Tải bản đầy đủ (.docx) (18 trang)

tâm lý học sai biệt tiểu luận

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (118.12 KB, 18 trang )

TÔI KỂ BẠN NGHE VỀ TÔI

A. Lý lịch trích chéo
Tôi tên: Nguyễn Thị Thùy Dung
Giới tính: Nữ
Năm sinh: 1996
Nghề nghiệp: Sinh viên
Cung hoàng đạo: Song Ngư
Sở thích: đọc sách, nghe nhạc, đi du lịch, vẽ, làm đồ handmade,…
Con số yêu thích: 3
Màu sắc yêu thích: đen, trắng, xanh dương.
Câu nói yêu thích:
“Khi yêu thương là khi tôi có thể”
“Đời phải trải qua giông tố nhưng chớ cúi đầu trước giông tố” – Đặng Thùy
Trâm
Quan điểm sống: “Người duy nhất bạn nên cố gắng giỏi hơn chính là bạn của
ngày hôm qua.”
Điều xem trọng nhất: gia đình
Người truyền cảm hứng cho tôi: cha tôi.
Thần tượng của tôi là: một ai đó mạnh mẽ và lạc quan.

B. Tôi vẽ chân dung tâm lý tôi
* * Về nhận thức
* Cảm giác


Tôi khá nhạy cảm đối với các loại cảm giác nhờ sự hoạt động tốt của các
loại giác quan, tuy nhiên mắt kém do bị cận nên thường nhìn mọi vật không rõ.
Cơ quan cảm giác nhạy cảm nhất là vị giác và khứu giác.
* Tri giác
Khả năng quan sát ở mức khá, còn chưa được tinh tế, đôi khi bỏ sót một


vài chi tiết nhỏ nhưng khá quan trọng của sự vật. Nhưng đôi khi tôi cảm thấy
mình khá nhạy cảm, khá tinh tế khi nhận ra được những điều mà người khác
không nhận ra được, nhất là khi tri giác những gì liên quan đến con người.
* Chú ý
Khả năng điều khiển chú ý chủ định tốt, tuy nhiên thỉnh thoảng cũng bị
ảnh hưởng bởi một số kích thích từ môi trường xung quanh.
Khả năng duy trì tập trung chú ý ở mức bình thường.
Có khả năng phân phối chú ý nhưng hiệu quả không cao khi làm nhiều
việc cùng một lúc.
Dễ dàng trong việc di chuyển chú ý.
* Trí nhớ
Trí nhớ có chủ định khá tốt nhưng thời gian gần đây có dấu hiệu suy giảm,
có thể do stress hoặc chế độ làm việc, nghỉ ngơi chưa hợp lý.
Trí nhớ dài hạn khá tốt, đặc biệt là với những gì mà mình nhận định là
quan trọng và có ý nghĩa trong cuộc sống.
Trí nhớ hình ảnh, trí nhớ cảm xúc tốt hơn trí nhớ âm thanh, trí nhớ vận
động.
* Tư duy
Tư duy nhanh nhưng ra quyết định thường chậm. Do tính cách cẩn trọng
nên tôi thường suy nghĩ, nghiền ngẫm kĩ một vấn đề mới đưa ra quyết định.
Khả năng sử dụng các thao tác tư duy ở mức tốt.
* Tưởng tượng
Khả năng tưởng tượng còn chưa phong phú, chủ yếu tưởng tượng tái tạo
vẫn là chính.


* * Về trí tuệ
* Về trí thông minh
Chỉ số IQ ở vào khoảng 120. Được người khác đánh giá cũng như bản
thân tự nhận thức mình là một người khá thông minh.

* Về trí tuệ cảm xúc
Theo thang đo của Lyusin, trí tuệ cảm xúc của tôi đạt 93 điểm, tức là ở
mức cao. Tuy nhiên chỉ phát triển cao ở mặt hiểu cảm xúc bản thân và hiểu cảm
xúc người khác, còn khả năng điều khiển cảm xúc và thể hiện sự biểu cảm chỉ ở
mức trung bình và cần cải thiện thêm.
* * Về các nét nhân cách
* Tính cách
Tôi là người chân thành, biết lắng nghe và có khả năng đồng cảm với
người khác: Tôi tự nhận mình là một người khá tinh tế và nhạy cảm, đặc biệt là
trong vấn đề nắm bắt cảm xúc của người khác. Đôi khi chỉ cần một cái nhíu mày,
một ánh mắt, một nụ cười thoáng qua của người khác cũng đủ để tôi hiểu được
họ đang nghĩ gì, họ đang cảm thấy thế nào. Và nhiều lần những câu hỏi và sự
phản hồi của tôi khiến đối phương lặng người đi hoặc rơi nước mắt. Tôi nghĩ
chính lúc đó tôi đã nắm bắt được cảm xúc và suy nghĩ của họ. Tôi không biết đó
có phải lí do tôi được nhiều người tìm đến như một người bạn để tâm tình, chia
sẻ những nỗi khổ, niềm đau hay cả những bí mật thầm kín trong đời sống rất
riêng tư của họ hay không, nhưng tôi cảm thấy vui vì điều đó vì ít nhất họ đã tìm
thấy được cảm giác đáng tin cậy và đồng cảm nơi tôi dù đôi lúc tôi thực sự chưa
giúp gì cho họ mà chỉ dừng lại ở mức độ giải tỏa cảm xúc.
Tôi là người giữ chữ tín và có tinh thần trách nhiệm: Tôi có nguyên tắc
sống của mình. Tôi là người rất trọng chữ tín và một khi đã hứa điều gì với
người khác tôi đều cố gắng để thực hiện điều đó. Có lẽ vì là người trọng lời hứa
nên tôi không thích việc người khác thất hứa với mình dù là việc nhỏ nhất. Tôi
không thích trễ hẹn và tôi cũng không thích người khác trễ hẹn với mình. Có lẽ
tôi nguyên tắc và hơi cứng nhắc nhưng chính những điều như thế là một phần
của con người tôi.
Tôi là một người cầu toàn: Có lẽ tôi là người cầu toàn tới mức hơi cực
đoan thì phải. Thực ra tôi cũng khá thoải mái, tuy nhiên đối với những việc tôi



