Tải bản đầy đủ (.doc) (19 trang)

Chuyên Đề Thực Trạng Và Giải Pháp Hạn Chế Án Trả Hồ Sơ Điều Tra Bổ Sung Giữa Các Cơ Quan Tiến Hành Tố Tụng Có Liên Quan Đến Trách Nhiệm Của Kiểm Sát Viên

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (141.04 KB, 19 trang )

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH

CHUYÊN ĐỀ
“Thực trạng và giải pháp hạn chế án trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ
quan tiến hành tố tụng có liên quan đến trách nhiệm của Kiểm sát viên”
MỞ ĐẦU
Thực hiện Chỉ thị số: 06/CT-VKSTC ngày 06/12/2013 của Viện trưởng Viện
KSND tối cao về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn
công tố với hoạt động điều tra đáp yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm; Kế
hoạch số 38/KH-VKS ngày 09/01/2017 về Công tác năm 2017 của Viện KSND
tỉnh Bình Định và Kế hoạch số: 153/KH-VKS-P1 ngày 07/02/2017 của Viện
KSND tỉnh Bình Định về thực hiện khâu công tác đột phá “Hạn chế án hình sự trả
hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan đến trách
nhiệm của Kiểm sát viên”; xuất phát từ thực tiễn tình hình công tác thực hành
quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự thuộc
thẩm quyền của Viện kiểm sát 02 cấp của ngành Kiểm sát tỉnh Bình Định (VKS 02
cấp) trong thời gian qua (Từ 01/12/2013 đến 28/02/2017); Phòng 1 Viện KSND
tỉnh Bình Định nghiên cứu xây dựng chuyên đề “Thực trạng và giải pháp hạn chế
án trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan đến
trách nhiệm của Kiểm sát viên” nhằm đánh giá đúng thực chất công tác Thực hành
quyền công tố, KSĐT, KSXX sơ thẩm án hình sự và thực trạng án hình sự trả hồ
sơ yêu cầu điều tra bổ sung của Viện kiểm sát 02 cấp; xác định nguyên nhân, trách
nhiệm và đề ra giải pháp nhằm hạn chế việc án trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các
cơ quan tiến hành tố tụng, nhất là án trả hồ sơ điều tra bổ sung có liên quan đến
trách nhiệm của Kiểm sát viên, bảo đảm việc đấu tranh xử lý tội phạm chính xác,
kịp thời, đúng pháp luật; tránh bỏ lọt tội phạm và làm oan người không có tội.
Nội dung Chuyên đề: Ngoài phần Mở đầu và phần Kết luận; bố cục được
chia thành 3 mục lớn, gồm:
- Thực trạng án hình sự trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến


hành tố tụng trong thời gian từ 2014 đến 02/2017.
- Trách nhiệm và nguyên nhân của tình trạng án hình sự trả hồ sơ điều tra bổ

sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
- Giải pháp nhằm hạn chế tình trạng án hình sự trả hồ sơ điều tra bổ sung
giữa các cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan đến trách nhiệm của Kiểm sát
viên.
Trong khuôn khổ chuyên đề không thể diễn đạt hết thực tiễn của tình hình án
trả hồ sơ điều tra bổ sung; đồng thời do thời gian có hạn, nên việc nghiên cứu xây
dựng Chuyên đề cũng không thể tránh khỏi những thiếu sót, rất mong sự đóng góp
của các đồng chí để Chuyên đề được hoàn thiện hơn.
I. THỰC TRẠNG ÁN HÌNH SỰ TRẢ HỒ SƠ ĐIỀU TRA BỔ SUNG

1


1. Viện kiểm sát trả cho Cơ quan điều tra
1.1. Năm 2014
- Tổng số vụ CQĐT kết thúc điều tra đề nghị VKS truy tố: 680 vụ / 1.220 bị can.
- Số vụ VKS trả hồ sơ ĐTBS: Không có vụ nào.
1.2. Năm 2015
- Tổng số vụ CQĐT kết thúc điều tra đề nghị VKS truy tố: 599 vụ / 1.219 bị can.
- Số vụ VKS trả hồ sơ ĐTBS: 02 vụ / 29 bị can (chiếm 0,33%).
- Cơ quan điều tra chấp nhận: 02 vụ.
- Lý do trả hồ sơ điều tra bổ sung: Thiếu chứng cứ quan trọng (Khoản 1 Điều
168/BLHS).
- Đơn vị có án trả hồ sơ ĐTBS: Quy Nhơn.
- Thay đổi kết quả điều tra: 02 vụ.
- Trách nhiệm của Kiểm sát viên: 02 vụ.
1.3. Năm 2016

- Tổng số vụ CQĐT kết thúc điều tra đề nghị VKS truy tố: 623 vụ / 1.250 bị can.
- Số vụ VKS trả hồ sơ ĐTBS lần 1: 04 vụ / 13 bị can (chiếm 0,64%).
- Cơ quan điều tra chấp nhận: 06 vụ.
- Lý do trả hồ sơ điều tra bổ sung: Thiếu chứng cứ quan trọng (Khoản 1 Điều
168/BLHS).
- Đơn vị có án trả hồ sơ ĐTBS: Phòng 1, Phòng 3, Phù Mỹ (mỗi nơi 01 vụ);
Quy Nhơn (02 vụ).
- Số vụ trả hồ sơ lần 2: 01 vụ / 02 bị can (Quy Nhơn).
- Thay đổi kết quả điều tra: 04 vụ.
- Trách nhiệm của Kiểm sát viên: 03 vụ (Phòng 1, Quy Nhơn, Phù Mỹ).
- Trách nhiệm của Cơ quan điều tra không điều tra theo yêu cầu của Viện
kiểm sát trong lần trả hồ sơ điều tra bổ sung lần 1: 01 vụ (Quy Nhơn).
1.4. Quý I/2017 (từ 01/12/2016 đến 28/02/2017)
- Tổng số vụ CQĐT kết thúc điều tra đề nghị VKS truy tố: 148 vụ / 357 bị can.
- Số vụ VKS trả hồ sơ ĐTBS: 01 vụ / 02 bị can (Trả lần 2 nên không tính tỷ lệ).
- Cơ quan điều tra chấp nhận: 01 vụ.
- Lý do trả hồ sơ điều tra bổ sung: Thiếu chứng cứ quan trọng (Khoản 1 Điều
168/BLHS).
- Đơn vị có án trả hồ sơ ĐTBS: Tây Sơn.
- Thay đổi kết quả điều tra: 0 vụ.
- Trách nhiệm của Kiểm sát viên: 0 vụ.

2


- Trách nhiệm của CQĐT không điều tra theo yêu cầu của VKS trong lần trả
thứ nhất: 01 vụ.
2. Tòa án trả cho Viện kiểm sát
2.1. Năm 2014
- Tổng số vụ Tòa án thụ lý xét xử: 761 vụ / 1.351 bị cáo.

- Số vụ Tòa án trả hồ sơ ĐTBS: 13 vụ / 23 bị cáo.
- Số vụ VKS chấp nhận: 11 vụ / 16 bị cáo (Chiếm 1,44%)
- Số vụ VKS không chấp nhận: 02 vụ / 07 bị cáo (Quy Nhơn).
- Số vụ VKS trả cho CQĐT điều tra: 11 vụ / 16 bị cáo (CQĐT chấp nhận).
- Lý do trả hồ sơ điều tra bổ sung:
+ Thiếu chứng cứ quan trọng: 09 vụ / 10 bị cáo.
+ Bị can phạm tội khác: 01 vụ / 01 bị cáo.
+ Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng: 01 vụ / 05 bị cáo.
- Các đơn vị có án trả hồ sơ ĐTBS được VKS chấp nhận là: Phòng 3 (03 vụ /
04 bị cáo); Quy Nhơn (01 vụ / 01 bị cáo); An Nhơn (01 vụ / 01 bị cáo); Phù Mỹ
(01 vụ / 01 bị cáo); Hoài Nhơn (01 vụ / 05 bị cáo), Tây Sơn (02 vụ / 02 bị cáo),
Vĩnh Thạnh (01 vụ / 01 bị cáo).
- Thay đổi quyết định truy tố: 10 vụ.
- Không thay đổi Quyết định truy tố: 01 vụ (Hoài Nhơn).
- Trách nhiệm của Kiểm sát viên: 09 vụ.
2.2. Năm 2015
- Tổng số vụ Tòa án thụ lý xét xử: 714 vụ / 1.458 bị cáo.
- Số vụ Tòa án trả hồ sơ ĐTBS: 12 vụ / 27 bị cáo.
- Số vụ VKS chấp nhận: 07 vụ / 18 bị cáo (Chiếm 0,98%).
- Số vụ VKS không chấp nhận: 05 vụ / 09 bị cáo (Quy Nhơn 03 vụ, Tây Sơn
02 vụ).
- Số vụ VKS trả cho CQĐT điều tra: 07 vụ / 18 bị cáo (CQĐT chấp nhận).
- Lý do trả hồ sơ điều tra bổ sung: Thiếu chứng cứ quan trọng 07 vụ / 18 bị cáo.
- Các đơn vị có án trả hồ sơ ĐTBS được chấp nhận là: Phòng 3 (02 vụ / 07 bị
cáo); Quy Nhơn (01 vụ / 05 bị cáo); Phù Mỹ (02 vụ / 03 bị cáo); Tây Sơn (01 vụ /
02 bị cáo), Vĩnh Thạnh (01 vụ / 01 bị cáo).
- Thay đổi quyết định truy tố: 05 vụ.
- Trách nhiệm của Kiểm sát viên: 07 vụ.
2.3. Năm 2016
- Tổng số vụ Tòa án thụ lý xét xử: 663 vụ / 1.416 bị cáo.


