Tải bản đầy đủ (.pdf) (6 trang)

DSpace at VNU: VỀ TÍNH TỰ CHỦ VÀ TỰ CHỊU TRÁCH NHIỆM CỦA SINH VIÊN VÀ CỦA GIẢNG VIÊN TRONG PHƯƠNG THỨC ĐÀO TẠO THEO HỌC CHẾ TÍN CHỈ

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (204.95 KB, 6 trang )

VỀ TÍNH TỰ CHỦ VÀ TỰ CHỊU TRÁCH NHIỆM CỦA SINH
VIÊN VÀ CỦA GIẢNG VIÊN TRONG PHƯƠNG THỨC ĐÀO
TẠO THEO HỌC CHẾ TÍN CHỈ
(Tạp chí GD số tháng 3/2007)
PGS.TS. ĐẶNG XUÂN HẢI; ĐHQGHN

Khi chuyển đổi phương thức đào tạo sang học chế tín chỉ một câu hỏi lớn đặt ra là sẽ
quản lí sinh viên như thế nào và đánh giá lao động đối với giảng viên như thế nào. Để tìm
lời giải cho 2 vấn đề lớn đó trước hết phải lí giải cho được vấn đề “tính tự chủ và tự chịu
trách nhiệm của sinh viên và của giảng viên trong phương thức đào tạo theo học chế tính
chỉ”
1. Vài nét về học chế tính chỉ và dạy học trong học chế tín chỉ
a/ Về học chế tín chỉ :
Tín chỉ là gì : Có một số phát biểu không giống nhau về khái niệm tín chỉ; tuy nhiên một
định nghĩa của Jamé Quann, Đại học Quốc gia Washington được nhiều người tham khảo
[1] : “ Tín chỉ là một đại lượng đo toàn bộ thời gian (khối lượng kiến thức được tích luỹ
trong thời gian!) bắt buộc đối với một người học bình thường để học một môn học cụ thể,
bao gồm : 1) Thời gian lên lớp; 2) thời gian hoạt động khác ( hoạt động nhóm, làm việc
trong phòng thí nghiệm, thực tế thực tập… được thời khoá biểu quy định); 3) Thời gian
tự học, tự nghiên cứu để hoàn thành nhiệm vụ học tập được giao".
Đào tạo theo tín chỉ được hiểu là phương thức đào tạo cho phép sinh viên đạt được văn
bằng đại học qua việc tích luỹ các loại tri thức khác nhau căn cứ trên khối lượng học tập
của một sinh viên đã tích luỹ theo tiến độ do người học lựa chọn và khối lượng học tập
được đo lường bằng một đơn vị "giờ tín chỉ". Như vậy đào tạo theo tín chỉ chuyển
quyền lựa chọn và quyết định mục đích đào tạo/ học tập cụ thể cũng như lựa chọn các
môn học và cả kế hoạch học tập từ nhà trường sang cho người học trong điều kiện công
khai quy định cấu trúc các môn học dẫn đến văn bằng.
Hệ thống tín chỉ là quy trình đào tạo thoả mãn các quy định : Để đạt được văn bằng nào
đó cần tích luỹ đủ số lượng môn học/tín chỉ được quy định theo chương trình và quy trình



