Tải bản đầy đủ (.doc) (16 trang)

SKKN Tập làm văn lớp 5

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (116.44 KB, 16 trang )

PHẦN 1: MỞ ĐẦU
I. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI.
Trong chương trình giáo dục Tiểu học, Tiếng Việt là một môn học
có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với học sinh.
Mục tiêu của môn Tiếng Việt nhằm hình thành và phát triển cho
học sinh kĩ năng sử dụng Tiếng Việt (đọc, viết, nghe, nói) để học tập và giao tiếp
trong các môi trường hoạt động cùng lứa tuổi. Thông qua việc dạy học Tiếng
Việt, góp phần rèn luyện các thao tác tư duy. Mặt khác môn Tiếng Việt còn cung
cấp cho học sinh những kiến thức sơ giản về tiếng Việt; về tự nhiên, xã hội và
con người; về văn hóa, văn học của Việt Nam và nước ngoài. Nó không chỉ bồi
dưỡng tình yêu tiếng Việt mà còn hình thành thói quen giữ gìn sự trong sáng,
giàu đẹp của tiếng Việt, góp phần hình thành nhân cách con người Việt Nam xã
hội chủ nghĩa cho học sinh.
Tập làm văn là một phân môn của môn Tiếng Việt , Tập làm văn không
chỉ có nhiệm vụ củng cố nhận thức rèn luyện kĩ năng nghe, nói, viết và đọc cho
học sinh mà còn có nhiệm vụ không kém phần quan trọng là phát huy óc sáng
tạo, phát triển năng lực suy luận, óc quan sát, óc tưởng tượng, bồi dưỡng tình
cảm và mĩ cảm cho học sinh. Phân môn Tâp làm văn là môn học có tính chất
tổng hợp, có khả năng xung kích. Vì thế ta dạy cho học sinh nói tốt, viết tốt là đã
góp phần làm cho học sinh có kiến thức về ngôn ngữ (dùng từ, đặt câu..) mà
còn trau dồi cho các em kiến thức văn học, kiến thức về đời sống, để từ đó các
em có ý thức tạo thêm cái đẹp trong thiên nhiên và cuộc sống.
Trong thực tế, giáo viên dạy khối 4, 5 gặp nhiều khó khăn trong việc nâng
cao kiến thức, kĩ năng Tiếng Việt cho học sinh. Quá trình giảng dạy cho thấy các
em học môn Tiếng Việt còn nhiều hạn chế. Các em thích học Toán hơn học
Tiếng Việt, “Dạy như thế nào để các em có kiến thức tốt, có kĩ năng viết và trình
bày một bài văn miêu tả hay?” Đó là những câu hỏi luôn đặt ra trong tôi trong
quá trình được phân công giảng dạy. Cũng từ đó tôi đã tìm ra những biện pháp
giảng dạy tốt nhất. Vì vậy tôi mạnh dạn trình bày một sáng kiến kinh nghiệm
nhỏ “Biện pháp nâng cao chất lượng văn miêu tả cho học sinh lớp 4, 5” mà
bản thân tôi đã rút ra qua thực tế giảng dạy nhằm giúp học sinh học văn miêu tả


tốt hơn.
II.MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU
Văn miêu tả là một kiểu văn có vị trí rất quan trọng trong chương trình
Tiếng Việt cấp Tiểu học, văn miêu tả được đưa vào dạy từ lớp 2, lớp 3 nhằm rèn
cho học sinh một số kĩ năng bộ phận, ban đầu giúp các em làm quen với loại văn
bản này. Lên lớp 4, lớp 5 học sinh được rèn kĩ năng viết văn miêu tả ở mức độ
1


cao hơn để từ đó có thể tạo lập những văn bản hoàn chỉnh, mang đậm dấu ấn cá
nhân. Ở lớp 4, lớp 5 các em đã học các loại văn miêu tả như: Miêu tả đồ vật,
miêu tả cây cối, miêu tả loài vật, tả cảnh, tả người... Với thời lượng (trừ 4 tuần
ôn tập và thi kiểm tra định kì thì văn miêu tả ở lớp 4 như sau: Cả năm lớp 4 (30
tiết), lớp 5 (46 tiết)
Phân môn Tập làm văn tích hợp kiến thức của nhiều phân môn như: Tập
đọc, Chính tả, Kể chuyện, Luyện từ và câu và được sắp xếp có sự gắn bó chặt
chẽ với chủ điểm của tuần học.
Thông tin của môn tập làm văn được thể hiện toàn bộ bằng kênh chữ,
không có kênh hình minh họa.
III. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU.
- Học sinh lớp 4, 5 trường Tiểu học.
- Chương trình phân mônTập làm văn 4, 5.
IV.PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1, Thu thập tài liệu, đọc sách và các tài liệu tham khảo.
2, Điều tra khảo sát thực tế.
3, Sử dụng phương pháp khác: Phân tích ngôn ngữ, trực quan, quan sát, so sánh
đối chiếu, thống kê và xử lí số liệu thu được.
PHẦN 2: NỘI DUNG
I. CƠ SỞ LÍ LUẬN
Miêu tả là thể hiện bằng lời văn, nét vẽ, động tác làm cho người khác có

thể hình dung được cụ thể sự vật, sự việc hoặc nội tâm con người.
Văn miêu tả là loại văn dùng để trình bày những đặc điểm, tính chất nổi
bật của sự vật, sự việc, con người, phong cảnh... nhằm làm cho những cái được
miêu tả như hiện ra trước mắt người đọc, người nghe, giúp họ có thể hình dung
ra chúng một cách cụ thể sinh động. Miêu tả trong văn chương phải dựa trên quy
luật của cái đẹp, lấy cái đẹp làm cứu cánh. Văn miêu tả là dùng ngôn từ để thể
hiện cái đẹp và tâm hồn nội tâm, nhận thức của con người, giúp cho người đọc
tiếp nhận gián tiếp cái đẹp ấy thông qua trí tưởng tượng của mình.
Trong chương trình Tiếng Việt Tiểu học văn miêu tả chiếm một vị trí vô
cùng quan trọng bởi vì nó là “chìa khóa” mở cánh cửa tri thức cho các em bước
vào một tương lai tươi đẹp. Kho tàng mà các em thu nhận được ngày hôm nay
sẽ là hành trang sau này các em vững bước vào đời. Song do các yếu tố tác động
khác nhau như di truyền, điều kiện sống, sự tác động của các yếu tố khách quan
có tác động lên sự nhận thức của học sinh dẫn đến năng lực nhận thức và kết quả
2


