Tải bản đầy đủ (.doc) (9 trang)

Hồ sơ thẩm định Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thể dục, thể thao To trinh du an Luat

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (93.27 KB, 9 trang )

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

————
Số:

/TTr-BVHTTDL

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
———————————
Hà Nội, ngày
tháng
năm 2017
TỜ TRÌNH

Về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao
____________

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện Nghị quyết số 22/2016/QH14 ngày 29/7/2016 của Quốc hội về
điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình
xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, căn cứ Quyết định số 1840/QĐ-TTg ngày
23/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo
các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết được bổ sung vào Chương trình xây dựng
luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017,
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kính trình Thủ tướng Chính phủ dự án Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao với các nội dung chính
như sau:
I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT
SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THỂ DỤC, THỂ THAO


Luật thể dục, thể thao (sau đây viết tắt là Luật TDTT) được Quốc hội
khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006 và có hiệu lực từ
ngày 01 tháng 7 năm 2007 trên cơ sở kế thừa Pháp lệnh Thể dục thể thao năm
1999. Sau mười năm thực hiện, Luật TDTT đã phát huy hiệu quả tốt, có nhiều
tác động tích cực về chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước và sự phát triển của
ngành Thể dục thể thao, thể hiện ở những điểm cơ bản như sau:
Thứ nhất, Luật TDTT đã tạo ra bước chuyển biến căn bản trong nhận thức
của toàn xã hội về vị trí, vai trò, tác dụng của TDTT trong việc bảo vệ, nâng cao
sức khoẻ, thể lực, tầm vóc và chất lượng cuộc sống của nhân dân, chất lượng
nguồn nhân lực, giáo dục ý chí, đạo đức, xây dựng lối sống và môi trường văn
hoá lành mạnh, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, mở rộng quan hệ
hữu nghị và hợp tác quốc tế.
Thứ hai, Luật TDTT đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu
lực, hiệu quả trong quản lý và phát triển sự nghiệp TDTT. Từ chỗ TDTT hoàn
toàn được bao cấp bởi nhà nước, đến nay đã từng bước được xã hội hoá, một số
môn thể thao chuyển dần sang cơ chế thể thao chuyên nghiệp, vai trò của các tổ
chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp về TDTT ngày càng được nâng cao;
các hoạt động TDTT được tổ chức thường xuyên trong các đối tượng và ở khắp
các vùng miền của đất nước, đã và đang thu hút sự tham gia đông đảo của nhân
dân; hoạt động kinh doanh dịch vụ TDTT ngày càng phát triển, ngày càng có
đóng góp nhiều hơn vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.


Thứ ba, Luật TDTT đã góp phần luật hóa các quy định của điều ước quốc
tế trong lĩnh vực TDTT mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập, thúc đẩy giao lưu,
hợp tác TDTT giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức thể thao quốc tế, góp
phần thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế.
Thứ tư, Luật TDTT được ban hành đã thúc đẩy sự phát triển của Thể thao
Việt Nam trong những năm qua: Năm 2016, tỷ lệ người tập thể dục thể thao
thường xuyên đạt 29,53% tổng số dân, tỷ lệ gia đình thể thao đạt 21,2% tổng số

