Cần nâng cao khả năng giao tiếp cho sinh
viên du lịch
Trong tiến trình hội nhập của đất nước với thế giới, số lượng người sử
dụng tiếng Anh ở Việt Nam không ngừng tăng. Có thể nói, tiếng Anh đã
trở thành phương tiện giao tiếp vô cùng quan trọng trong tiến trình hội
nhập và phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội của đất nước. Học tiếng Anh
là một nhu cầu thiết yếu đối với thế hệ trẻ trong thời đại mới. Ngày nay,
học sinh – sinh viên Việt Nam có rất nhiều điều kiện để học tiếng Anh
song tỉ lệ người học tiếng Anh có thể giao tiếp được vẫn còn rất ít.
Trong các chuyên ngành đào tạo tại Trường Cao đẳng VHNT&DL Hạ
Long, du lịch là một chuyên ngành đòi hỏi cao về ngoại ngữ. Chính vì
thế, số lượng tiết học môn tiếng Anh chiếm tỉ trọng cao trong tổng số
các môn học được đào tạo (150 tiết tiếng Anh cơ bản, 360 tiết tiếng Anh
chuyên ngành). Với cấp độ từ cơ bản đến chuyên ngành, sinh viên sẽ
được học ngữ pháp và rèn luyện kĩ năng giao tiếp cơ bản sau đó tăng
cường độ tự tin và trôi chảy. Yêu cầu về sử dụng tiếng Anh giao tiếp của
sinh viên du lịch tại trường được thực hiện theo tiến trình từ thấp đến
cao đó là giao tiếp tiếng Anh trong các tình huống giao tiếp thông
thường, thảo luận theo chủ đề, đóng vai tình huống và thuyết trình trước
lớp. Số lượng tiết môn tiếng Anh được phân bổ hợp lí theo các kì học
với mục đích sau khoá học sinh viên du lịch có thể sử dụng tiếng Anh để
giao tiếp, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp du lịch trên
địa bàn tỉnh. Theo bà Nguyễn Thị Trực, Giám đốc khách sạn Novotel
Halong Bay – một khách sạn sang trọng đạt tiêu chuẩn 4 sao- cho biết,
yêu cầu đầu tiên của khách sạn khi tuyển dụng một nhân viên là phải có
khả năng giao tiếp tiếng Anh. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên bởi
giao tiếp tiếng Anh có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong mọi hoạt động
phục vụ khách của khách sạn.
Hiện nay, việc thiếu môi trường giao tiếp đang là một trở ngại lớn
trong quá trình học tập tiếng Anh của sinh viên nhà trường. Trong những
năm qua, giảng viên tiếng Anh khoa Ngoại ngữ đã có nhiều trăn trở, tìm
tòi nhiều phương pháp mới, tạo môi trường giúp cho sinh viên du lịch có
nhiều cơ hội giao tiếp như tổ chức các hoạt động CLB, bổ sung nhiều
giáo trình tiếng Anh giao tiếp, tăng cường các hoạt động nhóm, khuyến
khích sinh viên sử dụng tiếng Anh thường xuyên trong quá trình học tập,
nhiều tiết học có tính giao tiếp cao và có sự tương tác giữa giảng viên và
sinh viên được thực hiện.Với những cố gắng trên, trong hai năm gần
đây, trình độ giao tiếp của sinh viên du lịch có nhiều tiến bộ hơn những
năm trước. Song vẫn còn một số lượng lớn sinh viên du lịch sau khi ra
trường vẫn chưa thể giao tiếp bằng tiếng Anh. Nhiều sinh viên có vốn từ
vựng tiếng Anh và ngữ pháp tương đối, nhưng lại không thật sự tự tin
trình bày ý tưởng và trao đổi bằng tiếng Anh với giáo viên và bạn học
chưa nói đến việc giao tiếp với người nước ngoài. Có thể chỉ ra một
số nguyên nhân của tình trạng này như sau:
- Nguyên nhân thứ nhất: Phương pháp học tiếng Anh ở các cấp học
phổ thông có ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình giao tiếp của sinh
viên. Ở các cấp học này, sinh viên chỉ triền miên học ngữ pháp, cách
chia động từ, các cấu trúc câu ...để đối phó với các kì thi. Từ đó dẫn đến
tình trạng sinh viên “ngại” nói tiếng Anh, dè dặt trong giao tiếp, chưa
phát huy và tận dụng hết các cơ hội giao tiếp trong lớp học.
