Tải bản đầy đủ (.doc) (11 trang)

Bài tiểu luận Bình đẳng giới trong lãnh đạo quản lý

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (89.82 KB, 11 trang )

1
1. Mở đầu:
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, phụ nữ luôn giữ vai
trò quan trọng và có những đóng góp đáng kể. Từ cuộc đấu tranh kiên cường,
bất khuất của hai Bà Trưng, Bà Triệu đến hai cuộc kháng chiến chống thực
dân Pháp và đế quốc Mỹ, lịch sử nước ta đã ghi nhận hàng vạn tấm gương
phụ nữ không ngại gian khổ, sẵn sàng cống hiến không những cuộc đời mình
mà còn hy sinh cả con em họ cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Tiếp nối
truyền thống anh hùng đó, ngày nay các tầng lớp phụ nữ Việt Nam ngày càng
thể hiện vai trò quan trọng của mình trong công cuộc phát triển kinh tế - xã
hội, xây dựng đất nước, thể hiện ở số phụ nữ tham gia trên mọi lĩnh vực của
đời sống xã hội ngày càng tăng.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính
sách về cán bộ nữ, về bình đẳng giới nhằm phát huy giá trị và vai trò của phụ
nữ trong giai đoạn mới. Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Nâng cao trình độ
mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ; thực hiện tốt bình đẳng
giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển tài năng”. Việc phụ nữ tham gia lãnh
đạo, quản lý là biểu hiện cao nhất, đầy đủ nhất cho quyền bình đẳng giới của
phụ nữ. Đó không chỉ là một tiêu chí quan trọng của bình đẳng giới mà còn là
động lực thúc đẩy mức độ bình đẳng giới.
Thực tế đã cho thấy, từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đất nước đến
nay, tỷ lệ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính ở nước
ta có chiều hướng ngày càng tăng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, công
tác phụ nữ nói chung và công tác cán bộ nữ nói riêng vẫn gặp phải nhiều rào
cản, bất cập, ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ cán bộ nữ tham gia các hoạt động lãnh
đạo, quản lý trong nhiều cơ quan, đơn vị và địa phương.
Nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề giới và bình đẳng giới, em lựa chọn
chủ đề “Bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý ở nước ta hiện nay" làm bài
thu hoạch kết thúc môn Giới trong lãnh đạo, quản lý.



2
2. Nội dung:
2.1. Sự cần thiết phải thực hiện bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý
2.1.1. Các khái niệm cơ bản
* Khái niệm giới:
Theo điều 5, Luật Bình đẳng giới năm 2006: Giới là khái niệm để chỉ
đặc điểm, vị trí, vai trò của nam và nữ trong tất cả các mối quan hệ xã hội.
Theo quan điểm xã hội học: Giới là một thuật ngữ nói đến vai trò, trách
nhiệm và quan hệ xã hội giữa nam và nữ. Giới đề cập đến việc phân công lao
động, phân chia nguồn lực và lợi ích giữa nam và nữ trong một bối cảnh xã
hội cụ thể. Giới được hình thành do học và giáo dục, không đồng nhất, khác
nhau ở mỗi nước, mỗi địa phương, thay đổi theo thời gian, theo quá trình phát
triển kinh tế xã hội.
Như vậy, giới là là sự khác biệt về mặt xã hội giữa nam và nữ (hành vi
ứng xử, vai trò, vị thế, trách nhiệm…) do xã hội quy định.
* Khái niệm bình đẳng giới:
Quan điểm của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho rằng: Bình đẳng giới
là sự thừa nhận và coi trọng như nhau các đặc điểm giống và khác nhau giữa
phụ nữ và nam giới. Phụ nữ và nam giới có vị thế bình đẳng như nhau và
cùng: Có điều kiện bình đẳng để phát huy hết khả năng và thực hiện các
nguyện vọng của mình; Có cơ hội bình đẳng để tham gia, đóng góp và thụ
hưởng các nguồn lực xã hội và thành quả phát triển; Được bình đẳng trong
mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
Theo công ước CEDAW: Bình đẳng giới là tình trạng (điều kiện sống,
sinh hoạt, làm việc...) mà trong đó phụ nữ và nam giới được hưởng vị trí như
nhau, họ có cơ hội bình đẳng để tiếp cận, sử dụng các nguồn lực để mang lại
lợi ích cho mình, phát hiện và phát triển tiềm năng của mỗi giới nhằm cống
hiến cho sự phát triển của quốc gia và được hưởng lợi từ sự phát triển đó.



