Tải bản đầy đủ (.pdf) (13 trang)

Com 11 CHẾ ĐỊNH PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG TRONG LUẬT HÌNH SỰ CANADApdf

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (134.12 KB, 13 trang )

CHẾ ĐỊNH PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG TRONG
LUẬT HÌNH SỰ CANADA
Ths. Phạm Văn Beo - Trưởng Bộ môn
Luật Tư pháp
Canada là một trong số ít quốc gia có hệ thống luật theo hệ thống luật Anh (hệ
thống án lệ). So với các quốc gia có hệ thống pháp luật theo hệ thống pháp luật Châu Âu
lục địa, pháp luật của Canada có nhiều điểm rất khác biệt. Ngoài việc các tòa án xét xử
theo án lệ, ở góc độ lập pháp cũng có nhiều điểm đặc biệt. Tuy nhiên, trong nội dung này
tác giả sẽ không nghiên cứu tất cả các đặc điểm đặc thù đó mà chỉ dừng lại ở việc phân
tích một khía cạnh cụ thể của luật để bạn đọc tham khảo nhằm hiểu rõ hơn khi nghiên
cứu về pháp luật Canada. Đó là những quy định về phòng vệ chính đáng trong luật hình
sự Canada.
Phòng vệ chính đáng, thông thường được hiểu là việc dùng vũ lực nhằm bảo vệ
tính mạng, sức khỏe của mình hoặc của người khác, bảo vệ tài sản trước một sự tấn công
hoặc sự đe dọa tấn công. Hành vi dùng vũ lực trong phòng vệ chính đáng không bị xem
là tội phạm. Với cách hiểu đó, luật hình sự từ trước đến nay quy định hai trường hợp
được xem là phòng vệ chính đáng là phòng vệ để bảo vệ tính mạng, sức khỏe và phòng
vệ để bảo vệ tài sản (defence of person and defence of property). Tuy nhiên, sau khi
nghiên cứu luật hình sự Canada, chúng tôi thấy trường hợp dùng vũ lực để giúp đỡ người
thi hành công vụ cũng được xem là phòng vệ chính đáng (assisting those in authority). Vì
thế, khi nghiên cứu các trường hợp phòng vệ chính đáng trong luật hình sự Canada,
chúng tôi sẽ chia thành ba phần, đó là: 1) phòng vệ để bảo vệ tính mạng, sức khỏe; 2)
phòng vệ để bảo vệ tài sản; và 3) phòng vệ trong khi giúp người thi hành công vụ.
Trước khi phân tích các quy định cụ thể liên quan đến phòng vệ chính đáng, tác
giả thấy cần thiết đề cập đến hệ thống tiêu chuẩn để kiểm tra tính “hợp lý” của hành vi
“chống trả” trong phòng vệ chính đáng (the reasonable man test). Vấn đề trước tiên đối
với một trường hợp phòng vệ chính đáng là việc xem xét hành vi chống trả của bị cáo có
hợp lý không (?). Để tính hợp lý được thỏa mãn, ngoài việc phải chứng minh được khi đó
mình đang trong tình trạng nguy hiểm, sự nguy hiểm đe dọa diễn ra tức khắc, và thậm chí
đã tìm hết cách để "rút lui" (retreat) trước khi chống trả, bị cáo còn phải thuyết phục tòa
án ở hai vấn đề (mang tính chủ quan): 1) bị cáo có cơ sở hợp lý tin rằng trong tình huống


đó, nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe sẽ diễn ra tức khắc; 2) sự chống trả đối với nguồn
nguy hiểm đó là hợp lý, không phải là hành vi vượt quá. Đây là những vấn đề không phải
dễ, ngay cả đối với các thẩm phán, bởi vì chúng thuộc vào chủ quan của mỗi người, chỉ
có Trời mới biết được đúng hay sai (chữ dùng của Cynthia K. Gillespie trong quyển Giết
người hợp pháp, Nxb Đại học Quốc gia Ohio, Columbus, 1998, trang 98). Để có một
chuẩn mực chung, khách quan áp dụng trong mọi trường hợp cần kiểm tra tính hợp lý,
các nhà lý luận luật hình sự đã xây dựng cái gọi là "người hợp lý" (reasonable man). Nếu
"người hợp lý" chống trả trong những trường hợp cụ thể được cho là hợp lý thì bất cứ ai
trong trường hợp đó cũng được cho là hợp lý, và ngược lại. Theo Ted Truscott (Ted
Truscott, Luật Canada: Phòng vệ chính đáng và Võ sĩ, 1995, trang 7-8), tiêu chuẩn kiểm


tra tính hợp lý áp dụng trong phòng vệ chính đáng theo luật hình sự Canada dựa trên 4 cơ
sở:
- Việc sử dụng vũ lực để chống trả có cần thiết không?
Để xác định cơ sở này, chúng ta có thể trả lời một số câu hỏi phụ: Anh đã cố gắng xin lỗi
khi còn thời gian? Anh đã cố gắng bỏ chạy khi có thể? Anh đã làm mọi cách để tránh xảy
ra dùng vũ lực? Chẳng hạn, anh đá một đứa trẻ đang đe dọa đánh anh dĩ nhiên không
được cho là cần thiết.
- Vũ lực được dùng có hợp lý nhằm ngăn chặn nguồn tấn công?
Anh có thể dùng vũ lực một cách ngang bằng với hành vi tấn công hoặc cao hơn
một chút nhưng không bị xem là quá đáng. Chẳng hạn, khi anh bị đấm vài ba cái, khi đó
anh tin rằng, việc chìa vũ khí ra để kẻ tấn công sợ, thì anh có thể làm, và anh cũng có thể
bắt đầu chống trả miễn sao nhằm ngăn chặn sự tấn công đó.
- Thương tích gây ra cho kẻ tấn công có thích đáng (appropriate) để ngăn chặn
sự tấn công?
Anh được phép chống trả một cách ngang bằng với hành vi tấn công.Vì thế, nếu
kẻ tấn công chỉ tát anh vài cái anh không thể dùng xe tải đâm vào kẻ tấn công. Hay, anh
làm gãy tay một thiếu niên đang cố đấm vào mũi anh, hành vi đó có thể bị xem là hành vi
vượt quá nếu thiếu niên chỉ có một mình và anh đang có nhiều bạn bè ở đó. Tuy nhiên,

