Tải bản đầy đủ (.pdf) (177 trang)

Mối quan hệ giữa văn học và hiện thực qua tiểu thuyết việt nam sau năm 1986

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (1.12 MB, 177 trang )

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

ĐINH VĂN THUẦN

MỐI QUAN HỆ GIỮA VĂN HỌC VÀ HIỆN THỰC
QUA TIỂU THUYẾT VIỆT NAM SAU NĂM 1986

LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC

HÀ NỘI - 2017


ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƢỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

ĐINH VĂN THUẦN

MỐI QUAN HỆ GIỮA VĂN HỌC VÀ HIỆN THỰC
QUA TIỂU THUYẾT VIỆT NAM SAU NĂM 1986

Chuyên ngành: Lý luận văn học
Mã số: 62 22 01 20

LUẬN ÁN TIẾN SĨ VĂN HỌC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC:
1. GS.TS. Đinh Xuân Dũng
2. PGS.TS. Phạm Xuân Thạch

HÀ NỘI - 2017




LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Kết
quả nghiên cứu và các dẫn liệu trong luận án là trung thực và chưa từng
được công bố trong bất cứ công trình nào khác. Nếu sai, tôi xin hoàn
toàn chịu trách nhiệm.

Tác giả Luận án

Đinh Văn Thuần


LỜI CẢM ƠN
Tôi chân thành cảm ơn GS. TS Đinh Xuân Dũng và PGS. TS Phạm Xuân Thạch,
hai người thầy đã luôn tận tâm định hướng, gợi mở và chỉ dẫn cho tôi trong suốt quá
trình nghiên cứu và hoàn thành luận án. Sự bao dung và năng lượng tư duy mà các
Thầy đã truyền cho tôi là không thể viết hết ở đây.
Tôi chân thành cảm ơn các thầy cô ở bộ môn Lý luận văn học, Khoa Văn
học, Phòng Đào tạo sau đại học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn –
Đại học Quốc gia Hà Nội; Thường trực Hội đồng, Lãnh đạo Văn phòng Hội đồng
Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi
cho tôi trong suốt quá trình học tập và nghiên cứu.
Xin chân thành cảm ơn gia đình, bạn bè, anh chị em đồng nghiệp đã tận tình
giúp đỡ, động viên tôi trong suốt chặng đường đã qua.


MỤC LỤC
MỞ ĐẦU ....................................................................................................................1
1. Tính cấp thiết của đề tài ..........................................................................................1

2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ...........................................................................2
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu ..........................................................................3
4. Phương pháp nghiên cứu .........................................................................................3
5. Đóng góp mới của luận án ......................................................................................4
6. Cấu trúc của luận án ................................................................................................5
Chƣơng 1. TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU .......................................6
1.1. Tổng quan về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực trong tƣ duy lý
luận văn học thế giới...................................................................................................6
1.2. Tổng quan tình hình nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và hiện
thực ở Việt Nam từ sau năm 1986 .........................................................................16
1.3. Tổng quan tình hình nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam sau năm 1986
nhìn từ mối quan hệ giữa văn học và hiện thực ...................................................24
Chƣơng 2. MỐI QUAN HỆ VĂN HỌC - HIỆN THỰC VÀ SỰ VẬN ĐỘNG,
ĐỔI MỚI TIỂU THUYẾT VIỆT NAM SAU NĂM 1986 .........................................31
2.1. Về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực ....................................................31
2.1.1. Văn học như là hình thức mô hình hóa hiện thực ..................................31
2.1.2. Cơ sở xem xét mô hình hiện thực trong tác phẩm văn học ....................37
2.2. Tiểu thuyết nhƣ là một hình thức mô hình hóa hiện thực ...........................44
2.2.1. Thể loại như một mã chi phối quá trình mô hình hóa hiện thực ............44
2.2.2. Đặc trưng thể loại và vấn đề mô hình hóa hiện thực trong tiểu thuyết .....46
2.3. Bối cảnh lịch sử, văn hóa và sự vận động, đổi mới của tiểu thuyết Việt
Nam sau năm 1986 ..................................................................................................51
2.3.1. Bối cảnh lịch sử, văn hóa của tiểu thuyết Việt Nam sau năm 1986 .......51
2.3.2. Sự vận động, đổi mới tiểu thuyết Việt Nam sau năm 1986 trong
dòng chảy tiểu thuyết Việt Nam hiện đại ..........................................................57
Chƣơng 3. MÔ HÌNH HIỆN THỰC MÔ PHỎNG TRONG TIỂU THUYẾT
VIỆT NAM SAU NĂM 1986 ..........................................................................................66
3.1. Bản chất mô hình hiện thực mô phỏng trong tiểu thuyết Việt Nam sau
năm 1986 ..................................................................................................................66



3.1.1. Mô hình hiện thực mô phỏng và vị thế của các chủ thể giao tiếp ..........66
3.1.2. Mô hình hiện thực mô phỏng và bức tranh thế giới ...............................70
3.2. Tổ chức truyện kể.............................................................................................75
3.2.1. Tính thống nhất của hệ thống motif chủ đề ............................................75
3.2.2. Tổ chức xung đột và sự kiện ...................................................................80
3.3. Nhân vật truyện kể ...........................................................................................84
3.3.1. Xu hướng ưu trội của nguyên tắc phân tuyến ........................................84
3.3.2. Xu hướng ưu trội của mô hình nhân vật tính cách .................................91
3.4. Tổ chức trần thuật ...........................................................................................97
3.4.1. Tính ưu trội của hệ thống trần thuật phân cấp ......................................97
3.4.2. Tính ưu trội của hệ thống mô tả phong cách hóa ................................102
Chƣơng 4. MÔ HÌNH HIỆN THỰC SẮP ĐẶT TRONG TIỂU THUYẾT
VIỆT NAM SAU NĂM 1986 ................................................................................106
4.1. Bản chất mô hình hiện thực sắp đặt trong tiểu thuyết Việt Nam sau
năm 1986 ................................................................................................................106
4.1.1. Mô hình hiện thực sắp đặt và vị thế của các chủ thể giao tiếp ............106
4.1.2. Mô hình hiện thực sắp đặt và bức tranh thế giới .................................109
4.2. Tổ chức truyện kể...........................................................................................111
4.2.1. Theo dòng ý thức ..................................................................................112
4.2.2. Ghép mảnh............................................................................................117
4.2.3. Lai ghép các hình thức thể loại ............................................................125
4.3. Nhân vật truyện kể .........................................................................................128
4.3.1. Xu hướng tẩy trắng và mô hình nhân vật phân rã ...............................128
4.3.2. Xu hướng thăm dò và mô hình nhân vật thử nghiệm ...........................132
4.4. Tổ chức trần thuật .........................................................................................135
4.4.1. Vị thế ưu thắng của hệ thống trần thuật đa trị .....................................135
4.4.2. Nhại và vị thế ưu thắng của hệ thống ngôn từ lai ghép tự do ..............138
KẾT LUẬN ............................................................................................................146
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ LIÊN

QUAN ĐẾN LUẬN ÁN .......................................................................................151
TÀI LIỆU THAM KHẢO ....................................................................................152
PHỤ LỤC ...............................................................................................................165


MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
1.1. Mối quan hệ giữa văn học và hiện thực là một trong những vấn đề trung
tâm, cốt lõi của lý luận văn học, được quan tâm nghiên cứu từ thời cổ đại đến nay.
Nhận thức bản chất mối quan hệ này có ý nghĩa quan trọng đối với sáng tạo và tiếp
nhận văn học. Ở Việt Nam, quá trình hiện đại hóa lý luận văn học diễn ra trong điều
kiện lịch sử, văn hóa đặc biệt của thế kỷ XX, gắn liền với những cuộc kháng chiến
vệ quốc, vì vậy, mối quan hệ giữa văn học và hiện thực chưa có điều kiện được
nghiên cứu, nhận diện thường xuyên và đầy đủ. Sau năm 1986, đất nước bước vào
công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, lý luận văn học Việt Nam đã có bước phát
triển mới, trong đó vấn đề mối quan hệ giữa văn học và hiện thực được kiến giải đa
dạng, linh hoạt hơn. Tuy nhiên, trong không gian văn hóa, tri thức đa dạng và cởi
mở, cùng với sự tiếp xúc ngày càng sâu rộng với văn học thế giới, nhiều lý thuyết
văn học đã được giới thiệu và tiếp nhận ở nước ta, khiến cho thực tiễn tồn tại hai xu
hướng lý thuyết đối lập, hoặc phủ nhận mối quan hệ giữa văn học và hiện thực,
hoặc quá đề cao vai trò của hiện thực đối với sáng tạo trong kiến giải mối quan hệ
này. Thực trạng đó khiến cho những công trình lý luận văn học ở Việt Nam khi bàn
về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực vẫn bộc lộ khoảng cách nhất định với
thực tiễn sáng tác đang ngày càng trở nên đa dạng và mới mẻ. Vì vậy, nhận thức
mối quan hệ giữa văn học và hiện thực, lý giải khoa học hơn về mối quan hệ này
cần phải được tiếp tục nghiên cứu một cách hệ thống, sâu sắc hơn nữa.
1.2. Sau năm 1986, trong bối cảnh đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập
quốc tế, văn học nói chung, nhất là văn xuôi ngày càng phát triển phong phú với
những kết quả bước đầu đã được ghi nhận. Đặc biệt, với vị trí và ưu thế năng
động của thể loại, tiểu thuyết ngày càng hấp dẫn các nhà văn và dần trở thành

trung tâm của đời sống văn học. Càng về sau, trong sự tiếp xúc, giao lưu với các
thành tựu văn học hiện đại thế giới, đặc biệt là phương Tây, các cây bút tiểu
thuyết ngày càng tích cực và tỏ ra nhạy bén trong đổi mới. Tác phẩm của họ đã
tạo ra diện mạo đa dạng, bề bộn của tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới. Thực
tiễn đó đặt ra những vấn đề lý thú, “vẫy gọi” những tiếp cận từ nhiều chiều
hướng khác nhau. Mặt khác, theo M. Bakhtin, “mỗi một thể loại, nhất là thể loại
1


lớn, thể hiện một thái độ thẩm mỹ đối với hiện thực, một cách cảm thụ, nhìn
nhận, giải minh thế giới và con người” [15, tr. 7]. Như vậy, mỗi một thể loại văn
học đều có những đặc trưng nghệ thuật riêng, tuy nhiên, trong một giai đoạn văn
học, việc khảo sát thể loại trung tâm sẽ giúp phát hiện, nhìn nhận những quy luật
vận động của cả nền văn học. Trong thời gian qua, đồng hành cùng sáng tạo, nhiều
nhà nghiên cứu, phê bình đã vận dụng các lý thuyết hiện đại như thi pháp học, tự sự
học, phân tâm học,… để khảo sát, đánh giá những cách tân về phương diện nội
dung cũng như hình thức tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới. Đây là những
hướng nghiên cứu gắn với đặc trưng của văn học, tính năng nghệ thuật của thể loại,
mang lại không ít phát hiện mới. Việc nghiên cứu sự vận động, đổi mới của tiểu
thuyết Việt Nam từ sau năm 1986 trong mối quan hệ với hiện thực tuy đã được đề
cập ở nhiều cấp độ, nhưng nhìn chung vẫn chịu sự chi phối của khung lý luận cũ, vì
vậy chưa lý giải được bản chất của sự vận động này. Nghiên cứu tiểu thuyết Việt
Nam thời kỳ đổi mới từ giác độ mối quan hệ giữa văn học và hiện thực không những
góp phần đánh giá chính xác hơn diện mạo tiểu thuyết thời kỳ này mà còn hướng tới
dự báo những khả năng phát triển của thể loại trong tương lai.
1.3. Vấn đề mối quan hệ giữa văn học và hiện thực, lý luận thể loại tiểu thuyết,
sự vận động, đổi mới tiểu thuyết Việt Nam sau năm 1986 là những đối tượng
nghiên cứu, giảng dạy quan trọng trong nhà trường từ bậc học phổ thông đến đại
học, sau đại học. Việc tiếp tục nghiên cứu, lý giải mối quan hệ giữa văn học và hiện
thực, từ đó đề xuất hướng tiếp cận, nhận diện sự cách tân, thành tựu và giới hạn của

tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới sẽ góp phần bổ sung tài liệu tham khảo trong
công tác nghiên cứu và giảng dạy, học tập những nội dung này trong nhà trường.
Như vậy, đề tài Mối quan hệ giữa văn học và hiện thực qua tiểu thuyết Việt
Nam sau năm 1986 vừa mang ý nghĩa lý luận, vừa mang ý nghĩa thực tiễn. Đó là
những lý do chúng tôi lựa chọn nghiên cứu đề tài này.
2. Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu
2.1. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là mối quan hệ giữa văn học và hiện thực qua
tiểu thuyết Việt Nam sau năm 1986.

2


2.2. Phạm vi nghiên cứu
Về mặt lý thuyết, chúng tôi tập trung nghiên cứu những tài liệu tiêu biểu
bàn về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực. Về mặt tác phẩm, chúng tôi khảo
sát tiểu thuyết Việt Nam từ năm 1986 đến năm 2016. Tuy nhiên, trong điều kiện
tư liệu bề bộn của tiểu thuyết trong giai đoạn dài như vậy, chúng tôi chỉ tập trung
khảo sát, phân tích những tác phẩm được các nhà nghiên cứu, phê bình chú ý,
đánh giá cao (Phụ lục 1).
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
Luận án xác định mục tiêu nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và hiện thực,
đề xuất cơ sở lý luận để xem xét, nắm bắt những xu hướng vận động, đổi mới của
tiểu thuyết Việt Nam từ sau năm 1986.
Nhiệm vụ của luận án là: nghiên cứu về mối quan hệ giữa văn học và hiện
thực trên cơ sở lý thuyết ký hiệu học văn hóa, chứng minh giả thuyết văn học là
hình thức mô hình hóa hiện thực; đồng thời phân tích căn cứ khoa học và xác lập hệ
thống thuật ngữ khả dụng để hệ thống hóa, mô tả các mô hình hiện thực tiêu biểu
trong tiểu thuyết Việt Nam từ sau năm 1986.
4. Phƣơng pháp nghiên cứu

Để tiếp cận và giải quyết vấn đề nghiên cứu, chúng tôi sử dụng tổng hợp các
phương pháp: Phương pháp loại hình; Phương pháp hệ thống; Phương pháp tiếp cận
liên ngành; Phương pháp ký hiệu học văn hóa; Phương pháp tiếp cận theo lý thuyết
trần thuật học.
- Phương pháp loại hình chú ý đến quan hệ cộng đồng giá trị, giúp nắm bắt đối
tượng nghiên cứu trong mối quan hệ tổng thể, bao quát, xác định quy luật phát triển
của các sự vật, hiện tượng. Phương pháp này được chúng tôi sử dụng trong luận án
nhằm nhận diện, phân loại tiểu thuyết Việt Nam sau năm 1986 theo các mô hình
hiện thực tiêu biểu.
- Phương pháp hệ thống chú ý đến quan hệ phân cấp và quan hệ nhân quả của
đối tượng nghiên cứu. Trong luận án, phương pháp này được vận dụng ở các cấp độ
vĩ mô và vi mô nhằm nhận thức những biểu hiện đa dạng và thống nhất của mối
quan hệ giữa văn học và hiện thực qua tiểu thuyết Việt Nam sau năm 1986.
- Phương pháp tiếp cận liên ngành: Văn học trong bản chất văn hóa của nó bao
giờ cũng được sáng tạo và tiếp nhận trong một bối cảnh lịch sử, văn hóa cụ thể.
3