- Nguyên nhân thứ hai: Sự chệnh lệch về trình độ tiếng Anh của
sinh viên trong một lớp học gây khó khăn cho giảng viên trong quá trình
giảng dạy. Sử dụng nhiều tiếng Anh trong một giờ học mang lại hiệu
quả cho những sinh viên khá nhưng không phù hợp với những sinh viên
có khả năng giao tiếp yếu hơn, dẫn đến tình trạng sinh viên yếu vẫn dẫm
chân tại chỗ.
- Nguyên nhân thứ ba: Một số sinh viên chuyên ngành bếp, quản trị
KSNH chưa xác định được tầm quan trọng của tiếng Anh đối với công
việc sau này. Tư tưởng làm ở bộ phận bếp, buồng, phòng không cần đòi
hỏi cao về ngoại ngữ nên nhiều em chưa cố gắng trong học tập.
- Nguyên nhân thứ tư: Ngoài các giờ học tiếng Anh tại trường, sinh
viên không tự tạo ra các cơ hội giao tiếp hay tự học thông qua các
chương trình truyền hình, đài, internet...hoặc theo học thêm các lớp tiếng
Anh nâng cao buổi tối.
Với mong muốn nâng cao khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh cho
sinh viên các chuyên ngành du lịch thuộc khoa Lữ hành - Hướng dẫn du
lịch và khoa QTKD Khách sạn – Nhà hàng, cần có một sự đổi mới trong
cách dạy và học tiếng Anh tại trường. Việc đổi mới không phải từ
chương trình hay giáo trình mà từ phía giảng viên và sinh viên. Giảng
viên phải làm thế nào để đưa kiến thức từ giáo trình vào giờ học tạo sự
hấp dẫn cho giờ học và tạo cho sinh viên môi trường giao tiếp tốt nhất.
Mỗi giảng viên phải có ý thức đổi mới phương pháp giảng dạy liên tục,
tuỳ vào đối tượng và trình độ sinh viên của từng lớp để tìm cách dạy,
cách học phù hợp nhất. Giảng viên chủ động tạo điều kiện cho sinh viên
giao tiếp với nhau nhiều hơn. Khuyến khích việc dạy và học tiếng Anh
theo phương pháp giao tiếp, lấy học sinh làm trung tâm. Giảng viên bộ
môn thường xuyên tổ chức các buổi hoạt động ngoại khoá, tổ chức các
hoạt động nhóm, câu lạc bộ... thu hút đông đảo sinh viên tham gia. Sinh
viên ngoài giờ học trên lớp, cần tận dụng mọi cơ hội để học tập, để giao
tiếp ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào; tránh tư tưởng ngại sai, giấu dốt, tránh
né khi giao tiếp. Những sinh viên khá có thể liên hệ với các doanh
nghiệp du lịch làm cộng tác viên để thực hành giao tiếp.
Bỏ lại tất cả những gì còn e ngại về môn tiếng Anh, sinh viên du
lịch cần mạnh dạn hơn trong quá trình học tập. Tương lai đang nằm
trong tay của các bạn. Chính vì vậy, các bạn cần xác định rõ mục tiêu
học tập cũng như ý thức về vai trò quan trọng của ngoại ngữ trong công
việc sau này của bản thân để có được động cơ học tập tốt nhất.
Vũ Thị Bích Thảo