nếu anh là một phụ nữ và thiếu niên đang mang dao, hành vi làm gãy tay đó sẽ được xem
là thích đáng.
- Anh có cố ý trả thù kẻ tấn công khi hành vi tấn công đã chấm dứt?
Hành vi dùng vũ lực sau khi hành vi tấn công đã chấm dứt không được xem là
hành vi phòng vệ.
1. Phòng vệ để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mình hoặc của người khác (defence of
self and others):
a. Phòng vệ để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mình:
a1. Phòng vệ đối với hành vi tấn công vô cớ:
Tiết 34 Bộ luật hình sự Canada hiện hành quy định phòng vệ trong trường hợp
chống trả một hành vi tấn công vô cớ (unprovoked assault). Tiết này quy định như sau:
“(1) Người nào bị tấn công trái pháp luật một cách vô cớ thì có quyền dùng vũ lực để
đẩy lùi sự tấn công đó nếu việc dùng vũ lực không cố ý gây ra cái chết hoặc gây thương tích nặng
cho kẻ tấn công và hành vi dùng vũ lực là cần thiết để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của mình.
(2) Người nào bị tấn công một cách trái pháp luật và đã gây ra cái chết hoặc gây thương
tích nặng trong việc đẩy lùi hành vi tấn công sẽ được xem là hợp pháp nếu:


(a) anh ta thực hiện hành vi đó với ý thức rằng hành vi tấn công sẽ giết chết hoặc gây
thương tích nặng cho anh ta nếu không được ngăn chặn; và

(b) anh ta có đủ cơ sở tin rằng không thể còn cách nào khác ngoài hành vi đó
nhằm bảo vệ mình khỏi bị giết hoặc bị gây thương tích nặng.”
Đoạn 1 Tiết 34 có thể được hiểu “vũ lực” được phép dùng khi bị cáo vô cớ bị tấn
công trái pháp luật. Đồng thời, vũ lực được dùng không quá mức cần thiết và không cố ý
gây chết hoặc hoặc gây thương tích nặng cho người tấn công. Tuy nhiên, ngay cả khi
người tấn công bị chết do hành vi chống trả, nhưng hành vi chống trả được xem là cần
thiết và hậu quả chết người không phải là sự cố ý của bị cáo thì vẫn được xem là phòng
vệ chính đáng. Có thể tìm thấy nội dung này khi tòa án xét xử trường hợp của Setrum (vụ
án của R đối với Setrum, 1975). Tháng Giêng năm 1975, tại Cronach, Sask, ông Larry

Setrum đang uống rượu với mấy người bạn trong nhà của Harold White. Setrum cãi cọ
với Wesley Petreman, nhưng White khuyên không nên đánh nhau trong nhà. Sau đó,
Petreman rủ Setrum ra ngoài. Setrum theo ra dù không biết Petreman muốn mình ra làm
gì. Setrum kể rằng khi đó Petreman bắt đầu chửi và đánh mình. Setrum chống trả, đánh
Petreman té bên cạnh chiếc xe tải, và sau đó Setrum bỏ đi. Petreman chết do nguyên nhân
của cuộc đánh nhau ấy. Setrum bị kết tội ngộ sát (manslaughter) vì đã đồng ý đánh nhau,
một hành vi trái pháp luật, và không được hưởng quy chế phòng vệ chính đáng. Tuy
nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, Tòa án tối cao quyết định: “Khi không có cơ sở hợp lý để
cho rằng bị cáo cố ý giết hoặc gây thương tích nặng cho người tấn công thì không áp
dụng đoạn 2 mà áp dụng đoạn 1 Tiết 34, nếu vũ lực được dùng không vượt quá giới hạn
cho phép ngay cả khi người tấn công chết là do hành vi chống trả của bị cáo”. Quyết
định này ủng hộ quan điểm cho rằng nếu một ai đó chết dưới tay bạn, đoạn 1 Tiết 34 vẫn
có thể được áp dụng thậm chí khi bạn không phải đang đối đầu với hành vi tấn công nguy
hiểm chết người hoặc có thể gây thương tích nặng, nếu sự chống trả đó của bạn là không
cố ý giết hoặc gây thương tích nặng cho kẻ tấn công. Tuy nhiên, nếu cách thức hay
phương tiện, công cụ mà người chống trả dùng rõ ràng nhằm giết hoặc gây thương tích
nặng cho kẻ tấn công thì chỉ có thể áp dụng đoạn 2 Tiết 34.
Đoạn 2 Tiết 34 quy định trường hợp hành vi chống trả gây ra cái chết hoặc gây
thương tích nặng cho kẻ tấn công. Để được xem là phòng vệ chính đáng trong trường hợp
này, bị cáo phải chứng minh sự tấn công đó có khả năng giết chết hoặc ít nhất cũng gây
thương tích nặng cho mình. Đồng thời, bị cáo còn phải chứng minh được rằng trong
trường hợp đó, không còn cách nào khác hơn là phải gây ra cái chết hoặc gây thương tích
nặng cho kẻ tấn công, để bảo vệ mình khỏi chết hoặc khỏi bị thương tích nặng.
Một số vấn đề phát sinh khi nghiên cứu Tiết 34:
- Bị cáo có nghĩa vụ “rút lui” (retreat) trước khi dùng vũ lực?
Theo Tiết 34, bị cáo có thể dùng vũ lực mà không cần tìm cách “rút lui” trước đó.
Có thể lấy vụ án của Deegan (vụ án của R đối với Deegan) (Các án lệ Hình sự Canada,
Sách luật Canada, quyển 49, trang 417 ) để minh họa.
Tại Alberta, người đàn ông tên Deegan cãi cọ với một người ở một căn hộ khác
trong cùng chung cư. Deegan bị đánh trước nhưng anh không chống trả mà về nhà khóa



