Tải bản đầy đủ (.docx) (6 trang)

Com nhiem vu va vi tri cua tu phap quoc te trong he thong phap luat

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (93.71 KB, 6 trang )

NHIỆM VỤ VÀ VỊ TRÍ CỦA TƯ PHÁP QUỐC TẾ
TRONG HỆ THỐNG PHÁP LUẬT
ThS. NGUYỄN NGỌC LÂM
Khoa Luật Quốc tế, Trường ĐH Luật TP.HCM
Bài đăng trên Tạp chí Khoa học pháp lý số 1/2004

1. Vị trí của Tư pháp quốc tế trong hệ thống pháp luật
1.1. Trong khoa học pháp lý Liên Xô (cũ) có nhiều quan điểm khác nhau về vị trí của Tư pháp
quốc tế trong hệ thống pháp luật. Tư pháp quốc tế được coi là nằm trong hệ thống pháp luật
quốc tế hay là trong hệ thống pháp luật quốc gia. Theo quan điểm của nhiều tác giả như: S.B
Krulov; M.A Plokin; S.A Golunsky; M.S Strogovich; B.E Graba; A.M Ladưzinsky; I.P Blisenko;
L.N Talenskaia… Các quy phạm của Tư pháp quốc tế nằm trong Luật quốc tế với nghĩa rộng
của nó. Quan điểm này được các tác giả xây dựng dựa trên cơ sở theo đó giữa Công pháp
quốc tế và Tư pháp quốc tế có mối quan hệ về bản chất nội dung, có họ hàng gần gũi, có sự
thống nhất về nguồn luật và được các tác giả coi sự thống nhất này có ý nghĩa quyết định.
Trong giáo trình Luật điều ước quốc tế, xuất bản năm 1930 – S.B Krưlov viết: “Cần phải xem
xét nội dung chủ yếu của Tư pháp quốc tế… thực sự đó là việc nghiên cứu các điều ước quốc
tế mang nội dung của Tư pháp quốc tế” [1]. Quan điểm này dựa trên lý luận cho rằng trong
các quan hệ của Tư pháp quốc tế mặc dù đó là các quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình,
lao động giữa các thể nhân và pháp nhân nhưng có yếu tố nước ngoài nên nó có sự liên quan
chặt chẽ đến quan hệ giữa các quốc gia, theo đó mọi tranh chấp, xung đột trong mọi lĩnh
vực pháp luật dân sự giữa các công ty riêng biệt, ngay cả xung đột về ly hôn giữa công dân
của các quốc gia khác nhau cũng có thể phát sinh thành xung đột giữa các quốc gia.
1.2. Một trường phái khác do L.A Luns đứng đầu và được các tác giả khác như A.B Gureev;
K.Ph Egorov; V.P Zvekov; S.N Lelegev; A.L Makovsky; G.K Matvev; N.V Orlova; V.S Pozniakov;
M.G Pozenberg; A.A Rubanov; O.N Sadikov… ủng hộ. Trong bộ giáo trình Tư pháp quốc tế (3
tập) của mình L.A Luns cho rằng để xem xét bản chất nội dung của các quy phạm Tư pháp
quốc tế trước hết cần phải xem xét đến tính chất của các quan hệ thuộc đối tượng điều
chỉnh của nó, mà trước hết các quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế là
các quan hệ mang tính chất dân sự. Do vậy Tư pháp quốc tế trước hết nó là một bộ phận của
pháp luật dân sự quốc gia. Khoa học Tư pháp quốc tế là một bộ phận của khoa học pháp luật