tích luỹ đối với văn bằng đó; khái niệm này gắn với phương thức tổ chức đào tạo và quá
trình học tập để lấy các văn bằng theo học chế tín chỉ trong phạm vi một cơ sở đào tạo.
Hệ thống chuyển đổi tín chỉ liên quan đến việc công nhận chương trình chuyển đổi và
chuyển đổi kết quả học tập giữa các cơ sở đào tạo (cả trong lẫn ngoài nước). Khái niệm
này liên quan đến quản lí đào tạo theo tín chỉ ở tầm quản lí hệ thống và cơ chế liên thông
giữa các cơ sở đào tạo của hệ thống GD ĐH của một nước hoặc công nhận tương đương
giữa các cơ sở đào tạo ở các nước khác nhau (có thể thông qua cơ chế các hiệp hội !)
Chúng ta đều biết đào tạo theo hệ thống tín chỉ được xuất hiện đầu tiên ở đại học
Harvard-Mỹ vào cuối thể kỷ 19 với tư tưởng cơ bản là “mềm dẻo hoá” quá trình đào tạo
để thực hiện cho được triết lí “lấy người học làm trung tâm” trong việc thực hiện quy
trình đào tạo. Tư tưởng trên được thể hiện qua một số đặc điểm của chương trình đào tạo
theo học chế tín chỉ như a) Cấu trúc chương trình dẫn đến văn bằng với số môn học đủ
lớn, tạo điều kiện cho người học có khả năng lựa chọn và được công khai để sinh viên
có thể lập kế hoạch tích luỹ đủ số tín chỉ theo quy định cho việc lấy văn bằng theo tiến
độ của bản thân ; b) Khối lượng kiến thức được đánh giá nhằm xác định việc hoàn thành
tín chỉ/môn học bao gồm toàn bộ kiến thức, kỹ năng người học tích luỹ được thông qua
các hình thức lên lớp, thông qua tự học, tự nghiên cứu của người học theo yêu cầu của
giảng viên, thông qua việc làm việc theo nhóm và hoạt động thực tập, thực tế.., c) Đánh
giá diễn ra thường xuyên, đa dạng (Bài tập cá nhân/tuần ứng với các giờ lý thuyết;Bài
tập nhóm/tháng ứng với các giờ xêmina, làm việc nhóm, tự học; Bài tập lớn cá nhân/học
kỳ ứng với phần nội dung người học phải tự khám phá trong chương trình môn học; Bài
kiểm tra kỳ; Bài kiểm tra cuối kỳ nhằm lấy minh chứng khẳng định khối lượng kiến thức
của môn học đã được người học chiếm lĩnh bằng các con đường khác nhau).
b/ Về dạy và học trong học chế tín chỉ :
Khi triển khai hoạt động dạy học theo học chế tín chỉ ngoài các vấn đề nêu ở mục a/ như
tính lựa chọn tiến độ và loại hình văn bằng theo 1 quy định đặc thù đối với việc đào tạo
theo tín chỉ, hoặc đơn vị học vụ là năm học được thay bằng học kỳ (cỡ 15 tuần) , còn có 2
vấn đề cần được hiểu tường minh đó là khái niệm „‟giờ tín chỉ „‟ và đề cương chi tiết cho
học phần/môn học vì đây là 2 khái niệm công cụ. Giờ tín chỉ được nhận diện thông qua
thời gian lao động/học tập của sinh viên và nó được thể hiện thông qua 3 hình thức dạy

học chủ yếu đó là giờ lên lớp lí thuyết ; giờ lên lớp thảo luận, thực hành và giờ tự học để


người học tự học, tự nghiên cứu theo yêu cầu của học chế tín chỉ . Mỗi loại giờ này đều
được quy đổi thành 3 giờ lao động của người học : Đối với giờ lên lớp lí thuyết, 1 giờ tín
chỉ tính bằng 1 giờ lên lớp lí thuyết cộng tối thiểu 2 giờ tự học, tự nghiên cứu để phục vụ
cho giờ lên lớp lí thuyết này (=3 tiết học học trên lớp nếu không theo học chế tín chỉ) ;
Đối với giờ lên lớp thực hành/thảo luận, 1 giờ tín chỉ tính bằng 2 giờ lên lớp thực
hành/thảo luận cộng tối thiểu 1 giờ tự nghiên cứu/chuẩn bị cho 2 giờ lên lớp này (=3 tiết
học nếu không theo học chế tín chỉ) ; Đối với giờ tự học (tự học có hướng dẫn/tự nghiên
cứu), 1 giờ tín chỉ tính bằng 3 giờ lao động của người học tự học, tự nghiên cứu. Như vậy
dù thông qua hình thức nào 1 giờ tín chỉ cũng tương ứng tối thiểu với 3 giờ lao động/học
tập của người học và người học phải “tự chủ, tự chịu trách nhiệm” với kết quả của mình.
Tất cả giờ lao động này đều phải được kiểm tra, đánh giá để xác nhận thành quả học tập
của 1 tín chỉ và đây là trách nhiệm của giảng viên khi dạy học theo tín chỉ và người học
được công khai kết quả đánh giá trong quá trình tích lũy kiến thức, kỹ năng để được xác
nhận mức độ hoàn thành yêu cầu của học chế tín chỉ. Tất cả điều nêu trên được cụ thể
hóa phương thức triển khai với các nhiệm vụ được quy định cho sinh viên ; chỉ rõ học
liệu cần sử dụng ; tiêu chuẩn đánh gíá..v..v. và văn bản đó được gọi là đề cương chi tiết
học phần/môn học. Đề cương này phải được phê duyệt và công khai hóa cho mọi đối
tượng tham gia quá trình dạy học theo tín chỉ.
3.Về quan niệm tự chủ và tự chịu trách nhiệm của người học và người dạy trong
học chế tín chỉ
a/ Về khái niệm tự chủ và tự chịu trách nhiệm [3]:
Tự chủ của một chủ thể nào đó chính là việc người đó có thể làm mọi việc mà pháp
luật hoặc các quy định của các cấp có thẩm quyền cho phép và thực thi những quyền hạn
đã được cụ thể hoá trong các quy định liên quan đến chủ thể đó. Từ quan niệm này có thể
cụ thể hoá khái niệm tự chủ của người học và người dạy trong học chế tín chỉ như sau:
Tự chủ của người học/người dạy chính là việc người học/người dạy có thể làm mọi việc
(liên quan đến quá trình dạy học) mà cơ sở đào tạo đã quy định công khai và thực thi

