Tải bản đầy đủ (.doc) (16 trang)

Triết học và vai trò của triết học đối với sự phát triển của khoa học kinh tế

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (323.44 KB, 16 trang )

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ QUỐC DÂN
CAO HỌC K26P


BÀI TẬP CÁ NHÂN
Chủ đề: Triết học và vai trò của triết học đối với sự phát triển của khoa học kinh tế?

Giáo viên
: TS. LÊ NGỌC THÔNG
Môn
: TRIẾT HỌC
Họ và tên
: NGUYỄN QUANG LỊCH
Lớp
: CH26P – Cuối tuần
Mã sinh viên : CH260365


LỜI NÓI ĐẦU............................................................................................................................ 3
I – Triết học – một môn khoa học.......................................................................................... 4
1.Định nghĩa triết học....................................................................................................... 4
2.Triết học với tư cách là một môn khoa học.....................................................................4
II – Vai trò của triết học đối với sự phát triển kinh tế............................................................6
1.Quá trình phát triển kinh tế........................................................................................... 7
2.Vai trò của triết học đối với sự phát triển kinh tế...........................................................8
2.1.Thế giới quan triết học khoa học là cơ sở lý luận cho tư duy đúng đắn về kinh tế...8
2.2.Triết học khoa học là cơ sở phương pháp luận để nhận thức và vận dụng đúng các
quy luận kinh tế........................................................................................................... 10
2.3.Triết học khoa học là cơ sở lý luận cho việc hoạch định đúng đắn nhất các chính
sách kinh tế................................................................................................................. 11
2.4.Thế giới quan triết học khoa học là cơ sở phương pháp luận cho việc hình thành


văn hoá kinh doanh đúng đắn, góp phần thúc đẩy văn hoá........................................13
KẾT LUẬN............................................................................................................................... 15
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO........................................................................................... 16


LỜI NÓI ĐẦU
1. Giới thiệu tổng quan về đề tài
Không phải ngẫu nhiên có người coi triết học như là khoa học của mọi khoa học. Cũng
không phải ngẫu nhiên trong lịch sử, nhà triết học được gọi là nhà thông thái, nhà hiền triết.
Bởi triết học là những “công cụ” để giải thích thế giới khách quan làm cho con người có thể
hiểu được bản chất của thế giới và có thể nắm vững được những quy luật vận động của nó.
Trong thực tiễn, con người hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau và với những mục
tiêu khác nhau. Và triết học đã và đang giúp con người tránh những sai lầm trong nhận thức
và từ đó con người có thể đạt được mục tiêu với hiệu quả tốt nhất. Hoạt động kinh tế cũng
không phải là một ngoại lệ. Chính vì vậy, tác giả chọn nghiên cứu đề tài: “Vai trò của triết
học khoa học đối với sự phát triển kinh tế”.
2. Nhiệm vụ của tiểu luận
Nhiệm vụ của tiểu luận là phân tích làm rõ khoa học triết học và những vai trò của khoa
học triết học đối với sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng, và của nền kinh tế nói chung.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài này là triết học nói chung và triết học Mác – Lenin nói
riêng.
4. Phương pháp nghiên cứu
Tiểu luận được thực hiện trên cơ sở lý luận, khung lý thuyết của triết học. Tác giả sử dụng
biện pháp định tính, nghiên cứu tài liệu, tổng hợp – phân tích và xử lý thông tin.
5. Kết cấu tiểu luận
Ngoài phần Lời mở đầu và Kết luận, tiểu luận được chia làm 2 phần chính:
Phần 1: Triết học – một môn khoa học
Phần 2: Vai trò của triết học đối với sự phát triển kinh tế