nhận định là quan trọng với mình thì tôi rất nghiêm túc, như trong việc học tập
chẳng hạn. Trước mỗi kì thi tôi đều cố gắng ôn luyện một cách kĩ càng nhất có
thể; trong mỗi bài làm tôi đều chăm chút từng chi tiết nhỏ, có khi cực đoan đến
mức từng câu văn, từng chữ viết, từng dấu chấm câu. Đó cũng là lí do tại sao tôi
không thích khi vô tình bắt gặp một lỗi chính tả trong một bài báo hay một cuốn
sách nào đó (cười). Tính cầu toàn cũng có cái hay vì nó hướng con người đến sự
hoàn thiện hơn. Nhưng đôi lúc cái tính cầu toàn đó cũng mang lại cho tôi cả
những sự buồn phiền trong cuộc sống. Khi làm bất cứ điều gì (mà tôi nhận định
là quan trọng và có ý nghĩa với mình) tôi đều cố toàn tâm toàn ý để làm nó. Tôi
muốn mọi thứ đều phải bài bản và chỉn chu nhất có thể. Chẳng hạn như cũng là
công việc đó đối với người khác như vậy đã được rồi, họ bằng lòng với điều đó,
họ cảm thấy vui vẻ và thoải mái. Còn với tôi như thế là chưa ổn, tôi muốn làm
thêm điều gì đó nữa để công việc đó đạt được kết quả tốt nhất có thể. Và có lẽ
đôi lúc vì điều đó mà tôi tự tạo áp lực cho chính bản thân mình. Tôi cảm thấy
chưa hài lòng với nó và tôi tự ném mình vào mớ cảm xúc bức bối và khó chịu.
Sau này, khi trải qua nhiều chuyện, tôi hiểu ra nhiều điều và cố gắng cân bằng sự
cầu toàn của mình ở mức vừa phải, không quá cực đoan. Bởi lẽ khi “biết đủ” là
khi con người cảm thấy hạnh phúc nhất. Tôi cũng cần “biết cầu toàn đủ” để đem
lại hạnh phúc cho bản thân mình chứ không phải là sự bực bội và khó chịu.
Tôi là người ít thích giao tiếp, khá nhút nhát, ngại đứng trước đám đông:
Có lẽ vì là một người hướng nội ưu tư nên tôi ít thích giao tiếp và khá nhút nhát,
đặc biệt là khi phải gia nhập vào một môi trường xa lạ. Tôi luôn có suy nghĩ
không thích bản thân trở thành tâm điểm chú ý của mọi người. (Có lẽ đó cũng là
lí do tôi không có sở thích mặc trang phục có màu sắc sặc sỡ hay quá nổi bật).
Tôi thích âm thầm, lặng lẽ và thoải mái nhất có thể khi đến tham gia vào một bữa
tiệc nào đó.
* Tình cảm
Tôi là một người giàu tình cảm, dễ xúc động: Đối với tôi, cảm xúc – tình
cảm luôn là một điều gì đó không thể thiếu trong cuộc sống. Thậm chí cũng có
thể nói tôi là người sống khá cảm tính và trực cảm. Thực ra sống tình cảm vừa là

ưu điểm vừa là nhược điểm trong con người tôi. Bởi lẽ một con người giàu tình
cảm sẽ biết trân trọng những mối quan hệ xung quanh mình. Nhưng vì là người
sống thiên về tình cảm hơn là lí trí nên đôi lúc tôi thiếu sáng suốt vì để tình cảm
dẫn dắt và không cho lí trí có quyền lên tiếng. Có khi, nhu cầu cảm xúc của tôi
lại quá lớn đến mức không có ai và không có bất cứ một điều gì có thể thỏa mãn


được thì cái cảm xúc đó có dễ thể trở thành “thuốc độc” dẫn dắt tôi đi lạc lối, cái
cảm xúc ấy rơi vào những hố sâu tuyệt vọng và u tối bởi lẽ nó không có những
điểm tựa cảm xúc để dựa vào…
Tôi là một người có lòng trắc ẩn, biết đồng cảm trước những con người
và số phận bất hạnh: Mỗi lần đi đâu đó vô tình bắt gặp hình ảnh một đứa trẻ đi
bán kẹo sungum dạo hay một bà cụ đi bán bút dạo tôi đều mua một thứ đồ gì đó
của họ. Mặc dù tôi thừa biết rằng tôi có thể dễ dàng mua những món đồ này loại
tốt hơn với giá rẻ hơn ở những cửa hàng tạp hóa hay nhà sách nhưng tôi vẫn mua
vì có lẽ cái mà tôi đang trả tiền không phải là một món hàng mà là tôi đang trả
tiền cho cảm xúc của chính mình. Tôi cảm thấy xót xa khi chứng kiến những
hình ảnh như thế, tôi hy vọng mình có thể làm điều gì đó dù nhỏ bé nhưng có thể
giúp đỡ những người ấy dù cho số tiền đó chỉ đủ để họ có thể có một bữa ăn sơ
sài, vội vàng… Đó cũng là lí do tại sao tôi luôn ấp ủ hy vọng có thể xây dựng
một trại trẻ mồ côi ở Đà Lạt vào năm 35 tuổi. Thật ra tôi không thể nhớ ý tưởng
đó đã đến với tôi từ bao giờ. Hình như là cách đây lâu lắm rồi, khi tôi được xem
về một bộ phim về một cô gái trẻ sẵn sàng dành cả cuộc đời của mình để chăm
sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ những đứa trẻ mồ côi như những đứa con thực sự. Mặc
dù cô ấy chưa từng lập gia đình và chưa từng có những đứa con ruột của mình
nhưng những tình cảm và cảm xúc nơi cô ấy khiến tôi xúc động và trong lòng tôi
dâng lên một niềm tin mãnh liệt về việc sống ý nghĩa và cống hiến. Sau này ý
nghĩ đó ngày càng lớn dần theo thời gian khi tôi được tiếp xúc và được hiểu
nhiều hơn về cuộc sống. Từ sâu trong thâm tâm mình tôi cảm thấy đau lòng khi
thấy một đứa trẻ bơ vơ, vất vưởng, đói khát, rách rưới, lang thang đầu đường xó

chợ, không được học hành và quan trọng nhất là thiếu thốn tình yêu thương từ
gia đình. Tại sao lại là trại trẻ mồ côi mà không phải là một tổ chức nào khác?
Thực ra có quá nhiều lí do cho điều đó. Thứ nhất có lẽ là bởi vì trong thâm tâm
tôi thực sự hi vọng mỗi đứa trẻ đều có thể có một tuổi thơ đầm ấm với những kỉ
niệm đẹp. Tôi thực sự hi vọng không có một đứa trẻ nào trên cuộc đời này cảm
thấy cô đơn và thiếu thốn về mặt tình cảm. Thứ hai là bởi vì tôi không muốn bất
kì một đứa trẻ nào sinh ra mà lại thiếu thốn gia đình và sự chăm sóc từ những
người yêu thương thực sự. Có thể ở trại trẻ mồ côi các em không thể nào nhận
được những tình cảm trọn vẹn như khi có một gia đình đầy đủ nhưng dù sao đi
nữa các em vẫn sẽ được yêu thương bằng những tình cảm chân thành nhất từ các
mẹ, từ sự đùm bọc của những đứa trẻ đồng cảnh ngộ. Một điều khác nữa khiến
tôi luôn nghĩ phải làm điều đó bởi lẽ tôi nghĩ sự sống của một sinh linh là một
điều rất thiêng liêng khi đến với cuộc đời này. Tôi thực sự không muốn những bà


mẹ vì lầm lỡ hay vì bất kì lí do gì khác mà nỡ nhẫn tâm bỏ đi đứa con của mình
ngay khi nó chỉ mới là một hình hài. Nếu tôi có đủ tiềm lực về tài chính và
không bị trói buộc bởi điều gì quá nặng nề thì tôi thực sự hy vọng đến năm tôi 35
tuổi tôi có thể làm được điều đó.

Tôi là người xem trọng đời sống tình cảm, nhất là tình cảm gia đình: Đối
với tôi, tôi có thể mất tất cả mọi thứ nhưng không thể mất đi gia đình. Có thể có
nhiều người cũng có suy nghĩ và quan niệm như tôi nhưng đôi lúc tôi cảm thấy
bản thân mình cũng hơi cực đoan. Có lẽ đối với tất cả mọi người gia đình đều vô
cùng quan trọng, và tôi cũng vậy. Gia đình luôn là chỗ dựa tinh thần vững chắc
cho tôi trong cuộc sống, đặc biệt là những khi mọi chuyện tồi tệ và không suôn
sẻ. Tôi nhìn lại và thấy vẫn luôn có những người thân yêu bên cạnh mình. Cảm
giác ấy thật là ấm áp, bình an và hạnh phúc. Mỗi người chúng ta đều có hệ giá trị
riêng của mình, điều mà mình xem là quan trọng nhất, với tôi đó chính là gia
đình.