cửa lại. Kẻ tấn công quyết không tha, chạy theo và tìm Deegan, suýt phá sập cửa nhà
Deegan với sự giúp sức của bạn hắn. Deegan mở cửa và “trận chiến” bắt đầu. Deegan bị
đá hai cái vào đầu. Để tự vệ, Deegan dùng dao đâm kẻ tấn công chết và gây bị thương
bạn của kẻ tấn công. Deegan khai rằng anh đã cảnh cáo kẻ tấn công hãy buông tha mình
và khi đó anh nghĩ mình sắp bị giết. Sau vụ án này, Tòa án tối cao quy định: “bị cáo
không cần “rút lui” trước khi sử dụng vũ lực, đặc biệt là khi người bị tấn công đang ở
nhà của mình”.
- Có cần định lượng một cách chính xác vũ lực được sử dụng?
Bị cáo không cần đo lường một cách chính xác mức độ của vũ lực cần thiết được
sử dụng để phòng vệ (so với hành vi tấn công) miễn sao vũ lực đó được đánh giá là hợp
lý. Kết luận của Tòa án tối cao trong vụ án của Ogal (vụ án của R đối với Ogal) (Các án
lệ Hình sự Canada, Sách luật Canada, quyển 50, trang 71 ) là một điển hình. Tại một
nông trại gần Warspite, Alberta, cuộc “đụng độ” diễn ra giữa ông Mahowich và ông Alex
Ogal. Khi thấy cha mình bị tấn công bằng búa bởi Mahowich, con trai của Ogal đã tìm
một khúc gỗ nhằm bảo vệ cha mình và bảo vệ chính mình. Anh ta vào cuộc đánh vào
chân, tay và đầu Mahowich gây nứt hộp sọ. Anh ta bị kết án về tội hành hung người khác
với mức phạt từ 200 đô la đến 6 tháng tù. Tòa án tối cao Alberta đã xét xử phúc thẩm vụ
án của Ogal. Trong nhận định của mình, thẩm phán Hyndman nêu rõ: “Dĩ nhiên là không
thể buộc John Ogal (con trai của Ogal) đo lường một cách chính xác mức độ vũ lực mà
anh ta dùng để bảo vệ cha mình cũng như bảo vệ mình trong tình huống này”. Tòa phúc
thẩm đã hủy án sơ thẩm và miễn tội cho John Ogal. Trong vụ án này, hành vi gây nứt
hộp sọ không bị xem là không tương xứng. Trái lại, trong vụ án của Matson (vụ án của R
đối với Matson) (Các án lệ Hình sự Canada, Sách luật Canada, quyển 1, trang 374), nếu
hậu quả nứt hộp sọ xảy ra từ hành vi chống trả của Matson, vũ lực được dùng không
được xem là tương xứng. Sự khác nhau này phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể với
những tình tiết cụ thể. Trong vụ án của Matson, Foss tấn công Matson bằng tay không,
trong khi trường hợp của Ogal, Mahowich tấn công Ogal bằng búa. Vì thế, Hynman bổ
sung: “mọi quyết định phải dựa vào từng tình huống với các tình tiết cụ thể”.

- Bị cáo có thể chống trả mà không cần kiềm chế sự “cuồng tính” (frenzy or crazy)?
Theo Tiết 34, bị cáo được phép sử dụng vũ lực thậm chí trước khi kẻ tấn công “ra
tay”. Điều này không có nghĩa luật không yêu cầu về tính diễn ra ngay tức khắc của hành
vi tấn công. Mặc dù trên thực tế, kẻ tấn công chưa thực hiện hành vi nhưng đã có những
biểu hiện tất yếu là hành vi tấn công sẽ xảy ra ngay tức khắc. Trong trường hợp này, bị
cáo không cần thiết phải chờ đến khi kẻ tấn công “ra tay” trước rồi mới chống trả, bởi khi
đó đôi khi sẽ không còn kịp nữa. Tòa phúc thẩm Ontario ủng hộ nội dung giải thích này
trong vụ án của Antley (vụ án của R đối với Antley, 1964). Tháng 12 năm 1963, người
đàn ông tên Gall xông vào nhà ông Antley vì Antley thiếu Gall một số tiền. Bạn của
Antley (Walter) thấy Gall đe dọa đánh Antley và đòi nợ trong trạng thái say rượu nên
Walter yêu cầu Gall rời khỏi garage (cũng là nhà của Antley). Tuy nhiên, khi Antley vào
garage và đóng cửa lại, Gall đuổi theo bảo rằng sẽ đánh chết Antley. Antley chụp một
khúc gỗ làm hàng rào khá nặng làm vũ khí phòng vệ, đánh Gall một cái vào đầu, vài cái
vào chân làm bể mắt cá chân của Gall ba chỗ. Theo báo cáo, thẩm phán Kirkpatrick nhận
xét: “Không có chứng cứ chứng tỏ Antley đã kiềm chế trước khi chống trả Gall và tại sao


Antley không gọi sự giúp đỡ của Walter để tránh xảy ra bạo lực”. Vì vậy, Kirkpatrick đã
kết án Antley tội gây thương tích cho người khác (assault causing bodily harm).
Tuy nhiên, các thẩm phán tòa phúc thẩm Ontario đã phân tích một số điểm để
khẳng định hành vi chống trả của Antley là hợp lý:
- Gall là kẻ xâm phạm gia cư bất hợp pháp (trespasser) và phạm tội tấn công
Antley khi đưa nắm đấm về phía Antley;
- Gall là người to, khỏe mạnh hơn Antley.
Nhận xét báo cáo của Kirkpatrick, thẩm phán Roach viết: “Một người bị dồn vào
đường cùng bởi một người khác không cần phải kiềm chế sự “điên cuồng” (ám chỉ khi
tinh thần bị kích động mạnh dẫn đến trạng thái gần mất khả năng kiềm chế) trong việc
chống trả lại hành vi tấn công. Khi đó, phòng vệ chính đáng vẫn có thể được áp dụng.
Không cần thiết anh ta phải đợi đến khi kẻ tấn công “ra tay” trước. Nếu anh ta buộc
phải đợi, có thể không còn kịp nữa”.