3


- Số vụ Tòa án trả hồ sơ ĐTBS: 25 vụ / 67 bị cáo.
- Số vụ VKS chấp nhận: 08 vụ / 12 bị cáo (Chiếm 1,2%).
- Số vụ VKS không chấp nhận: 17 vụ / 55 bị cáo (Phòng 1: 04 vụ; Phòng 3:
06 vụ; Tuy Phước: 03 vụ, Phù Mỹ: 02 vụ; Hoài Nhơn: 01; Vân Canh: 01).
- Số vụ VKS trả cho CQĐT điều tra: 08 vụ / 12 bị cáo (CQĐT chấp nhận).
- Lý do trả hồ sơ điều tra bổ sung:
+ Thiếu chứng cứ quan trọng 06 vụ / 09 bị cáo.
+ Bị can phạm tội khác: 02 vụ / 03 bị cáo.
- Các đơn vị có án trả hồ sơ ĐTBS được chấp nhận là: Quy Nhơn (02 vụ / 03
bị cáo); Tuy Phước (02 vụ / 03 bị cáo); Phù Cát (01 vụ / 01 bị cáo); Hoài Nhơn (01
vụ / 02 bị cáo); Tây Sơn (01 vụ / 02 bị cáo), An Lão (01 vụ / 01 bị cáo).
- Thay đổi quyết định truy tố: 07 vụ.
- Trách nhiệm của Kiểm sát viên: 08 vụ.
2.4. Quý I/2017 (Từ 01/12/2016 đến 28/02/2017)
- Tổng số vụ Tòa án thụ lý xét xử: 140 vụ / 308 bị cáo.
- Số vụ Tòa án trả hồ sơ ĐTBS: 03 vụ / 08 bị cáo.
- Số vụ VKS chấp nhận: 03 vụ / 08 bị cáo (Chiếm 2,1%).
- Số vụ VKS không chấp nhận: Không.
- Số vụ VKS trả cho CQĐT điều tra: 03 vụ / 08 bị cáo (CQĐT chấp nhận: 02
vụ / 07 bị cáo; CQĐT không chấp nhận: 01 vụ / 01 bị cáo).
- Lý do trả hồ sơ điều tra bổ sung:
+ Thiếu chứng cứ quan trọng 02 vụ / 02 bị cáo.
+ Đồng phạm khác, vi phạm thủ tục tố tụng: 01 vụ / 06 bị cáo.
- Các đơn vị có án trả hồ sơ ĐTBS được chấp nhận là: Tuy Phước (01 vụ / 06
bị cáo); Phù Mỹ (02 vụ / 02 bị cáo).
- Không thay đổi quyết định truy tố: 01 vụ / 01 bị cáo (Cơ quan điều tra

không chấp nhận điều tra bổ sung, VKS Phù Mỹ ban hành Công văn chuyển trả lại
hồ sơ cho Tòa án xét xử).
- Thay đổi quyết định truy tố: Chưa có kết quả điều tra bổ sung.
- Trách nhiệm của Kiểm sát viên: 03 vụ.
3. Đánh giá tình hình án trả hồ sơ điều tra bổ sung
- Tỷ lệ án trả hồ sơ điều tra bổ sung trong thời gian qua tuy có chiều hướng
tăng, nhưng thấp hơn chỉ tiêu của ngành KSND tỉnh Bình Định đề ra và thấp hơn
nhiều so với chỉ tiêu của Viện KSND tối cao.
- Số vụ án Tòa án trả cho Viện kiểm sát nhiều hơn số vụ án Viện kiểm sát trả
cho Cơ quan điều tra. Điều này cho thấy giai đoạn truy tố, Kiểm sát viên không

4


phát hiện được vi phạm, thiếu sót trong hồ sơ (vì số vụ phát sinh tình tiết mới tại
phiên tòa rất ít).
- Hầu hết các vụ án trả hồ sơ điều tra bổ sung, nếu suy cho cùng thì đều có
liên quan đến trách nhiệm của Kiểm sát viên.
- Số vụ án trả hồ sơ điều tra bổ sung cho thấy kết quả điều tra bổ sung đã làm
thay đổi kết quả điều tra, kết quả truy tố chiếm tỷ lệ cao.
- Có 03 vụ án đã trả điều tra bổ sung nhưng CQĐT không điều tra triệt để nên
dẫn đến trả hồ sơ điều tra bổ sung lần 02. Cá biệt, có 01 vụ án trả hồ sơ điều tra bổ
sung lần 3 sau đó phải Đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự (vụ Nguyễn Văn Trọng
cùng đồng phạm - Điều 241/BLHS); có 02 vụ án sau khi trả hồ sơ điều tra bổ sung
đã Đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự (vụ Nguyễn An Trường – Điều 202/BLHS;
vụ Nguyễn Đức Mãng - Điều 165/BLHS).
- Có 01 vụ án Tòa án trả cho Viện kiểm sát thì được Viện kiểm sát chấp nhận
và trả cho CQĐT, nhưng CQĐT không chấp nhận nên Viện kiểm sát giữ nguyên
quan điểm truy tố chuyển trả lại cho Tòa án (vụ Nguyễn Đức Nghĩa - Điều
138/BLHS). Điều này chứng tỏ Viện kiểm sát chưa kiên quyết trả lại hồ sơ cho

Tòa án trong những trường hợp Tòa án trả không đúng.
- Số vụ án trả hồ sơ điều tra bổ sung hầu hết là do thiếu chứng cứ quan trọng.
Điều này cho thấy việc đánh giá chứng của CQĐT, VKS mà nói đúng hơn là của
ĐTV, KSV còn nhiều hạn chế.
- Có vụ án, Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra với nhiều lý do như: Bỏ lọt tội
phạm, vi phạm nghiêm trong thủ tục tố tụng. Cụ thể là vụ Nguyễn Tây cùng đồng
phạm - Điều 104/BLHS. Điều này chứng tỏ trách nhiệm của Kiểm sát viên chưa
cao. Mặc dù trong suốt quá trình điều tra, bị cáo Tây đã không khai ra đồng phạm
mà cho đến khi xét xử bị cáo mới khai. Và đây được xem là tình tiết mới phát sinh
tại phiên tòa.
- Số vụ Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung không đúng, nên Viện kiểm sát trả
lại hồ sơ cho Tòa án còn xảy ra nhiều, đặc biệt là năm 2016 có đến 17 vụ / 55 bị
cáo (cấp tỉnh 10 vụ / 39 bị cáo). Điều này cho thấy Kiểm sát viên và lãnh đạo Viện
kiểm sát đã nghiên cứu và vận dụng tốt Thông tư liên tịch số: 01; đồng thời kiên
quyết giữ nguyên quan điểm truy tố, trả lại những vụ án Tòa án trả không đúng;
chứng tỏ chúng ta phối hợp nhưng không thỏa hiệp; kiên quyết nhưng không bảo
thủ.
- Có 01 đơn vị không có án trả hồ sơ điều tra bổ sung (VKS Hoài Ân); có 01
đơn vị có 01 vụ Tòa án trả điều tra bổ sung không đúng nên trả lại (VKS Vân
Canh); có đơn vị có án trả hồ sơ điều tra bổ sung ít (Phòng 1).
- Một số đơn vị để xảy ra án trả hồ sơ điều tra bổ sung chiếm tỷ lệ cao: Phòng
3 (năm 2014 là 12%; năm 2015 là 7,4%; năm 2016 là 6,25%); VKS Vĩnh Thạnh
(năm 2014 là 11,1%; năm 2015 là 7,7%); VKS An Lão (năm 2016 là 7,7%); VKS
Phù Mỹ (năm 2015 là 7,1%; Quý I/2017 là 25%); VKS Tuy Phước (Quý I/2017 là
6,66%).
- Có 01 đơn vị năm nào cũng có án trả hồ sơ điều tra bổ sung (VKS Phù Mỹ).

