hay biến động căng thẳng. Ở đây, chúng ta cần làm rõ khái niệm nhịp độ thời gian.
Nhịp độ thời gian theo Lê Ngọc Trà “là độ dài của sự kiện và khoảng cách của
những sự kiện cũng như độ dài thời gian của việc cảm thụ sự kiện ấy”[27; tr.147].
Có hai loại nhịp độ thời gian cần lưu ý: nhịp độ thời gian sự kiện và nhịp độ thời
gian nhân vật.
Nhịp độ thời gian sự kiện (còn gọi là “biến cố” theo nghĩa rộng của từ này) - bao
gồm sự kiện xã hội và sự kiện trong cuộc đời nhân vật - là tương quan giữa độ dài
thực tế và thời gian trần thuật của các sự kiện trong tác phẩm, là khoảng cách, là
mật độ biến cố được miêu tả ít hay nhiều, thưa thoáng hay nén chặt. Đây là một đặc
thù của văn chương vì thời gian trong văn chương được thể hiện uyển chuyển, biến
hóa khôn lường. Nhà văn có thể ép mỏng hay kéo căng thời gian ra tùy theo dụng ý
nghệ thuật của mình. Thời gian trong văn chương không nhất định được thể hiện
đúng như thật, trực tiếp như thời gian trên sân khấu là trùng khít với thời gian được
trần thật. Nhiều khi chỉ là khoảnh khắc nhưng được nhà văn trần thuật tỉ mỉ, chậm
Trang 12
rãi và có thể có lời bình phẩm kéo dài hàng trang sách. Như vậy ở đây thời gian trần thuật
nhiều gấp mấy lần thời gian được trần thuật. Hãy so sánh phim và truyện Sống như anh
với bài thơ Nguyễn Văn Trỗi. Chín phút cuối đời của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi được
trần thuật chỉ trong mấy chục giây trong phim và truyện nhưng trong thơ Tố Hữu lại miêu
tả mấy phút.
Việc dồn nén nhiều sự kiện có độ dài thời gian lớn trong một khoảnh khắc trần
thuật hoặc trải một hành động vốn diễn ra nhanh trong cả đoạn trần thuật chi tiết
kéo dài thường tạo ra những hiệu quả thẩm mĩ nhất định của nghệ thuật. Nghệ thuật
có thể kéo dài hay làm dừng lại một phút giây để người ta cảm thấy mọi liên hệ của
thực tại xảy ra trong một khoảnh khắc, nghệ thuật cũng có thể dồn nén trăm năm,
nghìn năm vào một giờ để cho thấy các vận động chậm chạp mà đời người không
cảm thấy được. Nghệ thuật cũng có thể đưa ta vào chuỗi các sự biến dồn dập để ta
thấy được cái nhịp bão táp của cuộc đời. Truyện Kiều, trong tương quan với ước mơ
và hành động của Kiều, các sự kiện ngang trái ập đến như một cái gì phi lí ngẫu
nhiên, bất ngờ ngoài ý muốn. Nó làm cho thời gian sự kiện trong Truyện Kiều có cái
nhịp gấp khúc, chồng chéo, sự kiện này chưa xong, sự kiện kia đã tới, gối đầu lên
nhau, chồng chất, xô đẩy nhau, khi tai họa cũng như khi hạnh phúc. Trái lại trong
truyện Một bữa no của Nam Cao, cảnh ăn chực của bà cái đĩ diễn ra dài đằng đẵng
gây cho người đọc cái cảm giác thời gian như bị chùng xuống càng làm nổi bật cái
cảnh ngộ trớ trêu và nỗi tủi nhục của bà già khốn khổ.
Nhịp điệu thời gian nhân vật - bao gồm nhịp điệu thể hiện qua hành động, hoạt
động bên ngoài và nhịp điệu trong tâm tưởng, tư duy thường phù hợp với nhịp điệu
thời gian sự kiện. Nhịp điệu thời gian sự kiện gấp khúc, dồn dập thì nhịp điệu thời
gian hành động của nhân vật luôn hối hả khẩn trương. Chẳng hạn, trong Giông tố
của Vũ Trọng Phụng, “những số phận thay đổi, những tính cách chuyển biến đột
ngột quá, đảo ngược quá, khiến các nhân vật cũng phải thay đổi với nhau một cách
mau lẹ, như là quay 180 độ. Những cuộc sắp xếp lại các quan hệ một cách hấp tấp,
vội vã như thế đã làm cho nhiều nhân vật giẫm đạp vào nhau, sinh ra những cuộc
cãi nhau, chửi nhau, chơi xỏ nhau tạo thành những màn đại hài kịch để tô rất đậm
sự thối nát, sự chó đểu của những con người tráo trở, đổi trắng thay đen. Tóm lại
xã hội Giông tố bày ra đủ cảnh tượng đảo điên, láo nháo, quay cuồng như đèn cù,
như trong cơn lốc mãnh liệt, một trận giông tố”[29; tr.32]. Ngược lại, khi nhịp điệu
thời gian sự kiện trì chậm, nhịp điệu thời gian hành động của nhân vật cũng lại theo
đó mà thành thư thả, thong dong.
Riêng đối với thời gian trong tâm tưởng, nhịp điệu hối hả khẩn trương thường
được biểu hiện qua cảm giác phấp phỏng, thấp thỏm của nhân vật về sự bất trắc của
tương lai. Nhịp điệu hối hả khẩn trương của thời gian tâm tưởng còn được biểu hiện
Trang 13
qua độ nhạy trong việc cảm nhận sức ám ảnh ghê ghớm của thời gian. Nhà thơ tình yêu
Xuân Diệu luôn cảm thấy thời gian như vô cùng ngắn ngủi, vì vậy nhà thơ luôn khao khát
được yêu, được thụ hưởng tình yêu và sự sống một cách vội vã, thấp thỏm như rượt
đuổi cùng thời gian
Mau đi thôi, mùa chưa ngả chiều hôm
Ta muốn ôm sự sống còn đang mơn mởn Ta
muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu”
(Vội vàng)
Nhịp điệu hối hả khẩn trương của thời gian tâm tưởng còn thể hiện nỗi sốt ruột,
bồn chồn khi hẹn hò, chờ đợi. Đấy là Tân trong Đứa con đầu lòng của Thạch Lam
khi chàng chờ vợ sinh nở trong căn phòng của hộ sinh viện: “Chàng nóng ruột như
lửa đốt, đi đi lại lại trong phòng, ngồi xuống chiếc ghế ở bên tường một lát rồi
đứng dậy. Chàng đưa mắt nhìn qua những chiếc bàn giản dị và sơn trắng, xếp đặt
một cách gọn ghẽ. Rồi chàng chăm chú nhìn cái cánh cửa đóng ở góc phòng” [22;
tr.7].