* Ý thức và tự ý thức
Tôi tự nhận mình là một người luôn tự ý thức về bản thân ở mức độ cao và
luôn đặt ra câu hỏi và trả lời những câu hỏi liên quan đến bản thân, luôn đi tìm
giá trị đích thực của bản thân và ý nghĩa của cuộc sống. Qua từng giai đoạn của
cuộc đời tôi càng tự ý thức về bản thân mình một cách sâu sắc hơn. Ngày còn bé
còn ngây thơ thì cũng vô tâm, vô tư, ít suy nghĩ vì hầu như tất cả mọi chuyện đều
có cha mẹ lo toan cho rồi. Lớn lên một chút cuộc sống của tôi cũng chỉ gói gọn ở
việc học, việc chơi và bị bó hẹp trong phạm vi từ nhà đến trường, rồi từ trường
về nhà. Lên cấp 3, tôi bắt đầu đặt ra nhiều câu hỏi về cuộc sống và ý thức về bản
thân mình nhiều hơn. Cũng giống như mọi người, tôi - một cô bé 16, 17 tuổi ở
thời điểm đó đủ để hiểu về bản thân mình trên nhiều phương diện từ sở thích, sở
ghét, điểm mạnh, điểm yếu hay tính cách,… nhưng tất cả chỉ dừng lại phạm vi
nhất định. Có những điều ở trong chính bản thân mình, có những góc khuất nội
tâm mà chính tôi lúc đó cũng chưa đủ trưởng thành để ý thức về tầm quan trọng
của việc đi tìm ý nghĩa của cuộc sống hay sứ mệnh của cuộc đời mình. Năm lớp
12, thấy tất cả các bạn đều lục tục chọn trường thi đại học này nọ tôi cũng bắt
đầu lo lắng và lẩn quẩn trong cái vòng tròn đó. Tôi tự hỏi mình nên chọn nghề
nào, mình thực sự thích hợp với công việc gì. Ở quê tôi cũng chỉ là một vùng
nông thôn còn nghèo đói và lạc hậu nên việc cha mẹ, thầy cô biết đến tầm quan
trọng của việc chọn nghề thế nào để phù hợp với con trẻ hầu như chẳng được


quan tâm mấy. Ở quê tôi cha mẹ, thầy cô vẫn thường định hướng cho con cái,
học trò mình chọn nghề kiểu như “nghề X sau này ra ổn định”, “nghề Z kiếm
được nhiều tiền” hay “mày giỏi tự nhiên toán hóa sinh thì đăng kí thi vào y đi”.
Những câu nói này thực sự đã quá quen thuộc ở những vùng quê như quê tôi. Đó
là tình trạng chung, còn với tôi, gia đình không thực sự can thiệp nhiều đến việc
chọn trường hay ngành nghề học của tôi nhưng điều đó không có nghĩa là cha
mẹ tôi không quan tâm đến nó. Tôi cảm nhận được rằng cha mẹ tôi tôn trọng và
ủng hộ mọi quyết định của con, con cảm thấy ngành nào phù hợp với mình,

trường nào phù hợp với khả năng thì cứ đăng kí thi, cha mẹ cũng không định
hướng nhiều. Thời điểm đó ở quê tôi việc hướng nghiệp chưa được chú trọng
lắm, có chăng cũng chỉ dừng lại ở việc vài đoàn sinh viên từ các trường ở Sài
Gòn về tư vấn tuyển sinh mà tư vấn cũng chẳng sâu sắc nữa. Vả lại lúc đó các
phương tiện để học sinh tìm kiếm, tra cứu thông tin cũng không phong phú, dễ
dàng như bây giờ. Tôi nhớ hồi đó tôi có ý định đăng kí học quản trị nhà hàng khách sạn vì tôi rất thích ngành du lịch, cộng thêm việc gia đình tôi có nhiều
người làm trong ngành và cũng có khả năng xin việc cho tôi (cười). Nhưng sau
tôi lại chẳng đăng kí ngành đó mà đăng kí thi đại học hai trường đó là ngành
Luật của Đại học Huế và ngành Tâm lý của Đại học Sư phạm Đà Nẵng. Sau khi
thi xong, biết kết quả tôi đậu cả hai trường. Nhưng tôi không mặn mà lắm với
ngành Luật. Hồi đó tôi đăng kí chỉ đơn giản chỉ vì thấy học Luật rất “ngầu” và
đổ xô theo bạn bè tôi đi thi cùng. Tôi không chọn học Luật mặc dù dòng họ và
gia đình tôi luôn khuyến khích và hy vọng tôi đi theo con đường đó. Cuối cùng
tôi chọn đi theo ngành Tâm lý. Nói về việc tại sao hồi đó lại đăng kí thi Tâm lý
có nhiều lí do. Cũng giống như nhiều vùng quê khác, mọi người ở quê tôi hầu
như không ai biết đến Tâm lý học là học cái quái gì, kể cả một số thầy cô của tôi.
Nhưng vì là một người trẻ, được tiếp cận với nhiều phương tiện truyền thông và
các nguồn thông tin tôi được biết tới Tâm lý học như một cái duyên. Tôi nhớ hồi
đó trên ti - vi có chiếu một bộ phim Hàn Quốc, trong đó có một nhân vật là bác sĩ
tâm lý. Mặc dù chỉ là một nhân vật phụ nhưng tôi cực kì ấn tượng với cô gái ấy ở
chỗ cô ấy nói chuyện rất thu hút, cảm giác như cô ấy có khả năng nắm bắt được
mọi suy nghĩ của người khác và cân bằng được mọi mối quan hệ trong cuộc
sống. Tôi lại nghĩ đâu ra lại có người tuyệt vời như thế, và mình cũng muốn trở
thành một người như thế. Ấy là cái đầu tiên khiến tôi thích nó. Sau đó lại vô tình
biết đến thầy Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu nổi tiếng trên mạng với nhiều clip thú vị
về cách ứng xử khi gặp yêu râu xanh các kiểu thành ra lại hâm mộ (chỉ hồi đó
thôi, bây giờ thấy cũng bình thường). Thế là lại có thêm một lí do nữa để thích


