Tải bản đầy đủ (.docx) (11 trang)

Đổi mới giảng dạy đại học chuyên ngành: thị trường là thước đo đánh giá

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (116.09 KB, 11 trang )

Đổi mới giảng dạy đại học chuyên ngành: thị trường là thước đo
đánh giá

Dẫn nhập
Bài viết thuộc nhóm nội dung thứ nhất : Đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập
trong giáo dục đại học. Cụ thể, nội dung bài viết phân tích thực trạng và đề xuất giải
pháp nhằm đưa thị trường trở thành thước đo đánh giá trong giảng dạy đại học chuyên
ngành. Quan điểm giáo dục lấy người học làm trung tâm là một bước đi đúng đắn, tuy
nhiên, phân tích thực trạng cho thấy chính người học lại không biết mình thực sự cần
gì. Vì vậy, thị trường phải là thước đo đánh giá, qua đó, cải thiện chất lượng dạy và học
đối với đại học chuyên ngành. Từ cơ sở phân tích này, bài viết đề xuất một số giải pháp
nhằm hiện thực hóa ý tưởng này.

1. Tóm tắt

1


Mục tiêu chính của bài viết thuộc nhóm nội dung thứ nhất : Đổi mới phương pháp giảng
dạy và học tập trong giáo dục đại học chuyên ngành. Trong những năm qua, quan điểm
giáo dục đại học lấy người học làm trung tâm đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực
và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy, thực
tế phát sinh một vấn đề rất cần được quan tâm xem xét: đa số sinh viên ham học hỏi
nhưng chính họ lại không biết mình thực sự cần gì.
Sinh viên muốn học rất nhiều kiến thức, kỹ năng nhưng lại không biết, qua đó,
không chú trọng trang bi những kiến thức, kỹ năng cần thiết nhất phục vụ chuyên
ngành mà mình đã chọn. Thời gian là có giới hạn, vì vậy, sinh viên biết rất nhiều nhưng
lại không chuyên về một lĩnh vực. Hệ quả là, khi tốt nghiệp và bắt đầu sự nghiệp, họ
gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Lược khảo lý thuyết chỉ ra,
việc người lao động thiếu những kiến thức, kỹ năng phục vụ cho công việc thực tế là
một trong những nhân tố chính làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp của lao động có trình độ.


Phân tích thực trạng giáo dục đại học hiện nay cho thấy, phương pháp giảng
dạy, cách thức tổ chức, đánh giá sinh viên hiện nay còn nhiều hạn chế trong việc trang
bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho sinh viên. Vì vậy, nội dung giảng dạy chậm đổi mới,
cập nhật, chưa phù hợp với yêu cầu mà môi trường thực tế đặt ra.
Trong sự nghiệp của mỗi người, những bước đầu tiên là quan trọng nhất, vì vậy,
thị trường phải là thước đo đánh giá trong giảng dạy đại học chuyên ngành. Qua đó,
người học biết mình cần phải chuẩn bị gì và người thầy cũng hiểu được mình cần phải
giảng dạy như thế nào để phù hợp với môi trường thực tế.
Chính vì những lý do trên, mục tiêu của bài viết nhằm phân tích thực trạng và
đề xuất một số ý tưởng nhằm đưa thị trường, như một thước đo đánh giá, gắn chặt hơn
vào quá trình giảng dạy đại học chuyên ngành. Cụ thể, bên cạnh những mục tiêu dài
hạn, bài viết đề xuất một số giải pháp trong ngắn hạn như sau:
 Đổi mới kì thực tập thực tế tại doanh nghiệp. Kì thực tập hiện nay đa số các trường đại

học đều thực hiện vào học kì cuối của năm học cuối. Theo đó, tác giả đề xuất là nên có
hai kì thực tập thực tế tại doanh nghiệp. Kì thực tập đầu được thực hiện vào lúc sinh
viên mới vào chuyên ngành. Kì thực tập này chỉ đánh giá tính chuyên cần của sinh
viên. Qua đó, sinh viên biết mình cần trang bị những gì, điều chỉnh những gì để phù
hợp với nhu cầu thực tế. Kì thực tập thứ hai sẽ là kì đánh giá quan trọng, xem sinh viên