học tập của các em khác nhau. Vì thế trong cùng một lứa tuổi, trong một khối
lớp mỗi em có một kết quả học tập khác nhau và có những xu hướng phát triển
khác nhau. Nhằm tạo ra một hệ thống những giải pháp khác nhau tác động vào
các cá thể giúp cho mỗi cá thể phát huy sự năng động, tích cực và sáng tạo của
mình để đạt được kết quả học tập cao nhất theo định hướng của mục tiêu. Chính
vì thế nên tôi đã mạnh dạn tìm hiểu, nghiên cứu, áp dụng vào thực tế giảng dạy
và đúc rút thành kinh nghiệm của bản thân. Những biện pháp và giải pháp nêu
trong đề tài này không tránh khỏi những hạn chế do trình độ cũng như thời gian
có hạn nên tôi rất mong sự đóng góp ý kiến nhiệt tình của đồng nghiệp để đề tài
của tôi có chất lượng và hiệu quả hơn trong giảng dạy.
II. THỰC TRẠNG CỦA VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU.
Năm học vừa qua tôi được phân giảng dạy ở lớp 4 tình hình thực tế có
một số thuận lợi và khó khăn như sau:

1, Thuận lợi:
- Cơ sở vật chất nhà trường tương đối đầy đủ. Học sinh được học trong
phòng có đầy đủ ánh sáng, ấm áp về mùa đông, mát mẻ về mùa hè, có tủ đựng
đồ dùng trang thiết bị, có bàn ghế đúng quy cách. Nhà trường có phòng máy
chiếu phục vụ cho việc dạy học bằng giáo án điện tử.
- Về học sinh: Các em rất giàu khả năng sáng tạo, ở độ tuổi lớp 4, 5 các
em thích tỏ ra mình là người lớn say mê nghệ thuật, ham học hỏi, ham hiểu biết.
Luôn hồn nhiên ngây thơ, trong sáng. Các em cảm nhận thế giới xung quanh
theo cách riêng của mình. Với sự phát triển kinh tế như hiện nay nhiều gia đình
đã biết quan tâm đến học sinh nhiều hơn trước. Sự kết hợp giữa giáo dục tay ba
là điều kiện tốt giúp các em phát triển.
- Nội dung các bài tập làm văn lớp 4, 5 được gắn với các chủ điểm, có sự
tích hợp rõ nét với các phân môn khác. Ví dụ: Gắn với chủ điểm vẻ đẹp muôn
màu học sinh được làm quen với văn miêu tả cây cối, với các bài mẫu như tả sầu
riêng, hoa học trò (dùng làm bài tập đọc trong chủ điểm- tuần 22- TV 4) Gắn với
chủ điểm Việt Nam – Tổ quốc em. Học sinh được làm quen với văn tả cảnh qua
bài tập đọc Quang cảnh làng mạc ngày mùa (Tuần 1- TV 5). Một số ngữ liệu
dùng trong phân môn Luyện từ và câu có tác dụng rất tốt đối với việc dạy học
văn miêu tả. Ví dụ: Câu chuyện Bầu trời mùa thu (LTVC tuần 9- TV 5) giúp học
sinh mở rộng vốn từ và quan sát cách dùng từ chỉ hiện tượng thiên nhiên trong
văn tả cảnh.
Nội dung kiến thức các bài văn miêu tả rất gần gũi thân quen với các em
giúp các em có đủ điều kiện để quan sát trực tiếp kĩ lưỡng. Đồng thời nó không
gò bó là tả một đồ vật, một cây hay một con cụ thể mà là các em lựa chon những
3


đồ vật, con vật và cây cối... em thích theo chủ điểm. Từ đó giúp các em bộc lộ
dễ dàng tình cảm, cảm xúc của mình khi viết.
- Về phía giáo viên: Nắm vững nội dung chương trình, phương pháp đặc

thù của bộ môn, có chuyên môn vững vàng, hiểu tâm lí từng học sinh trong lớp,
nắm được học lực của từng học sinh từ đó có hướng rèn luyện đúng đắn tạo
hứng thú học văn miêu tả cho các em.
Việc dạy tiếng Việt nói chung và Tập làm văn nói riêng đã quan tâm đến
việc trau dồi vốn từ, trau dồi cách diễn đạt (luyện nói, luyện viết) cho học sinh,
cũng bồi dưỡng tình cảm, mĩ cảm cho học sinh.
Giáo viên là người tổ chức các hoạt động của học sinh trên lớp nên có sự
chủ động linh hoạt điều chỉnh phương pháp phù hợp trong các tiết học. Nhiều phụ
huynh học sinh cũng mong muốn có sự quan tâm hơn nữa của nhà trường và thầy
cô giáo đối với môn Tiếng Việt nói chung và phân môn Tập làm văn nói riêng để
nâng cao dần năng lực nói và viết tiếng Việt của các em, để các em có điều kiện
bộc lộ hết hết khả năng vốn có của mình. Đó là nguyện vọng chính đáng.
2,Khó khăn
-Thực tế dạy học nhiều năm ở lớp 4, 5 tôi thấy đa số học sinh không thích
làm văn miêu tả, những bài văn miêu tả hầu hết còn rất sơ sài, đơn điệu về ngôn
từ, cũng như cách diễn đạt chưa mạch lạc, chưa hấp dẫn, sinh động, thiếu những
hình ảnh so sánh, nhân hóa. Do đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi cùng với vốn sống
và vốn từ của các em còn hạn chế đã ảnh hưởng lớn đến khả năng dùng từ và
diễn đạt của các em. Vì vậy, chất lượng bài văn miêu tả còn thấp, số bài văn diễn
đạt hay còn quá ít.
- Học sinh Tiểu học chưa có khả năng tổng hợp và khái quát vấn đề chỉ
mới chú trọng, tập trung vào một vài chi tiết nhỏ.
- Điều kiện sống của các em ở nông thôn nên việc mua sắm tài liệu thêm
để đọc, tìm tòi và tích lũy vốn kiến thức còn hạn chế, ý thức học của học sinh
Tiểu học chưa cao.
Giáo viên đã quan tâm đến việc trau dồi vốn từ, trau dồi cách diễn đạt
(luyện nói, luyện viết) cho học sinh, bồi dưỡng tình cảm, mĩ cảm cho học sinh.
Song còn hạn chế phần rèn kĩ năng quan sát thực tế để tìm ý và còn coi nhẹ việc
tích lũy dần các tư liệu văn học cho học sinh, thường mới chỉ giải quyết yêu cầu
trước mắt chưa có nền tảng cơ sở vững chắc lâu dài. Nghĩa là chỉ mới thông qua

các dạng bài tập yêu cầu học sinh làm và chấm chữa bài để học sinh rút kinh
nghiệm cho những bài sau. Do vậy chất lượng các bài văn miêu tả vẫn chưa có
sự chuyển biến rõ nét, cụ thể qua kết quả khảo sát bài văn miêu tả của học sinh