dân sự [2].
Trong nhiều công trình về Công pháp quốc tế nhiều tác giả như I.I Lukasuk; E.T Usenko; A.P
Movchan… cũng có quan điểm cho rằng xét về nội dung của các quy phạm, đối tượng và
phương pháp điều chỉnh thì Tư pháp quốc tế là một bộ phận của của hệ thống pháp luật của
các quốc gia khác nhau.
1.3. Trong khoa học pháp lý Tư pháp quốc tế ở Việt Nam mặc dù còn non trẻ chưa có nhiều
công trình nghiên cứu lớn và chuyên sâu trong lĩnh vực này, “ngay cả trong các văn bản quy
phạm pháp luật được ban hành trong thời kỳ này (1945-1975) cũng rất hiếm khi đề cập đến
các quan hệ Tư pháp quốc tế” [3]. Nhưng bước đầu Tư pháp quốc tế ở Việt Nam cũng đã
được đề cập đến trong một số công trình nghiên cứu như: Trong giáo trình Tư pháp quốc tế
của trường Đại học Luật Hà Nội của tập thể tác giả do tiến sĩ Bùi Xuân Nhự chủ biên cho
rằng “Tư pháp quốc tế là một ngành luật trong hệ thống pháp luật, mặt khác trong khoa học
nói chung nó lại là một ngành khoa học độc lập mà đối tượng nghiên cứu của nó là lĩnh vực
quan hệ pháp luật dân sự, phát sinh trong đời sống quốc tế… Điều này khẳng định rằng: Thứ
nhất Tư pháp quốc tế nghiên cứu các quan hệ pháp luật dân sự” [4]. Trong giáo trình Tư
pháp quốc tế của Khoa luật Đại học quốc gia Hà Nội của tập thể tác giả do tiến sĩ Nguyễn Bá


Diến chủ biên cũng cho rằng “Nhờ mang tính chất tài sản, nhân thân và có yếu tố nước
ngoài mà đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế đã góp phần khẳng định rằng: Tư pháp
quốc tế là một ngành luật riêng biệt, không những độc lập với các ngành luật khác thuộc hệ
thống pháp luật quốc gia, mà còn độc lập với luật quốc tế” [5]. Trong sách tham khảo Một
số vấn đề lý luận cơ bản của Tư pháp quốc tế của tiến sĩ Đoàn Năng lại cho rằng “Hiện tại Tư
pháp quốc tế tồn tại độc lập với Công pháp quốc tế và cả với pháp luật quốc gia như là một
tiểu hệ thống nằm giữa hai hệ thống, nhưng liên quan, gắn bó rất chặt chẽ với cả Công pháp
quốc tế và Pháp luật quốc gia” [6].
Như vậy trong hai giáo trình Tư pháp quốc tế ở Việt Nam không khẳng định một cách cụ thể
là Tư pháp quốc tế nằm trong hệ thống pháp luật quốc tế hay hệ thống pháp luật quốc gia,
như cách làm của các nhà khoa học nước ngoài - thường khẳng định rõ quan điểm của mình.
Ngược lại có quan điểm khác lại cho rằng Tư pháp quốc tế là một tiểu hệ thống (pháp luật)

nằm giữa hai hệ thống (Pháp luật quốc tế và Pháp luật quốc gia). Thật vậy “Không có một
lĩnh vực nghiên cứu pháp luật nào trong khoa học pháp lý như lĩnh vực khoa học về Tư pháp
quốc tế – Một lĩnh vực mà trong đó còn tồn tại rất nhiều các quan điểm trái ngược nhau về
ngay cả những vấn đề cốt lỏi như vị trí của nó trong hệ thống pháp luật nói chung và trong
hệ thống pháp luật quốc gia nói riêng” [7].
1.4. Theo chúng tôi thì hiện tại trong các sách báo pháp lý ở Việt Nam cũng như ở nước
ngoài đều thể hiện một cách khá rõ ràng là “Bên cạnh hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia
còn tồn tại hệ thống pháp luật quốc tế” [8]. Như vậy trên thực tế chỉ tồn tại hai hệ thống
pháp luật đó là hệ thống Pháp luật quốc tế vàhệ thống Pháp luật quốc gia, mà không tồn tại
một hệ thống pháp luật trung gian thứ ba nào khác. Do vậy Tư pháp quốc tế không là một
ngoại lệ. Hoặc Tư pháp quốc tế nằm trong hệ thống pháp luật quốc tế, hoặc trong hệ thống
pháp luật quốc gia. “Theo quan điểm được nhiều người thừa nhận hiện nay. Tư pháp quốc tế
là một bộ phận pháp luật quốc gia chứ không phải pháp luật quốc tế hay bộ phận pháp luật
liên hệ thống. Hơn thế Tư pháp quốc tế được xem là một ngành pháp luật độc lập đặc biệt
trong hệ thống pháp luật quốc gia” [9]. Mặc dù có một thực tế mà chúng ta phải thừa nhận
là Tư pháp quốc tế ở Việt Nam hiện nay đang trong quá trình hoàn thiện và phát triển. Còn
nhiều vấn đề trong lý luận chưa được hoàn chỉnh, thiếu sự thống nhất trong cách tiếp cận
ngay cả những vấn đề cơ bản nhất.
Do vậy khi bàn đến vị trí của Tư pháp quốc tế trong hệ thống pháp luật chúng tôi cho rằng
cần phải xem xét một cách toàn diện trên cơ sở phân tích, so sánh các nội dung như: Đối
tượng điều chỉnh; Phương pháp điều chỉnh; Chủ thể; Nguồn luật cũng như cách thức thực
hiện biện pháp chế tài của Tư pháp quốc tế với Luật dân sự và Tư pháp quốc tế với Công
pháp quốc tế để từ đó có kết luận mang tính thuyết phục hơn.
- Thứ nhất: Về đối tượng điều chỉnh thì Tư pháp quốc tế điều chỉnh các quan hệ mang tính
chất dân sự (dân sự theo nghĩa rộng), khác với quan hệ dân sự của pháp luật quốc gia, đó là
các quan hệ mang tính chất dân sự có yếu tố nước ngoài tham gia. Yếu tố nước ngoài tham
gia trong các quan hệ Tư pháp quốc tế có thể được phân thành ba nhóm phụ thuộc vào quan
hệ pháp luật mà nó có liên quan.