I – Triết học – một môn khoa học
1. Định nghĩa triết học
Theo gốc Hán tự, thuật ngữ “triết” có nghĩa là “trí”, “có trí tuệ”, “sáng suốt”, chỉ sự hiểu
biết, nhận thức sâu rộng về vũ trụ và nhân sinh. Trong lịch sử triết học trên 2000 năm có
nhiều quan điểm về triết học. Thứ nhất, quan niệm triết học là lĩnh vực của lý trí, của trí tuệ
con người để phân biệt triết học với lĩnh vực niềm tin tôn giáo và lĩnh vực của kinh nghiệm
hàng ngày. Thứ hai, triết học được hiểu là con đường dẫn con người đi đến chân lý tối cao
của vũ trụ và nhân sinh. Theo Pytago thì triết học là con đường dẫn đến sự phát triển của trí
tuệ. Nhìn nhận theo triết học Tây Âu cận đại thì triết học là khoa học của mọi khoa học. Chủ
nghĩa hiện sinh lại có quan điểm khác cho rằng triết học là sự tự phản tỉnh của nhân sinh.
Chủ nghĩa biện chứng nhìn nhận triết học là khoa học xây dựng phương pháp sáng tạo cho
nhận thức khoa học. Nếu phát triển đến trình độ dung lý trí, trí tuệ để tự nhận thức ra mình
và vũ trụ thì triết học là một trình độ tự thức tỉnh của con người về sự tồn tại của chính nó và
sự tồn tại của vũ trụ, nhân sinh. Theo quan điểm Mác xít, triết học là hệ thống tri thức ở trình
độ lý luận và ở tầm chung nhất của con người về thế giới, về vị trí, vai trò của con người
trong thế giới ấy.
Như vậy, dù ở phương Đông hay phương Tây, người ta đều quan niệm triết học là đỉnh
cao của trí tuệ, là sự nhận thức sâu sắc về thế giới, nắm bắt được chân lý, hiểu được bản chất
của sự vật, hiện tượng. Triết học thể hiện khả năng nhận thức, cách thức, phương pháp đánh
giá của con người, nó tồn tại với tư cách là một hình thái ý thức xã hội, một bộ phận của kiến
trúc thượng tầng, có trình độ khái quát và tư duy trừu tượng cao.
Triết học nghiên cứu thế giới với tư cách là một chỉnh thể, tìm ra những quy luật chung
nhất chi phối sự vận động của chỉnh thể nói chung của xã hội loài người, của con người
trong cuộc sống cộng đồng nói riêng và thể hiện nó một cách có hệ thống dưới dạng duy lý.
Vậy, triết học là hệ thống trí thức lý luận chung nhất của con người về thế giới, về vị trí
vai trò của con người trong thế giới ấy.
2. Triết học với tư cách là một môn khoa học



Thời kỳ cổ đại, triết học đã từng được coi là “khoa học của các khoa học” bởi nhiều lý do:
triết học và khoa học (đặc biệt là khoa học tự nhiên) có mối quan hệ biện chứng khăng khít;
các nhà triết học đồng thời là các nhà khoa học (Talet, Đêmocrit,…) cho rằng triết học có vai
trò to lớn đối với khoa học (là cơ sở thế giới quan, cung cấp phương pháp luận cho khoa học
phát triển, có khả năng đi trước so với khoa học, dẫn đường cho khoa học phát triển. Tuy
nhiên, ngày nay, nó được coi là một môn khoa học độc lập. Bởi triết học cũng có đối tượng
riêng, có phương pháp nghiên cứu; có các vấn đề cơ bản; có các khái niệm và các phạm trù;
các quy luật.
Theo Ph.Ăngghen: “Triết học là khoa học về các quy luật chung nhất của sự vân động và
phát triển của thế giới; từ tự nhiên, xã hội và cả tư duy”. Vậy đối tượng của triết học là tự
nhiên, xã hội và tư duy của con người; nhưng triết học không phải là môn khoa học riêng về
tự nhiên hay xã hội mà nó là khoa học chung nhất, nó coi thế giới là một “chỉnh thể thống
nhất” của các mặt trên. Cũng chính vì thế mà triết học nghiên cứu thế giới bằng một phương
pháp của riêng nó. Nó xem xét thế giới như là một chỉnh thể và tìm cách đưa ra một hệ thống
các quan niệm về chỉnh thể đó.
Triết học cũng như những khoa học khác phải giải quyết rất nhiều vấn đề có liên quan với
nhau, trong đó vấn đề cực kỳ quan trọng là nền tảng và là điểm xuất phát để giải quyết những
vấn đề còn lại, được gọi là vấn đề cơ bản của triết học. Vấn đề cơ bản của Triết học có hai
mặt: mặt thứ nhất: giữa ý thức và vật chất thì cái nào có trước, cái nào có sau, cái nào quyết
định cái nào? Những quan điểm triết học cho vật chất là tính thứ nhất, ý thức là tính thứ hai
hợp thành chủ nghĩa duy vật. Trong lịch sử tư tưởng triết học có ba hình thức cơ bản của chủ
nghĩa duy vật: Chủ nghĩa duy vật chất phác, ngây thơ cổ đại; Chủ nghĩa duy vật máy móc,
siêu hình thế kỷ XVII – XVIII; Chủ nghĩa duy vật biện chứng. Ngược lại, những quan điểm
triết học cho ý thức là tính thứ nhất, vật chất là tính thứ hai, hợp thành chủ nghĩa duy tâm.
Chủ nghĩa duy tâm lại được thể hiện qua hai trào lưu chính: Chủ nghĩa duy tâm khách quan
(Platon, Hêghen…) và chủ nghĩa duy tâm chủ quan (Beccli, Hium…).
Mặt thứ hai: con người có khả năng nhận thức được thế giới hay không? Tuy có những ý
kiến khác nhau về khả năng nhận thức của con người, nhưng đa số các nhà Triết học (trong
đó có cả một số nhà Triết học duy tâm) đều cho rằng: Con người có khả năng nhận thức
được thế giới khách quan và cải tạo thế giới. Nhờ các giác quan và hoạt động bộ não, con

