Tải bản đầy đủ (.doc) (8 trang)

TRUYỀN THỐNG tôn sư TRỌNG đạo của NGƯỜI VIỆT NAM

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (87.95 KB, 8 trang )

TRUYỀN THỐNG TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO CỦA NGƯỜI VIỆT NAM

Theo GS Phan Huy Lê: “Truyền thống là tập hợp những tư tưởng tình cảm,
những thói quen trong tư duy, lối sống và ứng xử của một cộng đồng người nhất
định được hình thành trong lịch sử và trở nên ổn định, được lưu truyền từ thế hệ
này sang thế hệ khác”. Tôn sư trọng đạo: “Tôn sư” là tôn trọng, kính trọng thầy
dạy “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy, tôn
vinh người thầy, nghề dạy học. “Trọng đạo” trước hết là đạo đức, đạo làm con,
đạo làm trò, nói rộng hơn là trọng đạo lí làm người. Truyền thống tôn sư trọng
đạo đã thấm sâu vào nhận thức, tình cảm, trở thành những hành vi của người
Việt Nam qua các thế hệ. Trước hết, để thể hiện lòng kính trọng, biết ơn công lao
của người thầy giáo, tôn vinh người thầy trong việc rèn luyện, giáo dục nhân
cách cho các thế hệ học trò để họ trở thành người tốt, người có ích cho xã hội. Vì
thế mà cha ông ta thường nói “không thầy đố mày làm nên”. Mặt khác xã hội tôn
vinh thầy giáo ở vị trí cao trong xã hội, bởi thầy giáo không chỉ tiêu biểu cho tri
thức mà thầy giáo còn là người giàu lòng nhân ái, sống mẫu mực, đạo đức trong
sáng. Có thể nói cái tâm cái trí của người thầy giáo là tấm gương sáng của con
người trong mọi thời kì lịch sử. Bàn về truyền thống tôn sư trọng đạo của nước
ta chính là bàn về những tư tưởng tình cảm, thói quen trong tư duy và ứng xử
của cộng đồng người Việt trong tiến trình lịch sử của nền giáo dục Việt Nam. Để
làm sáng tỏ vấn đề này, nhất thiết chúng ta phải men theo những chặng đường
khác nhau của lịch sử giáo dục Việt Nam.
* Nền giáo dục Việt Nam thời phong kiến
Thời phong kiến, nước ta chịu ảnh hưởng rất nhiều từ nền văn hóa Trung Quốc.
Nền giáo dục nước ta cơ bản rập khuôn Trung Quốc. Đạo học lấy chữ nho làm


trọng và được kính trọng gọi là chữ Thánh hiền, lấy đạo lý Khổng Mạnh làm kim
chỉ nam; lấy Tứ Thư, Ngũ Kinh làm kinh điển. Trong tiến trình lịch sử, đạo học
thời phong kiến cũng có nhiều biến đổi, song vẫn không thoát ly hoàn toàn
những nguyên tắc cơ bản trên1.


Người xưa đặc biệt chú trọng đến nhân cách con người, do vậy đạo học thời
phong kiến lấy chữ “Lễ” làm trọng, sau đó mới đến chữ “Văn”. Điều này cũng
nằm trong thuật trị quốc của các triều đại phong kiến. Lễ giáo phong kiến đặt ra
nó có một cái lợi rất lớn, đó là giữ cho xã hội “thăng bằng” trong tam cương, ngũ
thường…Xét trong quan hệ thầy trò thì có tam kính (quân, sư, phụ). Bên cạnh
những luật lệ bất thành văn ấy, nhà nước còn đề ra những điều luật bảo vệ danh
dự, tính mạng của người thấy, như điều 489 luật Hồng Đức có ghi: “Học trò mà
đánh, lăng mạ thầy thì xử nặng tội hơn đánh và lăng mạ dân thường ba bậc.
Đánh chết thầy phải tội chém”. Người thầy được đặt vào vị trí xứng đáng trong
xã hội. Những điều luật thành văn và bất thành văn ấy dần dần ăn sâu vào nếp
nghĩ, thái độ ứng xử, cũng như việc làm của mỗi thành viên trong xã hội, để rồi
theo năm tháng nó kết tinh lại tạo thành truyền thống hiếu học - tôn sư trọng đạo
của dân tộc Việt Nam2.
Truyền thống tôn sư trọng đạo của nước ta đã được truyền qua nhiều giai đoạn
lịch sử khác nhau. Song, phải thừa nhận rằng đạo học thời phong kiến đã ăn sâu
vào tiềm thức người Việt Nam và có khả năng tác động, chi phối đạo học thời
sau này (kể cả tương lai). Và trong nền giáo dục phong kiến ấy, đã để lại cho
chúng ta nhiều tấm gương sáng về thầy và trò. Nhân cách cao cả, tinh thần học
tập của họ luôn là bài học cho hậu thế mà điển hình phải kể đến nhà giáo Chu
Văn An - ngôi sao sáng của nền giáo dục đời Trần hay còn được nhắc tới như
người thầy đầu tiên của nền giáo dục Việt Nam.
1
2