2


sau quá trình trang bị thích ứng như thế nào đối với công viêc thực tế. Vì vậy, đánh giá
của doanh nghiệp phải đóng vai trò quan trọng trong kì thực tập này.
 Các buổi hội thảo, tư vấn nghề ngiệp trở thành một phần bắt buộc, phải được tổ chức
thường xuyên, có chất lượng trong chương trình học. Kết hợp cùng cơ chế khuyến
khích doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo, việc tổ chức thường xuyên và có chất
lượng hoạt động này là rất khả thi.
 Tạo ra cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo. Trước tiên, cơ sở

giáo dục cũng như Đoàn thanh niên cần có những chính sách vinh danh các doanh
nghiệp tham gia tích cực; kiến nghị Bộ Tài Chính có chính sách ưu đãi thuế cho các
doanh nghiệp này.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, ngoài phần tóm tắt, các phần còn lại của bài viết
được cấu trúc như sau: Phần 2 là cơ sở lý thuyết, phần 3 nhằm phân tích thực trạng và
phần 4 là kết luận và đề xuất giải pháp.
2. Cơ sở lý thuyết

Khám phá các nhân tố tác động đến tỷ lệ thất nghiệp của một quốc gia là chủ đề được
nhiều học giả quan tâm nghiên cứu (Branson & Leibbrandt, 2013; Hanapi & Nordin,
2014; Ismail & ctg, 2011; Støren & Aamodt, 2010; Weligamage & Siengthai, 2003).
Tuy nhiên, các nghiên cứu lại dựa trên những cơ sở lý thuyết, lập luận khác nhau.
Nghiên cứu của Hanapi & Nordin (2014) chỉ ra chất lượng sinh viên tốt nghiệp, năng
lực giảng viên và chất lượng giáo dục là ba nhân tố chính tác động đến tỷ lệ thất
nghiệp. Ismail & ctg (2011) kết luận nhân lực có trình độ nhưng không đáp ứng được
yêu cầu thực tế là một nguyên nhân chính yếu dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao.
Weligamage & Siengthai (2003) luận giải, thực trạng các trường đại học chưa cung các
kiến thức, kỹ năng lao động cần thiết phục vụ nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động
dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao .Støren & Aamodt (2010) nhận định rằng cơ hội được
tuyển dụng của sinh viên tốt nghiệp phụ thuộc vào mức độ chương trình học của họ có
liên quan như thế nào với môi trường lao động thực tiễn.
Có thể nhận định, mặc dù các nghiên cứu dựa trên những lập luận khác nhau
song đều cho thấy việc sinh viên tốt nghiệp không đáp ứng được yêu cầu thực tế hay
chương trình học chưa gắn liền với thực tế là một trong những nguyên nhân chính dẫn
đến tình trạng thất nghiệm cao. Tỷ lệ cử nhân đại học thất nghiệp cao là do họ thiếu
những kỹ năng mà công việc thực tế yêu cầu (Hanapi & Nordin, 2014). Những nhà
tuyển dụng nhận định rằng những cử nhân đại học không đủ kiến thức và kỹ năng cần
3



thiết cho công việc nên hiệu quả làm việc không cao (Støren & Aamodt, 2010;
Weligamage & Siengthai, 2003). Điều này dẫn đến nghịch lý là mặc dù tỷ lệ sinh viên
tốt nghiệp đại học thất nghiệp cao song lại thiếu hụt nhân lực trình độ cao ở hầu hết tất
cả các lĩnh vực (Hanapi & Nordin, 2014).
Như vậy, lý thuyết cho thấy, để sinh viên tốt nghiệp có khả năng được tuyển
dụng và thành công trong môi trường làm việc thực tế, đổi mới chương trình đào tạo
theo hướng gắn kết hơn với môi trường thực tế là rất quan trọng và cấp bách. Ở các
phần tiếp theo của bài viết, tác giả phân tích thực trạng và thảo luận một số giải pháp
nhằm đưa thị trường, như một thước đo đánh giá, gắn kết hơn với chương trình đào tạo
đại học chuyên ngành hiện nay.
3. Thực trạng