người hoàn toàn có khả năng nhận thức được thế giới khách quan. Khả năng nhận thức của


con người ngày càng tăng lên. Nếu trước đây, cứ 100 năm tri thức của nhân loại mới tăng lên
2 lần, thì riêng thập kỉ 90 ( thế kỉ XX ), tri thức của nhân loại đã tăng gấp 2 lần. Bên cạnh đó,
con người cũng có thể cải tạo thế giới khách quan. Từ khi xuất hiện đến nay, con người
không ngừng tác động vào giới tự nhiên, cải tạo giới tự nhiên theo hướng có lợi cho mình
như đắp đe chống lũ lụt, đắp đập ngăn sông để tạo hồ thủy lợi, thủy điện, thụ phấn nhân tạo
cho cây trồng...Với những tiến bộ của khoa học-kĩ thuật hiện nay, khả năng sáng tạo của con
người ngày càng lớn.
Trả lời cho hai câu hỏi trên liên quan mật thiết đến việc hình thành các trường phái Triết
học và các học thuyết về nhận thức của Triết học.
Mỗi bộ môn khoa học đều có một hệ thống phạm trù riêng của mình phản ánh những
mặt, những thuộc tính, những mối liên hệ cơ bản và phổ biến thuộc phạm vi khoa học đó
nghiên cứu. Các phạm trù của phép biện chứng duy vật như: “vật chất”, “ý thức”, “vận
động”, “đứng im”, “mâu thuẫn” là những khái niệm chung nhất phản ảnh những mặt những
thuộc tính, những mối liên hệ cơ bản và phổ biến nhất, không phải chỉ của một lĩnh vực nhất
định nào đấy của hiện thực mà của toàn bộ thế giới hiện thực, bao gồm cả tự nhiên, xã hội và
tư duy. Mọi sự vật, hiện tượng đều có nguyên nhân xuất hiện, đều có quá trình vận động biến
đổi, đều có mâu thuẫn…nghĩa là đều có những mặt, những thuộc tính, những mối liên hệ
được phản ánh trong các phạm trù của triết học. Nguyên lý về mối liên hệ phổ biến cảu triết
học, trong đó xem xét sự vật, hiện tượng khách quan tồn tại trong mối liên hệ, ràng buộc lẫn
nhau tác động, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các sự vật, hiện tượng hay giữa các mặt của một sự
vật, của một hiên tượng trong thế giới, nguyên lý này biểu hiện thông qua sáu cặp phạm trù
cơ bản: cái chung – cái riêng; bản chất và hiện tượng; nội dung và hình thức; nguyên nhân và
kết quả; khả năng và hiện thực; tất nhiên và ngẫu nhiên. Nguyên lý thứ hai là nguyên lý về
sự phát triển, trong đó xem xét sự vật, hiện tượng khách quan phải luôn đặt chúng vào quá
trình luôn luôn vận động và phát triển. Nguyên lý này biểu hiện thông qua ba quy luật cơ
bản: quy luật mâu thuẫn: chỉ ra nguồn gốc của sự phát triển; quy luật lượng – chất: chỉ ra
cách thức, hình thức của sự phát triển; quy định phủ định: chỉ ra khuynh hướng của sự phát

triển.
Những đặc điểm của triết học khoa học trên cũng chính là nền tảng để khoa học triết
học có vai trò rất to lớn đến sự phát triển chung của xã hội ở tất cả mọi mặt.
II – Vai trò của triết học đối với sự phát triển kinh tế


Triết học là hạt nhân lý luận thế giới quan của con người. Thế giới quan triết học như
thế nào sẽ quy định quan điểm kinh tế, chính trị, văn hoá, nghệ thuật, đạo đức thế ấy. Do vậy,
triết học khoa học đúng đắn có vai trò hết sức to lớn đối với sự phát triển của xã hội nói
chung, của kinh tế nói riêng.
Sau hai mươi năm chuyển sang kinh tế thị trường và lấy phát triển kinh tế làm nhiệm
vụ trung tâm, nước ta đã đạt được những thành tựu đáng kể và cũng thấy rõ những hạn chế
của mình. Chúng ta cần có lý luận phát triển kinh tế phù hợp với đặc điểm dân tộc và thời đại
hiện nay. Có phương pháp luận khoa học trong phát triển kinh tế không những đảm bảo cho
phát triển bền vững mà còn tránh được những sai lầm đưa đến thất bại trong công nghiệp hoá
– hiện đại hoá ở một số nước. Hai sai lầm điển hình cần tránh: một là, quan quan điểm tả
khuynh duy ý chí, dựa vào mong muốn tốt đẹp có tính chất không tưởng của lãnh đạo, thay
thế cho xây dựng lý luận phát triển. Hai là, quan điểm thực dụng, bị chi phối bởi bệnh "sùng
bái GDP" chạy theo tăng trưởng bất cứ giá nào, gây ra ngày càng nhiều những vấn đề xã hội
và tai hoạ về môi trường.
1. Quá trình phát triển kinh tế
Nhìn vào lịch sử phát triển kinh tế của loài người có thể nhận thấy: một phương thức
sản xuất đã hình thành và khi phát triển đến giới hạn thì sẽ có một phương thức sản xuất tiến
bộ hơn phát sinh từ trong lòng phương thức sản xuất cũ thay thế. Đi đôi với chuyển biến về
kinh tế thì sớm hay muộn cũng kéo theo sự thay đổi về xã hội, văn hoá và chính trị. Đặc biệt
lưu ý là những tiến bộ trong phương thức sản xuất, trong xã hội và chính trị được tích hợp lại
trong nền văn hoá mới. Quá trình lịch sử - tự nhiên như thế đã thể hiện rõ nhất trong lịch sử
phát triển của phương Tây. Từ thế kỷ XIII bắt đầu có sự phát triển mạnh mẽ kinh tế hàng hoá
với các tuyến thương mại đường dài. Về mặt xã hội đã ra đời các phường hội, các nhóm xã
hội, từ đó hình thành khu vực đô thị của những người tiểu tư sản. Bước chuyển vào cuối thế

