Tải bản đầy đủ (.docx) (53 trang)

Đặc điểm thơ Vũ Hoàng Chương

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (238.85 KB, 53 trang )

MỤC LỤC


MỞ ĐẦU
Trong các thể loại của văn học, thì “thơ ca là loại hình văn học sớm nhất của
nhân loại”1. Thơ ca Việt Nam với quá trình lịch sử phát triển lâu dài như vậy, chắc
chắn đã có sự phát triển vượt bậc về mặt nội dung và nghệ thuật. Đặc biệt, phong
trào Thơ Mới đã có những đóng góp xuất sắc vào quá trình phát triển văn học Việt
Nam nói chung và thơ ca Việt Nam nói riêng. Các thi sĩ của thuở ấy đã đem lại
cho bạn đọc một tiếng nói mới, phản ánh khá trung thực tâm trạng của cả lớp
thanh niên tiểu tư sản trong cuộc sống có nhiều đau buồn, trăn trở, và đôi khi bế
tắc trước hiện trạng của đất nước thời bấy giờ. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài
Thanh đã khẳng định: “Tôi quyết rằng trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ
có một thời đại phong phú như thời đại này” 2. Bởi theo ông, chưa bao giờ trong
một thời đại văn học nào trước đó, cùng một lúc xuất hiện trên văn đàn những hồn
thơ “rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy
Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như
Nguyễn Bính, kì dị như Chế Lan Viên...và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân
Diệu”3. Mỗi nhà thơ, một cá tính sáng tạo riêng, mỗi người sẽ tìm một “sự giải
phóng” khác nhau. Điều đó đã làm giàu cho thi ca, chính thức thắp lên “Bình
minh thơ Việt Nam hiện đại”.
Vũ Hoàng Chương – một cái tên có thể xa lạ với người đọc, nhưng với
những người yêu thơ, đặc biệt là Thơ Mới, thì đây là một ngôi sao sáng của phong
trào Thơ Mới. Khi tiếng đau đớn của Hàn Mặc Tử chợt vụt tắt, thì bầu trời thi ca
Đất Việt dường như chỉ còn Vũ Hoàng Chương đang quằn quại với những vết
thương xẻ nát tâm hồn. Nhưng cũng chính những vết thương rỉ máu ấy lại vẽ ra
một lối đi riêng, một con đường cho thi ca ngay từ buổi đầu đến với Thơ Mới.
Nếu thơ là tiếng nói trong trẻo của tâm hồn thì đối với Vũ Hoàng Chương lại
khác, đó lại là tiếng bi ai cất lên từ nỗi đau của tâm hồn. Thơ Vũ Hoàng Chương
vì thế chạm đến tận cùng nỗi đau và sự cảm thông của con người. Từ đó thơ ông
đi vào lòng người đọc một cách sâu sắc, thơ ông góp vào sự phát triển của Thơ


Mới, của văn học Việt Nam.
Với đề tài “Đặc điểm thơ Vũ Hoàng Chương (khảo sát qua hai tập thơ Say
và Mây)”, nhóm chúng tôi sẽ giới thiệu các đặc điểm về thơ của Vũ Hoàng
Chương trong phong trào Thơ Mới. Với đề tài này, nhóm chúng tôi mong muốn
đem đến cho các bạn những hiểu biết, những cái nhìn mới mẻ về Vũ Hoàng
1 Trần Đình Sử, 2016, Lí luận văn học tập 2, NXB ĐHSP, HN, tr.254
2,3 Hoài Thanh – Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học,tr.25
3

2


Chương. Từ những đặc điểm thơ của Vũ Hoàng Chương, chúng ta sẽ thấy một cái
tôi sáng tạo hoàn toàn khác, không lẫn vào đâu được giữa dòng chảy thi ca và góp
phần vào quá trình phát triển của Thơ Mới.

NỘI DUNG CHÍNH
CHƯƠNG 1: VÀI NÉT VỀ PHONG TRÀO THƠ MỚI VÀ TÁC GIẢ VŨ
HOÀNG CHƯƠNG
1.1. Vài nét về phong trào Thơ Mới và dấu ấn thơ tượng trưng Việt Nam (1932

– 1945)
3


1.1.1. Vài nét về phong trào Thơ Mới

1.1.1.1. Khái niệm thơ
Thơ được ví như bình minh của thể loại văn học, có lẽ điều này cũng chứng
minh được rằng nếu trong quá trình vận động thơ mang lại sự đa dạng và sự cách

tân là điều tất yếu. Khác với các thể loại kịch, tiểu thuyết, thơ dùng nội cảm tri
giác nội cảm, bởi nói như James Joyce: “Thơ là trang phục ngôn từ của một giây
lát cảm xúc” – nghĩa là nó là những biểu hiện những xúc động nội tâm, là một bản
tự thuật tâm trạng được cô đọng lại. Vì thơ thuộc về bản mệnh tinh thần nên thế
giới của thơ là một dấu chấm lửng (!).
Và “hướng tư duy của thơ ngày nay thiên về hướng nội. Trong khi đó tư duy
thơ của giai đoạn trước lại thiên về hướng ngoại”. Các tác giả trung đại thường
nói về cái Ta, cái chung, thì với tác giả hiện đại đó chính là sự lên ngôi của cái Tôi
“đời chúng ta nằm trong vòng chữ Tôi” ( Hoài Thanh). Chính hướng tư duy ấy đã
chi phối rất nhiều đến thi pháp nghệ thuật của các tác giả trong nền văn học hiện
đại. Chính sự cách tân trong nghệ thuật mang dấu ấn cá nhân đã khẳng định cá
tính sáng tạo, phong cách nghệ thuật của họ. Vì “Thơ như là mỹ học của cái khác”
nên sẽ không bằng lòng nằm yên trong quỹ đạo truyền thống mà luôn đột phá tạo
ra những giá trị nghệ thuật mang tính thời đại.
1.1.1.2. Vài nét về phong trào Thơ Mới
Trong giai đoạn 1930 – 1945, thơ có những chuyển biến vượt bậc và đạt
được nhiều thành tựu to lớn. Quan niệm thẩm mỹ về nhà thơ, người đọc thơ đã
hoàn toàn thay đổi theo quan niệm thẩm mỹ phương Tây. Cái đẹp gắn với cảm
xúc con người, gắn liền với tự do sáng tạo. Có nghĩa là cái đẹp là cái gần gũi, cái
tạo cho con người cảm xúc rung động, là cái gắn với chân – thiện. Và cái đẹp gắn
với cái tôi cá nhân.
Đặc biệt, sự ra đời của Phong trào Thơ Mới đã làm nên một cuộc Cách mạng
trong thi ca và chính thức thắp lên “Bình minh thơ Việt Nam hiện đại”. Bởi “Một
phong trào văn học ra đời bao giờ cũng phản ánh những đòi hỏi nhất định của xã
hội”4. Nên sự xuất hiện của phong trào Thơ Mới là tiếng nói của giai cấp tư sản và
tiểu tư sản thành thị cùng với sự giao lưu văn hóa Đông Tây.
Thơ Mới được thai nghén từ trước 1932 và thi sĩ Tản Đà chính là người dạo
bản nhạc đầu tiên trong bản hòa tấu của Phong trào thơ Mới. Tản Đà chính là
“gạch nối” của hai thời đại thơ ca Việt Nam, được Hoài Thanh – Hoài Chân xếp
đầu tiên trong số 46 tên tuổi lớn của Phong trào thơ Mới. Và đến ngày 10/3/1932

khi Phan Khôi cho đăng bài thơ Tình già trên Phụ nữ tân văn số 22 cùng với bài
tự giới thiệu “Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ” thì phát súng lệnh của
4 Phan Cự Đệ, 1997, Văn học lãng mạn Việt Nam (1930 – 1945), NXB Giáo dục, tr.23