5



4. Những dạng vi phạm phổ biến dẫn đến án trả hồ sơ điều tra bổ sung
4.1. Vi phạm thủ tục tố tụng
Tuy lý do chính để trả hồ sơ điều tra bổ sung trong các vụ án này là thiếu
chứng cứ, bỏ lọt tội phạm,... nhưng trong Quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung
đồng thời chứa đựng lý do vi phạm thủ tục tố tụng với các dạng sau:
- Vụ Nguyễn Thanh Cang cùng đồng phạm, can tội “Trộm cắp tài sản”,
“Cướp giật tài sản” - Hoài Nhơn: Điều tra viên không được phân công điều tra vụ
án, nhưng tham gia điều tra vụ án (vấn đề này hầu hết KSV không để ý, cứ nghĩ có
ĐTV là ổn); Biên bản hỏi cung thực hiện trước ngày khởi tố vụ án; Điều tra viên
không ký vào biên bản hỏi cung, lấy lời khai; Điều tra viên không có tên trong
Biên bản hỏi cung, lấy lời khai nhưng có chữ ký.
- Vụ Phan Tấn Đăng cùng đồng phạm, can tội “Giết người”, “Gây rối trật tự
công cộng” - Phòng 1: Thiếu chữ ký, thiếu tên người tiến hành tố tụng (Điều tra
viên), thiếu ngày giờ trong các văn bản tố tụng.
- Vụ Nguyễn Tây cùng đồng phạm, can tội “Cố ý gây thương tích” - Tuy
Phước: Biên bản hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng dưới 16 tuổi không
có đại diện hợp pháp của bị can, người làm chứng tham dự (Vi phạm Điều 135,
306/BLTTHS); người đại diện hợp pháp của bị can, người làm chứng không được
tham gia khi hỏi cung, lấy lời khai nhưng ký vào biên bản; có dấu hiệu bổ sung
chữ vào biên bản hỏi cung; khi Điều tra viên lấy lời khai bị can có dấu hiệu mớm
cung, ép cung; xác định sai tư cách người tham gia tố tụng của Nguyễn Công
Thành (Thành có tham gia đánh nhóm Huỳnh Trung Khánh do bị cáo Hoài rủ rê,
nhưng xác định Thành là người làm chứng là không chính xác).
4.2. Có căn cứ cho rằng bị can phạm tội khác
- Vụ Trần Văn Hùng bị khởi tố tội “Cố ý gây thương tích” - An Lão: Các tài
liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án thể hiện Trần Văn Hùng sử dụng con dao sắc,
nhọn cố ý đâm mạnh vào vùng cổ (vị trí trọng yếu trên cơ thể) của nạn nhân, làm
nạn nhân bị thương tích 97%. Tuy Hùng không có mục đích tước đoạt mạng sống
của nạn nhân, nhưng hành vi của Hùng thể hiện tính nguy hiểm cao, khả năng dẫn
đến chết người rất lớn và Hùng có ý thức bỏ mặc hậu quả xảy ra. Do đó, hành vi

của Trần Văn Hùng đã cấu thành tội “Giết người” chứ không phải “Cố ý gây
thương tích”. Tuy nhiên đây là vấn đề không đơn giản và thuộc phạm trù nhận
thức cùng với kinh nghiệm thực tiễn xử lý loại án này.
- Vụ Nguyễn Ngọc Chấn cùng đồng phạm bị khởi tố về tội “Cản trở giao
thông đường bộ” - Tuy Phước: Tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ thể hiện Nguyễn
Ngọc Chấn điều khiển xe ôtô đỗ tại đoạn đường có biển “Cấm dừng, cấm đỗ” thì
bị Nguyễn Văn Tẩu điều khiển xe mô tô ba bánh chở vợ là Nguyễn Thị Lệ tông
vào. Hậu quả là Lệ chết. Như vậy, nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn giao thông này là
do Chấn không tuân thủ quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ
khi tham gia giao thông; đỗ xe không đúng nơi quy định là vi phạm Điều 18 Luật
Giao thông đường bộ. Do đó, hành vi của Chấn là phạm tội “Vi phạm quy định về
điều khiển giao thông đường bộ” chứ không phải tội “Cản trở giao thông đường

6


bộ”. Về vấn đề này, không chỉ Tuy Phước mà thực tiễn cho thấy nhiều năm, nhiều
đơn vị cũng mắc phải “lỗi” này.
4.3. Có căn cứ cho rằng còn có đồng phạm khác hoặc người phạm tội khác
- Vụ Nguyễn Đức Phương, Lê Anh Tuấn, can tội “Vi phạm quy định về điều
khiển phương tiện giao thông đường bộ” - Hoài Nhơn: Tài liệu, chứng cứ thể hiện
Nguyễn Văn Cường giao xe môtô cho Tuấn (không có giấy phép lái xe theo quy
định) điều khiển gây tai nạn làm chết 01 người, nên Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ
sung để làm rõ hành vi phạm tội của Cường. Kết quả điều tra bổ sung đã xác định
khi Cường giao xe cho Tuấn thì Cường nghĩ rằng Tuấn đã có Giấy phép lái xe theo
quy định vì Tuấn đã trên 18 tuổi, Tuấn đang là sinh viên,... nên Nguyễn Văn
Cường không phạm tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các
phương tiện giao thông đường bộ” (Vấn đề này đã được hướng dẫn trong Thông
tư liên tịch số: 09 ngày 28/8/2013 của Liên ngành Trung ương hướng dẫn áp dụng
một số quy định tại Chương XIX của Bộ luật hình sự về các tội xâm phạm trật tự,

an toàn giao thông).
- Vụ Lê Dân, Đoàn Thiên Đằng phạm tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” - Quy
Nhơn: Trong hồ sơ vụ án, các bị can Lê Dân, Đoàn Thiên Đằng khai nhận chỉ có
02 bị can này thực hiện hành vi đập phá làm hư hỏng tài sản nhà của ông Trần Văn
Thanh. Bị hại và một số nhân chứng khai ngoài 02 bị can Dân, Đằng còn có Lê
Văn Thâm (con trai của Lê Dân) tham gia đập phá tài sản. Những lời khai của bị
hại, nhân chứng còn nhiều mâu thuẫn. Trong khi đó, các bị can Dân, Đằng khai
không chém phá trần nhà bằng rựa, nhưng trong hồ sơ thể hiện trần nhựa (la
phông) có bị một vết chém rách. Kết quả điều tra bổ sung không xác định được Lê
Văn Thâm thực hiện hành vi đập phá tài sản nhà ông Thanh.
- Vụ Nguyễn Tây cùng đồng phạm, can tội “Cố ý gây thương tích” - Tuy
Phước: Mặc dù tại phiên tòa sơ thẩm, Nguyễn Tây mới khai về hành vi của Lê
Thanh Tùng, nhưng quá trình điều tra, các bị cáo Lê Hoài Nam, Hồ Văn Vĩ đều
khai thấy Tùng (Bờm) cầm tuýp inox đuổi theo Khánh. Bị hại Khánh cũng khai
trước khi bị Tây chém thì có một thanh niên lùn, mập (phù hợp với lời khai của bị
can Nam, Vĩ về đặc điểm nhận dạng), mặc quần sọt, áo thun trắng dùng tuýp inox
đánh vào bả vai Khánh làm Khánh ngã xuống đường. Các bị can Nam, Vĩ và bị
hại Khánh đã khai tình tiết này tại Cơ quan điều tra, nhưng Cơ quan điều tra đã
không làm rõ để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Lê Thanh Tùng là
bỏ lọt người tội phạm.
4.4. Thiếu chứng cứ
a) Không có kết luận định giá tài sản
Vụ Bùi Văn Dũng, can tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao
thông đường bộ - Phù Cát: Các Cơ quan tiến hành tố tụng (CA-VKS) không tiến
hành trưng cầu định giá thiệt hại của tài sản mà lấy kết quả chi phí sửa chữa tài sản
sau tai nạn do bị hại cung cấp để làm căn cứ xác định thiệt hại tài sản và tiến hành
khởi tố, truy tố đối với bị can.
b) Kết luận định giá không chính xác

