1
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Tính cấp thiết của đề tài
Trong dòng chảy của lịch sử tư tưởng nhân loại, vấn đề quyền con
người đã được phản ánh rất sớm. Nhiều tư tưởng, học thuyết triết học đã
hình thành, phát triển, thay thế nhau và chấp nhận những phán xét khắt
khe của cuộc sống. Song, tất cả chúng, dù nhiều hay ít, trực tiếp hay gián
tiếp, đều phản ánh vị trí, vai trò và số phận con người, quyền con người.
Vào thế kỷ XVII, XVIII, các nước phương Tây, đặc biệt là Pháp,
xuất hiện một trào lưu triết học duy lý với những trí thức ưu tú, can đảm,
dám dấn thân phê phán sự mê tín, độc tài của đêm trường trung cổ, kiến
tạo thời kỳ Khai sáng. Các triết gia Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII xem tự
do, bình đẳng và sở hữu tài sản là các quyền tự nhiên, trong đó quyền tự
do là là “tinh thần của thời đại”. Họ cũng đã phác họa ra những cơ chế
nhằm mang lại sự tự do, bình đẳng cho con người, đó là tư tưởng về nền
dân chủ và phân quyền nhà nước. Với tinh thần nhân văn, nhân đạo và
triết lý hành động sâu sắc, tư tưởng về quyền con người trong triết học
Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII đã trở thành vũ khí tinh thần của giai cấp
tư sản trong cuộc đấu tranh chống lại ý thức hệ phong kiến và đặt nền
móng cho các tuyên ngôn về quyền con người.
Đối với Việt Nam, tư tưởng triết học nói chung, tư tưởng về quyền
con người nói riêng của các triết gia Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII đã
sớm được du nhập từ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX qua
các bản Tân văn, Tân thư. Cũng chính những tư tưởng đầy tính nhân văn
của triết học Khai sáng Pháp đã góp phần định hướng cho hành trình tìm
đường cứu nước, giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí
Minh. Văn kiện Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam viết: “Coi
trọng chăm lo hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con người, bảo
vệ và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của con người” 1.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang ra sức phấn đấu cho
Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII,
Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.167.
1
2
mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” nhằm
thực hiện ngày càng tốt hơn, đầy đủ hơn các tiêu chí về quyền con người
trong điều kiện, hoàn cảnh mới. Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ và phát huy
quyền con người ở Việt Nam hiện nay còn một số hạn chế, thiếu sót cần
phải được khắc phục. Nhiều thế lực phản tiến bộ vẫn ra sức xuyên tạc
vấn đề quyền con người nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng. Vì vậy,
nghiên cứu vấn đề quyền con người, tạo cơ sở để quan tâm, chăm lo đến
con người hơn, đồng thời phê phán những luận điệu sai trái là nội dung
hết sức cần thiết.
Để thực hiện điều đó, việc làm sống lại những tinh hoa tư tưởng
trong lịch sử nhân loại về quyền con người, trong đó có tư tưởng về
quyền con người của triết học Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII không chỉ
có ý nghĩa về mặt lý luận mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với thực tiễn
bảo vệ, phát huy quyền con người ở Việt Nam hiện nay.
2. Tổng quan tình hình nghiên cứu đề tài
Triết học Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII nói chung, tư tưởng về
quyền con người nói riêng là nội dung thu hút sự quan tâm của các nhà
khoa học trong và ngoài nước. Điều đó thể hiện qua nhiều công trình
nghiên cứu được khái quát theo các chủ đề sau:
Thứ nhất, các công trình nghiên cứu liên quan đến điều kiện, tiền
đề hình thành tư tưởng về quyền con người trong triết học Khai sáng
Pháp thế kỷ XVIII. Các công trình tiêu biểu theo chủ đề này gồm: The
History of the World (Lịch sử thế giới) của John Morris Roberts (Oxford
University Press, New York, 2013); Lịch sử thế giới cận đại của Vũ
Dương Ninh và Nguyễn Văn Hồng (Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội,
2003); Lịch sử Triết học do Nguyễn Hữu Vui chủ biên (Nhà xuất bản
Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998); Lịch sử triết học phương Tây từ triết
học Hy Lạp cổ đại đến triết học cổ điển Đức (History of Western
philosophy from ancient Greek to classical German philosophy), của
Nguyễn Tấn Hùng (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012) …
Các công trình trên đã góp phần lý giải được điều kiện kinh tế - chính trị
3
- xã hội, cũng như các tiền đề tác động đến sự hình thành, phát triển tư
tưởng về quyền con người trong triết học Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII.
Thứ hai, các công trình nghiên cứu nội dung, đặc điểm và giá trị,
hạn chế của tư tưởng về quyền con người trong triết học Khai sáng
Pháp thế kỷ XVIII, điển hình là các công trình History of Human Rights:
From Ancients Times to the Globalization ERA (Lịch sử quyền con
người: Từ thời kỳ cổ đại đến kỷ nguyên toàn cầu hóa) của Micheline
Ishay (University of California Press, Los Angeles, 2008); Inventing
Human Rights – A History (Lịch sử của những phát kiến về quyền con
người) của Lynn Hunt (W.W. Norton & Company Ltd, London, 2008);
Democratic Enlightenment: Philosophy, Revolution, and Human Rights,
1750 – 1970 (Nền dân chủ thời kỳ Khai sáng: Triết học, cách mạng và
quyền con người, 1750 – 1790) của Jonathan Israel (Oxford University
Press, 2012); Triết học chính trị Montesquieu với việc xây dựng nhà
nước pháp quyền Việt Nam của Lê Tuấn Huy (Nhà xuất bản Tổng hợp
Thành phố Hồ Chí Minh, 2005); Luận án tiến sĩ Góp phần tìm hiểu tư
tưởng nhân văn của các nhà triết học Khai sáng Pháp và ảnh hưởng của
nó đến các nhà yêu nước Việt Nam của Võ Thị Dung (Trường Đại học
Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí
Minh, 2002); Luận án tiến sĩ Triết học chính trị của Rousseau và ý nghĩa
của nó của Dương Thị Ngọc Dung (Trường Đại học Khoa học xã hội và
nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2009). Dù chưa
thật sự hệ thống, song những công trình trên đã phần nào nghiên cứu vấn
đề quyền con người thông qua tư tưởng của các triết gia tiêu biểu trong
triết học Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII, và chỉ ra giá trị, hạn chế của nó.