Thời gian nghệ thuật đích thực là thời gian phối trí giữa thời gian trần thuật và
thời gian được trần thuật. Cho nên thời gian trần thuật thì không đảo ngược được,
không đứt đoạn, chỉ đứng ở thời gian hiện tại với sự phối trí của người kể. Giữa thời
gian trần thuật và thời gian được trần thuật thì thời gian trần thuật thường ngắn hơn
thời gian được trần thuật. Ví dụ, theo tác giả Bùi Văn Tiếng, cách tổ chức thời gian
trần thuật trong Giông tố như sau: “bảy chương đầu của cuốn tiểu thuyết (trong
tổng số ba mươi chương và một đoạn kết) tức khoảng một phần tư dung lượng trần
thuật, Vũ Trọng Phụng cũng dùng để nhẩn nha kể về thời gian gần năm hôm, làm
ra vẻ cố ý phơi bày tất cả hậu quả của cơn giông-tố-dưới-ánh-trăng ấy. Từ chương
VIII trở đi, mật độ biến cố mới bắt đầu được dồn nén chặt hơn. Khung thời gian
chín, mười tháng trời nằm gọn trong khuôn khổ hăm bốn chương sách, có khi trên
nửa tháng chỉ được nhà văn trần thuật chưa đầy ba trang (245-248). Hình như
giông bão đang tăng dần tốc độ lẫn cường độ, đẩy nhanh nhịp điệu của cốt truyện”
[29; tr.24). Tuy nhiên có trường hợp, có lúc thời gian được trần thuật ít hơn thời gian
trần thuật. Đấy là lúc tác giả dừng lại miêu tả thiên nhiên, tâm trạng nhân vật, thời gian
dường như ngừng trôi nhưng thời gian kể chuyện thì cứ trôi đi. Chẳng hạn, trong tiểu
thuyết Những người khốn khổ, Victo Hugo đã dành hàng trăm trang sách để miêu tả cái
cống ngầm khủng khiếp, biểu tượng của không gian Paris trong bóng tối, bóng tối của cái
chết, của sự nhơ bẩn khủng khiếp, của sự truy lùng để đối lập với ánh sáng chiếu rọi từ
trong trái tim cao cả của Jean Vajean, đang cõng trên vai kẻ tử thù về mặt tinh thần của
mình.
Trang 14
Hay có khi tác giả trực tiếp bộc lộ những tư tưởng tình cảm, quan niệm của mình
đối với cuộc sống và nhân vật được trình bày qua cốt truyện mà các nhà lí luận gọi
là những đoạn trữ tình ngoại đề. Những đoạn trữ tình ngoại đề như thế thường xuất
hiện nhiều trong tiểu thuyết như tác phẩm của Victo Huygo, Lỗ Tấn, Hồ Biểu
Chánh, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nhất Linh, Khái Hưng…Không chỉ với tiểu thuyết,
ngay cả trong truyện ngắn, ta cũng thường bắt gặp những dòng trữ tình ngoại đề.
Kết thúc truyện ngắn Số phận con người, Sôlôkhôp viết: “ Hai con người côi cút,
hai hạt cát đã bị sức mạnh phũ phàng của bão tố chiến tranh thổi bạt tới những
miền xa lạ…Cái gì đang chờ đón họ ở phía trước? Thiết nghĩ rằng con người Nga
đó - con người có ý chí kiên cường , sẽ đứng vững được và sống bên cạnh bố, chú
bé kia một khi đã lớn lên sẽ có thể đương đầu với mọi thử thách, sẽ vượt qua mọi
chướng ngại trên đường nếu như Tổ quốc kêu gọi…”[7; tr.90]. Đó là hình ảnh cuối
cùng của cha con Xôcôlôp - một già một trẻ, một dày dặn, một thơ ngây, đã khiến
trái tim nhạy cảm trước nỗi đau đồng loại của tác giả bị bóp nghẹt vì đau đớn vì
thương cảm cho cả hai số phận “hai hạt cát bị chiến tranh xô đẩy”. Bất chấp khắc
nghiệt, họ dựa vào nhau để sống. Đó không chỉ là sự lắng đọng suy tư mà còn chứa
chan niềm tin và hi vọng của tác giả vào sức mạnh tinh thần của con người, của
nhân dân Nga, bất chấp đau thương vì chiến tranh, quyết vươn lên để tồn tại và phát
triển.
Thời gian trần thuật còn thể hiện điểm nhìn thời gian, cách hiểu thời gian của tác
giả và tự nó là một tín hiệu thẩm mĩ, có hiệu lực thẩm mĩ riêng.
Trong truyện cổ tích, thời gian trần thuật gần như trùng với thời gian của sự kiện
được trần thuật. Ở đây thời gian nghệ thuật gắn liền với chuỗi sự kiện, được tính
bằng bản thân sự kiện và tính liên tục của sự kiện. Mỗi lần bắt đầu bằng “Một hôm”,
“Ít lâu sau”, “ Hôm sau”, “Đến bữa cơm”, “ Được ít lâu”, “ Mãi sau”, “ Đến ngày
giỗ bố”, “ Đến lúc”, “Từ đó”, “Cứ mỗi lần”, “Từ bấy giờ”…Truyện không có quá
khứ, thời tương lai. Tất cả chỉ ở thời hiện tại kéo dài, khi sự kiện kết thúc thì thời
gian cũng hết. Nói chung thời gian này không ra ngoài phạm vi “một hôm”. Tác giả
đứng ở thời hiện tại để trần thuật lại câu chuyện. Vì vậy để người đọc (người nghe)
khỏi nhầm lẫn và có cảm tưởng như sự việc đã diễn ra nên thường mở đầu truyện
cổ tích bằng công thức “ngày xửa, ngày xưa”, một thời gian quá khứ không xác
định như dặn người đọc, người nghe rằng đây là một thời xa xưa, không có thực ở
hiện tại.