kỷ XV sang thế kỷ XVI, với những phát minh về công nghệ in và phong trào cải cách tôn
giáo của Martin Luther hình thành giáo hội Tin lành năm 1517. Sự phát hiện ra châu Mỹ đã
thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế hàng hoá và việc sử dụng rộng rãi chữ số Ảrập ở phương Tây.
Bước chuyển vào thế kỷ XVIII với những sự kiện lớn của một bước ngoặt: phát minh ra
động cơ hơi nước (của James Watt); sự ra đời của cuốn "Của cải của các dân tộc" của Ađam
Smith; năm 1809 trường đại học hiện đại đầu tiên ra đời (Đại học Berlin) cùng với nền giáo
dục phổ thông... Tất cả những tiến bộ ấy đã thúc đẩy cuộc cách mạng kỹ thuật và cách mạng


công nghiệp, hình thành nền kinh tế thị trường hiện đại của chủ nghĩa tư bản cùng với xã hội
công nghiệp và nền văn minh mới của châu Âu. Vào cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, theo
chu kỳ khoảng 200 năm, đã diễn ra cuộc cách mạng khoa học và công nghệ lần thứ ba tạo ra
bước chuyển từ kinh tế công nghiệp lên kinh tế tri thức.
Quá trình lịch sử - tự nhiên trong phát triển kinh tế thị trường còn được phản ánh trong
các lý thuyết kinh tế theo từng giai đoạn. Tương ứng với giai đoạn tự do cạnh tranh (vào thế
kỳ XVIII, XIX) thì có các lý thuyết tiêu biểu của A.Smith, D.Ricardo và C.Mác. Tương ứng
với giai đoạn chủ nghĩa tư bản độc quyền thì có các lý thuyết kinh tế tiêu biểu của Lênin,
J.M.Keynes, J.Schumpeter, M.Friedman. Ở giai đoạn kinh tế tri thức hiện nay, chưa có lý
thuyết kinh tế nào tiêu biểu cho giai đoạn mới, nhưng đã có một số nhận thức mới từng lĩnh
vực về con người và xã hội, về nền văn hoá mới, về kiểu tổ chức quản lý mới, về nền chính
trị mới, trong đó có tác phẩm nhìn bao quát rộng rãi là của A.Toffler. Trước thực tế khá phức
tạp hiện nay thì rất cần có một tư tưởng triết học đúng đắn làm nền tảng, dẫn dắt cho kinh tế
phát triển.
2. Vai trò của triết học đối với sự phát triển kinh tế
2.1.

Thế giới quan triết học khoa học là cơ sở lý luận cho tư duy đúng đắn về kinh tế

Triết học có đối tượng nghiên cứu của mình là mối quan hệ của con người với tự nhiên
và quan hệ của con người với nhau trong xã hội, đặc biệt là quan hệ của con người với con

người trong sản xuất vật chất. Mà quan hệ của con người với tự nhiên được biểu hiện cô
đọng nhất thông qua lực lượng sản xuất. Suốt chiều dài lịch sử phát triển kinh tế thị trường
cho đến nay, hoạt động kinh tế vẫn dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên làm nguyên vật
liệu chế tạo sản phẩm. Quy mô sản xuất càng lớn thì tài nguyên bị khai thác càng tăng. Bên
cạnh đó, quan hệ của con người với nhau trong xã hội được biểu thị cô đọng nhất thông qua
quan hệ sản xuất. Mối quan hệ giữa con người với con người hình thành và phát triển trong
quá trình lao động và sản xuất được xã hội hoá dưới hình thức hợp tác, phân công tạo thành
cơ cấu kinh tế - xã hội có tính hệ thống từ sản xuất đến tiêu dùng của xã hội. Kết quả lớn
nhất mang ý nghĩa lịch sử của quá trình xã hội hoá lao động và sản xuất là tạo ra giá trị thặng
dư - nhân tố chủ yếu phản ánh trình độ phát triển lực lượng sản xuất, thúc đẩy sự phát triển
mối quan hệ giữa con người với con người trong giới hạn của phương thức sản xuất. Và vì
có thể nói, đây là hai mối quan hệ cơ bản nhất của con người, nên, để phát triển kinh tế thì