Thứ ba, các công trình nghiên cứu vấn đề bảo vệ, phát huy quyền
con người ở Việt Nam hiện nay có liên quan đến tư tưởng về quyền con
người trong triết học Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII. Có thể kể đến Tuyên
ngôn độc lập năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh; các bản Hiến pháp
của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Sách trắng về Thành tựu
bảo vệ và phát triển quyền con người ở Việt Nam (Bộ Ngoại giao Việt
Nam, 2005); Quyền con người, quyền công dân trong nhà nước pháp
4
quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Trần Ngọc Đường (Nhà xuất bản
Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004); Triết học chính trị về quyền con
người của Nguyễn Văn Vĩnh (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội,
2005); Sự thật vấn đề dân chủ và nhân quyền trong chiến lược “diễn
biến hòa bình” ở Việt Nam của Trương Thành Trung (Nhà xuất bản
Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011); Chủ nghĩa xã hội và quyền con người
của Đặng Dũng Chí và Hoàng Văn Nghĩa (Nhà xuất bản Chính trị quốc
gia, Hà Nội, 2014)... Các công trình này đã góp phần làm rõ sự kế thừa,
vận dụng tư tưởng về quyền con người của nhân loại, trong đó có triết
học Khai sáng Pháp vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Từ việc tổng quan tình hình nghiên cứu cho thấy, các công trình có
liên quan đến đề tài luận án rất phong phú, đa dạng. Song, cho đến nay,
chưa có công trình chuyên khảo nào nghiên cứu một cách có hệ thống tư
tưởng về quyền con người trong triết học Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII,
từ đó liên hệ với vấn đề bảo vệ, phát huy quyền con người ở Việt Nam.
3. Mục đích, nhiệm vụ của luận án
Thông qua việc trình bày một cách có hệ thống nội dung, đặc điểm
tư tưởng về quyền con người trong triết học Khai sáng Pháp thế kỷ
XVIII, luận án nhằm đánh giá giá trị, hạn chế của tư tưởng này và rút ra
những bài học cần thiết đối với việc bảo vệ, phát huy quyền con người ở
Việt Nam hiện nay.
Để đạt được mục đích trên, luận án thực hiện các nhiệm vụ sau:
Một là, luận giải những điều kiện, tiền đề dẫn đến sự ra đời tư
tưởng về quyền con người trong triết học Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII
và các giai đoạn hình thành, phát triển của tư tưởng này.
Hai là, phân tích những nội dung, đặc điểm cơ bản của tư tưởng về
quyền con người trong triết học Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII.
Ba là, đánh giá giá trị, hạn chế của tư tưởng về quyền con người
trong triết học Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII; phân tích thực trạng vấn đề
quyền con người và rút ra những bài học cần thiết đối với việc bảo vệ và
phát huy quyền con người ở Việt Nam hiện nay.
5
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án
Luận án nghiên cứu tư tưởng về quyền con người trong triết học
Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII, tập trung vào các nội dung cơ bản như: tư
tưởng về quyền tự nhiên; tư tưởng về quyền tự do, bình đẳng và sở hữu
tài sản; tư tưởng về nền dân chủ và phân quyền nhà nước – cơ chế để
bảo vệ, phát huy quyền con người.
Mặt khác, thời kỳ Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII là thời kỳ xuất
hiện rất nhiều triết gia thuộc các trường phái, khuynh hướng tư tưởng
khác nhau. Vì vậy, luận án không có tham vọng khảo cứu quan điểm của
tất cả các triết gia mà chỉ thông qua một số đại diện tiêu biểu như
Voltaire, Montesquieu, Rousseau, La Mettrie, Diderot, Holbach...
5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận án
Luận án được nghiên cứu dựa trên thế giới quan và phương pháp
luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử.
Trong quá trình nghiên cứu, tác giả cũng sử dụng tổng hợp những
phương pháp nghiên cứu như: phương pháp tiếp cận hệ thống, lịch sử và
logic, phân tích và tổng hợp, quy nạp và diễn dịch, thống kê và so
sánh… Mặt khác, luận án được tiếp cận dưới góc độ triết học lịch sử.
6. Cái mới của luận án
Một là, luận án đã trình bày có hệ thống tư tưởng về quyền con
người trong triết học Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII, tập trung vào các vấn
đề cơ bản như: tư tưởng về quyền tự nhiên; tư tưởng về quyền tự do,
bình đẳng, sở hữu tài sản; tư tưởng về nền dân chủ và phân quyền nhà
nước – cơ chế bảo vệ, phát huy quyền con người.
Hai là, luận án đã phân tích những giá trị và hạn chế của tư tưởng
về quyền con người trong triết học Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII. Trên
cơ sở đó, luận án đã đánh giá thực trạng và rút ra những bài học cần thiết
đối với việc bảo vệ, phát huy quyền con người ở Việt Nam hiện nay.
7. Ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn của luận án
Về ý nghĩa khoa học, luận án góp phần luận giải quá trình hình
thành và nội dung, đặc điểm cơ bản của tư tưởng về quyền con người
trong triết học Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII; làm rõ những giá trị, hạn
6
chế của tư tưởng này đối với sự phát triển của lịch sử tư tưởng nhân loại,
cũng như đối với cuộc cách mạng tư sản và phong trào đấu tranh vì con
người, quyền con người ở Việt Nam và trên thế giới
Về ý nghĩa thực tiễn, luận án đã rút ra những bài học cần thiết, có
giá trị thiết thực đối với việc bảo vệ, phát huy quyền con người ở Việt
Nam hiện nay. Kết quả nghiên cứu của luận án có thể sử dụng làm tài
liệu tham khảo cho công tác giảng dạy và nghiên cứu lịch sử triết học,
đặc biệt là triết học phương Tây trong thời kỳ Khai sáng.
8. Kết cấu của luận án
Ngoài Phần mở đầu, Phần kết luận và Danh mục tài liệu tham
khảo, Phần nội dung của luận án kết cấu thành 3 chương, 6 tiết.
7
PHẦN NỘI DUNG
Chương 1
SỰ HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN CỦA TƯ TƯỞNG
VỀ QUYỀN CON NGƯỜI TRONG TRIẾT HỌC
KHAI SÁNG PHÁP THẾ KỶ XVIII
1.1. NHỮNG ĐIỀU KIỆN, TIỀN ĐỀ HÌNH THÀNH, PHÁT
TRIỂN CỦA TƯ TƯỞNG VỀ QUYỀN CON NGƯỜI TRONG TRIẾT
HỌC KHAI SÁNG PHÁP THẾ KỶ XVIII
1.1.1. Điều kiện hình thành, phát triển tư tưởng về quyền con
người trong triết học Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII
Điều kiện kinh tế của nước Pháp thế kỷ XVIII
Trong thế kỷ XVIII, nền kinh tế nước Pháp vẫn chủ yếu dựa vào
nông nghiệp, nhưng là nền nông nghiệp lạc hậu. Tình trạng tô, thuế nặng
nề, cướp đoạt ruộng đất đã đẩy nhiều gia đình nông dân vào cảnh bần
cùng hóa. Trái ngược lại điều đó, các ngành công thương nghiệp của
Pháp đã có một số kết quả nhất định, phương thức sản xuất tư bản chủ
nghĩa ngày càng tỏ ra có ưu thế hơn so với phương thức sản xuất phong
kiến. Tuy nhiên, những bước đi của công thương nghiệp bị kìm hãm bởi
rào cản của chế độ phong kiến, tính tích cực của giai cấp tư sản mới hình
thành bị trói buộc.