Kiểu thời gian trần thuật theo trình tự phát triển trước sau của thời gian là một
đặc điểm của tiểu thuyết truyền thống. Trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán
Trung, Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, Hoàng Lê Nhất thống chí của Ngô gia văn
phái…diễn tiến của câu chuyện chủ yếu được trình bày theo thứ tự phát triển trước
Trang 15
sau của thời gian. Có thể gọi đây là thời gian sự kiện: các sự kiện được xâu chuỗi và
xuất hiện một cách tuần tự không đứt quãng. Tác phẩm không có thời gian chết và
sức hấp dẫn của nó là ở nhịp điệu dẫn dắt câu chuyện. Kiểu thời gian trần thuật đó
khiến tác phẩm dễ theo dõi nhưng không tránh khỏi ít nhiều đơn điệu. Chẳng hạn, đi
sâu vào thời gian trần thuật trong tác phẩm khá quen thuộc Hoàng Lê Nhất thống
chí, ta thấy do nhiệm vụ kể chuyện là lập hồ sơ, kể lai lịch nhân vật, và đầu đuôi sự
việc cho nên tác phẩm được cấu tạo bằng cách xâu chuỗi liên tục các sự kiện, nhân
vật. Mỗi sự kiện lại trần thuật theo nguyên tắc cảm thụ toàn vẹn, đầu đuôi đầy đủ,
nghĩa là tác giả khép kín trong từng sự việc. Chẳng hạn, việc hình thành phe đảng,
phế trưởng lập thứ, kiêu binh nổi loạn…kể nhân vật thì người ở đâu, đỗ đạt năm
nào, quan chức gì, làm gì…Tác giả không có ý xây dựng bình diện thời gian thứ hai
để gây đợi chờ, thấp thỏm, để người đọc thể nghiệm cùng nhân vật mà chỉ bổ sung,
xâu chuỗi trần thuật bằng công thức: “lại nói” hoặc “ vào lúc đó”, “hôm đó”…Các
công thức này phục vụ cho phân tuyến trần thuật, cũng có tác dụng gây chờ đợi
song cái chính là chất đầy văn bản bằng đoạn hồi cố nhưng không gây cảm giác về
thời gian quá khứ.
Trong tiểu thuyết hiện thực phê phán, thời gian trần thuật được nhiều tác giả sử
dụng cho dụng ý nghệ thuật của mình. Thời gian tuần tự xảy ra các sự kiện trong tác
phẩm như một tất yếu của xã hội vốn dĩ sẽ xảy ra. Những gì xảy ra trong tác phẩm
như một sự thật hiển nhiên không có gì phải bàn cãi. Tất cả những cái xấu cái ác
đang tồn tại xung quanh con người đang dần trói buộc con người, đồng hóa dần
những tính cách tốt đẹp của họ. Quá trình biến đổi của họ diễn ra dần được tác giả
miêu tả theo trình tự. Ban đầu họ là những con người như thế nào, có tâm hồn tốt
đẹp trong sáng ra sao và đến cuối tác phẩm, họ đã trở thành con người như thế nào?.
Tám Bính trong Bỉ Vỏ của Nguyên Hồng là một nhân vật tiêu biểu cho kiểu thời
gian trần thuật như thế. Từ một cô gái thôn quê hiền lành chân chất đến khi bị một
gã sở khanh lừa gạt có con, bị gia đình hắt hủi, cô lần tìm lên thành phố để tìm cha
của đứa bé thì liên tiếp gặp những tai họa: suýt bị cưỡng hiếp rồi bị cưỡng hiếp thật,
bị đánh ghen vô tội họa, bị đưa về bót, vào nhà chứa rồi trở thành kẻ lưu manh
chuyên móc túi lừa gạt. Chính cái xấu cái ác đã dồn nén, thúc ép Tám Bính vào con
đường tha hóa. Thời gian trần thuật này thể hiện một cách tất yếu sự đối phó của
nhân vật, những con người nhỏ bé tội nghiệp trước những tai họa luôn rình rập họ.
Họ không thể sống lương thiện mà lao vào con đường phạm tội. Suy cho cùng, họ
cũng chính là nạn nhân, là sản phẩm của xã hội thực dân phong kiến xấu xa.
Trong văn học lãng mạn và hiện thực, nhiều tác phẩm được xây dựng chủ yếu
không phải theo trình tự kế tục của thời gian mà theo qui luật phát triển cuả tâm lí.
Quan tâm đến các trạng thái tâm hồn của nhân vật, tác giả dẫn dắt câu chuyện theo
Trang 16
mạch thời gian tâm lí. Những sự kiện, biến cố tình tiết, khung cảnh được sắp xếp,
phục hiện phù hợp với những ấn tượng và hồi ức của nhân vật. Trong tiểu thuyết Đi
tìm thời gian đã mất của Marel Proust thời gian bước đi theo hành trình tìm lại kỉ
niệm, theo tiếng gọi của hồi ức và tìm thức cá nhân, liên tưởng riêng tây. Ở đây thời
gian quá khứ như tự thỏa mãn với chính nó và kỉ niệm của nhân vật cũng trở thành
một thực thể tự đầy đủ với chính nó. Vì vậy, “Anatoli Bootxarep có lần đã khẳng
định rằng nghệ thuật thời gian gần đây đang hết sức khao khát phá vỡ sự giống
thật, xáo trộn trình tự trước sau của cốt truyện. Trong khi đó, tác giả của chủ nghĩa
cổ điển Pháp như Corneille, Racin từng có tham vọng kéo thời gian nghệ thuật xích
lại gần với thời gian hiện thực bằng nguyên lí tam duy nhất; hay việc tôn trọng
trình tự phát triển tự nhiên của thời gian là một đặc điểm của tiểu thuyết chương
hồi ở phương Đông” [29; tr.8]
Nhìn chung, để biến đổi nghệ thuật các quá trình thời gian, nhà văn có thể miêu
tả thời gian trong một dòng chảy liên tục hoặc ngắt quãng. Đặc biệt, những nhà văn
làm chủ được ngòi bút của mình, chắc tay trong việc bày binh bố trận thường hay
đảo lộn trật tự “ tuần tự nhi tiến”, chuyện trước kể trước, chuyện sau kể sau theo
tuyến thời gian một chiều, nhằm tạo nên trong tác phẩm cuả mình một trật tự thời
gian biến hoá hơn, sinh động hơn và có thể nói hiện đại hơn. Chẳng hạn truyện vừa
Cái chết của Ivan Ilits của nhà văn L.Tônxtôi đã mở đầu bằng cảnh đám tang nhân
vật chính, rồi sau đó tác giả mới kể về cuộc đời nhân vật này. Các sự kiện bị đảo
ngược này khiến người đọc khó theo dõi nhưng hấp dẫn, cuốn hút người đọc ngay
từ khi mở đầu tác phẩm.