4


Phong trào thơ Mới chính thức bắt đầu.
Thơ Mới là phong trào thơ ca lãng mạn xuất hiện từ khoảng 1932 đến khi nổ
ra cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945. Đó là nền thơ mang phong cách hiện đại
tương tự thơ phương Tây thế kỉ XIX và XX, khác hẳn thi ca Việt Nam trong tất cả
các thời đại quá khứ. Thơ Mới ra đời và phát triển mạnh mẽ với hàng loạt các nhà
thơ tài năng với giọng điệu và phong cách khác nhau tiêu biểu như Xuân Diệu,
Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, Vũ Hoàng Chương, Đinh
Hùng,...
Thơ Mới mang cảm hứng mới. Cái cảm hứng ấy là sự giải phóng cái tôi cá
nhân, sáng tạo cải biến hiện thực, lấy chủ nghĩa lãng mạn làm kim chỉ nam tuân
theo trong quan niệm nghệ thuật, phương thức sáng tác cũng như trong quan điểm
thẩm mĩ. Và nỗi buồn, cô đơn là cảm hứng của chủ nghĩa lãng mạn. Khuynh
hướng lãng mạn được chọn bởi lẽ: Thứ nhất, vận mệnh đất nước đang trong tình
trạng bi đát, các nhà văn không thể gắn mình với hiện thực nên họ phải sáng tạo
thứ hiện thực khác để thể hiện tinh thần con người; Thứ hai, khi Pháp mang văn
hóa văn minh vào Việt Nam thì Chủ nghĩa lãng mạn là phù hợp nhất trong việc ý
thức cái tôi cá nhân, tôn trọng tự do riêng tư mà không cần hiện thực; Thứ ba, bản
thân Chủ nghĩa lãng mạn Phương Tây dựa trên chủ nghĩa cổ điển, nó không quá
xa với chủ nghĩa cổ điển đã khiến con người cảm thấy không bỡ ngỡ mà dễ bắt
nhập.
Chúng ta gọi chung là phong trào Thơ Mới nhưng thực ra trong đó có nhiều
khuynh hướng phức tạp. “Nếu đứng về trường phái mà nói, thì đại đa số là lãng
mạn nhưng cũng có tượng trưng và siêu thực” 5. Nguyễn Xuân Xanh và Bích Khê

chính là đại diện tiêu biểu của khuynh hướng tượng trưng. Gác linh hương của
Đông Hoài, Dạ Đài của Trần Dần, Đinh Hùng là những sản phẩm của khuynh
hướng siêu thực. Nhiều nhà thơ lãng mạn hướng tới thơ tượng trưng, thơ siêu thực
và nhiều thành công. Những cái tên được kể đến như Chế Lan Viên, Xuân Diệu,
Bích Khê, Lưu Trọng Lư,... Nhóm Xuân Thu nhã tập xuất hiện tập trung những
nhà thơ với khao khát đổi mới thơ ca trên tinh thần dân tộc. Họ tìm kiếm con
đường thực tế nối liền nguồn gốc xưa với khát vọng nay với mục đích chính là
dùng thơ ca để khai sáng dân trí, tuyên truyền Cách mạng.
Theo Phan Cự Đệ, phong trào Thơ Mới tạm chia ra hai thời kì: 1932 – 1939
và 1940 – 19456. Trong thời kì thứ nhất, có thể “có một nét gạch mờ giữa hai
chặng đường 1932 – 1935 và 1936 – 1939” 7. Ngay từ buổi đầu xuất hiện, văn học
đã mang những nét tiêu cực, buồn nản và thoát ly, nhưng trong thời kì thứ nhất
5 Phan Cự Đệ, 1997, Văn học lãng mạn Việt Nam (1930 – 1945), NXB Giáo dục, tr.39
6 Phan Cự Đệ, 1997, Văn học lãng mạn Việt Nam (1930 – 1945), NXB Giáo dục, tr.43
7 Phan Cự Đệ, 1997, Văn học lãng mạn Việt Nam (1930 – 1945), NXB Giáo dục, tr.43

5


vẫn có nhiều yếu tố tiến bộ và tích cực: là tiếng gầm gừ của con hổ trong Nhớ
rừng, tiếng hát lên đường của khách chinh phu trong Tiếng gọi bên sông của Thế
Lữ. Ở giai đoạn này “các nhà thơ Mới lãng mạn thì sự phân hóa rất ít, mà chỉ càng
ngày đi sâu hơn vào cái Tôi cá nhân”.
“Con đường đi của Thơ Mới là con đường ngày càng xuống dốc” 8. Cuối
chặng thứ hai của thời kì thứ nhất đã thể hiện được dấu hiệu đó, trong Đau
thương (1937) – Hàn Mạc Tử, Tinh huyết – Bích Khê hay Xuân như ý của Hàn
Mạc Tử (1939). Thời kì suy thoái của Thơ Mới bắt đầu với tập thơ Say (1940) của
Vũ Hoàng Chương, rồi Vàng sao – Chế Lan Viên, Mây (1943) – Vũ Hoàng
Chương và Xuân thu nhã tập. Qua đây để thấy được rằng, Thơ Mới ngay từ lúc
mới ra đời đã ngủ mê một giấc dài cho đến khi tiếng sấm của Cách Mạng mới

bừng tỉnh giấc. Quan niệm chung của các nhà Thơ Mới là “quan niệm nghệ thuật
vị nghệ thuật”, chủ trương nói không với chính trị trong văn chương 9. Vì không
tìm được tự do ngoài đời, nên họ lánh đời tìm đến nghệ thuật và nuôi ảo tưởng
rằng trong lĩnh vực này họ có được tự do tuyệt đối.
Xét trên phương diện nghệ thuật, từ những năm 1940 trở về sau Thơ Mới
cũng đi vào bế tắc, kín mít và hình thức chủ nghĩa. Từ ý thơ dàn trải, thiếu cô
đọng với hiện tượng văn xuôi tràn vào thơ trong Trên đường về của Nguyễn Văn
Kiện, đến câu thơ dần cô đọng hơn trong Tiếng thu – Lưu Trọng Lư, Tràng Giang
– Huy Cận, rồi đến thơ Say (bài Say đi em) Vũ Hoàng Chương dường như đã có
xu hướng “trau chuốt, đẽo gọt hình thức chủ nghĩa” 10. Và quả thật đến Nguyễn
Xuân Sanh (Xuân thu nhã tập) thì kín mít, khó hiểu.
Về quan niệm văn chương nghệ thuật, các nhà thơ mới quan tâm hiện thực
cuộc sống đang tồn tại khách quan mà thơ đặc trưng phản ánh thế giới tâm trạng,
cảm xúc của con người nên hiện thực và thơ trong văn học không tương đồng với
nhau.
1.1.2.
Dấu ấn thơ tượng trưng trong phong trào Thơ Mới
Trong các trường phái thơ Pháp du nhập vào Việt Nam đặc biệt giai đoạn
1930 – 1945, thơ tượng trưng được các nhà thơ chú ý quan tâm không chỉ ở tính
độc đáo hiện đại mà còn ở tư duy nghệ thuật từ quan niệm thẩm mỹ đến thi pháp.
Đồng thời, khuynh hướng thơ tượng trưng góp phần thúc đẩy Thơ Mới phát triển
nhanh chóng, đạt nhiều thành tựu đáng kể.
Có thể nói, trong thơ tượng trưng là sự tồn tại của thế giới nhị nguyên. Với
chủ nghĩa tượng trưng quan niệm nghệ thuật không phải phản ánh thế giới thực
tại, thế giới của hiện tượng mà là một thế giới siêu tưởng, một thế giới mơ hồ của
8 Phan Cự Đệ, 1997, Văn học lãng mạn Việt Nam (1930 – 1945), NXB Giáo dục, tr.48
9 Phan Cự Đệ, 1997, Văn học lãng mạn Việt Nam (1930 – 1945), NXB Giáo dục, tr.49,50
10 Phan Cự Đệ, 1997, Văn học lãng mạn Việt Nam (1930 – 1945), NXB Giáo dục, tr.53

6



sự tương hợp giữa ánh sáng, sắc màu, âm thanh, mùi hương và nhạc điệu. Các nhà
tượng trưng xem thế giới hữu hình chỉ là hình ảnh, là cái bóng, là biểu trưng cho
một thế giới mà ta không thấy được. Họ quan niệm chính cái không nhìn thấy đó
mới là bản thể của thế giới. Và họ cho rằng, nghệ thuật, muốn phản ánh thế giới
phải tìm ra những “hiện thực ẩn dấu” và thể hiện nó bằng các biểu trưng thẩm mỹ.
Thơ tượng trưng du nhập được vào nước ta vì nó có những đặc điểm tương
đồng trong cái nhìn thế giới và quan niệm thi học với thơ Viêt Nam. Đó cũng là
hệ quả của các nhà thơ tượng trưng Pháp và Việt Nam đều nhìn nhận thế giới là
một thể thống nhất “vạn vật nhất thể”, giữa con người và vũ trụ có những mối liên
hệ “Thiên nhân hợp nhất”. Không chỉ thế, thơ tượng trưng Pháp và thơ Việt Nam
còn gặp nhau trong việc đề cao vai trò tính nhạc trong thơ, chủ trương thơ là phải
khơi gợi, hàm súc, kiệm lời, vang dư vị “ý tại ngôn ngoại”.
Bên cạnh đó còn là sự gần gũi về thân phận, đồng cảm về tâm hồn. Họ có
chung cảnh ngộ là những kẻ bị “tù đày”, tước mất tự do ngay chính trên quê
hương của mình. Và họ luôn phải đối mặt với sự tàn bạo của tầng lớp thống trị, sự
tha hóa đạo đức,... Có lẽ chính những điều này đã nảy sinh tâm lý bất mãn ở các
thi sĩ. Vì thế, họ tìm kiếm lối thoát bằng con đường sáng tạo nghệ thuật, và xem
nghệ thuật là một mảnh đất phù hợp để tha hồ tự do. Phan Cự Đệ từng nhận xét:
“Từ 1936 trở về sau, trường phái tượng trưng được người ta chú ý hơn cả. Tại sao
vậy? (...). Cái chính vẫn là sự gặp nhau của những tâm hồn tri thức bất mãn với xã
hội, đau buồn, chán nản, u uất khi phong trào cách mạng quần chúng bị thất bại
hoặc bị khủng bố, đàn áp dữ dội”11. Đối với các thi sĩ tượng trưng họ nhấn mạnh
tính nhị nguyên của cái thực và cái tinh thần. Từ đó, mở rộng biên độ và xóa nhòa
lằn ranh giữa cái đẹp và cái ghê tởm trong thơ. “Thi sĩ khao khát hoài vọng cái
mới cái đẹp, cái gì rung cảm hồn phách chàng đến tê dại khờ, dù cái đẹp ấy cao cả
hay đê tiện, tinh khiết hay nhơ bẩn, miễn là có tính chất gây nên đê mê khoái
lạc”12. Hay trong phê bình Mắt thơ, tác giả Đỗ Lai Thúy đã nhận xét Vũ Hoàng
Chương – một thi sĩ có khuynh hướng tượng trưng rằng: “Một Vũ Hoàng Chương

