Tải bản đầy đủ (.pdf) (82 trang)

MỘT số BIỆN PHÁP NGHỆ THUẬT TRONG CA từ TRỊNH CÔNG sơn

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (841.42 KB, 82 trang )

ĐẠI HỌC CẦN THƠ
KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

BỘ MÔN NGỮ VĂN
----------

TRẦN THỊ LAN ANH
MSSV: 6086162

MỘT SỐ BIỆN PHÁP NGHỆ THUẬT TRONG
CA TỪ TRỊNH CÔNG SƠN
Luận văn tốt nghiệp đại học
Ngành Ngữ Văn

Cán bộ hướng dẫn: ThS.GV. Nguyễn Thị Thu Thủy

Cần Thơ, 4/2012

1


ĐỀ CƯƠNG TỔNG QUÁT

Lời nói đầu
Phần mở đầu
1. Lí do chọn đề tài
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
3. Mục đích nghiên cứu
4. Phạm vi nghiên cứu
5. Phương pháp nghiên cứu


Phần nội dung
CHƯƠNG MỘT: VÀI NÉT VỀ NHẠC SĨ TRỊNH CÔNG SƠN –
TRỊNH CÔNG SƠN MỘT DẤU ẤN RIÊNG
1.Vài nét về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
1.1 Cuộc đời
1.2. Sự nghiệp
1.2.1. Một nhạc sĩ
1.2.1.1. Nhạc tình
1.2.1.2. Nhạc phản chiến
1.2.1.3. Nhạc khác
1.2.2. Trịnh Công Sơn - một nhà thơ -một họa sĩ
2. Trịnh Công Sơn - một dấu ấn riêng
CHƯƠNG HAI: CA TỪ TRONG ÂM NHẠC VÀ CÁC PHƯƠNG TIỆN,
CÁC BIỆN PHÁP TU TỪ
2. Các cách hiểu về ca từ
3. Các phương tiện và biện pháp tu từ tiếng việt
3.1 Các biện pháp tu từ từ ngữ tiếng việt được cấu tạo theo quan hệ liên
tưởng
3.1.1 So sánh
3.1.1.1 Phân biệt so sánh luận lí và so sánh tu từ
3.1.1.2 Định nghĩa so sánh tu từ
3.1.1.3 Các loại hình thức so sánh tu từ

2


3.1.1.4 Đặc điểm so sánh tu từ
3.1.2 Nhân hóa
3.1.2.1 Định nghĩa nhân hóa
3.1.2.2 Đặc điểm của nhân hóa

3.2. Các phương tiện và các biện pháp tu từ cú pháp
3.2.1 Điệp từ, điệp ngữ
3.2.1.1 Định nghĩa
3.2.1.2 Các hình thức điệp từ, điệp ngữ
3.2.2 Câu hỏi tu từ
3.2.2.1 Định nghĩa
CHƯƠNG BA: MỘT SỐ BIỆN PHÁP NGHỆ THUẬT TRONG CA TỪ
NHẠC TRỊNH CÔNG SƠN
3. Đôi lời cảm nhận về các biện pháp trong ca từ nhạc Trịnh

4. So sánh tu từ trong nhạc Trịnh

5. Nhân hóa trong nhạc Trịnh
6. Câu hỏi tu từ trong nhạc Trịnh
7. Điệp từ, điệp ngữ trong nhạc Trịnh

Phần kết luận
TÀI LIỆU THAM KHẢO
NHẬN XÉT CỦA CÁN BỘ HƯỚNG DẪN
NHẬN XÉT CỦA CÁN BỘ PHẢN BIỆN
NHẬN XÉT CỦA CÁN BỘ PHẢN BIỆN

3


1/ Lí do chọn đề tài
Như chúng ta đã biết, văn chương, hội họa là hai trong những loại hình nghệ
thuật đáng tự hào của dân tộc. Và song song với sự phát triển của hai lĩnh vực đó,
chúng ta không thể nào quên sự tồn tại và phát triển vững mạnh của nền âm nhạc.
Âm nhạc đã là một phần tất yếu, không thể nào thiếu trong đời sống của con

người, cũng như không thể nào khuyết trong kho tàng nghệ thuật trên thế giới, và
cả ở Việt Nam.
Trong kho tàng âm nhạc Việt Nam đã có biết bao ca khúc bất hủ với thời
gian, những ca khúc đã đi vào lòng người và trường tồn theo năm tháng. Ở đây
chúng tôi muốn nói đến nhạc sĩ tài hoa được mệnh danh là “Phù thủy ngôn từ”
hay “Người Việt viết nhạc tình hay nhất thế kỉ” hay “Người hát rong qua nhiều
thế hệ” – nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Cũng như trong các lĩnh vực khác, trong âm nhạc, mỗi tác giả trên đấu trường
âm nhạc đều chọn cho mình một con đường nghệ thuật, do đó âm nhạc của mỗi
nhạc sĩ mang một sắc thái riêng. Có lẽ vì thế mà chúng ta không khỏi ngạc nhiên
khi thấy rằng có cả một dòng nhạc Trịnh tồn tại song song cùng với các dòng
nhạc khác: Quê hương, nhạc trẻ, nhạc đỏ…Bên cạnh đó, đã có nhiều cuốn sách,
cùng hàng ngàn bài viết viết về tiểu sử cũng như cuộc đời âm nhạc của Trịnh
Công Sơn. Nhưng tất cả những điều đó dường như không đủ để giải mã một
thiên tài mà tầm ảnh hưởng quá lớn đối với văn hóa Việt Nam.
Nhạc Trịnh mang lại cho người nghe nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, làm
xao xuyến lòng người. Đôi khi chúng ta bắt gặp chính mình ở trong đó, trong cái
cõi vô thường ấy: Sinh ra từ cát bụi và cuối cùng là trở về với cát bụi - “Hạt bụi
nào hóa kiếp thân tôi, để một mai vươn hình hài lớn dậy. Hạt bụi nào hóa kiếp
thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi” (Cát bụi). Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã
đưa ra một nguyên lí về cuộc sống của con người: “Sống trong đời sống cần có
một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi. Để gió cuốn đi” (Để gió
cuốn đi)… Trong nhạc phẩm của ông, nhiều triết lí về cuộc sống đã được thể hiện
mà mọi người sẽ phải chiêm nghiệm trong cuộc sống của chính mình.
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một trong số ít nhạc sĩ tài hoa của nền âm nhạc
hiện đại nước nhà, âm nhạc của ông có sức ảnh hưởng rất lớn đối với người

4



nghe. Nhạc Trịnh làm cho người thưởng thức như thoát ra được khỏi những lo
toan, phiền muộn trong cuộc sống có nhiều biến động như hiện tại.
Nhạc Trịnh bao gồm những khúc thức gần gũi, bình dân nhưng lại không dễ
hiểu. Với danh hiệu Phù thủy ngôn từ, ca từ của nhạc Trịnh mang nhiều màu sắc,
hình ảnh cùng nhiều cảm xúc lạ. Trong nhạc phẩm của ông, ca từ luôn có nhiều
tầng nghĩa với nghệ thuật riêng của nó. Có lẽ vì thế mà đã có nhận định rằng
“Nói đến việc đặt lời (ca từ) cho các ca khúc tân nhạc thì ai cũng phải công
nhận Trịnh Công Sơn là một trong những nhạc sĩ bậc thầy”. Từ âm nhạc của
Trịnh Công Sơn, chúng tôi - sinh viên ngữ văn - được hiểu thêm về từ ngữ phong
phú của tiếng Việt cũng như các biện pháp nghệ thuật tiếng Việt. Đó là lý do
chúng tôi chọn nhạc Trịnh Công Sơn làm đề tài nghiên cứu cho luận văn tốt
nghiệp của mình.
Chúng tôi đến với âm nhạc Trịnh Công Sơn còn vì lòng tôn kính đối với
người nghệ sĩ tài hoa đã cống hiến suốt cuộc đời mình cho nghệ thuật, sau nữa là
do niềm đam mê âm nhạc. Ngoài ra, từ việc nghiên cứu này, người viết được
hiểu sâu hơn về âm nhạc của Trịnh Công Sơn và đóng góp của ông cho nền âm
nhạc nước nhà.