Nhóm thứ nhất: Yếu tố nước ngoài là chủ thể tham gia trong các quan hệ pháp luật
mang tính chất dân sự. Đó là các thể nhân và pháp nhân nước ngoài, trong một số
trường hợp Quốc gia tham gia với tư cách là chủ thể đặc biệt.
Nhóm thứ hai: Yếu tố nước ngoài ở đây là khách thể của quan hệ pháp luật, là các
tài sản có liên quan đến quan hệ pháp luật đó đang nằm ở nước ngoài.
Nhóm thứ ba: Sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp
luật đó xảy ra ở nước ngoài.

Yếu tố nước ngoài trong quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế có thể tồn


tại trong bất kỳ nhóm nào. Quan hệ pháp luật dân sự có yếu tố nước ngoài được quy định
trong Bộ luật Dân sự CHXHCN Việt Nam năm 1995 tại Điều 826 đó là “…Yếu tố nước ngoài
được hiểu là các quan hệ dân sự có người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài tham gia hoặc
căn cứ để xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ đó phát sinh ở nước ngoài hoặc tài sản
liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài”. Căn cứ vào quy định tại Điều 826 Bộ luật Dân sự
1995 thì ở Việt Nam đã có quan điểm khẳng định: Đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế
là các quan hệ pháp luật dân sự và quan hệ pháp luật dân sự đó phải có yếu tố nước ngoài
tham gia.
Yếu tố nước ngoài theo chúng tôi đó là quan hệ mang tính chất dân sự vượt ra ngoài phạm vi
lãnh thổ quốc gia. Khác với quan hệ mang tính chất chính trị giữa các quốc gia thuộc đối
tượng điều chỉnh của Công pháp quốc tế.
Như vậy về mặt bản chất đối tượng điều chỉnh của hai ngành luật Tư pháp quốc tế và Công
pháp quốc tế - được coi là có tính “quốc tế” này hoàn toàn khác nhau.
Xét về đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế với Luật dân sự thì sự khác nhau là khá rõ
ràng đó là Tư pháp quốc tế điều chỉnh các quan hệ pháp luật “Tư”. Nó bao gồm các quan hệ
trong lĩnh vực dân sự, kinh tế, thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động… hay nói một
cách khác là các quan hệ mang tính chất dân sự có yếu tố nước ngoài tham gia, còn đối