tìm thấy cái đẹp, chất thơ trong men rượu, khói thuốc để rồi ông cô đúc toàn bộ
triết lý cuộc đời và nghệ thuật của mình vào một chữ “Say”” 13.Qua đây để thấy
rằng, nghệ thuật ở đây “bất chấp mọi công thức hẹp hòi của luân lý”.
Nói đến thơ tượng trưng thì không thể bỏ qua chủ thuyết “tương ứng các
giác quan” của Baudelaire, theo cách hiểu của Phùng Văn Tửu thì đó chính là
“tổng hòa giữa các giác quan”. Trong Vội vàng, Xuân Diệu đã vận dụng nhuần
nhuyễn phép tương giao để viết nên câu thơ:
11 Phan Cự Đệ, 1997, Văn học lãng mạn Việt Nam (1930 – 1945), NXB Giáo dục, tr.195
12 Đỗ Lai Thúy, 2000, Mắt thơ, NXB Văn hóa thông tin, tr.58
13 Đỗ Lai Thúy, 2000, Mắt thơ, NXB Văn hóa thông tin , tr.60

7


Mùi tháng năm rớm vị chia phôi
Xuân Diệu đã cảm nhận thời gian bằng tất cả các giác quan của mình, bằng
khứu giác (mùi), thị giác (rớm), vị giác (vị) để diễn đạt sự mất mát âm thầm
không gì có thể níu kéo được thời gian, mỗi khoảnh khắc đang lùi bỏ hiện tại để
trở thành quá khứ. Và khi ý thức được con người cảm thấy sợ hãi, nuối tiếc và hụt
hẫng.
Trong thơ tượng trưng nhạc điệu không tách rời ý nghĩa, nói như Valéry:
“Thơ là sự giao động giữa âm thanh và ý nghĩa”. Và đó cũng chính là nguyên tắc
sáng tạo của các nhà thơ mới theo khuynh hướng tượng trưng trong Thơ Mới.
Biểu tượng thẩm mỹ trong thơ tượng trưng là chiếc cầu nối giữa hai bờ hư –
thực. Điều này rất đúng với nhận xét của Đỗ Lai Thúy: “Thơ là sự giăng mắc, đi
về giữa hai thế giới. Biểu tượng thơ ca, bởi vậy phải chuyển từ đơn sang phức.
Phải là một phức thể những ấn tượng, hồi tưởng, chiêm bao, huyền tưởng, tiềm
thức và vô thức trùm lên không gian và thời gian, có chức năng gợi nghĩa chứ
không phải mô tả”14.
Dấu ấn thơ tượng trưng trong phong trào Thơ Mới đã thể hiện được tính hiện

đại hóa trong thi ca, không những vậy còn phản ánh được cái đa dạng trong kết
hợp giữa những yếu tố phương Đông và phương Tây, kim và cổ. Trong đó, nhà
thơ Vũ Hoàng Chương được biết đến “là nhà thơ nhạy bén hòa nhập với tâm linh
thơ tượng trưng chủ nghĩa phương Tây”. Màu sắc tượng trưng trong thơ các nhà
thơ trong phong trào Thơ Mới có những nét khác nhau, theo Đỗ Lai Thúy: “Thơ
Mới là một vận động của tư duy thơ Việt Nam từ Lãng mạn (với những thi sĩ lớp
đầu như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Phạm Huy Thông), đến nửa Tượng trưng (lớp
trung gồm Xuân Diệu, Huy Cận,Vũ Hoàng Chương...) và tượng trưng (Đinh
Hùng, Bích Khê), rồi chớm sang Siêu thực (Hàn Mặc Tử)”15.
1.2. Vài nét về tác giả Vũ Hoàng Chương và tập thơ Say – tập thơ Mây
1.2.1. Vài nét về tác giả Vũ Hoàng Chương
1.2.1.1.
Tác giả Vũ Hoàng Chương
Vũ Hoàng Chương là một nhà thơ tài hoa, nổi tiếng trong phong trào Thơ
Mới. Ông sinh ngày 5 tháng 5 năm 1916 tại Nam Định, nguyên quán tại làng Phù
Ủng, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, nay là huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng
Yên. Thuở nhỏ, ông theo học trường Albert Sarrault ở Hà Nội, đỗ tú tài năm
1937. Từ năm 1940, Vũ Hoàng Chương bắt đầu hoạt động văn nghệ, làm thơ, viết
kịch. Năm 1954, Vũ Hoàng Chương vào Sài Gòn, tiếp tục sáng tác không ngừng
cho đến khi ông mất (tháng 10 năm 1976). Vào năm 1959 ông đoạt “Giải Văn
học Nghệ thuật Toàn quốc” của Việt Nam Cộng hòa với tập thơ Hoa đăng.
14 Đỗ Lai Thúy, 2000, Mắt thơ, NXB Văn hóa thông tin, tr. 194
15 Đỗ Lai Thúy, 2000, Mắt thơ, NXB Văn hóa thông tin, tr.239

8


Thời gian 1969 – 1973 Vũ Hoàng Chương là Chủ tịch Trung tâm Văn bút
Việt Nam. Năm 1972 ông đoạt giải thưởng văn chương toàn quốc lần thứ hai. Ông
còn được vinh danh là "Thi bá" Việt Nam.

Theo Tạ Tỵ, thơ Vũ là “Tiếng thở dài giữa phương Đông trầm mặc”. Thơ
ông được đánh giá sang trọng, có dư vị hoài cổ, giàu nhạc tính và nhiều cung bậc
của một cái tôi sầu muộn. Vì thế mà Phan Cự Đệ có viết “Vũ Hoàng Chương
nghe mưa rơi buồn suốt cả cuộc đời”.
Trong Thi Nhân Việt Nam, Hoài Thanh – Hoài Chân bình thơ Vũ Hoàng
Chương như sau:
“Ý giả Vũ Hoàng Chương định nối cái nghiệp những thi hào – xưa của Đông
Á: cái nghiệp say (…) Vũ Hoàng Chương có cái dụng ý muốn say để làm thơ” 16.
Vì thế có thể nói rằng, thơ Vũ Hoàng Chương cô đúc trong một chữ “Say”.
Lúc mới xuất bản tập thơ Say, Vũ Hoàng Chương “có dáng dấp phong lưu
công tử”, khiến mọi người có thể liên tưởng đến chàng say trong thơ Say – một
nghệ sĩ phóng túng và hưởng lạc. Vào khoảng cuối năm 1943, cũng là lúc thơ
Mây được in, thì “chàng thanh niên phong lưu khỏe mạnh, lanh lợi không còn
nữa, vì chất ma túy đã tàn phá người anh”. Đó là đôi dòng nhận xét về tác giả của
Bàng Bá Lân.
Bối cảnh xã hội, hoàn cảnh sống cùng sự tác động của những yếu tố khách
quan đã có nhiều ảnh hưởng đến sự hình thành, vận động và phát triển trong quan
niệm nghệ thuật của Vũ Hoàng Chương. Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình,
quan niệm nghệ thuật của ông đã có sự chuyển biến và thay đổi, có thể chia quan
niệm nghệ thuật của Vũ Hoàng Chương thành hai giai đoạn chính, đó là giai đoạn
trong phong trào Thơ Mới và sau phong trào Thơ Mới.
1.2.1.2. Quan niệm nghệ thuật
1.2.1.2.1. Quan niệm về thơ

- Trong phong trào Thơ Mới giai đoạn 1932-1945:
Đây là giai đoạn mà sự nghiệp sáng tác của ông đã có những bước thành
công vượt trội về thể loại thơ ca. Là một trong những nhà thơ chịu ảnh hưởng của
phong trào Thơ Mới, do đó quan niệm nghệ thuật của ông có những nét tương
đồng so với các nhà thơ Mới cùng thời. Đó là sự xuất phát từ quan niệm chung về
thơ mang thiên hướng “nghệ thuật vị nghệ thuật”.

