Tải bản đầy đủ (.pdf) (20 trang)

401 PDFsam 25nam Vnamhoc theodinhhuong liennganh (bong3)

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (394.79 KB, 20 trang )

ẢNH HƯỞNG CỦA CHỮ VIẾT TỚI CHIỀU HƯỚNG
VÀ SỰ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA Ở VIỆT NAM
GS. TS Đoàn Thiện Thuật
Đại học Quốc gia Hà Nội

1. Đặt vấn đề
Trong thành phần văn hóa có văn học. Tuy nhiên như đầu đề của báo
cáo đã chỉ rõ là vấn đề đặt ra chỉ trong phạm vi chữ viết, nên nội dung bài
này chỉ giới hạn trong văn học thành văn và hiểu theo nghĩa rộng là bao
gồm những văn bản đã được biên soạn, trong đó đương nhiên văn thơ
chiếm tỷ lệ cao tuyệt đối. Điều đó cũng có nghĩa là những hình thức chữ
viết sơ khai từ buổi bình minh của đất nước này không được đề cập đến
mà chỉ xét đến những thứ chữ tồn tại từ thời tự chủ, bao gồm chữ Hán, chữ
Nôm và chữ Quốc ngữ.
Tuy nhiên những gì được phản ánh trong văn học có liên quan đến tư
tưởng, như trung quân ái quốc quan niệm về “nhân”, “duyên”, cái nhàn
tản, cái vui vầy được gặp “tiên”, cho nên nếu muốn tìm hiểu cho đến ngọn
nguồn thì không thể bó hẹp trong cái gọi là “văn học nghệ thuật” đơn
thuần, mà phải vượt ra khỏi khuôn viên ấy và như thế là đã đi sang thành
phần khác của văn hóa như tôn giáo chẳng hạn. Chính vì lẽ đó tác giả đành
phải dùng từ Văn hóa nói chung. Song, người viết luôn luôn ý thức được
rằng điều quan tâm chủ yếu của mình là các văn bản, là thi ca, chứ không
phải là tôn giáo.
Mặt khác, người viết không chỉ chú ý đến chiều hướng mà còn có
nhiệm vụ chỉ ra sự phát triển to lớn, như thế nào của văn học trên cơ sở chữ
viết đã được sử dụng.
Cuối cùng, chính xuất phát từ chữ viết, nên chữ Hán được đề cập đến
trước, với ảnh hưởng của nó là Nho giáo trước khi nói đến Phật giáo mặc

| 401



25 NĂM VIỆT NAM HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG LIÊN NGÀNH

dù như mọi người đều biết trong lịch sử, Phật giáo đã vào Việt Nam khá
sớm và đã ngự trị ở nước ta trước khi Nho giáo vào từ thời Trần.

2. Văn học và những tác phẩm văn hóa1 cổ trung đại với những hệ tư tưởng do chữ
Hán đem lại
Từ thời kỳ nước nhà tự chủ chúng ta vẫn học chữ Hán, với cách đọc
từ đời Đường và giữ nguyên cách đọc ấy tới ngày nay và cách đọc ấy gọi là
cách đọc Hán Việt.
Trong thời gian dài qua nhiều thế kỷ người Việt vẫn dùng chữ Hán để
biên soạn, sáng tác. Kể cả ngay khi chữ Nôm được thịnh hành, chữ Hán vẫn
được coi là văn tự quốc gia cho mãi đến cuối triều Nguyễn. Mặt khác, các tác
giả của những thi phẩm hay sách văn hóa viết bằng chữ Nôm đều là những
nhà nho, thông thạo chữ Hán, đã biết đến Tứ thư, Ngũ Kinh. Một số khác biết
chữ Hán đã đọc truyện của Tàu, đọc sách thuốc, Kinh Phật và sách về phong
thủy. Do đó những hệ tư tưởng của Trung Hoa như Nho giáo, Phật giáo, Đạo
giáo có ảnh hưởng đến sáng tác của họ là điều không thể tránh khỏi.
2.1 Trước hết hãy nói về Nho giáo
Học thuyết của Nho giáo được thâu tóm trong Tứ thư, Ngũ kinh.
Tứ thư gồm có Đại học, Trung dung, Luận ngữ, Mạnh Tử, chủ yếu do
các học trò của Khổng Tử ghi chép biên soạn. Mỗi đệ tử có thể đã nhấn mạnh
điểm này, điểm khác, thậm chí bổ sung ý tưởng của thầy mình, song, nói
chung vẫn đảm bảo một hệ tư tưởng của Khổng Tử mà ta sẽ tìm hiểu nội
dung dưới đây. Còn Ngũ Kinh là Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Dịch, Kinh Lễ,
Kinh Xuân Thu, đều đã có từ trước, chủ yếu về lịch sử, văn học dân gian do
chính Khổng Tử sưu tầm, san định, giải thích lại (như Kinh Dịch). Công lao
của người như vậy là rất lớn và tư tưởng của người được truyền bá sâu rộng.
Theo Khổng Tử phải lấy việc tu thân làm chính, mà tu thân là gì? Là

phải sống cho có đạo đức. “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân
dân, tại chỉ ư chí thiện”.
Mà có tu thân thì mới “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Còn Đạo đức là
gì? Đạo là năm mối quan hệ, đạo vua-tôi, đạo cha - con, đạo vợ - chồng, đạo
anh - em, đạo bè bạn, thường được gọi là ngũ luân. Mọi người phải theo
1 Ngoài những thi tập có những bộ sách như Kiến văn tiểu lục, những bộ lịch sử, địa chí
nổi tiếng. Chúng tôi gọi đó là những tác phẩm văn hóa.

402 |


25 NĂM VIỆT NAM HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG LIÊN NGÀNH

thứ bậc mà cư xử. Đức là những tố chất của con người, bao gồm nhân, lễ,
nghĩa, trí, tín, còn được gọi là ngũ thường.
Mới xem qua những điều vừa trình bày thì nội dung của Ngũ Kinh
chẳng khác gì sách dạy luân lý. Trong gia đình con phải có hiếu với cha
mẹ, chồng vợ phải chung thủy, anh em phải hòa thuận, ba trong năm cái
của đạo phải được đảm bảo là thuộc phạm vi gia đình. Thực ra đấy là một
đường lối chính trị của Khổng Tử. Người muốn đem mô hình gia đình áp
dụng vào việc trị nước. Đường lối đó được coi là Đức trị (hay Nhân trị theo
cách gọi của một số nhà khoa học). Theo cách này thì mỗi người phải làm
đúng phận sự của mình: vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con,... Trong
luận ngữ ý kiến này được nêu lên rõ ràng và được gọi là thuyết chính danh.
Đương thời Khổng Tử không được trọng dụng, chỉ là vì người kêu gọi vua
các nước phải trung với nhà Chu, trong khi họ đang chỉ muốn đánh đổ nhà
Chu. Tuy nhiên, học thuyết của Khổng Tử được các triều đại phong kiến suy
tôn và duy trì là bởi vì mỗi dòng họ, sau cuộc binh đao để lật đổ dòng họ
trước do vị vua đầu tiên thì các vua sau đều muốn duy trì một sự ổn định
để giữ ngai vàng. Đương nhiên, các vua chúa phong kiến ấy có thực tâm trị

nước như vậy hay chỉ là để mị dân lại là chuyện khác, song có điều rõ ràng
là họ ủng hộ học thuyết của Khổng Tử. Ở Trung Hoa, Hán Cao Tổ đã làm
như vậy. Ở Việt Nam, Lê Lợi, Gia Long đều đề cao Khổng giáo.
Học thuyết của Khổng Tử đến nhà Hán với tư tưởng của Đổng Trọng
Thư đã biến thành những giáo điều, một học thuyết thực hành để thực
hiện trong chính trị và tôn giáo. Khổng giáo hay Nho giáo vào Việt Nam
là Tống Nho, với sự đóng góp của Hàn Dũ và Chu Hy, đại diện cho trào
lưu nhân đạo chủ nghĩa. Sau khi Chu Hy mất, nhà Tống không còn nữa,
nhưng đến nhà Minh lên Chu Hy lại được đề cao, vì Thái Tổ nhà Minh tự
nhận là hậu duệ của Chu Hy. Tống Nho được coi là học thuyết quốc gia.
Sách vở và những lời luận giải của Trình - Chu được in thành sách Ngũ
Kinh đại toàn. Khi nhà Minh đô hộ nước ta, sách đã được phổ biến. Đến
khi giặc Minh bị đánh đuổi, dưới triều Lê Thái Tổ mấy phái đoàn được cử
sang Trung Quốc để xin sách Đại Toàn về truyền bá. Từ thế kỷ XV, các khoa
thi của ta vẫn lấy sách Đại Toàn làm sách chính thức1.
Nho giáo khuyến khích việc học, tôn vinh những người đỗ đạt, bia đá
để danh. Tuy nhiên cái học thiên về tầm chương trích cú. Thông qua nội
1 Theo Trần Đình Hượu tuyển tập Tập I, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007.