4


lớp 4A trường Tiểu học trước khi chưa áp dụng cải tiến biện pháp nâng cao chất
lượng văn miêu tả thì kết quả đạt như sau:
Số học sinh tham gia khảo sát có 28 em trong đó:
Giỏi: 1 em= 3,7%
Khá: 3 em= 10,7%
Trung bình: 14 em= 50%
Yếu: 10 em= 35,7%
Kết quả này phản ánh chất lượng văn miêu tả chưa cao so với khả năng và
thực lực của học sinh trong lớp. Hơn nữa bản thân tôi nhận thấy để học sinh làm
được một bài toán đạt điểm 9, 10 đã khó, viết một bài văn đạt điểm 9, 10 lại càng
khó hơn nhưng có được kết quả này thì thật thú vị biết bao. Từ thực trạng nêu
trên, để chất lượng văn miêu tả của học lớp 4, 5 trường Tiểu học đạt kết quả tốt
hơn và cũng vì muốn tiếp sức cho các em trong công việc khó khăn thú vị này nên
khiến tôi băn khoăn suy nghĩ và tìm ra một số giải pháp thực hiện như sau.
III. CÁC BIỆN PHÁP THỰC HIỆN
Nhiều giáo viên và phụ huynh học sinh nêu câu hỏi: Nên dạy tập làm văn
miêu tả như thế nào cho hiệu quả? Theo tôi dạy tập làm văn nói chung và văn
miêu tả nói riêng không nên cho học sinh học thuộc văn mẫu để bắt chước. Dạy
kiểu đó chỉ tạo ra những con vẹt, bài văn sẽ không có cá tính, không có hồn,
không làm rung động được người đọc vì giả tạo, thiếu chân thực. Do vậy để
nâng cao chất lượng văn miêu tả cho học sinh lớp 4, 5 cần thực hiện các biện
pháp sau:
Một là: Hướng dẫn học sinh đọc sách nâng cao năng lực cảm thụ văn học,

tích lũy dần các tư liệu văn học.
Hai là: Làm giàu vốn từ
Ba là: Rèn kĩ năng quan sát, tìm ý, sắp xếp ý
Bốn là: Trau dồi cách diễn đạt (luyện nói, luyện viết)
Năm là: Bồi dưỡng tình cảm, mĩ cảm.
Sáu là: Tăng cường sử dụng phương pháp tích cực hóa hoạt động học tập
của người học, thầy cô chỉ đóng vai trò là người tổ chức các hoạt động học tập
của học sinh, mỗi học sinh đều được hoạt động, đều được được bộc lộ mình và
phát triển.
1.Biện pháp 1: Hướng dẫn đọc sách, nâng cao năng lực cảm thụ văn học,
tích lũy dần các tư liệu văn học.
a, Hướng dẫn đọc sách:
Học sinh Tiểu học thường đọc sách nhằm biết cốt truyện, thiếu nghiền ngẫm,
suy nghĩ để cảm thụ sâu. Đối với các lớp đầu cấp ta có thể chấp nhận điều đó
nhưng đối với học sinh lớp 4, 5 chúng ta cần đặt yêu cầu cao hơn, cần gợi thêm
những nội dung cụ thể cho các em tìm hiểu suy nghĩ như: Đánh giá nhân vật
5


trong tác phẩm (ca ngợi hoặc phê phán hành động, ý nghĩ của các nhân vật chính
diện, phản diện). Bố cục của tác phẩm (cách sắp xếp theo trật tự nào, có gì
mới?).Ý nghĩa của tác phẩm (chủ đề, tác dụng giáo dục). Cảm nghĩ của bản thân
sau khi đọc tác phẩm.
Từ các nội dung gợi ý trên, giáo viên đặt câu hỏi cho học sinh suy nghĩ để trả
lời. Quá trình suy nghĩ sẽ giúp các em cảm thụ sâu tác phẩm. Ví dụ: Về truyện
“Cây khế” ta nêu câu hỏi “ Con chim Phượng Hoàng có cố ý trừng phạt người
anh tham lam không?” để các em suy nghĩ và tranh luận, các em sẽ thấy được ở
các truyện khác, nhân vật tiên xuất hiện thường giúp đỡ những người hiền lành
hoặc trừng trị kẻ ác (Như ông Bụt giúp đỡ cô Tấm trong truyện Tấm Cám hoặc
sét đánh chết Lí Thông trong truyện Thạch Sanh) thì trong truyện này, chim

Phượng Hoàng là một con chim tốt bụng ăn khế của ai cũng mong muốn trả ơn,
không hề có ý trừng trị người anh. Sở dĩ người anh chết là vì lòng tham, lấy quá
nhiều vàng làm cho sức chim không mang nổi. Học sinh các lớp 4, 5 rất thích
thảo luân, tranh luận nếu câu hỏi vừa sức, hào hứng và bổ ích đối với các em.
b, Nâng cao năng lực cảm thụ văn học.
Cảm thụ văn học là một vấn đề thuộc phạm trù mĩ học, khi nói đến giáo dục
thẩm mĩ, ta nói đến nhiều dạng khác nhau: cái đẹp, cái hùng, cái bi, cái hài. Ở
bậc Tiểu học, chủ yếu giáo dục học sinh rung cảm cái đẹp(cái đẹp trong thiên
nhiên, cái đẹp trong xã hội). Quy luật nhận thức là từ nông đến sâu, từ cảm giác,
tri giác đến biểu tượng, khái niệm. Vì vậy, nhận thức thẩm mĩ cũng qua các giai
đoạn từ nông đến sâu như: cảm xúc thẩm mĩ, rung động thẩm mĩ, thị hiếu thẩm
mĩ, lí tưởng thẩm mĩ...
Cảm xúc thẩm mĩ là sự rung động trước cái đẹp của thiên nhiên và xã hội.
Học sinh thấy một cánh đồng lúa chín vàng hoặc một em bé bụ bẫm thì thốt lên
“đẹp quá, xinh quá”. Đó là giai đoạn đầu tiên, là hình thức thấp mà ta gọi là cảm
xúc thẩm mĩ. Qua quá trình phân tích, tìm hiểu kĩ hơn, sự tiếp thu sẽ đầy đủ hơn,
trọn vẹn hơn vì vận dụng cả trí tuệ và tình cảm để nhận thức. Quá trình này tạo
nên rung động thẩm mĩ. Rung động thẩm mĩ có khả năng kích thích, thúc đấy sự
hoạt động sáng tạo của con người. Một em bé khi đã thích lấy bút vẽ một bức
tranh hoặc là một bài thơ về một đề tài nào đó chính là rung động thẩm mĩ. Cho
nên khi hướng dẫn học sinh quan sát để làm văn miêu tả giáo viên dẫn dắt để
học sinh tự khám phá nét đẹp, nét tiêu biểu để tạo nên rung động thẩm mĩ.
Tích lũy dần các tư liệu văn học: Qua các bài tập đọc, học thuộc lòng và sách
đọc thêm, học sinh nên có sổ tay văn học để ghi lại các câu thơ, câu văn hay.
Ngay từ đầu năm học khi bắt đầu học những bài học đầu tiên tôi đã hướng dẫn