những quyền hạn đã được cụ thể hoá trong quy chế tổ chức và hoạt động của học chế tín
chỉ được nhà trường và cấp có thẩm quyền thông qua và tự đánh giá (và được xác nhận!)
theo các quy định đó. Tự chủ của người học/người dạy trong học chế tín chỉ cũng
chính là việc người học/người dạy thực thi những quyền hạn và trách nhiệm đã được cụ


thể hoá trong đề cương chi tiết môn học theo tiến độ và hình thức do chính người dạy đề
ra, được cấp có thẩm quyền phê duyệt (chứ không theo 1 kế hoạch đồng loạt!).
Tự chịu trách nhiệm của một chủ thể nào đó là việc chủ thể phải tự đánh giá và tự
giám sát việc thực hiện các quy định của cấp có thẩm quyền, sẵn sàng giải trình và minh
bạch hoá các hoạt động của mình và chịu trách nhiệm về các kết quả hoạt động của
mình. Từ quan niệm này có thể cụ thể hoá khái niệm tự chịu trách nhiệm của người học
và người dạy trong học chế tín chỉ như sau: Tự chịu trách nhiệm của người học là việc
họ phải tự đánh giá và giám sát việc thực hiện các quy định của học chế tín chỉ , sẵn sàng
giải trình và minh bạch hoá các kết quả tích luỹ của mình và chịu trách nhiệm về các kết
quả học tập của mình (ví dụ người học có thể không tốt nghiệp theo tiến độ mong muốn
nếu họ không thực hiện các quy định thuộc trách nhiệm và quyền hạn của mình về kiểm
tra đánh giá được cụ thể hoá trong đề cương chi tiết môn học đã công khai khi nhập học!
). Tự chịu trách nhiệm của người dạy là việc họ phải thực hiện đầy đủ các quy định về
hoạt động dạy học và chất lượng của hoạt động đó (nếu sinh viên không lựa chọn buổi
lên lớp của họ thì họ "tự mất việc"!) theo các quy định của học chế tín chỉ, sẵn sàng giải
trình và minh bạch hoá các kết quả đánh giá của người học, của đồng nghiệp và tự chịu
trách nhiệm về các kết quả đó.
b/ Những nội dung tự chủ và tự chịu trách nhiệm của người học trong học chế tín chỉ
Người học sẽ được tự chủ ở các nội dung sau : a) lựa chọn văn bằng mà mình muốn lấy;
b) Lựa chọn tiến độ tích luỹ kiến thức, kỹ năng dẫn đến văn bằng theo điều kiện, năng lực
của chính người học; d) Lựa chọn học phần/môn học theo trình tự, tỉ lệ (bắt buộc/tự
chọn...) quy định của văn bằng; e) lựa chọn giáo viên trình bày học phần/môn học mà
mình phải học...Nhưng họ cũng phải tự chịu trách nhiệm ở các nội dung sau : a) có thể
không dẫn đến văn bằng nếu không tuân thủ đầy đủ các quy định của học chế tín chỉ; b)