7



Vụ Đỗ Hoàng Duy, can tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện
giao thông đường bộ” - Vĩnh Thạnh.
+ Trong Kết luận định giá không kết luận thiệt hại của tài sản (cầu treo O5)
mà sử dụng cụm từ “Dự toán dự trù phần thiệt hại về sửa chữa cầu treo O5”.
+ Việc định giá thiệt hại của cầu treo O5 không tuân thủ nguyên tắc định giá
quy định của Thông tư số: 55/2006/TT-BTC ngày 22/6/2006 “Hướng dẫn thực
hiện một số điều của Nghị định số: 26/2005/NĐ-CP ngày 02/3/2005 của Chính
phủ về Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự”; do đó kết quả định giá
thiệt hại của cầu treo O5 do bị can Đỗ Hoàng Duy gây ra của Hội đồng định giá tài
sản trong tố tụng hình sự huyện Vĩnh Thạnh cao hơn tổng chi phí thực tế sửa chữa
toàn bộ chiếc cầu này là không hợp lý.
c) Thiếu chứng cứ buộc tội bị can
Vụ Hồ Đức Lâm, Nguyễn Duy Vinh, can tội “Cố ý gây thương tích” – Tây
Sơn: Trong vụ án này, rất nhiều vấn đề chưa được chứng minh, làm rõ để làm căn
cứ buộc tội bị can, như: Không tiến hành đối chất để giải quyết các mâu thuẫn
trong lời khai, không làm rõ cơ chế hình thành các thương tích trên người nạn
nhân, chưa làm rõ ý thưc chủ quan của bị can khi thực hiện hành vi phạm tội,...
d) Giám định lại thương tích
Vụ Trần Văn Tín, can tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao
thông đường bộ” - Tây Sơn:
- Kết quả giám định ban đầu của Trung tâm pháp y tỉnh Bình định đối với bị
hại Nguyễn Hữu Thinh là 71% với các thương tích: Chấn thương sọ não; chấn
thương cột sống cổ và cột sống thắt lưng; gãy phức tạp 1/3 dưới xương đùi phải và
vỡ mâm chày phải, đã phẩu thuật kết hợp xương đùi và mâm chày phải. Hiện tại
tri giác tỉnh táo tiếp xúc tốt, liệt cứng tứ chi, gãy vỡ 1/3 dưới xương chày phải và
mâm chày phải đang bất động bằng khung cố định ngoài.
- Sau khi có kết quả giám định, bệnh tình của ông Thinh ngày càng nặng
thêm (chân tay bị co rút, co giật), nên gia đình đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy, Tp Hồ

Chí Minh để điều trị thì được chẩn đoán bị gãy xương đùi phải, viêm xương mất
chức năng chi, loét cùng cụt, liệt tứ chi, chấn thương cột sống cổ. Đã tiến hành
phẩu thuật cắt cụt 1/3 dưới xương đùi phải, cắt lọc cùng cụt, cắt bỏ 01 chân,...Do
đó, đại diện hợp pháp của bị hại yêu cầu giám định lại tỷ lệ thương tật của bị hại
Thinh. Phân viện Khoa học hình sự tại Đà Nẵng đã giám định và kết luận tỷ lệ
thương tật của ông Nguyễn Hữu Thinh là 95%.
4.5. Phát sinh tình tiết mới tại phiên tòa
a) Bị cáo khai thêm tài sản bị chiếm đoạt
Vụ Nguyễn Hồng Đại, can tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” - Quy Nhơn:
Trong quá trình điều tra, truy tố, bị can chỉ khai nhận dùng thủ đoạn gian dối để
chiếm đoạt 02 xe mô tô của bị hại đem cầm cố, đã bị phát hiện. Tuy nhiên tại
phiên tòa, bị cáo còn khai nhận đã thực hiện thêm hành vi thuê 02 xe mô tô khác

8


của bị hại rồi đem cầm cố. Do đó, Hội đồng xét xử đã hoãn phiên tòa và trả điều
tra bổ sung.
b) Về tình trạng tâm thần của bị cáo
Vụ Nguyễn Xuân Dũng, can tội “Trộm cắp tài sản” - Tuy Phước: Qua xét hỏi
tại phiên tòa thấy rằng bị cáo Dũng không được bình thường; bị cáo không tập
trung, trả lời không đúng trọng tâm câu hỏi, có lúc không khai được. Theo lời khai
của người thân và hàng xóm của Dũng thì Dũng có biểu hiện nhược điểm về tâm
thần từ lâu nay.
c) Về vấn đề yêu cầu bồi thường thiệt hại
Vụ Lê Thị Cúc Hoa, can tội “Vô ý gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”
- An Nhơn: Tại phiên tòa, đại diện hợp pháp của bị hại đã trình bày những nội
dung chứng minh các khoản chi phí chữa trị thương tích cho bị hại là có thật,
nhưng vì nhiều lý do nên không cung cấp hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Những lời
khai này mới phát sinh tại phiên tòa và chưa được điều tra xác minh.

II. TRÁCH NHIỆM VÀ NGUYÊN NHÂN CỦA TÌNH TRẠNG ÁN
HÌNH SỰ TRẢ HỒ SƠ ĐIỀU TRA BỔ SUNG GIỮA CÁC CƠ QUAN TIẾN
HÀNH TỐ TỤNG
1. Trách nhiệm dẫn đến án trả hồ sơ điều tra bổ sung
Chế định trả hồ sơ điều tra bổ sung ngoài việc được quy định trong Bộ luật tố
tụng hình sự, còn được quy định, hướng dẫn tại một số văn bản hướng dẫn thi
hành, đó là: Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 của Hội đồng
Thẩm phán TAND tối cao, Thông tư liên tịch số: 01/2010/TTLT-VKSNDTCBCA-TANDTC ngày 27/8/2010 của Viện KSND tối cao, Bộ Công an, Tòa án
nhân dân tối cao hướng dẫn các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về trả hồ sơ
để điều tra bổ sung. Pháp luật cho phép Cơ quan tiến hành tố tụng trả hồ sơ vụ án
để điều tra bổ sung, nhằm:
- Bảo đảm việc điều tra, truy tố của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải tuân
thủ đúng trình tự thủ tục tố tụng được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự,
nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, công dân, tổ chức.
- Bảo đảm đầy đủ các chứng cứ buộc tội, gỡ tội đối với bị can, bị cáo và giải
quyết vụ án, đó là những vấn đề cần phải chứng minh được quy định tại trong Bộ
luật Tố tụng hình sự.
Tuy nhiên, việc trả hồ sơ vụ án hình sự để điều tra bổ sung được Viện KSND
tối cao hạn chế trong một tỷ lệ nhất định. Theo đó, đơn vị và Kiểm sát viên để xảy
ra tình trạng này sẽ bị đánh giá về mức độ hoàn thành nhiệm vụ, thành tích thi
đua,... Có vấn đề này, bởi lẽ:
- Viện KSND là cơ quan duy nhất được nhân danh Nhà nước Thực hành
quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; trong đó có hoạt động kiểm sát điều tra
vụ án hình sự, nhằm đảm bảo việc buộc tội đối với người phạm tội và đảm bảo
hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ vụ án của Cơ quan điều tra phải khách quan,
toàn diện, tuân thủ đúng quy định pháp luật. Do đó, việc trả hồ sơ vụ án để điều tra

9



bổ sung có lỗi của Kiểm sát viên thể hiện Viện kiểm sát không thực hiện tốt nhiệm
vụ được giao. Mặt khác, trả hồ sơ điều tra bổ sung sẽ làm cho vụ án điều tra, giải
quyết kéo dài; không đảm bảo nguyên tắc nhanh chóng, kịp thời trong công tác
đấu tranh phòng, chống tội phạm; không phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa
phương; thậm chí gây dư luận không tốt trong xã hội.
- Việc Viện KSND tối cao đề ra chỉ tiêu về tỷ lệ án trả hồ sơ điều tra bổ sung
của Viện kiểm sát là nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, trình độ chuyên môn
nghiệp vụ của Kiểm sát viên; ngăn ngừa những biểu hiện tiêu cực như: Né tránh, ỷ
lại, thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu ý thức học hỏi và tự đào tạo của Kiểm sát
viên,...
- Kiểm sát viên là một chức danh tư pháp, là người tiến hành tố tụng trong
các vụ án hình sự, có các nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật quy định để thực
hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động điều tra vụ án hình sự. Do đó, Kiểm sát
viên phải thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định để đảm bảo
hoạt động điều tra vụ án hình sự phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật, nhằm
buộc tội người phạm tội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của
nhân dân. Vì vậy, việc điều tra, thu thập chứng cứ vụ án của Cơ quan điều tra
không đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định; việc thu thập chứng cứ không
đầy đủ, dẫn đến vụ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung là trách nhiệm trước hết thuộc
về Kiểm sát viên kiểm sát điều tra vụ án.
Qua đánh giá thực trạng án trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến
hành tố tụng 02 cấp tỉnh Bình Định trong thời gian từ 2014 đến tháng 02/2017,
chúng tôi thấy rằng trách nhiệm để xảy ra vụ án trả hồ sơ điều tra bổ sung chủ yếu
là của Kiểm sát viên, thể hiện cụ thể như sau:
1.1. Kiểm sát viên thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc nghiên cứu hồ sơ vụ
án
- Không đọc kỹ các văn bản tố tụng do Điều tra viên lập: Hầu hết trong các
vụ án được nêu trong Chuyên đề đã chứng minh điều đó, vì các vi phạm, thiếu sót
của Điều tra viên trong hoạt động điều tra đối với các vụ án này là rất rõ ràng.
- Chưa đầu tư thời gian đúng mức cho việc cập nhật và mẫn cán trong việc