nữa. Và lí do cuối cùng, cũng là điều quan trọng nhất khiến tôi có thêm động lực

để lựa chọn ngành Tâm lý đó là cuộc sống của tôi, tuổi thơ của tôi trải qua quá
nhiều biến cố. Tôi muốn có thể tự giúp chính mình và giúp những người bên
cạnh mình buông bỏ đi những điều đau khổ, muộn phiền trong cuộc sống; cân
bằng lại các mối quan hệ và sống một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó là lí do quan
trọng nhất thôi thúc tôi đến với ngành Tâm lý. Và đến bây giờ tôi thầm cảm ơn
chính bản thân mình về quyết định ngày ấy – cái ngày còn non nớt và ngây thơ
quá. Nhưng không sao, tôi đã đúng, tôi cảm thấy thực sự yêu thích và đam mê
với nó. Tôi cảm thấy mình được sống ý nghĩa từng ngày với nó. Mọi chuyện đã
qua, nhìn lại quá khứ tôi cảm thấy mình đã từng khờ dại nhưng tôi may mắn bắt
gặp được lý tưởng của cuộc đời mình. Còn đâu đó ở ngoài kia vẫn còn nhiều bạn
trẻ đang chênh vênh và lạc lối vì chọn sai nghề. Cũng có người dũng cảm để từ
bỏ cái hiện tại để theo đuổi ước mơ thực sự của mình nhưng cũng có người
không đủ tự tin và vẫn đang phải bám víu vào một thứ gì đó không thực sự phù
hợp với bản thân. Khoảng thời gian sau đó, khi nhận thức được nhiều thứ hơn tôi
luôn ấp ủ ý tưởng và hy vọng về việc thực hiện các chiến dịch và dự án hướng
nghiệp cho học sinh THPT một cách bài bản, khoa học hơn để các em tự nhận
thức được những đặc điểm, phẩm chất, năng lực cá nhân mình và sáng tỏ hơn
trên con đường lựa chọn nghề nghiệp.
Những ngày tháng đại học đã cho tôi sự chín chắn và trưởng thành hơn cả
trong suy nghĩ và nhận thức. Những ngày đầu xa nhà thực sự là những chuỗi
ngày tháng cô đơn và u sầu của tôi. Bởi lẽ tôi vốn dĩ là con út trong gia đình,
mặc dù gia đình tôi không được khá giả nhưng ở nhà tôi luôn là người được mọi
người yêu thương và cưng chiều nhất. Mọi việc nhà cửa, bếp núc, dọn dẹp đã có
mẹ và chị gái lo toan; đi học lúc nào cũng có người đưa rước. Thậm chí đến quần
áo của mình mà tôi còn được mẹ hoặc chị gái giặt hộ cho. Nói chung tôi chỉ việc
tập trung học hành còn mọi việc đã có mọi người lo hết. Hồi đó tôi cảm thấy như
vậy là sướng nhưng sau khi vào đại học, sống xa nhà, phải tự lo tất tần tật mọi
thứ cho mình tôi cảm thấy cái sung sướng một thời chính là cái khổ và cái thiệt
thòi của mình (thực ra khi ở nhà, tôi cũng biết làm việc nhà, biết giặt giũ, dọn
dẹp, nấu vài món ăn đơn giản nhưng chỉ là không quen làm). Có một thời gian

ngắn tôi không thích ứng kịp, thậm chí nhớ nhà đến quay quắt, nhớ cơm mẹ nấu,
nhớ những bộ quần áo tinh tươm mẹ gấp sẵn mỗi ngày đến trường. Còn lên đại
học tất cả đều phải tự lập, từ A đến Z. Bây giờ tôi quan niệm rằng phải dạy con
tự lập trong mọi việc ngay từ khi còn bé để giúp con dễ dàng thích nghi với bất
kì hoàn cảnh nào trong cuộc sống, không sợ phải tủi thân, bơ vơ, lạc lõng. Tôi


hiểu ra rằng dạy con tự lập từ bé chính là cách yêu thương con thực sự chứ
không phải là làm hộ con mọi việc. Tôi tự nhủ không nên lặp lại sai lầm như gia
đình mình đã từng, mặc dù tôi biết đó là tình yêu thương thực sự, chỉ là chưa
đúng cách mà thôi. Thực ra cha tôi có quan niệm khá tiến bộ về việc dạy con tự
lập. Ông đã định hướng cho anh, chị, em tôi từ nhỏ. Nhưng vì mẹ tôi lại là người
dạy con theo lối yêu thương và bảo bọc quá nhiều nên cách dạy không thống
nhất, mà mẹ tôi lại thắng thế hơn bởi lẽ cha tôi bận rộn công việc, không có quá
nhiều thời gian quan tâm đến con cái nên cuối cùng đành để cho mẹ tôi muốn
dạy thế nào thì dạy.
Từ khi lên đại học tôi cảm thấy mình hiểu biết và trưởng thành hơn nhiều.
Tôi đã từng nghe được ở đâu đó rằng “3 năm sau bạn sẽ thay đổi như thế nào
phụ thuộc vào những người bạn gặp, những cuốn sách bạn đọc và những nơi
bạn đi qua”. Và quả thật là tôi đã thay đổi so với trước rất nhiều, mặc dù so với
bạn bè cùng trang lứa thì tôi cũng chẳng phải là nhiều lanh lợi hay nhạy bén gì
cho lắm, nhưng so với chính mình – một cô bé ngây thơ ngày nào, tôi đã thực sự
trưởng thành lên rất nhiều. Trong ba điều, những người mình gặp, những cuốn
sách mình đọc và những nơi mình đi qua, những cuốn sách là thứ đã tác động
vào nhận thức của tôi nhiều nhất. Là một người hướng nội, tôi thích giấu mình
trong sự tĩnh lặng và tự chiêm nghiệm thông qua những cuốn sách hơn là việc
gặp gỡ và tiếp xúc với những người khác (mặc dù tôi biết điều này cũng đã giúp
tôi thay đổi suy nghĩ và mở rộng nhận thức theo chiều hướng tích cực lên rất
nhiều). Đặc biệt là khi tôi may mắn được biết đến những cuốn sách hay, giàu giá
trị thực tiễn và tác động mạnh mẽ đến nhận thức của tôi như Tìm về sức mạnh vô

biên, Hiểu về trái tim hay Trên đường băng,… Nói đến tác phẩm Trên đường
băng của tác giả Tony Buổi Sáng (đồng tác giả cuốn Cà phê cùng Tony), tôi thực
sự rất khâm phục và ngưỡng mộ tác giả. Những suy nghĩ và lối tư duy của ông
thông qua những câu chuyện đã giúp tôi thay đổi nhận thức rất nhiều: bỏ bớt
những suy nghĩ tiêu cực, lối tư duy tiểu nông vụn vặt; tiếp nhận những tư tưởng
tiến bộ của nhân loại; nuôi dưỡng ý chí và dám mơ lớn.
Gần 4 năm đại học, cuộc sống sinh viên của tôi cũng không quá sôi nổi mà
khá bình lặng, giống với tính cách của tôi. Nhưng thời gian sống xa gia đình, gặp
biết bao nhiêu người tốt kẻ xấu, trải qua biết bao nhiêu chuyện vui buồn lẫn lộn,
nhiều đêm tôi thức trắng suy nghĩ và trăn trở về tương lai, về ý nghĩa cuộc sống.
Tôi từng nhiều lần tự hỏi “Rốt cuộc tôi là ai”, “Tại sao linh hồn mình lại ngự trị
trong thể xác này”, “Rốt cuộc tôi đến với thế giới này để làm gì?”, “Sứ mệnh