6


học sinh có sổ tay tích lũy văn học và cho đến bây giờ khi kiểm tra lại một số

cuốn sổ tay tôi đọc được những câu văn, câu thơ các em đã ghi chép lại như sau:
“Bóng tre âu yếm bao trùm lên làng mạc xóm thôn. Dưới bóng tre của ngàn
xưa thấp thoáng mái chùa cổ kính.”
“ Dòng sông như một dải lụa đào vắt lên chiếc áo màu xanh của ruộng đồng”
“ Hàng trăm cây cọ múa xòe
Dây leo dưới gốc, nắng leo trên đầu...”
Xem sổ tay văn học của từng em ta sẽ thấy được khiếu thẫm mĩ riêng của
các em. Câu văn câu thơ nào các em thấy hay, thấy thích thú thì mới ghi chép lại
. Tích lũy vốn văn học, ghi chép các câu văn, câu thơ, câu ca dao hay giống như
con ong cần cù hút nhụy hoa. Đến một lúc nào đó qua sự chế biến nhụy hoa sẽ
biến thành mật ngọt. Ghi chép như vậy không phải là học vẹt để bê nguyên xi
vào bài văn vì văn chương vốn kị sự bắt chước. Vốn văn học tích lũy dần như là
những viên gạch dùng để xây nhà. Có nhiều gạch thì nhà mới dễ xây. Đúng như
cha ông ta đã từng nói “ có bột mới gột nên hồ”.
2. Biện pháp 2: Làm giàu vốn từ.
- Học sinh hiểu thêm một từ mới là hiểu thêm một khái niệm mới. Ngôn ngữ
phát triển cùng với tư duy. Kinh nghiệm cho học sinh tìm từ theo từng chủ đề, đề
tài nhỏ là làm tăng vốn từ của các em. Có biết bao đề tài nhỏ có thể gợi cho học
sinh tìm từ. Các đề tài này cần gắn chặt với các thể loại văn đang học. Ví dụ:
đang học văn tả cây, tả hoa thì cho các em tìm các từ ngữ nói lên các sắc độ khác
nhau của màu sắc. Chẳng hạn như màu đỏ: đỏ tươi, đỏ thắm, đỏ son, đỏ hoe, đỏ
thẫm, đỏ ối, đỏ au, đỏ chót, đỏ như gấc, đỏ như mặt trời... Xanh: xanh lơ, xanh
ngắt, xanh thẫm, xanh nhạt, xanh non, xanh nõn nà, xanh da trời...Hay đang học
tả người thì cho các em tìm từ nói về khuôn mặt, con mắt, giọng nói dáng đi...
Muốn nâng cao chất lượng văn miêu tả khâu làm giàu vốn từ là không thể bỏ
qua. Trong khâu này cần làm giàu từ gợi tả âm thanh, hình ảnh, từ gần nghĩa,
cùng nghĩa, trái nghĩa... cho các em.
Học sinh cần phải làm giàu chữ nghĩa vì đối với văn miêu tả muốn tả cái hay
phải giàu chữ nghĩa, chữ nghĩa ấy được cất lên từ cái hay, cái biết của người
viết. Người viết phải cất công chắt lọc bằng mồ hôi, trí óc để chọn được cái vàng

ròng của ngôn từ. Ngôn ngữ trong văn miêu tả phải giàu chất gợi cảm trên cơ sở
biết sử dụng các lớp từ: tính từ, từ gợi tả âm thanh, hình ảnh... Từ một màu
trắng, một màu xanh, một màu đỏ đều có thể dùng hàng trăm cách thể hiện khác
nhau để tạo nên các gam màu, các cung bậc khác nhau.
Ví dụ: “Mùa xuân dòng sông xanh ngọc bích, chứ nước sông Đà không xanh
màu xanh canh hến của sông Gâm, sông Lô. Mùa thu nước sông Đà từ từ chín đỏ
7


như da mặt của một người vừa bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một
người bất mãn, bực bội gì mỗi độ thu về” (Người lái đò sông Đà - Nguyễn Tuân).
Trong văn miêu tả, các hình thức tu từ như so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, hoán dụ
tạo nên sự hòa đồng, vừa dễ nhận thấy vừa giàu sức gợi cảm, vừa gần gũi vừa
gợi tả. Việc trau dồi vốn từ khi viết văn miêu tả giúp các em mở rộng vốn từ để
đủ vốn từ diễn đạt các sự vật chính xác, sinh động trong miêu tả. Trong đó phải
lưu ý các lớp từ giàu sự tạo hình, tính gợi cảm cao. Chỉ tiếng thác nước Nguyễn
Tuân đã có cách biểu hiện rất sinh động: “Tiếng thác nước nghe như oán trách
gì, rồi lại nghe như là van xin, rồi lại nghe như là khiêu khích, giọng gằn mà chế
nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng
vầu, rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng cùng gào thét vời đàn
trâu da cháy bùng bùng...)
(Người lái đò sông Đà - Nguyễn Tuân)
Tả chú bọ ngựa Tô Hoài đã dùng từ rất sáng tạo: “Anh đi chân nhắc từng
bước cao ngang đầu gối kiểu bước chân ngỗng, cách thức rất ta đây kẻ giờ và
hách dịch. Cái khấc cổ vườn ra. Cái mặt ngắn cũn nhưng cái cằm xuông bạnh
lún. Con mắt đu đưa tưởng như ai xung quanh chỉ còn có việc thán phục nhìn
anh ta. Hai sợi râu óng ả mấp máy phất lên phất xuống. Hai lưỡi gươm bên mạn
sườn, lưỡi có răng cưa, luôn luôn co vào trước ngực, ra lối ta đây con nhà võ, đi
đứng thế võ, lúc nào cũng giữ miếng...’ (Dế Mèn phiêu lưu kí)
Cách dùng từ chọn hình ảnh so sánh, nhân hóa của tác giả theo đúng cách của