Hứa Văn Ân (1998), Truyền thống tôn sư trọng đạo, NXB Trẻ, trg.8
Hứa Văn Ân (1998), Truyền thống tôn sư trọng đạo, NXB Trẻ, trg.13


Sinh ngày 25/8/1292, tại Quang Liệt, Thanh Trì, Hà Nội, mất ngày 26/11/1370.
Là một con người tài năng xuất chúng, từ thuở nhỏ thầy đã được biết đến là một

người thông minh, tài giỏi và và là một thần đồng của nước Nam. Thầy Chu Văn
An là một con người kỳ lạ, con đường tiến thân của thầy khác hẳn những người
đương thời, thầy chỉ mở lớp dạy học ở nhà và không tham gia khoa cử, những
học trò của thầy thuộc mọi tầng lớp và đều được thầy đối xử như nhau. Trong số
những học trò của thầy, nhiều người về sau đều thành công trên con đường khoa
cử, trong số đó có Phạm Sư Mạnh, Lê Quát. Từ sự thành công của những người
học trò, tiếng tăm của thầy đã được mọi người biết đến.
Năm 1325, thầy Chu Văn An được vua Trần Minh Tông mời thầy vào cung dạy
cho thái tử, trong thời gian làm việc ở Quốc tử giám, thầy đã soạn ra một bộ
sách giáo khoa giảng dạy về Nho giáo do chính người Việt soạn có tên “Tứ thư
thuyết ước”. Là một con người tiết tháo, không cúi đầu trước gian thần lộng
quyền hại dân hại nước, thầy dâng “thất trảm sớ” để chém 7 tên gian thần
nhưng không được Trần Dụ Tông chuẩn tấu.
Trước chính sự rối ren, gian thần lộng quyền, vua không nghe lời can gián của
bậc tôi trung. Thầy Chu Văn An cởi mũ áo, từ quan ở ẩn, trong thời gian này
thầy đã làm nhiều bài thơ nói lên tâm sự của mình. Dù ở ẩn nhưng học trò của
thầy vẫn lui tới thăm thầy, chuyện kể “Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, dù làm quan
cao chức lớn, khi đến thăm thầy vẫn cúi đầu lạy dưới giường và không dám ngồi
chung chiếu trò chuyện với thầy. Thấy thầy nghèo túng, có người kín đáo để lụa
là, châu báu ngầm tặng thầy, khi biết được thầy sai tiểu đồng đen tặng lại cho
người nghèo khổ khác”3.
* Nền giáo dục Việt Nam từ 1858 – 1945
Đặc điểm nổi bật nhất của nền giáo dục nước ta giai đoạn này là việc nhà nước
dùng tiếng Pháp và chữ quốc ngữ làm ngôn ngữ chính thống trong viêc dạy học
3

Thùy Linh- Việt Trinh (2012), Nhà Giáo Việt Nam Qua Các Thời Kỳ, NXB Dân Trí, NXB Hà Nội, tr15.


và thi cử. Chữ nho không còn giữ địa vị độc tôn sau hơn 9 thế kỷ ngự trị nền

giáo dục Việt Nam.
Mặc dù chịu nhiều chính sách cai trị của thực dân Pháp, nhưng nhà nước phong
kiến Việt Nam từ Tự Đức về sau vẫn tổ chức được những kì thi theo lệ chung của
các triều đại trước. Tuy nhiên cảnh trường thi, cảnh quan trường không còn được
trang nghiêm như trước. Chữ nho ngày càng bị bỏ rơi, nhà nho tâm huyết đa số
mang tâm trạng kẻ thất sủng. Có trong thể nói giáo dục từ thời Tự Đức về sau là
một bước lùi trong tiến trình lịch sử của mô hình giáo dục phong kiến Việt Nam.
Chính sách giáo dục của thực dân Pháp đã làm thay đổi hẳn bộ mặt nền giáo dục
cổ truyền. Sự thay đổi cơ cấu tổ chức, nội dung giảng dạy của chính quyền thực
dân đã gây một phản ứng khá mạnh mẽ trong lớp nhà nho. Nền học cũ bị bãi bỏ,
chữ thánh hiền ngày càng mai một, nho sĩ đương thời vừa có cái hụt hẫng, vừa
mang tâm lý bị xúc phạm. Họ căm ghét thực dân, căm ghét nền học mới, xem nó
như cái học của phường cướp nước. Trong khi đó lại có rất nhiều nho sĩ chí sĩ
hăm hở đi theo con đường Duy Tân và đề xướng lối học mới, trực tiếp chống lại
thứ giáo dục lạc hậu thời phong kiến lẫn thứ giáo dục nô dịch của bọn thực dân.
Họ đã tập hợp nhau lại thành những tổ chức rầm rộ vận động cải cách giáo dục
từ Nam chí Bắc. Trong lịch sử giáo dục nước nhà, họ là những chiến sĩ tiền
phong vận động cải cách toàn bộ nền giáo dục nước ta.
Có thể thấy, dưới tác động của chính sách đô hộ trong lĩnh vực giáo dục từ thực
dân Pháp, một bộ phận nho sĩ vẫn đứng lên đấu tranh vì tấm lòng yêu nước kiên
trung. Họ vừa là những người thầy trên mặt trận giáo dục, vừa là chiến sĩ trong
sự nghiệp chống ngoại xâm, giành độc lập cho dân tộc. Trong giai đoạn này, có
thể kể đến những người thầy tiêu biểu như: Thầy Phan Bội Châu, thầy Phan
Ngọc Hiển, thầy giáo Nguyễn Đình Chiểu - một người thầy, một nhà yêu nước
tiêu biểu.


Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) là một nhà thơ, nhà văn hóa cận đại của Việt
Nam. Sinh tại làng Tân Khánh, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia
Định. Tuổi thiến niên, ông đã chứng kiến cảnh loạn lạc của đất nước, đặc biệt là

cuộc khởi nghĩa của Lê Văn Khôi tại Gia Định. Năm 1843, ông đỗ Tú tài, năm
1847, ông ra Huế học để chờ khoa thi 1849. Nhưng chưa kịp thi thì mẹ ông mất
và ông phải về chịu tang mẹ, trên đường về vì găp nhiều trắc trở và khóc thương
mẹ nên ông bị mù đôi mắt, đến năm 1851, ông mở trường dạy học và làm
thuốc.Cuộc đời ông gắn liền với những áng văn thơ phản ánh hiện thực xã hội
lúc bấy giờ và cũng là thể hiện tấm lòng yêu nước của ông. Người đời sau có
nhận xét về ông như sau “So với các trước tác của các nhà văn cùng thời,
Nguyễn Đình Chiểu đã có một thái độ tích cực hơn, vì dân vì nước hơn. Tuy
không đứng vào hàng ngũ cầm khí giới, nhưng ông rất có cảm tình với họ, chia
sẻ với họ cái hờn mất nước, lòng căm ghét quân địch và bọn hợp tác..”.
* Nền giáo dục Việt Nam từ 1945 đến nay
Cách mạng Tháng Tám thành công, đưa nhân dân lên vị trí người làm chủ đất
nước. Dựa trên tư tưởng đặc biệt chú ý tới giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh,
chỉ chưa đầy một tuần sau khi tuyên bố Việt Nam độc lập, ngày 8-9-1945, Chính
phủ đã ra 3 sắc lệnh về phát triển bình dân học vụ, nhằm giúp cho dân ta thoát
nạn mù chữ.
Tuy kháng chiến nhưng hệ thống trường học từ khu đến tỉnh phát triển rất mạnh.
Đây là bước tiến dài so với thời gian trước Cách mạng Tháng Tám. Những năm
1950, Chính phủ đã mở các trường đại học như Đại học Y khoa ở Việt Bắc, Đại
học Sư phạm ở Thanh Hóa và Nam Ninh (Trung Quốc); Cao đẳng Giao thông ở
Thanh Hóa, đào tạo cán bộ có trình độ cao phục vụ chiến trường, phục vụ dân
sinh... Bên cạnh đó, một lực lượng không nhỏ cán bộ được đào tạo tại nước
ngoài để trở thành những đội ngũ cốt cán của nước nhà sau này.


Nhờ phát triển hệ thống giáo dục như vậy nên đã đáp ứng được một phần nhân
lực có trình độ, phục vụ trong các binh chủng Quân đội nhân dân Việt Nam; nhất
là những binh chủng cần có trình độ học vấn tốt, như pháo binh, tên lửa, phòng
không, không quân, các ngành công nghiệp, cũng như các ngành khác để thực
hiện khẩu hiệu “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”.