của cuộc đời tôi là gì?”. Tôi tự biết mình là một người hay suy nghĩ nhiều, hay
lo xa mọi chuyện. Tôi cũng là người có nhiều ước mơ và hy vọng. Tôi không
muốn sống một cuộc đời tầm thường và nhỏ bé. Tôi không muốn sống một cuộc
đời mờ nhạt và chật hẹp. Tôi muốn sống khác, muốn nỗ lực và sống trọn vẹn cho
từng giây từng phút của hiện tại. Tôi muốn cống hiến, muốn một cuộc sống bình
an và hạnh phúc. Nhưng tôi biết rằng xuất phát điểm của mình không bằng người
khác nên mình càng cần phải nỗ lực hơn họ rất nhiều để có thể đạt được những
điều mình mong muốn.
* Sở thích, hứng thú
Đọc sách
Một trong những hoạt động yêu thích của tôi đó là đọc sách. Thói quen
này của tôi bắt nguồn khá sớm, từ khi tôi còn nhỏ. Một trong những điều may
mắn của tôi là tôi được sống trong một gia đình có văn hóa đọc (mặc dù gia đình
tôi chỉ sống ở nông thôn và chủ yếu là làm nông), đặc biệt là cha tôi, với tôi ông
giống như một thần tượng. Trong mắt tôi, cha tôi là một người hiểu biết và có
kiến thức xã hội cực kì rộng (từng có thời gian cha làm ở tỉnh đoàn rồi sau về

làm công tác quản lí tại địa phương). Ông có thể thảo luận về bất kì chủ đề gì ở
trong nước và trên thế giới và trong bất kì một cuộc trò chuyện nào cha tôi cũng
thường là “linh hồn của cuộc trò chuyện”. Ông thường có thói quen đọc báo
hằng ngày để cập nhật tin tức. Những tờ báo quen thuộc mà ông thường đọc là
báo Tuổi Trẻ, báo Pháp luật và đời sống, báo địa phương,… Bên cạnh đó vì có
thói quen chơi cờ tướng và chơi gà chọi nên cha tôi có khá nhiều sách về hai lĩnh
vực này. Ngoài ra ông còn có những cuốn sách về canh tác các loại cây trồng,
sách về các bài thuốc nam, sách về thuật tướng số,… Vì từng có thời gian công
tác tại địa phương nên cha tôi được tiếp cận và có khá nhiều sách liên quan đến
các bộ Luật. Nhà tôi tuy là một gia đình nông thôn nhưng có một tủ sách khá đồ
sộ. Anh, chị tôi cũng rất thích đọc sách và thường hay mua, mượn, “tha”, “lôi”
về nhà rất nhiều sách, chủ yếu về lĩnh vực văn học là chính. Có lẽ chính vì được
sống trong môi trường như thế ngay từ khi còn nhỏ nên cái niềm yêu thích đọc
sách từ mọi người trong gia đình ngấm vào tôi lúc nào không hay. Từ khi còn rất
nhỏ, khi bắt đầu đọc được rành rẽ tôi đã bắt chước mọi người lôi những cuốn
sách có trong nhà ra đọc, đọc tất tần tật, từ báo này đến sách kia. Ban đầu cũng
có những thứ tôi không đủ “trình” để hiểu. Năm lớp 6 tôi lôi tất cả sách văn học
của anh trai (lúc đó đang học lớp 12) ra đọc. Một đứa trẻ 12 tuổi đọc say mê
những truyện ngắn của Nam Cao, Thạch Lam,… viết trong sách mặc dù có
những thứ nó chưa đủ hiểu nhưng nó vẫn thích đọc và đọc say sưa. Tôi thích


những câu chuyện và những nhân vật ấy đến độ mà tôi còn nhớ kĩ những chi tiết
trong những câu chuyện ấy đến cả khi tôi học lớp 11, 12 được học lại những tác
phẩm ấy. Từ Hai đứa trẻ, Rừng xà nu, Những đứa con trong gia đình,… được in
lại trong sách mới lẫn những câu chuyện đã bị lược bỏ khi cải cách sách như
Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu, Mùa lạc (không nhớ tác giả),
Đời thừa, Đôi mắt, Một đám cưới của Nam Cao, Dưới bóng hoàng lan của
Thạch Lam,… Tôi không biết có phải vì lẽ từ nhỏ tôi đã được đọc nhiều sách,
đặc biệt là sách về văn học nên trong con người tôi có năng lực cảm thụ văn học

hay không nữa, nhưng một trong những lĩnh vực sách mà tôi thích là sách về văn
học. Sau này khi lớn hơn một chút (hồi học cấp 2), tôi được tiếp cận với khá
nhiều sách hơn ở thư viện trường. Vì là một trường trung học nhỏ ở nông thôn
nên thư viện trường tôi cũng khá “khiêm tốn”, khiêm tốn không chỉ về diện tích
mà còn khiêm tốn về số lượng đầu sách và các thể loại. Ngày đó, ngoài việc lên
thư viện để mượn sách học cho chương trình chính khóa tôi còn lê la suốt những
giờ ra chơi để ngồi ở đó đọc những cuốn sách văn học thiếu nhi của nhà văn
Nguyễn Nhật Ánh – một trong những nhà văn yêu thích của tôi. Những ngày
tháng ngồi “mài mông” ở thư viện tôi đã đọc được kha khá những tác phẩm của
Nguyễn Nhật Ánh, từ Cô gái đến từ hôm qua, Mắt biếc, Phượng đỏ, Thằng quỷ
nhỏ, Đi qua hoa cúc, Thiên thần nhỏ của tôi, Còn chút gì để nhớ đến Bàn có
năm chỗ ngồi, Đảo mộng mơ, Tôi là Bê – tô, Cho tôi một vé về tuổi thơ,…
Những khi không đọc được ở thư viện tôi thường mượn sách về nhà đọc tiếp. Tôi
nhớ cuốn sách đầu tiên mà tôi biết đến nhà văn tuyệt vời này là cuốn Bong bóng
mùa hè mà anh tôi từ đâu mang về nhà. Tôi đã khóc rất nhiều khi đọc cuốn sách
này. Tôi cảm thấy như mình cảm nhận được cảm xúc của từng nhân vật trong
câu chuyện vậy. Đó cũng là lí do tôi lên thư viện và lục tìm đọc hết những cuốn
sách của nhà văn mà tôi yêu thích này. Sau này khi lớn hơn và có “rủng rỉnh”
tiền tiêu vặt hơn một chút tôi thường đi nhà sách của thị xã cùng với mấy đứa
bạn thân để mua những cuốn sách của Nguyễn Nhật Ánh. Gần như là một tuần
hoặc hai tuần đi một lần. Tôi mua những cuốn tôi chưa đọc và cả những cuốn tôi
đã đọc. Vì mặc dù đã đọc rồi nhưng lần nào đọc lại tôi cũng xúc động và nó là cả
kí ức tuổi thơ của tôi nên tôi muốn lưu giữ bằng những cuốn sách thuộc quyền sở
hữu của chính mình. Bây giờ nhà tôi vẫn còn cuốn Nữ sinh, Út Quyên và tôi,…
Còn mấy cuốn Bồ câu không đưa thư, Buổi chiều Windown,…nữa. Thời gian sau
đó và đến tận bây giờ tôi vẫn là fan trung thành của Nguyễn Nhật Ánh. Tôi vẫn
luôn mua và đọc những tác phẩm của ông. Bây giờ tôi có thể tự hào nói rằng
mình đã đọc gần hết những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh.



