Tải bản đầy đủ (.doc) (8 trang)

TÀI LIỆU THAM KHẢO toàn cầu hóa và khả năng cạnh tranh nền kinh tế việt nam

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (58.46 KB, 8 trang )

Toàn cầu hóa và khả năng cạnh tranh nền kinh tế Việt Nam
Hiện nay, toàn cầu hóa kinh tế là một xu hướng nổi trội và do đó đã trở thành
môi trường của các cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các nước trên phạm vi toàn thế
giới. Tuy thế, giữa các nước và các bộ phận xã hội ở mỗi nước vẫn đang tồn tại sự
khác biệt đáng kể về nhận thức cũng như trong hành động trước toàn cầu hóa.
Những nước và các nhóm xã hội yếu thế thường bị thua thiệt do tác động từ
những mặt trái của toàn cầu hóa và luôn phản đối nó hoặc trong tâm thế thích ứng
bị động. Trong khi đó, những nước và những người có sức mạnh chi phối toàn
cầu hóa lại coi nó là cơ hội mang lại sự tiến bộ cho mình và ra sức tận dụng
những mặt tích cực của nó. Cho dù vậy, toàn cầu hóa vẫn đã và sẽ diễn ra, chi
phối dưới hình thức này hay khác, với các mức độ khác nhau đối với tất cả các
lĩnh vực kinh tế và xã hội của hầu hết các nước.
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập một số khía cạnh về ảnh hưởng của
toàn cầu hóa kinh tế đến quan hệ cạnh tranh.
1. Tác động của toàn cầu hóa kinh tế đến cạnh tranh quốc tế
Do ảnh hưởng của toàn cầu hóa, nền kinh tế thế giới hiện nay đang chuyển thành
một hệ thống liên kết ngày càng chặt chẽ thông qua các mạng lưới công nghệ thông
tin. Toàn cầu hóa đòi hỏi các quyết định kinh tế, dù được đưa ra ở bất kỳ nơi nào trên
thế giới, đều phải tính tới các yếu tố quốc tế. Từ cuối thế kỷ XX trở lại đây, sự chuyển
dịch hàng hóa, dịch vụ và các nguồn vốn đầu tư giữa các nước gia tăng ngày càng
nhanh, tạo ra sự biến đổi về chất so với trước đây.
Xu thế mới nhất trong sự phát triển của nền kinh tế thế giới và cũng là xu thế
cơ bản của cạnh tranh quốc tế ngày nay là một mặt, tất cả các nước đều phải gia
tăng thực lực kinh tế của mình và lấy đó làm điểm tựa chính để mở rộng khả năng
tham dự vào cuộc cạnh tranh ngày càng quyết liệt trên phạm vi toàn cầu; mặt
khác, cuộc cạnh tranh quốc tế lấy thực lực kinh tế làm cốt lõi có xu hướng ngày
càng quyết liệt đó cũng khiến cho nền kinh tế thế giới phát triển theo hướng quốc
tế hóa và tập đoàn hóa khu vực.
Toàn cầu hóa kinh tế và nhất thể hóa kinh tế khu vực làm gia tăng sự liên kết
trực tiếp giữa các doanh nghiệp của các nước, nhưng đồng thời cũng buộc các
doanh nghiệp phải trực tiếp cạnh tranh với nhau ngày càng gay gắt. Tuy nhiên,