2/ Lịch sử vấn đề nghiên cứu
Qua việc tìm hiểu một số tài liệu và những công trình nghiên cứu trước thì
người viết nhận thấy có một số công trình nghiên cứu cũng lấy ngôn từ trong âm
nhạc Trịnh làm đề tài nghiên cứu. Ở đây, người viết chỉ xin điểm qua một vài
công trình nghiên cứu chủ yếu có liên quan.
Trước hết, đó là những công trình, những bài viết về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Các công trình này đa số viết về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác của ông:
+ Trịnh Công Sơn và những ám ảnh nghệ thuật - chuyên luận của Bùi Vĩnh
Phúc. Một chuyên luận tập hợp rất nhiều bài viết về Trịnh Công Sơn. Trong
chuyên luận, tác giả đã nói lên suy nghĩ của riêng mình về cố nhạc sĩ Trịnh Công
Sơn. Ngoài ra, chuyên luận còn nghiên cứu về các biện pháp tu từ được sử dụng
trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn. “Không ai nghe nhạc Trịnh Công Sơn mà lại

không thấy những nét kì ảo trong ngôn ngữ của người nhạc sĩ. Những nét kì ảo
trong thế giới của anh đã khiến cho cái thế giới ấy trở nên, có khi, đẹp đẽ, lung
linh nhiều màu sắc, có khi nhòe nhạt thấp thoáng nhưng cũng không thật gần với
5


cuộc đời này, giống như chút tình mà Trịnh Công Sơn đã nhắc đến trong một câu
hát của bài Như một lời chia tay “Tình không xa nhưng không thật gần”. Trong
một câu hát khác của bài Đời cho ta thế, anh viết, “Không xa bờ và cũng không
xa mịt mù (…)/ Không xa trời và cũng không xa phận người”. Đúng như thế,
trong thế giới của anh, ngôn ngữ làm ra tất cả. Chính ngôn ngữ đã tạo ra một
thế giới mới”.[3,tr.145].
+ Trịnh Công Sơn - Người hát rong qua nhiều thế hệ: Tập hợp bài viết của nhiều
tác giả cũng như là của chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Qua các bài viết, chúng ta
thấy và hiểu được tình cảm của mọi người dành cho ông. Bên cạnh đó, những
tâm tư tình cảm của chính cố nhạc sĩ cũng được viết lên: “Có những ngày tuyệt
vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau. Từ buổi con người sống quá
rẻ rúng tôi biết rằng vinh quang chỉ là điều dối trá. Tôi không còn gì để chiêm
bái ngoài những nỗi tuyệt vọng và lòng bao dung. Hãy đi đến tận cùng của tuyệt
vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa. Tôi không muốn khuyến
khích sự khổ hạnh, nhưng mỗi chúng ta hãy thử sống cùng một lúc vừa kẻ chiến
thắng vừa kẻ chiến bại. Nỗi vinh nhục đã mang ta ra khỏi đời sống để đưa đến
những đấu trường.” [8,tr.9].
+ Một cõi Trịnh Công Sơn của nhiều tác giả là tập hợp những bài viết, nhận xét
về ông một cách chân thật nhất về những đóng góp ở mặt nội dung lẫn nghệ thuật
“Phải thừa nhận rằng, cách cấu tạo ngôn ngữ Trịnh Công Sơn tài hoa, táo bạo
và lạ. Trong quá trình tạo vần cho phù hợp với âm thanh và với nét nhạc, anh
“bật” ra những ý tứ, những ý, những hình ảnh ngôn ngữ hết sức bất ngờ, mới lạ
đôi khi khiến người ta sửng sốt y như chúng từ trên trời rơi xuống”.[5,tr.321].
+ Một vài đặc điểm nghệ thuật trong ca từ Trịnh Công Sơn của Mai Văn Hoan.

Bài viết đã đi sâu vào việc tìm hiểu những đặc điểm nổi bật về cách ghép từ, nhịp
điệu, gieo vần và biện pháp so sánh trong phạm vi những ca khúc viết về tình yêu
của Trịnh Công Sơn: “Có người cho rằng Trịnh Công Sơn là một nhà thơ lớn.
Nhạc chỉ là “chiếc xe tải” chở thơ anh đến với mọi người. Thực tế rất khó lòng
tách bạch giữa thơ và nhạc trong những ca khúc của anh. Nhạc và thơ hòa quyện
vào nhau, nương tựa vào nhau tạo nên những nhạc phẩm đã và sẽ làm say mê
hàng triệu trái tim qua bao thế hệ. Trong đó phải nói phải nói phần ca từ đóng
một vai trò hết sức quan trọng…”.
6


+ Ngôn ngữ nghệ thuật trong ca từ Trịnh Công Sơn : “Ta còn chứng kiến một
công cuộc thể nghiệm của tiếng việt trên những chặng đường mới của ngôn ngữ
với những kết hợp tài hoa, những góc độ thu hình lạ lẫm, những tri giác dày dặn
nhiều tầng, đồng thời làm sáng giá những sự vật thông thường và tầm thường,
khả năng tưởng tượng bay bổng”(Bửu Ý) - Trích trong “Trịnh Công Sơn vết
chân dã tràng” của Ban Mai.
+ Bài viết về Tính dung hợp triết lý trong ngôn ngữ ca từ Trịnh Công Sơn, tác giả
Lê Thị Tuyết Hạnh đã đề cập đến tính triết lý ẩn sau lớp từ ngữ trong nhạc phẩm
của ông “Trịnh Công Sơn qua phần lời viết cho ca khúc của mình đã thể hiện
một tư tưởng nghệ thuật độc đáo về tình yêu - thân phận con người như một ám
ảnh mà cũng như một bệ phóng cho các sáng tác của ông”.
+ Bài viết Nghệ thuật ca từ của Trịnh Công Sơn qua tác phẩm “Đóa hoa vô
thường”. Bài viết đã phân tích cụ thể nhạc phẩm “Đóa hoa vô thường” và đưa ra
nhận xét “ “Đóa hoa vô thường” ấy chỉ nở có một lần. Và trong lần nở ấy, hoa
chỉ kể về những bí mật của riêng mình mà thôi”.
+ Bài viết “Trịnh Công Sơn và ngôn từ trong những bản tình ca” của tác giả
Nguyễn Thị Thu Thủy trên tạp chí ngữ học trẻ 2005. Bài viết đã đưa ra một số
dẫn chứng và cơ sở để nói về ngôn từ của ông “Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ đầu
tiên vẽ về thân phận con người. Lời, nhạc và tư tưởng của ông kết hợp lại thành

một thể thống nhất. Ông chấp cánh cho ngôn từ, cho tư tưởng và tưởng tượng
len lỏi vào các hốc hẻm của đời sống khiến cho các sự vật ông phác thảo trở nên
lung linh, mộng ảo. Ông đi trước người khác một bước, ngạc nhiên trước người
khác, mừng reo hay tư lự cũng trước người khác. Sự vật nào đó quan tâm của
ông cũng trở thành lạ hơn vẻ thật”.[7, tr.399].
+ Trịnh Công Sơn, một người thơ ca, một cõi đi về của ba tác giả Nguyễn Trọng
Tạo, Nguyễn Thụy Kha và Đoàn Tử Huyến. Cuốn sách là tập hợp những bài viết,
cũng như những bài mà các tác giả sưu tầm được. “Chúng tôi, những người mến
mộ, những người bạn và cũng là đồng nghiệp của ông, trong niềm xúc động chân
thành đã cùng nhau sưu tầm lại những bài viết về ông, những trước tác của ông
nhằm lưu giữ kỷ niệm về người nghệ sĩ lớn, một thiên tài đã từng có mặt trên
chốn trần gian này” [6,tr 10].