3
Như vậy, bình đẳng giới là tình trạng không có sự phân biệt đối xử trên
cơ sở giới tính (về quyền, trách nhiệm và cơ hội). Nhờ vậy, phụ nữ và nam
giới được tôn trọng ngang nhau; được tiếp cận các nguồn lực ngang nhau;
được thụ hưởng thành quả như nhau; có cơ hội và điều kiện như nhau để nhận
biết các quyền con người của mình và khả năng đóng góp của bản thân vào sự
phát triển kinh tế, văn hóa, chính trị và xã hội của đất nước.
2.1.2. Vị trí, vai trò của phụ nữ trong trong xã hội
Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, phụ nữ Việt Nam đã có những đóng
góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
Phụ nữ không chỉ chiến đấu anh hùng mà đã lao động cần cù, gian khó để
vượt lên cảnh đói nghèo và lạc hậu, góp phần xây dựng đất nước ngày càng to
đẹp và đàng hoàng hơn. Với truyền thống đó, phụ nữ Việt Nam “giỏi việc
nước, đảm việc nhà” tiếp tục vượt qua mọi thành kiến và thử thách, vươn lên
đóng góp tích cực vào các hoạt động xã hội, duy trì ảnh hưởng rộng rãi trên
nhiều lĩnh vực. Khi đất nước bước vào kỷ nguyên hội nhập với thế giới, trong
công cuộc xây dựng đất nước trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa
hiện nay, phụ nữ Việt Nam tiếp tục đóng vai trò quan trọng, là động lực thúc
đẩy sự phát triển chung của xã hội.
Phụ nữ có ảnh hưởng to lớn tới hạnh phúc và sự ổn định của gia đình. Là
người vợ hiền, họ luôn hiểu chồng, sẵn sàng chia sẻ những ngọt bùi cũng như
những đắng cay cùng chồng, khiến người chồng luôn cảm thấy yên tâm trong
cuộc sống, từ đó họ có thể đóng góp nhiều hơn cho xã hội. Là những người
mẹ hết lòng vì con cái, họ thực sự là những tấm gương cho con cái noi theo.
Người mẹ ngày nay còn là một người bạn lớn luôn ở bên con để hướng dẫn,
động viên kịp thời. Bất cứ ai trong chúng ta đều có thể tìm thấy ở những
người phụ nữ, người vợ, người mẹ sự yên tĩnh trong tâm hồn và sự cân bằng
bình yên trong cuộc sống. Chính họ đã tiếp sức cho chúng ta vượt qua những
khó khăn để sống một cuộc sống hữu ích.



4
Phụ nữ còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội. Ngày càng có
nhiều người trở thành chính trị gia, nhà khoa học nổi tiếng, nhà quản lý năng
động… Trong nhiều lĩnh vực, sự có mặt của người phụ nữ là không thể thiếu
như ngành dệt, may mặc, du lịch, công nghệ dịch vụ… Hiện nay, phụ nữ Việt
Nam góp một phần rất lớn vào quá trình phát triển của đất nước, thể hiện ở số
nữ chiếm tỉ lệ cao trong lực lượng lao động. Với hơn 50% dân số và gần 50%
lực lượng lao động xã hội, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào hầu hết các
lĩnh vực của đời sống xã hội và giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy
Nhà nước. Có thể nói, vai trò của phụ nữ Việt Nam được thể hiện ngày càng
sâu sắc và có những đóng góp quan trọng trong thành tựu của cách mạng.
2.1.3. Quan điểm của Đảng và Nhà nước về sự tham gia của phụ nữ
trong hệ thống chính trị
Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã chỉ rõ:
bình đẳng giới vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp cách mạng giải
phóng con người và giải phóng xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:
“Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu
không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”. Giải
phóng phụ nữ khỏi những ràng buộc, quan niệm lạc hậu, đồng thời tạo điều
kiện, cơ hội để phụ nữ bình đẳng và phát triển, thực hiện chống phân biệt đối
xử với phụ nữ là cái gốc, là cơ sở để tạo cơ hội cho phụ nữ tiến bộ. Bình đẳng
giới trở thành mục tiêu, đồng thời cũng trở thành vấn đề trung tâm của phát
triển, là yếu tố để nâng cao khả năng tăng trưởng kinh tế của quốc gia, xóa đói
giảm nghèo và quản lý nhà nước có hiệu quả.
Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, quan điểm về bình đẳng giới đã
được thể hiện ngay từ Hiến pháp đầu tiên của nước ta và được quán triệt nhất
quán trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền, dân chủ nhân dân. Quan
điểm đó tiếp tục được kế thừa phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và
thời đại qua các bản Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992. Đặc biệt, điều 26 Hiến