Sau ngày thống nhất đất nước, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm và
tinh thần trách nhiệm cao, ngành giáo dục đã từng bước hoàn thiện và dần dần
phát triển để trở thành một điểm tựa trong sự phát triển của đất nước. Trong giai
đoạn này có rất nhiều tấm gương nhà giáo ưu tú đã cống hiến cả tâm huyết của
mình trong sự phát triển của ngành giáo dục. Điển hình phải kể đến Thầy Trần
Quốc Vượng- nhà giáo ưu tú, một nhà sử học chân chính
Sinh 12/12/1934, tại tỉnh Hải Dương. Mất năm 2005. Thầy là một nhà giáo ưu
tú, một sử gia chân chính và mẫu mực.
Sinh ra trong một gia đình có nhiều người sớm giác ngộ và đi theo cách mạng,
theo kháng chiến, theo Đảng. Ngay từ nhỏ, ông đã sống trong một gia đình “có
học” với bầu không khí “chỉ có học”. Niềm đam mê văn sử của ông, lòng thành
tâm với lịch sử văn hóa Việt Nam cũng khởi nguồn từ truyền thống yêu nước,
hiếu học, ham học của gia đình.
Từ giữa những năm 1956, sau khi tốt nghiêp thủ khoa ngành Sử-Địa, Trường
Đại học Sư phạm Hà Nội, ông trở thành thầy giáo của Khoa Lịch sử, Trường
Đại học Tổng Hợp Hà Nội. Suốt cuộc đời, GS Trần Quốc Vượng gắn bó thủy
chung, dốc một lòng, trông một đạo cho Khoa Lịch sử của Trường Đại học Tổng
hợp Hà Nội nay là trường ĐH KHXH-NV ĐHQGHN.
Trong sự nghiệp đào tạo, GS là người góp phần xây dựng Bộ môn Khảo cổ học,
có công xây dựng Trung tâm Nghiên cứu liên văn hóa-lịch sử, bộ môn văn hóa
du lịch, bộ môn lịch sử văn hóa việt nam và môn địa lý nhân văn…… Ông là một
trong những người khơi mở và đi đầu trong hướng tiếp cận liên ngành và đa
ngành trong nghiên cứu các ngành sử học, văn hóa. GS được Đảng và Nhà nước


phong tặng các huân chương cao quý: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ
hạng Nhì, huân chương lao động hạng Nhất…… và nhiều huy chương khác như
Huy chương vì thế hệ trẻ, huy chương vì sự nghiệp giáo dục, huy chương vì sự
nghiệp khoa học-công nghệ…..
GS Trần Quốc Vượng còn được giới nghiên cứu khoa học xã hội-nhân văn khu

vực ĐNA và thế giới đánh giá cao bởi những đóng hóp và ý tưởng khoa học mới
lạ, độc và sắc của mình ở bất kỳ lĩnh vực nào mà ông quan tâm. Ông tham gia
chủ trì và đồng chủ trì nhiều hội thảo khoa học trong nước và quốc tế, nhiều
công trình khoa học của ông đã được công bố ở nước ngoài
* Ngày nhà giáo Việt Nam 20 - 11
Mùa xuân năm 1953, Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục
Nguyễn Khánh Toàn làm trưởng đoàn dự Hội nghị quan trọng kết nạp Công đoàn
giáo dục của một số nước vào tổ chức FISE tại Viên (Thủ đô nước Áo), trong đó
có Công đoàn Giáo dục Việt Nam.
Từ ngày 26 đến 30/8/1957, tại Thủ đô Vacsava, Hội nghị FISE có 57 nước tham
dự, trong đó có Công đoàn giáo dục Việt Nam, quyết định lấy ngày 20/11 làm
ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo.
Lần đầu tiên ngày "Quốc tế Hiến chương các nhà giáo" được tổ chức trên toàn
miền Bắc nước ta vào ngày 20/11/1958. Những năm sau đó, ngày lễ 20/11 còn
được tổ chức tại các vùng giải phóng ở miền Nam.
Khi Việt Nam thống nhất, với ý nghĩa tích cực của ngày 20/11, theo nguyện vọng
của giáo giới cả nước, kiến nghị của Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam lần
thứ VIII (tháng 4/1982) và Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên
nghiệp, Tổng Cục dạy nghề, Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em…, Hội đồng Bộ trưởng
(nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT, ngày 26/9/1982 quyết
định sẽ lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam.


Ngày 20/11/1982, lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tiến hành
trọng thể trong cả nước. Từ đó đến nay, đây là ngày truyền thống của ngành giáo
dục để tôn vinh những người làm công tác trồng người. Ngày Nhà giáo Việt Nam
(hay ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam) được tổ chức hằng năm vào ngày
20/11 không chỉ là dịp để Ngành Giáo dục tôn vinh những người hoạt động trong
ngành, học trò thể hiện lòng thành kính “tôn sư trọng đạo” mà còn là dịp để xã
hội tôn kính, tri ân những người đã, đang gắn bó với nghề dạy học - “Nghề cao

quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”.
Đó là việc làm cần thiết không những phù hợp với tinh thần của “ Bản hiến
chương các nhà giáo” do Liên hiệp các Công đoàn giáo dục Quốc tế xây dựng và
thông qua tại Hội nghị Quốc tế các nhà giáo ở Vacxava năm 1946, mà còn phù
hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt nam - một dân tộc có hàng nghìn
năm Văn hiến và truyền thống hiếu học “ Tôn sư, trọng đạo”.



×