7


Ngoài những công trình trên, người viết còn tập hợp được một số công trình
mang tính lý thuyết làm nền tảng cho việc nghiên cứu:
+ Phong cách học và đặc điểm tu từ Tiếng Việt của PGS.Cù Đình Tú. Trong đó,
công trình đã trình bày đầy đủ các biện pháp tu từ như: So sánh, ẩn dụ, nhân hóa,
hoán dụ, chơi chữ…Cũng trong công trình này, tác giả đã đưa ra những ví dụ cụ
thể nhằm thể hiện một cách chính xác về đặc điểm tu từ của tiếng việt. Qua đó,
giúp người viết hiểu được thêm phần nào về các đặc điểm cũng như về cách sử
dụng các biện pháp tu từ ấy.
+ Phong cách học và các phong cách chức năng Tiếng Việt do Hữu Đạt biên
soạn đã nghiên cứu về giá trị phong cách của các đơn vị ngôn ngữ và một vài
biện pháp tu từ thông dụng trong tiếng việt.
+ Phong cách học Tiếng Việt của hai tác giả Đinh Trọng Lạc và Nguyễn Thái
Hòa cũng đã nghiên cứu về các phương tiện tu từ và các biện pháp tu từ. Tác giả
đã xây dựng một hệ thống khái niệm về phong cách học hướng về giao tiếp. Cách

sử dụng cũng như tác dụng của các biện pháp tu từ thông dụng. Ngoài ra, tác giả
còn minh họa cụ thể bằng những ví dụ.
+ Giáo trình Phong cách học Tiếng Việt của TS. Nguyễn Văn Nở biên soạn dành
cho sinh viên Ngữ văn và chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn trường Đại học Cần
Thơ cũng đã trình bày đầy đủ, chi tiết về các biện pháp tu từ tiếng việt.
+ 99 phương tiện và biện pháp tu từ Tiếng Việt của tác giả Đinh Trọng Lạc. Cuốn
sách trên đã đi sâu vào từng khái niệm , đặc trưng cũng như ý nghĩa sử dụng của
các biện pháp tu từ.
+ Ca từ trong âm nhạc Việt Nam của tác giả Dương Viết Á. Tác giả đã đi vào tìm
hiểu về vấn đề ca từ, đặc trưng, vai trò của ca từ trong âm nhạc Việt.
Ngoài những tài liệu trên còn có nhiều tài liệu khác nói về cố nhạc sĩ Trịnh
Công Sơn. Tuy nhiên, do thời gian cho phép cũng như là đề tài của luận văn chỉ
nghiên cứu các biện pháp trong ca từ nhạc Trịnh Công Sơn nên người viết không
đi sâu vào những vấn đề khác. Nói tóm lại, đã có nhiều công trình nghiên cứu về
phong cách học nói chung, về ca từ nhạc Trịnh, nhưng chưa có công trình nào đi
sâu vào các biện pháp tu từ trong ca từ nhạc Trịnh Công Sơn. Đề tài này sẽ đi sâu
vào chỗ còn bỏ ngõ đó.

3/ Mục đích nghiên cứu
8


Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã ra đi. Âm nhạc của nước nhà đã vắng một người
chèo lái thực thụ, người có thể đưa con thuyền âm nhạc Việt tiến xa hơn. Suốt
cuộc đời của mình, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã cống hiến hết cho nghệ thuật âm
nhạc nước nhà, không ai có thể phủ nhận tài năng và tầm ảnh hưởng của ông đối
với âm nhạc cả trong quá khứ lẫn hiện tại và ngay cả ở tương lai. Nhạc sĩ Trịnh
Công Sơn mất đi đã để lại một khoảng trống trong văn hóa nền âm nhạc Việt
Nam. Và với đề tài nghiên cứu này, người viết chỉ xin hướng đến việc tìm hiểu
những biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong các sáng tác của Trịnh Công

Sơn. Từ đó, nổi bật vẻ đẹp cũng như tác dụng của các biện pháp tu từ ấy. Đồng
thời, thông qua việc nghiên cứu này chúng ta sẽ được hiểu và thấy rằng âm nhạc
của ông không chỉ là những nốt nhạc hay, những giai điệu chuẩn mà nó còn là
một kho tàng nghệ thuật ngôn từ.

4/ Phạm vi nghiên cứu
Như tiêu đề luận văn đã xác định rõ, luận văn này sẽ đi vào nghiên cứu
“Một số biện pháp nghệ thuật trong ca từ nhạc Trịnh Công Sơn”. Vì vậy, đề tài
cũng chỉ xin hướng đến việc tìm hiểu một số biện pháp tu từ được sử dụng trong
ca từ nhạc Trịnh. Trong phạm vi của luận văn và thời gian được hạn định, người
viết chỉ tập hợp và khảo sát một số biện pháp nghệ thuật tiêu biểu dễ nhận thấy
trong âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thông qua các sáng tác của ông: biện
pháp so sánh, nhân hóa, điệp từ, điệp ngữ, câu hỏi tu từ.

5/ Phương pháp nghiên cứu
Trong khuôn khổ của một luận văn cũng như là với đề tài nghiên cứu, người
viết đã tìm hiểu và đã lựa chọn ra những phương pháp nghiên cứu hợp lý nhất
trong quá trình thực hiện bài nghiên cứu nhằm mục đích làm nổi bật được nội
dung của đề tài. Qua đề tài nghiên cứu, người viết đã sử dụng một số các phương
pháp sau:
+ Phương pháp thống kê: Đối với luận văn này, người viết sử dụng phương
pháp thống kê nhằm mục đích tập hợp tất cả những bài hát của nhạc sĩ Trịnh
Công Sơn để làm nổi bật lên vấn đề của đề tài (trong khả năng có thể tìm hiểu
các sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn)

9


+ Phương pháp phân loại: Được sử dụng trong đề tài nghiên cứu này với mục
đích làm rõ các vẻ đẹp trong ca từ nhạc Trịnh ở những khía cạnh, các mảng sáng

tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
+ Phương pháp phân tích: Trên những cơ sở đã có, người viết dùng phương
pháp phân tích để khai thác triệt để những biện pháp nghệ thuật được sử dụng
trong nhạc Trịnh để thấy được vẻ đẹp của nhạc Trịnh thông qua các biện pháp tu
từ đã tìm hiểu.
+ Phương pháp tổng hợp: Phương pháp tổng hợp được sử dụng trong luận văn
nhằm đúc kết lại các vấn đề nổi bật và cốt lõi mà luận văn này muốn đi đến. Từ
đó, giúp người tiếp nhận hiểu rõ và hiểu sâu hơn về các biện pháp được sử dụng
trong nhạc Trịnh cũng như mở ra sự tiếp cận phong phú và mạnh mẽ đối với
dòng nhạc rất chọn lựa người nghe như dòng nhạc Trịnh.