Điều kiện chính trị - xã hội của nước Pháp vào thế kỷ XVIII
Đặc điểm chính trị - xã hội nổi bật của nước Pháp thế kỷ XVIII là
việc duy trì chế độ quân chủ chuyên chế và sự câu kết chặt chẽ giữa nhà
nước với giáo hội Thiên Chúa. Cùng với hệ thống chính trị ấy là một kết
cấu xã hội gồm ba đẳng cấp được phân định rạch ròi. Đẳng cấp tăng lữ
và quý tộc chiếm 1% dân số trong xã hội nhưng lại giữ vị trí thống trị
nước Pháp. Đẳng cấp thứ ba gồm tư sản, nông dân, bình dân thành thị,
công nhân chiếm hơn 99% dân số nhưng bị tước đoạt mọi quyền chính
trị và phải phục vụ các đẳng cấp có đặc quyền. Điều kiện lịch sử - xã hội
nêu trên đã quy định xu hướng chủ đạo của triết học Khai sáng Pháp thế
kỷ XVIII là tư tưởng về quyền con người, đòi tự do, bình đẳng, bác ái
8
1.1.2. Tiền đề tư tưởng - lý luận của tư tưởng về quyền con
người trong triết học Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII
Tư tưởng về quyền con người trong triết học Hy Lạp – La Mã cổ đại
Trong lịch sử phương Tây, tư tưởng về quyền con người đã sớm
xuất hiện từ thời kỳ cổ đại tại Hy Lạp – La Mã. Dấu ấn của thời kỳ này
được thể hiện rõ nét trong tư tưởng về quyền con người của triết học
Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII. Các triết gia Khai sáng Pháp đã khảo cứu
một cách sâu sắc về lịch sử, văn hóa và thể chế chính trị của Hy Lạp –
La Mã cổ đại và tư tưởng của các chính trị gia, sử gia, triết gia tiêu biểu
trong thời kỳ này như Solon, Socrates, Plato, Aristotle… Ph.Ăngghen đã
viết: “không có cái cơ sở của nền văn minh Hy Lạp và Đế chế La Mã thì
không có châu Âu hiện đại”2
Tư tưởng về quyền con người thời kỳ Phục hưng – Cận đại
Giá trị tư tưởng mà thời kỳ Phục hưng – Cận đại để lại cho nhân
loại bao gồm tinh thần chống thần quyền, khám phá khoa học, nhấn
mạnh lý tính, đề cao tự do con người. Những nội dung đó đều được triết
học Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII kế thừa, tiếp nối. Cội nguồn lý luận
sâu xa của tư tưởng về quyền con người trong triết học Khai sáng Pháp
thế kỷ XVIII có thể tìm thấy thông qua quan điểm về con người và việc
đấu tranh cho quyền con người của các triết gia như Moore, Campanella,
Machiavelli. Tuy nhiên, những yếu tố trực tiếp dẫn tới tư tưởng về quyền
con người trong triết học Khai sáng Pháp cần đề cập đến chính là truyền
thống người Pháp và quan điểm của các triết gia theo thuyết pháp quyền
tự nhiên ở thời kỳ Phục hưng – Cận đại, đặc biệt là Locke. C.Mác từng
nhận định Locke chính là người khơi nguồn cảm hứng cho các triết gia
Khai sáng Pháp đi vào nghiên cứu đời sống xã hội, đề xuất các cải cách
về chính trị, cũng như đấu tranh cho quyền con người3.
1.1.3. Tiền đề văn hóa – khoa học của tư tưởng về quyền con
người trong triết học Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII
Về văn học – nghệ thuật, những thành tựu trong thời kỳ Phục hưng
– Cận đại đã phản ánh một cuộc cách mạng trong tư duy con người, tôn
vinh các giá trị nhân văn, đưa con người cá nhân trở thành một thực thể
2
3
C.Mác và Ph.Ăngghen(1995), Toàn tập, t.20, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 254
C.Mác và Ph.Ăngghen (1995), Toàn tập, t.2, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội tr.191
9
sinh động. Tính chất tôn giáo từng bước phai nhòa và bị thay thế bởi
chất liệu thế tục. Những tác phẩm cổ điển trở thành phương tiện lồng
ghép tư tưởng, đạo đức mới gần gũi với đời sống, từ đó ảnh hưởng đến
sự hình thành tư tưởng về quyền con người trong triết học Khai sáng
Pháp thế kỷ XVIII.
Về khoa học tự nhiên, từ thời Phục hưng, khoa học tự nhiên đã góp
phần làm thay đổi quan niệm về thế giới, đưa nhận thức con người lên
tầm cao mới. Với những phát minh vĩ đại, các nhà khoa học như
Copernicus, Galilei, Kepler, Descartes, Newton … đã tìm mọi cách giải
thoát con người khỏi quyền lực của tôn giáo. Điều này đã ảnh hưởng đến
các triết gia Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII. Họ đã dựa trên các thành tựu
khoa học để mở ra trào lưu triết học duy lý, đưa tất cả các vấn đề xã hội
ra trước tòa án lý tính để phán xét, tôn vinh con người lý trí, đề cao các
quyền tự do bình đẳng.
1.2. CÁC GIAI ĐOẠN HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN CỦA TƯ
TƯỞNG VỀ QUYỀN CON NGƯỜI TRONG TRIẾT HỌC KHAI
SÁNG PHÁP THẾ KỶ XVIII
1.2.1. Giai đoạn hình thành tư tưởng về quyền con người trong
triết học Khai sáng Pháp (từ năm 1700 đến năm 1747)
Ở giai đoạn từ 1700 đến 1747, tư tưởng về quyền con người trong
triết học Khai sáng Pháp đã thiết lập được những nền tảng ban đầu bằng
tinh thần hoài nghi, thái độ phê phán của các triết gia đối với sự cai trị
chuyên chế của nhà nước, sự lạm quyền của giáo hội, từ đó phản ánh
khát vọng vươn tới hạnh phúc của con người. Các công trình tiêu biểu
trong giai đoạn này có thể kể đến là Dictionnaire Historique et Critique
(Từ điển lịch sử và phê bình) của Bayle; Mémoire contre la religion (Ký
ức chống lại tôn giáo) của Meslier; Lettres Persanes (Những bức thư của
người Ba Tư, 1721), Considération sur les causes de la grandeur des
Romains et de leur décadence (Nhận định về những nguyên nhân của sự
vĩ đại và diệt vong của người La Mã, 1734) của Montesquieu (1689 1775); Lettres philosophiques sur les Anglais (Những bức thư từ nước
Anh, 1734) của Voltaire…
10
1.2.2. Giai đoạn phát triển của tư tưởng về quyền con người
trong triết học Khai sáng Pháp (từ năm 1748 đến năm 1761)
Từ năm 1748 cho đến năm 1761, tư tưởng về quyền con người
trong triết học Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII từ khao khát công lý, chống
áp bức đã phát triển thành các vấn đề lý luận có giá trị cao. Những tư
tưởng được phát triển trong giai đoạn này bao gồm tư tưởng về quyền tự
nhiên, quyền công dân, về quyền tự do và bình đẳng, tư tưởng về pháp
luật và phân quyền nhà nước. Những công trình đánh dấu sự phát triển
của tư tưởng về quyền con người là De l’esprit des lois (Bàn về tinh thần
pháp luật, 1748) của Montesquieu; Discours sur les sciences et les arts
(Luận về khoa học và nghệ thuật, 1750), Discours sur l’origine et les
fondements de l’inégalité parmi les homes (Luận về nguồn gốc và nền
tảng của sự bất bình đẳng ở con người, 1753) của Rousseau; Candide,
ou l’optimisme (Ngay thẳng, hoặc lạc quan, 1759) của Voltaire.