Khi lên cấp 3, trường tôi “hoành tráng” hơn và cũng là trường điểm trong
thị xã nên thư viện cũng được nâng tầm hơn. Giai đoạn này tôi được tiếp xúc với
văn học nước ngoài mà chủ yếu là Trung Quốc và Anh. Một tác giả nữ nổi tiếng
bậc nhất của tiểu thuyết văn học Trung Quốc mà tôi yêu thích là Quỳnh Dao.
Thời điểm đó tôi mê mẩn với những cuốn tiểu thuyết tình cảm lãng mạn, ướt át
của Quỳnh Dao như Song ngoại, Bên dòng nước, Hỏi áng mây chiều, Hoàng hôn
cuối cùng, Cánh nhạn cô đơn,… Mặc dù còn khá nhỏ để hiểu về tình yêu nam –
nữ một cách thực sự nhưng những áng văn ấy, những câu chuyện tình ái thấm
đẫm nước mắt ấy đã khiến tôi cuồng si biết bao đêm. Có đợt tôi mê mẩn đến độ
mượn về mấy cuốn tiểu thuyết của Quỳnh Dao ngồi đọc thâu đêm mặc dù tôi
biết chiều mai ở trên lớp sẽ có bài kiểm tra,… Xong sáng mai tôi phải lo dậy
sớm học bài bù lại để kịp chiều hôm đó kiểm tra, thành ra sáng đó mẹ tôi nhờ gì,
bảo gì tôi cũng khất vì bận học bài bù. (cười)
Khoảng thời gian sau đó tôi chuyển qua đọc tiểu thuyết phương Tây nhiều
hơn vì tò mò thấy mấy đứa bạn đọc nên cũng bắt chước đọc theo. Tôi nhớ thời
điểm đó tôi có đọc cuốn Kiêu hãnh và định kiến của (Jane Austen) và một vài
cuốn sách của nhà văn Marc Levy như Nếu em không phải là một giấc mơ, Gặp
lại,… Sau khi đã đọc tiểu thuyết của hai nền văn hóa phương Đông và phương
Tây tôi nhận ra sự khác biệt về tư duy, tâm lý con người và cách thể hiện tình
cảm ở hai nền văn hóa khác nhau thông qua cách viết và những tình tiết trong
câu chuyện. Chính những cuốn sách nho nhỏ như vậy đã giúp tôi như được đến
những miền đất mới, được mở mang đầu óc ra rất nhiều. Và tôi thầm cảm ơn vì
những ngày tháng đó.
Lên đại học tôi quen biết với nhiều bạn bè hơn, cuộc sống của tôi không
còn chỉ gói gọn từ nhà đến trường như khi trước. Tôi được học bởi những người
thầy, người cô đầy tri thức và đầy tâm huyết. Tôi lại được truyền lửa cho tình yêu
sách thêm nữa thông qua những cuốn sách hay mà thầy cô giới thiệu ở trên giảng
đường. Những cuốn sách được giới thiệu đó không chỉ là những cuốn sách
chuyên ngành mà còn là những cuộc sống về con người và cuộc sống thực sự.
Đối với những cuốn sách chuyên ngành được giới thiệu tôi cố gắng tìm kiếm trên

thư viện trường. Dạo còn ở kí túc xá trường, vào những ngày rảnh rỗi hay kể cả
những ngày mưa ẩm ương tôi cũng thường lên đó (mà thực ra đi từ phòng kí túc
xá qua chỉ tốn mấy bước) tìm một vài cuốn sách thú vị nào đó (chủ yếu là sách
chuyên ngành, thỉnh thoảng cũng có cả sách văn học) rồi kiếm một góc nào yên
tĩnh, nếu gần cửa sổ và nhìn ra được ngoài trời thì tốt, sau đó đeo tai nghe vào,
bật nhạc và bắt đầu đọc. Bây giờ chuyển lên kí túc xá thành phố, đi lại không
thuận tiện như trước nữa, tôi ít lên thư viện hơn, chỉ có những khi sắp tới kì thi


tôi mới thường xuyên có mặt ở đó. Lên đại học, tôi cảm thấy mình được mở
mang đầu óc hơn khi được đi đến nhiều nơi hơn, được tiếp xúc với nhiều người
và được biết về nhiều quan điểm khác nhau của những người ở nhiều tầng lớp xã
hội. Lên đại học, tôi được tiếp cận với với thế giới của sách và tri thức gần hơn.
Tôi tìm đọc những cuốn sách mà những người nổi tiếng giới thiệu, tôi tìm đọc
những cuốn sách mà thầy cô, bạn bè giới thiệu. Lên đại học, khi được tự mình
quản lý tiền bạc, thói quen mua sách của tôi ngày càng có cơ hội để thỏa mãn.
Hầu như vài ba tháng tôi mua sách một lần, có khi là đi nhà sách, có khi là ra
tiệm sách cũ, có khi là mua sách trên mạng. Lên đại học gu sách của tôi cũng
thay đổi nhiều. Tôi không chỉ thích những cuốn tiểu thuyết phương Tây như
Tiếng chim hót trong bụi mận gai, Bắt trẻ đồng xanh hay Sự cô đơn của các số
nguyên tố như dạo trước mà tôi còn được tiếp cận với những thể loại sách khác
hơn từ những cuốn sách Selfhelp như Đắc nhân tâm, Quẳng gánh lo đi và vui
sống, Thói quen thứ 8, Chìa khóa tư duy tích cực, Think and grow rich,… đến
những cuốn sách về triết học như Tôi là ai và nếu vậy thì bao nhiêu, Thế giới
của Sophie hay Plato và thú mỏ vịt bước vào quán bar,… Tôi nhận ra mình cực
kì yêu thích những cuốn sách về triết học vì tôi cảm thấy chúng ẩn chứa trong
mình những quy luật, những triết lý của cuộc sống và thông qua chúng tôi cảm
thấy vốn hiểu biết của mình được mở rộng hơn rất nhiều. Một cơ duyên về sách
nữa mà tôi may mắn được gặp gỡ đó là tôi bất ngờ được một thầy trong chùa (dù
chỉ lần đầu tiên gặp mặt) tặng cho một cuốn sách về tâm linh có tựa đề là Hiểu

về trái tim của thầy Thích Minh Niệm. Khi được nhận món quà đó tôi cảm thấy
giống như một cái duyên thật sự với Phật pháp và thế giới tâm linh huyền bí. Tôi
đọc cuốn sách này một cách say sưa và cảm tưởng như đọc tới đâu tâm hồn mình
được khai sáng ra tới đó. Và đến bây giờ cuốn sách Hiểu về trái tim được tôi
xem là cuốn sách gối đầu giường của mình. Kể từ đó tôi tìm đến những cuốn
sách về tâm linh nhiều hơn, đặc biệt là sách về Phật giáo. Sau này tôi có may
mắn được đọc cuốn Đường mây qua xứ tuyết và cuốn Mở cửa trái tim nói về đạo
Phật, tôi lại cảm tưởng mình dường như nên thuộc về thế giới đó. Có một điều
khá thú vị là trong một lần gặp lại vị thầy chùa ngày trước tôi đã tặng lại cho
người cuốn sách Đường mây qua xứ tuyết – cuốn sách nói về cuộc hành trình dài
và không ngừng nghỉ của một nhà sư đi qua khắp mọi nơi với những câu chuyện
thần bí mà chỉ có thể giải thích được trên phương diện về tâm linh.
Làm đồ handmade