nghiên cứu, tra cứu các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, các văn bản có liên
quan - kể cả những quy định gần như nằm lòng như: Các quy định về hỏi cung bị
can chưa thành niên, lấy lời khai bị hại, nhân chứng chưa thành niên,... Và đây là
những thiếu sót đáng trách.
1.2. Kiểm sát viên định tội sai do không chịu khó nghiên cứu kỹ tội danh
được quy định trong bộ luật hình sự; không nghiên cứu kỹ các văn bản hướng
dẫn, các Thông báo rút kinh nghiệm,...
Việc định tội sai xảy ra ở không ít Kiểm sát viên là một trong những vấn đề
quan trọng, có ý nghĩa rất lớn trong đấu tranh phòng chống tội phạm và chất lượng
xử lý vụ án hình sự.
- Trong các trường hợp mà Bộ luật hình sự quy định nhiều tội có cấu thành cơ
bản gần giống nhau hoặc những tội phải dựa vào lỗi, động cơ, mục đích, thậm chí

10


là tính chất, mức độ của hành vi khách quan của bị can để định tội, thì việc định
tội danh sai có thể thông cảm được. Điển hình là vụ Trần Văn Hùng, can tội “Cố ý
gây thương tích” ở An Lão.
- Việc định tội danh “Cố ý gây thương tích” hay “Giết người” (thuộc trường
hợp chưa đạt - không có hậu quả chết người) hoặc trong trường hợp Cố ý gây
thương tích (hậu quả chết người) và Giết người là những trường hợp mà việc xác
định “ranh giới” này không hề đơn giản và đang còn nhiều tranh cãi, nhất là về
nhận thức. Vì việc định tội danh này phải căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau trong
từng vụ án cụ thể.
- Tuy nhiên, đối với những vụ án đã xảy ra trên địa bàn và đã được giải quyết,
được tập huấn, được thông báo rút kinh nghiệm, nhưng Kiểm sát viên vẫn định tội
danh sai, thì trách nhiệm trước hết thuộc về Kiểm sát viên.
Ví dụ như vụ Nguyễn Ngọc Chấn: Hành vi điều khiển xe tham gia giao thông
rồi đậu đỗ xe không đúng quy định của Luật Giao thông đường bộ, gây ra tai nạn

giao thông là phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông
đường bộ”.
1.3. Kiểm sát viên không yêu cầu Cơ quan điều tra chứng minh đầy đủ các
tình tiết có liên quan trong vụ án dẫn đến việc Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra
bổ sung vì nhận định bỏ lọt tội phạm, vì vấn đề bồi thường thiệt hại
- Đối với vụ án Nguyễn Đức Phương, Lê Anh Tuấn, can tội “Vi phạm quy
định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”: Trong vụ án này, Cơ quan
điều tra đã chứng minh được Nguyễn Văn Cường giao xe môtô cho Tuấn (không
có giấy phép lái xe theo quy định) điều khiển gây tai nạn làm chết người, nhưng
không điều tra làm rõ các chứng cứ buộc tội, gỡ tội đối với Cường. Trong trường
hợp này, Kiểm sát viên cần phải phát hiện, đề ra yêu cầu điều tra hoặc trực tiếp
tiến hành hoạt động điều tra để làm rõ tình tiết này.
- Đối với vụ án Lê Dân, Đoàn Thiên Đằng, can tội “Cố ý làm hư hỏng tài
sản”: Trong biên bản và bản ảnh khám nghiệm hiện trường thể hiện trần nhà bằng
nhựa bị một vết chém rách, nhưng không chứng minh rõ ai gây ra vết rách này. Do
không chứng minh rõ, nên bị hại khai nại rằng có người thứ ba tham gia đập phá
làm hư hỏng tài sản của họ.
Các vụ án này, sau khi điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra đã làm rõ các tình
tiết có liên quan và kết luận không bỏ lọt tội phạm. Các vụ án này đã được Tòa án
xét xử như quan điểm truy tố ban đầu của Viện kiểm sát. Như vậy, rõ ràng Viện
kiểm sát không bỏ lọt tội phạm, nhưng phải chấp nhận việc Tòa án trả hồ sơ điều
tra bổ sung bởi lý do trên.
- Đối với vụ án Lê Thị Cúc Hoa, can tội “Vô ý gây tổn hại cho sức khỏe của
người khác”: Lẽ ra trong quá trình điều tra, Kiểm sát viên phải yêu cầu cơ quan
điều tra giải thích cụ thể cho đại diện bị hại vấn đề yêu cầu bồi thường thiệt hại và
trách nhiệm cung cấp chứng từ có liên quan (vấn đề dân sự trong vụ án hình sự).
Nếu đã giải thích cụ thể nhưng bị hại không cung cấp chứng từ chứng minh yêu

11



cầu bồi thường, thì tại phiên tòa Kiểm sát viên lập luận và đề nghị tách phần dân
sự để giải quyết riêng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
1.4. Kiểm sát viên không bám sát hoạt động điều tra vụ án, nên không dự
lường được các tình tiết phát sinh trong vụ án để yêu cầu điều tra sát hợp, khả thi,
chất lượng, dẫn đến việc Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung vì phát sinh tình tiết
mới tại phiên tòa.
Vụ Nguyễn Xuân Dũng, can tội “Trộm cắp tài sản”. Trong hồ sơ vụ án có căn
cứ cho thấy những biểu hiện bị bệnh tâm thần của bị can Dũng đã có từ trước chứ
không phải phát sinh tại phiên tòa. Nhưng Cơ quan điều tra cố tình né tránh việc
giám định tâm thần, còn Kiểm sát viên không tham gia hỏi cung cùng Điều tra
viên nên không phát hiện ra và cũng không nhận thấy được những biểu hiện đó
khi phúc cung bị can hoặc đọc các lời khai của người thân, hàng xóm của bị can.
1.5. Kiểm sát viên không thực hiện việc phúc cung bị can theo đúng Quy định
tại Chỉ thị số: 04/CT-VKSTC ngày 10/7/2015 về tăng cường các biện pháp phòng,
chống oan, sai và nâng cao trách nhiệm trong giải quyết bồi thường thiệt hại cho
người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự
Vụ Nguyễn Tây cùng đồng phạm, can tội “Cố ý gây thương tích”. Tại phiên
tòa bị cáo Nguyễn Tây khai “Bị cáo chờ Viện kiểm sát phúc cung để khai rằng
anh Khánh bị Tùng đánh ngã rồi bị cáo chém nhưng Viện kiểm sát không phúc
cung”. Và bởi vì Kiểm sát viên không phúc cung, nên đã bỏ lọt người phạm tội.
1.6. Kiểm sát viên chưa nghiên cứu kỹ cấu thành cơ bản của Điều luật và các
quy định của pháp luật về xác định thiệt hại tài sản. Các vụ Bùi Văn Dũng, Đỗ
Hoàng Duy, can tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông
đường bộ”. Đối với các vụ án này, nếu là thiệt hại về tài sản thì cần phải định giá
để xác định mức độ thiệt hại làm căn cứ khởi tố vụ án; việc định giá mức độ thiệt
hại của tài sản phải được thực hiện theo quy định của pháp luật để xác định đúng
đắn mức độ bị thiệt hại. Nếu 02 vụ án này, kết quả định giá mức độ thiệt hại tài
sản không đủ định lượng cấu thành tội phạm thì vụ án sẽ bị đình chỉ và hành vi
của bị can không cấu thành tội phạm.