tượng điều chỉnh của Luật Dân sự là những nhóm “…Quan hệ tài sản, quan hệ nhân thân
trong giao lưu dân sự” [10].
- Thứ hai: Về phương pháp điều chỉnh thì Công pháp quốc tế điều chỉnh chủ yếu bằng
phương pháp thỏa thuận (thông qua việc ký kết các điều ước quốc tế) giữa các chủ thể của
Công pháp quốc tế với nhau. Còn Tư pháp quốc tế điều chỉnh bằng hai phương pháp mang
tính đặc thù của ngành luật này đó là phương pháp thực chất - bằng cách áp dụng các quy
phạm thực chất, trong đó quy phạm này quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên cũng
như cách thức áp dụng các biện pháp chế tài theo quy định của một hệ thống pháp luật
quốc gia xác định; và phương pháp xung đột – áp dụng các quy phạm xung đột để “dẫn
chiếu” đến hệ thống pháp luật quốc gia cần được áp dụng để điều chỉnh quan hệ đó. Như
vậy ở đây chúng ta cũng thấy rõ sự khác nhau giữa phương pháp điều chỉnh của Tư pháp
quốc tế với Luật dân sự đó là phương pháp điều chỉnh của Tư pháp quốc tế là phương pháp
thực chất và phương pháp xung đột còn phương pháp của luật dân sự là phương pháp bình
đẳng thỏa thuận.
Tóm lại: Theo Lý luận nhà nước và pháp luật truyền thống khoa học pháp lý để phân biệt
ngành luật này với một ngành luật khác cần phải “Dựa trên hai căn cứ là đối tượng điều
chỉnh (những quan hệ xã hội có đặc điểm cùng loại cần điều chỉnh) và phương pháp điều
chỉnh (cách thức tác động vào các quan hệ đó)” [11]thì chúng ta có thể kết luận sơ bộ rằng
Tư pháp quốc tế và Công pháp quốc tế là những ngành luật độc lập với nhau.
- Thứ ba: Xét về chủ thể của hai ngành luật này chúng ta thấy: Chủ thể cơ bản của Công
pháp quốc tế đó là các quốc gia có chủ quyền. Còn chủ thể cơ bản của Tư pháp quốc tế đó là
các thể nhân và pháp nhân của các nước khác nhau, trong một số trường hợp quốc gia tham
gia với tư cách là chủ thể đặc biệt của Tư pháp quốc tế. Như vậy chủ thể của hai ngành luật
này là các “loại” chủ thể khác nhau về quyền lực và địa vị pháp lý khi tham gia vào các quan
hệ pháp luật.


- Thứ tư: Biện pháp chế tài của Tư pháp quốc tế và Công pháp quốc tế cũng khác nhau về
mặt bản chất. Biện pháp chế tài của Tư pháp quốc tế là bồi thường thiệt hại mang tính tài
sản, pháp luật của các quốc gia được áp dụng để điều chỉnh. Còn chế tài trong Công pháp

quốc tế mang tính chính trị, phản đối về ngoại giao… tuy rằng có những trường hợp áp dụng
các chế tài mang tính tài sản như bồi thường thiệt hại do các hành vi vi phạm pháp luật quốc
tế gây thiệt hại của quốc gia gây nên cơ sở pháp lý của việc áp dụng các biện pháp chế tài
là do chính các chủ thể thỏa thuận trong các điều ước quốc tế.
- Thứ năm: Ngoài một điểm riêng của Tư pháp quốc tế có nguồn là pháp luật quốc gia thì
hai ngành luật này đều có nguồn chung đó là điều ước quốc tế. Đây cũng được coi là điểm cơ
bản làm xuất phát điểm để nhiều tác giả cho rằng Tư pháp quốc tế là một phần của Luật
quốc tế, đặc biệt là trong tương lai khi các quốc gia tham gia vào mọi lĩnh vực hợp tác quốc
tế, thì các điều ước quốc tế sẽ là nguồn cơ bản chủ yếu để điều chỉnh các quan hệ trong mọi
lĩnh vực của quốc gia. Sự phát triển của quá trình hội nhập, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế
– thương mại, sự tác động của tiến bộ khoa học kỹ thuật lên sự điều chỉnh pháp luật - Tất cả
các yếu tố này cho thấy một xu hướng vai trò, vị trí của điều ước quốc tế là nguồn của Tư
pháp quốc tế ngày càng được nâng cao.
Theo chúng tôi, một điều không thể phủ nhận vai trò đặc biệt quan trọng của nguồn của Tư
pháp quốc tế là các điều ước quốc tế, nhưng pháp luật quốc gia vẫn tồn tại như là một “quy
luật” tất yếu khách quan, không thể không có pháp luật quốc gia, đây chính là chủ quyền cơ
bản của quốc gia được pháp luật quốc tế khẳng định và ghi nhận. Pháp luật quốc gia là cơ sở
là nền tảng cho mọi quan hệ quốc tế giữa các quốc gia.
Như vậy pháp luật quốc gia được coi và vẫn tiếp tục được coi là nguồn cơ bản của Tư pháp
quốc tế. Điều này đã được công nhận trong khoa học pháp lý của nhiều quốc gia trên thế
giới. A. Batiffol - một luật gia người Pháp - khẳng định: pháp luật của quốc gia này là hoàn
toàn khác với pháp luật của quốc gia khác. Vì vậy tồn tại một cách độc lập pháp luật của
Đức, Pháp, Italia… [12]. “Không thể tồn tại một Tư pháp quốc tế thống nhất – GS. Kh Fonbar
khẳng định trong bài phát biểu của mình năm 1987 – Các quốc gia khác nhau có Tư pháp
quốc tế riêng của mình và nội dung của nó có sự khác nhau về cơ bản” [13]. Như vậy ở mỗi
quốc gia khác nhau (ngoại trừ những trường hợp áp dụng các nguyên tắc và quy phạm thực
chất và xung đột thống nhất trong các điều ước quốc tế) trong việc điều chỉnh các quan hệ
mang tính chất dân sự có yếu tố nước ngoài tham gia không sử dụng một loại quy phạm của
Tư pháp quốc tế chung, mà mỗi quốc gia khác nhau áp dụng các quy phạm khác nhau.
1.5. Căn cứ vào những phân tích trên cho chúng ta thấy đối tượng điều chỉnh của Tư pháp