Từ nhỏ tôi đã thích táy máy. Tôi là một “tín đồ cuồng nhiệt” của việc tích
trữ từ nắp lon, nắp keng, vỏ bút bi, que kem,… tất tần tật mọi thứ tôi đều thường
hay giữ lại. Để làm gì ư? Hehe, để ngồi lại tỉ mẩn, táy máy, cắt, dán, đục, khoét
các kiểu, kết hợp lại và ra một thứ gì đó hữu dụng hơn như hộp đựng bút, chuông
gió, búp bê,…chẳng hạn. Ngày bé của tôi là những ngày ngốc nghếch như thế,
ngồi tỉ mẩn cả mấy ngày lọc ra một tập giấy trắng dư của mấy cuốn vở cũ, rồi thì
tay kim chỉ, tay kéo, bìa,… khâu lại thành những cuốn sổ tay đủ loại, đủ kích
thước. Rồi những ngày lôi mấy cái sọ dừa khô phơi ngoài sân vào gọt giũa các
kiểu, rồi thì len, chỉ màu, bút màu, keo con voi,… các kiểu sau một hồi táy máy
ra được một con búp bê sọ dừa khá ngộ nghĩnh (bật mí là đến bây giờ con búp bê
ấy tôi vẫn còn để trong tủ kính ở nhà). Rồi thì những ngày làm chuông gió từ vỏ
bút đủ màu và các hạt đậu, các hạt thủy tinh,… Ôi, nghĩ lại sao mà nhiều kỉ niệm
quá! Sau này lớn lên vì việc học hành bận rộn tôi cũng không còn nhiều thời gian
để làm những thứ đồ như thế nữa nhưng dù sao tôi cũng nhận ra một điều rằng
tôi là một người khá khéo tay. Đến bây giờ thỉnh thoảng có thời gian rảnh tôi vẫn

thường làm hộp đựng quà, kẹp sách và may túi vải.
Nghe nhạc
Gu âm nhạc của tôi là nhạc nhẹ và nhạc trữ tình. Tuy nhiên tôi cũng rất
thích nghe nhạc sôi động của US – UK. Những ca sĩ và nhóm nhạc nước ngoài
mà tôi yêu thích có thể kể đến như Briney Spear, Miley Cirus, Demi Lovato,
Taylor Swift, Maroon 5, Weslife, … Thỉnh thoảng, những lúc ngẫu hứng tôi cũng
thích nghe nhạc Trung, nhạc Hàn và nhạc Nhật, nhưng đó chủ yếu là nhạc của
những bộ phim nổi tiếng và đình đám.
Xem phim
Thể loại phim mà tôi yêu thích nhất là phim tình cảm, tâm lý – xã hội (kể
cả phim Việt và phim nước ngoài). Riêng đối với phim Mỹ tôi còn đặc biệt thích
thể loại phim viễn tưởng, huyền bí (như Harry Potter hay Twilight) và phim hành
động. Đối với phim Trung và Hàn tôi thường thích xem phim học đường như
Thơ ngây, Gửi tuổi thanh xuân (So young), BOF, Dream High,…
Đi du lịch
Giống với đa số mọi người tôi cũng thích đi du lịch. Những địa điểm du
lịch mà tôi yêu thích là những nơi có khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hữu tình;
không khí trong lành; cảnh vật còn hoang sơ. Nhưng vì hiện tại tài chính có hạn
nên tôi ít có cơ hội đi đến những khu du lịch, khu resort nổi tiếng hay những địa


điểm du lịch đắt tiền mà chỉ thường cùng bạn bè lập kế hoạch đi “phượt” đến
những địa điểm không quá nổi tiếng, thậm chí còn hoang sơ và không nhiều
khách du lịch biết đến. Người ta vẫn thường hay nói rằng “đi một ngày đàng học
một sàn khôn” và tuổi trẻ gắn liền với những chuyến đi. Tôi cũng là một người
trẻ ưa khám phá, thích trải nghiệm. Vì vậy, tôi rất “nghiện” đi du lịch dù là đi du
lịch “bụi”. Trong tâm trí tôi luôn ấp ủ và tưởng tượng đến việc mình sẽ được đặt
chân đến những miền đất mới lạ với những phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp,
được gặp nhiều người khác nhau, được thưởng thức những món ăn đặc sản của
nơi đó, được tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm văn hóa của từng nơi mà mình đi

qua để tâm hồn và trí tuệ được rộng mở và nuôi dưỡng thêm tình yêu con người,
tình yêu đất nước và tình yêu cuộc sống.
* * Khí chất
Khí chất ưu tư điển hình: Tôi là người sống thiên về đời sống nội tâm, hay
mơ mộng, không thích đám đông, không thích giao tiếp nhiều. Tôi cảm thấy khí
chất ưu tư của mình đã cho mình sở hữu những ưu điểm rất tuyệt vời, đó là sự
dịu dàng, tế nhị, tinh tế, nhạy cảm, cẩn trọng, chu đáo, suy nghĩ sâu sắc, có tính
tự giác – ý thức cao,... Nhưng cũng tồn tại những đặc tính khiến tôi bị hạn chế
khả năng phát triển của mình như rụt rè, ít nói, trầm lặng, ít cởi mở, dễ bi quan,
đa sầu đa cảm, hay lo nghĩ, dễ bị tổn thương,... Nhưng dù thế nào đi nữa đó cũng
là những nét riêng nói lên con người của tôi và tôi không ngại khi nói rằng đây
chính là tôi. Đôi lúc tôi còn cảm thấy tự hào vì cảm giác mình mang trong người
một tâm hồn rất nghệ sĩ (nhạy cảm, tinh tế, mơ mộng, đa sầu đa cảm, yêu nghệ
thuật và tôi thì giống thế) nhưng cũng rất khó nuông chiều.
Tôi cảm thấy may mắn khi được học Tâm lý vì nhờ đó mà tôi có nhiều cơ
hội để hiểu rõ chính bản thân mình hơn. Đơn cử như nhờ test tâm lý mà tôi biết
khí chất của mình là ưu tư và tôi biết được những ưu điểm – nhược điểm của loại
khí chất đó để phát huy những ưu điểm và khắc phục những nhược điểm để có
thể ngày càng hoàn thiện mình hơn.

* * Về giao tiếp
Tôi không thích giao tiếp cho lắm. Tôi không thường chủ động bắt chuyện
với một người lạ tại một sự kiện nào đó, trừ trường hợp tôi bị thu hút, ấn tượng
bởi người đó hoặc tôi bị rơi vào tình huống bất đắt dĩ phải làm điều đó. Tôi cũng
không thích một cuộc trò chuyện diễn ra quá dài với một người không quá thân


thiết (trừ trường hợp người đó tạo được thiện cảm đặc biệt cho tôi). Tôi chỉ có
hứng thú và hoạt bát khi giao tiếp với những người mình thích và những chủ đề
mà mình quan tâm. Khi gặp được người hợp rơ, hợp gu, chẳng hạn như có nhiều