Luận án sử dụng phương pháp này để nhận diện, cắt nghĩa sự tác động của bối cảnh
lịch sử, văn hóa đối với sự vận động của tiểu thuyết Việt Nam từ sau năm 1986.
- Phương pháp ký hiệu học văn hóa: Ký hiệu học là khoa học bao hàm rất
nhiều cách tiếp cận khác nhau. Chúng tôi sử dụng những tư tưởng nền móng của ký
hiệu học văn hóa (chủ yếu của trường phái Tartu – Moskva), xem ngôn ngữ là một
hệ thống ký hiệu, tác phẩm văn học là sự kiến tạo bức tranh thế giới thông qua quá
trình ký hiệu hóa. Điều cốt yếu là toàn bộ quá trình mô hình hóa hiện thực trong tác
phẩm văn học hay quá trình kiến tạo và tiếp nhận nghĩa của văn bản chỉ có thể diễn
ra trong một không gian kí hiệu quyển, với sự tham gia và thông hiểu của các chủ
thể giao tiếp. Trong luận án, phương pháp ký hiệu học văn hóa được sử dụng để
nhận diện các mô hình hiện thực trong tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới.
- Phương pháp tiếp cận theo lý thuyết trần thuật học: Trần thuật học đã trải

qua lịch sử phát triển lâu dài và phức tạp. Trong luận án, chúng tôi sử dụng
những khái niệm cơ bản của trần thuật học (cấu trúc truyện kể, nhân vật truyện
kể, tổ chức trần thuật) để nghiên cứu về các mô hình hiện thực trong tiểu thuyết
Việt Nam từ sau năm 1986.
Ngoài những phương pháp nghiên cứu chính, luận án sử dụng tổng hợp,
thường xuyên các phương pháp khoa học thông dụng: thống kê, phân loại; phân
tích, tổng hợp; so sánh.
5. Đóng góp mới của luận án
(1) Luận án nghiên cứu, đề xuất quan niệm khoa học, linh hoạt về mối quan hệ
giữa văn học và hiện thực trong bối cảnh nhận thức lý luận ở Việt Nam về mối quan
hệ này còn tồn tại nhiều khác biệt, thậm chí đối lập. Đóng góp của luận án trên
phương diện này được cụ thể hóa thông qua việc lý giải hệ thống khái niệm và vận
dụng trong nghiên cứu thực tiễn.
(2) Luận án là công trình đầu tiên nghiên cứu sự vận động, đổi mới của tiểu
thuyết Việt Nam sau năm 1986 một cách toàn diện, hệ thống nhìn từ mối quan hệ
giữa văn học và hiện thực. Việc chỉ ra hai mô hình hiện thực tiêu biểu (mô hình
hiện thực mô phỏng và mô hình hiện thực sắp đặt) đã cơ bản nắm bắt được xu
hướng cách tân của tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới.

4


(3) Kết quả nghiên cứu của luận án góp phần vào thành quả nghiên cứu nói
chung, phục vụ cho việc nghiên cứu, học tập và giảng dạy bộ môn lí thuyết và lịch
sử văn học, văn học Việt Nam hiện đại.
6. Cấu trúc của luận án
Ngoài Mở đầu và Kết luận, phần Nội dung của luận án gồm 4 chương:
Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu.
Chương 2: Mối quan hệ văn học - hiện thực và sự vận động, đổi mới tiểu
thuyết Việt Nam sau năm 1986.

Chương 3: Mô hình hiện thực mô phỏng trong tiểu thuyết Việt Nam sau năm 1986.
Chương 4: Mô hình hiện thực sắp đặt trong tiểu thuyết Việt Nam sau năm 1986.

5


Chƣơng 1
TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU

1.1. Tổng quan về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực trong tƣ duy lý luận
văn học thế giới
Mối quan hệ giữa văn học và hiện thực là một trong những vấn đề trung tâm
của các hệ thống lý thuyết văn học trên thế giới từ cổ đại đến nay với quan niệm rất
khác nhau, thậm chí đối lập. Kể từ Platon, Aristote, sự mô phỏng (mimèsis) là thuật
ngữ phổ biến và quen thuộc nhất nhằm cắt nghĩa các mối liên hệ giữa văn chương
và thực tại. Trong công trình đồ sộ của Erich Auerbach, Mimèsis, Phương thức biểu
hiện thực tại trong văn học phương Tây (1946) [7], khái niệm này vẫn còn là
chuyện dĩ nhiên. Nhưng sau đó, các lý thuyết văn học đã đặt vấn đề chống lại
mimèsis và chủ trương nhấn mạnh đến tính tự trị của văn học đối với thực tại, đối
với cái quy chiếu, với thế giới, và bảo vệ luận đề về quyền tối thượng của hình thức
đối với nội dung, của từ ngữ đối với nội dung, của cái biểu đạt đối với cái được biểu
đạt, của ý nghĩa đối với sự thể hiện, hay nói cách khác, văn học không phản ánh
hiện thực [38, tr. 137]. Giữa hai cực đối lập ấy là lịch sử các quan niệm rất phong
phú, đa dạng về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực. Luận án của chúng tôi
không thể miêu tả chi tiết lịch sử phức tạp đó mà chỉ đặt mục tiêu tổng quan những
tư tưởng then chốt về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực trong dòng vận động
của các lý thuyết văn học; từ đó tạo tiền đề lý luận, lý giải sự vận động, đổi mới của
tiểu thuyết Việt Nam sau năm 1986.
Từ thế kỷ XIX trở về trước, trong tư duy lý luận phương Tây, dù cách hiểu đa
dạng nhưng các lý thuyết văn học đều có điểm chung quan trọng, cho rằng văn học

có khả năng nhận thức và biểu hiện thế giới khách quan. Sylvan Barnet, Morton
Berman, William Burto trong sách Nhập môn văn học cho rằng, một cách khái
quát nhất, có thể phân chia các lý thuyết văn học thành ba loại, ba khuynh hướng
tiếp cận và xử lý hiện thực của văn học: thuyết bắt chước; thuyết biểu hiện;
thuyết cảm xúc [11]. Thuyết biểu hiện cho rằng, nghệ sĩ chủ yếu không phải là
người bắt chước hiện thực mà là người biểu hiện những tình cảm của mình:
“Người ta giãi bày những nỗi đau trên trang sách, lặp lại và trình bày lại những
6


cảm xúc là để làm chủ được chúng” [11, tr. 10]. Công việc của họ “là xem xét sự
vật không phải như chúng tồn tại... mà như chúng hiện ra đối với những cảm giác
và những ham mê” [11, tr. 10]. Thuyết cảm xúc có liên quan mật thiết đến thuyết
biểu hiện khi cho rằng, công trình nghệ thuật phải gây được một cảm xúc đặc biệt ở
người tiếp nhận: “Nghệ thuật là một hoạt động của con người mà thực chất là con
người thông qua một số ký hiệu bên ngoài có ý thức truyền cho những người khác
những tình cảm mà nó thể nghiệm, để những người khác bị nhiễm những tình cảm
này, cùng thể nghiệm chúng” [11, tr. 12]. Thuyết cảm xúc khẳng định, sự kích thích
gây ra những cảm xúc có thể có ích: làm nguội dịu tâm hồn, hoặc đáp ứng nhu cầu
tổ chức cảm xúc thành mẫu hình đẹp, dễ chịu. Thuyết bắt chước bắt đầu từ Aristote,
khẳng định nghệ thuật là sự bắt chước điều gì đó. Bắt chước là xu hướng tự nhiên
của con người, và để tạo ra nghệ thuật, bắt chước kết hợp (bao hàm) tiết tấu và sự
cách điệu kết hợp với sự hài hòa. Aristote cho rằng, mimèsis không chỉ là bắt chước,
nó còn là sự tái tạo, tái hiện, bao hàm sự bắt chước “sát sườn” tự nhiên, kết hợp với
sự hài hòa. Ông khẳng định nghệ thuật cao hơn lịch sử bởi vì lịch sử phải gắn với
sự kiện, còn nghệ thuật thì hoàn thiện tự nhiên, không trình bày cái đã xảy ra mà
trình bày cái có thể xảy ra: “Người nghệ sĩ không bắt chước một cách nô dịch, mà
anh ta tái tạo thực tại và giới thiệu nó với chúng ta trong một cái mẫu ở đó ta thấy
được bản chất của nó sáng rõ hơn. Bắt chước của người nghệ sĩ trong chừng mực
nào đó là sáng tạo, trong đó có sự tham gia của trí tưởng tượng, của sự đoán nhận,