5
pháp năm 2013 khẳng định: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà
nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới. Nhà nước, xã
hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò
của mình trong xã hội. Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”.
Thấm nhuần tư tưởng về bình đẳng giới, trong suốt quá trình cách mạng,
Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình
đẳng giới. Ngay từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng ta (1930), quyền
bình đẳng nam - nữ đã được đề cập tới như là một mục tiêu của cách mạng
Việt Nam. Trong thời kỳ đổi mới, chủ trương về công tác phụ nữ và bình đẳng
giới được thể hiện xuyên suốt trong các văn kiện, chỉ thị, nghị quyết của
Đảng, như: Nghị quyết số 04-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá VII về đổi mới
và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới; Chỉ thị số 37CT/TW của Ban Bí thư khoá VII về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong
tình hình mới; Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá X về công tác
phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đại hội XII
của Đảng tiếp tục khẳng định quan điểm và chủ trương về công tác phụ nữ:
“Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ; thực
hiện tốt bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển tài năng”.
Những quan điểm đó đã và đang được các cấp, các ngành, các địa
phương triển khai, quán triệt và lấy làm kim chỉ nam trong việc thực hiện
công tác phụ nữ nói chung và công tác cán bộ nữ nói riêng. Đó là những cơ sở
pháp lý và lý luận vững chắc, tạo nền tảng cho việc thực hiện bình đẳng giới
trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực chính trị.
2.2. Thực hiện bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý hiện nay
2.2.1. Cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ở nước ta hiện nay
Ở cấp Trung ương, tỷ lệ Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá
XII là 20/200 = 10%. Trong đó: 17/180 (ủy viên chính thức); 3/20 (ủy viên dự
khuyết). Nhìn chung, số phụ nữ giữ các cương vị lãnh đạo chủ chốt cấp Trung



6
ương có xu hướng ngày càng giảm, tuổi đời cao, báo động về sự hẫng hụt đội
ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý.
Ở địa phương, tỷ lệ Uỷ viên Ban Chấp hành đảng bộ các cấp nhiệm kỳ
2005 - 2010: Ở cấp tỉnh là 11,75% (tăng 0,43% so với nhiệm kỳ trước), nữ Bí
thư có 5/63 (chiếm 7,93%), tỷ lệ nữ Phó Bí thư là 7,04%; cấp trưởng các ban
Đảng tỉnh, thành ủy là phụ nữ chiếm tỷ lệ thấp: trưởng Ban Dân vận là 18%;
Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra là 22%; Ban Tuyên giáo là 6,55%; Ban Tổ chức
là 8%. Ở cấp huyện, tỷ lệ nữ tham gia ban chấp hành là 14,74% (tăng 1,85%
so với nhiệm kỳ trước) và ở cấp xã là 15,08% (tăng 3,2% so với nhiệm kỳ
trước). Đánh giá tổng quát về tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ là: cấp trung ương
giảm, các cấp địa phương tăng không đáng kể. Điều đặc biệt là ở những nơi
khó khăn như miền núi thì tỷ lệ cán bộ nữ cao hơn đồng bằng.
Trong các cơ quan dân cử, tỉ lệ nữ đại biểu Quốc hội của Việt Nam được
đánh giá là khá cao so với khu vực và thế giới. Tỷ lệ trung bình trong suốt
những năm 1976 - 2007 khoảng 23%. Nhiệm kỳ Quốc hội khoá XI, Việt Nam
có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội là 27,3%. Tuy nhiên, trừ Quốc hội khoá V
(1975-1976) đạt 32%, chưa có khoá nào tỷ lệ đại biểu nữ đạt 30%.
Trong bầu cử Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các
cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, tỷ lệ đại biểu nữ trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa
XIV là 133/496 người đạt 26,8%; Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ở
nhiều địa phương tỷ lệ phụ nữ trúng cử vượt dự kiến như: Đại biểu Hội đồng
nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ phụ nữ trúng cử đạt 43%; Đại biểu
Hội đồng nhân dân quận Cầu Giấy - thành phố Hà Nội, tỷ lệ phụ nữ trúng cử
đạt gần 45%. Hiện nay, Quốc hội khoá XIV của Việt Nam có Chủ tịch là nữ
và 01 nữ Phó Chủ tịch.
Tính đến đầu năm 2009, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh/thành phố là
nữ có 3/63 (chiếm 4,76%, tăng 3,2% so với khoá trước), Phó Chủ tịch là nữ



