Tải bản đầy đủ (.doc) (3 trang)

Phân tích bài thơ Câu cá mùa thu hay

Bạn đang xem bản rút gọn của tài liệu. Xem và tải ngay bản đầy đủ của tài liệu tại đây (37.6 KB, 3 trang )

CÂU CÁ MÙA THU (Thu điếu) – Nguyễn Khuyến
Mùa thu vốn là một đề tài quen thuộc trong thơ ca Việt Nam. Với Tam nguyên Yên Đổ
Nguyễn Khuyến, ông đã có chùm thơ nức tiếng gồm ba bài như một chùm hoa đẹp có hương
sắc lâu bền: “Thu vịnh”, “Thu ẩm” và “Thu điếu”. Bài thơ nào cũng hay cũng đẹp cho thấy một
tình yêu quê hương dạt dào. Nhà thơ Xuân Diệu đã khẳng định “Thu điếu” là “điển hình hơn cả
cho mùa thu của làng cảnh Việt Nam”, là bài thơ tả cảnh ngụ tình đặc sắc. Cảnh đẹp mùa thu
quê hương, tình yêu thiên nhiên, yêu mùa thu đẹp gắn liền với tình yêu quê hương tha thiết.
Bằng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, ngôn ngữ tinh tế, hình tượng và biểu cảm, cảnh thu,
trời thu xinh đẹp của làng quê Việt Nam như hiện lên trong dáng vẻ và màu sắc tuyệt vời dưới
ngọn bút thần tình của Nguyễn Khuyến.
Nếu như ở “Thu vịnh”, mùa thu được Nguyễn Khuyến đón nhận từ cái không gian
thoáng đãng, mênh mông, bát ngát, với cặp mắt hướng thượng, khám phá dân các tầng cao của
mùa thu để thấy được: “Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao” thì ở “Thu điếu",nhà thơ không tả
mùa thu ở khung cảnh thiên nhiên rộng rãi, không phải là trời thu, rừng thu hay hồ thu mà chỉ
gói gọn trong một ao thu (ao chuôm) – hình ảnh quen thuộc, bình dị của làng quê xứ Bắc:
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”
Mùa thu được biểu hiện ở làn nước trong veo và lạnh lẽo. Ngày xưa ở Hà Nam nhà
nào cũng có ao, những chiếc ao thu trong veo đến tận đáy. Âm tiết “veo” ở cuối câu thơ với âm
vực cao như một tiếng reo lên thích thú của thi sĩ yêu cảnh, thi sĩ đã cảm nhận được âm hưởng
của mùa thu khiến cho không gian càng trở nên yên tĩnh hơn nữa. Gió thu đã mang heo may về
giúp cho cái nóng oi, khó chịu của mùa hè chuyển sang se se lạnh. Đã vắng những cơn mưa rào
xối xả của mùa hạ, nước ao thu thấm cái lạnh của heo may mà lắng đến độ trong vắt, “trong
veo” đến tận đáy.
Những tưởng trong cái “ao thu lạnh lẽo” ấy mọi vật sẽ không xuất hiện vậy mà hiện
lên trên “ao thu”, giữa không khí thu “lạnh lẽo” ấy là “Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo”. Khung
cảnh thiên nhiên có dấu vết cuộc sống con người khiến cảnh thu thêm phần nào ấm cúng. Ao
thu không to lắm nên chiếc thuyền câu cũng phải “bé tẻo teo” cho hài hòa với khuôn ao. “Bé”
chứ không phải là “nhỏ”, chiếc thuyền câu cũng trở nên xinh xắn, đáng yêu như một thứ đồ
chơi khi nó “bé tẻo teo”. Đó chính là chiếc thuyền thúng quen thuộc ở vùng quê Bình Lục và từ
chiếc thuyền câu ấy thi sĩ đã ngắm nhìn cảnh thu. Với hai câu thơ mở đầu, nhà thơ sử dụng