| 403


25 NĂM VIỆT NAM HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG LIÊN NGÀNH

dung việc thi cử thì đủ biết việc học nhằm đào tạo các quan cai trị cho triều
đình, chứ không nhằm phục vụ sản xuất. Người đỗ đạt thì ra làm quan.
Người không đỗ thì về quê dạy học, bốc thuốc chữa bệnh, được làng xóm
tôn trọng. Ai có việc gì hệ trọng cũng đến xin ý kiến tham vấn. Vì thế vai
trò của nhà nho trong làng xã gần như người “chăn dắt con chiên” trong
đạo Kitô. Có lẽ chính vì vậy mới có cái tên Nho giáo hay Khổng giáo, mặc

dù đây không phải là tôn giáo mà chỉ là một hệ tư tưởng.
Thông qua giáo dục (ngoài Tứ thư, Ngũ Kinh bằng chữ Hán, còn
những bản dịch, như Trung dung diễn ca, Luận ngữ thích nghĩa ca...). Nho
giáo đi sâu vào tâm chí người Việt đến tận hang cùng ngõ hẻm. Các nhà
nghiên cứu như Nguyễn Tài Thư, Trần Đình Hượu, Trần Văn Giàu, Vũ
Minh Tâm, Trần Nguyên Việt, Đỗ Thị Hòa Hới, Nguyễn Thanh Bình….
đều khẳng định ảnh hưởng của Nho giáo đến xã hội, con người Việt Nam
trong lịch sử và hiện nay là hết sức sâu sắc1. Ảnh hưởng ấy có mặt tích cực
và cũng có mặt tiêu cực. Gia đình, hạt nhân của xã hội, ở Việt Nam khác
hẳn với Tây phương, ở đó con chưa đến tuổi trưởng thành đã ra ở riêng
để được tự do, các cụ già cô đơn, vợ chồng ly tán bất kỳ lúc nào,… Tuy
nhiên Nho giáo chủ yếu nhấn mạnh mặt đạo đức, không chú ý đến sản
xuất, kinh tế. Nho giáo được truyền từ Trung Hoa sang Nhật Bản, Cao Ly,
Việt Nam cũng do dùng chữ Hán. Bốn nước này được coi là những nước
đồng văn. Sứ thần các nước đã cùng nhau ngâm vịnh hoặc đề tựa sách cho
nhau. Nhưng Nhật Bản đã sớm mở cửa trao đổi kỹ thuật, kinh tế với các
nước phương Tây, thậm chí ráo riết học tập các nước tiên tiến về mọi mặt,
từ khoa học, kỹ thuật, đến cả lối sống. Cao Ly2 đi sau một bước, nhưng đã
học tập Nhật Bản, đi theo mô hình Nhật Bản, do đó hai nước này đã có
một tốc độ phát triển cao, và cũng đừng quên là thể chế khác với Việt Nam.
Đáng tiếc ở nước ta, vua Thiệu Trị, Tự Đức, với lời di huấn của Gia Long
quá cảnh giác với phương Tây, nên cự tuyệt quan hệ với họ, mặc dù, theo
A.B.Woodside3. “So sánh với triều đình Trung Hoa vào những năm 1830
thì triều đình Việt Nam được thông tin đầy đủ hơn nhiều về văn hóa Tây
phương. Triều đình Việt cũng dễ chấp nhận vay mượn một số điểm mạnh
về kỹ thuật và quân sự hơn triều đình Trung Hoa”. Quả thực, ta đã bỏ lỡ cơ
1 Đoạn gạch dưới là do tôi nhấn mạnh (Đ.T.T).
2 Cao Ly được dùng để chung cả nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên và nước
Đại hàn dân quốc. Như vậy tiện lợi hơn.
3 Dẫn theo Georges Condominas trong Lời tựa cuốn sách Nước Đại Nam đối diện với Pháp và

Trung Hoa của Yoshiharu Tsuboi - Ban Khoa học Xã hội Thành ủy Tp Hồ Chí Minh, 1990.

404 |


25 NĂM VIỆT NAM HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG LIÊN NGÀNH

hội so với Nhật Bản. Từ ngày nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
thay đổi chính sách, bắt đầu “mở cửa”, tốc độ phát triển của Việt Nam lên
cao rõ rệt. Léon Vandermeersch1 khi bàn đến Khổng giáo không hiểu được
những bối cảnh lịch sử phát triển của từng nước và cho rằng Khổng giáo đã
tạo nên tốc độ cao của Nhật Bản, Cao Ly, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore,
những nước đã nổi lên như những “con Rồng châu Á” để cuối cùng ông
xếp những nước này vào nhóm các nước Đông Á, còn Việt Nam tuy cũng
chịu ảnh hưởng của Khổng giáo, nhưng do không phát huy được mặt tích
cực của nó, nên thuộc nhóm các nước kém phát triển, nhóm Đông Nam Á.
Do vị trí địa lý Việt Nam có nhiều đặc điểm về khí hậu, cây trồng,
thậm chí cả ngôn ngữ giống hoặc gần gũi với nhiều nước Đông Nam
Á, nhưng về không gian văn hóa, không phải vì thế mà ta không thuộc
nhóm các nước Đông Á. Thế giới Âu Mỹ cho rằng cùng một chế độ kinh
tế như họ nhưng người Nhật có được tốc độ tăng trưởng tốt hơn do ở con
người của Nhật Bản có những tố chất chịu ảnh hưởng của Nho giáo như
tính hiếu học, tính tiết kiệm (biết để dành, không tiêu cả), tính kỷ luật
trên dưới (không tự do, vô chính phủ). Nếu coi những đức tính ấy là căn
nguyên của sự thành công và là bắt nguồn từ Nho giáo thì con người Việt
Nam, nhất là ở miền Bắc, cho đến quá nửa đất nước về phía Nam đều có
đủ những đức tính ấy. Không phải ngẫu nhiên ngày nay khi nói đến các
nước Đông Á, người ta đã kể đến bốn nước trong đó có Việt Nam. Đương
nhiên, về mặt liên kết chính trị lại là việc khác, Việt Nam đang đứng trong
khối ASEAN.