7
có 16 chị của 63 tỉnh, thành. So với những nhiệm kỳ gần đây, tỷ lệ nữ tham
gia Hội đồng nhân dân các cấp có xu hướng tăng, tuy nhiên còn khiêm tốn,
tiếng nói của phụ nữ so với nam giới còn hạn chế và chưa đại diện được cho
lực lượng phụ nữ đông đảo trong xã hội. Sự thiếu hụt cán bộ nữ trong một số
lĩnh vực quan trọng khiến việc hoạch định chính sách thiếu tiếng nói đại diện
của phụ nữ, dẫn đến thực hiện bình đẳng giới trên mọi mặt chưa đạt được kết
quả như mong muốn. Tuy nhiên, theo đánh giá của Văn phòng Quốc hội, việc
tham gia xây dựng luật pháp, chính sách và đóng góp ý kiến, toạ đàm với cử
tri của các nữ đại biểu Quốc hội ngày càng có chất lượng.
Trong cơ quan quản lý nhà nước các cấp, hiện nay, nhiều khoá liền đều
có nữ Phó Chủ tịch nước, nữ Bộ trưởng chỉ có 1/22 chiếm 4,55%; nữ Thứ
trưởng là 4/99 chiếm 4,03%, giảm so với khoá trước; tỷ lệ nữ vụ trưởng, theo
số liệu của 33 cơ quan bộ và ngang bộ, là 9,87%, nữ vụ phó là 20,74%. Các
bộ, ban, ngành đông nữ như Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu
tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền
thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Uỷ ban Dân tộc… hiện không có nữ
lãnh đạo chủ chốt. Đối với các cơ quan thuộc Chính phủ, 8/8 cấp trưởng đều
là nam và chỉ có 1/24 cấp phó là nữ (chiếm 4,17%); Tòa án nhân dân tối cao
không có lãnh đạo chủ chốt là nữ; khối Mặt trận và đoàn thể, trừ Hội Liên
hiệp Phụ nữ Việt Nam, 5/5 cấp trưởng của cơ quan trung ương của Mặt trận
Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đều là nam và chỉ có 4/21 cấp phó
và 2 bí thư Trung ương Đoàn là nữ.
Đối với các cấp địa phương, ở cấp tỉnh, 1/63 tỉnh/thành có nữ chủ tịch
uỷ ban nhân dân (chiếm 1,59%), 31/36 tỉnh/thành có nữ phó chủ tịch (riêng
thành phố Hồ Chí Minh có 2 nữ phó chủ tịch). Lãnh đạo nữ trưởng ngành cấp
tỉnh cũng chỉ đạt 10,54%. Ở cấp huyện, nữ chủ tịch uỷ ban nhân dân là 3,62%