10


CHƯƠNG MỘT
VÀI NÉT VỀ NHẠC SĨ TRỊNH CÔNG SƠN - TRỊNH CÔNG SƠN
MỘT DẤU ẤN RIÊNG
1.Vài nét về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
1.1 Cuộc đời
Trịnh Công Sơn (28/2/1939 - 1/4/2001), là một trong những nhạc sĩ lớn
nhất của Tân nhạc Việt Nam. Trong sự nghiệp âm nhạc, ông đã sáng tác khoảng
600 tác phẩm, phần lớn là tình ca. Ngoài ra ông còn được xem là một nhà thơ,
một họa sĩ không chuyên.
Ông sinh tại cao nguyên Lạc Giao (xã Lạc Giao - hiện nay là Phường
Thống Nhất, Ban Mê Thuột), tỉnh Đắk Lắk nhưng lúc nhỏ ông sống ở làng Minh
Hương, tổng Vĩnh Tri, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông lớn lên tại
Huế, lúc nhỏ ông theo học các trường Lycee Francais và Provindence ở Huế, sau
vào Sài Gòn theo học triết học trường Tây Lycee J.J Rousseau Sài Gòn và tốt
nghiệp Tú tài tại đây.
Ông sáng tác bài Sương đêm và Sao chiều vào năm 17 tuổi, nhưng tác

phẩm đầu tiên của ông là Ướt mi ( 1958). Từ đó tên tuổi của ông được nhiều
người biết đến, trong những năm sau đó nhạc của ông được phổ biến rộng rãi. Vì
lời lẽ trong nhiều bài hát của ông có tính chất phản chiến, nhà cầm quyền Việt
Nam Cộng hòa đã cấm lưu hành vài tác phẩm của ông. Ngay cả Mặt trận Dân tộc
Giải phóng miền Nam Việt Nam, vốn đối lập, cũng không tán thành việc ông gọi
Chiến tranh Việt Nam là “nội chiến” trong bài Gia tài của mẹ, vì quan điểm của
họ cho rằng đây là cuộc chiến tranh chống xâm lược và thống nhất đất nước. Tuy
nhiên nhiều bài hát của ông lại rất thịnh hành trong công chúng cho đến hôm nay
như: Huyền thoại mẹ, Nối vòng tay lớn.
Năm 1961 vì bắt buộc phải trốn lính nên ông thi và theo học ngành tâm lí
giáo dục trẻ em tại trường Sư phạm Qui Nhơn. Sau khi tốt nghiệp, ông dạy tại
một trường tiểu học ở Bảo Lộc, Lâm Đồng.
Trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông lên đài truyền thanh Sài Gòn hát bài
“Nối vòng tay lớn”, bài hát nói về ước mơ hòa hợp dân tộc hai miền Nam Bắc
mà ông viết từ năm 1968. Sau khi chiến tranh kết thúc, gia đình ông di tản sang

11


Mỹ và ông đã phải sống 4 năm trong trại cả tạo. Một thời gian dài sau năm 1975,
nhạc của ông bị cấm hát ở Việt Nam hay bị một số ít ngấm ngầm tẩy chay ở hải
ngoại.
Những năm 1975, sau thời gian tập trung lao động, ông làm việc tại Hội âm
nhạc Thành Phố Hồ Chí Minh và tạp chí Sóng nhạc. Từ thập niên 1980, Trịnh
Công Sơn bắt đầu sáng tác lại và có viết một số bài có nội dung ca ngợi chế độ
như Thành phố mùa xuân, Em ở nông trường em ra biên giới, Huyền thoại
mẹ…Sau đó ông lại tiếp tục đóng góp nhiều bản tình ca có giá trị.
Ngoài ra ông cũng là một diễn viên điện ảnh nghiệp dư. Năm 1971 ông
đóng vai chính trong phim Đất khổ. Năm 1974 phim được hoàn tất nhưng phim
chỉ được chiếu cho công chúng xem được hai lần rồi không được trình chiếu tại

miền Nam Việt Nam với lý do có tính phản chiến. Sau năm 1975, bộ phim không
được trình chiếu tại Việt Nam. Nhưng vào năm 1996, bộ phim lại được chọn là
phim Việt Nam chính trong liên hoan Á Mỹ.
Sau thời gian dài chống chọi lại với bệnh tật (ông từng bị gan, thận, tiểu
đường), ông mất tại Thành Phố Hồ Chí Minh lúc 12h45’ ngày 1 tháng 4 năm
2001 (tức ngày 8 tháng 3 năm Tân Tỵ). Từ đó hàng năm giới hâm mộ đều lấy
ngày này làm ngày tưởng niệm.
Suốt đời Trịnh Công Sơn yêu nhiều nhưng không chính thức kết hôn với ai, và
cũng không công nhận có con.

1.2. Sự nghiệp
Trịnh Công Sơn là một trong những nhạc sĩ lớn nhất của nền âm nhạc Việt
Nam hiện đại. Trong sự nghiệp âm nhạc, Trịnh Công Sơn đã để lại cho đời
khoảng 600 ca khúc chủ yếu có thể nói đến là tình ca. Sự nghiệp sáng tác của
Trịnh Công Sơn trải qua nhiều sóng gió của những thời kì lịch sử đầy biến động.
Những nhạc phẩm của ông mang đậm một phong cách riêng, một phong cách
độc đáo, tha thiết, đắm say và một phong cách Trịnh Công Sơn. Ngoài ra, những
nhạc phẩm của ông còn gửi gắm cả một triết lý nhân sinh sâu sắc. Ông từng lý
giải cho sự sáng tác của mình “Tôi chỉ là một tên hát rong đi qua miền đất này
để hát lên những linh cảm của mình về những giấc mơ đời hư ảo”. Hai mảng đề
tài lớn nhất trong âm nhạc Trịnh là tình yêu và thân phận con người. Ngoài ra,
ông còn là một nhà thơ, một họa sĩ tài hoa.
12


1.2.1. Một nhạc sĩ
1.2.1.1. Nhạc tình
Tình yêu là đề tài lớn nhất trong các tác phẩm của Trịnh Công Sơn. Những
bản tình ca chiếm đa số trong danh mục nhạc phẩm. Khả năng viết nhạc tình của
Trịnh Công Sơn tưởng chừng như không biết mai một theo năm tháng, theo thời

đại. Trải dài từ năm 1958 với Ướt mi tha thiết, yêu thương - nhạc khúc đã khẳng
định tên tuổi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cho đến hai mươi, ba mươi năm sau
vẫn có nhiều bản tình ca đã làm đắm say lòng người: Biển nhớ, Xin trả nợ người,
Như lời chia tay…
Đa số nhạc tình của Trịnh Công Sơn là nhạc buồn, thường nói lên tâm trạng
buồn chán, cô đơn: Sương đêm, Ướt mi: “Ngoài hiên mưa rơi rơi, lòng ai như
chơi vơi, người ơi nước mắt hoen mi rồi. Đừng khóc trong đêm mưa, đừng than
trong câu ca. Buồn ơi trong đêm thâu. Ôm ấp dùm ta nhé. Người em thương mưa
ngâu hay khóc sầu nhân thế…” Trải dài trong toàn bộ bài hát là âm điệu nhẹ
nhàng, buồn bã và cô đơn của đêm mưa. “Mưa rơi rơi”, “như chơi vơi”, “nước
mắt hoen mi”, “khóc trong đêm mưa”, “than trong câu ca”…Tất cả đã làm nổi
bật lên tâm trạng cô đơn của tác giả. Tiếp theo nhạc tình của Trịnh Công Sơn là
những khúc tình mang sầu ly biệt như Diễm xưa, Biển nhớ “Mưa vẫn mưa bay
trên tầng tháp cổ. Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao. Nghe lá thu mưa reo mòn
gót nhỏ. Đường dài hun hút cho mắt thêm sâu. Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá
nhỏ. Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua. Trên bước chân em âm
thầm lá đổ. Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa. Chiều nay còn mưa sao em
không lại? Nhỡ mai trong cơn đau vùi. Làm sao có nhau hằn lên nỗi đau. Bước
chân em xin về mau” hay tiếc nuối một cái gì đã qua: Tình xa, Tình sầu, Tình
nhớ, Em còn nhớ hay em đã quên, Hoa vàng mấy độ!
“Ngày tháng nào đã ra đi, khi ta còn ngồi lại? Cuộc tình nào đã ra khơi, ta còn
mãi nơi đây” (Tình xa).
Hay:
“Em còn nhớ hay em đã quên
Nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng
Nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân
Nhớ đèn đường từng đêm thao thức
13