các em. Các em có thế giới riêng của mình có những sự giao hòa, đồng điệu với
giai điệu cuộc sống của các em. Thế giới khách quan trong cặp mắt của các em
có vẻ đẹp riêng. Cho nên cách tả, màu sắc, chi tiết đưa ra thể hiện, vật đưa ra so
sánh.. đều có sự khác biệt so với người lớn. Cách bố cục bài viết, cách diễn đạt
cũng rất riêng. Giáo viên cần mở rộng con đường sáng tạo để các em phát huy
hết khả năng của mình. Mỗi em đều có đời sống, hoàn cảnh riêng đừng bắt em
này giống em kia. Cũng là người mẹ, cũng là người bà, cũng là một em bé
nhưng mỗi em có cách nhìn riêng, cách thể hiện riêng, tránh khuôn mẫu em nào
cũng giống em nào.
Bài văn của các em trước tiên phải có độ chân thực của nỗi lòng các em, cảm
xúc của các em. Hiện thực đó thể hiện qua lăng kính cuộc đời của em.
3, Biện pháp 3: Rèn kĩ năng quan sát, tìm ý, sắp xếp ý
Muốn viết bài văn miêu tả tốt, trước hết phải dạy học sinh cách quan sát.
Quan sát là hình thức cao nhất của tri giác. Quan sát không chỉ nhìn và thấy mà
phải được hiểu là tổng thể hoạt động của các giác quan bao gồm; nhìn thấy, ngửi
thấy, sờ thấy, cảm thấy... Quan sát là cửa ngõ nối liền thế giới khách quan với
thế giới chủ quan. Quan sát là một hoạt động có tính chủ đích, có động cơ, có
8


hứng thú để đi đến kết quả. Kết quả trong quan sát để miêu tả đó là việc đem tới
một nhận thức mới, một cảm xúc mới có tính thẫm mĩ trong cảm nhận về đối
tượng. Bất kì sự tưởng tượng nào dù có phong phú và kì vĩ đến đâu cũng đều bắt
đầu từ thực tế, gắn với đời sống thực tế. Quan sát không chỉ là cảm nhận bề
ngoài mà còn phải nhập thân, hóa thân vào nhân vât, sống đời sống tâm hồn của
nhân vật. Muốn quan sát tốt người quan sát cần phải biết chọn cho mình một
điểm nhìn, một góc nhìn hợp lí. Do điểm nhìn, góc quan sát khác nhau, đem đến
những hình ảnh khác nhau, trong đó thể hiện rõ dấu ấn của người nhìn. Trẻ thơ
khác với người lớn, trẻ em nông thôn có cái nhìn khác trẻ em thành thị. Góc
nhìn, cách nhìn còn là qua điểm, thái độ và thể hiện nó bằng nhãn quan thẩm mĩ

của chính mình.
Quan sát khi làm văn giống như người họa sĩ quan sát mẫu vẽ. Nếu người
họa sĩ chỉ ngồi trong phòng để vẽ một cảnh gặt lúa thì bức tranh sẽ không thực
tế, không sinh động vì không thể hiện đúng hình dáng, màu sắc, âm thanh. Quan
sát một người để miêu tả khi làm văn (như quan sát một người thợ rèn, một cô y
tá, một cụ già, một anh bộ đội...) phải tìm được những nét riêng biệt về hình
dáng, khuôn mặt, giọng nói, tính tình... của người đó thì bài tả mới sinh động.
Miêu tả cánh đồng mùa cấy tác giả Trần Đăng Khoa viết:
Nơi này mấy bác cày
Đầu nghiêng nghiêng chiếc nón
Tiếng trâu và tiếng người
Vang ruộng dài bì bõm.
Nơi kia là mấy chị
Thì thòm tắt gàu giai
Nước reo trong lòng máng
Bọt tung trắng hoa nhài.
Nơi ấy mấy cô cấy
Ngửa tay phía mặt trời
Mạ bén hàng đứng thẳng
Hồn nhiên trong tiếng cười.
(Cánh đồng làng Trực Trì)
Phải có sự quan sát thực tế cảnh cánh dồng đang vào mùa cấy thì tác giả
mới có được những hình ảnh châ thực và sinh động đến như vậy. Hơn nữa quan
sát thực tế cũng cần sự tinh tế. Việc quan sát tinh tế cho ta vẻ đẹp trong bài văn
miêu tả.
Ví dụ: Cảnh lá rụng

9



“ Trời cuối đông. Vàng úa nhuộm màu buồn vô hạn. Một luồng gió lạnh
thổi qua, cành cây chao qua chao lại, mấy chiếc lá lắc lư thật mạnh rồi rụng.
Mỗi chiếc lá rụng có linh hồn riêng, một tâm tình riêng, một cảm giác
riêng. Có chiếc tựa mũi tên nhọn, tự cành cây cắm phập xuống đất như cho xong
chuyện, cho xong một đời lạnh lùng, thản nhiên không thương tiếc, không do dự
vẩn vơ. Có chiếc lá như con chim lảo đảo mấy vòng trên không, rồi cố gượng
ngoi đầu lên, hay giữ thăng bằng cho chậm tới cái giây phơi trên mắt đất. Có
chiếc lá nhẹ nhàng đùa bỡn, múa may với làn gió thoảng như thầm bảo rằng sự
đẹp của vạn vật chỉ ở hiện tại: Cả một thời quá khứ dài dằng dặc của chiếc lá ở
trên cành cây không bằng vài giây bay lượn, nếu sự bay lượn ấy có vẻ đẹp nên
thơ. Có chiếc lá như sợ hãi, ngần ngại, rụt rè, rồi gần như tới mặt đất còn cất
mình muốn bay trở lại trên cành. Có chiếc lá đầy âu yếm rơi bám vào một bông
hoa thơm hay đến mơn trớn trên ngọn cỏ xanh mềm mại.
Mỗi chiếc lá rụng là một cái biểu hiện cho một cảnh biệt ly. Vì vậy sự biệt
ly không chỉ có nghĩa buồn rầu, khổ sở. Sao ta không ngắm sự biệt ly theo tâm
hồn một chiếc lá nhẹ nhàng rơi.”
Bài văn tuy ngắn nhưng có đầy đủ ba phần của một bài văn miêu tả hoàn
chỉnh. Mỗi chiếc lá rơi theo một kiểu, thấm đẫm tâm trạng tư tưởng cảu người
viết và mỗi chiếc lá có linh hồn riêng.
Vì trẻ thường chưa có thói quen quan sát toàn diện nên cần có sự hướng
dẫn của giáo viên. Ví dụ quan sát để làm một bài văn tả phong cảnh giáo viên
cần giúp học sinh phát hiện những nét đặc sắc của bầu trời, sông núi nhà cửa,
cây cối ở nơi đó và phải quan sát bằng nhiều giác quan. Quan sát đối tượng miêu
tả mới chỉ là bước thu thập tài liệu. Học sinh còn phải biết sàng lọc bỏ thô lấy
tinh. Dựa vào đâu để lấy tinh? Chỗ dựa chính là phải nắm được ý chủ đạo của
bài văn sắp viết ra. Nếu bài văn nhằm nêu cảnh đẹp thì phải chọn đường nét đẹp,
màu sắc đẹp, âm thanh hay, còn những cái khác không phục vụ cho ý chủ đạo đó
thì kiên quyết gạt ra. Khi hướng dẫn học sinh quan sát sự vật trước khi tả giáo
viên cần lưu ý học sinh:
- Quan sát cần gắn liền quan sát bên trong với quan sát bên ngoài: quan