8
(giảm 1,65% so với nhiệm kỳ trước); phó chủ tịch uỷ ban nhân dân là 14,48%
(tăng 6,05% so với nhiệm kỳ trước); lãnh đạo nữ trưởng ngành đạt 13,9%. Ở
cấp xã, tỷ lệ nữ chủ tịch uỷ ban nhân dân là 3,42%, phó chủ tịch uỷ ban nhân
dân là 8,84%. Với tỷ lệ phụ nữ tham gia các cơ quan quản lý nhà nước như
trên, có thể thấy, vai trò ra quyết định và chỉ đạo thực hiện của phụ nữ ở các
cơ quan hành pháp các cấp còn hạn chế.
2.2.2. Cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ở huyện Thạch Thành,
tỉnh Thanh Hoá hiện nay
Những năm qua, nhờ thực hiện tốt quan điểm, chủ trương của Đảng ta
về công tác cán bộ nữ, đặc biệt là Chỉ thị 37 của Ban Bí thư và Nghị quyết 11
của Bộ Chính trị, đội ngũ cán bộ nữ ở huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá
ngày càng có nhiều tiến bộ tạo được sự chuyển biến tích cực về công tác phụ
nữ và bình đẳng giới trên địa huyện. Nhiều nữ cán bộ giữ cương vị chủ chốt
trong công tác lãnh đạo trên các lĩnh vực lãnh đạo, quản lý đóng góp vào sự
phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng - an ninh của huyện nhà.
Ở cấp huyện, tỷ lệ nữ Ban Chấp hành Đảng bộ huyện tăng dần: nhiệm
kỳ 2005 - 2010 là 08/37 đồng chí (21,6%); nhiệm kỳ 2010 - 2015 là 10/43
đồng chí (23,3%); nhiệm kỳ 2015 - 2020 là 09/39 đồng chí (23,1%). Tỷ lệ cán
bộ nữ tham gia Ban Thường vụ Huyện uỷ cũng tăng lên: nhiệm kỳ 2005 - 2010
là 01/11 (9,1%); nhiệm kỳ 2010 - 2015 là 02/11 đồng chí (18,2%); nhiệm kỳ
2015 - 2020 là 03/13 đồng chí (23,1%). Hiện nay, đồng chí Bí thư Huyện uỷ là
một cán bộ nữ người dân tộc thiểu số. Đó là minh chứng tiêu biểu cho việc thực
hiện bình đẳng giới trong công tác cán bộ trên địa bàn huyện.
Ở cấp xã, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành đảng bộ cũng có sự
gia tăng đáng kể: nhiệm kỳ 2010 - 2015 là 57/395 đồng chí (14,4%); nhiệm
kỳ 2015 - 2020 là 87/373 đồng chí (23,3%). Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Ban
Thường vụ đảng uỷ nhiệm kỳ 2010 - 2015 là 08/105 đồng chí (7,6%), nhiệm kỳ



9
2015 - 2020 là 16/105 đồng chí (15,2%). Số nữ cán bộ chủ chốt cấp xã thuộc 05
chức danh Ban Thường vụ Huyện uỷ quản lý (Bí thư, Phó Bí thư Đảng uỷ; Chủ
tịch, Phó Chủ tịch UBND; Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND; Uỷ viên Ban Thường
vụ Đảng uỷ) năm 2011 là 12/159 đồng chí (7,5%), năm 2017 là 23/157 đồng chí
(14,5%). Đội ngũ nữ cán bộ, công chức cấp xã năm 2011 là 175/587 đồng chí
(29,8%), năm 2017 là 214/588 đồng chí (36,4%).
2.3. Một số giải pháp góp phần tăng cường bình đẳng giới trong
lãnh đạo, quản lý
Một là, nâng cao nhận thức, quan điểm về bình đẳng giới và công tác
cán bộ nữ trong thời kỳ mới. Nhận thức của đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành
về bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ có vai trò quan trọng trong việc thúc
đẩy quá trình thực hiện đề án đào tạo, phát triển cán bộ, công chức nữ hiện
nay. Hiện nay, vẫn còn những tổ chức, cá nhân có những quan điểm sai lệch,
lạc hậu về công tác phát triển cán bộ, công chức nữ trong đơn vị, địa phương
mình. Những quan điểm đó tồn tại trong thời gian dài đã làm ảnh hưởng
không nhỏ đến việc thực thi đường lối, chính sách của Đảng về phát triển đội
ngũ cán bộ, công chức nữ. Vì vậy, thay đổi quan điểm và nâng cao nhận thức
cho các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân mà trọng tâm là những người
đứng đầu các cơ quan đơn vị là đặc biệt cần thiết.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra trong thực hiện công
tác cán bộ nữ. Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định đến sự thành công
của công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nữ trong tổ chức bộ máy Đảng, Nhà
nước và các tổ chức chính trị, xã hội. Vì thế, Đảng phải có chủ trương, chính
sách lãnh đạo đúng, phù hợp với đặc điểm của từng thành phần, tầng lớp phụ
nữ trong xã hội. Cấp ủy các cấp, chính quyền địa phương, các sở, ban ngành
cần có những hành động mạnh mẽ, quyết liệt để tạo nguồn, quy hoạch, đào
tạo, bồi dưỡng lực lượng cán bộ nữ bảo đảm số lượng, chất lượng, coi đây là

một nhiệm vụ chiến lược trong công tác cán bộ của Đảng.