Song song với trách nhiệm của Kiểm sát viên là trách nhiệm của lãnh đạo
đơn vị (Trưởng phòng VKS tỉnh; Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng VKS cấp
huyện được phân công phụ trách hình sự). Mặc dù lãnh đạo đơn vị không thể đọc
100% các tài liệu, chứng cứ trong vụ án, nhưng để xảy ra việc trả hồ sơ điều tra bổ
sung do có lỗi của Kiểm sát viên thì lãnh đạo đơn vị cũng phải chịu trách nhiệm,
nhất là các trường hợp các KSV đã báo cáo đầy đủ, trung thực về hồ sơ vụ án.
Bên cạnh đó, Điều tra viên, Thẩm phán cũng có một phần trách nhiệm trong
việc ản trả hồ sơ điều tra bổ sung.
2. Nguyên nhân để xảy ra án trả hồ sơ điều tra bổ sung
Qua nghiên cứu, đánh giá thực trạng và trách nhiệm dẫn đến tình trạng án trả
hồ sơ điều tra bổ sung của Viện kiểm sát 02 cấp trong thời gian qua đã nêu trên;
chúng tôi thấy rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trả hồ sơ điều tra bổ sung và
nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ Kiểm sát viên, trong đó có các nguyên nhân mà

12


chúng tôi đã đề cập trong Chuyền đề “Nâng cao chất lượng thực hành quyền công
tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự nhằm hạn chế việc trả hồ
sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng”. Trong Chuyên đề này,
chúng tôi chỉ đưa ra những nguyên nhân bản thân mỗi Kiểm sát viên để Kiểm sát
viên nào thấy “bóng dáng” của mình trong đó thì tự khắc phục, sửa chữa để hoàn
thiện hơn. Đây là vấn đề thiết thực nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên
“Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản
lĩnh, kỹ cương và trách nhiệm” - cốt lõi để ngành Kiểm sát nhân dân Bình Định
hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Những nguyên nhân cụ thể như sau:
2.1. Trình độ, năng lực chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ để thực hành quyền
công tố, kiểm sát hoạt động điều tra của một số Kiểm sát viên chưa ngang tầm
nhiệm vụ.
Đây là nguyên nhân chính làm hạn chế chất lượng công tác thực hành quyền

công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử vụ án hình sự, trong đó có việc để xảy
ra án trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Một số Kiểm sát viên trẻ chưa chủ động trong việc tự trau dồi, nghiên cứu,
học hỏi để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Một số Kiểm sát viên
lớn tuổi thì thường thực hiện nhiệm vụ theo “lối mòn” kinh nghiệm, trong khi thực
tiễn luôn có nhiều thay đổi.
2.2. Kiểm sát viên thiếu tinh thần trách nhiệm, không thật sự tâm huyết với
Ngành
Các vụ án trả hồ sơ điều tra bổ sung trong chuyên đề này đã thể hiện một số
Kiểm sát viên thiếu tinh thần trách nhiệm. Và suy cho cùng là không yêu ngành,
yêu nghề, không phát hiện ra những thiếu sót, vi phạm rất rõ ràng của Cơ quan
điều tra; không chịu khó nghiên cứu hồ sơ; không trăn trở khi định tội danh,...
2.3. Lãnh đạo đơn vị do bận nhiều công việc, nên trong một số trường hợp
chưa kịp thời kiểm tra công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động điều
tra. Và mối quan hệ phối hợp công tác với các cơ quan tiến hành tố tụng chưa
thật sự chặt chẽ và đồng bộ.
III. GIẢI PHÁP NHẰM HẠN CHẾ TÌNH TRẠNG ÁN HÌNH SỰ TRẢ
HỒ SƠ ĐIỀU TRA BỔ SUNG GIỮA CÁC CƠ QUAN TIẾN HÀNH TỐ
TỤNG CÓ LIÊN QUAN ĐẾN TRÁCH NHIỆM CỦA KIỂM SÁT VIÊN
Giải pháp để hạn chế việc trả hồ sơ vụ án hình sự yêu cầu điều tra bổ sung
giữa các cơ quan tiến hành tố tụng có rất nhiều, nhưng những giải pháp cơ bản đã
được nêu cụ thể trong Chuyên đề “Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố,
kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự nhằm hạn chế việc trả hồ sơ
điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng” và đã được tổ chức tập huấn
trong ngành KSND tỉnh Bình Định, nên trong Chuyên đề này chúng tôi không
nhắc lại mà chỉ bổ sung thêm một số giải pháp sau.
Trong Chuyền đề này, khi đánh giá thực trạng, trách nhiệm và nguyên nhân
án trả hồ sơ để điều tra bổ sung, chúng tôi thấy nguyên nhân và trách nhiệm chính
xuất phát từ Kiểm sát viên. Do đó, chúng tôi đưa ra một số giải pháp nhằm trang


13


bị thêm năng lực chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ Kiểm sát viên. Vì
KSV là nhân tố quan trọng để thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố,
kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm; là giải pháp cần thiết, hiệu quả nhất giải
quyết những vấn đề tồn tại hiện nay, trong đó có tình trạng án trả hồ sơ điều tra bổ
sung.
1. Giải pháp về nâng cao năng lực, kỹ năng nghiệp vụ, kinh nghiệm thực
tiễn, phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh nghề nghiệp của
Kiểm sát viên trong công tác THQCT, KSĐT, KSXX sơ thẩm án hình sự
Đây là giải pháp quan trọng và có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao
chất lượng công tác THQCT, KSĐT, KSXX sơ thẩm án hình sự, nhằm hạn chế
việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Giải pháp gồm những nội dung sau:
- Đội ngũ Kiểm sát viên hiện nay có trình độ, năng lực không đồng đều; do
đó, lãnh đạo đơn vị khi bố trí, phân công nhiệm vụ cho Kiểm sát viên phải phù
hợp với năng lực thực sự của Kiểm sát viên, để Kiểm sát viên phát huy năng lực
của bản thân.
- Kiểm sát viên cần được đào tạo, bồi dưỡng về năng lực nghiệp vụ, kỹ năng
chuyên môn, kinh nghiệm công tác theo hướng chuyên sâu.
- Đảm bảo đủ số lượng kiểm sát viên làm công tác thực hành quyền công tố,
kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự đáp ứng chủ trương “Tăng cường
trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”.
Không có Kiểm sát viên thì không thể làm tốt công tác này được.
- Ở cấp tỉnh cần có những chuyên gia thực sự về lĩnh vực hình sự để không
chỉ góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của Ngành mà còn là chỗ dựa đáng
tin cậy cho Viện kiểm sát cấp dưới trong quá trình xử lý án hình sự.
- Kiểm sát viên cần nâng cao tinh thần tự nghiên cứu, học hỏi để tự đào tạo
nâng cao năng lực, kỹ năng nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn,...
2. Gải pháp về một số kỹ năng cơ bản trong hoạt động thực hành quyền

công tố, kiểm sát điều tra của Kiểm sát viên
Trong khuôn khổ chuyên đề này, Chúng tôi không nhắc lại các quy trình, quy
định của Ngành, của pháp luật về hoạt động của Kiểm sát viên trong công tác
THQCT, KSĐT vụ án hình sự, vì đây là những quy định bắt buộc Kiểm sát viên
phải tuân thủ khi thực hiện nhiệm vụ, nên đòi hỏi Kiểm sát viên tự nghiên cứu và
ghi nhớ. Qua thực tiễn công tác và đúc rút kinh nghiệm; chúng tôi mong muốn
Kiểm sát viên được trang bị thêm một số kỹ năng và kinh nghiệm khi thực hiện
một số hoạt động THQCT, KSĐT vụ án hình sự như sau:
2.1. Nghiên cứu hồ sơ tin báo tội phạm, hồ sơ vụ án của Kiểm sát viên
- Khi được phân công thụ lý thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải
quyết tố giác, tin báo về tội phạm và hồ sơ vụ án hình sự; Kiểm sát viên cần nắm
và hệ thống được tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ để xác định xem tài liệu, chứng cứ
có đủ chứng minh từng vần đề cụ thể trong từng vụ việc, vụ án hay không; xác
định những vấn đề còn thiếu chứng cứ để chứng minh.