Nho giáo không phải chỉ ảnh hưởng đến văn học cổ trung đại mà cả
đến xã hội ta một cách sâu sắc và đến tận ngày nay. Những điều Hồ Chủ
tịch căn dặn cán bộ phải rèn luyện đạo đức như thế nào đã thể hiện rất
rõ đạo đức của Nho giáo (trí, tín, nhân, dũng, liêm)2. Trong đời sống hàng
ngày, ngay ở nơi công sở, các đại từ xưng hô trong gia đình, được sử dụng
thường xuyên giữa nhân viên và thủ trưởng đơn vị như “anh - em”, “chú cháu”, “bác - cháu”. Xử lý các vụ việc thường theo “tình”. Việc đoàn kết nội
bộ được đặt lên hàng đầu. Nói chung, giải quyết công việc còn mang tính
“gia đình chủ nghĩa”. Để chống lại thói quen ấy, khẩu hiệu “mọi người phải
sống theo pháp luật” trong những năm gần đây được đề cao.
1 Giáo sư người Pháp rất nổi tiếng, chuyên sâu về Khổng giáo, tác giả cuốn Le nouveau
monde sinisé, Paris, PUF, 1986.
2 Xem Lê Văn Quán “Bước đầu tìm hiểu Bác Hồ với học thuyết của Nho giáo” trong Tạp chí
Hán-Nôm số 2 (63) năm 2004.

| 405


25 NĂM VIỆT NAM HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG LIÊN NGÀNH

2.2. Phật giáo đến nước ta từ rất sớm, không phải từ thời kỳ tự chủ mà
từ cuối thế kỷ I trước CN1 đã vào nước ta qua đường biển. Dưới thời Bắc
thuộc, Luy Lâu2 đã từng là một trung tâm Phật giáo lớn. Tuy nhiên, Phật
giáo cũng được nhập vào Trung Hoa và từ đó vào Việt Nam với kinh kệ
viết bằng chữ Hán.
Phật giáo do Thích Ca Mâu Ni lập ra. Người đã suy nghĩ và giải thích
sự tồn tại của vạn vật. Tam giới nhất thiết duy tâm tạo3. Tam giới gồm có
Dục giới (tức vật chất), Sắc giới (tức vật chất và tinh thần) và Vô sắc giới
(tinh thần thuần túy), Vạn pháp do thức biểu hiện. Những thực thể vật
chất mà chúng ta bắt gặp trong đời sống hàng ngày rất đa dạng, nhưng
dưới cái nhìn của Phật, chúng chỉ là một, khi thì ở dạng này, khi thì ở dạng

khác, biến đổi vô cùng. Nếu coi dạng cũ là “có” thì khi dạng ấy biến đổi
sang dạng mới, dạng cũ không còn nữa, bị coi là “không”. Vạn vật là “có”
mà là “không có”. Đó là “sắc sắc không không”. Câu này cũng có nghĩa là
“vô thường” (tức luôn luôn biến đổi).
Sự biến đổi là do Nhân và Duyên, nhưng Nhân là chủ yếu, Duyên là
phụ trợ. Nhân nào thì quả ấy. Duyên là điều kiện tạo cho sự biến đổi. Với
thuyết Nhân-Quả sẽ giải thích được những sự việc hiện tại liên quan tới
quá khứ và tương lai.
Theo đạo Phật cái “Lợi” là không có thực. Đừng chạy theo nó. Cần biết
như vậy để tiết chế dục vọng.
Phật giáo đến Việt Nam theo đường biển, và hiện nay còn tồn tại ở
một số nơi ở miền Nam thuộc phái Tiểu thừa, còn trên cả nước, do học chữ
Hán mà thuộc phái Đại thừa giống như Trung Hoa. Theo Phật giáo, đời là
bể khổ, chỉ những người đi tu, ở chùa, tuân thủ những quy định nghiêm
ngặt mới được cứu vớt, và tới được cõi hư vô như Phật, đó là quan niệm
của Tiểu thừa. Trái với quan nhiệm này là Đại thừa (tức Cỗ xe lớn), theo
đó, đại chúng đều có thể được cứu vớt, miễn là biết “tu nhân tích đức”
chứ không phải vào tu ở chùa và cuối cùng cũng sẽ đến nơi cực lạc. Người
Khmer Nam Bộ theo Tiểu thừa còn người Việt nói chung, theo Đạo thừa.
1 Theo Nguyễn Lang, trong Lịch sử Phật giáo Việt Nam (do Nguyễn Tài Thư chủ biên).
Viện Triết học, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1988.
2 Luy Lâu ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, đã từng là trung
tâm chính trị, kinh tế, thương mại ở Giao Châu cho đến thế kỷ III.
3 Đây là một thuyết khá phổ biến hiện nay. Có thuyết khác: “Vạn vật giai không” (tức
do “không” mà ra).

406 |


25 NĂM VIỆT NAM HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG LIÊN NGÀNH


Kinh kệ ở các chùa hiện nay đều dịch từ chữ Hán sang hoặc lấy của Trung
Hoa làm gốc.
Phật giáo vào thời Lý, Trần đã từng được coi là quốc giáo. Trần Nhân
Tông (thế kỷ XIII) đã từ bỏ ngai vàng lên tu ở núi Yên Tử lập ra Thiền phái
Trúc Lâm. Đến triều Lê Phật giáo mới bị Nho giáo lấn át. Phật giáo có ảnh
hưởng lớn đến xã hội và văn hóa Việt Nam.
Nếu như Nho giáo chỉ chú ý đến quan hệ giữa con người và con người.
(Khổng Tử trong Luận ngữ nói rằng việc người sống còn chưa biết thì việc
người chết biết sao được. Khi được hỏi về thần linh thì người trả lời “kính
nhi viễn chi”) tức là mới chỉ có nhân sinh quan mà thiếu vũ trụ quan, trái lại
Phật giáo đã giải thích được sự tồn tại của vạn vật và sự biến đổi luân hồi,
tức là có được cái mà Khổng giáo đang thiếu. Khổng giáo đã bỏ trống trận
địa cho Phật giáo tồn tại và phát triển. Cũng chính vì vậy mà Đạo giáo mới
có chỗ đứng và đó là lý do của tam giáo đồng nguyên ngay từ Trung Hoa,
trong đó Nho giáo là chủ đạo
2.3. Đạo giáo cũng xuất phát từ Trung Hoa từ trước CN. Lão Tử viết
Đạo đức kinh, sau đó Trang Tử viết Nam hoa kinh. Đây cũng là một hệ tư
tưởng triết học được gọi là của các Đạo gia. Chỉ sau đó mấy thế kỷ mới hình
thành những nhóm chủ trương thờ cúng, chữa bệnh, v.v… trở thành tôn
giáo, trên cơ sở lý thuyết của các Đạo gia, và được gọi là Đạo giáo.
Theo tư tưởng Đạo gia thì Đạo là nguyên lý vận động tự nhiên. Đức
là hình thức biểu hiện của Đạo. Đạo đi từ đơn nhất đến Âm - Dương. Âm
dương cùng với Khí tạo nên con người, cũng như muôn loài và vạn vật.
Rồi từ đó vạn vật vận động tuần hoàn tự nhiên, để rồi lại trở về Đạo. Như
vậy đạo của Lão Trang quan tâm đến vũ trụ, vô tận về không gian và thời
gian. Đó là điều mà Nho giáo không có và phải vay mượn. Theo tư tưởng
của Lão Trang thì Sinh, Lão, Bệnh, Tử là quy luật của tự nhiên, vì vậy thái
độ phù hợp của con người là Thanh tịnh vô vi, giữ cho tâm hồn bình yên,
thanh thản. Vô vi không hẳn là chẳng làm gì, nếu có hành động thì hãy

hành động phù hợp với tự nhiên. Lão Trang chống đường lối chính trị đạo đức của Khổng Mạnh. Trong văn học, tư tưởng nhàn tản của một số thi
nhân như Nguyễn Bỉnh Khiêm là ảnh hưởng của tư tưởng Đạo gia.
Đạo giáo ở Việt Nam chưa bao giờ là quốc giáo. Nó kết hợp với tín
ngưỡng bản địa, thờ thần linh, như thần núi, thần sông, cây cỏ,… trong khi
ở tư tưởng của Đạo gia là vô thần.

