Tải bản đầy đủ (.pdf) (3 trang)

Tịnh độ tông Niệm Phật

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (181.26 KB, 3 trang )

TỊNH ĐỘ TÔNG VÀ PHÁP MÔN NIỆM PHẬT
A- Dẫn nhập

Tịnh độ là một trong những pháp môn tu tập phổ biến đối với người Phật tử tại
nhiều nước như Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam. Giáo nghĩa Tịnh độ tông thuộc hệ
tư tưởng Ðại thừa và xuất hiện vào thời kỳ Phật giáo Phát triển.
Phật giáo Nguyên thủy chú trọng tự lực, Phật giáo Phát triển (Ðại thừa) đa dạng hóa
đường lối tu tập nên có những pháp môn chú trọng tha lực, tức nhờ vào Phật lực mà
thành tựu đạo quả hoặc vượt thoát khổ đau, lý tưởng như pháp môn Tịnh độ. Vì vậy,
Tịnh độ là một đường lối tu tập phổ biến, đáp ứng nhu cầu tâm linh về một đời sống
vĩnh cửu và hoàn toàn giải thoát khổ đau của con người.
B- Nội dung
I.

Giáo nghĩa Tịnh độ tông

Tịnh độ tông lấy 3 bộ kinh và 1 bộ luận làm nền tảng cho tư tưởng của mình: kinh Vô
Lượng Thọ nói về tiền thân Ðức Phật A Di Ðà khi còn là Pháp Tạng Tỳ kheo đã phát
nguyện 48 lời nguyện để cứu độ chúng sanh, kinh Quán Vô Lượng Thọ nói rõ phép
quán tưởng niệm Phật, kinh A Di Ðà miêu tả thế giới Cực lạc đẹp đẽ trang nghiêm có
Ðức Phật A Di Ðà đang thuyết pháp, và bộ luận Vãng sinh Tịnh độ của ngài Thế
Thân tán thán và giảng về ý nghĩa của ba bộ kinh trên.
Con đường tu tập của pháp môn Tịnh độ dựa trên ba nguyên tắc:
1- Niềm tin (Tín): Ðây là điều kiện tiên quyết, không có niềm tin hay niềm tin không
đủ mạnh thì không thể tu Tịnh độ được. Sự tin tưởng là nền tảng khởi lên ước muốn
và hướng tâm về thế giới Cực lạc. Như tất cả các pháp môn khác, niềm tin là mẹ của
các thiện pháp và phát sinh công đức.
Niềm tin của hành giả Tịnh độ rất rõ, tin rằng Ðức Phật A Di Ðà và thế giới Cực lạc
là có thực, Ðức Phật và Thánh chúng luôn sẵn sàng tiếp độ chúng ta, chỉ cần chuyên
tâm tin tưởng và niệm Phật quyết chí vãng sanh thì chắc chắn được vãng sanh. Vì
vậy, các kinh sách Tịnh độ và các hành giả Tịnh độ thường nói xác quyết chứ không


có thái độ lưỡng lự, phân hai.
2- Nguyện lực hay tâm mong muốn (Nguyện): Niềm tin ổn định sẽ đưa đến ước
muốn vãng sanh gọi là ước nguyện. Mọi hoạt động tâm lý đều hướng về Tịnh độ, mọi
ước muốn đều được kích thích bằng sự nhàm chán đối với đời sống uế trược và bất
an này. Nếu ta còn ham muốn vật chất, tình cảm, tư tưởng của cuộc đời này thì ước
muốn vãng sanh không mạnh. Nghiệp liên kết với đời sống này không giảm thì Tịnh
độ không hấp dẫn ta được, nên có chán Ta bà mới ước mong mãnh liệt về Tịnh độ
được. Ðó cũng là lý do tại sao người lớn tuổi ưa tu Tịnh độ hơn là giới trẻ.
Biểu hiện của ước nguyện về Tịnh độ là mọi hành vi, lời nói và tâm ý đều phải thể
hiện ước nguyện đó. Với lời nguyện mạnh mẽ từ bỏ uế độ vãng sanh Tịnh độ, mong
có khả năng để cứu độ chúng sanh. Tâm nguyện như vậy mới tương ứng với tâm
nguyện của Tịnh độ, mới có cảm ứng với Phật và Thánh chúng ở Cực lạc.