sự giải thích; nó phản ánh một cách nhìn đặc biệt về thực tại” [11, tr. 9]. Ngoài sự
thích thú, văn học còn đem lại tri thức, trong đó có loại tri thức thông thường góp
phần mở mang trí tuệ nhưng đáng chú ý hơn là loại tri thức đặc biệt khiến ta hiểu
biết thêm về con người.
Thuyết bắt chước với hạt nhân là mimèsis của Aristote có sức ảnh hưởng to
lớn trong lịch sử lý luận văn học phương Tây nói riêng, thế giới nói chung, là một
trong những cơ sở tạo sinh quan trọng của chủ nghĩa hiện thực, của lý luận văn học
marxist với nền tảng phản ánh luận sau này. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Marx
khẳng định quan niệm biện chứng, duy vật, đề cập đến tính phức tạp, năng động của
nhận thức, khẳng định ý thức không chỉ phản ánh mà còn sáng tạo và về bản chất,
con người có khả năng nhận thức chân lý khách quan. Trong lĩnh vực văn học, phản
ánh luận phát triển theo nhiều khuynh hướng, tạo ra nhiều phiên bản khác nhau chứ
7


không thuần nhất. Về cơ bản có thể kể đến nhánh phản ánh luận ở các nước xã hội
chủ nghĩa và phản ánh luận theo tư tưởng của các nhà marxist phương Tây. Trên
nền tảng tư tưởng của Marx và Angels, Lenin tiếp tục phát triển phản ánh luận và
được các nhà lý luận văn học ở các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Xô viết,
Trung Quốc và Việt Nam trình bày, diễn giải, sử dụng trong phần lớn thời gian của
thế kỷ XX. Trên nền tảng của chủ nghĩa duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, các
nhà lý luận văn học marxist phát triển thành các hệ thống rất đa dạng, phong phú.
Cũng cần phải nói thêm, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Marx khi bàn về văn học,
nghệ thuật thường chỉ đưa ra những luận điểm nằm rải rác và phân tán, ít được phát
triển sâu. Trong công trình Chủ nghĩa Marx và phê bình văn học [63], tác giả Terry
Eagleton đã chứng minh lý luận, phê bình văn học marxist phát triển phong phú
với nhiều khúc quanh, sự phân tán. Marx, Angels và cả Lenin đã chịu nhiều sự
diễn giải, “gán ghép” của các trường phái muốn phát triển văn học phục vụ các
mục đích chính trị. Bản thân Marx, Angels đã thể hiện quan niệm linh hoạt về sự
“cải biến” tự nhiên (hiện thực) trong đầu óc con người, hay sự kiến tạo hiện thực

của ý thức [158, tr. 52-53]. Phản ánh có tính năng động, thể hiện ở hai bình diện:
1/ Tính năng động của phản ánh không chỉ giản đơn ở thao tác lựa chọn mà còn cả
ở khâu kiến tạo; 2/ Sự phản ánh – kiến tạo đồng thời cũng là sáng tạo, do vậy,
không có cơ sở để đối lập phản ánh và sáng tạo (ở đây là mối quan hệ “bao hàm”,
“ở trong” chứ không phải mối quan hệ “cộng thêm”) [158, tr. 64]. Những thành
tựu của tâm lý học hiện đại đã cho thấy, quá trình phản ánh thông qua cảm giác, tri
giác, biểu tượng, khái niệm đều là quá trình kiến tạo với vai trò chủ động, tích cực
của chủ thể, còn thực tiễn đóng vai trò kiểm nghiệm. Đây là vấn đề rất quan trọng
bởi nếu không quan niệm dứt khoát phản ánh đã đồng thời bao hàm sự kiến tạo
(sáng tạo) sẽ dẫn đến cách hiểu xơ cứng rằng phản ánh là sao chép “cộng thêm”
sáng tạo. Đây là vấn đề nền móng, tạo lập những biên độ mềm dẻo để kiến giải
mối quan hệ giữa văn học và hiện thực.
Từ những tư tưởng nền tảng của Marx về phản ánh luận (đặc biệt trong trước
tác thời kỳ đầu của ông), các nhà lý luận marxist phương Tây đã có những kiến giải
tương đối uyển chuyển về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực, tiêu biểu như các
tác giả G. Lukács, Ch. Caudwell, P. Macherey,... Lukács cho rằng “hiện thực là cái
toàn cục biện chứng, trong đó mọi yếu tố đều chuyển động, va chạm với nhau. Để
8


hiện thực có thể phản ánh vào trong văn học thì nhà văn cần phải sáng tạo lại, trao
cho nó hình thức. Nghĩa là một tác phẩm được sáng tạo một cách “đúng đắn” thì
“hình thức” văn học sẽ phản ánh hình thức của thế giới hiện thực” [88, tr. 46]. Hình
thức đúng đắn mà ông quan niệm là cái hình thức phản ánh hiện thực một cách
khách quan nhất. G. Lukács cũng phân biệt “vật tự nó” và “vật cho ta”, đồng thời
cho rằng: “Tác phẩm nghệ thuật là vật cho ta xuất hiện trong hình thức của một vật
tự nó, chỉ hoàn toàn trong hình thức của nó, chứ không phải là vật tự nó, xét trong ý
nghĩa nghiêm túc của khái niệm này” [88, tr. 49]. Trong những nghiên cứu về sau,
ông xem ý thức nghệ thuật như một sự can thiệp có tính sáng tạo vào thế giới chứ
không phải chỉ như một sự phản ánh thế giới. Khác với G. Lukács, Ch. Caudwell

trong công trình Ảo ảnh và hiện thực xem đối tượng của phản ánh nghệ thuật là “thế
giới bên trong” để phân biệt với “thế giới bên ngoài” là đối tượng của khoa học.
Như vậy, quan điểm của Lukács và Caudwell có những khác biệt. Lukács đề cao
tính chân thực của sự phản ánh, còn Caudwell nhấn mạnh tính chân thực lịch sử của
thái độ và tư tưởng của nhà văn, nhấn mạnh vai trò của chủ thể sáng tạo. Xét từ mối
quan hệ giữa văn học và hiện thực, ngoài mô hình phản ánh, lý luận văn học marxist
còn có các mô hình khác như mô hình sản xuất, mô hình phát sinh,... Trong tác
phẩm Đến với lý luận sản xuất văn học (1978), P. Macherey, nhà lý luận marxist đã
xem sáng tác văn học như là công việc sản xuất, trong đó nguyên vật liệu được tạo
thành sản phẩm, các tác phẩm văn học “sản xuất ra hiện thực” còn sự hiểu biết về
hiện thực là việc của người đọc: “Theo đó, nhà văn không phải là người sáng tạo,
mà là người đến với văn bản văn học bằng việc bố trí các thể loại văn học, các quy
ước ngôn ngữ và tư tưởng theo mong muốn của mình” [88, tr. 53].
Mặc dù có những khác biệt trong quan niệm về mối quan hệ giữa văn học và
hiện thực trong các lý thuyết truyền thống, từ thuyết biểu hiện, thuyết cảm xúc đến
thuyết bắt chước và sau này là phản ánh luận, nhưng có một điểm chung là các
thuyết này đều dựa trên nền tảng triết học cho rằng con người có khả năng nhận
thức thế giới khách quan như nó vốn có và thể nghiệm sự nhận thức ấy (bằng cách
thức khác nhau) trong tác phẩm nghệ thuật. Bên cạnh đó, các lý thuyết trên chưa
nhìn nhận đúng vai trò đặc biệt quan trọng của ngôn ngữ trong mối quan hệ giữa
văn học và hiện thực. Mặc dù Marx đã đề cập đến vai trò của ngôn ngữ khi bàn đến
đặc trưng phản ánh nói chung của con người, tuy vậy, những thành tựu mới nhất
9


của ngành khoa học xã hội và nhân văn nói chung, ngôn ngữ học nói riêng trong thế
kỷ XX đã đặt ra những vấn đề mới về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực.
Đầu thế kỷ XX, khoa học tự nhiên chứng kiến những khám phá mới mẻ với
thuyết tương đối, thuyết lượng tử, nguyên tắc bất định… Tuy nhiên, chính những
bước nhảy vọt ấy làm cho khoa học trở nên tối tăm và vô lý xét từ tình trạng sống