| 407


25 NĂM VIỆT NAM HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG LIÊN NGÀNH

Đạo giáo thờ Ngọc Hoàng Thượng đế, thờ Mẫu (công chúa Liễu Hạnh).
Nếu theo đạo Phật có chùa chiền và các tăng lữ thì trong Đạo giáo cũng
có các đạo quán, với các đạo sĩ. Tuy nhiên, việc thờ cúng, lễ nghi chịu ảnh
hưởng của Phật giáo, thậm chí được thực hiện ngay trong chùa.
Ở một số nơi Đạo giáo thờ cả những thần có công với nước như Trần
Hưng Đạo, gọi là đền, như đền Vạn Kiếp, đền Trấn Vũ. Việc thờ cúng của
Đạo giáo suy vi mang nhiều tính dị đoan, làm bùa chữa bệnh, lên đồng,
hầu bóng, …
Một phái của Đạo giáo ở Trung Hoa muốn trở thành tiên ngay trên
mặt đất này nên thiên về tập luyện (ví dụ khí công) và làm thuốc trường
sinh bất tử.
Xem như vậy Đạo giáo xuất phát từ tư tưởng của Đạo gia đến nay
đang còn ảnh hưởng đến văn hoá, đến xã hội ta mãi đến ngày nay. Mặt
khác, Đạo giáo ở Việt Nam đã hoà nhập cả vào Phật giáo. Hiện tượng tam
giáo đồng nguyên ở Việt Nam là rõ ràng. Nhà vua cũng tế trời đất, cầu cho
mưa thuận gió hoà, vua phong sắc cho các thần, thờ ở các làng. Song tam
giáo đồng nguyên đã có từ Trung Hoa, do Nho giáo chỉ thiên về chính trị đạo đức mà không đáp ứng được yêu cầu của mọi người trong quần chúng
nhân dân. Chữ Hán đã đưa Nho giáo vào Việt Nam, đã khiến Phật giáo ta
theo Đại thừa. Qua chữ Hán mà chúng ta biết được tư tưởng Đạo gia và cả

cái gọi là tam giáo đồng nguyên - (Nho, Phật, Đạo) đã chẳng những ảnh
hưởng đến văn học và các tác phẩm văn hoá cổ trung đại của chúng ta mà
ảnh hưởng cả đến xã hội và ảnh hưởng đó còn đến tận ngày nay.
Những hệ tư tưởng của Trung Hoa, ta tiếp thu do học và dùng chữ
Hán. Chúng quyết định chiều hướng văn học và cả xu thế văn hoá của dân
tộc ta. Đương nhiên, khi vào Việt Nam chúng có bị biến dạng hay bị Việt
Nam hoá đi ít nhiều.
Nho giáo, thì khỏi nói, bộc lộ không ở chỗ này thì ở chỗ khác trong
các tác phẩm văn học và tác phẩm văn hoá. Đọc Quân Trung từ mệnh tập,
Ức trai thi tập của Nguyễn Trãi, Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú,
Hồng Đức quốc âm thi tập thì thấy rõ. Kể cả khi chữ Nôm đã được thịnh
hành mà ta còn thấy những bản dịch truyền bá tư tưởng Khổng Mạnh
như Luận ngữ thích nghĩa ca. Trung dung diễn ca của Phạm Đình Toái, Thi
kinh đại toàn diễn nghĩa của Bùi Huy Bích. Còn trong các tác phẩm văn học
thì đâu cũng có, từ Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, Chinh phụ
408 |


25 NĂM VIỆT NAM HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG LIÊN NGÀNH

ngâm của Đặng Trần Côn - Đoàn Thị Điểm đến Kim Vân Kiều tân truyện
của Nguyễn Du.
Phật giáo thịnh hành vào thời Lý, Trần. Có đến 40 vị sư dưới triều Lý
đã từng biên soạn và sáng tác, trong đó nổi bật là Mãn Giác, Viên Chiêu,
Viên Thông, Không Lộ, Quảng Nghiêm,… Đó là những bài kệ, cũng có khi
là những quyển sách trình bày lý thuyết Phật giáo như Khoá hư lục của Trần
Thái Tông, Thiền Uyển tập anh.
Ảnh hưởng của Phật giáo trong thi ca sau này thì đâu cũng có. Tư
tưởng Phật giáo ngay trong Kim Vân Kiều tân truyện (Truyện Kiều) của
Nguyễn Du là một trong những minh chứng rất rõ cho nhận định này.

Còn tư tưởng nhàn tản ảnh hưởng của Đạo gia thì không phải là
không có. Trong thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ,… đều
có cả. Những truyện Nôm gặp tiên như Bích câu kỳ ngộ, cũng là ảnh hưởng
của Đạo giáo.
Trên đây là nói đến những hệ tư tưởng do chữ Hán mang lại và nó ảnh
hưởng tới chiều hướng văn hoá của ta, nhưng cũng đừng quên rằng chính
chữ Hán được coi là văn tự quốc gia trong nhiều thế kỷ nên nó đã giúp ta
biên soạn, sáng tác được nhiều tác phẩm giá trị. Với Đại Việt sử ký của Lê
Văn Hưu, Sử ký tục biên, Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám
cương mục, Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện, rồi hàng loạt sách về địa dư
như Nhất thống dư địa chí, Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh dư địa chí, Gia
định thống chí, Bắc Thành dư địa chí, Phương Đình địa chí, và nhất là cuốn “từ
điển bách khoa thư” của Phan Huy Chú gọi là Lịch triều hiến chương, ngày
nay ta mới biết được lịch sử, địa lý, văn hoá nước nhà.
Cũng bằng chữ Hán ta đã tạo dựng được một kho tàng văn học phong
phú với số lượng thi tập đáng kể, ngay từ đời Trần đến sau này. Nhiều vua
Trần đã để lại các thi tập như Thái Tông thi tập, Nhân Tông thi tập, Đại hương
hải âm thi tập (Trần Nhân Tông), Minh Tông thi tập, Nghệ Tông thi tập, Thiền
Tông chỉ nam (Trần Thái Tông). Ngoài ra là Lạc đạo tập của Trần Quang Khải,
Bằng hồ ngọc hác tập của Trần Nguyên Đán, Giới hiên thi tập của Nguyễn
Trung Ngạn, Giáp thạch tập của Phạm Sư Mạnh, Ngọc tỉnh liên phú của Mạc
Đĩnh Chi1.
1 Ở đây không kể đến những quyển đã bị thất lạc mà chỉ biết đến tên sách, tên tác giả
qua sử sách. Có một số tác giả có sách bị thất truyền nhưng còn lại một số bài như Trần
Quang Triều với Cúc đường di cảo.

| 409


25 NĂM VIỆT NAM HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG LIÊN NGÀNH


Tiếp đến các thời sau thì số lượng tác phẩm càng phong phú: Ức Trai
thi tập của Nguyễn Trãi, Bạch Vân Am thi tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quế
đường thi tập của Lê Quý Đôn, Bắc hành thi tập của Nguyễn Du, Quế Sơn thi
tập của Nguyễn Khuyến. Về văn xuôi ta có Binh thư yếu lược, Hịch tướng sĩ
của Trần Quốc Tuấn, Quân trung từ mệnh tập của Nguyễn Trãi, Vân đài loại
ngữ, Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn. Về truyện ta có Việt điện u linh tập,
Lĩnh Nam chính quái, Truyền kỳ mạn lục.
Như vậy là chữ Hán đã có ảnh hưởng tích cực đến việc phát triển, đến
sự lớn mạnh của văn học và văn hoá nói chung vào thời kỳ cổ trung đại.