3.1 Tình hình thất nghiệp của lao động có trình độ chuyên môn
Số lượng sinh viên ra trường không có việc làm hiện nay rất đáng lo ngại. Thực
trạng này gây ra nhiều lãng phí cho gia đình và xã hội. Theo dự báo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, năm 2017, số lượng người thất nghiệp có bằng cử nhân tiếp
tục gia tăng, hơn 200.000 người so với năm 2016 (Báo điện tử của đài tiếng nói Việt
Nam, 2017).
Biểu đồ 1: Tỷ lệ lao động thât nghiệp có trình độ chuyên môn khoa học kỹ thuật

Nguồn: Đỗ Văn Dũng (2017)

4


Một nghịch lý là sinh viên được đào tạo ở trình độ càng cao thì tỷ lệ thất nghiệp
càng lớn. Đồ thị 1 trên đây cho thấy, nhóm lao động có trình độ từ đại học trở lên
chiếm thị phần lớn nhất, khoảng 44,7% số lao động thất nghiệp có trình độ chuyên
môn khoa học kỹ thuật. Tính luôn tỷ lệ lao động có trình độ từ cao đẳng trở thì tỷ lệ là
hơn 80% số lao động thất nghiệp có trình độ chuyên môn khoa học kỹ thuật.
3.2 Nguyên nhân

Phân tích các nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, các học giả đưa ra rất nhiều
lập luận khác nhau. Ở một góc độ, ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học
lao động và xã hội thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, luận giải ba nguyên
nhân chính dẫn đến thực trạng sinh viên tốt nghiệp không việc làm hiện nay (Báo điện
tử của đài tiếng nói Việt Nam, 2017):
Thứ nhất, sinh viên lựa chọn ngành nghề không xuất phát từ đam mê mà là từ
gia đình, bố mẹ định hướng. Nhiều phụ huynh vẫn theo quan điểm cho con cái học
ngành nghề gì để vào làm nhà nước, sau này được nhàn thân, nhưng thực tế thì không
phải như vậy.
Thứ hai, tư vấn giới thiệu việc làm và hướng nghiệp cho sinh viên trong nhà
trường chưa được tốt; thông tin thị trường lao động, nhất là việc kết nối cung và cầu thị
trường lao động còn nhiều hạn chế. Nhiều sinh viên không nắm được các doanh nghiệp
họ đang cần loại lao động nào, trình độ nào để hướng sinh viên học ngành nghề đó.
Thứ ba, chất lượng đào tạo tại các trường, cơ sở giáo dục đào tạo cũng là một
nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp.
Ở một góc độ khác, theo PGS.TS. Đỗ Văn Dũng (2017), Hiệu trưởng trường
Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, những vấn đề chính dẫn đến tình trạng thất
nghiệp như hiện nay bao gồm:
Thứ nhất, tỷ lệ nguồn nhân lực cung vượt cầu hoăc cơ cấu cung – cầu không
cân đối. Hiện nay cơ sở dữ liệu về nguồn đào tạo nhân lực cho từng ngành nghề cụ thể
chưa gắn liền với nhu cầu nhân lực của xã hội và chưa được phổ biến; công tác điểu
chỉnh quy mô đào tạo, chỉ tiêu tuyển sinh… còn nhiều hạn chế. Theo đó, đa số các
trường đại học chỉ xác định chỉ tiêu dựa trên năng lực hiện có.
Thứ hai, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Với con số
hơn bốn trăm trường đại học và cao đẳng, chất lượng đào tạo ở mỗi trường là khác
5


nhau. Do đó, không phải tổ chức đào tạo nào cũng đảm bảo được chất lượng đào tạo
đáp ứng nhu cầu xã hội. Không phải trường đại học, cao đẳng nào cũng đủ nhân lực để