hộ gia đình trên toàn quốc; số lượng huy chương giành được tại các giải thể thao
quốc tế chính thức là 482 huy chương vàng, 385 huy chương bạc, 345 huy
chương đồng. So với năm 2006, khi Luật TDTT được ban hành, tỷ lệ người tập
thể thao thường xuyên tăng hơn 1,5 lần, tỷ lệ gia đình thể thao tăng hơn gần 2
lần; số lượng huy chương giành được tại các giải thể thao quốc tế chính thức
tăng gấp 2,9 lần, thành tích của Đoàn thể thao Việt Nam luôn nằm trong 3 nước
đứng đầu các nước Đông Nam Á, một số vận động viên đạt trình độ hàng đầu
châu Á và thế giới, đặc biệt, năm 2016 lần đầu tiên Thể thao Việt Nam giành
được huy chương vàng tại Thế vận hội Olympic, Paralympic.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, đến nay Luật TDTT đã
xuất hiện một số bất cập, cụ thể như sau:
Một là, một số điều, khoản của Luật có nội dung còn thiếu cụ thể dẫn đến
việc khó thi hành trong thực tế, như: chính sách của nhà nước đối với phát triển
thể dục thể thao quần chúng; xã hội hoá các hoạt động thể thao; trách nhiệm của
Bộ, ngành, của nhà trường các cấp đối với công tác giáo dục thể chất và hoạt
động thể thao trong nhà trường…
Hai là, một số quy định của Luật đã không còn phù hợp với tình hình thực
tế hiện nay như: các quy định về quản lý doanh nghiệp thể thao, hộ kinh doanh
thể thao không phù hợp với Luật doanh nghiệp, nhiệm vụ, quyền hạn của các
Liên đoàn thể thao quốc gia đã có nhiều thay đổi với xu thế phát triển của thể
thao chuyên nghiệp trong khi các quy định của Luật còn thiếu…
Ba là, một số nội dung phát sinh trong thực tiễn cần phải có sự điều chỉnh
trong khi Luật hiện hành chưa có quy định như: thi đấu thể thao quần chúng và
thẩm quyền tổ chức các giải thể thao quần chúng, thẩm quyền ban hành luật thi
đấu thể thao, đặt cược thể thao…
Để giải quyết những hạn chế, bất cập nêu trên, việc xây dựng và ban hành
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT là cần thiết nhằm đảm bảo
tính đồng bộ của pháp luật, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy thể dục,
thể thao nước ta phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
II. MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THỂ DỤC, THỂ THAO
1. Mục đích
Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT nhằm
đáp ứng yêu cầu, hiệu quả thi hành Hiến pháp năm 2013, thiết lập hành lang
2


pháp lý nâng cao nhận thức, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về
TDTT, tạo điều kiện cho ngành TDTT phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
2. Quan điểm chỉ đạo
a) Tiếp tục thể chế hoá đường lối của Đảng về phát triển TDTT theo tinh
thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết số
08-NQ/TW ngày 01/12/2011 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của
Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020.
b) Trên cơ sở kế thừa nội dung Luật TDTT năm 2006, sửa đổi, bổ sung
các nội dung liên quan nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập, những vấn
đề mới phát sinh trong hoạt động TDTT; duy trì các quy định còn phù hợp của
Luật TDTT và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được kiểm nghiệm qua thực
tiễn; phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan ở trung ương và chính quyền các
cấp ở địa phương.
c) Bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam với
các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.
III. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG
MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THỂ DỤC, THỂ THAO
1. Tổng kết thi hành Luật thể dục, thể thao
Thực hiện nội dung phân công chủ trì xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều của Luật TDTT của Chính phủ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch đã tiến hành tổng kết 10 năm thi hành Luật TDTT (có báo cáo riêng).
2. Soạn thảo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể
dục, thể thao

a) Thực hiện nhiệm vụ xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật TDTT, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết
định về việc thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập dự án Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật TDTT.
Ban soạn thảo đã nghiên cứu, xem xét một cách khách quan, toàn diện các
vấn đề liên quan đến mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, định hướng cơ bản xây dựng
dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT và đã họp để thảo luận,
cho ý kiến về những vấn đề này và nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một
số điều của Luật TDTT.
b) Cơ quan chủ trì soạn thảo đã tổ chức một số cuộc tọa đàm, hội thảo
khoa học để lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia về thể dục,
thể thao, rà soát, tham khảo pháp luật TDTT ở trong nước, nước ngoài về mục
tiêu, quan điểm và những định hướng lớn cần được thể hiện trong dự án Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT.
c) Tổ chức khảo sát một số địa phương trong nước, nghiên cứu, biên dịch
tài liệu quốc tế liên quan đến pháp luật thể dục thể thao của một số nước, nhất là
các nước có điều kiện kinh tế, xã hội và trình độ phát triển TDTT tương tự với
Việt Nam.
3


d) Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT đã được
đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ Văn hóa, Thể thao
và Du lịch, Tổng cục Thể dục thể thao để lấy ý kiến của nhân dân, doanh
nghiệp; gửi xin ý kiến bằng văn bản của các bộ, ngành, tổ chức có liên quan và
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
đ) Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT đã được
hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, ý kiến của các
thành viên của Chính phủ.
IV. BỐ CỤC VÀ NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA DỰ THẢO LUẬT SỬA

ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THỂ DỤC, THỂ THAO
1. Bố cục
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao có 3
điều, cụ thể:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao.
Điều 2. Thay đổi tên gọi cơ quan quản lý nhà nước về thể dục, thể thao
Điều 3. Hiệu lực thi hành.
2. Những nội dung sửa đổi, bổ sung cơ bản
Qua đánh giá Tổng kết thi hành và ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ
chức, địa phương, nội dung của dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các quy
định trong các nhóm nội dung quan trọng lớn sau:
a. Về thể dục thể thao quần chúng
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung
sau:
- Bổ sung chính sách ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng,
khai thác các công trình thể dục, thể thao công cộng; sản xuất cung ứng các
dụng cụ, trang thiết bị tập luyện, thi đấu thể dục, thể thao; hỗ trợ, giúp đỡ người
khuyết tật, người cao tuổi tham gia hoạt động thể dục, thể thao (Khoản 6 Điều
11).
- Bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định tổ chức Đại hội thể thao
khu vực, châu lục và thế giới tổ chức tại Việt Nam cho các đối tượng học sinh,
sinh viên, lực lượng vũ trang, người khuyết tật và Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc
(bổ sung Khoản 1a Điều 13).
- Sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và
Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong việc quy định về
tiêu chuẩn cơ sở vật chất, trang thiết bị, số lượng, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp
vụ của giáo viên, giảng viên thể dục thể thao cho hoạt động giáo dục thể chất ở
các cấp học, xây dựng, ban hành chương trình giáo dục thể chất, đào tạo, bồi
dưỡng giáo viên, giảng viên thể dục thể thao, hướng dẫn nội dung hoạt động thể
thao ngoại khoá trong nhà trường để từng bước chuẩn hoá cơ sở vật chất và đội

4


ngũ giáo viên TDTT, nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất trong nhà
trường (Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 21).
- Bổ sung quy định trách nhiệm của nhà trường trong việc tổ chức mỗi
năm ít nhất một cuộc thi đấu thể thao toàn trường nhằm đề cao trách nhiệm của
nhà trường trong việc tổ chức các hoạt động thể thao và xây dựng thói quen tập
luyện TDTT cho học sinh (Sửa đổi Khoản 1 và bổ sung Khoản 2a Điều 25).
Lý do:
- Xã hội hóa là một chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm phát huy
trách nhiệm của toàn xã hội trong việc chăm lo cho con người, cho cộng đồng,
phù hợp yêu cầu tất yếu, khách quan của sự phát triển. Chủ trương này đã được
xã hội đón nhận và dần đi vào đời sống, phát huy tác dụng tốt, góp phần quan
trọng vào việc thúc đẩy sự phát triển của phong trào thể dục, thể thao nước ta
trong những năm gần đây. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chủ trương xã
hội hóa về TDTT còn thiếu các cơ chế chính sách đặc thù để khuyến khích các
tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển thể dục thể thao.
Do vậy, Luật cần bổ sung các quy định để tạo ra các cơ chế, chính sách
nhằm khuyến khích sự đóng góp của xã hội về tài chính, vật chất và trí tuệ trong
nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao.
- Hiện nay các hoạt động thi đấu thể thao quần chúng trong nước và quốc
tế tại Việt Nam rất phong phú, đa dạng về hình thức tổ chức và đối tượng tham
dự. Một số giải thi đấu thể thao quần chúng có quy mô lớn, có yếu tố nước ngoài
tham dự cũng như thẩm quyền cho phép tổ chức các giải này chưa được Luật
TDTT quy định. Do vậy, để tăng cường quản lý các hoạt động thi đấu thể thao
quần chúng nêu trên tại Việt Nam, bảo đảm được yêu cầu về chuyên môn trong
tổ chức và đặc biệt là bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, cần thiét
phải bổ sung quy định về thẩm quyền tổ chức các giải thể thao quần chúng có
quy mô lớn, có yếu tố nước ngoài tham dự nêu trên.

- Giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường là bộ phận quan
trọng của phong trào thể dục, thể thao nhằm bảo đảm mục tiêu nâng cao sức
khoẻ, phát triển thể lực, tầm vóc và kỹ năng vận động cơ bản, góp phần hình
thành nhân cách và giáo dục toàn diện về đức, trí, thể, mỹ cho học sinh, sinh
viên, đồng thời góp phần phát hiện năng khiếu, đào tạo tài năng thể thao cho đất
nước. Tuy nhiên, công tác giáo dục thể chất trong trường học chưa được quan tâm
đúng mức. Hệ thống các cơ sở, sân bãi phục vụ giáo dục thể chất và thể thao
trường học còn thiếu thốn, lạc hậu, không chỉ trong các trường phổ thông mà cả
trong khối các trường đại học và chuyên nghiệp.
Vì vậy, để nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất và hoạt động
thể thao trong nhà trường, đảm bảo phù hợp với Luật giáo dục, Luật dạy nghề,
cần thiết phải bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ
Lao động, Thương binh và Xã hội trong vấn đề này.
b. Về thể thao thành tích cao
5


Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung
sau:
- Sửa đổi, bổ sung giải thi đấu thể thao thành tích cao nhằm bổ sung đầy
đủ các giải thể thao thành tích cao đang được tổ chức thi đấu hiện nay (Điều 37).
- Sửa đổi thẩm quyền quyết định tổ chức giải thể thao thành tích cao để
phù hợp với quy định hiện hành (Điều 38).
- Sửa đổi, bổ sung thẩm quyền ban hành điều lệ thi đấu giải thể thao thành
tích cao để phù hợp với các quy định tại Điều 37, Điều 38 và quy định về việc
ban hành điều lệ thi đấu giải thể thao thành tích cao ở những môn thể thao chưa
thành lập được Liên đoàn (Điều 39).
- Sửa đổi thủ tục đăng cai giải thể thao thành tích cao để phù hợp với
những nội dung sửa đổi về giải thể thao thành tích cao, thẩm quyền quyết định
tổ chức giải thể thao thành tích cao và phương án đơn giản hóa thủ tục hành