những từ ngữ gợi hình ảnh, tạo độ cao: “lẽo”, “veo”, “tẻo teo” mang đến cho người đọc nỗi
buồn man mác, cảnh vắng vẻ, ít người qua lại.
Hai câu thực tiếp theo là những nét vẽ tài ba làm rõ thêm cái hồn của cảnh thu:
“Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo”
Trong cái ao nhỏ có sóng, có gió nhưng rất nhỏ, rất nhẹ và rất đẹp. Màu “biếc” của
sóng hòa với sắc “vàng” của lá đã vẽ nên bức tranh quê đơn sơ mà lộng lẫy. “Sóng biếc” là sóng
xanh, sóng theo gió nhẹ chỉ “hơi gợn tí” trên mặt ao thành hình, “lá vàng” cũng theo gió “khẽ
đưa” thành tiếng. Cuối hai câu thơ nổi lên hai từ đối nhau: “tí”, “vèo”. Một từ nói lên cái cực
nhỏ của hình khối, một từ diễn tả sự cực nhỏ của âm thanh. Không gian tĩnh lặng của mùa thu
cứ tăng dần theo từng cấp độ: “hơi gợn – tí”, “khẽ đưa – vèo”. Qua âm thanh, người đọc còn
nhận dạng được chiếc lá với hình dài thon thon, nhỏ nhẹ: chiếc lá tre, lá trúc đang xoay xoay
liệng xuống. Không gian động mà tĩnh, hữu thanh mà vô thanh. Nhà thơ Tản Đà đã hết lời ca


ngợi chữ “vèo” trong thơ Nguyễn Khuyến. Ông đã nói một đời thơ của mình may ra mới có
được câu thơ vừa ý trong bài “Cảm thu, tiễn thu”: “Vèo trông lá rụng đầy sân”. Những làn sóng
hơi gợn, âm thanh mơ hồ của chiếc lá vàng “khẽ đưa vèo” như làm xao động cõi lòng của thi sĩ.
Ở hai dòng thơ trên tác giả đã dùng động để tả tĩnh và miêu tả cận cảnh. Không gian tĩnh lặng
đến vô cùng, bởi vậy thi sĩ mới cảm nhận được một chút xao động nhẹ của sóng và âm thanh
khẽ khàng của chiếc lá rơi.
Đến hai câu luận, từ cảnh “ao thu lạnh lẽo”, tác giả đã miêu tả rộng và xa hơn đó là
cảnh trời thu:
“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo”
Không gian được mở rộng, bức tranh thu có thêm chiều cao của bầu trời xanh ngắt với
những tầng mây lơ lửng trôi theo gió nhẹ. Trong chùm thơ thu, Nguyễn Khuyến đã nhận diện
sắc trời thu là “xanh ngắt”:
“Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao”(Thu vịnh)
“Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt”(Thu ẩm)