có thể xây dựng và triển khai chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Ngay cả
những trường đại học tốt cũng không thể đảm bảo đáp ứng được nhu cầu xã hội 100%.
Vì vậy vấn đề này là chất lượng đào tạo còn nhiều bất cập là tất yếu.
Thứ ba, sự biến đổi không ngừng của nền kinh tế, dẫn đến nhu cầu nhân lực
thay đổi. Đây là nguyên nhân khách quan của sự phát triển kinh tế, kỹ thuật. Thời gian
đào tạo người lao động có trình độ đại học trung bình là bốn năm. Sau thời gian đào
tạo, sự biến động của nhu cầu nhân lực là việc tất yếu. Trong những năm gần đây, khi
kỹ thuật công nghệ phát triển mạnh, nguồn nhân lực đã thay đổi cơ cấu. Những dây
chuyền sản xuất tự động đã thay thế rất nhiều nhân lực. Cuộc cách mạng công nghiệp
lần thứ tư cũng sẽ làm thay đổi lớn cơ cấu nhân lực. Vì vậy, không khác hơn là các đơn
vị đào tạo và người lao động phải tự thích nghi với sự thay đổi này.
Thư tư, tư vấn hướng nghiệp còn chưa được chú trọng dẫn đến sự hiểu biết hạn
chế của học sinh lẫn phụ huynh về cơ cấu ngành nghề và tầm quan trọng của các bậc
đào tạo. Việc truyền tải nội dung hướng nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Ở các
trường THPT chỉ có một vài giáo viên hướng nghiệp. Các giáo viên hướng nghiệp
cũng chỉ được “tập huấn” “cưỡi ngựa xem hoa” cho có như mỗi lần tập huấn “cán bộ
coi thi”. Việc hướng nghiệp cần được chuyên nghiệp hóa, cần được quan tâm nhiều
hơn. Tư vấn hướng nghiệp không chỉ tư vấn cho học sinh, mà còn phải tư vấn cho phụ
huynh. Lâu nay, các trường đại học tự thân vận động, tự tổ chức tư vấn và quảng bá.
Một số trường thì chỉ lo quảng cáo mà quên mất trách nhiệm của mình là chuyên gia tư
vấn, cần mang lại sự hiểu biết đúng đắn, trung thực về ngành nghề và các bậc đào tạo.
Đây cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều em học sinh và phụ huynh lung túng với
quyết định chọn ngành, chọn nghề của mình. Quan điểm phải học đại học mới thành
công cứ dẫn dắt thế hệ này rồi đến thế hệ khác, dẫn đến việc ai cũng muốn vào đại học.
Trong khi đó, GS.VS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo
dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, thực trạng này xuất
phát từ có ba nguyên nhân: tỷ lệ thất nghiệp cũng phụ thuộc nhiều vào tốc độ tăng
trưởng kinh tế; đào tạo nhân lực không phù hợp với thị trường lao động, chưa gắn đến
quy hoạch phát triển nguồn nhân lực và trách nhiệm của ngành GD khi chất lượng đào
tạo nhân lực của các cơ sở đào tạo không đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế (Báo

Pháp Luật, 2017).