điểm chung về tính cách, sở thích, quan điểm sống,… thì tôi có thể khiến cuộc
trò chuyện trở nên thú vị và sôi nổi hơn bao giờ hết. Tôi có thể bắt kịp bất kì vấn
đề gì mà người đó nói tới dù họ có chuyển cuộc trò chuyện từ chủ đề này sang
chủ đề khác một cách nhanh chóng và liên tục. Tuy nhiên với những người khác
tôi chỉ dừng lại ở mức xã giao thông thường, lịch sự và nhã nhặn. Tôi không
thích chỉ vì muốn tạo được thiện cảm với người khác mà nói những lời hoa mỹ,
sáo rỗng, giả tạo khi giao tiếp với họ.
Tôi thường tự ti khi tự nhận rằng khả năng giao tiếp của mình không được
tốt lắm. Đôi lúc chính sự chân thật, lịch sự và nhã nhặn của tôi khiến cho các mối
quan hệ giao tiếp chỉ ở mức độ xã giao mà khó tiến xa hơn được vì dường như
giữa hai người có một khoảng cách nhất định. Tôi nhận thức được việc có độ
chênh trong mối quan hệ giao tiếp giữa một người quá hướng nội như mình với
một người hướng ngoại, hoạt bát, phóng khoáng và tự tin thể hiện bản thân mình.
Tuy nhiên, trên thực tế tôi có khá nhiều bạn hợp cạ là người hướng ngoại. Và sự
thật là tôi cũng thích giao tiếp với những người hướng ngoại. Chính sự khác biệt
trong sự giao tiếp giữa người hướng nội và người hướng ngoại khiến tôi dễ bị
thu hút bị những người hướng ngoại. Thông qua cách giao tiếp của người hướng
ngoại, tôi học được cách nói chuyện tự tin hơn, cách để tạo ra một bầu không khí
tự nhiên, thoải mái hơn trong một cuộc trò chuyện. Sự khác biệt đó giúp tôi học
hỏi được nhiều điều để có thể nâng cao kỹ năng giao tiếp của bản thân mình.
Mặc dù đôi lúc tôi tự nhận rằng khả năng giao tiếp của tôi không tốt lắm
nhưng cũng có những lúc tôi tự hào về kỹ năng giao tiếp của mình vì nó đã “cứu
cánh” mình trong một số tình huống khá “khó đỡ”. Một cô bạn thân của tôi
cũng từng không đồng tình khi nghe tôi cảm thán về khả năng giao tiếp không
tốt của mình. Cô ấy nói rằng khả năng giao tiếp của tôi tốt chứ không phải tệ như
là tôi nghĩ. Cô ấy nói rằng tôi khéo léo trong giao tiếp vì biết kiểm soát cảm xúc
trong những tình huống khá “gây cấn”. Cô ấy cũng cho rằng khả năng lựa chọn
và sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp của tôi rất tốt. Thực ra tôi cũng nhận ra điều
này ở bản thân mình. Tôi có khả năng kiềm chế những cảm xúc tiêu cực trong
giao tiếp như bực bội, khó chịu hay giận dữ khá ổn. Chẳng hạn như khi một

người bạn nào đó tranh cãi với tôi về một vấn đề gì đó mà tôi thừa biết tôi đúng
còn họ thì hoàn toàn sai, nhưng tôi không bao giờ buông lời lớn tiếng hay chỉ


trích họ, tôi cũng không bộc lộ cảm xúc bực bội ra ngoài. Thay vào đó tôi cố
gắng lựa chọn những từ ngữ nhẹ nhàng để giải thích cho họ hiểu, để giúp họ tự
nhận ra cái sai của mình. Đôi lúc tôi còn khá bất ngờ với chính mình khi tôi thực
sự có giận dữ nhưng giọng nói của tôi vẫn giữ ở cao độ trầm ấm, nhẹ nhàng và
bình thản. Thật ra, có thể nói, tôi chỉ bộc lộ sự bực bội, tức giận khi tôi thực sự
muốn cho đối phương biết họ đã gây ra cảm xúc ấy ở mình.
Mặc dù không phải là Phật tử nhưng tâm hồn tôi luôn hướng về Phật và
học theo những điều Phật dạy. Từ cách đây một khoảng thời gian trước, tôi đã
thực tập nói lời“ái ngữ”. Ái ngữ có nghĩa là dành những lời tốt đẹp để tặng nhau
nhưng ái ngữ không phải là những lời hoa mỹ, sáo rỗng mà là những lời khen
tặng chân thành và xuất phát từ trái tim. Thực tập “ái ngữ” trong giao tiếp giúp
tôi cảm thấy tâm mình bình an hơn, không bị cuốn vào vòng xoáy “khẩu
nghiệp” mà làm giảm đi hiệu quả giao tiếp cũng như đánh mất đi những mối
quan hệ tốt đẹp trong cuộc sống chỉ vì buông những lời nói “sắc như dao” khiến
người khác bị tổn thương và đau khổ.
*** Vì sao tôi đặc biệt?
“Trong hàng tỷ người đã và đang sống trên thế giới này, không có và sẽ
không bao giờ có một người nào giống như mỗi chúng ta, kể cả khi tôi có một
người anh sinh đôi cùng trứng. Mỗi chúng ta là một người hiếm có, độc đáo,
khác biệt và duy nhất trên thế giới này.” – Zig ZigLar (Better than good).
Tôi luôn nghĩ về điều đó: “Tôi là một người đặc biệt” và kể cả bất kỳ ai
trong chúng ta nữa (thế giới này có 7 tỷ người nhưng không ai có y hệt dấu vân
tay, y hệt cấu trúc gen). Tôi thường nhiều lần tự hỏi mình rằng “Tại sao linh hồn
này lại nằm trong thể xác này?”, “Tại sao tôi lại là tôi mà không phải là một
người nào khác?”. Có thể tôi là người thiên về đời sống tâm linh nhiều hoặc
cũng có thể nhiều người đã từng có những băn khoăn như tôi. Nhưng tôi luôn tin

rằng mỗi một con người khi đến với thế giới này đều là một món quà của
Thượng đế (mà Thượng đế thì không làm điều gì vô nghĩa bao giờ). Tôi luôn có
một niềm tin mãnh liệt rằng tôi là một người đặc biệt, tôi đến với thế giới này để
hoàn thành sứ mệnh được giao của cuộc đời mình. Bất kỳ ai cũng đều đặc biệt và
mỗi người đều có quan niệm sống, lý tưởng sống, sứ mệnh sống của cuộc đời
mình. Mỗi người chỉ sống một lần duy nhất và chính chúng ta chứ không phải ai
khác sống cuộc đời của chính mình: quyết định, tạo dựng, hy vọng,… tất cả mọi
thứ. Chúng ta đặc biệt theo cách của chúng ta. Tôi xinh đẹp theo cách mà tôi
được thừa hưởng từ bố mẹ tôi. Tôi có cảm nhận, suy nghĩ, tình cảm của riêng


mình. Tôi lựa chọn, tôi quyết định, tôi hành xử theo quan niệm, nguyên tắc sống
của chính tôi. Tôi biết mình không thể trở thành người tốt nhất, tài giỏi nhất,
xinh đẹp nhất nhưng tôi biết tôi là người duy nhất có thể trở thành chính tôi tốt
nhất.
Lời kết: Em không chắc là cô có đủ thời gian và kiên nhẫn để đọc hết từng
bài của từng bạn trong lớp hay không nhưng dù sao em cũng cảm ơn cô vì đã tạo
điều kiện để chúng em có cơ hội, có không gian để bày tỏ tất cả mọi thứ về bản
thân mình. Khi được biết về đề tài của bài tiểu luận là viết về bản thân, em cảm
thấy rất thú vị và có chút gì đó hào hứng muốn kể về mình. Lúc viết tất cả những
dòng này em luôn tưởng tượng ra là mình đang tâm sự và chia sẻ với một người
đang lắng nghe chân thành và thấu hiểu thực sự. Cảm ơn cô rất nhiều!



×