phải có tư duy về kinh tế một cách đúng đắn. Tư duy về phát triển kinh tế muốn đúng đắn
phải dựa trên một thế giới quan triết học khoa học.
Chẳng hạn, triết học Mác - Lenin nghiên cứu xã hội với tư cách một chỉnh thể thống
nhất hữu cơ với “hạt nhân” của nó là kinh tế. Nhưng kinh tế được triết học Mác – Lênin
nghiên cứu dưới góc độ lịch sử - cụ thể, tức là dưới những phương thức sản xuất lịch sử - cụ
thể. Mà phương thức sản xuất lại là sự thống nhất hữu cơ giữa lực lượng sản xuất và quan hệ
sản xuất. Trong đó lực lượng sản xuất là nội dung, còn quan hệ sản xuất là hình thức xã hội
của nó. Vì vậy, theo quan điểm của triết học, muốn phát triển một phương thức sản xuất thì
cần tập trung phát triển lực lượng sản xuất. Từ đây, chúng ta hiểu rõ ràng rằng, muốn kinh tế
phát triển, cần quan tâm đến người lao động và công cụ lao động. Người lao động cần được
quan tâm đến sức khoẻ, cần được đào tạo năng lực, trình độ lao động cho phù hợp với yêu
cầu công việc. Bên cạnh đó, công cụ lao động cũng cần được cải tiến, đầu tư hiện đại để có
thể đạt được hiệu suất lao động cao nhất. Nếu người lao động không được giải phóng, không
có sức khoẻ, không có trình độ thì công cụ có hiện đại cũng không thể phát triển. Ngược lại,
nếu lao động có sức khoẻ, có trình độ, nhưng công cụ lao động thô sơ, lạc hậu thì lực lượng
sản xuất cũng không thể phát triển. Vậy, muốn phát triển kinh tế cần có những chính sách,

chiến lược phát triển phù hợp về phát triển người lao động nhằm giải phóng sức sản suất tạo
ra hiệu quả sản xuất cao nhất. Hơn nữa, trong quá trình hoạt động, sản xuất, việc cần thiết là
phải thường xuyên có những chính sách, chế độ động viên, nâng cao sự hăng say, lòng nhiệt
tình, kích thích sự sáng tạo và biết phát huy tối đa hiệu quả của công cụ lao động hiện có của
người lao động. Chẳng hạn, trong lịch sử, vào những năm 1953 – 1956, cải cách ruộng đất
tại miền Bắc Việt Nam là chương trình nhằm xoá bỏ văn hoá phong kiến, tiêu diệt các thành
phần bị xem là “bóc lột” “phản quốc” như địa chủ phản cách mạng, Việt gian, cường hào.
Theo Luật Cải cách ruộng đất thì Cải cách ruộng đất có mục tiêu "thủ tiêu quyền chiếm hữu
ruộng đất của thực dân Pháp và của đế quốc xâm lược khác ở Việt Nam, xoá bỏ chế độ
phong kiến chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ, thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất của
nông dân, giải phóng sức sản xuất ở nông thôn, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và mở
đường cho công thương nghiệp phát triển, cải thiện đời sống của nông dân, bồi dưỡng lực
lượng của nhân dân, lực lượng của kháng chiến, đẩy mạnh kháng chiến, hoàn thành giải
phòng dân tộc, củng cố chế độ dân chủ nhân dân, phát triển công cuộc kiến quốc" 1. Để giải
phóng sức sản xuất, ruộng đất được chia cho nhân dân. Do được “tự do” canh tác, được tự do
1

^ “Hệ thống thông tin VBQPPL”.


làm chủ nên người nhân dân đã hăng say, phấn khởi canh tác, tạo ra của cải vật chất gấp
nhiều lần. Đó là nhu cầu giải phóng con người nhằm giải phóng sức sản xuất. Rõ ràng là triết
học không trực tiếp tạo ra của cải vật chất, nhưng triết học khoa học, đúng đắn sẽ cung cấp
cơ sở lý luận, phương pháp luận khoa học cho sự phát triển tư duy về kinh tế một cách đúng
đắn, khoa học, từ đó phát triển kinh tế.
2.2.

Triết học khoa học là cơ sở phương pháp luận để nhận thức và vận dụng đúng
các quy luận kinh tế.