3. Văn học và những tác phẩm văn hoá cổ trung đại với sự ra đời của chữ Nôm
3.1. Trước hết nói về sự ra đời của chữ Nôm
Đây là một sự sáng tạo của người Việt. Trên cơ sở của chữ Hán ta đã tạo
ra được một thứ chữ để ghi âm tiếng Việt.
Chữ Nôm được hình thành trên mô hình và chất liệu của chữ Hán.
Nếu chữ Hán được cấu tạo theo sáu phương thức: 1/ Tượng hình; 2/ Chỉ
sự; 3/ Hội ý; 4/ Hình thanh; 5/ Chuyển chú; 6/ Giả tá (mà Hứa Thận đã tổng
kết trong “Thuyết văn giải tự”) thì chữ Nôm cũng đã sử dụng ba trong số
sáu phương thức cấu tạo ấy. Đó là a/ Hội ý; b/ Giả tá; c/ Hình thanh. Trong
số đó Giả tá và Hình thanh chiếm tuyệt đại đa số trường hợp.
Có một vài chữ dùng hình vẽ để biểu ý, ví dụ “lồi” được ghi bằng 凸
và "lõm" được ghi bằng 凹 . Đó là chữ Nôm tự tạo điển hình. Đôi khi mượn
hẳn một chữ Hán có cách phát âm (đương nhiên là cách phát âm Hán Việt)
na ná với âm của từ Việt muốn ghi. Trong trường hợp từ Hán và từ Việt
không đồng âm hoàn toàn mà chỉ là cận âm, tuỳ theo văn cảnh mà đọc
chệnh đi một chút thì người viết có ghi bên cạnh từ ấy một dấu hiệu để
báo cho người đọc. Dấu hiệu đó có thể là một ký hiệu đơn thuần như "dấu
nháy" <, có thể là một chữ, như chữ "khẩu" 口 hay chữ "cá" 个, chữ "xa" 車,
chữ "ma" 麻, chữ "cự" 巨, chữ "tư" 司.

Có một điều thú vị là đôi khi chữ Nôm mượn nguyên một chữ Hán và
đọc theo nghĩa của chữ ấy bằng âm Việt, ví dụ 內 "nội" đọc ngay là "trong",
少 "thiểu" đọc là "ít, 国 "quốc" đọc là "nước", tuỳ theo văn cảnh.
Chữ Nôm giống chữ Hán ở chỗ mỗi chữ có hình khối vuông, ghi một
âm tiết và có nghĩa, tức là một hình vị hay "ngữ tố".
410 |


25 NĂM VIỆT NAM HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG LIÊN NGÀNH

Người Nhật cũng có chữ để ghi âm tiếng Nhật, đó là chữ Katakana
và Hiragana và cũng trên cơ sở chữ Hán. Người Cao Ly cũng có chữ riêng
ghi âm tiếng mình, gọi là chữ Hangul. Tuy nhiên những thứ chữ ấy không
giống với chữ Nôm.
Chữ Katakana (Phiến giả tự) lấy từ chữ Hán nhưng chỉ lấy một "mảnh"
thôi, mảnh đó có thể là phần trên của chữ Hán, có thể là phần dưới hoặc ở
trên, hoặc một góc, ví dụ.
Từ chữ Hán 利 thành chữリdùng để ghi âm “ri” của tiếng Nhật.
Từ chữ Hán 阿 "a" (chữ Hán cổ, "núi nhỏ") -> ghi âm "a" của tiếng Nhật.
Mỗi chữ ghi một âm tiết, ví dụ:
力 (ka) キ(ki) ク(ku) ケ(ke) コ(ko) マ (ma)ミ (mi) 厶 (mu) メ(me) モ (mo)
Chữ Hiragana (Bình giả tự) mượn lối “chữ thảo” của Hán, hoặc đơn
giản hoá đi mà thành, ví dụ:
Từ chữ 寸 viết thành và cuối cùng làす
Từ chữ 女 viết thành và cuối cùng làめ
Từ chữ 天 viết thành và cuối cùng làて
Chữ Katakana dùng để phiên âm tiếng nước ngoài (như tên người hay
địa danh), còn chữ Hiragana dùng để ghi âm các từ tiếng Nhật.
Song song với hai thứ chữ trên người Nhật vẫn dùng cả chữ Hán, gọi
là Kanji. Lấy một câu để minh họa, chẳng hạn “người Mỹ phải không” sẽ

được phát âm và ghi như sau trong tiếng Nhật.
a/ me/ ri/ ka/ jin/ de/ su/ ka/
ア メ リ 力 人 で す か
Katakana

Kanji

Hiragana

Chữ Kanji 人 trong trường hợp này đọc là jin (khi đứng một mình)
còn trong trường hợp khác được đọc là "hito". Ví dụ "người đàn ông" được
viết là 男の人 và đọc là "okoto no hito", tức là thành 6 âm tiết. Mỗi âm tiết
không tương đương với một ngữ tố như chữ Nôm.
Chữ Hangul của Cao ly thì không phải là chữ ghi âm tiết mà là chữ ghi
âm vị giống như chữ Quốc ngữ của ta, chỉ khác ở chỗ không ghi nối tiếp
nhau theo chiều ngang mà sắp xếp trên dưới thành một khối vuông. Một
chữ có nhiều thành phần.

| 411


25 NĂM VIỆT NAM HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG LIÊN NGÀNH

Ví dụ đọc là "pak" trong đó ghi âm vị /p/, ghi âm /a/ và ghi âm vị /k/.
Ngược lại, nếu đã biết /i/ ghi bằng một nét sổ thẳng và /m/ được ghi bằng
thì ghép lại ta sẽ ghi được âm tiết "kim" hay chữ "kim" .
Tuy nhiên mỗi âm tiết hay mỗi chữ không tương đương với một ngữ tố,
vì bên cạnh một số từ đơn, có nhiều từ đa tiết, ví dụ "ơ-mơ-ni" nghĩa là "mẹ",
"ơn-ni" nghĩa là "chị" (khi em gái gọi chị gái). Tóm lại chữ Katakana, Hiragana
và Hangul là những thứ chữ thuần biểu âm, chứ không có phần biểu ý như

chữ Nôm của Việt Nam và mỗi chữ không tương đương với một ngữ tố.
3.2. Ảnh hưởng của chữ Nôm đối với việc phát triển văn hoá
Sự ra đời của chữ Nôm là một niềm tự hào của dân tộc ta. Nó phù hợp với
bản chất tiếng Việt. Đó là một thắng lợi lớn, vì với thứ chữ này người Việt đã
có thể dùng chính ngôn ngữ của mình trong hoạt động văn hoá. Vì lẽ đó, nếu
như khi nói về chữ Hán ta thấy ảnh hưởng của nó là quyết định chiều hướng
của văn hoá Việt, do nó mà Nho giáo, Phật giáo vào Việt Nam, tồn tại trong
văn hoá và các tác phẩm văn hoá Việt Nam cổ trung đại, thì nay khi nói về
chữ Nôm ta thấy ảnh hưởng của nó là thúc đẩy sự phát triển của văn hoá Việt.
Chữ Nôm trở thành những phương tiện chuyển tải thông tin hữu hiệu
giữa những người lãnh đạo với nhân dân hay quân sĩ trong những cuộc
vận động quần chúng. Đó là những đạo dụ, những bài hịch, như hịch đánh
Trịnh của nghĩa quân Tây Sơn, Thảo bằng quận Nguyễn Hữu Chỉnh hịch,
Dụ bốn phương cần vương thảo Tây Sơn hịch.
Chữ Nôm là cái chìa khoá để mở mang, nâng cao dân trí. Trước kia
chỉ những người học chữ Hán mới biết Tứ thư, Ngũ kinh, nay dân thường
cũng có thể biết qua các bản dịch ra chữ Nôm và phổ cập khắp nơi như
Luận ngữ thích nghĩa ca, Trung dung diễn ca. Nhà nhà đều biết Nhị thập tứ hiếu,
người người đều biết Đại Nam quốc sử diễn ra, biết Gương sử Nam.
Về Phật giáo bằng chữ Nôm có Tây Phương công cứ tiết yếu diễn âm, Phật
thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh. Về đạo giáo có Âm chất văn giải âm, có
Đạo giáo nguyên lưu.
Người ta còn dùng chữ Nôm để phổ biến kiến thức thông thường hữu
dụng hàng ngày như Trị đậu chứng quốc ngữ ca, Thương hàn quốc ngữ ca, Gia
truyền trị bệnh dụng dược ca, Cửu chương lập thành toán pháp1.
1 Theo GS Nguyễn Quang Hồng trong Khái luận văn tự học. Chữ Nôm - Nxb Giáo
dục, 2008.

