Chỉ có 10 ngày để đánh giá chương trình (CT) và 12 cuốn sách giáo khoa (SGK) môn Đạo đức và Giáo dục Công dân (GDCD),
Ban đánh giá khẳng định bậc tiểu học và THCS đã tạm chấp nhận được, tuy còn có thể cải tiến cho hay hơn còn bậc THPT cần
tách bạch CT và viết lại SGK.
10 ngày, đánh giá 12 cuốn sách
Xin ông cho biết quy trình đánh giá CT và SGK môn Đạo đức và GDCD?
Trước tiên chúng tôi mời nhóm xây dựng CT tới trình bày về ý đồ của họ khi làm CT và SGK.
Sau đó, ban đánh giá mời một số giáo viên giảng dạy môn Đạo đức ở bậc tiểu học và GDCD ở các trường THCS, THPT của Hà Nội và
Hà Tây đến tham khảo trực tiếp ý kiến. Đồng thời, chúng tôi cũng mời một số chuyên gia hàng đầu giàu kinh nghiệm trong nhiều lĩnh
vực, đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học tâm lý tới cùng tham gia đánh giá.
Rất tiếc là thời gian quá gấp gáp, chỉ có khoảng 10 ngày nên chúng tôi chưa thể thực hiện tất cả những phương pháp cần thiết để đưa ra
đánh giá hoàn chỉnh nhất.
Sắp tới nếu có thêm thời gian và kinh phí, chúng tôi dự định mời thêm các giáo viên, phụ huynh và HS ở khắp 3 miền, cả miền núi lẫn
miền xuôi cùng tham gia. Bên cạnh đó, cũng cần khảo sát thực tế, xuống dự giờ các giờ học của HS ở nhiều trình độ khác nhau, từ kém,
trung bình đến khá, giỏi để trực tiếp đánh giá khả năng tiếp thu của HS. Chúng tôi sẽ ghi hình, ghi âm lại toàn bộ các tiết học và ý kiến
sau giờ học của giáo viên và phụ huynh để về nghiên cứu kỹ hơn.
Đánh giá CT và SGK là 1 việc làm không dễ dàng và đòi hỏi nhiều thời gian, phải làm có hệ thống chứ tiến hành gấp gáp như hiện nay
thì kết quả còn hạn chế. Chúng tôi mong chờ có kế hoạch dài hơi hơn.
Vậy kết quả đánh giá bước đầu về CT và SGK môn Đạo đức, GDCD như thế nào, thưa ông?
Trước tiên tôi phải nhấn mạnh rằng Đạo đức, GDCD là môn rất quan trọng, giúp hình thành nhân cách và đạo đức cho con người nhưng
CT lại dành thời lượng chưa thỏa đáng (1 tiết/tuần).
Nhìn chung, CT và SGK môn này không bị “kêu” nhiều như những môn khác vì so với trước, CT mới đã có những tiến bộ rõ rệt, đổi
mới tích cực.
CT đã quán triệt quy luật quá trình nhận thức từ cảm tính tới lý tính, từ cụ thể đến trừu tượng, quán triệt quan điểm giá trị và giáo dục
hệ thống giá trị cho HS, phù hợp, nhất quán với đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước. CT và nội dung môn học được xây dựng
trên nguyên tắc đồng tâm và phát triển những kiến thức, kỹ năng và thái độ phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của HS từng cấp, được
cấu trúc theo logic của nhận thức.
GS.TS Nguyễn Ngọc Phú:
"Môn này không bị "kêu"
nhiều như các môn khác!".
Ảnh: Lan Hương
Đặc biệt là nội dung đã đi liền với đổi mới phương pháp tổ chức dạy học, hoạt động trong và ngoài giờ học văn hóa để thực hiện mục
tiêu môn học.
Tiểu học, THCS: Tạm ổn; THPT: Viết lại SGK
Có vẻ như CT và SGK môn Đạo đức, GDCD khá ổn. Liệu có hạn chế, thiếu sót nào cần khắc phục không, thưa ông?
Tất nhiên, CT vẫn còn nhiều hạn chế.
Trước hết, chúng ta cũng chưa có nội dung phân biệt giữa miền núi và miền xuôi vì ở các khu vực khác nhau có thể cùng giải chung 1
bài toán nhưng không thể cần những kỹ năng sống giống hệt nhau.
Về CT bậc tiểu học và THCS thì chúng tôi đánh giá là chưa thực sự hay nhưng có thể chấp nhận được, HS có thể tiếp thu được.
Riêng bậc THPT thì chưa ổn. Phần lớn CT là sự “trá hình” các môn lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin nhưng lại “nấp” dưới bóng
môn GDCD. Chính vì lồng ghép kiểu “Công dân với việc hình thành thế giới quan và phương pháp luận” nên rất khó cho HS thẩm thấu
kiến thức vì không đề cập tới những phạm trù cơ bản của triết học là vật chất và ý thức.