của con người. D.H. Lawrence đã thất vọng thốt lên rằng: “Khi ông khám phá ra ête thì ê-te sẽ bốc hơi hết. Khi ông lặn sâu xuống nền tảng chân thực của một hiện
tượng thì hiện tượng sẽ tan rã ra hàng ngàn tiểu hiện tượng, mỗi tiểu hiện tượng lại
nêu lên một vấn đề khác. Ông giải quyết được bao nhiêu vấn đề thì lại xuất hiện
từng ấy vấn đề khác” [1, tr. 11]. Đây là lời tuyên bố có phần cực đoan, nhưng rõ
ràng, đầu thế kỷ XX đã chứng kiến “cú sốc” của khoa học, dẫn đến phá vỡ sự ôm
trùm và sức mạnh phổ quát của lý trí, của khả năng nhận thức, làm chủ hiện thực
của con người. Đã xuất hiện một cuộc tranh luận chống tri thức trong suốt thập niên
đầu thế kỷ XX, tạo ra ảnh hưởng to lớn trong sự phát triển văn học châu Âu suốt thế
kỷ. Xét từ phương diện mối quan hệ giữa văn học và hiện thực, những phát hiện của
khoa học tự nhiên đầu thế kỷ XX, đặc biệt là vật lý học hiện đại đã cung cấp những
cứ liệu mới, buộc chúng ta phải xem xét lại vấn đề từ gốc gác của nó. Bên cạnh
những thành tựu về khoa học tự nhiên, đầu thế kỷ XX, hàng loạt các công trình về
tâm lý học, triết học đã mang đến những nhận thức mới mẻ về khả năng nhận thức
thế giới của con người. Những phát hiện của triết học và khoa học tâm lý đã đặt mối
hoài nghi lớn về khả năng nhận thức, nắm bắt thế giới khách quan của con người,
chỉ ra hàng loạt vấn đề phức tạp cần tái nhận thức và diễn giải. William James, nhà
triết học, tâm lý học người Mỹ, cho rằng ý thức cá nhân hoàn toàn độc lập và tự trị,
và trong đó, bản thân các suy nghĩ luôn cấu kết, tạo ra một chuỗi vô hạn của nhận
thức. Sigmund Freud đã phát hiện và làm sống dậy thế giới tiềm thức sinh động và
đầy bí ẩn với vai trò quan trọng không hề thua kém ý thức. Carl Gustav Jung phát
triển những tư tưởng của Sigmund Freud, đồng thời phát hiện ra vô thức tập thể,
và chính nó chi phối ý thức của từng cá nhân trong cộng đồng. Bên cạnh đó, những
tư tưởng của Henri Bergson, Edmund Husserl, Martin Heidegger và các nhà hiện
tượng luận,… cũng chứng minh thuyết phục rằng ý thức con người là một cơ chế rất
phức tạp mà ngôn ngữ chiếm vị trí trung tâm, là “ngôi nhà hữu thể” [115, tr. 67]. Có
thể nói, những thành tựu tâm lý học, triết học đầu thế kỷ XX đã đánh dấu những
10


nhận thức mang tính bước ngoặt, phá vỡ trật tự duy lý thuần nhất, tạo ra vô số ngã

rẽ phong phú, đa dạng về bản thể luận, nhận thức luận.
Trong bối cảnh đó, một cuộc cách mạng trong ngôn ngữ, hay “bước ngoặt
ngôn ngữ” là điều đã được khẳng định. Bước ngoặt ngôn ngữ thực chất là cuộc
chuyển hướng đánh giá vai trò của ngôn ngữ, từ phương tiện biểu đạt trở thành
phương thức tồn tại của con người, mà F. de Saussure là người khai mở. Trong công
trình Giáo trình ngôn ngữ học đại cương (1916), Saussure khẳng định bản chất xã
hội của ngôn ngữ với những quan niệm hệ thống, đột phá. Theo Saussure, ngôn ngữ
là một hệ thống ký hiệu, thống nhất giữa hai mặt: cái biểu đạt và cái được biểu đạt.
Đồng thời, nhà ngôn ngữ học này cũng cho rằng, cái biểu đạt phụ thuộc và được
quyết định bởi quy ước của cộng đồng sử dụng ngôn ngữ; song song tồn tại hai trục
quan hệ: trục ý nghĩa là quan hệ giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt, trục giá trị là
quan hệ giữa những hệ thống ký hiệu với nhau. Tư tưởng của F. de Saussure có ảnh
hưởng to lớn đối với các nhà cấu trúc luận. Trên cơ sở quan niệm của F. de
Saussure, các nhà hình thức chủ nghĩa chủ trương cô lập văn bản văn học ra khỏi
môi trường sinh thành và tồn tại của nó, xem văn bản như một hệ thống nhị nguyên
khép kín ký hiệu/ý nghĩa. Từ đây, các nhà hình thức chủ nghĩa hướng tới triệt tiêu
toàn diện mối quan hệ giữa văn học và hiện thực, chỉ quan tâm đến văn bản và đặc
trưng cấu trúc của nó để kiến giải nghĩa của văn bản [177, tr. 11-25].
Cùng với F. de Saussure, những đóng góp của nhóm Bakhtin (với 3 tác giả
chính là M. Bakhtin, V. Voloshinov và P.N. Medvedev) đối với ngôn ngữ học là hết
sức to lớn, không chỉ tạo nền tảng cho chủ nghĩa cấu trúc mà tiếp tục được kế thừa,
phát triển, tạo lập trong tư tưởng hậu cấu trúc. Ngoài ra còn phải kể đến tư tưởng
của trường phái Humboldt mới (L. Weigerber, H. Holz, E. Sapir, B. Whorf,…).
Trường phái này cho rằng, ngôn ngữ không phải là phương tiện biểu hiện tư duy,
phản ánh hiện thực khách quan, ngược lại: “ngôn ngữ quyết định tư duy của con
người và quá trình nhận thức nói chung, qua đó quyết định cả nền văn hóa và hành
vi xã hội của con người, thế giới quan và toàn bộ bức tranh thế giới nảy sinh trong ý
thức” [128, tr. 110]. Trên cơ sở đó, các nhà ngôn ngữ học của chủ nghĩa hậu cấu
trúc như M. Foucault, J. Derrida, N. Fairclough,… đã thực hiện một “bước nhảy”
mới trong lĩnh vực ngôn ngữ khi cho rằng, không có hiện tượng phi diễn ngôn, “tất


11


cả đều là diễn ngôn” [148]. Sự kiến tạo diễn ngôn chịu sự chi phối của hệ tư tưởng,
của các diễn ngôn quyền lực và đến lượt nó gia nhập vào hệ thống diễn ngôn thời
đại, hình thành thế giới quan, quy định lời nói và hành vi của con người. Tri thức
không có tính khách quan mà là sản phẩm của diễn ngôn. Hay nói cách khác, ngôn
ngữ kiến tạo tri thức, chân lý, quy phạm, niềm tin,…; ngôn ngữ tạo ra quyền lực,
duy trì và củng cố quyền lực; ngôn ngữ quyết định, “lựa chọn” chủ thể; ngôn ngữ
tham gia vào sự vận hành quyền lực;… Các nhà hậu cấu trúc nhận thấy những hạn
chế của phương pháp truy tìm nghĩa trong một văn bản khép kín nên đã đề xuất các
phương pháp giải cấu trúc khi chú tâm vào tìm kiếm những đứt gẫy của văn bản,
những nơi mà mối liên hệ về mặt cấu trúc yếu nhất. Từ đó, họ đề xuất khái niệm
liên văn bản và cơ chế quy chiếu liên tục giữa các văn bản chứ không quy chiếu về
hiện thực. Thuật ngữ “liên văn bản” do Julia Kristeva đưa ra lần đầu tiên vào năm
1967 dựa trên cơ sở quan niệm về tính đối thoại của Bakhtin. Tuy nhiên sau đó, khái
niệm này đã được các nhà hậu cấu trúc luận tái diễn giải theo hướng tước bỏ những
dấu vết của thực tại, lịch sử, văn hóa để khép kín vào văn bản [38, tr. 158-162]. Theo
đó, văn bản văn học không quy chiếu về thế giới mà quy chiếu đến vô vàn các văn
bản khác xung quanh nó: “Sự quy chiếu không có thực tại; cái người ta gọi là thực tế
chỉ là một mã. Mục đích của mimèsis không còn là tạo một ảo tưởng về thế giới thực
nữa, mà là tạo một ảo tưởng diễn ngôn chân thực về thế giới thực” [38, tr. 157].
Trong hình dung về sự đổ vỡ hoàn toàn niềm tin về nhận thức, trào lưu hậu
hiện đại trong văn học chủ trương chống lại những cố gắng khôi phục trật tự mà các
nhà hiện đại bằng cách này hay cách khác đã làm. Họ đã tạo lập một cảm quan mới
về thế giới: cảm quan hậu hiện đại (postmodern sensibility) như một kiểu cảm nhận
thế giới là một sự hỗn độn [137, tr. 8]. Sự bất tín nhận thức song hành cùng kết luận
cho rằng: “tất cả những gì được coi là hiện thực, trên thực tế không phải là gì khác
hơn chính sự hình dung về nó, sự hình dung vốn phụ thuộc vào việc người quan sát