1


toàn cầu hóa hoàn toàn không phải là "trò chơi" hai bên đều thắng, mà nó thường
gây ra hiệu ứng hai mặt. Có những khu vực, những nước và doanh nghiệp giàu
lên nhanh chóng nhờ toàn cầu hóa; nhưng có những khu vực, những nước và
doanh nghiệp bị thua thiệt hoặc thậm chí bị đẩy ra khỏi dòng chảy sôi động của
thương mại và đầu tư quốc tế. Ngày nay, muốn tránh thua thiệt và được hưởng lợi
trong cạnh tranh quốc tế, thì vấn đề cốt lõi là phải tăng cường thực lực kinh tế và
chủ động hội nhập.
Động lực của toàn cầu hóa chính là lợi ích mà các lực lượng tham dự có thể
thu được nhờ vào sự mở rộng thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư trực tiếp
nước ngoài (FDI). Việc mở rộng này là hoàn toàn phù hợp với công nghệ đang
thay đổi, làm giảm chi phí vận tải và thông tin liên lạc quốc tế, tạo điều kiện cho
việc khuyếch trương các hoạt động sản xuất và tiếp thị trên khắp thế giới. Song,
do khởi điểm mà các nước gia nhập quá trình này rất khác nhau, lợi ích mà họ thu
được từ toàn cầu hóa và tự do hóa không thể ngang nhau. Những nước kém phát
triển nhất hoặc những nhóm xã hội yếu thế do hạn chế về năng lực cung ứng các
nguồn lực, họ không được lợi trong thương mại. Trong lúc nhiều quốc gia thuộc
nhóm đang phát triển đã mạnh dạn áp dụng chính sách mở cửa, thu hút FDI và
đẩy nhanh thương mại, nhờ đó đã rút ngắn được khoảng cách so với các nước
phát triển.
Cho dù đã và sẽ còn những nghi ngại đối với toàn cầu hóa, nhưng không thể
phủ nhận và né tránh ảnh hưởng khách quan của nó đối với tất cả các nước. Trong
tiến trình toàn cầu hóa, chắc chắn là cạnh tranh quốc tế sẽ ngày càng mạnh mẽ và
quyết liệt hơn. Xu hướng này liên quan đến hàng loạt nhân tố, đó là : sự ra đời của
thị trường toàn cầu; sự ra đời với tốc độ nhanh chóng của hàng loạt công ty mới
giàu tinh thần lập nghiệp và năng lực sáng tạo kinh tế; sự xuất hiện liên tục của
những kỹ thuật mới và thị trường mới; sự gia tăng thường xuyên sức ép trên thị
trường chứng khoán đối với giá cổ phiếu; sự rút ngắn vòng đời của sản phẩm và

sự nhất thể hóa kinh tế có hiệu lực về mặt pháp lý... Ngày nay, bất kỳ chủ thể nào
muốn trụ vững và giành thắng lợi trên thị trường khu vực và thế giới, đều phải
tính toán đầy đủ các nhân tố đó khi thiết kế và thực hiện chính sách cạnh tranh.
2. Về một số vấn đề liên quan đến ViệtNam
2


Phát triển đất nước theo đường lối đổi mới, Chính phủ Việt Nam ngày càng
nhận thấy rõ hơn sự cần thiết phải tham gia vào quá trình toàn cầu hóa kinh tế và
cạnh tranh quốc tế. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 nêu rõ, phải
"Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tranh thủ mọi thời cơ để phát triển... Trong quá
trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, chú trọng phát huy lợi thế, nâng cao chất
lượng, hiệu quả, không ngừng tăng năng lực cạnh tranh và giảm dần hàng rào bảo
hộ". Báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10-2003) Quốc hội khóa XI,
cũng thẳng thắn thừa nhận: Tăng trưởng kinh tế trong ba năm vừa qua (2001 - 2003)
chủ yếu vẫn theo chiều rộng, tăng về số lượng, nhưng chậm chuyển biến về chất
lượng... Nhìn chung, sức cạnh tranh và hiệu quả của doanh nghiệp và nền kinh tế đều
thấp. Từ đó nhấn mạnh một trong các giải pháp lớn là "phải tạo bước phát triển mới
về kinh tế đối ngoại... Năm 2004 phải có bước đi mạnh mẽ hơn, với quyết tâm cao
về chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Đi đôi với việc thực hiện cam kết về lộ trình
tham gia Khu vực Mậu dịch tự do Đông Nam Á (AFTA) và phát triển các quan hệ
kinh tế song phương, cần đẩy mạnh đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới
(WTO) với phương án thích hợp để sớm trở thành thành viên của tổ chức này".
Như vậy, quyết tâm về mặt chính trị đối với vấn đề tham gia quá trình toàn
cầu hóa kinh tế của Việt Nam đã rõ. Nhưng phân tích về thực chất cho thấy Việt
Nam vẫn còn nhiều vướng mắc liên quan đến việc tham gia vào quá trình toàn cầu
hóa kinh tế.
Một là, những vướng mắc về nhận thức.
Hiện thời, ngay trong giới nghiên cứu và hoạch định chính sách ở cấp chiến
lược, vẫn còn nhiều bàn cãi về vấn đề nên hội nhập như thế nào. Gắn liền với câu