Trong quan niệm nghệ thuật Vũ Hoàng Chương cho rằng: “Thơ phải cấu tạo
bằng tính chất vô biên. Sau cái thế giới hiện lên hàng chữ, phải ẩn náu muôn
nghìn thế giới, cả thế giới đương thành và đương hủy”. Xuất phát từ quan niệm
này mà sáng tác của ông đã có nhiều bài thơ bàn đến sự đối lập triệt để giữa Mơ
và Thực, giữa lý tưởng và thực tế, giữa Say và Tỉnh, tiêu biểu là các bài thơ như:
16 Hoài Thanh – Hoài Chân, 2016, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn hóa, tr.349

9


Lý tưởng, Chân hứng, Tối tân hôn, Phương xa, Túy hậu cuồng ngâm,...
Vũ Hoàng Chương từng chia sẻ: “Tôi học chữ Nho từ 5 tuổi, thơ phú chữ
Nho ảnh hưởng rất mạnh đến đầu óc tôi”, chính vì vậy mà thơ ông mang nặng dấu
ấn phương Đông với văn phong, từ ngữ trau chốt, cầu kì, đẹp đẽ.
Trong giai đoạn này, sáng tác của ông có sự nổi bật và để lại nhiều dấu ấn
sâu sắc, tiêu biểu là hai tập thơ: Say (1940) và Mây (1943).
- Sau phong trào Thơ Mới:
Như những văn nghệ sĩ trong và ngoài nước thì quan niệm nghệ thuật của Vũ
Hoàng Chương trong giai đoạn này có những sự chuyển biến dưới ánh sáng của
Đảng. Bên cạnh giữ vững những quan niệm nghệ thuật của mình về thơ như trong
giai đoạn trước thì trong giai đoạn này, quan niệm về nhà thơ và mục đích sáng
tác của nhà thơ đối với Vũ Hoàng Chương đã có những điểm khác biệt. Thơ ông
không còn khép kín trong “tâm tư cá nhân” mà nó đã hướng đến những vấn đế lớn
lao hơn trong cuộc sống như nề nếp gia đình, tình mẫu tử, phản kháng chế độ độc
tài,... Đặc biệt trong giai đoạn này, thơ ông xem trọng yếu tố tôn giáo, nhiều tập
thơ mang đậm màu sắc tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo đã ra đời, tiêu biểu như các
tập thơ: Thơ lửa (cùng Đoàn Văn Cừ, 1948), Rừng phong (1954), Hoa đăng
(1959), Lửa từ bi (1963),... Trong đó, tập thơ Lửa từ bi là một trong những tập thơ
nổi bật nhất trong sáng tác của ông từ sau Cách mạng Tháng Tám. Tập thơ phản
ánh tình yêu thương giữa con người với con người, hướng đến sự tự do, giải thoát

mình và giải thoát đời.
1.2.1.2.2. Quan niệm về nhà thơ
Năm 1961, trong cuốn Tạp chí bách khoa (số 102, ngày 1/4/1961) ở Sài Gòn,
Vũ Hoàng Chương phát biểu: “Tôi làm thơ là để nguyện cầu. Tôi cho mình vốn ở
một vùng thanh khiết xa xôi, bị lạc nẻo xuống trần gian đầy bụi, đầy ma này, cần
cầu nguyện để sớm trở về...” (Nguyễn Ngu Ý phỏng vấn Vũ Hoàng Chương). So
với quan niệm nghệ thuật của những nhà thơ Mới thì quan niệm của ông có những
nét độc đáo, tiến bộ và mang màu sắc riêng, ông quan niệm thơ cần gắn bó mật
thiết với những sự thực trong cuộc sống, điều này được thể hiện qua lời chia sẻ
của ông: “Thơ vốn là mộng, là tưởng tượng, là tách rời thực tế, nhưng mộng trên
những tình tự thực. Không chấp nhận loại tình tự hư hoang. Có khoa học giả
tưởng, không có thơ giả tưởng, nói thơ là nói đến thế giới huyễn tưởng, huyễn
tưởng trên sự thực tế để thăng hoa sự thực, chứ không bất chấp, không chối bỏ sự
thực. Nhà thơ không được láo, nhà thơ phải thực nhưng thoát sáo sự thực thành
mộng để đưa hồn tính người yêu thơ vươn lên sự thực muôn đời đạt đến chân lý
cuộc sống”.
1.2.2. Tập thơ Say và tập thơ Mây
Trong Phong trào Thơ Mới, Vũ Hoàng Chương đã góp vào thi ca Việt Nam
hai tập thơ: Thơ Say và Thơ Mây. Mùa đông Canh Thìn, 1940, tập thơ Say được
10


xuất bản (nhà in Cộng Lực ấn loát và phát hành). Năm 1943, thi phẩm thơ Mây
được xuất bản (Đời Nay, Hà Nội). Và sự ra đời của tập thơ Say khá ngẫu nhiên,
khi được hỏi lý do xuất bản tập thơ Say, Vũ Hoàng Chương có nói: “Thơ tôi làm
khá nhiều và đã từ lâu, nhưng chưa hề có ý định in. Tại Lưu Trọng Lư nó nợ tôi ít
tiền, y không trả được liền gán cho tôi số giấy mà y đã trữ tính để in thơ. Thế là
bỗng tự nhiên tôi có giấy, lại sẵn có thơ, vì vậy thơ Say ra đời!”.
Nếu kể về thành thực thì Say là tập thơ thành thực nhất của Vũ Hoàng
Chương, thi hứng cho tập thơ này là mối tình đầu lỡ dở và cái thú đi gió về mây –

một thú say sưa đầy chua cay và ngao ngán.
Với tập thơ Mây, tác giả đã chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của Liêu trai.
Đây là hai tập thơ được Vũ Hoàng Chương sáng tác vào giai đoạn cuối của
phong trào Thơ Mới, nội dung của hai tập thơ có những đặc điểm riêng biệt, song
nhìn chung chúng đều phản ánh sâu sắc nỗi buồn chán, bế tắc trong tình yêu và
cuộc sống của Vũ Hoàng Chương. Đó là những nỗi buồn về tình đầu bị phụ bạc,
buồn về thời thế loạn lạc, người nghệ sĩ không tìm ra lối thoát, buồn vì ước mơ
nghiệp văn của mình không thành hiện thực. Bế tắc, chán nản ông đã tự giải
phóng linh hồn mình bằng cách tìm về cõi mộng mị với những cơn say. Chếnh
choáng trong men say là bao nỗi niềm chua chát, hằn học, bi đát về cuộc đời và sự
nghiệp của mình. Và vì thế cái nhìn thế giới, con người, triết lý về cuộc đời của
Vũ Hoàng Chương được Đỗ Lai Thúy đưa ra trong quá trình Say – Tỉnh – Lại
Say.

CHƯƠNG 2: THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT TRONG THƠ CỦA VŨ HOÀNG
CHƯƠNG QUA TẬP THƠ SAY VÀ TẬP THƠ MÂY
2.1. Cái “say” trong thơ Vũ Hoàng Chương
Theo Thi nhân Việt Nam: “Ý giả Vũ Hoàng Chương định nối nghiệp những
thi hào xưa của Đông Tây: cái nghiệp say. Người say đủ thứ: say rượu, say đàn,
say ca, say tình đong đưa. Người lại còn “hơn” cổ nhân những thứ say mới nhập
11


cảng: say thuốc phiện, say nhảy đầm. Bấy nhiêu say sưa đều nuôi bằng một say
sưa to hơn mọi say sưa khác: say thơ”17.
Có thể nói Vũ Hoàng Chương đã cô đúc toàn bộ triết lý cuộc đời và nghệ
thuật của mình vào một chữ “say”, trong đó tình yêu như là một chất liệu dạt dào
cho thi hứng thơ của thi sĩ. Bắt đầu từ tập thơ Say đến Mây, Vũ Hoàng Chương
đã tạo cho mình một cõi thi ca đầy quyến rũ với những vần thơ loạng choạng,
uyển chuyển của vũ điệu say. Trong thơ Vũ Hoàng Chương, chúng ta bắt gặp cõi

say, cõi tình và cõi thi ca như quện chặt vào nhau, những vần thơ vừa da diết vừa
phóng túng lại chất chứa đầy những tuyệt vọng của một tài thơ mị tình. Đấy là cõi
riêng mà chàng thi sĩ Vũ Hoàng Chương kiến tạo nên, là nơi mọi ràng buộc của lý
trí và hiện thực trở nên mờ nhòa.
Vũ Hoàng Chương chọn thế giới nghệ thuật của cái “say” là phương tiện,
không gian và cảm hứng biểu đạt. Hoài Thanh đã nhận định về thơ của Vũ Hoàng
Chương: “Quả là những vần thơ say” 18. Mặc cái say sưa vốn bị nghi kị là trụy lạc,
cái say sưa của Vũ Hoàng Chương lại có chừng mực. Bước vào thế giới thơ của
Vũ Hoàng Chương qua tập thơ Say và tập thơ Mây, người đọc như bước vào một
thế giới của tình yêu xác thịt, là sự chung chạ của hai thân người vào nhau:
Kìa, nệm gối đương chờ ta xô lệch,
Thầm bên tai nhắc gọi phút điên say.
Và đương rụng, giữa luồng giăng chênh chếch,
Cánh hoa tàn sau chót của Thơ Ngây.
(Động phòng hoa chúc, Say)
Tình yêu ấy còn được thể hiện qua những vần thơ trần trụi hơn thế trong Tối
tân hôn:
Gió bỗng đổi chiều, trên táp xuống,
Nặng trĩu hai vai, Nàng cố gượng
Thắt vòng tay ghì riết lưng ta.
Những luồng run chạy khắp thịt da ngà.
Run vì sợ hay vì ngây ngất?