lựa chọn nhìn điểm nào và sự thay đổi điểm nhìn dẫn tới sự thay đổi cơ bản chính
sự hình dung ấy. Vậy là tiếp nhận của con người buộc phải “đa viễn cảnh”, luôn
luôn thấy những dạng thức biến đổi như kính vạn hoa, và thực tại trong sự thay đổi
chớp nhoáng ấy không cho con người cái khả năng nắm bắt bản chất của nó, những
quy luật và những dấu hiệu cơ bản của nó” [137, tr. 13-14]. Như vậy, cùng đối diện
với một thế giới trong nhận thức về sự khó bề nắm bắt, nhưng quan điểm của các
12


nhà hiện đại và hậu hiện đại rất khác biệt: “Nếu như các nhà hiện đại chủ nghĩa cố
gắng bằng cách nào đó tự bảo vệ mình trước sự đe dọa của hỗn độn vũ trụ trong
điều kiện mọi “trung tâm” đều không chắc chắn, thì các nhà hậu hiện đại chấp nhận
sự hỗn độn như là một sự kiện và sống một cách thực tế, xâm nhập vào nó bằng
“tình cảm mật thiết”” [137, tr. 15]. Quan niệm như thế, chủ nghĩa hậu hiện đại chủ
trương tái tạo sự hỗn độn của cuộc sống bằng sự hỗn độn nhân tạo. Điều này chi
phối những cách tân triệt để của văn học theo trào lưu hậu hiện đại, đó là sự trưng
bày một “hiện thực thậm phồn” thông qua sự ngụy tạo, kiến tạo những bản sao
không có bản gốc, cắt rời trần thuật, xóa bỏ triệt để dấu vết không gian và thời gian.
Theo tác giả Lê Huy Bắc, khái niệm hiện thực thậm phồn (hyperreality) dùng để chỉ
những vật thay thế giả tạo đối với hiện thực, “nó tạo nên một kiểu hiện thực khác lạ,
kiểu hiện thực đa chiều kích, có thể mở rộng đến bất kỳ nơi nào trí tưởng tượng của
con người vươn đến” [19, tr. 39]. Khái niệm hiện thực thậm phồn cùng với khái
niệm huyền ảo là sự phản ứng của các nhà hậu hiện đại chủ nghĩa với khái niệm
hiện thực truyền thống mà theo họ không còn đảm bảo những phẩm chất của hiện
thực đúng nghĩa. Như vậy, sự phát triển của tư duy lý luận phương Tây về mối quan
hệ giữa văn học và hiện thực gắn chặt với những đột phá của khoa học tự nhiên,
triết học, tâm lý học và đặc biệt là ngôn ngữ học.
Ở phương Đông, tính đến trước khi có các cuộc giao lưu tư tưởng với phương
Tây, quan niệm về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực có những đặc trưng riêng.
Phương Đông mà chúng tôi đề cập ở đây được hiểu là khu vực Đông Á, bao gồm

các nước sử dụng chung Hán tự, có những tương đồng trong phát triển văn hóa thời
trung đại. Với sự ảnh hưởng của bối cảnh tam giáo đồng nguyên (Nho, Đạo, Phật)
trong suốt quá trình phát triển, tư duy về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực ở
khu vực này tương đối ổn định và mang bản sắc riêng. Trong bài viết Tính phổ biến
và tính đặc thù của văn luận phương Đông – phương Tây (Khảo sát qua phạm trù
mimèsis – mô phỏng của phương Tây), tác giả Trần Nho Thìn đã cung cấp một cái
nhìn tổng quát về sự khác biệt và tính đặc thù trong quan niệm về mối quan hệ giữa
văn học và hiện thực của phương Đông so với phương Tây. Trong tương quan so
sánh từ hạt nhân là phạm trù mimèsis, các nhà nghiên cứu cơ bản thống nhất khẳng
định sự khác nhau về đường hướng của hai truyền thống văn luận. Trần Dược Hồng
viết: “Trên tầm quan sát vĩ mô, người ta nhận thấy trong truyền thống, văn luận
13


phương Tây thiên về mô phỏng, tả chân, tái hiện, cầu thực, cầu chân, còn văn luận
phương Đông (ở đây cụ thể là văn luận cổ Trung Quốc) thiên về vật cảm, biểu hiện,
trữ tình, cầu tự (tìm sự giống nhau)” [169, tr. 73]. Đồng Khánh Bính cho rằng: “Văn
luận cổ đại Trung Quốc thường ít bàn đến vấn đề “chân thực” mà văn học phương
Tây nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại, mà lại bàn về “chân thành” (Trang Tử): “cái gọi
là “chân” chính là cực điểm của sự chân thành. Không có sự chân thành thì
không thể cảm động được lòng người” [169, tr. 74]. Quan tâm đến sự ảnh hưởng
của hai hệ thống tư tưởng triết học Đông, Tây, Thái Tông Tề cũng khẳng định:
“Các nhà phê bình phương Tây cho thấy một sự quan tâm nổi trội về mối quan hệ
của văn học với chân lý. Họ thường xuyên trở đi trở lại bàn về văn học trong quan
hệ với chân lý và phát triển mô hình quan niệm để nghiên cứu các đối tượng văn
học và vấn đề văn học riêng rẽ. Trái lại, giới phê bình Trung Quốc chia sẻ một
quan tâm cao độ về vai trò của văn học trong việc làm hài hòa các quá trình khác
nhau có ảnh hưởng đến cuộc sống con người” [169, tr. 75]. Với sức ảnh hưởng,
chi phối của nền tảng văn hóa, triết mỹ riêng biệt như thế, tư duy lý luận phương
Đông và phương Tây về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực tuy cùng được đặt

ra nhưng cách thức giải quyết rất khác nhau.
Trong tư duy lý luận phương Đông, vấn đề mối quan hệ chủ thể sáng tạo và
khách thể thẩm mĩ, giữa văn học và hiện thực cũng được đặt ra từ rất sớm và chiếm
vị trí quan trọng. Vượt lên trên những nhận định đơn thuần về mặt hiện tượng so
sánh, trong công trình Thực tại, cái thực và vấn đề chủ nghĩa hiện thực trong văn
học Việt Nam trung cận đại, nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu đã làm rõ quan niệm
độc đáo về hiện thực trong tư duy lý luận phương Đông, trên nền tảng loại hình
kinh tế, chính trị, văn hóa đặc trưng, từ đó lý giải những khác biệt so với phương
Tây. Ông khẳng định: “Ở các nước Đông Á, trong một thời gian dài, Nho giáo, Phật
giáo và tư tưởng Lão – Trang thống trị đời sống tinh thần cùng nhau tác động vào
văn học. Tất cả tạo ra ở đây những loại hình tác giả, công chúng, tác phẩm rất khác.
Không thể nhìn các nhà nho – tác giả và công chúng chủ yếu – như những trí thức,
những văn nghệ sĩ phương Tây, nhìn những bài thơ, bài phú ngâm vịnh, xướng tụng
trong các buổi bình văn, những buổi xướng họa giống như sách báo in bán. Tình
trạng kém phát triển của đô thị có tác động tiêu cực rõ rệt đến tiến trình văn học,
nhất là văn học hiện thực chủ nghĩa” [101, tr. 81]. Trên nền tảng của tam giáo đồng
14