412 |



25 NĂM VIỆT NAM HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG LIÊN NGÀNH

Đặc biệt chữ Nôm đã làm cho văn học nở rộ. Ngoài những thi tập là
hàng trăm bài thơ của mấy chục tác giả lớn nhỏ, những ca khúc, những
truyện kể có tác giả xác định và hàng loạt truyện Nôm khuyết danh. Đó
là chưa kể những vở chèo được lưu truyền từ bao giờ không rõ cũng được
ghi chép lại bằng chữ Nôm như Trương Viên diễn ca, Nhị độ mai trò, hiện còn
lưu giữ tại Viện Hán Nôm.
Chữ Nôm được các nhà Nho sử dụng để sáng tác từ rất sớm như Phi
sa tập của Hàn Thuyên, Quốc ngữ thi tập của Chu Văn An, Thơ phú quốc âm
của Nguyễn Sĩ Cố. Đáng tiếc mấy tập này đã bị thất truyền. Những thi tập
còn lại khá nhiều với những xu hướng khác nhau. Có thể kể đến Quốc âm
thi tập của Nguyễn Trãi, Hồng Đức quốc âm thi tập đời Lê Thánh Tông. Với
chữ Nôm, tức tiếng mình, mỗi tác giả tha hồ biểu lộ tâm tư tình cảm của
mình. Nguyễn Bỉnh Khiêm trong Bạch Vân Am thi tập có khoảng 1000 bài
thơ, nay còn độ 800 bài, trong Trình quốc công Bạch Vân quốc ngữ thi tập không
rõ lúc đầu có bao nhiêu bài, nay còn khoảng 180 bài. Tất cả toàn vịnh cảnh
thiên nhiên, nhàn tản, cái thú tiêu dao phóng khoáng. Chu Mạnh Trinh có
xu hướng về tình cảm, say mê Truyện Kiều, nên đã viết Thanh tâm tài nhân
thi tập. Phạm Thái thì viết về cuộc tình trắc trở của ông với Trương Quỳnh
Như. Hồ Xuân Hương, một phụ nữ có số phậm hẩm hiu, có Xuân Hương thi
tập với lời lẽ mỉa mai, chua chát, nhưng chứa chan tình tự. Ở đây tả cảnh,
tả tình thoát hẳn ảnh hưởng thơ của chữ Hán từ trước tới nay. Ngoài ra là
không biết bao nhiêu bài thơ riêng lẻ của những nhà thơ nổi tiếng. Tất cả
đều nói về tình cảm riêng tây, mỗi người một vẻ. Bà Huyện Thanh Quan
tả cảnh, tả tình với lời lẽ đoan trang. Cao Bá Quát một người có tài nhưng
không được trọng dụng, sinh ra chán nản, có lời lẽ căm ghét, bất mãn,
Nguyễn Công Trứ năng nổ, say sưa trong công việc, nhưng khi nghỉ việc
lại thích cảnh an nhàn. Nguyễn Khuyến, sáng tác đủ các thể loại văn Nôm

(thi ca, hát nói, câu đối, văn tế,…) nhưng thường tự vịnh, tự trào, giễu cợt
người đời, đôi lúc khuyên răn, nhưng bao giờ cũng giữ thái độ ung dung tự
tại, lộ rõ phong cách của bậc đại nhân quân tử. Trần Tế Xương, một người
có tài nhưng không làm nên danh phận, lại nghèo, nên thơ ông đầy giọng
mỉa mai. Ông chế giễu những thói rởm, giả dối của người đời.
Trên đây là nói về Thơ. Bên cạnh đó là những khúc ngâm như Chinh
phụ ngâm của Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm, Cung oán ngâm khúc của
Nguyễn Gia Thiều và hàng loạt truyện Nôm với độ dài tương tự như Kim
Vân Kiều tân truyện (Truyện Kiều) của Nguyễn Du, Hoa tiên truyện của

| 413


25 NĂM VIỆT NAM HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG LIÊN NGÀNH

Nguyễn Huy Tự, Kim Thạch kỳ duyên của Bùi Hữu Nghĩa, Lục Vân Tiên và
Ngư tiền y thuật vấn đáp của Nguyễn Đình Chiểu.
Ngoài ra còn có một số truyện Nôm khác cũng bằng văn vần nhưng
không rõ tác giả là ai, như Bích câu kỳ ngộ, Nhị Độ Mai, Phan Trần, Phạm Công
Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa. Tuỳ theo từng truyện trình độ nghệ thuật có
khác nhau. Bích câu kỳ ngộ và nhất là Hoa tiên truyện có trình độ thơ văn đến
mức điêu luyện, nhiều điển cố, vì vậy chỉ được các học giả thưởng thức,
ít được phổ cập trong quần chúng. Đương nhiên, Truyện Kiều là một tác
phẩm ngoại hạng, vẫn là bông hoa thơm nhất, đẹp nhất trong vườn hoa
nghệ thuật.
Xem như vậy, ảnh hưởng của chữ Nôm tới sự phát triển của văn học và
văn hoá Việt giai đoạn cổ trung đại là một thực tế không thể chối cãi được.

4. Văn học và những tác phẩm văn hoá cận - hiện đại với việc sử dụng chữ Quốc ngữ
4.1. Trước hết nói về việc sử dụng chữ Quốc ngữ

Đây là thứ chữ thuộc hệ thống chữ La-tinh hoàn toàn xa lạ với ông cha
ta. Nó được các giáo sĩ phương Tây sử dụng để học tiếng của dân bản địa
nhằm mục đích truyền giáo. Sau khi Pháp đặt được nền đô hộ ở Việt Nam
thấy cần phải đào tạo những người cộng tác hay đúng hơn là người thừa
hành công việc cai trị của họ, nên muốn dùng chữ Quốc ngữ làm cầu nối
để người Việt học tiếng Pháp. Mặt khác họ muốn xoá đi ảnh hưởng của
văn hoá Trung Hoa và thay thế vào đó “văn minh” Pháp. Họ lần lượt bãi bỏ
các khoa thi chữ Hán, trước hết ở Nam Kỳ (1867), rồi đến Bắc Kỳ (1915) và
Trung Kỳ (1918). Họ mở các trường, lúc đầu dạy cả chữ Hán, chữ Quốc ngữ
và chữ Pháp, sau chỉ dạy hai thứ chữ và bỏ chữ Hán.
Người Việt rất thờ ơ học chữ Quốc ngữ và việc học hoàn toàn là do
Pháp bắt buộc. Nhưng từ đầu thế kỷ XX, sau phong trào Cần Vương và
khởi nghĩa Yên Thế, các sĩ phu yêu nước phát động phong trào Đông Du
cầu học và bắt đầu nhìn thấy ở chữ Quốc ngữ một lợi thế là dễ học và có
thể truyền đạt tư tưởng yêu nước. Các chí sĩ bắt đầu cổ động việc học chữ
Quốc ngữ và thậm chí mở trường dạy chữ Quốc ngữ.
Trường Đông Kinh nghĩa thục được mở ra ở Hà Nội (1907) tạo nên một
phong trào (nhưng chỉ hoạt động được 9 tháng thì bị chính quyền Pháp
đóng cửa). Các lớp học chữ Quốc ngữ của Đảng Cộng sản mở ra ở Vinh và
414 |


25 NĂM VIỆT NAM HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG LIÊN NGÀNH

lan ra một số tỉnh. Hội truyền bá Quốc ngữ (1936 - 1938) và sau Cách mạng
là phong trào Bình dân học vụ.
Như vậy, việc học chữ Quốc ngữ từ chỗ bị áp đặt bởi chính quyền
Pháp vì lợi ích của họ đến tự nguyện, và vận động toàn dân học chữ Quốc
ngữ vì lợi ích của Tổ quốc, và từ sau Cách mạng Tháng Tám (1945), chữ
Quốc ngữ trở thành văn tự quốc gia