hỏi lớn này là hàng loạt vấn đề cụ thể vẫn chưa có đáp án mạch lạc: Tốc độ tự do
hóa nên như thế nào? Phải chăng cần trì hoãn quá trình tự do hóa để các doanh
nghiệp hiện tại có thời gian thực hiện cơ cấu lại và chuẩn bị sẵn sàng cho cạnh
tranh quốc tế? Nên hay không nên phân kỳ tự do hóa trên cơ sở căn cứ vào quá
trình phát triển các thể chế cần có cho một nền kinh tế thị trường hiện đại?
Phương thức hội nhập nên như thế nào: thông qua việc tham gia vào các hiệp định
đa phương, khu vực và song phương, thông qua việc đơn phương tự do hóa, hay
thông qua việc kết hợp các yếu tố này? Để bổ trợ cho tự do hóa thương mại và
3


đầu tư nhằm tối đa hóa các lợi ích và giảm thiểu các rủi ro thì cần có những biện
pháp nào?
Hai là, những vướng mắc trên thực tế thể hiện ở một loạt chỉ tiêu so sánh khả năng
cạnh tranh.
Về khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu và du lịch (bao gồm kim ngạch xuất
khẩu; kim ngạch xuất khẩu tính theo đầu người; tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu
tính theo đầu người, thu nhập từ du lịch tính theo đầu người; tổng kim ngạch dịch
vụ xuất khẩu).
Về khả năng cạnh tranh đầu tư (liên quan đến các chỉ số: hoàn thành vốn
gộp, tổng đầu tư cố định của tư nhân, tăng trưởng tổng đầu tư trong nước, đầu tư
nước ngoài thuần-tính theo tổng số và trên đầu người): Tổng đầu tư nội địa của
Việt Nam đạt tỷ lệ 25% GDP, tuy có cao hơn mức trung bình của khu vực
ASEAN (23 - 24%), nhưng đầu tư nước ngoài (FDI) còn thấp hơn rất nhiều so với
nhiều nước trong khu vực, như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore. Suất
đầu tư cho tăng trưởng (hệ số ICOR) của Việt Nam tăng nhanh và ở mức cao.
Về khu vực tài chính (liên quan đến các chỉ số: tiền và tiền tương đương
được tính bằng % của GDP; tín dụng trong nước từ khu vực ngân hàng; tín dụng
cấp cho khu vực tư nhân; đánh giá mức độ rủi ro trong tín dụng quốc tế ; tổng tiết
kiệm trong nước). Tuy nhiên, khu vực tài chính trong nước hiện nay vẫn ở tình

trạng kém phát triển, chưa có khả năng cung cấp tín dụng để hỗ trợ cho sự phát
triển của khu vực tư nhân. Tín dụng trong nước được khu vực ngân hàng cung cấp
còn ở mức thấp; mức độ rủi ro trong tín dụng quốc tế xếp ở mức 79/127 nước.
Về môi trường vĩ mô (bao gồm các chỉ số: lạm phát, thâm hụt ngân sách,
tổng thương mại, thuế nhập khẩu, tiền thu từ tư nhân hóa): Phần lớn các chỉ số về
chính sách vĩ mô của Việt Nam được đánh giá ở mức trung bình, riêng thuế nhập
khẩu vẫn ở mức 26% - mức quá cao so với yêu cầu của WTO (từ 13 đến 15%).
Về quy chế môi trường kinh doanh (bao gồm các chỉ tiêu: số lượng doanh
nghiệp mới thành lập, về xử phạt hành chính; chỉ số về nhận thức tham nhũng, chỉ
số về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, về xử lý quan liêu của Chính phủ, mức độ hoạt
động của kinh tế ngầm, chỉ số về tự do kinh tế) : Theo phân loại của Diễn đàn
Kinh tế thế giới, Việt Nam được xếp ở nhóm thấp về thành tích trong quy chế
hành chính, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, về sự quan liêu hành chính và mức độ
mở cửa của nền kinh tế. Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật Doanh nghiệp nhà
4