nguyên, loại hình văn học Nho giáo đóng vai trò cốt lõi, chi phối, quy định mối
quan hệ giữa văn học và hiện thực: “Tác dụng chi phối của Nho giáo sâu sắc, nhiều
mặt và qua nhiều nhân tố khác nhau. Tất cả làm hình thành trong lịch sử cả vùng
một loại hình văn sĩ, nghệ sĩ, một loại hình văn học, nghệ thuật, viết cùng những thể
loại, theo cùng một quan niệm văn học, cùng những tiêu chuẩn về cái đẹp nghệ
thuật. Nho giáo xác định cho văn học, nghệ thuật một vai trò xã hội nhất định, tạo ra
trong xã hội một đời sống văn hóa nhất định, quy định hướng phát triển của văn
học, nghệ thuật trong xã hội và vận mệnh của nó trong lịch sử” [89, tr. 20]. Nho
giáo hướng con người về với hiện thực, với cõi người, nhưng mặt khác lại khẳng
định, thực tại không tách rời khỏi Đạo và Tâm. Bởi vậy, theo nhà nghiên cứu, loại
hình văn học này khác xa loại hình văn học phương Tây, đó là loại hình văn học

tâm chí, xa lạ với chủ nghĩa hiện thực, bởi việc hướng vào thực tại tâm chí không
đưa văn học đến với con đường hiện thực: “Không phải nền văn học như thế không
cho ra đời những tác phẩm hay, những tuyệt tác nữa, nhưng theo đuổi cái thần chứ
không phải cái thực, bằng con đường của dưỡng tâm chứ không phải ghi chép, mô
tả khách quan, nền văn học đó không phải hiện thực mà cũng không chuẩn bị tiến
lên theo hướng hiện thực” [101, tr. 41]. Khám phá và biểu hiện thực tại trong văn
học phương Đông trung đại vì vậy không đặt trọng tâm vào hình thể khách quan và
hướng tới lột tả “khí” và “thần”. Điều này ảnh hưởng mạnh mẽ không chỉ trên
phương diện sáng tạo mà còn quy định phương diện tiếp nhận, thẩm bình. Cùng với
sự đổi thay về nền tảng kinh tế, chính trị, xã hội trong cuộc tiếp xúc với phương
Tây, từ đầu thế kỷ XX đến nay, tư duy về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực ở
phương Đông đã từng bước hiện đại hóa, không ngừng tiếp nhận và đối thoại với
các lý thuyết phương Tây.
Qua việc hình dung những nét khái lược cách thức lý thuyết văn học xem
xét vấn đề mối quan hệ giữa văn học và hiện thực từ cổ đại đến hậu hiện đại cho
thấy, có rất nhiều những ngã rẽ, mở ra khả năng chắp nối lại tư duy về vấn đề
này để khắc phục tính chất nhị nguyên, hoặc văn học quy chiếu về thế giới hiện
thực hoặc không. Và trên hết, cần phải khẳng định, mối quan hệ giữa văn học và
hiện thực đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự, đặt ra yêu cầu cấp thiết trong
việc nghiên cứu, tái diễn giải vấn đề, đặc biệt là cách thức vận dụng để nắm bắt
những hiện tượng văn học cụ thể trong thực tiễn.
15


1.2. Tổng quan tình hình nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và hiện thực ở
Việt Nam từ sau năm 1986
Ở Việt Nam, trong không gian văn hóa phương Đông, mối quan hệ giữa văn
học và hiện thực được quan tâm nghiên cứu cùng với quá trình hiện đại hóa nền văn
học đầu thế kỷ XX. Được tập trung bàn thảo trong cuộc tranh luận nghệ thuật vị
nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh những năm 1936 – 1939, sau đó vấn đề mối

quan hệ giữa văn học và hiện thực được trình bày một cách hệ thống trong công
trình Văn học khái luận (1944) của Đặng Thai Mai. Từ đây, quan điểm marxist về
vấn đề mối quan hệ giữa văn học và hiện thực đã khẳng định vị thế bao trùm, độc
tôn. Trong giai đoạn 1945 – 1975, mối quan hệ này nhanh chóng được quy phạm
hóa, trở thành những nguyên lý, được trình bày trong các công trình tiêu biểu như
Nguyên lí văn học (1959) của Nguyễn Lương Ngọc; Cơ sở lí luận văn học (1970)
của Trần Văn Bính, Nguyễn Xuân Nam, Hà Minh Đức;... Có thể nói, trong lý luận
văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975, văn học phản ánh hiện thực không chỉ
được xem là một thuộc tính mà còn là một phẩm chất. Quan niệm về mối quan hệ
giữa văn học và hiện thực bộc lộ những hạn chế khi một mặt quá đề cao vai trò của
hiện thực khách quan, đồng thời chưa quan tâm thích đáng đến vai trò của chủ thể
sáng tạo. Sau năm 1975, đất nước hòa bình, cùng với những đòi hỏi gay gắt của đời
sống văn học, lý luận về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực đứng trước yêu cầu
đổi mới. Trong khoảng thời gian từ năm 1975 đến năm 1986, đã có một số bài viết
đề cập đến vấn đề này, tiêu biểu như: Viết về chiến tranh của Nguyễn Minh Châu,
đăng trên Văn nghệ quân đội, 11-1978; Về một đặc điểm của văn học và nghệ thuật
ở ta trong giai đoạn vừa qua của Hoàng Ngọc Hiến, đăng trên Văn nghệ, số 23 (96-1979); Báo cáo đề dẫn Hội nghị đảng viên bàn về sáng tác văn học, diễn ra từ
ngày 10 đến 12-6-1979. Ba bài viết này đã trở thành trung tâm của cuộc tranh luận
trên văn đàn kéo dài đến năm 1985. Hàng loạt những bài viết của Tô Hoài, Hà Xuân
Trường, Tố Hữu, Trần Độ, Chế Lan Viên,... đã phản bác mạnh mẽ những luận điểm
trong các bài viết trên. Nhìn chung, vấn đề mối quan hệ giữa văn học và hiện thực
được bàn đến trong giai đoạn 1975 – 1985 là không nhiều, đồng thời gắn liền với
việc nhìn nhận mối quan hệ giữa văn học và chính trị, với việc đánh giá giai đoạn
văn học 30 năm chiến tranh.

16


Sau năm 1986, cùng với đường lối đổi mới toàn diện đất nước được nêu lên ở
Đại hội Đảng VI, gần như ngay lập tức, những ngẫm ngợi, trăn trở của văn nghệ sĩ

trước đó đã bung ra, tạo nên bầu không khí cách tân sôi nổi trong đời sống văn học.
Trước yêu cầu nhìn thẳng vào sự thật, phản ánh đúng sự thật của những năm đầu
đổi mới, vấn đề mối quan hệ giữa văn học và hiện thực được cả giới lý luận, sáng
tác, quản lý văn nghệ quan tâm đặc biệt. Trách nhiệm của văn nghệ sĩ được nhìn
nhận không chỉ dừng ở nhiệm vụ phản ánh trung thực những gì mình nhận thức
được, hoặc ở sự nhiệt thành mang đến những bài học sẵn có, mà cao hơn nữa, phải
vượt lên trước công chúng của mình, dự đoán được những điều công chúng mong
đợi. Bàn về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực trong những năm đầu đổi mới,
có thể kể đến một số bài viết đáng chú ý của Nguyễn Tuân, Ngô Ngọc Bội, Nguyễn
Khải, Ma Văn Kháng, Lại Nguyên Ân, Mai Văn Tạo,... Và trong không khí sôi nổi
ấy, bài viết Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa là một cột
mốc quan trọng. Trong bài viết này, Nguyễn Minh Châu bày tỏ: “Điều đáng buồn
nhất là những người phải xoay trở, vặn vẹo cây bút, phải làm động tác giả nhiều
nhất là những nhà văn có tâm huyết, có tài, muốn văn học phải có cái gì của văn
học, chứ không muốn văn học chỉ là một sự minh họa” [33]. Ở đây, mối quan hệ
giữa văn học và hiện thực đã được Nguyễn Minh Châu bàn đến trong quan hệ với
vấn đề tự do sáng tác, vấn đề nhà văn cần phải bám sát đời sống, được nói sự thật về
đời sống: “Và cũng nhân dân, cái nhân dân Việt Nam dũng cảm sau mỗi lần đánh
giặc xong lại lặng lẽ và lầm lụi làm ăn đang giơ bàn tay chai sạn vẫy chúng ta lại, kể
cho chúng ta nghe về cái nhất thời ở trong cái muôn đời, cái độc ác nằm giữa cái nhân
hậu, cái cực đoan nằm giữa tinh thần xởi lởi, cởi mở, cái nhảy cẫng lên lấc láo giữa
cái dung dị, thái độ bình thản chịu đựng và tinh thần trách nhiệm đầy suy nghĩ” [33].
Trong bài viết này của Nguyễn Minh Châu cũng như các bài viết chúng tôi đã chỉ ra
trong giai đoạn đầu tiên của đổi mới, vấn đề mối quan hệ giữa văn học và hiện thực
chủ yếu được bàn thảo gián tiếp trong mối liên hệ chặt chẽ với vấn đề tự do sáng
tác, tự do tìm đến và phản ánh hiện thực như nó vốn có.
Trong không khí khẩn trương của những năm đầu đổi mới, Lê Ngọc Trà đã đặt
vấn đề mối quan hệ giữa văn học và hiện thực trước yêu cầu đổi mới trên bình diện
lý luận và có những kiến giải tương đối hệ thống trong bài viết Về vấn đề văn học
phản ánh hiện thực công bố trên Văn nghệ, số 20 (14-5-1988), sau đó được tuyển