Mặc dù thẩm phán McGillivray không đồng ý với nhận xét của Roach và cho rằng
quyết định của Kirkpatrick là đúng, nhưng hai thẩm phán khác đồng ý nên quyết định
cuối cùng là miễn tội cho Antley. Vì vậy, ở Canada, chúng ta có quyền chống trả mà
không cần kiềm chế. Thậm chí, Tiết 34 vẫn có thể áp dụng trong trường hợp bị cáo đánh
giá sai tính nguy hiểm đang đe dọa đối với mình (nhầm lẫn có sự tấn công nhưng thực tế
không có). Tuy nhiên, sự ý thức rằng mình đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính
mạng phải có cơ sở hợp lý và tin rằng không còn cách nào khác để bảo vệ tính mạng
ngoài việc phải gây thiệt hại cho kẻ tấn công. Sự sai lầm của bị cáo phải được xem là hợp
lý (theo tiêu chuẩn kiểm tra tính hợp lý) thì mới được xem là phòng vệ chính đáng. Hãy
xem vụ án của Bolyantu (vụ án của R đối với Bolyantu) (Các án lệ Hình sự Canada, Sách
luật Canada, quyển 29, trang 174). Vụ R đối với Bolyantu xảy ra từ chuyện cãi vã tại
Detroit House Tavern, thuộc Windsor, Ont, Canada. Bolyantu bị đánh nốc-ao bởi một
đám đông. Nhưng sau đó, Bolyantu tỉnh dậy và bắt đầu gây sự lại với đám đông đã đánh
anh ta, Bolyantu bỏ chạy, đám đông đuổi theo. Bolyantu và đám đông chạy đến bên
ngoài quán rượu, Bolyantu đâm Martin Stimac một nhát dao. Thẩm phán Zalev nhận xét:
“vì Stimac không phải trong nhóm người đuổi theo Bolyantu nên không thể áp dụng Tiết
34 về phòng vệ chính đáng”. Vì vậy, Bolyantu bị kết án tội gây thương tích cho người
khác.
Tại phiên tòa phúc thẩm, các thẩm phán đã tìm ra một vài chi tiết hợp lý để có thể
tin rằng Stimac là số người đuổi theo Bolyantu. “Anh ta có quyền tự vệ vì có cơ sở hợp lý
để tin rằng Stimac là người của đám đuổi theo mặc dù thực tế không phải vậy”. Nhận
định này dẫn Bolyantu đến một quyết định mới để có thể miễn tội cho anh.
a2. Phòng vệ đối với hành vi tấn công do sự “khiêu khích” của bị cáo (provoked
assault):
Bên cạnh quy định trường hợp phòng vệ đối với hành vi tấn công vô cớ, luật hình
sự Canada cũng xem là phòng vệ chính đáng trong trường hợp bị cáo “khiêu khích”


người khác tấn công mình, sau đó lại chống trả hành vi tấn công đó. Quy định này được
thừa nhận bởi Tiết 35 Bộ luật hình sự Canada hiện hành. Tiết này quy định:

“Người nào tấn công nhưng không phải cố ý muốn giết hay làm bị thương nặng người
khác hoặc “khiêu khích” kẻ khác tấn công mình có thể được phép chống trả nếu:
(a) vũ lực được dùng:
(i) vì có cơ sở hợp lý nhận thức rằng mình đang trong tình trạng nguy hiểm chết người
hoặc bị thương nặng từ hành vi của người kia; và
(ii) có cơ sở hợp lý để tin rằng dùng vũ lực là để bảo vệ mình khỏi chết hoặc bị thương
nặng.

(b) trong khi tự vệ để mình khỏi chết hoặc bị thương nặng, đã không cố ý giết
hoặc làm bị thương nặng người kia; và
(c) không mong muốn cuộc ẩu đả tiếp tục và “rút lui” khi có thể trước khi tình trạng
nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe nảy sinh”.

Nội dung này có nghĩa là ngay cả khi bạn là người làm phát sinh “cuộc đánh
nhau” (fight), sau đó nạn nhân của bạn cố ý giết bạn, bạn cũng có khả năng hưởng quy
chế phòng vệ chính đáng nếu:
- Bạn không cố gắng giết hoặc làm bị thương nặng cho nạn nhân của bạn; và
- Bạn đã cố gắng không tiếp tục cuộc ẩu đả và tìm cách tháo lui khi có thể để
tránh việc dùng vũ lực chống trả.
Ngược lại, nếu một người nào đó tấn công bạn và bạn dọa anh ta rằng sẽ giết anh
ta hoặc ít nhất cũng cho anh ta tàn phế suốt đời, có cơ sở hợp lý để tin điều đó, anh ta có
thể được phép giết bạn nếu anh ta đã cố bỏ chạy nhưng không được. Ngay cả nếu bạn chỉ
nói khoác thôi chứ không có ý làm hại anh ta nhưng anh ta nhầm lẫn rằng mình đang gặp
nguy hiểm thật sự thì hành vi của anh ta vẫn được xem là phòng vệ chính đáng bất kể anh
ta gây thiệt hại cho bạn thế nào, kể cả dùng hung khí giết bạn. Nội dung này được quy
định tại vụ án của Merson (vụ án của R đối với Merson) (Các án lệ Hình sự Canada, Sách
luật Canada, quyển 4, trang 251). Tại New Westminter, B.C., bà Dafoe từ giã bạn trai của
mình (Michael Merson) để trở về cùng chồng mình là Allen Dafoe. Vào lúc 5 giờ sáng,
Merson vào nhà ông bà Dafoe bằng cửa sổ và đi đến phòng ngủ để nói chuyện với tình
địch lạ mặt của mình (Allen Dafoe). Khi nhìn thấy ông Dafoe, Merson móc súng ngắn

trong túi ra, chĩa vào ông Dafoe và bảo Dafoe để cho bà Dafoe đi. Chứng cứ tại phiên tòa
cho thấy, hai người đàn ông cãi cọ với nhau một lúc. Merson chửi ông Dafoe, ông Dafoe
vọt đi và Merson đá liền, cuộc “chiến” bằng súng ngắn bắt đầu. Merson bị bắn một phát
vào chân, khi đó Merson bắn ông Dafoe hai phát, một vào chân và một vào ngực. Merson
sau đó bỏ chạy còn ông Dafoe chết vì trúng đạn.
Merson khai rằng khi đó anh chỉ đưa súng về phía ông Dafoe để hù dọa thôi chứ
không có ý giết hay làm bị thương Dafoe. Đồng thời, sau đó Merson đã cố gắng “rút