sát bên trong là dùng các giác quan mà vẽ nên hình dáng, đường nét, âm thanh,
màu sắc, hương vị...quan sát bên trong là quan sát cái “hồn”, cái “thần” và có sự
tham gia của các hình ảnh so sánh, suy nghĩ cảm xúc.
- Quan sát phải gắn liền với so sánh, liên tưởng, tìm ra những nét đồng
nhất, độc đáo của sự vật, gắn liền tình yêu thái độ của tác giả. Điều hết sức quan
trọng là cần hướng dẫn học sinh trong quan sát phải có sự lựa chọn, không nên
thấy cái gì cũng tả cái đó, phải tìm được ra nét đặc biệt, chủ yếu của sự vật, hiện
10


tượng, tránh liệt kê, kể lể khô khan vô hồn. Từ quan sát tìm ra cái không bình
thường trong cái bình thường và thể hiện được cái nghịch lí đó.
- Khi quan sát cần đặt đối tượng trong tình huống có vấn đề, đối tượng
miêu tả phải thấm đẫm chất thẩm mĩ không phải ngẫu nhiên tùy tiện. Biết tìm
hiểu và nhận xét cách quan sát và học tập cách quan sát và miêu tả của các nhà
văn lớn. Luôn biết đặt ra những câu hỏi tại sao cho chi tiết này mà không chọn
chi tiết khác. tại sao không dùng hình ảnh này mà dùng hình ảnh kia? Tại sao lại
dùng từ ngữ này mà không dùng từ ngữ và cách diến đạt từ ngữ kia?
Đối với văn miêu tả, tưởng tượng đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Nhờ
có tưởng tượng mà tất cả những hình ảnh, màu sắc âm thanh đều có thể tái hiện
trước mắt người đọc. Nhờ có tưởng tượng mà con người có thể tạo nên những
hình ảnh lung linh, rực rỡ, tuyệt vời chưa bao giờ có trong thực tế để tượng
trưng cho khát vọng, tình yêu. Nhờ có tưởng tượng , hiện thực của cuộc sống
được tái tạo qua văn miêu tả đầy sống động và hấp dẫn. Muốn có năng lực tưởng
tượng tốt cần phải nắm bắt được thực tế, có vốn từ và có đời sống nội tâm phong
phú, có trí tuệ tốt, biết thể hiện được cá tính, cách nhìn riêng của mình.
Sau khi học sinh đã quan sát tìm ý thì việc sắp xếp các ý ấy theo một trình
tự như thế nào cho phù hợp, cho hay cũng rất quan trọng. Một nguyên tắc trong
việc sắp xếp ý là phải xác định được trọng tâm bài. Nếu tả hồ sen thì trọng tâm
là tả hồ, tả sen (mặt nước, lá, hoa nụ, hương thơm), còn bầu trời, cây cối xung

quanh vẫn cần tả nhưng là phụ. Mỗi thể loại tả có cách bố cục khác nhau như:
Tả cảnh sinh hoạt hay tường thuật thường theo thứ tự thời gian, tả phong cảnh
thường theo thứ tự không gian. Đối với học sinh giỏi cần khuyến khích các em
sáng tạo cách vào bài gián tiếp, cách kết bài mở rộng để bài văn thêm phần hấp
dẫn.
4, Biện pháp 4: Trau dồi cách diễn đạt (luyện nói, luyện viết) cho học sinh.
Ngôn ngữ nói là cơ sở của ngôn ngữ viết. Muốn viết đúng, viết hay thì
trước hết phải nói đúng và nói hay. Trẻ em trước khi đi học đã biết nói nhưng
chưa chính xác, chưa mạch lạc. Ở trường việc phát triển ngôn ngữ nói được rèn
luyện về cách diễn đạt (từ chính xác, câu ngắn gọn, ý rõ ràng, mạch lạc) được
rèn về giọng nói và điệu bộ (ngữ điệu to nhỏ, nhanh chậm...). Để rèn kĩ năng
nói, ta có thể dùng các hình thức như: tập kể lại một câu chuyện, tập nói theo
một dàn bài có sẵn, tập diễn đạt theo những đề tài nhỏ (như tả lúc mặt trời mọc,
tả cảnh sân có trăng...). Luyện viết gồm luyện câu, luyện liên kết các câu thành
đoạn, luyện liên kết các đoạn thành bài. Vì câu là đơn vị để tạo nên đoạn văn,
bài văn nên phải coi trọng việc luyện câu. Luyện câu gồm luyện viết câu đúng