nước (sửa đổi), nhưng dư luận xã hội cho rằng luật này chưa đáp ứng được các
đòi hỏi bức xúc của thực tiễn hiện nay: chưa tăng quyền tự chủ, tự hạch toán kinh
doanh của các doanh nghiệp nhà nước, chưa xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, cơ chế
bao cấp, "xin cho" và các đặc quyền đặc lợi khác (khoanh nợ, dãn nợ, xóa nợ, bù
lãi suất tiền vay...). Đây chính là những kẽ hở, là nguyên nhân chính dẫn đến tâm
lý phổ biến của các doanh nghiệp nhà nước là trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của
Nhà nước, không muốn vươn lên bằng cạnh tranh lành mạnh. Những hạn chế này
cũng là một căn nguyên làm tăng thêm nạn tham nhũng và tiêu cực vốn còn đang
rất nghiêm trọng trong nhiều doanh nghiệp nhà nước hiện nay.
Về khả năng cạnh tranh trong khoa học và công nghệ (bao gồm các chỉ tiêu:
số lượng tiến bộ công nghệ được ứng dụng, số kỹ sư và nhà khoa học trên một
triệu dân, tổng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển): Theo đánh giá của Diễn đàn
Kinh tế thế giới, Việt Nam có điểm rất thấp về sự tiến bộ công nghệ. Hoạt động

nghiên cứu khoa học - công nghệ vẫn dựa chủ yếu vào ngân sách nhà nước. Chưa
phân biệt rõ hoạt động nghiên cứu cơ bản cần được Nhà nước tài trợ với hoạt
động nghiên cứu ứng dụng mà sản phẩm nghiên cứu phải trở thành hàng hóa,
được tạo nguồn kinh phí từ người sử dụng các sản phẩm đó. Môi trường kinh
doanh và sự phát triển ít coi trọng chất lượng và còn mang nhiều yếu tố bao cấp
nên chưa tạo được động lực và sức ép buộc mọi doanh nghiệp chăm lo đổi mới
công nghệ, tìm đến các cơ sở khoa học, công nghệ.
Về công nghệ thông tin và truyền thông (bao gồm các chỉ tiêu: số máy tính
cá nhân trên 1000 người; số thuê bao internet; chi phí gọi điện thoại trong nước và
quốc tế; xếp hạng về sự sẵn sàng trong kinh doanh điện tử...): Nếu so với trước
đây, tốc độ tăng trưởng công nghệ thông tin của Việt Nam những năm qua là khá
nhanh; nhưng so với các nước khu vực ASEAN và nhất là các nước phát triển,
Việt Nam vẫn được Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp ở mức thấp về công nghệ thông
tin và truyền thông, do chưa sẵn sàng để kinh doanh điện tử, ít sử dụng thư điện
tử và chi phí bình quân của các cuộc gọi trong nước và quốc tế còn cao...
Về kết cấu hạ tầng (bao gồm các chỉ số như đường đã được lát nhựa hoặc bêtông hóa trên tổng số đường hiện có; số km2 đường được lát tính bình quân theo
đầu người, mật độ điện thoại cố định, mật độ điện thoại di động; tiêu thụ điện
năng trên đầu người...): Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có những nỗ lực
5


lớn để phát triển kết cấu hạ tầng, nhưng vẫn chỉ được xếp ở mức 76/100 nước, chỉ
số về tiêu dùng điện bình quân đầu người/năm mới đạt 391 kWh (trong khi
Canada là 17.000 kWh/năm, Mỹ là 14.000 kWh/năm, Trung Quốc là 926
kWh/năm, Hồng Công là 5.700 kWh/năm, Nhật Bản là 8.200 kWh/năm, Malaysia
là 2.800 kWh, Thái Lan là 1.600 kWh, Singapore 8.100 kWh, Campuchia 20
kWh).
Về nhân lực (bao gồm chỉ số phát triển con người, tỷ lệ lao động nữ, tỷ lệ mù
chữ, tỷ lệ không được vào trung học trong độ tuổi, mức rò rỉ chất xám ra nước
ngoài): Trong năm 2003, Việt Nam mới chỉ đạt trình độ trung bình yếu về nhân