chạy” một lần nhưng bị ông Dafoe tấn công bất ngờ nên không thoát được. Merson cảm
thấy phải chống lại ông Dafoe để tránh bị bắn. Cuối cùng, Merson đã thuyết phục được
Tòa miễn tội cho mình.
Dường như trong vụ án này, nếu Merson chết và Dafoe sống, Dafoe cũng có thể
được miễn tội. Rõ ràng theo luật hình sự Canada, người sống trong khi “giao chiến”
chẳng những được lợi về mạng sống mà sự hợp lý cũng có thể đứng về phía họ (!)
Thẩm phán Taggart bàn về câu “bạn phải có ý định ngừng “cuộc xung đột”
(conflict) hoặc “rút lui” (retreat) khỏi sự “xung đột tiếp diễn” (further conflict) càng xa
càng tốt nếu có thể”. Taggart cho rằng “cuộc xung đột” sinh ra là bởi sự khiêu khích của
bị cáo. Vì thế nếu có thể, bị cáo có nhiệm vụ phải “rút lui” hoặc không có ý định tiếp tục
cuộc “ẩu đả” khi nó đã và đang xảy ra. Thỏa mãn yêu cầu đó thì Tiết 35 mới được áp
dụng. Nên nhớ, “rút lui” là một nghĩa vụ đặc trưng trong Tiết này vì nó không phải là yêu
cầu bắt buộc ở các tiết khác.
b. Phòng vệ để bảo vệ người khác:
Phòng vệ để bảo vệ người khác được quy định tại Tiết 37 của Bộ luật hình sự
Canada. Tiết này quy định như sau:
“(1) Mọi người đều có quyền dùng vũ lực để bảo vệ mình hoặc bất cứ người nào mà
mình có trách nhiệm chăm sóc khỏi sự tấn công nếu vũ lực được dùng không vượt quá mức cần
thiết nhằm ngăn chặn hoặc đẩy lùi sự tấn công.
(2) Mọi hành vi gây thương tích hay tổn hại vượt quá so với bản chất của sự tấn công sẽ
không được xem là phòng vệ chính đáng”.


Nội dung của quy định này khá rõ ràng. Giống quy định tại đoạn 2 Tiết 34, bị cáo
có thể được phép dùng vũ lực để bảo vệ mình hoặc bảo vệ người thứ ba mà bị cáo có
nghĩa vụ chăm sóc nếu bị cáo dùng vũ lực không vượt quá mức cần thiết. Đoạn 2 Tiết 37
nghiêm cấm hành vi dùng vũ lực vượt quá. Tiết 37 không giải thích người nào mà bị cáo
có nghĩa vụ chăm sóc. Thiếu sót này đòi hỏi thẩm phán và bồi thẩm đoàn có nghĩa vụ xác
định ai là người mà bị cáo có nghĩa vụ chăm sóc đối với từng vụ án cụ thể. Bên cạnh đó,
Tiết 37 cũng không nêu rõ liệu bị cáo có nghĩa vụ phải đợi đến khi người thứ ba (người bị
tấn công) dùng vũ lực trước rồi mới có quyền phòng vệ để bảo vệ người thứ ba đó không.
Theo tôi biết, pháp luật một số quốc gia chỉ cho phép bị cáo dùng vũ lực sau khi người
thứ ba đã chống trả vô hiệu.
Một vấn đề nữa phát sinh là người phụ nữ trong gia đình tồn tại nạn bạo hành
(battered woman) được xem xét như thế nào khi dùng vũ lực để bảo vệ mình và con
mình trong luật hình sự Canada? Trước năm 1990, người phụ nữ trong trường hợp như
thế cũng được xem xét giống như mọi người bình thường khác theo đoạn 1 Tiết 34 và
Tiết 37. Nghĩa là, để được xem xét là phòng vệ chính đáng, họ phải chứng minh được sự
tấn công là thực tế hoặc sẽ diễn ra ngay tức khắc. Vụ án của Whynot (vụ án của R đối với
Whynot) là một trường hợp điển hình. Whynot gây thương tích cho chồng mình khi anh
này chỉ mới hâm dọa sẽ giết cô sau khi uống rượu thật say. Mặc dù có rất nhiều chứng cứ


xác định trong quan hệ vợ chồng, Whynot thường xuyên bị ông chồng này đánh đập tàn
nhẫn và việc cô “ra tay” trước để tự vệ là cần thiết, tòa án vẫn kết tội Whynot.
Tuy nhiên, kể từ năm 1990, mọi chuyện đã khác đi. Vào năm 1990, Tòa án tối cao
của Canada xét xử vụ án một phụ nữ 22 tuổi tên Lavalee (vụ án của R đối với Lavalee)
(Các án lệ Hình sự Canada, Sách luật Canada, quyển 55, trang 97) bắn sau gáy của người
bạn trai mình bằng khẩu súng trường 303 khi anh này bỏ đi sau khi dọa sẽ giết cô ta.
Nhiều bằng chứng chứng tỏ Lavalee đã bị ông bạn vũ phu này hành hạ thậm tệ. Hành vi
của Lavalee không được tòa án áp dụng chế định phòng vệ chính đáng vì không chứng
minh được rằng mình đang thực tế gặp tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Lavalee

kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, bằng chứng về tâm thần liên quan đến vấn đề bạo
hành được Tòa xem xét. Tòa nhận xét: “Khi có chứng cứ thể hiện bị cáo sống trong điều
kiện nạn bạo hành thường xuyên xảy ra, các chuyên gia tâm thần có thể là những người
giúp bồi thẩm đoàn xem xét liệu bị cáo có lý hay không khi cho rằng mình đang trong
tình trạng nguy hiểm chết người lúc dùng vũ lực bằng cách lý giải sự nhạy cảm mạnh của
người phụ nữ thường xuyên bị hành hạ bởi hành vi của người đàn ông”. Cuối cùng, Tòa
án tối cao đã hủy án sơ thẩm và miễn trách nhiệm hình sự cho Lavalee vì hành vi giết
người của cô có yếu tố phòng vệ chính đáng.
2. Phòng vệ để bảo vệ tài sản (defence of property):
Nếu một kẻ trộm hay một ai đó xâm nhập nhà bạn lấy đồ của bạn, bạn không cần
“rút lui” bỏ hắn rồi chạy đến tòa án đòi lại tài sản của bạn. Pháp luật Canada thừa nhận
quyền sở hữu đối với tài sản là quyền cơ bản. Vì thế, luật hình sự Canada cho phép bạn
bất cứ lúc nào cũng có thể dùng vũ lực khi cần thiết để lấy lại tài sản của mình bị tước
đoạt bởi người khác. Từ Tiết 38 đến 42 của Bộ luật hình sự quy định cho phép dùng vũ
lực để bảo vệ tài sản trong những trường hợp khác nhau. Bất cứ người nào đang sở hữu
hợp pháp tài sản (động sản) cũng có quyền dùng vũ lực ở mức tối thiểu nhằm ngăn chặn
việc lấy đi tài sản của mình hoặc đoạt lại tài sản bị người khác chiếm. Một người đang sở
hữu tài sản một cách ngay tình (tạm dịch từ “peaceable possession of property under a
claim of right”, Từ điển Black’s Law, Bryan A. Garner, 1999, trang 242) cũng có quyền
dùng vũ lực, thậm chí đối với người đang kiện đòi quyền sở hữu đối với tài sản đó, để
bảo vệ tài sản. Luật còn cho phép dùng vũ lực để bảo vệ bất động sản (đất đai, nhà cửa...)
với những quy định đặc biệt về nơi cư trú. Nếu một người xâm nhập chỗ ở người khác
chống lại chủ sở hữu đang ngăn cản mình thì bị xem là phạm tội tấn công người khác.
Khi đó, chủ sở hữu sẽ được luật cho phép dùng vũ lực cần thiết để bảo vệ tính mạng, sức
khỏe mình (bên cạnh việc bảo vệ tài sản). Nhìn chung, luật không hạn chế mức độ dùng
vũ lực, miễn sao là cần thiết để bảo vệ tài sản, thậm chí giết chết kẻ xâm phạm tài sản (trừ
Tiết 38 cấm không cho gây thương tích kẻ xâm phạm).
a. Phòng vệ để bảo vệ tài sản cá nhân (defence of personal property):
Trong phòng vệ để bảo vệ tài sản, luật hình sự Canada phân biệt giữa trường hợp
tài sản của bị cáo hoặc tài sản mà bị cáo được pháp luật trao quyền sở hữu và tài sản mà

bị cáo chỉ chiếm hữu. Trường hợp tài sản thuộc quyền sở hữu của bị cáo, luật quy định tại
Tiết 38:


“(1) Bất cứ người nào đang là chủ sở hữu (không có tranh chấp, dịch từ “peaceable
possession”, Từ điển Black’s Law, Bryan A. Garner, 1999, trang 1184) đối với tài sản cá nhân,
và những ai giúp đỡ chủ sở hữu, được phép
(a) ngăn chặn kẻ chiếm đoạt nó, hoặc
(b) lấy lại tài sản từ tay kẻ đã chiếm đoạt nó nếu không đánh hay làm bị thương người đã
chiếm đoạt nó.

(2) Khi chủ sở hữu (không có tranh chấp) hoặc những ai giúp đỡ chủ sở hữu, đã
chạm tay được tài sản của mình nhưng kẻ chiếm đoạt nó bằng mọi cách giữ lại sẽ bị coi
là phạm tội tấn công người khác”.
Tiết này chỉ áp dụng đối với tài sản cá nhân, trừ đất và nhà cửa. Cho nên, ngay cả
một người đang sở hữu ngay tình tài sản nhưng không là chủ sở hữu (không có tranh
chấp) cũng không được dùng quy định này để bảo vệ tài sản đó.
Theo Tiết 38, chẳng hạn nếu bạn phát hiện được gã trộm với chiếc xe đạp mới của
bạn trong tay gã, bạn không chỉ giật lại chiếc xe rồi bỏ mặc gã mà còn có quyền thộp cổ
gã bảo: “anh đã bị bắt” (theo Tiết 27 Bộ luật hình sự Canada). Tuy nhiên, bạn không
được đánh gã trừ phi gã chống lại và việc dùng vũ lực là để ngăn chặn sự tấn công của gã
(đoạn 2 Tiết 38). Theo đoạn 2, bị cáo được phép dùng vũ lực đối với kẻ chiếm đoạt tài
sản vì kẻ này có hành vi chống lại. Vũ lực mà bị cáo dùng ở đây sẽ được xem xét là
phòng vệ chính đáng theo Tiết 34 (đã đề cập ở trên). Lưu ý, người được xem xét áp dụng
phòng vệ chính đáng ở đây gồm chủ sở hữu (không có tranh chấp) và những người giúp
đỡ chủ sở hữu.
Tiết 39 quy định phòng vệ trong trường hợp tài sản mà bị cáo đang chiếm hữu
ngay tình. Quy định này như sau:
“(1) Bất cứ người nào đang sở hữu ngay tình tài sản cá nhân, và những ai giúp đỡ người
này, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong việc dùng vũ lực để bảo vệ tài sản nếu vũ lực sử

dụng không vượt quá mức cần thiết.
(2) Bất cứ người nào đang sở hữu tài sản không ngay tình, và những ai giúp đỡ anh ta
không có quyền dùng vũ lực để bảo vệ tài sản, chống lại người có quyền sở hữu ngay tình đối với
tài sản đó”.

Pháp luật ưu tiên bảo vệ lợi ích của chủ sở hữu thực tế hoặc theo pháp luật hơn
người chiếm hữu tài sản nhưng không ngay tình hoặc không có cơ sở. Vì thế, những
người thực tế có tài sản nhưng chưa có cơ sở xác lập quyền sở hữu hợp pháp và những ai
giúp đỡ anh ta sẽ không có quyền chống lại người đang có quyền sở hữu ngay tình về tài
sản đó nếu có tranh chấp. Vụ án của Nykolyn (vụ án của Nykolyn đối với the King Các án
lệ Hình sự Canada, Sách luật Canada, quyển 94, trang 145) minh họa nội dung này. Ông
Nykolyn giữ chiếc va-ly của một phụ nữ trẻ vì cô này thiếu tiền thuê phòng của ông ta
(tại Winnipeg, 1946). Vài người bạn của cô ta đến chỗ của Nykolyn dọa ông ta để đòi lại
hành lý, nhưng Nykolyn không trả mà còn đánh một trong số những người bạn đó bằng
búa. Nykolyn bị kết án tội gây thương tích cho người khác. Tuy nhiên thẩm phán tòa


phúc thẩm, ngài Estey, nhấn mạnh rằng tòa sơ thẩm đã phớt lờ, không áp dụng Tiết 39
vào trường hợp của Nykolyn. Estey ra quyết định mở phiên tòa phúc thẩm để xem xét
hành vi của Nykolyn có phải là hành vi vượt quá giới hạn cho phép để chống lại ba người
đàn ông. Nếu hành vi này không vượt quá thì Nykolyn sẽ được miễn tội.
b. Phòng vệ để bảo vệ nhà ở và bất động sản (defence of dwelling-house and real
property):
Tiết 40 quy định:
“Chủ sở hữu (không có tranh chấp) nhà ở và những người giúp đỡ chủ sở hữu đều có
quyền ngăn chặn bất cứ ai xâm nhập bất hợp pháp vào nhà ở đó”.