4.2. Một nền văn học văn xuôi hình thành
Việc sử dụng chữ Quốc ngữ vào giai đoạn đầu chỉ là để ra các báo và
tạp chí. Trước hết ở Nam kỳ, sau ở Bắc kỳ. Từ Gia Định báo, rồi đến Đại Nam
đồng văn Nhật Báo, Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn, Đại Việt tân báo, Đăng
cổ tùng báo, Trung Bắc tân văn, Đông Dương tạp chí, Nam phong tạp chí, Hữu
thanh tạp chí, An Nam tạp chí, Tiếng Dân, Phụ nữ tân văn,… rồi càng về sau
mỗi ngành đều có báo và tạp chí riêng, như Học báo, Văn học tạp chí, Khoa
học tạp chí, Khoa học phổ thông, Vệ nông báo, Chớp bóng, Vệ sinh báo v.v… Và từ
1935 có báo hàng ngày cung cấp thông tin về mọi mặt.
Trong số báo chí này đáng lưu ý là Nam Phong tạp chí và Đông Dương
tạp chí.
Trên Nam Phong tạp chí có những bài về học thuật và văn học, Á cũng
như Âu. Bên cạnh những bài về Đại học, Trung Dung, Mạnh Tử, Luận ngữ
có những bài như Phương pháp luận Descartes, Đời đạo lý của Paul Carton
và cả Tuồng Lôi xích (Le Cid) của Corneille, tuồng Hoà Lạc (Horace), kịch
Hâm liệt (Hamlet), kịch Mặc biệt (Mac Beth), đấy là chưa kể An-na-kha-lệninh (Anna Karenina).
Trên Đông Dương tạp chí thì ngoài kịch như Trưởng giả học làm sang (của
Molière), Bệnh tưởng (Molière), Người biển lận (Molière), còn có truyện, tiểu
thuyết như Tê-lê-mạc phiêu lưu ký (Fénelon), Ba người ngự lâm pháo thủ
(A. Dumas), Miếng da lừa (Balzac), Mai nương lệ cốt (Manon Lescaut - A.
Prévost), Những kẻ khốn nạn (V.Hugo)v.v…
Báo chí đã tập dượt cho cả người đọc lẫn người viết để sau này có
“Chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi” (bút ký) của Trương Vĩnh Ký, truyện ngắn
“Thầy Lazarô Phiền” của Nguyễn Trọng Quản và tiếp theo là tiểu thuyết của
Hồ Biểu Chánh, truyện ngắn của Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học, Tản Đà,
Hoàng Ngọc Phách,… Thời gian đầu những sáng tác được đăng trên báo
chí hoặc thành sách mỏng. Sau 1925 sách in đã khá dày: “Quả dưa đỏ” của

| 415



25 NĂM VIỆT NAM HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG LIÊN NGÀNH

Nguyễn Trọng Thuật, “Sóng hồ Ba Bể” của Bửu Cầm, “Kim Anh lệ sử” của
Trọng Khiêm, “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách.
Trước kia với chữ Hán, hoặc chữ Nôm chỉ có một hai cuốn viết bằng
văn xuôi còn hầu hết các tác phẩm văn học đều bằng văn vần. Nay với chữ
Quốc ngữ một nền văn học bằng văn xuôi mới thực sự hình thành. Những
truyện dịch, hoặc phỏng tác trên các báo và tạp chí đã xây dựng được những
câu văn xuôi ngắn gọn, mạch lạc. Nhà văn quen với việc mô tả cuộc sống.
Độc giả của báo chí dần dần khắc phục quan điểm thẩm mỹ cũ (lấy từ bóng
bẩy, đối chọi, hay những hình ảnh xáo rỗng, những điều huyền ảo làm tiêu
chí đánh giá văn chương) nay chấp nhận một cuộc sống thực tế trong văn
học. Đó là nguồn gốc, động lực để tiểu thuyết ra đời. Hàng loạt tác giả của
dòng văn học hiện thực còn để lại tên tuổi đến ngày nay như: Nguyễn Công
Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nam Cao.
Nhóm “Tây học” viết tiểu thuyết lãng mạn, tình cảm đáp ứng yêu cầu
của thị dân lúc bấy giờ, nhóm Tự lực văn đoàn, không phải là không có
đóng góp nhất định. Họ đã làm cho ngôn ngữ trong sáng hơn, giàu có hơn,
đẩy văn học Việt Nam tiến lên trên con đường hiện đại hoá.
Văn học Việt Nam xây dựng được một nền văn xuôi như thế, mà trước
kia hầu như không có, đó chính là chiều hướng mới, thể hiện sự phát triển
mạnh mẽ do ảnh hưởng của chữ Quốc ngữ.
4.3. Sự xuất hiện của phong trào Thơ Mới
Chữ Quốc ngữ được sử dụng rộng khắp, trường Pháp - Việt thay thế
cho các trường chữ Hán thì đương nhiên tư tưởng phương Tây cũng tràn
vào, “Cái tôi” trở thành trung tâm, nhà văn, nhà thơ muốn nói lên những
tình cảm riêng tây của mình, nhưng là “cái tôi” đầy khát vọng, “cái tôi” lãng
mạn, chứ không như “cái tôi” cô đơn của các nhà nho xưa, và thi ca cũng
không còn muốn “tải đạo” như trước nữa. Mặt khác, nhiều người đã thấy

cái gò bó niêm luật của thơ Đường, vốn đã ngự trị ở nước ta từ nhiều thế
kỷ, muốn phá vỡ cái khuôn khổ cũ, do vậy ngoài một số thanh niên “Tây
học” vốn viết cho báo Phong hoá, Ngày nay, còn có nhóm viết cho Hà Nội báo,
như Huy Thông, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Nhược Pháp, nhóm viết cho Tiểu
thuyết thứ bảy1 như Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, nhóm Xuân thu nhã tập
với Đoàn Phú Tứ, nhóm Huế với Nam Trân, nhóm Bình Định với Hàn Mạc
1 Tiểu thuyết thứ bảy là tên của báo

416 |


25 NĂM VIỆT NAM HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG LIÊN NGÀNH

Tử, Chế Lan Viên... Cả một lực lượng thật hùng hậu với những gương mặt
nổi bật là Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ đã vùng lên làm thay đổi nền văn
vần vốn có từ xưa.
Câu thơ dài ngắn không chừng, nhưng hàm chứa cảm xúc mãnh liệt.
Để minh hoạ ta có thể lấy mấy câu trong bài Vội vàng của Xuân Diệu:
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
………..
Và non nước và mây và cỏ rạng
Cho chếnh choáng mùi hương cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
Hỡi Xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi.
Có thể kể hàng loạt bài nổi tiếng tương tự của rất nhiều tác giả, như
Nhớ rừng, Cây đàn muôn điệu của Thế Lữ, Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, Đẹp và
thơ của Nam Trân, Thu của Chế Lan Viên, Tiếng địch sông Ô của Huy Thông,
Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp, Quê hương của Tế Hanh, Màu thời
gian của Đoàn Phú Tứ, Say đi em của Vũ Hoàng Chương,…

Từ ấy của Tố Hữu cũng mang tính chất của Thơ Mới duy có điều là nội
dung cách mạng. Sau này trong kháng chiến, nhiều nhà thơ cũng làm theo
kiểu ấy: Minh Huệ, Trần Hữu Thung, Hoàng Trung Thông. Tóm lại, phong
trào Thơ Mới lan ra rất nhanh và rộng khắp, làm đảo lộn cả nền văn vần
nước nhà. Nó mang lại cho thơ vần điệu, tiết tấu khác lạ. Nói không quá
đáng, đây là một cuộc “cách mạng” về thơ mà suy cho cùng chính là ảnh
hưởng của chữ Quốc ngữ.
4.4. Sự ra đời của một hình thức nghệ thuật sân khấu mới:
Từ trước đến đầu thế kỷ XX, các hình thức nghệ thuật sân khấu của ta
chỉ có tuồng, chèo, cải lương. Những hình thức này vẫn còn tiếp tục đến
ngày nay. Nhưng như trên đã nói ở các báo đã thấy xuất hiện bản dịch các
vở kịch của Pháp, Anh. Một số là kịch thơ, nhưng một số là kịch nói, tức
bằng văn xuôi. Điều này đã kích thích người Việt sáng tác những vở kịch
tương tự. Đi đầu sáng tác kịch nói là Vũ Đình Long với vở Chén thuốc độc.
Tiếp theo là Toà án lương tâm, Bạn và vợ, Thủ phạm là tôi của Nguyễn Hữu
Kim, Uyên ương, Hoàng Mộng Điệp, Hai tối tân hôn của Vi Huyền Đắc, Ông
tây An Nam, Chàng Ngốc của Nam Xương.