Sáng cho em vòm lá me xanh” (Em còn nhớ hay em đã quên).
Ngoài ra, còn có những bài hát triết lý tình, mang một bóng dáng ngậm ngùi,
lặng lẽ của người từng trải: Cỏ xót xa đưa, Gọi tên bốn mùa, Mưa hồng…
“…Người đến và người sẽ về
Bên kia núi…
Từng câu nói là từng cánh buồm
Giang cuối trời
Còn lại tiếng cười khóc
Giữa đời…” (Cỏ xót xa đưa).
Hay:
“Cuộc đời có bao lâu mà hững hờ” (Mưa hồng).
Những bài hát tình của Trịnh Công Sơn thường có giai điệu nhẹ nhàng, dễ
hát. Phần lời được đánh giá cao nhờ đậm chất thơ, bề ngoài tuy mộc mạc nhưng
rất sâu sắc, triết lý đôi khi mang nhiều yếu tố tượng trưng, siêu thực. Nhạc tình
của Trịnh Công Sơn rất phổ biến tại Việt Nam và nhạc sĩ Thanh Tùng từng gọi
Trịnh Công Sơn là “Người Việt viết tình ca hay nhất thế kỉ”. Còn nhà thơ Mai
Linh thì nói về nhạc tình của Trịnh Công Sơn “Bài hát nào của Trịnh cũng là
diễm tình cả. Sơn là một cuốn bách khoa thư về tình yêu, là cuốn từ điển nhấp
nháy những kí tự về tình yêu. Cố nhiên, khái niệm tình yêu trong nhạc Trịnh
Công Sơn tồn tại ở một nghĩa lớn hơn, rộng hơn, triết học hơn khái niệm tình yêu
thông thường mà ta hiểu. Sơn là người bắt được “kinh mạch” của ái tình và mỗi
bài hát của Sơn giống như một cơn mưa của tâm hồn. Nó an ủi, chia sẻ mà không
bi lụy. Bằng âm nhạc, Trịnh Công Sơn có khả năng mã hóa được thân phận của
con người, của dân tộc, của quê hương đất nước qua thân phận của tình yêu. Vì
sao Sơn viết về tình yêu? Vì tình yêu chính là liều thuốc an thần của nhân loại.
Và những vui buồn, thân phận thì con người ở nơi nào cũng giống nhau. Sơn đã
nói những tiếng thì thầm ấy với khả năng biến cảm mãnh liệt của mình. Và Sơn
đã gặp được người nghe nhiều thế hệ”.

1.2.1.2. Nhạc phản chiến

Tên tuổi của Trịnh Công Sơn còn gắn liền với loại nhạc mang tính chất
chống lại chiến tranh, ca ngợi hòa bình mà người ta thường gọi là nhạc phản
chiến (vào những năm 1965-1966) sau gọi là Ca khúc da vàng.
14


Năm 1967, nhạc Trịnh lên đến đỉnh cao của sự phản chiến bằng tập Ca khúc
da vàng. Năm sau, ông cho ra tiếp tập Kinh Việt Nam. Từ năm 1970 - 1972 ông
tự ấn hành hai tập nhạc phản chiến là Ta phải thấy mặt trời và Phụ khúc da vàng.
Cùng với lời ca chân tình thống thiết, giai điệu nhẹ nhàng những bài hát rất cảm
động nhưng không hề yếu đuối, ủy mị. Những bản nhạc này được ông cùng
Khánh Ly đem đi hát ở nhiều nơi tại miền Nam, được nhiều người nhất là giới
sinh viên nhiệt tình ủng hộ. Đây cũng là loại nhạc làm cho danh tiếng của Trịnh
Công Sơn lan ra thế giới: Một số bài của Trịnh Công Sơn đã đến với công chúng
Nhật Bản từ năm 1970 như Diễm xưa, Ca dao mẹ, Ngủ đi con.
Năm 1972, ca khúc Ngủ đi con qua tiếng hát của ca sĩ Khánh Ly được tặng
giải thưởng âm nhạc đĩa vàng tại Nhật.
Trong thời kì chiến tranh Việt Nam, nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn
đã chịu sự cấm đoán, hạn chế của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Cũng vì loại
nhạc này mà ông đã bị tẩy chay nhiều lần từ cả hai phe đối địch. Nhưng không
thể phủ nhận rằng Trịnh Công Sơn đã trở thành một tên tuổi đặc biệt nhờ vào
dòng nhạc phản chiến này. Và phải nói rằng nhạc phản chiến của Trịnh Công
Sơn có vai trò không nhỏ trong giai đoạn cuối của chiến tranh Việt Nam.
Theo nhận xét của tác giả Bùi Vĩnh Phúc trong chuyên luận Ngôn ngữ và
những ám ảnh nghệ thuật: “Qua Trịnh Công Sơn thế giới phần nào biết thêm về
cuộc chiến tranh kinh hoàng và đau thương của người Việt. Cũng qua Trịnh
Công Sơn, thế giới còn biết được đây là một đất nước của bi kịch lịch sử nhưng
đồng thời cũng là một đất nước của con người tài hoa, tâm hồn hiền hòa thơ
mộng và thiết tha với cuộc đời.” [3,tr.12]


1.2.1.3. Nhạc khác
Bên cạnh các bản nhạc tình và nhạc phản chiến, Trịnh Công Sơn còn để lại
những tác phẩm viết về quê hương: “Chiều trên quê hương tôi”, viết cho trẻ em:
“Em là hoa hồng nhỏ”, “ Mẹ đi vắng”, “Em đến cùng mùa xuân”, “Tiếng ve gọi
hè”, “Tuổi đời mênh mông”, “Mùa hè đến”, “Tết suối hồng”…Và tất cả những
bài nhạc đỏ: “Huyền thoại mẹ”, “Em ở nông trường em ra biên giới”, “Nối vòng
tay lớn”…Trong đó nổi tiếng hơn cả là các bài “Em là hoa hồng nhỏ” và “Nối
vòng tay lớn”.

1.2.2. Trịnh Công Sơn - một nhà thơ - một họa sĩ
15


Ngoài một nhạc sĩ, Trịnh Công Sơn còn là một nhà thơ, một họa sĩ
không chuyên.

+ Một nhà thơ
“Có một nhà thơ tên Trịnh Công Sơn”.
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã từng có một bài viết rất dài với tên gọi
trên và những gì trong bài viết ấy đã minh chứng hùng hồn cho điều này, trong
đó có đoạn: “Cho dù khi sáng tác ca khúc, Trịnh Công Sơn có thể viết lời và
nhạc cùng một lúc, hoặc có đoạn lời viết sau khi đã có nhạc hay trước khi phổ
nhạc thì mỗi lời ca của anh đều là những bài thơ hoàn chỉnh cả về ý, tứ, cấu trúc,
ngôn từ và cảm xúc. Mà Trịnh Công Sơn không phải là một nhà thơ bình thường,
anh là nhà thơ rất độc đáo ôm chứa tư tưởng nhân sinh và thời cuộc với một thi
pháp khác riêng biệt trong thơ Việt. Trịnh Công Sơn rất nhuần nhuyễn trong các
thể thơ truyền thống như lục bát, đồng dao….”
Ông làm thơ ít trong những lúc ngẫu hứng, hiện nay còn lưu giữ lại một số
bài thơ tự sáng tác, và các bản dịch phỏng như trong tập Hán tự hài cú của Ngô
Văn Tao.