Ngoài ra, nhà văn có thể miêu tả quá khứ, hiện tại, tương lai theo nhiều kiểu kết
hợp khác nhau. Hoặc về đại thể vẫn là sự kiện trước kể trước, sự kiện sau kể sau,
nhưng nhiều khi những sự việc xảy ra song song trong cùng một thời điểm liên
quan đến các nhóm nhân vật khác nhau được kể thành nhiều chương (nhiều đoạn)
sắp xếp bên cạnh nhau. Đối với những trường hợp ấy, thời gian như ngừng lại đang
tiếp nối hàng dọc chuyển thành song song hàng ngang, để rồi sau đó vận động đi
lên, rồi ngưng lại nữa. Và cứ thế cứ thế cho đến kết thúc. Chẳng hạn như trong tác
phẩm Chiến tranh và hòa bình, cảnh tại nhà Rôxtôp và cảnh tại nhà lão bá tước
Bêdukhôp xảy ra trong cùng một thời điểm: vào lúc ở nhà Rôxtôp mọi người tưng
bừng mừng ngày lễ thánh của hai mẹ con Natasa thì tại nhà lão bá tước Bêdukhôp
đang hấp hối xảy ra việc giành giật lấy chiếc cặp đựng di chúc… Cảnh sinh hoạt
hậu phương diễn ra gần như đồng thời, trong cùng một thời gian xảy ra các hoạt
động ngoài mặt trận. Trong lúc Pie loay hoay trong tấm lưới bùng nhùng của xã hội
thượng lưu thì Andrây hăm hở thực hiện giấc mộng Tulông nhằm tìm kiếm vinh
quang cá nhân. Cả hai đang tìm kiếm sự thật, đang theo đuổi lí tưởng của mình.
Trang 17
2. Không gian nghệ thuật:
Cùng với thời gian, không gian cũng là một phạm trù của triết học, là hình thức
tồn tại của thế giới hiện thực. Không có gì tồn tại ngoài không gian và thời gian.
Chỉ trong không gian và thời gian thì sự vật mới có tính xác định. Nhưng không
gian trong văn chương lại có những đặc điểm khác không gian thực tế. Bởi văn
chương không chỉ là nghệ thuật thời gian mà nó còn là nghệ thuật không gian, một
nghệ thuật không gian đặc thù. Tính đặc thù này cũng do chất liệu xây dựng hình
tượng là ngôn từ quy định. Không gian nghệ thuật gắn với sự cảm thụ về không
gian, có giá trị tình cảm nên nó mang tính chủ quan của người sáng tác. Do vậy mà
không gian nghệ thuật có tính độc lập tương đối không quy được vào không gian
địa lí.
2.1. Khái niệm:
Theo Từ điển thuật ngữ văn học thì không gian nghệ thuật là: “Hình thức bên trong
của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó. Sự miêu tả trần thuật
trong nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn, diễn ra trong trường
nhìn nhất định qua đó thế giới nghệ thuật cụ thể, cảm tính bộc lộ toàn bộ quảng tính
của nó: cái này bên cạnh cái kia, liên tục, cách quãng, tiếp nối, cao, thấp, xa, gần,
rộng, dài , tạo thành viễn cảnh nghệ thuật. Không gian nghệ thuật gắn với cảm thụ về
không gian, nên mang tính chủ quan, ngoài không gian vật thể có không gian tâm
tưởng:
Gần đây mà xa biết bao nhiêu
Giữa hai đứa mênh mông là biển rộng
(Tố Hữu)
Do vậy, không gian nghệ thuật có tính độc lập tương đối, không quy vào được
không gian địa lí. Không gian nghệ thuật trong tác phẩm văn học có tác dụng mô
hình hóa các mối liên hệ của bức tranh thế giới như thời gian xã hội, đạo đức, tôn
ti, trật tự. Không gian nghệ thuật có thể mang tính địa điểm, tính phân giới dùng để
mô hình hóa các phạm trù thời gian như bước đường đời, con đường cách mạng.
Không gian nghệ thuật có thể mang tính cản trở, để mô hình hóa các kiểu tính cách
con người. Không gian nghệ thuật có thể là không mang tính cản trở, như trong cổ
tích, làm cho ước mơ công lí càng được thực hiện dễ dàng. Ngôn ngữ của không
gian nghệ thuật rất đa đạng và phong phú. Các cặp phạm trù cao- thấp, xa- gần,
ngay-lệch…đều được dùng để biểu hiện phạm vi giá trị phẩm chất của đời sống xã
hội. Không gian nghệ thuật chẳng những cho ta thấy cấu trúc nội tại của tác phẩm
văn học, các ngôn ngữ tượng trưng, mà còn cho thấy quan niệm về thời gian, chiều
sâu cảm thụ thời gian hay của một giai đoạn văn học. Nó cung cấp cơ sở khách
Trang 18
quan để khám phá tính độc đáo cũng như nghiên cứu loại hình của các hình tượng nghệ
thuật” [8; tr.160-161].
2.2. Các loại không gian nghệ thuật:
2.2.1. Không gian bối cảnh:
Không gian trong một tác phẩm văn học có một ranh giới phân biệt với không gian
vật chất bên ngoài, nhưng không dễ thấy như cái khung của bức tranh, cái sân khấu của
vở diễn. Không gian bối cảnh là không gian đặt trong tác phẩm ở đâu, bao gồm những bối
cảnh nào. Nó có thể là bối cảnh thiên nhiên hay bối cảnh xã hội, là mở hay khép, là động
hay tĩnh.
Không gian bối cảnh thiên nhiên bao gồm những gì thuộc về thiên nhiên như
trời, đất, mây, gió, núi, sông, cỏ cây, hoa lá…và vận hành theo qui luật tự nhiên của
trời đất, vũ trụ hay những gì thuộc về thiên nhiên nhưng đã thông qua bàn tay cải
tạo của con người như con đường, khu vườn, cánh đồng, bờ đê... Vốn được phản
ánh từ thực tế khách quan và được nhà văn miêu tả lại bằng một cảm quan thẩm mĩ
mang tính nghệ thuật, bối cảnh thiên nhiên vừa gắn bó với nhân vật và hoạt động
của nhân vật vừa tạo ra nguồn cảm hứng cho người kể và người đọc. Thiên nhiên ở
đây có thể rộng lớn như bầu trời cao vời vợi với những đám mây lơ lửng hay nhỏ bé
như ao thu “lạnh lẽo nước trong veo”. Bên cạnh đó có nhiều bối cảnh nhỏ như ao
làng, giếng nước, hồ vườn, cây thị bên đường, cau, bờ rào, quán nước… Không
gian ở đây không phải chỉ làm “phông” cho tác phẩm. Chính không gian là một yếu
tố vừa mang tính nghệ thuật vừa mang tính nội dung, biểu đạt chủ đề của tác phẩm.