1.2.3. Giai đoạn bổ sung, hoàn thiện tư tưởng
về quyền con người trong triết học Khai sáng
Pháp (từ năm 1762 đến cuối thế kỷ XVIII)
Từ năm 1762 cho đến cuối thế kỷ XVIII, triết học Khai sáng Pháp
tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Đồng hành cùng với Montesquieu, Voltaire,
một thế hệ Khai sáng kế tiếp với các tên tuổi như La Mettrie, Rousseau,
Diderot, Holbach… đã dần bộc lộ đầy đủ tài năng và khí phách của
mình. Bằng những cống hiến trí tuệ của họ, các tư tưởng về quyền tự
nhiên, quyền công dân, quyền tự do, bình đẳng, quyền sở hữu tài sản
được hoàn thiện hơn. Nhiều nội dung trong tư tưởng về quyền con người
được bổ sung bao gồm tư tưởng về khế ước xã hội, tư tưởng về nền dân
chủ pháp trị hướng đến tự do, bình đẳng cho con người. Giai đoạn này
có những công trình tiêu biểu như Du Contrat Social (Bàn về khế ước xã
hội, 1762), Émile ou de l’éducation (Émile hay là về giáo dục, 1762) của
Rousseau; Traité sur la Tolérance (Chuyên luận về lòng khoan dung,
1763), Dictionnaire philosophique (Từ điển triết học, 1764) của Voltaire;
Encyclopédie, ou dictionnaire raisonné des sciences, des arts et des
11
métiers (Bách khoa toàn thư hay từ điển lý luận về khoa học, nghệ thuật
và nghề thủ công, 1751 – 1772) do Diderot cùng D’Alembert chủ biên;
Système de la nature (Hệ thống tự nhiên, 1770) của Holbach.
Kết luận Chương 1
Tư tưởng về quyền con người trong triết học Khai sáng Pháp thế
kỷ XVIII được hình thành trên mảnh đất hiện thực là sự trì trệ, yếu kém
về kinh tế, sự suy thoái về chính trị, sự phân tầng gay gắt của xã hội
đương thời. Tư tưởng này còn kế thừa các quan điểm về quyền con
người của thời kỳ Hy Lạp – La Mã cổ đại, thời kỳ Phục Hưng – Cận đại
và chịu sự tác động của các tiền đề văn hóa – khoa học. Những triết gia
tiêu biểu của triết học Khai sáng Pháp bằng ngòi bút của mình đã từng
bước xác lập và phát triển tư tưởng về quyền con người qua ba giai
đoạn. Giai đoạn thứ nhất diễn ra từ đầu thế kỷ XVIII đến năm 1747; Giai
đoạn thứ hai từ năm 1748 đến 1761, được đánh dấu bằng sự ra đời tác
phẩm Bàn về tinh thần pháp luật của Montesquieu. Giai đoạn kế tiếp (từ
1762 đến cuối thế kỷ XVIII) bắt đầu bằng tác phẩm Bàn về khế ước xã
hội của Rousseau.
12
Chương 2
NỘI DUNG VÀ ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN CỦA TƯ TƯỞNG
VỀ QUYỀN CON NGƯỜI TRONG TRIẾT HỌC
KHAI SÁNG PHÁP THẾ KỶ XVIII
2.1. NỘI DUNG TƯ TƯỞNG VỀ QUYỀN CON NGƯỜI
TRONG TRIẾT HỌC KHAI SÁNG PHÁP THẾ KỶ XVIII
2.1.1. Tư tưởng về quyền tự nhiên trong triết học Khai sáng
Pháp thế kỷ XVIII
Lịch sử nghiên cứu về quyền con người đã phân thành hai trường
phái, học thuyết cơ bản là thuyết quyền tự nhiên và thuyết quyền pháp
lý. Hầu hết các triết gia Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII theo thuyết quyền
tự nhiên. Họ khẳng định quyền con người có tính chất bẩm sinh; trong
mối liên hệ với con người, tự nhiên như một định lý không thể thay thế.
Montesquieu tin rằng thế giới vạn vật đều phải tuân thủ theo luật tự
nhiên. Theo Voltaire, luật tự nhiên đã chỉ rõ rằng con người là thuộc về
tự nhiên, luật của nhân loại phải dựa trên nền tảng của luật tự nhiên. Với
Rousseau, các quyền của con người là vốn có mà mỗi cá nhân sinh ra
đều được hưởng, đơn giản bởi họ là con người. Quan điểm này về cơ
bản thống nhất với tư tưởng của các triết gia vô thần là La Mettrie,
Diderot, Holbach... Tuy nhiên, nếu như Montesquieu, Voltaire, Rousseau
cho rằng luật tự nhiên là do Thượng đế dành tặng cho con người thì các
triết gia triết gia vô thần xem đó là yếu tố tự thân, là quy luật vận động
của thế giới vật chất.
2.1.2. Tư tưởng về quyền tự do, bình đẳng trong triết học Khai
sáng Pháp thế kỷ XVIII
Tư tưởng về quyền tự do
Montesquieu từng thừa nhận “Không một từ nào lại có nhiều cách
định nghĩa theo những lối suy nghĩ khác nhau như từ tự do” 4. Ông đưa ra
định nghĩa tự do dưới lăng kính triết học, đó là được thực hiện ý chí của
mình hoặc ít ra được nói lên quan niệm về thực hiện ý chí ấy. Về tự do
chính trị, Montesquieu cho rằng đó là quyền được làm tất cả những điều
4
Montesquieu (2004), Bàn về tinh thần pháp luật, Nxb. Lý luận Chính trị, tr.103.
13
mà luật cho phép. Theo Rousseau, tự do là từ bản chất con người mà có,
trong trạng thái dân sự, tự do thể hiện ở việc thoát ra khỏi sự chế ngự
của dục vọng để làm chủ chính bản thân mình. Cho dù quan điểm của
các triết gia Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII về tự do khá đa dạng, phong
phú nhưng điểm giống nhau trong tư tưởng của họ thể hiện qua việc coi
tự do là quyền tự nhiên. Mặt khác, theo họ, tự do không trừu tượng mà
gắn liền với các quyền cụ thể của con người, đó là quyền sống và sống
hạnh phúc, quyền được đảm bảo an ninh, quyền tự do tư tưởng, quyền tự
do tín ngưỡng, tôn giáo.