17


lại trong cuốn Lý luận và văn học của ông. Bài viết cho rằng, quan niệm hạn chế về
mối quan hệ giữa văn học và hiện thực trên bình diện lý luận là một trong những
nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng suy tư tưởng, nghèo nàn của văn học
cách mạng trong suốt mấy chục năm đã qua (tính theo mốc thời gian của bài báo).
Theo tác giả, “chính việc khuyếch đại nhiệm vụ mô tả hiện thực và coi nhẹ nguyên
lý tìm tòi – thể hiện tư tưởng làm cho văn học nghèo nàn về nội dung, mà còn làm
cho nó đơn điệu và nhợt nhạt về phương diện hình thức” [182, tr. 34]. Sau khi phân
tích nguyên nhân của thực trạng đó, Lê Ngọc Trà cho rằng, việc đề cao quá mức đặc
tính phản ánh và nhiệm vụ mô tả hiện thực của văn học đã dẫn đến chỗ hiểu lệch
bản chất hoạt động sáng tạo nghệ thuật, coi nhẹ sự tìm tòi tư tưởng và thể hiện
những suy nghĩ của cá nhân nghệ sĩ trong tác phẩm. Từ đó, ông khẳng định: “Trên
bình diện lý luận nghệ thuật (khác với bình diện lý luận phản ánh), văn học trước
hết không phản ánh hiện thực mà là sự nghiền ngẫm về hiện thực” [182, tr. 41].
Đồng thời, bài viết cũng nhấn mạnh, văn học không phải không phản ánh, mô tả
hiện thực, nhưng đừng xem đây là nhiệm vụ quan trọng nhất, nhiệm vụ hàng đầu và
bao trùm của nó. Nội dung của tác phẩm văn học vì vậy cũng chứa đựng trước hết
không phải hiện thực được phản ánh, mà là tư tưởng, tình cảm của nhà văn. Mặc dù
những vấn đề đặt ra trong bài viết của Lê Ngọc Trà còn có những điểm mâu thuẫn,
như việc một mặt đòi hỏi đề cao vai trò của chủ thể sáng tạo, mặt khác lại đề cao sự
thật của khách thể, hay việc đối lập giữa phản ánh hiện thực và nghiền ngẫm hiện
thực, nhưng rõ ràng, đây là một dấu mốc khi nhắc đến vấn đề mối quan hệ giữa
văn học và hiện thực trong nhận thức lý luận văn học ở Việt Nam. Đây là công
trình đầu tiên chỉ ra một cách trực diện những bất cập trong tư duy vốn đã ngự trị
quá lâu và quá sâu trong đời sống văn nghệ nước nhà. Chính vì vậy, ngay sau khi
bài viết được công bố, đã có hàng loạt bài viết hoặc đồng tình, hoặc phản đối,
hoặc tranh biện hoặc phát triển,... và đã tạo ra một trong những cuộc tranh luận
văn nghệ lớn trong lịch sử văn học Việt Nam.

Ngay sau khi bài viết của Lê Ngọc Trà được công bố, đã có nhiếu ý kiến trao
đổi, tranh luận, thậm chí có cả phản bác, phê phán trên báo chí và các cuộc hội thảo
trong những năm 1988 – 1989 và cả những năm 1991 – 1992 (sau khi bài viết được
tuyển lại trong sách Lý luận và văn học của ông). Những người tán thành quan điểm
của Lê Ngọc Trà đã phân tích và chỉ ra thêm những hạn chế của quan niệm văn học
phản ánh hiện thực. Những người tranh luận với Lê Ngọc Trà lại chỉ ra những mâu

18


thuẫn trong lập luận của ông, như bài viết Phải trích dẫn và lý giải các tác giả kinh
điển và cổ điển nghiêm túc, chính xác (Trao đổi về mối quan hệ giữa văn học và
hiện thực với Lê Ngọc Trà) in trên Tạp chí Văn nghệ quân đội, tháng 2-1989 của
Phương Lựu; Vài suy nghĩ về những cuộc tranh luận văn học gần đây in trên Văn
nghệ, số 29 (22-7-1989) của Đinh Xuân Dũng; Văn học có nhiệm vụ phản ánh hiện
thực hay không, Tạp chí Văn nghệ quân đội, tháng 4-1992; Bàn thêm về vấn đề đổi
mới lý luận văn nghệ, Báo Văn nghệ, số 29 năm 1992 của Trần Đình Sử;... Sức
nóng từ bài viết của Lê Ngọc Trà tiếp tục lan tỏa trong cuộc hội thảo bàn tròn về
“văn học và hiện thực” được tổ chức vào tháng 7 năm 1988 tại Viện Văn học. Tại
cuộc hội thảo này, vấn đề mối quan hệ giữa văn học và hiện thực đã được mổ xẻ từ
các góc độ khác nhau, trong đó vấn đề trung tâm, thống nhất là cần phải quan niệm
rõ, hiện thực là gì, văn học là gì, phản ánh để làm gì và vai trò của người đọc như
thế nào khi nhìn nhận văn học từ góc độ phản ánh. Hoàng Ngọc Hiến cho rằng,
“phản ánh hiện thực trước hết là phản ánh những vấn đề phải giải quyết”, “hiện thực
phải được quan niệm trong nhận thức và ý thức của chủ thể con người”, “phản ánh
hiện thực, nhà văn nhất thiết phải có mong muốn về hiện thực, phải có ham muốn
cải tạo hiện thực, tức là ham muốn giải quyết tích cực những vấn đề được đặt ra
trong hiện thực cuộc sống”, và “tác phẩm phải truyền cho người đọc ham muốn cải
tạo hiện thực cuộc sống, dĩ nhiên là cải tạo theo chiều hướng tích cực cách mạng”.
Lê Xuân Vũ không đồng ý với Lê Ngọc Trà ở luận điểm văn học không có nhiệm

vụ phản ánh hiện thực, nhưng đồng thời cũng thừa nhận, không thể coi nhiệm vụ
phản ánh là duy nhất, độc tôn. Phương Lựu khẳng định, bên cạnh những ý kiến “hết
sức đúng đắn” thì bài viết của Lê Ngọc Trà thiếu thông tin, nên chưa xác lập được
một “lịch sử vấn đề” khi triển khai các luận điểm vì vậy không tránh khỏi “sai lầm”.
Hà Minh Đức đồng ý với Phương Lựu khi chỉ ra những hạn chế trong bài viết của
Lê Ngọc Trà như việc trích dẫn các tác giả kinh điển, sự mâu thuẫn trong luận điểm.
Trong khi đó, Nguyễn Huệ Chi lại ủng hộ Lê Ngọc Trà ở hai vấn đề cốt lõi, “nhấn
mạnh trở lại vai trò của chủ thể sáng tạo” và “phản ánh hiện thực là một thuộc tính
của văn học”,... [129].
Tiếp tục dòng mạch lý luận về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực, chuyên
luận Văn học và hiện thực do Phong Lê chủ biên đã kiến giải vấn đề ở nhiều khía
cạnh khác nhau, một cách hệ thống và điềm tĩnh hơn. Về vấn đề văn học phản ánh
hiện thực dưới ánh sáng phản ánh luận của Marx, Lenin, Phương Lựu cho rằng: “Nói
19


×