10
Ba là, thực hiện đồng bộ và hiệu quả các khâu trong công tác cán bộ
nữ. Thực tế đã chỉ ra, các khâu trong công tác cán bộ nữ có vai trò đặc biệt
quan trọng, một mặt vừa thể hiện tính dân chủ, mặt khác thể hiện sự lãnh đạo
tập trung cao nhất trong Đảng. Đánh giá cán bộ nữ, cần chú ý đánh giá về
triển vọng phát triển, khả năng đảm đương nhiệm vụ của cán bộ nữ. Tránh bố
trí chỉ vì để bảo đảm cơ cấu mà không quan tâm đến chuyên môn, sở trường
làm ảnh hưởng đến chất lượng, khả năng của cán bộ nữ.
Bốn là, nâng cao vai trò của tổ chức hội liên hiệp phụ nữ các cấp. Hội
Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thông qua quy định trách nhiệm của các cấp Hội
trong công tác cán bộ nữ cần tăng cường thực hiện chức năng đại diện của tổ
chức; chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất, tham gia xây dựng và thực hiện
các chủ trương, chính sách về công tác cán bộ nữ; phát hiện, bồi dưỡng, giới
thiệu nguồn cán bộ nữ có chất lượng cho Đảng; tham gia có hiệu quả vào
công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ nữ ở các cấp. Trong đó cần coi trọng công
tác tham mưu, đề xuất, tham gia giám sát và phản biện xã hội; giới thiệu
nguồn cán bộ nữ; tham gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, bảo vệ quyền và lợi
ích hợp pháp của hội viên... góp phần vào thành tựu chung về bình đẳng giới.
Năm là, phát huy vai trò của chính chị em phụ nữ. Tự bản thân mỗi cá
nhân chị em phụ nữ là động lực lớn để tiến hành xây dựng đội ngũ cán bộ nữ.
Nếu bản thân mỗi cá nhân phụ nữ không vượt qua khỏi tự ti, mặc cảm về giới,
không chịu khó học tập vươn lên, không dám khẳng định tài năng và sức lực
của mình trong lãnh đạo, quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội thì công tác
cán bộ nữ chắc chắn sẽ không thành công. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng
định: “Chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải
phóng cho mình mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh”. Bản thân mỗi
phụ nữ cần thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, nghiên cứu chính

sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước để bổ sung vào công tác cán bộ nữ


11
cho cấp ủy các cấp. Mạnh dạn ứng cử, đề cử theo luật định để đội ngũ cán bộ
nữ luôn được tạo nguồn và bảo đảm tỷ lệ nhất định trong các cơ quan của
Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương.
3. Kết luận
Bình đẳng giới là một nội dung, nhiệm vụ quan trọng đối với mọi quốc
gia. Việc tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt
động trong đời sống chính trị - xã hội loài người không chỉ là biểu hiện của sự
quan tâm đối với “một nửa thế giới” mà đó còn là sự thể hiện của một xã hội
văn minh, tiến bộ. Bình đẳng giới là xu hướng của nhân loại, là điều kiện để
xây dựng một xã hội hài hòa, phát triển và hạnh phúc. Trong bối cảnh quốc tế
có nhiều biến đổi như hiện nay, bình đẳng giới góp phần thực hiện tốt chính
sách nhân quyền, là mục tiêu của các thế lực thù địch; đồng thời là một nhiệm
vụ, giải pháp đảm bảo an ninh trật tự và xa hơn là bảo vệ chế độ chính trị.
Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong thực hiện
bình đẳng giới. Kết quả thực hiện bình đẳng giới được quốc tế đánh giá là một
thành tựu nổi bật của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Hiện nay, Việt Nam
đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới, trong đó có vấn đề nâng cao
năng lực và sự tham gia của phụ nữ trong hệ thống chính trị. Nhằm hướng đến
mục tiêu bình đẳng giới và công bằng xã hội, lý luận và thực tiễn cách mạng
đòi hỏi phải đặt vấn đề nâng cao vai trò của phụ nữ trong nền chính trị hiện
đại và coi đó là một bộ phận không tách rời của sự nghiệp cách mạng, sự
nghiệp xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng
sản Việt Nam quang vinh./.




×