| 417


25 NĂM VIỆT NAM HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG LIÊN NGÀNH

Chữ Quốc ngữ làm rộng đường sáng tác đối với tác giả, nội dung dễ
nhớ, dễ tập đối với diễn viên. Vì lẽ đó nó phát triển rất nhanh và trong
kháng chiến kịch nói rất phổ biến. Nó phản ánh nhanh nhạy cuộc sống:
Bửu Tiến viết Trên nớ, Nguyễn Huy Tưởng viết Những người ở lại, Thanh
Tịnh viết Trưng Trắc, Trưng Nhị, Nguyễn Huệ, Văn Cao viết Cái hầm sống,
Học Phi viết Ngày mai, Chị Hoà, Hoàng Sĩ Nguyên viết Hai thái độ, Nguyễn
Lương Ngọc viết Ngọn đèn, Gia đình họ Bạch, Chu Văn Tiến viết Tự vệ kháng

chiến, Đào Mộng Long viết Cái võng v.v… Ngày nay kịch nói cũng đang
phát triển. Một số tác giả và các vở kịch kể ra trên đây chỉ nhằm minh
chứng cho sự phong phú của kho tàng nghệ thuật đang xét. Quả thực, sự
ra đời của kịch nói là một chiều hướng mới trong văn học nghệ thuật của
chúng ta mà đó cũng là do ảnh hưởng của chữ Quốc ngữ.

5. Những điều đã trình bày ở trên về chữ Hán, chữ Nôm và chữ Quốc ngữ cho thấy
a) Nước ta về địa hình, nằm trong khu vực Đông Nam Á, nếu không bị
chữ Hán lôi kéo, dù từ lâu đã có một nền tự chủ, thì có lẽ ta đã chẳng theo
Nho giáo, mà nếu có theo Phật giáo thì cũng là Tiểu thừa như Campuchia,
Thái Lan, cũng có thể là Hồi giáo như ở Malaysia, Indonesia, chứ chẳng biết
đến Đạo giáo là gì, và nền văn học của ta đã khác nay.
b) Chữ Nôm do người Việt tạo ra, tuy chưa bao giờ được coi là văn tự
quốc gia, nhưng đó là phương tiện để sáng tác thi ca, nâng cao dân trí, xây
dựng nên một nền văn học bằng ngôn ngữ Việt và kho tàng văn học, văn
hoá ấy phong phú, khá tự hào. Nếu không, người Việt vẫn sáng tác văn học
nhưng kho tàng văn học ấy, chắc sẽ nghèo nàn hơn và nhất là không phải
bằng tiếng nước mình. Chúng ta sẽ không có các ca khúc, hàng loạt truyện
Nôm khuyết danh và không có Truyện Kiều.
c) Cuối cùng một giả thuyết đặt ra là nếu ta vẫn tiếp tục sử dụng chữ
Hán và chữ Nôm thì ảnh hưởng của phương Tây chắc khó đến, tôi không
dám nói là không đến, vì vẫn có những phong trào Đông Du cầu học,
nhưng chắc chắn ta không có một nền văn học bằng văn xuôi với báo chí,
tiểu thuyết rầm rộ như đã diễn ra trong giai đoạn văn học cận - hiện đại ở
nước ta. Thơ văn ta sẽ còn đóng khung trong Đường luật, trong “thượng
lục hạ bát”. Đấy là chưa muốn nói rằng nghệ thuật sân khấu của chúng ta
chỉ biết đến tuồng, chèo, cải lương, chứ không bao giờ biết đến kịch nói.
418 |



25 NĂM VIỆT NAM HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG LIÊN NGÀNH

Các nhà nghiên cứu lịch sử văn học nước ta, đều biết đến những điều
mà người viết bài này kể ra, đều thấy được những gì mới lạ xuất hiện và
xuất hiện từ bao giờ, song có lẽ chẳng mấy ai đã nghĩ đến nguyên nhân
sâu xa của chúng, tức là vì đâu mà có. Nói đến văn học cận hiện đại, người
ta sẽ nói đến ảnh hưởng của phương Tây, nhưng ngược lên nữa thì không
nói đến.
Xuất phát từ cách nhìn của người nghiên cứu ngôn ngữ, văn tự và ảnh
hưởng của chúng, tôi xin mạnh dạn đề xuất một vài ý nghĩ này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.

Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu. Bộ Quốc gia Giáo dục tái bản,
Hà Nội, 1950.

2.

Đào Duy Anh, Chữ Nôm. Nguồn gốc, cấu tạo, diễn biến, Nxb Khoa học Xã hội, Hà
Nội, 1975.

3.

Đào Duy Anh, Việt Nam văn hoá sử cương, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1992.

4.

Đoàn Thiện Thuật, Ngữ âm tiếng Việt, Nxb Đại học và Trung học Chuyên
nghiệp, Hà Nội, 1977.


5.

Đoàn Thiện Thuật, Chữ Quốc ngữ thế kỷ XVIII, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2008.

6.

Đoàn Thiện Thuật, Kim Ki Tae, Nói tiếng Hàn Quốc, Nxb Samji Books,
Seoul, 1977.

7.

Huệ Khải (Dũ Lan, Lê Anh Dũng), The three teachings of Vietnam as an idealogical
precondition for the foundation of Caodaism, Publishing House. San Martin, CA,
USA, 2010.

8.

Kim Định. Triết lý an vi, Ra Khơi - An Tiêm - Nguồn sáng, Saigon, 1967 - 1974.

9.

Lê Văn Quán, Bước đầu tìm hiểu Bác Hồ với học thuyết Nho gia, Tạp chí Hán
Nôm số 2 (63) 2004.

10. Nguyễn Đăng Thục, Lịch sử tư tưởng Việt Nam, (1-6) Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1992.
11. Nguyễn Quang Hồng, Khái luận văn tự học chữ Nôm, Nxb Giáo dục, 2008.
12. Nguyễn Tài Cẩn, Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, Nxb Khoa
học Xã hội, Hà Nội 1979.
13. Nguyễn Tài Cẩn, Một số vấn đề về chữ Nôm, Nxb Đại học và Trung học Chuyên

nghiệp, Hà Nội, 1985.
14. Nguyễn Tài Cẩn, Giáo trình lịch sử ngữ âm tiếng Việt (sơ thảo), Nxb Giáo dục, Hà
Nội, 1995.

| 419


25 NĂM VIỆT NAM HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG LIÊN NGÀNH

15. Nguyễn Tài Thư (chủ biên), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học Xã
hội, 1988.
16. Nguyễn Tài Thư (chủ biên), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà
Nội 1993.
17. Richard Smith, Trevor Hughes Parry, Brian Morean, Japonese - Language and
People A, BBC course in Japonese for Beginners, London, 1992.
18. Trần Đình Hượu, Tuyển tập (tập I), Nxb Giáo dục, 2007.
19. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hoá Việt Nam, Nxb Giáo dục, Tp. Hồ Chí Minh, 2000.
20. Trần Quốc Vượng (chủ biên), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Văn hoá, Hà Nội, 1961.
21. Viện Văn học, Vấn đề cải tiến chữ Quốc ngữ, Nxb Văn hoá, Hà Nội, 1961.
22. Vũ Khiêu, Nho giáo xưa và nay, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991.
23. Léon Vendermeersch, Le nouveau monde sinisé, Paris PUF, 1986.

420 |



×