Dư hưởng yếu từng giây,
17 Hoài Thanh – Hoài Chân, 2016, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, tr.349
18 Hoài Thanh – Hoài Chân, 2016, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, tr. 350

12



Dư hương dần loãng nhạt,
Trong tay níu đôi thân liền sát.
Nhè nhẹ rơi vào lớp sóng khinh thanh.
Nhìn lại trong “thơ mới” lãng mạn, tình yêu đã trải qua khá nhiều chặng
đường. Thế Lữ, Huy Thông trân trọng người yêu, còn gọi nàng là “cô em”, đứng
xa ngắm nàng như ngắm một nhan sắc, một cái Đẹp nghệ thuật:
Cô em buồn đứng bên hồ
Nghiêng tựa mình cây, dáng thẩn thơ.
Chừng cô tưởng đến ngày vui sẽ mất,
Mà sắc đẹp rỡ ràng rồi sẽ tắt
Như bóng chiều dần khuất
Dưới chân trời…
(Tiếng trúc tuyệt vời – Thế Lữ)
Nhưng đến Xuân Diệu, Huy Cận, người ta đã yêu thực sự, đã thổn thức, say
đắm thật. Và ở cuối chặng đường, Vũ Hoàng Chương đã nói đến cái vị chua chát
của tình yêu xác thịt. Từ cái thái độ đứng xa chiêm ngưỡng của Thế Lữ đến “Hãy
sát đôi đầu, hãy kề đôi ngực” của Xuân Diệu thì khi đến được “Hai xác thịt lẫn
vào nhau mê mải – Chút ngây thơ còn lại cũng vừa chôn” của thi sĩ họ Vũ là cả
một con đường đi19.
Vũ Hoàng Chương không phải chỉ “say tình đong đưa”, mải mê trong thân
xác lõa thể của phụ nữ, mà ông còn say tình thật. Từ hồi còn nhỏ ông đã có một
mối u tình:
Anh biết em từ độ,
Em mới tuổi mười hai,
Anh yêu em từ thuở,
Em còn tóc xõa vai.
Tháng ngày đi mau quá,
Chốc đã sáu năm trời,
Tình anh vẫn chưa hiểu;
“Chưa”, là “không”, em ơi!

(U tình, Say)
Ông đã từng được sống trọn những giây phút hạnh phúc của tình yêu, được
đợi chờ, có những lúc nhớ nhung bồi hồi, nếm được vị ngọt của bờ bến hạnh
phúc, nếm lấy cái vị say sưa nhẹ nhàng của tình yêu đôi lứa:
Từ hôm bên nhau thôi ngượng ngùng,
19 Phan Cự Đệ, 1997, Văn học lãng mạn Việt Nam (1930 – 1945), NXB Giáo dục, tr.89

13


Từ buổi xa nhau mà nhớ nhung.
Em đã nao lòng, anh mê man!
Đuôi mắt đầu môi tình chứa chan,
Đêm thường đêm mơ, ngày đợi ngày,
Nhưng không hề nói cho nhau hay.
(Yêu mà chẳng biết, Say)
Cũng đã từng hiểu được cái cảm giác của những người giận nhau, thấy được
cái nắng mưa giận dỗi của người con gái đối với mình, lạc trong trò chơi trốn tìm
của tình ái:
“Em buồn?” Anh gặng hỏi,
Mấy lần em chẳng nói.
Rồi, anh không biết vì sao,
Đẩy ghế đứng lên, em giận dỗi…
Giũ tung làn tóc, rún đôi vai,
Em vùng vằng,
Ôm sách vở,
Sang phòng bên,
Không học nữa,
Không cho ai vào nữa,
Cũng không thèm nghe nữa,

Lời thiết tha anh van gọi mái ngoài.

Sao em khóc? Vì đâu hờn tủi?
Em buồn, có phải lỗi anh không?
(Hờn dỗi, Say)
Chính mối tình đầu không đến được kết thúc hạnh phúc mà chàng thi sĩ đã
vùi mình trong những thú vui hưởng lạc, lao mình vào thú vui vật chất, đắm chìm
trong cái say và mượn say để tìm quên lãng. Ông đã say trong giọng hát, say tiếng
đàn, say nhảy đầm, tìm đến những thú vui ấy để khỏa lấp những niềm đau.
Vũ say hết mình cho thỏa cuộc kiếm tìm. Cơn say ấy từ rượu, từ thuốc phiện,
từ sàn đan – xing, hay say hình bóng giai nhân. Say để say hay say để quên, quên
hết cái hữu hạn của kiếp nhân sinh, để thoát khỏi cái ba – ri – e của kiếp người.
Ông cũng đã say trong giọng hát:
Phách ngọt đàn say nệm khói êm
Tiếng ca buồn nổi giữa chừng đêm
Là cái say trong điệu khiêu vũ:
Ánh đèn tha thướt
Lưng mềm não nuột dáng tơ
Hàng chân lả lướt
Đê mê hồn gửi cánh tay hờ.
14


Âm ba gờn gợn nhỏ
Ánh sáng phai phai dần
(Say đi em, Say)
Nhà thơ tiếp tục nói về cái say nhảy đầm. Vũ Hoàng Chương đã thả hồn
mình trong hàng loạt động từ:
Bốn tường gương điên đảo bóng giai nhân,
Lui đôi vai, tiến đôi chân;

Riết đôi tay, ngả đôi thân,
Sàn gỗ trơn chập chờn trong biển gió.

Say đi em! Say đi em!
Say cho lơi lả ánh đèn,
Cho cung bậc ngả nghiêng, điên rồ xác thịt
(Say đi em, Say)
Nhà thơ lại tiếp tục để hồn thơ mình viễn du cùng những cơn say dài bất tận.
Rượu và thuốc phiện tiếp tục trở thành người bạn đồng hành không thể thiếu của
Vũ Hoàng Chương trong hành trình đi tìm cái đích thực của nghệ thuật và cuộc
đời:
Thuyền anh đi thôi nhé,
Xa nhau dần xa nhau.
Tôi về trên lưng rượu,
Đến đâu thì đến đâu.
(Chén rượu đôi đường, Say)
Rượu, rượu nữa, và quên, quên hết!

Ta quá say rồi!
Sắc ngã màu trôi…
Gian phòng không đứng vững.
Có ai ghì hư ảnh sát kề môi?
(Say đi em, Say)
Và nhà thơ cũng tìm đến thuốc phiện để say, để quên:
Men khói đêm nay sầu dựng mộ
(Mười hai tháng sau, Mây)
Hay
Tuyết xuống phương nào lạnh lắm không
Mà đây lòng trắng một mùa đông
Tương tư nối đuốc thâu canh đợi...

(Đời vắng em rồi, Mây)
Sự sụp đổ trong tình yêu bản thể đã làm tâm hồn người nghệ sĩ đã quá mỏi
15


mệt, chàng đã kết thân với một tri kỉ vô hình nhưng lại được định danh: nàng tiên
nâu. Đắm say trong thứ tình mới, chàng thi sĩ coi đó như là một tri kỉ, cùng nhau
tâm sự trong từng hồi say:
Đã hẹn với em rồi, không tưởng tiếc,
Quãng đời xưa, không than khóc gì đâu!
Hãy buông lại gần đây làn tóc biếc,
Sát gần đây, gần nữa, cặp môi nâu.
...
Hãy buông lại gần đây làn tóc rối,
Sát gần đây, gần nữa, cặp môi điên,
Rồi em sẽ dìu anh trên cánh khói,
Đưa hồn say về tận cuối trời quên.
(Quên, Say)
Thiên đường được tạo nên bằng Nàng tiên nâu và nàng Men đã chắp cánh
cho giấc mộng đẹp về cuộc đời mà nhà thơ đang nuôi dưỡng bằng nghệ thuật. Để
rồi, hư ảnh xuất hiện: “Ta ghì hư ảnh chút mà thôi” (Chân hứng). Hư ảnh như một
chiếc cầu ô thước nối Mơ và Thực trong thơ Vũ Hoàng Chương.
Đây là lúc nhân vật đã xa rời cõi thực, đem tình yêu lý tưởng mà mình đặt ra
để rồi thỏa mãn trong cái xúc cảm của say tình ảo mộng, tình liêu trai. Ở tập thơ
Say, hình ảnh nàng tiên nâu đã bắt đầu xuất hiện như thế, đã quyến luyến với nhau
như thế nhưng đó chỉ là những dấu hiệu mở đầu của cuộc tình hư thực này. Sang
đến tập thơ Mây thì thứ tình liêu trai của thi sĩ mới được thể hiện rõ rệt nhất,
dường như bao quát cả thế giới thơ của tác giả.
Có thể nhìn thấy rõ nét ở ngay bài đầu của tập thơ – Cảm thông:
Còn đâu thuở ấy niềm khăng khít