chính trong việc xin phép đăng cai tổ chức giải thể thao thành tích cao (Điều
40).
- Bổ sung thẩm quyền quyết định ban hành và áp dụng luật thi đấu thể
thao (Điều 39a).
- Sửa đổi, bổ sung quyền và nghĩa vụ của vận động viên, huấn luyện viên
thành tích cao theo hướng tăng cường chính sách ưu đãi cho vận động viên trong
trường hợp vận động viên đội tuyển quốc gia bị tai nạn trong khi tập luyện, thi
đấu thể thao (Điều 32, Điều 33).
Lý do:
- Sau 10 năm thực hiện Luật TDTT, một số quy định về giải thi đấu thể
thao, thẩm quyền quyết định tổ chức, trình tự thủ tục đăng cai tổ chức đã xuất
hiện những bất cập với thực tiễn; một số giải thể thao mới xuất hiện như: giải
thể thao quốc tế mở rộng, giải vô địch các câu lạc bộ, giải các vận động viên
xuất sắc... chưa có quy định pháp luật điều chỉnh. Đồng thời, để phù hợp với
chức năng, nhiệm vụ được giao của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, cần có sự
phân cấp thẩm quyền quyết định tổ chức giải vô địch từng môn thể thao khu
vực, châu lục và thế giới, các giải quốc tế khác cho Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể
thao và Du lịch.
- Trong thực tế, Luật thi đấu của các môn thể thao được các tổ chức thể
thao quốc tế ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung thường xuyên, nhưng Luật
TDTT 2006 chưa quy định cơ quan có thẩm quyền quyết định ban hành hoặc áp
dụng luật thi đấu của các môn thể thao. Do đó, cần thiết phải bổ sung quy định
về nội dung này trong Luật.
- Vận động viên các đội tuyển thể thao quốc gia là những thành viên ưu tú
nhất của Thể thao Việt Nam, có nhiều đóng góp cho đất nước. Hiện nay Nhà
nước đã có các chế độ, chính sách về nhà ở, trợ cấp ưu đãi…cho một số đối
tượng như người có công, người thành tích xuất sắc trong lao động, học tập, sản
xuất và chiến đấu, người có hoàn cảnh khó khăn…Do đó, việc ghi nhận những
đóng góp của đội ngũ vận động viên thành tích xuất sắc bằng các chế độ, chính
6



sách tương tự là xứng đáng. Khoản trợ cấp này vừa có ý nghĩa hỗ trợ khó khăn
cho bản thân vận động viên và gia đình sau quá trình cống hiến lâu dài, vừa có ý
nghĩa khuyến khích, thu hút các tài năng thể thao.
c. Về thể thao chuyên nghiệp
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề nghị sửa đổi, bổ sung các nội dung
sau đây:
- Bổ sung các nội dung nhà nước khuyến khích phát triển thể thao chuyên
nghiệp nhằm quy định rõ các nội dung khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham
gia phát triển thể thao chuyên nghiệp (Điều 44).
- Bổ sung quy định về việc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn
thuế nhập khẩu hàng hóa, miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử
dụng đất theo quy định của pháp luật cho các câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp
(Điều 49).
- Bãi bỏ điều kiện về nguồn tài chính trong quy định điều kiện kinh doanh
hoạt động thể thao của câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp (Điều 50).
Lý do:
Sau 10 năm thi hành Luật TDTT, thể thao chuyên nghiệp ở Việt Nam đã
có bước phát triển tích cực, các quyền và nghĩa vụ của huấn luyện viên, vận
động viên và của câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp, việc chuyển nhượng vận
động viên, quyền sở hữu đối với các giải thể thao thành tích cao và giải thể thao
chuyên nghiệp cơ bản được bảo đảm thực hiện trong thực tế.
Tuy nhiên, Luật TDTT hiện hành mới chỉ quy định khuyến khích thành
lập các câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp mà chưa có những chính sách khuyến
khích, ưu đãi cụ thể cho các câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp, chưa có chính
sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo vận động viên, huấn
luyện viên và tổ chức thi đấu thể thao chuyên nghiệp.
Vì vậy, cần thiết phải bổ sung những quy định nêu trên để tạo điều kiện
thúc đẩy thể thao chuyên nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

d. Về cơ sở thể dục, thể thao
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định
sau đây:
- Sửa đổi, bổ sung loại hình “hộ kinh doanh hoạt động thể thao” là cơ sở
thể thao cho phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo hộ kinh doanh chỉ được
kinh doanh hoạt động thể thao khi có đủ các điều kiện hoạt động (Điều 54) và
bãi bỏ Điều 56.
- Sửa đổi, bổ sung quy định về cơ sở kinh doanh hoạt động thể thao; bãi
bỏ quy định điều kiện về nguồn tài chính trong điều kiện hoạt động của cơ sở
kinh doanh hoạt động thể thao; cơ sở kinh doanh hoạt động thể thao chỉ được
hoạt động khi được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và quy định
thẩm quyền của Chính phủ đối với việc quy định chi tiết điều kiện kinh doanh
hoạt động thể thao (Điều 55).
7