Là chút hồng phai
“Chẳng có gì đâu em ở lại
Một chút cỏ hoa giữa tâm hồn
Tâm hồn một chút hồn cỏ lá
Cỏ lá tâm hồn một chiếc hôn
Chiếc hôn xưa ấy là hôn cũ
Đã phai mờ trên những lối đi
Đường về là gió, là mưa, là bão lũ
Nhưng gót chân em vẫn ấm áp một lời thề
Cứ ấm áp cho gót chân hồng mãi
Hồng như chiếc hôn cũ đã tàn phai
Em ơi em ạ hồng mất dấu
Sẽ mất dấu hoài giữa hư không
Hư không là gì hư không nhỉ
Là chút hồng phai chút hoài nghi
16


Hoài nghi là chiếc hôn có lẽ
Đã tàn phai quá giữa đường về”

+ Một họa sĩ
Trịnh Công Sơn để lại khá nhiều tác phẩm hội họa, bút tích. Các tác phẩm
hội họa của ông đã được triển lãm tại Nhà Hữu Nghị Tiệp Khắc - Việt Nam từ
14.01.1989 đến 24.01.1989 cùng với hai họa sĩ Đinh Cường và Đỗ Quang Em.
Triển lãm tại nhà khách Ritz và Trang Viện Con Nai Vàng, Thủ Đức, từ
15.12.1990 đến 20.01.1991 cùng với hai họa sĩ Trịnh Cung và Đỗ Quang Em.
Một số trong đó hiện còn được lưu giữ và trưng bày tại Hội Ngộ Quán.
Ông để lại khá nhiều bút tích ghi chép về suy tưởng từ cuộc đời:

“Sống giữa đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn. Tình
yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể
cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời”.
Văn Cao có nhận xét về Trịnh Công Sơn: “ Tôi gọi Trịnh Công Sơn là
người của thơ ca (Chantre) bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó
phân định cái nào là chính, cái nào là phụ…Trong âm nhạc của Sơn, ta không
thấy dấu vết của âm nhạc theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên
như thể cảm xúc nhạc như nó tự nhiên trào ra” [3,tr. 18].

2. Trịnh Công Sơn - một dấu ấn riêng
Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ lớn, một nghệ sĩ với cả cuộc đời dành cho
nghệ thuật âm nhạc nước nhà. Thời gian ông về với cát bụi đã là 10 năm. Nó
không quá dài so với cuộc đời của một con người nhưng thời gian ấy lại là vô tận
để khẳng định tên tuổi của một cá nhân đối với cuộc sống này. Ông đã trở về với
cát bụi của chính mình như lúc ban đầu ông đã đến với cuộc đời này. Và hình
như Trịnh Công Sơn không hối tiếc về cuộc sống đã qua vì lúc sinh thời, Trịnh
Công Sơn quan niệm cuộc sống trần gian này chỉ là cõi tạm.
Có lẽ, Trịnh Công Sơn sinh ra là dành cho âm nhạc. Chỉ có âm nhạc mới
khẳng định tên tuổi của Trịnh Công Sơn và cũng duy nhất Trịnh Công Sơn là
nhạc sĩ có khả năng làm cánh buồm đưa con thuyền âm nhạc Việt vượt biển đông
đầy gió. Thời gian của cả một đời người, ông đã dành hết cho âm nhạc - khoảng
40 năm sáng tác với gần 600 ca khúc để đời mà có lẽ không có một nhạc sĩ nào
17


cả trong quá khứ lẫn hiện tại làm được như ông. Tuy ông mất đi, nhưng dường
như ông vẫn hiện hữu ở đâu đó trong cuộc sống của từng người chúng ta. Ta vẫn
thấy những đêm nhạc tưởng nhớ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ta vẫn hay đọc được
những cuốn sách hay cũng như có nhiều bài viết về Trịnh Công Sơn, thậm chí
nhạc của Trịnh Công Sơn vẫn len lỏi vào lòng của những người thưởng thức âm

nhạc khó tính nhất. Và chúng ta cũng không khỏi ngạc nhiên khi thấy rằng nhạc
Trịnh ngày càng được phổ biến rộng rãi trong lĩnh vực nghệ thuật cũng như trong
đời sống hàng ngày.
“Nhiều người, trong đó có cả những người nước ngoài như John C.Schafer
(Giáo sư Anh ngữ, Đại học Humbodl, Hoa Kỳ) đã định danh cho sự nổi tiếng của
nhạc Trịnh là “hiện tượng Trịnh Công Sơn”. Nhiều bài viết, tập sách được công
bố, xuất bản đã tìm cách giải mã hiện tượng âm nhạc Trịnh Công Sơn nhằm dò
thấu căn nguyên của sức hấp dẫn lạ lùng, đầy “ma lực” của nhạc Trịnh”.
Trong bài viết của chính mình, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết rằng: “…Cứ
tự an ủi mình khi nghĩ rằng mình đau khổ thì có một kẻ khác đang hạnh phúc. Và
biết đâu cái thời gian mình được yêu thì một người khác cũng đang đau khổ vô
cùng. Nghĩ thế thì thấy cuộc đời bỗng nhẹ nhàng hơn và cũng dễ dàng tha thứ
cho nhau. Sống mà cứ giữ mãi trong lòng những hờn oán thì cũng nặng nề”.
Nhạc sĩ Văn Cao đã viết về Trịnh Công Sơn: “Trong âm nhạc của Sơn, ta
không thấy dấu vết của âm nhạc cổ điển theo cấu trúc học phương Tây: Sơn viết
hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra. Nói như nhạc sĩ Nguyễn Xuân
Khoát, người bạn già của tôi, “Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi
ra”. Cái quyến rũ của nhạc Trịnh Công Sơn có lẽ chính là ở chỗ đó, ở chỗ không
định tạo ra một trường phái nào, một triết lý nào, mà vẫn thấm vào lòng người
như suối tươi. Với những lời ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ hôn phối cùng một kết
cấu đặc biệt như một hình thức của dân ca hầu như không thay đổi. Trịnh Công
Sơn đã chinh phục hàng triệu con tim, không chỉ ở trong nước, mà cả bên ngoài
thế giới nữa…”.
Nguyễn Thị Hoàng - tác giả bài viết Nhật ký của sự im lặng đã viết: “Sơn
không hát bằng lời, bằng giọng, mà bằng tâm hồn. Nên khi tiếng hát yếu đuối mà
sóng gió ấy run lên thì những nếp nhăn của tâm hồn Sơn dàn chào cuộc đời trên
vầng trán, ở khoảng giữa mày và mắt khép ríu lại không thấy gì ngoài xúc động
18