14


- Kiểm sát viên cần kiểm tra thủ tục tố tụng trong hồ sơ, nếu phát hiện có sai
sót, vi phạm hoặc có nghi ngờ sai sót, vi phạm thì cần tra cứu các quy định của
pháp luật để làm căn cứ trao đổi, yêu cầu Cơ quan điều tra khắc phục.
- Trong từng vụ việc, vụ án cụ thể, Kiểm sát viên cần xác định cho được
những vấn đề cần chứng minh, làm rõ. Theo đó, đề ra yêu cầu điều tra đối với
những vấn đề này.
Đòi hỏi của giải pháp này là Kiểm sát viên phải nâng cao tinh thần trách
nhiệm; đầu tư thời gian đọc hồ sơ; tập luyện kỹ năng tổng hợp, hệ thống và kỹ
năng nghiên cứu các văn bản pháp luật.
2.2. Kiểm tra, đánh giá, hệ thống chứng cứ
- Trong thời gian qua, Kiểm sát viên khi kiểm tra, nghiên cứu, đánh giá
chứng cứ thường chú trọng vào các chứng cứ buộc tội. Tức là, chú trọng vào các

chứng cứ thể hiện bị can có thực hiện hành vi phạm tội hay không, phạm tội gì,...
chứ chưa chú trọng đến các chứng cứ gỡ tội. Thực tiễn có rất nhiều vụ án phải trả
hồ sơ điều tra bổ sung vì bên cạnh rất nhiều các chứng cứ buộc tội thì đồng thời
tồn tại cũng không ít chứng cứ gỡ tội. Những vụ án tồn tại đồng thời 02 loại chứng
cứ này thì không thể truy tố, xét xử được vì rất dễ dẫn đến oan, sai, bỏ lọt tội
phạm.
Đối với các vụ án dạng này, Kiểm sát viên cần đánh giá loại chứng cứ nào
đáng tin cậy hơn; loại chứng cứ nào tồn tại nhiều mâu thuẫn hơn,... Kiểm sát yêu
cầu Cơ quan điều tra thu thập thêm các chứng cứ khác để làm căn cứ chấp nhận
hoặc bác bỏ một trong 02 loại chứng cứ.
- Kiểm sát viên phải xem xét, đánh giá chứng cứ để đảm bảo đủ căn cứ buộc
tội đối với từng hành vi cụ thể của bị can, bị cáo; không để xảy ra những mâu
thuẫn trong các chứng cứ nhưng không được điều tra làm rõ; xác định tại sao có
những mâu thuẫn này.
- Kiểm sát viên phải đánh giá các chứng cứ được thu thập trong giai đoạn
chưa khởi tố vụ án, bị can và các chứng cứ mà Cơ quan điều tra thu thập trong giai
đoạn điều tra vụ án. Bởi lẽ, có nhiều lời khai trong giai đoạn điều tra bị thay đổi so
với những lời khai ban đầu, trong khi đó những lời khai ban đầu thường đáng tin
cậy hơn vì chưa bị thông cung, bày biểu, ép buộc và thậm chí là chưa lồng ý chí
của Điều tra viên vào đó.
Thực tế có nhiều vụ án, nếu chỉ dựa vào các chứng cứ ban đầu thì hành vi
phạm tội của bị can rất rõ ràng hoặc đủ chứng cứ để loại bỏ trách nhiệm hình sự
của một người cụ thể. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, lời khai có sự thay đổi
gây khó khăn cho hoạt động điều tra, giải quyết vụ án. Đối với các trường hợp này
thì Kiểm sát viên cần phúc cung, yêu cầu đối chất và xem xét một cách khách
quan nhất lý do thay đổi lời khai. Thu thập thêm chứng cứ để chứng minh lời khai
nào là đúng, là khách quan nhất.
2.3. Kiểm tra trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ của Cơ quan điều tra, Điều
tra viên


15


Điều 64 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định “Chứng cứ là những gì có thật,
được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định...”. Như vậy, trong nội
tại Điều luật này chứa đựng nhiều yếu tố để xác định đó có phải là chứng cứ hay
không. Ví dụ, lời khai của bị can là nguồn chứng cứ nhưng nếu việc hỏi cung bị
can không tuân thủ đúng quy định do Bộ luật này quy định thì lời khai này không
được xem là chứng cứ và không có giá trị chứng minh. Do đó, Kiểm sát viên phải
nghiên cứu kỹ, đọc toàn bộ các biên bản ghi lời khai, hỏi cung và các biên bản tổ
tụng khác, nếu phát hiện có sai sót, vi phạm thì kiên quyết yêu cầu Cơ quan điều
tra khắc phục. Trong các trường hợp này, Kiểm sát viên không cần phải e ngại, nể
nang, sợ mất lòng, bởi vì đây là các quy định do pháp luật đặt ra chứ không phải
tự bản thân Kiểm sát viên đặt ra.
2.4. Đề ra yêu cầu điều tra
Muốn đề ra yêu cầu điều tra có chất lượng, thì Kiểm sát viên phải đọc và nắm
vững nội dung, tình tiết của vụ án và các tài liệu, chứng cứ đã có trong hồ sơ.
Trong Yêu cầu điều tra cần một số nội dung cơ bản như sau:
- Đối với những vấn đề đã được pháp luật quy định Cơ quan tiến hành tố
tụng, người tiến hành tố tụng phải thực hiện, thì không cần thiết phải đưa vào yêu
cầu điều tra. Ví dụ: Chỉ định người bào chữa, nộp tiền là vật chứng vụ án vào tài
khoản tạm giữ,...
- Yêu cầu điều tra chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội: Động cơ, mục
đích, hành vi khách quan của bị can, hung khí,...
- Yêu cầu điều tra chứng cứ xác định vai trò đồng phạm: Sự bàn bạc, phân
công, ý thức, vai trò của từng người trong vụ án,...
- Yêu cầu điều tra các chứng cứ làm tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
cho bị can,...
- Yêu cầu thu thập chứng cứ để có quan điểm giải quyết đối với các vấn đề có
thể phát sinh, những người có liên quan khác,...

- Yêu cầu làm rõ vấn đề bồi thường dân sự,...
Trong quá trình điều tra, nếu Điều tra viên không thực hiện yêu cầu điều tra
của Viện kiểm sát, thì Kiểm sát viên cần trao đổi với Điều tra viên để nắm bắt lý
do Điều tra viên không thực hiện. Nếu xét thấy việc Điều tra viên không thực hiện
yêu cầu điều tra sẽ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, thì kịp thời báo cáo lãnh
đạo Viện để được hướng dẫn, chỉ đạo.
2.5. Đề xuất quan điểm giải quyết
Việc đề xuất quan điểm giải quyết vụ án của Kiểm sát viên cho lãnh đạo Viện
là hoạt động được quy định trong Quy chế nghiệp vụ của Ngành, nên chúng tôi
không nhắc lại trình tự và thủ tục. Tuy nhiên, cần lưu ý Kiểm sát viên một số vấn
đề liên quan đến việc đề xuất quan điểm như sau:
- Đối với các vấn đề phức tạp, vướng mắc hoặc những vấn đề cần xin ý kiến
chỉ đạo của lãnh đạo Viện, thì Kiểm sát viên cần báo cáo rõ cho lãnh đạo về nội

16


dung, các tài liệu chứng cứ chứng minh và đưa ra quan điểm giải quyết của Kiểm
sát viên để lãnh đạo Viện quyết định.
- Kiểm sát viên khi thực hiện báo cáo đề xuất phải trung thực, bám sát hồ sơ
vụ án; những vấn đề nắm bắt được bên ngoài, tuy có cơ sở tin tưởng, nhưng không
có trong hồ sơ vụ án thì chỉ mang tính tham khảo để củng cố thêm niềm tin nội
tâm.
2.6. Về hỏi cung bị can, lấy lời khai của bị hại, nhân chứng,...
Việc Kiểm sát viên tham gia cùng Điều tra viên hỏi cung bị can, người làm
chứng, bị hại hoặc kiểm sát hoạt động này hoặc trực tiếp hỏi cung bị can, lấy lời
khai người làm chứng, bị hại,... đã được quy định trong luật, các văn bản chỉ đạo,
hướng dẫn của ngành cấp trên, nên không nêu lại. Chúng tôi chỉ đưa ra một số kỹ
năng mà Kiểm sát viên cần nắm khi thực hiện hoạt động này như sau:
- Nội dung hỏi: Phải hỏi lại việc khai báo của bị can, bị hại, nhân chứng,...

với Điều tra viên như thế nào (khai có đúng sự thật không, tự nguyên khai hay bị
bức cung, mớm cung,...); hỏi bị can, bị hại, nhân chứng,... có khai thêm hay thay
đổi gì về lời khai không, lý do thay đổi. Quá trình hỏi cung, lấy lời khai phải đấu
tranh, lập luận để bác bỏ những lời khai không đúng của bị can, bị hại, nhân
chứng. Hỏi cung bị can, lấy lời khai cần tập trung vào những vấn đề trong hồ sơ
vụ án chưa rõ ràng hoặc để củng cố thêm chứng cứ áp dụng tình tiết tăng nặng,
giảm nhẹ,...
- Giải thích các quy định của pháp luật khi xét thấy cần thiết. Chẳng hạn như
quy định của pháp luật về tình tiết giảm nhẹ đối với việc bị can thành khẩn khai
báo.
- Kiểm sát viên phúc cung bị can, lấy lời khai nhân chứng, bị hại là để đánh
giá lại lời khai của những người nay, đánh giá lại các tình tiết của vụ án một cách
khách quan, toàn diện, nên Kiểm sát viên không cần phải thể hiện thái độ bực tức,
la lối khi bị can, bị hại, nhân chứng,... khai không đúng, không phù hợp lời khai tại
giai đoạn điều tra; không được mớm cung để lời khai của bị can, bị hại, nhân
chứng,... phù hợp với lời khai đối với Điều tra viên,...
2.7. Dự thảo Cáo trạng
Ngoài những giải pháp như viết Cáo trạng theo mẫu; phương pháp viết cáo
trạng; đưa bút lục chứng minh,... đã được nhắc nhiều lần và thể hiện trong rất
nhiều bài viết của Viện KSND tối cao, nên chúng tôi không nhắc lại. Qua thực tiễn
công tác, yêu cầu Kiểm sát viên khi dự thảo Cáo trạng cần phải:
- Phản ảnh đầy đủ diễn biến, sự thật khách quan của vụ án. Riêng các Kết
luận giám định phải trích nguyên văn.
- Khi trình dự thảo Cáo trạng, Kiểm sát viên cần báo cáo đầy đủ các vần đề
vướng mắc, còn nhiều quan điểm, các vấn đề phức tạp và những chứng cứ, tài liệu
thể hiện vấn đề này để lãnh đạo đơn vị cho quan điểm xử lý.
3. Giải pháp về một số kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử
sơ thẩm vụ án hình sự để bảo vệ Cáo trạng