Lý do:
Trong thời gian gần đây, loại hình hộ kinh doanh thể thao phát triển mạnh
trên cả nước, đặc biệt là ở các khu vực đô thị. Tuy nhiên, do Luật TDTT không
quy định hộ kinh doanh TDTT phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh
doanh hoạt động TDTT mới được hoạt động kinh doanh, nên có nhiều hộ kinh
doanh khi kinh doanh hoạt động TDTT không đảm bảo các điều kiện bảo đảm
an toàn, vệ sinh… làm ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ của người tập.
đ. Về các tổ chức xã hội – nghề nghiệp về thể dục, thể thao
- Bổ sung, sửa đổi quyền và nghĩa vụ của Liên đoàn thể thao quốc gia để
xác định rõ hơn trách nhiệm và thẩm quyền của Liên đoàn thể thao quốc gia
trong việc quản lý các giải thể thao quốc gia và giải thể thao quốc tế tại Việt
Nam (Điều 38, 39a, 39); công nhận cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ đủ tiêu
chuẩn thi đấu thể thao thành tích cao (Điều 71).
Lý do:

Để tăng cường xã hội hoá các hoạt động thể thao và tạo điều kiện để các
tổ chức - xã hội nghề nghiệp về thể thao phát huy tối đa vị trí, vai trò của mình
trong phát triển phong trào, trong tổ chức thực hiện các hoạt động tác nghiệp,
cần thiết bổ sung thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn của Liên đoàn thể thao quốc
gia.
e. Về nguồn lực phát triển thể dục, thể thao
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất sửa đổi và bổ sung những nội
dung sau:
- Sửa đổi, bổ sung Điều 64 về các nguồn thu cho hoạt động thể dục, thể
thao trong đó có khoản thu trích từ hoạt động kinh doanh đặt cược thể thao tổ
chức tại Việt Nam.
- Bổ sung Điều 68a quy định về Đặt cược thể thao, các nguyên tắc của
kinh doanh đặt cược thể thao và giao Chính phủ quy định chỉ tiết về đặt cược thể
thao.
Lý do: Trong những năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước và xã hội,
các nguồn lực đầu tư cho TDTT ngày càng được tăng cường. Tuy nhiên, việc
kêu gọi xã hội hóa đầu tư cho thể dục thể thao gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn
đầu tư từ ngân sách nhà nước cho lĩnh vực TDTT chiếm tỷ trọng thấp trong tổng
chi ngân sách Nhà nước, chưa thoả đáng với nhu cầu phát triển TDTT hiện nay.
Do vậy, cần thiết có quy định về bổ sung nguồn thu nhằm tăng thêm nguồn lực
tài chính đầu tư cho TDTT, tạo điều kiện để phát triển sự nghiệp thể dục thể
thao, như khoản thu thông qua hoạt động kinh doanh đặt cược thể thao tổ chức
tại Việt Nam.
g. Những nội dung sửa đổi khác
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ thì
Ủy ban Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa-Thông tin, Tổng cục Du lịch được sáp
nhập thành Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Do vậy Luật sửa đổi, bổ sung một
8



số điều của Luật TDTT cần sửa đổi các quy định về tên gọi của cơ quan quản lý
nhà nước về TDTT và các quy định trong Luật có sự chưa thống nhất cho phù
hợp với cơ cấu, tổ chức của Chính phủ hiện nay.
Với những nội dung chính nêu trên, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật TDTT sửa đổi 20 điều, bãi bỏ 1 khoản và 1 điều của Luật TDTT
hiện hành và bổ sung mới 2 điều.
Trên đây là nội dung cơ bản của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật thể dục, thể thao, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch kính trình Thủ
tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- UB VHGDTTNNĐ, UBPL của QH;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Ban Nội chính Trung ương;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Bộ VHTTDL;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ: TH,
KGVX;
- Lưu: VT, PL (3).

BỘ TRƯỞNG

Nguyễn Ngọc Thiện

9




×