Nhìn chung, bối cảnh thiên nhiên trong thơ trữ tình thường rất nên thơ rất đẹp đúng
như câu “thi trung hữu họa”, chỉ bằng vài dòng thơ, thi nhân đã vẽ nên những bức tranh
thiên nhiên tuyệt đẹp:
Cỏ non xanh rợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
(Truyện Kiều - Nguyễn Du)
Hay Trong làn nắng ửng khói mơ tan,
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng”
(Mùa xuân chín - Hàn Mặc Tử)
Còn trong văn xuôi lãng mạn, bối cảnh thiên nhiên được vẽ nên bằng những nét bút
tuyệt đẹp. Chẳng hạn, trong tác phẩm Hồn bướm mơ tiên, thiên nhiên được miêu tả
“phía tây sau dãy đồi cỏ biếc, sắc trời đỏ ửng lấp loáng qua các khe đám lá xanh
đen. Mái chùa rêu phong đã lẫn màu cùng đất, cùng cây, cùng cỏ. Khoảnh khắc,
mấy bức tường và mấy cái cột gạch quét vôi chỉ còn lờ mờ in hình trong cái cảnh
nhuộm đồng một màu tím thẫm”[14; tr.11]. Một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp
nhiều màu sắc, có nét cổ kính của rêu phong, có nét hiện đại của tường vôi trắng.
Trang 19
Một điều đặc biệt ở đây là khoảnh khắc thiên nhiên đang chuyển giao giữa ngày và đêm,
giữa sáng và tối. Dường như Khái Hưng muốn giới thiệu cho người đọc biết chính nơi
yên tĩnh đượm mùi thiền của Phật giáo này sẽ nảy sinh một mối tình đẹp đẽ thanh cao
giữa chú tiểu Lan và Ngọc. Vì vậy Nguyễn Thái Hòa đã rất có lí khi nhận xét “Thiên
nhiên được dành vị trí ưu tiên cho các truyện kể với ngòi bút lãng mạn, những thiên tình
sử hào hùng hoặc bi thảm v.v. làm nên cái đặc trưng của bút pháp lãng mạn trong văn
học [11; tr.89].
Nếu như thơ thường đề cập đến bối cảnh thiên nhiên thì văn xuôi thường không
chỉ miêu tả bối cảnh thiên nhiên mà còn miêu tả bối cảnh xã hội. Bởi văn xuôi, thể
loại tự sự thường gắn với nhân vật, với con người mà “con người là tổng hòa các
mối quan hệ xã hội” nên con người không chỉ sống trong bầu không khí thiên nhiên
mà còn sống trong các mối quan hệ khác. Đó là những mối quan hệ chằng chịt đan
xen phức tạp giữa thế hệ này với thế hệ khác, giữa cá nhân này với cá nhân khác.
Có như vậy, mới tạo được bầu không khí nuôi dưỡng và thúc đẩy tính cách cá nhân
phát triển. Trong Vợ nhặt của Kim Lân, cái bối cảnh nạn đói đầu năm 1945 hiện lên
sinh động nhưng vô cùng bi thảm “ Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào. Những
gia đình từ vùng Nam Định, Thái Bình đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên
xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như
ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba
bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối và mùi gây
của xác người [19; tr.105]. Bằng lối “dùng điểm tả diện”, thông qua cái bối cảnh
nạn đói, cái không khí chết chóc và di cư của những người đói ở xóm ngụ cư, Kim
Lân đã khái quát lên bức tranh toàn cảnh của Việt Nam đầu năm 1945, một nạn đói
lịch sử đã cướp đi sinh mạng của hơn hai triệu người dân Việt Nam khi họ phải chịu
sự thống trị của ba tầng áp bức bóc lột là thực dân, phong kiến tay sai và phát xít
Nhật. Hay cái không gian chị Dậu chạy ra ngoài là “một đêm tối đen như mực cũng
giống như cái tiền đồ của chị” là một không gian biểu trưng cho cuộc đời, cho số
phận của chị Dậu cũng như bao số phận của người nông dân trước Cách mạng. Họ
bị chèn ép, bị bóc lột, họ kháng cự, họ vùng vẫy tìm lối thoát nhưng tất cả đều bế
tắc, bất lực. Như vậy không gian bối cảnh xã hội có thể nhỏ bé, rộng lớn hay vừa
nhỏ bé vừa rộng lớn khi nó mang ý nghĩa khái quát, tượng trưng.
Nhìn chung, không gian bối cảnh có thể là không gian xác thực, cụ thể hay mơ
hồ, ước lệ. Trong Chinh phụ ngâm khúc, theo Giáo sư Đặng Thai Mai, không gian
bối cảnh mang tính mơ hồ, ước lệ “ tất cả cái gì là vật chất, là thực thể, bao nhiêu
màu sắc, thanh âm dường như đã bị tác giả xóa nhòa đi trong những nét bút mơ hồ
mênh mông. Một con sông, một đoạn đường, một nhịp cầu, một dòng nước, một
cánh đồng và xa kia, nơi lớp mây đưa…là một rặng núi…Cả một khung cảnh bao
Trang 20
la, đại thể…Nhưng chốn ấy là chốn nào? Con sông đó, đoạn đường đó, nhịp cầu, dòng
nước, và cánh đồng và rặng núi kia, tên nó là gì? Nó có gì là đặc biệt? Tác giả không
hề nói. Hơn thế nữa, cái cầu đã biến thành cầu Vị, và con đường là con đường Hán
dương, bến nước là bến Tiêu tương…thì chúng ở đâu thế này ? Thi sĩ đã bố trí cảnh li
biệt vào một khung cảnh Tàu, hồi mà thủ đô Tàu còn ở bến Hàm dương! Bao nhiêu
thực thể cụ thể, chính xác đều bị sa thải, hoặc gói ghém lại trong ước lệ, điển cố văn
Tàu”[24; tr.48].
Không gian bối cảnh ở đây có thể là không gian mở hay không gian khép nếu
xét về tính chất. Khoảng trời, cánh đồng…thể hiện hình tượng không gian mở; ngôi
nhà, căn phòng…thể hiện hình tượng không gian khép; còn khung cửa là ranh giới
giữa hai hình tượng đó. Nhiều bài thơ trong tập Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh
thể hiện hình tượng không gian vận động từ cận cảnh đến viễn cảnh, mở ra một
hướng chân trời, một vầng sáng hay một tầm nhìn khoáng đạt (Buổi sớm, Giải đi
sớm, Trời hứng…). Trong một số bài thơ khác, không gian nghệ thuật lại có tính
chất khép lại (Cảnh chiều tối, Đến Quế Lâm, Nhà lao Nam Ninh…).