Tiết 40 cho phép chủ sở hữu (không có tranh chấp) nhà ở và những người giúp đỡ
chủ sở hữu ngăn chặn kẻ xâm nhập bất hợp pháp nhà ở. Quy định này áp dụng cả đối với
người đang thi hành công vụ (cảnh sát) khi người này có hành vi vượt quá thẩm quyền,

cố ý xâm nhập chỗ ở người khác.
Tiết 41 quy định:
“(1) Chủ sở hữu (không có tranh chấp) chỗ ở hoặc bất động sản và những người giúp đỡ
chủ sở hữu có quyền ngăn chặn bất cứ ai xâm nhập chỗ ở, bất động sản đó hoặc đuổi kẻ này ra
khỏi chỗ ở, bất động sản, nếu hành vi được dùng không bị coi là vượt quá mức cần thiết.
(2) Người xâm nhập bất động sản nếu có hành vi chống lại chủ sở hữu hay những người
giúp đỡ chủ sở hữu sẽ bị coi là phạm tội tấn công người khác”.

Thuật ngữ “xâm nhập” ở đây được hiểu là hành vi xâm phạm trái phép bất động
sản của người khác (Từ điển Random House (1971), trang 1510). Một người lạ mặt có
thể có quyền vào chỗ ở, bất động sản của bạn để hỏi thăm một cựu chủ sở hữu, chẳng
hạn, nhưng sẽ trở thành “người xâm nhập” nếu bạn mời hắn rời khỏi mà hắn từ chối.
Theo đoạn 1 Tiết 41, bị cáo không được dùng vũ lực mà chỉ có thể dùng lời nói để
ngăn chặn kẻ xâm nhập hoặc đuổi kẻ xâm nhập ra khỏi chỗ ở, bất động sản. Tuy nhiên,
nếu kẻ xâm nhập chống lại yêu cầu đó thì bị cáo có thể dùng vũ lực và hành vi dùng vũ
lực sẽ được xem xét là phòng vệ chính đáng theo Tiết 34 Bộ luật hình sự. Trở lại vụ án
của Stephan (Xem Lịch sử Luật hình sự Anh (1883), quyển 3, trang 15). Stephan có thể
đuổi kẻ xâm nhập ra khỏi nhà hoặc đất của mình nhưng không được đánh người đó. Nếu
kẻ xâm nhập chống lại, Stephan được phép dùng vũ lực. Hơn thế nữa, nếu kẻ xâm nhập
tấn công, Stephan có quyền dùng bất cứ hành vi nào được cho là cần thiết để bảo vệ tính
mạng, sức khỏe của mình.
Tiết 42 quy định:
“(1) Người có quyền sở hữu hợp pháp đối với nhà ở hoặc bất động sản và những ai được
phép của người này đều có quyền đi vào (enter) ban ngày đối với nhà ở hoặc bất động sản đó.


(2) Một người (a) không phải là chủ sở hữu ngay tình đối với chỗ ở hoặc bất động sản
hoặc (b) không phải là người được chủ sở hữu theo pháp luật cho phép mà tấn công chủ sở hữu
hợp pháp với mục đích ngăn chặn sự “đi vào” ban ngày của họ thì bị coi là phạm tội tấn công
người khác.

(3) Một người (a) đang sở hữu ngay tình đối với nhà ở hay bất động sản hoặc (b) những
ai được phép của người đó mà tấn công người có quyền sở hữu hợp pháp đối với nhà ở hay bất
động sản đó vào ban ngày nhằm ngăn chặn người này vào thì sẽ bị coi là hành vi “khiêu khích”
(provoke) người khác”.

Trước hết, đoạn 1 Tiết 42 công nhận quyền “đi vào” nhà ở hay bất động sản vào
ban ngày của những chủ sở hữu hợp pháp. Nên nhớ rằng, chủ sở hữu trong trường hợp
này chỉ có quyền đối với tài sản của mình vào ban ngày chứ không phải ban đêm. Cho
nên, nếu chủ sở hữu “đi vào” nhà ở hay bất động sản vào ban đêm thì có thể cấu thành tội
xâm nhập chỗ ở ban đêm (Tiết 177 Bộ luật hình sự). Vấn đề khó ở đây là cả Bộ luật lẫn
Tòa án tối cao đều không có hướng dẫn xác định ban ngày là thời gian nào (?). Tiếp
theo, đoạn 2 & 3 Tiết 42 nêu cụ thể khi nào các chủ thể có quyền dùng vũ lực để bảo vệ
tài sản của mình. Các quy định này rất chi tiết, chúng ta có thể hiểu rõ mà không cần giải
thích gì thêm.
3. Giúp đỡ người thi hành công vụ (assisting those in authority):
Có lẽ luật hình sự Canada là một ngoại lệ vì có xem xét phòng vệ chính đáng đối
với những hành vi giúp đỡ người thi hành công vụ. Thật ra, pháp luật các nước trên thế
giới cũng có quy định những hành vi như thế hoặc tương tự như thế sẽ không bị truy cứu
trách nhiệm hình sự (hoặc không bị xem là phạm pháp) nhưng không xem là trường hợp
của phòng vệ chính đáng. Chẳng hạn, theo pháp luật Việt nam, bắt người phạm pháp
được xem là hành vi hợp pháp (Điều 64 Bộ luật tố tụng hình sự).
a. Ngăn chặn hành vi phạm tội:
Tiết 27 Bộ luật hình sự Canada quy định:
“Mọi người đều có quyền dùng vũ lực một cách cần thiết để
(a) ngăn chặn hành vi mà
(i) theo đó, tội phạm được thực hiện (trường hợp này, bất cứ ai cũng có quyền bắt anh ta
mà không cần lệnh bắt), và

(ii) sẵn sàng gây thương tích ngay tức khắc và nghiêm trọng đối với người khác
hoặc gây thiệt hại đối với tài sản của người khác.