Tư tưởng về quyền bình đẳng
Trong triết học Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII, bình đẳng được coi
là điều kiện cần thiết đạt đến tự do, là quyền tự nhiên của con người.
Rousseau đã nhấn mạnh việc không có bình đẳng thì không thể nào có tự
do. Montesquieu thì khẳng định trong trạng thái tự nhiên, mọi người
sinh ra bình đẳng. Tuy nhiên, các triết gia Khai sáng Pháp chủ yếu bàn
tới quyền bình đẳng trong trạng thái dân sự. Theo Montesquieu, bình
đẳng có nghĩa là mọi người đều có quyền và nghĩa vụ như nhau.
Rousseau cho rằng quyền bình đẳng của con người nên được hiểu là
“mọi người đều phải cam kết những điều kiện như nhau và phải được
hưởng quyền ngang nhau”5. Các triết gia Khai sáng Pháp cho rằng bình
đẳng là một phạm trù mang tính tương đối, chịu sự chế ước của những
yếu tố, quy luật xã hội. Họ nhận thấy những chuyển biến xã hội từ bình
đẳng sang bất bình đẳng, khiến con người đâu đâu “cũng sống trong
xiềng xích”. Vì vậy, họ đều phê phán trật tự hiện hành và cổ súy cho
việc đấu tranh giành quyền tự do, bình đẳng cho con người.
2.1.3. Tư tưởng về quyền sở hữu tài sản trong triết học Khai
sáng Pháp thế kỷ XVIII
Hầu hết các triết gia Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII đều cho rằng sở
hữu tài sản, đặc biệt là tư hữu là quyền tự nhiên của con người.
Montesquieu khẳng định tài sản của mỗi công dân được coi như một
phần sự giàu có của quốc gia và phản đối việc ban hành các sắc luật
5
Jean - Jacques Rousseau (2004), Bàn về khế ước xã hội, Nxb. Lý luận Chính trị, tr.89.
14
nhằm mục đích thủ tiêu quyền sở hữu tài sản. Rousseau thì kết luận: “Ý
niệm về sở hữu có gốc gác một cách tự nhiên từ quyền của người chiếm
hữu đầu tiên bằng lao động” 6. Ông cho rằng sở hữu tư nhân là cội nguồn
dẫn đến tình trạng bất bình đẳng và đem đối lập sự phát triển của văn
minh vật chất với thực trạng đạo đức, tinh thần, từ đó dẫn đến chủ nghĩa
bình quân. Tuy nhiên từ năm 1762 về sau, Rousseau đưa ra phương án
khế ước xã hội và cho rằng nhờ đó mà con người thu lại quyền tự do dân
sự và quyền sở hữu. Như vậy, cho dù cách thức, mức độ tiếp cận có khác
nhau, song các triết gia Khai sáng Pháp vẫn đặt quyền sở hữu tài sản ở
một vị trí trân trọng, yêu cầu phải được bảo vệ.
2.1.4. Tư tưởng về nền dân chủ và phân quyền nhà nước – cơ
chế để bảo vệ, phát huy quyền con người trong triết học Khai sáng
Pháp thế kỷ XVIII
Tư tưởng về nền dân chủ
Theo triết học Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII, dân chủ tức là quyền
lực thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ thể “có quyền lực tối cao”. Các
triết gia thời kỳ này đều dành thiện cảm với chính thể dân chủ và cho
rằng dân chủ vừa là quyền của con người, vừa là cơ chế để bảo vệ, phát
huy quyền con người; thực hiện dân chủ chính là thực hiện “ý chí
chung” của nhân dân. Montesquieu chủ trương kết hợp dân chủ trực tiếp
với dân chủ đại diện; Rousseau đề cao dân chủ trực tiếp; Diderot,
Holbach thì không tin rằng dân chủ trực tiếp là phương án cần thiết để
giải quyết các khó khăn của xã hội và chấm dứt sự sa đọa chính trị. Có
thể nói, tư tưởng của các triết gia Khai sáng Pháp ở đây đã có những
khác biệt nhất định, song, chính chúng đã đặt nền móng cho các tuyên
ngôn về quyền con người, là điểm tham chiếu cho việc xây dựng các
thiết chế dân chủ trong giai đoạn hiện nay.
Tư tưởng về phân quyền nhà nước
Ở phương Tây, tư tưởng về phân quyền nhà nước và vai trò của
pháp luật nhằm đảm bảo các quyền tự do, dân chủ đã hình thành từ thời
kỳ cổ đại. Tư tưởng này đã được các triết gia Khai sáng Pháp thế kỷ
6
Jean - Jacques Rousseau (2014), Émile hay là về giáo dục, Nxb.Tri thức, Hà Nội, tr.118.
15
XVIII đón nhận và đưa vào những chủ kiến riêng. Họ đã làm rõ vai trò
của pháp luật trong việc đảm bảo tự do, bình đẳng, “đưa công lý về với
đối tượng của nó”. Khi bàn về cơ thể chính trị, Montesquieu và
Rousseau cho rằng chính thể nào đều có thể theo hình thức cộng hòa,
song, hai ông đề cao hình thức nhà nước cộng hòa dân chủ, bởi chỉ trong
chính thể này dân chúng mới nắm được quyền lực tối cao và có sự gắn
kết với pháp luật một cách chặt chẽ nhất. Để xây dựng một nền cộng hòa
“chính đáng”, Montesquieu đã chia quyền lực nhà nước thành các bộ
phận độc lập có khả năng kiểm soát lẫn nhau là quyền lập pháp, hành
pháp và tư pháp và làm rõ ý nghĩa của phân quyền, cũng như mối quan
hệ giữa chúng trong quá trình vận hành của cơ thể chính trị.
Phương án này cũng Rousseau bổ sung thêm một số quan điểm
mới mẻ. Tuy cũng phân chia quyền lực nhà nước thành các quyền lập
pháp, hành pháp và tư pháp, song theo ông, tất cả chúng đều phụ
thuộc vào quyền lực tối cao, trong đó quyền lập pháp được trao cho
dân chúng. Ba quyền này vừa độc lập, vừa ràng buộc, tạo nên sự vận
động chung của toàn bộ hệ thống, đảm bảo không xâm phạm lẫn nhau,
làm cho cơ thể chính trị biến chất, dẫn tới suy thoái, lạm quyền, xâm
phạm tự do, bình đẳng của con người.