11


(thuộc phạm trù ngữ pháp) và luyện viết câu sinh động, viết câu hay (Thuộc
phạm trù tu từ).
5, Biện pháp 5: Bồi dưỡng tình cảm, mĩ cảm.
Trong văn miêu tả tình cảm và cảm xúc có ý nghĩa rất lớn. Đằng sau bài
văn miêu tả là cả thế giới tâm hồn của người viết. Sau cái cảnh là cái tình, là tâm
hồn, là thế giới quan của người viết. Nhờ có cái tình hình ảnh trở nên sống động
đi sâu vào tâm hồn người đọc có sức lay đọng lòng người. Người viết phải trung
thực với lòng mình chiếm được cảm tình người đọc thổi vào lòng người đọc cảm
xúc của mình thông qua hệ thống ngôn từ và hình ảnh.
Nhiều giáo viên có nhiệt tình, muốn tìm mọi cách để nâng cao trình độ

viết văn của học sinh nhưng coi nhẹ việc trau dồi tình cảm, mĩ cảm nên sự tiến
bộ cảu học sinh vẫn chậm. Không có tình cảm đúng thì không có bài văn hay. Tả
một hàng cây bên đường nếu học sinh chưa yêu hàng cây ấy, chưa thấy đó là kết
quả của bao nhiêu công sức, chưa thấy rằng trồng cây là thực hiện lời kêu gọi
của Bác Hồ thì bài văn tả hàng cây vẫn không có hồn. Nếu các em yêu hàng cây
ấy thì khi quan sát, các em sẽ thấy nhiều nét đẹp. Các em sẽ vui mừng khi thấy
hàng cây đâm chồi nảy lộc, cành lá xum xuê. Muốn miêu tả hay học sinh phải có
khả năng cảm thụ cái đẹp trong thiên nhiên và trong xã hội. Biết nhìn cái đẹp
các em sẽ thêm yêu quê hương đất nước. Việc trau dồi tình cảm, mĩ cảm tuy
quan trọng nhưng không phải là yếu tố duy nhất. Rất nhiều người có tư tưởng
tốt, tình cảm phong phú nhưng không biết cách diễn đạt thì bài văn viết ra vẫn
không hấp dẫn. Vì vậy chúng ta cần bồi dưỡng toàn diện và đồng bộ cho học
sinh thì chất lượng văn miêu tả mới thực sự tiến bộ, đi lên.
6, Biện pháp 6: Sử dụng phương pháp tích cực hóa hoạt động của
người học.
Trong các tiết học văn miêu tả sử dụng phương pháp tích cực hóa hoạt
động của người học là chủ yếu, đồng thời kết hợp với các phương pháp khác
một cách hài hòa nhuần nhuyễn. Phân môn Tập làm văn là phân môn có tính
tổng hợp, đòi hỏi học sinh phải bộc lộ cả năng lực tiếng Việt lẫn năng lực cảm
thụ, thái độ cảm xúc của mình. Vì thế đối với phân môn Tập làm văn nói chung
và văn miêu tả nói riêng yêu cầu phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo được
đặt lên hàng đầu. Chỉ khi chúng ta coi trọng bộ óc sáng tạo, cá tính, suy nghĩ
riêng của học sinh thì các em mới tạo ra những sản phẩm chân thực, thể hiện
đúng nhận thức và tình cảm của mình. Để tạo điều kiện cho học sinh chủ động
sáng tạo bộc lộ mình trong giờ văn miêu tả giáo viên cần phải đưa học sinh vào
hoạt động. Hoạt động đặc thù của học sinh khi học tiếng Việt là hoạt động giao
tiếp cùng với các hoạt động phân tích tổng hợp, thực hành lí thuyết như các môn
12



học khác. Các hoạt động này cần được tổ chức theo nhiều hình thức khác nhau
như: làm việc độc lập, làm việc theo nhóm. Cụ thể trong giờ học văn miêu tả,
đối với những bài học thực hành theo yêu cầu của một đề văn miêu tả giáo viên
nên tổ chức cho học sinh làm việc độc lập. Trong trường hợp câu hỏi, bài tập
tương đối trừu tượng hoặc đòi hỏi một sự khái quát nhất định thì giáo viên nên
tổ chức cho học sinh làm việc theo nhóm. Đặc biệt đối với những giờ học văn
miêu tả yêu cầu học sinh trình bày miệng theo đề bài nhằm mục đích rèn kĩ năng
nói cho học sinh. Để tất cả học sinh được nói, được hoạt động thì chắc chắn việc
làm theo nhóm là giải pháp tốt nhất. Hình thức làm việc chung theo lớp được áp
dụng chủ yếu trong từng trường hợp, giáo viên thực hiện các khâu giới thiệu bài,
nêu câu hỏi không yêu cầu học sinh phải suy nghĩ lâu, hoặc để học sinh trình
bày kết quả làm việc. Và điều quan trọng hơn cả là giáo viên trên cơ sở nắm
vững mục đích, yêu cầu của bài học, hình dung tưởng tượng giờ học văn miêu tả
sẽ diễn ra như thế nào để phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt, khéo léo, đúng lúc,
đúng chỗ các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học cho lôi cuốn được tất
cả học sinh trong lớp tham gia học tập và thái độ hào hứng, đạt được mục đích
đặt ra.
Đồng thời trong quá trình dạy văn miêu tả giáo viên cần chú ý rèn một số
kĩ năng:
a, Tìm hiểu đề
- Tìm hiểu đối tượng cần miêu tả, đồ vật, loài vật hay cây cối.
- Phạm vi miêu tả: + Thời gian: Mùa nào (xuân- hạ- thu- đông), thời điểm
nào (sáng, trưa, chiều, tối)
+ Địa điểm: Sân trường hay đường làng, nông thôn hay thành thị, miền
núi hay miền biển.
+ Không gian: rộng hay hẹp, cao hay thấp, sáng hay tối.
+ Phẩm chất đẹp hay xấu.
+ Quan hệ đối với cá nhân người viết: thân yêu, kính phục hay chán ghét.
b, Quan sát tìm ý, chọn ý
Quan sát không chỉ là hành động trước miêu tả và ngoài miêu tả mà còn là

yếu tố tham gia vào kết cấu khi miêu tả. Người viết phải sử dụng mọi giác quan
để quan sát và bằng chính cả tâm hồn của mình gắn liền với suy nghĩ, cảm xúc
để từ đó định hướng cho việc tìm ý, chọn ý và xác định ý tưởng của bài viết.
c, Sắp xếp, tổ chức các ý
Đây là bước xây dựng bài, các ý có thể được thể hiện theo trình tự thời
gian, không gian; gần đến xa hoặc xa đến gần, mới đến cũ hoặc cũ đến mới,