(b) ngăn chặn một hành vi mà có cơ sở hợp lý cho rằng nếu được thực hiện chính là hành
vi đề cập ở điểm (a) Tiết này.”

Bàn về thuật ngữ “hợp lý” trong Tiết này, thẩm phán Dickson viết: “Để đánh giá
hành vi được dùng (để ngăn chặn tội phạm) có hợp lý hay không, tòa án cần cân nhắc tất


cả các tình tiết, như mức độ và bản chất của hành vi, khả năng dùng các biện pháp khác
để ngăn chặn tội phạm, bản chất của hành vi phạm tội...Tình tiết gây chết người để ngăn
chặn tội phạm phải được xem là khả năng sau cùng”. Nếu sau khi cân nhắc, hành vi
dùng vũ lực rõ ràng là vượt quá mức cần thiết để ngăn chặn tội phạm thì người đó phải
chịu trách nhiệm hình sự.
b. Ngăn chặn hành vi gây rối trật tự công cộng:
Tiết 30 quy định:
“Người nào chứng kiến hành vi gây rối trật tự công cộng thì có quyền ngăn chặn và có
quyền bắt giữ bất cứ ai đang gây rối hoặc sắp tham gia gây rối với mục đích giao cho cơ quan có
thẩm quyền (cảnh sát), nếu hành vi được dùng không vượt quá mức cần thiết để ngăn chặn hành
vi gây rối trật tự công cộng và bắt giữ những người có hành vi gây rối đó”.

Một số điểm cần lưu ý chúng ta có thể rút ra từ Tiết 30:
- Hành vi gây rối trật tự công cộng phải được người ngăn chặn tận mắt chứng
kiến;
- Chỉ được phép ngăn chặn hành vi gây rối đang diễn ra hoặc tiếp tục (sau khi
gián đoạn);
- Người gây rối có thể bị bắt giữ chỉ với mục đích giao cho cơ quan có thẩm
quyền;
- Vũ lực được dùng không vượt quá mức cần thiết so với hành vi gây rối.
c. Ngăn chặn hành vi “nổi loạn” (riot):
Đoạn 1 & 2 Tiết 32 là những quy định chỉ áp dụng đối với cảnh sát và quân đội
nên chúng ta không bàn đến ở đây. Đoạn 3 & 4 Tiết này quy định:

“(3) Bất cứ ai được lệnh của cảnh sát cũng có quyền ngăn chặn nhóm nổi loạn, nếu
(a) anh ta hành động ngay tình, và
(b) lệnh không trái pháp luật.
(4) Bất cứ ai ngay tình, dựa trên cơ sở hợp lý tin rằng sẽ có thiệt hại nghiêm trọng từ hành
vi nổi loạn gây ra và để bảo vệ an toàn cho nhân viên cảnh sát thì có quyền dùng vũ lực
(a) cần thiết để ngăn chặn cuộc nổi loạn, và
(b) không vượt quá giới hạn cần thiết so với sự nguy hiểm đang đe dọa từ hành vi nổi
loạn”.


“Nổi loạn” trong quy định này được hiểu là hành vi gây rối trật tự của từ ba người
trở lên với tính chất hỗn độn và bạo lực nhằm mục đích hù dọa chung hoặc khủng bố.
Theo luật hình sự Canada, bất cứ mọi cá nhân đều có quyền “đối đầu” (confront) với một
nhóm từ ba người trở lên:
- Khi có cơ sở cho rằng họ sắp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của
người khác;
- Và việc dùng vũ lực không vượt quá mức cần thiết để đảm bảo an ninh chung
cũng như sự an toàn của người khác.
Ngăn chặn hành vi nổi loạn vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của mọi công dân. Theo
Tiết 118 Bộ luật hình sự Canada, một người có thể bị kết án tội từ chối giúp đỡ cảnh sát
mà không có lý do khi được yêu cầu. Tiết 32 là một quy định cụ thể mà khi đó công dân
cần và phải giúp đỡ cảnh sát trong việc ngăn chặn hành vi nổi loạn. Dĩ nhiên, nếu một
người nào đó trong nhóm nổi loạn bị thương hoặc chết dưới tay anh, hành vi của anh sẽ
được xem xét, đánh giá tính “hợp lý” và “cần thiết”. Nếu hành vi của anh là cần thiết thì
anh sẽ được miễn tội vì quy định của phòng vệ chính đáng được áp dụng. Ngược lại, anh
sẽ bị kết tội.
Vấn đề phòng vệ chính đáng đã được giới thiệu ngay trong Bộ luật hình sự đầu
tiên của Canada (1892). Trong thực tiễn, những quy định về phòng vệ chính đáng thường
được viện dẫn trong các tội phạm có sử dụng vũ lực và hầu như nội dung của nó không
đổi qua hàng trăm năm nay ở Canada. Tuy nhiên, so với đa số các nước trên thế giới,

những quy định về phòng vệ chính đáng trong luật hình sự Canada là quá dài dòng, phức
tạp (luật hình sự các nước như Hà Lan, Đức, Nga, Việt Nam…chỉ dành một điều luật để
quy định về phòng vệ chính đáng). Trong một số trường hợp Luật đã quy định trùng lập
nhau. Chẳng hạn, đoạn 1 Tiết 34 cho phép người phòng vệ dùng vũ lực phòng vệ khi bị
tấn công trái pháp luật, Tiết 37 cũng cho phép người phòng vệ dùng vũ lực để bảo vệ
người mà mình có nghĩa vụ chăm sóc nhưng cũng để bảo vệ chính người phòng vệ. Gần
đây, nhiều nhà lý luận luật hình sự của Canada cho rằng những quy định về phòng vệ
chính đáng trong luật hình sự Canada đã quá lỗi thời, không còn phù hợp nữa, chúng
thiếu tính khoa học và lộn xộn. Đó là lý do vì sao họ kêu gọi sửa đổi chế định này.



×