“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt”(Thu điếu)
“Xanh ngắt” là xanh có chiều sâu. Thi sĩ đã đặc tả bầu trời thu cao xanh vời vợi cảm
giác như sâu hun hút về phía tầng cao, màu xanh ngắt ấy kết thành một khối tinh khiết và thăm
thẳm. Bầu trời thu xanh ngắt xưa nay vẫn là biểu tượng đẹp của mùa thu. Những áng mây
không trôi nổi bay khắp bầu trời mà “lơ lửng”. Đại thi hào Nguyễn Du cũng đã từng viết về
mùa thu với:
“Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng”
Thế rồi ông lão lơ đãng đưa mắt về bốn phía làng quê. Xóm thôn vắng lặng, tĩnh mịch,
với con đường quanh co, ngoằn ngoèo, hun hút không một bóng người qua lại. Có lẽ làng quê
đang bước vào vụ thu nên đường làng ngõ xóm mới vắng teo như vậy. Cảnh vật êm đềm
thoáng một nỗi buồn cô tịch, hiu hắt. Tất cả cảnh vật từ mặt nước “ao thu lạnh lẽo” đến chiếc
thuyền “tẻo teo”, từ “sóng biếc” đến “lá vàng”, từ “tầng mây lơ lửng” đến “ngõ trúc quanh co”
hiện lên với đường nét, màu sắc, âm thanh, có khi thoáng chút bâng khuâng, man mác nhưng rất
gần gũi, thân thiết với người Việt Nam. Với ngòi bút tài hoa, cảnh sắc mùa thu hiện lên thanh sơ
mà quyến rũ – cảnh thu dặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ và cả tấm lòng của thi sĩ yêu cảnh.
Thu điếu nghĩa là mùa thu câu cá. Sáu câu thơ đầu mới chỉ có cảnh vật: ao thu, chiếc
thuyền câu, sóng biếc, lá vàng, tầng mây, ngõ trúc mãi đến hai câu kết mới xuất hiện người câu
cá:
“Tựa gối buông cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo”
Giữa cảnh thu xuất hiện con người với tư thế bất động: tựa gối buông cần – tư thế co
lại như thu nhỏ mình lại để giảm bớt diện tích tỏa nhiệt tránh cái “lạnh lẽo” giữa ao thu với một
sự chờ đợi: lâu chẳng được. Nguyễn Khuyến muốn ngồi trong tĩnh lặng để trầm tư, hòa cái cô
đơn trống trải của lòng mình vào cái cô tịch, trong trẻo của mùa thu làng quê. Trong bài thơ “Di
chúc”, ông có những câu thơ đau đến từng chữ:
“Ơn vua chưa chút báo đền
Cúi trông hổ đất, ngửa lên thẹn trời”
Cho nên thẫm đẫm trong “Thu điếu” là tâm sự rối bời, sự trăn trở trước thời thế của
ông, thấy chiếc “lá vàng trước gió khẽ đưa vèo” mà thảng thốt thấy thời thế thay đổi quá nhanh,



non sông đã rơi vào tay giặc mà mình chẳng thể làm gì để đền ơn vua, báo nợ nước. Nguyễn
Khuyến đã thể hiện nỗi buồn đau và luôn mang nặng mặc cảm bất lực; để giữ khí tiết của nhà
nho, ông đã cáo quan ở ẩn để “câu thanh, câu vắng” tại quê nhà – đó là bi kịch của nhà nho yêu
nước Nguyễn Khuyến.
Bài thơ kết lại trong cái thảng thốt khi trong im lặng bỗng có tiếng cá “đớp động dưới
chân bèo”. Nhưng tiếng động đó chỉ là một tiếng động nhẹ, lẻ loi, nó không làm giảm bớt cái
tĩnh mịch của không gian mà lại càng làm tăng thêm sự vắng vẻ lặng lẽ của không gian mùa
thu. Chữ “đâu” được sử dụng thật thần tình, nó như cái giật mình thảng thốt, như cái ngơ ngác
của người mất phương hướng. Ở câu thơ cuối tác giả sử dụng ba âm “đ” (đâu, đớp, động) làm
rung động câu thơ, rung động cả tâm hồn người đang mải suy nghĩ. Dù chỉ là rung động mơ hồ
(có mà như không) chỉ đủ miêu tả sự quẫy đuôi rất nhẹ của con cá nhưng cũng đủ làm không
gian mùa thu tĩnh lại vô cùng.
Thi sĩ Xuân Diệu đã hết lời ca ngợi cái xanh trong “Thu điếu”: “Cái thú vị của bài
“Thu điếu” ở các điệu xanh, xanh ao, xanh bở, xanh sóng, xanh tre, xanh trời, xanh bèo, có một
màu vàng đâm ngang của chiếc lá thu rơi...”. Bên cạnh đó, nghệ thuật gieo vần của Nguyễn
Khuyến rất độc đáo. Vần “eo” là “tử vận”, oái ăm không dễ theo đã được Nguyễn Khuyến đưa
vào bài thơ rất tự nhiên thoải mái để lại ấn tượng khó quên trong lòng người đọc. Qua “Thu
điếu” ta phần nào cảm nhận được tấm lòng của nhà thơ đối với thiên nhiên, đối với cuộc sống.
Với Nguyễn Khuyến, tả mùa thu, yêu mùa thu đẹp cũng chính là yêu quê hương đất nước. Ông
thật xứng đáng khi được mệnh danh là “thi sĩ của làng quê Việt Nam”.



×