bên trong mình dù ngoài kia đang lửa cháy bom rơi. Đừng bình luận tiếng hát
ấy, đừng nhận xét vóc dáng con người trình diễn ấy, trình diễn mà không trình
diễn, thì ấy là trình diễn của Sơn, trên sân khấu, ở nhà riêng, hay trong một thân
tình bạn hữu. Bởi Sơn không muốn thích, không muốn, không cần và không biết
diễn xuất, tâm hồn hay con người mình trước khán giả. Đối với Sơn, mình như
thế là như thế, trước mình hay trước người, với một người hay mọi người. Sơn
chỉ dịch chuyển bằng âm thanh những lời sâu kín của im lặng và rung động”.
Trịnh Công Sơn không lập gia đình nhưng ông có những mối tình rất đẹp.
Những mối tình của ông thường nhẹ nhàng, đơn giản như chính con người của
ông. Nhưng có lẽ, số phận không cho ông lập gia đình cũng giống như định mệnh
đã đưa ông đến với âm nhạc khi ông bị tai nạn lúc trẻ. Thử hỏi, nếu không có tai
nạn kia thì nền âm nhạc nước nhà có thể có được một thiên tài như nhạc sĩ Trịnh
Công Sơn của hiện tại không?
Trong chúng ta, ít nhiều ai cũng được biết đến ca khúc Diễm xưa. Mối tình
của Trịnh Công Sơn và người phụ nữ có tên là Ngô Vũ Bích Diễm. Hay chúng ta
còn nghe mọi người nói về người phụ nữ với tên gọi Ngô Vũ Dao Ánh - nhân vật
chính trong hàng trăm lá thư tình của Trịnh Công Sơn. Có thể xem, tất cả những
bản tình ca của Trịnh Công Sơn như được lấy ra từ những tình cảm của chính
nhạc sĩ tài hoa ấy.
Suốt cuộc đời của mình, Trịnh Công Sơn đã hiến dâng tất cả cho âm nhạc,
cho những thân phận của một kiếp người, cho những cuộc tình…Và suốt cuộc
đời của riêng mình, Trịnh Công Sơn chỉ là “thôi kệ”.
Trong âm nhạc Việt Nam hiện tại, chúng ta không thấy một dòng nhạc nào
của một nhạc sĩ tồn tại song song với các dòng nhạc khác. Phải chăng là chưa
xuất hiện? Có lẽ thế. Có thể trong tương lai sẽ có một nhạc sĩ tài năng, và cống
hiến cả cuộc đời mình cho nghệ thuật như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhưng đó là
khi nào? Là ai?...Nó vẫn là một dấu chấm hỏi lớn cho nền âm nhạc Việt.
Quá khứ đã qua, và Trịnh Công Sơn sẽ sống mãi trong lòng của những
người hâm mộ trong nước và cả trên thế giới. Trịnh Công Sơn_một huyền thoại
của âm nhạc Việt Nam.


19


CHƯƠNG HAI
CA TỪ TRONG ÂM NHẠC VÀ CÁC PHƯƠNG TIỆN, CÁC
BIỆN PHÁP TU TỪ
2. Các cách hiểu về ca từ
Theo Giáo sư Phan Ngọc trong “ca từ âm nhạc Việt Nam” của tác giả
Dương Viết Á:“ Nói đến ca từ là nói đến mặt lời của âm nhạc. Nói đến ca từ là
nói đến lời, chủ yếu là lời thơ”.[9,tr.6].
Theo tác giả Dương Viết Á trong ca từ âm nhạc Việt Nam nhận định:“
Trong loại hình nghệ thuật âm nhạc, ngoài phần âm thanh đóng vai trò chính, đó
là phần ngôn ngữ văn học trong âm nhạc (lời ca trong ca khúc, hợp xướng, kịch
bản trong nhạc cảnh, nhạc kịch, tên gọi, tiêu đề của những bài hát, bản nhạc
hoặc của từng chương nhạc…). Tất cả phần ngôn ngữ văn học trong âm nhạc, ta
gọi chung trong một khái niệm: Ca từ. Ca từ như vậy, bao gồm toàn bộ phần
ngôn ngữ văn học trong âm nhạc, bắt đầu từ cái nhỏ nhất: tên gọi, tác phẩm, tiêu
đề…cho đến cái lớn nhất: kịch bản của nhạc cảnh, nhạc kịch…và dừng lại ở thể
thơ được phổ nhạc”.[9,tr.13].
Trong bài viết Miền thơ Trịnh Công Sơn nhà thơ Thai Sắc nhận định: “Ca
từ nói một cách dễ hiểu là phần lời trong ca khúc, nếu được bóc tách khỏi phần
nhạc và được xem xét với tư cách là ngôn từ văn chương”.
Theo nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển: “ Ca từ là yếu tố quyết định làm nên tính
nghệ thuật, tính tư tưởng trong một ca khúc. Âm nhạc là một nghệ thuật sang
trọng cho nên nó đòi hỏi người nhạc sĩ phải viết ca từ sang trọng…”.
Theo tạp chí âm nhạc Việt Nam phân tích thì ca từ là có đặc điểm và chức
năng:
+ Ca từ dựa trên sức mạnh của ngôn ngữ, phải gợi cảm xúc cho người nghe, sử
dụng các phương pháp tu từ như: Ẩn dụ, so sánh, nhân hóa…dựa vào hình ảnh

miêu tả…
+ Ca từ là để hát và nghe cùng với nhạc.
+ Ca từ được viết để giao tiếp với người nghe. Vì âm nhạc chuyển động nhanh,
ca từ phải lướt mau qua ý thức của người nghe, ca từ phải giao tiếp tức khắc, rõ
ràng và tập trung vào chủ đề.
+ Ca từ truyền tải sức mạnh của nó thông qua nhạc và âm thanh.
20


+ Ca từ phải phối hợp với nhịp điệu và cấu trúc của âm nhạc.
+ Ca từ thì phải hát và phải ngắn gọn.

3. Các phương tiện và biện pháp tu từ tiếng việt
3.1. Các biện pháp tu từ từ ngữ tiếng việt được cấu tạo theo quan hệ
liên tưởng
3.1.1. So sánh
3.1.1.1. Phân biệt so sánh luận lí và so sánh tu từ
So sánh luận lí ( còn gọi là so sánh logic)
So sánh tu từ(còn gọi là so sánh hình ảnh)
Cả hai phép so sánh trên đều có nét tương đồng là cùng công khai đối chiếu các
vế khi so sánh. Tuy nhiên giữa chúng có sự dị biệt và chính sự dị biệt này tạo ra
sự khác biệt cơ bản giữa chúng. Nếu so sánh tu từ là sự đối chiếu giữa các đối
tượng khác loại thì so sánh luận lí là sự đối chiếu giữa các đối tượng cùng loại.
Nếu so sánh tu từ nhằm mục đích gợi lên một cách hình ảnh đặc điểm giữa các
đối tượng từ đó tạo nên cảm xúc thẩm mĩ trong nhận thức của người tiếp nhận thì
so sánh luận lí đơn thuần chỉ cho ta thấy sự ngang bằng hay hơn kém giữa các
đối tượng đấy mà thôi.
So sánh tu từ

So sánh luận lí


Mặt tươi như hoa.

Thùy cũng đẹp như Trang.

“Đôi ta như cá ở đìa

Con hơn cha nhà có phúc

Ngày ăn tản lạc, tối dìa ngủ chung.”

“Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo

“Đứt tay một chút chẳng đau

Khi tới trường, cô giáo như mẹ hiền”

Xa nhau một chút như dao cắt
lòng”.
So sánh tu từ cần được khảo sát cả về mặt hình thức( cấu tạo bên trong) lẫn chất
liệu (cấu tạo bên trong).