Quỷ với người chung một mái nhà
Trăng bạn, hoa em, trầm mối lái
Đèn khuya, dìu dặt bóng yêu ma
Mây mở đầu bằng triết lý dương thịnh âm suy nên người và quỷ yêu nhau là
một lẽ thường tình. Có lẽ chính vì thế mà ông thấy nhớ cái không khí u hoài, xám
xịt của thế giới nằm trong khói thuốc mà ông đang phả ra. Xuyên suốt cuộc tình
liêu trai của thi sĩ, ta cảm nhận thấy được không phải là nỗi đau bản thể của tác
giả vơi đi mà là nỗi đau ấy đã hóa thành một thứ đê mê khác, hình bóng người
thương cũ nay không còn rõ hình rõ bóng nữa mà đã hóa thân vào những hình
tượng siêu hình, không rõ nét nhưng lại rất gần gũi với chính thế giới mà thi sĩ
đang đắm chìm trong đó.
Nhưng cuối cùng thì trong những cơn say ấy: “Đất trời nghiêng ngửa –
Thành Sầu chưa sụp đổ, em ơi!”. Và quả thật cái tôi bản thể của Vũ cũng đã thực
sự cất cánh từ cảm hứng “say” này.
16


Có rất nhiều nhà thơ mới viết về cái say, song ở mỗi nhà thơ lại có những nét
độc đáo riêng trong cách nhận thức và thể hiện. Đối với Vũ Hoàng Chương thì cái
say trong thơ ông có những cái mới lạ, độc đáo hơn so với các nhà thơ cùng thời
mà như tác giả Hoài Thanh đã nhận định trong cuốn Thi nhân Việt Nam: “Vũ
Hoàng Chương rất gần Lưu Trọng Lư – Tản Đà: cả ba đều say. Nhưng cái say của
Vũ Hoàng Chương mới hơn. Cái chán nản cũng thế”20.
Đúng vậy, xuất phát từ những uẩn ức về cuộc sống đời tư và sự bế tắc trên
con đường sáng tác thơ văn của những nhà thơ mới trong hoàn cảnh lúc bấy giờ
đã khiến họ phải tìm về với những cơn say với mong muốn giải thoát tinh thần.
Tìm về cõi mộng mị để nói lên những tâm sự , những ước vọng mà ở thế giới thực
tại họ không thể và không có cơ hội được giải bày. Cả Tản Đà, Lưu Trọng Lư và
Vũ Hoàng Chương đều tìm đến cái say nhưng cách mà họ thể hiện lại có những
dấu ấn riêng.

Cái say của Tản Đà hướng đến khát vọng hưởng lạc, tận hưởng. Ông tìm đến
với mộng mị, đắm chìm sảng khoái trong cõi hư vô. Giấc mộng của ông mang
tính chất lãng mạn thoát ly. Cuộc đời thực không lấy gì làm hạnh phúc, Tản Đà
mong muốn thoát ly bằng mộng, triền miên trong cõi mộng để quên đời. Khi ông
mộng, ông được sống những cuộc đời mới mẻ, đẹp đẽ, tự ông vẽ ra theo trí tưởng
tượng mình. Đối với ông cuộc đời này rượu đem đến cho ông những cái cảm giác
tận hưởng, ông mượn rượu để thỏa niềm hưởng lạc của mình. Như trong bài Say
ông đã thể hiện cái hưởng lạc trong men say:
Đêm xuân một trận nô cười
Dưới đèn chẳng biết là người hay hoa
Khi vui quên cả cái già
Khi say chẳng dốc giang hà cũng say
Hay:
Say sưa nghĩ cũng hư đời,
Hư thì hư vậy, say thì cứ say.
Đất say đất cũng lăn quay
Trời say mặt cũng đỏ gay, ai cười ?
Say chẳng biết phen này là mấy,
Nhìn non xanh chẳng thấy lại là say.
(Lại say)
20 Hoài Thanh – Hoài Chân, 2016, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học, tr.41

17


Tản Đà cũng biết suốt ngày say sưa không phải là tốt, cũng là thói hư ở đời
nhưng ở câu tiếp theo ông khẳng định hư thì hư nhưng say thì vẫn cứ say, cách
nói thể hiện cái ngông trong hưởng lạc của ông cũng rất đậm nét, say là thú vui để
được nhàn, để được thoải mái trong tâm hồn ông thì làm sao có thể bỏ được.
Ông muốn say để không can sự đời nữa, không muốn bận tâm những

chuyện trong dân gian, ông cứ say, cứ say để vui thú chính mình, ngay cả vợ
khuyên ngăn ông cũng mặc, cứ say rồi lại say, say để giải sầu và để tự cho mình
niềm vui:
Việc trần ai, ai tỉnh ai lo
Say túy lúy nhỏ to đều bất kể
Trời đất nhỉ, cái say là sướng thế
Vợ can chồng, ai dễ đã chừa ngay?
Muốn say lại cứ mà say.
(Lại say)
Đến với cái say trong thơ Lưu Trọng Lư thì cái say lại mang màu sắc của
sự phiêu du, mơ mộng lơ đãng mà như nhà thơ Hoàng Trung Thông cũng đã nhận
xét về thơ ông: “Những bài thơ của anh không sầu thì mộng, không mộng thì say
và đã say thì Giang hồ cõi ấy trọn đời phiêu linh”. Thanh Mại cũng gọi Lưu Trọng
Lư là thi sĩ giang hồ. Sự phiêu bạt trong những cảnh đời xa lạ trong thiên nhiên
đẹp đã tạo cho thơ của Lưu Trọng Lư chất phiêu lãng và thơ mộng. Nói như tác
giả: “Mộng và đời là hai sợi chỉ ngang dọc trên khung cửi. Đời đẻ ra mộng và
mộng dệt nên đời”.
Để lòng với rượu cùng say
Chừ đây nói lời chua cay lạ thường
Chừ đây đêm hãy đầy sương
Con thuyền còn buộc trăng buông lạnh lùng
(Giang hồ)
Hay
Chiều sương, rừng tía, lệ muôn hàng
San sát nge đầy bến Trúc lang
Cây, nước, say theo người tráng sĩ
Con đò quên cả chuyến sang ngang
(Chiều cổ)
18



Có những phút ông cũng đã thức tỉnh, thoát khỏi những ảo giác mộng mị để
nhìn nhận thực tại, song sự thức tỉnh của ông chỉ là những khoảnh khắc thoáng
qua và trong những phút giây thức tỉnh đó tâm trạng ông vẫn luôn chao đảo, tồn
tại trong sự mơ hồ để rồi ông lại vẫn chìm đắm trong cõi say đầy mộng mị, đằm
thắm và phiêu đãng.
Hết say vẫn bàng hoàng trong mộng
Xót xa thay cái giống giang hồ!
(Giang hồ)
Như vậy cái say trong thơ của Tản Đà là cái say mang trạng thái của một kẻ
bất cần, ông tìm về cái say để tận hưởng, ông bỏ qua tất cả những bộn bề cuộc
sống để tìm thú vui cho chính mình… Do đó cái say trong thơ ông là một cái say
triền miên, vô tận, say rồi lại say. Còn trong thơ Lưu Trọng Lư thì cái say lại
mang tính phiêu lưu lãng mạn, tìm đến cái say để bộc lộ tận cùng nỗi đau thương
của mình. Còn với Vũ Hoàng Chương, những đau khổ trong cuộc đời khiến ông
luôn bị dằn vặt, ông không có được cái ngông, cái bất cần như Tản Đà. Cái say
trong thơ ông luôn bị gián đoạn bởi những phút sực tỉnh và nhận thức được nỗi
đau đang hiện hữu. Ông say rồi tỉnh và rồi lại say. Những trạng thái say tỉnh cứ
đan xen nhau khiến cho tâm trạng ông càng thêm uẩn ức, chính vì cái tỉnh đó đã
khiến ông càng phải đau khổ hơn. Ông cũng không tìm đến tận cùng nỗi đau bằng
cái say đầy phiêu lưu đãng rồi phút chốc thức tỉnh như Lưu Trọng Lư, cái say của
ông đầy hiện thực, đầy tâm sự sâu sắc xuất phát từ cõi lòng, từ những thực tế đau
khổ mà ông đang và đã phải chịu đựng. Nhắc đến cái say, người ta sẽ hình dung
đến một trạng thái mộng mị, thoát li thực tại để tìm đến sự mê man, ảo giác nhưng
đối với Vũ Hoàng Chương thì cái say của ông vừa mang cái mộng mị, ảo giác như
những nhà thơ khác nhưng trong cái mộng mị, ảo giác ấy vẫn luôn thường trực
những nỗi niềm chân thật của tâm trạng mình.
2.2. Cảm thức lạc loài, xa lạ
Trong Thơ Mới, nỗi buồn, sự cô đơn gắn với người thi sĩ như duyên nợ. Vũ
Hoàng Chương cũng không thoát khỏi cái “duyên” ấy. Sự tan vỡ trong mối tình