Triết học cung cấp cho chủ thể một cơ sở phương pháp luận cho việc nhận thức và trên
cơ sở đó, vận dụng các quy luật kinh tế. Đối với triết học Mác – Lênin, trang bị phương pháp
tư duy biện chúng duy vật để giúp con người nhận thức và vận dụng các quy luật kinh tế một
cách khách quan và khoa học hơn. Tuy quy luật kinh tế phát triển một cách tự nhiên không
phụ thuộc mong muốn chủ quan của con người, nhưng nó cũng mang tính xã hội, chỉ tồn tại,
vận động và phát triển trên cơ sở các hoạt động kinh tế của con người. Con người không thể
tạo ra cũng như tuỳ tiện xoá bỏ chúng, nhưng con người là chủ thể hoạt động kinh tế có ý
thức, nên thông qua các hoạt động kinh tế, con người có thể tác động để các quy luật kinh tế
diễn ra nhanh hay chậm. Nền kinh tế hiện nay là nền kinh tế hàng hoá, là một kiểu tổ chức
kinh tế xã hội, trong đó sản phẩm sản xuất ra dùng để bán, để trao đổi trên thị trường, nó vận
dụng chịu sự tác động của các quy luật kinh tế riêng của nó: quy luật giá trị, quy luật cung
cầu, quy luật lưu thông tiền tệ,…
Quy luật giá trị là quy luật cơ bản của nền sản xuất và trao đổi hàng hoá. Ở đâu có sản
xuất trao đổi hàng hoá ở đó có quy luật giá trị hoạt động. Quy luật giá trị yêu cầu sản xuất và
trao đổi hàng hoá phải dựa trên giá trị của nó, tức là dựa trên lao động xã hội cần thiết. Đối
với sản xuất, khối lượng sản phẩm mà những nhà sản xuất tạo ra phải phù hợp với nhu cầu
và khả năng thanh toán của xã hội. Đối với lưu thông, phải thực hiện theo nguyên tắc ngang
giá, hàng hoá trao đổi với nhau khi cùng kết tinh một lực lượng lao động như nhau. Giá cả
hàng hoá trên thị trường lên xuống xung quanh giá trị hàng hoá và trở thành cơ chế tác động
của quy luật giá trị. Phương pháp tư duy biện chứng cho phép chúng ta đánh giá đúng đắn
giá trị hàng hoá, giúp điều tiết sản xuất và lưu thông hàng hoá; kích thích sản xuất phát triển;
phân hoá và thực hiện sự lựa chọn tự nhiên giữa người sản xuất. Điều tiết sản xuất là phân
phối tư liệu sản xuất và sức lao động vào các ngành thông qua sự biến động của giá cả và
quan hệ cung cầu trên thị trường, một ngành nào đó có cung tăng vượt cầu làm giá cả hàng


hoá giảm xuống, người sản xuất bỏ ngành này, di chuyển tư liệu sản xuất và sức lao động
sang ngành cung chưa đáp ứng đủ cầu, cứ như vậy có sự điều tiết qua lại giữa các ngành tạo
ra một sự cân bằng. Bên cạnh đó, muốn có lợi nhuận, người sản xuất phải không ngừng cải
tiến kỹ thuật, vận dụng công nghệ mới tăng năng suất lao động, giảm chi phí. Và trong môi

trường cạnh tranh, để giành những điệu kiện thuận lợi trong sản xuất và tiêu thụ hàng hoá,
người nào có điều kiện sản xuất thuận lợi, chi phí sản xuất thấp thu nhiều lợi nhuận và tiếp
tục mở rộng sản xuất và ngày càng phát tài.
Trong quy luật cung cầu, cung phản ánh khối lượng sản phẩm hàng hoá được sản xuất
và đưa ra thị trường để thực hiện (để bán). Cung do sản xuất quyết định, nó không đồng nhất
với sản xuất. Cầu phản ánh nhu cầu tiêu dùng có khả năng thanh toán của xã hội. Cung - Cầu
có mối quan hệ hữu cơ với nhau, thường xuyên tác động lẫn nhau trên thị trường, ở đâu có
thị trường thì ở đó có quy luật cung - cầu tồn tại và hoạt động một cách khách quan. Quy luật
cung - cầu tác động khách quan và rất quan trọng. Nếu nhận thức được chúng thì chúng ta
vận dụng để tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh theo chiều hướng có lợi cho quá
trình tái sản xuất xã hội.
Cạnh tranh là sự tác động lẫn nhau giữa các nhóm người, giữa người mua và người
bán hay giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Hai nhóm này tác động lẫn nhau với tư cách
là một thể thống nhất, một hợp lực. Ở đây cá nhân chỉ tác động với tư cách là một bộ phận,
một lực lượng xã hội, là một nguyên tử của một khối. Chính dưới hình thái đó mà cạnh tranh
đã vạch rõ cái tính chất xã hội của sản xuất và tiêu dùng.
Quy luật lưu thông tiền tệ là quy luật xác định lượng tiền cần cho lưu thông. Lượng
tiền cần cho lưu thông chính bằng tỷ số giữa tổng giá cả hàng hoá với tốc độ lưu thông tư
bản. Rõ ràng, phương pháp tư duy biện chứng của triết học là cơ sở để nhận thức và vận
dụng đúng đắn những quy luật kinh tế trên để tạo ra của cải vật chất có lợi nhất cho xã hội.
2.3.