2.2. ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN CỦA TƯ TƯỞNG VỀ QUYỀN CON
NGƯỜI TRONG TRIẾT HỌC KHAI SÁNG PHÁP THẾ KỶ XVIII
2.2.1. Tư tưởng về quyền con người trong triết học Khai sáng
Pháp thế kỷ XVIII phản ánh lập trường của giai cấp tư sản, đấu
tranh chống chế độ phong kiến và tôn giáo, thúc đẩy chủ nghĩa duy
lý phát triển
Các triết gia Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII tuy xuất thân từ nhiều
tầng lớp khác nhau, song, họ đã hòa mình vào làn sóng tư tưởng của các
trí thức tư sản, đứng vào hàng ngũ ấy và tự nhận sứ mệnh chống những
bất công do trật tự hiện hành mang lại. Bởi vậy, một trong những đặc
điểm cơ bản của tư tưởng về quyền con người trong triết học Khai sáng
Pháp thế kỷ XVIII là phản ánh lập trường của giai cấp tư sản, đấu tranh
16
chống chế độ phong kiến chuyên chế cũng như sự thống trị của thần
quyền, phát triển chủ nghĩa duy lý. Chính tư tưởng đấu tranh vì tự do,
bình đẳng và xây dựng một trật tự dựa trên luật pháp, chia quyền lực nhà
nước thành những bộ phận vừa độc lập vừa kiểm soát lẫn nhau, triết học
Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII đã đưa chủ nghĩa duy lý vào trong đời
sống xã hội, đối lập với chế độ phong kiến và nhà thờ.
2.2.2. Tư tưởng về quyền con người trong triết
học Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII thể hiện sự thống
nhất giữa quyền tự nhiên với quyền công dân
Các triết gia Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII thừa nhận quyền con
người là tự nhiên, quy luật tự nhiên tồn tại một cách tối cao xác lập và
quy định các quyền con người. Tuy nhiên, song điểm tiến bộ của các
triết gia thời kỳ này đó là họ không chỉ dừng lại việc nghiên cứu con
người trong trạng thái tự nhiên mà chủ yếu ở trạng thái dân sự. Trong
trạng thái này, con người được coi là công dân, quyền tự nhiên của con
người có mối liên hệ chặt chẽ và chịu sự ràng buộc bởi những quy định
của cơ thể chính trị, được pháp luật bảo vệ. Ngược lại, bên cạnh quyền,
con người phải có những nghĩa vụ với cơ thể chính trị và cộng đồng. Vì
lẽ đó, sự thống nhất giữa quyền tự nhiên với quyền công dân trở thành
một đặc điểm cơ bản trong tư tưởng về quyền con người của triết học
Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII.
2.2.3. Tư tưởng về quyền con người trong triết học Khai sáng
Pháp thế kỷ XVIII thể hiện chủ yếu ở các quyền dân sự, chính trị,
đặc biệt là quyền tự do cá nhân
Xét trên phương diện chính trị, lịch sử, trong thế kỷ XVIII, mặc dù
nói nhiều về quyền con người, song các triết gia Khai sáng Pháp không
bàn về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, quyền của nhóm mà tập trung
vào quyền tự do, bình đẳng, tư hữu. Đây là các quyền dân sự, chính trị
mà ở đó quyền tự do cá nhân được đặc biệt chú trọng, bảo vệ tự do cá
nhân đồng nghĩa với việc đối trọng với quyền lực nhà nước. Sự hình
thành và phát triển của quyền dân sự, chính trị không tách rời với các
17
cuộc cách mạng tư sản. Đây cũng là nội dung được tiếp tục được phát
triển trong các văn kiện quốc tế về quyền con người và Hiến pháp, pháp
luật của nhiều nước tư sản.
Kết luận Chương 2
Nội dung trung tâm của tư tưởng về quyền con người trong triết
học Khai sáng Pháp vào thế kỷ XVIII là tư tưởng về các quyền tự do,
bình đẳng và sở hữu tài sản. Các triết gia thời kỳ này cũng đã phác thảo
những cơ chế quan trọng hướng tới việc bảo vệ và phát huy quyền con
người, đó là tư tưởng về việc xây dựng nền dân chủ và phân quyền nhà
nước. Quá trình nghiên cứu cũng cho thấy, tư tưởng về quyền con người
trong triết học Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII có những đặc điểm cơ bản
là: phản ánh lập trường của giai cấp tư sản trong cuộc đấu tranh chống
chế độ phong kiến chuyên chế và sự mê tín tôn giáo, đưa tất cả ra trước
tòa án lý tính; phản ánh sự chuyển biến và sự thống nhất giữa quyền tự
nhiên và quyền công dân và thể hiện chủ yếu ở các quyền dân sự, chính
trị, đặc biệt là quyền tự do cá nhân.
18
Chương 3
GIÁ TRỊ, HẠN CHẾ CỦA TƯ TƯỞNG VỀ QUYỀN CON NGƯỜI
TRONG TRIẾT HỌC KHAI SÁNG PHÁP THẾ KỶ XVIII VÀ
VẤN ĐỀ BẢO VỆ, PHÁT HUY QUYỀN CON NGƯỜI
Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
3.1. GIÁ TRỊ, HẠN CHẾ CỦA TƯ TƯỞNG VỀ QUYỀN CON
NGƯỜI TRONG TRIẾT HỌC KHAI SÁNG PHÁP THẾ KỶ XVIII
3.1.1. Giá trị của tư tưởng về quyền con người trong triết học
Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII
Thứ nhất, tư tưởng về quyền con người trong triết học Khai sáng
Pháp vào thế kỷ XVIII thể hiện tinh thần nhân văn, nhân đạo và triết lý
hành động sâu sắc. Tinh thần nhân văn, nhân đạo thể hiện ở thái độ tin
tưởng vào sự tốt đẹp của con người, đề cao quyền tự do, bình đẳng và
mong mỏi tìm ra những quy tắc “biết đối đãi với con người như con
người”. Triết lý hành động thì phản ánh qua mục đích của các triết gia
trong giai đoạn này. Họ không chủ trương sáng tạo ra những khái niệm
trừu tượng, thoát ly hiện thực mà chủ yếu giải quyết những đòi hỏi cấp
thiết của đời sống.
Thứ hai, tư tưởng về quyền con người trong triết học Khai sáng
Pháp thế kỷ XVIII góp phần làm phong phú tư duy lý luận về con người,
quyền con người của nhân loại. Đóng góp về mặt lý luận của tư tưởng
về quyền con người trong triết học Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII có thể
kể đến: 1. Khẳng định các quyền thiêng liêng, cơ bản – hệ giá trị cho
phẩm giá con người; 2. Thiết kế một cơ chế cụ thể nhằm bảo vệ, phát
triển quyền con người – đó là nền dân chủ và phân quyền nhà nước.
Những đóng góp đã nêu góp phần làm phong phú tư duy lý luận về con
người, quyền con người trong lịch sử nhân loại. Điều đó thể hiện qua
ảnh hưởng, lan tỏa của tư tưởng này đến các khuynh hướng tư tưởng,
các chính trị gia, triết gia không chỉ ở riêng nước Pháp mà còn trên phạm
vi toàn thế giới.