quốc tế thực chất là các quan hệ pháp luật dân sự “đặc biệt”, tính đặc biệt này được thể
hiện là các quan hệ này có yếu tố nước ngoài tham gia. Chính vì vậy theo chúng tôi đưa Tư
pháp quốc tế vào hệ thống pháp luật quốc gia là hợp lý nhất. Nằm trong hệ thống pháp luật
quốc gia nhưng Tư pháp quốc tế là một ngành luật độc lập. Như đã phân tích ở phần trước
Tư pháp quốc tế có đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh riêng. Ở Việt Nam do
chưa có điều kiện ban hành một đạo luật Tư pháp quốc tế riêng, nên các quy phạm của Tư
pháp quốc tế nằm trong Bộ luật Dân sự và ở một số ngành luật khác như trong luật thương
mại, đầu tư, quốc tịch, hôn nhân và gia đình, lao động… nhưng cũng không phải vì thế mà
cho rằng Tư pháp quốc tế là một phần của Luật dân sự trong nước.


Ngày nay Tư pháp quốc tế có sự phát triển nhanh chóng trên cơ sở từ các chế định, nguyên
tắc của Luật quốc tế cũng như các chế định của luật Dân sự trong nước của các quốc gia
khác nhau. Do vậy khi nghiên cứu môn khoa học pháp lý này cần vận dụng phương pháp so
sánh pháp luật để nghiên cứu mối liên hệ giữa Tư pháp quốc tế với Công pháp quốc tế, Tư
pháp quốc tế với Luật dân sự nhằm đạt hiệu quả và có cách nhìn nhận đánh giá vấn đề một
cách toàn diện hơn.

2. Nhiệm vụ của Tư pháp quốc tế Việt Nam
Trong điều kiện hiện nay việc tăng cường hợp tác với tất cả các quốc gia, thực hiện việc đổi
mới quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, tạo môi trường thuận lợi
nhằm thu hút hoạt động đầu tư nước ngoài đã đặt ra trước khoa học Tư pháp quốc tế của
nước ta những nhiệm vụ mới, liên quan đến việc xây dựng, soạn thảo những văn bản pháp lý
khác nhau điều chỉnh các quan hệ trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, bảo hiểm và
các quan hệ khác trong thực tiễn đời sống có yếu tố nước ngoài tham gia…. Trên cơ sở này
đã hình thành những nhiệm vụ chủ yếu của Tư pháp quốc tế ở Việt Nam đó là:
- Hoàn thiện về mặt pháp lý đối với quá trình hội nhập của nước ta trong lĩnh vực Tư pháp
quốc tế nói riêng và trong mọi mặt của đời sống xã hội của Nhà nước Việt Nam nói chung.
- Thúc đẩy việc áp dụng những hình thức hợp tác mới, sâu rộng hơn và mang lại hiệu quả
hơn, trước hết là những hình thức khác nhau của hoạt động liên doanh, liên kết trong hoạt