Triết học khoa học là cơ sở lý luận cho việc hoạch định đúng đắn nhất các
chính sách kinh tế.

Nếu các chính sách kinh tế, nếu vì mục đích tự thân, nhất định sẽ dẫn tới kết cục phản
kinh tế, làm cho kinh tế không thể phát triển bền vững. Để tăng trưởng kinh tế gắn với việc
giải quyết tốt các vấn đề xã hội nhằm tạo ra môi trường phát triển bền vững cần phải có hệ
chính sách tổng hợp, mang tính chất kinh tế - xã hội ở tầm vĩ mô. Dựa trên nền tảng cơ sở



của thế giới quan triết học khoa học, chủ thể lãnh đạo, quản lý kinh tế có thể đưa ra được
những chính sách kinh tế đúng đắn. Chính triết học Mác - Lênin là một cơ sở lý luận khoa
học cho việc hoạch định đúng đắn các chính sách kinh tế như vậy. Triết học Mác - Lênin
trang bị cho chúng ta thế giới quan, phương pháp luận khoa học để giải quyết đúng đắn mối
quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội; giữa giải quyết lợi ích trước mắt với
mục tiêu lâu dài của sự phát triển; giữa nội lực và ngoại lực trong phát triển kinh tế - xã hội;
giữa xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ với hội nhập kinh tế quốc tế, v.v.. Bởi lẽ, để giải
quyết tốt những vấn đề trên, phải có cái nhìn khách quan, toàn diện, phát triển, lịch sử - cụ
thể và gắn với yêu cầu thực tiễn của đất nước cũng như của thời đại.
Nguyên tắc khách quan của triết học giúp chúng ta hiểu rằng khi hoạch định các chính
sách kinh tế phải biết căn cứ vào các điều kiện kinh tế khách quan, không áp đặt mong muốn
chủ quan thay cho các điều kiện kinh tế khách quan.
Nguyên tắc toàn diện yêu cầu chủ thể trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực
tiễn cần có cái nhìn, cách xem xét sự vật hiện tượng trong vô vàn các mối liên hệ để có
những nhận thức đúng và hoạt động cải tạo đạt hiệu quả cao. Trong quản lý doanh nghiệp,
người quản lý cần đặt đối tượng quản lý của mình trong nhiều mối quan hệ qua lại. Chẳng
hạn, khi quản lý nhân viên, cần hiểu rõ rằng, mỗi nhân viên không chỉ thể hiện bản chất
người của mình trong quan hệ công việc mà còn nhiều quan hệ khác nữa, bởi bản chất con
người, xét trong tính hiện thực cụ thể, là tổng hoà các mối quan hệ xã hội. Nhân viên cũng là
con người, do vậy, họ cũng có nhu cầu tối thiểu của con người, mang tính người, do đó, nhân
viên cũng có nhu cầu khẳng định mình thông qua lao động sáng tạo. Mặt khác, vì là con
người nên nhân viên không chỉ đem sức lực của mình phục vụ doanh nghiệp mà còn có nhu
cầu nghỉ ngơi, giải trí,…hay quan trọng hơn là những mối quan hệ gia đình. Chắc chắn
những mối quan hệ này sẽ ảnh hưởng phần nào đó đến doanh nghiệp. Do vậy, nhà quản lý
cần kết hợp nguyên tắc khách quan với nguyên tắc toàn diện, nhìn nhận thấu đáo để quản lý
hiệu quả nhất. Vì vậy, khi nhìn nhận đánh giá nhân viên thì nhà quản lý cần tìm hiểu những
trạng thái tâm lý của nhân viên từ thực tiễn cuộc sống, thực tiễn công việc của họ, từ các mối
quan hệ giao tiếp của họ.
Nguyên tắc phát triển yêu cầu chủ thể trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn

cần đặt sự vật, hiện tượng trong tiến trình vận động phát triển để nhìn nhận, đánh giá một
cách khách quan vì bản chất của sự vật là không bất biến. Năng lực của nhân viên có thể phát