lực, xếp thứ 3,79/10 - đứng cuối cùng trong 13 nước ở khu vực; đáng lo ngại hơn
là trình độ tiếng Anh và trình độ tiếp cận công nghệ cao đều còn ở mức cuối bảng.
3. Để nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam
Theo tôi, nguyên nhân khách quan mang tính bao trùm của tình hình là do
Việt Nam hiện nay vẫn chưa ra khỏi giai đoạn khởi động của quá trình chuyển đổi
từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường. Nhưng chủ yếu
vẫn là do nguyên nhân chủ quan bắt nguồn trực tiếp từ những khiếm khuyết trong
hoạt động quản lý nhà nước: Môi trường đầu tư còn nhiều hạn chế chưa đủ sức
hấp dẫn, do chưa đủ quyết tâm chuyển mạnh và đồng bộ sang thể chế kinh tế thị
trường. Khung pháp lý hiện có chưa đáp ứng kịp nhu cầu hình thành và phát triển
của các thị trường thiết yếu, bộ máy quản lý nhà nước từ trung ương đến địa
phương chưa đủ sức kiểm soát và ngăn chặn được các "thị trường ngầm" gây
nhiều tiêu cực. Trong việc thiết kế và áp dụng các công cụ điều tiết vĩ mô, nhiều
cơ quan nhà nước vẫn thiên về lợi ích cục bộ của chính mình, chưa thực sự coi
trọng lợi ích và nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp và nhân dân. Tình trạng
phân biệt đối xử với các thành phần kinh tế vẫn còn khá phổ biến. Những hình
thái biến tướng của bao cấp, bảo hộ và độc quyền kinh doanh đang kìm hãm khả
năng phát triển của đất nước, nhưng chưa có biện pháp đủ mạnh để khắc phục.
Trong một số lĩnh vực, sự độc quyền của Nhà nước bị các tổng công ty lợi dụng
để biến thành đặc quyền riêng, biểu hiện ở giá cả của hầu hết sản phẩm hàng hóa
và dịch vụ mang tính độc quyền đều cao hơn giá quốc tế, dẫn đến làm tăng chi phí
"đầu vào" của các doanh nghiệp. Trong khi đó, chúng ta chưa xây dựng được
6


khuôn khổ pháp lý bảo đảm cho sự cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng. Áp lực
của hội nhập kinh tế và cạnh tranh quốc tế ngày càng mạnh, nhưng nhiều địa
phương và doanh nghiệp vẫn "đủng đỉnh" để trông đợi vào sự đầu tư và bảo hộ
của Nhà nước. Nguồn vốn ngân sách đang khan hiếm và tín dụng ưu đãi bị sử
dụng dàn trải, thậm chí vẫn bao cấp tràn lan kéo dài cho nhiều doanh nghiệp nhà

nước đang làm ăn không có hiệu quả. Cơ quan quản lý nhà nước các cấp nhìn
chung vẫn can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, trong khi lại
bỏ qua hoặc thực hiện không tốt những chức năng đích thực của mình. Biểu hiện
cụ thể là: quy hoạch vừa kém chất lượng vừa thiếu hiệu lực, chưa xây dựng được
hệ thống thể chế mang tính đồng bộ và thống nhất phù hợp với yêu cầu khách
quan của cơ chế cạnh tranh thị trường trong điều kiện toàn cầu hóa, quản lý và sử
dụng tài chính cũng như tài sản công còn rất lãng phí - nhất là đối với đất đai, đầu
tư công cộng và mua sắm bằng tiền ngân sách...
Những thiếu sót nêu trên cùng với sự yếu kém về kết cấu hạ tầng kỹ thuật có
ảnh hưởng rất tiêu cực đến khả năng tham dự toàn cầu hóa kinh tế và cạnh tranh
quốc tế của Việt Nam.
Để tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế Việt Nam trong
bối cảnh toàn cầu hóa đang ngày càng tác động mạnh mẽ cần phối hợp trí tuệ của
nhiều nhà khoa học và quản lý ở nhiều cấp, nhiều ngành. Ở đây, chúng tôi chỉ xin
nêu một số vấn đề chủ yếu.
Trước hết, cần thống nhất nhận thức ưu thế lớn nhất của nền kinh tế thị
trường chính là ở tính cạnh tranh. Nói cách khác, cạnh tranh là linh hồn của nền
kinh tế thị trường. Vì thế, thủ tiêu hay hạn chế cạnh tranh tức là triệt phá sức sống
của nó. Muốn có kinh tế thị trường theo nghĩa đích thực phải bảo vệ và duy trì
cạnh tranh bằng các thể chế cần thiết, đặc biệt là bằng các quy định pháp luật
minh bạch, dễ hiểu, dễ làm.
Hai là, nhanh chóng xác lập những điều kiện tiền đề cho chính sách cạnh
tranh. Theo đó cần xác định rõ chủ thể thị trường, vạch rõ ranh giới giữa thị
trường và Nhà nước; đồng thời, hình thành được hệ thống thị trường đồng bộ và
hoàn thiện.