Thứ ba, tư tưởng về quyền con người trong triết học Khai sáng
Pháp thế kỷ XVIII là vũ khí tư tưởng cho cách mạng tư sản Pháp, đồng
19
thời cổ vũ mạnh mẽ cho các phong trào đấu tranh giải phóng con người,
bảo vệ, phát huy quyền con người trên thế giới. Nếu tư tưởng về quyền
con người trong triết học Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII là sự phản ánh
hơi thở của thời đại thì đến lượt mình nó giương cao ngọn cờ lý luận,
dẫn dắt giai cấp tư sản và nhân dân Pháp tạo ra một thời đại mới. Tư
tưởng này còn có ảnh hưởng to lớn đến các phong trào đấu tranh vì
quyền con người, trong đó có Cách mạng Mỹ năm 1776, Cách mạng
Đức (1848 - 1849), các phong trào công nhân trong thế kỷ XIX và cả
cuộc đấu tranh giành độc lập ở Việt Nam.
3.1.2. Hạn chế của tư tưởng về quyền con người trong triết học
Khai sáng Pháp vào thế kỷ XVIII
Thứ nhất, tư tưởng về quyền con người trong triết học Khai sáng
Pháp thế kỷ XVIII chưa thoát khỏi quan điểm duy tâm về lịch sử. Yếu tố
duy tâm thể hiện trước hết ở lập trường tự nhiên thần luận khi việc mượn
bàn tay của Thượng đế để lý giải vấn đề con người, quyền con người, vô
hình chung đã đồng nhất con người với những thuộc tính trừu tượng;
tách rời con người khỏi những điều kiện lịch sử - cụ thể. Yếu tố duy tâm
còn thể hiện ở việc dựa trên quan niệm về “ý chí chung” và “khế ước xã
hội” để tiếp cận nguồn gốc của nhà nước, pháp luật – cơ chế bảo vệ, phát
huy các quyền của con người.
Thứ hai, tư tưởng về quyền con người trong triết học Khai sáng
Pháp thế kỷ XVIII chỉ mang tính lý tưởng, không thể hướng đến giải
phóng con người một cách triệt để và hoàn toàn mang lại tự do, bình
đẳng cho con người. Các triết gia Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII chính là
đại biểu của giai cấp tư sản. Họ đề cao sở hữu tư sản, coi đó là quyền tự
nhiên, không thể bị xâm phạm. Do không chủ trương xóa bỏ tư hữu - cội
nguồn dẫn đến sự bất bình đẳng nên tư tưởng về quyền con người trong
triết học Khai sáng Pháp không thể hướng tới việc giải phóng con người
một cách triệt để. Các quyền tự do, bình đẳng mà các triết gia Khai sáng
Pháp khao khát cũng không trở thành giá trị phổ quát cho tất cả mọi tầng
lớp nhân dân.
20
3.2. THỰC TRẠNG BẢO VỆ, PHÁT HUY QUYỀN CON
NGƯỜI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY VÀ NHỮNG BÀI HỌC TỪ TƯ
TƯỞNG VỀ QUYỀN CON NGƯỜI TRONG TRIẾT HỌC KHAI
SÁNG PHÁP THẾ KỶ XVIII
3.2.1. Thực trạng việc bảo vệ, phát huy quyền con người ở Việt
Nam hiện nay
Từ sau ngày lập nước (1945), quyết tâm chính trị về việc bảo vệ,
phát huy quyền con người của Đảng, Nhà nước ta luôn thể hiện một
cách nhất quán, đồng thời không ngừng được bổ sung, hoàn thiện qua
những giai đoạn lịch sử nhất định. Điều này phản ánh qua quá trình xây
dựng Hiến pháp, ban hành các văn bản pháp luật, tham gia các Công ước
quốc tế về quyền con người, cũng như thiết lập các cơ chế bảo vệ, phát
huy quyền con người.
Những thành tựu đạt được
Việt Nam tôn trọng, bảo đảm các quyền dân sự và chính trị. Công
dân được quyền bầu cử, ứng cử, tham gia quản lý Nhà nước, xã hội,
được tự do hội họp, lập hội; được đảm bảo các quyền tự do ngôn luận, tự
do báo chí. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và tạo điều kiện
để người dân được thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; đảm bảo
các dân tộc bình đẳng, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ; bảo vệ
quyền sống, được tôn trọng về nhân phẩm và bất khả xâm phạm về thân
thể; quyền tự do đi lại và cư trú. Việt Nam cũng tôn trọng và bảo đảm
các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Đảng và Nhà nước tôn trọng sự
bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, công dân được quyền tự do kinh
doanh và sở hữu thu nhập hợp pháp. Chúng ta cũng chủ trương phát
triển văn hóa, thực hiện chính sách an sinh xã hội; quan tâm đến các đối
tượng chính sách; chú trọng tạo việc làm, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo,
chăm sóc sức khỏe người dân. Những thành tựu này là kết quả của sự
kết hợp giữa bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa với truyền
thống nhân đạo, nhân văn của dân tộc Việt Nam, thể hiện quyết tâm của
Đảng, Nhà nước ta trong việc không ngừng thúc đẩy các quyền con
người, đặt con người vào vị trí trung tâm của mọi chính sách.
21
Những hạn chế, thách thức
Về hạn chế, hệ thống pháp luật và việc thực thi pháp luật nhằm
bảo vệ và phát huy quyền con người ở Việt Nam chưa đáp ứng được yêu
cầu. Tình trạng vi phạm trong thực hiện dân chủ, xâm hại các quyền con
người vẫn xảy ra. Về thách thức, những điều kiện để bảo vệ, phát huy
quyền con người, đặc biệt là tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó
khăn; nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân về vấn đề
này còn hạn chế; sự xung đột về văn hóa giữa nước ta và các nước tư
bản, khiến một số thế lực có thể lợi dụng vấn đề quyền con người để
chống phá Việt Nam. Các thách thức này cũng đồng thời là nguyên nhân
dẫn đến hạn chế của việc bảo vệ, phát huy quyền con người. Ngoài ra,
nước ta đang bước những bước đầu tiên trong xây dựng nhà nước pháp
quyền và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, việc hình thành thói quen sống,
làm việc theo pháp luật, cũng như thiết lập các cơ chế vận hành, kiểm
soát quyền lực để đảm bảo quyền con người còn nhiều khoảng trống.
Trong khi đó những tiêu cực phát sinh từ nền kinh tế thị trường dần tạo
ra các vấn nạn đáng lo ngại; những phong tục, tập quán, định kiến mang
tính địa phương cục bộ vẫn tồn tại.
3.2.2. Những bài học từ tư tưởng về quyền con người trong
triết học Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII đối với việc bảo vệ và phát
huy quyền con người ở Việt Nam hiện nay
Thứ nhất, thực hiện dân chủ, đề cao vai trò của nhân dân nhằm
bảo vệ, phát huy quyền con người
Vấn đề dân chủ và gắn liền với nó là tự do, bình đẳng chính là tinh
thần cốt lõi của triết học Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII. Với Việt Nam,
vấn đề thực hiện dân chủ, xây dựng một thể chế chính trị đề cao vai trò
của nhân dân đang là một trong những nội dung cấp bách cần thực hiện
nhằm tạo ra sức mạnh thúc đẩy đất nước phát triển, đồng thời bảo vệ,
phát huy tốt hơn các quyền của con người. Trong quá trình này, thiết
nghĩ chúng ta cần phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân; nâng
cao chất lượng các hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại
diện, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở. Mặt khác, chúng ta phải gắn phát
22
huy dân chủ với vấn đề tăng cường pháp chế, kỷ cương, đấu tranh chống
các biểu hiện phi dân chủ.