đầu, sự trắc trở gian truân trên bước đường công danh, sự nghiệp và sự bất bình,
buồn đau trước thời cuộc khi mà dân tộc còn bị nô lệ chưa nhìn thấy lối thoát.
Xung quanh ông người ta đang bon chen theo sự nghiệp, mộng phong hầu, giấc
cờ biển... mong chiếm địa vị cao để hưởng vinh hoa phú quí mà người Pháp đã
cố tình nhử mồi, mua chuộc. Với bản ngã ưa sầu mộng và nhiều cảm xúc thì chốn
ấy nhất định không phải là nơi ông đeo đuổi. Ông sống giữa cuộc đời nhưng lại
không tìm được mối giao cảm với cuộc đời, với con người. Để từ đó, ông phải
ngậm ngùi tự nhận mình như một kẻ đầu thai nhầm thế kỉ nên phải sống kiếp lạc
loài, xa lạ ngay giữa cuộc đời mình đang hiện hữu và tồn tại. Sống giữa cuộc đời
19


nhưng người thi sĩ ấy luôn cảm thấy cuộc đời vô nghĩa tầm thường, con người
không thể hòa đồng với thực tại. Vũ tự biến mình thành một kẻ cô đơn, xa lạ với
hiện thực và đứng ngoài cuộc sống.
Lũ chúng ta, lạc loài, dăm bảy đứa,
Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh,

Lũ chúng ta, đầu thai nhầm thế kỉ,
Một đôi người u uất nỗi chơ vơ,
(Phương xa, Say)
Nỗi niềm của một kẻ bơ vơ, lạc loài được ông gửi gắm qua bài thơ Phương
xa như một lời tuyên ngôn về tình thế tồn tại của căn bệnh tinh thần mà thế hệ
mình đang sống. Cô đơn, lạc lõng là cảm thức chung của hầu hết các nhà Thơ
Mới, song đạt đến tận cùng của sự bơ vơ, lạc lõng đó là sự lạc loài thì có lẽ Vũ
Hoàng Chương là người đạt đến mức tận cùng của cảm thức này. Cô đơn, lạc loài
khiến cho nhà thơ cảm thấy xa lạ với cuộc đời, với chính mình, với cả quê hương
giống nòi. Nỗi mặc cảm “bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh” đã khiến nhà
thơ nghi ngờ vào chính sự xuất thân của mình “Lũ chúng ta lạc loài năm bảy
đứa”, “Lũ chúng ta đầu thai nhầm thế kỉ”.

Bị quê hương ruồng bỏ, ông bắt đầu bước vào những ngày tháng với cuộc
sống tha phương, hoàn cảnh cuộc sống quá đỗi cay đắng ấy khiến cho ông trở nên
mất phương hướng, quê hương dần trở nên xa lạ và không còn chứa đựng sự bao
dung. Càng xa lạ ông lại càng bế tắc và lạc lối trên con đường tìm về với thế giới
của thực tại:
Còi khuya vọng mãi tiếng ngân,
Lao đao, núi thẳm cây gần tương tư.
Tha phương đã réo mong chờ,
Con tầu luân lạc đêm mờ còn say;
(Con tầu say, Say)
Là một con người trần thế nhưng đối với ông chốn ấy không phải là nhà, là
nơi để ông có thể thỏa sức vươn đến những khát khao và ước vọng của mình.
Chốn trần gian đối với ông không có một niềm yêu thương an ủi khi ở trong mắt
ông chỉ tồn tại toàn những cái xấu xa của một thực tại đảo lộn điên cuồng vì
những thói hư tật xấu và danh vọng vật chất:
Thôi hết nhé! Thỏa đi, niềm rạo rực!
Từ cung Trăng rơi ngã xuống trần gian.
Ta sắp uống bùn nhơ và sự thực
Sẽ mãi đây dày xéo giấc mơ tàn.
(Động phòng hoa chúc, Say)
Hay
20


Đừng ép duyên ngọc trắng với bùn nhơ
Thân gió bụi trả về cho gió bụi
(Lí tưởng, Say)
Tự nhận thức mình là một kẻ lạc loài, vì vậy ông không xem mình thuộc về
nơi chốn trần gian, sống giữa trần gian nhưng bản thân lại cảm thấy xa lạ, không
tìm kiếm được tiếng nói chung giữa chính mình và thế giới thực tại.

Vũ Hoàng Chương không chỉ lạc loài giữa cõi nhân sinh hiện hữu này mà
chính linh hồn ông cũng không thể tìm được sự đồng điệu với thân xác của mình.
Ông tồn tại ở đây, ngay lúc này nhưng luôn tin rằng bản thể chân thực của mình là
ở một không gian khác:
Ta vừa thấy một linh hồn mỏng mảnh
Níu vai ta đòi trả lại yêu đương.
Lòng chơ vơ rùng rợn nỗi kinh hoàng
Lời cay đắng tưởng vô cùng bất tuyệt.
(Bạc tình, Say)
Hay
Ai đó là Ta một kiếp nào
Trầm luân hồn tỉnh giữa chiêm bao
Gác quan vụt cháy niềm run rẩy
Xưa đã nghìn thu gửi má đào
(Giang Nam người cũ, Mây)
Trong cả tập thơ Say và tập thơ Mây thì Vũ Hoàng Chương đã thể hiện
rất nhiều những câu thơ nói về sự bơ vơ, cô độc và lạc loài trong cuộc sống của
mình như:
Tinh chủng bơ vơ độc viễn hành
(Đậm nhạt, Mây)
Cô đơn, men đắng sầu trăng bến
Đất trích Tầm Dương quạnh tiễn đưa
(Dựng, Mây)
Lặng nghe bốc tự đáy linh hồn
Nỗi thương mến xa khơi tình kiếp trước
Sóng ngủ dưới chân thuyền im trước gió
Đã ai say lạc bước tới Vô Cùng

Hỡi người xưa Ngư Phủ hỡi Đào Nguyên
21



Ta đêm nay say cũng lạc con thuyền.
(Đào Nguyên lạc lối, Mây)
Nỗi niềm cô độc, cảm thức lạc loài, xa lạ luôn thường trực trong thơ ông.
Trong cuộc sống của ông không có sự gắn kết với cộng đồng xã hội, không có sự
chia sẻ nỗi lòng cùng đồng loại mà luôn tồn tại nỗi lòng của một cá thể cô độc,
một mình nếm trải những đau khổ.
Giữa cuộc sống này, Vũ Hoàng Chương luôn xem mình là một con người
lạc lõng, không chốn nương tựa. Có quê hương, có đồng loại song trong tiềm thức
của mình ông luôn cảm thấy lạc lõng. Càng cố gắng vượt thoát khỏi niềm cảm
thức ấy bao nhiêu ông lại càng rơi vào trạng thái cô độc, lạc loài bấy nhiêu.
Cha mẹ mất đi lạnh hương khói,
Một chị một em sầu má hồng,
Khuya sớm cô đơn giọt lệ tủi,
Ấu thơ đã trêu gì hóa công?
(Đời còn chi, Say)
Không gian thì rộng, còn lòng người thì thờ ơ, lạnh nhạt, nên không tìm
được chốn nương thân giữa cuộc đời ấy càng khiến ông thêm lạc lõng, hoài nghi
về sự tồn tại của mình.
Đời họ bỏ ta hề riêng gì kẻ ấy
Tình trót lầm trao hề Ta hỡi ta ơi
(Bài hát cuồng, Mây)
Hai câu thơ của ông chứa đựng sự xót xa khi cuộc đời của mình không
chỉ chịu sự quay lưng của người yêu mà với hiện thực cuộc sống cũng không còn
dung nạp cho những tư tưởng, ước vọng của mình. Đời đã quay lưng với ông,
chính vì vậy, ông cũng kiên quyết tách mình ra khỏi cuộc đời để sống cuộc sống
cho riêng mình. Bởi vậy, ông đã từng tuyên bố rằng: “Thơ ta không viết cho đời”,
ông chấp nhận sự ruồng bỏ của cuộc đời, trở thành một kẻ lạc loài, xa lạ, để có thể
sống tự do tìm về với những giá trị mà bản thân mình trân quý.