3.1.1.2. So sánh tu từ
Có nhiều quan niệm về so sánh. Ở đây, người viết xin đưa ra 3 quan
niệm:

21


 Theo PGS. Cù Đình Tú: “So sánh tu từ là cách công khai đối chiếu hai hay

nhiều đối tượng cùng có một dấu hiệu chung nào đấy (nét giống nhau) nhằm
diễn tả một cách hình ảnh, đặc điểm của một đối tượng”.[14,tr.175].
 Theo tác giả Đinh Trọng Lạc: “ Là một biện pháp tu từ ngữ nghĩa, trong đó
người ta đối chiếu hai đối tượng khác loại của thực thể khách quan không đồng
nhất với nhau hoàn toàn mà chỉ có một nét giống nhau nào đó, nhằm diễn tả
bằng hình ảnh một lối tri giác mới mẻ về đối tượng. Cần phân biệt với so sánh
luận lí, trong đó cái được so sánh và cái so sánh là cái đối tượng cùng loại và
mục đích của sự so sánh là xác lập sự tương đương giữa hai đối
tượng”.[11,tr.154].
 Theo TS Nguyễn Văn Nở: “So sánh tu từ (comparison:còn được gọi là tỉ dụ)
là biện pháp tu từ dùng sự đối chiếu hai hay nhiều đối tượng (hoặc sự vật) có
một nét tương đồng nào đó về hình thức bên ngoài hay tính chất bên trong để gợi
ra hình ảnh cụ thể, những cảm xúc thẩm mĩ trong nhận thức của người đọc,
người nghe” [13,tr.103].
Ví dụ
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.
(Ca dao)
“Công cha như núi Thái Sơn”: để nói lên công ơn của người cha cao vời vợi tựa
như núi Thái Sơn, đứng giữa bầu trời trong sáng và trở thành ánh thái dương soi
đường chỉ lối, dẫn dắt con cái đi đúng đường, đúng hướng.
"Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Nước trong nguồn là nước chảy từ
suối, ra sông rồi đổ ra biển cả mênh mông không bao giờ cạn. Thứ nước khởi
thuỷ đó trong nhất, mát nhất, tinh khiết nhất như nghĩa mẹ ngọt ngào, bất tận.
Bài ca dao trên đã lột tả được công ơn to lớn của cha mẹ thông qua hai
hình ảnh “núi Thái Sơn”, và “nước trong nguồn”. Thông qua từ dùng để so sánh
“như” đã cho chúng ta thấy và hiểu rõ được tình cảm cũng như công lao nuôi
dưỡng của bậc làm cha, làm mẹ.

3.1.1.3. Các loại hình thức so sánh tu từ

+ Căn cứ vào sự xuất hiện hay vắng mặt của yếu tố thứ hai hoặc thứ
ba và trật tự của các yếu tố mà ta có các kiểu so sánh như:
22


 Kiểu một: Có đầy đủ cả bốn thành tố và không đảo trật tự

Ví dụ
“Mắt em trong như nước dừa xiêm
Môi tròn tựa miếng đường thốt nốt”
(Ca dao)
 Kiểu hai: Lược thành tố thứ hai (cơ sở so sánh)

Ví dụ
“Trẻ em như búp trên cành”
(Hồ Chí Minh)
 Kiểu ba: Lược thành tố thứ hai và ba (cơ sở so sánh và từ so sánh)

Ví dụ
“Gái thương chồng đang đông buổi chợ
Trai thương vợ nắng quái chiều hôm”
(Ca dao)
 Kiểu bốn: Đảo trật tự các yếu tố

Ví dụ
“Chòng chành như nón không quai
Như thuyền không lái, như ai không chồng”
(Ca dao)
+ Căn cứ vào từ chỉ quan hệ so sánh có các kiểu như:
 Kiểu một: So sánh có từ so sánh:

A như ( tựa như, dường như…)B
Mô hình:

A tss

B

(tss: là, như…)

Ví dụ
“Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”
( Ca dao)
“Thân em như giếng giữa đàng
Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân”
( Ca dao)
 Kiểu hai: So sánh thêm “bao nhiêu”, “bấy nhiêu” ( So sánh ngang
bằng)
23


A bao nhiêu B bấy nhiêu

Ví dụ
“Qua đình ngã nón trông đình
Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu”
( Ca dao)
 Kiểu ba: A là B

Ví dụ

“Em là gái trong song cửa
Anh là mây bốn phương trời
Anh theo cánh gió chơi vơi
Em vẫn nằm trong nhung lụa”
( Lưu Trọng Lư)
 Kiểu bốn: A (ẩn từ so sánh) B

Ví dụ
“Tất đất, tất vàng”
( Tục ngữ)

3.1.1.4. Đặc điểm so sánh tu từ


Về mặt hình thức

Vế so sánh và vế được so sánh bao giờ cũng xuất hiện trên văn cảnh. Hai
vế này gắn kết với nhau để tạo nên một cấu trúc so sánh ở dạng thức đầy đủ nhất,
so sánh gồm có bốn thành tố:
Vế so sánh

Cơ sở so sánh

Từ so sánh

Vế được so sánh

(A)

(C)


(TSS)

(B)

Mặt

tươi

như

hoa

Tiếng suối

trong

như

tiếng hát xa

Lòng ta vẫn

vững

như

kiềng ba chân

như


gông đeo cổ

Gái có chồng
Vế so sánh (A): Đối tượng để so sánh.

Cơ sở so sánh (C ): Yếu tố chỉ tính chất của sự việc hay trạng thái của hành động,
có vai trò nêu rõ phương diện so sánh.

24


Từ so sánh (TSS): Từ ngữ dùng để so sánh, tạo nên mối liên kết giữa cái được so
sánh và cái đem ra để làm đối tượng so sánh.
Vế được so sánh (B): Yếu tố được đưa ra làm chuẩn để so sánh.



Về mặt nội dung

Các đối tượng nằm trong hai vế là khác loại nhưng lại có nét tương đồng
nào đó, tạo thành cơ sở cho so sánh. Nếu nét giống nhau này thể hiện ra cụ thể
bằng từ ngữ (cơ sở giống nhau) thì ta có so sánh nổi, nếu nét giống nhau này
không thể hiện ra cụ thể bằng từ ngữ (cơ sở giống nhau) thì ta có so sánh chìm.
 So sánh nổi: “Dù ai nói ngả nói nghiêng
Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân”
 So sánh chìm: “Thuyền theo lái, gái theo chồng”.
So sánh là một dạng thức phổ biến trong lời ăn tiếng nói hằng ngày. Như
chúng ta biết, so sánh tu từ có hai chức năng cơ bản: Nhận thức và biểu cảm. Tuy
nhiên, có thể nói thế mạnh của so sánh là chức năng nhận thức. Biện pháp này

giúp cho người nói, người viết diễn đạt một cách sinh động, cụ thể hình ảnh, thể
hiện sự nhận thức về đối tượng được nói đến cũng như thái độ, tình cảm đối với
đối tượng đó. Và do mang hai chức năng đó ( nhận thức và biểu cảm), do cấu tạo
đơn giản cho nên so sánh tu từ được dùng trong nhiều phong cách tiếng việt:
Phong cách khẩu ngữ, phong cách văn chương, phong cách chính luận, phong
cách báo chí và phong cách khoa học.

3.1.2. Nhân hóa
3.1.2.1. Định nghĩa
PGS.Cù Đình Tú nhận định: “ Nhân hóa là cách lấy những từ ngữ biểu thị
thuộc tính, hành động của người dùng để biểu thị thuộc tính, hành động của đối
tượng khác loại dựa trên mối quan hệ liên tưởng không phải là người (khác
loại)”.[14,tr.185].
Theo tác giả Đinh Trọng Lạc: “ Nhân hóa là một biến thể của ẩn dụ,
trong đó người ta lấy những từ ngữ biểu thị thuộc tính, dấu hiệu của con người
để biểu thị thuộc tính, dấu hiệu của đối tượng không phải là người, nhằm làm
cho đối tượng được miêu tả trở nên gần gũi dễ hiểu hơn, đồng thời làm cho
người nói có khả năng bày tỏ kín đáo tâm tư thái độ của mình”.[11,tr.63].

25


×