động kinh tế, thương mại.
- Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, của công dân, tổ chức và các công ty
của nước ngoài vào Việt Nam và của Việt Nam ở nước ngoài.
- Mở rộng việc bảo hộ các quyền hợp pháp của người nước ngoài ở Việt Nam trong các lĩnh
vực khác nhau như: thương mại, đầu tư, lao động, hôn nhân và gia đình. Bảo đảm các quyền
và nghĩa vụ bình đẳng trong tố tụng dân sự của người nước ngoài tại Việt Nam và của công
dân Việt Nam ở nước ngoài…
Trong thế kỷ của sự tiến bộ khoa học kỹ thuật, của sự hợp tác trong điều kiện hội nhập kinh
tế, văn hóa giữa các quốc gia, khi mà các hoạt động được thực hiện trong phạm vi lãnh thổ
của quốc gia nhưng có quan hệ đến các quốc gia khác và có thể mang lại một hậu quả pháp
lý nhất định giữa các quốc gia thì sự hiểu biết về Tư pháp quốc tế có thể giúp các cơ quan có
chức năng thẩm quyền trong việc bảo vệ có hiệu quả hơn tài sản quốc gia, quyền và lợi ích
hợp pháp của các cá nhân, pháp nhân của Việt Nam ở nước ngoài.
Bên cạnh đó ý nghĩa thực tiễn to lớn của việc nghiên cứu và nắm vững những vấn đề của Tư
pháp quốc tế là hết sức cần thiết không những cho các nhà ngoại giao, các nhà hoạt động
kinh tế mà cũng hết sức cần thiết cho các Thẩm phán, Kiểm sát viên; Công chứng viên và
các Luật gia, Luật sư làm việc trong các lĩnh vực kinh tế khác nhau, ở trong nước cũng như ở
nước ngoài, đặc biệt là trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực “...Theo tinh thần
phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định
hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa
dân tộc…” [14]


================================
CHÚ THÍCH
[1] Xem Giáo trình Luật điều ước quốc tế, C.B. Krưlov, Nxb Maxcơva, 1930, tr. 21.
[2] Xem Giáo trình Tư pháp quốc tế (3 tập) Phần chung, GS-TS. Luật học L.A Luns, Nxb.
Maxcơva, 1973, tr. 11 - 60.
[3] Xem Giáo trình Tư pháp quốc tế, Khoa luật ĐHQG Hà Nội, PGS-TS Nguyễn Bá Diến chủ
biên, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 1997, tr. 63.

[4] Xem Giáo trình Tư pháp quốc tế, Trường ĐH Luật HN, TS Bùi Xuân Như chủ biên, Nxb
Công an nhân dân, 1997, tr. 6 - 7.
[5] Xem Giáo trình Tư pháp quốc tế, Khoa luật ĐHQG Hà Nội, sđd, tr. 7.
[6] Xem Một số vấn đề lý luận cơ bản về Tư pháp quốc tế (sách tham khảo), TS Đoàn
Năng, Nxb Chính trị quốc gia, 2001, tr. 51.
[7] Xem Mối quan hệ giữa Tư pháp quốc tế và Luật dân sự, TS Nguyễn Trung Tín, Tạp chí
Nhà nước và Pháp luật, số 4/1996, tr. 24.
[8] Xem Giáo trình Lý luận Nhà nước và Pháp luật, PGS-TS Lê Minh Tâm (chủ biên), Nxb
Công an nhân dân, 1998, tr. 403.
[9] Xem Mối quan hệ giữa Tư pháp quốc tế và Luật dân sự, TS Nguyễn Trung Tín, bài đã
dẫn, tr 24.
[10] Xem Điều 1 Bộ luật dân sự CHXHCN Việt Nam 1995.
[11] Xem Giáo trình Lý luận Nhà nước và Pháp luật, PGS-TS Lê Minh Tâm (Chủ biên), sđd,
tr. 393.
[12] Xem Giáo trình Tư pháp quốc tế (Bản tiếng Nga), GS-TS Luật học M.M. Boguxlavski,
Nxb Iurixt Moscova, 1998, tr. 27.
[13] Xem Giáo trình Tư pháp quốc tế (Bản tiếng Nga), GS-TS luật học M.M.Boguxlavski,
sđd, tr. 27.
[14] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị
quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 120.



×