3- Hành trì (Hạnh): Khi tâm nguyện hướng về Tịnh độ thì mọi hành động, ngôn ngữ
đều được tu tập liên tục, nghĩa là thực hành phương pháp niệm Phật, quán tưởng...
đều đưa đến hợp nhất thân khẩu ý, không để cho các đối tượng của trần gian lôi kéo
làm tâm bị tán loạn. Mọi công đức, thiện pháp ta có đều hồi hướng về Tịnh độ,
thường thì hành giả thiết lập cho mình một thời khóa tu niệm, ví dụ như trong một
ngày một đêm chia thành sáu thời khóa để tụng niệm, tạo cho mình tiêu chuẩn niệm
bao nhiêu lần, nhờ hành trì mà hành giả có thể đắc định, thấy Phật và Thánh chúng
cõi Cực lạc.
II. Phương pháp niệm Phật
Mục đích của pháp niệm Phật A Di Ðà là đưa đến nhất tâm, chế ngự mọi vọng tưởng
của tâm. Niệm Phật là thực hành chánh niệm, như vậy về mặt bản chất, pháp môn
niệm Phật không khác biệt với thiền quán, là cốt lõi của các pháp môn.
Phương pháp niệm Phật có bốn cách:
1- Trì danh niệm Phật: Niệm danh hiệu Phật A Di Ðà, hoặc niệm thầm hoặc phát âm
thanh.
2- Quán tượng niệm Phật: Niệm Phật và chăm chú nhìn vào tượng Phật, thấy rõ

tướng tốt của Phật, hoặc tướng tốt của các Bồ tát và Thánh chúng.
3- Quán tưởng niệm Phật: Quán tưởng hình ảnh của Ðức Phật A Di Ðà cho đến khi
thấy được linh ảnh của Ðức Phật. Pháp quán này khác với quán tượng là không sử
dụng hình ảnh bên ngoài. Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ đề cập đến 16 pháp quán.
4- Thật tướng niệm Phật: Niệm Phật đạt đến chỗ vô niệm, không còn chủ thể và đối
tượng. Pháp quán này mang sắc thái Thiền hơn là Tịnh độ cho nên không phổ biến
được.
Phương pháp tu Tịnh độ được nhiều người chấp nhận và hành trì, nhất là Trì danh
niệm Phật, ai thực hành cũng được, có thể niệm lớn tiếng gọi là Cao thanh trì, niệm
thầm gọi là Mặc trì, mấp máy môi mà không ra tiếng gọi là Kim cang trì. Người xưa
còn đưa ra 4 sắc thái niệm Phật: Hòa hoãn niệm là niệm từ từ không cần gấp, không
nôn nóng, chỉ cần bền bỉ, có thể vừa làm việc vừa niệm Phật, không cần «tu mau kẻo
trễ«; thứ hai là Truy đảnh niệm, là đưa câu niệm Phật nằm trên đỉnh cao của dòng
tâm thức, nghĩa là niệm Phật luôn hiện tiền, không bị chi phối bởi công việc, quyết
chí cao, ấn định thời gian và cần có kết quả rõ; thứ ba là Thiền định niệm, tức trụ tâm
vào định rồi sử dụng tâm định ấy mà niệm Phật. Ðây là lối tu dựa trên cơ sở truyền
thống nguyên thủy, khi tâm đạt định, hướng tâm ấy về tam minh, ở đây hành giả
hướng tâm về cõi Tịnh độ và Ðức Phật A Di Ðà; thứ tư là Tham cứu niệm, là cách
niệm Phật ảnh hưởng thiền công án, như nêu câu hỏi: Niệm Phật là gì? Sự nung nấu
nghi tình đến đỉnh cao sẽ bùng vỡ ý thức và giác ngộ. Sắc thái này mang dấu ấn của
Thiền hơn là của Tịnh độ.
C- Kết luận
Tịnh độ tông chú trọng vào niềm tin của cá nhân và sự cứu độ của Ðức Phật A Di Ðà.
Pháp tu chủ yếu là niệm danh hiệu Phật A Di Ðà và quán tưởng đến thế giới Cực lạc.
Ðây là một tông phái được phổ biến rộng rãi nhất và cũng được nhiều tông phái khác
phổ biến và hành trì. Pháp môn niệm Phật là con đường tu tập khá phù hợp với nhiều