17



Thực trạng án trả hồ sơ điều tra bổ sung cho thấy có vụ do Kiểm sát viên
nghiên cứu hồ sơ không thật kỹ và thiếu kỹ năng THQCT, KSXX sơ thẩm, nên đã
không bảo vệ được Cáo trạng; do đó, Hội đồng xét xử trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Vì vậy, giải pháp này nhằm trang bị thêm cho Kiểm sát viên một số kỹ năng trong
công tác THQCT, KSXX sơ thẩm.
- Luận tội: Kiểm sát viên phải chuẩn bị dự thảo luận tội trước khi xét xử; dự
thảo luận tội phải đầy đủ các nội dung và theo mẫu quy định. Dự thảo luận tội phải
được chuẩn bị chu đáo; từng vấn đề trong vụ án phải phân tích, đánh giá và có căn
cứ chứng minh. Trong dự thảo luận tội phải đưa ra các quan điểm, lập luận loại trừ
trách nhiệm hình sự đối với những hành vi không phạm tội; bác bỏ những lời khai,
chứng cứ không có lợi khi bảo vệ quan điểm của Viện kiểm sát. Kiểm sát viên cần
xoáy sâu, đánh giá, phân tích kỹ những vấn đề có nhiều quan đểm khác nhau hoặc
có kiến nghị, khiếu nại,...
- Đề cương xét hỏi: Chuẩn bị đầy đủ các câu hỏi để làm rõ các vấn đề của vụ
án và bảo vệ quan điểm truy tố. Cần chú trọng đến các vấn đề chưa rõ, còn mâu
thuẫn; đề cương xét hỏi phải dự lường được các trường hợp phát sinh. Cần đặt ra
các câu hỏi nhằm bác bỏ những lời khai nại không có căn cứ hoặc những vấn đề
còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau.
- Xét hỏi tại phiên tòa: Đối với những vần đề mà HĐXX đã hỏi và nội dung
lời khai tại tòa không thay đổi, thì KSV không cần thiết phải hỏi lại. Đối với các
lời khai tại tòa có sự thay đổi so với lời khai trong hồ sơ mà có khả năng dẫn đến
việc trả hồ sơ thì cần phải quan tâm đặc biệt. Theo đó phải xét hỏi lý do thay đổi,
lời khai nào đúng; xét hỏi những người khác để có cơ sở bác bỏ hay chấp nhận lời
khai tại tòa. Đưa ra những lập luận, phân tích, giải thích mang tính khách quan để
bác bỏ hay chấp nhận lời khai tại phiên tòa,...
Kiểm sát viên trực tiếp công bố lời khai theo quy định; đề nghị Hội đồng xét
xử cho phép Kiểm sát viên xét hỏi để bảo vệ Cáo trạng truy tố trong các trường
hợp bị cáo chối tội, kêu oan hoặc lời khai của bị hại, nhân chứng bất lợi cho việc

buộc tội đối với bị cáo.
- Tranh luận: Kiểm sát viên phải lắng nghe và tranh luận đối với tất cả các
vấn đề mà người bào chữa, bị cáo, bị hại, người liên quan,... đưa ra. Trong từng
vấn đề tranh luận phải đưa ra chứng cứ và quy định của pháp luật để chứng minh,
bảo vệ quan điểm của Viện kiểm sát. Việc tranh luận phải trọng tâm; gút lại từng
vấn đề đã tranh luận,...
4. Giải pháp về một số kỹ năng xây dựng mối quan hệ phối hợp giữa
Kiểm sát viên với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng
Lãnh đạo đơn vị phải chủ động xây dựng mối quan hệ phối hợp với Cơ quan
điều tra và Tòa án trên tinh thần tôn trọng, cầu thị và vì trách nhiệm chung. Theo
đó, Kiểm sát viên phải phối hợp với Điều tra viên, Thẩm phán một cách thực chất;
phối hợp trên cơ sở luật định; tuân thủ đúng các quy định của pháp luật như: Bộ
luật hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, các Thông tư liên tịch có liên quan. Việc
phối hợp phải trên cơ sở tôn trọng và cầu thị nhưng cũng không nên chứa đựng
yếu tố “Ba bộ đồng tình”.

18


Cơ sở để xây dựng mối quan hệ phối hợp khắng khít, bền vững là phải xuất
phát từ cái tâm trong sáng; không có hành vi tiêu cực, lợi ích cá nhân.
KẾT LUẬN
Trong một vụ án hình sự, từ giai đoạn thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo tội
phạm đến khi vụ án được xét xử xong, Kiểm sát viên là người có thời gian tiếp cận
nhiều nhất, có vai trò và nhiệm vụ chính đảm bảo cho việc giải quyết vụ án khách
quan, toàn diện, đúng pháp luật, nên quá trình tác nghiệp Kiểm sát viên cần thấm
nhuần lời dạy của Người về 5 đức tính của cán bộ Kiểm sát. Tuy nhiên, bên cạnh
đó đòi hỏi Kiểm sát viên phải là người có năng lực thực sự (trình độ, kỹ năng
nghiệp vụ) đáp ứng tốt nhất yêu cầu nhiệm vụ.
Trong nội dung Chuyên đề này, trên cơ sở những dạng vi phạm cơ bản nhất

và thường xuyên nhất dẫn đến trả hồ sơ điều tra bổ sung mà chúng tôi đã đề cập;
trên cơ sở xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung
đã phân tích; chúng tôi đưa ra các giải pháp với mong muốn nhằm từng bước bồi
dưỡng cho Kiểm sát viên về năng lực, kỹ năng công tác, tiến đến xây dựng đội
ngũ Kiểm sát viên “vừa hồng, vừa chuyên”, đây là nhân tố quan trọng để đáp ứng
yêu cầu mới trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát
xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, trong đó có việc hạn chế tình trạng án trả hồ sơ điều
tra bổ sung.
Quá trình xây dựng Chuyên đề, trên cơ sở đánh giá thực trạng án trả hồ sơ
điều tra bổ sung của Viện kiểm sát 02 cấp tỉnh Bình Định và tham khảo thực trạng
này ở các địa phương khác trong cả nước, chúng tôi nhận thấy ngành Kiểm sát
Bình Định là một trong những đơn vị có tỷ lệ án trả điều tra bổ sung thấp, đây là
một tín hiệu đáng mừng. Chúng tôi cũng rất thông cảm đối với những Kiểm sát
viên có vụ án phải trả hồ sơ điều tra bổ sung có liên quan đến trách nhiệm của
Kiểm sát viên, vì đây là một việc mà không KSV thụ lý vụ án nào mong muốn,
nhưng cũng cần nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật là có một số Kiểm sát
viên tinh thần trách nhiệm chưa cao, để hồ sơ bị trả điều tra bổ sung với những vi
phạm quá rõ ràng (vi phạm thủ tục tố tụng, bỏ lọt tội phạm). Đây là những trường
hợp cần phải được rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc.
Do thời gian xây dựng Chuyên đề không nhiều; hồ sơ vụ án Viện kiểm sát
cấp huyện cung cấp không đầy đủ; một phần không nhỏ là Báo cáo của VKS cấp
huyện xây dựng không đạt yêu cầu về nội dung và thời gian (những vấn đề này sẽ
tổng hợp rút kinh nghiệm sau), nên Chuyên đề không tránh khỏi những tồn tại,
thiếu sót, mong sự đóng góp của các đồng nghiệp.
Xin trân trọng cảm ơn!
Đỗ Tấn Phước - Trưởng phòng 1

19




×