Không gian bối cảnh có thể là không gian linh hoạt, vận động đa dạng hay đa hướng
như trong thơ Hồ Xuân Hương:
Cỏ xiên mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn.
(Tự tình I)
Một không gian như có sức sống mãnh liệt, như phá phách, ngông nghênh vượt ra ngoài
giới hạn cuả khuôn khổ. Trái lại là không gian tĩnh, bất động với những đồ vật và hình
ảnh đứng yên như trong thơ Bà Huyện Thanh Quan
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương,
(Thăng Long hoài cổ)
Đó là một không gian cổ xưa, âm u, tịch mịch, dường như thiếu sức sống.
Khi sự vận động trong không gian có hướng thì xuất hiện một trong những hình
tượng không gian quan trọng là con đường. Mô típ con đường là mô típ mang tính
nghệ thuật rất cao. Môtip con đường là môtip đa nghĩa và đa diện: con đường có thể
là một hiện tượng cụ thể của một không gian được miêu tả (Tôi con đường nhỏ chạy
lang thang, Tế Hanh); có thể là biểu tượng cho sự phát triển nội tâm của nhân vật
(Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu, Xuân Diệu). Thông qua môtip con đường có thể
diễn đạt về sự vận động của lịch sử nhân dân, dân tộc (Đường cách mạng dài theo
kháng chiến, Tố Hữu). Như vậy, môtip con đường có khả năng bộc lộ ý nghĩa của
những sự kiện, hình ảnh được miêu tả, số phận và tâm lý của nhân vật, ý đồ tư
tưởng của tác giả. Trong văn xuôi nghệ thuật, môtip con đường có thể giữ chức
Trang 21
năng của một thực thể cụ thể, là nơi chốn diễn ra các sự kiện. Nó cũng tham gia giải quyết
xung đột cơ bản của cốt truyện và góp phần phát triển chủ đề về con đường đời của các
nhân vật trong tác phẩm. Hình ảnh con đường thường đi xuyên qua ranh giới các chương
sách và thể hiện ý nghĩa sâu xa của toàn bộ tác phẩm.
2.2.2. Không gian sự kiện:
Văn chương thiên về miêu tả quá trình đời sống, sự vận động, tái hiện các hành
động của nhân vật. Vì thế, không gian trong văn chương luôn gắn liền với những sự
kiện, những biến cố xảy ra trong đời nhân vật. Những sự kiện xảy ra tác động đến
các nhân vật, gây ra những sự kiện khác theo quan hệ nhân quả và tạo thành chuỗi
sự kiện. Nhưng trong chuỗi sự kiện ấy, chỉ có một vài sự kiện quan trọng chi phối
cuộc sống của nhân vật. Trong các tác phẩm văn chương, các tác giả tạo ra sự kiện
gây tình huống cho nhân vật bộc lộ tính cách, tâm trạng. Trong Cao điểm cuối cùng
của Hữu Mai, tình huống đầy gây cấn khi giặc hết lượt này đến lượt khác phản công
chiếm lại ngọn đồi A1, trong khi đó các chiến sĩ phòng ngự các ụ súng đã hi sinh
hoặc bị thương nặng chỉ còn lại dăm người có khả năng chiến đấu thì trong số đó lại
có kẻ nao núng và rút lui “Trung đoàn trưởng rời khỏi ụ súng tiếp ra mấy bước,
đứng chắn trên đường anh ta đang chạy. Nhưng Quỳ bỏ đường hào, chống tay nhảy
lên mặt đồn, lao nhanh về phía cửa đột phá. Đằng sau hắn, một số chiến sĩ hùa
chạy theo. Tình hình đã rõ ràng, trung đoàn trưởng rút súng ngắn. Anh chưa kịp kết
liễu đời tên hèn nhát, bọn địch đuổi theo đã gần ập tới, anh phải quay mũi súng về
phía địch [20; tr.106] (…) “Địch đang xô tới rất đông…Anh [trung đoàn trưởng
Trang] bắn một băng tiểu liên. Vẫn không cản được chúng. Anh cúi xuống hào nhặt
một ống phóng lôi, tháo nhanh kíp, nhảy lên khỏi giao thông hào, dùng hết sức lăn
mạnh về phía địch. Một ánh lửa đỏ lóe, một tiếng nổ dậy như bom. Những chiếc mũ
sắt địch bay lên. Ống phóng lôi của trung đoàn trưởng đã cứu vãn tình hình. Các
chiến sĩ đang chạy quay lại, rút lựu đạn ném tới tấp về phía địch. Tiểu đoàn phó
Quân nắm thời cơ nhảy lên miệng hào hô to:
- Xung phong!
Thương binh nằm dưới chiến hào cũng hô theo vang dậy khắp nơi. Bọn địch
hoảng sợ, quay trở lại. Quân đuổi theo địch chừng dăm chục mét, nhìn phía sau chỉ
thấy một chiến sĩ chạy theo mình, phải dừng lại” [20; tr.107]. Giữa sự sống và cái
chết chỉ còn trong gang tấc, không gian sự kiện ở đây như làm nổi bật tinh thần
chiến đấu, không ngại hi sinh của các chiến sĩ bộ đội đặc biệt là phẩm chất tốt đẹp
của người cán bộ lãnh đạo như Cương - trung đội trưởng, của Quân - tiểu đoàn phó
và của trung đoàn trưởng Trang. Qua đó ta cũng thấy được sự hèn nhát của tiểu
đoàn trưởng Quỳ; rút lui khỏi vị trí chiến đấu nhằm bảo toàn tính mạng, Quỳ đã làm
tinh thần của anh em binh sĩ nao núng. Không gian sự kiện đó đã làm nổi bật những
Trang 22
phẩm chất, tính cách của người cán bộ lãnh đạo. Họ dũng cảm, hay hèn nhát, họ sẵn
sàng hi sinh hay ngại khó khăn, sợ chết đều được bộc lộ một cách khách quan, trung
thực.