triển theo thời gian. Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, những nhân viên có khả năng
sáng tạo, thích cái mới, năng động, thích ứng nhanh với sự thay đổi thường phải ưu tiên hơn
những nhân viên chỉ giỏi một lĩnh vực, trung thành nhưng máy móc, không chấp nhận sự
thay đổi.
Nguyên tắc lịch sử - cụ thể chính là sự kết hợp cả nguyên tắc toàn diện, nguyên tắc phát
triển và xét cho cùng, tất cả việc quán triệt những nguyên tắc đó chính là quán triệt nguyên
tắc khách quan. Nguyên tắc lịch sử - cụ thể yêu cầu chủ thể trong hoạt động nhận thức và
hoạt động thực tiễn có cái nhìn mang tính cụ thể, phù hợp với những hoàn cảnh, điều kiện cụ
thể của sự vật, hiện tượng. Trong quản lý nhân lực, nhà quản lý cần xuất phát từ con người
cụ thể và những công việc cụ thể để có cái nhìn linh hoạt, mềm dẻo nhưng vẫn đúng đắn, từ
đó quản lý doanh nghiệp một cách hiệu quả.
Tóm lại, phép biện chứng duy vật cung cấp cho người quản lý một tư duy khách quan,
khoa học và linh hoạt trong hoạt động. Bởi vậy, ngoài kiến thức chuyên môn và kỹ năng làm
việc thì việc học tập, trau dồi và quán triệt học thuyết biện chứng mà đặc biệt là học thuyết
biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác – Lênin là nhiệm vụ tất yếu của mỗi nhà quản lý nêú
muốn thành công trong lĩnh vực hoạt động của mình.
2.4.

Thế giới quan triết học khoa học là cơ sở phương pháp luận cho việc hình
thành văn hoá kinh doanh đúng đắn, góp phần thúc đẩy văn hoá.

Văn hoá kinh doanh là một phương diện của văn hoá trong xã hội, là văn hoá trong
lĩnh vực hoạt động kinh doanh; nó bao gồm triết lý kinh doanh, đạo đức kinh doanh,v.v…
Văn hoá kinh doanh đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng,
của kinh tế nói chung. Để có được văn hoá kinh doanh thì cần phải có một yếu tố quan trọng
là thế giới quan triết học – nền tảng để tạo nên triết lý kinh doanh cũng như đạo đức kinh

doanh. Triết lý kinh doanh là các triết lý hình thành trong quá trình kinh doanh của chủ thể
nhằm để đạt được mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận thông qua việc vận hành tổ chức một cách
hiệu quả và mang lại giá trị cho con người. Trên cơ sở đó, việc hình thành và phát triển triết
lý kinh doanh là một trong những vấn đề quan trọng trong quá trình vận hành doanh nghiệp.
Triết lý doanh nghiệp là tư tưởng, giá trị, mục tiêu và phương châm hoạt động chung của
doanh nghiệp, chỉ dẫn mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các nhà doanh nghiệp
lớn đã tổng kết những trải nghiệm bao gồm cả thành công và thất bại từ thực tế hoạt động
kinh doanh của bản thân. Những kinh nghiệm này trở thành triết lý kinh doanh của các nhà


lãnh đạo và họ truyền bá cho toàn thể nhân viên trong tổ chức của mình thấu hiểu và từng
ngày, từng giờ hành động theo phương châm đó.
Như vậy, triết lý kinh doanh là những tư tưởng triết học phản ánh thực tiễn kinh doanh
thông qua con đường trải nghiệm, suy ngẫm, khái quát hóa của các doanh nhân và là kim chỉ
nam cho mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.


KẾT LUẬN
Tóm lại, ta có thể nhận thấy rõ ràng rằng, thế giới quan triết học khoa học đúng đắn
nói chung, thế giới quan triết học Mác – Lenin nói riêng là cơ sở lý luận cho tư duy về kinh
tế một cách đúng đắn. Nó trang bị phương pháp tư duy khoa học, là công cụ sắc bén để nhận
thức các quy luật kinh tế, là cơ sở lý luận cho việc hoạch định đúng đắn các chính sách kinh
tế và có triết lý kinh doanh đúng đắn. Vì những lẽ đó, triết học nói chung, triết học Mác –
Lenin nói riêng đã cung cấp nền tảng, cơ sở khoa học để nhận thức sâu sắc, vạch ra các
đường lối kinh tế đúng đắn, góp phần phát triển nền kinh tế quốc gia dân tộc. Tuy nhiên,
cũng cần nhận thức rõ ràng rằng, vai trò của triết học đối với sự phát triển của kinh tế đến
đâu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trước hết là tính khoa học của triết học và sự nhận thức
cũng như vận dụng triết học có đúng đắn, sáng tạo hay không của chủ thể lãnh đạo, quản lý.



DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Mác – Ăngghen. Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1994, tập 20.
2. Bộ Giáo dục & Đào tạo, Giáo trình Triết học Mác – Lênin, Nxb Chính trị Quốc gia,
Hà Nội, 2006
3. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Giáo trình Văn hoá kinh doanh, Nxb Đại học Kinh
tế quốc dân, 2012.
4. Lê Thanh Sinh, 2002, Triết học thực tiễn, tập 1, Nxb tp. Hồ Chí Minh.
5. Bùi Văn Mưa (2011), “Triết học – Phần 2: Các chuyên dề Triết học Mác – Lênin”.
6. Đảng Cộng sản Việt nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự
thật, Hà Nội, 1987.



×