13


rộng đến hẹp hoặc hẹp đến rộng, có khi kết cấu theo mạch liên tưởng tức là theo
mạch suy diễn, hồi tưởng, tưởng tượng.
d, Diễn đạt hành văn
Diễn đạt trôi chảy, rõ ràng, mạch lạc, sinh động, hấp dẫn.
IV. KẾT QUẢ THU ĐƯỢC
Từ những kinh nghiệm bản thân đã rút ra được và áp dụng vào thực tiễn
giảng dạy ở lớp 4, 5 và qua khảo sát chất lượng của 28 em học sinh trong lớp 4A
kết quả thu được như sau:
Giỏi: 8 em = 28,6%
Khá: 11 em = 39,3%
Trung bình: 9 em = 32, 1%
Yếu: Không
Qua đọc các bài làm của học sinh tôi nhận thấy ở các em: Khả năng quan
sát vấn đề được nâng cao hơn, các em nhạy bén hơn, bao quát hơn.
- Diễn đạt ý rõ ràng, trọn vẹn, trôi chảy, sử dụng được nhiều những từ ngữ
hình ảnh sinh động, gợi tả, gợi cảm. Bài văn không còn sự khô khan tẻ nhạt mà
như thổi hồn vào sự vật.
- Bài văn viết không còn bị lạc đề mà đi sâu vào trọng tâm mà đề yêu cầu.
So với kết quả khảo sát đầu năm thì kết quả này rất khả quan điều đó cho ta thấy
biện pháp mà tôi áp dụng đã mang lại hiệu quả cao hơn so với trước kia. Mặc dù

nó còn khiêm tốn nhưng đây là bước chuyển biến có tiến bộ vượt bậc với lớp
học ở vùng nông thôn.
PHẦN III. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT
I. BÀI HỌC KINH NGHIỆM
Với kết quả thu được tôi đã rút ra được các bài học kinh nghiệm như sau:
a, Đối với giáo viên:
Một là: Giáo viên phải nắm vững phương pháp đặc trưng của bộ
mônTiếng Việt nói chung, phân môn Tập làm văn nói riêng. Biết phân loại các
dạng bài dạy để sử dụng kết hợp linh hoạt các phương pháp cũng như hình thức
tổ chức hoạt động sao cho phù hợp. Hiểu rõ tâm sinh lí lứa tuổi của từng học
sinh lớp mình. Nắm vững quy trình dạy Tập làm văn miêu tả. Dự đoán, lường
trước những phản ứng tư tưởng của học sinh để có thể ứng xử cho phù hợp.
Kiên nhẫn lắng nghe sự trình bày của các em, tạo không khí thảo luận dân chủ
trong các tình huống. Trân trọng những sáng tạo, cảm xúc đẹp của học sinh dù
là nhỏ.
Hai là: Luôn lấy học sinh làm trung tâm cho mọi hoạt động học tập, rèn
luyện. Giáo viên chỉ là người hướng dẫn, tổ chức, định hướng cho các em nhằm
14


phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo gợi cho các em có điều kiện phát hiện
được các tình huống có vấn đề trong học tập và cuộc sống, khuyến khích phát
triển năng lực, năng khiếu, sở trường của mỗi em. Đề cao vai trò cảm thụ, sáng
tạo của các em, bồi dưỡng phát triển năng lực, năng khiếu cho từng em. Tôn
trọng cách nghĩ, tình cảm riêng của mỗi em. Không lấy mình làm mẫu để áp đặt
học sinh vì sáng tạo chỉ trong cảm giác tự do, vì mỗi cá nhân thể hiện bản lĩnh
riêng của mình thành một cá nhân độc đáo.
Ba là: Phải gây được sự hứng thú trong dạy học, giáo viên cũng cần biết
khen ngợi khuyến khích các em nói những suy nghĩ, cảm nhận trong lòng các
em. Khen đúng lúc sẽ tạo hứng thú trong học tập của các em.

Bốn là: Giáo viên không là người đánh giá duy nhất kết quả học tập của
học sinh mà cần tổ chức, tạo điều kiện cho các em đánh giá lẫn nhau.
b, Đối với học sinh:
- Phải nỗ lực, cố gắng, phải tự ý thức được học nói, học viết văn miêu tả
để làm gì? để từ đó các em xác định được là cần nói, viết những gì các em tâm
đắc nhất.
- Quan sát đa chiều và chính xác về đối tượng miêu tả theo yêu cầu. Cần
tìm được những chi tiết miêu tả tiêu biểu không để lẫn nó với đối tượng khác.
Quan sát đầy đủ, toàn diện bản chất của đối tượng và quan trọng là để nắm được
cái sắc sảo riêng, cái dáng vẻ đặc biệt của người, của vật, của phong cảnh được
nói tới.
- Bên cạnh vốn hiểu biết về thực tế cuộc sống, các em cần tích cả vốn hiểu
biết về tập làm văn thông qua việc đọc sách thường xuyên, mà nhất là các loại
sách phù hợp với tâm lí lứa tuổi.
- Cần sắp xếp tả theo một trình tự thời gian, không gian hợp lí.
- Bài văn miêu tả phải nhấn mạnh được trọng tâm.
- Chọn lọc từ ngữ và sử dụng các loại từ gợi cảm như: từ láy, từ gợi tả
hình ảnh, từ gợi tả âm thanh, gợi tả mức độ.
- Hiểu rõ tác dụng của các dấu câu và áp dụng chính xác vào văn miêu tả.
- Nắm vững các dạng cấu trúc như: câu kể, câu cảm, câu ghép... đặc biệt
là biết sử dụng câu mở đoạn trong thực hành văn miêu tả.
II. KẾT LUÂN
Trên đây là những kinh nghiệm nhỏ mà bản thân tôi đúc rút trong quá
trình giảng dạy ở khối 4, 5. Tuy nhiên khi áp dụng vào thực tế và vào một số đối
tượng học sinh cụ thể thì cần có những biện pháp phù hợp. Vấn đề này cũng có
nhiều giáo viên quan tâm, trăn trở tìm ra cách làm hay. Qua tìm hiểu thực tế, với
15


những biện pháp đã nêu, sáng kiến đã phần nào đưa ra những hướng giải quyết

và đã góp phần nâng cao chất lượng văn miêu tả cho học sinh lớp 4, 5 của
trường. Tuy nhiên trên đây chỉ là kinh nghiệm nhỏ của cá nhân, rất mong ý kiến
đóng góp của các bạn đồng nghiệp để bản thân tiếp tục hoàn thiện sáng kiến
kinh nghiệm và vận dụng vào thực tế giảng dạy ngày một tốt hơn.
III. KIẾN NGHỊ
Tôi xin mạn phép đề xuất một vài ý kiến như sau:
- Tổ chức cho học sinh được đọc sách ngoài giờ lên lớp tại các thư viện
của nhà trường.
- Thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên ở các
môn học nhất là phân môn Tập làm văn.
Bài viết này chắc chắn còn nhiều thiếu sót, tôi rất mong được sự đóng góp
ý kiến nhiệt tình của Ban giám hiệu, tổ chuyên môn và các bạn đồng nghiệp để
tôi có được những phương pháp dạy học ngày càng tốt hơn.
Cuối cùng tôi xin chân thành cảm ơn!
..........., ngày 7 tháng 3 năm 2017
Người thực hiện

16



Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×