Thứ hai, tăng cường pháp chế, kiện toàn bộ máy nhà nước trên cơ
sở vận dụng sáng tạo nguyên tắc phân quyền và xây dựng đội ngũ cán
bộ có “phẩm hạnh chính trị” để bảo vệ, phát huy quyền con người
Một trong những đóng góp lớn của tư tưởng về quyền con người
trong triết học Khai sáng Pháp là quan niệm về vai trò của pháp luật, về
phân quyền nhà nước và “phẩm hạnh chính trị”. Với Việt Nam, mặc dù
coi đổi mới kinh tế là nền tảng, song đồng hành với nó là việc tăng
cường vai trò quản lý, điều tiết của nhà nước nhằm thúc đẩy kinh tế phát
triển, bảo vệ và phát huy được các quyền con người. Bởi vậy, chúng ta
phải tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền
xã hội chủ nghĩa, tăng cường pháp chế, kiện toàn hệ thống pháp luật để
bảo vệ, phát huy quyền con người; chống lại mọi hành động coi thường
pháp luật; vận dụng sáng tạo nguyên tắc phân quyền; xây dựng đội ngũ
cán bộ có “phẩm hạnh chính trị” đủ năng lực, phẩm chất; đấu tranh
chống quan liêu, tham nhũng và những tiêu cực khác.
Thứ ba, phát huy vai trò của sở hữu tư nhân, kinh tế tư nhân trong
nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Các triết gia Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII đều xem quyền sở hữu
tài sản, đặc biệt là quyền sở hữu tư nhân là quyền tự nhiên của con
người. Đối với Việt Nam hiện nay, việc tồn tại nhiều hình thức sở hữu,
nhiều thành phần kinh tế vẫn là cần thiết. Chúng ta cần phát huy vai trò
của sở hữu tư nhân và kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định
hướng xã hội chủ nghĩa. Trước hết là thừa nhận, tôn trọng, tạo mọi điều
kiện để phát triển kinh tế tư nhân. Mặt khác, cần khắc phục những mặt
trái, những ảnh hưởng tiêu cực của nó, đồng thời tìm ra những biện pháp
giải quyết những mâu thuẫn, thiếu công bằng về lợi ích, sự phân cách
giàu nghèo giữa các thành viên trong xã hội.
Thứ tư, nêu cao tinh thần khoan dung, tiếp thu các giá trị tích cực
về quyền con người, đồng thời đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù
địch và các hành vi vi phạm quyền con người
23
Tinh thần khoan dung mà triết học Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII
đề cập có ý nghĩa là chấp nhận sự khác biệt, tự do tư tưởng. Nêu cao tinh
thần này trong thời kỳ hội nhập, chúng ta cần tiếp thu những giá trị tích
cực về quyền con người. Tuy nhiên, mặt trái của quá trình hội nhập văn
hóa, đó là việc sự gia tăng các hiện tượng phản văn hóa khó nắm bắt, là
sự hình thành những tư tưởng sai trái, thù địch. Bên cạnh đó, việc bảo
vệ, phát huy quyền con người ở nước ta hiện nay cũng còn nhiều hạn
chế, vi phạm, tạo cơ hội cho các thế lực thù địch lợi dụng. Bởi vậy, cùng
với việc tiếp thu các giá trị tích cực về quyền con người, chúng ta cần
đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch, tích cực phòng ngừa và
nghiêm khắc xử lý những cá nhân, tập thể có hành vi xâm phạm quyền
con người.
Kết luận Chương 3
Với tinh thần nhân văn, nhân đạo và triết lý hành động sâu sắc, tư
tưởng về quyền con người trong triết học Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII
đã có những giá trị to lớn về mặt lý luận, cũng như thực tiễn đấu tranh
cho quyền con người. Trên cơ sở nghiên cứu tư tưởng này, vận dụng vào
hoàn cảnh cụ thể nước ta, chúng ta có thể rút ra những bài học cần thiết
đối với việc bảo vệ, phát huy quyền con người là: thực hiện dân chủ, xây
dựng hệ thống chính trị đề cao vai trò của nhân dân; tăng cường pháp
chế, kiện toàn bộ máy nhà nước trên cơ sở vận dụng sáng tạo nguyên tắc
phân quyền và xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm hạnh chính trị; phát
huy vai trò của sở hữu tư nhân, kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nêu cao tinh thần khoan dung, tiếp
thu các giá trị tích cực về quyền con người, đồng thời đấu tranh với các
quan điểm sai trái, thù địch và các hành vi vi phạm quyền con người.
24
PHẦN KẾT LUẬN
Trong dòng chảy của tư tưởng nhân loại, triết học Khai sáng Pháp
thế kỷ XVIII là một giai đoạn phát triển huy hoàng với những tên tuổi
mà học thuyết của họ đã khơi nguồn cho cuộc đấu tranh chống phong
kiến, đề cao các quyền tự do, dân chủ của nhân dân. Các triết gia Khai
sáng Pháp thế kỷ XVIII đã sử dụng ngòi bút tấn công mạnh mẽ vào trật
tự thống trị hiện hành, từng bước xác lập, phát triển tư tưởng về quyền
con người. Theo đó, quyền con người mang tính tự nhiên, bao gồm các
quyền tự do, bình đẳng và sở hữu tài sản. Họ cũng xây dựng cơ chế
nhằm mang lại sự tự do cho con người, điển hình là tư tưởng về việc xây
dựng nền dân chủ và phân quyền nhà nước.
Với tinh thần nhân văn, nhân đạo và triết lý hành động sâu sắc, tư
tưởng về quyền con người trong triết học Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII
cho đến nay vẫn có giá trị lý và ảnh hưởng hết sức to lớn đối với nhân
loại tiến bộ, trong đó có nhân dân Việt Nam trong hành trình mưu cầu
hạnh phúc cho mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “nước
Việt Nam chiến đấu giành độc lập chỉ là theo những lý tưởng dân chủ
mà dân tộc Pháp là người tiên phong”7.
Từ tư tưởng về quyền con người trong triết học Khai sáng Pháp
thế kỷ XVIII, đối chiếu với vấn đề quyền con người ở Việt Nam, chúng
ta có thể rút ra những bài học cần thiết cho giai đoạn cách mạng hiện
nay, đó là: thực hiện dân chủ, tăng cường pháp chế, kiện toàn bộ máy
nhà nước trên cơ sở vận dụng sáng tạo nguyên tắc phân quyền và xây
dựng đội ngũ cán bộ có phẩm hạnh chính trị; phát huy vai trò của sở hữu
tư nhân, kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội
chủ nghĩa; nêu cao tinh thần khoan dung, tiếp thu các giá trị tích cực về
quyền con người và đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch và các
hành vi vi phạm quyền con người.
7
Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.4, tr.271.