6


Nhận xét
Có thể nhận thấy, dựa trên những lập luận khác nhau, các chuyên gia đã luận
giải các nguyên nhân khác nhau dẫn đến thực trạng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp thất
nghiệp cao tại Việt Nam trong những năm qua. Dù vậy, cũng như lược khảo lý thuyết,
các nguyên nhân trên có nhiều nét tương đồng, trong đó phần lớn nguyên nhân xuất
phát từ hạn chế là người học và cơ sở giáo dục chưa nắm bắt được nhu cầu của thị
trường, chưa lấy thị trường làm thước đo đánh giá. Chẳng hạn, nguyên nhân tư vấn
hướng nghiệp còn hạn chế, chất lượng đào tạo tại các trường, cơ sở giáo dục đào tạo
hay chất lượng nguồn nhân lực cung không phù hợp với chất lượng cầu đều xuất phát
từ việc dạy và học chưa gắn với thị trường. Nhà trường chưa thật sự gắn kết với doanh
nghiệp, chưa xem phản hồi của doanh nghiệp là tiêu chuẩn để đổi mới chương trình. Vì
vậy, nhu cầu ngày càng cao của môi trường làm việc thực tế chưa được phản ánh trong
nội dung giảng dạy.
Người học, cũng do không nắm bắt được yêu cầu của công việc thực tế trong
tương lai nên cũng không chủ động trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết. Năm
2016, tác giả có thực hiện khảo sát các sinh viên thuộc các chuyên ngành kinh tế thuộc
khu vực công phục vụ cho mục tiêu nghiên cứu của bài báo phân tích xu hướng lựa
chọn khu vực làm việc của sinh viên các chuyên ngành thuộc khu vực công tham dự
hội nghị nhà kinh tế trẻ lần III do Đoàn Thanh niên TP.HCM tổ chức. Mặc dù không
phải trọng tâm là chủ đề của bài viết này song kết quả khảo sát lại phản ánh một thực
trạng khác.
Kết quả khảo sát chỉ ra, sinh viên các chuyên ngành này thực sự chưa biết họ
cần trang bị những gì để đáp ứng yêu cầu công việc thực tế của chuyên ngành mà mình
lựa chọn. Khi được hỏi những kiến thức, kỹ năng nào mà bạn thấy cần thiết nhất cho
công việc thực tế, ngoài kiến thức chuyên môn, anh văn và tin học, các kỹ năng khác

gần như không có sự hội tụ. Trong khi đó, câu hỏi tương tự với những cựu sinh viên đã
tốt nghiệp đang làm việc thực tế lại có tính hội tụ rất cao. Trong đó, anh văn và kỹ năng
giải quyết vấn đề được đánh giá là quan trọng nhất. Chị Trần Thị Mỹ Linh, cựu sinh
viên khoa Tài Chính Công khóa 31, cán bộ thuế Chi Cục Thuế Quận Bình Tân và chị
Võ Hoàng Anh Thảo, thủ khoa đầu ra Khoa Tài Chính Công khóa 38, hiện đang là
chuyên viên tư vấn thuế công ty KPMG Việt Nam, đều nhận định, sinh viên Khoa Tài
Chính Công được trang bị rất tốt về kiến thức chuyên môn ở từng loại thuế riêng rẽ.
Tuy nhiên, các sinh viên của khoa lại lúng túng trong việc kết hợp, vận dụng kiến thức

7


các loại thuế để giải quyết một tình huống cụ thể. Vì vậy, khả năng được tuyển dụng
vào cơ quan thuế hay các công ty tư vấn thuế hàng đầu còn chưa tương xứng với tiềm
năng.
Hơn nữa, thực tế cho thấy, đưa thị trường làm thước đo đánh giá sẽ là tiền đề
cho những giải pháp khác. Ở đơn vị tác giả đang công tác, một vài nỗ lực thay đổi
nhưng không xuất phát từ thị trường đã không mang lại hiệu quả như mong đợi. Trong
thời gian qua, nhận thấy anh văn là kỹ năng quan trọng mà sinh viên cần được trang bị,
Khoa Tài Chính Công, Câu lạc bộ Anh Văn Apple và Trung tâm Anh ngữ JOLO
English thực hiện Đề án nâng cao trình độ Anh văn cho sinh viên khoa Tài chính công.
Bước đầu tiên của đề án này là tổ chức thi thử để đánh giá, phân loại các bạn sinh viên
để có kế hoạch đào tạo phù hợp. Tuy nhiên, chỉ có 16 sinh viên tham gia thi thử. Rõ
ràng, các bạn biết nhưng chưa thấy được tầm quan trọng của ngoại ngữ trong công việc
thực tế. Tác giả tin rằng, chỉ khi các bạn sinh viên được trải nghiệm công việc thực tiễn
hoặc ít nhất là được chia sẻ từ chính các công ty tuyển dụng uy tín mới tạo ra động lực
để các bạn thay đổi.
4. Kết luận và đề xuất giải pháp