Hay trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, sự kiện diễn ra cuối tác phẩm
“Một người tù, cổ đeo gông, chân vướng xiềng đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa
trắng tinh căng trên mảnh ván. Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội
khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái
thầy thơ lại gầy gò, thì run run bưng chậu mực”[4; tr.175 ] là một không gian sự
kiện tiêu biểu. Nguyễn Tuân đã khắc họa đậm nét tính cách, phẩm chất của Huấn
Cao qua hình ảnh “Cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ”, một
phong thái đường hoàng đĩnh đạc, một chí khí của kẻ sĩ “uy vũ bất năng khuất” và
không bao giờ bán chữ nhưng vì cảm động trước tấm lòng “biệt nhỡn liên tài” của
viên quản ngục nên mới có cảnh cho chữ lạ lùng như thế. Còn hình ảnh viên quản
ngục “vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm” và thầy thơ lại “gầy gò, run run
bưng chậu mực” như đối lập với phong thái của Huấn Cao. Một bên là đường hoàng
đĩnh đạc, một bên là vội vàng, khép nép. Dường như họ đang hạ mình, họ đang tôn
trọng nhưng cái họ hạ mình, họ tôn trọng không phải là một tên tử tù phạm trọng tội
mà họ đang hạ mình, đang tôn trọng trước cái đẹp, một tâm hồn, nhân cách và
những dòng thư pháp đẹp. Như vậy, không chỉ Huấn Cao mà viên quản ngục, người
thơ lại đều là những con người tài hoa bởi họ biết sáng tạo, trân trọng và lưu giữ cái
đẹp. Nhìn chung, qua các sự kiện trong tác phẩm, tác giả đã làm nổi bật tính cách,
tâm trạng khác nhau giữa các nhân vật. Thậm chí có khi không gian sự kiện còn làm
nổi bật tính cách, tâm trạng khác nhau trong cùng một nhân vật. Trong Tắt đèn, sự
kiện chị Dậu đánh tên cay lệ, người nhà lí trưởng
“- Chị Dậu xám mặt, vội vàng đặt con bé con xuống đất, chạy đến đỡ lấy tay hắn: -
Cháu van ông, nhà cháu vừa mới tỉnh được một lúc, ông tha cho!
- Tha này! Tha này!
Vừa nói, hắn vừa bịch luôn vào ngực chị Dậu mấy bịt rồi lại sấn đến để trói anh Dậu.
Hình như tức quá không thể chịu được, chị Dậu liều mạng cự lại:
- Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ!. Cai lệ tát vào mặt chị một cái đánh
bốp, rồi hắn cứ nhảy vào cạnh anh Dậu.
Chị Dậu nghiến hai hàm răng:
- Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem!
Rồi chị túm lấy cổ hắn, ấn dúi ra cửa. Sức lẻo khẻo của anh chàng nghiện chạy
không kịp với sức xô đẩy của người đàn bà lực điền, hắn ngã chỏng quèo trên mặt
đất, miệng vẫn nham nhảm thét trói vợ chồng kẻ thiếu sưu”[30; tr.116]. Sự hung
hăng, hống hách của tên cai lệ đã làm cho chị Dậu phải vùng lên phản kháng, xuất
Trang 23
phát từ tình cảm thương chồng con của chị. Chị không thể để bọn chúng hành hạ anh
Dậu trong lúc anh đang đau ốm. Ban đầu là tâm trạng sợ hãi, van xin rồi đến liều lĩnh
dùng lí lẽ cự lại; cuối cùng là nóng giận vùng lên đánh lại bọn chúng. Tất cả hành động
và tâm trạng của chị đều xuất phát từ nguyên nhân muốn bảo vệ người chồng bị ốm nặng,
đang lên cơn sốt.
Khi đứng trước những tình huống buộc nhân vật phải chọn lựa, đắn đo, không
gian sự kiện ở đây góp phần bộc lộ sự mâu thuẫn tính cách hay nội tâm của nhân
vật. Chẳng hạn sự mâu thuẫn nội tâm của Hộ trong Đời thừa “Hắn lảo đảo bước
vào nhà, mắt gườm gườm, đôi môi mím chặt. Hắn đi thẳng lại trước mặt Từ. Hắn
cúi xuống, quắt mắt nhìn Từ, gõ gõ một ngón tay trỏ vào trán Từ và dọa như người
ta dọa trẻ con:
- Ngày mai…mình có biết không?...Chỉ ngày mai thôi! Là tôi đuổi tất cả mấy mẹ
con mình ra khỏi cái nhà này…Tôi đuổi tất, không chừa một đứa nào, kể cả con bé
Thảo là con ngoan nhất…Mấy đứa kia đều đáng vật một nhát cho chết cả! Chúng
nó chỉ biết ăn với hét! Cả con mẹ nữa, con mẹ là mình ấy…cũng đáng vật một nhát
cho chết cả! Chúng nó chỉ biết ăn rồi ngồi ôm con như con nhện ôm khư khư bọc
trứng, không chịu làm thêm việc gì cho có tiền. Chỉ khổ thằng này thôi!”[19;
tr.207]. Có thể nói, khi say con người mới bộc lộ một cách đầy đủ những suy nghĩ,
bứt xúc, bực dọc trong lòng mình. Hộ cũng vậy, hành động chửi vợ, mắng con
không phải là bản chất của anh mà trái lại Hộ rất yêu vợ thương con. “Chỉ khổ
thằng này thôi”- câu nói mà Hộ thốt lên phần nào giải thích hành động của anh. Nó
xuất phát từ tâm trạng bế tắc, chán chường khi anh không tìm ra được lối thoát giữa
hai bi kịch, một bên là lẽ sống tình thương, một bên là quan niệm về nghề nghiệp
chân chính. Hộ như bị giằng xé, như bị dao động giữa hai cực ấy như một con lắc
đồng hồ mà không tìm cho mình được giải pháp. Không chỉ Hộ, đó còn là sự bế tắc
bất lực của bao người trí thức trước Cách mạng. Họ tìm quên vào rượu, vào thuốc
phiện, vào nhà hát với thú cô đầu nhưng tất cả đều không tìm thấy niềm vui, một
hướng đi cho đời mình.
Như vậy, không gian sự kiện ở đây có thể vừa cụ thể vừa mang ý nghĩa khái quát.
Nhiều khi thông qua một chuỗi các sự kiện, không gian sự kiện còn bộc lộ tính cách điển
hình trong hoàn cảnh điển hình của nhân vật. Có được điều đó là do xuất phát từ quan
điểm nghệ thuật, cách nhìn của nhà văn về nhân vật. Chẳng hạn, một chuỗi sự kiện
xoay quanh nhân vật Chị Dậu trong tác phẩm Tắt đèn, ta thấy được chị Dậu là người
phụ nữ có đủ những phẩm chất tốt đẹp tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam như đảm
đang, tháo vát, yêu thương chồng con và rất mực thủy chung son sắt. Qua đó, người
đọc cũng thấy được thái độ cảm thông của Ngô Tất Tố đối với nhân vật trung tâm của
mình.