căn cơ khác nhau. Thực ra, pháp môn niệm Phật có từ thời Phật giáo Nguyên thủy,
Ðức Phật dạy các đối tượng quán niệm trong đó niệm Phật là đứng đầu, vì đây là đối

tượng dễ đưa tâm vào chánh niệm, trong Phật giáo Nguyên thủy, ý nghĩa về Phật lực
đã được bao hàm trong pháp niệm Phật.
Con đường giải thoát của đạo Phật căn bản là ở tâm, tức là nỗ lực cá nhân, pháp môn
Tịnh độ vẫn không ngoài đường lối ấy, hòn đá lớn nhờ thuyền chở mà nổi trên nước,
nhưng vận chuyển hòn đá ấy lên thuyền phải là công phu tự thân, để có được 10 niệm
nhất tâm và sự cứu độ của Phật, hành giả phải có công phu tích lũy lớn, nghĩa là có
một quá trình tu tập. Sau này, khi các tông phái khác phát triển đã ảnh hưởng đến tư
tưởng Tịnh độ, nhất là tư tưởng Tịnh độ tại tâm như "Tự tánh Di Ðà, duy tâm Tịnh
độ" làm cho pháp môn Tịnh độ có tính tự lực nhiều hơn nhưng có lẽ đó không phải là
bản ý của Tịnh độ tông.
Ðể kết luận, xin dẫn lời bàn về niệm Phật của nhà vua, Thiền sư Việt Nam thời Trần
là Trần Thái Tông trong tác phẩm Khóa hư lục: "Người niệm Phật có ba bậc: bậc
thượng trí thì tâm tức Phật chẳng nhờ tu chứng, thân Phật là thân ta không có hai
tướng, tánh tướng không hai, tịch mà thường còn, còn mà chẳng biết. Ðó là hoạt
Phật. Bậc trung trí phải nương vào niệm Phật, chú ý chuyên cần, niệm Phật không
quên tự nhiên thuần thiện. Niệm thiện đã hiện niệm ác liền tiêu. Niệm ác đã tiêu duy
còn niệm thiện. Bởi niệm ý niệm niệm niệm tất diệt. Khi niệm đã diệt, ắt về chánh
đạo. Tới khi mạng chung được vui Niết bàn. Bậc hạ trí thì miệng chuyên niệm lời
Phật, tâm muốn thấy tướng Phật, thân nguyện sinh nước Phật, ngày đêm siêng năng
không thoái chuyển. Sau khi mạng chung thì nhờ thiện niệm đó được sinh sang nước
Phật, nghe Phật nói pháp mà chứng đạo Bồ đề". Ngài kết luận ba hạng người trên
đây sâu cạn khác nhau nhưng mục đích và kết quả là một, tuy nhiên bậc thượng trí
nói thì dễ làm thì khó, bậc trung trí nếu chuyên cần nỗ lực sẽ thành tựu trong đời này
nhưng nếu nghiệp nặng chưa dứt thì khó thành tựu, bậc hạ trí lối tu lấy niệm Phật làm
nấc thang bước từng bước vững chắc được qua nước Phật rồi thì chí nguyện sẽ thành.
Vậy muốn thành tựu cái siêu việt phải bắt đầu bằng cái đơn giản./.




×