4.1 Kết luận

Như vậy, những phân tích trên cho thấy, quan điểm giáo dục lấy người học làm trung
tâm và thị trường là thước đo đánh giá là cần thiết, phù hợp với bối cảnh giảng dạy đại
học chuyên ngành hiện nay. Nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với khu vực doanh
nghiệp. Qua đó, những phản hồi của doanh nghiệp sẽ là những thước đo để nhà trường
và người học biết mình cần phải làm gì để đáp ứng nhu cầu thực tế. Thực hiện hiệu quả
giải pháp này sẽ tiền đề để giải quyết những hạn chế khác.
Tác giả nhận định rằng, không có một phương pháp học tập và giảng dạy nào là
phù hợp với tất cả chuyên ngành. Chỉ khi nhà trường nhận phản hồi từ doanh nghiệp và
lấy đó làm tiêu chuẩn để đổi mới phương pháp, nội dung đào tạo mới mang lại hiệu
quả cho từng chuyên ngành cụ thể. Chẳng hạn, với chuyên ngành thuế, khi nhận được
phản hồi từ môi trường làm việc thực tế, bản thân tác giả tin rằng, việc kết hợp giảng
dạy truyền thống và giảng dạy tình huống sẽ mang lại kết quả tích cực.

8


4.2 Mục tiêu dài hạn
Như vậy, phân tích thực trạng cho thấy, sự gắn kết giữa nhà trường và môi trường làm
việc thực tế hiện nay là rất hạn chế. Để khắc phục, các giải pháp cần được thực hiện
đồng bộ, lâu dài. Trong dài hạn, chúng ta cần hướng đến một số mục tiêu như sau:
 Lấy thị trường làm thước đo đánh giá. Xây dựng cơ chế đưa đánh giá của doanh nghiệp

trở thành một phần đánh giá quan trọng quá trình học tập của sinh viên bên cạnh
phương pháp đánh giá truyền thống. Qua đó, sinh viên không chỉ được đánh giá về
kiến thức chuyên môn mà còn ở khả năng vận dụng kiến thức vào tình huống thực tế.
 Xây dựng kênh trao đổi thường xuyên giữa nhà trường, doanh nghiệp và người học.
Qua đó, nhà trường biết được doanh nghiệp cần gì, đánh giá sinh viên của mình ra sao
để có những thay đổi thích hợp. Người học cũng biết được mình cần trang bị những gì
để chủ động học tập.
 Tạo ra những cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo. Doanh

nghiệp hoạt động vì lợi nhuận, vì vậy, chính phủ cần có chính sách khuyến khích, thúc
đẩy động cơ doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo.
4.3 Giải pháp ngắn hạn
Những mục tiêu trên là những mục tiêu lâu dài, cần thời gian và nhiều nỗ lực để hiện
thực hóa. Trong bối cảnh thực tế hiện nay, tác giả xin đề xuất một số giải pháp cụ thể
như sau:
 Đổi mới kì thực tập thực tế tại doanh nghiệp. Kì thực tập hiện nay đa số các trường đại

học đều thực hiện vào học kì cuối của năm học cuối. Điều này dẫn đến một số vấn đề.
Người học, sau khi biết được yêu cầu của công việc thực tế, không còn thời gian để
trang bị lại kiến thực, kỹ năng mình còn thiếu. Theo đó, tác giả đề xuất là nên có hai kì
thực tập thực tế tại doanh nghiệp. Kì thực tập đầu tiên được thực hiện vào lúc sinh viên
mới vào chuyên ngành. Kì thực tập này chỉ đánh giá tính chuyên cần của sinh viên.
Qua đó, sinh viên biết mình cần trang bị những gì, điều chỉnh những gì để phù hợp với
nhu cầu thực tế. Kì thực tế thứ hai sẽ là kì đánh giá quan trọng, xem sinh viên sau quá
trình trang bị thích ứng như thế nào đối với công viêc thực tế. Vì vậy, đánh giá của
doanh nghiệp phải đóng vai trò quan trọng trong kì thực tập này.
 Các buổi hội thảo, tư vấn nghề nghiệp trở thành một phần bắt buộc, phải được tổ chức
thường xuyên, có chất lượng trong chương trình học. Thực tế cho thấy, các cơ sở giáo
dục có tổ chức các buổi hội thảo, tư vấn nghề nghiệp cho sinh viên. Tuy nhiên, hoạt
động này tổ chức không thường xuyên, chủ yếu dựa vào mối quan hệ của nhà trường
và thiện chí của doanh nghiệp. Vì vậy, hiệu quả đạt được không như mong đợi. Kết
9