Trang 24
Không gian sự kiện thường gắn liền với không gian bối cảnh. Hai loại không
gian này tập trung hỗ trợ cho nhau nhằm thể hiện tính cách, tâm trạng của nhân vật
một cách đầy đủ, trọn vẹn. Cái không gian bối cảnh nhà Nghị Quế theo lối bài trí
nửa quê mùa, nửa tân thời như phơi ra cả lòng dạ của một tên địa chủ khoe của
muốn học làm sang thành trưởng giả cùng với các không gian sự kiện ăn uống, ngả
giá cái Tí theo kiểu “ông đập bà xoa” cho ta thấy rất rõ Nghị Quế là một tên địa chủ
tham lam bóc lột tiêu biểu ở nông thôn Việt Nam trước Cách mạng.
Trong tác phẩm, có nhiều kiểu loại không gian sự kiện khác nhau được xâu
chuỗi và ít nhiều có liên quan, bổ sung cho nhau theo mối quan hệ nhân quả, hô
ứng. Tuy nhiên, các không gian sự kiện này có thể khác nhau về mức độ tính
chất.Trong một tác phẩm có một vài sự kiện quan trọng mang tính quyết định cho
cuộc đời nhân vật hay chi phối các sự kiện khác. Chẳng hạn trong Đoạn tuyệt của
Nhất Linh, sự kiện dẫn đến cái chết của Thân là một sự kiện quan trọng, có khả
năng bộc lộ tư tưởng chủ đề của tác phẩm “Loan vẫn lùi. Thân hục hặc nhìn quanh,
rồi luôn tiện tay cầm ngay lấy cái lọ đồng sấn lại phía nàng. Loan thấy Thân đã đến
gần mình, trong lúc hốt hoảng liền vớ ngay con dao díp rọc sách để ở bàn định giơ
đỡ. Thân như con hổ dữ đạp đổ một cái lọ đồng đập vào Loan. Loan né mình tránh
được và trượt chân ngã xuống giường con dao cầm chắc trong tay. Thân quá đà
cũng ngã mạnh vào người Loan, Loan thấy cái cán dao ấn mạnh lên tay nàng và
Thân kêu lên một tiếng” [17; tr.174]. Sự kiện này đã giải quyết mâu thuẫn đang gay
gắt giữa mẹ chồng và nàng dâu, giữa cá nhân và đại gia đình phong kiến, giữa cái
cũ đã lỗi thời và cái mới tiến bộ. Đó là cách giải thoát cho Loan khỏi sự ràng buộc
và đọa đày bên nhà chồng trong suốt bốn năm mà nàng phải gánh chịu.
Bên cạnh đó, trong một số tác phẩm, không gian sự kiện còn gắn với hoàn cảnh
xuất thân của nhân vật. Nó như báo hiệu một cuộc đời phi thường của nhân vật mà
ta thường thấy như trong truyền thuyết. Nhân vật chính ra đời trong hoàn cảnh khá
đặc biệt : bà mẹ thấy rồng vàng bay lượn mà sinh ra Sơn Tinh hay ướm thử vào dấu
chân lạ mà sinh ra Gióng. Và những nhân vật như Sơn Tinh, Gióng về sau này có
những chiến công hiển hách thế nào thì ta đã rõ. Tuy nhiên, hoàn cảnh xuất thân
cũng có thể báo hiệu cho một cuộc đời bất hạnh nhiều đau khổ của nhân vật. Hình
ảnh cái lò gạch cũ bỏ không, thưa người qua lại, nơi Chí Phèo chào đời và được
nhặt đem về nuôi rồi bị bán cho hết nhà này sang nhà khác phải chăng là tiền định
báo hiệu cho một cuộc đời cô độc, không người thân, luôn bị mọi người xa lánh
của Chí Phèo sau này.
Ở một số tác phẩm, có những sự kiện giống nhau được tạo nên bởi những nhân
vật khác nhau. Điều này cũng có thể lí giải được xuất phát từ thực tế khách quan.
Năm Thọ, Binh Chức và Chí Phèo vốn là người hiền lành đều trở thành những kẻ
Trang 25
“đầu bướu đầu bò”, đều tha hóa biến chất. Nhưng sự tha hóa biến chất của họ là có
lí do khi sự áp bức, bóc lột của những kẻ sâu dân mọt nước đã dồn họ đến đường
cùng.
2.2.3. Không gian tâm lí:
Không gian trong tác phẩm văn học có một ranh giới phân biệt với không gian vật
chất bên ngoài nhưng không dễ thấy như một cái khung của bức tranh, cái sân khấu của
vỡ diễn. Nó thể hiện ở một tính chất của thế giới tinh thần:
Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ,
Mặt trời chân lí chói qua tim,
Hồn tôi là một vườn hoa lá,
Rất đậm hương và rộn tiếng chim.
(Từ ấy -Tố Hữu).
Là một hiện tượng nghệ thuật, không gian nghệ thuật của văn chương có một loại
không gian mà các nghệ thuật khác khó lòng với tới. Đó là không gian tâm lí mở ra một
không gian rộng lớn của thế giới nội tâm, chiều sâu suy tư và cảm xúc của con người
“Gần nhau đây mà xa biết bao nhiêu.
Giữa hai đứa mênh mông là biển rộng!”
(Những người không chết - Tố Hữu)
không gian tâm lí ở đây là một hiện tượng ước lệ mang ý nghĩa cảm xúc, tâm tưởng có
khi rất gần nhưng cảm thấy rất xa. Bởi hai tâm hồn, hai trái tim kia đang gần nhau về
không gian địa lí nhưng chưa hòa chung một hơi thở, một nhịp đập. Vì vậy, tình cảm tâm
trạng có thể làm cho không gian bao la, rộng lớn nhưng cũng có thể làm cho nó nhỏ bé,
ngột ngạt.
Khi buồn, nhìn không gian đâu đâu cũng thấy hiu hắt u sầu
Cảnh buồn người thiết tha lòng
Cành cây sương đượm tiếng trùng mưa phun
(Chinh phụ ngâm)
Trái lại, khi vui, không gian trở nên khoáng đạt tươi sáng. Đó là tâm trạng vui
sướng, hạnh phúc của Tràng trong Vợ nhặt sau cái đêm có vợ “Ánh sáng mùa hè
sáng lóa xói vào hai con mắt còn cay xè của hắn. Hắn chớp chớp liên hồi mấy cái,
và bỗng vừa chợt nhận ra, xung quanh mình có gì thay đổi mới mẻ, khác lạ. Nhà
cửa sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ, gọn gàng…”[19;
tr.114].
Không gian tâm lí và không gian bối cảnh thường có mối quan hệ gắn bó với
nhau. Chính vì mối quan hệ chặt chẽ giữa lòng người với thiên nhiên, xã hội nên có