7


Ba là, có "công nghệ" xây dựng chính sách cạnh tranh theo chuẩn mực hiện

đại, phù hợp với đòi hỏi khách quan của nền kinh tế thị trường và thông lệ quốc
tế. Theo đó, kết hợp hợp lý và có hiệu quả các biện pháp pháp chế, với kinh tế và
biện pháp hành chính cần thiết. Về các biện pháp pháp chế, xác định rõ chủ thể thị
trường và đưa ra những quy định thật khách quan và chặt chẽ để bảo đảm các chủ
thể đó luôn được đối xử bình đẳng - đó là điều kiện quan trọng hàng đầu để duy
trì cạnh tranh một cách công bằng; đồng thời phải chú trọng tăng cường hiệu lực
của pháp luật đối với trật tự thị trường, thúc đẩy việc thực hiện Luật Phá sản, sớm
xây dựng và ban hành Luật Cạnh tranh và chống độc quyền - làm cho luật này của
Việt Nam ăn khớp với các quy tắc thống nhất của khu vực và thế giới. Về các biện
pháp kinh tế, cần bảo đảm nguyên tắc không mâu thuẫn với các biện pháp pháp
chế, trên cơ sở đó xây dựng những nguyên tắc khách quan trong việc sử dụng các
đòn bẩy kinh tế như thuế, giá cả, tín dụng... để thúc đẩy cạnh tranh, đồng thời, tất
cả các chính sách khác có liên quan đều phải có tác dụng bảo vệ và khuyến khích
cạnh tranh, như chính sách phát triển các ngành, chính sách tài chính, chính sách
đầu tư, chính sách thương mại, chính sách việc làm và tiền lương... Về các biện
pháp hành chính, cần chú ý đến mối quan hệ giữa nó với các biện pháp pháp chế
và các biện pháp kinh tế; trên cơ sở đó, xác định rõ chức năng và quyền hạn của
các cơ quan chuyên trách và các chủ thể khác khi họ trực tiếp dùng quyền lực
hành chính để can thiệp, giám sát và quản lý các hành vi thị trường của các doanh
nghiệp. Các chức năng và quyền hạn đó đều phải được quy định rõ ràng trong luật
hành chính và có những điều khoản tương ứng trong Luật Cạnh tranh.
Bốn là, đẩy mạnh nghiên cứu và thực hiện việc quốc tế hóa chính sách cạnh
tranh. Việt Nam sớm có các tổ chức chuyên trách xây dựng luật và chính sách
cạnh tranh. Trong quá trình này, cần chú trọng tính quốc tế hóa của luật và chính
sách cạnh tranh của Việt Nam (chú trọng các đối tác quan trọng như ASEAN, Mỹ,
Nhật Bản, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc... và các tổ chức quốc tế lớn như WTO,
OECD, UNDP, UNCTAD...), đồng thời, đặc biệt lưu ý đến mối quan hệ giữa
chính sách và Luật Cạnh tranh của Việt Nam với cơ chế giải quyết tranh chấp của
WTO...


8



×