hợp cùng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo, việc tổ chức
thường xuyên và có chất lượng hoạt động này là rất khả thi.
 Tạo ra cơ chế khuyến khích doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo. Trước tiên, cơ sở
giáo dục cũng như Đoàn thanh niên cần có những chính sách vinh danh các doanh
nghiệp tham gia tích cực vào quá trình đào tạo như vinh danh, khen thưởng các doanh

nghiệp vì sự nghiệp giáo dục, ưu tiên tuyển dụng các sinh viên xuất sắc. Từ đó, cơ sở
giáo dục cũng như đoàn thành niên tiến tới kiến nghị Bộ Tài Chính có chính sách ưu
đãi thuế cho các doanh nghiệp này.
4.4 Hạn chế
Tuy nhiên, những thảo luận của bài viết này chủ yếu là ở những chuyên ngành tương
đối đặc thù như thuế, kế toán, ngân hàng bởi sự tương đồng của các doanh nghiệp
trong các chuyên ngành này. Theo tác giả, chuyên ngành thuế là chuyên ngành thích
hợp để thí điểm các giải pháp này. Ở những bước nỗ lực đầu tiên, khoa Tài Chính Công
đang từng bước kết hợp cùng các các công ty kiểm toán, tư vấn thuế hàng đầu như
PricewaterhouseCoopers, Deloitte tổ chức các buổi hội thảo tư vấn nghề nghiệp thường
xuyên cho các sinh viên chuyên ngành thuế. Tuy nhiên, như đã trình bày, các nỗ lực
này chủ yếu là từ mối quan hệ của khoa cũng như thiện chí của các doanh nghiệp.
Muốn thực hiện hiệu quả lâu dài, việc xây dựng cớ chế thúc đẩy, vinh danh doanh
nghiệp vì sự nghiệp giáo dục là điều cần thiết.

10


Tài Liệu Tham khảo
Báo điện tử của đài tiếng nói Việt Nam. (2017, 02 13). Báo điện tử của đài tiếng nói
Việt Nam. Retrieved 10 2017, 8, from : />Báo Pháp Luật. (2017). Báo Pháp Luật. Retrieved 10 8, 2017, from
: />Branson, N., & Leibbrandt, M. (2013). Education quality and labour market outcomes
in South Africa.
Đỗ Văn Dũng (2017). Giải pháp nâng cao tỷ lệ việc làm cho sinh viên. Giải pháp nâng
cao chất lượng giáo dục đại học. Đà nẵng: Bộ giáo dục và đào tạo.
Hanapi, Z., & Nordin, M. S. (2014). Unemployment among Malaysia graduates:
Graduates’ attributes, lecturers’ competency and quality of education. ProcediaSocial and Behavioral Sciences, 112, 1056-1063.
Ismail, R., Yussof, I., & Sieng, L. W. (2011). Employers’ perceptions on graduates in
Malaysian services sector. International Business Management, 5(3), 184-193.
Støren, L. A., & Aamodt, P. O. (2010). The quality of higher education and

employability of graduates. Quality in Higher Education, 16(3), 297-313.
Weligamage, S., & Siengthai, S. (2003). Employer needs and graduate skills: the gap
between employer expectations and job expectations of Sri Lankan university
graduates. Paper presented at the 9th International conference on Sri Lanka
Studies. Matara, Sri Lanka.

11



×