HS phổ thông khi vào ĐH tiếp tục được học Triết học, Kinh tế Chính trị nhưng lại rất bỡ ngỡ như học lần đầu. 1 giáo viên Trường Chu
Văn An cho biết sự “nhập nhèm” này khiến giáo viên giảng dạy cũng khó.
Phần lý thuyết vẫn còn nặng tính hàn lâm vì một số tác giả “sợ”, chỉ nêu dẫn chứng kinh điển, nghị quyết. Cách trình bày như vậy
không sai nhưng chưa thật hay. Đáng lẽ có thể thổi “cái hồn” vào bài học nhưng chưa làm được nên người học thấy “cứng”.
Hệ thống kênh hình chưa được sử dụng thỏa đáng cũng làm cho sách kém sinh động, hấp dẫn.
Ban đánh giá có đề xuất gì để khắc phục những thiếu sót, hạn chế đó?
Trước tiên, chúng tôi kiến nghị CT cần cắt bớt đi phần chung, dành khoảng ¼ thời lượng cho nội dung phù hợp với vùng miền, đối
tượng HS do Sở GD-ĐT quy định. Chuẩn kiến thức, kỹ năng của mỗi bài nên quy định theo 3 mức độ: yêu cầu cho vùng thuận lợi,
vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Riêng CT từ lớp 7 tới lớp 12 cần xem xét một số nội dung chính trị, pháp luật, quyền và nghĩa vụ công dân ít phù hợp với lứa tuổi HS
thì nên giảm bớt hoặc chuyển từ lớp dưới lên lớp trên.
Đặc biệt lớp 9 là lớp phổ cập, sau đó có nhiều HS sẽ ra học nghề hoặc lao động nên cần
tập trung giáo dục một số điều về pháp luật thiết thực với các em.
CT bậc tiểu học tuy có thể dùng được nhưng vẫn nên cải tiến cho hay hơn bằng cách lựa chọn những mẩu chuyện phù hợp hơn, không
nên dùng truyện nước ngoài trong khi kho tàng truyện dân gian và hiện đại của Việt Nam rất lớn. Thông qua các mẩu chuyện đó, lồng
ghép giảng dạy về tinh thần yêu nước và truyền thống dân tộc.
Chương trình Đạo đức, GDCD
nặng về giáo dục nhận thức, thiếu
hụt giáo dục hành vi. Ảnh: Lan
Hương
Riêng CT bậc THPT, chúng tôi đề nghị thẳng thắn định danh nội dung Triết học sơ giản, Kinh tế Chính trị học sơ giản chứ không “núp
bóng” kiểu “Công dân với…” dẫn đến thiếu hụt về kiến thức.
Khi tách bạch ra như vậy thì phải viết lại toàn bộ SGK cho hệ THPT.
Đánh giá chương trình phải gắn với các điều kiện khác
Nếu CT và SGK Đạo đức, GDCD không bị người trong ngành “kêu” nhiều như đánh giá của các ông thì tại sao những năm qua, xã hội
vẫn băn khoăn về chất lượng giảng dạy môn này?
Trước hết, phải nói rằng chúng ta mới chỉ tập trung vào giáo dục nhận thức mà coi nhẹ giáo dục hành vi trong khi trẻ con học rất nhanh
qua hành vi của những người xung quanh.
Chẳng hạn như ở Nhật Bản, HS lớp 1 phải học cách cúi gập người chào người lớn suốt 1 tuần liền. Còn ở ta, nhiều khi học trò không
phải không biết lịch sự mà chưa được luyện tập hành vi để chứng tỏ mình là người lịch sự.
Bên cạnh đó, HS tiếp thu nhiều hay ít phụ thuộc rất lớn vào năng lực truyền đạt của giáo viên. Trong khi đó, đội ngũ giáo viên môn này
hiện nay thiếu và yếu.
Các môn khoa học tự nhiên có thể 10 năm chỉ giảng 1 nội dung nhưng với môn Đạo đức và GDCD thì phải cập nhật thông tin hàng
ngày để lấy con số và ví dụ mới. Giáo viên môn này cũng phải rất tâm huyết và nắm vững khoa học tâm lý mới có thể dạy tốt được.
Nhưng trong điều kiện hiện nay thì ít có giáo viên nào có thể toàn tâm toàn ý với môn học.
Cho nên, CT không nặng nhưng điều kiện thực hiện hạn chế thì sẽ thành rất nặng nề, căng thẳng.
Tóm lại, đánh giá CT và SGK phải gắn với điều kiện sống của HS, giáo viên và các điều kiện khác nữa.
Xin cảm ơn ông