Có thể không được bảo lưu một số học phần/môn học đã đạt được nhưng đã quá thời gian
bảo lưu (thời gian bảo lưu kết quả học phần tuỳ thuộc vào đặc điểm môn học có mang
tính thời sự, cập nhật hay "đại cương")
4. Điều kiện để có thể thực hiện những vấn đề trên
Để có thể thực hiện được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của người học; điều kiện
cần là công khai hóa nội dung và quy trình tích luỹ kiến thức, kỹ năng dẫn đến 1 văn


bằng cụ thể nào đó; đồng thời đối với các loại bài dạy học (Bài dạy học lí thuyết, bài dạy
học Xemina-thực hành, tự học, tự nghiên cứu; làm việc ngoài lớp...) giáo viên cần mô tả
cụ thể trong đề cương chi tiết cho sinh viên: Phải làm những gì và làm như thế nào ! Làm
sao biết đã làm đúng!
Trong từng môn học cụ thể, giáo viên phải hướng dẫn sinh viên phương pháp học, đưa ra
những yêu cầu cụ thể về việc chuẩn bị bài, cách đọc tài liệu tham khảo...Bước đầu, giáo
viên có thể đưa cho sinh viên đọc một số tài liệu tham khảo và chỉ dẫn cho họ đọc từng
phần cụ thể, thậm chí là cả số trang cụ thể trong các tài liệu đó. Dần dần hình thành cho
sinh viên khả năng tự tìm tòi tài liệu tham khảo. Một công việc rất quan trọng không thể
bỏ qua là giáo viên phải thường xuyên kiểm tra việc đọc tài liệu tham khảo nói riêng
cũng như quá trình tự học của sinh viên nói chung và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định
về kiểm tra đánh giá trong quá trình dạy học theo học chế tín chỉ. Sinh viên cần được
kích thích động cơ học tập bằng cách làm rõ ý nghĩa của việc học và "trả bài kiểm tra với
những lời chỉ dẫn sửa lỗi" kịp thời. Đồng thời sinh viên phải được chuẩn bị tốt về động
cơ, thái độ học tập, tinh thần trách nhiệm và được tạo điều kiện thuận lợi để "tự chủ, tự
chịu trách nhiệm" trong học tập một cách chủ động và hiệu quả [2].
Một điều kiện không thể không nói đến ở đây là tâm thế của giảng viên khi thực hiện đào
tạo theo tín chỉ. Để dạy được đúng yêu cầu theo tín chỉ người giảng viên phải đầu tư
nhiều công sức và việc tính toán “công sức” của người giảng viên cần được thực hiện
đồng bộ với yêu cầu dạy học theo tín chỉ (chuẩn bị cho lên lớp 1 giờ rất công phu, chấm
bài liên tục…) nhưng hiện nay các quy định đối với giảng viên vẫn thực hiện theo kiểu
niên chế (quy định về chế độ giảng dạy đối với giảng viên ban hành từ thập niên 80 của

thế kỷ trước vẫn chưa có văn bản thay thế!). Đây cũng là một vấn đề cần đặt ra đối với
những người quản lí GD ĐH nước nhà khi đặt ra yêu cầu chuyển đổi phương thức đào
tạo sang kiểu học chế tín chỉ [4].

Tài liệu tham khảo
1. Đào tạo theo học chế tín chỉ (tài liệu lưu hành nội bộ); Ban đào tạo, ĐHQGHN, 2006
2. Đặng Xuân Hải , “Đặc thù của việc đổi mới PPDH ở đại học sư phạm” Tạp chí GD số
103;12/2004; trang 8-10


3. Đặng Xuân Hải , “Một số yếu tố ảnh hưởng đến quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm
của trường đại học” Tạp chí GD số 69;10/2003; trang 4-5
4. Đặng Xuân Hải , “Đào tạo theo tín chỉ ở Việt nam : Đặc điểm và điều kiện triển khai”
Tạp chí KHGD số 13;10/2006; trang 36-37



×