Vì những đổ vỡ trong đời sống cá nhân đã khiến ông tự thu mình và tách
biệt với đời sống thực tại hay chính những sự xô bồ, bất cập của đời sống đã đẩy
ông rơi vào bế tắc, và cô lập ông với đời sống? Theo quan điểm của chúng tôi thì
có lẽ cảm thức lạc loài, xa lạ của ông đều xuất phát từ yếu tố chủ quan và khách
quan trên. Và dù nguyên nhân có xuất phát từ đâu thì cảm thức về sự lạc loài, xa
lạ được ông thể hiện qua hai tập thơ là rất rõ ràng và không thể phủ nhận, điều đó
đã được nhóm chúng tôi chứng minh trong những dẫn chứng cụ thể trên.
2.3. Nỗi chán chường trong thơ
2.3.1. Nỗi chán chường bởi cuộc đời
Nỗi chán chường của Vũ Hoàng Chương có cái mới hơn, tuy có ảnh hưởng
22


của thơ Pháp nhưng trước hết nó phản ánh một cuộc đời mới… “Dầu có cái vị
Baudelaire, vẫn nhẹ nhàng khoáng đãng nhưng không nặng nề u ám như cái chán
nản của Baudelaire”21. Đó là biểu hiện cái tôi chán chường trong thơ của Vũ
Hoàng Chương.
Bao trùm lên thơ Vũ Hoàng Chương là một khối sầu cao ngất. Vũ Hoàng
Chương là thi sĩ đầy tài năng và tâm huyết. Lúc khát vọng sống hoà nhập lại trỗi
dậy hơn lúc nào hết, thì tài năng và tâm huyết của ông đã bị làn gió vô tình của
cuộc đời cuốn mất khiến ông lâm vào tình trạng thất vọng, chán chường. Vì thế
mà nhà thơ đã đau đớn thốt lên:
Ôi! Ta đã làm chi đời ta
Ai đã làm chi lòng ta?
Cho đời tàn tạ lòng băng giá,
Sương mong manh quạnh chớm thu già.

Ta đã làm chi đời ta xưa?
Ta đã dùng chi đời ta chưa?
(Đời tàn trong ngõ hẹp, Mây)

Hỏi về mình “Ôi! Ta đã làm chi đời ta” đó là một nỗi đau thương vì sống là
đã làm gì mà nay còn không biết đã làm gì. Khi tự hỏi “làm chi” thì như thể hiện
được tất cả lối đi vào đời quá xa lạ không cho phép sử dụng hiện hữu như ý muốn
của chính mình. Nhưng đau thương sao bằng khi đời không chỉ có Ta mà đời còn
có ai, với cách hỏi như thế đã cho thấy được cái Ta đã mất Ta, không trọn quyền
sử dụng Ta, để Ai làm cho Ta tan vỡ tận cõi lòng.
Cái Tôi của Vũ Hoàng Chương lạc lõng, bơ vơ, và vì thế khối sầu của ông u
uất, chồng chất và sừng sững hơn giữa cuộc đời :
Cánh rượu thu gần vạn dậm khơi,
Nẻo say hư thực bóng muôn đời,
Ai đem xáo trộn sầu kim cổ?
Trăng nước Đà Giang, mộng Liêu Trai
(Đà Giang, Say)
Sự giằng co giữa một bên là sự cô đơn lạc lõng, một bên là ước muốn hoà
nhập với cuộc đời đã đẩy thi sĩ vào tâm trạng bế tắc không lối thoát. Sau một giấc
mộng dài tỉnh dậy bỗng chợt nhận ra ngày đã ngả sang chiều và cuộc đời cũng
theo đó mà khép lại:
Gối vải mộng phong hầu
Vàng son mờ gác xép
Bửng tỉnh mưa càng mau
Chiều tàn trong ngõ hẹp
21 Hoài Thanh – Hoài Chân, 2016, Thi nhân Việt Nam, NXB Văn học , tr. 31

23


... Đời hiu hiu xế tà.
(Đời tàn trong ngõ hẹp, Mây)
Lý giải cho điều này không thể không kể đến việc sử dụng các yếu tố mùa.
Ông thường đề cập đến mùa thu trong rất nhiều bài thơ. Hy hữu xuất hiện trong

những vần thơ là mùa xuân nhưng mùa xuân ở đây cũng là mùa xuân tàn úa:
“Xuân có sang mà hoa không tươi”.
Nhưng tại sao lại là mùa thu? Phải chăng, đó là mùa tàn úa của cuộc đời,
mùa mà con người đã ngả bóng!
Xuân đời chưa hưởng kịp
Mây mùa thu đã sang
(Đời tàn trong ngõ hẹp, Mây)
Ngoài ra, ông còn sử dụng rất nhiều từ như “đêm mưa”, “chiều tàn”, “lá
rụng”, “mưa”,… Điều này đã tạo một không gian tĩnh lặng, thời gian như đang
ngừng trôi, đang vơi dần lắng nghe tiếng thở dài não ruột của thi sĩ. Mưa như
nguồn ám chỉ cuộc đời đầy những giăng mắc, tù túng lạnh lẽo và cô đơn. Ta cũng
gặp mưa như thế trong thơ của Huy Cận :
Đêm mưa nằm nhớ không gian
Lòng run thêm lạnh nỗi lòng bao la...
(Buồn đêm mưa)
Theo tác giả Phan Cự Đệ, Nguyễn Bính nghe mưa rơi mà khơi sâu nỗi sầu
buồn cô quạnh:
Mưa mãi, mưa hoài, mưa bứt rứt
Đêm dài dằng dặc, đêm bao la.
(Mưa trên đất khách)
Còn Vũ Hoàng Chương nghe mưa rơi mà buồn cả cuộc đời:
Chiều mưa rồi đêm mưa
Đời tàn trong ngõ hẹp.
(Đời tàn trong ngõ hẹp, Mây)
Một chiều tàn tạ bức bối trong một không gian chật hẹp bỗng chốc vỡ
trong tiếng than chua chát, xót xa:
Ôi ! ta đã làm chi đời ta?
Ai đã làm chi lòng ta
Cho đời tàn tạ lòng băng giá
Sương mong manh quạnh chớm thu già.

(Đời tàn trong ngõ hẹp)
24


Những chiều như thế cứ trở đi trở lại trong ông như một nỗi ám ảnh:
Nhìn quanh: chiều xám với tha ma!
Vắng tanh! Ôi chiều, nơi tha ma !
Nhưng đâu đây ai khóc gần hay xa
Mà thảm thiết? Hay thu vừa nức nở?”
(Bạc tình, Say )
Và rồi Vũ Hoàng Chương lại cất lên những tiếng thơ đầy đau xót:
Hỡi ơi! dâu bể mòn thương nhớ
Gỗ đá còn trơ gỗ đá thôi!
(Cảm thông, Mây)
Những thương nhớ của tiền nhân về quê hương khi vào giữa cuộc đời này
cũng mòn đi vì dâu bể, cuộc đời này được ví như sự cải biến đến kinh hoàng,
khiến cho những gì vốn có vào đây đều mất hết, đều trở thành không. Và có lẽ,
cuộc đời chỉ còn là cái xác chết, chết cả hồn lẫn xác: “Gỗ đá còn trơ gỗ đá thôi”.
Câu thơ dường như đã thể hiện được sự thật của cuộc đời. Nếu lúc trước “Gỗ yêu
đương mà đá cũng si mê” – chính nhựa sống của quê hương khiến cho thế giới
của Tình vẫn còn vẹn nguyên, có hồn của gỗ đá, thì sự đổi thay của đời đã làm
cho yêu đương, si mê chẳng còn nữa nơi sự vật ngàn xưa.
Con người còn trông đợi gì giữa cuộc đời không tình thương, không người
thương, chán chường là lẽ đương nhiên.
2.3.2. Nỗi chán chường trong tình yêu
Tình yêu đến với Vũ Hoàng Chương cũng rất đẹp. Nhưng lại mau đượm
chóng tàn. Vũ Hoàng Chương đã từng coi tình yêu là lí tưởng, đã nâng niu, nuôi
dưỡng mối tình đầu nhưng nay bỗng kết thúc thật phũ phàng: người yêu đi lấy
chồng. Ngày nàng đi lấy chồng, chàng say trong nỗi đau của tình yêu, thứ tình
cảm trao đi suốt mười năm trời nay lại nhìn người ta sánh vai cùng kẻ khác. Lòng

đau như cắt, gọi tên nàng trong tuyệt vọng não nùng: “Tố của Hoàng ơi Tố của
Anh”, “Tố của Hoàng ơi Tố của Tôi” và “Tố của Hoàng ơi Tố của Ai”. Nỗi đau
mất tình yêu như đào thêm nỗi sầu lạc loài khiến nhà thơ rơi vào tâm trạng hụt
hẫng, tròng trành như con thuyền giữa biển khơi. Một tâm hồn vốn đã cô đơn
buồn tủi bởi cảm giác lạc loài nay càng thêm cô đơn, trống trải. Thi sĩ thốt lên đau
đớn :
Đời họ bỏ ta hề riêng gì kẻ ấy
Tình trót lầm trao hề Ta hỡi Ta ơi.
(Bài hát Cuồng, Mây)
Đau đớn, ngậm ngùi, rầu rĩ, thê lương và đầy oán hận, nhà thơ quyết chôn
25


×